Là người trẻ, con chẳng hiểu thế nào là sống có ý nghĩa. Trong khi đó, con nghe nhiều người nói ý nghĩa cuộc sống là điều quan trọng. Vậy làm sao đạt được điều ấy?
Trả lời:
Mình rất thích một bài hát cực ngắn, dù không rõ tác giả là ai. Mình thích hát nó và tập cho người khác hát. Mình cũng không nhớ tên nên tự đặt cho nó là “Sống cho xứng đáng”. Có tìm hỏi Google mà chú cũng không tìm được! Xin được ký âm lại và gởi tặng để mọi người có thể cùng hát. (Xem bản nhạc ở cuối bài).
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã viết ca khúc Ước gì và được nhiều ca sĩ thời danh biểu diễn. Trong nhiều điều ước, điều ao ước nhất là “ước gì cho thời gian trở lại” để sửa lại những lỗi lầm đã gây ra giận hờn đến mức đổ vỡ mối tương quan! Đó luôn là một điều ước không tưởng. Thế mà đôi khi ta còn ước giá như có lần thứ hai để sống!
Giá mà…
Người than thân trách phận thích chữ “giá mà”. Họ thích nhìn lại quá khứ để tiếc nuối cho những gì mình có thể sống tốt hơn nhưng đã bỏ lỡ cơ hội. Đang độ tuổi thiếu niên thì lại muốn trở về tuổi thơ. Đang độ tuổi vào đời thì lại ước gì ta vẫn là học sinh áo trắng mộng mơ. Cứ thế, bạn tiếc mãi cho những gì đã qua và vẫn còn dang dở. Mong rằng bạn không đợi đến tuổi già để phải tiếc một đời – để cứ giá mà, giá mà…
Cơ hội là duy nhất?
Bạn từng nghe những lời khuyên này: “có chí làm quan, có gan làm giàu”, hay phải biết “chớp thời cơ”, hoặc “vận may không đến hai lần”. Bạn chần chừ vì chưa đo lường được hết phần thắng và rủi ro của cơ hội đó, một lần nữa cơ hội lại vụt mất. Bạn sợ mất cơ hội nên phải cố chụp giựt cho bằng được. Kết quả là sống kiểu “ăn vội ở thì”, “mì ăn liền” thiếu suy xét và giẫm đạp lên nhau để dành cơ hội; thậm chí còn nghĩ rằng đó là cách để “hãy là chính mình”!
Người ta nói đến “60 năm cuộc đời”, hay chúc nhau “trăm năm hạnh phúc”, hoặc than thở kiểu Cao Bá Quát trong bài thơ Chén rượu tiêu sầu:
“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy đã nực cười. Thôi công đâu chuốc lấy sự đời Tiêu khiển một vài chung lếu láo.”
Trong niềm tin Kitô giáo, được sinh ra trên cõi đời này là một ân huệ nền tảng, như trong Kinh Cám Ơn ta đọc: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng để con không (hư vô/không có) đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…” Thiên Chúa muốn bạn một lần được sinh ra để sống đời đời trong hạnh phúc với Ngài. Ngược lại, nếu “một đời để sống” đó đã không sống cho đáng sống thì hậu quả là đau khổ đời đời!
Vậy ra việc xác định mục tiêu cuộc đời và đạt đến nó một cách có ý nghĩa quả là quá quan trọng, dù bạn có đang nhận biết và chấp nhận niềm tin Kitô giáo hay không. Xin cùng với bạn tìm hiểu hai vấn đề quan trọng này.
Mục tiêu cuộc đời
Là người trẻ, bạn nghe đầy tai hai chữ “định hướng”: định hướng nghề nghiệp, định hướng tương lai, định hướng cuộc đời, định hướng ơn gọi… Xin đừng vì nghe nhiều mà nhàm tai, vì không có định hướng thì giống như con tàu giữa biển khơi mà không có bánh lái!
Hãy mường tượng cuộc đời bạn lênh đênh như một con tàu giữa biển khơi, và duy mình bạn vừa là thuyền trưởng, hoa tiêu, thủy thủ, kỹ thuật viên, và động cơ trên chiếc thuyền đó.
Bạn biết rằng chiếc thuyền sẽ đưa bạn đến nơi cần đến, chứ không phải là nơi định cư suốt đời. Muốn điều khiển chiếc thuyền đời mình đi đến đích, như một hoa tiêu, bạn cần xác định và dựa vào một “ngọn hải đăng”; sau đó dùng “la bàn” để định hướng nơi mình cần đến; cuối cùng mới dùng bánh lái điều khiển mọi khả năng của mình để đi đến đó.
Trước hết là “hải đăng”. Hãy duyệt xét xem đâu là hệ thống giá trị bạn đang dựa vào để xây dựng lý tưởng đời mình và xét duyệt cuộc sống mình. Có Đấng nào bạn cậy dựa vào để phóng mục tiêu đời mình vào tận đời đời không?
Kế đến dùng “la bàn” để xác định đích bạn muốn đến hay mục tiêu cuộc đời. Có các mức độ mục tiêu cuộc đời khác nhau. Có những mục tiêu chỉ giới hạn trong một giai đoạn cuộc đời. Có những mục tiêu chỉ giới hạn trong một đời người. Có những mục tiêu chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu bản thân và những người thân thuộc. Có những mục tiêu tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc cho tha nhân. Có những mục tiêu giới hạn cho an sinh con người. Có những mục tiêu lại vươn tới sự hài hòa và quân bình cho cả một hệ thống sinh thái. Có những mục tiêu vươn đến hạnh phúc đời đời và vươn đến chính Thiên Chúa. Vân vân và vân vân...
Ngoài việc xác định mức độ của mục tiêu cuộc đời, bạn còn cần học kỹ năng sử dụng “la bàn” để xác định mục tiêu cuộc đời là các kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng và kinh nghiệm phân định khôn ngoan – thần khí – thiêng liêng, kinh nghiệm thiêng liêng... Hãy tận dụng các cơ hội để được huấn luyện mình trong chiều sâu, hiểu biết xã hội và xây dựng mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Việc chữa lành các tổn thương quá khứ sẽ giúp bạn tự do hoạch định đời mình trong tầm nhìn yêu thương của Chúa. Một mục tiêu cuộc đời tốt sẽ giúp bạn phát triển toàn diện từ văn–trí–đức–thể–mỹ–tâm linh (nhân văn/tông đồ – tri thức – đức hạnh – thể lực – thẩm mỹ – tâm linh).
Cuối cùng là việc điều khiển bánh lái con thuyền, tức là quy hướng mọi khả năng của mình vào việc thực hiện mục tiêu tốt lành bạn đã đề ra cho đời mình. Nếu bạn đã có một mục tiêu tốt lành cho đời mình, chắc chắn bạn đang sống tích cực từng giây phút được ban cho, ngay cả khi mọi sự bị ngừng lại như trong đại dịch Corona vừa qua.
Sống có ý nghĩa
Cách thức bạn tiến tới mục tiêu tốt lành của đời mình chính là cách bạn đang sống có ý nghĩa. Khi biết sống có ý nghĩa từng giờ, từng ngày tháng năm, từng giai đoạn cuộc đời thì bạn sẽ đạt được ý nghĩa cuộc sống. Khi bạn sống đời mình cách có ý nghĩa, bạn cũng mang lại ý nghĩa sống cho người khác.
Trong tập tự truyện nhỏ với tựa đề Năm chiếc bánh và hai con cá (1997), với một ngôn ngữ dành cho người trẻ, ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận đã tóm tắt “bí kíp” đời mình thành bảy điểm, trong đó, điểm đầu tiên là Sống giây phút hiện tại. Mời bạn lướt qua đôi nét để quyết định sống có ý nghĩa từng giây phút đời mình từ hôm nay.
Ngay trong đêm bị bắt, ngồi trong xe thùng bị chở đi, một ánh sáng đã đến với Ngài: “Tôi sẽ không chờ đợi (tức ngày được trả tự do). Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”.
Nhưng làm sao để thực hiện được điều đó, một ánh sáng khác đến với Ngài: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Ðơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?” Kết quả là chúng ta có cả 1001 câu suy gẫm, đúc kết ngắn gọn Ngài viết cho chính mình và cho con dân Ngài mọi thời.
Ngài nói với các bạn trẻ đang nghe Ngài:
“Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là „đẹp nhất” của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa.”
Chúc các bạn sống có ý nghĩa và thành toàn đời mình!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Câu hỏi: Tại sao con phải tin vào Thiên Chúa trong khi con chưa nhìn thấy Ngài hoặc rất khó để thấy Ngài?
Trả lời:
Đây là câu hỏi của không ít bạn trẻ trong chúng ta, những bạn trẻ của thế hệ 4.0, của thế giới phẳng, của thời đại mà các khoảng cách địa lý dường như thu nhỏ lại, nhưng mối tương quan với Thiên Chúa dường như xa vời đi. Giới trẻ chúng ta ngày nay thường thích cái gì đó thực dụng hơn, cụ thể hơn, vì thế mà thường cảm thấy khó khăn hơn khi tin vào Thiên Chúa vô hình, dù Ngài vẫn ở gần bên.
Bạn thân mến,
Có rất nhiều người đã tin mà không đòi hỏi bằng chứng, không đòi phải được nhìn thấy tận mắt. Đối với họ, niềm tin xuất phát từ một cảm nghiệm nội tâm nào đó, hoặc từ một biến cố nào đó trong đời, từ một cảm nhận mãnh liệt về cái đẹp, hoặc từ trong thinh lặng suy tư…
Như thế, người ta có thể “thấy” Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nhưng bạn thì muốn “thấy” Thiên Chúa bằng con mắt tự nhiên cơ. Đây là mong muốn của rất nhiều người chứ không riêng gì bạn. Nhà thơ Hồ Dzếnh cũng đã từng thể hiện nỗi niềm băn khoăn thao thức như thế qua bài thơ Thể Chất:
Hỡi Thiên Chúa! Sao Người không có xác? Để tôi sờ? Không máu uống cho no? Sao giấc thiêng Người lặng lẽ không bờ? Hay, bí mật! hay… Người không phải Chúa?
Sao gió mát không kết thành giải lụa, Lễ tơ hồng thiên quốc cưới nhân gian? Sao Linh Hồn To Lớn lại không ban, Cho phép lạ mở toang trời giây phút?...
Ôi, nếu Thiên Chúa “mở toang trời”, để cho tất cả mọi người nhìn thấy Thiên Chúa cùng với cả triều thần thánh trên thiên đàng thì hay biết mấy. Như thế thì chẳng những bạn, mà tất tần tật mọi người trên thế giới này sẽ tin liền, tin hết, tin không do dự gì nữa. Nhưng như thế thì có còn là tin nữa không nhỉ? Hình như không bạn ạ. Bạn đã đứng trước một sự thật hiển nhiên rồi. Những gì là hiển nhiên thì không cần phải tin nữa. Khi ấy chúng ta buộc phải chấp nhận thôi, không còn cách nào khác.
Tin là hành vi tự do
Bạn thử nghĩ: nếu Thiên Chúa tỏ mình ra với từng người cách tỏ tường và hiển nhiên tới mức ta không thể không tin vào Ngài, thì liệu ta có còn tự do để hiểu biết và yêu mến Ngài nữa không? Một ông vua với đoàn hùng binh oai vệ, đến cầu hôn một nàng thiếu nữ là thần dân trong nước mình, liệu nàng thiếu nữ ấy có còn tự do để chọn lựa hay không? Chắc hẳn là không. Nàng có thể vì ham vinh hoa quyền thế mà sẵn sàng lên xe hoa; hoặc dù nàng không muốn đi chăng nữa, cũng sẽ vì sợ hãi mà phải ưng thuận, chẳng có được tự do.
Có lần mình đọc được một đoạn sách với những dòng tư tưởng rất thú vị như sau:
“Thiên Chúa ư, chẳng ai thấy Người bao giờ, càng hay! Vâng, càng hay. Vì nếu không, kẻ tin sẽ bị buộc phải lặp đi lặp lại thị kiến đó không ngừng: họ phải luôn luôn nhìn về quá khứ, không còn gì nữa để khám phá thêm. Chính vì Thiên Chúa không tỏ hiện mà họ mới có tự do, có trách nhiệm… Đức tin là một cuộc tìm kiếm, là sáng kiến, là mạo hiểm.” (A. Patin)
Vâng, Tin là hành vi tự do. Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, Ngài muốn con người ấy phải được tự do và được hướng dẫn theo chính phán đoán của mình. Trong cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã chứng thực lời giảng thuyết của Ngài bằng những phép lạ, để khơi dậy và củng cố lòng tin của người nghe, nhưng Ngài không hề tạo áp lực cưỡng ép bất cứ ai phải tin vào Ngài bao giờ.
Tự do chính là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho con người; đó là khả năng tự quyết định, tự định hướng cuộc đời mình về hạnh phúc. Nhờ có tự do mà con người phát triển và trưởng thành trong chân lý và sự thiện. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi con người quy hướng về Thiên Chúa là chính nguồn hạnh phúc của mình. (x. GLHTCG 1731)
Tin là một cuộc tìm kiếm
Bạn biết không, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi và không ngừng kêu gọi bạn cũng như mọi người tìm kiếm Ngài để được sống một đời sống sung mãn, một đời sống có ý nghĩa và đạt được hạnh phúc. Việc tìm kiếm này đòi hỏi bạn phải có nỗ lực của trí tuệ, có sự ngay thẳng của ý chí, một tấm lòng thành thực và tất nhiên bạn cũng cần đến chứng từ của những người khác nữa.
Bạn đã bao giờ để ý thấy từ bên trong sâu thẳm lòng mình, luôn có một thao thức, một thao thức mà không có ai và không có gì ở đời này có thể khỏa lấp được không? Ắt hẳn là có. Vậy bạn hãy kiếm tìm đi, Chúa Giêsu hứa rằng “ai tìm thì sẽ thấy”. Một khi bạn đã “thấy” được sự hiện hữu của Thiên Chúa, bạn cũng sẽ dần dần tin tưởng để có thể nói chuyện với Ngài, và tự nguyện bước vào mối tương quan thân thiết với Ngài.
Có lẽ bạn hiểu rằng, ở trong cuộc sống này, cho dù người ta có được mọi thứ, cũng không ai cảm thấy được hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thỏa mãn. Thánh Augustinô là một điển hình, ngài từng trải qua nhiều năm chạy theo ái tình và danh lợi, nhưng ngài chưa bao giờ cảm thấy thực sự hạnh phúc, ngài cũng từng tìm kiếm sự khôn ngoan qua các thuyết triết lý, nhưng chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Mọi sự thay đổi hoàn toàn khi ngài nhận biết Thiên Chúa. Với niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn, Augustinô bắt đầu sống một đời sống mới. Ngài trở về nhà và phân phát hết tài sản cho người nghèo, sống một cuộc đời đan tu khổ hạnh cùng với những người bạn của Ngài. Vì niềm tin yêu mãnh liệt, ngài đã kêu lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng!” Và ngài cầu nguyện một cách đầy xác tín:
“Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và đáng ca tụng: quyền năng của Chúa cao cả và sự khôn ngoan của Chúa thật khôn lường. Và con người, một phần nhỏ bé trong các thụ tạo của Chúa muốn ca tụng Chúa. Chính Chúa thúc giục để con người vui thích ca tụng Chúa, bởi vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con luôn khắc khoải băn khoăn cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.”
Tương tự như thánh Augustinô, trải qua dòng lịch sử đã có vô số những con người đã dám từ bỏ đời sống vinh hoa và lợi lộc trần gian để quyết chí lên đường kiếm tìm chân lý. Trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng như sơ Dolores Hart, từng là một ngôi sao trẻ đang lên của làng điện ảnh Hollywood. Năm 24 tuổi, sơ đã bỏ lại sau lưng danh vọng và tên tuổi đang chói ngời của mình, bỏ lại những hợp đồng bạc triệu và nhất là mối tình của chàng kiến trúc sư giàu có và hết lòng thương yêu mình để thề nguyện sống cho riêng Chúa trong một tu viện dòng kín. Mới đây, hoa hậu người Mexicô, Esmeralda Solís Gonzáles đã gia nhập dòng Thừa sai Thánh Thể Clara Khó nghèo vào ngày 25/3/2017; con trai của nữ Thủ tướng Ba Lan là Tymoteusz Szydło trở thành linh mục vào ngày 27/5/2017; cầu thủ bóng đá của đội MU, Philip Patrick Stephen Mulryne cũng đã từ bỏ sự nghiệp và trở thành linh mục vào ngày 08/07/2017… Họ là những người sau khi chạm đến “mầu nhiệm Thiên Chúa” thì không còn thiết tha điều gì khác nữa, họ dám từ bỏ tất cả sự nghiệp và danh vọng để sống cho riêng Ngài. Họ ít nhiều đều trở thành những dấu chỉ của sự vĩnh hằng, tuyệt đối và là những chứng nhân củng cố và khích lệ niềm tin cho chúng ta.
Nếu bạn thắc mắc: Tại sao con người lại không thỏa mãn với những thực tại đời này? Tại sao con người cảm thấy cuộc đời của mình quá chật hẹp? Tại sao con người luôn có một khát khao hạnh phúc mà không gì ở đời này có thể lấp đầy được? Thì câu trả lời cho bạn sẽ là: do chính bản tính của mình, con người được tạo dựng để hướng về một Hữu Thể Tuyệt Đối. Thần học gia K. Rahner trình bày chân lý này như sau: “Con người là hữu thể có liên hệ với Đấng siêu việt, đón nhận sự sống từ Đấng siêu việt… Con người luôn quy hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là cùng đích của con người, là trung tâm sâu thẳm nhất của hiện hữu con người.” Đức hồng y người Đức W. Kasper thì lý giải cho chúng ta thế này:
“Con người tự do không thể tìm thấy trong thế giới này có cuộc gặp gỡ nào đủ sức làm cho sự tự do của họ được hoàn thành. Chính vì thế mà cuộc sống con người lúc nào cũng dao động và bất ổn. Con người chỉ có thể được hoàn thành mĩ mãn khi gặp được một sự tự do vô hạn… gặp được một sự tự do tuyệt đối, nhờ đó tìm được sự bình an và sung mãn trong lòng.”
Tin cũng là mạo hiểm
Để tin, bạn cần phải dám mạo hiểm. Bạn cần phải mạnh dạn bước tới chứ đừng rụt rè trước cái ngưỡng của đời sống tâm linh. Dù có thể chưa thấu hiểu hết con đường mình chọn nhưng phần còn lại bạn chỉ có thể khám phá khi đã mạnh dạn bước tới. Thánh tiến sĩ Anselmô Cantorbery từng nói: “Tôi không tìm cách hiểu để tin, nhưng tôi tin để hiểu”. Khi chấp nhận tin rồi, thì mọi sự sẽ trở nên tươi sáng hơn, tựa như một người bị cận thị bẩm sinh bỗng một ngày thấy mọi sự trở nên bừng sáng rõ ràng nhờ dám đeo vào cặp mắt kính. Nếu bạn cứ khăng khăng muốn thấy rõ mọi thứ rồi mới tin thì chắc rằng bạn sẽ chẳng bao giờ tin, và bạn chẳng bao giờ được bình an hạnh phúc. Một quyết định dứt khoát có thể ví như một cú nhảy. Bạn hãy mạnh dạn nhảy qua cái hố buồn tẻ của sự lưỡng lự, hoài nghi để đến với bến bờ Đức Tin, đến với vòng tay vô biên của Thiên Chúa, Người Cha khả ái đang chờ đợi bạn. Mình cam đoan với bạn rằng: sau khi thực hiện cú nhảy đó, bạn sẽ thấy tâm hồn tràn ngập hạnh phúc và bình an. Có một câu chuyện rất hay sau đây minh họa về điều đó: Một cậu bé đang ngủ trên tầng lầu, bỗng phát hiện căn nhà đang bốc cháy, cậu chạy ra cửa sổ và gọi: “Ba ơi cứu con!”. Một giọng nói từ dưới gọi lên: “Con ơi nhảy xuống đi, có ba đây!” Nhìn xuống chỉ thấy khói lửa mù mịt, cậu bé nói: “Nhưng con không thấy ba”. Người cha thúc giục: “Con không thấy, nhưng có ba đây, con cứ nhảy xuống đi”. Và cậu bé đã nhảy xuống, với tất cả niềm tin. Cậu đã rơi vào vòng tay an toàn của người cha.
Cầu nguyện, xin ơn đức tin
Điều cuối cùng, và lẽ ra cũng là đầu tiên, là bạn hãy cầu nguyện để xin ơn đức tin. Vì nếu chỉ có nỗ lực từ phía con người thì không đủ. Đức tin là một ơn Chúa ban. Bạn hãy cầu xin như người đàn ông trong sách Tin Mừng: “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa giúp lòng tin yếu kém của con” (x. Mc 9,24), hay như lời cầu nguyện của thánh Anselmô sau đây:
Lạy Chúa, xin hãy dạy con tìm kiếm Chúa; Tỏ mình ra cho kẻ tìm kiếm Chúa bởi vì con không thể tìm kiếm Chúa nếu Chúa không dạy dỗ con, cũng như không gặp được Chúa nếu Chúa không tỏ mình. Xin cho con tìm kiếm Chúa khi ao ước Chúa, Xin cho con ao ước Chúa khi tìm kiếm Chúa, Xin cho con gặp được Chúa khi yêu mến Chúa Và xin cho con yêu mến Chúa khi gặp được Chúa. Hay ít là bạn hãy thử một lần lắng tâm hồn lại để nghe từ trong nội tâm sâu thẳm tiếng nói thì thầm của một tình yêu bao la thanh tịnh vô biên và sáng láng.
Nếu bạn đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, ơn Đức Tin đã được ban cho bạn rồi. Việc bạn phải làm là cộng tác với ơn Chúa để ơn ấy lớn lên trong bạn. Bạn hãy cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, tham dự các Bí tích, nhất là lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, là Mầu Nhiệm Đức Tin, qua đó đức tin của bạn sẽ được nuôi dưỡng để lớn lên. Thánh Giacôbê nhắn bảo chúng ta: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Chỉ khi ta bền lòng, vững chí thể hiện lòng tin tưởng vào Chúa, gắn bó với Chúa, đức tin của chúng ta mới tăng trưởng và sinh hoa trái. Vì “Người công chính sẽ sống nhờ lòng trung tín của mình” (Kb 2,4).
Chúc bạn sớm có được niềm tin vững chắc nơi Thiên Chúa.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Câu hỏi: Khoa học đã giải thích rất rõ ràng về các vấn đề mang tính chất bí ẩn, liệu còn có thể giải thích bằng niềm tin tôn giáo?
Bạn thân mến,
Mối liên hệ giữa đức tin và khoa học là một chủ đề rất hấp dẫn vì nó đụng chạm đến kinh nghiệm thực tế của mỗi người chúng ta trong thời đại hiện nay. Nhất là khi chúng ta có cảm tưởng rằng tiến bộ của khoa học dường như đang chứng minh niềm tin tôn giáo là “lỗi thời,” nếu không muốn nói là “sai lầm” hay “ấu trĩ.” Trong toàn bộ bài chia sẻ này, tôi vẫn sẽ dùng lại từ bạn sử dụng trong câu hỏi của mình là “niềm tin tôn giáo”, nhưng nó được hiểu là “đức tin Kitô giáo.”
Có thể bạn đã biết, khoa học tự nhiên bắt đầu phát triển rầm rộ từ cuối thế kỷ 17, khởi đầu cho một giai đoạn mà người ta gọi là thời kỳ Khai Sáng, kéo dài đến đầu thế kỷ 19. Kết quả nghiên cứu khoa học đã giúp người ta nhận ra một vài vấn đề Giáo hội dạy trước đó là không đúng. Từ đó đến nay khoa học vẫn không ngừng phát triển, nhiều điều trước đây còn là bí ẩn, thì bây giờ đã được tiếp cận và giải thích rõ ràng hơn dưới ánh sáng của khoa học.
Vậy chúng ta có nên lo sợ rằng đến một ngày nào đó khoa học sẽ thay thế tôn giáo không? Câu trả lời là “không”. Bởi vì tôn giáo và khoa học tiếp cận sự vật hiện tượng từ hai góc nhìn khác nhau nên chúng không những không loại trừ nhau mà còn bổ túc cho nhau nhằm giúp con người hiểu biết chính xác và trọn vẹn hơn về thế giới tự nhiên.
Không ít người cho rằng tôn giáo và khoa học “có địa bàn hoạt động” khác nhau. Theo đó, đối tượng của khoa học là thế giới tự nhiên, còn đối tượng của tôn giáo là thế giới siêu nhiên. Trước đây, khi khoa học chưa phát triển thì con người thường quy những hiện tượng bí ẩn hoặc không giải thích được về thế giới siêu nhiên, nơi được cho là thế giới của Thiên Chúa và các thần linh. Hệ quả của cách hiểu như vậy là mỗi khi khoa học vạch trần sự bí ẩn của một hiện tượng nào đó thì cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận vai trò của niềm tin tôn giáo nơi hiện tượng ấy. Nó là “tự nhiên” chứ không còn “siêu nhiên” nữa.
Ví dụ như so với trước đây thì ngày nay những hiện tượng sấm sét, động đất, sóng thần, nhật thực, nguyệt thực, sao băng, thủy triều… không còn mang vẻ bí ẩn hay thần thiêng nữa. Bởi vì con người có thể giải thích được chúng dựa vào kiến thức khoa học tự nhiên. Khoa học được xem là ánh sáng xua tan bóng tối của những điều mê tín lầm lạc trong nhiều tôn giáo và tín ngưỡng. Do vậy người ta có xu hướng đi đến kết luận rằng khoa học là “kẻ thù không đội trời chung” với tôn giáo!
Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy rằng tôn giáo và khoa học không những không phải là “kẻ thù” mà còn có thể “đội trời chung” rất tốt. Ở đây ranh giới giữa khoa học và tôn giáo không nằm ở loại đối tượng tiếp cận nhưng ở cách tiếp cận đối tượng. Hiểu theo cách chung nhất: khoa học tìm hiểu mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng với nhau trong thế giới tự nhiên, còn tôn giáo đặt thế giới tự nhiên trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Theo đó, khoa học nghiên cứu quy luật hay nguyên lý hoạt động của các sự vật hiện tượng.
Cho đến khi con người chưa khám phá ra quy luật của một hiện tượng nào đó thì nó vẫn được coi là bí ẩn, hay còn gọi là “khoa học chưa giải thích được.” Về phía mình, niềm tin tôn giáo không tìm cách giải thích quy luật tự nhiên của một sự vật hiện tượng nhưng lại đặt ra một vấn đề mang tính nền tảng hơn; đó là tại sao có cái đó (mà không phải là không có!) và nó mang ý nghĩa gì trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Để thấy được khoa học và đức tin có thể song hành và bổ túc cho nhau như thế nào, trước hết chúng ta cần biết rằng khoa học tự nó luôn có giới hạn trong cách tiếp cận thế giới tự nhiên. Thật vậy, quan sát khoa học bị giới hạn trong thế giới khả giác, tức là những gì có thể cân đong đo đếm được. Cho dù sự phát triển của kỹ thuật công nghệ và máy móc tiến bộ đã giúp con người tiếp cận được những gì trước đây còn là bí ẩn, thì tất cả đối tượng của khoa học vẫn luôn ở trong giới hạn của thế giới khả giác.
Do đó khoa học không thể đưa ra lời giải đáp cho những gì nó không bao giờ có thể đụng chạm tới được. Cụ thể là khoa học chỉ quan sát được những hiện tượng trong không gian và thời gian. Những gì nằm ngoài không gian và thời gian thì không thể là đối tượng của khoa học.
Nói chung, khoa học không bao giờ giải thích được mục đích tồn tại và ý nghĩa của một sự vật hiện tượng, bởi vì điều đó nằm ngoài phạm vi của khoa học. Chính tôn giáo đã lãnh nhận sứ mạng mà khoa học không thể đảm nhận được. Theo đó, đức tin và khoa học bổ túc cho nhau để giúp con người hiểu đầy đủ hơn về thế giới tự nhiên, không chỉ trong quy luật vận hành của chính nó (theo giải thích của khoa học) mà còn trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mọi sự (theo hiểu biết của đức tin).
Do vậy niềm tin tôn giáo không loại trừ và cũng không lệ thuộc vào giải thích của khoa học. Cho dù khoa học đã giải thích về một hiện tượng tự nhiên thì niềm tin tôn giáo vẫn đóng vai trò cần thiết trong việc tìm ra mối liên hệ ý nghĩa giữa hiện tượng đó với đời sống con người trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Thiên Chúa bí ẩn là bởi vì con người cần có con mắt đức tin để nhận ra Ngài trong thế giới chúng ta đang sống, chứ không phải vì Ngài ở trong một thế giới nào khác mà chúng ta không thể đụng chạm được. Như thế, vấn đề của chúng ta không phải là tìm cách phân biệt giữa “tự nhiên” và “siêu nhiên,” mà là chúng ta cần có con mắt “siêu nhiên” để nhận ra Chúa đang hiện diện nơi những gì “tự nhiên.”
Con mắt “siêu nhiên”, hay cũng có thể gọi là con mắt đức tin, giúp con người thấy Thiên Chúa vẫn luôn không ngừng thông ban nguồn sống của Ngài cho mọi tạo vật trong thế giới tự nhiên này.
Tạ ơn Chúa là có những nhà khoa học lỗi lạc đã giúp chúng ta hiểu hơn nguyên lý vận hành của những hiện tượng tự nhiên. Từ đó chúng ta thấy công trình Chúa làm ra thật là kỳ diệu. Có thể kể ra đây một vài ví dụ như hàng tỉ tỉ tinh tú trong không gian vận hành theo một quỹ đạo hoàn hảo đến mức không có một lỗi va chạm tai hại nào xảy ra; hàng tỉ tỉ người trên thế giới nhưng không ai hoàn toàn giống ai, v.v…
Như thế ngoài con mắt “khoa học” để tìm hiểu nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng trong thế giới tự nhiên thì chúng ta vẫn cần thêm con mắt “đức tin” để nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong đó.
Thực tế là trong một thời gian dài người ta đã không phân biệt rạch ròi giữa cách tiếp cận của khoa học và của niềm tin tôn giáo, khiến hai lĩnh vực này nhập nhằng và có thể nói là đã “lấn sân” nhau, gây nên những hậu quả đáng tiếc. Chúng ta cần tỉnh táo nhận ra điều này bởi vì cho tới thời đại ngày nay, tàn dư của cách hiểu sai lầm vẫn đang gây ra những cuộc tranh luận không có điểm dừng khi bàn về mối tương quan giữa đức tin và khoa học. Sai lầm đó có thể phát xuất từ Giáo hội Công giáo khi các vị lãnh đạo Giáo hội dựa vào nghĩa đen của từng câu chữ trong Kinh Thánh hoặc tệ hơn nữa là sử dụng quyền lực chính trị của mình để áp đặt kết luận về những vấn đề vốn dĩ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Điển hình cho việc này chính là vụ án Galileo.
Vào năm 1633, Galileo đã bị Tòa án Giáo lý Công giáo kết án tội lạc giáo vì đã ủng hộ thuyết nhật tâm của Copernic, cho rằng trái đất và các hành tinh khác quay quanh mặt trời. Galileo có đầy đủ bằng chứng khoa học để ủng hộ lý thuyết này; bởi vì chính ông đã dùng kính viễn vọng để quan sát và nghiên cứu đường di chuyển của các hành tinh trong hệ mặt trời. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Giáo Hội lại dạy người ta phải tin vào thuyết địa tâm của Aristotle với quan niệm rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi tinh tú đều chuyển động quanh nó. Có thể Giáo Hội hiểu như vậy là vì đã dựa vào những câu trong Kinh Thánh như: “Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng lay chuyển.” (1Sb 16,30; Tv 93,1; Tv 96,10), “Chúa lập địa cầu trên nền vững, không chuyển lay muôn thuở muôn đời!” (Tv 104,5), “Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên.” (Gv 1,5).
Đây là một sai lầm lớn, bởi vì mục đích Kinh Thánh được viết ra không phải để mô tả chân lý khoa học mà là để trình bày chân lý đức tin. Chân lý khoa học là kết quả của quá trình nghiên cứu thực nghiệm; còn chân lý đức tin là kinh nghiệm phản tỉnh của con người về Thiên Chúa do chính Ngài mặc khải cho.
Ví dụ, trình thuật Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sách Sáng thế không nhằm mô tả việc vũ trụ được hình thành như thế nào và trong thời gian bao lâu theo cách hiểu của khoa học. Nhưng điều ấy chỉ để nói lên rằng Thiên Chúa chính là Đấng dựng nên mọi sự và mọi sự đều tồn tại được nhờ Ngài. Tương tự, chúng ta đọc từ trình thuật Thiên Chúa tạo dựng nên Adam và Eva không phải như một chứng cứ khoa học dùng để bác bỏ thuyết tiến hóa, nhưng như là chân lý đức tin, rằng con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và có một vị trí đặc biệt trong công trình tạo dựng của Ngài. Do đó cần phải khẳng định rõ ràng là không thể dùng Kinh Thánh để giải thích các hiện tượng tự nhiên như khoa học được, tương tự như việc không thể học toán qua tiểu thuyết văn chương được.
Tiếc là nhiều người đã mắc sai lầm khi không ý thức về giới hạn của khoa học. Ví dụ, họ muốn dùng những chứng cứ khoa học để chứng minh hay bác bỏ sự tồn tại của Thiên Chúa, hoặc là tìm hiểu về sự sống đời sau hay về ngày tận thế. Như chúng ta đã biết, đó là điều không thể. Tương tự, nghiên cứu khoa học không thể giúp con người hiểu biết hơn về linh hồn hay các quy chuẩn đạo đức trong đời sống con người. Nếu một nhà khoa học có thể nghiên cứu về linh hồn thì thật ra đó chỉ là một dạng vật chất được gọi là linh hồn chứ không phải thực sự là linh hồn. Khoa học cũng sẽ không bao giờ tìm ra một bộ phận thần kinh nào đó trong não người có thể đóng vai trò xác định và điều khiển hành vi luân lý. Như thế, dù có tiến bộ tới đâu thì khoa học vẫn luôn mang giới hạn thuộc về bản chất của nó.
Bạn đã có nhận xét rất đúng rằng: khoa học giúp giải thích rất rõ ràng về nhiều vấn đề mang tính chất bí ẩn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải làm rõ từ “bí ẩn” ở đây nên được hiểu như thế nào. Một mặt, có thể hiểu điều “bí ẩn” như một “bí mật” mà khoa học chưa giải thích được. Những điều bí ẩn kiểu này vốn thuộc thế giới khả giác, tức là đối tượng tiềm năng của khoa học. Nói là đối tượng tiềm năng là bởi vì cho dù hiện nay khoa học chưa đủ tiến bộ để tiếp cận được nhưng tương lai thì có thể, vấn đề chỉ là thời gian. Loại đối tượng này phải chờ khoa học tiếp cận, khám phá, chứ không thể lấy niềm tin tôn giáo để giải thích thay cho khoa học được.
Thật vậy, nếu dựa vào niềm tin tôn giáo để giải thích các hiện tượng thực nghiệm thì chẳng khác gì chúng ta đi vào vết xe đổ của lịch sử, lặp lại sai lầm của Giáo Hội trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã chỉ ra rằng có những điều “bí ẩn” nằm ngoài khả năng tiếp cận của khoa học như: Thiên Chúa, linh hồn, sự sống đời sau hay ngày phán xét, v.v... Với những đối tượng này thì vai trò tiếp cận thuộc về niềm tin tôn giáo chứ không phải khoa học.
Bên cạnh đó, có thể hiểu điều bí ẩn như là những gì chỉ có con mắt đức tin mới có thể nhìn thấy, tức là nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự. Hiểu theo nghĩa này thì tất cả mọi sự đều chứa vẻ “bí ẩn”, tức đều là dấu chỉ giúp con người nhận biết Thiên Chúa. Do đó, cho dù có những hiện tượng đã được khoa học giải thích bằng các quy luật tự nhiên thì chúng ta vẫn cần đến đức tin để nhận ra sự quan phòng sáng tạo của Thiên Chúa nơi chính các quy luật đó. Thiên Chúa dựng nên vạn vật trong thế giới tự nhiên với quy luật vận hành của nó. Do vậy, khoa học phát triển chỉ giúp con người khám phá ra các quy luật ấy thôi, chứ không thể dùng kết quả nghiên cứu khoa học để bác bỏ vai trò của Thiên Chúa được!
Tóm lại, nếu có những phát minh hay kết quả nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ những hiện tượng bí ẩn vốn trước đây chỉ được lý giải bằng niềm tin tôn giáo, thì chúng ta không nên lo sợ mà phải vui mừng là đằng khác. Tiến bộ khoa học sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng có những điều bí ẩn thực ra thuộc lĩnh vực khoa học, dùng niềm tin tôn giáo để lý giải là không đúng.
Như thế, khoa học không những không loại trừ niềm tin tôn giáo mà còn giúp đưa tôn giáo về đúng vị trí của nó. Nhờ tiếp cận thế giới tự nhiên dưới ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa, niềm tin tôn giáo đóng vai trò đưa ra định hướng cho việc nghiên cứu khoa học. Theo đó khoa học có thể giúp con người thăng tiến đời sống theo đúng kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Niềm tin tôn giáo hoàn toàn không phải là đối thủ cạnh tranh với khoa học, vì cả hai đều cần thiết trong việc giúp con người tiến đến gần Thiên Chúa hơn. Hóa ra tôn giáo và khoa học lại là hai người bạn tốt của nhau!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Câu hỏi: Làm thế nào để mọi người có đủ đức tin để theo đạo, theo Chúa Giêsu cách sốt sắng nhất?
Trả lời:
Bạn: Bà là con gái, cười vừa thôi, nửa nụ đi cho duyên dáng, cười gì mà không thấy tổ quốc đâu hết hà!
Nó: Cười thoải mái cho quai hàm sản khoái. Haha!
Bạn: Con gái mà cười haha…
Nó: Bạn biết không, khi tui cười, tui giống cha tui nhiều lắm.
Bạn: Ý bà nói bà giống con trai hả?
Nó: Gì???…
Mẹ nó hay nói:
“Bây giống cha bây nhiều lắm. Nào là cái trán rộng, cái bàn chân to, những móng chân mài ốc. Nhất là khi cười hết cỡ thì y như rằng bây cho người ta biết số nhà của mình; nếu không, sao mọi người cứ hễ gặp nó là hỏi: Bây con nhà đó phải không? Cô nhìn cái miệng là cô nghi lắm, giống quá mà!!!”
Rồi khi nó rời gia đình, xa xóm làng và mọi người thân thuộc, không còn ai nghi nó giống cha nó nữa. Đơn giản vì người ta có biết cha nó là ai đâu. Nơi tu viện, nó được mời gọi để trở nên giống một người, không phải cha, chẳng phải mẹ, không phải quý chị em trong dòng, và càng chẳng phải minh tinh màn ảnh nhỏ… nhưng đó là Giêsu! Và nó tin rằng mỗi một người Kitô hữu đều được chia sẻ ơn gọi này, theo bậc sống của mình, để nên giống Giêsu, bằng đời sống đạo và gương sáng đức tin.
- Những giờ kinh gia đình cha mẹ dạy con trẻ làm dấu Thánh Giá.
- Những câu kinh tuy chưa tròn vành rõ chữ, nhưng rất dễ thương.
- Những buổi học giáo lý, những thánh lễ Misa dù còn ngáy ngủ nhưng bọn trẻ vẫn thường xuyên tham dự.
- Những câu chuyện tin mừng nhiều người vẫn đang kể cho nhau nghe.
Tất cả những điều trên đang nói lên niềm tin của mỗi người tín hữu vào một Thiên Chúa đầy ấp tình thương, sự tha thứ và thân tình. Tất cả đã và đang nuôi dưỡng đời sống đức tin bao thế hệ.
Có người bạn khác đạo nói với nó: Sao tui thấy đạo công giáo của bạn phức tạp quá! Nhiều luật lệ phải giữ, tuần nào cũng phải đến nhà thờ, rồi phải xưng tội ra với linh mục, phải học giáo lý, đọc nhiều kinh mất nhiều thời gian....Hồi nhỏ mà nghe nói vậy là nó chống nạnh lên cãi lại liền, kiểu như người ta đang chê gia đình mình vậy. Giờ nó lại thấy tự hào khi “được” tham dự thánh lễ mỗi ngày và rước Thánh Thể vào cuộc sống mình, “được” giao hòa với Chúa và với anh chị em mình qua Bí Tích Giải Tội, “được” thực thi ý Chúa qua những luật lệ Hội Thánh…
Sống đạo hay sống đức tin không khó mà cũng không dễ. Không dễ khi ta chỉ xem việc giữ luật lệ là một bổn phận phải chu toàn. Cũng dễ đối với những tâm hồn yêu mến luật Chúa và xem đó như phương tiện để đi đến những gặp gỡ với Đấng Vô Biên. Điều quan trọng là làm sao để giữ ngọn lửa nhiệt tâm ấy luôn cháy sáng và cháy hết mình, hết tình. Theo nó có bốn thói quen chúng ta cần thực hiện mỗi ngày, để giữ lửa nhiệt tâm sống đạo:
1. Đời sống cầu nguyện: Đức tin và niềm tin vào Thiên Chúa và Lời Người không tự nhiên mà có, nhưng là ân ban (Rm 12,3). Do đó, chúng ta cần trao dồi và vun xới cho đức tin đã lãnh nhận bằng tâm tình cầu nguyện, gần gũi thưa chuyện với Chúa để xin người gia tăng đức tin trong ta, giúp ta mỗi ngày biết tin tưởng vào sự quan phòng, quyền năng và tình yêu của Người hơn. Có như vậy, ta mới luôn vững vàng trong mọi cảnh huống cuộc đời. Cầu nguyện phải là mối quan tâm và bận tâm hàng đầu của ta trong đời sống đạo, vì qua đó giúp ta “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ta hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. (Mc 12,29–30).
2. Đời sống Bác Ái: Hoa trái của đời sống kết hợp với Chúa sẽ làm triển nở tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Yêu Chúa thì yêu luôn những người Chúa yêu. Thánh Gioan cũng đã khẳng định cho chúng ta mối dây liên kết này: “Không ai nói yêu Chúa mà lại ghét anh chị em mình”. (1Ga 4,20–21). Ông bà ta cũng đã để lại cho con cháu kinh nghiệm về tình yêu khi nói: “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tôn ti họ hàng.”
3. Đời sống Tông Đồ: Tình yêu giúp chúng ta có nhiều sáng kiến! Làm thế nào để tạo nên sự độc đáo và khác biệt cho ngày mới để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người yêu. Hãy nhìn về Thiên Chúa chúng ta, và cách thế Ba Ngôi thể hiện tình yêu thương. Trong công cuộc tạo dựng, thánh hóa và cứu độ, Ba Ngôi luôn có nhiều sáng kiến: ban Người Con Một, Ban Đấng Ủi An, Ban Lời Hằng Sống, và Bí Tích Thánh Thể… Chúng ta cũng vậy, khi trong ta đã tràn đầy tình Chúa, tình người thì tâm trí được thông sáng, đôi tay rộng mở, và trái tim trở nên ấm áp, dễ cảm thông và sẻ chia. Đời sống chúng ta cũng vì đó mà trở nên có ý nghĩa và là dấu chứng sống động giữa đời.
4. Bền đỗ đến cùng. Sống đức tin không phải là một khóa học vài tháng với bài thu hoạch và những điểm số. Hết học là gấp sách vở lại. Nhưng đó là một hành trình sống mời gọi ta lắng nghe và tìm ý Chúa trong mọi lời nơi việc làm. Và hành động suốt cả cuộc đời. Đó còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển tương quan giữa ta và Chúa. Do đó, sống đức tin không phải là một chọn lựa, thích thì tin, không thích thì thôi, mà đó là bổn phận phải chu toàn và chu toàn cho thật tốt. Vậy nên, không sao đâu nếu có ngày ta cảm thấy việc sống đạo thật nhàm chán, vô vị, cứ kiên trì và xin ơn trợ giúp. Chúa biết chúng ta cần Ngài, và Ngài chỉ cần lòng ta.
Hơn nữa, theo đạo và sống đạo, sống đức tin Kitô giáo cách tích cực và sốt sắng giữa lòng xã hội và giữa các tôn giáo khác nhau thật sự là thách đố không hề nhỏ. Thật vậy, xã hội và lối sống con người hôm nay trưng ra trước mắt chúng ta, đặc biệt là người trẻ quá nhiều chọn lựa, từ giá trị hữu hình đến giá trị vô hình. Người trẻ ngày nay mạnh tay chi tiêu cho những điều họ yêu thích. Theo tiến sĩ Ngô Trí Long, tỷ lệ người tiêu dùng trẻ chiến một phần ba dân số[1].
Và từ đó, thiên hình vạn trạng cách thức đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Dĩ nhiên, mua sắm trực tuyến là một phát minh tuyệt vời của nhân loại. Trước đây, muốn mua một chiếc ba lô thì bạn phải vác tấm thân “ngọc ngà”, chạy xe lọc cọc dọc ngang phố phường nhộn nhịp người buôn kẻ bán, đi cửa hiệu này qua cửa hiệu khác, ngắm nghía, thử tới thử lui, rồi trả giá… Giờ đỡ rồi. Ngồi tại nhà, lên mạng shopping online, chốt đơn, mấy hồi đâu mà được sản phẩm vừa ý. Chỉ duy là khi “tiền trao cháo múc”, ta nhận ra mọi thứ không như ta tưởng. Chịu thôi. Là do ta chọn mà, có tức thì mở nhạc Lệ Quyên ra, và lẩm bẩm: “Nếu bây giờ được lựa chọn một lần nữa, thì chắc…”
Tôn giáo và đức tin cũng được giới thiệu, lan truyền nhan nhản trên các phương tiện truyền thông. Thánh Lễ Online, cầu nguyện, Livestream suy niệm mùa Covid… Tất cả bắt nguồn từ sáng kiến để bày tỏ niềm tin và cách sống đạo tích cực năng động của các tín hữu, tìm mọi phương thế để gặp gỡ Chúa và hiệp thông với nhau. Rồi đại dịch sẽ qua, và những ngôi thánh đường hay những ngôi nhà nguyện đơn sơ sẽ lại đông đúc và vang lên tiếng hát câu kinh.
Nhưng sống đức tin đâu chỉ gói gọn trong nhà thờ, nơi những bài giáo lý, thưa kinh thuộc lào lào, mở miệng ra là nói Kinh Thánh. Là nữ tu, tôi cũng không muốn dừng lại cuộc hành trình đức tin đời mình chỉ với ba lời khấn hứa, hay chỉ là một ma sơ ngoan ngoãn chấp hành mọi quy luật… Tôi mong muốn được người ta thấy mình giống hình ảnh của Chúa Giêsu dù cuộc sống đầy những phiêu lưu trước mắt… Tôi mong là một “sản phẩm chất lượng” từ tình yêu hiến tế của Giêsu. Đó là một phiên bản “không chỉ mang tính minh họa” như sản phẩm online, nhưng là dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót Chúa. Còn bạn thì sao?
Tôi mong bạn sẽ không e ngại khi làm dấu thánh giá nơi công cộng để tuyên xưng niềm tin. Tôi mong bạn chọn lối sống bác ái vị tha, vui tươi để bắt đầu ngày mới: bằng một nụ cười “thật từng centimet” với chú bảo vệ, với cô công nhân đang quét lá trong sân trường, và cả với bạn bè trong những giờ giải lao thư giãn…
Bắt đầu sống đạo từ điều bình dị thế thôi, nhưng tôi tin bạn sẽ nên giống Giêsu qua những dấn thân hằng ngày: vui nỗi vui, buồn nỗi buồn của đồng loại, sống vì người khác, giản đơn và sống động như vậy thôi, có được không? Có giống Giêsu không?
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (11.10.2021)
------------- [1] Brands Vietnam. Người Trẻ Mạnh Tay Chi Tiêu. Đăng nhập ngày 28 tháng 5 năm 2020. https://www.brandsvietnam.com/13425-Nguoi-tre-manh-tay-chi-tieu.
Câu hỏi: Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?
Trả lời:
Dòng sông ô hợp đang chảy của thế giới
Mở cánh cửa cuộc đời, là người trẻ Công Giáo, bạn thấy thế giới đang phát triển như thế nào? Một dòng sông ô hợp đang chảy giữa lòng thế giới. Mọi nơi, từ các chỗ nghèo đến các mảnh đất văn minh đều có mặt của thế giới công nghệ. Smartphone, Iphone, đồng hồ thông minh đeo tay từ từ trở thành vật dụng quen thuộc của cuộc sống. Các trang mạng Google, Youtube, Facebook… tạo nên một lối sống vừa ảo vừa thật, vừa hữu ích nhưng cũng vừa hiểm nguy với rất nhiều người. Trò chơi của con nít và giới trẻ là ngồi “làm bạn tri kỷ” với tablet, với điện thoại, không còn là bánh bi hay chơi các trò ngoài đường phố. Rồi thời 5G và trí tuệ thông minh nhân tạo – Artificial intelligence (AI) hứa hẹn một cuộc cách mạng phát triển đến chóng mặt. Nhưng sự phát triển của AI ẩn chứa sự nguy hiểm rất lớn. Trong tiến trình phát triển của cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo ngày càng cao, con người chỉ là một thụ tạo bất toàn và những gì bất toàn thì cần phải loại bỏ. Đó chính là điểm đến rất tiêu cực. Vì thế, có nhiều hậu quả rất xấu và đầy nguy hiểm có thể đến với chúng ta như thất nghiệp, chiến tranh, sự huỷ diệt nhân loại…
Kế bên làn sóng công nghệ, còn gặp một làn sóng ô hợp với các ý thức hệ, các lối sống hiện đại chối từ và làm ngơ Thiên Chúa. Đó là kiểu sống theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy lợi, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy thế tục, chủ nghĩa tương đối. Rồi còn có một lối sống được gọi là “linh đạo không có Thiên Chúa” hay là “vô thần Kitô giáo” chấp nhận sự vô biên, vĩnh cửu, tuyệt đối, mầu nhiệm, tình yêu, nhưng lại chối từ Thiên Chúa. Những người theo kiểu sống này tự xưng: “Tôi là người Tâm linh không Tôn giáo – I’m a Spiritual But Not Religious (SBNR). Rồi còn xu hướng loại trừ Thiên Chúa, chế giễu Thiên Chúa, chế giễu Đức Tin và chế giễu tất cả những người tin tưởng vào Thiên Chúa. Tiến sĩ Mark Gray, Georgetown University, nhận định rằng: “Một trong những lý do là sự phân tách giữa đức tin và giáo dục, khi mà người trẻ có thể đi lễ chỉ một lần mỗi tuần, nhưng cả tuần còn lại để nghe người ta bêu riếu rằng đức tin là ngớ ngẩn”.
Trong dòng sông ô hợp đang chảy của thế giới, còn nổi lên các đợt sóng di dân ở khắp mọi nơi, rồi chiến tranh vẫn nóng bỏng ở nơi này và nơi khác, khủng bố vẫn lên tiếng, rồi còn cơn đại dịch Covid 19 “bá chủ” địa cầu làm cho toàn thể nhân loại và mọi lãnh vực của cuộc sống bị xáo trộn.
Trong dòng sông ô hợp đang chảy của thế giới hiện đại này, là người trẻ Công Giáo, bạn nên gìn giữ, phát triển và thăng tiến đời sống Đức Tin như thế nào? Hay nói khác đi, như một bạn trẻ đặt câu hỏi: “Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?”
Để cùng bạn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta chú ý đến điều đầu tiên thật quan trọng và tuyệt vời mà Thiên Chúa nói với từng người trong chúng ta.
1. Trước mắt Cha, con thật là quý giá
Tình yêu Thiên Chúa làm nên phẩm giá cao quý. Tình yêu Thiên Chúa đưa lại sức sống tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. “Bạn là người con được Thiên Chúa yêu thương. Đơn giản là vậy!” Đó là lời của một người trẻ nói với người trẻ khác. “Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4). Đó là lời Thiên Chúa nói với từng người chúng ta. Mỗi người thật quý giá, mỗi người không phân biệt màu da, học vấn, địa vị, hoàn cảnh đều được Thiên Chúa yêu thương và trân trọng. Ở lại trong chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta còn được nhắc nhớ rằng: Thiên Chúa còn tỏ ra như một người yêu thiết tha đến mức hoạ hình người mình yêu trên lòng bàn tay để có thể luôn nhìn thấy khuôn mặt người ấy trước mặt: “Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,16). Trong mọi hoàn cảnh Thiên Chúa đều nhìn đến chúng ta và yêu thương chúng ta mà không chờ đợi và đòi hỏi chúng ta điều gì cả.
Đó là tình yêu say mê và vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu này đưa lại một năng động vui tươi, thanh khiết, và làm cho đời người thật đẹp. Có nhà thần học nói rằng: “Không phải vì tôi đẹp trai hay đẹp gái mà Thiên Chúa yêu thương tôi, mà vì Thiên Chúa yêu thương tôi nên tôi trở nên người đẹp trai và người đẹp gái”. Trong cái đẹp Thiên Chúa tình yêu ban tặng, chúng ta bước vào vào đời, và dù mạnh khoẻ hay yếu đau, dù sống trong hạnh phúc hay khổ đau, dù thành đạt hay đang phải vật lộn với thất bại trong cuộc sống, dù bị người khác chế giễu về niềm tin vào Thiên Chúa hay tìm thấy niềm vui trong niềm tin, dù người ta nói ngả nói nghiêng thế nào về tình yêu Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương chúng ta. Vì thế đừng bao giờ quên lời Chúa nói: “Trước mắt Cha, con thật là quý giá”. Vì vậy, vẫn tiếp tục dễ thương và nói với nhau rằng: “Bạn là người con được Thiên Chúa yêu thương. Đơn giản là vậy!” Tuy nhiên, để cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho mỗi người cách riêng biệt, chúng ta nên dành thời gian đi vào tĩnh lặng để cầu nguyện và sống gần bên Chúa, cụ thể qua các cuộc tĩnh tâm Linh Thao.
Ngoài ra, tình yêu Thiên Chúa còn được biểu lộ rõ rệt qua chính món quà cao quý nhất, là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu cho chúng ta.
2. Đức Tin bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô
Khi nhận bí tích Rửa Tội chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên thân xác và được đón nhận chiếc áo trắng như là được mặc lấy chính Chúa Giêsu Kitô. Từ đó Chúa “đồng hành” với người tín hữu, dù người đó có ý thức hay không. “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời…” Đó là ít lời về Chúa Giêsu Kitô trong kinh Tin Kính mà mỗi người Công Giáo đều thuộc nằm lòng. Đã đủ chưa lời tuyên xưng thuộc lòng, nhưng trí hiểu và trái tim chưa “chạm tới” Chúa Giêsu hay chưa được Chúa Giêsu chạm tới? Đã đủ chưa khi dung mạo Chúa Giêsu vẫn còn lờ mờ đối với một bạn trẻ Công Giáo? “Vậy như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu ” (Cl 2,6–7).
Thánh Phaolô viết những lời trên cho các Kitô hữu ở Cô–lô–sê, khi họ bị đe dọa vì ảnh hưởng của một số xu hướng văn hóa thời đó, làm cho các tín hữu xa lìa Thiên Chúa và Tin Mừng. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, thiết nghĩ lời này của thánh nhân cũng rất giá trị. Giữa một xã hội với nhiều ý thức hệ và khuynh hướng sống xa lìa Thiên Chúa, lạ lẫm với Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chú tâm sống kết hiệp với Chúa Giêsu với ba điều: bén rễ, xây dựng và củng cố.
“Bén rễ” gợi lên hình ảnh một cây và gốc rễ nuôi dưỡng cây. Chúng ta như là một thân cây nhỏ đang vươn lên và chúng ta đang bén rễ vào đâu vậy? Gốc rễ thân cây cuộc đời chúng ta có là chính Chúa Giêsu không? Nếu “thân cây cuộc đời” chúng ta được bén rễ trên chính Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ vươn lên và phát triển vững vàng, và chính Chúa Giêsu sẽ nuôi dưỡng và thêm sức cho chúng ta đứng vững trước vô thần và tục hoá, ích kỷ và duy lợi, thờ ơ và chối từ Thiên Chúa… Thật vậy, nếu không có gốc rễ, thì cây sẽ bị gió cuốn đi và tàn lụi. Nếu không có Chúa Giêsu ở bên, thì cuộc sống của người Kitô hữu sẽ thật khô khan và sẽ khó đứng vững được khi gặp thử thách gian nan. “Bén rễ” trên Chúa Giêsu cũng còn là gặp gỡ và sống thân mật với Ngài trong cầu nguyện và trong cả ngày sống. Đức Tin của người Công Giáo mang sắc thái nào? Một trong những sắc thái nền tảng là tin và gặp gỡ Chúa Giêsu cách riêng tư, cũng như sống mối tương quan rất thân mật và thật gần gũi với Ngài. Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu sẽ mang lại cho cuộc sống chúng ta một năng động mới.
Hơn nữa, khi sống nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa, chúng ta xây dựng đời mình giữa dòng sông ô hợp của cuộc sống, chúng ta không đánh mất bản thân và căn tính của mình, ngược lại chúng ta vẫn luôn được tinh thần của Chúa Giêsu, của chính Lời Chúa thấm đậm và làm cho khởi sắc. Khi Chúa Giêsu càng lớn lên trong tôi, thì không chỉ “cái tôi” của tôi nhỏ lại, mà các thứ dơ bẩn và cả những ý thức hệ cùng tất cả những khuynh hướng tiêu cực đến từ thế giới hiện đại cũng sẽ nhỏ lại. Khi chúng ta ý thức sống bén rễ và xây dựng đời mình trên nền tảng là Chúa Giêsu, là chúng ta để Chúa cuốn hút mình bao nhiêu có thể.
Chúa cuốn hút mình qua Lời Chúa để rồi mỗi ngày khi Lời Chúa càng thấm vào mình, thì lời con người của mình sẽ nhỏ lại, cũng như tất cả các âm thanh bên ngoài vọng đến cũng sẽ tự động nhỏ lại, để rồi từ từ toàn bộ con người mình sẽ được hoà điệu với chính Chúa và tinh thần sống của Chúa. Được Chúa cuốn hút qua cầu nguyện và cuộc sống thân mật gần gũi với Chúa, được Chúa cuốn hút qua bí tích Thánh Thể, bí tích Hoà Giải như là những món quà giúp chúng ta có thể bén rễ, xây dựng và củng cố đời sống Đức Tin tốt hơn nữa.
Thật vậy, khi cuộc đời chúng ta càng được “lập trình” trên nền tảng là chính Chúa Giêsu, thì chắc chắn cuộc sống Đức Tin của chúng ta sẽ được củng cố. Có Chúa ở bên cạnh, chúng ta có thể can đảm đương đầu với những khó khăn, những vấn đề cũng như những thất vọng và thất bại trong cuộc sống. Khi cuộc đời chúng ta có được những kinh nghiệm riêng tư về Chúa Giêsu, nghĩa là được “chạm đến Chúa” cũng như “được Chúa chạm đến” qua cầu nguyện và qua đời sống kết hiệp với Chúa, thì cây Đức Tin của chúng ta sẽ vững vàng trước mọi làn gió nguy hại đến từ bên ngoài.
Ngày nay đối với nhiều người, con đường dẫn đến Chúa Giêsu thật là khó khăn. Vì thế, là người Công Giáo chúng ta hãy để Chúa dẫn lối, để Chúa yêu thương, để Chúa cuốn hút và xin Chúa Giêsu cho chúng ta biết bén rễ, xây dựng và củng cố Đức Tin trên nền tảng là chính Chúa, cũng như trong bầu khí của Hội Thánh, một cộng đoàn Đức Tin, trong đó chúng ta không bao giờ lẻ loi một mình.
3. Người Công Giáo không bao giờ sống lẻ loi một mình
“Chúng ta không phải là những tín hữu lẻ loi, nhưng, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên phần tử của một đại gia đình, và chính đức tin được Giáo Hội tuyên xưng, mang lại một sự bảo đảm cho đức tin của chúng ta”. Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ tương hợp với lời trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo:
“Như thế, mỗi tín hữu như một mắt xích trong một sợi dây dài gồm các tín hữu. Tôi không thể tin mà không được nâng đỡ bằng đức tin của người khác, và nhờ đức tin của tôi, tôi góp phần nâng đỡ đức tin của tha nhân.” (số 166).
Cách đây 28 năm, khi bước chân qua Đức, tôi gặp biết bao nhiêu khó khăn: Tiếng tăm thì chữ được chữ mất, văn hoá thì lạ lẫm, khí hậu thì lạnh cóng và theo đó là bầu khí sống cũng lạnh lùng biết bao. Cám ơn Chúa về Đức Tin mà Cha Mẹ đã trao ban, là một người trẻ Công Giáo, tôi lần mò đi tìm nhà thờ Công Giáo. Vẫn còn nhớ lại khoảnh khắc vui mừng xiết bao: Tìm được nhà thờ Công Giáo, bước vào và được tham dự Thánh Lễ ở đất khách quê người với tiếng nói lạ lẫm chẳng hiểu chữ nào, nhưng lòng tôi lại được sưởi ấm và thật ấm dưới cái lạnh của mùa đông, vì nơi đây trong ngôi nhà thờ Công Giáo, tôi tìm được mình, tìm được nghi thức cử hành Phụng Vụ mà mình đã quen biết từ thuở ấu thơ, tìm được “nhà của mình” là Giáo Hội.
Vài tháng sau, học được vài câu tiếng Đức, hiểu được vài lời của thứ tiếng khó này, mạnh dạn xin được tham dự vào nhóm chia sẻ Lời Chúa của Giáo Xứ. Cha xứ đón nhận tôi vui vẻ. Trong một buổi chia sẻ Lời Chúa về câu truyện thánh Phêrô xin Chúa cho được đi trên nước với Chúa, tôi được đánh động và cảm nhận mình như thánh Phêrô đang đi “trên nước”, nghĩa là đang tập đi những bước đầu tiên ở đất khách quê người. Nhưng giữa chừng gió bão là các khó khăn trong cuộc sống đã lấy mất ánh nhìn của tôi. Đánh mất ánh mắt nhìn đến Chúa là lúc từ từ chìm xuống. Giây phút này với lời kêu xin đơn hèn và bất lực của tôi, Chúa đã nắm lấy tay tôi, và không chỉ Chúa mà cả nhóm chia sẻ Lời Chúa cùng cha xứ, và rồi sau đó biết bao nhiêu người cùng anh em trong nhà Dòng đã nắm lấy tay tôi. Để rồi tiếp đến chặng đường Đức Tin của tôi được mở ra trên hành trình Đức Tin của Cộng Đoàn, của Giáo Hội.
Người Công Giáo không bao giờ sống lẻ loi một mình còn có nghĩa là chúng ta luôn có cảm thức với người nghèo khổ, có lòng thương xót với người bất hạnh. Củng cố Đức Tin cũng có nghĩa là sống Đức Tin thật sống động. Sống Đức Tin cụ thể là ra khỏi chính mình để đến với anh chị em khác, đặc biệt với người nghèo khổ. Vẫn nhớ đến thời thiếu niên và trẻ trung, nhà trường không có chương trình xã hội gì, thì các linh mục trong xứ luôn cố gắng đưa người trẻ chúng tôi đi đến những vùng thật nghèo, tìm đến những gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, và còn mời các bác sĩ Công Giáo về vùng khó khăn để khám bệnh miễn phí cho những người nghèo khổ.
Như Chúa Giêsu ngày xưa, hôm nay chúng ta cần tiếp tục chú ý và yêu thương người nghèo khổ. Cụ thể, là người trẻ đang lớn lên và phát triển, cảm thức về người nghèo khổ luôn là điều rất quan trọng trong việc gìn giữ, thăng tiến và củng cố đời sống Đức Tin. Rolheiser viết như sau: “Bạn đừng quên người nghèo. Khi bạn chạm vào người nghèo, bạn đã chạm vào Chúa và, như Chúa Giêsu nói, vào ngày phán xét, chúng ta sẽ bị phán xét qua cách chúng ta phục vụ người nghèo. Bạn hãy tặng cho mình món quà của lòng vị tha, biết rằng, như Chúa Giêsu đã nói, không phải những người cứ nói ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ là người đó lên thiên đàng, nhưng là những người phục vụ người khác. Trong hành trình tìm kiếm của bạn, bạn cần nhận thư giới thiệu của người nghèo”.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Câu hỏi: Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?
Trả lời:
Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 1)
4. Đồng hành và linh hướng
Trở về với kinh nghiệm thời gian đầu tiên ở đất khách quê người. Là người trẻ 21 tuổi đời, tôi khao khát đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa cho mình. Trên hành trình này Chúa đã gởi đến cho tôi những người bạn Công Giáo thật tốt lành. Họ đồng hành với tôi trên từng chặng đường. Họ nghe biết về những khó khăn và thử thách mà tôi đang có, họ chú tâm thăm hỏi và cầu nguyện thật nhiều cho tôi. Họ còn tìm đủ cách để giúp tôi tháo cởi những nút thắt như đang siết cuộc sống tôi lại. Những lá thư khích lệ, ủi an, những cuộc điện thoại với tâm tình lắng nghe cảm thông, những lần gặp gỡ chân tình và sâu lắng, những giúp đỡ cả về mặt vật chất... Những sự đồng hành của bạn bè tốt luôn là sự nâng đỡ rất quan trọng đối với mỗi người trong hành trình củng cố Đức Tin. Vì thế, tình bạn tốt lành trên hành trình Đức Tin luôn là món quà cao quý.
Kế bên những người bạn trẻ cùng lứa, trong thời gian đó tôi còn “bạo gan” đi tìm sự đồng hành của những người lớn tuổi, đạo đức và khôn ngoan. “Khi nào con khoẻ thì con chạy, khi nào con yếu hơn thì con đi bộ, khi nào mệt thì con ngồi nghỉ và khi nào bệnh thì còn cần nằm để nghỉ ngơi và dưỡng bệnh cho mau khoẻ lại”. Đó là lời của vị mục tử linh hướng dành cho tôi, một người trẻ tràn đầy nhựa sống nhưng ngu ngơ chưa biết dùng nhựa sống như thế nào.
Thật vậy, Đức Tin cần được củng cố qua chính sự hướng dẫn thiêng liêng của người khác. Để có thể trở thành một dòng sông, luôn cần dòng nước từ biết bao nhiêu dòng sông khác hợp lại và trao ban. Đó là cuộc sống của chúng ta. Không ai là hòn đảo lẻ loi cô đơn một mình cả. Trong sự sống, mỗi người là người đón nhận và được chỉ dạy. Trong đời sống Đức Tin thì cần được đón nhận và hướng dẫn luôn mãi. Thành thật với chính bản thân, từ ngày bước vào đời tu đến giờ, nếu không được các người khôn ngoan và đạo đức hướng dẫn về đời sống tâm linh, thì đời tu đã trở nên kiếp phù du ngắn ngủi và vô vị lâu rồi.
Xã hội hiện đại thay đổi quá nhanh và quá tinh tế, nên thật khó lòng để phân định và chọn lựa những gì cần thiết, nền tảng và quan trọng, cũng như gạt bỏ những gì thừa thãi và không cần thiết và những điều rất tiêu cực ẩn đàng sau những vẻ đẹp hấp dẫn bề ngoài. Vì thế, để củng cố Đức Tin và để thăng tiến đời sống tâm linh, chúng ta luôn cần được hướng dẫn bởi các vị linh hướng đạo đức, khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm và luôn sống trong Thánh Thần Chúa. Vị linh hướng sẽ giúp chúng ta nhiều điều, một trong những điều quan trọng là khả năng phân định thiêng liêng.
5. Bước vào trường học phân định thiêng liêng
Bơi trong dòng sông ô hợp với biết bao ý thức hệ người trẻ làm sao giữ vững được Đức Tin? Làm sao có thể nhận ra và phân định được tác hại của các ý thức hệ và làm sao có thể gạn lọc đi những bùn lầy nhơ bẩn có thể làm vẩn đục cuộc sống tâm linh và Đức Tin của người tín hữu đây? Rồi còn cả lối sống “nghiện công nghệ”. Mỗi ngày nên dành bao nhiêu thời gian cho facebook? Youtube nào nên coi? Cho con cái chơi game nào và chơi bao lâu mỗi ngày? Tin tức nào là fake news – tin giả và tin nào là tin thật? Dựa vào đâu để có thể phân biệt tin giả và tin thật? Làm sao để không bị lừa lọc bởi những trang mạng hấp dẫn khuyến dụ lòng người vào tròng gian ác của chúng? Bên trong Giáo Hội lại có cả những tiên tri giả thời đại xuất hiện. Nơi thì nổi lên một người tự cho mình có sức trừ ma diệt tà và chữa bệnh dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Chỗ thì có người tự xưng mình là người tuyển chọn của Chúa, được Chúa và Mẹ hiện ra, nói thế này thế khác.
Rồi trong đời sống thường ngày, người trẻ luôn phải đối diện với câu hỏi: “Tôi nên làm gì?”. Mỗi ngày, chúng ta phải đối diện với những quyết định lớn lao: học hành, nghề nghiệp, công việc, tình trạng sống, các mối tương quan, các cam kết quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối diện với những quyết định nhỏ hơn về các ưu tiên, các mục tiêu, cách thức sử dụng thời gian, những gì cần phải chú ý và những gì cần phải hoãn lại đến ngày hôm sau. Làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện tốt những lựa chọn này? Chúng ta có thể suy xét các giá trị được chọn lựa như thế nào? Làm thế nào để chúng ta có thể phân định đúng?
Giữa lòng một xã hội dường như không còn chuẩn mực và thước đo để định lượng, cũng như giữa dòng sông ô hợp của các ý thức hệ, và giữa những tiếng kêu gọi của các tiên tri giả, thì việc phân định thiêng liêng lại quan trọng hơn bao giờ hết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ:
“Thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải phát huy một năng lực chiều sâu để phân định… Phân định để có thể nhận ra tiếng Chúa giữa biết bao tiếng nói, để tiếng nói của Chúa dẫn chúng ta đến sự sống Phục Sinh, để tiếng Chúa giải thoát chúng ta khỏi rơi vào thứ văn hóa sự chết. Chúng ta cần biết đọc thấy trong tâm hồn mình điều mà Chúa muốn, để chúng ta có thể sống trong tình yêu và trở nên những người tiếp nối sứ mạng tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, để toàn thể Giáo Hội nhận ra tính khẩn thiết của việc huấn luyện phân định thiêng liêng, cả trên bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn”.
Nhưng chúng ta nên bắt đầu học phân định thiêng liêng như thế nào? Có những cách thức nào giúp ích cho việc này? Trước hết, Phân định thiêng liêng là hành trình tâm linh để người Kitô hữu có thể nhận ra được thánh ý và tiếng nói của Thiên Chúa giữa bao âm thanh và ý muốn khác đang bao bọc xung quanh, đang vang lên và lôi kéo, hầu đưa người Kitô hữu ra xa khỏi Thiên Chúa. Trên hành trình này, Thầy dạy tuyệt vời nhất chính là Chúa Thánh Thần. “Hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5,16). Để có thể sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và nhạy bén với tiếng nói và sự thúc đẩy của Ngài, chúng ta cần phải trở nên con người của Lời Chúa, cần phải mở lòng hoàn toàn cho Ngài hướng dẫn và uốn nắn. Hơn nữa, không phải mọi thần khí đều xuất phát từ Thiên Chúa. Cho nên đòi hỏi cấp bách cần có sự phân định (x.1Ga 4,1).
Thánh I–nhã thành Loyola được coi là gương mặt nổi bật của việc phân định thiêng liêng. Chính ngài đã trải nghiệm việc phân định này trong đời mình, để rồi ngài đã hệ thống hoá và kết tụ các quy tắc lại thành một “chặng đường” không thể thiếu được trên hành trình tâm linh và củng cố Đức Tin.
Với sự trợ giúp của phân định thiêng liêng, thánh I–nhã giúp cho chúng ta biết trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để theo Chúa được tốt hơn, làm thế nào để sống Phúc Âm tốt hơn? Trong một xã hội đã thật sự không còn tính cách tôn giáo, không còn các chỉ dẫn rõ ràng, dấu hiệu nào là dấu hiệu của Chúa Kitô Phục Sinh gởi đến cho tôi? Đó là câu hỏi mà Thánh I–Nhã đặt ra cho mình khi ngài dưỡng bệnh ở Loyola, lúc đó ngài là một thanh niên “chạy theo phù hoa thế gian”: tôi có quyết định đi theo Chúa Kitô trọn đời không? Trong phân định thiêng liêng, thánh I–nhã giúp chúng ta học để nhận ra những gì xảy ra trong lòng mình. Những chuyện làm cho tôi vui, làm cho tôi thích thú; những chuyện làm cho tôi ghê tởm, làm cho tôi khép mình, làm cho tôi đau…
Có người kết luận một cách nhanh chóng, rằng họ làm theo ý Chúa nếu lúc đó họ cảm thấy hạnh phúc; hoặc ngược lại, nếu chuyện đó gay go, thì họ cho rằng đó không phải là con đường của Chúa. Đừng vội vàng, và đừng đi nhanh quá, vì như thánh I–nhã hướng dẫn, chúng ta cần phân biệt được trong lòng mình cái gì đến từ Chúa, cái gì đến từ Quỷ. Đó là kinh nghiệm mà mỗi người có thể làm…
Ngoài ra, một thực hành tâm linh khác cũng sẽ giúp cho khả năng phân định thiêng liêng được lớn lên theo từng ngày. Đó là giây phút hồi tâm, mỗi ngày xem lại đời sống của mình, nhìn lại chính mình trong suy tưởng, trong lời nói, trong cảm xúc và trong hành vi cùng hành động. Suy xét toàn bộ những giao động đó để nhận ra xem ngày vừa qua hay thời gian vừa qua chúng ta đã bước đi và sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khí chưa? Hay chúng ta vẫn còn sống trong cám dỗ và sống theo sự điều khiển của sự dữ.
6. Hơn nữa và không dừng bước
Trong một thế giới tiến bộ từng giây phút, chúng ta không thể dừng bước và hài lòng với kiến thức về Đức Tin. Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ Công Giáo trẻ gặp rất nhiều khó khăn về các câu hỏi của con cái liên hệ đến Đức Tin, đến các ý thức hệ đang lôi cuốn con cái mình. Hơn nữa, trước các trào lưu ô hợp của các ý thức hệ, các khuynh hướng sống hiện đại phớt lờ Thiên Chúa, làm sao người trẻ có thể giữ vững và củng cố Đức Tin, nếu người trẻ không chịu khó học hỏi và đào sâu hơn nữa? Chúng ta hãy để lời của một người Việt Nam đi trước chúng ta, một Vị thật Đáng Kính vang lên: “Nếu mỗi ngày con học thuộc một danh từ thôi, nếu mỗi tháng con đọc thêm một cuốn sách thôi, đến nay con đã tiến nhiều. Nếu đến nay con chưa làm, hãy khởi sự ngay từ hôm nay”[1] Hãy khởi sự bằng cách ra khỏi cái biếng lười của mình, bằng cách ra khỏi con đường rộng thênh thang, để đi vào con đường chật với cửa hẹp là chịu khó học hành, chịu khó tìm tòi và học hỏi về đời sống Đức Tin.
Trong tác phẩm Tiểu Sự Tự Thuật, thánh Têrêsa Avila, dù là một nữ tu Dòng Kín, nhưng lại luôn nhấn mạnh đến việc cần đọc sách, trau dồi và học hỏi. Ngài viết: “Học thức là một kho tàng quý giá, vì nó khai quang cho những người ít hiểu biết và soi sáng chúng ta, để khi gặp chân lý trong Thánh Kinh, chúng ta phải hành động cho đúng. Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những lối đạo đức ngớ ngẩn”.
Có rất nhiều cách học hỏi và trau dồi Đức Tin. Một trong các cách đó là tham dự học hỏi các lớp học Lời Chúa, ít nhất học hỏi, đào sâu và cầu nguyện với các bài Tin Mừng Chúa Nhật. Lời Chúa là kho tàng vô cùng lớn lao và vô tận, không bao giờ chúng ta có thể múc cạn được. Hơn nữa, cũng không thể tuỳ tiện giải thích Thánh Kinh theo suy nghĩ của riêng mình. Vì thế việc học hỏi Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của người có trách nhiệm trong Giáo Hội sẽ giúp ích biết bao. Ngoài ra, tham gia vào các phong trào trong Giáo Hội một cách nghiêm túc, cũng sẽ trau dồi được cách sống đạo tốt.
Thánh nữ Têrêsa Avila nói: “Những người theo con đường cầu nguyện lại càng cần có học thức hơn. Và càng tiến vào con đường thiêng liêng, càng cần đến sự hiểu biết”. Có những khoá học về Đức Tin, Thánh Kinh, Thần Học và Tâm Linh với chương trình lâu dài và đòi hỏi cách nghiêm túc, giúp thăng tiến đời sống Kitô hữu trưởng thành hơn. Nếu muốn và có thể, thì nên tham gia. Sẽ ích lợi.
Ngoài ra, việc tự tìm tòi học hỏi và đọc sách thiêng liêng cũng sẽ rất hữu ích cho việc củng cố Đức Tin, vì tư tưởng tốt lành khôn ngoan của các thánh nhân luôn là những món ăn ngon làm cho tâm hồn con người tìm thấy được sự dịu ngọt. Henri Nouwen viết: “Dẫu mỗi ngày ta chỉ đọc sách thiêng liêng 15 phút thôi, ta cũng sẽ sớm khám phá ra rằng tâm trí ta đang ngày một ít trở nên thùng rác và ngày một trở nên một bình đầy ắp những ý tưởng tốt đẹp”.
Khi nhắc đến việc đọc sách thiêng liêng, thì cũng đụng tới các mẫu gương sống đạo. Vì thế, điều khác thật đẹp cho việc củng cố Đức Tin là chúng ta hãy đi tìm những mẫu gương sống đạo[2], để họ có thể truyền cảm hứng cho mình. Những người này đã đi con đường Đức Tin trước chúng ta. Phúc cho chúng ta, khi được các ngài đồng hành hướng dẫn, gợi hứng và là gương mẫu. Có như thế, thì cuộc sống Đức Tin của chúng ta sẽ hoà điệu vào cuộc sống cách tốt nhất. Đó cũng là điều cuối cùng xin chia sẻ cùng bạn.
7. Đức Tin không là một mảnh rời, mà hoà điệu vào cuộc sống thường ngày
Đức Tin cần được hoà điệu và thẩm thấu vào từng giây phút của cuộc sống thường ngày. Nghĩa là, Đức Tin không được phép chỉ là một mảnh rời không ăn nhập gì với đời sống thường ngày, không liên hệ gì với vấn đề của cuộc sống, không ảnh hưởng gì đến suy nghĩ, lời nói và hành động.
Nhưng làm sao để Đức Tin hoà điệu, hội nhập vào trong cuộc sống thường ngày?
Tôi vẫn nhớ lời dạy ngày xưa của các sơ trong giáo xứ: Sáng dậy, điều đầu tiên cần làm trong ngày là cám ơn Chúa về một buổi tối an lành và sau đó là dâng ngày cho Chúa. Nhưng dâng ngày cho Chúa là gì cụ thể? Là dâng Chúa mọi công việc, mọi cuộc gặp gỡ, mọi lo toan và mọi phút giây của ngày sống, để Chúa hướng dẫn và đỡ nâng. Như thế, cả ngày sống chúng tôi được học sống luôn mãi trong sự hiện diện của Chúa. Đó là điều rất dễ thương và đơn sơ của các sơ dạy bảo. Khi khi đi sâu vào chiều kích tâm linh, thì điều đơn sơ đó lại là điều rất quan trọng và quyết định. Thật vậy, khi mỗi giây phút trong ngày chúng ta liên lỷ sống trong sự hiện diện của Chúa, chính là dấu hiệu chúng ta sẵn sàng đón mời Thiên Chúa tham dự tích cực vào cuộc sống chúng ta.
Thánh Têrêsa Avila nhắc nhớ chị em và cũng rất tốt cho chúng ta lời sau đây: “Nếu có thể, mỗi ngày nhớ đến Chúa nhiều lần, không được thế, thì ít lần vậy. Hãy cố gắng tập thói quen ấy, sớm muộn gì rồi cũng thu hoạch được lợi ích”. Sau khi đã dâng ngày cho Chúa, bước vào ngày sống luôn tập nhớ đến Chúa. Giữa những lo toan của phận người vẫn có khoảnh khắc, vẫn có khoảng lặng để nhớ đến Chúa. Nhớ đến Chúa cũng có nghĩa là đi tìm Chúa trong mọi sự. Đó là điều nền tảng mà thánh I–nhã khuyên nhủ anh em Dòng Tên. Chúa ở khắp mọi nơi! Đó là điều chú bé ngày xưa được các Sơ dạy dỗ và trong đời sống tâm linh của người trưởng thành điều đó thật đúng. Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng vấn đề là chúng ta có chịu đi tìm Chúa hay không thôi.
Đi tìm Chúa ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc… chính là “khuôn vàng thước ngọc” để Đức Tin được hoà điệu vào cuộc sống. “Chúa thấy con suy nghĩ như vậy được không? Lời con nói ra như thế có tương hợp với tinh thần Chúa chưa? Dự định cho việc này việc kia con định liệu Chúa thấy sao? Nếu con chọn lựa và quyết định theo hướng này, Chúa thấy có tốt và đúng ý Chúa chưa?” “Chính nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa” là điều nền tảng để Đức Tin hoà điệu với cuộc sống.
Ora et Labora–Cầu Nguyện và Lao Động. Tinh thần nền tảng của linh đạo Biển Đức và Xi–tô vẫn luôn thích hợp với chúng ta trong thời đại công nghệ này. Chúng ta cần kết hiệp cầu nguyện và làm việc thành một con đường xuyên suốt, nhờ đó Đức Tin thật sự hoà điệu với cuộc sống hằng ngày.
Tạ ơn là hành động cao quý của Bí Tích Thánh Thể. Eucharistia trong tiếng Hy–lạp là tạ ơn. Cuộc sống Đức Tin hằng ngày của chúng ta sẽ được củng cố, khi chúng ta được dâng Thánh Lễ mỗi ngày. Có thể nói Thánh Lễ với Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể thuộc về cuộc sống hằng ngày của con người, hoà điệu với từng khoảnh khắc. Một phụ nữ trí thức người Đức gốc Do–thái nhưng vô thần, sau đó trở lại công Giáo, trở thành nữ tu Dòng Kín, và trở thành một vị thánh quan thầy của Châu Âu, thánh Edith Stein chia sẻ:
“Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta chuẩn bị cho Bí Tích Thánh Thể. Trong Bí Tích Thánh Thể chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống thường ngày. Qua đó Thánh Thể và cuộc sống hằng ngày của chúng ta quyện lại và trở nên lời tạ ơn Thiên Chúa luôn mãi”.
Cũng như xác không hồn là xác chết, thì Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết (x.Gc 2,17). Thật vậy, củng cố Đức Tin cũng chính là sống Đức Tin cách cụ thể qua hành động và việc làm bác ái và yêu thương. Trung tâm điểm của đời sống người tín hữu là tình yêu của Thiên Chúa hoàn tất trong tình yêu của con người: tình yêu nồng nàn đối với Đức Kitô nơi anh em; từ bỏ mọi hình thức ích kỷ và gian trá; sẵn lòng chia sẻ; liên đới trong việc phục vụ mọi người, đặc biệt là những người nghèo…
Khi ngày sống chuẩn bị khép lại, chúng ta nên làm gì nữa? Cầu nguyện và hồi tâm để cám ơn Chúa, để cho ngày sống chạy lại như là thước phim, qua đó suy xét, sàng lọc và phân định xem cuộc sống hôm nay chúng ta đã củng cố đời sống Đức Tin như thế nào, Chúa có mặt trong cuộc sống ra sao? Trong cảm xúc, suy nghĩ, lời nói và hành động, Đức Tin đã được hiển lộ ra sao và hình ảnh của Chúa xuất hiện như thế nào? Trong cảm xúc, suy nghĩ, lời nói và hành động, hình ảnh của thần dữ và những gì tiêu cực đã xuất hiện và làm việc ra sao? Cuối cùng xin Chúa thánh hoá và hướng dẫn chúng ta “từ bỏ” con đường của xác thịt, của thần dữ, để tiếp tục bước đi trên con đường được Thánh Thần Chúa hướng dẫn.
Tóm lại, Đức Tin cần hoà điệu với đời sống hằng ngày. Đây là thử thách lớn và cũng là thiếu sót lớn của người Kitô hữu. Ước gì Đức Tin không còn là mảnh rời, mà Đức Tin trở nên “hồn sống” của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đó là đích đến của việc xây dựng và củng cố Đức Tin trong thế giới hiện đại với nhiều trào lưu phát triển đến chóng mặt.
Kết
“Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?”
Cám ơn câu hỏi của bạn đã gợi hứng để suy tư đơn sơ ở trên được hình thành. Suy tư trên cố ý được gói trong “7 điểm”, vì số 7 là con số vô hạn, nên còn rất nhiều điểm khác cần được chú ý trên hành trình xây dựng và củng cố Đức Tin. Vì thế, bạn đặt câu hỏi, thì bạn cũng cần là người trả lời đầu tiên. Suy tư chỉ là chữ viết và để có giá trị, thì suy tư cần được sống. Quan trọng hơn, chúng ta cùng bước vào đời, để tập xây dựng và củng cố Đức Tin trong đời sống thường ngày, bạn nhé!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (01.11.2021)
------------ [1] Đường Hy Vọng, số 575. [2] Bạn có thể tìm đọc nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt của họ: Charles de Foucauld, Đấng Đáng Kính ĐHY. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Henri Nouwen, Pedro Arrupe, Carlo Maria Martini, Mẹ Têrêsa Cancútta, Dietrich Bonhoeffer, Edith Stein, John Henry Newman, Têrêsa Hài Đồng…
Câu hỏi: Con có quen mấy bạn tự nhận mình là giới tính thứ ba. Theo con được biết, đạo Công giáo không cổ vũ cho vấn đề này, con phải làm sao?
Trả lời:
Bạn dùng từ “giới tính thứ ba”, chúng tôi ngầm hiểu là bạn đang nói đến cộng đồng LGBTQ+ (Lesbian – đồng tính luyến ái nữ; Gay – đồng tính luyến ái nam; Bisexual – song tính luyến ái; Transgender – người chuyển giới; Questioning – người đang chưa rõ về giới tính của mình và đang tìm hiểu về bản thân). Mỗi đối tượng (Les, Gay, Bi, Trans, Questioning) đều có những đặc điểm riêng mà trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không thể diễn tả hết được. Nhưng chúng tôi đoán là có vẻ bạn đang muốn biết mình nên có suy nghĩ và lối hành xử thế nào đối với những người đồng tính sao cho phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội và tinh thần Kitô giáo. Vì thế, ở đây, chúng tôi chỉ xin được bàn về vấn đề đồng tính, quan điểm của Giáo Hội về vấn đề này, cũng như thái độ chúng ta – những người Công Giáo – cần có trước anh chị em thuộc cộng đồng này.
Xã hội và khoa học nói gì về đồng tính?
Hiện tượng đồng tính có lẽ đã xuất hiện khá lâu, nhưng vì bị những định kiến xã hội áp chế nên chỉ nằm trong vùng bí mật. Ngày trước, những người đồng tính phải mang mặc cảm về bản thân và vì sợ những tiếng dèm pha, họ đành cố che giấu xu hướng tình dục của mình. Xã hội lúc ấy cũng nhìn những người đồng tính với cái nhìn miệt thị, chê bai, xem họ như là một thứ bệnh hoạn, là kết quả của một lối sống trác táng… Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, khiến cho nó trở nên ngột ngạt. Nhiều người đồng tính cố gắng lập gia đình để che mắt thiên hạ, cũng như để chu toàn bổn phận làm con hay cháu đích tôn. Nhưng vì không có tình cảm đích thực, họ vô tình cũng làm ảnh hưởng đến người bạn đời và con cái.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, những người đồng tính trở nên mạnh dạn hơn, họ sẵn sàng “come out” xu hướng tính dục của mình bất chấp hậu quả của nó. Khắp nơi, chúng ta thấy các phong trào, diễn đàn cổ võ thế giới đồng tính. Họ hoạt động rầm rộ đến độ làm người ta tưởng rằng nó chỉ mới xuất hiện, cùng với sự tân tiến của cuộc sống. Về phía xã hội, chúng ta cũng thấy một sự cởi mở hơn. Xu hướng đón nhận này được thể hiện qua những bộ phim, MV ca nhạc hay những chương trình truyền hình nói về đồng tính. Nhiều nước trên thế giới thậm chí đã công nhận hôn nhân đồng tính. Những người lớn tuổi cũng không còn quá khắt khe; họ không chỉ đón nhận chuyện con cái mình thuộc cộng đồng này mà còn đã ủng hộ chuyện kết hôn của họ. Chỉ cần Google từ khoá “đám cưới đồng tính”, chưa đến một giây đã có hơn triệu lượt trang web xuất hiện. Những câu chuyện về “chàng dâu” hay “nàng rể”, “hủ nữ”, “tiểu thụ” … không những không bị kỳ thị mà còn được đón nhận những tràng pháo tay ủng hộ người khác.
Khoa học ngày nay vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời xác đáng về nguồn gốc của khuynh hướng này. Có những người có xu hướng đồng tính bẩm sinh (sinh ra đã thấy xu hướng tình dục của mình không khớp với cơ thể sinh học của mình); nhưng cũng có người do bị môi trường và hoàn cảnh tác động (do sống ở môi trường chỉ có người cùng giới tính như trường nội trú, hay tù, hoặc gia đình chỉ có chị và mình là em trai duy nhất hoặc ngược lại…). Cũng có khi người ta bị vấn đề tâm lý trong giai đoạn tuổi dậy thì, nên có chút hiểu lầm và chưa xác định rõ về giới tính của mình. Có trường hợp nhầm tưởng đồng tính do rối loạn cơ quan sinh dục (nhiễm sắc thể là nam, nhưng tinh hoàn bị kẹt trong ổ bụng khiến bộ phận sinh dục không giống người nam, nên bị nhầm tưởng là nữ).
Kinh Thánh và Giáo Hội nói gì về đồng tính?
Cựu Ước thuật lại cho chúng ta biết về việc Thiên Chúa đã phạt dân thành Sodoma vì tội có hành vi quan hệ đồng giới (x. St 19,1–19). Có một vài chỗ trong Tân Ước nhắc đến các tội của “những kẻ bất chính không được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp”, trong đó có tội “kê gian” (x. 1Cor 6,9; 1Tm 1,9–10). Thánh Phaolô cách nào đó lên án các hành vi quan hệ đồng tính và những ai phạm phải tội này thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Văn kiện Persona Humana của Đức Phaolo VI (1975) lần đầu tiên nhắc đến đồng tính, cho rằng hành vi tính dục đồng tính tự bản chất là mất trật tự và ngược lại với đời sống lứa đôi (số 8).
Như thế, cách nào đó, Giáo Hội không ủng hộ hôn nhân đồng tính và những hành vi tình dục đồng tính, vì nó đi ngược lại với mặc khải và ý muốn của Thiên Chúa. Từ ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ để họ gắn kết với nhau, trở nên một xương một thịt và sinh ra những mầm sống mới (x. St 1 và 2). Cơ cấu gia đình được thiết lập dựa trên tình yêu của người nam – người nữ và hướng tới việc sinh sản để dòng giống con người được kéo dài và thống trị mọi loài thụ tạo khác. Sự kết hợp giữa hai người cùng giới không đáp ứng được hai điều kiện này. Nếu tình trạng đồng tính trở nên lan tràn và mất kiểm soát, cơ cấu gia đình có nguy cơ bị phá huỷ và xã hội sẽ trở nên rối loạn.
Nhiều người đã phản ứng rất mạnh mẽ với quan điểm này của Giáo Hội, cho rằng Giáo Hội quá bảo thủ và không đi theo tiến trình phát triển chung. Tuy nhiên, Giáo Hội có nhiệm vụ phải gìn giữ những giá trị nền tảng. Giáo Hội không tự mình quyết định điều gì nếu không dựa trên nền tảng mặc khải. Tuy nhiên, Giáo Hội không hề có cái nhìn ác cảm về người đồng tính. Chính vì lý do đó mà Đức Phaolô VI, cũng trong văn kiện Persona Humana (số 8), nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thấu hiểu và những đường hướng mục vụ khôn ngoan dành cho những người đồng tính.
Chúng ta cần phải phân biệt giữa người xu hướng đồng tính và hành vi sinh hoạt tính dục đồng tính. Xu hướng đồng tính không phải là tội. Xu hướng tính dục bẩm sinh là cái mà con người nhận lãnh khi ra đời chứ không phải là cái con người có thể lựa chọn. Không có lỗi gì khi sinh ra đã thấy mình có xu hướng tình dục hướng về người cùng giới tính với mình.
Giáo Hội Công Giáo không kỳ thị người đồng tính, có nghĩa là: Giáo Hội nhìn nhận trọn vẹn phẩm giá làm người của người đồng tính, chứ không xếp họ vào một thứ bậc thấp hơn hay khinh thường, chê bai họ. Người Công Giáo đồng tính vẫn là con cái của Chúa, vẫn có thể đi lễ, đọc kinh, rước lễ, lãnh nhận bí tích và hưởng tất cả mọi điều mà người khác được hưởng. Nhưng Giáo Hội không đồng ý hôn nhân đồng tính và việc quan hệ đồng tính, vì nó đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Đối với một người Công Giáo, quan hệ tình dục chỉ được chúc phúc trong một cuộc hôn nhân được Giáo Hội chấp nhận, nghĩa là sự gắn kết giữa một người nam và người nữ theo như ý muốn của Thiên Chúa.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) dạy rằng:
“[Những anh chị em đồng tính] phải được người ta đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh tất cả những dấu hiệu của sự kỳ thị bất công đối với họ. (GLHTCG, 2358). Cũng trong sống này, Giáo Hội mời gọi các anh chị em đồng tính “thực thi ý Chúa trong đời sống của mình và nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp với hy sinh thập giá của Chúa những khó khăn mà họ gặp phải trong thân phận của họ”.
“Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống đức khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện, ân sủng, bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kito giáo” (GLHTCG, 2359).
Thái độ cần có
Nếu những người bạn của bạn thuộc giới tính thứ ba, bạn đừng xa lánh họ, đừng kỳ thị họ, đừng dành cho họ một sự khinh thường hay mỉa mai vì thái độ như thế là đi ngược lại với những gì Chúa dạy. Ở đâu cũng có kẻ tốt người xấu. Không phải cứ có xu hướng tình dục đồng tính là người xấu. Thực tế, ta thấy có nhiều người dị tính sống còn tệ hơn cả người đồng tính. Có rất nhiều người đồng tính sống rất tốt với người khác, được nhiều người yêu mến. Họ chân thành, tình cảm, nhiệt tình, thương người, quảng đại.. Người đồng tính thường đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi rồi, nên bạn đừng chất thêm cho họ thánh giá nữa; trái lại, hãy nâng đỡ họ bằng sự chân thành của mình. Cùng với họ, các bạn hãy xây dựng một thế giới văn minh đầy tràn tình thương qua những hoạt động lành mạnh, giúp ích cho đời.
Có nhiều trường hợp do bị áp lực quá nhiều từ xã hội và không được cảm thông, nhiều người đồng tính đã tìm đến cái chết hoặc sống buông thả, truỵ lạc. Dẫn đến tình trạng đó, một phần cũng do lỗi của chúng ta, khi đã không cho họ một cơ hội để sống tốt cuộc sống của mình.
Nếu bạn của bạn đang gặp những khủng hoảng, bối rối, hay có vấn đề tâm lý, bị tổn thương, cũng nên khuyên họ đi gặp những người có chuyên môn, các nhà tư vấn tâm lý (hay counseling) để được hướng dẫn để tránh những trường hợp bi thảm.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Câu hỏi: Tại sao không đồng ý cho những người bị bệnh rất nặng, được tiêm thuốc để chết nhẹ nhàng hơn?
Bạn có bao giờ xem bộ phim Bệnh nhân người Anh (1996) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Ondatjee? Đó là một hành trình của các số phận, tình yêu và sự mất mát xảy ra vào thời cuối Thế chiến II ở Ý. Phim kể về một bệnh nhân mà người xem sẽ đau với cái đau của Almásy khi ông bị giam trong tù và biết người yêu Katherine đang chết dần mòn trong hang động vì lỗi lầm của mình. Nhân vật này sống khắc khoải với cơn đau thể chất vì bị phỏng và nỗi đau tinh thần vì cái chết của Katherine. Ông xem như mình đã chết từ lâu, kể từ khi trái tim ông đã chết. Cuối cùng, ông chọn cách nhờ y tá chích mũi thuốc để ra đi…
Trên đây chỉ là một trong nhiều bộ phim nói về vấn đề an tử. Người ta có quyền được chết để ra đi êm ái hơn? Đó có phải là lựa chọn đúng đắn và nên được chấp nhận không? Gây chết êm dịu có thực sự là “liều thuốc nhẹ nhàng” để từ bỏ cuộc sống? Những vấn đề xoay quanh câu chuyện quyền được chết vẫn còn khá nhiều tranh cãi.
1. Vài thuật ngữ
An tử, gây chết êm dịu nghĩa là “giết vì xót thương” (tiếng Anh: euthanasia). Nó đề cập đến việc thực hành chấm dứt cuộc sống với mục đích giảm thời gian chịu đau đớn về mặt thể lý cho người bệnh. Nếu pháp luật cho phép, cộng thêm sự đồng ý của bệnh nhân và gia đình, bác sĩ có thể thực hiện việc kết thúc sự sống người bệnh bằng biện pháp không gây đau.
Trợ tử (assisted suicide) là việc tự sát được cam kết bởi người nào đó với sự trợ giúp từ người khác, để chấm dứt sự đau đớn từ bệnh tật thể lý trầm trọng. Trợ tử là hành vi mà người trợ giúp cho bệnh nhân đủ nhận thức và để gây ra việc tự kết liễu đời mình. Ví dụ bác sĩ kê đơn theo yêu cầu của bệnh nhân liều thuốc tử vong[1].
Để dễ hiểu, trợ tử là có sự trợ giúp của bác sĩ; còn an tử thì bác sĩ là người thực hiện hành vi cuối cùng, thường với một mũi tiêm.
Vấn đề bạn hỏi đã là cuộc tranh luận từ rất nhiều năm nay quanh các quan niệm luân lý, tôn giáo và pháp lý.
Ở Việt Nam, quyền an tử hay trợ tử được đề cập với nhiều ý trái chiều từ hơn 10 năm nay. Cho tới nay, pháp luật Việt Nam không cho phép gây chết êm dịu hay trợ tử. Điều 101 luật hình sự 2009 quy định “Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, hoặc việc đưa ra quyền được chết là vi phạm điều luật này.”
Tuy vậy, vài nước trên thế giới đã chấp thuận đạo luật cho an tử hoặc trợ tử. (Bỉ, Luxembourg, Hà Lan,Thụy Sĩ, Argentina,...).
2. Quan điểm ủng hộ gây chết êm dịu
Cái chết, nói tới người ta đã sợ. Ở đây nó được mặc cho cái tên mỹ miều: an tử, trợ tử. Người ta vẫn có lý ở một góc độ nào đó, khi cho rằng việc kết thúc sự sống là một cách tránh cho bệnh nhân những đau đớn mà họ phải chịu. Cũng có những luận điệu ủng hộ như sau:
- Quyền tự do: Quyền được chết nên được xem như các quyền cơ bản khác. Thể hiện quyền tự quyết định cuộc sống, kiểm soát vận mệnh, cách thức và phương pháp chết của mình là vấn đề do cá nhân tự chủ.
- Chất lượng cuộc sống: Chỉ có bệnh nhân mới thực sự biết bản thân cảm thấy thế nào. Nỗi đau về thể xác và tinh thần có thể khiến cuộc sống chỉ còn là chịu đựng. Việc sớm kết thúc sẽ khiến họ đỡ dằn vặt về thể xác lẫn tâm lý.
- Điều kiện thực tế: Đối với những người bệnh không còn thuốc chữa thì việc duy trì cuộc sống chỉ là thời gian. Chi phí điều trị hay sự chăm sóc của người thân không thể cứu vãn tình hình.
- Chấm dứt đau đớn: Không chỉ cho người bệnh mới cảm nhận mà thân nhân cũng phải qua những cảm xúc bi lụy, buồn bã.
3. Quan điểm phản đối an tử, trợ tử
Về tổng quan, quyền được sống, tự do,…đã quy định trong Hiến pháp các nước. Họ quy định sinh mạng là bất khả xâm phạm; nếu thi hành an tử sẽ mâu thuẫn vì người này có thể tước đoạt sinh mạng người khác.
Hầu hết người ta đều xác tín rằng sinh mệnh là do Tạo Hóa ban tặng. Do đó không ai có quyền chấm dứt sự sống. Dưới đây là chút tóm gọn mà bạn có thể đọc thêm trên wikipedia (Quyền được chết). Những người phản đối cái chết êm dịu cho rằng:
Về pháp luật, có thể xảy ra trường hợp:
- Con cháu bệnh nhân thông đồng với bác sĩ sửa bệnh án hoặc cưỡng ép ông bà bị bệnh ký giấy nhằm thi hành “án tử” để tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc tranh giành tài sản.
- Lợi dụng để giết người có chủ ý mà không bị trừng phạt (thí dụ: dùng vũ lực hoặc tình trạng không tỉnh táo của bệnh nhân – trong hoàn cảnh bệnh nhân bị bệnh tật dày vò, không đảm bảo trí óc hoàn toàn minh mẫn để tự quyết định – ép họ ký vào giấy).
Người bệnh chọn cái chết (dù bệnh có thể chữa) để trốn nợ hoặc gian lận bảo hiểm.
Về y tế:
- Nếu bệnh đó có cách chữa trong tương lai gần, áp dụng an tử thì bệnh nhân không còn cơ hội. Nếu thi hành sẽ dẫn tới bệnh nhân không có tinh thần đấu tranh với bệnh tật, việc chữa trị sẽ giảm hiệu quả.
- Bác sĩ Huỳnh Văn Bình, chuyên ngành ung bướu, chia sẻ: “Chẩn đoán có tỉ lệ sai sót không mong muốn, không chính xác tuyệt đối, phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của bác sĩ, trang bị kỹ thuật của bệnh viện. […] Làm sao chắc ‘quyền được chết’ thực hiện đúng người?”
Về đạo đức, xã hội:
- Việc ký giấy an tử đối với người bệnh để lại hối hận cho người thân. Nếu người thân của họ bất đồng về an tử, dẫn tới rạn nứt tình cảm gia đình, thậm chí căm hận nhau.
- Người trực tiếp tiến hành an tử gánh chịu di chứng tâm lý vì hành động của họ là tước đoạt sinh mạng. Nếu thân nhân không đồng ý, người tiến hành an tử có thể bị trả thù.
- Việc cho phép này làm “bình thường hóa”, vô tình cổ súy suy nghĩ về nạn tự sát (ai cũng có thể chọn như biện pháp giải quyết bế tắc mà không có nghị lực vươn lên, không quan tâm nỗi đau của người thân); dù không bị nan y nhưng chỉ cần thấy bế tắc trong cuộc sống… đã vội tìm cái chết (nhất là ở nước nghèo có hệ thống an sinh kém)[2].
Với những lý do trên, ông bà ta nói có nghĩa tình: “còn nước còn tát”. Hoặc trong vai trò y bác sĩ, hy vọng ai cũng trung thành với lời thề Hippocrates. Chẳng hạn, “Tôi sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, và không bao giờ làm hại ai.” Y đức Đông phương cũng chủ trương thầy thuốc đem hết tài trí cứu bệnh nhân đến hơi thở cuối cùng. Họ nỗ lực “tìm sự sống trong cái chết”; họ không thể thay Đấng Tạo Hóa giết người dù nhân danh lòng thương xót. Đáng mừng!
4. Giáo Hội Công Giáo nói gì về vấn đề này?
Dĩ nhiên “Giáo Hội bảo vệ quyền được sống, vì liên quan đến Đấng ban sự sống, vì tôn trọng sự thiện hảo thiết yếu của nhân vị.”[3] Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm vì mang hình ảnh Thiên Chúa và được chính Ngài giữ gìn chăm sóc. Sự sống và sự chết đều do chính Đấng Tạo Hóa và chỉ mình Ngài làm chủ (x. EV 47)[4].
Từ khởi thủy cho đến nay, những thực hành của Kitô hữu là một truyền thống dài về phục vụ bệnh nhân. Từ những dưỡng đường cổ xưa cho những khách ngoại kiều đến nhà thương phức hợp đầu tiên, chứng từ của Kitô hữu nhịp bước song hành với sự ân cần chăm sóc đối với các bệnh nhân, đặc biệt tại các nhà dòng, cơ sở Công Giáo,...
ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở: dù bệnh nhân có thể tự nguyện xin được chết, thầy thuốc nên nhìn thấy nhu cầu sâu xa hơn của người bệnh ẩn dấu bên dưới: nỗi cô đơn, sợ hãi, cần được giúp đỡ thể xác và tinh thần, giảm đau đớn và được yêu thương. Ngài tuyên bố: “Tôi xác nhận làm chết êm dịu là vi phạm nặng nề luật Chúa, là giết người cách cố ý. Giáo lý này dựa trên luật tự nhiên và Lời Thiên Chúa đã được viết ra, được lưu truyền trong Truyền Thống Giáo Hội và được giảng dạy bởi Huấn Quyền phổ quát và thông thường.” (x. EV 65–67).
Đồng thời Giáo Hội quan niệm: Những người đau yếu, khuyết tật cần được nâng đỡ để sống đời bình thường như có thể được. Không thể chấp nhận việc trực tiếp làm cho họ chết êm dịu, dù với bất cứ lý do hay phương tiện nào, vì nó nghịch với phẩm giá con người[5].
Vậy bạn có thể trả lời câu này: một em bé sinh ra với dị tật. Cha mẹ hay bác sĩ có quyền “giúp” bé chết hay không? Vì nếu cho phép thầy thuốc theo yêu cầu bệnh nhân kết liễu mạng sống, thì sự việc không dừng lại ở đó. Người ta sẽ bị kéo trượt trên con đường ấy để đưa cả những bệnh nhân vô phương cứu chữa nhưng không sắp chết, bệnh nhân tình trạng thực vật vĩnh viễn, trẻ sơ sinh khuyết tật, người lão suy, người thiểu năng tâm lý,...
Ai cũng biết khao khát được sống luôn là mong muốn mãnh liệt. Mỗi người đứng ở góc độ khác nhau sẽ có những ý kiến về quyết định liên quan trực tiếp đến mạng sống của mình. Thay vì nghĩ đến cái chết khi bế tắc, chúng ta có thể tìm đến bạn bè và người thân để tìm động lực sống. Tình cảm yêu thương sẽ trở thành sức mạnh giúp chúng ta đi qua giai đoạn khó khăn và tìm được quyết định đúng đắn nhất. Hạnh phúc thay, người Công Giáo còn có Chúa làm nơi tựa nương.
Ước chi giờ cuối của mỗi người như lời Bài hát Đi Trong An Bình: Giêsu, tay Người nhẹ đỡ nâng… dương gian nở trăm lối đưa ta về quê nhà… tình yêu Chúa luôn bao bọc… ra đi với mặt trời trong trái tim… người hãy nhớ mang theo tình yêu Cha… và gieo lời ca… nguyện cầu Giêsu, Người dẫn lối ta… đưa ta về quê trời…(nhạc Peter C. Lutkin, lời Việt Nguyễn Quốc Đoạt)
Hy vọng chút chia sẻ trên đây sáng lên vấn đề mà bạn hỏi!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (15.11.2021)
----------- [1] x. Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng, Phân biệt giữa an tử và trợ tử (2015), Nxb Tôn Giáo. [2] Trương Hồng Quang (2012), Bước đầu tìm hiểu vấn đề quyền được chết trong bối cảnh hiện nay, trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn về các quyền mới xuất hiện trong quá trình phát triển, Nxb. Khoa học xã hội. [3] Gioan Phaolô II, “Celebrate Life”, trong The Pope Speaks 24 (1979), 372. [4] Evangelium Vitae, bản dịch của Trần Như Ý Lan, CND. [5] x. Trần Như Ý Lan, Đức tin và luân lý sự sống: nhận định vài vấn đề luân lý y sinh học tại Việt Nam trên quan điểm y khoa và luân lý Công Giáo, Đăng trong Thời Sự Thần Học, Trung tâm Học vấn Đa Minh.
Câu hỏi: Con thấy nhiều bạn, chính con cũng thế, luôn có những ham muốn thể xác và đời sống tính dục. Con đã cố gắng rất nhiều để không phạm tội điều răn thứ 6 (phạm tội một mình). Nhiều khi con mệt mỏi và hoang mang. Không biết cần làm gì để thoát ra?
Trả lời:
Chúng ta phải chân nhận một điều rằng chúng ta được Thiên Chúa dựng nên là một giống loài có phái tính. Bởi thế, tự bản chất, tính dục là một điều tuyệt vời mà Tạo Hoá ban cho chúng ta. Tự nó không phải là điều xấu. Thiên Chúa ban cho chúng ta có tính dục là để hướng đến việc xây đắp một tình yêu tốt đẹp và truyền sinh. Đáng tiếc là chúng ta thường lạm dụng nó và sử dụng nó sai mục đích mà Tạo Hoá đặt để.
Ở độ tuổi mới lớn, sự phát triển của cơ thể về tâm sinh lý thường tạo cho chúng ta sự tò mò về chính cơ thể mình. Những cám dỗ và luồng tư tưởng bên ngoài xã hội cũng tác động đến chúng ta không ít, làm chúng ta sa đà vào những thói xấu. Việc vi phạm nhiều lần có khi dẫn chúng ta đến tình trạng chai lì, không còn xem đó là tội hoặc ở mãi trong tình trạng tội đến độ không thể dứt ra được.
Liên quan đến câu hỏi của bạn, trước hết, chúng tôi sẽ phân tích “chiến thuật của kẻ thù” và những xui khiến của nó theo cái nhìn nhận định thần loại mà Thánh Inhaxio nói đến trong cuốn Linh Thao (LT) của ngài (LT 313–336). Sau đó, chúng tôi xin chia sẻ vài phương pháp, hy vọng có thể giúp ích cho bạn.
Chiến thuật của kẻ thù
Thánh Inhaxio, Đấng Sáng lập dòng Tên, trong Bộ Nhận Định Thần Loại thứ nhất, khi nói về các chiến thuật của ma quỷ, có đề cập đến chiến thuật “đột kích vào nơi yếu và kém phòng thủ” của đương sự. Từ điểm nhỏ này, ma quỷ sẽ len lỏi vào, rồi tấn công những điểm khác, khiến cho “tường thành đời sống thiêng liêng của đối tượng bị suy yếu.” (x. LT, số 327).
Sau đó, ma quỷ sẽ dẫn đương sự đi từ từ, bắt đầu với những gì “có vẻ là chính đáng” (ví dụ, bạn muốn tìm sự giải trí để đầu óc thoải mái), rồi từ từ dẫn đến điều chẳng chính đáng tí nào (từ việc muốn tìm giải trí đến xem phim, và tiếp đến là thủ dâm, đặc biệt khi môi trường thuận lợi là không có ai chung quanh). Nếu không dừng lại kịp thì nó sẽ dẫn bạn đến những điều tồi tệ khác nữa.
Tiếp đến, ma quỷ dùng một chiến thuật khác. Thánh Inhaxio nói rằng: “...nhằm cầm giữ họ [người phạm tội] và gia tăng nơi họ những nết xấu và tội lỗi, thần dữ sẽ bày cho họ những vui thú bề ngoài [cảm giác lâng lâng và sung sướng] và xui tưởng họ đến những khoái lạc và vui thú giác quan. Ngược lại, thần lành sẽ thôi thúc và cắn rứt lương tâm họ bằng “lương tri” của lẽ phải.” (số 314).
Dựa trên những gì Thánh Inhaxio nói trong Bộ Nhận Định Thần Loại thì thần dữ sẽ tiếp tục xui khiến bạn những điều sau đây:
- Ma quỷ sẽ thổi vào trong bạn tư tưởng tiêu cực. Ví dụ như: mày là một thằng tội lỗi; mày đầy những nết xấu... Dụng ý của nó là muốn bạn đánh mất đi tương quan với Chúa, để từ đó, nó sẽ dẫn bạn đi xa hơn trên con đường xấu xa của nó.
- Cứ mỗi khi bạn hối hận và muốn từ bỏ, nó lại tiếp tục khơi lên trong bạn cái cảm giác sung sướng mà bạn có, khi bạn phạm tội. Mục đích là để bạn nuối tiếc và thực hiện hành vi ấy.
- Nó còn có thể khơi lên trong bạn ý nghĩ: có gì đâu, đi xưng tội là hết mà; hoặc, một chút thôi, chẳng sao đâu; hoặc, nó sẽ còn xui khiến bạn đọc những bài báo hoặc nghe trao đổi giữa những người không có niềm tin, cho rằng thủ dâm chẳng có gì sai.
- Và sau nhiều lần nỗ lực nhưng thất bại, nó sẽ làm cho bạn nhụt chí với suy nghĩ: sẽ không bao giờ mày bỏ được thói quen này đâu.
Dần dần, bạn sẽ cảm thấy sức mạnh của nó thật lớn và mình thật nhỏ bé, sẽ chẳng bao giờ mình thắng nổi nó. Càng sợ, bạn càng thấy mình yếu đuối, rồi bạn lại rơi vào con đường cũ. Lúc đó, bạn xấu hổ với Chúa, với Mẹ, với mọi người, bạn âm thầm làm theo những xúi quẩy của nó trong bí mật, không cho ai biết.
Trong khi đó, Chúa sẽ tác động đến “lương tri” của bạn, làm cho bạn cảm thấy áy náy, bứt rứt. Bạn có cảm giác là mình đi sai đường. Cuộc sống của bạn như đang mất đi cái gì đó cao quý và hướng về những giá trị cao. Việc bạn tỏ bày ước muốn vượt thắng những cám dỗ và thói quen xấu này là minh chứng cho thấy lương tri của bạn đang lên tiếng để khơi dậy trong bạn khao khát điều thiện hảo.
Phương pháp chống trả
Nguyên tắc chung của việc chống trả lại những chiến thuật của kẻ thù là mình làm ngược lại những gì nó xúi quẩy nơi bạn.
Chiến thuật của kẻ thù là muốn bạn giữ thinh lặng tật xấu của mình, đừng cho ai biết. Vì thế, cứ mỗi lần bị cám dỗ, hay thậm chí là phạm tội, ngoài việc đi xưng tội, bạn hãy chia sẻ với một người khôn ngoan và đạo đức để người này có thể giúp bạn chứ đừng vì sợ hay xấu hổ mà giữ im lặng.
Chiến thuật của kẻ thù cũng muốn bạn trở nên nhát đảm, nghĩ mình yếu đuối và sẽ không bao giờ bỏ được thói xấu này. Bạn hãy làm ngược lại bằng cách tự nhủ với chính mình: với ơn Chúa giúp, tôi có thể làm được. Cứ mỗi lần cám dỗ đến, bạn đừng tỏ vẻ yếu đuối. Nhưng hãy nhủ trong lòng và nói ra thành tiếng: KHÔNG, với một lòng xác quyết mạnh mẽ.
Một trong những thành công của kẻ thù là nó đã xúi bạn không thực hiện những thói quen thiêng liêng tốt như chầu Thánh Thể, lần chuỗi... Dù đầy mặc cảm và tội lỗi, bạn hãy vác cái tấm thân đầy loang lỗ ấy đến trước Chúa và kiên nhẫn cầu xin sự trợ giúp của Ngài.
Một cách cụ thể:
Về mặt sinh lý mà nói, việc bạn xem phim và thủ dâm dần dần sẽ hình thành trong bạn một “chu kỳ”. Nghĩa là, sau một khoảng thời gian, chẳng hạn như một ngày, hoặc một tuần..., cứ đến thời điểm đó là cơ thể bạn lại nổi lên ham muốn, đòi bạn phải thoả mãn. Và chu kỳ này dần dần rút ngắn lại. Ban đầu, có thể là một tháng, sau đó nó sẽ từ từ tăng lên ba tuần, rồi hai tuần, rồi 5 ngày, rồi 3 ngày, rồi 1 ngày... Cứ thế, cơ thể bạn cứ bị thôi thúc.
Để chống lại nó, bạn hãy cố gắng kéo dài chu kỳ ấy. Bạn hãy để ý xem mình thường bị cám dỗ vào ngày nào, thời gian nào. Để rồi, đến ngày đó, giờ đó, hãy cố gắng tránh càng xa càng tốt những cớ có thể khiến bạn phạm tội (tránh ngồi trên máy, tránh nói chuyện liên quan, tránh để giờ rảnh...) Qua ngày/giờ đó, cơ thể bạn sẽ dần dần thay đổi và bạn sẽ cảm thấy không còn ham muốn nhiều như lúc đó nữa. Và cứ thế, bạn cố gắng kéo dài càng nhiều càng tốt chu kỳ này.
Về mặt tâm lý, ngoài thói quen của cơ thể, có những cái khác cũng sẽ khơi lên ham muốn trong bạn. Chẳng hạn như bạn thường xem phim tại cái bàn học như thế, với cuốn sách, cây bút... bối cảnh của bàn học tập của bạn... Để rồi ngay cả khi không có cám dỗ, khi nhìn những cái này, bỗng dưng bạn nhớ đến lúc bạn ngồi đây xem phim... Vì thế, hãy dành chút thời gian để sắp xếp và thay đổi góc học tập của bạn. Hãy thay đổi cái gì đó. Có thể nuôi thêm con cá, hoặc trồng thêm một cây lan. Nói chung là làm sao đó để khung cảnh không giống như trước. Như vậy, bạn sẽ không bị khơi lại những ký ức cũ lúc bạn phạm tội.
Ngoài ra, bạn có thể tập nghe nhạc không lời. Khoa học đã chứng minh rằng nhạc không lời có tác dụng thanh tẩy đầu óc rất tốt. Nghe nhạc không lời sẽ giúp tâm hồn được thanh thản. Bạn cũng có thể xem những hình ảnh về phong cảnh, nghệ thuật, đọc hạnh các thánh, sách thiêng liêng... Tất cả những điều này, những tư tưởng này sẽ đi vào đầu bạn và thay thế những tư tưởng và hình ảnh xấu về tính dục.
Xu hướng của xem phim xấu và thủ dâm có thể khiến bạn thu mình vô và không muốn tiếp xúc với người khác. Vậy bạn hãy làm ngược lại bằng cách mở lòng mình ra hơn, tiếp xúc trực tiếp với mọi người, và theo đuổi một đam mê nào đó: đánh đàn, hội hoạ, chụp ảnh, thể thao... Hãy tránh xa những thời điểm và cớ nào khiến bạn ở một mình. Việc trò chuyện, chia sẻ với người khác sẽ giúp bạn yêu đời hơn và nhận ra rằng: cuộc sống này còn có nhiều điều đáng để mình theo đuổi, chứ không phải là chỉ đắm chìm vào máy vi tính với phim ảnh hay tìm khoái lạc cho bản thân.
Hãy lập kế hoạch học tập cho tốt. Việc học tập diễn ra trôi chảy thì bạn sẽ không bị cám dỗ.
Hãy tránh xa các website không tốt. Trong lúc còn đang quyết tâm từ bỏ. Bạn hãy dùng phần mềm chặn các website này trong máy của mình. Có thể trong bạn sẽ nảy sinh một suy nghĩ nuối tiếc. Nhưng nó cũng là một giải pháp hay. Nếu bạn thực sự quyết tâm, thì bạn đừng ngần ngại.
Bạn hãy tự biến cám dỗ thành một cơ hội để lập công, cầu nguyện cho các linh hồn và cho gia đình mình. Bạn hãy thầm thĩ với Chúa rằng: Chúa ơi, nếu con không phạm tội vào lúc này, xin Chúa hãy ban cho gia đình con ơn này... hoặc xin Chúa thương đến một linh hồn nào đó... Bạn hãy nhớ, cám dỗ không phải là tội, rơi vào cám dỗ mới là tội. Vậy nên, thay vì rơi vào cám dỗ, bạn hãy trở nên “ân nhân của các linh hồn” nhờ việc vượt qua nó và xin Chúa trả công cho mình.
Vì đây là một cuộc chiến, nên chắc chắn là bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Khi tập bỏ thói quen xấu, ban đầu bạn sẽ thấy bức bối, khó chịu, giống như “nghiện” vậy. Nhưng bạn phải cố gắng thôi. Hệt như em bé nằm im, chịu đau để vị nha sĩ nhổ đi cái răng sâu, bạn cũng phải chịu đau một tí để bản thân được giải thoát.
Hy vọng rằng những gì chúng tôi chia sẻ có thể giúp ích cho bạn.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Câu hỏi: Nơi môi trường đại học, nhiều lần con nghe giảng viên nói tôn giáo chỉ là trò bịa đặt. Thiên Chúa cũng chỉ là sản phẩm phóng chiếu của con người. Thú thật, để giải thích hoặc đối thoại với các giảng viên ấy, hay chứng minh cho chúng bạn về sự hiện diện của Thiên Chúa, thật thách đố với con. Xin giúp con vài cách để chia sẻ về sự hiện diện của Thiên Chúa cho người khác!
Trả lời:
Bạn thân mến,
“Có Thiên Chúa thật không?” là câu hỏi không biết bao nhiêu người đã từng đặt ra. Đây là một câu hỏi lớn của nhân loại và cũng chính là một lời mời gọi để mỗi người chúng ta khởi đầu hành trình kiếm tìm chân lý.
Trước hết, bạn hãy hỏi vũ trụ vạn vật...
Bạn hãy dành thời gian quan sát mà xem: biết bao nhiêu vẻ đẹp lạ lùng của thiên nhiên: những rực rỡ lung linh của bầu trời trăng sao, sự hùng vĩ của núi sông, biển cả, sự huy hoàng của ánh bình minh chiếu sáng hay khi hoàng hôn buông nhẹ bóng xế tà, nét kiều diễm của từng bông hoa cùng hương thơm dịu dàng của chúng, tiếng suối reo róc rách, tiếng chim hót véo von, tiếng gió rì rào qua kẽ lá… Rồi bạn hãy hỏi: “Ai đã làm nên những vẻ đẹp này?” Thánh Augustinô xưa cũng đã từng hỏi như vậy, và ngài nhận được câu trả lời: “Còn ai nữa, nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không bao giờ thay đổi!” Phần bạn, nếu bạn nghiệm ra rằng: những vẻ đẹp ấy không phải do ngẫu nhiên hay tình cờ, nhất định phải có một nguyên nhân rất tinh tế, phải có một tác giả rất tài tình của những vẻ đẹp ấy, là bạn đã bắt đầu tìm thấy câu trả lời rồi đó.
Ngày nay, với các phương tiện khoa học kỹ thuật, bạn có thể khám phá thế giới bao la, vũ trụ rộng lớn. Và bạn sẽ thấy rằng: hằng hà sa số những vì sao trên bầu trời kia không phải là một mớ hỗn độn khổng lồ đâu, mà tất cả đều vận hành theo một trật tự ngăn nắp. Chúng tuân theo những định luật cực kỳ chính xác.
Chẳng hạn, Trái Đất của chúng ta tự quay chung quanh mình mỗi ngày một vòng, đang khi nó vẫn chạy theo quỹ đạo chung quanh Mặt Trời mỗi năm một vòng với vận tốc 30km/giây (108 ngàn km/giờ). Tương tự, các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời: sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ... cùng vận hành xoay quanh Mặt Trời. Các quỹ đạo của chúng gần như tạo thành một mặt phẳng gọi là mặt phẳng hoàng đạo. Cũng thế, mỗi ngôi sao, hệ sao, quần tinh và các thiên hà đều vận hành theo những quy trình nhất định. Thật tuyệt diệu phải không bạn?
Nhà bác học Newton sau khi khám phá vũ trụ đã khẳng định: “Nhờ dùng kính viễn vọng để tìm đến nơi tận cùng, tôi đã nhìn thấy dấu vết của Thiên Chúa”. Sự hiện hữu của các định luật vật lý chính là bằng chứng rõ rệt nhất của Đấng Sáng Tạo là Thiên Chúa.
Bây giờ bạn hãy thôi quan sát vũ trụ để tìm hiểu các nguyên tử rất nhỏ bé và bạn cũng sẽ phát hiện ra những điều kỳ thú. Mỗi nguyên tử vật chất là cả một Thái dương hệ thu nhỏ, gồm có một nhân ở trung tâm giống như Mặt Trời. Chung quanh nhân là chi chít những electron chuyển động xoay tròn quanh hạt nhân với vận tốc 297.000 km/giây, thật không khác gì các hành tinh xoay lượn chung quanh Mặt Trời.
Những điều trên cho ta thấy tính trật tự và tính quy luật của toàn thể vũ trụ vật chất, từ cái cực lớn đến cái cực nhỏ. Liệu tất cả những điều vi diệu đó chỉ là do ngẫu nhiên và tình cờ mà thôi sao? Tình cờ và ngẫu nhiên có thể tạo nên những cấu trúc, những hệ thống được không hay chỉ là hỗn độn, bừa bãi, thậm chí là hư vô trống rỗng? Chiếc đồng hồ với hệ thống kim chỉ giờ, chỉ phút, chỉ giây chạy nhịp nhàng là do ngẫu nhiên mà có, hay là đã có người thợ chế tạo ra nó?
Vật chất vô tri đã thế, các loài sinh vật còn kỳ diệu hơn nhiều. Từng quan năng, từng tế bào, từng phân tử trong tế bào đều được cấu tạo cách cực kỳ phức tạp tinh tế và thông minh. Bác sĩ Alexis Carrel (1837–1944) nhà sinh vật học người Pháp, người đã được trao giải Nobel năm 1912, đã diễn tả về sự tăng triển kỳ diệu của sự sống từ một tế bào như sau:
Con vật được cấu tạo bởi những tế bào, cũng giống như cái nhà được xây dựng bằng những viên gạch. Nhưng con vật xuất phát từ chỉ một tế bào duy nhất, như thể cái nhà chỉ bắt nguồn từ một viên gạch vậy. Một viên gạch đầu tiên tự tạo lấy những viên gạch khác, chỉ với nước suối, những chất muối hòa tan trong nước và khí trời. Rồi những viên gạch ấy không cần đến kiến trúc sư vẽ kiểu, không cần đến bàn tay của thợ xây, đã tự động kết hợp thành những bức tường. Các viên gạch cũng tự động biến thành các tấm kính để làm cửa, ngói để lợp mái… Lạ không?
Trái Đất này tràn đầy sự kỳ diệu như thế. Dưới lòng đất, trên núi cao, giữa biển sâu, trong rừng vắng, chỗ nào cũng đầy sự kỳ diệu, đến nỗi bạn không còn để ý đến. Còn những ai để ý sẽ không thể không kinh ngạc thán phục. Như nhà bác học Pasteur chẳng hạn, ông tuyên bố: “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin có Thiên Chúa”. Còn bạn thì sao?
Gần đây, khám phá về phân tử ADN trong nhân tế bào càng làm các nhà khoa học kinh ngạc. Việc giải mã bộ gen người vô cùng tinh vi càng làm các nhà khoa học kinh ngạc hơn. Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc chương trình Bản đồ gen người này, đã quả quyết rằng mã ADN chính là “ngôn ngữ của Chúa” – những chỉ thị để sự sống hình thành và phát triển. Qua đó ông biết được bí mật của sự sống mà Chúa đã cài đặt trong ADN. Từ một người vô thần, ông đã trở thành người có đức tin và nói: “Đạo Thiên Chúa đã đem lại cho tôi chuỗi chân lý vĩnh hằng đặc biệt.” Còn bạn thì sao?
Bạn hãy hỏi tiếng Lương tâm:
Bây giờ bạn hãy nhìn vào ngay trong nội tâm mình để khám phá ra rằng trong đó có một thứ lề luật mà chính bạn không đặt ra, luật đó vẫn luôn nhắc nhở bạn phải làm điều thiện và tránh điều ác. Luật đó chính là lương tâm.
Lương tâm luôn luôn theo cùng mỗi người mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Ta có thể phớt lờ tiếng lương tâm để mà ăn gian nói dối, trộm cắp, giết người… nhưng ta vẫn biết, vẫn cảm thấy việc mình làm là sai trái, là không tốt. Cho dù việc ta làm chỉ một mình ta biết, nhưng ta vẫn thấy day dứt không nguôi. Chính vì sự day dứt này mà có nhiều thủ phạm giết người, dù đã rửa sạch mọi dấu vết và không bị phát giác, nhưng nhiều năm sau, kẻ ấy bỗng nhiên đi đầu thú để được đền bù lẽ công bằng. Nguyên do là vì kẻ ấy không chịu nổi sự dày vò trách cứ của lương tâm.
Hẳn nhiên, lương tâm không phải do mỗi người tự đặt ra cho chính mình. Bởi vì nếu mỗi người tự đặt ra cho mình thì chúng ta sẽ phải đặt ra những gì dễ dãi và có lợi cho bản thân. Còn lương tâm thì khác hẳn, chúng không luôn phù hợp với khuynh hướng xấu của con người. Mặt khác, nếu mỗi người tự đặt ra lề luật cho mình thì luật ấy sẽ muôn hình vạn vẻ. Nhưng lương tâm luôn có sự thống nhất và mang tính phổ quát cho toàn thể nhân loại.
Lương tâm cũng không phải do môi trường xã hội đặt ra, bởi vì có khi nó còn cao hơn những đòi hỏi của xã hội và đôi khi đi ngược lại với những bó buộc sai trái của xã hội. Cho nên lương tâm là bẩm sinh. Cha mẹ, thầy cô hay xã hội chỉ là đóng vai trò phụ thuộc, giúp cho luật ấy phát triển và sáng tỏ hơn hoặc cũng có thể làm cho nó bị bóp méo lệch lạc mà thôi. Vậy lề luật này ở đâu ra khi chính chúng ta không tự đặt ra lề luật ấy cho mình? Nhờ phán quyết của lương tâm này mà nhiều người đã ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa. Bạn thấy sao?
Bạn hãy hỏi những tấm lòng vị tha:
Vượt lên trên cả tiếng lương tâm, trong mỗi người còn có một sức mạnh khác, một sự thôi thúc của lòng vị tha. Lòng vị tha là sự trao tặng không vụ lợi của một người dành cho người khác mà không hề có động cơ vị kỷ; hy sinh cho người mà không cần được người đền đáp. Rất nhiều người đã bất chấp sự nguy hiểm của bản thân để giúp đỡ người khác.
Một gương mặt tiêu biểu mà có lẽ bạn đã từng thấy trên các phương tiện truyền thông là thánh Têrêsa Calcutta. Thánh nhân được cả thế giới kính cẩn gọi là mẹ vì sự giúp đỡ không chút vị kỷ của mẹ đối với những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ tại Calcutta và nhiều nơi trên thế giới. Tuy đang sống yên ổn tại dòng Loreto với công việc giảng dạy, mẹ Têrêsa quyết định rời tu viện để giúp đỡ người nghèo và sống chung với họ.
Từ hai bàn tay trắng, mẹ khởi đầu một dòng tu với mục đích chăm sóc người đói khát, trần truồng, kẻ không nhà, người tàn tật, người mù, bệnh nhân phong, bất cứ ai đang cảm thấy thừa thãi, bị căm ghét, ruồng bỏ trong xã hội, những người đang là gánh nặng của xã hội và bị mọi người xa lánh, người tị nạn, người khuyết tật, già lão, nghiện rượu, người nghèo và người vô gia cư, nạn nhân lũ lụt, dịch bệnh, và nạn đói… Những người vô gia cư sắp chết cũng được mẹ và các nữ tu mang về chăm sóc để họ được chết “một cái chết đẹp” như những thiên thần.
Vào thời điểm mẹ Têrêsa từ trần (1997), dòng tu của mẹ có hơn 4.000 nữ tu, với sự hỗ trợ của 300 tu sĩ, và hơn 100.000 người tình nguyện. Họ điều hành 610 cơ sở từ thiện tại 123 nước trên thế giới. Thật là một điều phi thường. Mẹ Têrêsa và dòng tu của mẹ là tiêu biểu trong vô số những người có lòng vị tha trong xã hội. Hành động của các vị ấy trái ngược hoàn toàn với lối sống thực dụng và ích kỷ của bản tính con người.
Thậm chí trong một số trường hợp, lòng vị tha có thể lớn tới mức hy sinh cả tính mạng mình để cứu giúp người khác, tiêu biểu như thánh Maximilianô Maria Kolbê. Ngài là một linh mục trong trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã, đã tình nguyện chịu chết thay cho một người bạn tù vì anh này còn có vợ con.
Không phải ai trong chúng ta cũng có thể dám hy sinh thân mình để cứu giúp người khác như thế. Nhưng chắc chắn là hầu hết chúng ta đều từng cảm thấy có một sự thúc gọi bên trong là hãy giúp đỡ một người lạ đang gặp khó khăn, dù biết bản thân mình chẳng được lợi lộc gì. Và nếu chúng ta đã từng làm như vậy thì phần thưởng dành cho chúng ta thường là một cảm giác vô cùng ấm áp vì đã làm được một điều gì đó đúng đắn và hữu ích cho người khác.
Đạo diễn Trần Văn Thủy và đoàn làm phim tài liệu Việt Nam trong tác phẩm nổi tiếng “Chuyện tử tế” sản xuất năm 1985, đã phỏng vấn các thầy thuốc làm việc lâu năm tại trại phong Quy Hòa:
– Ai là người tận tâm chăm sóc cho các bệnh nhân phong?
Mọi người đều trả lời:
– Các bà sơ, chuyện đó phải kể đến các bà sơ.
Khi đoàn làm phim hỏi các bà sơ:
– Đâu là nơi bắt đầu để các sơ yên tâm tận tụy phục vụ các người phong?
Các sơ trả lời:
– Chỗ bắt đầu của chúng tôi là Niềm Tin.
Câu trả lời đã gây một ấn tượng sâu sắc cho người nghe.
Còn bạn, khi chiêm ngưỡng những tấm lòng vị tha, nhất là gương các thánh, bạn có nhận ra thấp thoáng hình ảnh Thiên Chúa chưa?
Bạn hãy hỏi Chúa:
Cuối cùng, bạn hãy hỏi chính Chúa. Chắc chắn Chúa sẽ có câu trả lời cho bạn. Thực ra, Ngài đã trả lời cho bạn rồi. Bạn hãy đọc Kinh Thánh, đó chính là Lời Chúa nói với loài người và cũng là nói với bạn.
Bề ngoài, Kinh Thánh là bộ sách đứng đầu mọi thời đại và là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Ước tính mỗi năm có thêm hàng trăm triệu bản được in ấn và phát hành. Đây cũng là bộ sách được dịch nhiều lần nhất, sang hơn 2.508 ngôn ngữ của hơn 90% dân số thế giới (năm 2009). Cho tới nay, Kinh Thánh đã lưu truyền mấy nghìn năm chưa bao giờ ngừng. Chẳng những hơn hai tỉ người thuộc các giáo hội Kitô giáo vẫn thường đọc hay nghe Kinh Thánh hàng ngày, mà Kinh Thánh còn ảnh hưởng tới hàng tỉ người ngoài Kitô giáo.
Nhưng tính chất quan trọng của Kinh Thánh không chỉ thể hiện ở chỗ sách này được in nhiều nhất, số lượng người đọc và trích dẫn là nhiều nhất, nhưng ở chỗ: Nhờ Kinh Thánh mà con người nhận biết chương trình và hành động cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ Kinh Thánh con người cũng biết được Thiên Chúa là ai và Người muốn con người phải sống thế nào cho phải đạo. Nhờ Kinh Thánh mà con người biết rằng Thiên Chúa không phải là “Ông Trời” xa tít, nhưng là một “chủ thể” vừa siêu việt vừa gần gũi với mình.
Kinh Thánh sẽ nói với bạn rằng:
“Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.” (Tv 90,2) Tuy Kinh Thánh đã được viết từ rất lâu và cũ kỹ, nhưng nó lại chứa đựng nội dung, sứ điệp không hề thay đổi theo thời gian. Không có một bộ sách nào vừa cổ kính vừa mới mẻ, vừa cao xa vừa hiện thực như Kinh Thánh. Trong thời đại chúng ta, thời đại bùng nổ thông tin, nhưng chẳng có thông tin nào đem lại cho chúng ta niềm tin yêu, hy vọng. Tất cả đều tỏ ra là phù du. Cũng như mọi thứ tài sản, lạc thú và quyền lực cũng sẽ chẳng đáp ứng được các nguyện vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Cho nên, để xây dựng cuộc đời, để khám phá nguồn vui, để kiếm tìm chân lý, chúng ta cần đến những nền tảng chắc chắn, và nền tảng ấy chính là Kinh Thánh. Kinh Thánh thánh đã đem lại niềm tin và sức mạnh cho hàng tỉ người, bao gồm cả những vĩ nhân trên thế giới. Bạn đừng thờ ơ hay xem thường nhé.
Đến đây, không biết bạn đã tìm ra câu trả lời chưa? Dù rồi hay chưa thì mình cũng giới thiệu bạn hãy đến với người này: Đức Giêsu Kitô, hiện thân của Thiên Chúa. Đấng đã từ nơi Thiên Chúa mà đến để giới thiệu và loan báo cho chúng ta biết dung nhan đích thực của Thiên Chúa tình yêu. Chính Người đã nói về mình rằng: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6). Nếu bạn thực sự muốn tiếp cận chân lý, hãy đến với Đức Giêsu, Đấng vẫn hằng hiện hữu cách thiêng liêng giữa Hội Thánh của Người.
Thân ái.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Câu hỏi: Con nghe nói Giáo Hội mình không cho phép phá thai. Còn về ngừa thai thì không biết Giáo Hội mình có cho phép không? Nếu dùng phương pháp ngừa thai thì có tội gì nghiêm trọng không?
Trả lời:
Chào bạn,
Đây là một câu hỏi rất thời sự không chỉ cho chính bạn, mà còn cho nhiều đôi vợ chồng trẻ trong bối cảnh của xã hội ngày nay. Tôi nghĩ bạn không chỉ là một người muốn tìm hiểu về vấn đề ngừa thai, nhưng còn muốn sống một tình yêu có trách nhiệm trong hôn nhân. Nghĩa là người làm cha, làm mẹ ý thức sống đức tin theo thánh ý Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Hôn nhân là chứng ước của tình yêu đôi lứa, nhằm diễn tả tình yêu thương trong đời sống vợ chồng: hiệp nhất, bổ túc và tự hiến cho nhau. Đồng thời, tình yêu vợ chồng cũng thường gắn liền với việc sinh sản và giáo dục con cái. Điều đó nhắc nhớ cho vợ chồng biết quyền lợi và trách nhiệm của họ. Là vợ chồng, họ được tiếp nối trong sự sáng tạo của Thiên Chúa qua việc sinh sản con cái. Đồng thời vợ chồng cũng có trách nhiệm, tôn trọng và chung thủy với nhau, đặc biệt là trong việc gần gũi thể xác của vợ chồng.
Trong đời sống hôn nhân gia đình, con cái chính là ơn huệ cao quí mà Thiên Chúa ban cho. Cha mẹ không chỉ đón nhận con cái như hoa trái của tình yêu vợ chồng, nhưng còn với tâm tình tạ ơn và trách nhiệm hướng dẫn dạy dỗ con cái. Trách nhiệm đó được thể hiện:
“Bằng quyết định cao thượng và thận trọng để dưỡng nuôi một gia đình sung túc, quyết định này được hình thành từ những lý do nghiêm túc và phải tôn trọng luật luân lý, để không sinh thêm con trong một thời gian định kỳ hay vô hạn.” (Thông Ðiệp Sự Sống Con Người, 10).
Từ điều trên, nhiều gia đình băn khoăn trong việc phải dùng phương pháp ngừa thai nào thích hợp với đời sống đức tin, với tình yêu chung thủy vợ chồng và trách nhiệm giáo dục con cái. Đứng trước những thao thức và ưu tư đó, Hội Thánh chia sẻ và đồng cảm, cũng như khích lệ các gia đình biết sống tình yêu trong trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau. Khi đó họ thể hiện một đời sống gia đình gương mẫu trong đức tin, cũng như phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và hạnh phúc vợ chồng.
Hội Thánh chỉ ra rằng, việc áp dụng phương pháp ngừa thai bao giờ cũng phải: Tôn trọng giá trị của sứ mệnh lưu truyền sự sống và phẩm giá con người. Điều ấy có nghĩa là không trái luật Thiên Chúa về việc lưu truyền sự sống. Vợ chồng phải có ý ngay lành trong việc sử dụng các qui tắc khách quan về luân lý, dựa trên bản tính và tác động con người. Họ không được xâm phạm đến ý nghĩa tình yêu hôn nhân, đó là tự hiến cho nhau; cần sống khiết tịnh trong hôn nhân, và trung thành với giáo huấn của Hội Thánh.
Hiện nay, việc ngừa thai có hai cách thế là ngừa thai tự nhiên và ngừa thai nhân tạo. Đối với Giáo Lý của Hội Thánh, thì người Công Giáo không được phép sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, nhưng được sử dụng phương pháp ngừa thai tự nhiên. Dù trong phương pháp này, vợ chồng cũng cần tôn trọng nhân phẩm và sống đời sống tiết dục trong hôn nhân (x. Thông Ðiệp Sự Sống Con Người, 14, 16). Chính họ phải chứng thực rằng ước muốn đó không do ích kỷ, nhưng xứng hợp với lòng quảng đại chính đáng của người làm cha mẹ có trách nhiệm:
“Khi cần hòa hợp tình yêu vợ chồng với việc sinh sản con cái có trách nhiệm, phải ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành thực và việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn khách quan suy diễn từ bản tính nhân vị và của hành động nơi nhân vị: những tiêu chuẩn ấy tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái trong khung cảnh tình yêu đích thực. Đó là điều không thể thực hiện được nếu không thực tâm vun trồng đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng.” (Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 51).
Về phương pháp ngừa thai tự nhiên
Đây là phương pháp dựa trên sự tiết dục định kỳ, vợ chồng kiêng giao hợp trong thời kỳ người vợ dễ dàng thụ thai. Có hai phương pháp ngừa thai tự nhiên: đó là phương pháp Ogino–Knauss và phương pháp Billings. Cả hai phương pháp này đều xác định ngày trứng rụng, cũng như xác định trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ những ngày nào có thể thụ thai và những ngày nào không thể thụ thai. Nếu có lý do chính đáng, vợ chồng có thể sử dụng phương pháp ngừa thai tự nhiên này, vì nó không đối nghịch với bản chất và mục đích của hành vi yêu thương thân mật, không trực tiếp ngăn cản việc trứng thụ tinh hay giết chết bào thai. (x. GLHT 2368 – 2370).
Về phương pháp ngừa thai nhân tạo
Đây là phương pháp trực tiếp làm cho khả năng sinh sản bị vô hiệu, hoặc làm cho diễn tiến truyền sinh bị ngăn chặn hay không thể đạt kết quả. Việc ngừa thai nhân tạo áp dụng cho nam giới gồm có những phương pháp: Thắt ống dẫn tinh, dùng bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo, sử dụng thuốc diệt tinh trùng... Còn cách thức ngừa thai nhân tạo áp dụng cho nữ giới gồm có những phương pháp: Thắt ống dẫn trứng, thuốc tránh thai (uống, tiêm hoặc cấy dưới da), sử dụng các dụng cụ như vòng xoắn, màng ngăn ...
Hội Thánh cấm dùng các phương pháp ngừa thai nhân tạo này! Lý do là vì chúng làm sai lệch bản chất của tình yêu vợ chồng là hiến thân trọn vẹn cho nhau, và ngăn cản vợ chồng cộng tác vào công cuộc trao ban sự sống. Bên cạnh đó, Hội Thánh nói với các vợ chồng rằng:
“Cấm việc hút điều hoà kinh nguyệt, vì là hình thức phá thai non. Cấm những hành động trực tiếp ngăn cản việc thụ thai tạm thời hay vĩnh viễn. Cấm sử dụng các dụng cụ, các loại thuốc ngừa thai” (Thông Ðiệp Sự Sống Con Người, 14).
Ước mong việc dùng các phương pháp ngừa thai không phải là cách thế để thỏa mãn đời sống tình dục, nhưng trên hết, đó là sự bổ trợ trong một tình yêu chung thủy, tôn trọng và sống trách nhiệm trong tình yêu vợ chồng. Đừng quên vợ chồng cũng phải giáo dục con cái thành những công dân lương thiện và những Kitô hữu tốt lành.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Câu hỏi: Làm thế nào để người trẻ có thể hiểu biết và trưởng thành khi quyết định lập gia đình theo luật Công giáo?
Trả lời:
Từ xa xưa, trong truyền thống văn hóa Việt Nam, gia đình có một chỗ đứng vô cùng quan trọng trong việc xây dựng sự hưng thịnh của quốc gia “gia đình là tế bào của xã hội”. Và cũng nhờ gia đình, mỗi cá nhân có thể phát triển toàn diện (nhân – nghĩa – lễ – trí – tín). Vì vậy, khi một thành viên trong gia đình kết hôn thì đó là một việc hệ trọng của cả dòng họ.
Hôn nhân là việc linh thiêng; do đó trước khi về chung sống với nhau, cô dâu chú rể được gia tộc hai bên tổ chức nghi lễ một cách công khai và long trọng. Đôi tân hôn được trời đất, ông bà tổ tiên, gia đình quan khách… chứng dám và chúc phúc. Những lời cầu chúc “trăm năm hạnh phúc”, “sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long, con đàn cháu đống”… được tặng riêng cho đôi uyên ương.
Với người Công giáo, Hôn nhân Công giáo mang những giá trị đặc biệt giúp người Kitô hữu xây dựng một gia đình viên mãn ngay tại trần gian. Trong giới hạn của bài viết, xin chia sẻ với các bạn những tóm lược chính yếu về ý nghĩa hôn nhân Công giáo.
Vậy hôn nhân là gì?
Hôn nhân hay còn gọi là hôn nhân tự nhiên là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ. Hôn nhân được ký kết tự nguyện, tự do và ý thức trách nhiệm dựa trên tình yêu của hai người. Họ trở thành một gia đình, cùng nhau xây dựng hạnh phúc, nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong trách nhiệm làm cha làm mẹ.
Còn với Giáo hội Công giáo, người nam người nữ kết hôn với nhau đều là người Kitô hữu (cả hai đã được rửa tội). Họ ưng thuận kết ước cùng nhau thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh. Khi đó, hôn nhân trở thành Bí tích. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Hôn nhân là bí tích tình yêu… Khi vợ chồng nên một trong hôn nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời.”
Vì sao hôn nhân Công giáo là một bí tích?
Chúng ta đã biết Bí tích là dấu chỉ bên ngoài do Chúa Giêsu thiết lập và truyền lại cho Hội Thánh cử hành, để diễn tả và thông ban cho chúng ta ân sủng bên trong là sự sống thần linh. Với bí tích hôn nhân, dấu thánh bên ngoài là sự ưng thuận thành hôn giữa hai người và công khai việc ưng thuận trước vị đại diện Giáo Hội (Linh mục) và các người chứng. Còn ơn bên trong cho đôi hôn nhân bao gồm ơn tự nhiên và ơn siêu nhiên để họ chu toàn bổn phận làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ trong gia đình. Công đồng Vaticano II nêu rõ:
“Vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một Bí tích để chu toàn xứng đáng các bổn phận trong bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của Bí tích này, họ được thấm nhuần Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến và ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và Thánh hóa lẫn nhau; bởi đó, họ cùng nhau tôn vinh Chúa.” (MV.48b)
Đời sống hôn nhân giúp cả hai cùng nên Thánh trong tình nghĩa vợ chồng.
Vậy Chúa Giêsu lập bí tích hôn phối khi nào?
Trong Kinh Thánh, sách Sáng thế tường thuật về việc kết hiệp vợ chồng của con người:
“Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Thiên Chúa phán: “con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó… Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra và lắp thịt thế vào, làm thành một người đàn bà và dẫn đến con người. Con người nói: “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông mà ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2,18.21–24)
Qua trình thuật trên cho thấy hôn nhân đã xuất hiện ngay từ khởi đầu của công trình sáng tạo. Đời sống hôn nhân của loài người là ý định của Thiên Chúa. Ngài tạo dựng con người có nam, có nữ và đã tác hợp họ thành vợ chồng, họ trở nên “một xương một thịt” gắn kết trong tình nghĩa phu thê. Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa, Ngài là Đấng tác tạo hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng con người có nam có nữ.
Nhưng chính Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên Bí tích. Giáo Hội hiểu sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana như một sự chúc phúc của Thiên Chúa cho đời sống hôn nhân (Ga 2,1–11). Đồng thời, việc Ngài làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon giúp đôi tân hôn và mọi người dự tiệc cưới có niềm vui trọn vẹn là một chứng thực của Ngài đối với giá trị hôn nhân. Mặt khác, nhìn nhận sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong đời sống gia đình.
“Hội Thánh coi việc hiện diện của Đức Kitô trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh nhìn sự kiện này như Lời Chúa xác nhận hôn nhân là việc tốt và công bố hôn nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô.” (Sách GLHTCG, số 1613).
Đặc tính của Hôn nhân Công giáo là gì?
Khi đôi bạn trở nên vợ chồng, đời sống gia đình liên kết họ trong cả con người và hành động mỗi ngày một sâu sắc trong “tình nghĩa vợ chồng”. Sự liên kết mật thiết này là một sự tự hiến của cả hai người cho nhau. Vì lợi ích của gia đình và con cái nên “buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly”, nên đặc tính của hôn nhân công giáo là:
- Đặc tính đơn hôn: Đơn hôn là hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Hôn nhân Công giáo là duy nhất, trung tín, không chia sẻ, cả hai chỉ thuộc về nhau cả tâm hồn lẫn thể xác “nhất phu nhất phụ”. Đặc tính đơn hôn loại trừ hình thức đa thê.
- Đặc tính bất khả phân ly: Bất khả phân ly là hôn nhân ràng buộc hai người cho đến chết. Khi người nam, người nữ đã kết hôn thành sự và hợp pháp, họ phải chung thủy với nhau trọn đời. Không ai có thể tháo cởi dây hôn nhân đó cho dù vợ chồng họ đồng tình, dù quyền lực tôn giáo hay dân sự tán thành. Đặc tính vĩnh viễn này loại trừ sự ly dị, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6b)
Hai đặc tính đơn hôn, bất phân ly trong hôn nhân xuất phát từ ý định của Thiên Chúa “…Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Trong Tin Mừng Matthêu khi trả lời với các nhà Biệt phái về việc ly dị, Đức Giêsu quả quyết: “Tại các ông chai đá cứng lòng, nên ông Môsê cho phép rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu.” (Mt 19, 9).
Về mặt xã hội chúng ta có thể nhận định rằng, hôn nhân tự nhiên đòi buộc phải đơn hôn và vĩnh viễn, để mục đích của đôi bạn trong đời sống gia đình là trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái mới thành viên mãn. Đôi bạn chung sống cùng nâng đỡ nhau, sự chung thủy sẽ làm gia đình thêm gắn bó yêu thương. Nếu một trong hai người chia sẻ tình cảm với một người thứ ba, thì gia đình này sẽ phát sinh những trục trặc khó lường được hậu quả. Mặt khác, những đứa con được sinh ra là do sự kết hợp thân mật vợ chồng. Nếu vợ chồng bất tín, thì nguồn gốc những đứa con sẽ bị nghi ngờ. Lúc đó, vợ chồng có thể an tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ những đứa con sinh ra trong bất tín chăng?
Đặc biệt hôn nhân Công giáo được chính Thiên Chúa thổi vào đó một phẩm giá cao quý, trong thư Êphêxô Thánh Phaolô viết: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ mình, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.” (Ep 5,25) Chính sự mô phỏng này ban cho hôn nhân Công giáo phẩm giá cao quý nhất: tình yêu vợ chồng sánh ví như tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, vì người kia mà có thể hiến mạng sống mình. Một tình yêu không chia sẻ và trọn đời bền vững. Vì vậy, Hôn nhân Công giáo phải đơn hôn và bất khả phân ly do phẩm giá cao quý của Bí tích Hôn phối mang lại.
Mục đích của hôn nhân công giáo là gì?
Ngay từ buổi ban đầu tạo dựng con người, Thiên Chúa đã muốn con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Ngài cho con người làm chủ muôn loài muôn vật và mời gọi con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất…” (St 2,28a). Ý định của Thiên Chúa là vợ chồng trọn đời yêu thương nhau và sinh sản đầy mặt đất. Và đó cũng là mục đích của hôn nhân Công giáo.
Trọn đời yêu thương nhau:
Đôi bạn đến với nhau do tình yêu thức đẩy, họ muốn nên một với nhau để tình yêu đó ngày càng triển nở và thăng hoa. Kinh Thánh diễn tả khi Ađam trong vườn địa đàng. Ông có tất cả vạn vật chung quanh nhưng ông vẫn thấy thiếu, thấy trống vắng: “Ông không tìm được trợ tá thích hợp” và Chính Thiên Chúa đã cho Ađam một trợ tá là bà Evà để lấp đầy sự thiếu thốn của ông. Ông sung sướng thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn ông” (St 2,23). Ađam cảm thấy hài lòng về nàng vì ông đã tìm được người tương trợ cho mình.
Trong hôn nhân, người nam, người nữ đến với nhau để bù đắp cái thiếu của nhau và tương trợ nhau trong đời sống gia đình và cuộc sống (xét cả về tâm sinh lý, xã hội, năng lực…). Khi kết ước nên một, đôi bạn phải nhìn nhận rằng, người chồng, người vợ của mình có những sở trường riêng, nhưng trong thân phận con người ai cũng có những sở đoản, giới hạn… Mỗi người cần phải biết giới hạn của mình và của người kia. Cuộc sống gia đình là một sự bổ túc qua lại, cùng nhau xây dựng, nâng đỡ, sẻ chia và cảm thông cho nhau…Trong hôn nhân, đôi bạn cần phải nhìn nhận giá trị của nhau như vậy cả hai mới quý trọng nhau, yêu thương nhau và để cuộc sống vợ chồng trở nên “mình với ta tuy hai là một”.
Những đứa con – hoa trái của tình yêu.
Công đồng Vatican II nhấn mạnh: “Con cái là ân huệ cao quý của hôn nhân, và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ.” (MV. 50). Đôi bạn trong hôn nhân nên một với nhau cả tâm hồn và thân xác. Tình yêu trao hiến của họ được truyền sinh và có được hoa quả tốt đẹp là những đứa con. Chính Thiên Chúa đã chúc phúc và ra lệnh: “Hãy sinh sản đầy mặt đất”. Thiên Chúa trao cho vợ chồng vinh dự được cộng tác vào công trình tạo dựng của Ngài, sinh sôi nảy nở và giáo dục chúng theo luật Thiên Chúa. Tình yêu của đôi bạn làm nảy sinh sự sống và làm cho công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tiếp tục được tồn tại.
Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ trở thành những người đại diện của Thiên Chúa nuôi dạy và chăm sóc sự sống của Thiên Chúa là những đứa con. Cha mẹ giáo dục con cái giúp chúng phát triển toàn diện con người. Đây cũng là quyền lợi và bổn phận của cha mẹ mà không ai có thể thay thế được. Là người Công giáo, khi thi hành việc giáo dục nuôi dạy con cái theo luật Chúa, cha mẹ đang cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa và họ trở thành người diễn đạt tình yêu của Người.
Bạn trẻ thân mến,
Trước khi kết hôn nhân, chúng ta thường có thời gian tìm hiểu nhau – điều này rất quan trọng vì “tôi sẽ sống với cô ta, anh ta cả cuộc đời mà!” Khi đã được gia đình hai bên hậu thuẫn, các bạn sẽ đi đến kết hôn. Với người Công giáo, các bạn sẽ trải qua một khóa học Giáo lý hôn nhân theo luật Công giáo. Trong khóa học này có rất nhiều bài học khác nhau như: tìm hiểu Hôn nhân Công giáo, đời sống gia đình, giáo dục con cái, tìm hiểu tâm lý vợ chồng, luân lý tính dục, lương tâm Công giáo và vấn đề điều hòa sinh sản, Giáo lý căn bản… Những hiểu biết về những vấn đề này rất quan trọng để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng trên thực tế thăm dò, một bộ phận người trẻ coi việc học Giáo lý hôn nhân như là một “thủ tục hành chính”, hay một cái trạm kiểm duyệt để được kết hôn, có bằng Giáo lý hôn nhân là xong.
Chúng ta thử so sánh vui, để có một tấm bằng PTTH thường chúng ta trải qua 12 năm chăm chỉ đèn sách; để trở thành một bác sĩ có chuyên môn, một sinh viên y khoa trải qua ít nhất 7 năm học miệt mài nghiên cứu và thực tập khắp các bệnh viện. Thế nhưng để trở thành một người vợ, một người chồng, để làm cha làm mẹ trong suốt cuộc đời mình, chúng ta lại trải qua rất ít thời gian để tìm hiểu và học hỏi.
Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc sống hôn nhân ngày hôm nay thiếu lửa, thiếu sự chung thủy… và rơi vào bế tắc. Vợ chồng rất dễ đưa nhau ra tòa chấm dứt hôn nhân chỉ vì những lý do cỏn con. Hơn nữa, hoa quả của tình yêu là con cái, là tặng phẩm của Thiên Chúa giành cho vợ chồng, thì lại có những người đành tâm giết bỏ con mình từ trong trứng nước… Hay đời sống tính dục vợ chồng là một món quà đẹp của hôn nhân thì được người trẻ “làm phép thử” trước khi kết hôn và hậu quả là một sự khinh miệt giành cho nhau, rồi “đường ai nấy đi”…
Là một người trẻ Công giáo, các bạn đang là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Thiên Chúa trao vào tay các bạn sự sống và sức sống của Thiên Chúa. Gia đình, con cái và tương quan vợ chồng của các bạn thế nào là phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và trưởng thành của bạn trước khi kết hôn, và thực hành sống trong đời sống gia đình. Những kinh nghiệm của thế hệ đi trước (từ Gia đình, từ Giáo Hội và Xã hội) là rất cần thiết giúp chúng ta có một hành trang vững chắc xây dựng một gia đình hạnh phúc và tròn đầy.
Có thể nói, hôn nhân Công giáo là luật bảo vệ hạnh phúc gia đình của các bạn. Tôi hi vọng bạn đừng chần chừ với khóa học Giáo lý Hôn nhân và sẵn sàng lập gia đình theo luật Công giáo. Bởi sức sống của gia đình bạn của Giáo hội chúng ta và của xã hội này đang nằm trong tay các bạn.
Thân ái!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Hỏi: Con nghe các cha hoặc thầy Dòng Tên hay nói: “Sống cảm thức cùng Giáo Hội.” Vậy ý nghĩa của cụm từ này là gì?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Tôi đoán bạn có thể đã tham gia tĩnh tâm theo hình thức linh thao cho sinh viên. Hoặc nếu bạn linh thao dài ngày, chắc chắn cụm từ trên được nhắc đến trong linh thao. Đó là cụm từ “rất Dòng Tên”. Tuy nhiên, có nhiều cách để chúng ta nói tương quan giữa người tín hữu với Giáo Hội: Hãy yêu mến Giáo Hội, cộng tác với Giáo Hội của Chúa Giêsu, đồng hành cùng Giáo Hội, vâng phục Đức Giáo Hoàng, vị đại diện của Đức Giêsu ở trần gian, v.v.
Chút chia sẻ dưới đây, hy vọng chúng ta đào sâu hơn vào cụm từ bạn hỏi trên. Đó là cụm từ được sinh ra trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Hơn nữa, đó là một trong những linh đạo để chúng ta sống trong Giáo Hội. Sau cùng, chúng ta có thể rút ra vài điều bổ ích để dấn thân trong lòng Giáo Hội.
1. Thời Cải Cách
Đành rằng Giáo Hội là thân thể của Đức Kitô, nhưng thân mình ấy còn nhiều thương tích. Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội không thiếu những thiếu sót từ phía con người. Nhìn từ thời đại hôm nay, chúng ta không thể kết án những gì trong quá khứ. Tuy nhiên, đó là bài học với nhiều nước mắt mà Giáo Hội luôn làm mới mình mỗi ngày.
Năm 1054, Giáo Hội Công Giáo tách làm hai: Đông phương và Tây phương. Bên trời Tây, thần quyền và thế quyền đan quyện lấy nhau. Cơ cấu của Giáo Hội có những điều đi quá xa với Tin Mừng: chuyện mua thần bán thánh, chạy chức chạy quyền, lối sống hưởng thụ của nhiều giáo sĩ và kể cả giám mục, giáo hoàng. Thậm chí, nhiều người lãnh đạo Giáo Hội không có tài đức. Hệ quả là khoảng cách giữa dân và Giáo Hội mỗi lúc một cách xa. Trong lòng dân chúng, nhất là các nhà chính trị mượn cớ đó, mỗi lúc một bất mãn với Giáo Hội.
Trong bối cảnh nhiễu nhương đó, tu sĩ dòng Âu–tinh là Martin Luther (1483–1546) đã tạo nên phong trào cải cách, ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo. Một giáo sư về sử Giáo Hội ở Rôma viết về con người Luther[1]:
“Ông là người đầy sinh lực, hay liều lĩnh, cục mịch không thể tưởng, tỏ ra khinh thường và đầy thù hận với đối thủ. Thỉnh thoảng có chút quỉ quái làm người ta ngỡ ngàng. Mặt khác ông rất đạo đức và hết lòng tin vào thần tính của Đức Kitô.” (Ludwig Hertling).
Lúc đầu, Luther đối thoại và đưa ra nhiều giải pháp. Ông đã chỉ trích những bất cập của Giáo Hội như xa hoa, ham mê của cải và vô học của giáo sĩ. Điều tệ hại hơn là ông có nhiều điểm trái với thần học Công Giáo. Luther chịu ảnh hưởng của hai vị đi trước là John Wiclif và Johann Hus. Cũng như Wiclif, Luther quả quyết chỉ một mình Đức Giêsu là đầu Hội Thánh; do đó không cần Đức Giáo Hoàng. Luther cũng bác bỏ vai trò của linh mục, các bí tích là những điều không cần thiết[2]. Với ông, điều quan trọng là: Duy Kitô, duy đức tin, duy ân sủng, duy Kinh Thánh.
Trước 95 luận đề sai trái, ngày 03 tháng 1 năm 1521 Luther chính thức bị đẩy ra khỏi Giáo Hội. Cũng từ đây, hoàng đế Đức (Karl V) cũng công khai chống lại những sai trái của Luther. Bên Anh, vua Henry VIII cũng đã phản đối Luther bằng một tập sách. Sau đó, ảnh hưởng của Luther không còn mạnh mẽ nữa. Tuy nhiên sau Luther, phong trào cải cách càng lúc càng nhuốm màu chính trị: nhóm quý tộc công giáo liên kết hợp với nhau thành một liên minh. Đối lại, nhiều quý tộc có thiện cảm với Luther cũng phản ứng tương tự.
Để tránh nội chiến, hai bên cần chờ đến Công Đồng chung để giải quyết vấn đề còn tồn đọng. Tuy nhiên, nhóm quý tộc theo Luther đã phản đối quyết định của công nghị Speyer[3] (1529), nên người ta gọi họ là “kẻ chống lại” (Protestanten). Từ Protestant được giữ mãi cho tới ngày nay để chỉ người Tin Lành. Nhiều người cũng quen gọi đây là đạo Thệ Phản, Kháng Cách hay Tân Giáo.
Kết quả là những năm sau đó, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, và các nước Bắc Âu đều rơi vào sự kiểm soát của Tin Lành.
Năm Luther bị vạ tuyệt thông (1521), cũng là năm hiệp sĩ Inhã bị trọng thương trong trận chiến tại Pamlona. Ông được đưa về gia đình ở thành Loyola dưỡng bệnh. Dĩ nhiên lúc này Inhã chẳng để tâm đến biến động trong Giáo Hội. Đơn giản, ông muốn nổi danh. Tuy nhiên, thời gian dưỡng thương, Thiên Chúa đã mời gọi Inhã vào cuộc, đưa Inhã trở về với Thiên Chúa và trở thành chiến sĩ của Ngài trong lòng Giáo Hội.
Năm 1522 tầm ảnh hưởng của Luther rất mạnh. Với Inhã (1491–1556), Thiên Chúa dẫn ông vào một hang động ở Manresa, Tây Ban Nha. Nơi đây, Thiên Chúa là thầy dạy, ông là học trò nhỏ. Tâm hồn ông có nhiều biến động. Những kinh nghiệm thiêng liêng ông chép vào một cuốn sách: Linh Thao. Trong đó, ông dành nhiều phần để giải thích cách sống cảm thức với Giáo Hội chiến đấu[4].
Khi Dòng Tên được thành lập (1540), sách Linh Thao dĩ nhiên là nền tảng để thánh Inhã hướng dẫn dòng. Dựa vào đó, Ngài viết hiến pháp và muốn các tu sĩ Dòng Tên “sống cảm thức cùng Giáo Hội.”[5] Hẳn nhiên không chỉ anh em trong Dòng, đó là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta.
2. Nội dung của “Sống cảm thức cùng Giáo Hội”
Nếu biết đường lối của Luther, chúng ta dễ dàng đoán ra thánh Inhã hành xử như thế nào để bảo vệ Giáo Hội. Ngài đưa ra nhiều quy tắc như là kim chỉ nam để ta thực thi lòng hiếu thảo với Giáo Hội, như người mẹ của mình. Chẳng hạn:
– Vâng phục Đức Giáo Hoàng: quy tắc 1, thánh Inhã viết: “Gạt bỏ mọi phán đoán riêng, ta phải giữ tâm hồn quy hướng và sẵn sàng vâng phục Bạn Thật của Chúa Kitô, Chúa chúng ta, là Giáo Hội Phẩm Trật, Mẹ Thánh chúng ta.” Đó là chiều kích sâu xa của Giáo Hội. Dĩ nhiên một khi vâng phục như thế, thật dễ để vâng phục Đức Giáo Hoàng, là người thay mặt Đức Giêsu, lèo lái con thuyền Giáo Hội.
Chúng ta đều yêu mến Đức Giáo Hoàng và cầu nguyện cho ngài thật nhiều. Tuy còn đó những tai tiếng, những khuyết điểm trong lòng Giáo Hội, thay vì chống đối, ước gì chúng ta đồng cảm với nỗi đau của Giáo Hội. Vâng phục trong tình con thảo, Thiên Chúa sẽ có cách để Giáo Hội phát triển như lòng Chúa ước mong.
– Đời sống bí tích: Luther bãi bỏ chức tư tế linh mục. Kéo theo là anh em Tin Lành không có đời sống bí tích như Giáo Hội Công Giáo. Do đó, ngay quy tắc 2, thánh Inhã ca ngợi việc xưng tội với linh mục và việc rước Mình Thánh Chúa. Thánh lễ phải là cao điểm của đời sống người tín hữu. Nơi đó, chúng ta ca ngợi, nguyện cầu và tôn thờ Thiên Chúa. Giáo Hội không thể để mất nguồn sống này. Những ai thực sự yêu mến Giáo Hội, họ hiểu vì sao những linh mục của Chúa lại quan trọng biết bao.
– Đời sống tu trì: “Ca ngợi đời sống tu trì, đức trinh khiết và tiết hạnh, và cả hôn nhân.” (quy tắc 4). Nếu ai đó nói yêu Giáo Hội, mà phủ nhận đời sống thánh hiến, xem thường đời sống hôn nhân, là người ấy nói dối. Thiên Chúa yêu thương Giáo Hội biết bao khi kêu gọi con người tham gia vào chương trình của Ngài. Liền sau quy tác 4, Inhã đề cao ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Đó là căn tính của đời tu, và cũng là sợi dây gắn kết người tu sĩ với Giáo Hội.
– Ca ngợi nền phụng tự, nghi lễ: Đây là điều Luther không đồng ý, vì những tiêu cực của nó. Tuy nhiên, thánh Inhã luôn đề cao và tôn kính di tích thánh, cầu nguyện với các thánh. Những cuộc hành hương, các ân xá, các năm toàn xá, v.v, là cách thể hiện lòng tin sống động của các tín hữu trong đời sống Giáo Hội. Chính trong nền phụng tự đó, chúng ta cảm nhận được thế nào là Giáo Hội, thế nào là sự gần gũi của Thiên Chúa.
– Những điều khác: Để sống đồng cảm với Giáo Hội, thánh Inhã mời gọi chúng ta ca ngợi đời sống phụng vụ, trang hoàng nhà thờ, tôn kính ảnh tượng, ca ngợi giáo luật và sẵn sàng tìm lý lẽ để bênh vực và không bao giờ công kích.
Các bạn trẻ thân mến,
Những quy tắc trên đây của thánh Inhã giúp mỗi người có được cảm thức đức tin cùng với Giáo Hội (sensus fidei). Nếu Luther theo con đường Đức Tin tách ra khỏi Giáo Hội, thì người có cùng cảm thức với Giáo Hội lại diễn tả đức tin ấy ngay trong lòng Giáo Hội. Nơi đó, đức tin vừa được phát biểu, vừa được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và thờ phượng.
Đức tin của các tín hữu còn được nuôi dưỡng bởi Thánh Kinh và Thánh Truyền (truyền thống của Giáo Hội). Bởi thế mà Công Đồng Vaticano II nhắn với chúng ta cần trở nên nhân chứng. Chính Thiên Chúa ban cho mỗi người có cảm thức đức tin, để sức mạnh Tin Mừng tỏa chiếu trong cuộc sống gia đình và xã hội hàng ngày. Chúng ta được các bí tích nuôi dưỡng để mỗi người có thể và phải thực hiện công trình phúc âm hóa thế giới này.[6]
3. Vài hành động cụ thể
Trên đây là những quy tắc mà khi áp dụng vào thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhất là khi người trẻ thấy những bất cập trong Giáo Hội. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thời đại tục hóa, nhiều phong trào bài bác, tấn công Giáo Hội. Thiên Chúa họ cũng cho ra rìa! Khó khăn lại càng thách đố hơn.
Trước bối cảnh đó, ước gì chúng ta không nhụt chí, chán nản. Ngược lại, với tinh thần và nhiệt huyết người trẻ, mỗi người mạnh dạn tham gia vào đời sống của Giáo Hội. Đó là nhà của chúng ta. Hơn nữa, Giáo Hội luôn đồng hành cùng người trẻ: lắng nghe, bàn luận và cùng nhau tiến về phía trước.
Thật không đẹp nếu cứ đứng ngoài Giáo Hội để chỉ trích. Người có cảm thức với Giáo Hội luôn đau đáu tìm giải pháp cho vấn đề. Họ cầu nguyện, bàn luận, chia sẻ, kiên nhẫn và dấn thân. Khi đó, những quy tắc trên sẽ phát sinh hiệu quả.
Là tu sĩ Dòng Tên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với mỗi người: “Cha sẽ rất vui khi thấy các con chạy nhanh hơn những người chậm chạp và sợ hãi. Hãy chạy, được thu hút bởi Dung Nhan yêu dấu ấy, là Dung Nhan mà chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể, và nhận ra trong thân xác của những anh chị em đau khổ của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con về phía trước trong cuộc chạy đua này. Hội Thánh cần động lực, trực giác và đức tin của các con. Chúng ta cần chúng! Và khi các con đến nơi mà cha và những người khác chưa đến, hãy kiên nhẫn chờ đợi cha và họ.” (Đức Kitô Sống, số 299).
Cầu chúc bạn nhiều tình yêu Thiên Chúa và tiếp tục cảm nhận những điều thú vị về Giáo Hội. Đó là nhà của bạn, là người Mẹ và là thân thể Chúa Kitô.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (02.01.2022)
------------- [1] Đọc thêm: Josef Holzer, Lịch sử Giáo hội Công giáo qua 100 trình thuật, người dịch: Đinh Phan Cư và Phạm Hồng Lam, mục 62-63. [2] Luther đã viết ba tác phẩm: Về sự tự do của một Kitô hữu, Gởi tín hữu quí tộc nước Đức, và Về cuộc lưu đày Babylon của Giáo Hội. Trong các sách này Luther công khai phủ nhận sự khác biệt giữa giáo dân và linh mục, phủ nhận vai trò các bí tích trừ bí tích thánh thể, rửa tội và thống hối, cuối cùng bác luôn cả độc quyền diễn giảng Sách Thánh của Giáo Hội. [3] Đây là công nghị của đế quốc Rôma tổ chức tại thành phố Speyer để ngăn cản sự lan rộng của cuộc cải cách. [4] Đọc thêm trong sách Linh Thao số 353-370. Hoặc trên Internet: http://linhthao.net/luutru/139 [5] Nguyên văn số 352: “to have the true sentiment which we ought to have in the church militant” (quy tắc phải theo để được cảm nghĩ chân chính trong giáo hội chiến đấu). [6] Đọc thêm: Hiến chế Lumen Gentium, số 57.
Hỏi: Nếu những ai xuống hoả ngục thì họ vĩnh viễn đoạn tuyệt với Thiên Chúa. Vậy Chúa có quá hà khắc, không thương xót những linh hồn ấy.
Trả lời:
Chàng Anh: Kể cũng lạ, Chúa tài thế, sao không tạo ra chúng mình chỉ có một khả thể là chọn Chúa thôi...?
Nàng Nương: Nghĩa là thánh từ đầu đến chân á?
Chàng Anh: Ừa. Ao ước được vậy cho nó khỏe. Lại khỏi phải sợ bị rơi xuống Hỏa ngục nữa. Cứ thế mà sống thoải mái…
Nàng Nương: OK. Vậy giờ cùng tưởng tượng chút nhé… Sau năm ngày sáng tạo, Thiên Chúa đã tạo ra hết mọi sự trên dưới bốn phương có đủ; nào là mặt trời mặt trăng sao sáng; nào là nước với sông hồ biển khơi; nào là cây rừng với muôn thú, lại có cả chim chóc, côn trùng và cả những con siêu bé nữa…
Chàng Anh: À ha… rồi sao nữa?
Nàng Nương: Ngài làm ra tất cả những thứ đó để chuẩn bị đón con người! Đây là loài cao cấp nhất mà Ngài muốn làm nên. Loài đó có sự sống thể lý như cơ thể bạn đó. Loài đó có sinh khí và thần khí, như bạn có khả năng suy tư và linh hồn đó. Loài đó còn biết yêu nữa (biết cả tương tư nữa kìa)… Để an toàn, Ngài lập trình thật kỹ lưỡng từng chi tiết cho nó. Ngài mặc định tất cả mọi cách thức nó suy nghĩ, hành động, ăn uống, tương quan. Ngài quy định luôn cho nó chính xác ngày giờ, nơi chốn và cách thức nó được sinh ra và chết đi. Sự toàn tri của Ngài đã giúp Ngài chẳng vất vả gì trong việc điều khiển loài người mà Ngài đã tạo nên. Thế là mọi sự đã hoàn tất. Ngài thấy chúng sinh sôi nẩy nở, làm việc, tương quan, cảm xúc… trong một trật tự hoàn hảo.
Chàng Anh: Thôi thôi… như vậy thì chán như con gián! Nghe gì mà giống Robot quá! Còn gì là vui đâu. Chúa cứ bấm nút và con người ấy cử động… rồi chết!
Nàng Nương: Ừ vậy sao cứ đòi mình có được khả năng “miễn nhiễm với tội lỗi”!?
Chàng Anh: Ờ… Nhưng như vậy có nghĩa là gì?
Món quà tự do
Điều trên có nghĩa là gì, khi bạn không chỉ có một khả thể duy nhất là chọn Chúa mà thôi, bạn trẻ ơi?
Chắc bạn không còn hứng thú với ý nghĩ ao ước gì mình “chẳng hề phạm tội” như Chàng Anh. Đơn giản vì bạn không muốn bị điều khiển từ xa mọi sự như thế!
“Dò sông dò biển còn dò, Nào ai lấy thước mà đo lòng người.” (Ca dao Việt Nam)
Sao lòng người, hay con người lại phức tạp đến thế? Câu trả lời là vì Thiên Chúa muốn nó trở nên một tạo vật có khả năng đáp lại tình yêu Ngài cách tự do.
Thật thế, Thiên Chúa đã đặt vào con người quá nhiều ưu phẩm của Ngài để làm cho con người nên hình ảnh Ngài trong vai trò là nam, là nữ. Ngài tặng ban cho con người một trong những món quà cao quý nhất của phẩm tính Ngài là tự do. Ngài hằng tôn trọng tự do đó cách tuyệt đối. Nếu không tin bạn cứ thử cho biết!
Chắc hẳn bạn nhớ câu chuyện Chúa Giêsu kể về người cha có hai con trai (Lc 15,11–32). Ông biết ý định muốn đi bụi của người con út. Ông cũng biết sự tính toán ích kỷ của người con cả. Thế mà ông vẫn cứ để cho mọi sự diễn ra. Phần ông, ông sẽ làm mọi sự khác để sửa sai sau đó. Làm như thế sẽ mệt hơn là răn đe, cấm cản ngay từ đầu! Tuy nhiên, các con ông có cơ hội để biết rằng cha thương mình thật. Cha rất tôn trọng tự do của mình. Một khi nghiệm lại được, họ sẽ muốn yêu cha mình với tất cả lòng biết ơn, và nỗ lực sống tốt như cha.
Thiên Chúa có khắc nghiệt?
Có một trò chơi dân gian đã được các nhà truyền giáo tạo ra để dạy giáo lý cho trẻ em:
“Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khôn thì về ai dại thì sa, đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn, linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi ngày chết được lên thiên đàng.”
Vì bạn có tự do, nên việc bạn chọn vào Thiên Đàng hay Hỏa Ngục nằm trong khả năng của bạn. Thiên Chúa không ném bạn vào Hỏa Ngục để vĩnh viễn cắt đứt tương quan với bạn, và không bao giờ thương xót bạn nữa. Thiên Chúa không phải là một thẩm phán hà khắc và vô cảm. Trái lại, Ngài đau xót vì bạn không muốn vào hiệp thông trọn vẹn với Ngài mãi mãi trên Thiên Đàng. Ngài khổ tâm vì bạn muốn đoạn tuyệt với Ngài; nhưng Ngài không thể rút lại tự do đã ban cho bạn. Ngài không muốn ép bạn thành Robot thánh.
Vậy phải nói sao về chuyện phán xét chung và riêng? Mang hình ảnh Thiên Chúa, con người có lương tri để phân định phải trái và tự do hành động. Sau khi chết, bạn đứng trước Thiên Chúa cùng với lương tri của mình. Khi đó không còn sự ngụy biện nào chen vào giữa bạn và sự vật sự việc. Bạn thấy rõ cuốn phim đời mình đang được chiếu lại. Phim đã hết. Bạn tự biết mình sẽ bước qua bên phải để “vào hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25,21), hoặc bước qua bên trái để “vào nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).
Cũng tương tự như thế với phán xét chung, thân xác bạn sẽ sống lại và kết hợp với linh hồn để cùng hưởng vinh quang, hoặc cùng chịu đau khổ đời đời. Cả hai đều là hệ quả của những điều bạn tự do chọn lựa; và tự phán xét mình khi soi rọi mình theo cùng đích mà Thiên Chúa tốt lành và yêu thương đã sắp đặt cho bạn.
Tôi muốn chọn gì?
Có lẽ câu trả lời đã quá rõ: Thiên Đàng. Trả lời thì dễ, nhưng chọn Thiên Đàng đồng nghĩa với việc “qua cửa hẹp” (Mt 7,13–14). Nghĩ tới cửa hẹp, bạn bị ám ảnh bởi mất tự do. Sự thật có phải thế chăng? Thiên Chúa có đòi lại một phần tự do của bạn để đánh đổi Thiên Đàng cho bạn?
Tuổi trẻ đầy năng lượng, đầy khát vọng, cùng với sự liều lĩnh vốn có của nó là một giai đoạn rất đẹp của đời người. Bạn không muốn bị bất cứ giới hạn nào cản bước. Thiên Chúa ủng hộ bạn khi ban cho bạn giai đoạn tuyệt đẹp này của đời người.
Chàng thanh niên Inhã thành Loyola, hay chàng thanh niên Augustino cũng đã từng như bạn. Nhưng may thay họ đã tìm được lối đi cho năng lượng, khát vọng, và sự liều lĩnh của họ. Họ quy tất cả cho vinh danh Chúa, cho việc khám phá sự tuyệt diệu của tình yêu Thiên Chúa – Đấng làm cho họ được bình an mãn nguyện.
Hành trình nào để đi đến đó?
Chúng ta thường bắt đầu cuộc đời mình với nỗ lực chinh phục thế giới và tìm cách thống trị thiên nhiên. Những va vấp cuộc đời sẽ đưa ta vào trong thế giới nội tâm tổn thương và đầy bất ổn của mình; và bạn bắt đầu khổ sở ở đó. Đôi lúc bạn muốn kết thúc hành trình tại đó thì chắc thoải mái hơn!
Cánh cửa cuộc đời mở ra lần thứ nhất khi bạn được chào đời để làm người. Khi cánh cửa cuộc đời mở ra lần thứ hai, bạn biết đến một chân trời khác: làm con Chúa. Bạn bắt đầu thấy hành trình đã qua đầy sai lỗi và lạc hướng. Bạn khao khát một sự thanh tẩy thật sự để được tinh tuyền trở lại như tấm áo Rửa Tội. Bạn nỗ lực sám hối và canh tân. Bạn bước đi dưới sự hướng dẫn của Chúa, đan xen với những khoái lạc còn sót lại. Bạn cảm nếm tình yêu đồng hành và tha thứ của Giêsu. Bạn ao ước trở nên môn đệ Ngài.
Bây giờ bạn muốn dùng tất cả năng lượng, khát vọng, sự liều lĩnh của mình để cùng với Ngài xây dựng tâm hồn mình và soi sáng tâm hồn tha nhân. Bạn muốn yêu lại chính mình, yêu Ngài, yêu người khác và mọi tạo thành của Ngài. Bạn thấy mình ngày càng được tự do khỏi những ràng buộc của tội lỗi. Để đến một ngày bạn thấy mình được biến đổi nên giống Thiên Chúa; bạn thành một thánh nhân!
Thế đấy, bạn đã giã từ một tự do phóng túng để đi vào một tự do đích thực – tự do của con cái Thiên Chúa (Gl 5,1–26).
Chúc bạn thành công với cách nên thánh rất riêng của bạn nhé!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Hỏi: Thiên Chúa có vị trí nào trong trái tim và mối quan tâm của người trẻ ngày nay?
Trả lời:
1. Người trẻ hôm nay quan tâm gì?
- Khao khát học hỏi và sống đức tin
Khi ngồi suy nghĩ trả lời cho câu hỏi này, tôi nhớ đến Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc vào tháng 11/2019 mà cảm nhận một niềm vui khó tả. Đại hội thu hút hơn 20.000 bạn trẻ từ khắp các Giáo phận Miền Bắc, một lượng người khổng lồ, đầy sức trẻ và năng động. Đại hội tưởng như “vỡ trận” vì số lượng người tham gia quá đông. Nhưng mọi sự diễn tiến khá nhịp nhàng, trật tự, họ thân thiện, vui tươi và không thiếu lịch lãm giữa những con người đồng đạo.
Khi mà cả nước đang hướng về màn hình tivi hò la cổ vũ trận đấu bóng đá kịch tính giữa Việt Nam gặp Thái Lan, thì hơn 20.000 người trẻ trong đại hội vẫn trật tự, sốt sắng tham dự đêm diễn nguyện cho đến phút cuối. Thật xúc động trước cảnh một rừng người trẻ chìm trong thinh lặng, hướng nhìn màn hình để lắng nghe những lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi riêng những người trẻ trong đại hội.
Ngoài ra họ không ngần ngại, kiên nhẫn xếp hàng hằng giờ để được lãnh nhận bí tích hòa giải… Họ là những con người đang khát Lời Chúa, ước ao được chữa lành. Họ luôn mong ước được học hỏi thêm về đức tin, để làm lớn mạnh đức mến và không ngừng cậy trông vào Thiên Chúa.
Đâu đó trong các xứ đạo, chúng ta vẫn gặp những nhóm bạn trẻ họ là huynh trưởng, giáo lý viên…người trẻ nòng cốt của Giáo xứ. Họ nhiệt thành, dấn thân phục vụ hết mình trong mọi việc của Giáo xứ. Từ dạy giáo lý, thăm viếng người nghèo, đi xin ve chai gây quỹ bác ái đến tập hát ca đoàn, tập hoạt cảnh Giáng Sinh, chầu Thánh Thể… họ luôn có mặt. Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động thì quả là Đức tin chết” (Gc2,17) những bạn trẻ này không những chứng minh mình có đức tin mà còn hành động vì yêu Đức Kitô, yêu Hội Thánh của Người.
- Tìm kiếm tri thức
Nói đến người trẻ, là liên hệ đến một lớp người đầy sức sống, năng động, sáng tạo, họ đầy năng lực nội tại… Có người nói vui “người trẻ có đầy thời gian, sức khỏe, họ chỉ thiếu tiền”. Cũng có lý; nhưng tôi còn thấy người trẻ họ có đầy ước mơ, hoài bão và chính những điều này giúp họ không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Họ đang tận dụng thời gian, sức khỏe hiện tại để xây dựng tương lai, lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Có thể kế hoạch đó nhằm đạt mục tiêu tiền tài, danh vọng… những thứ họ chưa có tại thời điểm này, họ có quyền hướng đến và gầy dựng. Hỏi người trẻ thường tập trung ở đâu? Tôi nghĩ ngay đến các thành phố lớn, gần hơn nữa là các trường đại học, cao đẳng… Nơi đây, các bạn đang tìm kiếm tri thức học hỏi nghiên cứu. Họ đang viết lên cuộc đời mình qua những giờ ngồi trên giảng đường, cùng bạn bè thực hiện một đề tài nghiên cứu…
Ngày nay, phương tiện kỹ thuật số phát triển, người trẻ lại có nhiều cơ hội để tiếp cận với tri thức và khoa học tiên tiến, tìm kiếm những cơ hội cho tương lai. Nguồn sách vở tài liệu nghiên cứu phong phú, tìm kiến dễ dàng… người trẻ đã và đang tận dụng thời gian trẻ của mình không ngừng trau dồi vối liếng cho tương lai. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tuổi trẻ là một ân sủng, là một gia tài. Đó là một quà tặng mà có thể chúng ta lãng phí một cách vô ích, hoặc có thể đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn” (Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 134)
- Mong muốn được làm việc
Trong tông huấn Chúa Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “Việc làm là điều rất quan trọng trong cuộc sống của người trẻ… Việc làm xác định và ảnh hưởng đến căn tính và ý thức về chính mình của một người trẻ, là nơi phát triển tình bằng hữu và các mối tương quan khác…” (số 268) Trong nhịp sống cơm áo, tại Việt Nam hằng năm có trăm ngàn bạn trẻ từ các vùng quê đổ về các thành phố lớn để học tập và làm việc, đồng thời họ tìm kiếm những cơ hội cho tương lai. Từ những nhu cầu chi phí cuộc sống, cũng như ước mong được trải nghiệm… nhiều sinh viên luôn được thúc đẩy vừa học – vừa làm, ngày trên giảng đường, chiều tối phụ quán ăn, bán trà sữa… Họ tận dụng mọi thời gian, không ngại bất cứ công việc nào để có thể kiếm tiền cũng như học hỏi kinh nghiệm.
Cũng không ít sinh viên ra trường cầm trên tay tấm bằng loại ưu nhưng kiến được một việc làm thì cũng lắm phen chật vật. Bạn trẻ lao động phổ thông thì chịu áp lực về thời gian làm việc, mức lương thấp không đủ chi phí sinh hoạt... khiến họ phải “tăng gia sản xuất” làm một lúc hai ba việc, làm cả ngày lẫm đêm. Không ít bạn trẻ phải thay đổi công việc liên tục vì nhu cầu thời vụ, cũng như tính chất công việc không còn phù hợp. Cho dù, việc làm hiện tại không giúp người trẻ thực hiện được các giấc mơ, nhưng “điều quan trọng là họ phải nuôi dưỡng một viễn ảnh, học hỏi làm việc theo cách thức riêng, hướng đến cuộc sống tốt đẹp trong tương lai” (Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 268). Nơi người trẻ luôn khao khát khẳng định mình qua một vị trí việc làm mà họ được đảm trách.
- Tình yêu của người trẻ
Tuổi trẻ, lứa tuổi có nhiều đam mê, khao khát về hạnh phúc. Thời thanh xuân hồn nhiên và đầy sức sống này thì sự thu hút phái tính, đồng điệu về giá trị sống… luôn làm cầu nối giúp người trẻ tìm đến nhau. Bên cạnh đó, ở tuổi mới bước vào đời, người trẻ dễ chơi vơi, vô định chưa tìm được hướng đi của cuộc đời, đôi khi họ cảm thấy cô đơn, chán nản thì tình yêu lại trở nên một động lực cần thiết cho họ vững bước. Vì thế, cũng dễ hiểu vì sao tình yêu đôi lứa cũng là mối bận tâm trong cuộc đời của người trẻ. Nhà thơ Xuân Diệu đã thốt lên: “làm sao cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều”.
Tình yêu thời trẻ có nhiều gam màu khác nhau. Có tình yêu làm động lực ý chí cho đôi bạn vươn lên trong cuộc sống, vượt qua khó khăn của nghịch cảnh và đi đến hôn nhân viên mãn. Nhưng cũng không ít những tình yêu trở thành nỗi âu lo, bận lòng của cha mẹ và xã hội. Không ít người trẻ đi vào con đường yêu đương quá sớm, yêu mù quáng dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Tình yêu vốn dĩ đẹp nhưng một bộ phận người trẻ coi tình yêu là một món đồ “thay người tình như thay áo”, hay yêu chớp nhoáng, yêu theo phong trào “cặp kè cho vui” nhằm thỏa mãn những nhu cầu tính dục, lợi dụng nhau mà sống…
Lối sống buông thả trong tình yêu làm họ rơi vào những tình cảnh bi đát như việc học dở dang, mang thai ngoài ý muốn, phá thai, những chấn thương tâm lý sau phá thai, tương lai chưa định hình mà đã phải làm cha làm mẹ ở lứa tuổi teen…
- Hưởng thụ một lối sống tục hóa
Bên cạnh những bạn trẻ đang không ngừng tìm kiếm tri thức, làm tăng vốn liếng cho tương lai qua việc đầu tư học tập, thì một bộ phận người trẻ khác lại bị lối sống hưởng thụ. Họ bị chủ nghĩa vật chất của xã hội đương thời khống chế. Họ lao vào ăn chơi trác táng, tiêu sài phung phí thỏa mãn những nhu cầu vật chất, coi nhẹ giá trị “chân – thiện – mỹ”.
Biết sao được khi xã hội ngày nay đang cổ võ cho một lối sống tôn thờ vật chất, đề cao thực dụng, hình thức bên ngoài trở thành chuẩn mực đánh giá con người. Câu nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”đã xưa rồi diễm ơi! Thời nay “cái đẹp sẽ đè bẹp cái nết”! Nhiều bạn trẻ thích sang chảnh với chiếc điện thoại đắt tiền, quần áo hàng hiệu, chiếc đồng hồ đắt giá...Họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được vẻ ngoài sang chảnh, tận hưởng cuộc sống như chuyện đương nhiên của thế giới vật chất. Lối sống dễ dãi, quan hệ trước hôn nhân, bỏ bê việc học cắm đầu vào những trò chơi vô bổ như game, đua xe, vũ trường… làm họ hao mòn tuổi trẻ, chôn vùi tương lai trong vũng lầy của sự tầm thường.
Thời kỹ thuật số, thế giới ảo lại trở thành một miền đất tốt cho những ai ưa thích thể hiện bản thân. Họ nói “sống ảo chẳng chết ai” vì thế họ tha hồ tung những chiêu trò độc – lạ để câu view, bất chấp nỗi đau của người khác, miễn là bản thân họ được dậy sóng trên cộng đồng mạng. Cách sống vụ lợi, quy về mình khiến người trẻ rơi vào trạng thái bàng quang trước mọi việc, vô cảm trước nỗi đau… Thật đáng lo ngại cho tương lai của một đất nước khi một lớp người trẻ chỉ sống quy về chính mình, coi trọng vật chất, xem người khác là bàn đạp để hưởng lợi, tiến thân…
2. Thiên Chúa ở đâu trong trái tim người trẻ?
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định: “Đức tin là ơn Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người, họ tín thác nơi Thiên Chúa là Đấng yêu thương họ”. Đức tin là kết quả của sự tương tác hai chiều, giữa Thiên Chúa và con người. Một đức tin vững mạnh, giàu lòng mến với người xung quanh hay một niềm tin nông cạn, hời hợt trước Thiên Chúa… thì hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi con người, còn Thiên Chúa thì Ngài luôn hiện diện với con người, Ngài giàu lòng xót thương, luôn quan tâm chăm sóc và quan phòng cho mỗi người.
Khi nhìn vào bức tranh tổng quan về mối bận tâm của người trẻ hôm nay, chúng ta có thể thấy hai khuôn mặt nổi bật của người trẻ đáp trả lại tình yêu và sự quan tâm của Thiên Chúa. Có khá nhiều bạn trẻ có đức tin vững mạnh, họ thực sự là những người muốn cống hiến cho Giáo Hội và xã hội. Họ đã cảm nhận mình được thương trong chính “Ngôi nhà Giáo Hội” và muốn sống một cuộc sống đầy tình thương ấy. Họ dấn thân không mệt mỏi trong các hoạt động của Giáo xứ, tham gia các hội đoàn như Giáo lý viên, ca đoàn, nhóm sinh viên Công giáo… Họ sẵn sàng hi sinh thời gian, làm việc bác ái để thăm viếng người đau khổ, người tàn tật; tham dự Thánh lễ, tham dự giờ chầu Thánh Thể...
Trước đây, các lớp Thần học chỉ dành cho Linh mục, tu sĩ nhưng thời gian gần đây nhiều Học viện Thần học đã mở ra cho giáo dân tham dự, và đã có rất nhiều bạn trẻ tham gia khóa học thần học, tìm hiểu Thánh Kinh, chia sẻ Lời Chúa sống niềm vui Tin Mừng… Họ là chứng nhân của Chúa giữa cuộc sống đời thường, nơi họ học tập, nơi họ trao ban sự quảng đại dấn thân. Họ sống đức tin giữa lòng dân tộc, sự cống hiến của họ giữa đời luôn mang ngọn lửa của Tin Mừng. Họ sống một tuổi trẻ đầy năng lượng của tình yêu Chúa.
Bên cạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng một số người trẻ hôm nay đang xa rời với đức tin của Giáo hội. Quan sát Thánh lễ ngày thường ở các xứ đạo, chúng ta chỉ nhìn thấy phần đông là người trung niên, người lớn tuổi và một ít thiếu nhi trong các lễ chiều. Vậy, người trẻ họ ở đâu, xin thưa “con phải đi học thêm, con phải đi làm thêm, đi học về con chỉ muốn nằm…” “lễ sáng sớm quá, con dậy không được”. Và có rất nhiều lý do được đưa ra ngụy biện cho việc không đến nhà thờ của người trẻ. Họ chỉ đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật nhưng là một sự miễn cưỡng “Bố mẹ nói nhiều quá nên đi cho xong!”
Vì thế, họ tham dự Thánh lễ ở cổng nhà thờ, hay những gốc cây chung quanh Thánh đường. Họ có mặt ở đó để xem lễ, nhưng không hề ý thực “tôi ở đây để làm gì?”, họ vui vẻ trò chuyện cùng bạn đi lễ, thích thú với những trò chơi trên điện thoại, lướt lướt Iphone cho xong giờ lễ, họ không quan tâm hôm nay lễ gì, linh mục đang làm gì... Có những bạn đi lễ ngồi sẵn trên xe máy, khi thấy giáo dân ra về là họ phóng xe chạy thẳng.
Phải nhìn nhận rằng lối sống tục hóa của xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy tư và cách sống của một số người trẻ. Những giá trị chuẩn mực trước đây của cha ông trở thành “cổ”, thay vào đó là những giá trị lệch chuẩn do chính họ nhìn nhận. Tỉ như tình yêu đồng giới, không thích nuôi con thì phá bỏ, coi trọng sự sang chảnh hơn là một người có phẩm chất “công – dung – ngôn – hạnh”. Họ cho rằng những trải nghiện sống thử trước hôn nhân là cần với họ, yêu không giới hạn… và rất nhiều những giá trị lệch lạc xa rời với đức tin Công giáo. Tất nhiên, ít nhiều bạn trẻ Công giáo chịu ảnh hưởng đến lối sống này.
Lối sống tục hóa chi phối cách nhìn và hành động, những giá trị nhân văn, Tôn giáo trở nên tầm thường với họ, và họ đặt Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống của mình. Theo đó chủ nghĩa tương đối len lỏi hình thành trong cách sống. Con người chỉ là tương đối, tương quan cũng tương đối, tình yêu cũng tương đối và Thiên Chúa cũng tương đối mà thôi.
Bạn thân mến,
Đức Thánh Cha Phanxicô tâm sự với bạn rằng: “Làm sao người ta có thể biết ơn Thiên Chúa nếu không biết tận hưởng những món quà nho nhỏ hằng ngày của Ngài, nếu không biết dừng lại trước những điều đơn sơ và dễ thương mà chúng ta vẫn gặp. Điều quan trọng không phải là hưởng thụ vô độ, vui thú bất tận…Vì điều này sẽ ngăn cản con sống giây phút hiện tại.” (Đức Kitô Đang Sống, số 146).
Là một người Kitô hữu, chúng ta rất cần những khoảng lặng trong đời để bình tâm nhận định cuộc sống với những hay – dở, đúng – sai mà kịp thời hoán cải. Sống tâm tình tạ ơn Chúa, cám ơn tha nhân từ những điều rất bình thường họ đã tử tế với mình. Thiên Chúa vẫn chờ đợi mỗi chúng ta qua cử hành phụng vụ Thánh Lễ, qua Bí Tích Thánh Thể và Bí tích giải tội… Hãy trung thành với tình yêu của Ngài đã dành cho mỗi chúng ta. Như những người bạn với nhau, chúng ta có trò chuyện, thường xuyên liên lạc thì tình bạn mới gắn bó, hiểu nhau và yêu mến nhau. Cũng vậy, Thiên Chúa luôn có đó, Ngài hằng hiện diện và đồng hành cùng bạn, hãy đến với Ngài và: “Hãy kết thân với Thiên Chúa và bạn sẽ là những người giàu nhất nhân loại.” (Thánh Pierre Fourier–Đấng sáng lập Dòng Đức Bà).
Có Thiên Chúa hiện diện trong đời, người trẻ sẽ mang trong mình ngọn lửa năng động – sáng tạo của Thần Khí, và đong đầy cuộc đời bằng tình yêu của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nhắm nhủ chúng ta: “Một trải nghiệm tuổi trẻ được sống tốt đẹp luôn còn đó như một kinh nghiệm nội tâm. Và trong đời sống trưởng thành kinh nghiệm ấy thấm nhập sâu sắc hơn và tiếp tục trổ sinh hoa trái…” (Chúa Kitô Đang Sống, số 160). Mến chúc bạn có một sự kết thân mật thiết với Thiên Chúa!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Hỏi: Tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm sâu, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Bạn quả là có con mắt nhận xét khi đặt vấn đề và so sánh về việc chọn xây dựng nơi thờ tự của Phật giáo và Công giáo. Nhìn vào hai lựa chọn nơi chốn như thế, chắc người ta phần nào cũng biết được giáo lý mà hai tôn giáo này giảng dạy.
1. Chốn thanh tịnh rừng sâu
Nếu tìm gõ “Phật giáo Việt Nam” trên wikipedia, bạn sẽ thấy Phật giáo là tôn giáo ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam, mang nhiều màu sắc của hệ phái Phật giáo Bắc tông. Ở miền Nam, hệ phái Phật giáo Nam tông cũng có ảnh hưởng không nhỏ, nhất là trong cộng đồng Khmer Nam bộ.
Chúng ta biết nền tảng của Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Tất–đạt–đa Cồ–đàm hay còn gọi là Đức Thích–ca Mâu–ni, là một triết gia, học giả, người sáng lập nên Phật giáo. Ngài là con nhà hoàng tộc, sống trong nhung lụa nơi chốn trị thành giữa thế kỷ thứ 6 và 4 TCN bên Ấn Độ cổ, nay thuộc Nepal. Vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên Đức Phật đã khao khát tìm một con đường để mong giải thoát chính mình và sinh linh khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa, để lên đường tu tập.
Bên cạnh đó, triết lý Phật giáo một phần biểu hiện qua hình ảnh ngôi chùa và chính hình ảnh ấy đi sâu vào trong tâm thức của dân tộc. Vì lẽ này nên ở nước ta, khi khai phá vùng đất mới, các chúa Nguyễn ủng hộ Phật giáo đã cho xây dựng chùa tháp. Dưới triều Nguyễn có nhiều ngôi quốc tự nổi tiếng như Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế,…
Không chỉ thế, còn nhiều ngôi chùa khác hiển hiện mang vẻ đẹp giải thoát lôi cuốn người đời bỏ công “viếng cảnh thăm người” nơi thanh vắng, thơ mộng, hợp với tâm hồn của khách yêu hoa cỏ.
Thật vậy, vì chán chỗ ngựa xe ồn ào, các tăng ni thường tìm không gian đầy hình ảnh thanh thoát để lập một mái am tranh hay chùa chiền. Đó chính là hiển pháp để chúng sanh biết đến đạo mà giác ngộ, biết con đường giải thoát. Trong bài thơ Nôm của Thị độc học sĩ Long Biên Nguyễn Nhữ Cơ đã cảm nhận:
Bên khe róc rách nước trong veo Một liếp chùa tranh cảnh vắng teo Xa chốn bụi hồng lòng phủi sạch Buồn nghe trong gió lá thông reo. Chúng ta biết, chùa đã được xây từ lâu đời ở làng xã nước ta. Các tổ khai sơn và những vị kế thừa đều xây dựng chùa theo một kiến trúc đơn giản, biểu lộ tư tưởng thoát tục, tạo sự thanh tịnh để nội tâm người tu hành thanh thản không xáo động bởi ngoại cảnh xô bồ.
Vì lẽ đó, trên những trục đường về vùng xa xôi hẻo lánh dọc dài đất nước, bạn sẽ bắt gặp chùa nơi vùng duyên hải men theo bờ sông, con nương hoặc bên cạnh ruộng đồng thôn xóm. Có khi vượt qua đèo dốc gập ghềnh sỏi đá để đến chùa ở miền quê. Hay bạn cũng có thể nhìn thấy chùa ở thị trấn, khi đó, chùa thường nằm bên cạnh miễu và đình thờ vong linh thần hoàng. Nơi nào có cổ thụ cao vút, tàn lá sum sê, nơi ấy thường là địa điểm của chùa.
Thêm nữa, Đức Phật yêu làng mạc, núi rừng. Những hòa thượng, đại đức đã tạo nên các chùa ấy với ý vị là hun đúc nên sự giải thoát tự tại trước cuộc đời. Chính vẻ đẹp hòa điệu giữa con người và thiên nhiên khiến du khách lạc bước không muốn về khi đến viếng chùa, hay ngắm nhìn những điểm tô nơi vẻ đẹp nhàn thoát của một ngôi thảo am.
Truyền thống về Đức Phật có nói mục đích tối hậu của đạo là sự thanh tịnh (visuddhi), sự thực hành: thanh tịnh thân và tâm. Vì thế, chùa được xây giữa môi trường rừng để dành cho thiền định, muông thú là những nguồn tích cực, là hạnh phúc của cộng đồng tu sĩ sống rừng[1]. Tóm lại việc chọn nơi để xây chùa hệ tại căn bản ở việc đạo Phật là đạo xuất thế.
2. Nơi dân cư đông đúc
Trong khi đó đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người chìm đắm trong tội lỗi đau khổ nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ họ. Chúa Giêsu nhập thế, vào đời và sống giữa người nghèo, người tội lỗi để giúp đời, canh tân cuộc sống này và đưa mọi người về với Cha. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.
Như vậy, Nhà thờ là một thánh đường để cử hành phụng vụ và việc chọn nơi xây thì cũng có nhiều tiêu chí để tuân theo. Nhưng ở đây chúng ta chỉ nói đến địa điểm được chọn để xây nhà thờ nhà thánh. Lý do nhà thờ toạ lạc tại nơi đông đúc là vì điều đã nói ở trên: đạo nhập thế.
Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân, cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp, nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Tình yêu của Ba Ngôi không thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan tỏa khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu từng sinh linh vạn vật,…Tuy nhiên Ba Ngôi lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống con người.[2]
Từ khi nhập thể làm người cho đến trao Thần khí trên Thập Giá, Chúa Giêsu chỉ muốn trao ban trọn vẹn thân mình, chia sẻ tình yêu cho nhân loại và muốn ở lại với chúng ta luôn mãi. Sau cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, các môn đệ tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng. Các ngài không vào chốn rừng sâu hẻo lánh, nhưng đến thành phố đông người. Giáo Hội sơ khai thường được gầy dựng tại những nơi đông đúc như thế.
Các ngài không chỉ đi từ làng này đến làng khác, nhưng các thành phố lớn luôn là điểm truyền giáo ưu tiên. Bởi thế chúng ta dễ dàng nhận thấy các giáo đoàn thời đó tăng nhanh và lớn mạnh. Điều này rất rõ trong những thư từ của thánh Phaolô và sách Công Vụ Tông Đồ. Một khi cộng đoàn phát triển, họ cũng có nhu cầu xây dựng thánh đường để tôn thờ Thiên Chúa. Đừng quên từ trung tâm đó, người con của Chúa tiếp tục hướng đến những gia đình, nơi những biên cương xa hơn. Nơi nào có người, Thiên Chúa mời gọi họ đến để chia sẻ Tin Mừng.
Khi chúng ta tìm hiểu về cuộc hội nhập văn hoá của những tín hữu Công giáo từ năm 1533 đến nay, có thể thấy họ đã đem đến những giá trị cho dân tộc và những điểm tốt đẹp cho quê hương Việt Nam từ cuộc sống nhập thế của họ.
Nhìn lại dòng lịch sử dân tộc, người tín hữu Việt Nam đã sống hòa thuận và hiệp thông trên mọi miền đất nước, cũng như với mọi người trên thế giới. Do đó, ngôi nhà thờ đã trở nên hình ảnh quen thuộc của người Việt. Trong đại gia đình có nhiều nền văn hoá khác nhau, người tín hữu được khuyến khích tìm hiểu và đối thoại với anh em xung quanh xứ đạo của mình để cùng xây dựng một nền văn minh tình yêu và hoà bình.
Bước vào thiên niên kỷ mới, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thiết tha yêu cầu chúng ta đổi mới cách sống của mình theo đúng tinh thần của Chúa Kitô để có thể: “sống, làm chứng và loan báo Phúc Âm cho đồng bào thân yêu”.
Ý thức được điều này, người Công giáo Việt Nam càng muốn hoà nhập vào lòng dân tộc để thể hiện sứ mạng đã được Thiên Chúa trao phó: xây dựng tình huynh đệ chân thành nơi địa phương mình sống.
Có thể nói, trong thế giới hôm nay, với nét đặc trưng của tình trạng đa nguyên, Kitô hữu bất kỳ ở đâu cũng tiếp xúc ngày càng nhiều hơn với các tín đồ của nhiều truyền thống tôn giáo khác. Vì vậy, các Kitô hữu Việt Nam vẫn tiếp tục được mời gọi làm cho đất nước mỗi ngày thêm phát triển, tràn đầy tình thương và sự sống của chính Thiên Chúa Nhập Thể.
Mong sao ngôi nhà thờ luôn là hình ảnh đặc biệt và thánh thiêng in đậm trong ký ức tất cả mọi người!
3. Vài thách đố liên quan đến việc xây nhà thờ phượng
Gia đình tôi có nhiều người thân bên đạo Phật, họ hay tới chùa lễ Phật. Họ cho rằng, tới chùa dù là vãn cảnh hay du lịch cũng có chút thanh thản. Chiều sâu rộng nơi chùa chiền làm phát sinh những xúc cảm thanh cao, một tâm thức trong sáng và những niềm hạnh phúc sâu xa. Đó là lợi điểm của chùa khi được xây nơi thanh vắng.
Làm sao nhà thờ ở giữa thị thành nhưng vẫn tĩnh lặng để cầu nguyện luôn được Giáo Hội quan tâm. Tiêu chí ấy, theo lý tưởng, phải là sự kết hợp hài hòa của nhiều yêu tố để con người có thể gần hơn với Thiên Chúa.
Con người vẫn được Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi trở về tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Cho nên, các nghệ sĩ, nhờ đức tin soi tỏ, nhờ trực giác và tình cảm, họ không ngừng tạo ra những nơi thích hợp cho sự thánh thiêng. Như vậy, một lần nữa, Thiên Chúa đặt con người vào nơi thiêng thánh. Do vậy, thánh đường cần được xây cất xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động.
Vì nhà thờ là nơi đặc biệt diễn tả sự hiện diện của Chúa, cho nên phải có cấu trúc chắc chắn và được xây dựng trên “nền tảng vững bền”. Để rồi, nghệ thuật sẽ đưa người ta hướng lên Thiên Chúa, được diễn tả bằng câu nói bất hủ: “Ngài là vẻ đẹp vẫn cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ”.[3]
4. Ý nghĩa và tầm quan trọng của thánh đường
Nhà thờ là một biểu hiệu thánh giữa thành thị hay xóm làng, nơi tập họp của dân Chúa, nơi nghe Lời Chúa, nơi thờ kính Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể[4]. Vì điều này nên người Công Giáo lại thường lui tới với thánh đường. Họ đến để đọc kinh, dâng lễ, đồng thời có nhu cầu nói với Chúa khi gặp khủng hoảng, tìm lại niềm an ủi cho người còn sống khi có tang chế, niềm hy vọng phục sinh, chạy đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Lẽ dĩ nhiên ngoài thánh lễ, nhà thờ thường còn là nơi nhiều sự kiện được cử hành: nghi thức tạ ơn, cưới hỏi, rửa tội...
Đó là lý do tại sao nơi nào có Người Công Giáo, nơi ấy thường có nhà thờ, nhà nguyện. Giáo Hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống của con mình: trong chiến tranh, nhà thờ từng là nơi trú ẩn cho nhiều thế hệ… Mấy ngày dịch covid, không được tới nhà thờ, giáo dân nhớ và khao khát lắm...
Tóm lại, cả nhà thờ và ngôi chùa được xây để giúp các tín hữu nguyện cầu. Đối với người Việt, nỗ lực chung sống hài hòa giữa Phật giáo và Công giáo luôn là khát mong của nhiều người. Do đó khi tiếp xúc với người theo Phật Giáo, ước mong bạn cũng có thể đối thoại chân thành trong nhiều lãnh vực.
Xin chúc bạn có thể đi sâu vào cuộc đối thoại liên tôn và tìm được cái hay và nét đẹp trong Đạo!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (24.01.2021)
------------ [1] Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, NXB. Văn Hóa Thông Tin. [2] Theo lời giảng của Đức Cha Ngô Quang Kiệt. [3] x. Bài giảng của Lm. Giuse Phạm Đình Ái. [4] x. GLHTCG 2691
Hỏi: Là người trẻ, con thấy phương tiện truyền thông cũng tốt và rất cần. Tuy nhiên, con thấy nhiều cám dỗ nơi đó. Nhiều lúc con chẳng thể rời xa nó. Con không biết làm thế nào để dùng phương tiện ấy cho tốt?
Trả lời:
Nó có nhiều ước mơ: Được đi tham quan nhiều nơi, biết nhiều ngoại ngữ, đàn được nhiều loại nhạc cụ, viết sách…
Và còn một danh sách dài trong cái đầu đầy tham vọng muốn khám phá những điều mới lạ của nó.
Đang mơ mộng, chợt nó nghe tiếng ai gọi tên mình…
_ Cá Rô Đồng ơi! (nickname của nó), tặng cá rô đồng tập sách học đàn ukulele nè!
_ Chèn ơi! Cám ơn nghen. Định lên mạng tìm tài liệu đó!
_ Ừ! Trên mạng đầy! Có video hướng dẫn luôn, dễ hiểu và đa dạng lắm. Cái này người ta cho tui, thấy cũng hay nên mang qua cho Cá Rô tham khảo.
_ Đa tạ cô nương. Khi nào “quánh được đàn”, cô nương sẽ là người đầu tiên tui khoe nha! Hjhj.
Và rồi nó mò trên mạng cách học đàn ukulele cho người bắt đầu, rồi tập đàn theo. Cô giáo trên mạng dễ tính, dễ thương dễ sợ bà con ơi. Trong nước ngoài nước gì cũng hội đủ “3 dễ” hết á. Học chưa hiểu thì cứ rê con chuột máy tính tua đi tua lại. Cô giáo vẫn giữ y nguyên một thần thái từ đầu đến cuối. 5, 7, 10 lần vẫn một thần thái ấy. Các cô – thầy thật kiên nhẫn với nó.
Một tháng trôi qua, nó cũng quen với cách ôm đàn, các thế bấm, tập cho các ngon tay di động trên cần đàn và nghêu ngao những bài hát như “Chúc Mừng Sinh Nhật, You Are My Sunshine…” Vừa học ngoại ngữ, vừa học thêm một loại nhạc cụ, nó khoái chí tìm dịp để khoe với bạn bè thành quả một tháng qua của mình. Sáng thứ bảy vừa rồi, sau khi làm vệ sinh chung xong, nó rủ rê vài người bạn nữa ra cái chòi bên hong nhà nguyện, nó chơi bài: “Ông Bà Anh” thật ngầu con ve sầu luôn. Dù sai nhịp loạn xạ nhưng thấy bạn bè nhìn mình ngưỡng mộ, sóng mũi nó cứ phập phồng: tui tự học đó, lên mạng hỏi “chị Google” và học “anh You Tube” là biết tuốt tuồng tuột, tất tần tật hà! Ai rảnh hong, học chung cho vui. Và từ hôm đó, nó có thêm một người bạn nữa vác đàn theo học.
Về phòng, nó quyết tâm học lại bài. Nó lại lảm nhảm một mình: “Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo. Ta chẳng nói chuyện gì với nhau, ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu….” Chắc cả hai đang lên mạng học ukulele như nó chăng? Hay là đang chơi game liên quân? Nếu không phải vậy thì kỳ lắm nha! Chị Google, anh “Net”, hay Smartphone có thể trả lời nhanh chóng, đưa nhiều thông tin hữu ích và kịp thời cho mọi thắc mắc của ta, nhưng không vì thế mà ta bỏ lỡ những giây phút bên người thân yêu của mình. Ai mà cứ nhìn chằm chằm vào điện thoại mà không tương tác với tui là 1, 2, 3…tui giận! Loại!
Nói cho oai vậy thôi chứ bản thân nó hay bị bạn bè nhắc nhở hoài cái tật nhìn chằm chằm vào điện thoại khi đang nói chuyện. Thói quen “lướt web”, “lên phây” (Facebook) hay còn gọi là “lên mặt” của nó nhiều lần làm nhỏ bạn thân giận dỗi bỏ về phòng. Có lần nhỏ bạn hét lên: tui ghét cái điện thoại của bà! Nghe xong, nó úp nhanh cái điện thoại và cười trừ, mặt sượng như củ khoai mì tám năm luôn. Nói người ta cho dữ, tới phiên mình còn hơn con nghiện mới quê nè!
Và nó nghĩ về mấy đứa em ở dưới quê, rồi những bạn trẻ mà nó từng đồng hành và làm mục vụ nơi các giáo xứ. Từ thành thị đến nông thôn, các bạn sống rất nhanh và lớn lên cùng với smartphone! Từ lối sống theo công nghệ 4.0 này, người ta thường đặt câu hỏi: Phương tiện truyền thông đã đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống người trẻ, chiếc smartphone đang phục vụ hay nô lệ hóa họ? Và theo chân Craig Detweiler, tác giả quyển “IGods” nổi tiếng, nó suy tư về việc công nghệ truyền thông đã định hướng đời sống tinh thần cũng như đời sống hằng ngày của người trẻ như thế nào.
Đầu tiên, nó không thể phủ nhận lợi ích thiết thực mà phương tiện truyền thông mang lại cho nhân loại nói chung, và cho người trẻ cách riêng. Quả thật, con người ngày nay quá dễ dàng để nối kết, liên lạc và trao đổi thông tin với nhau. Một tin nhắn được gửi trong tích tắc. Chiếc điện thoại nhỏ bé nhưng lại có khả năng “hô mưa gọi gió”, bằng chứng là bạn có thể gọi đặt và ship đến hai tô phở Việt Nam giữa thủ đô Manila hiếm hoi hàng quán Việt. Điện thoại thông minh với các kiểu apps còn được dùng triệt để trong các lĩnh vực như: học hành, giải trí, “sống ảo” theo ngôn ngữ dân mạng. Nào là tiktok, Photoshop, đặt hàng chuyển phát đồ ăn thức uống, kinh doanh online trong thời buổi cách ly xã hội được xem là cứu cánh của nhiều doanh nghiệp, công ty lớn nhỏ.
Nếu gõ lên Google những gì bạn muốn tìm kiếm, thì hằng hà sa số những thông tin xuất hiện, hầm bà lằng… Chuyện đông chuyện tây, đủ thứ chuyện trên đời. Mở mắt hay nhắm mắt, ta đều có thể cập nhật tức thời. Sự kiện và kiến thức phổ thông không chỉ giới hạn trong những trang sách dày cộm, nhưng được định dạng thành Pdf, E–book, những hình ảnh ngộ nghĩnh lạ mắt thu hút trẻ con và giới trẻ, lại có thể đem theo bên mình mọi lúc mọi nơi. Đọc để hiểu, nhìn để cảm, nghe để thấm những gì đang diễn ra trong bầu trời này.
Tuy nhiên, có lợi ách cũng có hại, khi ta không sử dụng đúng mục đích các phương tiện này. Cái hại mà nó nghĩ trước tiên là thay vì sử dụng các phương tiện truyền thông để kết nối, chính ta lại làm mất kết nối những tương quan đang có. Nhớ ngày bé thật vui, cả xóm chỉ có một cái TV trắng đen. Chiều chiều khoảng 3–4 giờ, dù đang ở bất cứ đâu, hễ nghe tiếng nhạc Tây Du Ký phát ra: “tèo teo teo tèo téo tèo teo…” là mấy đứa cong chân chạy qua nhà ông Năm, ngồi tỏm xuống cái ngạch cửa quen thuộc như mọi khi. Đám con nít của nó lại có dịp loi nhoi, chen chút nhau rồi nói chuyện chí chóe. Chỉ đến khi ông Năm ra hiệu im lặng, ông còn dọa sẽ tắt ti vi, nhờ vậy mà tụi nó im thin thít.
Giờ… hết rồi, nhà nhà đều có TV, muốn coi đài nào, phim nào thì cứ lên Youtube mà coi, không cần đợi đến ngày đến giờ. Nhớ có lần về quê, thấy tía nó nằm võng coi TV một mình, nó hỏi: ủa tía, nhà đâu hết rồi mà tía coi “mình ên” (một mình) vậy? Tía cười “nửa nụ” trả lời: Thôi bây ơi, giờ mấy đứa nó coi Ipad không hà, mẹ mày còn ghiền Ipad hơn con Su nữa (cháu nó)! Nghe tía nói mà thương đứt ruột. Vậy là hai tía con nằm coi… bóng đá. Chắc được 5 phút thì nó đã ngủ mất dép rồi. Coi ủng hộ tía thôi mà.
Nó nhớ lại cái thời cả nhà cùng coi phim bộ. Tía nó cứ hễ thấy nhân vật nữ đóng vai phụ bạc là nghiến răng nghiến lợi, phán câu ngọt sớt: “Đàn bà lòng dạ hiểm sâu”. Mẹ nó khều chân nó cười khút khít. Nó vọt miệng: tại đàn ông thay lòng đổi dạ trước mà tía! Tía nó không vừa đáp lại: thôi bây tu hành biết gì! Lúc này mẹ lên tiếng: Là phim nha, hai tía con ông có coi nữa không, tui tắt à. Vậy là tía con nó im. Tía nó vẫn còn ấm ức nhưng kết lại một câu có hậu: “diễn viên đóng đạt thiệt bà he?”
Vậy đó, người ta nói “yêu nhau là cùng nhìn về một hướng”. Nhìn, tranh luận, đưa ra quan điểm, rồi dung hòa cái nhìn từ một hướng sự việc. Hướng đó có khi chỉ là cùng nhìn về cái màn hình TV, cùng nhau xem một tuồng cải lương hay một trận bóng đá ngoại hạng sau những giờ lao động mệt mỏi. Đơn giản thôi vậy mà lại xa xỉ lắm trong bối cảnh gia đình Việt hôm nay. Người ta bận lắm với chiếc điện thoại hiện đại. Nhắn tin cho bạn bè, đồng nghiệp, người yêu. Điều đáng nói ở đây là chúng ta giữ kết nối kiên trì và thường xuyên với những người ở xa nhưng lại thờ ơ với những người thân bên cạnh, và ngay cả trong gia đình mình. Có không? Câu hỏi không phải để lên án hay xét đoán ai, nhưng chỉ để tự thân xét mình và tự chỉnh.
Vấn đề thứ hai mà nó muốn trải lòng nơi đây là nhịp sống quá vội của người trẻ. Nó thấy bản thân trong sự vội vàng đó. Vội vàng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Những dòng trạng thái vui buồn cập nhật nhiều lần trong một ngày, thậm chí ta còn loay hoay chưa hiểu cái sờ–ta–tút (status) của người kia là gì, thì một dòng trạng thái khác lại xuất hiện. Rồi không biết sao có một ngày hình đại diện trên Facebook của nhỏ bạn đen thui một màu, cứ tưởng nhà có tang, ai dè chỉ là giận nhau với ghệ (người yêu).
Có bao giờ ta nán lại chút, khoan vội đưa lên mạng những vấn đề của mình, và ngồi xuống đối diện với những gì đang diễn ra bên trong ta, để hiểu về nỗi buồn, nỗi lo lắng của bản thân và tìm hướng giải quyết chưa? Khi đăng tải những dòng tâm tư trên mạng, ta nhận được gì? Những “icons” vô hồn. Nào là tim đỏ nè, like, quan tâm, khóc, buồn…những biểu tượng đó đã giúp ta vượt qua những tâm trạng tiêu cực trong cuộc sống như thế nào, hay những người dùng nó chỉ tiện tay nhấn vào, thậm chí còn dùng chế độ tự động để kết nối tương tác.
Tại sao vậy? Hay vì ta là những khán giả của nhau, đã quá mệt mỏi và buồn chán để xem nhau diễn? Lòng trí ai cũng bận rộn với những vấn đề của riêng mình. Vậy nên ta lướt qua đời nhau như lướt web vậy, thoáng qua rồi mất hút.
Đời sống tinh thần, đức tin cũng tương tự vậy. Chúng ta ưa chuộng những gì mau lẹ và dễ dãi để giúp ta sống đức tin. Chúng ta hỏi “làm sao để cầu nguyện cho sốt sắng?” nhưng lại sợ thinh lặng của nhà thờ. Một tiếng đồng hồ tham dự thánh lễ thôi, nhưng ta vẫn còn bận tâm với chiếc điện thoại vì những tin nhắn, thậm chí bỏ ra ngoài để trả lời cho những cuộc gọi đến. Chúng ta lên án bất công nhưng lại không thành thật trong thi cử. Chúng ta mau mắn bình luận và chia sẻ những đoạn video clip được đăng tải trên mạng dù đôi khi chưa biết bối cảnh và sự tình bên trong như thế nào… Và chúng ta ngày qua ngày để mình bị điều khiển bởi thói quen thể hiện bản thân trên mạng xã hội.
Càng nhiều lượt like càng thấy mình quan trọng và nổi nang. Và thay vì chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông (Facebook, Smartphone) để phục vụ cho nhu cầu của ta, thì vô tình, chính chúng ta lại biến mình thành nạn nhân khi không biết chọn lựa và phân định những gì giác quan ta lãnh nhận từ những thông tin đa chiều trên mạng. Ta dễ phản ứng thay vì đáp ứng. Ta dễ bày tỏ thái độ, quan điểm thay vì dành chút thời gian suy xét. Phương tiện truyền thông và tự do ngôn luận đang thổi phồng cái tôi lý tưởng (ideal self), cái tôi mà chúng ta nghĩ mình là thay vì giúp ta nhìn rõ và sâu hơn cái tôi thật sự của mình (real self) để tự chỉnh và thay đổi.
Nó ơi! Các bạn trẻ ơi!
Cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa mà trong đó chúng ta cần từ bỏ và tìm ra cho mình những điều tốt, phù hợp và lành mạnh. Hãy kết nối bản thân trên những gì làm triển nở và thăng tiến cuộc sống mình.
Thân ái!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Hỏi: Tin Mừng thánh Mátthêu hôm mừng lễ thánh Giuse, con nghe có đoạn: “Ê–li–hút sinh E–la–da; E–la–da sinh Mát–than; Mát–than sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Kitô.” (Mt 1,14-16). Giuse con của Giacóp trong Cựu Ước, con nghĩ là khác với Giuse cha nuôi của Chúa Giêsu chứ. Mong giải thích giúp con ạ?
Bạn thân mến,
Trình thuật gia phả trong Kinh Thánh là trình thuật dễ làm nhiều người bối rối. Vả lại để hiểu nó, quả là không dễ dàng chút nào. Trong câu hỏi của bạn, có nhân vật Giuse, vốn “rất giống” với Giuse trong thời xa xưa của Cựu Ước. Nhanh chóng chúng ta xác nhận hai nhân vật Giuse trong Tin Mừng là rất khác nhau, nhưng làm sao để hiểu rõ lại cần nhiều giải thích. Chia sẻ dưới đây hy vọng chúng ta có thể “bóc tách” vấn đề, để thấy Kinh Thánh thật phong phú biết bao.
1. Trùng Tên
Giuse nếu bạn tra từ điển tiếng Do Thái, ngôn ngữ thánh sử Matthêu dùng là : יוֹסֵף–“Yosef”, nghĩa là “nguyện xin Thiên Chúa tăng thêm”. Về thánh Giuse, chúng ta còn gọi là Giuse Thợ, hoặc Thánh Cả Giuse, Giuse thành Nazareth.
Đoạn gia phả[1] trên đây có sự trùng tên đến lạ lùng. Người con thứ 11 của tổ phụ Giacóp, hay người con thứ nhất của bà Rachel, tên là Giuse (St 30,24). Giacóp sống tại vùng đất tổ tiên (Abraham và Isaac) của ông để lại tại Canaan. Có chỗ Cựu Ước ghi tên Giacóp với một tên khác là Israel (St 35,21). Giuse luôn được Giacóp yêu mến và cưng chiều. Chính vì điều này mà biết bao hệ lụy đã xảy đến cho Giuse từ những người anh của ông.
Còn về nhân vật Giuse mà chúng ta gọi là thánh cả Giuse cũng có cha là Giacóp. Chắc chắn về mặt niên đại, hai nhân vật Giacóp này hoàn toàn khác nhau. Một người sống ở thế kỷ (17–16? TCN), một người sống ở thế kỷ 1 TCN. Cần lưu ý là chúng ta hoàn toàn không biết gì về Giacóp, cha của thánh Giuse! Ngược lại, Giacóp trong sách Sáng Thế lại được kể khá chi tiết.
2. Dụng ý của thánh sử Mátthêu
Chúng ta đồng ý với nhau trong Tin Mừng không chỉ hiểu theo nghĩa đen, nhưng cần hiểu theo nghĩa bóng và cả nghĩa thần học, hoặc nghĩa thiêng liêng nữa. Điều này càng quan trọng khi chúng ta đọc gia phả của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xin đừng chỉ hiểu theo nghĩa đen, hoặc tính xác thực của tiến trình lịch sử và nhân vật. Chẳng hạn, trong câu hỏi của bạn là theo Tin Mừng Mátthêu có tên là Giacóp (Mt 1,16); trong khi theo Tin Mừng Luca, tên cha của Giuse là Êli (Lc 3,23). Do đó, việc đối chiếu sự khác biệt giữa hai gia phả theo Mátthêu và Luca cho thấy thực chất tên và niên biểu trong các gia phả không thể hiểu theo nghĩa đen và lịch sử được.
Các nhà nghiên cứu nhìn nhận rằng độc giả của thánh Mátthêu là cộng đồng người Do Thái. Họ rất am hiểu truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước. Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp là niềm tự hào của họ. Vì thế trong bối cảnh này, thánh Mátthêu đã móc nối rất nhiều chi tiết ở trong Cựu Ước. Ít nhất 130 chỗ ngài trực tiếp trích dẫn về sách Cựu Ước, trong đó, 43 chỗ trích gần như nguyên văn. Chẳng hạn trong câu hỏi của bạn, ngài cũng dùng trùng tên các nhân vật mà chúng ta đang bàn ở đây.
Sở dĩ Mátthêu làm như thế vì muốn thuyết phục, hoặc nói đúng hơn, là giới thiệu cho độc giả thấy đấng Mêsia[2] đã đến. Đấng ấy người Do Thái ngóng chờ từ lâu. Lời hứu cứu độ Thiên Chúa nói với tổ phụ của người Do Thái, nay đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đến với nhân loại trong một dòng dõi vương đế mà Cựu Ước đã loan báo. Ngài có gia đình, có cha mẹ, và từ đó, Ngài cứu độ nhân loại.
3. Nhiều ý nghĩa trùng nhau
Tới đây, chúng ta thấy hai nhân vật Giuse khác nhau, nhưng giữa họ có nhiều điểm giống nhau.
Ví dụ:
– Cả hai nhân vật Giuse có lên quan đến người nổi tiếng. Trong cộng đồng Do Thái, dĩ nhiên ông nội (Isaac) hoặc ông cố (Abraham) của Giuse luôn được kính trọng. Họ là những tổ phụ vĩ đại của dân tộc. Cũng theo truyền thống đó, thánh Mátthêu nối thánh Giuse với vị vua nổi tiếng nhất của người Do Thái: Ðavít (1035 – 970 TCN). Ông là vua thứ hai của Vương quốc Israel thống nhất. Với 40 năm vàng son trong triều đại của mình, Đavít là vị vua vĩ đại mọi thời trong lịch sử Do Thái. Trong ý nghĩa này, mở đầu Tin Mừng, thánh Mátthêu viết: “Ðây là gia phả Ðức Giêsu Kitô, con cháu vua Ðavít, con cháu tổ phụ Abraham.”[3]. Dĩ nhiên thánh Giuse chỉ là cha nuôi của Đức Giêsu.
– Cả hai đều phải đương đầu với những khó khăn. Còn nhớ ngày xưa Giuse bị các anh ám hại tại cánh đồng Si–khem. Sau đó họ bán ông cho người Ai Cập. Dĩ nhiên ở bên đó lúc đầu Giuse sống kiếp nô lệ, phải hầu hạ chủ nhân. Vợ ông chủ lẳng lơ muốn “ăn nằm” với Giuse. Là người ngay chính, Giuse từ chối. Vậy là bà ta vu khống Giuse, và ông phải chịu vòng lao lý. Còn về thánh Giuse là người công chính (Mt 1,19), như chúng ta đã biết, ngài cũng chịu nhiều khổ nhọc, vất vả và thử thách. Từ việc chấp nhận bào thai của Mẹ Maria, cho tới những ngày ở Bêlem, chăm sóc, bảo vệ Hài Nhi và vợ mình. Thánh nhân đã làm tròn bộn phận trong âm thầm cầu nguyện.
– Cả hai điều liên quan đến giấc mơ. Có lẽ điều này chúng ta dễ nhận ra. Giuse có tài giải mộng, nên được cha yêu thương, nhưng các anh ghen tức (giấc mơ bó lúa, mặt trời mặt trăng–St 37,5–11). Bên Ai Cập vì tài giải mộng nên Giuse lọt vào mắt xanh của Pharao (7 con bò tốt, bảy con bò ốm–St 41,25–36). Hơn nữa, Pharao còn cất nhắc ông lên chức tể tướng và cưới cho Giuse cô Aseneth. Họ có hai người con: Manasse và Ephrain.
Thánh Giuse không giải mộng, nhưng nhận được nhiều giấc mơ. Qua đó thánh nhân nhận ra Thiên Chúa muốn điều gì. Bừng giấc mộng, thánh nhân liền làm theo. Đó là lần sứ thần báo mộng cho Giuse chấp nhận bào thai của Maria (Mt 1,18–21); lần ở Bêlem, sứ thần báo mộng cho ông đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập (Mt 2,13). Bên đó, một lần nữa sứ thần báo mộng cho ông dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel (Mt 2,19). Sau lần này, chúng ta thấy thánh Giuse âm thầm, không được Tin Mừng nhắc đến nữa.
– Như ý trên, chúng ta thấy cả hai đều ở Ai Cập. Số là sau khi Giuse thành công, ông đem cha và anh em sang Ai Cập sinh sống. Cộng đồng Do Thái phát triển nhanh chóng. Môsê là người được Thiên Chúa chọn để đưa dân xuất hành khỏi Ai Cập. Đây cũng là hình ảnh tiên trưng, để chúng ta có thể hiểu câu: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập.” (Mt 2,15 và Hs 11,1).
– Cả hai có kinh nghiệm nghèo khổ. Giuse bị các anh trấn lột và bán ông cho người Ai Cập. Ông mất gia đình, mất quê hương và chịu cảnh nô lệ, tù đày. Thánh Giuse cũng sống đơn giản với nghề thộ mộc. Chắc hẳn ngài phải vất vả lắm mới có đủ tiền nuôi sống gia đình. Dẫu sao cả hai đều tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
– Bạn có thể liệt kê thêm những tương đồng. Chẳng hạn cả hai đều là con người công chính và có trách nhiệm.
4. Mở rộng vấn đề
Có thể câu trả lời đã phần nào sáng tỏ ở trên. Qua đó, chúng ta thấy cả hai nhân vật này đều cho hậu thế những bài học về đức tin, đối nhân xử thế và đời sống thánh thiện tốt lành. Chắc chắn Giuse trong Cựu Ước không được nhắc nhiều so với thánh cả Giuse trong thời đại chúng ta. Trong tháng 3 và đầu tháng 5, nhất là trong ngày 19–3, cả Giáo Hội mừng lễ ngài.
Về thánh Cả Giuse, chúng ta thấy Giáo Hội nhấn mạnh đến hai điều:
– Thánh Giuse là bạn trăm năm của Đức Maria. Trong liên kết đó, ngài trở nên cha nuôi Đức Giêsu. Đây là nguồn suối phát sinh cho ngài mọi phẩm vị, ân sủng, sự thánh thiện và vinh dự[4]. Hẳn là chúng ta biết quá ít về thánh nhân trong Kinh Thánh, nhưng Thiên Chúa đã cho Đức Maria người bạn đời để chứng minh sự trinh khiết của Mẹ. Người bảo vệ thánh gia trong con đường của Chúa. Từ những chi tiết đó, Giáo Hội muốn theo mẫu gương của ngài để phục vụ Nước Chúa nơi trần gian.
– Vị trí của thánh Giuse trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hành động có tính quyết định và nền tảng là thánh Giuse nhận Maria đang mang thai về làm vợ chính thức. Chính hành động đó đủ để Giuse có một chỗ đứng độc đáo trong lịch sử cứu độ. Người ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra nếu như Giuse cương quyết ly dị Đức Maria, hay lớn tiếng tố cáo vị hôn thê của mình. Vì theo luật thì Maria có thể bị ném đá (Đnl 22,23–27), và Con Thiên Chúa có thể chết trước khi chào đời! Ơn cứu độ sẽ bị đổ vỡ từ trong trứng nước. Giuse đã là điểm tựa sống còn của ơn cứu độ, là chỗ nương thân nhờ cậy của Maria và Hài Nhi trên phương diện pháp lý và tự nhiên.
Vì hai lý do trên mà ngay từ Giáo Hội sơ khai, cùng với Đức Mẹ, thánh Giuse luôn đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn chúng ta nghe lại lời Đức Giáo Hoàng Piô IX viết:
“Các giáo phụ coi cộng đoàn các Kitô hữu làm nên Giáo Hội như được đặc biệt dành cho thánh Giuse. Đó là gia đình mênh mông lan rộng khắp thế giới, mà trong tư cách là chồng của Đức Maria và là cha nuôi Đức Giêsu, thánh nhân có uy quyền như của một người cha.”[5]
Chắc vì thế mà thánh Têrêsa Avila xác tín rằng Chúa Giêsu đã vâng lời thánh Giuse khi còn ở dưới thế, trong mái nhà Nadarét và giờ đây, ở trên thiên quốc, Chúa vẫn lắng nghe những điều thánh Giuse yêu cầu.
Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse, chúc bạn luôn được nhiều bình an hạnh phúc.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (07.02.2022)
----------- [1] Gia Phả theo thánh Mátthêu cho thấy Thiên Chúa là chủ tể của lịch sử, đã xếp đặt mọi biến cố đúng theo kế hoạch của Ngài. Trong kế hoạt đó, Chúa Giêsu, thuộc dòng dõi vua Đavít và tổ phụ Abraham, tức là các dân tộc sẽ được chúc phúc ông, và Người cũng sẽ là Đavít mới. (Từ Điển Công Giáo, mục từ Gia Phả Chúa Giêsu). [2] “Kitô” là tiếng Hy Lạp, còn “Mêsia”là tiếng Do Thái, có nghĩa là “được xức dầu”. Theo ngôn từ của thánh Gioan tông đồ, “Mêsia” là “Đấng được Thiên Chúa tuyển trọn” (Ga 1,34), được Thiên Chúa sai đi thực hiện sứ vụ cứu thế (Ga 4,42) với tư cách ngôn sứ, tư tế và quân vương. Đấng ấy sẽ là vua Ítrael, vua người Do Thái. [3] Mt 1,1; Lc 2,1–4; Mc 12,35–37; Ga 1,45. [4] Denzinger số 3260 [5] Xem. Sắc lệnh Quemadmodun Deus Iosephum, ngày 8-12-1870.
Hỏi: Thiên Chúa trong Cựu Ước có vẻ rất ác khi ra tay trừng phạt con người. Vậy phải hiểu vấn đề này như thế nào cho đúng? Làm sao để đọc và hiểu đúng một câu Kinh Thánh, nhất là những câu khó đọc và khó hiểu?
Giải đáp:
Phần 1:
Dẫn nhập
Đây là một câu hỏi rất thường xuyên gặp, và là một câu hỏi gai góc. Một người đọc Kinh Thánh Cựu Ước cách nghiêm túc hẳn phải đối diện với câu hỏi này. Quả thật, trong một số bản văn Cựu Ước, rất nhiều lần Thiên Chúa được thuật lại bằng hình ảnh của một vị thần hay ra tay trừng phạt con người, và đôi khi còn trừng phạt theo cách thế rất bạo lực.
Một cái hay trong câu hỏi này là bạn đã cẩn trọng khi dùng từ “có vẻ”. Trong Tiếng Việt, “có vẻ” là từ thường được dùng để chỉ về những điều người ta có thể quan sát từ bên ngoài. Nhưng sự thật thì chưa hẳn đã giống như những gì chúng ta “thấy có vẻ”. Vậy thì câu hỏi đặt ra: chúng ta phải hiểu thế nào, và học được gì, từ những hình ảnh Thiên Chúa “có vẻ” rất ác và hay trừng phạt con người cách bạo lực?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta sẽ nói một chút về vai trò của ngôn ngữ dân gian trong lối diễn đạt của một nền văn hoá, qua đó chúng ta hy vọng hiểu được phần nào lối sử dụng ngôn ngữ biểu đạt trong văn hoá Kinh Thánh Cựu Ước. Tiếp đến, chúng ta sẽ sơ lược qua về bối cảnh lịch sử cụ thể đã trực tiếp ảnh hưởng và định hình nên dòng ngôn ngữ bạo lực trong Kinh Thánh. Cuối cùng, chúng ta sẽ lược qua một vài nguyên tắc quan trọng có thể soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong việc đọc Kinh Thánh Cựu Ước.
1. Từ văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam đến văn hoá và ngôn ngữ Kinh Thánh
Như chúng ta biết, Kinh Thánh không phải là một quyển sách. Đó là một bộ sách. Bộ sách này gồm nhiều thể loại khác nhau, được hình thành qua nhiều thời kỳ khác nhau, chịu tác động từ nhiều dòng văn hoá khác nhau. Các sách trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước ra đời từ khoảng hơn 2000 đến 2800 năm trước đây, được viết bằng tiếng Do–thái và tiếng A–ram cổ. Các sách này lại được viết ra từ một đất nước xa xôi, từ một vùng văn hóa có rất nhiều điều xa lạ với chúng ta. Chúng ta cũng biết, để hiểu được một bản văn hay một câu chuyện kể, chỉ biết ngôn ngữ thôi thì chưa đủ. Quan trọng hơn là cần hiểu được nền văn hóa, về cách suy nghĩ của con người, về những lối nói, về cách chơi chữ trong nền văn hóa đó. Cũng vậy, để hiểu được một bản văn Kinh Thánh, cần hiểu được rõ nền văn hóa mà từ đó bản văn Kinh Thánh được viết ra. Cần phải hiểu xem những tác giả của các bản văn Kinh Thánh sống trong hoàn cảnh nào, những người đầu tiên khi đọc bản văn Kinh Thánh mà chúng ta đang đọc thì họ hiểu ra sao. Không hiểu được nền văn hóa, rất dễ có nguy cơ chúng ta sẽ hiểu trật những điều mình đọc.
Thử xét một thí dụ rất cụ thể nhé.
Bạn thử tưởng tượng thế này: Có một anh Tây, tóc vàng mắt xanh mũi cao, rất thích ăn đồ ăn Việt. Biết rằng người Việt Nam có những công thức nấu ăn rất độc đáo, thế nên anh Tây mày mò tìm hiểu (với hy vọng biết đâu mình có thể trở thành Yan Can Cook trong thế giới ẩm thực của người Việt!). Thế rồi anh Tây tìm thấy trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều chỉ dẫn cụ thể về nấu ăn, chẳng hạn câu này: “Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.
Hay quá, bí quyết nấu ăn ngon đây rồi! Anh Tây sẽ làm gì? Theo đúng công thức nhé! Anh Tây sẽ đi chợ, mua tôm và bầu về. Anh ta sẽ làm gì nữa? Cắt bỏ hết phần thịt của các chú tôm và chỉ giữ lại bộ râu tôm thôi. Sau đó thì làm gì nữa? Anh ta lại cắt trái bầu, bỏ hết phần ngoài, chỉ giữ lại cái ruột thôi. Cuối cùng, anh đem bộ râu tôm nấu chung với mớ ruột bầu, đúng y như công thức mà anh ta học được đấy nhé! Các bạn có tin là sẽ có người ăn món anh ta nấu và gật đầu khen ngon không?
Đương nhiên là không! Râu tôm là cái phần dở nhất trong con tôm. Ruột bầu là cái phần dở nhất của trái bầu. Hai cái đó mà cộng lại thì chỉ có từ dở tới rất dở chứ ngon cái nỗi gì!
Ủa, thế thì tại sao người Việt lại viết như vậy nhỉ? Người Việt dạy nấu ăn gì kỳ cục vậy? Thiệt khổ cho anh Tây! Đâu có gì kỳ cục đâu. Chỉ vì không biết rõ văn hóa Việt Nam nên anh hiểu trật lất điều mà người Việt muốn dạy nhau.
Văn hóa ẩm thực của người Việt rất quan trọng việc ăn món gì với món gì, món gì nên nấu với món gì. Thế nên có câu: “Con gà tục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.” Đương nhiên, đây không phải là bài ca dao tả cảnh con gà đi ra gặp lá chanh thì quay qua cục ta cục tác, cũng không phải con lợn gặp của hành thì kêu ủn a ủn ỉn... Câu ca dao này là tích luỹ tinh tuý trong kinh nghiệm nấu ăn của dân gian, dạy rằng: muốn nấu thịt gà thì phải có lá chanh, nấu thịt heo thì phải ướp hành, nấu thịt chó thì phải có củ riềng. Vậy mới hợp vị. Kinh nghiệm ấy được diễn tả cách văn vẻ bằng những câu thơ lục bát, có vần điệu và dễ nhớ, rồi được truyền miệng trong suốt dòng văn hóa của người Việt.
Cũng vậy trong câu ca dao “râu tôm nấu với ruột bầu/ chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, ông bà mình muốn dạy chúng ta rằng: Bầu phải nấu với tôm thì ăn mới hợp vị. Lối nói ấy được diễn tả theo lối thậm xưng của thơ ca: Hai món đó hợp nhau đến độ thậm chí cả râu tôm, là thứ dở nhất của con tôm, mà đem nấu với ruột bầu, là thứ dở nhất của trái bầu, thì ăn vẫn hợp và vẫn ngon như thường!
Chưa hết đâu, câu ca dao ngắn trên còn ẩn chứa một nghĩa sâu xa hơn nữa về tình nghĩa gia đình. Cái ngon được diễn tả ở đây hoàn toàn đâu có nằm ở chỗ râu tôm nấu với ruột bầu. Cái ngon nằm ở chỗ “chồng chan vợ húp” kia kìa! Văn hóa Việt Nam ngày xưa là văn hóa “chồng chúa vợ tôi”. Với câu ca dao này, ông bà mình dạy rằng: chỉ cần thoát ra được cái văn hóa đó, chỉ cần một nghĩa cử yêu thương và chăm sóc nhau trong bữa ăn, như là chồng chan cho vợ một chén canh, thì dù chén canh đó có nấu bằng những thứ dở như là râu tôm cộng với ruột bầu đi nữa, người ăn vẫn thấy ngon như thường. Cái ngon ấy đến từ sự ấm áp trong tình nghĩa vợ chồng.
Bạn thấy không, chỉ với hai câu ca dao tiếng Việt viết cho người Việt, mà còn ẩn chứa trong đó bao nhiêu là cái lắt léo của văn hóa. Nếu người ta chỉ hiểu theo nghĩa đen, rồi đem áp dụng trực tiếp theo nghĩa đen, thì chỉ có từ sai tới sai mà thôi!
Vậy thì bạn thử nghĩ xem: chúng ta là những người Việt, đọc những điều được viết cho những người thuộc văn hóa Do–thái và Hy–lạp, lại cách chúng ta gần ba thiên niên kỷ. Bạn có chắc rằng chúng ta có thể đọc và hiểu liền được chăng? Luôn có nguy cơ hiểu sai, nếu chúng ta chỉ đọc chữ theo nghĩa đen mà không có một chút nhạy cảm nào về văn hóa của Kinh Thánh.
Thử xét một thí dụ đơn giản thế này.
Bạn nghĩ gì khi đọc Thánh Vịnh 136, câu 10: “Chúa sát hại các con đầu lòng Ai–cập, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”? Đọc vào, bạn có bị dội ngay không? Bạn tự hỏi gì? Chúa chi mà ác vậy? Niềm xác tín của tác giả Thánh Vịnh này sao mà kỳ vậy? Câu trước kể chuyện Chúa giết chết con đầu lòng của người ta, vậy mà câu sau vẫn tuyên xưng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!
Ấy… nhưng mà khoan đã. Trước khi phản ứng theo kiểu của mình và kết luận một cách thẳng thừng, có lẽ bạn cần phải dừng lại một tí để tự hỏi xem liệu bạn có hiểu đúng câu Thánh Vịnh này chưa. Có khi nào bạn lại đang diễn giải điều được viết từ một nền văn hoá này dưới cái nhìn của một nền văn hoá khác? (Giống như trường hợp của anh Tây nấu canh râu tôm với ruột bầu đấy!) Hiểu trật thì đương nhiên phản ứng của mình sẽ trật. Tại sao các tác giả Kinh Thánh lại viết như vậy? Họ viết như vậy trong bối cảnh nào? Trong bối cảnh đó, viết như vậy có ý nghĩa gì?
Chúng ta biết rằng, trong dòng lịch sử của dân Ít–ra–en, Ai–cập luôn được xem là kẻ thù số một. Ai–cập đô hộ và thống trị Ít–ra–en trong những khoảng thời gian rất dài. Trước một Ai–cập hùng mạnh và mang đầy tham vọng bá quyền, Ít–ra–en chỉ là một rẻo đất nhỏ bé và yếu nhược. Đọc lại dòng lịch sử của dân tộc mình, các tác giả Ít–ra–en thấy việc họ thoát khỏi Ai–cập để sống trong hòa bình và tự do thật giống như một phép lạ vậy. Và phép lạ ấy, không ai khác, chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được cho họ.
Hơn nữa, khi kể lại những kỳ công Chúa đã thực hiện cho dân mình trong dòng lịch sử, những người có niềm tin bình dân thường xác tín thế này: tình thương của Chúa dành cho họ được thể hiện không chỉ qua việc bảo vệ họ là những người hiền lành và yếu đuối, nhưng còn qua việc trừng phạt kẻ thù của họ, là những kẻ ác. Ác giả thì phải ác báo. Vậy nên Ai–cập, kẻ ác chuyên đè đầu cỡi cổ họ, đương nhiên phải bị trừng trị.
Sách Xuất Hành kể lại rằng trong suốt thời gian Ít–ra–en làm nô lệ trên đất Ai–cập, vị thủ lãnh của dân Ít–ra–en là Mô–sê đã làm đủ mọi cách để thuyết phục Pha–ra–ô tha cho dân Ít–ra–en, nhưng nhà vua không nghe. Cuối cùng, vì biến cố các con đầu lòng Ai–cập bị chết hàng loạt, vua Pha–ra–ô sợ hãi nên tha cho dân Ít–ra–en để họ lên đường về lại quê hương xứ sở. Người Ít–ra–en, với niềm tin bình dân, đọc lại sự kiện ấy như là biến cố Chúa gởi đến. Ngang qua biến cố ấy, họ nhận ra cách Chúa thể hiện tình thương với dân tộc mình. Vậy là họ tuyên xưng tình thương ấy thế này: “Chúa sát hại các con đầu lòng Ai–cập, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Như thế, không phải là Chúa ra tay sát hại các con đầu lòng của Ai–cập. Đó thật ra là cách mà người dân Ít–ra–en đọc lại lịch sử và kể lại cảm nghiệm thiêng liêng của mình. Hãy đọc lại trọn vẹn từ đầu đến cuối Thánh Vịnh 136 để thấy điều này: tất cả những diễn biến của lịch sử đều được đọc lại dưới nhãn quan thần học. Tác giả Thánh Vịnh không phải đang kể chuyện lịch sử như một sử gia, nhưng đúng hơn là đang lần dò đi lại từng bước những thăng trầm của dân tộc mình để nhìn ra cách mà Thiên Chúa đã yêu thương dân Người. Ngang qua mọi biến cố, xác tín nền tảng được lặp đi lặp lại như một câu điệp khúc: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Đó là cách tác giả Kinh Thánh bày tỏ cảm nghiệm đức tin của mình, trong mức độ giới hạn mà ngôn ngữ con người cho phép. Có thể có nhiều điều trong lối diễn giải ấy không thích hợp với lối hiểu và nền nhân học của chúng ta ngày nay. Nhưng chúng ta đừng quên, đó là cách diễn đạt niềm tin bình dân của những người sống trong một nền văn hóa cách chúng ta hơn 2000 năm. Đức tin của con người vào Thiên Chúa cũng phải lớn lên từng ngày. Cách mà con người diễn tả về Thiên Chúa cũng lớn lên từng ngày cùng với sự phát triển của văn hoá, ngôn ngữ và văn minh nhân loại. Người có đức tin là người có khả năng nhìn ra tình thương của Chúa chảy tràn trên cuộc đời mình ngang qua mọi biến cố, dù tốt hay xấu, dù hay hay dở.
2. Từ lịch sử đau thương đến ngôn ngữ bạo lực
Như thế, chúng ta đồng ý với nhau ở điểm này: rất nhiều nơi trong Kinh Thánh, ngôn ngữ được diễn tả là ngôn ngữ giới hạn của con người khi nói lên cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa. Bạn có thể đặt tiếp câu hỏi: tại sao ngôn ngữ của Kinh Thánh lại nhiều bạo lực như vậy? Tại sao các tác giả Kinh Thánh, những người được gọi là “được linh hứng”, có khi lại sử dụng kiểu ngôn ngữ nghe rất khó lọt tai?
Chúng ta biết rằng hoàn cảnh sống góp một phần quan trọng trong việc định hình nên ngôn ngữ của con người. Những người dân quê thì ăn cục nói hòn. Dân phố thì ăn nói lịch lãm. Người sống một cuộc đời bình yên thanh thản thì ít khi nào phải dùng đến những lời lẽ mạnh bạo. Người trải qua nhiều đắng cay và đau thương của cuộc đời thường dùng ngôn ngữ cay đắng… Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy các tác giả sách Thánh rất thường dùng đến ngôn ngữ bạo lực mỗi khi kể lại dòng lịch sử của dân mình. Đơn giản vì dòng ngôn ngữ ấy phản ánh thực trạng mà chính họ đã phải trải qua cùng với cả dân tộc mình.
Phần lớn các sách trong Kinh Thánh đều được viết ra từ sau biến cố lưu đày. Lưu đày là thảm kịch lớn nhất trong dòng lịch sử Ít–ra–en. Thành Thánh Giêrusalem bị san thành bình địa. Đền Thờ bị phá huỷ. Phố phường nhà cửa tan hoang và ngập chìm trong khói lửa. Người chết la liệt. Tiếng khóc than ai oán và nỗi sợ hãi bao trùm khắp nơi. Lớp lớp đoàn người bị xiềng xích và bị bắt đi lưu đày biệt xứ... Thảm kịch ấy chắc chắn lưu lại trong ký ức người dân Ít–ra–en những dấu ấn sâu đậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành ngôn ngữ biểu đạt và khắc hoạ hình ảnh Thiên Chúa. Hãy đọc thử một đoạn sách Ai–ca để hình dung ra khung cảnh này:
Lũ trẻ thơ hoài công hỏi mẹ: “Bánh con đâu?” rồi ngã gục trên quảng trường thành phố, tựa như người bị đâm Chúng trút linh hồn ngay trên tay mẹ… […]
Lạy Đức Chúa, xin nhìn xem cho kỹ, Ngài đối xử với ai thế này? Làm sao người mẹ đành ăn thịt những đứa con mình bồng bế trên tay? Làm sao tư tế và ngôn sứ lại bị giết ngay trong thánh điện Ngài? Ngoài phố, em bé với cụ già nằm la liệt, thanh niên và thiếu nữ ngã gục dưới lưỡi gươm. Ngài phẫn nộ, Ngài thẳng tay tàn sát, Ngài tiêu diệt, chẳng chút xót thương. (Aica 2,12.20–21) Như thế, điều mà chúng ta ngày nay gọi là thô bạo và đẫm máu, thực chất là chính kinh nghiệm xương máu mà dân tộc Ít–ra–en ngày xưa đã phải trải qua. Kinh nghiệm ấy đọng lại sâu đậm trong tiềm thức và định hình nên ngôn ngữ của người Ít–ra–en. Kinh nghiệm ấy cũng góp phần khắc hoạ nên hình ảnh của một Thiên Chúa mang bóng dáng bạo lực và công thẳng.
Điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý đó là: trong lối suy nghĩ của người Ít–ra–en ngày xưa Đức Chúa luôn là một Thiên Chúa toàn năng, duy nhất và là chủ tể của mọi sự. Không có bất kỳ một biến cố nào nằm ngoài bàn tay của Thiên Chúa, dù đó là biến cố sụp đổ của thành Giêrusalem và cuộc thảm bại của dân Chúa. Tất cả những cay đắng thăng trầm và tủi nhục đắng cay trong dòng lịch sử của dân đều được gán cho Thiên Chúa. Cũng vậy, tất cả những chiến thắng vinh quang và những cuộc tàn sát quân thù cũng đều được gán cho Thiên Chúa. Đó là lối nói của người bình dân ngày xưa. Chúng ta không thể hiểu những lối diễn tả ấy theo nghĩa đen, không thể tin rằng chính Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những điều mà niềm tin bình dân cho rằng chính Chúa đã thực hiện. Điều mà tác giả Kinh Thánh muốn truyền lại cho chúng ta là một kinh nghiệm thiêng liêng về Thiên Chúa, chứ không phải là một biến cố lịch sử về Thiên Chúa.
Phần 2:
3. Đường lối sư phạm của Kinh Thánh
Thêm một câu hỏi nữa cần đặt ra: Điều mà chúng ta ngày nay gọi là bạo lực, các độc giả ngày xưa của Kinh Thánh có xem là bạo lực không? Khi kể lại những việc “ác” mà Thiên Chúa đã làm, các tác giả Kinh Thánh ngày xưa có xem đó là điều “ác” không, hay đơn giản họ nhìn đó như là cách sửa dạy theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa?
Thử hình dung câu chuyện thế này: một người Phương Tây thuộc thế giới hiện đại đến thăm một vùng quê hẻo lánh nào đó của Châu Á hoặc Châu Phi. Người Phương Tây nghĩ gì khi nhìn thấy một người cha đang cầm roi đánh con mình? Bạo lực gia đình. Hành hạ trẻ con. Vi phạm nhân quyền… Người Châu Âu nhìn chuyện xảy ra trong một văn hoá khác ngang qua lăng kính văn hoá của chính mình. Câu hỏi đặt ra: những người ở trong cùng nền văn hoá với người cha kia có hiểu giống như người Châu Âu hiểu hay không? Hay chỉ đơn giản họ thấy thế này: người cha ấy đang dạy con. Vì thương, nên mới cho roi cho vọt. Vì không muốn đứa trẻ hư, nên người cha mới dùng roi để sửa dạy con mình.
Những điều mà chúng ta, những con người văn minh của thế kỷ hai mươi mốt, gọi là bạo lực, có chắc những người ngày xưa gọi là bạo lực không? Họ kể lại những câu chuyện ấy để cổ xuý cho bạo lực như chúng ta nghĩ, hay chỉ đơn giản họ đang kể lại cách mà Thiên Chúa yêu thương sửa dạy con người? Có khi nào vì chúng ta đến từ một vùng đất khác, một nền văn minh khác, chúng ta nhìn mọi sự cũng nên khác qua lăng kính của chính mình. Đừng quên rằng đọc xuyên suốt Kinh Thánh, còn rất nhiều những xác tín nền tảng về Thiên Chúa là Chúa của tình yêu. “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (TV 29:6). “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103,8–10). “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130,3–4), v.v…
Kết luận và áp dụng
Kinh Thánh không phải là những phóng sự trực tiếp hay những tường thuật lịch sử về những việc Thiên Chúa đã làm. Không một tác giả Kinh Thánh nào là người chứng kiến tận mắt, không một ai được nghe trực tiếp và thấy trực tiếp điều Thiên Chúa đã làm. Kinh Thánh là lời của con người, được viết ra dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, chia sẻ về những cảm nghiệm của con người về những điều Thiên Chúa đã làm cho chính mình, cho dân tộc mình. Lời của con người bị khuôn định theo một dòng văn hoá nhất định.
Khi gặp phải một câu Kinh Thánh khó, ngoài việc cần có thiện ý, cũng cần rất nhiều thời gian và tâm sức để học hỏi và suy gẫm thì mới có thể hiểu được. Để thật sự hiểu được Kinh Thánh, không có một lối tắt hay một kiểu đọc mì ăn liền rốp rẻng. Cần tránh kết luận như thể ta đây hiểu hết mọi sự và có thể giải thích hết mọi sự theo ý của ta.
Có ba điều quan trọng cần lưu ý để có thể đọc và hiểu một câu Kinh Thánh, nhờ đó có thể hiểu đúng điều mà Thiên Chúa muốn dạy chúng ta ngang qua câu Kinh Thánh ấy.
Thứ nhất, cần đặt câu Kinh Thánh trong toàn bộ bối cảnh văn chương, lịch sử và văn hoá mà câu văn ấy thuộc về. Một trong những thói quen thường thấy ngày nay là người ta thích “trích ngang hông” một câu, một từ nào đó của Kinh Thánh, rồi hỏi câu hay từ ấy có nghĩa gì. Kiểu làm này truyền thông ngày nay gọi là cắt xén. Bất cứ một loại “cắt xén” nào cũng mang nhiều nguy hiểm, vì không phản ánh trung thực toàn vẹn sự thật. Vì thế, để hiểu được nghĩa của một câu Kinh Thánh hay một chi tiết, một vấn đề nào đó, cần đọc trọn vẹn cả câu chuyện hay trọn vẹn bản văn mà câu Kinh Thánh ấy thuộc về. Cần cẩn trọng đặt rất nhiều câu hỏi để có thể từng bước đào sâu và làm vỡ ra những tầng nghĩa được hàm chứa trong một chi tiết hay một câu văn nhỏ. Chẳng hạn: trong toàn mạch văn hay toàn bộ câu chuyện, tác giả Kinh Thánh đang kể cho chúng ta nghe điều gì? Toàn bộ câu chuyện ấy muốn dạy chúng ta về điều gì? Câu Kinh Thánh mà chúng ta trích ngang xương liệu có phải là điểm nhấn quan trọng nhất trong toàn bộ câu chuyện hay không? Trong dòng văn hoá của mình, câu chuyện ấy dạy người ta điều gì? Ngang qua câu chuyện ấy, Thiên Chúa muốn nhắn gởi con người điều gì?
Thứ hai, cần đặt những suy tư và chiêm niệm của chúng ta về những bản văn Cựu Ước dưới sự hướng dẫn và soi sáng từ giáo huấn và cuộc đời của Chúa Giêsu. Đọc lại dòng lịch sử Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta càng thấy vai trò nổi bật của Đức Giêsu trong vai trò mang đến một ngôn ngữ khác, một lối diễn tả khác. Nhờ đó, dung mạo của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải là rất khác. Cần hiểu rõ rằng ở đây không phải là Đức Giêsu nói về một Thiên Chúa khác. Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, có những lối nói rất khác để diễn tả về chính một Thiên Chúa, là Đấng đã được diễn tả bằng ngôn ngữ mang nhiều giới hạn của con người trong thời Cựu Ước. Chính Đức Giêsu trở thành chìa khoá và tiêu chuẩn quan trọng cho việc đọc và hiểu Cựu Ước. Nếu bạn đọc một câu nào đó khó khó trong Kinh Thánh Cựu Ước và bạn bắt đầu hiểu theo hướng “kỳ kỳ”, câu hỏi nên đặt ra lúc ấy là thế này: hướng hiểu “kỳ kỳ” bạn có hợp với những giáo huấn mà Đức Giêsu dạy không? Cần đủ khiêm tốn để nhận ra rằng tiêu chuẩn quyết định có thể giúp bạn hiểu Kinh Thánh chính là hình ảnh Thiên Chúa mà Đức Giêsu Mạc Khải, chứ không phải lối hiểu kỳ kỳ của chính bạn.
Thứ ba, đừng xem nhẹ vai trò của Giáo Hội. Nếu bạn có gặp một câu Kinh Thánh nào đó “khó nuốt”, đừng nên nghĩ rằng bạn là người đầu tiên phải đối mặt với vấn đề ấy. Trước bạn, chắc chắn đã có rất nhiều người phải vất vả và bỏ công sức đầu tư để tìm hiểu về những chi tiết khó trong Kinh Thánh. Xuyên suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, Giáo Hội đã tích luỹ cho mình bao nhiêu là kinh nghiệm từ việc đọc và giải thích Kinh Thánh. Kinh nghiệm ấy là cả một kho tàng. Thế nên nếu bạn thật sự là người có thiện chí và ham học hỏi, đừng ngại tìm đến những người có thẩm quyền và có chuyên môn trong Giáo Hội. Đọc Kinh Thánh theo dòng truyền thống của Giáo Hội là lối đọc an toàn nhất, mang đến nhiều ánh sáng và hoa trái nhất cho đức tin của bạn.
“Ignoratio Scripturarum, ignoratio Christi est” – “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki–tô”. Thánh Giê–rôm đã từng nói như thế. Ước gì nhờ năng đọc, suy niệm, và tìm hiểu Kinh Thánh, bạn có thể ngày càng hiểu biết và yêu mến Đức Kitô nhiều hơn.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Hỏi: Làm sao biết có Thiên Chúa tồn tại để mà tôn thờ? Liệu có bằng chứng nào chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa?
Giải đáp:
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người chỉ thích nghe và nói đến những gì mắt thấy tai nghe. “Tin”, đặc biệt là niềm tin tôn giáo, đã trở nên một trò cười. Con người chỉ cảm thấy an tâm về điều gì đó khi giác quan của họ có thể nắm bắt được, vì họ cho rằng nó chắc chắn hơn và sát với chân lý hơn.
Những khám phá mới của khoa học đã giúp con người giải đáp những vấn đề khó hiểu mà bấy lâu nay họ cứ gán cho thế lực siêu nhiên. Sự phát triển của các khoa văn chương, khảo cổ cũng giúp giải huyền những câu chuyện bí ẩn. Điều này giúp mở mang trí tuệ của con người và làm cho họ nghĩ rằng cái gọi là niềm tin chỉ dành cho những người thiếu hiểu biết. Họ càng tin tưởng hơn vào sức mạnh của lý trí và sức khám phá của khoa học. Họ cũng bám víu hơn vào trí tuệ của mình, cho rằng mình có thể thấu suốt tất cả, hiểu biết tất cả bằng khả năng phán đoán và kiểm chứng của mình. Những gì nằm ngoài phạm vi thu nhận của giác quan hay đúng hơn là của khoa học, con người phủ nhận hết.
Thế nhưng, dù con người có khám phá ra bao nhiêu điều vĩ đại trên thế giới đi chăng nữa, họ vẫn phải thừa nhận rằng phạm vi của những gì họ biết nhỏ bé hơn rất nhiều so với những gì họ không biết. Có rất nhiều điều nằm ngoài phạm vi nắm bắt của giác quan con người. Cái mà con người không thể tri giác được không có nghĩa là nó không tồn tại. Lý trí và khả năng của con người vẫn còn quá nhỏ bé so với biết bao điều bí ẩn và huyền nhiệm vây cuốn mình.
Càng khám phá thế giới, con người càng kinh ngạc về hằng hà sa số những điều vượt ngoài tầm với của trí khôn. Con người thường phải đối diện với một mâu thuẫn là: càng hiểu biết nhiều, con người càng cảm thấy mình nhỏ bé, càng mở ra nhiều, con người càng nhận thấy mình cần phải khiêm tốn hơn. Và niềm tin tôn giáo nảy sinh từ sự khiêm tốn này. Thế nhưng, dù biết là mình thấp kém và cần Đấng thần linh bảo vệ, con người lại thờ nhầm thần, tìm nhầm chỗ. Thay vì cố gắng khám phá ra Thiên Chúa, họ lại tạo ra thiên chúa cho mình từ những gì cũng tầm thường và nhỏ bé như mình, thậm chí còn thấp hơn cả mình.
Khi ý thức được sự nhỏ bé của mình, con người trực giác về một Cái Gì Đó cao cả hơn mình, là nơi để mình bám víu, tạ ơn và cầu xin sự trợ giúp. Chẳng có một nền văn minh nào hay một xã hội nào lại không có nhu cầu tâm linh này. Kể cả khi người ta tự vỗ ngực cho rằng mình giỏi giang và có quyền lực làm khuynh đảo địa cầu, tận sâu trong lòng, người ta vẫn mang một nỗi sợ vì họ biết rằng mình đang sở hữu những gì đang có trong tay, nhưng mình sẽ mất nó vào một lúc nào đó, dù mình có muốn hay không.
Con người biết mình không làm chủ ngay cả với chính bản thân, rằng hơi thở, thân xác mà mình đang mang đều là của nợ của Ai Đó, mình không tạo ra nó và cũng không có đủ quyền năng để điều khiển nó theo ý mình. Nó là cái được tặng ban cho mình. Ai Đó hay Cái Gì Đó này hoàn toàn nằm bên ngoài khả năng nắm bắt của giác quan con người. Ngài là Đấng siêu vượt nhất trong tất cả những gì siêu vượt trong thế giới hữu hình lẫn vô hình. Đấng Siêu Vượt ấy có nhiều tên gọi khác nhau. Kitô giáo gọi Đấng ấy là Thiên Chúa.
Vị Thiên Chúa này dĩ nhiên không phải là thần mưa, thần sấm, thần mây mà chúng ta thường thấy trong các câu chuyện cổ hay trên các thước phim. Thiên Chúa không phải là một ai đó ngồi trên các tầng mây, rồi chỉ huy các đạo binh như người ta vẫn tưởng tượng. Ngài cũng không phải là một vị thần lớn và mạnh nhất trong số các vị thần cùng nhau sinh sống ở một ngọn núi thần tiên cực lạc nào đó, ngày ngày nhận cúng phẩm và lời cầu chúc của con người để rồi làm phép lạ ban ơn cho con người như một kiểu đổi chác.
Ngài không phải là một ông già tồn tại hàng tỷ tỷ năm trước và còn sống tới bây giờ cho đến mãi về sau, chỉ càng ngày càng già đi chứ không chết. Ngài càng không phải là vị thần nào đó do con người lập miếu, xây đền, tôn vương mà thành. Tất cả những hình ảnh này đều do con người tưởng tượng ra. Và nếu hình dung Đấng Tối Cao theo kiểu như thế thì tôn giáo sẽ gặp nhiều rắc rối không thể giải quyết được.
Thiên Chúa của Kitô giáo là một Thiên Chúa tối cao và tuyệt hảo tự bản chất, chứ không phải một cái gì đó được người ta phong tặng cho. Ngài cũng không bị giam hãm tại một nơi nào đó như cây đa, sân đình hay thậm chí là nhà thờ.
Chứng minh Thiên Chúa tồn tại
Các triết gia đã liệt kê ra rất nhiều luận chứng chứng minh có Thiên Chúa, nhưng phe chống đối cũng đưa ra số lượng tương đương luận chứng chứng minh không có Thiên Chúa. Hai bên kình cãi nhau, đến giờ vẫn chưa ngã ngũ. Bên nào cũng có lý cả. Điều đó cho thấy Thiên Chúa là Đấng vượt trên mọi khả năng nắm bắt và ngôn ngữ của ta. Ta chỉ có thể cảm nhận là có Thiên Chúa qua những dấu vết của Ngài, chứ không thể chứng minh theo kiểu khoa học một cách chắc nịch là có Thiên Chúa. Nói nôm na là thế này: qua những gì mà lý trí con người có thể suy tới, ta chỉ có thể giả định là phải có Thiên Chúa; nếu không có Thiên Chúa, ta sẽ không thể giải quyết được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Như thế, có thể nói rằng, bằng chứng chứng minh có Thiên Chúa thì không thiếu, nó thuyết phục lý trí người ta, nhưng người ta có để cho con tim mình cảm nhận về Ngài hay không thì lại là chuyện khác. Chúng tôi có thể giới thiệu ở đây một vài luận chứng dễ hiểu nhất cùng chút ít giải thích:
(1) Luận chứng nguyên nhân tác thành: Từ kinh nghiệm, ta thấy cái gì cũng phải có nguyên nhân cho nó cả. Vì thế, không thể có chuyện có trời đất muôn vật cùng tất cả mọi biến cố xảy ra mà không có một nguyên nhân tối hậu (một nguyên nhân mà không cần nguyên nhân khác làm nguyên nhân cho mình). Đó chính là Thiên Chúa.
(2) Luận chứng cứu cánh: Cũng tương tự, ta nhận thấy mọi sự đều hướng đến một đích điểm nào đấy. Lý trí của chúng ta mách bảo chúng ta rằng chắc chắn mọi loài trong thế giới vật chất này phải hướng đến một cùng đích tối hậu. Cùng đích đó là Thiên Chúa.
(3) Luận chứng luân lý: Tất cả chúng ta, những người có lý trí bình thường, đều công nhận những giá trị luân lý vĩnh cửu. Những giá trị ấy đã được ghi khắc sẵn trong lòng chúng ta chứ không bị áp đặt từ bên ngoài. Chẳng hạn, ai cũng biết là phải “làm lành lánh dữ”, sống tốt… ai cũng yêu thích cái đẹp, sự chân thành, lòng vị tha… ai cũng bực bội và khó chịu trước sự dữ, yêu thích hoà bình… Những giá trị luân lý ấy phải đến từ Đấng mà ta gọi là Thiên Chúa.
(4) Luận chứng về sự công bằng chung cuộc: Thế giới này luôn xảy ra những điều không như chúng ta mong chờ. Rất nhiều lần ta chứng kiến cảnh người hiền phải chịu oan ức, người ác lại cứ vui sướng trong sự ác nghiệt của mình, mà không có một quan toà nào trên thế giới này có đủ quyền năng để đưa ra một phán quyết thoả đáng. Chúng ta xác tín rằng chắc chắn phải có một Đấng Công Bình. Đấng đó sẽ trả lại sự công bằng cho tất cả mọi người, hoặc ở đời này, hoặc ở đời sau. Đấng đó là Thiên Chúa.
(5) Luận chứng về kinh nghiệm tôn giáo: Không biết tự bao giờ nhưng con người nào cũng trực giác về một sự siêu nhiên đang bao phủ lấy mình. Chúng ta đều sợ một sức mạnh thần linh vô hình nào đó. Chúng ta cầu trời khấn phật, xin ơn này ơn khác. Chúng ta thường tôn kính người chết, dành cho họ một sự nể trọng. Những tâm tình này là nguyên do cho sự ra đời của tôn giáo, nơi đó, chúng ta tôn thờ một Đấng là chủ tể của cả thế giới vô hình và hữu hình. Đó chính là Thiên Chúa.
(6) Luận chứng về phép lạ: Chúng ta đã nhiều lần nghe nói hoặc tự mình chứng kiến một vài sự kiện mà ta gọi là phép lạ. Nó là cái xảy ra một cách lạ kỳ đến độ ta phải trầm trồ và thừa nhận là mình hay bất cứ con người nào khác đều không thể làm được. Ai là chủ thể của những phép lạ ấy? Hẳn là phải có Thiên Chúa.
(7) Luận chứng thiết kế: Nhìn vào thế giới, vũ trụ với tất cả những trật tự hài hoà: buổi sáng mặt trời mọc lên, ban đêm có trăng sao, bốn mùa thay đổi, cây cối sinh trưởng và còn rất nhiều những bí mật mà khoa học vẫn chưa khám phá hết… chúng ta sẽ bất giác nghiệm thấy một nguyên lý nào đấy đang chi phối toàn thể sinh linh. Phải có một Đấng đóng vai trò như một nhà thiết kế đã làm nên mọi sự và mặc cho nó những nét đẹp vô cùng. Chắc chắn là không một con người nào đủ bản lĩnh và quyền năng để làm nên những điều này.
(8) Kinh nghiệm thần bí: Lịch sử đã ghi lại rất nhiều nhân vật đã có được những kinh nghiệm thần bí, nghĩa là những cảm nghiệm siêu nhiên, gặp gỡ được Đấng nào đấy. Họ đều chứng thực rằng Đấng ấy tuyệt vời vô cùng, không một ngôn từ nào có thể diễn tả cho đủ. Những nhà thần bí này có một đời sống rất tốt và mọi người đều chứng thực những sự biến đổi khôn lường nơi họ. Họ chắc chắn không hề bịa ra câu chuyện này. Họ lại sống ở những thời điểm khác nhau và có cùng một kinh nghiệm như nhau. Từ kinh nghiệm thần bí của họ, ta có thể hướng lòng tin về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Đấng Tuyệt Đối ngỏ lời với con người
Thân phận của con người quá nhỏ bé trước một Thực Thể siêu việt và vô hình mà triết học Hy Lạp cũng như lý trí con người khám phá ra. Bằng trí tưởng tượng, con người có thể mơ hồ hình dung ra một chút xíu nào đó Đấng Tuyệt Đối, nhưng con người chẳng thể nào vươn đến được với Đấng ấy. Triết học chỉ dừng lại ở việc khám phá ra Đấng Siêu Việt chứ không thể đi xa hơn. Bởi thế, Đấng Siêu Việt của các triết gia hệt như một cái gì đó quá cao xa và lạnh lùng, vì Đấng ấy vốn tự đủ trong chính bản thân mình, không cần ai và cũng không cần đụng chạm đến ai. Mọi loài khác đều phải phụ thuộc vào Ngài.
Mọi loài đều bị cái Chân–Thiện–Mỹ của Ngài lôi kéo nhưng Ngài cứ trơ trơ ra đó, chẳng mảy may để ý gì đến chuyển động của mọi loài, của lịch sử, của thế giới và vũ trụ hữu hình này. Đấng ấy chẳng nói, chẳng nghe, chẳng bận tâm, chẳng giúp đỡ ai. Cho nên, giữa con người và Đấng ấy có một khoảng cách vời vợi. Con người dù có nỗ lực đến đâu vẫn mãi là loài hữu hạn, không sao tìm đến và kết hiệp được với Đấng vô hạn như thế. Cuộc hành trình tìm về cội nguồn hiện hữu của mình hoá thành một sự cố gắng trong vô vọng.
Nhưng, người Kitô hữu lại có một sự lạc quan rất lớn vì trong khi họ không thể tự mình vươn đến cảnh giới tối cao của vô hình mà tìm gặp Đấng Tuyệt Đối thì Đấng ấy đã chủ động hạ cố và “bắt liên lạc” với con người. Chính Kinh Thánh đã tường thuật lại cho chúng ta biết hành trình hạ mình của Thiên Chúa qua rất nhiều câu chuyện. Thiên Chúa Tối Cao đã không thể tiết lộ tên của mình vì dường như chẳng có tên nào có thể tương xứng với Ngài, chẳng một thuật ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ về Ngài được.
Đặt cho Ngài một cái tên là đã giới hạn cái Vô Hạn rồi. Đây là điều không thể! Nhưng khi tỏ mình ra với Môsê nơi bụi gai bốc cháy, Ngài tự xưng mình là “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop”, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa của con người. Khi xưng hô như thế, Thiên Chúa tự khẳng định rằng mình có một mối tương quan với con người chứ không phải một Đấng Tuyệt Đối trơ trơ lạnh lùng, tự đủ ở chót vót trên cao. Rồi sau đó, Ngài trở thành Thiên Chúa của một dân, cùng đồng hành với họ qua những chặng đường dài của lịch sử.
Dù hạ mình, nhưng Thiên Chúa vẫn là một Đấng Tuyệt Đối, phi thời gian, siêu vượt trên tất cả. Trí óc của con người chúng ta hạn hẹp, chỉ có thể nắm bắt được những gì nằm trong không gian và thời gian. Với một Thực Thể phi thời gian như Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn không có một khái niệm nào. Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người, nhưng vẫn giữ nguyên là một Thiên Chúa vô hạn, không thể được nắm bắt cách trọn vẹn. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, thuở xa xưa, Ngài liên hệ với con người qua các trung gian như các ngôn sứ, thủ lãnh... Nhưng vào thời sau hết, Ngài đã sai Con của mình giáng thế để “viếng thăm và cứu chuộc dân Người”. Qua người Con này, Thiên Chúa và con người đã không còn xa cách.
Trên đây chỉ là vài phác thảo ngắn gọn về Thiên Chúa. Càng đi sâu tìm hiểu về Ngài, ta càng thấy mình chẳng thể hiểu được gì cách trọn vẹn. Đến với Ngài, ta cần niềm tin. Chính niềm tin sẽ mang đến cho chúng ta sự hiểu biết.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)