Chúa nhật này chúng ta suy niệm về việc Chúa Giesu thanh tẩy đền thánh Jerusalem và sứ MC3-B151
Chúa nhật này chúng ta suy niệm về việc Chúa Giesu thanh tẩy đền thánh Jerusalem và sứ điệp của Phaolo nói về Thánh Giá Chúa Giesu. Hai hình ảnh khá độc đáo này sẽ giúp chúng ta -trong mùa Chay Thánh- hiểu biết và yêu mến chúa Giesu Kito nhiều hơn.
NHÀ TA LÀ NHÀ CẦU NGUYỆN….
Câu chuyện Gioan nói về việc Chúa Giesu thanh tẩy đền thánh đã làm nổi bật cảnh thê thảm tương tự như ở những Tin Mừng khác. Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, việc này xẩy ra sau cuộc rước Chúa Giesu đi vào đền thánh. Dân chúng reo mừng khi Chúa đi vào đền thánh, một phần để tỏ lòng kính mến, một phần để thách thức đền thánh và những vị lãnh đạo tôn giáo ở đó. Đức Giesu lật đổ những bàn đổi tiền, đuổi những người bán chim, chiên bò….ra khỏi đền thánh. Hành động này có ý nghĩa gì? Chúa nhắc lại lời Kinh Thánh: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện…mà các ngươi biến thành nơi trộm cướp” (Mc 11:17; Is 56:6-7, Gr 7:11).
Trong Tin Mừng Gioan, việc thanh tẩy đền thánh xẩy ra lúc Chúa Giesu khởi đầu công tác mục vụ của Người, không phải lúc khởi đầu các biến cố xẩy ra vào những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa. Lời nói và hành động của Chúa trong đền thánh được nhắc lại trong các Phúc Âm Nhất Lãm hay trong Tin Mừng Gioan, đều có một ý nghĩa mới đối với những thế hệ Kito hữu về sau. “Mang những thứ này ra khỏi đây! Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán!” Đền Thánh không phải là trung tâm thương mại, cửa hàng mậu dịch mà là Nơi Thánh của Cha Ta. Như các tiên tri đi trước, Chúa Giesu muốn thức tỉnh tâm hồn dân Người nhớ lại mục đích của đền thánh..
ĐỀN THỜ MỚI SỐNG ĐỘNG
Các môn đệ nhớ lại Chúa đã nói trong đền thờ lời Thánh vịnh 69:10 “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa đã xâm chiếm hồn tôi”, có nghĩa là “Lòng tôi tràn ngập tình yêu nóng bỏng vì nhà Chúa.” Khi đền thánh Jerusalem bị quân La Mã phá hủy thì cả dân Do Thái lẫn Kito giáo đều than tiếc. Những kẻ theo Chúa Giesu nhớ lại cảnh tượng huy hoàng thuở xưa trong đền thờ. Bây giờ họ có thể hiểu theo một nghĩa mới. Đền thờ cũ đã qua đi, đền thờ mới đã được xây lại. Đền thờ mới này không phải bằng đá, gỗ hay vàng. Nó là đền thờ sống động của dân thánh (1Pr 2:4-6;Ep 2:19-22).
CON NGƯỜI CỰC ĐOAN CỦA CHÚA GIESU
Điểm đặc thù của câu chuyện Tin Mừng Gioan hôm nay là hình ảnh chúa Giesu nổi nóng khi thanh tẩy đền thánh. Việc này nói lên hai thái cực đối nghịch của Chúa. Chúa là con người cách mạng cực đoan. Chúa là một người rất hiền hòa, không bao giờ giận hờn. Nhưng hai thái cực này không thể biện minh cho nhau được.
Chúa Giesu muốn cải đổi xã hội, không phải vì cực đoan tích cực hay cực đoan thụ động. Người muốn tận hiến đến tuyệt đỉnh yêu thương vì Cha Người và mọi sự của Cha Người. Người muốn tạo dựng những con người mới, là hình ảnh của Thiên Chúa, đấng Người yêu thương và đem tình yêu đó cho muôn dân. Các tông đồ và các môn đệ của Chúa Giesu đã nhận biết Chúa, coi Chúa là hình ảnh của đam mê cực đoan, nhất quyết hy sinh mạng sống mình vì Sự Thật và lòng Trung Tín.
Chúng ta có chấp nhận hai thái cực đó do sự hiểu biết của chúng ta về đức Giesu và tình liên đới với Người không? Chúng ta có đam mê điều gì trong đời không? Chúng ta có yêu thương đến say mê tất cả mọi sự thuộc về Thiên Chúa và về con Người đức Giesu không?
SỨ ĐIỆP THÁNH GIÁ: CHÚA KITO BỊ ĐÓNG ĐANH
Trong thư gửi tin hữu Corinto, Phaolo đã nhấn mạnh đến những bất ổn và gương xấu trong cộng đồng. Tình hiệp thông và đoàn kết đang bị đe dọa vì nạn bè phái và chia rẽ nội bộ đã gây tổn thương trầm trọng cho sự hiệp nhất của ‘thân thể’ chúa Kito. Thay vì khôn khéo dùng lời lẽ văn hoa, triết học hay thần học để giải quyết mọi khó khăn, Phaolo loan truyền đức Kito bằng sứ điệp: Chúa Kito bị đóng đanh.
Sức mạnh của Phaolo không do văn chương lôi cuốn, nhưng ở sự yếu đuối của những ai thực sự tin tưởng vào “quyền năng của Thiên Chúa” (1Cr 2:1-4).
Phaolo viết trong thư gửi tín hữu Corinto: “Sứ điệp về Thánh Giá là sự ‘điền rồ’ đối với những kẻ bị hư mất, nhưng với chúng ta là những kẻ được cứu rỗi thì lại là ‘quyền năng’ của Thiên Chúa.”(1:18, 22-25). Thánh Giá là trung tâm điểm thần học của Phaolo. Nói về Thánh Giá là nói về ơn Cứu Độ, là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho loài người.
Sứ điệp đơn giản của Phaolo về Thánh Giá là gương xấu và sự điên rồ. Ngài nhấn mạnh điều đó bằng những lời sau đây: “ Điên rồ đối với những kẻ bị hư mất, nhưng đối với chúng ta là những kẻ được cứu rỗi thì lại là quyền năng của Thiên Chúa. Qua sự tuyên xưng điên rồ của chúng ta, Thiên Chúa quyết định cứu rỗi những ai có lòng tin. Đối với dân Do Thái họ đòi hỏi phải có dấu chỉ, với dân Hy Lạp họ ước mong sự khôn ngoan, nhưng chúng ta tuyên xưng chúa Kito bị đóng đanh, thì đối với dân Do Thái nó chẳng có gì là chắc chắn, đối với dân ngoại thì đó là một sự điên rồ….”
“Gương xấu” và “điên rồ” của Thánh Giá -trong thực tế- rõ ràng là thất bại, buồn thảm, nhưng ở đó rõ ràng lại có quyền năng của tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thánh Giá là một hình thức diễn tả tình yêu, mà tình yêu chính là quyền năng thực sự được thể hiện mà bề ngoài xem như có vẻ yếu đuối.
Thánh Phaolo cảm nghiệm thấy điều đó trong chính thân xác mình, và ngài minh chứng cho chúng ta qua những hành trình thiêng liêng của ngài. Sau này nó đã trở thành những điểm khởi hành quan trọng cho những môn đệ chúa Giesu. Ngài nói: “Người quả quyết với tôi, ‘Ơn của Thày đã đủ cho con, vì quyền năng của Thầy được thể hiện trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2Cr 12:9); và ngay cả “Thiên Chúa đã chọn những gì thấp hèn và chẳng đáng kể, những điều không có để hủy giệt những điều đang có” (1Cr 1:28).
Người môn đệ của dân ngoại đã tự xác tín mình đến như vậy với Chúa Kito là đấng cũng đã từng xác tín như thế, ngay cả giữa những gian nan thử thách và cuộc sống trong tin yêu Con Thiên Chúa, đấng đã thương yêu ông và hy sinh thân mình vì tội lỗi của ông và của tất cả mọi người (Gl 1:4; 2:20).
LỜI KẾT: CẦU NGUYỆN
Hôm nay, khi chiêm nghiệm tình yêu nóng bỏng của Chúa Giesu vì mọi điều của Cha Người cũng như mầu nhiệm cứu chuộc của Thánh Giá, chúng ta hãy cùng nhau đọc lời nguyện cầu xin này:
Lạy Thiên Chúa, đấng “điên rồ” nhưng khôn ngoan, yếu đuối nhưng mạnh mẽ. Vì sức mạnh ân sủng Chúa trong mùa Chay thánh, Xin hãy rửa sạch đền thờ Hội Thánh Chúa Và thanh tẩy cung thánh tâm hồn chúng con. Chớ gì chúng con được tràn ngập tình yêu nóng bỏng …vì nhà Cha Và lòng vâng theo giới răn Chúa …thấm nhập bao vây chúng con suốt cuộc hành trình mùa Chay Thánh.
Chúng con cầu xin Chúa Qua đức Giesu Kito, Người của Thánh Giá …đấng đầy quyền năng và khôn ngoan, Chúa hằng sống và ngự trị với Người, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần Là Thiên Chúa đời đời chẳng cùng, Amen.
Giận hay phẫn nộ là một cảm xúc mạnh và rất bình thường của con người. Tục ngữ ca dao có MC3-B152
Giận hay phẫn nộ là một cảm xúc mạnh và rất bình thường của con người. Tục ngữ ca dao có câu: “Giận thì mắng, lặng thì thương.” Người đời bản tính vốn hiền, mặc dù khi nóng giận thì ai cũng tỏ ra hung dữ, thế nhưng khi cơn giận đã nguôi ngoai thì người ta lại ân hận về sự nóng giận của mình, và thương yêu ngay người mình vừa la mắng. Rất nhiều khi vì thương yêu nên mới giận mà la mắng, trách móc.
Đối với con người yếu đuối, giận dữ thường là nguyên nhân gây ra những vấn đề không tốt đẹp nơi gia đình và xã hội (Mt 5:22). Nó gây hậu quả dây chuyền. Chồng bực bội ở sở, về nhà la vợ. Vợ rầy con. Con đá chó, đánh mèo… Nó tạo ra bạo lực nơi gia đình dưới nhiều hình thức như đánh đập, la hét, chửi bới… Nó gây nên cảm giác xấu cho người khác và tạo nên sự ngăn cách trong các liên hệ. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe… Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác…” (Ep 4:29-32; 1 Cr 13: 4-7).
Đối với Thiên Chúa, sự phẫn nộ được thúc đẩy bởi lòng đạo đức thánh thiện khi đứng trước tội lỗi, lạm dụng, bất công xã hội, những hành vi chà đạp nhân phẩm con người và sự xúc phạm đến Thiên Chúa thì cảm xúc phẫn nộ này lại diễn tả một tâm huyết nhiệt tình cao độ: “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.” “Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Ga 2: 16-17).
Thánh Augustinô đã viết rằng niềm Hy Vọng có hai nàng nữ tì xinh đẹp: sự phẫn nộ và lòng can đảm. Phẫn nộ để không thực hiện điều không được phép làm; và can đảm để thực hiện điều có thể làm. Đúng như Thánh Augustinô đã nói, Chúa Giêsu đã nổi giận vì những lý do sau:
Thứ nhất, vì những người lãnh đạo tôn giáo đã quá chú tâm đến việc phụng tự, nghi lễ mà quên luân lý và đạo đức, quên rằng đền thờ là nơi thiêng thánh có sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ quên rằng đền thờ là nơi để gặp gỡ Thiên Chúa, để cảm nghiệm về ân sủng và tình yêu của Ngài.
Theo luật của Chúa truyền dạy, dân chúng phải đến đền thờ để dâng của lễ. Của lễ hy sinh là một yếu tố quan trọng trong đời sống đức tin. Của lễ biểu tỏ chiều sâu của lòng thành thật; nó chứng tỏ chúng ta đặt Thiên Chúa và điều Ngài yêu cầu lên trên tất cả mọi của cải và nhu cầu riêng tư của chúng ta.
Theo luật Mô-sê, của lễ đòi hỏi chỉ là một con cừu đực tơ hay con dê đực con, hoặc một cặp chim bồ câu được hiến tế bởi các tư tế. Trong những nông trại, những con vật này rất dễ kiếm. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, dân thành phố đã không còn nuôi những con vật này ở nhà nữa. Do đó khi đi đến đền thờ dâng của lễ, để cho việc tế tự trở thành dễ dàng, giới chức thẩm quyền của đền thờ cho phép việc buôn bán những con vật tế tự ngay tại tiền đường của đền thờ. Việc mua bán phải dùng những đồng tiền riêng của đền thờ. Nếu không có, phải đổi tiền Rôma sang tiền đền thờ ngay tại đó. Giới thẩm quyền lại cho mở thêm dịch vụ đổi tiền để phục vụ cho ích lợi của nhu cầu tế lễ.
Đền thờ biến thành chợ. Chợ thì ồn ào, trả giá, chửi bới, la ó, bẩn thỉu. Mua bán thì có lừa lọc. Đổi chác thì có gian lận. Tính chất thiêng liêng tôn giáo của đền thờ đã bị tục hóa. Đền thờ và nhu cầu cứu rỗi của dân chúng bị lạm dụng. Thay vì chỉ đường hướng lên Thiên Chúa, nó lại hướng dẫn người ta xuống cõi trần tục.
Ngày nay tại các cộng đoàn của người Việt Nam, nhiều nhà thờ nguy nga lộng lẫy cũng đã được xây dựng. Nhưng đôi khi nhà thờ đã trở nên một công trình để phô trương tài năng và tiền bạc của con người thay vì để ca tụng Thiên Chúa!
Thứ hai, những người lãnh đạo tôn giáo đã coi thường tính cách phổ quát của đền thờ. Đã khinh thường và loại trừ những người khác. Đền thờ Giêrusalem chia ra làm 5 khu vực như sau: 1- Khu cực thánh. 2- Khu của các vị tư tế. 3- Khu của dân Israel. 4- Khu của phụ nữ. 5- Khu của dân ngoại. Mặc dù phân chia ra làm năm cấp, nhưng tất cả đều có chỗ trong nhà của Thiên Chúa. Ngôi nhà phổ quát của Thiên Chúa dành cho mọi người, “cho tất cả mọi quốc gia” ở khắp mọi nơi trên trái đất, một nơi để cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng những người lãnh đạo tôn giáo đã quên mất điều này và nghĩ rằng đền thờ là của riêng họ và dân tộc họ mà thôi. Họ đã quyết định biến khu vực thứ 5, dành cho dân ngoại thành khu chợ, buôn bán súc vật, và trao đổi tiền bạc!
Sự chiếm đóng của đế quốc Roma là một điều tủi nhục đối với người Do Thái. Đồng tiền Roma mang hình ảnh của hoàng đế Caesar là một sự phỉ báng nếu đem nó vào trong bốn khu vực kia của đền thờ. Vì thế, nó chỉ được sử dụng và lưu hành trong khu dân ngoại mà thôi. Do đó, khu vực dân ngoại đã bị loại trừ, không được coi là thuộc về Đền Thờ, Nhà Chúa, mà chỉ là khu họp chợ buôn bán đổi chác tiền bạc. Chúa Giêsu đã đánh đuổi những kẻ buôn bán, hất tung tiền bạc của những người đổi chác: “Hãy đem những thứ này ra khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2: 16).
Trong thời kỳ còn phân biệt và kỳ thị chủng tộc, những người da màu đã không được phép bước vào nhà thờ của những người da trắng. Gandhi người Ấn Độ Giáo, khi còn là một thanh niên, ông đã bước vào một nhà thờ Kitô Giáo để cầu nguyện, nhưng đã bị người hướng dẫn chỗ ngồi của cộng đoàn mời ra vì màu da của ông. Từ đó trở đi ông đã không bao giờ bước vào nhà thờ Kitô Giáo nữa, vì ông cảm thấy rằng những người Kitô Giáo còn thua xa những người Ấn Độ Giáo!
Thứ ba, Đền thờ Giêrusalem là biểu tượng của sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Israel với tình yêu và sự trung thành của Ngài trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Vì thế, đền thờ chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống của dân chúng. Nó diễn tả sự trở về thành công sau bao nhiêu năm lưu vong. Nó là nơi hội họp của cộng đoàn trong thời gian bị người ngoại quốc chiếm đóng. Đền thờ Giêrusalem đã trở nên giống như tờ giấy căn cước, xác định căn tính và giá trị tinh thần của dân tộc Do Thái.
Nhưng tiếc thay, vì quá chú trọng đến ý nghĩa này, đền thờ đã trở nên một biểu tượng đầy hãnh diện và quyền lực của dân Do Thái. Nó là niềm kiêu hãnh của một dân tộc. Thay vì đền thờ chỉ đường hướng lên với Thiên Chúa, nó lại quy hướng người ta vào niềm kiêu hãnh của một dân tộc. Đó là lý do tại sao Chúa phẫn nộ và nói tiên tri về sự phá hủy của đền thờ: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21: 6; Mc 13: 2; Mt 24:2).
“Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại… Người có ý nói đến đền thờ là thân thể Người” (Ga 2: 19-21). Đền thờ Giêrusalem bằng gỗ đá đã không hướng dẫn người ta hướng về với Thiên Chúa, nên vào năm 70 đã bị tướng Titus của đế quốc Roma phá hủy bình địa như lời tiên tri của Chúa Giêsu đã nói để chấm dứt đền thờ của thời Cựu Ước. Bắt đầu thời Tân Ước, chính thân xác của Chúa Giêsu sẽ là đền thờ vĩnh viễn để đưa tất cả mọi con người, từ khắp các quốc gia về với Thiên Chúa.
Mùa Chay Giáo hội kêu gọi ta hướng lòng lên với Thiên Chúa. Tìm về gặp gỡ Thiên Chúa, nơi sa mạc (Chúa Nhật thứ I Mùa Chay), trên núi cao (Chúa Nhật thứ II Mùa Chay), và hôm nay Chúa Nhật thứ III Mùa Chay, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong đền thờ, nơi Bàn Tiệc Thánh Thể.
Giáo Lý Công Giáo số 1324 dạy rằng: “Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của sinh hoạt Giáo Hội. Các bí tích khác cũng như tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các tác vụ tông đồ đều liên kết và quy hướng về Thánh Thể. Bởi vì Thánh Thể chứa đựng tất cả kho báu thiêng liêng của Giáo Hội, tức chính bản thân Chúa Kitô, lễ Vượt Qua của chúng ta.”
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lập lại lời của Công Đồng Vatican II (Lumen Gentium #11 và Presbyterorum Ordinis #5), và Sách Giáo Lý Công Giáo số 1324 để nhấn mạnh rằng “Thật vậy, phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội: đó là chính Đức Kitô” (Ecclesia De Eucharistia #1).
Đền thờ là nơi qui tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân MC3-B153
Đền thờ là nơi qui tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý (Jn 4:23-24) là ngợi khen, cảm tạ, cầu nguyện với tinh thần đức tin, đức cậy và đức mến sâu sắc như Đức Maria đã thể hiện trong lời kinh Magnificat (Sách Giáo lý số 2906-2907).
Đền thờ Giêrusalem là một đền thờ nguy nga tráng lệ đã được vua Hêrôđê Cả ra lệnh trùng tu đại qui mô từ năm 19 trước công nguyên và mãi đến năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Sự kiện Đức Giêsu xua đuổi kẻ buôn bán xẩy ra vào năm 27-28 sau Chúa Giêsu thì việc trùng tu đó kéo dài 46 năm (Jn 2:20). Điều này rất phù hợp với Thánh Luca 3,1-2 nói về ngày Chúa chịu phép rửa năm 15 đời hoàng đế Tiberiô. Đây là một nêu mốc khá chắc chắn để tính niên lịch của Chúa. Công việc trùng tu đền thờ đòi hỏi rất nhiều nhân công. Flavius Joseph nói rằng khi xong việc người ta phải thải về 18 ngàn thợ. Như thế mới thấy rằng Đền thờ Giêrusalem lớn lao và đẹp đẽ đến chừng nào (Mk 13:1-2).
Vào dịp lễ Vượt qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem, thấy người ta đổi tiền, mua bán súc vật làm ô uế Đền thờ, Ngài lấy làm khó chịu xua đuổi họ ra khỏi đền thờ: ”Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Jn 2:16). Cũng nên biết là những người ở xa đến khó có thể đem theo súc vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong Đền thờ là cần thiết hay ít ra được dung thứ. Vậy nếu việc mua bán súc vật là tiện lợi cho người từ xa tới, thì sao Đức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật quanh Đền thờ? Thưa chúng ta thấy có một số lý do:
Lễ Vượt qua của người Do Thái được tổ chức rất long trọng ở Giêsrusalem. Theo luật pháp, mọi người nam Do Thái sống cách xa Giêrusalem trong vòng 25 cây số bắt buộc phải đi dự lễ. Trong các lễ của người Do Thái, lễ Vượt Qua là lễ trọng nhất. Không phải chỉ có người Do Thái trong xứ Palestine đến dự lễ mà các người Do Thái ở khắp nơi (Act 2:15-11) cũng hướng về quê hương và mong được mừng lễ Vượt qua tại Giêrusalem ít nhất một lần trong đời. Chuyện nghe thật đáng kinh ngạc, nhưng dường như cũng đã có đến 2.2 triệu người Do Thái đã tập họp về Xứ Thánh dự lễ Vượt qua.
Theo thói quen, mỗi khi hành hương lên Giêrusalem mừng lễ người ta thường dâng của lễ bằng con vật sống. Trong sân đền thờ có chỗ bán con vật sống là việc bình thường. Nhưng cái không bình thường là sự lạm dụng. Luật qui định là bất cứ con vật nào dùng làm lễ tế đều phải lành lặn, không tỳ vết (Ex 12:5). Các chức sắc quản trị đền thờ bổ dụng những người kiểm tra để khám xét con vật, mỗi lần khám xét đều phải trả lệ phí một phần mười hai siếc-lơ. Nếu khách hành hương mua một con vật ngoài đến thờ, chắc chắn con vật ấy sẽ bị từ chối khi khám xét. Ngoài ra, mỗi con vật mua trong đền thờ có khi phải trả đắt gấp 15 lần so với giá mua bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công xã hội này càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.
Luật buộc mỗi người Do Thái phải nộp thuế cho đền thờ từ 19 tuổi trở lên (Ex 30:13-14). Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, bằng hai ngày lương công nhật. Trong việc giao dịch bình thường, có đủ mọi thứ tiền ở Palestine, nhưng thuế nộp cho đền thờ là một thứ tiền riêng của người Do Thái, khách hành hương phải đổi lấy thứ tiền này. Người ta lấy lý do là các thứ tiền khác bị xem là ô uế không thể dùng để trả nợ cho Thiên Chúa. Khách hành hương phải chịu những tệ nạn bọn đổi bạc với giá cắt cổ.
Trước những bóc lột quá đáng như thế, Đức Giêsu bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan cho biết là Chúa đã lấy dây bện thành một ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền. Đức Giêsu đã cảnh cáo bọn họ: ”Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Đây cũng là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng lõa trong việc trần tục hóa và thương mại hóa Đền thờ. Tin Mừng Thánh Matthêu (21,13), Marcô (11,17),và Luca (19,38) còn trích sách ngôn sứ Isaia để cảnh giác họ: ”Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Is 56,7).
Khi xua đuổi những người buôn bán trong Đền thờ, Đức Giêsu đã bộc lộ cho chúng ta thấy lòng tôn kính của Ngài đối với nhà của Chúa, và để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về cung cách tôn kính những nơi thờ phượng như những thánh địa dành riêng cho việc cầu nguyện mà thôi.
Khi Đức Giêsu nói với người Do Thái: ”Hãy phá hủy Đền thờ này đi. Nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Jn 2:19). Nếu hiểu chữ “Đền thờ” theo nghĩa vật chất thì làm sao xây dựng lại được vì Đền thờ này lớn lao phải dựng lại mất 46 năm mới hoàn thành? Người Do Thái không thể hiểu câu nói của Đức Giêsu và cho đó là câu nói hồ đồ và có tính cách phạm thượng. Nhưng ý Đức Giêsu muốn nói: Đền thờ ấy chính là thân thể Ngài.
Đền thờ vật chất là những nhà thờ mà chúng ta xây dựng. Đền thờ thiêng liêng là thân xác chúng ta, con người chúng ta hay là Hội Thánh. Chúng ta không ngại tốn công, tốn của để sửa sang hay xây cất nhà thờ. Dù phải hy sinh đến mấy, miễn là làm được nhà thờ là chúng ta không quản ngại. Nhưng còn một đền thờ khác nữa, mà có khi chúng ta chưa lo sửa sang cho đủ, đó là con người chúng ta, thân xác chúng ta. Thánh Phaolô nói: ”Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa, nơi Thánh Thần ngự trị” (I Cor 3:16-17). Vì vậy, song song với việc lo xây cất nhà thờ ở bên ngoài là xây cất nhà thờ nội tâm với một nền móng vững chắc là đức tin ( I Cor 3:11) và những sự hiểu biết cần thiết về đạo, và những đồ trang trí là những đức tính của một Kitô hữu trưởng thành như khoan dung, quảng đại, thông cảm và tha thứ.
Thánh Kinh hôm nay nhắc nhở ta: ”Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn tôi” (Tv 68.10). Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho chúng ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ sạch sẽ cho nhà Chúa. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy dỗ cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng. Dạy cho con cháu biết tôn trọng nhà thờ, nơi thờ phượng thì phải giữ nghiêm trang, không la hét, trò chuyện, xả rác… Ta cũng nên xét theo phương diện tích cực xem, ta có thể làm gì để tỏ ra tôn kính nhà Chúa như săn sóc, giữ gìn và bảo vệ nhà Chúa.
Nhìn ra các tôn giáo bạn, ta thấy người Hồi giáo khi vào nhà thờ của họ, phải để giầy ngoài sân. Ta có thể tưởng tượng giả sử có một ngàn người để một ngàn đôi giầy, tức là hai ngàn chiếc bên ngoài, ra khỏi đền thờ đi tìm chiếc giầy nào là của mình trong hai ngàn chiếc giầy thì sẽ lộn xộn và khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, để tỏ ra tôn kính nơi thờ phượng, người Hồi giáo vẫn giữ điều lệ này cho tới ngày nay.
Nói tới việc bênh vực nhà Chúa theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng cần phân biệt hai loại đền thờ, đó là đền thờ vật chất mà mọi người qui tụ về đó để tôn vinh Thiên Chúa. Và còn một đền thờ nữa là con người chúng ta, thân xác chúng ta.
Chúng ta đã có nhà thờ dùng để thờ phượng Chúa, để tổ chức những sinh hoạt phụng vụ hay làm các việc đạo đức. Ai cũng yêu mến nhà thờ của mình. Ai cũng bênh vực, không để cho người khác phạm đến nhà thờ. Có khi chúng ta chịu đổ máu để bênh vực nhà thờ của chúng ta. Nhưng chúng ta phải lưu ý: nhà thờ là nhà của muôn dân, nơi dành cho mọi người đến cầu nguyện, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, mầu da, chủng tộc. Nhiều khi vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có lần thành chướng ngại vật ngăn cản anh em tìm đến gặp Chúa: chỉ cần một lời nói cứng cỏi và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh thường tha nhân… là chúng ta đã có thể xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó có cơ hội khác để trở lại.
Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh Thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám mối phúc thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do Thái hay lương dân… Gandhi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.
Ngày nọ, Gandhi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau: ”Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da mầu mà xin!” Gandhi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: ”Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn giáo có phân biệt giai cấp của tôi? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ!”
Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Chúa như Thánh Phaolô đã nói (x. 1Cr 3,16). Trong nghi thức rửa tội cho trẻ em, Linh mục đọc lời nguyện trừ tà xua đuổi ác thần ra khỏi em bé để em được trở nên đền thờ của Chúa: ”Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã sai Con Chúa xuống thế gian, để trục xuất quyền lực của ác thần Satan ra khỏi chúng con, giải thoát và đem con người được giải thoát khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Nước Chúa. Chúng con nài xin Chúa làm cho những em này, sau khi khỏi tội nguyên tổ, được trở thành đền thờ của Chúa uy linh, và xin Chúa cũng cho Thánh Thần ngự trong các em.”
Khi đã trở thành đền thờ thiêng liêng của Chúa chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ cho xứng đáng, đừng bao giờ để cho thần Mammon trở vào chiếm giữ, vì như Chúa nói: ”Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đấy” (Mt 6,21). Tiền của là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống vì “Đồng tiền liền khúc ruột”, nhưng đừng để cho tiền của lấn át linh hồn. Chúng ta phải khôn ngoan biến tiền của thành đứa đầy tớ trung thành phục vụ mình, đừng bao giờ để cho nó trở thành ông chủ khắc nghiệt chế ngự ta.
Chúng ta là những Kitô hữu, cuộc sống chúng ta đã được dâng hiến cho Thiên Chúa và đã trở thành đền thờ cho Chúa ngự. Nỗ lực của chúng ta là phải làm sao sống xứng đáng là đền thờ của Chúa, đừng bao giờ đuổi Chúa ra khỏi đền thờ này. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng biến cuộc đời của chúng ta thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi.
Để kết thúc, ta hãy đọc lời nguyện sau đây được viết trên cửa một nhà thờ nọ: “Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em; nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà. Xin làm cho ngưỡng cửa này đủ phẳng để buớc chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã. Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa” (Theo Flor McCarthy).
Phố chợ là nơi tập trung buôn bán đủ loại từ súc vật, trâu bò, đến gia cầm, rồi đồ dùng, vật dụng MC3-B154
Phố chợ là nơi tập trung buôn bán đủ loại từ súc vật, trâu bò, đến gia cầm, rồi đồ dùng, vật dụng và ngay cả thực phẩm thức ăn, thức uống, cộng thêm cả gian hàng vàng bạc lẫn đổi chác tiền bạc. Để có phép buôn bán và làm chủ những gian hàng người ta phải trả tiền thuê mướn hàng năm. Khi có thanh tra họ có giấy phép đưa ra trình cho biết họ làm chủ gian hàng và có quyền buôn bán.
Đức Kitô rất bất bình khi nhóm lãnh đạo cho phép thương buôn, buôn bán trong Đền Thờ biến nơi thờ phượng thành phố chợ. Họ có tiền, có thế lực, coi Đền Thờ là tài sản riêng của gia đình họ.
Đức Kitô dùng giây thừng đuổi bò lừa ra khỏi đền thờ, lật đổ tung bàn đổi chác hàng hoá và rất nhẹ nhàng với dân nghèo bán chim bồ câu. Ngài nói với họ
Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán Gn 2,16
Câu nói trên nói lên nhiều điều quan trọng. Trước hết Đức Kitô coi Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa nơi trần gian và Thiên Chúa là Cha của Ngài. Thứ hai, Đức Kitô là Đấng đầu tiên và là Đấng duy nhất ví thân xác mình là Đền Thờ. Thứ ba, mù quáng vì lợi nhuận nhóm lãnh đạo Đền Thờ biến nơi thờ phượng thành hang trộm cắp. Thứ tư, Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chủ Đền Thờ, con buôn và nhóm lãnh đạo không phải chủ, đúng hơn họ có trách nhiệm coi sóc Đền Thờ.
Hành động xua đuổi quân buôn bán không chỉ làm cho thương buôn bực tức mà còn làm cho nhóm lãnh đạo Đền Thờ mất mặt. Họ hội họp với nhau tìm cách giết Ngài. Họ chất vấn Ngài:
Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ chúng tôi biết là ông có quyền làm điều đó.
Đức Kitô đáp
Phá huỷ Đền Thờ này đi, ba ngày sau tôi sẽ xây lại c.13.
Họ nhìn nhau cười chế diễu vì ba ngày làm sao có thể làm điều cha ông họ mất nhiều năm để xây cất. Câu trả lời của Đức Kitô vượt quá tầm hiểu biết của họ bởi Đức Kitô ngụ í nói về chính thân thể Ngài. Ngày nay chúng ta biết thân thể Đức Kitô là Đền Thờ và cuộc tử hình thập giá và sau ba ngày sống lại vinh quang đã xảy ra đúng như điều Đức Kitô tiên báo trước về thân thể Ngài.
Dùng hình ảnh Đền Thờ nói lên thân thể mình Đức Kitô cho biết. Đền Thờ là của Thiên Chúa và không ai có quyền coi Đền Thờ là của riêng. Khi trả lời nhóm gài bẫy bắt bẻ Đức Kitô họ hỏi Ngài có nên đóng thuế cho Caesar không? Đức Kitô nói với họ.
Của Caesar trả về Caesar, Của Thiên Chúa trả về Chúa Mat 22,21.
Thứ hai, Đền thờ thuộc về Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài có quyền làm chủ Đền Thờ bởi vì đó là nơi Thiên Chúa ngự trị.
Thứ ba, Đền Thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa và hãy dùng đúng mục đích của Đền Thờ làm nơi thờ phượng.
Thứ tư, Đức Kitô có toàn quyền trên thân thể Ngài khi Ngài nói
Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự í hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Gn 10,18
Chúng ta không làm chủ gì cả, kể cả thân xác mình cũng là của Chúa ban. Sức khoẻ, trí khôn, tài năng, khéo léo, sắc đẹp tất cả đều do Chúa ban để chúng ta hưởng dùng và giúp đỡ anh chị em khác. Thánh Phaolô cho biết thân xác anh chị em là đền thờ Chúa Thánh Thần 1Cor 6,19. Anh chị em nhận lãnh từ Thiên Chúa vì thế cần giữ thân xác cho trong sạch xứng đáng đền thờ Chúa Thánh Thần. Khi cuộc lữ hành trần thế chấm dứt thân xác cát bụi trở về cát bụi; hình ảnh Thiên Chúa trong ta trở về với Thiên Chúa. Cần giữ tâm hồn trong sáng, sạch sẽ trước tôn nhan Thiên Chúa bởi chúng thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta xin ơn làm chủ thân xác mình, đừng để cho thói hư, nghiện ngập làm chủ thân xác.
Hành trinh lên Giêrusalem của Chúa Giêsu là một hành trình tiến đến Mầu Nhiệm Tử Nạn của MC3-B155
Hành trinh lên Giêrusalem của Chúa Giêsu là một hành trình tiến đến Mầu Nhiệm Tử Nạn của Người. Chúng ta thấy, Tin Mừng Chúa Nhật II MC củng cố niềm tin cho các môn đệ của Người là một Biến Cố Biến Hình, Thánh Vịnh 115 cho biết cuộc hành trình của Người ở tại câu : “ Trước nhan Thiên Chúa , Tôi sẽ đi trong miền đất của nhân sinh”. Điều nầy nói lên, Chúa Giêsu thực thi Sứ Vụ Thiên Sai của Người giữa nhân loại tội lỗi.
Hôm nay , Chúa Nhật IIi MC, Tin Mừng theo thánh Gioan cho chúng ta một chi tiết duy nhất trong cuộc đời Cứu Thế của Chúa Giêsu như thế nào khi Người tiến vào thành Thánh Giêrusalem ?
Gần đến ngày Lễ Vượt Qua của dân Dothai, Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, Người thấy những cảnh tượng mua bán chiên bò, gia súc để chuẩn bị cho Đại Lễ, trao đổi, tiền bạc và cảnh tượng nhốn nháo. Một cảnh tượng làm ô uế đền thờ Thiên Chúa không thể chịu đựng. Người liền lấy dây thừng làm roi, đánh đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi khu vực đền thờ.. Điều nầy , mặc nhiên dấy lên sự bất bình của những con buôn, bởi vì, lợi ích tư hữu của họ bị động chạm.người nói với họ : “ …Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán “.
Chúng ta thấy, sự nỗi giận của Chúa Giêsu là sự nỗi giận vì lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa, một sự nổi giận không vì bản Thân Người, mà là sự nỗi giận vì người Dothai làm ô uế đền thờ Thiên Chúa, vâng, và đây là lần nỗi giận duy nhất trong cuộc đời Cứu Thế của Người. Đến độ, các mộn đệ của người nhớ lại Lời chép ytrong Thánh Kinh rằng :” Lòng nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa , sẽ làm hao tổn thân xác Tôi” . ( x. c 17) ( chỉ có duy nhất ở Ga)
Và đến độ , Người so sánh sẵn sàng để cho người Dothai phá hủy đền thờ là chính Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngưới tức cuộc khổ hình sắp xảy ra vời Đền Thánh Giêrusalem. Câu nầy cho thấy vừa là lời tiên tri, vừa là thể hiện hết mình Tính Thiên Sai Cứu Thế của Chúa Giêsu. Điều nầy cho thấy Chúa Giêsu tôn thờ Chúa Cha trong chân lý và tình yêu lớn như thế nào. Người sẵn lòng hy sinh, trao mình chịu nạn để cứu chuộc thế nhân, nhưng , Người không thỏa hiệp với sự làm ô uế đền thờ Thiên Chúa, dù là đền thờ hữu hình.
Như vậy, đền thờ hữu hình Giêrusalem, rồi sau đó, Lời tiên tri của Chúa Giêsu cũng bị sụp đỗ, dù thời gian xây dựng là bốn mươi sáu năm. Nhưng, đền thờ thiêng liêng là chính Thân thể Mầu Nhiệm của Người thì sẽ tồn tại muôn đời.
Lời tiên tri của Chúa Giêsu cho chính Thân Mình Mầu Nhiệm của Người. cũng ứng nghiệm như chính đền thờ hữu hình Giêrusalem vậy. Chúa Giêsu không nói suông, khi Người nỗi giận trước sự việc thờ phượng của Người Dothai, niềm tin và sự tôn thờ Thiên Chúa nơi họ thật là giả trá, hời hợt, chỉ là bên ngoài mà thôi.
Điều nầy cho thấy, sự bất xứng trong việc thờ phượng Thiên Chúa ở những nơi thiếu thành tâm, thiện chí, chỉ cầu hình thức bên ngoài, như những lễ hội rình rang, tốn công sức , thời gian vô bổ. Thức chất , bên trong, nội tâm con người trống vắng Thiên Chúa.
Trải qua hơn hai mươi thế kỷ, giá trị Đoạn Lời Chúa hôm nay còn nguyên tính thời sự. dù chưa thấy vị linh mục nào can đảm như Thấy Chí Thánh , đứng ra bảo vệ chính đáng những nơi thờ tự của Giáo Hội khi bị xâm phạm nghiêm trọng, có chăng chỉ là những thỏa hiệp mềm yếu, để được tiếng là “ khôn ngoan”.
“Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện “, xin cho mọi Kitô hữu luôn ý thức và trung thành tuân giữ có trách nhiệm như Lời dạy của Chúa Giêsu .
Đền thớ vật chất luôn hướng đến đền thờ tâm linh là Chính Chúa, và đền thờ chính trong tâm hồn con người nhân thế có Chúa ở cùng.
Vì vậy, theo đó, khi vị linh mục đại diện Hội Thánh xướng lên lời chào : “ Chúa ở cùng anh chị em “, thì, chính lúc ấy , nếu tâm hồn từng người không phải là đền thờ của Thiên Chúa, thì sao Thiên Chúa có thể ở cùng chúng ta được. Vậy, muốn Thiên Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta, thì chính tâm hồn chúng ta phải xứng đáng như một đền thờ đế Thiên Chúa ngự vào.
Vì thế, thánh phaolo đã nhắc nhở chúng ta : “ Anh em không biết sao, anh em là đền thờ của Thiên Chúa , và Thần Khí Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?”
Thánh Vịnh 18 hôm nay, cho chúng ta biết “ Giới răn Chúa chính trực và luật pháp Ngài công minh”.
Và Bài đọc II hôm nay, thánh Phaolo cho chúng ta biết (1Cr 1, 22 -25) rằng :”…người Dothai và Hylap thì dùng sự khôn ngoan của họ là lý trí phàm nhân, họ xem thường Thập Giá, chính lúc ấy, Thiên Chúa muốn dùng Thập Gía để cứu độ con người qua Đức Giêsu –Kitô.”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã rao giảng Nước Trời bằng một Lời mời vác Thập Gía và chính Chúa đã thực thi cho chúng con noi theo, trên đường lên thành thánh Giêrusalem, để chịu tử nạn, Người đã vác lấy Thập Gía siêu nhiên là xua đuổi con buôn tại đền thờ, để cho họ biết rằng, Chúa có quyền làm như vậy, vì , Người đã tự hiến đi chính Thân Thể Mầu Nhiệm của người cho thế gian . Xin cho Mọi Người chúng con biết tôn thờ Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu là chính tâm hồn mỗi người chúng con ./. Amen.
Bài Tin mừng hôm nay kể lại cho chúng ta sự việc Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ. Thái độ và MC3-B156
Bài Tin mừng hôm nay kể lại cho chúng ta sự việc Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ. Thái độ và hành động của Chúa hôm nay cứng rắn và cương quyết lạ thường. Đọc những sách Tin mừng chúng ta thấy chưa bao giờ Chúa làm như vậy. Rõ ràng việc Chúa làm có nhiều mục đích.
Chúng ta biết đối với người Do Thái ngày xưa đền thờ Giêrusalem là nơi tôn nghiêm, thánh thiêng và vinh dự tự hào của cả dân tộc. Ngôi đền thờ đầu tiên được xây cất trong vòng 7 năm thời lập quốc dưới triều đại của vua Salômôn, và tồn tại được 300 năm, cho đến ngày quân Ba tư đánh chiếm và tàn phá thành bình địa.
Sau khi được giải thoát khỏi cuộc lưu đày tại Babylon và trở về quốc gia, người Do Thái xây lại đền thờ ngay chính trên nền đền thờ đã bị phá hủy trước đó. Trong suốt gần 350 năm, những người Do Thái sống tha hương đã thường xuyên trở về quê hương để hành hương đền thờ. Sau đó, đền thờ đã bị quân Xy-ri do vua An-ti-ô-cô Đệ nhị dẫn đầu đánh chiếm cướp phá đền thờ. Một lần nữa, đền thánh Giêrusalem bị rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát.
Gần 1 thế kỷ sau, vào năm 63 trước Chúa Giê-su, người Do Thái lại thua trận và bị quân La Mã đánh chiếm và cai trị. Sau đó Hê-rô-đê được phong làm quan tổng trấn cai trị vùng đất Giu-đê-a. Trong thời điểm này, dân Do Thái được phép xây dựng lại đền thánh Giêrusalem, và phải mất 46 năm công cuộc tái thiết mới hoàn tất.
Chúng ta biết là đền thờ được chia làm nhiều khu vực, trong đó có khu vực được gọi là “Cực Thánh” nơi Chúa hiện diện, chỉ các tư tế mới được vào dâng hương và của lễ. Ngoài khu vực dành riêng cho tư tế, cũng có nơi để dân chúng tự do ra vào thờ phượng.
Theo luật Do Thái, hằng năm tất cả mọi người tới tuổi trưởng thành đều phải hành hương đền thánh ít là một lần trong các dịp lễ. Thế nên vào những dịp lễ lớn như Vượt Qua, có vô số người từ khắp muôn nơi đổ về, và do đó trong khu vực bên ngoài của đền thờ có những gian hàng để đổi tiền, mua bán và ăn uống đuợc dựng nên. Như chúng ta đã biết, nơi đâu có ăn uống thì có rác, dơ bẩn, mùi hôi, nơi đâu có sự đổi tiền và buôn bán thì có sự ồn ào, trả giá, đôi co, và không tránh khỏi gian dối, lừa gạt, tham lam và bớt xén. Như thế thì còn đâu là ý nghĩa cao đẹp và thánh thiêng của đền thờ. Người ta đã biến nơi cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa thành nơi thương mại, gian dối và lừa đảo. Hơn nữa càng gần tới ngày lễ, quang cảnh đền thờ càng ồn ào, náo nhiệt không khác gì một buổi chợ. Quang cảnh này đã làm cho Chúa Giêsu bực bội khó chịu và không thể im lặng bỏ qua, vì vậy Ngài đã thanh tẩy đền thờ.
Qua hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giê-su, chúng ta ghi nhận được nhiều mục đích. Trước hết, Chúa Giê-su muốn trả lại cho đền thờ sự tôn nghiêm và thánh thiêng, vì thế, Chúa phải xua đuổi tất cả những vật và người làm dơ bẩn và xúc phạm đền thờ. Đó là vấn đề thời Chúa Giê-su, nhưng hôm nay chúng ta phải lưu tâm một chút về vấn đề này. Thứ nhất, nhà thờ là nơi tôn nghiêm và thánh thiêng, là nơi chúng ta đến để cầu nguyện và lãnh nhận ơn Chúa qua các Bí tích, và là nơi thờ phượng và gặp gỡ Chúa. Vì vậy, chúng ta phải hết sức trang nghiêm, không nghêng ngang, không nói chuyện ồn ào trong nhà thờ, không nhai sing-gôm, không xử dụng các máy điện tử, và nhất là nên tắt các điện thoại di động.
Tiếp đến, khi xua đuổi các người buôn bán và đổi tiền ra khỏi đền thờ, Chúa Giê-su muốn thanh tẩy khỏi đền thờ những việc gian tham, lừa dối và không công bằng vì lợi lộc tiền bạc. Hay nói một cách khác, Chúa muốn thanh tẩy sự nguy hiểm tôn thờ tiền bạc. Những con buôn đưa súc vật vào đền thờ không phải vì lòng yêu mến Chúa hay vì lòng hy sinh quảng đại muốn tìm cách để xây dựng đền thờ, nhưng vì tham lam muốn kiếm tiền, coi trọng tiền bạc hơn Chúa. Dùng Chúa và đền thờ để phục vụ tư lợi của mình. Chúng ta cũng phải coi chừng. Nhiều người trong chúng ta một cách nào đó cũng lợi dụng đền thờ như thế.
Cuối cùng, khi đuổi xúc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giê-su còn muốn thanh tẩy cả thái độ và cách thờ phượng của chúng ta. Thời xưa, người ta dâng xúc vật làm của lễ. Lòng đạo đức được đo bằng sức nặng của con vật hay bằng vật chất. Dâng vật to và nhiều sẽ được nhiều ơn phúc. Nay, Chúa Giê-su muốn chúng ta đến với Chúa bằng chính tâm hồn của chúng ta. Lễ vật của chúng ta dâng đẹp lòng Chúa là thái độ khiêm nhường, tấm lòng bác ái, quảng đại, và là tấm lòng ăn năn sám hối chân thật.
Thật vậy, Chúa Giêsu thanh tẩy không chỉ đền thờ bằng gỗ đá, nhưng Chúa muốn thanh tẩy đền thờ tâm hồn của mỗi người chúng ta để xứng đáng là nơi Chúa ngự trị. Vì thế, chúng ta phải gìn giữ đền thờ ấy luôn trong sạch, cao quí từ lời nói, tư tưởng đến hành động. Chúng ta hãy thành tâm thử hỏi: “Tâm hồn của chúng ta bây giờ có xứng đáng là nơi Chúa ngự không?” “Những người chung quanh có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn của chúng ta không?” Khi chúng ta có những lời nói và hành động có tính cách kiêu căng, lừa dối, gây chia rẽ và ích kỷ thì đời sống của chúng ta cũng như đền thờ Giêrusalem xưa trở thành ô uế và cần sự thanh tẩy qua tình yêu tha thứ của Chúa.
Tóm lại, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hôm nay phải có trách nhiệm, trang nghiêm và tôn trọng nhà thờ là nơi Chúa ngự. Chúng ta phải giữ ngôi nhà thờ sạch sẽ và thánh thiêng vì là nơi chúng ta đến cầu nguyện xin ơn và thờ phượng Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta biết dùng mùa chay thánh này để nhận ra những sự dơ bẩn và ô uế là tội lỗi và những nết xấu hiện diện trong đời sống, và quyết tâm xin Chúa thanh tẩy, hãy đến với Chúa trong Bí tích Hòa giải, một Bí tích cao quí mà Thiên Chúa đã ban cho giáo hội, để biến đổi tâm hồn chúng ta trở nên thánh thiện hơn, xứng đáng là đền thờ Chúa ngự.