ĐÁM TANG BÀ NĂM - Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu 16

Thứ ba - 15/11/2022 08:18
ĐÁM TANG BÀ NĂM - Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu 16
ĐÁM TANG BÀ NĂM - Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu 16
ĐÁM TANG BÀ NĂM - Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu 16

ĐÁM TANG BÀ NĂM

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo
-------------------------------

Cái Rắn, ngày 16-7-1995

Hôm nay Chúa nhật, sau lễ chiều, bà Sáu Sen hối mình:

 - Ông cố ơi ! Ông cố đi rửa tội gấp cho bà Năm Thân. Bà hết biết rồi. Gia đình người ta đem xuồng tới đón.

 - Bà Năm xin theo đạo từ năm sáu tháng nay, mà chưa rửa tội cho bà được… Thôi mình đi !

 Bà Năm nằm im lìm, hai mắt nhắm nghiền. Mình nhắc bà kêu ông Trời bằng cha ... xin Chúa rước linh hồn bà về hưởng hạnh phúc thiên đàng với Chúa. Bà cụ cựa cái đầu, nhóp nhép cái miệng. Bà còn tỉnh, nhưng đã kiệt sức.

 - Maria, tôi rửa bà nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

 Mình bắt tay giã từ ông Năm.

 - Tôi gởi ông Năm chút tiền để lo cho bà Năm. Tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho bà Năm và ông Năm.

 - Ông cha nhớ là tôi và bà nhà tôi đã xin theo đạo ông cha. Con út tôi cũng theo đạo ông cha. Còn mấy đứa kia, thì tôi sẽ nói với tụi nó.

 Bước xuống xuồng, nhìn trở lại, mình thấy bà con lối xóm đã bắt đầu dựng rạp; căn nhà của ông Năm đã xiêu vẹo; cửa ra vào là một hình bình hành, mà hai góc nhọn đã quá nhọn. Có lẽ nó sẽ sập xuống trước khi bà Năm ra đi.

Sở dĩ mình lần khân không muốn rửa tội sớm cho ông bà Năm, vì mình vẫn nghĩ câu nói sau đây là một thực tế: "Đi đạo lấy gạo mà ăn”. Thủng thẳng để chờ đợi là thượng sách. Nhưng nghĩ như thế có xúc phạm đến người nghèo không nhỉ ?

--------------
 
Cái Rắn, ngày 17-1-1995

 Sáng nay bà Sáu Sen hớt hải báo tin:

 - Bà Năm chết rồi ông cố ơi !

 - Hồi nào ?

 - Hồi khuya nay. Mấy chị em tụi con trực suốt đêm ở bển.

 - Hỏi gia đình người ta xem, chừng nào thì chôn cất để tôi qua làm lễ an táng.

 Bốn giờ thiếu mười lăm, mình xuống xuồng.

 Bà con ngồi đầy sân. Mấy chục vành khăn tang đi ra đi vào. Một người đàn ông dõng dạc tuyên bố:

 - Trước khi ông cha nhà thờ làm lễ cho bà Năm, con cháu tập họp phía trước. Lên đèn cúng...

 - Đem đồ ăn ra !

 - Có bấy nhiêu thôi sao ? Cho thêm vài món nữa ! Tội nghiệp bả.

 Mấy chục cái đầu cúi rạp xuống để tỏ lòng biết ơn đối với "công đức sinh thành"...

 - Tôi xin công bố: nhà thờ giúp một trăm tám mươi lăm ngàn đồng, mười ký gạo và ba bộ đồ; chánh quyền ấp chúng tôi giúp một trăm ngàn đồng. Bây giờ mời ông cha phát biểu cảm tưởng.

 Mình dự tính phát biểu cảm tưởng trong bài giảng của thánh lễ. Nhưng ca đoàn chưa tới. Bèn giảng trước thánh lễ để tranh thủ thời gian.

 Ai nấy trố mắt, há mỏ để nghe ông cha trệu trạo giọng "Hànội - Sàigòn". Với giọng nói không ngọt ngào, mình chuyển đến bà con lương dân cảm nghĩ về cái chết theo Kitô giáo: "Chết là trở về với Chúa; chết là khởi đầu cuộc sống vĩnh cửu” . Từ đó mình gởi lời chia vui với bà Năm, và xin bà Năm cầu nguyện cho bà con lối xóm, để mọi người cùng được sum họp với bà trên thiên đàng. Giảng vừa xong, thì ca đoàn tới. Thánh lễ bắt đầu.

 - Yêu cầu bà con giữ trật tự, để ông cha làm lễ.

 Một người đàn bà đang cho con bú, kéo vội vạt áo xuống. Ai nấy im lặng như tờ. Ca đoàn dìu mọi người vào thế giới thần linh: "Khi Chúa thương gọi tôi về. Hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ..." . Lời nghe thật rõ, nhạc nghe thật dịu. Chắc hẳn người lương dân cũng cảm thấy như mình. Cái chết đẹp như thế đó.

 Mình tập trung tư tưởng để dâng một thánh lễ thật sốt sắng. Chúa Giêsu hiện diện ở đây. Mình tha thiết xin Ngài mạc khải cho bà con lương dân đang trố mắt nhìn vào Ngài. Mình tin rằng họ đang gặp Ngài bằng một cách nào đó.

 Khung cảnh quá bệ rạc. Cái bàn tròn khập khiễng. Mái lá của hàng ba thấp lè tè không đủ độ cao để mình dâng Mình Thánh lên cao theo thông lệ. Có lẽ những nhà soạn giáo luật khe khắt không cho phép mình dâng thánh lễ trong điều kiện như thế. Nhưng mình thì nghĩ một cách giản dị: Chúa ngự ở đây cũng như Ngài đã ngự trong hang Bêlem. Cần gì phải câu nệ...

 Mình kết thúc thánh lễ, thắp cho bà Năm cây nhang cuối cùng, rồi trao thời gian còn lại cho ông Hai Dưỡng...

 - Bên tôn giáo làm lễ xong. Đạo tì tiến lên. Nghiêm ! Phút mặc niệm bắt đầu. Thôi !

 Hai hàng đạo tì lực lưỡng, mặc quần xà lỏn, trần như nhộng, tràn vào, nâng bổng quan tài lên, khom mình xuống, chui qua khung cửa hẹp hình bình hành, rồi đi te te ra huyệt cách đó chừng bốn chục mét. Mình xách máy chụp rượt theo.

 Tiếng khóc của con cháu, xen lẫn với tiếng cầu kinh của các bà hiền mẫu, tạo nên một âm thanh loạn xà ngầu, nhưng lại làm tê tái lòng người. Mình chụp vội mấy tấm hình cuối cùng, rồi vội vã trở lại căn lều. Ông Năm ghé tai mình nói nhỏ:

 - Cha cho tôi xin cái mùng. Cái mùng cũ, tôi cho bả đem theo rồi.

 - Được

 Ông Hai Dưỡng kéo áo mình:

 - Ông cha ở lại dùng cơm chia buồn với ông Năm.

 - Rất tiếc tôi phải về. Xin ông Hai cho tôi kiếu.

 - Cũng được, nhưng ông cha uống với tôi nửa cốc rượu cho có cảm tình... Một nửa cốc nữa đi ông cha... Cám ơn ông cha nhiều lắm.

 Mình xuống xuồng ra về. Cơm bắt đầu bưng ra. Đó là tấm lòng của chồng con bà Năm, đối với thịnh tình của bà con lối xóm. Các bà hiền mẫu của mình cũng ở lại để cầu lễ.

*****
 
Bây giờ đã hai mươi giờ hai mươi phút. Bà Năm đang gởi xác ở đó, bên hàng bình bát rậm rì. Còn hồn của bà thì có lẽ đang sững sờ trước ngưỡng cửa của Người Cha, mà bà đã biết rất muộn màng.

 Trong căn lều xiêu vẹo, mấy chục vành khăn tang đang phân vân, không biết là nên ra về hay nên ở lại. Ở lại thì không có chỗ ngả lưng. Ra về thì tội nghiệp cho vong linh người quá cố... Và ở tận miền biển xa tắp tít, một thằng con trai của bà Năm đang đi câu cua, chẳng hề biết mẹ mình đã chết. Chẳng ai đi báo tin cho hắn, vì chẳng biết hắn ở đâu mà tìm.
 

Tác giả: Lm Piô Ngô Phúc Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây