VietCatholic News (01/02/2005) Chúa Nhật 4 Phục Sinh B Chủ Ðề: Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta - Lm. Carolô Hồ Bạc Xái I. Dẫn vào Thánh lễ Mỗi năm, Giáo Hội dành ngày Chúa nhật thứ IV mùa Phục sinh để nhắc cho chúng ta biết Ðức Giêsu là mục: PS4-B32Mỗi năm, Giáo Hội dành ngày Chúa nhật thứ IV mùa Phục sinh để nhắc cho chúng ta biết Ðức Giêsu là mục tử nhân lành rất yêu thương chúng ta là những con chiên của Ngài. Ngài chăm sóc chúng ta và dẫn chúng ta đến cuộc sống hạnh phúc muôn đời.Ngày hôm nay cũng là ngày Giáo Hội trên toàn thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu biết hơn về tình yêu của Ngài; đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho có nhiều người trẻ hiến thân làm Linh mục để tiếp nối sứ mạng Ðức Giêsu là làm mục tử chăm sóc đoàn chiên Ngài. II. Gợi ý sám hối * Chúng ta là những con chiên được Ðức Giêsu là mục tử nhân lành dẫn dắt. Nhưng nhiều khi chúng ta không ý thức tình thương Chúa luôn bao bọc cuộc sống chúng ta. * Ðôi khi chúng ta còn tỏ ra là những con chiên bướng bỉnh không đi theo sự dẫn dắt của Chúa. * Chúng ta ít quan tâm đến việc khuyến khích và nuôi dưỡng các ơn thiên triệu. III. Lời Chúa 1. Bài đọc I: Cv 4, 8-12 Sau khi Phêrô chữa cho một người què được khỏi, ông bị bắt dẫn ra trước Thượng Hội Ðồng Do thái giáo cùng với bạn đồng hành là Gioan. Trước Thượng Hội Ðồng, Phêrô xác nhận người què ấy được khỏi không phải do quyền phép gì riêng của ông mà chỉ nhờ danh thánh Ðức Giêsu. Nhân dịp đó, Phêrô giảng về Ðức Giêsu: Ngài đã bị các thủ lãnh Do Thái giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại và tôn vinh Ngài lên đến tuyệt định vinh quang. Nhờ danh Ngài mà mọi người được ơn cứu độ. 2. Ðáp ca: Tv 117 (như Chúa nhật I Ps) Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời. 3. Tin Mừng: Ga 10, 11-18 Ðức Giêsu xưng mình là mục tử tốt lành. Ngài cũng phân biệt mục tử tốt lành và người chăn chiên thuê: * Những đặc tính của Người mục tử tốt lành: a/ thí mạng sống vì chiên; b/ biết các con chiên và được các con chiên biết; c/ muốn quy tụ những con chiên khác ở ngoài vào đàn chiên mình, để rồi sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. * Kẻ chăn chiên thuê chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Hắn ưu tiên lo cho bản thân nên khi gặp nguy hiểm thì bỏ mặc đàn chiên để chạy trốn. 4. Bài đọc II: 1 Ga 3, 1-2 Thánh Gioan nói đến mức độ to lớn vô cùng của tình yêu Thiên Chúa dành cho tín hữu: * Hiện nay Thiên Chúa cho chúng ta làm con của Ngài. * Sau này Ngài còn cho chúng ta được giống như Ngài. IV. Gợi ý giảng * 1. Mục tử tốt lành Dưới thời bạo Chúa Nêrô bắt đạo. Rôma ngập tràn máu lửa, biết bao tín hữu đã chết dưới tay ông vua điên loạn, bạo tàn. Giáo hội non trẻ do Ðức Giêsu thiết lập như sắp rã rời tan tác. Phêrô là con chim đầu đàn, là trụ cột của Giáo hội. Các tín hữu tha thiết xin Phêrô trốn khỏi Rôma, để tiếp tục dẫn dắt đoàn chiên. Người anh cả một thoáng phân vân, chần chừ. Quả thật đoàn chiên đang nao núng vì sợ thiếu vắng đầu đàn, sao có thể giữ vững niềm tin? Thầy đã chẳng khuyên khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác sao? Phêrô xách bị gậy đi trốn. Ðụng Thầy ở cổng thành, Phêrô hỏi: - Quo vadis, Domine? Thưa Thầy, Thầy đi đâu? - Nếu con bỏ các Kitô hữu của Thầy thì Thầy sẽ quay lại để chịu đóng đinh cho họ một lần nữa. Phêrô hiểu ngay lời Thầy, quay trở lại Rôma để an ủi khích lệ đoàn chiên, và để chịu đóng đinh thập giá như Thầy. "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì đoàn chiên" (Ga. 10, 11). Ðức Giêsu ví mình như một mục tử tốt lành khác với người chăn thuê, vì người đã dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Cái chết của Người không bất ngờ, cũng không đầu hàng bạo lực, nhưng là một cái chết tự hiến. Ðức Giêsu chết để nói nên lời yêu thương. Một tình yêu tột đỉnh, yêu cho đến cùng. Thánh Gioan viết: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga. 15, 13). Chính tình yêu đã tạo nên mối dây gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên, khiến Người nói: "Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta" (Ga. 10, 14-15). Ðó là sự hiểu biết nhau sâu xa, sự trân quí giữa mục tử và đoàn chiên. Ðức Giêsu là mục tử duy nhất, tối cao và gương mẫu. Các mục tử khác chỉ là phụ tá giúp chăn dắt đoàn chiên của Người. Mọi mục tử phải noi gương Người, dám chết cho đoàn chiên được sống. Phêrô là người mục tử đầu tiên. Phêrô có thể trốn bắt bớ, tù tội, chết chóc. Nhưng chính khi đổ máu, Phêrô đã giữ vững đoàn chiên. Cái chết của Phêrô đã có sức thuyết phục hơn bất cứ lời rao giảng nào: "Thầy làm vững đức tin của con. Rồi đến lượt con, con sẽ làm vững đức tin của anh em con". Các mục tử tiếp bước Phêrô vui lòng nằm xuống để nên nhân chứng, và củng cố niềm tin cho các anh em. Dụ ngôn người "Mục tử tốt lành" cho thấy tình yêu sâu sắc của Thiên Chúa. * Người yêu thương mỗi người một cách cá biệt, không yêu cách chung chung. * Người yêu thương vô điều kiện, ngay cả khi chúng ta lầm đường lạc lối. * Người yêu thương bằng tình yêu vui mừng, chứ không la rầy khiển trách khi tìm thấy chiên lạc. Ngày nay, Ðức Giêsu vẫn cần những vị mục tử tốt lành lo cho đoàn chiên trên thế giới. Người rất cần các bạn trẻ hiến thân cho sứ mạng mục tử này. Người mời gọi chúng ta hãy nhìn bằng trái tim yêu thương, để thấy những cơn đói Lời Chúa, đói tình thương, đói của ăn, đói ý nghĩa cuộc sống. Người kêu gọi chúng ta hãy tha thiết xin Cha cho nhiều mục tử tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn, và thánh đức hơn. Những mục tử sẵn lòng âm thầm chết từng ngày cho đoàn chiên. * Lạy Chúa, xin gởi đến cho chúng con những mục tử có trái tim của Chúa: luôn say mê Thiên Chúa và yêu thương con người, có tình bạn thân thiết với Chúa, dám hy sinh cho đoàn chiên, dẫn đưa chúng con về với Cha là nguồn hạnh phúc thật của chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu") * 2. Ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ a/ Ðối với người Việt chúng ta thì hình ảnh "chiên và người chăn chiên" không phải là một hình ảnh gần gũi, vì xứ sở chúng ta không thuộc vùng Cận Ðông với nghề chăn nuôi chiên cừu như Pa-lét-tin xưa. Hơn nữa trong khi cả đất nước đang nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện "đàn chiên với mục tử", thì e rằng chúng ta bị coi là những người lạc hậu! Nhưng nếu đi sâu vào ý nghĩa và biểu tượng tôn giáo của hình ảnh "chiên và mục tử" thì chúng ta lại chẳng thấy lạc hậu tí nào. Vì chưng những người tin ở Thiên Chúa đều xác tín rằng họ luôn được Thiên Chúa và Chúa Ki-tô quan tâm và tận tình chăm sóc, không chỉ về phương diện tâm linh mà về mọi phương diện con người, không chỉ ở đời sau mà ở cả đời này. Mối tương quan gắn bó giữa người chăn và con chiên là hình ảnh sống động, cụ thể của mối tương quan giữa Thiên Chúa và người tín hữu. b/ Những nét đặc trưng của Vị Mục Tử nhân lành Ðức Giêsu đã công bố Người là Vị Mục Tử nhân lành, với những nét đặc trưng sau đây: * Vị Mục tử nhân lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Người quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì? họ cần gì? họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào? * Vị Mục tử nhân lành luôn đi đầu, đi trước tức hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, tức đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Vị ấy sẽ đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát và cỏ xanh, để chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Thậm chí vị Mục tử sẽ hy sinh mạng sống vì chiên. c/ Lý do Hội Thánh lấy ngày chủ nhật Chúa Chiên Lành làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ: Bản tin Hiệp Thông (tiếng nói của Hội đồng Giám Mục Việt Nam) số 11, ra ngày 15 tháng 02 năm 2002 (trang 8-9) cung cấp cho chúng ta những con số cụ thể và đáng chúng ta suy nghĩ trong ngày hôm nay:
Nguyên nhìn vào những con số trên, chúng ta cũng đã thấy được nhu cầu to lớn về nhân sự của Giáo hội Việt Nam trong sứ mệnh sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng mà Giáo hội đã nhận được từ chính Chúa Giê-su. Ðã đành rằng ngày nay trách nhiệm sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng không chỉ của riêng các linh mục, tu sĩ mà của mọi Ki-tô hữu. Nhưng các linh mục, tu sĩ vẫn là lực lượng quan trọng nhất, là lực lượng nòng cốt và đầu tầu trong lãnh vực này. Thế nhưng ơn gọi linh mục, tu sĩ càng ngày càng giảm sút trong các Giáo hội địa phương, thậm chí giảm trầm trọng trong một số Giáo hội. Riêng tại Việt Nam, thì tình hình có mấy nét riêng sau đây:
Vì thế cho nên chúng ta không chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội -nhất là Giáo hội Việt Nam- nhiều linh mục, tu sĩ tài đức thánh thiện, nhiệt thành mà chúng ta còn phải nài xin Thiên Chúa tạo thuận lợi cho các ứng sinh linh mục tu sĩ được đào tạo đến nơi đến chốn và cho các linh mục tu sĩ có điều kiện cần thiết để thực thi sứ vụ của mình. (Giêrônimô Nguyễn Văn Nội). 3. "Tình yêu, con đường duy nhất để đến với thế giới bất tín". "... Thánh nữ Têrêxa đã mở ra cho chúng ta con đường duy nhất để đến với thế giới những người không tin: đó là tình yêu. Không ai có thể sống thiếu tình yêu. Trước tấm thảm kịch của thuyết nhân bản vô thần, thảm kịch, vì do nhân danh một tư tưởng cao cả của nhân loại mà con người đã khước từ Thiên Chúa, mọi Kitô hữu, mọi Linh mục, mọi tu sĩ đều bồn chồn lo âu (...) thánh Phanxicô đệ Salê đã nói: "Tất cả đều dành cho tình yêu, đều ở trong tình yêu, đều vì tình yêu và đều phát xuất từ tình yêu trong Giáo hội". Nhưng cái chân lý cao cả ấy hầu như đã bị lãng quên, đã bị thuyết Jansénisme khô cằn ngăn chận. Chỉ có người nữ tu dòng kín trẻ trung thành Lisieux đã nhắc ta nhớ lại chân lý ấy trong nét tươi tắn của thái độ Ngài hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Hôn thê của Ðấng chịu đóng đinh và đã vì yêu mà tự nộp mình cho ta, chính thị cũng dâng hiến cho Người tình yêu vì tình yêu, như vị hôn thê dâng hiến cho hôn phụ. "Trong trái tim giáo hội tôi sẽ là tình yêu" thế là đã rõ, một xác quyết như thế đụng chạm tới tất cả mọi người ở thế kỷ XX của chúng ta vì chúng ta không biết yêu và được yêu trong chân lý (...) Thánh Nữ Têrêxa luôn luôn là, tôi dám nói, một âm vang đích thực của Trái tim Thiên Chúa cho thời đại chúng ta, cho mỗi người chúng ta. Dù ta là ai, ta đã được tạo thành để sống tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đã trao ban sự sống cho ta. Ta đến từ Thiên Chúa và ta lại trở về với Người, Người là Ðường là Sự Thật và là sự sống. Công đồng Vatican II đã mạnh mẽ nhắc lại điều này. Sử gia mai ngày có thể thắc mắc "Giáo hội thời Công đồng đã làm gì?" Ðức Phaolô VI đã trả lời họ ngay từ ngày 14. 9. 1965: "Giáo hội yêu, giáo hội yêu, yêu bằng trái tim mục tử, yêu bằng trái tim đại kết, yêu bằng trái tim rộng mở đón nhận mọi người kể cả những người bắt bớ giáo hội". Ta nên tìm lại cái trực cảm quan trọng ấy của Ðức Phaolô VI. Ðó cũng là trực cảm của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux: "Giáo hội là Ðức Kitô và Ðức Kitô là tình yêu". Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Thánh nữ Têrêxa đã khơi gợi hàng ngàn, hàng ngàn ơn gọi làm Linh mục trên khắp thế giới. Những Linh mục ấy đã tìm thấy nơi thánh nữ một tình yêu tuyệt đối dành cho Ðức Giêsu và tình yêu Giáo hội, một ý nghĩa sâu xa trong kinh nguyện và trong sứ mệnh truyền giáo trên khắp hoàn cầu, một sự kết hợp bằng chiêm niệm và hoạt động, một mẫu gương dùng con đường tình yêu bé nhỏ và phó thác, đường nên thánh trong cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, thánh nữ Têrêxa vẫn tiếp tục làm phong phú tác vụ của các linh mục, đặc biệt là những linh mục trẻ bị cuốn hút bởi sứ điệp tình yêu giữa lòng Giáo hội (...) Tất cả hành trình đức tin thâu tóm trong đức cậy và đức ái. Niềm tin là niềm hy vọng của tình yêu, tin là hy vọng vào tình yêu. Phải chăng vai trò đã được quan phòng của sứ điệp của thánh nữ Têrêxa, ở ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ 3, chính là trả lại cho ta tình yêu và niềm hy vọng? Con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Tình yêu là để yêu thương. Trong lãnh vực tình yêu, thánh nữ Têrêxa là bậc thầy linh đạo trong tình yêu, không có dè dặt, không có tính toán, không có trung dung, không có quân bình vì con người chẳng bao giờ có thể yêu Thiên Chúa cho xứng với tình Người yêu ta ( ). Một nữ tu hỏi thánh nữ Têrêxa: "Chị nói gì với Ðức Giêsu?" Chị thánh trả lời: "Em không nói gì hết, em yêu Người", Chỉ tình yêu là quan trọng. (Ðức Hồng Y P. Poupard, tài liệu cho ngày ơn thiên triệu. Trích dẫn bởi Fiches dominicales, năm B)). 4. "Trong trái tim Giáo hội, tôi sẽ là Tình yêu" (Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng, bản văn được trích dẫn trong tài liệu của Ủy ban quốc gia về ơn thiên triệu). "... Sau cùng con đã tìm thấy sự an nghỉ... tìm trong thân thể mầu nhiệm của Giáo hội, con chẳng thấy mình trong bất cứ chi thể nào đã được thánh Phaolô miêu tả, đúng hơn con muốn có mặt trong tất cả những chi thể ấy... Ðức Ái đã cho con chìa khóa ơn gọi của con. Con hiểu rằng nếu giáo hội có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, chi thể quan yếu nhất, cao cả nhất không thể thiếu được, con hiểu đó là Trái Tim và Trái Tim đó cháy đỏ Tình yêu. Con hiểu rằng chỉ có Tình yêu mới làm cho các chi thể của Giáo hội hoạt động và nếu tình yêu vụt tắt, các Tông đồ sẽ thôi không loan báo Tin mừng, các thánh tử đạo sẽ từ chối đổ máu... Con hiểu rằng Tình yêu phủ trùm lên mọi ơn gọi và tình yêu là tất cả, bao gồm mọi không gian và mọi thời gian. Tắt một lời, Tình yêu là vĩnh cửu! Thế là, trong niềm vui tột đỉnh, con kêu lên: "Ôi Giêsu, Tình yêu của con... ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con chính là Tình yêu!... Phải rồi, con đã tìm được vị trí của con trong Giáo hội. Chỗ ấy, ôi Lạy Chúa, chính Chúa đã ban cho con... Trong Trái Tim Giáo hội, thưa Mẹ, con sẽ là Tình yêu... như thế con sẽ là tất cả... như thể giấc mơ của con đã thành hiện thực!!!... " V. Lời nguyện cho mọi người Chủ tế: Anh chị em thân mến, hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và tu sĩ, chúng ta cầu xin Chúa sai đến đoàn chiên Chúa những chủ chăn tốt lành như lòng Chúa mong muốn. 1. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi thành phần trong Hội thánh / đều tích cực quan tâm đến việc nâng đỡ, đào tạo và chọn lựa những người xứng đáng với ơn gọi làm Linh mục và tu sĩ. 2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang thi hành trách nhiệm làm Mục tử trong Hội thánh / biết noi gương Ðức Giêsu là mục tử tốt lành / sẵn sàng hiến thân chăm lo cho đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình. 3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người trẻ biết lắng nghe tiếng gọi của Chúa / và quảng đại đáp trả tiếng gọi ấy / để dấn thân vào đời sống giáo sĩ và tu sĩ 4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người làm cha mẹ trong họ đạo chúng ta / biết giáo dục và hướng dẫn con cái sống tinh thần Tin mừng / để cống hiến cho Hội thánh những mầm giống ơn gọi tốt lành. Chủ tế: Lạy Chúa, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, xin cho chúng con biết rộng rãi góp phần vào việc đào tạo Linh mục và tu sĩ, bằng lời cầu nguyện, và bằng sự giúp đỡ nhiệt tình. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con. VI. Trong Thánh lễ - Kinh Tiền Tụng: Nên dùng Kinh Tiền Tụng Phục sinh V, trình bày Ðức Giêsu là Linh mục và của lễ. - Trước kinh Lạy Cha: Ngày xưa Ðức Giêsu đã bảo "Chúng con hãy xin chủ ruộng đến gặt lúa của Ngài". Chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa Cha ban cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi Linh mục để làm việc trên cánh đồng truyền giáo, để cho "Nước Cha" mau trị đến. VII. Giải tán Rời Nhà thờ để trở lại với cuộc sống, chúng ta sẽ thấy còn biết bao người lương chưa biết Chúa, chưa yêu mến tôn thờ Ngài. Vậy anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho có thêm ơn gọi Linh mục làm việc trên cánh đồng truyền giáo. |
VietCatholic News (12/05/2003 ) Gieo trong thương đau (Cảm nhận ơn gọi linh mục nhân lễ Chúa Chiên lành) Như cánh chim tung mình trong bầu trời lộng gió, giả từ quê hương, giả từ gia đình kính yêu, người: PS4-B40Như cánh chim tung mình trong bầu trời lộng gió, giả từ quê hương, giả từ gia đình kính yêu, người:Như cánh chim tung mình trong bầu trời lộng gió, giả từ quê hương, giả từ gia đình kính yêu, người linh mục tung mình bằng những bước dài trong cánh đồng truyền giáo. Quả là hình ảnh rất đẹp: Cánh chim chao liệng giữa bầu trời: thơ mộng và đáng yêu. Thế nhưng cũng khác lắm! Khác một cánh chim tung bay tự do lắm! Khác đến mức không thể so sánh nỗi với hình tượng một cánh chim tung bay. Nhưng vì sao giống rồi lại khác, đấy không là mâu thuẫn lắm sao? I. KHÓ KHĂN NGOẠI TẠI Nghe hai tiếng LINH MỤC, tự nhiên sao thấy nhẹ nhàng, thanh thoát. Hình tượng linh mục lại càng thơ mộng. Thơ mộng vì không mang nỗi âu lo của cuộc mưu sinh đời thường. Thơ mộng vì hình như linh mục có nhiều tự do hơn: cần là cứ đi, không cần là ở nhà, có lẽ không vướng bận một điều gì. Thơ mộng trong tưởng tượng của nhiều người cho đến mức, người ta không cần dè dặt, nhưng có thể buông những lời này bất cứ lúc nào: “Nếu con tôi mà chọn đi tu làm linh mục, tốn bao nhiêu, tôi bất kể”… Còn vô vàn những câu nói đại loại như thế, cứ y như rằng, muốn làm linh mục phải có tiền, và có tiền cho nên linh mục sống thật an nhàn. Nói như thế, hóa ra linh mục không phải là ơn gọi? Nhưng chất chứa trong vóc dáng thơ mộng ấy là cả một ơn gọi lớn lao, không phải bất cứ ai muốn đều có thể đạt được. Nói như ai đó từng nói: “An trong cái thơ mộng ấy lại chất chứa gánh nặng của trách nhiệm: Trách nhiệm làm Kitô hữu với anh em và làm linh mục cho anh em, có mưa dầm nắng gắt, có mồ hôi nhễ nhại và cũng có cô đơn buốt giá”. Trách nhiệm của linh mục cũng đầy khó khăn. Bởi không chỉ giới thiệu hạt giống Tin Mừng nhưng phải gieo hạt giống Tin Mừng vào lòng anh chị em. Trách nhiệm càng khó khăn hơn nữa khi phải gìn giữ và nuôi nấng để hạt giống lớn lên và sinh kết quả. Đàng khác, làm linh mục giữa thời hiện đại, thời mà con người mang nặng thèm khát sở hữu. Bằng mọi giá, dẫu là chà đạp lên cuộc sống, chà đạp lên nhân phẩm của người khác, dẫu là thủ đoạn, là loại trừ đồng loại, miễn sở hữu thật nhiều. Làm linh mục giữa một thế giới ảnh hưởng của kinh tế thị trường đang thấm vào từng ngỏ ngách của đời sống, biến con người thành cái máy sản xuất, vật chất trở thành ông chủ. Nghĩa là bằng mọi giá, phải nâng cao giá trị sản phẩm, nhằm tiêu thụ dễ dàng, dẫu sức lực của người lao động bỏ ra bất kể là ở mức độ nào. Hóa ra con người phải phục vụ chính sản phẩm mình làm ra, thay vì chúng phải phục vụ mình. Từ chỗ đề cao vật chất, xem nhẹ giá trị con người, nhân loại cũng lún sâu vào một thứ tâm lý tệ hại: loại bỏ tất cả những gì là thánh thiêng, những gì là giá trị tinh thần, những gì mang chiều sâu nội tâm và khoác vào một thứ chủ nghĩa hưởng thụ, một thứ chủ nghĩa đầy vật chất. Làm linh mục hôm nay là làm linh mục giữa một thế giới bị bao vây bởi quan niệm lệch lạc về tự do. Nghĩ rằng tự do là thoát khỏi sự ràng buộc của mọi lề luật, dẫu đó là lề luật làm nên giá trị con người, vì thế người ta vong thân. Vì cho rằng để có tự do là phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, người ta bị chới với, bị chao đảo, cuộc đời chỉ là một thứ rỗng tuếch, cuộc sống mất hết ý nghĩa. Càng chìm sâu trong quan niệm tự do buông thả lệch lạc, người ta càng tự chôn mình trong vũng lầy của thế giới tội lỗi. Nhưng tính tự nhiên của con người có bao giờ ở yên. Vì thế càng mất bình an, con người càng vùng vẫy. Nếu vùng vẫy mà không có một định hướng đúng đắn, không vươn lên được, người ta càng lún sâu trong đám bùn đen ấy. Quan niệm tự do như thế, biến con người thành một thứ nô lệ đáng kinh sợ: nô lệ cho chính quan niệm và lối sống tự do lệch lạc phóng túng của mình. Cái bi đát nằm ở chỗ, nô lệ mà không nhận ra mình nô lệ, lại còn ảo tưởng tôi đang tự do! Làm linh mục giữa thời buổi mà óc thực nghiệm trở thành một bóng ma tác oai, tác oái, nó gieo vào lòng con người thứ tư tưởng, có khi chỉ là mơ tưởng về một thế giới không có Thiên Chúa. Người ta đề cao khoa học và sự phát triển của khoa học như Chúa của mình. Thay thế Thiên Chúa bằng chứng cứ khoa học. Cái đau đớn là khoa học vẫn cứ bó tay trong rất nhiều lãnh vực, không chỉ thuộc về siêu nhiên, không chỉ là tâm thức đức tin, mà bó tay ngay trên chính lãnh vực thực nghiệm của mình. Loại trừ những gì thuộc về tinh thần, loại trừ các giá trị thiêng liêng, loại trừ mọi giá trị đạo đức đã tích tụ và làm nên giá trị của sự sống con người qua nhiều thế hệ. Người ta quên mất, hay cố tình quên khoa học có nguồn gốc từ đâu, do ai, nếu không phải Thiên Chúa đã xếp đặt mọi trật tự để con người, nhờ đó nhận ra các định luật khoa học? Người ta quên rằng, khi loại trừ Thiên Chúa, loại trừ mọi giá trị thánh thiêng, con đường phát triễn của khoa học, lẽ ra nhắm phục vụ con người, sẽ dễ dàng rơi vào tính bập bênh, lệch lạc. Xa hơn nữa: tự nó quay lại giết hại chính con người, giết hại nhân phẩm con người, điều mà chính lúc này, hơn ai hết, những người Công giáo chân chính nhận ra và có kinh nghiệm. Bởi thế mà Giáo Hội luôn luôn đòi phải trả lại chỗ đứng đúng đắn của con người trong khi phát triển khoa học. Vô vàn những nếp sống, chủ trương, tư tưởng, chủ nghĩa duy thế tục như thế làm cho người linh mục như mỏi mòn trong công tác truyền giáo của mình. Giữa thời buổi mà người ta nhân danh tính hiện đại, không còn nhìn nhận mọi chân lý truyền thống như thế, người linh mục phải gieo hạt giống Tin Mừng, phải cao rao tinh thần Tám Mối Phúc, cao rao tình yêu, lòng tha thứ, nhân hậu, bao dung…, thì đúng là làm linh mục hôm nay cũng đồng nghĩa với lội ngược dòng. II. TIẾNG NÓI CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II Những khó khăn ấy cũng là điều mà mấy mươi năm trước, Công Đồng Vatican II nói nhiều trong hiến chế Mục vụ. Chẳng hạn: “Chưa bao giờ nhân loại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, rồi không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay, đang khi đó lại thấy sống dậy những hình thức nô lệ mới mẽ về mặt xã hội cũng như tâm lý. Trong lúc đang mãnh liệt cảm thấy sự duy nhất cũng như sự kiện tất cả lệ thuộc nhau trong sự liên đới cần thiết, thì thế giới lại bị lôi kéo kịch liệt theo những chiều hướng tương phản do những lực lượng chống đối nhau; thực vậy, vẫn còn kéo dài mãi tới ngày nay những bất đồng trầm trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ, và một cuộc chiến diệt vong vẫn còn đe dọa” (MV số 4). III. KHÓ KHĂN NƠI CHÍNH BẢN THÂN Ngoài những khó khăn ngoại tại như thế, về lâu, về dài, tâm lý tự nhiên dễ làm linh mục chán nản. Thêm vào đó, do bổn phận, đòi linh mục phải mực thước, phải nêu gương, phải khôn khéo… làm cho bổn phận và thánh chức mà ngày xưa khi còn mới mẽ, người linh mục dễ dàng, có khi còn hăm hỡ đón nhận, nay trở thành gánh nặng. Chiều dài thời gian làm cho một linh mục coi xứ phải nói Lời Chúa, đến một lúc, cái hay, cái mới ban đầu dần khô cạn, anh chị em tín hữu trở nên nhàm chán. Hai bên cứ phải chịu đựng lẫn nhau, đến với nhau, cùng dâng thánh lễ mà không mấy vui tươi phấn khởi. Cũng là người như anh chị em mình, linh mục cũng có những ưu tư, khắc khoải, vui buồn của riêng mình. Có những điều có thể bộc lộ với hết mọi người, nhưng cũng có những điều không thể nói cho bất cứ ai. Nếu là niềm vui thì không sao, nhưng gặp phải nỗi buồn mà không ai hiểu, không ai thông cảm, nỗi buồn ấy càng quay quắt, càng quặn thắt như muốn đốt cháy tiêu tan tâm hồn, người linh mục dễ rơi vào nỗi cô đơn buốt giá. Bên cạnh đó, còn biết bao nhiêu hoàn cảng khác tác động như: bị chống đối, tuổi tác, đau bệnh, sức cùng, lực kiệt… làm linh mục dễ ngã lòng, muốn buông xuôi. Từ đó công tác truyền giảng dễ dẫn đến bế tắc. Nói cho tường tận, tất cả trở thành vô cảm, lòng người trở nên khô khan. Bản thân linh mục không còn chí khí. Cuối cùng chỉ còn hai tiếng: đầu hàng. Nghĩ như thế là tự chôn vùi cuộc đời linh mục của mình vì thiếu hy vọng. Để xảy ra như thế thì thật là bi đát. IV. CỨU CÁNH KHÔNG THỂ THIẾU Đừng quên, những lúc mà công tác rao giảng bế tắc cùng với những rào cản linh mục gặp phải, lại chính là lúc cần thiết đòi linh mục phải mở Thánh Kinh ra, đọc lại Lời Chúa, để nhận ra một sự thật rằng: nỗi bấp bênh của ta hiện nay, đâu phải của riêng ta. Chính Con Thiên Chúa làm người cũng không thoát khỏi, các tổ phụ, các tiên tri ngày xưa đã từng chung số phận. Các thánh tông đồ cũng từng nếm trải nỗi thương đau ô nhục. Chẳng hạn tổ phụ Abraham được Chúa kêu gọi: “Hãy bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho” (St 12, 1). Thế là Abraham ra đi. Đi trong mịt mù. Đi trong tăm tối. Đi mà chẳng biết mình đi đâu. Suốt đời ông mơ ước có một đứa con nối dõi tông đường, vậy mà cũng chẳng có. Đến khi ông cả trăm tuổi, vợ ông cũng cao niên chẳng kém gì, Thiên Chúa mới hứa ban cho ông một đứa con. Một lời hứa như thế thật khó chấp nhận làm sao. Thế như Abraham vẫn tin. Đến khi đứa con trai duy nhất của ông, đứa con thừa tự, đứa con của lời hứa, đứa con ngọc, đứa con ngà đã lớn khôn, Thiên Chúa lại đòi ông đem đứa con đó đi sát tế cho Người. Có tội ác nào lớn cho bằng tội của một người cha giết con. Có còn lời dạy nào khủng khiếp cho bằng dạy một người cha giết chính đứa con là máu, là mủ, hơn nữa là cả cuộc sống của người cha già nua đã từng rút ruột mình sinh ra. Và còn đâu là một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa gần gũi với con người, hay chỉ là một Thiên Chúa tàn nhẫn và say máu cho đến độ đòi một người cha phải thủ tiêu con của ông làm của lễ tế hiến cho mình. Đúng là một Thiên Chúa độc ác, không còn gì độc ác hơn. Càng suy nghĩ như thế về hình ảnh của Thiên Chúa bao nhiêu, ta càng thấy đức tin của Abraham lớn bấy nhiêu. Cứ bắt đầu bằng tình cảm con người, ta suy diễn, sẽ thấy, Chắc tâm hồn ông chao đảo lắm, lương tâm ông giày vò lắm, cuộc sống của ông chắc mất bình an lắm. Có lẽ nước mắt đã tràn ngập, đã dàn dụa tâm hồn ông. Và có lẽ giọt nước mắt ấy rất âm thầm, vì ông không thể để lộ cho con mình biết được. Làm sao dám cho con biết khi chính ông sẽ giết chết con! Mà tiếng khóc càng âm thầm, tiếng nấc càng nghẹn ứ, nước mắt càng chảy ngược vào hồn nhiều bao nhiêu, thì nỗi đau càng dằn xé, càng tê tái, càng buốt giá bấy nhiêu. Nhất là mỗi khi ông nhìn đôi bàn tay của mình. Ngày nào đôi tay ấy bồng ẳm con, nâng niu con, bây giờ cũng chính đôi tay ấy sẽ thủ tiêu con. Là cha, là mẹ như bao người cha, người mẹ khác, Abraham se thắt lòng mình. Nhưng Abraham đã vượt qua tất cả. Đức tin của ông lớn hơn tất cả. Chính đức tin dạy cho ông biết: Thiên Chúa vẫn yêu thương ông vô cùng. Người vẫn nhìn thấy ông. Người biết rõ lòng ông. Người có cách của Người để trù liệu cho ông những điều tốt đẹp nhất. Vì tình yêu vô cùng mãnh liệt, vì tình yêu mến Thiên Chúa ngất trời cao, Abraham đã không mất bất cứ một điều gì, dù là nhỏ nhoi nhất. còn hơn bất cứ một người nào trong nhân loại, qua muôn ngàn thế hệ, bằng miệng lưỡi của thiên thần, Thiên Chúa ca tụng ông: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của Ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!… Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển…” (St 22, 12. 16 -18). Cũng thế, chính ông Môiisen, một nhà giải phóng lừng danh, được Chúa tin tưởng trao cho sứ mạng đưa dân của Người thoát cảnh lầm than nô lệ cho Aicập, cũng đã từng quặn thắt tâm hồn, đã từng than trách với Chúa và muốn chết đi: <B>“Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu?… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” (Ds 11, 12 tt). Đến như tiên tri Êlia, trong nỗi khổ của một kẻ chạy trốn vì hoàng hậu Giêgiaben đang tìm giết, dẫu là người rất can đảm cũng đã phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi!, bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1V 19, 4). Tiên tri Giêrêmia cũng chung số phận: Vì phải sống và loan báo Lời Chúa, nhà tiên tri bị người đời ghét bỏ, bị những kẻ xấu chống đối dữ dội, và thù hận đến mức có những lúc ông đau khổ một cách tuyện vọng, chỉ còn biết trách móc cái ngày ông sinh ra và than van cho số phận bạc kiếp của mình: “Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra. Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành. Tại sao tôi lại không chết ngay trong lòng mẹ, để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi, và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi? Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi? Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ buồn sầu, và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ” (Gr 21, 14. 17 - 18). Và rất nhiều những con người đạo đức, thánh thiện, lẽ ra được tràn đầy hạnh phúc, thì ngược lại, số phận cứ mãi lênh đênh bạc bẽo, đau khổ tột cùng như ông Gióp, tiên tri Giona, Tôbia, Isaia, Amốt… Đến vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước là thánh Gioan Tẩy giả cũng đã từng hoang mang đến mức nghi ngờ: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi phải chờ đợi ai khác?” (Mt 11, 3). Cuối đời, vì lẽ sống và sự thật, thánh Gioan cũng không đi ngoài con đường mà những người tiền nhiệm đã đi: nếm trải nỗi đau khổ, tù tội và cái chết bi ai (Mc 6, 17 -29)… Bởi thế, càng u uất, thất bại và chán nản bao nhiêu, linh mục càng phải suy niệm Thánh Kinh gấp nhiều lần bấy nhiêu. Nơi Lời Mạc khải của Thiên Chúa, linh mục sẽ tìm thấy nguồn an ủi, lời động viên, sức nóng đủ hâm lại nhiệt huyết của mình. Và trên hết, nơi Lời Chúa, linh mục lấy lại sự thánh thiện, lấy lại đức tin, niềm hy vọng và phó thác vào tay Chúa là Đấng luôn quan phòng điều khiển mọi sự. Hãy nhớ rằng, linh mục chỉ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa. Vì thế hãy cứ gieo hạt giống Tin Mừng, gieo khắp nơi, gieo mọi lúc. hãy tin rằng, người gieo hạt giống Lời Chúa nếu chỉ là kẻ bất lực, thì quyền năng Thiên Chúa sẽ mạnh mẽ. Chỉ có Chúa mới làm cho xấu trở nên tốt. Dẫu cho người gieo là chính linh mục có sống trong tội lỗi đi nữa, thì chỉ có Chúa mới có thể rút ra điều tốt từ những gì mà trong con mắt con người chỉ là cái xấu. Hãy gieo Lời Chúa và hãy tin mãnh liệt rằng, hạt giống Lời Chúa vẫn nảy mầm và mọc lên, dù đêm hay ngày và người gieo ngủ hay thức (Mc 4, 27). Có thể có hạt rơi trên sỏi đá, rơi trên đất khô cằn. Nhưng sẽ có những hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết trái: hạt được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi (Mt 13, 8). |
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng |
Fourth Sunday of Easter * I am the Good Shepherd * *Bài đọc 1: Cvu 4, 8- 12= Đấng Cứu độ là Đức Kitô: Chính Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, lại trở nên tảng đá góc tường. He is the stone rejected by you, the builders, which has become the cornerstone. *Bài đọc 2: 1 Ga. 3, 1- 2= Ta sẽ thấy Người: Chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. We shall see God, We do know that when it is revealed we shall be like Him, for we shall see Him... * Bài Tin mừng (Gospel): Gioan 10, 11-18=Muc Tử nhân lành: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi. The good Shepherd : I am the Good Shepherd, and I know mine and mine know Me. A. Gợi ý Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc trên: ( Reflections, live out and share ) Trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rõ: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử: PS4-B431/ Trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rõ: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên.” Chúa xác minh là người Mục tử tốt lành hướng dẫn dân Ngài bằng sự quên mình cho tôi. Ở trong chức vụ là cha me, là nguời trách nhiệm, tôi có nhận lãnh những vất vả khó khăn hay chỉ lo thỏa mãn cá nhân mình ? Đưa ra một hai việc làm hy sinh cho người thân?“I am the good shepherd. The good shepherd lay down His life for the sheep". ( Ga. 10, 11 ) 2/ Đức Giêsu còn nói rõ thêm sự quan tâm đến mọi người như sau: “ Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về, chúng sẽ nghe tiếng tôi...” Tình yêu của Thiên Chúa không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo...Ngài muốn họ được hiệp nhất. Bạn có gây được hòa khí với những anh em khác cũng là con Chúa không? Kể một vài việc làm hòa hợp, gần gũi của bạn với tôn giáo khác? “I have other sheep that do not belong to this fold. These also I must lead, they will hear My voice...” ( Ga. 10, 16 ) 3/ Sách Tông đồ Công vụ viết như sau: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới vòm trời không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loai.” Thánh Phêrô trong Thánh Thần đã hùng hồn tuyên bố Đức Kitô là Đấng Cứu độ. Là Tín hữu tôi đã can đảm làm gì trong môi trường sống hiện tại? “There is no salvation in anyone else, for there is no other name in the whole world given to men...” (Cvụ 4, 12 ) 4/ Thư 1 thánh Gioan cho bạn biết về tình yêu của Ngài như sau: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa...” Bạn thấy mình có gì để đáng Chúa nhận là con, nhưng Ngài vẫn hy sinh cho bạn được sống. Bạn biết ơn Ngài bằng những hành động nào cho anh em? “See what love the Father has bestowed on us in letting us be called children of God!...” ( 1Ga. 3, 1 ) B.Câu Kinh Thánh thúc đẩy tôi chọn làm Châm ngôn Sống tuần này: ( The Best God’s Word ) Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên (Gioan 10, 11 ) The good Shepherd lay down His life for the sheep C. Ngay bây giờ tôi phải làm gì để xứng đáng là chiên của Chúa: ( So what am I doing / For Action ) 1/ Bạn có thể chọn 1 trong 4 Gợi ý Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ở phần A để thực hành trong đời sống. 2/ Tôi can đảm làm một việc hiệp nhất, yêu thương cho Gia đình hay Giáo xứ mà lâu nay đã bị chia rẽ. D. Tôi cầu nguyện với Lời Chúa và Sống lời tôi cầu xin: ( I pray and practice / Pray in Action ) - Lạy Cha, Đức Giêsu đã nói: Tôi chính là Mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho chiên. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi. Xin cho lời nói và việc làm của con được luôn luôn giống Chúa. - Thánh Gioan đã cho biết tình yêu của Chúa Cha đã quá yêu thương nhân loại khi nhận chúng con là con cái của Ngài. Xin cho con biết yêu thương gia đình và tha thứ cho những ai làm con phải buồn khổ. |
VietCatholic News (01/02/2005) Lời Chúa: Acts 4:8-12; 1Jn 3:1-2; Jn 10:11-18 Chủ Đề: Chúa là Mục Tử - Lm. Hà Ngọc Đoài Suy Niệm: “ Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên của Ta và các chiên của Ta biết Ta … và Ta thí mạng sống vì đoàn chiên.” (Jn 10:14-15) Chúa Nhật hôm nay được gọi là ‘Chúa Nhật Chúa Chiên Lành’. Hình ảnh người mục tử cnh giữ đoàn chiên PS4-B44Chúa Nhật hôm nay được gọi là ‘Chúa Nhật Chúa Chiên Lành’. Hình ảnh người mục tử cnh giữ đoàn chiên rất quen thuộc đối với người Do Thái, cũng như cuộc sống thôn quê tại Việt Nam. Mỗi người chúng ta đều có thể hình dung được hình ảnh nhân hậu của mục tử đối với đoàn chiên. Người mục tử luôn để ý đến sinh hoạt, và biết tính tình của mỗi con chiên. Khi đàn chiên được ăn no, nằm nghỉ trong đồng cỏ xanh tươi, nguời mục tử an tâm, đăm chiêu ngắm mây trời. Lòng tràn niềm vui tạ ơn Tạo Hóa đã ban cho thiên nhiên xinh tươi để nuôi vạn vật. Nếu chợt thấy có mãnh thú rình mò đến phá, mục tử không ngại hiểm nguy xông vào đánh đuổi thú dữ để bảo vệ đàn chiên. Nếu con chiên nào đau yếu thì mục tử săn sóc chữa trị.Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc và yêu thương này để diễn tả tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Ngài đến để an ủi những ai buồn sầu thất vọng. Ngài săn sóc từng người tùy theo nhu cầu tâm linh của họ để “Nguời thế nào, chúng ta sẽ thấy và được sống như vây.”(Jn 3:2). Khi nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu được đem đến trình diện với Chúa. Tên của họđược ghi vào sổ đại gia đình của Ngài là Giáo Hội. Họ được hưởng những ân phúc tuôn ban từ các Bí tích, để tăng trưởng đời sống siêu nhiên. Thực Hành: “Ơn cứu độ không gặp được nơi một ai khác.” (Acts 4:12) Thánh sử Luca suy niệm về diễm phúc được làm con Thiên Chúa và được Đức Giêsu, Chủ chăn nhân hậu săn sóc, thì xác định rằng ngoài Đức Giêsu Kitô ra, không ai là chủ chănđích thật có thể cứu chữa ta ở đời này và ban phúc trường sinh đời sau. Đúng như lời Đức Giêsu xác nhận Ngài chẳng những là chủ chăn mà là “cửa”, tức là nguồn ban phát thiên ân. Xin Chúa cho con biết nhận ra hồng phúc làm con Chúa và biết đáp lại tiếng Chúa mời gọi mỗi khi con đi lạc lối. |
Cv 4,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
Truyền thống Giáo Hội quen gọi Chúa Nhật 4 Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, vì bài Phúc âm: PS4-B45Truyền thống Giáo Hội quen gọi Chúa Nhật 4 Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, vì bài Phúc âm nói về Chúa Giêsu là vị Mục Từ nhân lành, rồi cả phần Ngôn lễ đều qui hướng về ý nghĩa đó.Hôm nay cũng là ngày Quốc tế cầu nguyện cho ơn thiên triệu lần thứ 37. Năm 1964, sau 1 năm lên ngôi Giáo Hoàng, đảm trách chức vụ mục tử hoàn cầu, đứng trước viễn tượng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít", Đức Phaolô đệ VI đã ấn định hằng năm cứ vào ngày Chúa Nhật 4 Phục Sinh sẽ là ngày "Quốc tế cầu nguyện cho ơn thiên triệu" để tha thiết xin Chúa là chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến trong đồng lúa của Người. Do đó, hôm nay là ngày ráo riết học hỏi, cổ võ và cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ, nhiều nơi mang những chiếc áo dòng nho nhỏ đủ loại dòng tu trong Giáo Hội cho các em nam nữ mặc để cổ võ ơn Thiên triệu nơi các tâm hồn non trẻ, những mầm non của Giáo Hội. Tất cả mọi ơn thiên triệu đều xuất phát từ Chúa Giêsu là Linh mục Thượng phẩm đời đời, là đấng chăn chiên nhân từ "không nỡ bẻ gẫy cây sậy đã bị dập, và dập tắt tim đèn còn leo lét". Ngài biết từng con chiên và tận tình săn sóc chúng, băng bó các vết thương, bồng bế trên tay, nâng niu trên đầu gối. Ngài đã chẳng ngần ngại để 99 con chiên tại chuồng, bôn ba đi tìm một con chiên bị thất lạc. Ngài dẫn chiên đến đồng cỏ xanh rì cho chúng gặm cỏ, đưa tới giòng suối mát cho chúng giải khát, tìm nơi mát mẻ cho chúng nghỉ ngơi, dưỡng sức. Cuối cùng Ngài đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên hầu dẫn đưa chiên vào đồng cỏ xanh tươi muôn đời trên thiên đàng. Là những con chiên bé nhỏ được tình thương của Đấng chăn chiên lành ấp ủ bao bọc, chúng ta hãy tỏ ra ngoan ngoãn dễ dạy dễ bảo, lắng nghe và đáp lại tiếng gọi dịu dàng của vị Mục Tử tốt lành ngõ hầu tránh được những mưu mô cạm bẫy bầy sư tử, sói rừng luôn rình chực để ăn tươi nuốt sống hãm hại linh hồn ta, và như thế chúng ta mới hy vọng đi theo Người bước vào cửa chuồng chiên muôn đời. Lạy Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên lành, xin dẫn đưa tất cả chúng con: mục tử cũng như đàn chiên, được đạt tới quê hương vĩnh phúc trên trời. Amen. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn