Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - Chuyện đời chuyện đạo - sách 1

Thứ năm - 14/10/2021 04:44
Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - Chuyện đời chuyện đạo - sách 1
Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - Chuyện đời chuyện đạo - sách 1
Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có

Nguồn: https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Mễn
(sưu tầm)
---------------------------------

*** Đọc các bài của Lm. Mễn:
1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71;

2. Vào Internet: Google, Youtube, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, hoặc linh mục Mễn

3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com

5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165

**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

**** Lạy  Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.

----------------------------

Bài 1. MẸ KHÔNG PHẢI LÀ Ô SIN.. 1
Bài 2. HÒN ĐÁ GIỮA ĐƯỜNG CỦA NHÀ VUA.. 3
Bài 3. MỘT LỰA CHON NGHIỆT NGÃ, NHƯNG RẤT CAO THƯỢNG.. 4
Bài 4. NHỮNG TÔ MÌ ĐONG ĐẦY YÊU THƯƠNG.. 6
Bài 5. NHỮNG VIỆC CHÚA LÀM: Ôi thật là kỳ diệu !!! 11
Bài 6. GIẤC MƠ CỦA MẸ TÊRÊXA CALCUTTA.. 12
Bài 7. CÁI ĐUÔI TRÂU - Năm Sửu nói chuyện Trâu. 12
Bài 8. CON TRÂU TÂN SỬU 2021. 15
Bài 9. CON TRÂU TRONG KINH THÁNH.. 18
Bài 10. HÃY VUI HƯỞNG HẠNH PHÚC TA ĐANG CÓ.. 24
Bài 11. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG ĐAU KHỔ.. 25
Bài 12. NĂM CÁCH SỐNG CÓ THỂ GIÚP ĐỔI ĐỜI 26
Bài 13. HOA HỒNG TÌNH YÊU.. 27
Bài 14. CHĂN BÔNG SƯỞI ẤM CON NGƯỜI 28
Bài 15. TÌNH BẠN CHÂN CHÍNH.. 30
Bài 16. ĐÂU CÓ TÌNH THƯƠNG.. 31
Bài 17. SÁM HỐI KỊP THỜI 32
Bài 18. NỖI NIỀM CHA SỞ.. 34
Bài 19. BA LỜI NÓI DỐI 35
Bài 20. GIỜ LÂM TỬ.. 37


---------------------------

 

Bài 1. MẸ KHÔNG PHẢI LÀ Ô SIN

(Chuyện Đời Đạo - Bài 001)
(Lá Thư người mẹ gởi cho con dâu, con trai)


Các con quí yêu của mẹ!

Ngày mẹ lên sống cùng các con, bắt đầu là ngày con dâu có bầu. Con dâu nghén quá nên các con về đón mẹ lên để chăm sóc. Mẹ vui mừng lắm. Tuổi già rồi cả một đời chăm sóc các con còn không kể công thì đâu xá gì một vài việc cỏn con khi mà mẹ thực sự muốn được gần con, gần cháu.

Nhưng cũng bắt đầu từ đấy, mẹ cảm thấy mình thật khó để “thích nghi”…

Con dâu nghén không thể ăn, mẹ sợ ảnh hưởng đến cháu nên cố gắng thay đổi món. Một ngày mẹ nấu 5 bữa, toàn thời gian chỉ dành vào đi chợ và nấu nướng những mong con ăn nhiều cho mẹ khỏe con khỏe.

Quần áo các con thay ra, mẹ cũng là người đi gom nhặt, giặt và phơi. Cơm nhà ăn xong, các con tự nhiên về phòng ngủ, chỉ mình mẹ lủi thủi thu dọn như một phận sự đương nhiên.

Món nào không vừa miệng, các con nhăn nhó chê bai mà không nhìn thấy tình yêu của mẹ trong đó. Nhà có bẩn thì mẹ là người “ngứa mắt” đầu tiên. Các con đã quen với nhà bẩn hay đã quen với việc có mẹ ở bên?

Lịch sinh hoạt của các con cũng phải để mẹ theo dõi và nhắc nhở. Mẹ có lỡ nhắc nhiều lần vì thấy không thực hiện thì các con đâm ra cáu bẳn. Mẹ lỡ “quên” không nhắc thì các con lại “nhắc nhở” mẹ…

Rồi cháu ra đời, cả nhà mừng rỡ hạnh phúc như thế nào. Mẹ thắp nén hương cho cha mà nước mắt lưng tròng. Cháu chào đời, các con thành một gia đình hoàn chỉnh. Mẹ cảm thấy đã buông được phần nào gánh nặng trên vai.

Nhưng câu chuyện đâu chỉ dừng lại ở đó…

Phận làm con, cần quan tâm tới cha mẹ nhiều hơn, đừng đợi đến khi không còn cơ hội nữa.

Cháu chào đời cũng là lúc mẹ được các con “luyện” cách pha sữa buổi đêm, “luyện” cách cho trẻ bú bình, “luyện” cách sử dụng máy hâm sữa, thậm chí mẹ được luyện cả cách sử dụng máy hút sữa mà chưa biết để làm gì… Cách chăm trẻ nhỏ, mẹ dường như phải học lại từ đầu. Những gì mẹ làm đều không vừa ý các con, bởi đó đã là lỗi thời, là cổ hủ.

Bên cạnh đó, mẹ vẫn phải duy trì nhịp sống gia đình lúc này khi con dâu ăn một khẩu phần riêng, còn lại mẹ và con trai ăn một khẩu phần riêng. Để cháu có sữa bú, mẹ mua chân giò, mua đu đủ… về nấu cho con dâu ăn. Mẹ đau đầu thay đổi món, thay đổi cách nấu. Mẹ làm với tất cả tình yêu, nhưng thực nhiều lúc mẹ mệt mỏi…

Khi cháu lớn hơn, mẹ thấy mình thành Ô-sin đúng nghĩa. Các con đi làm, mẹ ở nhà chơi với cháu. Các con về, các con chơi với cháu thì mẹ lại lủi thủi bếp núc. Các con thoải mái đi du lịch vì ở nhà đã có mẹ trông cháu.

Trong cuộc sống thường nhật, các con đi làm từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới về, một mình mẹ quay vòng với sữa, cháo, cơm nát… rồi xay, rồi giã, rồi nghiền. Chuyện tã lót, áo xống, ngủ nghê, dỗ dành… ty tỷ thứ việc không tên này đều một mình mẹ đảm trách.

Mẹ biết, mẹ trong lòng các con vẫn là mẹ của ngày nào, mẹ của hàng chục năm về trước. Nhưng các con à, tất cả những thứ được coi như “nghiễm nhiên” ấy được làm bởi sự gồng mình rất lớn của mẹ, với tất cả sức lực còn lại. Các con hãy một lần nhìn lại, để thấy rằng “ Mẹ không phải là Ô-sin!”.

--------------------------

 

Bài 2. HÒN ĐÁ GIỮA ĐƯỜNG CỦA NHÀ VUA

(Chuyện Đời Đạo - Bài 002)

Xưa thật là xưa, có một ông Vua nọ, sai quân lính đặt một hòn đá to giữa một lối đi, định xem thái độ của mọi người sẽ như thế nào khi thấy hòn đá chắn lối đi.

Từng người, từng người một đi qua, ai cũng chỉ tặc lưỡi, trách nhà Vua không giữ đường sá sạch sẽ. Ngay cả ngài Tể tướng đi qua, ông cũng tảng lờ. Nhà Vua giận lắm, nhưng không nói gì. Ông nghĩ rằng, nhất định sẽ có một người nào đó nhấc tảng đá này khỏi đường đi.

Ông đoán không sai. Một lát sau đó, có một người nông dân ngồi trên một chiếc xe chất đầy cỏ, kéo đi bởi 2 con ngựa. Bỗng nhìn thấy hòn đá chắn lối đi, ông kéo ngựa dừng lại rồi phóng xuống. Ông đến bên hòn đá, nhìn nó rồi cúi xuống, khuân hòn đá đi ra chỗ khác. Vừa làm, ông vừa lẩm nhẩm: “Chắc là sẽ đau lắm, nếu ai đó vấp phải mày đấy, tao nên đưa mày ra khỏi đây trước khi mày làm ai đó ngả xuống vì vấp phải mày”.

Xong xuôi, ông vừa trèo lên xe ngựa thì thấy ngay ở chỗ hòn đá mà ông vừa khuân đi, một túi vàng rất to. Số vàng bên trong nó có thể nuôi sống ông cả đời. Ông còn đang ngẩn ngơ không biết túi vàng ở đâu ra thì chợt nhìn thấy một mẩu giấy bên dưới. Ông đọc, và mỉm cười. Số vàng đó, ông chất lên xe, rồi viết ở mặt kia lại một lá thư, rồi dặt lại ngay chỗ cũ.

Ông Vua lúc đó đang nấp trong bụi cỏ rất ngạc nhiên, chờ ông nông dân đi khỏi, liền chạy ra nhặt lấy. Lần này lại đến lượt ông mỉm cười. Không lâu sau đó, ông nông dân kia đã được nhà Vua mời lên cung điện, cách chức ông Tể tướng vô trách nhiệm kia, và phong cho ông nông dân nọ làm Tể tướng. Từ đó về sau, quốc thái dân an, nhờ có vị Tể tướng tốt bụng và một vị Vua thông minh cùng nhau quản lí đất nước.

Bật mí, bức thư của nhà Vua viết thế này:
“Đây là phần quà cho sự trách nhiệm của ông".
Ký tên: Vua

*****

Còn bức thư của ông nông dân thì viết là:

 “Thưa ông, tôi rất cảm ơn ông về những gì ông ban cho tôi. Nhưng mà, người dân quê tôi còn nghèo. Cho nên, xin phép ông, lấy số vàng này, thay vì tặng cho tôi, tôi sẽ thay ông tặng cho những người nghèo khác. Họ cần số vàng này hơn tôi. Công việc hiện nay của tôi đủ nuôi sống cả nhà tôi rồi!”.

*****

 Rõ ràng, không những có trách nhiệm cao, ông nông dân còn có con mắt nhìn đời rất công bằng. Nếu như ông sử dụng số vàng đó, ông sẽ có cuộc sống giàu có, sung túc, ấm no hơn trước rất nhiều. nhưng ông lại đem tặng số vàng đó cho những người nghèo ở vùng ông sinh sống. ông không đem những thứ nhà Vua ban làm của riêng mà dùng nó để giúp đỡ những người nghèo khó. Kết quả của việc làm đó là được làm Tể tướng, giúp cho đất nước thái bình, dân được ấm no, hạnh phúc. Còn tên Tể tướng vô trách nhiệm kia, phải trả giá cho sự vô trách nhiệm của mình bằng việc mất chức tướng. Đó cũng là bài học cho tất cả chúng ta.

*****

Lời bàn:
Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy:
"Vật cản, đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt".

-------------------------------

 

Bài 3. MỘT LỰA CHON NGHIỆT NGÃ, NHƯNG RẤT CAO THƯỢNG

(Chuyện Đời Đạo - Bài 003)

Mẹ ruột chúng tôi mất sau khi sinh em trai út của tôi. Chị Như, chị hai tôi, lúc đó mới lên mười. Tôi, đứa con gái thứ hai, lên tám ốm quặt quẹo. Sau nữa, thằng Thành, năm tuổi, tròn như củ khoai ngơ ngác đi tìm mẹ suốt ngày.

Hai năm sau cha tôi tục huyền với người phụ nữ con nhà gia thế, một phụ nữ đẹp mới 27 tuổi. Chúng tôi gọi người này là “má”.

Cha đi làm từ sáng đến tối, giao phó toàn bộ việc chăm nom con cái cho má tôi. Má làm trăm thứ việc không mấy khi ngơi tay. Chị em tôi no đủ, sạch sẽ, nhà cửa chúng tôi gọn gàng, bữa cơm dọn lên lúc nào cũng nóng sốt.

Cha tôi chung sống với má sau được ba năm thì đau nặng rồi mất. Lúc sắp ra đi, cha không còn nói được, chỉ nhìn má tôi rồi khóc. Má lúc đó trẻ quá, đẹp quá, lại chẳng phải má ruột của chúng tôi...

Cha vừa nằm xuống được mươi ngày đã có người đến đòi xiết nhà, xiết đồ. Gia đình nhà má khăng khăng bắt má về gả chồng. Rồi một ngày kia má kêu bán nhà, trả hết nợ, rồi lặng lẽ dắt díu chúng tôi đi.

Đó là năm 1978. Chúng tôi ở đậu nhà người chị họ xa của má, gọi là dì tư Tím. Dì làm nghề ướp cá, bán cá, dì góa bụa và nghèo khó. Căn nhà của dì không khác hơn cái chòi canh dưa là mấy, vậy mà còn chứa thêm má và bốn đứa chúng tôi. Dì tư Tím đem biếu ba con gà mái dầu, cho một người quen để xin cho má một chân hộ lý trong bệnh viện đa khoa.

Hằng ngày, má dậy từ 3g30 sáng, vào bệnh viện nấu nước, châm nước cho những bệnh nhân dậy sớm rửa mặt, pha sữa, pha trà, để kiếm thêm chút tiền còm mua sách vở cho chị em tôi đi học. Sáu giờ, má tất tả về nhà lo cho chúng tôi ăn sáng và đến trường. Bảy giờ má trở lại bệnh viện lau cầu thang, lau sàn, cọ rửa nhà vệ sinh, thay trải giường cho người bệnh, gom rác đem đi đốt… Sau năm giờ chiều, má còn nhận giặt thuê quần áo cho những bệnh nhân khá giả. Đến tám giờ tối má mới về đến nhà, mệt rã rời.

Hôm nào mưa gió má về sớm hơn. Má mua về cho chị em tôi mỗi đứa một trái bắp nướng hay một túi đậu nành rang thơm giòn. Mấy chị em nằm bên má trên một manh chiếu rách, nghe má kể chuyện đời xưa. Thằng út Tài sợ lạnh cứ ôm chặt má mà khen sao má ấm quá. Thằng Thành nhõng nhẽo đòi má gãi lưng. Cũng có khi má dạy chúng tôi những bài hò, bài vè, để cả nhà thành một “dàn đồng ca” rất ăn ý, rất vui nhộn, mặc ngoài kia gió thổi mưa tuôn…

Mỗi năm vào ngày giỗ mẹ tôi, má làm một mâm cơm tươm tất. Rồi má thắp mấy nén nhang thơm, gọi hết bốn chị em tôi lại bên bàn thờ mà nói:

“Đây là mẹ ruột của các con, người đã sinh ra và nuôi nấng các con. Tuy mẹ các con mất rồi, nhưng ở trên trời, mẹ các con vẫn luôn phù hộ cho các con mạnh khỏe”.

Vào ngày giỗ ba, má cũng làm như vậy. Ngày ấy cũng như mãi tới bây giờ cũng vậy, tôi vẫn tin ba mẹ tôi ở trên trời nhìn thấy chúng tôi.

Có một sáng người ta đưa má về. Chân má bị phỏng nước sôi, do một bệnh nhân chạy vấp vào má. Vết phỏng rất lớn. Do ăn uống thiếu thốn, sức đề kháng yếu nên chỗ phỏng trên chân má rất lâu không lành, cứ sưng lên đau nhức. Má mất ngủ nhiều, ốm rạc như con cò. Chị hai khóc, năn nỉ má cho đi đổ nước thay má, mà má không cho đi. Rồi má nén đau, cố lê chân đi làm trở lại. Về sau vết bỏng ở chân má làm sẹo, một sẹo lồi nhăn nhúm chạy từ cổ chân đến hết mu bàn chân trái. Dáng má đi không còn tự nhiên nữa.

Dì tư Tím mua được một căn nhà ở gần chợ, bán rẻ căn nhà lá cho má con tôi. Năm đó chị hai tôi thi đậu vào Trường Cao Đẳng Sư phạm Cần Thơ. Thương má cực nhọc, chị định bỏ học đi làm thuê. Má cương quyết không cho. Chưa bao giờ má cương quyết đến như vậy. Thắp nén nhang trên bàn thờ ba, má khấn, cốt cho chị hai nghe: “Con gái lớn của mình định bỏ học. Khi về nơi chín suối, em biết nhìn anh sao đây…”

Chị hai khóc, xin lỗi má rồi chấp nhận đi học. Hai năm sau tôi cũng vào đại học và cũng được má sắp soạn vali quần áo cho tôi rồi đưa đi. Mở cái vali ra nhìn mà thương má đứt ruột: ngoài quần áo, má còn bỏ vào kim chỉ, dầu gió, tem thư, bông băng thuốc đỏ, thuốc cảm…

Dường như má có thể gói trọn sự thương yêu của má vào trong từng thứ một. Bốn năm, chị em tôi ra trường lênh đênh tìm việc thì cũng là lúc thằng Thành vào Đại Học Luật và năm sau nữa là thằng Tài vào Đại Học Y Cần Thơ. Làm sao đong được sự vất vả, cực nhọc của má lúc ấy. Lưng má còng đi, tóc đã lốm đốm bạc, da tay chai sần.

Nhiều năm trôi qua, má lần lượt dựng vợ gả chồng cho ba đứa con lớn. Thằng Tài vẫn ở với má và chưa có gia đình riêng. Giờ nó là bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện mà xưa má làm hộ lý. Nó tâm sự rằng, hễ đi trực đêm mà nghe tiếng rao “nước sôi đây” là giật mình, thảng thốt tưởng như tiếng má, nghẹn thắt cả lồng ngực.

Những ngày rảnh rỗi, chị em tôi dẫn lũ con về với má cho má vui. Đám trẻ quấn quít với má không rời nửa bước. Đứa nhổ tóc sâu, đứa bóp tay, đứa bóp chân cho bà. Một lần bé Du con tôi xoa vào vết sẹo trên chân má mà nói: “Bà ngoại ơi, con bị phỏng tay có một chút đã đau ghê. Ngoại phỏng nhiều vậy chắc là khiếp lắm…” Má tôi cười: “Lâu quá, ngoại quên mất rồi”.

Một chiều mưa tôi về thăm má, nằm bên má tâm sự chuyện chồng con. Mưa ầm ào, mưa tầm tã, tôi kêu lạnh má liền kéo mềm đắp cho tôi, tôi thì lại đắp cho má y như lúc tôi còn nhỏ ngủ chung với má vậy. Chân tôi lạnh, tôi tìm hơi ấm nơi chân má. Tôi chạm vào vết sẹo trên cổ chân má, cái vết sẹo đã thành thân thuộc với tôi, vậy mà tự nhiên tôi rơi nước mắt.

Nghĩ lại, tôi có chồng có con, vợ chồng tôi luôn quấn quít đầm ấm… Còn má, má chỉ được hạnh phúc làm vợ trong ba năm lẻ. Trong những năm tháng dằng dặc sau này, chắc cũng có lúc má khát khao một hạnh phúc riêng tư, cũng có lúc má cô đơn, mệt mỏi, mà không có ai chia xẻ. Má ơi, sự lựa chọn của má sao nghiệt ngã quá vậy!

Đã bao lần má kể cho các con tôi nghe những câu chuyện cổ tích về công chúa, về hoàng tử, về các cô tiên xinh đẹp…

Một ngày kia con tôi lớn lên, tôi sẽ kể cho các con tôi nghe về “Bà Tiên” của chị em tôi, bà tiên tóc bạc, dáng đi hơi khập khiễng vì một vết sẹo dài…

Truyện cổ tích má viết cho chúng tôi bằng cả sự nhọc nhằn, sự đau đớn, bằng nước mắt, mồ hôi và bằng cả cuộc đời của má.

LÊ THÚY BẢO NHI (Ephata)

------------------------------

 

Bài 4. NHỮNG TÔ MÌ ĐONG ĐẦY YÊU THƯƠNG

(Chuyện Đời Đạo - Bài 004)

*** Đây là câu chuyện có thật, xảy ra vào ngày 31/12 cách đây rất nhiều năm tại quán mì Bắc Hải Đình trên đường phố Trát Hoảng, Nhật Bản. Đêm ấy cũng chính là đêm giao thừa. Đêm giao thừa cùng gia đình ăn một tô mì là phong tục truyền thống của người Nhật Bản. Vì vậy, đến ngày này, hầu như quán mì nào cũng rất đông khách, đắt hàng. Bắc Hải Đình cũng không ngoại lệ.

*****

Hôm ấy, Bắc Hải Đình gần như cả ngày đều đông khách, mãi đến hơn 10 giờ đêm khách mới thưa thớt dần. Những ngày bình thường, giờ này vẫn còn rất đông người qua lại trên đường nhưng hôm nay ai ai cũng mau chóng trở về nhà sớm một chút để kịp đón giờ phút giao thừa. Vì vậy, trên đường phố phút chốc trở nên vắng vẻ yên tĩnh.

Đêm giao thừa, khi người khách cuối cùng rời khỏi quán, bà chủ đang định kéo cánh cửa tiệm lại thì cánh cửa lại một lần nữa được mở ra nhè nhẹ. Một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai cậu con trai bước vào. Đứa lớn ước chừng khoảng 10 tuổi và đứa nhỏ 6 tuổi. Cả hai đều mặc bộ quần áo thể thao giống nhau còn người phụ nữ kia mặc một chiếc áo khoác cũ kỹ đã lỗi thời.

Bà chủ lên tiếng: “Xin mời ngồi!”.

Người phụ nữ rụt rè nói: “Có thể … cho chúng tôi… một tô mì được không ạ?”. Hai đứa bé đứng yên lặng đằng sau mẹ và đưa mắt nhìn chăm chú.

“Đương nhiên…đương nhiên là có thể, mời ngồi qua bên này!”.

Bà chủ quán dẫn họ tới bàn số 2 rồi hướng vào trong bếp hô to:
Cho một tô mì!”.

Ông chủ liếc mắt nhìn ba mẹ con rồi lặng lẽ nấu một tô mì lớn đầy tràn, cả bà chủ và khách đều không biết. Ba mẹ con người phụ nữ ăn chung một tô mì rất ngon lành. Họ vừa ăn vừa khe khẽ nói chuyện.

“Ngon quá!”, đứa lớn nói. “Mẹ! mẹ cũng ăn thử đi!”, đứa nhỏ vừa nói vừa gắp một miếng đưa vào miệng mẹ.

Chỉ trong chốc lát họ đã ăn hết tô mì, người mẹ thanh toán cho chủ quán 150 đồng. Ba mẹ con họ cùng đồng thanh khen: “Thật là ngon! Cảm ơn ông bà!”, rồi họ cúi chào và bước ra khỏi quán. Ông chủ bà chủ cũng đồng thanh đáp trả: “Cảm ơn quý khách! Chúc quý khách năm mới vui vẻ!”.

Một năm trôi qua, ai cũng đều bận rộn với công việc của mình chẳng mấy chốc đã đến giao thừa năm sau. Bắc Hải Đình vẫn làm ăn rất phát đạt. So với năm ngoái, đêm giao thừa năm nay họ có vẻ còn bận rộn hơn. Hơn 10 giờ, bà chủ đang định đóng cửa thì cánh cửa lại bị kéo ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm mì là một người phụ nữ trung niên và hai đứa trẻ.

Bà chủ quán nhìn thấy cái áo khoác kẻ ca-rô cũ kỹ lỗi thời liền lập tức nhớ lại vị khách hàng cuối cùng đêm giao thừa năm ngoái.

“Có thể… nấu cho chúng tôi một tô mì được không ạ?”.

“Đương nhiên! Đương nhiên! Mời vào trong ngồi!”.

Bà chủ quán vừa dẫn họ đến chỗ ngồi bàn số 2 và cất tiếng: “Cho một tô mì!”.

Ông chủ quán một tay châm lửa lên bếp vừa mới tắt và lên tiếng: “Được! Được! Một tô mì!”.

Bà chủ đi vào bếp nói nhỏ với ông chủ: “Này ông! Nấu cho họ ba tô mì có được không?”.

“Không được đâu, nếu mình làm như thế chắc họ sẽ thấy ngại đấy!”.

Ông chủ trả lời như thế nhưng lại lấy thêm mì đủ ba người ăn cho vào nước, bà chủ đứng bên cạnh mỉm cười và nói: “Nhìn ông có vẻ khô khan nhưng xem ra tấm lòng không đến nỗi nhỉ!”. Ông chủ yên lặng làm một tô mì lớn thơm ngào ngạt rồi đưa cho bà chủ mang ra.

Ba mẹ con người phụ nữ lại ngồi quanh tô mì, vừa ăn vừa nói chuyện. Những câu chuyện của họ cũng lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

“Thơm quá…thơm quá…ngon thật!”.

“Năm nay chúng ta còn có thể được ăn mì Bắc Hải Đình, quả là may mắn!”.

“Sang năm lại được đến đây ăn thì tốt quá!”.

Sau khi ăn xong, người mẹ lại thanh toán 150 đồng và chào ra về.

“Cảm ơn quý khách! Chúc cả nhà năm mới vui vẻ!”. Nhìn bóng lưng ba mẹ con người phụ nữ, hai vợ chồng ông chủ đàm luận một hồi lâu.

Đêm giao thừa năm thứ ba, Bắc Hải Đình vẫn rất đông khách, ông bà chủ bận đến mức không có thời gian để trò chuyện. Nhưng đã đến 9 rưỡi tối, hai vợ chồng họ bắt đầu có chút bất an. Đến 10 giờ, nhân viên trong quán đều đã nhận được bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200 đồng/tô mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150 đồng/tô mì”. Trên bàn số 2, bà chủ đã đặt lên đó bảng “Đã đặt chỗ” vào ba mươi phút trước.

Dường như ba mẹ con người phụ nữ ấy đợi cho khách rời hết mới bước vào. Đến 10h30 cả ba mẹ con họ cuối cùng cũng đã xuất hiện. Đứa lớn mặc bộ quần áo đồng phục còn đứa em mặc bộ quần áo của anh nên nhìn hơi rộng một chút. Cả hai anh em đều đã lớn hơn rất nhiều. Người mẹ vẫn mặc chiếc áo khoác kẻ ca-rô cũ kỹ và lỗi thời như hai năm trước.

“Mời ngồi! Mời ngồi!”, bà chủ nhiệt tình mời họ vào tiệm ngồi. Nhìn vẻ tươi cười của bà chủ, người phụ nữ dè dặt nói: “Phiền bà… phiền bà… nấu cho chúng tôi hai tô mì được không?”.

“Được! Tất nhiên là được! Mời ngồi qua bên này!”, bà chủ dẫn họ đến bàn số 2 rồi nhanh nhẹn giấu tấm biển đặt chỗ trước đi rồi hướng vào bếp gọi: “Cho hai tô mì!”.

“Được! Hai tô mì! Xong ngay đây!”, ông chủ vừa nói, tay vừa cho thêm ba vắt mì vào nồi nước nấu.

Ba mẹ con họ vừa ăn mì vừa nói chuyện rất vui vẻ.

Hai vợ chồng ông bà chủ đứng ở chỗ nấu ăn nhìn họ vui vẻ, trong lòng cũng vui theo.

“Tiểu Thuần và con trai cả này! Hôm nay mẹ muốn cảm ơn hai con! Cảm ơn hai con rất nhiều!”.

“Tại sao lại cảm ơn chúng con ạ?”.

“Là như thế này, vụ tai nạn của cha các con đã khiến cho tám người bị thương. Công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần số tiền này, số còn lại chúng ta phải trả. Mấy năm qua, mỗi tháng chúng ta đều phải nộp 50.000 đồng”.

“À, chuyện này thì chúng con biết rõ rồi mẹ ạ!”, đứa lớn trả lời.

Bà chủ cũng lẳng lặng lắng nghe.

“Lẽ ra là phải trả đến tháng ba sang năm mới trả hết, nhưng mà năm nay mẹ đã nộp xong rồi!”.

“Mẹ! Thật vậy sao?”.

“Ừ! Mẹ nói thật! Bởi vì anh cả rất chăm chỉ đi đưa báo còn Tiểu Thuần thì giúp mẹ đi chợ nấu cơm, khiến cho mẹ có thể an tâm công tác. Công ty mẹ đã phát cho mẹ một phần thưởng đặc biệt, vì vậy hôm nay mẹ đã đem số tiền đó trả hết phần nợ còn lại rồi!”.

“Mẹ! Anh trai! Thật sự là quá tốt rồi, nhưng mà sau này mẹ hãy cứ để cho Tiểu Thuần nấu cơm nhé!”.

“Con cũng muốn tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần, cố gắng lên nhé!”.

“Mẹ cám ơn hai con, thật sự cám ơn hai anh em!”.

“Tiểu Thuần và con còn có một bí mật mà chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày Chủ nhật của tháng Mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến tham dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn viết một bức thư đặc biệt nói là bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết được, vì vậy hôm đó con đã thay mặt mẹ đến tham dự ạ!”.

“Chuyện này là thật sao? Sau đó thì thế nào?”.

“Thầy giáo ra đề bài là: ‘Nguyện vọng của em là gì?’, Tiểu Thuần đã viết về tô mì và đã được đọc trước cả lớp ạ! Tiểu Thuần viết là: ‘Cha của em bị tai nạn xe, cha mất đi để lại nhiều nợ nần. Vì để trả nợ, mẹ em đã làm việc quên mình từ sáng đến đêm’. Ngay cả việc con hàng ngày đi đưa báo, em cũng viết ra hết. Em còn viết cả: ‘Vào đêm giao thừa, ba mẹ con cùng ăn chung một tô mì vô cùng ngon. Mặc dù ba người chỉ ăn một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn nói lời cám ơn lại còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa! Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, nhanh chóng trả hết phần nợ nần còn lại”.

“Vì vậy, Tiểu Thuần viết rằng sau này lớn lên muốn mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản và cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên! Chúc quý khách hạnh phúc! Cám ơn quý khách!”.

Đứng sau bếp, hai vợ chồng ông chủ nghe những lời này liền ngồi sụp xuống lấy khăn lau những giọt nước mắt đang trào ra trên khuôn mặt…

Ba mẹ con họ lặng lẽ nắm chặt tay nhau, vỗ vai động viên nhau và cùng ăn hết hai tô mì rồi trả 300 đồng, nói lời cảm, cúi chào ra về! Nhìn bóng dáng của ba mẹ con họ, ông chủ quán nói theo: “Cám ơn quý khách! Năm mới vui vẻ!”.

Lại một năm nữa trôi qua, đêm giao thừa, 9h30 tối, bà chủ lại đặt biển “đã đặt chỗ” lên bàn số hai nhưng ba mẹ con người phụ nữ kia đã không đến. Năm sau, năm sau nữa… vẫn không thấy ba mẹ con họ xuất hiện. Tiệm mì Bắc Hải Đình làm ăn ngày một phát đạt, toàn bộ đồ đạc và bàn ghế đã được thay mới duy chỉ có bàn số 2 là vẫn được để nguyên như cũ.

Rất nhiều ngày 31/12 qua đi, nhưng chiếc bàn hai vợ chồng chủ quán dành tặng ba vị khách năm nào vẫn luôn còn trống…

Và vào một ngày 31/12 của rất nhiều năm sau đó, khi khách khứa tấp nập vào quán mì Bắc Hải Đình vừa ăn, vừa chờ tiếng chuông giao thừa như thường lệ, thì có hai thanh niên mặc vest, tay cầm áo khoác ngoài đẩy cửa bước vào. Bà chủ đang định nói: “Thật xin lỗi, quán đã hết chỗ rồi!”, thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc bộ ki-mô-nô đi đến, đứng giữa hai người thanh niên trẻ, cất lời: “Phiền bà… phiền bà… cho chúng tôi ba tô mì được không?”.

Bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh người phụ nữ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về khiến bà choáng váng. Đứng sau bếp nấu, ông chủ cũng choáng váng, đưa ngón tay chỉ vào ba người khách rồi lắp lắp nói không lên lời: “Các vị… các vị là…”.

Một trong hai người thanh niên nhìn bà chủ và đáp: “Vâng! Vào một ngày cuối năm cách đây 14 năm, ba mẹ con cháu đã tới đây gọi một tô mì, nhận được sự khích lệ của tô mì đó mà ba mẹ con cháu có thêm nghị lực để sống tiếp. Sau đó, ba mẹ con cháu chuyển đến nhà bà ngoại cháu ở huyện Tư Hạ sinh sống. Cháu đã thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập ở khoa nhi đồng của bệnh viện Kinh Đô. Tháng Tư sang năm cháu sẽ đến làm việc tại bệnh viện Tổng hợp Trát Hoảng ạ! Hôm nay chúng cháu đến chào hỏi bệnh viện, thuận tiện viếng thăm mộ của cha cháu. Em cháu không trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản như hồi nhỏ mơ ước, bây giờ đang làm việc ở ngân hàng Kinh Đô. Ước nguyện bấy lâu nay của ba mẹ con cháu là được đến hỏi thăm hai bác và ăn mì Bắc Hải Đình ạ!”.

Hai vợ chồng ông chủ quán mì vừa nghe, vừa gật đầu mà nước mắt chảy ra ướt cả khuôn mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi ngay gần cửa ra vào đang ăn liền nuốt vội và nói: “Này ông bà chủ! Hai người làm sao thế? Chuẩn bị hơn 10 năm nay giờ mới được gặp mặt, còn không mau tiếp khách rồi chiêu đãi họ đi à? Nhanh lên đi!”.

Bà chủ cuối cùng bừng tỉnh rồi vỗ vào vai ông chủ hàng rau, cười nói: “Phải rồi!… Xin mời! Xin mời! Mời ngồi bàn số 2, cho ba tô mì nhé!”.

Ông chủ đang ngây người, vội vàng lau nước mắt trả lời: “Được, được. Ba tô mì! Có ngay đây!”.
Đây có lẽ là đêm giao thừa đẹp nhất trong cuộc đời ông bà…

*****

Suy ngẫm:

Đôi khi, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ cũng giúp thay đổi số phận một con người mãi mãi. Vợ chồng người chủ quán mì, bằng nghĩa cử thầm lặng của mình (bỏ thêm mì vào tô), bằng sự quan tâm, sẻ chia của mình (gửi lời chúc năm mới) đã gieo một hạt mầm của hy vọng vào cuộc sống khốn khó của ba mẹ con. Họ đã phải sống một cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Ba người phải ăn một tô mì chung, chỉ dám vào quán lúc khuya khoắt, vắng vẻ. Nhưng họ vẫn rất đàng hoàng, lịch sự, trả đủ tiền (dù hoàn toàn không biết suất của mình là suất đặc biệt). Ba mẹ con không xin ăn và vợ chồng chủ quán cũng không có ý định lấy tô mì ra làm của bố thí. Cả hai bên đều giữ được một phong thái rất cao cho dù nỗi đời cơ cực ngoài kia vẫn luôn vây bủa.

Cái kết của câu chuyện thật ấm áp, ấm áp như những tô mì đong đầy yêu thương của vợ chồng chủ quán tốt bụng. Có lẽ hai vợ chồng ông cũng không thể ngờ rằng một câu nói của mình có thể tạo ra động lực sống to lớn như vậy cho ba mẹ con. Người Bungari có một câu ngạn ngữ thế này: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Khi bạn trao gửi đi yêu thương, nó không tan vào hư vô. Nó sẽ trở thành dòng suối mát lành, ngọt ngào chảy ngược lại xoa dịu chính tâm hồn bạn. Chẳng phải thế sao?

Mai Trà – Hữu Bằng

-------------------------------

 

Bài 5. NHỮNG VIỆC CHÚA LÀM: Ôi thật là kỳ diệu !!!

(Chuyện Đời Đạo - Bài 005)

1. Chúa cần một người cha cho dân Ngài
Ngài đã chọn một cụ già.
Thế là Abraham đứng lên...

2. Ngài cần một người phát ngôn.
Ngài đã chọn một kẻ nhút nhát, nói năng ngọng nghệu.
Thế là Môsê đứng lên...

3. Ngài cần một lãnh tụ dẫn dắt dân Ngài.
Ngài đã chọn kẻ nhỏ nhất, yếu nhất,
kẻ đang chăn chiên ngoài đồng.
Thế là Đavít đứng lên...

4. Ngài cần một tảng đá để đặt nền cho tòa nhà.
Ngài đã chọn một người chối thầy, mà chối đến những 3 lần.
Thế là Phêrô đứng lên...

5. Ngài cần một gương mặt để nói cho người ta biết
tình thương của Ngài.
Ngài đã chọn một cô gái điếm.
Đó là Maria Mađalêna.

6. Ngài cần một nhân chứng để hô to sứ điệp của Ngài.
Ngài đã chọn một kẻ bách hại đạo,
đã giết không biết bao nhiêu người có đạo.
Đó là Phaolô thành Tarsô...

*****

Lời Bàn:

Vậy, chúng ta đừng ngại dấn thân vào bất cứ công việc nào, ở bất cứ nơi nào, trong bất cứ lãnh vực nào, mà Chúa đang dẫn chúng ta đi. Mong sao chúng ta ngoan ngoãn bước từng bước theo sự huớng dẫn của Chúa, và tích cực dấn thân vào công việc được trao phó.

------------------------------

 

Bài 6. GIẤC MƠ CỦA MẸ TÊRÊXA CALCUTTA

(Chuyện Đời Đạo - Bài 006)

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viên của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Ái chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:

"Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: "Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ".

Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: "Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng".

Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.

*****

Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: Không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.
Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: "Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: Chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng".

Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng.

- Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ.
- Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ.


- Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng.

Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì, nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.

Trích sách Lẽ Sống

------------------------------

 

Bài 7. CÁI ĐUÔI TRÂU - Năm Sửu nói chuyện Trâu

(Chuyện Đời Đạo - Bài 007)

1. Đây là chuyện tôi nghe: Một hôm, trong chuyến dã ngoại đầu Xuân, lúc nghỉ chân trên bãi cỏ xanh dưới một tàn cây râm mát, các môn đệ ngồi vây quanh thiền sư. Một đệ tử chắp tay thỉnh cầu:

"Thầy ơi, xin kể cho chúng con nghe một câu chuyện."

Thiền sư nở nụ cười bao dung, từ ái, và nhẹ nhàng nói: “Được. Nhưng cuối câu chuyện, các con phải trả lời một câu hỏi của thầy. Bằng lòng không, các con?"

Mọi người gần như đồng thanh cất tiếng hưởng ứng: “Vâng ạ. Chúng con đều sẵn lòng, bạch thầy."

Thiền sư bắt đầu câu chuyện, giọng thong thả.

Chuyện rằng: Ở làng kia, có con trâu béo tốt, được thả rông trên đồng cho nó tự do gặm cỏ. Tình cờ, con trâu phát hiện ra một túp lều vắng chủ, cửa đóng im im. Mái lều được phủ dày mấy lớp rơm để giữ cho bên trong lều luôn mát mẻ.

Con trâu bèn nghểnh đầu lên rút lấy một nắm rơm vừa tầm, rồi nhai nhai thích thú.

Có vẻ như rơm khô đã đổi khẩu vị của nó, vì ăn cỏ hoài cũng chán rồi chăng?

Cái lều kia dường như bị bỏ hoang, nên con trâu mặc tình trở lại thưởng thức món rơm khô rất vừa miệng nó.

Được chừng ba hôm, thì mái lều đã nhỏ bớt lại vì bốn mép rìa gie ra đã dần dần nằm trọn trong bao tử trâu. Đó cũng là lúc con trâu thất vọng vì không thể nào rướn cổ, để vói tới phần rơm nằm cao hơn, ở phía trên mái lều.

*****

Người ta hay mắng là “Ngu như trâu!"; nhưng con trâu này có lẽ không hề ngu. Nó nghĩ rằng: Bên trong lều, biết đâu còn chứa nhiều rơm. Vấn đề là tìm được cách lọt vào trong, vì nó không muốn húc cho sập cái lều, hay tông vào cánh cửa bấy lâu cứ đóng chặt im ỉm.

Nó bèn thong thả đi một vòng quanh lều, nhẫn nại quan sát tìm biện pháp. Ô kìa! Nó sung sướng khi tìm thấy khung cửa sổ vuông vắn, chỉ có một tấm phên tre buông rủ, che đậy hững hờ.

Con trâu thong thả xáp lại gần khung cửa sổ. Nó khéo léo nghiêng nghiêng, lách lách cái đầu, để cho cặp sừng kềnh càng có thể lọt qua khung cửa số đã trống trải, vì tấm phên tre bị cái đầu trâu ngọ ngoạy trái qua phải, đã rớt xuống đất dễ dàng.

Bên trong lều tối om, nó không nhìn thấy đụn rơm nào cả, nhưng vẫn ngửi được mùi rơm thơm thơm phảng phất, trong không gian nhỏ hẹp, thiếu hẳn ánh sáng, nhưng mát rượi.

Vậy là phải chui cả thân hình đồ sộ vào trong mới được. Con trâu nghĩ vậy, và như một vận động viên uốn dẻo lão luyện, nó nhẫn nại lách luồn từng chút từng chút một, để lần lượt đưa cái cổ, rồi hai chân trước, rồi trọn cái bụng to tướng, rồi luôn cả hai chân sau.

Ô!! vậy là mình đã lọt được vào cái chỗ mình mơ ước! Con trâu sung sướng quá. Nhưng chính lúc đó, nó biết ngay mình đã mừng hụt. Nó vẫn bị vướng chặt ở phía sau, và không thể nhích vào bên trong lều thêm một ly nào hết. Nó bị vướng cái đuôi!

*****

Thiền sư ngừng kể, im lặng, đảo mắt nhìn qua các đệ tử đang ngơ ngơ ngác ngác. Rồi thầy từ tốn hỏi:

- "Các con nghĩ sao?"

Cả đám học trò liền nhạo nhao:

- "Vô lý! Thật là vô lý!"

Thiền sự mỉm cười. Chờ cho mọi người yên lặng, thầy hỏi:

- “Vô lý chỗ nào, các con?"

Như sợ đồng môn giành phần trả lời, một anh nhanh nhẩu đáp vội:

- “Bạch thầy, cả thân trâu to đùng đã lọt vào trong rồi, thì làm sao còn có thể bị vướng cái đuôi nhỏ bé!"

Một anh khác góp lời:

- “Dân gian bảo rằng: Đầu xuôi đuôi lọt. Đằng này ngược lại, cả đầu, cả bụng, lẫn bốn chân kềnh càng, đều trót lọt, mà lại vướng mỗi cái đuôi! Vô lý quá, bạch thầy."

Thiền sự mỉm cười xác nhận:

- "Quả thật vô lý, các con ạ. Thế mà xưa nay, người đời vẫn cứ bị vướng cái đuôi nhỏ bé đấy chứ."

*****

2. Chuyện trên đây tôi kể lại, có thêm thắt vài chỗ, phỏng theo lời một hiền giả người Ấn là Jaggi Vasudev (sinh năm 1957), thường được biết tiếng với mỹ hiệu Sadhguru.

Chuyện kể về một con trâu, nên không phải là dụ ngôn (parable), mà là ngụ ngôn (fable). Ngụ ngôn dùng để chuyển tải một bài học đạo lý. Đạo lý ở ngụ ngôn cái đuôi trâu (The Buffalo's Tail) là gì? Tôi xin mượn Phúc Âm để trả lời câu hỏi này.

2.1. Đức Giêsu dạy:

- Nếu được cả thế gian mà đánh mất linh hồn, thì nào có lợi gì? (Mt 16,26; Mc 8,36)

Theo lời Chúa, đặt lên cân hai giá trị là linh hồn (soul) và cả thế gian (the whole world), thì cả thế gian vẫn cứ nhẹ hều. Chính vì xem cả thế gian là nhẹ hều, nên thái tử Sĩ Đạt Ta Cổ Đàm (Siddhartha Gautama) mới dứt bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, nửa đêm lẻn ra khỏi hoàng cung đi tu, rồi thành Phật, vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên.

2.2. Nhưng nào phải thiên hạ chúng sanh, ai ai cũng dễ dàng làm được như thái tử Cổ Đàm, mặc dù cái điều người ta cần từ bỏ thì nhỏ xíu, nếu so với những gì thái tử dứt bỏ. Nhỏ xíu như cái đuôi trâu, so với cả thân hình con trâu.

Phúc Âm chép rằng: Có một người đến hỏi Đức Giêsu:

- "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt, để được hưởng sự sống đời đời?"

Đức Giêsu đáp:

- “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn."

Người ấy hỏi:

- “Điều răn nào?"

Đức Giêsu đáp:

- “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ. Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình."

Người thanh niên ấy nói:

- “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ. Tôi còn thiếu điều gì nữa?"

Đức Giêsu đáp:

- “Nếu anh muốn trở nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."

Nghe xong, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mt 19,16-22; Мс 10,17-22; Lc 18,18-23).

Nói như Sadhguru, anh nhà giàu ấy không thể cứu lấy linh hồn mình, không thể vào Nước Trời, chỉ vì bị vướng cái đuôi trâu là gia tài của anh.

*****

2.3. Hồi nhỏ tôi sống ở xã Mỹ Luông (Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), thường nghe mấy ông trong xóm nghêu ngao:

- Vô chùa thấy Phật muốn tu.

Về nhà thấy vợ, đi tu không đành.

Câu hát tếu táo vậy mà thâm thúy vô cùng.

Đàn ông lắm kẻ muốn tìm giải thoát nơi cõi vĩnh hằng, nhưng phần đông vẫn cứ lướng vướng đàn bà. Xưa nay không ít trang nam tử hảo hớn đã nhập dòng tu, đã xuất gia cầu đạo, nhưng rốt cuộc đành ngậm ngùi hoàn tục, bởi lẽ, không vượt qua nổi chữ sắc (sex).

Ôi, đám đàn ông đáng thương trót đeo mang cái đuôi trâu bé xíu!

Huệ Khải

Nhiêu Lộc, 04-01-2021
(XUÂN 2021, Công Giáo Và Dân Tộc, trg 70-71)

------------------------------

 

Bài 8. CON TRÂU TÂN SỬU 2021

(Chuyện Đời Đạo - Bài 008)

Lũ Chuột xấu xa lây lan dịch bệnh,
Đàn Trâu điềm đạm giúp ích con người.

*****

1. Quy luật muôn thuở, định luật bất biến:

Năm cũ qua, năm mới tới.

Từ giã Canh Tý để chào đón Tân Sửu. Hai năm này có “điều lạ" khá đặc biệt:

- Nếu lấy chữ “Canh" trong Canh Tý và chữ “Tân" trong Tân Sửu ghép lại sẽ thành “Canh Tân” - tức là đối mới.

Động thái đổi mới là điều cần thiết trong đời sống con người, điều đó càng cần thiết hơn đối với Kitô hữu, bởi vì Chúa Giêsu không chỉ nhắn nhủ hoặc khuyến cáo, mà là truyền lệnh:

“Anh em HÃY nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48).

Mệnh lệnh nên Thánh đã có từ ngàn xưa, thời Cựu Ước:

“Các ngươi PHẢI nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 11,44; Lv 19,2; Lv 20,7).

Bất cứ ai muốn đến gần Ngài thì phải tinh tuyền, không chút ô uế.

Chúa Giêsu khuyến cáo nhiều điều:

- Phải trở nên MUỐI và ÁNH SÁNG (Mt 5,13-16);
- ĐỪNG GIẬN GHÉT (Mt 5,21-26);
- CHỚ NGOẠI TÌNH (Mt 5,27-32);
- ĐỪNG THỂ THỐT (Mt 5,33-37);
- CHỚ TRẢ THÙ (Mt 5,38-42);
- Đặc biệt là PHẢI YÊU KẺ THÙ (Mt 5,44).

Có lẽ chúng ta không thể "tốt lành NHƯ Chúa Cha". Chúa Giêsu biết điều đó, nhưng Ngài muốn chúng ta phải nỗ lực hết mình, mặc dù chưa LÀM được những gì mình MUỐN, thì ít ra cũng phải biết MUỐN những gì cố gắng LÀM.

Vì là phàm nhân còn lắm tham-sân-si, mang vết tội từ trong lòng mẹ (x. Tv 51,7), thế nên, chúng ta mới phải không ngừng hằng ngày nỗ lực hoàn thiện, tức là phải cố gắng nên Thánh ngay trên thế gian này. Khó lắm. Vì KHÓ nên mới phải Cố.

Phàm việc gì mà phải Cố, thì đó là việc KHÓ. Nếu KHÓ mà LÀM ĐƯỢC thì mới HAY, mới GIỎI.

2. Cố gắng và cần mẫn là đặc tính của con Trâu.

Nó là con vật hữu ích và thực sự đáng thương: “Con trâu suốt đời lam lũ - Làm việc giúp ích cho người - Theo mùa luân canh nhiều vụ - Thương trâu nhiều lắm, trâu ơi!"

Có mười thiên can - Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Trong đó, Canh và Tân là thuộc hành Kim - kim loại, vàng. Vì vậy, người ta cũng cho rằng: những năm có can Canh và Tân là năm vàng. Một số người cho rằng: Những năm mệnh Thổ - đại diện cho đất, màu vàng - cũng là năm vàng.

Theo ý nghĩa đó, năm 2021 là năm con Trâu - Tân Sửu, mệnh danh Con Trâu Vàng.

Thế nhưng, có lẽ “vàng" ở đây chỉ là màu sắc, chứ không có nghĩa là phú quý, vàng bạc, châu báu.

Tại sao? Bởi vì, bước qua năm Tân Sửu, nhưng mùi Chuột hôi vẫn còn đó: Đại dịch Coronavirus vẫn hoành hành nhiều nơi trên thế giới, chưa chấm dứt. Thậm chí, nó còn biến thể và nguy hiểm hơn nhiều.

Trên thế giới, mọi người vẫn phải cảnh giác cao độ với loại "yêu quái" này.

3. Sau khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, Thiên Chúa trao quyền cho con người: “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất" (St 1,28).

Con người là thụ tạo, nhưng là sinh vật cao cấp nhất, đặc biệt là có linh hồn. Con người hơn mọi loài, bởi vì chúng chỉ có giác hồn - đối với động vật, hoặc sinh hồn – đối với thực vật.

Trước 1975, chương trình giáo dục tiểu học có truyện ngụ ngôn “Trí Khôn Con Người" liên quan con Trâu thế này:

Một con Cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con Trâu đang cày ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Đến trưa, Trâu được mở ách cày, Cop liền đi lại gần Trâu và hỏi:

- Này, trông anh khỏe thế, sao lại để cho con người đánh đập khổ sở như vậy?

Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:

- Con người tuy nhỏ, nhưng có trí khôn, anh ạ!

Cọp không hiểu, tò mò hỏi:

- Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:

- Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi con người ấy!

Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:

- Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một chút có được không?

Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:

- Trí khôn ta để ở nhà, để ta về lấy cho xem. Nếu cần, ta sẽ cho một ít.

Cọp nghe nói, mừng lắm. Anh nông dân toan đi, nhưng lại làm như sực nhớ điều gì, bèn nói:

- Nhưng mà ta đi khỏi, lỡ nhà ngươi ăn mất trâu của ta thì sao?

Cọp đang bắn khoăn chưa biết trả lời thế nào, thì anh nông dân nói tiếp:

- Hay là nhà ngươi chịu khó để ta buộc tạm vào gốc cây này, cho ta yên tâm về nhà lấy trí khôn.

Cọp ưng thuận. Anh nông dân bèn lấy dây thừng trói Cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:

- Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!

Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào. Dây thừng cháy nên đứt, Cọp vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.

Từ đó, con Cọp nào sinh ra cũng có những vắn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy. Còn Trâu, thì chẳng con nào có răng ở hàm trên.

*****

Truyện ngụ ngôn chứng tỏ con người khôn ngoan hơn mọi loài – dù loài đó là thú dữ.

Tại sao vậy?

Bởi vì con người được Thiên Chúa “thổi vào một linh hồn hoạt động, và một làn sinh khí" (Kn 15,11).

Chúa Giêsu xác định:

“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì" (Ga 6,63).

Lạy Thiên Chúa,
xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm,
gỡ thân con thoát miệng chó rừng,
khỏi nanh sư tử hãi hùng,
phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên (Tv 22,21-22).

Ngài cho con ngầng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng,
thân con, Ngài xức dầu thơm mát (Tv 92,11).

Xin Ngài thương xót, tha thứ, và giải cứu nhân loại thoát khỏi mọi sự dữ, để Danh Ngài được cả sáng. Amen.

Thomas Ap. Trầm Thiên Thu

Nguồn:
LEGIO MARIAE – số 119 - T2/2021 (trang 9-12)
Mừng Xuân Tân Sửu

------------------------------

 

Bài 9. CON TRÂU TRONG KINH THÁNH

(Chuyện Đời Đạo - Bài 009)

Sửu đứng thứ hai trong thập nhị địa chi. Mỗi địa chi có một con vật người ta đặt ra để làm biểu tượng, gọi là 12 con giáp.

Sửu có vật biểu tượng là con Trâu. Người Việt Nam xưa quen gọi năm Sửu là năm con Trâu, nên người sinh ra trong năm Sửu, là người có tuổi Trâu.

Việt Nam ta không ai lạ gì con trâu, vì trên đất nước ta thời bấy giờ có quan thái thú Nhâm Diên đã hướng dẫn cho dân chúng quận Cửu Chân biết dùng trâu để kéo cày làm ruộng.

Từ đó, con trâu luôn sát cánh với người nông dân, "chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa".

Và cho đến hôm nay, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn canh tác theo lối "con trâu đi trước, cái cày theo sau"!!!.

Vì thế, nói đến con trâu ở Việt Nam, thì ngay đứa trẻ con cũng biết, nên chúng tôi không kể lai lịch con trâu, mà bàn về con trâu dưới con mắt nhà Đạo.

Để đón mừng Tết Nguyên Đán năm Sửu (2021), theo thói quen, chúng tôi lại tìm hiểu xem, trong Kinh Thánh đã nói đến con Trâu như thế nào.

1. TRÂU TRONG SÁCH DÂN SỐ

Sách Dân Số là cuốn sách thứ tư trong Ngũ thư Kinh Thánh.

Năm quyển sách đầu tiên trong bộ sách Kinh Thánh, gồm có:

1- Sách Sáng Thế,
2- Sách Xuất Hành,
3- Sách Lê Vi,
4- Sách Dân Số và
5- Sách Đệ Nhi Luật.

Sách Dân Số ghi lại những cuộc kiểm tra dân số theo 12 chi tộc It-ra-en, sau khi rời khỏi Ai-cập, tiến về Đất Hứa.

Trong hành trình về Đất Hứa có một trình thuật nói đến con Trâu.

Khi dân Israel đóng trại trên đất Môáp, vua Môáp là Balác rất sợ Israel chiếm đất, nên cho mời Bilơam là một thầy phù thuỷ đến để nguyền rủa, chúc dữ cho Israel.

Trên đường đến Môáp, Bilơam được thiên sứ chặn đường, bảo phải làm ngôn sứ cho Chúa.

Khi Bilơam gặp Balác, ông 'xin vua cho lập 7 bàn thờ, mỗi bàn thờ dâng một con bò mộng và một con cừu đực. Sau đó, ông nói với vua Balác là: Ông không thể trù ẻo được dân mà Chúa không nguyền rủa. Rồi ông cất tiếng chúc phúc cho Israel.

Vua Môáp kéo ông đến nơi khác nói: Ta đưa ông đến để nguyền rủa kẻ thù của ta, mà ông lại chúc lành cho nó. Bây giờ ông hãy nguyền rủa chúng cho ta.

Bilơam lại đề nghị làm 7 bàn thờ như truớc. Rồi ông tuyên lời sấm như Chúa đã truyền, trong đó có câu diễn tả con trâu như một con vật dũng mãnh uy hùng:

"Thiên Chúa đã đưa chúng ra khỏi Ai Cập,
Người là sức mạnh của chúng tựa sừng trâu" (Ds 23,22).

Vua Balác thất vọng nói với Bilơam:

Nếu ông không nguyền rủa nó được, thì ít ra ông đừng chúc phúc cho nó chứ.

Rồi Balác lại dẫn Bilơam đến nơi khác, cũng lập 7 bàn thờ đầy ắp của lễ như hai lần trước, đề nghị Bilơam không chúc phúc cho Israel nữa.

Nhưng Bilơam lại tuyên sấm trong đó có câu:

"Chính Chúa đã đem chúng ra khỏi Ai Cập,
Người ra uy lẫm ví thể sừng trâu" (Ds 24,8).

Vua Balác nổi giận với Bilơam, vì đã ba lần chúc phúc cho Israel, nên chia tay Bilơam trong hậm hực tức tối.

*****

2. TRÂU TRONG SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT

Đệ Nhị Luật là quyển thứ năm trong bộ Ngũ Thư của Kinh Thánh Cựu Ước.

Gọi là đệ nhị luật, vì sách này chỉ san định lại những luật lệ đã có từ trước. Cũng có thể là sưu tầm và ghi lại những luật lệ từ xa xưa cha ông đã giữ, để cho dân Chúa căn cứ vào đó mà thực thi.

Trong Sách Đệ Nhị Luật có bài ca chúc lành của Môsê cho 12 chi tộc Israel.

- Với chi tộc Giuse, Môsê đã cầu chúc nhiều điều, trong đó có câu:

“Nó là con bò mộng đầu lòng của Chúa,
chúc nó được vinh hiển!
Sừng nó là sừng trâu,
nó dùng để quật ngã các dân,
một trật trên khắp cùng cõi đất" ( Đnl 33,17).

Sách Đệ Nhị Luật cũng nhắc lại luật thanh sạch trong Sách Lê Vi:

“Mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại, thì các ngươi được dùng thịt nó làm thức ăn" (Lv 11,3).

Rồi kê ra một số con vật cụ thể, trong đó có con trâu:

“Đây là những thú vật các ngươi được ăn: bò, cừu, dê, nai, hươu, hoẵng, sơn dương, linh dương, trâu rừng, mang" (Đnl 14,4-5).

*****

3. TRÂU TRONG SÁCH ÔNG GIÓP

Sách Ông Gióp là quyển thứ 22 trong bộ Cựu Ước, kể chuyện ông Gióp, trình bày về sự đau khổ ở đời, không ra ngoài thánh ý Thiên Chúa.

Sách được viết theo lối văn truyện giáo huấn, để cảm hoá loài người.

Trong sách ông Gióp có đoạn tả về con trâu nước nhự sau:

"Kìa con trâu nước,
mà Ta đã dựng nên nó như dựng nên ngươi.
Nó ăn cỏ như bò.
Hãy xem sức mạnh nó ở nơi lưng,
mãnh lực nó ở trong gân hông nó.
Nó cong đuôi cứng như gỗ bá hương.
Gân đùi nó chằng chịt giống như nan rế.
Các xương nó tựa ống đồng.
Bốn chân nó như cây sắt.

"Trâu nước quả là tác phẩm tuyệt vời
trong các công trình Đức Chúa tạo thành.
Nhưng Đấng sáng tạo lại trao gươm cho nó.
Núi non cung cấp đồng cỏ tươi cho nó ăn,
nơi mọi dã thú nô đùa ở đó.
Nó đắm mình ở dưới đầm sen,
trong lùm lau sậy nơi bưng biền.
Nó được lá sen che phủ
và cành dương liễu rủ ngành bao bọc.
Kia nước sông tràn lên dữ dội
nhưng nó không sợ hãi.
Dầu sông Giođan ngập đến miệng nó,
nó cũng vững vàng.
Ai có thể khống chế được nó?
Ai có thể giăng bẫy bắt được trâu nước,
rồi xỏ mũi nó được?" (G 40,10-19).

Đó là con trâu nước, còn những con trâu rừng thì sao? Tất cả thú vật chúng ta gọi là gia súc, trước kia chúng đều sống nơi hoang dã. Con người muốn sử dụng được nó, đều phải ra công thuần hoá nó.

Trâu rừng cũng vậy, muốn nó phục vụ trong công việc canh tác ruộng rẫy, cũng phải huấn luyện cho nó.

Hãy nghe Sách Ông Gióp nói về trâu rừng:

"Liệu trâu rừng có muốn phục vụ ngươi,
có chịu ngươi nhốt nó qua đêm bên máng cỏ nhà ngươi?" (G 39,9).

"Liệu ngươi có đặt được ách
vào cổ trâu rừng mà bắt nó kéo cày,
và liệu nó có chịu theo ngươi đi cày bừa dưới thung lũng?" (G39,10).


"Ngươi có thể tin vào sức trâu rừng khoẻ mạnh
mà giao cho nó những công việc nặng nề được không?" (G 39, 11).

"Ngươi có thể nghĩ rằng
trâu rừng sẽ trở lại
và đem lúa về sân phơi của ngươi chăng?" (G 39,12).

*****

4. TRÂU TRONG CÁC SÁCH THI CA

Chúng ta đã biết: Kinh Thánh có một số sách được viết theo thể văn vần, như Sách Thánh Vịnh, Sách Diễm Ca, Sách Châm Ngôn, Sách Huấn Ca.

Sách Thánh Vịnh gồm 150 bài thơ, phần lớn là của Thánh vương Đavít.

Thánh Vịnh 22 là lời than vãn của người lâm nạn cầu xin Chúa thương bênh cứu.

Thánh Vịnh này đã mang giọng van nài của ngôn sứ Isaia, nên mặc được tính cách siêu vượt. Khi người tôi tớ tín trung chịu thử thách kêu cầu Chúa giải cứu:

“Chúa là sức mạnh con nương,
cứu mau, lạy CHÚA, xin đừng đứng xa.
Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm,
gỡ thân con thoát miệng chó rừng,
khỏi nanh sư tử hãi hùng,
phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên”. (Tv 22,20-22).

Thánh Vịnh 77 là bài học lịch sử của dân Israel, sau nhiều năm gian khổ trên đường tiến về Đất Hứa, có những người than trách Chúa. Để cảnh tỉnh họ, ông Asáp đã làm bài Thánh Vịnh này, nhắc lại những hình phạt mà cha ông họ đã chứng kiến trên đất Ai Cập. Nào là nước trở thành máu, nào là muỗi mòng, ruồi nhặng, ếch nhái tấn công người, nào cào cào châu chấu phá hoại mùa màng. Các súc vật ngoài đồng cũng bị diệt:

“Lại khiến mưa đá huỷ hoại trâu bò,
sét đánh chiên dê" (Tv 77,48).

Thánh Vịnh 92 ca tụng vinh quang Chúa. Ngài đã tiêu diệt những kẻ địch thù, và bênh đỡ người công chính:

“Ngài cho con ngầng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng" (Tv 92,1).

Còn Sách Châm Ngôn chứa những câu thành ngữ của Dân Chúa, giống như ca dao, tục ngữ của Việt Nam, để truyền lại những kinh nghiệm khôn ngoan trong đời sống. Nói về công việc canh tác lấy lương thực, sách Châm Ngôn cũng ghi nhận công khó của trâu bò:

“Không có bò bàn ăn trống rỗng,
nhờ sức trâu hoa lợi dồi dào" (Cn 14,4).

Cũng nói đến công việc nhà nông, Sách Huấn Ca mô tả người nông phu cả đời vất vả, tối tăm mặt mày với con trâu, con bò, không sao ngóc đấu lên được:

“Cầm cày cầm cuốc,
khôn ngoan sao được.
Khi vụt roi trâu,
thấy đầu hãnh diện.
Luôn miệng vặt riệc,
công việc không ngơi.
Trao lời tán gẫu,
hết trâu đến bò" (Hc 38,26-27)


5. TRÂU TRONG CÁC SÁCH TIÊN TRI

Trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước, có các sách của 17 vị Tiên tri.

Chúng ta thường hiểu Tiên tri là người biết tương lai, hậu vận, nói trước những việc sẽ xảy ra.

Nhưng Tiên tri trong Kinh Thánh là những người được Chúa chọn, để truyền đạt ý muốn của Thiên Chúa cho dân Ngài. Họ không những được Chúa cho biết về tương lai, mà còn rành cả về quá khứ và hiện tại, để thành người phát ngôn lời truyền dạy của Chúa. Ngày nay ta gọi các Ngài là Ngôn Sứ vì ý nghĩa đó.

Trong số 17 vị Ngôn Sứ được Cựu Ước ghi lại, có bốn vị được gọi là Ngôn Sứ "lớn", vì tác phẩm mang tên các vi có độ dầy hơn. Còn 13 vị khác thì sách của họ mỏng hơn, nên gọi là Ngôn Sứ "nhỏ".

- Isaia là vị Ngôn Sứ "lớn" nhất. Sách của ông có tới 66 chương. Chương 34 ông tuyên sấm về việc Chúa xử tội đất Êđôm, "một hy lễ lớn được dâng kính Đức Chúa tại Bótra, chính là cuộc tàn sát lớn tại Êđôm:

"Cùng với chúng, nào trâu, nào bê, nào bò tót đều bị hạ" (Is 34,70).

- Amốt là một Ngôn Sứ "nhỏ", xuất thân là một nông dân, nên lời lẽ của ông thường đơn sơ mộc mạc, nhưng có nhiều sức mạnh. Việc Israel đổi trắng thay đen, biến phúc ra họa, đem lẽ phải thành ra cay đắng... được Ngôn Sứ dùng hình ảnh công việc thường ngày nơi thôn quê, như cày bừa làm ví dụ, để thức tỉnh dân Chúa:

"Ngựa có phi được trên đá lởm chởm không?
Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao?
Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc,
đổi công lý nên ngải đắng!" (Am 6,12).

Còn Ngôn Sứ Giêrêmia tuy không nói đến đích danh con trâu, nhưng có nói liên quan đến trâu.

Ngôn Sứ đã tuyên sấm cho Ai Cập, sẽ bị vua Nabucôđônôxô từ phương Bắc xâm lăng, bằng một hình ảnh bình dân, cho dân quê hiểu được mà di tản tránh chiến tranh:

“Ai Cập là con bò tơ xinh đẹp,
bị ruồi trâu từ phương bắc đến đậu trên mình" (Gr 46,20).

*****

Vài ghi chú: Trâu trong bàt viết này, chúng tôi viết về "Năm Sửu tìm hiểu chuyện trâu có mầu Kinh Thánh".

Cái nhan đề dài, cố ý để quý vị đọc lên cho có âm điệu.

Thật ra trong Kinh Thánh có rất nhiều lần nói đến con bò, mà rất hiếm khi nói đến con trâu, con vật mà nông dân Việt Nam ta dùng để kéo cày trong công việc làm ruộng. Có lẽ vì lịch sử Kinh Thánh xảy ra ở Đất Thánh là vùng nóng và khô, không thích hợp với đời sống của con trâu, như con trâu ở Việt Nam.

Vả lại, ở vùng đất nóng và khô Trung Đông, người ta chỉ nuôi bò để làm sức kéo. Bò được Kinh Thánh nhắc đến nhiều, vì nó còn được dùng làm của lễ toàn thiêu cùng với chiên và dê.

Trong các bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt, các dịch giả thường dùng danh từ Trâu đi đôi với Bò, nghĩa là cùng loại con vật kéo cày, kéo xe.

Cũng vì để Kinh Thánh đi sát với thực tế, sát với phong tục Việt Nam, nên con trâu đã "đi vào" bản dịch Kinh Thánh cách tự nhiên, như đi về chuồng qua ngõ tre làng xóm. Cho nên con Trâu trong các bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ không hẳn đều thuộc giống trâu nông dân Việt Nam dùng để góp sức cho công việc đồng áng.

Chính vì thế, mà chúng tôi phải dùng nhiều bản dịch khác nhau, mới có được những "con trâu" trích dẫn ở trên.

Mong quý độc giả thông cảm, khi có mở lại bản văn Kinh Thánh Việt ngữ theo trích dẫn, mà không thấy tiếng trâu, thì xin vui lòng mở bản Thánh Kinh của một dịch giả khác.

Chúng tôi đã dùng Thánh Kinh Việt ngữ của các dịch giả Trần Đức Huân, Nguyễn Thế Thuấn, Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ và Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước của Hội Thánh Tin Lành.

Nguồn:
LEGIO MARIAE, T2/2021, (Số 119),
 Mừng Xuân Tân Sửu,  trang 16-22,
"Năm Sửu kể chuyện trâu có mầu Kinh Thánh"
Hoàng Đức Trinh

------------------------------

 

Bài 10. HÃY VUI HƯỞNG HẠNH PHÚC TA ĐANG CÓ

(Chuyện Đời Đạo - Bài 010)

Ở một nhà nọ có nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được nằm trong nhà còn trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày trâu đều phải ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới được về, còn chó chỉ việc nằm ở trước cổng, canh chừng nhà cửa.

Một hôm, đi làm về, trâu mệt quá, nằm lăn ra đất thở phì phò. Chó đi ngang qua, thấy vậy bèn phe phẩy cái đuôi, dừng lại hỏi han. Trâu đang lúc mệt nhoài, thấy vậy liền nói mát:

- “Không có ai sung sướng bằng anh, chỉ ăn rồi nằm.”

Chó nghe trâu nói vậy liền tiu nghỉu, có chút không vui:

- “Anh tuy phải làm lụng vất vả, nhưng lại có giờ có giấc. Sáng đi, chiều về, tối còn được nghỉ ngơi, tắm mát, rồi cứ thế lăn ra mà ngủ. Tôi tuy có vẻ nhàn hạ, nhưng nào có lúc nào được yên giấc đâu. Nằm lim dim, mà trong lòng không yên, tai phải luôn nghếch lên nghe ngóng canh chừng, không dám lơ là công việc. Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được. Anh thấy tôi có sướng không?”

Trâu nghe nói, mới hiểu tình cảnh của chó, nghĩ mà thương, nên an ủi:

- “Đúng là anh cũng không sung sướng gì. Nghe anh nói tôi mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả. Chắc chỉ có lũ chim trời, cá nước là sướng nhất, tự do tự tại, thích đi đâu thì đi, không thích đi kiếm mồi thì đi chơi, không phải chịu kiếp tôi tớ.”

Chim chích đang rỉa lông trên cành sấu, nghe thấy vậy liền ngẩng đầu lên phân trần:

“Anh trâu ơi, anh không biết đấy thôi, chúng tôi cũng có nỗi khổ riêng của mình đấy. Tuy chúng tôi được tự do tự tại nhưng cũng phải tất bật đi kiếm mồi thì mới có cái ăn, luôn bị nguy hiểm rình rập, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Các anh tuy tù túng một chút nhưng không phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất, không phải lo cái ăn, cái mặc. Các anh mới thật là sung sướng”.

Trâu và chó nghe xong liền thở dài:

“Đúng là ai cũng có nỗi khổ của mình. Chẳng ai sướng hơn ai.”

Lời bàn:

Con người ta thường có thói quen ngưỡng mộ hạnh phúc của người khác, nhưng không nhận ra hạnh phúc mình đang có. Mà chỉ người khác mới nhận ra thôi. Hãy cố gắng vui hưởng hạnh phúc mình đang có:

“Sống một kiếp người, bình an là được
2 bánh 4 bánh, đi được là được
Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được.
Người xấu người đẹp, dễ coi là được.
Người già người trẻ, miễn khỏe là được
Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được.
Ông xã về trễ, miễn về là được.
Bà xã càu nhàu, thương mình là được.
Con ngoan con quấy, biết nghe là được.
An lành bệnh tật, miễn lớn là được.
Tiến sỹ cũng được, bán rau cũng được.
Sau khi trưởng thành, sống được là được.
Nhà to nhà bé, ở được là được
Hàng hiệu hay không, mặc được là được.
Tất cả phiền não, biết xả là được
Bảo thủ cố chấp, biết quên là được.

------------------------------

 

Bài 11. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG ĐAU KHỔ

(Chuyện Đời Đạo Bài - 011)
Nguyên nhân củ những đau khổ là do lòng tham con người mà ra.


Có một đạo sĩ thường hay đến uống rượu, nhưng không trả tiền. Sau đó, đạo sĩ nói với bà lão Vương Lão Thái, chủ quán rượu rằng:

- “Để báo đáp ơn bà, tôi sẽ đào cho bà một cái giếng”.

Giếng đào xong thì đạo sĩ ra đi.

Nào ngờ, mùi vị của nước giếng so với rượu, là rất đậm đà còn thơm ngon hơn cả rượu của bà trước đây. Từ đó, bà lão Vương Lão Thái không còn nấu rượu nữa, chỉ lấy nước giếng làm rượu, sau ba năm thì thu vào một số tiền rất lớn.

*****

Một hôm, đạo sĩ đột nhiên trở lại, thăm hỏi bà:

- “Rượu ngon chứ?”

Vương Lão Thái đáp:

- “Ngon thì ngon, chỉ tiếc là không có bã rượu, nên không thể nuôi heo được nữa”.

Đạo sĩ cười cười, viết một bài thơ trên tường:

- “Trời cao nhưng không cao,
cao nhất là lòng người,
nước giếng làm rượu bán,
lại nói heo không bã rượu !”

Nhưng, khi Đạo sĩ đi rồi, thì từ đó, nước trong giếng cũng không chảy nữa.
(Tuyết Đào tiểu thuyết)

*****

Suy tư :
- Cao nhất là lòng người khi lòng con ngước lên trời cao tìm những điều hoàn thiện; mà sâu nhất cũng là lòng con người, khi con người cứ nhìn xuống vật chất với lòng tham không đáy, thì không còn có gì là hoàn thiện nữa.

- Thường, cái gì không do công khó mình làm ra, thì không thấy đau xót: Tiền không phải do mồ hôi nước mắt mà có, thì tiêu xài không thấy tiếc. Cũng như Rượu không phải do mình làm ra, nên lòng tham vẫn thấy tiếc xót vì không còn có bã rượu để nuôi heo. Đó chính là nguyên nhân của những đau khổ do lòng tham mà ra.

- Vì lòng tham và đòi hỏi cái không xứng đáng với lòng tốt của người chịu ơn, nên rượu trong giếng của bà lão chủ quán đã không chảy ra nữa.

- Nếu người Ki-tô hữu cũng đòi hỏi những điều không xứng đáng với ơn của Thiên Chúa, thì tất cả những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cũng sẽ ngưng lại, và chúng ta vẫn cứ là những người thích “bã rượu” của tội lỗi, hơn là trong chờ mong đợi Ơn thánh của Thiên Chúa ban cho...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------------------------

 

Bài 12. NĂM CÁCH SỐNG CÓ THỂ GIÚP ĐỔI ĐỜI

(Chuyện Đời Đạo - Bài 012)

1. Thứ nhất là “Học cách nhận sai”

Con người thường không dám nhận sai, bất cứ chuyện gì cũng đều đổ lỗi cho người khác, luôn cho rằng mình đúng. Thực ra, không nhận sai mới chính là một sai lầm to lớn. Đối tượng nhận sai có thể là bố mẹ, bạn bè, mọi người trong xã hội, Thượng đế, thậm chí nhận sai với con cái hoặc với những người đối xử không tốt với mình. Suy cho cùng bản thân cũng chẳng mất gì, mà ngược lại còn cho thấy sự khoan dung độ lượng của bạn.

 2. Thứ hai là “Học cách mềm dẻo”

Răng của con người thì cứng, miệng lưỡi thì mềm. Đến cuối cuộc đời, khi răng đã rụng hết thì miệng lưỡi vẫn còn. Vậy nên phải mềm dẻo, đời người mới có thể dài lâu, cứng quá thì ngược lại thường phải chịu thiệt.

 3. Thứ ba là “Học cách nhẫn nhịn”.

Thế gian này chính là nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao; nếu có thể nhẫn được thì vạn sự đều có thể tiêu tan. Nhẫn chính là sẽ được xử lý, sẽ được hóa giải, dùng trí thông minh, năng lực để biến chuyện to hóa nhỏ, nhỏ hóa không có. Khi biết nhẫn, có thể thấy rõ được tiêu chuẩn tốt xấu, thiện ác của thế gian.

 4. Thứ tư là “Học cách lắng nghe, thông hiểu người khác”

Thiếu đi lắng nghe, thông hiểu sẽ dẫn đến thị phi, tranh chấp và hiểu lầm. Điều quan trọng nhất chính là sự lắng nghe, thông hiểu, tìm hiểu lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu xảy ra tranh chấp với nhau, mà không lắng nghe, thông hiểu người khác thì làm sao có thể hòa giải ?

 5. Thứ năm là “Học cách buông”

Đời người giống như một chiếc va li da, khi dùng thì xách lên, khi không dùng thì bỏ xuống. Khi cần bỏ xuống nhưng lại không bỏ thì giống như luôn kéo theo hành lý nặng nề vậy, chẳng thể tự do tự tại. Năm tháng đời người có hạn, nhận sai, tôn trọng, bao dung mới có thể khiến người ta chấp nhận, biết buông bỏ mới có thể tự tại! Khi chịu tổn hại về vật chất danh lợi cá nhân hoặc do lợi ích cá nhân mà xảy ra mâu thuẫn với người khác, nếu có thể khoan dung độ lượng nhường một bước thì điều đó không phải là hèn nhát, mà ngược lại chính là thể hiện tấm lòng đại nhẫn vô cùng lớn lao.

------------------------------

 

Bài 13. HOA HỒNG TÌNH YÊU

(Chuyện Đời Đạo - Bài 013)

Hãy nương nhẹ bàn tay, khi chạm vào gai của nó


Vào một ngày đẹp trời, hoa hồng tình cờ nhìn thấy cái gai ngồi khóc bên cửa sổ.

Hoa hồng rất ngạc nhiên, liền hỏi nó:

Tại sao bạn lại ngồi khóc?

– Hoa hồng ơi, tại sao không công bằng thế, chúng ta đều sinh ra trên một cành hoa, nhưng bạn là hoa hồng được mọi người nâng niu, còn tôi chỉ là một cái gai bị bị mọi người ghét bỏ?

– Sao ? Chuyện gì đã xảy ra cho bạn vậy?

– Bạn không biết ư, cô cậu chủ đang định cắt bỏ tôi ra khỏi cây hoa hồng tình yêu của họ đấy?! Vì họ cho rằng tôi chính là nguyên nhân gây ra những trận cãi vã, vì tôi là cái gai khiến tay họ bị chảy máu!

– Họ đã tự đâm vào cái gai cơ mà!

– Họ cũng biết hoa hồng là phải có gai. Vậy, khi cầm hoa hồng, thì bàn tay của họ cũng phải biết nương nhẹ hơn, cũng phải tránh chỗ tôi nằm, chứ không thể vì bị gai đâm mà đòi loại bỏ tôi, đúng không? Tại sao hoa hồng đã đẹp rồi, còn sinh ra những chiếc gai làm gì vậy, không có tôi có phải hơn không?

– Bạn cũng đã trách oan cho hoa hồng rồi. Vì nếu như không có gai nhọn, tôi đâu còn được gọi là hoa hồng, tôi sẽ như bông cúc mong manh kia, như bông thược dược yếu ớt kia mà chẳng có sức sống và vẻ đẹp được. Những chiếc gai làm cho hoa hồng trở nên sắc sảo, không sợ bị bắt nạt, nó như vũ khí đặc biệt mà Thượng Đế đã dành riêng cho hoa hồng mà! Tôi sẽ không để họ bỏ bạn ra khỏi cây hoa hồng đâu?!

*****

Này, có phải bạn có đang muốn cắt bỏ những cái gai nhỏ trên cây hoa hồng tình yêu của mình?

Bạn đang cho rằng, có những khiếm khuyết đang làm cho mình bị đau, đó có thể là những điều bạn chưa hài lòng ở người ấy, những điều người ấy chưa có, chưa thể có được; và bạn thì không thể chấp nhận được điều đó, cho nên phải… ra tay.

 Khi những chiếc gai rơi đi, có phải cây hoa hồng sẽ trơ trụi lắm không?

Cũng như vậy, tình yêu của bạn sẽ mất đi sự tươi mới, tràn đầy háo hức của hai nửa trái tim lần đầu tìm đến với nhau. Nó sẽ chỉ còn lại sự gượng ép, công thức và nhàn nhạt.

Như một cành hoa hồng trơ trụi không còn lấy một cái gai.

Đừng nghĩ gai hoa hồng chỉ biết làm tay ta chảy máu, cũng như nghĩ những khuyết điểm của người ấy sẽ làm giảm đi “giá trị tình yêu” của bạn. Khi hai người đến với nhau, nghĩa là đang trên bước đường hoàn thiện bản thân và hướng đến một mẫu ghép hoàn hảo. Có thể của bạn đang thiếu một chút nồng nhiệt, người ấy sẽ bù đắp; có thể người ấy chưa có sự chín chắn, bạn sẽ là người tiếp thêm niềm tin. Có tranh đấu, có gai nhọn và có cả… bàn tay rướm máu, cây hoa hồng tình yêu của bạn mới tươi tốt mãi mãi…

Vì thế, hãy nương nhẹ bàn tay, khi chạm vào gai của của hoa hồng, cũng như với chính người ấy nhé!.

------------------------------

 

Bài 14. CHĂN BÔNG SƯỞI ẤM CON NGƯỜI

(Chuyện Đời Đạo - Bài 014)

CHĂN BÔNG SƯỞI ẤM CON NGƯỜI hay CON NGƯỜI SƯỞI ẤM CHĂN BÔNG ?


Chùa Bồ Đề, là một ngôi chùa cũ kỉ rách nát, lại ở trong vùng sâu hẻo lánh. Tiểu hòa thượng phàn nàn với Lão Hòa Thượng rằng:

- "Trong ngôi chùa nhỏ bé này của chúng ta, chỉ có hai chúng ta. Lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều nói chúng ta là những hòa thượng hoang, còn nói những lời ác ý khác nữa".

Tiểu hòa thượng nói tiếp: "Hôm nay, con đi khất thực, trời lạnh như vậy, mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng rất ít. Chùa Bồ Đề chúng ta, nếu muốn trở thành một ngôi chùa tiếng tăm lừng lẫy như Sư phụ nói, thì con e là rất khó".

Tiểu hòa thượng lại còn tiếp tục than thở với Lão Hòa Thượng về thái độ bàn tán của chúng sinh thật không thuận lợi chút nào..

*****

Lão hòa thượng im lặng một lúc, cuối cùng mở to mắt và hỏi:

- "Bên ngoài đang có gió bấc thổi mạnh, lại có tuyết rơi đầy, con có thấy lạnh không?"

Tiểu hòa thượng run cầm cập, thều thào nói:

- "Con lạnh lắm, lạnh đến nỗi toàn thân gần như bị tê cóng hết rồi!".

Lão hòa thượng nói:
- "Thế thì chúng ta đi ngủ thôi!".

Nằm được một lúc, lão hòa thượng hỏi:

- "Bây giờ con thấy có ấm hơn không?"

Tiểu hòa thượng trả lời:

- "Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như đang sưởi ấm dưới ánh mặt trời vậy!".

Lão hòa thượng nói:

- "Lúc nãy, chăn bông để trên giường thì lạnh, nhưng khi có người nằm vào, nó lại trở nên ấm áp. Vậy con nói xem, cái chăn bông sưởi ấm cho con người, hay con người sưởi ấm cho cái chăn bông đây?".

Nghe xong, tiểu hòa thượng cười rồi nói:

- "Thưa Sư Phụ, câu hỏi của Sư Phụ thật là lạ. Chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho con người được. Phải nói là con người làm cho cái chăn bông ấm lên chứ ạ!".

Lão hòa thượng tiếp:

- "Chăn bông đã không cho ta sự ấm áp, mà ngược lại, nó cần ta sưởi ấm nó. Vậy thì chúng ta đắp chăn bông để làm gì?"

Tiểu hòa thượng nghĩ một lát rồi nói:

- "Mặc dù chăn bông không sưởi ấm chúng ta, nhưng vì nó dày, nó lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, giúp ta có được giấc ngủ thoải mái".

Lão hòa thượng tươi cười giảng giải tiếp:

- "Chúng ta là hòa thượng tụng kinh, không phải là giống như con người nằm dưới chăn bông đó hay sao? Còn những chúng sinh kia, chẳng phải họ là cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chắc chắn chiếc bông lạnh kia cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó, chiếc chăn bông dày cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta mà được ngủ trong cái chăn bông đó, chẳng phải là sẽ rất ấm áp sao? Ngôi chùa của chúng ta lúc đó sẽ trở nên tiếng tăm lừng lẫy cho khách thập phương. Đó không phải là giấc mơ đâu".

Tiểu hòa thượng nghe xong bừng tỉnh, đã hiểu ra mọi chuyện.

*****

Từ hôm đó trở đi, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm, đi xuống núi hóa duyên. Cậu ta vẫn gặp những lời đồn thổi ác ý như trước kia, nhưng tiểu hòa thượng vẫn giữ thái độ nho nhã và lễ độ đối với mọi người.

Mười năm sau, chùa Bồ Đề trở thành ngôi chùa rộng lớn, có rất nhiều hòa thượng và du khách đến đây hành hương. Tiểu hòa thượng cũng đã trở thành chủ trì của ngôi chùa đó.

*****

Lời Bàn:
- Mỗi người chúng ta trên thế giới này đều đang nằm trong chăn bông, và người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta một lòng muốn sưởi ấm chăn bông, thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta.

- Một đạo lý vô cùng đơn giản, nhưng lại rất sâu sắc.

------------------------------

 

Bài 15. TÌNH BẠN CHÂN CHÍNH

(Chuyện Đời Đạo - Bài 015)

TÌNH BẠN CHÂN CHÍNH không cần những lời hoa mỹ, bào chữa


Vào một buổi tối mát mẻ, có một chú cừu nhỏ đang chơi một mình trên sườn đồi thì đột nhiên có một con sói núp từ lùm cây lao ra muốn ăn thịt chú cừu.

Chú cừu vội nhảy lên, liều mạng dùng sừng đâm vào người nó, sau đó kêu to lên cầu cứu bạn bè.

 Con bò đang ngồi trong bụi rậm liếc nhìn sang, thấy đằng kia là một con sói liền bỏ chạy.

Cô bé ngựa thường chơi chung với nó cúi đầu nhìn xuống thấy đó là con sói hung hăng nên cũng liền chạy đi.

 Chú lừa hàng xóm hành động có hơi chậm một chút, nó dừng lại nhìn một lúc lâu mới nhận ra bạn mình đang bị sói ngắm đến, liền cúi đầu lén chạy xuống đồi, lúc đi ngang qua lợn rừng còn kêu nó chạy theo mình. Cả hai chạy còn nhanh hơn con thỏ đã chạy trước, như hai mũi tên vụt xuống dưới sườn đồi.

 Chỉ có con chó dưới núi nghe thấy tiếng kêu cứu thảm thiết của chú cừu liền vội vã chạy lên đồi, nhảy từ đám cỏ đến chỗ sói và cắn vào cổ nó một phát thật đau.

 Con sói kêu lên một tiếng đau đớn, chú cừu nhân lúc này vội cùng chó tháo chạy.

Khi chú cừu về đến nhà thì những người bạn mới lục tục kéo đến.

 Bò nói: "Sao em không gọi anh? Cái sừng của anh chỉ cần lủi một cái có thể đâm thủng ruột con sói chết tiệt đó rồi!"

 Ngựa bảo: "Đáng lẽ cậu nên gọi tớ mới đúng. Móng ngựa của tớ có thể đá mẻ đầu con sói đó."

 Heo hùa theo: "Đúng đó, mày cũng không gọi tao? Tao chỉ cần kêu lên con sói kia đã sợ hãi mà rơi xuống đồi luôn rồi."

 Con thỏ chạy đầu tiên cũng quay sang quở trách: "Ngốc thật, tui chạy nhanh như vậy, ông mà nhờ tui, tui đã chạy xuống báo làng xóm lên giúp rồi."

Trong cái nhóm đang bàn cãi hỗn loạn này, chỉ có duy nhất chó không có mặt.

*****

 Lời Bàn:

- Tình bạn chân chính, không cần những lời hoa mỹ đến bào chữa hay cứu vãn, mà chỉ cần lúc quan trọng họ có thể giơ một tay ra giúp đỡ. Những người suốt ngày vây quanh bạn, cùng bạn đi ăn đi uống, nhậu nhẹt, vui chơi, xem phim, ca hát... chưa chắc là bạn chân chính.

- Trong thời đại hay thay đổi như ngày nay, hãy chú ý nhiều một chút đến bạn bè xung quanh, tìm hiểu nhiều hơn về họ, bớt tính toán đi, học cách biết ơn, đồng thời cố gắng giữ chặt những người bạn chân chính, đừng vì những mâu thuẫn nhỏ mà làm mất họ.

------------------------------

 

Bài 16. ĐÂU CÓ TÌNH THƯƠNG

(Chuyện Đời Đạo - Bài 016)

ĐÂU CÓ TÌNH THƯƠNG thì ở đó sẽ có Giàu Sang và Thành Đạt


Một người phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà thì nhìn thấy có ba cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên phiến đá ở trước sân nhà.

 Bà không quen biết họ, nhưng với con người tốt bụng, bà lên tiếng nói:

- Tôi không quen biết các cụ nhưng chắc là ba cụ đang đói bụng lắm, vậy xin mời các cụ vào nhà tôi dùng một chút gì cho ấm bụng nhé...!

Một cụ cất tiếng ái ngại hỏi:

- Ông chủ có ở nhà không thưa bà?.

Người phụ nữ trả lời:

- Dạ thưa không, nhà tôi đi làm chưa về.

 - Thế thì cả ba chúng tôi không thể vào nhà của bà bây giờ được, bà ạ!

Đến chiều khi người chồng đi làm về, người phụ nữ kể lại chuyện cho chồng nghe. Nghe xong người chồng bảo vợ:

- Vậy thì bây giờ em hãy ra mời ba cụ ông vào, nói với mấy cụ rằng anh đã về và muốn mời họ vào nhà.

 Người vợ làm theo ý của chồng, bà bước ra sân mời cả ba cụ cùng vào nhà.

 Cả ba cụ đồng thanh đáp:

- Rất tiếc thưa bà, cả ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được.

 Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi:

- Vì sao lại thế thưa các cụ...

 Một cụ già bèn đứng dậy từ tốn giải thích:

- Cụ ông này tên là Giàu Sang, còn kia là cụ ông Thành Đạt, và còn lão già đây là Tình Thương. Bây giờ bà hãy vào nhà hỏi ông nhà xem sẽ mời ai trong ba lão chúng tôi vào nhà trước nhé.

Người phụ nữ đi vào nhà và kể lại sự việc cho chồng nghe.

 Người chồng nghe xong vui mừng nói:

- Ồ như vậy thì tuyệt quá! Vậy thì tại sao chúng ta không mời cụ ông Giàu Sang vào trước.

Cụ là điềm phước rồi đây, sẽ cho chúng ta nhiều tiền bạc của cải sung túc.

 Nhưng người vợ lại không đồng ý:

- Nếu vậy thì tại sao chúng ta lại không mời cụ Thành Đạt vào trước chứ...

Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể.

 Hai vợ chồng cứ tranh cãi một lúc mà vẫn chưa đi đến quyết định.

 Cô con gái nãy giờ đứng nghe yên lặng ở góc phòng bỗng lên tiếng nhỏ nhẹ:

- Ba mẹ ạ, tại sao chúng ta không thử mời ông già Tình Thương vào nhà trước đi. Nhà mình khi ấy sẽ tràn ngập tình thương yêu ấm áp, và ông già sẽ cho gia đình chúng ta thật nhiều hạnh phúc.

Người chồng suy nghĩ rồi bảo vợ:

- Có lẻ con gái mình nói đúng. Vậy thì em hãy mau ra ngoài mời cụ Tình Thương vào trước đi vậy.

 Người phụ nữ ra ngoài và cất tiếng mời:

- Gia đình chúng tôi xin hân hạnh mời cụ Tình Thương làm vị khách mời đầu tiên vào với gia đình của chúng tôi.

 Cụ già Tình Thương từ tốn đứng dậy và chầm chậm bước vào nhà. Nhưng hai cụ già kia cũng từ từ đứng dậy và bước theo cụ già Tình Thương...

Rất đỗi ngạc nhiên, người phụ nữ bước lại gần hai cụ Giàu Sang và Thành Đạt hỏi:

- Tại sao hai cụ cũng cùng vào theo thế...

Các cụ đã chẳng nói là cả ba cụ không thể vào nhà cùng một lúc sao?.

 Lúc ấy cả hai cụ cùng trả lời:

- Nếu bà mời cụ Giàu Sang hay Thành Đạt tôi đây, thì chỉ một trong hai chúng tôi vào nhà được thôi, nhưng vì bà mời cụ ông Tình Thương, nên cả hai chúng tôi cũng sẽ vào theo. Bởi vì ở đâu có Tình Thương thì ở đó sẽ có Giàu Sang và Thành Đạt đó bà ạ".

------------------------------

 

Bài 17. SÁM HỐI KỊP THỜI

(Chuyện Đời Đạo - Bài 017)

Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn


Một người phụ nữ, có thói quen nướng bánh mì cho cả gia đình, mỗi sáng bà đều làm dư một cái để bên ngoài cửa sổ cho người nghèo đi qua dễ lấy. Ngày qua ngày cứ đến buổi sáng, một ông lão gù lưng sẽ đến lấy ổ bánh mì đi.

Tuy nhiên, thay vì nói lời cảm ơn, lần nào ông lão cũng lấy ổ bánh mì và nói những lời như niệm chú:

“Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi, việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.

Việc này cứ diễn ra liên tục, ngày này qua ngày khác. Người phụ nữ dần bực bội trong lòng nghĩ: “Nhận được bánh, không biết cảm ơn còn lải nhải mấy lời khó chịu kia! Ông ta muốn ám chỉ điều gì nhỉ?”

Rồi một hôm, chịu hết nổi, bà nghĩ cách làm cho ông già đi khuất mắt. Bà tự nhủ: “Ta sẽ làm cho lão ta mất dạng”.

Bà trộn thuốc vào ổ bánh mì thừa bà thường làm, tay run run để bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, bỗng cảm thấy hốt hoảng: “Ta làm gì thế này?”

Bà ném vội ổ bánh có thuốc độc đi và thay một cái bánh khác lên thành cửa sổ. Như mọi khi, ông lão đến lấy bánh và lẩm bẩm: “Việc xấu ngươi làm thì ở lại với ngươi; việc tốt ngươi làm thì sẽ trở lại với ngươi”.

Ông lão cầm ổ bánh vui vẻ rời đi, không ai biết trong lòng người phụ nữ vừa trải qua một trận chiến giận dữ dội.

*****

Người phụ nữ có một bí mật mà chưa bao giờ bà tiết lộ cho bất cứ ai, đó là mỗi khi đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà lại cầu nguyện cho đứa con trai đi làm xa nhà đã nhiều tháng không nhận được tin tức. Bà nguyện cầu cho con trở về bình an và mạnh khỏe.

Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, bà vô cùng ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa. Cậu con trai gầy xọp đi, quần áo rách rưới đến thảm hại. Anh ta đói lả và mệt. Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:

Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường, nhưng bỗng có một ông già gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì rất ngon và chút nước. Ông ta nói: “Đây là thứ cứu đói tôi mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”

Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc. Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã. Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay. Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết.

Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói lặp đi lặp lại ngày qua ngày của ông lão…

*****

Lời Bàn:

1. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, luôn tồn tại luật nhân quả. Những gì bạn làm hôm nay có thể sẽ là căn nguyên cho những sự việc sẽ đến với bạn trong tương lai; bởi vậy, hãy luôn sống tốt và nỗ lực hết mình để giúp đỡ người khác nếu có thể, bạn sẽ nhận lại may mắn.

2. Lời Chúa trong Matthêu (25,35-40):

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ”Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

------------------------------

 

Bài 18. NỖI NIỀM CHA SỞ


(Chuyện Đời Đạo - Bài 018)
Còn nhiệm sở nghĩa là còn khổ sở


Làm cha sở thật là ... khổ sở
Nếu hòa đồng bị mang tiếng không nghiêm
Còn cương nghị bị chê là khó tính
Khi giảng dài bị cho là "tra tấn"
Lúc vắn gọn bị ca thán "qua loa"
Làm việc xông pha bị xếp loại "hộ khẩu ngoài đường"
Miệt mài chiêm niệm liền bị chê "lề mề tủ lạnh".
Cồn phốt, su-tan, bị chê là "bóng bảy"
Đơn giản sơ mi, bị xếp hạng "bố đời"
Không rượu không chè bị coi là "giữ kẽ"
Chút rượu chút bia, bị kết án "rượu chè"
Nếu nghỉ hè bị coi là lười biếng
Còn siêng làm bị mang tiếng bao sân
Chịu khó tiếp dân bị coi "lười cầu nguyện"
Còn ít tiếp dân bị mang tiếng "quan liêu"
Làm việc năng nổ bị xếp loại "kiêu"
Giáo xứ bề gì liền mang tiếng "yếu"
Làm cha sở xem ra khổ sở
Nhưng khổ vì sở là lẽ xưa nay
Vậy xin cha chớ quá loay hoay
Còn nhiệm sở nghĩa là còn khổ sở.

*****

Còn nhiệm sở nghĩa là còn khổ sở
Vì những niềm đau nỗi khó muôn người
Đang mong chờ cha soi rọi tình trời
Cho reo vui tiếng cười cứu độ.
Còn nhiệm sở nghĩa là còn bóng tối
Cần nơi cha nguồn ánh sáng tâm linh
Soi chiếu đường ngay ánh sáng Tin Mừng
Cho rạng ngời ánh thiều quang chân lý.
Còn nhiệm sở, còn đó đây yếu đuối
Còn cô đơn, túng thiếu, khổ sầu
Đói khát bánh cơm, đói nguồn ơn thánh
Rất cần cha khơi suối thương yêu.
Còn nhiệm sở còn quanh đây lúa mới
Trĩu vàng mênh mông một cánh đồng hoang
Đâu thợ gặt, đâu người chăm tưới
Rất cần cha tay hái, tay liềm.

*****

Làm cha sở dẫu mà khổ sở
Cũng là đường rạng rỡ hân hoan
Khổ vì yêu, khổ vì nhiệm sở
Cha sống đời trọn nghĩa với sở của cha.

------------------------------

 

Bài 19. BA LỜI NÓI DỐI

(Chuyện Đời Đạo - Bài 019)

BA LỜI NÓI DỐI mong rằng không có ai bị lừa


Ông J.C.Watts, hiện là chủ tịch GOPAC, một tổ chức đào tạo cho những người theo đuổi sự nghiệp chính trị tại Mỹ, đã diễn thuyết trước toàn thể sinh viên học sinh ở Altus, Oklahoma, đã nói như sau:

Có ba lời nói dối ở đất Mỹ ngày nay, mà tôi mong muốn tất cả các bạn dừng có ai bị mắc lừa:

1. Lời nói dối đầu tiên là “Tôi được quyền mắc lỗi”.

Các bạn trẻ, lời nói dối đó sẽ làm cho các bạn liên tục vấp ngã mỗi khi bạn nghĩ rằng mình có quyền được phạm sai lầm. Tất cả chúng ta, ai cũng từng phạm sai lầm, nhưng thực chất thì chúng ta không được quyền phạm sai lầm. Nếu bạn sống mà cứ tin tưởng vào lời nói dối đó, bạn sẽ vấp phải hết trở ngại này đến trở ngại khác, không bao giờ có được phương hướng hay tài sản gì trong cuộc sống.

Các bạn là những người trẻ, nên không biết được câu chuyện về chàng Len Bias.

Cậu ấy là một tiền đạo bóng rổ của trường ĐH Maryland. Cậu chơi dự bị cho Boston Celtics, được dự đoán sẽ trở thành một ngôi sao, cùng với Larry Bird, Kevin McHale, và Robert Parrish, có thể đem chức vô địch về cho đội mình. Len Bias rất cao to, khỏe mạnh, nhảy và giữ bóng tốt, ném bóng hay, nhanh như sóc và có nhiều người ví cậu với Michael Jordan. Có một vài người bạn của Len Bias tới chơi. Họ chúc mừng cậu là người đầu tiên được chơi cho đội bóng rổ nhà nghề. Họ mang theo một ít cocaine. Len Bias thử một chút, và chỉ trong một vài phút, tim cậu ấy phản ứng lại với cocaine, và cuộc sống đã rời bỏ cậu. Đến bây giờ, tôi vẫn không xác minh được cậu ấy đã từng sử dụng ma túy hay không. Tận sâu thẳm trong tâm trí, tôi không nghĩ rằng Len Bias từng nghĩ “Có chuyện gì to tát đâu. Mình cũng chỉ là người. Cũng có quyền đựơc phạm sai lầm chứ. Nếu mình bị bắt thì sao? Nếu bị sốc thì sao? Mà thế thì có sao? Mình chỉ là người thôi, tất nhiên có khi phạm sai lầm chứ!”. Các bạn trẻ, chỉ một sai lầm đó đã làm Len Bias mất cả mạng sống. Đó là lý do tại sao bạn đừng nên tin rằng “Tôi tất nhiên được phạm sai lầm”. Chúng ta ai ai cũng có sai lầm, nhưng chúng ta không “tất nhiên” gì với những sai lầm cả.

2. Lời nói dối thứ hai, rất phổ biến ở bậc phổ thông, đó là “Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình đâu”.

Các bạn trẻ, chúng ta ai cũng có niềm tin kiểu như thế. Chúng ta luôn tin rằng tất cả những điều xấu trong cuộc sống sẽ xảy ra với người khác, chứ không bao giờ xảy ra với chúng ta cả. Chúng ta tự bảo mình như thế, không bao giờ xảy ra với mình đâu!

Có một câu chuyện xảy ra 6 năm về trước, mà nếu tôi có sống thêm 150 năm nữa, tô cũng không thể nào quên. Tôi là một fan của môn bóng rổ và đội bóng tôi thích nhất là LA Lakers. Tôi đã từng thích thú xem Lakers thi đấu khi đội có Kareem Abdul-Jabbar, Magic Johnson, James Worthy, Maichael Cooper, toàn là ngôi sao. Tôi đã thích thú biết bao mỗi khi xem họ thi đấu!

Trong đó, vận động viên tôi thích nhất là Magic Johnson. Tôi thích nhìn cách anh ấy chơi bóng, rất khéo léo và nhanh nhẹn, lại có nụ cười rất dễ mến. Và có lần, khi từ sở làm về nhà để ngồi xem buổi họp báo của Lakers trên tivi, dĩ nhiên là có cả Magic Johnson nữa. Bạn có biết anh ấy nói gì với tất cả những thanh niên ở Mỹ không? Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó, thậm chí nó còn văng vẳng bên tai tôi mỗi khi nhớ lại. Anh ấy nói: “Có lẽ tôi đã quá khờ dại. Tôi đã không bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra với tôi”. Bạn biết Magic nói về điều gì không? Chuyện gì mà anh ấy nghĩ không thể xảy ra với mình? Magic Johnson có kết quả thử HIV dương tính! Và anh ấy nói: “Tôi đã không bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra với tôi”. Tôi nghe anh ấy lặp đi lặp lại câu đó nhiều lần…

Các bạn trẻ, mỗi khi các bạn làm sai việc gì, các bạn thường tự nói gì với mình? “À, chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra với mình đâu mà!”.

Tôi vẫn nhớ 5 năm trước khi tôi bị mất cắp ôtô, ngay giữa ban ngày. Tôi nhớ khi viết bản tường trình cho cảnh sát, tôi đã viết rằng: “Không thể tin được là chuyện này lại xảy ra với tôi!”. Chuyện này đáng lẽ phải xảy ra với những người khác. Tôi đọc thấy trên báo rồi, tôi xem trên tivi rồi, nhưng tôi không bao giờ nghĩ nó có thể xảy ra cho tôi… thế mà nó đã xảy ra.

Bạn có biết Peter Rose không? Anh ấy lẽ ra vẫn chơi bóng chày ở giải chuyên nghiệp. Nhưng anh ấy bị đuổi, vì đã cá độ trong các trận bóng chày, và như thế là phạm luật.

Sâu thẳm trong tôi, tôi không nghĩ rằng Peter đã nghĩ: “A!!! Chuyện đó không thể xảy ra với mình đâu, mình không thể bị bắt vì cá độ được!”.

Giá như có ai có thể nói với Peter Rose và Magic Johnson rằng: “Magic và Peter này, đây có phải là kỳ nghỉ đáng giá của các cậu chăng? Nó có đáng để để phải đánh đổi cả sự nổi tiếng, nghề nghiệp và tương lai của các cậu? Các cậu đã làm gì vậy?”. Các bạn trẻ à, chuyện gì cũng có thể xảy ra, với bất kỳ ai.

3. Lời nói dối thứ ba, các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ để thật sự hiểu nó, đó là: “Mình còn rất nhiều thời gian”.

Các bạn trẻ, các bạn có biết mình thường tự nói gì với bản thân không? Chúng ta nghĩ: “Mình sẽ trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp, mình sẽ trở thành một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng! Thế thì mình khỏi phải lo về môn Toán, môn Chính tả, hay Vi tính… Mình còn rất nhiều thời gian cho chúng!”.

Các bạn trẻ ơi, các bạn không hề còn nhiều thời gian đâu. Các bạn đang là những thanh niên, học sinh, sinh viên và các bạn phải tạ ơn thượng đế rằng: Vẫn còn có những con người lặng lẽ mà bạn gọi là giáo viên.

Bạn phải cảm ơn thượng đế rằng: Bạn đang học với những giáo viên sẵn sàng phạt bạn, hoặc buộc bạn phải làm những gì bạn đã biết, vì họ tin rằng bạn có khả năng để hoàn tất công việc.

Các bạn có hứng thú với rất nhiều thứ, không liên quan tới khả năng của mình, không giúp gì cho công việc của mình sau này… Các bạn tự lừa dối mình vì các bạn không chịu dành thời gian cho những thứ mà bạn biết là cần thiết, như môn Toán, như Chính tả, như Vi tính…

Các bạn nghĩ: “Mình còn rất nhiều thời gian cho chúng!”. Không, bạn không hề còn nhiều thời gian, vì hôm nay là ngày bạn bắt đầu chuẩn bị cho cả cuộc sống sau này của bạn. Và tôi hy vọng bạn sẽ bắt đầu chuẩn bị ngay từ hôm nay.

*****

Tổng kết lại, có ba lời nói dối, đó là:

1- “Mình được phép phạm lỗi”. Không, các bạn không được phép như thế. Chúng ta tạo ra lỗi sai, nhưng chúng ta không được phép làm điều đó.

2- “Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình!”. Đúng vậy, các bạn ạ, tất cả mọi việc đều có thể xảy ra với chúng ta.

3- “Mình còn khối thời gian!”. Các bạn không có nhiều thời gian như vậy đâu.

Tôi không biết bao nhiêu người trong số các bạn xem việc vào Đại Học là quan trọng. Một số trong các bạn có thể theo học ở một trường dạy nghề, có thể giúp tìm một việc làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Tôi không biết các bạn rồi sẽ làm gì, nhưng hy vọng rằng các bạn sẽ hiểu được điều này: Những điều tốt đẹp luôn đến với những người chăm chỉ, trung thực và có trách nhiệm…

Mong rằng các bạn sẽ có đủ lòng tin để dõng dạc nói rằng “Mình có thể làm được!”.

------------------------------

 

Bài 20. GIỜ LÂM TỬ

(Chuyện Đời Đạo - Bài 020)

Lạy Chúa, xin cứu chúng con TRONG GIỜ LÂM TỬ


Người con hỏi bố:

- Bố ơi, ngày xưa người ta gọi vợ là gì hả bố?

- Ngày xưa thời các cụ gọi vợ là NƯƠNG TỬ.
- Thế còn thời ông bà nhà mình?
- Thời ông bà thì gọi vợ là THÊ TỬ.
- Vậy còn thời nay?
- Thời nay của bố người ta gọi vợ là… SƯ TỬ.

- Ối, thế không biết tương lai người ta gọi vợ là gì bố nhỉ?

- Tương lai thời các con người ta sẽ gọi vợ là… BOM NGUYÊN TỬ con à!

Bà vợ trong phòng nghe được chuyện, chạy ào ra nổi cơn tam bành thét:
- Giờ thì cho bố con mày… NHỪ TỬ!

Trong cơn nguy khốn, cả hai bố con cuống cuồng thốt lên lời kinh tha thiết:

- Chúa ơi, xin cứu chúng con trong giờ LÂM TỬ. Amen.
-----------------------------

- https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
 

-----------------------------
Những sách đã in (33 cuốn):
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/nhung-sach-da-in-1654.html

*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)

I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (3 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/
1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1
2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2
3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3

II. – Chuyện đời chuyện đạo: (5 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1
2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2
3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3
4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4
5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5

III. - Chuyện kể cho các gia đình: (14 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/
1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1
2. Đừng bỏ cuộc - sách 2
3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3
4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4
5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5
6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6
7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7
8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8
9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9
10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10
11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11
12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12
13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13
14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14

IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/
1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1
2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2
3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3
4. Căn hầm bí mật - Sách 4
5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5
6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6
7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7
8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8

V. – Kho sách quý: (3 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/
1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1
2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2
3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3
----------------------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây