Nhật Ký Truyền Giáo Cha Piô Ngô Phúc Hậu Bài 24: CÚNG CƠM

Thứ bảy - 22/03/2025 21:13
cha Hậu
cha Hậu

Nhật Ký Truyền Giáo Cha Piô Ngô Phúc Hậu bài 24
CÚNG CƠM


 Sóc Trăng, ... 1961

Hôm nay Chúa nhật, nghỉ dạy học, mình đi làm công tác tông đồ theo đường lối của Legio Mariae. Mình ghé bệnh viện, lân la thăm bệnh nhân từ phòng này qua phòng khác. Người bệnh cuối cùng của chuyến viếng thăm là một cụ già 72 tuổi. Sau những câu chuyện con cà con kê, hai người trở nên thân thiết. Ông già đắc ỷ hỏi mình:

 - Tôi đố thầy nha: Một trăm người đi chợ mua bánh thì có bao nhiêu người mua bánh cho cha mẹ già và có bao nhiêu người mua bánh cho con cái ?

Mình chỉ cười trừ. Ông già hăng hái trả lời ngay:

 - Chín mươi chín người mua bánh cho con, chỉ có một người mua bánh cho cha mẹ. Công ơn cha mẹ thì quá nhiều, mà con cái báo đền thì chẳng được bao nhiêu !

Giọng ông bắt đầu nghẹn ngào. Ông ngước mắt nhìn lên để giữ cho hai dòng lệ khỏi lăn xuống. Ông nói tiếp, giọng nhệu nhạo:

 - Hồi tôi còn trẻ, tôi lục lăng và phá phách cha mẹ tôi nhiều lắm. Bây giờ lớn tuổi rồi, tôi mới thấy công ơn cha mẹ quá lớn. Tôi muốn báo đền. Phải chi cha mẹ tôi còn sống, thì muốn ăn gì tôi cũng lo cho vừa lòng...

 - Ba má bác mất rồi, thì bác báo đền bằng cách nào ?

 - Chết rồi thì còn ăn uống gì được nữa đâu mà báo đền. Thôi thì cũng một mâm cơm bậy bạ, một nén nhang bậy bạ vậy thôi, chứ biết làm thế nào bây giờ ?

 Mình thấy tội nghiệp ông già. Hối hận quá muộn. Báo đền công sinh thành quá trễ. Dọn một mâm cơm, cắm một cây nhang, với mặc cảm là không biết nó có giúp ích gì cho cha mẹ bên kia thế giới không. Bởi thế ông tự phê phán: một mâm cơm bậy bạ, một nén nhang bậy bạ... Nhưng cộng với một tấm lòng chân thành đáng kính trọng.

Mình tự hỏi: Phải chăng cái truyền thống cúng cơm, bắt nguồn từ những tâm hồn sám hối và bối rối như thế ?

 Bao nhiêu thế kỷ qua, người Kitô giáo vẫn chế giễu mâm cơm cho ông bà là dị đoan, là vô ích.

Chắc chắn nó vô ích về mặt tín lý, nhưng lại rất bổ ích về mặt tâm lý giáo dục. Nó xuất phát từ lòng hiếu thảo và nó cổ võ lòng hiếu thảo.

Vậy trong công tác truyền giáo, nên "rửa tội" nó, hay là loại trừ nó ? Dù sao ta cũng không có quyền chế giễu nó. Chế giễu nó là một sự xúc phạm đến lòng hiếu thảo của người không cùng tín ngưỡng với ta.
 

Tác giả: Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây