Trong Giáo Hội có rất nhiều vị mục tử thánh thiện và gương mẫu, đáng để chúng ta noi theo. Nhưng, mẫu gương tuyệt hảo nhất chính là Đức Giêsu, vị Mục tử nhân lành khả kính, Đấng mà Giáo hội hôm nay mời gọi chúng ta quy hướng về. Giáo hội dành riêng ngày Chúa nhật tuần 4 mùa Phục sinh với các bài đọc Lời Chúa để chúng ta học hỏi nơi Đức Giêsu, nguyên mẫu mục tử cho tất cả mọi người.
Tình yêu mục tử nơi Chúa Giêsu được hiển thị rõ nét qua ba chiều kích : Vị mục tử biết chiên của mình, vị mục tử lặn lội đi kiếm tìm con chiên lạc, và vị mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.
Mục tử nhân lành ‘biết’ các chiên của mình
Trong Tin mừng Gioan chương 10, Chúa Giêsu đã nói về đặc nét căn bản này. Trước hết, vị Mục tử nhân lành biết rõ từng con chiên trong đàn :“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Đây không phải là cái biết của tri thức, nhưng đó là thái độ biết chiên được biểu tỏ bằng sự hiệp thông sâu xa. Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nói về việc Ngài biết Chúa Cha và thi hành những công việc được Chúa Cha trao phó (Ga7,29; Ga 8,19; Ga 9,55,…). Tương tự như thế, Ngài mời gọi các học trò của mình bắt chước Ngài, ‘biết’ các con chiên, giống như Ngài đã biết. Chúa là vị Mục tử nhân lành luôn luôn biết các con chiên thuộc đàn của mình.
Để diễn bày thái độ ‘biết’ chiên, Đức Giêsu đã đi vào trần gian, chia thân sẻ phận với chúng ta. Ngài vui với người vui, khóc với người khóc. Ngài đi dự tiệc cưới tại Cana để chung chia niềm vui với đôi uyên ương trẻ. Ngài thổn thức trước cái chết của đứa con trai bà góa thành Naim. Chúa cũng rơi lệ khi đứng trước ngôi mộ của Lazarô, người bạn nghĩa thiết. Đức Giêsu là Thiên Chúa rất Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là một con người rất con người, gần gũi với cuộc sống đời thường, sống giống hệt như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.
Trong một bài giảng mùa chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyến mời các vị mục tử đừng bao giờ ‘mỏi mệt’ để biết các con chiên của mình và người Mục tử phải có ‘mùi chiên’. Cụ thể, Đức Thánh Cha vẫn hay đến thăm các nhà tù, đã từng cúi xuống rửa chân cho các thiếu niên phạm pháp, đã ngồi ăn uống chung với những người vô gia cư… Điều Đức Thánh Cha thực hiện, không phải là một học thuyết mới lạ mang tính cách mạng, nhưng Ngài chỉ muốn sao chép lại cách sống của Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành luôn biết các con chiên của mình, và mang nơi mình ‘mùi’ của từng con chiên.
Mục tử nhân lành đi kiếm tìm con chiên bị lạc
Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết gia. Ba dụ ngôn mà Thánh Luca viết lại trong chương 15 diễn bày chân dung cứu thế và lòng thương xót của một vị mục tử đích thực. Đó là dụ ngôn kể về người đàn bà đi tiềm kiếm đồng bạc bị mất, dụ ngôn người chăn chiên lặn lội tìm kiếm con chiên đi lạc, và nhất là dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về trong sự vui mừng tột độ của người Cha. Chúa đã chọn cái chết bi thương trên Thập giá để diễn bày lòng thương xót và sự tha thứ vô điều kiện đối với các tội nhân. Phán quyết của Đức Giêsu, một vị quan tòa đầy lòng thương xót khi Ngài nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, cũng là phán quyết Chúa ngỏ trao tới từng người chúng ta, là những tội nhân đáng phải chết : “Tôi không kết án chị đâu. Hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Trong một bài giảng tại Missouri bên Hoa kỳ, Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nói rằng Đức Giêsu là một học sinh rất dốt toán. Ngài coi con số 1 lớn hơn con số 10. Ngài cũng là một kinh tế gia khá tồi, vì dám liều bỏ lại 99 con chiên khỏe mạnh để lặn lội đi tìm kiếm một con què quặt đang đi lạc. Ngài cũng là một kẻ đãng trí và hay quên. Ngài không nhớ cô gái đang ngồi khóc bên chân Ngài là một cô gái điếm khét tiếng, cũng quên mất tên tử tù bị đóng đinh bên cạnh Ngài là một tay gian phi nguy hiểm với một quá khứ đặc kín tội ác… Bởi vì, Chúa Giêsu luôn mãi là một Mục tử nhân lành, và Ngài mắc phải một căn bệnh kinh niên, đó là bệnh dễ quên. Căn bệnh lú lẫn và hay quên của Chúa thật đáng trân quý biết bao.
Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên
Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào.” Thánh giáo phụ Irênê cũng đã viết : “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Để chúng ta được sống và sống dồi dào, Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết khủng khiếp giống hệt một tên tử tội đốn mạt. Ngài đã nói: “Cha tôi đã làm việc, và tôi cũng luôn làm việc”. Công việc của Ngài là hy sinh tính mạng để đem lại sự sống cho con người, phục hồi cho ta phẩm giá cao quý được làm con Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Salê đã nói: “Điều linh thánh nhất trong tất cả mọi điều linh thánh là làm việc cho thiện ích các linh hồn (Divinissimum divinorum est opere ad lucrum animorum)”. Điều linh thánh ấy, Đức Giêsu đã thực hiện trong 3 năm rao giảng và cao điểm cuối cùng là Ngài chấp nhận cái chết oan ức trên Thập giá để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Ngài trở nên nguyên mẫu cho tất cả chúng ta, vì Ngài là Mục tử toàn hảo, đã hy sinh ngay cả mạng sống cho đoàn chiên.
Kết luận
Một linh mục trẻ đã chia sẻ tâm sự của mình trên blog như sau: “Tôi có một người bạn và cũng là một người anh rất thân thương. Ngài là một linh mục, lớn tuổi hơn tôi, và hình ảnh của vị linh mục đó luôn in đậm dấu ấn trong cuộc đời tôi. Ngài được bề trên sai về coi sóc một giáo xứ mới thành lập, và Ngài cũng là Cha xứ đầu tiên của giáo xứ đó. Giáo dân rất quý mến Ngài, vì Ngài hiền lành, luôn sống yêu thương chan hòa với mọi người. Ngài đặc biệt quan tâm tới những người nghèo, những bệnh nhân, những cụ già đơn chiếc và đặc biệt Ngài quý mến các trẻ em. Nhưng có một số vị trong ban hành giáo lại không thích Ngài. Lúc đầu họ ngấm ngầm chống đối, rồi dần dần ra mặt phản kháng công khai. Có điều kỳ lạ, là giáo dân trong giáo xứ cho dầu kính phục Cha xứ của họ, nhưng đã bị ban trùm lôi kéo và dần dần quay lại chống đối Ngài. Một kết cục rất đau buồn đã xảy ra, là đến một ngày đã sắp xếp, cả xứ kéo vào nhà xứ và dã tâm đập chết vị Linh mục mà trước đây họ rất nể phục. Người ta báo cho chính quyền, chính quyền cũng làm ngơ và ra vẻ như đồng thuận. Bà cố của Cha khi nghe tin, đã rất đau khổ, tâm hồn tan nát như chết lặng. Tuy nhiên, bà cố không bao giờ than trách, chẳng tỏ dấu buồn bực hay trách cứ một ai. Dần dần, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Từ khắp nơi, người ta kéo đến giáo xứ để tưởng nhớ đến Ngài và cầu nguyện trước di ảnh của Ngài như một đấng Thánh.
Người ta mới thắc mắc và hỏi: “Thế, Cha xứ đó tên là gì, và ở đâu ? Chúng tôi cũng muốn đến kính viếng và học hỏi nơi cuộc sống của Ngài”. Vị linh mục trẻ kia trả lời: “Ngài ở rất gần đây và cũng chẳng lạ lẫm gì. Tên Ngài quen thuộc lắm. Vị Cha xứ đáng kính đó tên là Giêsu”.
Giêsu chính là vị Mục tử khả ái, người Mục tử nhân lành. Ngài đã trở nên khuôn mẫu tuyệt hảo nhất cho tất cả mọi người chúng ta hôm nay, nhất là cho các anh em linh mục.
tình phụ tử, mẫu tử là một tình cảm hết sức thiêng liêng và hết sức mãnh liệt trong trái tim của những người cha người mẹ khi họ phải bảo vệ con cái khỏi phải nguy hiểm. Chúng ta đã từng nghe có người cha lao vào đám lửa cháy để cứa đứa con bé nhỏ của mình bị kẹt trong đó, hoặc là người mẹ ngày đêm túc trúc trong bệnh viện để chăm sóc cho đứa con, dù phải bán hết cả cửa nhà tài sản để chạy chữa cho con… những hình ảnh ấy dễ dàng giúp chúng ta hình dung về hình ảnh người mục tử mà Chúa Giêsu và Kinh Thánh thường sử dụng để nói về tình phụ tử, tình yêu thương săn sóc của Thiên Chúa dành cho con người.
Đối với người Việt Nam, hình ảnh đàn chiên và người chăn chiên có vẻ xa lạ, nhưng đối với văn hóa du mục như người Do Thái thì đàn chiên không chỉ là tài sản của gia đình, mà những con chiên còn được coi như là những thành viên trong gia đình, và người chăn chiên như là người cha người mẹ của chúng, họ ăn uống ngủ nghỉ, bồng bế con chiên như người ta bồng bế trẻ thơ, họ chăm sóc cho con chiên như chăm sóc cho con mình.
Chính vì thế, hôm nay Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ấy để nói lên tình yêu thương săn sóc của Thiên Chúa dành cho con người: Tôi chính là mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên. Chúa Giêsu qủa là một mục tử, được Thiên Chúa Cha sai đến với đòan chiên nhân loại này, cũng như người chăn chiên là người biết tìm cho chiên đồng cỏ non và dòng suối mát, là người bảo vệ đàn chiên khi bị sói dữ tấn công, nhiều lúc trong cuộc chiền bảo vệ đàn chiên này, người mục tử đã phải mang thương tích đầy mình vì móng vuốt và hàm răng của sói dữ tấn công. Chúa Giêsu chính là mục tử như thế, ngài đã đến để dắt nhân loại chúng ta đến đồng cỏ non là Nước trời, Ngài nuôi dưỡng chúng ta và dẫn đắt con người bằng Lời của Ngài, Ngài cho chúng ta không phải là cỏ non làm thức ăn, mà Ngài trao ban chính máu thịt Ngài làm lương thực bổ dưỡng cho nhân loại, và hơn thế nữa Ngài đã chiến đấu bảo vệ chúng ta khỏi nanh vuốt của Satan và thần chết; Trong cuộc chiến đấu này, Vị Mục tử Giêsu đã phải mang trên mình đầy thương tích bầm giập, tả tơi và cuối cùng Ngài đã hy sinh cả mạng sống để bảo vệ cho đàn chiên được sống.
Tôi là mục tử tốt lành, tôi biết chiên của tôi và chiên tôi biết tôi. Khác với những luật sĩ và biệt phái là những người chỉ biết lo tìm lợi ích cho mình mà không lo cho đàn chiên, họ chỉ là những người chăn thuê, không biết đến những nhu cầu và những nỗi khốn khổ của đàn chiên và không dám hy sinh bảo vệ đàn chiên, trái lại Chúa Giêsu so sánh mình như một mục tử tốt lành: tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi. Biết chiên của mình, không chỉ là biết tên biết mặt, mà là thấu hiểu từ trong tâm hồn, thông cảm và thứ tha, lắng nghe và nâng đỡ, Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn chúng ta hơn cả chúng ta biết về mình, Ngài biết cả những suy nghĩ ước muốn của chúng ta và biết cả những yếu đuối tội lỗi của chúng ta, như cha mẹ biết tính nết của từng đứa con mình để yêu thương, để vỗ về, Chúa Giêsu đã yêu thương săn sóc cho chúng ta như thế.
Với trái tim của một người mục tử, Chúa Giêsu không loại trừ bất cứ ai ra khỏi tình yêu thương của mình, dù họ có thuộc đàn chiên của Chúa hay họ thuộc đàn chiên khác, thì Chúa vẫn yêu thương chăm sóc và tìm cách để đưa mọi người trở về gia nhập vào đoàn chiên duy nhất dưới quyền một mục tử duy nhất là chính Chúa Giêsu.
Noi gương Thày Giêsu, đồng thời được trao ban cho nhiệm vụ chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Chúa, Thánh Phêrô, thủ lãnh của Giáo Hội đã trở thành một chủ chăn hết mình với Giáo Hội hy sinh vì sứ mạng của mình. Nếu trước đây không lâu Simon Phêrô là một một con người nhút nhát đã 3 lân chối bỏ thày mình, thì hôm nay trước mặt Thượng Hội Đồng Do Thái, Phêrô đã mạnh dạn lên tiếng bênh vực cho sứ mạng của mình là chủ chiên và bảo vệ cho những người đã được trao phó cho ông trong tư cách là tông đồ của Chúa Giêsu. Sứ mạng của Phêrô là loan truyền Tin mừng Phục sinh cho đến cùng cõi đất, là người củng cố đức tin cho anh em và là người chăm sóc đoàn chiên chủa Chúa, Thánh Phêrô đã mạnh mẽ khẳng định về màu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, cùng quyền năng Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu, và Người trở thành nguồn ơn cứu độ duy nhất cho toàn thể thế giới, Ngài đã trở thành một mục tử gương mẫu cho tất cả những người được trao trách nhiệm làm mục tử chăm sóc đàn chiên của Chúa.
Cảm nhận hạnh phúc vì được là con chiên trong đòan chiên của Chúa, mà hơn thế nữa, Đức Giêsu đã đổ máu mình ra để cứu chuộc chúng ta và qua cái chết của Ngài, Ngài đã nhận chúng ta vào trong gia đình Thiên Chúa, trở thành những thành viên trong gia đình của Thiên Chúa, thành người nhà và hơn thế nữa chúng ta cũng trở thành con Thiên Chúa, ân phúc này vượt quá sức mơ tưởng của chúng ta, Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã quả quyết với chúng ta như thế.
Vì là con trong gia đình, chúng ta cũng phải sống hết mình để chu toàn bổn phận và ơn gọi là người con của Thiên Chúa, sống hiếu thảo và vâng lời Thiên Chúa là cha cha hết mực yêu thương ta và hy sinh vì ta, là con chiên trong đàn chiên của Mục tử Giêsu, chúng ta cần đi theo sư hướng dẫn của Ngài, và để cho Ngài chăm sóc băng bó những vết thương trong tâm hồn chúng ta.
Thưa quý OBACE, là con chiên của Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi trước Chúa Giêsu, mà phải đi theo sau Ngài, theo sự hướng dẫn của Ngài, đi trong sự bảo vệ của Ngài. Ngài hướng dẫn chúng ta đi theo con đường của Tin Mừng, Ngài mời gọi chúng ta ăn trên đồng cỏ của tám mối phúc thật, Ngài muốn chúng ta bước vào con đường hẹp con đường hy sinh từ bỏ và nhất là con đường thập giá, vì chỉ có con đường này mới bảo đảm đưa chúng ta đến nguồn nước hạnh phúc chân thật, Ngài mời gọi chúng ta đến, không phải là đồng cỏ mà là bàn tiệc thánh của Ngài để cùng ăn cùng uống với Ngài, Ngài dùng các Bí tích là những phương thuốc chữa lành mọi bệnh tật trong tâm hồn, hãy đến với các Bí tích nhất là bí tich giái tội để được chăm sóc và chữa lành.
Là con chiên trong đoàn, chúng ta còn phải đồng hành cùng với các anh em khác, chúng ta không thể đi một mình, mà phải đi cùng với những người khác, cùng tiến về đồng cỏ hạnh phúc nước trời. Chúng ta đang sống trong một đàn chiên cụ thể là Giáo Hội, giáo phận, và đặc biệt chúng ta đang là con chiên trong đoàn chiên giáo xứ, hãy trở thành những thành viên có trách nhiệm, cùng chung tay góp sức xây dựng giáo hội địa phương và xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn giáo xứ, hãy sống tốt hơn nữa tình tương thân tương ái trong môi trường chúng ta đang sống, nhất là lắng nghe tiếng nói của chủ chiên mà Chúa đã đặt lên, để hướng dẫn chúng ta và bằng sự cộng tác xây dựng.
Không chỉ là con chiên, mà mỗi chúng ta cũng đang là những mục tử, là người chăn dắt hướng dẫn những người khác nữa: Là cha mẹ trong gia đình, quý vị đang được mời gọi trở thành những mục tử cho con cái, hãy noi gương vị mục tử Giêsu, không chỉ tìm kiếm cơm gạo nuôi con, mà các bậc cha mẹ còn phải dùng đời sống gương sáng của mình để dẫn đưa gia đình và con cái đi theo con đường của Thiên Chúa muốn, và đừng đi bằng con đường nào khác mà hãy đi theo con đường của Tin Mừng, hết mình bảo vệ sự êm ấm thuận hòa và bầu khí hạnh phúc của gia đình bằng đời sống cầu nguyện, bằng những giờ kinh, bằng sự dạy dỗ uốn nắn con cái khỏi những sự tấn công của sói dữ là nhữ lôi kéo và những tệ nạn xấu xa trong xã hội hôm nay như rượu chè, cờ bạc, phim ảnh sách báo xấu…
Hôm nay còn là ngày cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục tu sĩ, các bạn trẻ nam nữ thân mến! Các bạn đang được Chúa và Giáo hội mời gọi quảng đại đáp lại tiếng Chúa, sống đời tu trì trở thành những linh mục tu sĩ, những mục tử trong Giáo Hội, Chúa đang cần sự cộng tác của các bạn, Chúa đang muốn dùng trái tim khối óc của các bạn, dùng đôi tay và tuổi trẻ của các bạn để Ngài tiếp tục yêu thương săn sóc cho đoàn chiên của Ngài, đừng ngại ngần đắn đo, đừng tiếc cuộc đời với Chúa vì Chúa có tiếc gì với các bạn đâu, hãy mạnh dạn đáp lại tiếng Chúa, đừng chỉ sống cho riêng mình, mà hãy dám sống cho nhiều người. Chúa đang chờ các bạn! Amen
Thánh lễ Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi mọi thành phần dân Chúa hướng về Đức Kitô Phục Sinh với tước hiệu “Chúa Chiên Lành”, nói một cách bình dân, Đức Kitô là vị Mục Tử tốt lành, công việc chính yếu của Ngài là chăn dắt, thí mạng để bảo vệ đàn chiên khỏi nanh vuốt của sói dữ tham mồi, dẫn đưa đàn chiên đến đồng cỏ xanh non và suối nước không bao giờ cạn, dẫn đưa đàn chiên về với cội nguồn của sự sống vĩnh cửu và niềm hạnh phúc viên mãn trong gia đình Thiên Chúa nơi vương quốc Nước Trời. Ngài không chỉ chăn dắt những đàn chiên ngoan hiền, sống theo bầy đàn, nhưng ngài còn cất công đi tìm và đem về những con chiên ngỗ nghịch, bỏ bầy đi rong chơi… như lời Ngài đã minh định: “ Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này, cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn và chúng sẽ nghe tiếng Ta..” (Ga.10,).
Trong ngày lễ Chúa Chiên Lành, ta được Giáo Hội mời gọi cầu nguyện cho ơn thiên triệu, linh mục và tu sỹ. Đây là một công việc rất thiết thực và rất có ý nghĩa, nhất là với xã hội ngày hôm nay, một xã hội tôn sùng chủ nghĩa hiện sinh, hưởng thụ…Sự bành trướng của những lối sống này đã đưa đến hiện tượng khan hiếm ơn gọi trở thành linh mục, tu sỹ…Còn đó những cộng đoàn thiếu vắng các vị mục tử cử hành các bí tích, hướng dẫn, chia sẻ Lời Chúa nơi quê hương đất nước ta, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, những buôn sóc anh em dân tộc thiểu số, rất nhiều nơi thiếu vắng tình thương của Chúa qua bàn tay chăm sóc của các tu sỹ nam, nữ, những tâm hồn thiện nguyện. Cuối cùng ta cũng được mời gọi dâng lời cầu nguyện để tỏ lòng biết ơn, quý trọng đối với các vị mục tử đã và đang chăm sóc ta trong đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện như lời mời gọi của thánh Phaolô: “ Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy quý trọng những ai đang vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh Chúa và khuyên bảo anh em” (1Tx. 5,12)
Hướng về Đức Kitô Phục Sinh vị Mục Tử Nhân Lành, ta cũng không quên cầu nguyện cho chính ta là những mục tử mà Chúa yêu thương giao phó cho ta trách nhiệm chăm sóc đàn chiên qua hình ảnh của những người thân yêu nơi mái ấm gia đình, nơi cộng đoàn… Để nhờ ơn Chúa giúp ta dần trở thành những mục tử như lòng Chúa ước mong, luôn biết khiêm hạ, hy sinh, hiến thân chăm lo, bảo vệ đàn chiên là vợ, chồng, con, cháu, anh em…Đây chính là quà tặng, là ân sủng của Thiên Chúa ban tặng cho ta một cách nhưng không.
Đức Giêsu Kitô Phục Sinh đã nên gương cho ta trong vai trò mục tử, Ngài cũng mời gọi ta bước theo, học theo Ngài trong trách nhiệm và bổn phận mục tử mà Ngài đã trao ban. Vâng! Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa khi vâng lời Chúa Cha bước xuống trần mặc lấy kiếp phàm nhân, sống như người trần thế (x.Pl.2,6-8), Ngài đã là một người con hiếu trung nơi gia đình Thánh Gia, Ngài vâng lời Cha trên trời cho đến chết và chết trên cây thập giá. Chính đời sống nói thực, sống thực, Ngài mạnh dạn và lớn tiếng phán với các môn đệ thân tín và với người Do Thái: “ Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì đàn chiên…Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta nhận nơi Cha Ta”(Ga.10,11-18).
Làm sao ta có thể trở thành người mục tử gương mẫu, thánh thiện, chu toàn công việc và bổn phận, biết chăm lo và xả thân vì đàn chiên, nếu ta thiếu lòng trung hiếu, thiếu đức vâng lời, khiêm hạ, sự chuyên chăm và nhất là dám hy sinh chính tính mạng của mình để bảo vệ đàn chiên, thánh Phêrô khi nói về trách nhiệm và bổn phận của người mục tử, ngài đã viết:“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr.5, 2-5).
Vâng! Nếu trong đời sống của ta thiếu lòng trung hiếu với Chúa và với nhau, thiếu đức vâng lời, khiêm hạ, thiếu đi sự từ bỏ những danh, quyền, lợi và cả chính bản thân, mạng sống mình, điều tất yếu ta sẽ dần trở thành kẻ làm thuê, chăn thuê như lời Đức Kitô đã phán: “ Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên chạy tán loạn” (Ga.10,12).
Lời bộc bạch của thánh Phaolô:“Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(Rm.7,19) đã nói lên cái yếu đuối và tính xác thịt nặng nề của chính ngài và cho chính ta, nhưng Thánh Nhân đã tìm ra cho mình một con đường giải thoát để trở thành vị mục tử đẹp lòng Chúa khi ngài thốt lên:“Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này. Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm.7, 24-25). Từ nơi Đức Ki tô ta mới có thể trở thành những mục tử như Ngài hằng ước mong.
Lạy Chúa Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành! Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã chăm sóc con và gia đình con, Chúa đã ban và mời gọi con trở thành người mục tử chăm lo đàn chiên của Chúa là chính gia đình con.
Con xin lỗi Chúa, vì con đã không học theo gương Chúa trong công việc và bổn phận, con đã ích kỷ, chỉ chăm lo cho chính mình và cho những gì mình yêu thích, những gì dễ dãi đối với con, để rồi con dần trở thành kẻ chăn thuê làm đàn chiên của Chúa tan tác.
Con van xin Chúa tha thứ và ban ơn trợ giúp, để từ đây, nhờ ơn Chúa giúp, con sẽ trở thành người mục tử như lòng Chúa ước mong. Amen.
Chúa Giêsu nói: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”.
Như thế thì, chuẩn mực của mục tử tốt lành là “mục tử biết con chiên của mục tử” và “con chiên biết mục tử của chiên”.
Không thấy nói chuẩn mực của mục tử tốt lành là bằng cấp, là học vị, là du học, là phân biệt Triều, hay Dòng, là Tụ Hội, là Tu Đoàn, là Đan Sĩ… Và cũng không biết cái phẩm trật dựa trên học vị bằng cấp trong Giáo Hội, đã có tự lúc nào, và sẽ còn kéo dài tới khi nào, trong khi, 12 con người xuất thân từ Đại Học Giêsu ra chẳng có cái bằng cấp nào cả, nếu không nói là môn học “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” là môn học cả đời, và hầu như không có luận án nào đạt điểm tốt nghiệp.
Cha Gioan Maria Vianey chẳng hạn. Không những chẳng có bằng cấp, chẳng có học vị, mà còn được xếp vào loại Linh Mục yếu kém chuyện học, học hoài cũng chẳng giỏi, thiếu điều bị loại khỏi Chủng Viện, và khi đã được lãnh chức Linh Mục, còn bị anh em Linh Mục xem thường. Thế nhưng, như Thánh Phaolô nói: “Chính trong khi tôi yếu đuối thì Chúa Kitô nên sức mạnh cho tôi”, Cha Vianey đã học môn học “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” ở trường Đại Học Giêsu mà không hề có lấy mảnh bằng, không có lấy học vị đáng giá trong mắt người đời, kể cả trong mắt của những người có học vị, có bằng cấp trong Giáo Hội.
Cha xứ Họ Ars chỉ mới là một điển hình trong vô vàn điển hình quý giá nơi các Linh Mục chẳng nổi tiếng học hành gì, chẳng bằng cấp gì, nếu không nói là vẫn được xếp vào loại tầm thường, nhưng gặt hái về cho Chúa nhiều linh hồn.
Thiết tưởng, chính môn học “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” là môn học chìa khóa mở ra cho người mục tử con đường yêu thương phục vụ của Mục Tử Nhân Lành Giêsu Kitô, chứ không phải môn học nào khác với bằng cấp sáng chói, với bảng vàng danh dự, với học vị cao ngất trời kia.
Kinh nghiệm cho thấy cái thành công của một Linh Mục quản xứ không lệ thuộc vào bằng cấp học vị, mà lại dựa trên căn tính “Ipse Christus” để yêu thương đoàn chiên, chăm sóc đoàn chiên, và hết lòng, hết dạ, hết linh hồn, hết trí khôn lo cho đoàn chiên sống mật thiết với Thiên Chúa trong ân sủng và sống bình an, hiệp nhất, yêu thương nhau trong cộng đoàn. Thành công của một Linh Mục là “Linh Mục ấy đã là “chính Chúa Kitô" mục tử, chính Chúa Kitô hiền lành khiêm nhượng yêu thương thí mạng vì chiên”.
Vâng,
- Có hiền lành khiêm nhượng mới dám bước ra khỏi cái lâu dài khanh tướng của mình mà bước xuống, cúi xuống, biết xuống con chiên của mình, mới dám chạm xuống những nỗi đau của con chiên, dám xuống tay xoa dịu những vết thương, dám xuống tay băng bó, dám xuống cả tấm lòng mà thấu cảm cái bất hạnh của con chiên thiếu đói, tật nguyền, bệnh hoạn, giữa đời thường kia. Bằng không, hãy cứ chờ con chiên nào đến được với cha thì cha biết, con nào chẳng chịu đến thì cha chẳng hề biết.
- Có hiền lành khiêm nhượng mới có chạnh lòng, mới có mau mắn sáng kiến tỏ bày lòng thương con chiên và lo lắng cho đoàn chiên. Bằng không, Linh Mục trở nên người vô cảm hơn ai hết.
- Có hiền lành khiêm nhượng trong lòng mới thể hiện ra đích thực con người của Đức Giêsu Kitô yêu thương hết mình, phục vụ tận tình, kiên nhẫn ép mình chịu thương chịu khó cho đoàn chiên được sống vui. Bằng không, Linh Mục là người nhàn nhã, cầu an hơn ai hết.
- Có hiền lành khiêm nhượng trong lòng mới chính hiệu là gương sáng đức hạnh, thánh thiện, gương sáng cho một cuộc sống khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh, gương sáng cho một sự kết hiệp viên mãn với Lời Hằng Sống, Bánh Hằng Sống, gương sáng “làm việc này mà nhớ đến ta”, gương sáng tấm bánh bẻ ra cho đời, gương sáng sống và chết cho đoàn chiên được sống. Bằng không, Linh Mục chỉ là lính chăn thuê có cấp bậc ngon lành hơn ai hết.
Hẳn là, không cần ai phải nói, các Linh Mục hiểu rõ, biết rõ việc phải nên giống Chúa Giêsu Mục Tử hiền lành khiêm nhượng. Nhưng, vấn đề biết là một chuyện, và sống như điều mình biết là chuyện khác. Nhất là, trong toàn cảnh cảm tính của Giáo Dân Việt Nam, một là, vẫn luôn tốt lành, vẫn suy tôn, quý mến, chiều chuộng các cha quá lẽ, hoặc hai là, chẳng dại gì mà thật thà lên tiếng góp ý với các cha, bởi có góp ý cũng chẳng được, lại coi chừng chuốc họa vào thân: bị chụp mũ là tội phá hoại Giáo Hội, chết không có đất mà chôn!
Xin đừng nghĩ rằng, các Linh Mục vẫn biết rõ điều đó, và Giáo Dân thì không được phép yêu cầu Linh Mục phải sống thế nào. Chúa bảo “con chiên biết chủ chiên mà”.
Không Linh Mục nào phải dại gì để bị mang tiếng là kẻ chăn chiên thuê cho Đức Cha, hết thuê chăn chiên ở xứ này, rồi thì thuê chăn ở xứ khác… Nhưng cũng có trường hợp con chiên thì chẳng thấy chủ chiên thương yêu con chiên, chẳng thấy lo lắng gì cho con chiên, hay đúng hơn chủ chiên chỉ có việc dâng Lễ mà đôi khi còn ngã lên té xuống, giải tội thì bất đắc dĩ quát tháo lung tung, thì nói chi đến chuyện lo cho đoàn chiên một đời sống tâm linh vững mạnh!
Nói đến chuyện này, thì có cha lại bảo đừng vơ đũa cả nắm!
Thế nhưng, nếu là con chiên trong Xứ Đạo mà có cha sở như thế, thì chỉ một cha thôi mà vơ một nắm con chiên có khi đôi ba ngàn con vứt vào đâu chẳng biết. Con chiên nản chí, nản lòng, bỏ xứ mình, tìm dự lễ xứ khác…
Đã đến cái thời kỳ mà Giáo Dân khao khát sự thánh thiện của các Linh Mục hơn khi nào hết. Không nên xếp Giáo Dân vào loại mạt hạng như ngày xưa nữa, nhưng hãy biết rằng họ đang mong chờ nơi các Linh Mục một đời chứng hơn là những lời chứng.
Bởi vậy mới cho chuyện con chiên nơi này, nơi kia lo lắng, suy tư, trăn trở thao thức, rồi bàn tán xôn xao mỗi khi có lệnh thuyên chuyền các Linh Mục trong Giáo Phận:
- Cha mới rất giỏi, du học về!
- Không, chúng tôi ngán rồi. Chúng tôi cần một cha mới biết “thương con chiên và mang lấy mùi chiên, nhất là mùi chiên lợm mửa ở nơi này”.
- Cha mới giảng rất hay!
- Không, chúng tôi cũng ngán rồi! Chúng tôi cần một cha “sống trước giảng sau, giảng ít ít cũng được, hơn là giảng thật hùng hồn, giảng thật hay ho mà toàn những điều ngài chưa sống, hoặc toàn là những điều ngược lại với đời sống của ngài!”
- Cha mới xây Nhà Thờ rất giỏi! Kiếm tiền rất giỏi!
- Không chúng tôi cũng ngán rồi. Chúng tôi cần một cha mới xây dựng lại ngôi nhà hiệp nhất muôn lòng trong Giáo Xứ của chúng tôi, bởi vì cha cũ đã làm sụp đổ căn nhà ấy. Hội đồng bất nhất, đoàn thể chia rẽ, toàn là "tướng không quân" nên các sinh hoạt hời hợt rời rạc… Sao cũng xong, miễn là cha khỏe.
Không chỉ dừng lại ở đoàn chiên trong ràn, mà còn phải hướng tới những con chiên ngoài ràn: “Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta”.
Vậy nếu lo cho đoàn chiên trong ràn mà lo chưa xong, thì làm gì có chuyện nghĩ tới những con chiên ngoài ràn kia đang khao khát vào chung một ràn chiên, một chủ chiên.
Lạy Chúa, Lễ Chúa Chiên Lành, chúng con tôn vinh Chúa Giêsu là Mục Tử Tốt Lành, mục tử hiền lành khiêm nhượng yêu thương đoàn chiên và thí mạng sống vì đoàn chiên, là gương soi, là chuẩn mực cho các Linh Mục coi xứ. Chúng con tạ ơn Chúa vì chúng con có những Linh Mục thánh thiện đạo đức xứng đáng là “chính Chúa Kitô” mục tử, “chính Chúa Kitô” hiền lành khiêm nhượng đang hiến tế cuộc đời mình cho đoàn chiên của chúng con được sống, và sống dồi dào.
Nhưng lạy Chúa, chúng con cũng đang lấy làm tiếc vì không thiếu những Linh Mục không hoặc chưa theo đúng chuẩn mực “hiền lành khiêm nhượng của Chúa” mà coi sóc, chăm lo cho chúng con. Nguyện xin tình yêu Chúa thôi thúc các Ngài yêu mến Chúa Giêsu Kitô Mục Tử nhiều hơn nữa, và sẵn sàng biến cuộc đời các ngài nên “Ipse Christus”, nên “chính Chúa Kitô” Mục Tử Tốt Lành, Hiền Lành Khiêm Nhượng, Hiến Thân cho đoàn chiên chúng con được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ. Amen.
Một hôm, bất chợt cậu lễ sinh tròn mắt nhìn Linh Mục xứ và nói:
– Ôi, cha có mùi gì lạ thế?
– Mùi gì là mùi gì?
– Con không xác định được, nhưng hình như là mùi... heo!
Linh Mục cười và xoa đầu cậu bé:
– À, tưởng gì. Cái thằng này thính mũi thế. Này, cha mới tắm cho mấy con heo bên nhà hàng xóm, mùi heo là tất nhiên rồi!
– Sao cha lại làm việc ấy?
– Không có việc xấu, chỉ có người xấu. Ông ấy đã già, không thân nhân, nuôi heo để sinh sống. Mấy hôm nay ông ấy bị mệt, cha phải giúp ông ấy thôi.
– Dạ, con hiểu rồi.
Hôm sau, cậu lễ sinh cười:
– Ôi, hôm nay cha lại có mùi gì kỳ lắm. Mùi này tanh lắm!
– À, hồi nãy cha đi thăm mấy bệnh nhân nằm liệt, không ai giúp đỡ, cha phải giúp họ vệ sinh cá nhân. – Dạ, con hiểu rồi. Tuần sau, cậu lễ sinh ngạc nhiên nói: – Mùi lúc này khác lạ lắm, cha ơi! – Thế con thấy mùi gì? – Mùi này không hôi, không tanh, không khó chịu, mà thơm tho lắm, dễ chịu lắm.
– Cái thằng này, mũi thính thế!
Cậu bé gãi đầu, ngập ngừng: – Nhưng... – Nhưng gì nào? – Nhưng... con thích... ngửi mùi hôi... hơn mùi... thơm.
Linh Mục tròn mắt:
– Sao vậy? Thơm không thích mà thích hôi à?
– Mùi hôi tanh là mùi thật. Mùi thơm là mùi giả. Cha hôi thì con còn muốn đến gần, cha thơm thì con không dám đến gần, vì cha sang trọng quá! Chúa Giêsu cần chiên đen hơn chiên trắng, luôn gần gũi người nghèo khổ chứ đâu có thân thích với người giàu có. – Cha xin lỗi và cảm ơn con. Từ nay cha sẽ cố gắng giống Ngài hơn!
Câu chuyện nhỏ, cụ thể với loại “mùi lạ” cần thiết đối với một mục tử đích thực. Chắc hẳn lời này quá quen: “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23, 1). Câu này mô tả sự an tâm, và chúng ta có an tâm?
Ai cũng là tội nhân. Mặc dù chúng ta chỉ là những con chiên lạc, chiên ghẻ, chiên quậy phá, chiên bướng bỉnh… (x. Lc 15, 4-7), nhưng Thiên Chúa quá đỗi yêu thương chúng ta và muốn chúng ta đồng hưởng vĩnh phúc với Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Ngài sai Con Một đến thế gian không để luận phạt mà để giải thoát chúng ta: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Ngài “không lên án” cũng đủ hạnh phúc đối với chúng ta rồi, thế mà Ngài còn muốn chúng ta “được cứu độ”. Đó là điều tích cực nơi Thiên Chúa, và hạnh phúc của chúng ta tăng theo cấp số nhân.
Kinh Thánh cho biết chi tiết: Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ítraen biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv 4, 8-10). Các Tông Đồ đã nhân danh Đức Kitô chữa lành bệnh tật cho người khác, điển hình là một người tàn tật được chữa lành và đang đứng trước mặt mọi người.
Lúc trước, dù rất thân quen nhưng có lúc các tông đồ đã tưởng Thầy Giêsu là “bóng ma”, bởi vì bao nỗi lo sợ còn vây quanh họ. Nhưng Ngài củng cố niềm tin cho họ bằng nhiều cách, và rồi họ đã trở thành “con người mới” hoàn toàn. Thật vậy, ông Phêrô khẳng khái nói: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4, 11; Tv 118, 22). Chính “viên đá bị loại bỏ” lại hóa thành “viên đá nền tảng”, mà người loại bỏ viên đá đó chẳng ai xa lạ – chính mỗi chúng ta. Thế mà Đức Kitô vẫn yêu thương và tìm kiếm chúng ta về hưởng hạnh phúc với Ngài. Thật quá kỳ diệu!
Chúng ta đã được biết Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Đấng-Gánh-Tội-Trần-Gian và là Đấng-Xóa-Tội-Trần-Gian. Kinh Thánh xác định: “Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).
Và vì thế, chắc chắn chúng ta phải hết lòng “tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118, 1 và 29). Thật vậy, Thánh Vịnh gia đã xác định rạch ròi:
Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời Thì hơn tin cậy ở người trần gian Cậy vào thần thế vua quan Chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời Con xin cảm tạ Ơn Ngài Vì đã đáp lời và cứu độ con (Tv 118, 8-9 và 21)
Thật kỳ diệu khi Thiên Chúa đã chuyển bại thành thắng, biến yếu thành mạnh, làm đồ bỏ thành đồ quý. Đối với loài người thì phải chịu “bó tay”, nhưng đối với Thiên Chúa lại hoàn toàn khả thi (x. Mt 19, 26). Đó là công trình kỳ diệu của Ngài trước mắt loài người! Ôi, chúng ta có một Vị Chúa quyền năng như vậy thì sao lại không hạnh phúc và hãnh diện chứ? Chắc chắn đó là sự tôn thờ chính đáng của chúng ta, không hề mơ hồ hoặc mù quáng.
Xin tạ ơn Chúa về một tấm gương sáng, một sự thật bất ngờ và thú vị: Giáo Dân xứ Chúa Ba Ngôi bất ngờ, và cả thủ đô Paris (Pháp) cũng ngạc nhiên, khi biết quyết định của Đức Cha tân cử Philippe Christory (60 tuổi): Đi bộ suốt 100km khi đến nhận nhiệm sở là Giáo Phận Chartres – lễ tấn phong ngày 15.4.2018. Hành trình đi bộ của ngài kéo dài 5 ngày, mỗi ngày đi khoảng 20km. Thật tuyệt vời, phù hợp với khẩu hiệu Giám Mục của ngài: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10b) – trùng hợp với Tin Mừng hôm nay.
Mùi chiên cũng có nhiều loại. Chiên béo mập có mùi thơm, chiên gầy ốm có mùi hôi tanh. Mục tử nào có mùi loại chiên nào thì chúng ta biết đó là loại mục tử thật hay giả, chủ chiên hay thợ chiên. Rất rạch ròi, hoàn toàn đúng với hệ lụy tất yếu, KHÔNG THỂ BIỆN HỘ chi cả. Người ta NHÌN chứ KHÔNG NGHE.
Một thực tế buồn tại Việt Nam: Có một số Linh Mục uống rượu quá mức, uống hơn cả người đời, rồi chỉ thân quen với “chiên béo” và thích “lễ béo” mà thôi, ngôn – hành đối lập! Hay ho gì và hãnh diện gì khi muốn chứng tỏ mình là “hũ chìm” chứ? Đó là một dạng mê vật chất, mê ăn uống – tức là tham lam, mà “tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (x. Ep 5, 5; Cl 3, 5), thế thì chỉ là thợ chiên hoặc kẻ chăn chiên thuê, không thể là chủ chiên đích thực.
Cung và cầu có liên quan với nhau, hầu như không thể tách rời. Thánh ghi chép Tin Mừng theo Thánh Gioan nhắc chúng ta: “Anh chị em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con của Thiên Chúa” (1Ga 3, 1a). Chúng ta là những tội nhân khốn nạn, đáng trừng phạt muôn kiếp vẫn chưa đủ, vậy mà Thiên Chúa bắt Con của Ngài chết thay chúng ta, và tiếp tục nhận những tử-tội-chúng-ta làm “thiên tử”, thực sự là con-của-Trời chứ đâu phải các vua chúa hay quan quyền mới được làm thiên tử. Hơn cả tuyệt vời, vượt mức kỳ diệu, làm sao chúng ta có thể tưởng tượng nổi. Ơn phải đền, nghĩa phải trả – tâm tình thành thật thực tế!
Nguyên nhân và kết quả (hoặc hậu quả) cũng có hệ lụy với nhau. Thánh Gioan giải thích: “Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Ngài” (1Ga 3, 1b). Thế gian không nhận ra Chúa Giêsu là ai, không công nhận Ngài là Chúa, thế nên họ cũng không thể nhìn nhận chúng ta là con cái của Thiên Chúa, nói cho “oai” theo Hán-Việt là thiên tử. Thật vậy, Thánh Gioan nói: “Hiện giờ chúng ta là con của Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng, khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3, 2). Câu này xác định niềm hy vọng đối với mỗi chúng ta. Là con của người cha thì “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh” và được ở trong nhà của người cha, là con của Thiên Chúa thì chắc chắn cũng được ở trong Nhà của Thiên Chúa – tức là Nước Trời, và cũng được nên giống Thiên Chúa trong vinh quang Thiên Quốc vĩnh hằng.
Chính Chúa Giêsu minh định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11). Đó là chân dung một vị mục tử đích thực. Nếu không thật thì sao? Ngài giải thích: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy” (Ga 10, 12a), do đó “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10, 12b-13). Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đời thường cũng cho chúng ta thấy rõ tình trạng ai thật và ai giả.
Xã hội hay tôn giáo cũng có thật – giả, và vì thế, có lần Chúa Giêsu đã thẳng thắn cảnh báo: “Anh chị em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh chị em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai” (Mt 7, 15-16). Xem trái biết cây, đơn giản mà thâm thúy, như người Việt Nam cũng có ý tương tự: “Rau nào sâu nấy”. Kinh Thánh tường thuật cuộc xử kiện của vua Sa-lô-môn một cách khôn ngoan để xác định được ai là người mẹ thật của đứa bé (1 V 3:16-38), chứng tỏ ông là người được Thiên Chúa ban cho ơn khôn ngoan kỳ lạ.
Không chỉ xác định chính mình là Mục Tử nhân hậu, Chúa Giêsu còn xác định Ngài là “Cửa của chuồng chiên” (Ga 10, 7 và 9). Và Ngài nói: “Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”. Đồng thời Ngài cũng nhận định để “lưu ý” các ngôn-sứ-giả: “Kẻ trộm chỉ đến để ĂN TRỘM, GIẾT HẠI và PHÁ HUỶ” (Ga 10, 10a), và nói về chính Ngài: “Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên ĐƯỢC SỐNG và SỐNG DỒI DÀO” (Ga 10, 10b).
Chúa Giêsu 2 lần xác định trong Phúc Âm hôm nay: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10, 11 và 14a). Tại sao? Chúa Giêsu giải thích một đặc điểm khác của vị mục-tử-đích-thực: “Tôi BIẾT chiên của Tôi, và chiên của Tôi BIẾT Tôi” (Ga 10, 14b). Chủ chiên luôn biết rõ từng con chiên, người chăn chiên thuê thì chiên nào ra sao cũng mặc kệ! Ngài so sánh rất thực tế và dễ hiểu: “Như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 15). Thậm chí Ngài còn nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16). Lòng Thương Xót của Ngài quá bao la, khôn dò và khôn ví!
Nếu chú ý đọc từng câu, từng chữ trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể cảm thấy như uống từng giọt-mật-ngọt-ngào, và rồi có thể vừa thú vị vừa thấm thía nhiều điều – cả mặc nhiên và minh nhiên, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Như một cách kết luận, Chúa Giêsu quả quyết: “Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18a). Tại sao vậy? Chính Ngài cho biết lý do: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha Tôi mà Tôi đã nhận được” (Ga 10, 18b). Tuyệt vời, bởi vì Thiên Chúa là “Đấng cầm quyền sinh tử” (1Sm 2, 6-7; Đnl 32, 39). Ôi, Chúa của chúng ta như vậy nên hạnh phúc của chúng ta phải tính theo cấp số nhân!
Người thật thì tâm thật, người giả thì tâm giả. Vào thế kỷ XIX, vua Tự Đức và triều thần đã bỏ qua những lời “điều trần” của chí sĩ Nguyễn Trường Tộ (1839–1871, học giả Công Giáo) về sự đổi mới. Không chỉ vậy, vua quan thời đó còn nghi ngờ, bài xích, khiến ông đành ôm hận mà qua đời và để lại hai câu thơ nổi tiếng: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận – Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước sa chân, nghìn đời mang hận – Quay đầu nhìn lại, cơ đồ đã hóa trăm năm). Đó cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi chúng ta vậy!
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin muôn vàn tạ ơn Ngài đã tha thứ và tái nhận chúng con làm con cái của Ngài, đồng thời được trở nên tiểu đệ và tiểu muội của Đại Huynh Giêsu. Xin Ngài luôn ban cho Giáo Hội có những tâm hồn biết quảng đại dấn thân trở thành Linh Mục, tu sĩ, làm tông đồ đích thực tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, hôm nay và cho đến tận thế. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.