Trường hợp thánh Ambrosiô Giám mục là một trong những ơn gọi hết sức đặc biệt vì khi được: 07/12-1
Trường hợp thánh Ambrosiô Giám mục là một trong những ơn gọi hết sức đặc biệt vì khi được đề cử làm giám mục, thánh nhân còn đang là dự tòng. Con đường của Thiên Chúa thật là kỳ diệu. Cách chọn lựa con người của Ngài cũng hết sức diệu kỳ.
SỰ KỲ DIỆU CỦA MỘT CON NGƯỜI
Ambrosiô sinh tại Trêve năm 339, trong một gia đình thế giá, làm công chức cao cấp ở đế quốc Roma. Quả thực, danh vọng, chỗ đứng của Ngài trong xã hội lúc đó quả thực đầy bảo đảm. Số là ông hoàng Probus vì thấy Ambrosiô có óc thông minh, cầu tiến, trí khôn hết sức minh mẫn, tính ngay thẳng, cương nghị và có tài hùng biện, ăn nói lưu loát, lợi khẩu, nên đã đề cử Ngài giữ chức tổng đốc hai miền Liguria và Emilia phía bắc nước Ý.
Thiên Chúa luôn có con đường của Ngài. Điều gì thế gian cho là danh vọng, cho là thế giá, mang lại nhiều lợi nhuận cho bản thân, cho cuộc sống,Thiên Chúa lại nghĩ khác hẳn. Đây là cái đảo lộn của Tin Mừng. Phúc Am của Chúa luôn là thách đố cho mọi người muốn theo chân Ngài. Thánh Ambrosiô đang sống trong nhung lụa, thế giá của xã hội ban tặng. Thiên Chúa lại có khúc ngoặt của Ngài.
Số là Đức Giám mục thành Milan qua đời, tòa Giám mục trống ngôi, vì thế hàng giáo phẩm và giáo dân tụ họp để chọn một Giám mục kế vị Đức Cha vừa mới tạ thế. Tuy nhiên, tất cả từ hàng giáo phẩm, tới giáo dân đều bất đồng ý kiến không sao có thể chọn được vị Giám mục mới.
Giữa lúc hoang mang, lộn xộn, Ambrosiô với tư cách là chính quyền địa phương đến để hòa giải và tìm cách động viên mọi người chọn vị Giám mục mới. Trong lúc hỗn độn, có một em bé la to lên: "Ambrosiô Giám mục ". Lạ lùng thay tất cả mọi người có mặt đều đồng ý bầu Ngài là Giám mục năm 374. Ambrosiô sau đó được lãnh nhận bí tích rửa tội, rồi lãnh nhận các chức thánh và rồi lên làm Giám mục thành Milan.
THÁNH AMBROSIÔ LÀ MỘT CON NGƯỜI ĐẶC BIỆT
Là mục tử nắm giữ địa phận Milan, củng cố đức tin cho mọi người. Thánh Ambrosiô đã thẳng thắn, cương quyết đứng lên chống lại bè rối Ariô và các bè rối khác, bênh vực chân lý và kỷ cương của Giáo Hội. Với tài hùng biện,sự thánh thiện, khôn ngoan Chúa ban cho. Thánh Ambrosiô đã dùng tài giảng thuyết và các văn thư để đưa nhiều người lạc giáo quay trở về với Giáo Hội Chúa Kitô, trong đó có thánh Augustinô. Một con người đã hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, thánh Ambrosiô đã làm chứng cho Chúa Cứu Thế bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Trên ngai Giám Mục, thánh Ambrosiô đã sống hết mình vì đoàn chiên, Ngài đã củng cố đức tin cho nhiều người và đưa rất nhiều người trở về với Chúa, với Giáo Hội. Ngài đã được Chúa gọi về ngày 04/4/397,khi Ngài mới 58 tuổi.
Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Ambrosiô Giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin công giáo và một tông đồ trung kiên mẫu mực. Xin cho Hội Thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Ambrosiô ngày 07/12 ). Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thánh AMBRÔSIÔ chào đời khoảng năm 339 tại Augusta Trevororum. Cha Ngài, ông Aurlio: 07/12-2
Thánh AMBRÔSIÔ chào đời khoảng năm 339 tại Augusta Trevororum. Cha Ngài, ông Aurlio Ambrôsiô làm tổng trấn xứ Gauules và là nghị sĩ viện quí tộc. Nhưng ông chết sớm, mẹ Ngài trở về Roma với 3 người con: Ambrosiô. Marcellina và Satyra, cả 3 đều nên thánh.
AMBRÔSIÔ chưa lãnh phép rửa tội như thói quen thời ấy hay chần chừ, sợ mất ơn phép rửa tội, nhưng Ngài đã sống tuổi thơ ấu đạo đức. Lớn lên, Ngài tỏ ra thông minh đặc biệt, nổi tiếng về thơ văn, tài hùng biện và luật pháp. Thuộc dòng quí tộc, AMBRÔSIÔ được đặt làm lãnh sự tỉnh Emilia và Liguria với thị trấn là Milan. Probus, vị tổng trấn theo Kitô giáo đã khuyên Ngài :
- “Hãy đi và hành động như một giám mục hơn là quan án”.
Và người ta thán phục nhà quí tộc Kitô giáo vì sự khôn ngoan tỉnh thức và hiền hậu của Ngài. Giám mục Milan qua đời, một cộng đoàn tập hợp trong nhà thờ, người ta gây ồn ào xáo trộn tại đó vì chiahai phe: phe công giáo và phe theo Ariô. AMBRÔSIÔ với tư cách là nhà cầm quyền đã đến dàn xếp. Ngài diễn thuyết kêu gọi hoà bình và khuyên dân chúng khôn ngoan chọn lựa, Ngài nói một cách đáng phục đến nỗi mọi tín hữu đều một tiếng kêu lớn:
“AMBRÔSIÔ làm giám mục”.
Hết còn phân ly, người ta ôm nhau khóc vì vui mừng. Hoàng đế Valentinô đã chuẩn nhận việc tuyển chọn bất ngờ này.
Lúc ấy, AMBRÔSIÔ còn là một dự tòng, nên cảm thấy mình bất xứng để làm cha linh hồn của cả đoàn dân Ngài. Ngài đã có lần trốn thoát đến nỗi còn muốn gây cớ xúc phạm để tỏ ra bất xứng, nhưng vẫn không đánh lừa nổi ai. Ngài còn viết thư cho các giám mục và hoàng để xin cáo lui, nhưng hoàng đế còn bày tỏ lòng thán phục:
- “Không có một tinh thần nào ngay chính hơn, đây là một tay lái không thể uốn cong được”.
AMBRÔSIÔ dành nhiều miễn cưỡng chấp nhận. Ngày 24 tháng 11 Ngài chịu phép Rửa tội. Ngày 07 tháng 12 năm 374 Ngài đã thụ phong linh mục và được thánh hiến giám mục. Ngài nói:
- “Tôi bắt đầu dạy dỗ điều mà tôi không được học”.
AMBRÔSIÔ không coi mình như người thuộc thế gian nữa, Ngài phân phát của cải cho người nghèo và dâng đất đai cho Giáo hội. Một phần đêm khuya dành để cầu nguyện và học hỏi. Ngài học các tác phẩm Kitô giáo, nhất bằng tiếng Hy Lạp và đào sâu thần học. Buổi rạng đông, dâng lễ rồi vào bàn làm việc. Ngài rao giảng để tái hồi giáo phận bị xáo trộn bởi phái Ariô. Ngài mở rộng cửa tiếp đón mọi người cần đến mình. Thánh Augustinô mà Ngài góp phần cải hóa đã gọi Ngài là thầy. Khi dạy dỗ, Ngài tỏ ra hiền hậu mà người ta gọi là “sự ngọt ngào của AMBRÔSIÔ”. Khi ngồi tòa, Ngài đã khóc như chính mình là tội nhân. Không có giờ ăn, Ngài như chay tịnh liên tiếp. Việc mục vụ nặng nề không ngăn cản Ngài tỏ ra là một thủ lãnh quyết bảo vệ đức tin công giáo. Ở Roma, tại cung điện nữ hoàng Justina theo Ariô, muốn chiếm nhà thờ Milan, giám mục chống lại và quyết bảo vệ thánh đường. Từ Chúa nhật lễ lá tới thứ năm tuần thánh, một đoàn người công hãm thánh đường. AMBRÔSIÔ dùng việc giảng dạy và thánh ca để giữ tín hữu. Những người yêu mến Ngài làm thành một hàng rào bao quanh Ngài. Cuối cùng, chiến thắng về tay AMBRÔSIÔ. Ngài vẫn luôn tỏ thái độ cương quyết như thế.
Đế quốc rơi vào tay Theodosiô. Vị Tân hoàng đế rất quí chuộng và kính trọng giám mục. Đức giám mục cũng yêu mến ông bằng tình phụ tử, nhưng không vì thế mà thành ra yếu đuối bất công. Theodosiô trên đài vinh quang, để trừng phạt cuộc nổi loạn ở Thesalonica, đã ra lệnh tàn sát dã man. Thánh AMBRÔSIÔ viết thư quở trách, bắt ông hối cải và cấm vào thánh đường. Ít lâu sau, Theodosiô chiến thắng trở về Milan với binh sĩ muốn vào thánh đường, đức giám mục đứng ở cưả ngăn ông lại và trách cứ ông. Hoàng đế lui về hoàng cung thống hối trong tám tháng. Ngày lễ Giáng sinh, ông khóc lóc xin tha tội. Ông cởi áo bào, phục dưới thềm nhà thờ và xếp hàng giữa đám tội nhân công khai. Không bao giờ ông còn chiếm chỗ danh dự nơi cung thánh nữa. Dân Milan rất thán phục vị vua đã đền tội cách quảng đại như vậy. Về sau, ông lại đi dẹp một cuộc nổi loạn mới. Thánh AMBRÔSIÔ lại viết cho ông:
- “Chiến thắng của vua sẽ bất toàn nếu vua không tha cho các kẻ nổi loạn”.
Vua đã tha. Trở về, AMBRÔSIÔ ôm ông và khóc vì vui mừng. Vua đã qua đời trong tay vị giám mục. Với hoàng tử kế vị. Thánh AMBRÔSIÔ nói:
-“Ông không phải làm vua để phục vụ lợi ích gia đình mình thôi, nhưng là để cai quản mọi người”.
Và đối với vị vua băng hà, thánh AMBRÔSIO nói:
- “Tôi yêu mến con người này, vì đã ưa người quở trách mình hơn bọn nịnh thần. Hoàng đế đã không mắc cỡ khi hoàn tất việc thống hối công khai và không ngày nào mà không khóc lỗi lầm mình”.
Thánh AMBRÔSIÔ còn sống thêm hai năm sau cái chết của vua Theodosiô. Nghe loan báo về cơn bệnh của Ngài, một viên chức của nhà vua tuyên bố:
- “Con người này mà chết đi thì Italia sẽ bị đe dọa tàn phá đến nơi”.
Danh tiếng của Ngài vang dội đến nỗi rợ dân đã không dám chống lại Ngài. Có những thủ lãnh tin rằng: Ngài có thể ngưng mặt trời lại. Ngài đã hạnh phúc dùng thư tín mà cải hoá được nữ hoàng Marcômans. Trước khi qua đời ngày 4 tháng 4 năm 379 Ngài đã tổ chức các tòa giám mục miền bắc Italia. Theo một tường thuật, Ngài đã nằm, tay chéo lại như hình Thánh giá và người ta có thể thấy như môi Ngài vẫn cầu nguyện không ngừng.
Gần mộ Ngài sẽ đặt phần mộ Marcellina, người em mà Ngài yêu qúi hơn cả. Con người và sự sống của thánh nữ chính nhờ sự dẫn dắt của Ngài đã hiến mình cho Thiên Chúa.
Thay vì mừng lễ thánh Ambroise vào ngày mất của ngài (4 tháng 4 năm 397), thường rơi vào 07/12-3
Thay vì mừng lễ thánh Ambroise vào ngày mất của ngài (4 tháng 4 năm 397), thường rơi vào các ngày lễ Phục sinh, Giáo Hội mừng vào ngày 7 tháng 12, là ngày kỷ niệm ngài thụ phong giám mục (394). Tại Rôma, từ thế kỷ XI, người ta đã mừng lễ ngài vào ngày này, cũng như trong các Giáo Hội Byzantin và một số nhà thờ chính toà hay tu viện thời Trung cổ. Cùng với thánh Augustin, Hiêrônimô và Grégoire, thánh Ambroise là một trong bốn thánh giáo phụ và tiến sĩ lớn của Giáo Hội la-tinh, và là một trong những vị thánh được yêu mến nhất.
Thánh Ambroise sinh tại Trèves (Augusta Trevirorum) khoảng năm 339, trong một gia đình Kitô giáo thuộc giới quí tộc Rôma, vào thời kỳ cha ngài làm pháp quan của tỉnh Gaules. Khi cha mất, mẹ của ngài về sống tại Rôma cùng với ba người con: hai trai và một gái, Marcellina, cô em gái này sẽ nhận khăn choàng trinh nữ từ tay Đức giáo hoàng Libère. Sau khi hoàn tất các môn văn chương và luật, Ambroise đã hành nghề một cách xuất sắc, đưa ngài tiến mau đến tận Milan, tại đây ngài được bổ nhiệm làm tổng trấn tỉnh Ligurie và Émilia của Rôma.
Năm 374, khi giám mục Auxence thuộc phe lạc giáo Arius qua đời, quan tổng trấn Ambroise tới nhà thờ lớn Milan để giữ trật tự vào dịp bầu tân giám mục. Nhưng, tuy mới chỉ là một dự tòng, chính ngài lại là người được chọn làm giám mục trước sự phấn khởi của toàn dân. Họ la to: “Ambroise giám mục!” Ngài miễn cưỡng chấp nhận, và tám ngày sau, ngài được rửa tội, được truyền chức và tấn phong. Lúc đó ngài khoảng ba mươi tư tuổi. Sau khi trở thành người đứng đầu Giáo Hội ở Milan, thánh Ambroise học tập thừa tác vụ đến độ ngài trở thành một trong những vị mục tử hoàn hảo nhất trong lịch sử Hội Thánh. Việc đầu tiên ngài làm là phân phát tài sản của mình cho người nghèo và chọn một nếp sống khổ hạnh. Rồi, dưới sự hướng dẫn của một cha Simplicien, một linh mục giàu kinh nghiệm, ngài dấn thân miệt mài vào việc học Kinh Thánh và các tác giả Ki-tô giáo. Ngài học nhằm phục vụ trước hết cho việc rao giảng và thi hành tác vụ huấn giáo. Bị lôi cuốn bởi Tin Mừng Luca, ngài đã viết một bình luận về Tin Mừng này, còn truyền lại tới chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng còn giữ được một sưu tập các khảo luận của ngài về các nhân vật và chủ đề Kinh Thánh: Abel, Cain, Nôê, Abraham, Isaac, thiên đàng, tạo dựng. . .
Thánh Ambroise không ngừng quan tâm tới việc dạy giáo lý cho dân chúng, nhất là trong việc khai tâm đức tin và chuẩn bị phép rửa. Trong khảo luận Các Mầu Nhiệm và các Bí Tích, thánh giám mục Milan cắt nghĩa cho các tín hữu về các bí tích và phụng vụ. Nhưng ngài không chỉ giới hạn vào việc giảng thuyết. Nhằm giúp các tín hữu tham dự tích cực vào phụng vụ, ngài đã sáng tạo ra nhạc bình dân – thể loại đầu tiên ở phương Tây – và ngài đưa các bài hát xen vào các thánh vịnh. Cũng vậy, ngài soạn ra các thánh thi và các ca vãn, và một số sáng tác của ngài ngày nay vẫn còn được dùng để cầu nguyện hay hát trong phụng vụ thuộc nghi lễ Ambroise ở giáo phận Milan.
Trong một xã hội mà Kitô giáo chưa thấm nhuần hoàn toàn, thánh Ambroise quan tâm canh tân các phong tục với mục đích Kitô hoá chúng; ngài cống hiến cho phương Tây khảo luận đầu tiên về đạo đức học Kitô giáo (De Officiis), lấy hứng chủ yếu từ Cicéron. Nhiều khảo luận bàn về đề tài trinh khiết, trong đó có một tác phẩm ngài viết cho em gái ngài là Marcellina, lúc đó đã qui tụ được một số chị em thành một cộng đoàn trinh nữ. Một tiểu luận khác ngài viết cho các bà góa.
Viết đã giỏi, ngài còn là nhà hùng biện lỗi lạc; chính nhờ ngài mà chàng thanh niên Augustin ở Tagaste đã hoàn tất hành trình hoán cải của mình. Cuối đời, bị suy yếu và biết giờ chết sắp tới, ngài đọc cho người ta viết bình luận về thánh vịnh 43 (44). Ở câu 24, ngài nói: “Thật khó khăn khi phải kéo lê lâu dài một thân xác mà bóng tử thần đã che phủ. Lạy Chúa, xin đứng lên. Tại sao Người vẫn ngủ? Người sẽ xua đuổi con mãi sao?” Sự vĩ đại và thánh thiện của thánh Ambroise được diễn tả trong tiếng kêu la cuối cùng này, mà Chúa đã nghe vào một ngày thứ sáu tuần thánh, 4 tháng 4 năm 397.
II. Thông điệp và tính thời sự Ca Nhập lễ nhắc lại những lời của sách 1 Samuel 2, 35: Ta sẽ làm xuất hiện cho ta một tư tế trung thành, nó sẽ hành động theo lòng Ta mong muốn… Cũng vậy, Lời Nguyện của ngày nói: “Lạy Chúa, xin làm xuất hiện trong Hội Thánh Chúa những con người như lòng Chúa mong muốn.” Là độc giả trung thành của Tin Mừng Luca, thánh Ambroise đã biết bắt chước trong thừa tác vụ giám mục của ngài mẫu gương của người Mục Tử Nhân Lành và trở nên một “tư tế trung thành” theo lòng Chúa Giêsu. Chúa Giêsu luôn ở tâm điểm của mọi tư tưởng và hoạt động mục vụ của ngài: “Chúng ta có mọi sự trong Đức Kitô, mọi sự đều thuộc quyền Đức Kitô, và Đức Kitô là tất cả cho chúng ta. Nếu bạn muốn chữa lành vết thương, Người chính là thầy thuốc. Nếu bạn bị nóng sốt, người chính là suối mát. Nếu bạn sợ chết, Người chính là sự sống. Nếu bạn muốn lên trời, Người chính là đường đi. Nếu bạn tìm của nuôi thân, người chính là lương thực” (PL 44, 671).
Thánh Ambroise cũng nhìn thấy Đức Kitô là “Lang quân” của sách Diễm Ca, đi tìm “Hôn thê”, hình ảnh của linh hồn và của Hội Thánh. Chính trong sự trinh khiết thánh hiến mà cuộc “hôn nhân mầu nhiệm” giữa linh hồn và Ngôi lời được thể hiện trọn vẹn.
Thánh Ambroise đã cai quản Giáo Hội ngài “với sức mạnh và sự khôn ngoan” (Lời Nguyện). Trong một thời kỳ khó khăn mà Giáo Hội phải tìm cách khẳng định sự độc lập của mình đối với quyền lực chính trị, đồng thời trong vai trò của ngài là người nắm giữ công lý và sự thật, vị giám mục Milan đã chu toàn đầy đủ sứ mạng của mình.
– Năm 386, khi hoàng hậu Justine giao quyền cai quản thánh đường Milan cho một giám mục thuộc phái Arius, thánh Ambroise đã cho giáo dân vào chiếm thánh đường. Hoàng hậu phải nhượng bộ.
– Khi Maxime cướp chính quyền, thánh Ambroise đã bảo vệ các quyền của nhà vua trẻ Valentinien II.
– Khi hoàng đế Théodose tàn sát dân chúng Thessalonique để báo thù, thánh Ambroise đã nhắc nhở tới luật pháp và buộc hoàng đế sám hối công khai một cách nghiêm khắc.
Ca Hiệp lễ trích Tin Mừng Gioan 10, 11: Người mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên, và Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “học đòi gương sáng của thánh Ambroise.”
Ngài rao giảng bằng gương sáng còn nhiều hơn bằng lời nói. Ngài phân phát tất cả tài sản mình cho người nghèo, và không ngần ngại đổi những bình thánh của nhà thờ để chuộc các tù nhân. Ngài viết trong Khảo luận về ông Nabóth: “Không phải bạn lấy của cải mình phân phát cho người nghèo, mà chỉ là bạn trả lại cho họ phần của họ mà thôi. Bởi vì bạn đã một mình chiếm đoạt những cái được ban cho mọi người để sử dụng. Đất đai thuộc về mọi người chứ không thuộc về người giàu… Như thế bạn trả nợ của bạn, chứ không phải bạn ban phát một cách hào phóng đâu”(Nabóth, 55).
“Ánh sáng đức tin soi chiếu thánh Ambroise” (Lời Nguyện trên lễ vật) đã biến ngài trở nên một mục tử và một vị tiến sĩ đáng cảm phục. Là người dạy giáo lý cho Paulin de Nole và Augustin, ngài không ngừng quan tâm cống hiến cho các tín hữu một giáo huấn tinh tuyền, trung thực với giáo lý của Hội Thánh “không bao giờ lay chuyển, vì được xây trên tảng đá của thánh Tông đồ” (Thư gửi Constance). Câu nói sau đây của ngài đã trở thành điển ngữ: “Ở đâu có Phêrô, ở đó có Hội Thánh” (Về Thánh vịnh 40).
Nguồn mạch tuôn trào thông điệp Kitô giáo chính là Lời Thiên Chúa: “Hãy nghe lời của Đức Kitô, để tiếng của Người vang xa. Hãy hứng lấy nước của Đức Kitô… Hãy thu gom nước của Người từ khắp mọi chân trời, và hãy làm lan rộng khắp nơi những đám mây, biểu tượng của các ngôn sứ. Ai hứng được nước trên núi cũng làm cho nước tràn ra như một đám mây.” Là bậc thầy về khoa ăn nói, thậm chí rất quyến rũ, ngài đã cho giám mục Constance những lời khuyên quí giá: “Các bài giảng của đức cha phải phong phú, tinh tuyền và trong sáng… Đức cha hãy đổ vào tai các thính giả của mình nhiều sự dịu ngọt, thu hút giáo dân của mình bằng vẻ đẹp của lời nói, và giáo dân sẽ sẵn sàng theo đức cha bất cứ đến đâu… Các lời của đức cha phải chứa đầy sự khôn ngoan… Các bài giảng của đức cha phải dễ hiểu, và ý nghĩa phải rõ ràng” (Thư gửi Constance, trong Giờ Kinh Sách).
Thánh Augustin ca ngợi tài hùng biện của thánh Ambroise: “Tôi đứng đó: tâm trí bị cuốn hút theo lời của ngài. Thú thật tôi chẳng quan tâm gì, thậm chí coi thường nội dung, nhưng sức quyến rũ của lời ngài nói làm tôi mê hoặc” (Tuyên xưng 5, 13).
Các ảnh thánh đôi khi vẽ thánh Ambroise tay cầm roi, nhưng thực sự ngài đầy nhân tính: “Hãy cho tôi được cảm thông mỗi khi tôi chứng kiến sự sa ngã của một tội nhân, ngài viết thế. Chúng ta thà tỏ ra tốt lành và gánh lấy sự buồn phiền cho mình, còn hơn tỏ ra vô nhân đạo.”
Thánh Ambrôsiô sinh khoảng năm 340 tại nước Đức. Ngài là con trai của một quận trưởng gốc người 07/12-4
Thánh Ambrôsiô sinh khoảng năm 340 tại nước Đức. Ngài là con trai của một quận trưởng gốc người Rôma trông coi thành Gaul. Khi thân phụ qua đời, thân mẫu của Ambrôsiô đã đem cả gia đình về lại Rôma. Bà và người con gái, là thánh nữ Marxêlina, đã nuôi Ambrôsiô khôn lớn. Sau đó thánh nhân trở thành một luật sư tại quê nhà. Rồi Ambrôsiô được đặt làm thống đốc thành Milan và cả địa hạt xung quanh đó. Nhưng, do một biến cố lạ lùng, Ambrôsiô thống đốc đã trở thành Ambrôsiô giám mục. Trong những ngày đó, dân chúng thường có thói quen đề cử một người họ muốn đặt làm giám mục. Vậy dân thành Milan đã chọn Ambrôsiô trước sự ngạc nhiên vô cùng của ngài. Ambrôsiô đã cố gắng từ chối, nhưng dường như ý Chúa đã muốn như vậy. Do đó, Ambrôsiô đã làm linh mục và rồi giám mục của thành Milan.
Ambrôsiô là một khuôn mẫu và là người cha tuyệt vời đối với dân thành Milan. Vì muốn sống xứng đáng với chức vị của mình, Ambrôsiô đã bố thí tất cả mọi thứ ngài có và bắt đầu sống giản dị hơn. Thánh nhân cũng nghiên cứu thần học và Kinh Thánh.
Thánh Ambrôsiô chống lại điều xấu với một lòng can đảm hiếm có. Thánh nhân đương đầu với một đội quân hùng hậu đang thẳng tiến và ngài đã thuyết phục được viên tướng lãnh đạo rút quân về. Lần khác, hoàng đế Thêôđôsiô từ Đông phương tiến quân lên. Ông muốn cứu nước Ý thoát khỏi nạn xâm lăng. Ông đã khuyên các binh sĩ của ông phải tôn trọng đức giám mục Milan. Tuy vậy, khi ông vua này ra lệnh tàn sát 7000 người dân thành Thessalônica, Ambrôsiô đã không ngần ngại đối đầu với ông. Thánh nhân đã bắt Thêôđôsiô phải công khai đền tội. Hoàng đế không tức giận và cũng chẳng trả thù! Ông nhận thấy vị thánh hành động đúng lý. Rất khiêm tốn, Thêôđôsiô đã công khai làm việc đền tội. Ambrôsiô muốn cho thế giới biết rằng không một người nào, dù là nhà lãnh đạo, có thể vượt trên lề luật của Thiên Chúa và luật của Giáo hội.
Dân chúng đã tỏ ra sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra cho nước Ý khi Ambrôsiô qua đời. Lúc thánh nhân đau bệnh, họ đã nài xin ngài cầu nguyện để được sống lâu hơn. Nhưng thánh Ambrôsiô trả lời họ rằng: “Cha không xử với các con như là cha sợ sống lâu hay sợ chết đâu, bởi lẽ chúng ta cùng có Thiên Chúa là Vị tôn sư nhân lành!”
Giám mục Ambrôsiô về trời vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 397.
Thánh Ambrôsiô là một linh mục và là một giám mục vĩ đại. Thánh nhân đã dành trọn trái tim và năng lực của mình để phục vụ dân Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta biết coi trọng chức linh mục. Ambrôsiô sẽ dạy chúng ta biết quý trọng các linh mục và sẵn sàng cầu nguyện cho các ngài.
2. BÀI HỌC
* Ảnh hưởng của gia đình.
Gia đình có một ảnh hưởng rất lớn trên con cái. Trong Giáo Hội cũng như ở ngoài xã hội giữa cuộc sống đời thường.
Hẳn chúng ta còn nhớ tới hoàn cảnh của nhà bác học Thomas Edison, cả đời chỉ đến nhà trường có ba tháng. Vậy mà ông đã trở thành một nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới với 1500 bằng phát minh. Cả loài người phải biết ơn ông vì những cống hiến ông dành cho nhân loại.
Có lần ông đã thành thật chia sẻ với mọi người: “Tôi được thế này là nhờ mẹ của tôi”
Chắc chắn không ai chúng mà không biết bà mẹ thánh Monica một người mẹ đã làm cho một người con tội lỗi của mình thành một thánh tiến sĩ của Giáo hội.
Cuộc đời của thánh Ambrosio mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng thế. Lịch sử còn ghi lại rất rõ người mẹ và người chị gái, là thánh nữ Marxêlina, đã nuôi Ambrôsiô khôn lớn.
Chúng ta hãy biết ơn người mẹ và người chị gái này bởi vì nhờ họ mà Giáo hội có được một vị thánh Giám mục nổi tiếng này.
Mẹ thánh Têrêsa Calcutta có lần đã tâm sự: Tôi có một niềm tin mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn. tình yêu bắt đầu từ mái nhà, vì vậy, mọi người chúng ta phải cố gắng đảm bảo rằng luôn có một tình yêu sâu sắc ngự trị trong chính ngôi nhà của chúng ta. Chỉ khi có được tình yêu ấy dưới mái ấm của mình, chúng ta mới có thể sẻ chia cho xóm giềng lân cận. Khi bạn nói được rằng: “Vâng, tình yêu ở nơi đây”, bạn mới có thể trao gửi nó cho mọi người quanh bạn.
Một ngày nọ, tôi tìm thấy một bé gái nhỏ bên đường. Tôi mang em về nhà trẻ của chúng tôi. Ở đó, em có được một ở yên ấm và cả thức ăn ngon. Chúng tôi cho cô bé quần áo sạch và cố làm cho em được hạnh phúc trong khả năng có thể.
Vài giờ sau, cô bé bỏ trốn. tôi cố tìm nhưng không thể phát hiện được em ở đâu. Rồi sau vài ngày, tôi lại tìm thấy cô bé. Một lần nữa, tôi mang em trở về nhà của chúng tôi và bảo một nữ tu: “Sơ này, hãy đi theo đứa bé này xem nó sẽ đi đâu”
Bé gái ấy lại chạy trốn. Như lời tôi đã dặn trước, vị nữ tu đi theo em để biết được nơi em muốn đến là đâu.
Theo chân bé gái, sơ phát hiện rằng em quay về với mẹ. Bà đang sống trong một túp lều rách nát dưới một gốc cây bên đường. Người mẹ đặt hai tảng đá dưới gốc cây và đặt lên trên một chiếc nồi đen cháy lõng bõng nước. Đó là tất cả bữa ăn của họ.
Nghe chị nữ tu kể lại, tôi vội vã lên đường đi đến đó. Tôi thấy sự rạng rỡ trên gương mắt bé gái nhỏ, vì em được ở cùng mẹ - người yêu thương và làm cho em những bữa ăn đặc biệt ở góc phố tồi tàn đó.
Tôi hỏi bé gái: “Tại sao con không ở cùng Ta? Ở đó con có nhiều thứ đẹp hơn cơ mà?” Cô bé trả lời: “Con không thể sống thiếu mẹ con. Mẹ yêu con”. Đứa bé ấy thấy hạnh phúc với những bữa ăn đạm bạc mà mẹ em nấu bên đường, hơn là những thứ mà tôi đã cho em tại mái ấm của chúng tôi.
* Ảnh hưởng của một thánh nhân .
Chúa nhận lời các Thánh
Hai vợ chồng nọ cưới hỏi nhau lâu mà không có con. Hôm đó có nhà tu hành đến thăm. Vợ chồng nhờ ông cầu xin cho được sinh con nối dòng. Ông liền lên đền thờ cầu nguyện nhưng có tiếng trả lời:
- Theo như đã ấn định, thì gia đình đó không có con.
Năm năm sau, nhà tu hành trở lại thăm gia đình đó. Thấy có hai đứa trẻ nô đùa trước cửa nhà, ông ngạc nhiên hỏi:
- Con ai vậy?
Người chồng đáp :
- Con chúng tôi đấy. Năm năm trước có một vị thánh đến thăm chúng tôi và hứa cầu xin cho chúng tôi có con. Và hai đứa bé này là kết quả của lời cầu nguyện của vị thánh đó.
Câu chuyện mà lịch sử còn ghi lại khi vua Thêôđôsiô ra lệnh tàn sát 7000 người dân thành Thessalônica, Ambrôsiô đã không ngần ngại đối đầu với ông. Thánh nhân đã bắt Thêôđôsiô phải công khai đền tội. Hoàng đế không tức giận và cũng chẳng trả thù! Ông nhận thấy vị thánh hành động đúng lý. Rất khiêm tốn, Thêôđôsiô đã công khai làm việc đền tội. Ambrôsiô muốn cho thế giới biết rằng không một người nào, dù là nhà lãnh đạo, có thể vượt trên lề luật của Thiên Chúa và luật của Giáo hội.
Ước gì thế giới hôm nay có được nhiều người thánh để thế giới hôm nay bớt tội lỗi và làm cho cuộc sống giữa người với người được tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Xin thánh Ambrosiô nguyện giúp cầu thay cho chúng ta. Amen.
Thánh Ambrôsiô sinh năm 339 tại Trêve, trong một gia đình công chức cao cấp thuộc đế quốc 07/12-5
Thánh Ambrôsiô sinh năm 339 tại Trêve, trong một gia đình công chức cao cấp thuộc đế quốc Rôma. Tới lúc trưởng thành, với trí khôn minh mẫn, tâm hồn ngay thẳng và tài hùng biện, ngài được ông hoàng Robus đề cử giữ chức tổng đốc hai miền Liguria và Êmilia phía bắc nước Ý.
Sau khi Đức giám mục thành Milan qua đời, hàng giáo phẩm và giáo dân họp lại để chọn một giám mục kế vị, nhưng vì bất đồng ý kiến nên đã chống đối nhau kịch liệt. Trong bầu không khí hỗn độn ấy, Ambrôsiô với tư cách là chính quyền địa phương đã đến để hòa giải. Bỗng nhiên có một em bé la to lên “Ambrôsiô giám mục!” và lạ thay mọi người đều đồng thanh bầu Ambrôsiô làm giám mục năm 374. Nên sau đó ngài được rửa tội (vì còn là dự tòng), và lần lượt lãnh các chức thánh để rồi cuối cùng lên làm giám mục Milan.
Trong chức vụ chủ chăn, thánh Ambrôsiô đã mạnh dạn đứng lên bênh vực chân lý và kỷ luật của Giáo Hội chống lại Ariô và các bè rối khác. Qua lời giảng thuyết cũng như các văn thư, ngài đưa nhiều người lạc giáo trở về làm con cái Giáo Hội, trong số đó phải kể đến thánh Augustinô.
Thiên Chúa đã gọi ngài về hưởng triều thiên công phúc ngày 4-4-397.
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Amrôxiô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức 07/12-6
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Amrôxiô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã làm cho thánh Amrôxiô giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin Công Giáo, và một Tông Đồ trung kiên mẫu mực. Xin Chúa cho Hội Thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa, biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên. Thánh Amrôxiô chào đời ở Trêvêrô quãng năm 340 trong một gia đình người Rôma. Thánh nhân theo học ở Rôma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếcmiô. Năm 374, lúc đang ở Milanô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12. Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái Ariô. Người qua đời thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 4 tháng 4 năm 397.
Khôn ngoan và dũng cảm, để dám nói lời cảnh báo, khi Dân Chúa lạc xa đường lối Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Ngôn sứ đóng vai trò của người lính canh loan báo ngày Baben sụp đổ. Ngôn sứ là người được sai đi để nói lời của Thiên Chúa cho loài người. Lời ấy có thể là lời an ủi và cũng có thể là lời cảnh cáo. Trong bài đọc này, ngôn sứ đóng vai trò của người lính gác. Ông canh chừng để cảnh cáo dân về mối đe doạ trệch xa đường Chúa. Một thiên thần lên tiếng hô mạnh mẽ: Thành Babylon vĩ đại sụp đổ rồi! Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi thành ấy đi, để khỏi thông đồng với tội lỗi của nó! Tội lỗi của nó đã chồng chất lên đến tận trời, và Thiên Chúa đã nhớ đến các việc gian ác của nó.
Khôn ngoan và dũng cảm, để can đảm lên tiếng lúc thuận lợi cũng như không thuận lợi, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Ước gì lời bạn giảng có nội dung phong phú, tinh tuyền, trong sáng, để khi giảng dạy luân lý, bạn nói năng ngọt ngào như rót vào tai dân chúng, và lời lẽ duyên dáng của bạn sẽ làm cho dân chúng say mê, từ đó người ta sẽ theo bạn đến nơi bạn muốn… Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ. Với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ.
Khôn ngoan và dũng cảm, để giữ vững lòng tin tưởng cậy trông chờ đợi Chúa thi ân giáng phúc, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 146, vịnh gia đã kêu xin: Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Chúa. Hãy ca ngợi Chúa đi! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy! Chúa là Đấng xây dựng lại Giêrusalem, quy tụ dân Ítraen tản lạc về.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Chúa là vị thẩm phán của chúng ta, là nhà lập pháp của chúng ta và là vua của chúng ta, chính Người sẽ cứu độ chúng ta. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Chúa chạnh lòng thương bầy chiên không người chăn dắt, Chúa chính là thẩm phán và là nhà lập pháp, là vua và là Đấng cứu độ chúng ta. Chúng ta không phải sợ hãi chi, Chúa đã cắt đặt những người dẫn dắt, chăm lo cho chúng ta, phần của chúng ta là, hãy vâng nghe lời rao giảng và cảnh báo của những người được Chúa sai đến, và giữ vững lòng trông cậy vào hứa cứu độ của Chúa. Chúa đã làm cho thánh Amrôxiô giám mục trở nên một bậc thầy giảng dạy đức tin Công Giáo, và một Tông Đồ trung kiên mẫu mực. Ước gì Hội Thánh ngày nay được thêm nhiều mục tử vừa ý Chúa, biết khôn ngoan và dũng cảm chăm sóc đoàn chiên. Ước gì được như thế!
Phụng vụ Giáo hội hôm nay cho chúng ta chiêm ngưỡng gương sống của thánh Amrôxiô giám mục 07/12-7
Phụng vụ Giáo hội hôm nay cho chúng ta chiêm ngưỡng gương sống của thánh Amrôxiô giám mục, ngài là một bậc thầy khôn ngoan và thông thái giảng dạy về đức tin Công giáo.
Thánh Amrôxiô được chào đời năm 333 tại Gaul, nước Đức. Ngài thuộc dòng họ quý tộc và được hấp thu một nền giáo dục hoàn hảo tại Roma. Có rất nhiều giai thoại kể về sự khôn ngoan của vị thánh giám mục tiến sĩ này, trong đó có một giai thoại kể rằng: Một hôm, Amrôxiô thấy mẹ và người em của cậu hôn nhẫn đức giám mục, ngài nói cách chân thật như tiên báo: - Mẹ hãy hôn tay con đi, vì con cũng sẽ làm giám mục. Lớn lên, Amrôxiô được theo học khoa hùng biện và giáo luật. Ngài tỏ ra thông minh xuất chúng đã đỗ đạt nổi tiếng và được triều đình đặt làm tổng trấn hai tỉnh của nước Ý và thị trấn Milan.
Với tài học cao hiểu rộng, thánh nhân làm việc rất hiệu quả, được dân chúng thán phục và triều đình kính nể. Xảy ra lúc đó, Đức Giám mục Milan qua đời. Vị Giám mục này theo phái Ariô, nên khi chọn người kế vị, hàng giáo sĩ và giáo dân chia làm hai phe, một phe quyết chọn người hoàn toàn Công giáo, còn phe kia định đưa người theo phái Ariô lên. Hai phe phản đối nhau quyết liệt, nếu không dàn xếp kịp thời có thể đưa đến đổ máu.
Với tư cách là tổng đốc, Amrôxiô đại diện triều đình đến đối thoại. Ngài khuyên mọi người bình tĩnh sáng suốt lựa chọn, kêu gọi họ hòa hợp với nhau trong tình bác ái huynh đệ, vì lợi ích chung cho giáo phận cũng như cho Hội Thánh. Lời ngài nói làm cho tất cả những người có mặt trong nhà thờ đều kính nể thán phục. Và từ trong đám đông có tiếng hô to: - Amrôxiô Giám mục. Thế là tất cả mọi người đồng thanh: - Amrôxiô là Giám mục của chúng ta… Amrôxiô Giám mục!...Họ đồng ý chọn ngài làm giám mục, vì thấy ngài là người có đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ quan trọng đó. Họ đệ đơn lên hoàng đế Valentinô và đã được chấp thuận, vì chính ông ta cũng nhìn nhận ngài là người tài đức.
Một điều lạ thay, lúc đó Amrôxiô còn chưa đến tuổi lãnh Bí tích Thanh tẩy nên ngài một mực chối từ làm giám mục. Thế nhưng với ơn Chúa thúc đẩy ngài đã vâng lời và thuận theo ý Chúa. Từ đó ngài chuẩn bị tâm hồn, học hỏi về chức thánh. Ngày 24 tháng 11 năm 374, ngài lãnh Bí tích Rửa tội, và một tháng sau đó cũng được thụ phong linh mục và giám mục khi mới 34 tuổi. Trước hồng ân cao cả của Thiên Chúa, ngài cảm động nói với những người tham dự lễ phong chức: - Thật khốn khổ cho tôi, vì từ nay tôi phải dạy dỗ những điều mà tôi chưa được học biết. Ngài xin mọi người cầu nguyện để ngài chu toàn sứ mạng Chúa trao. Ngài tự nghĩ mình sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa, phải đem hết cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Ngài bán hết gia tài phân phát cho người nghèo, trao cho Hội Thánh tất cả những đất đai còn lại để chuyên tâm học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện. Ngài vừa học vừa dạy, vừa làm các Bí tích theo chức vụ.
Trong cương vị giám mục, ngài củng cố đức tin cho các tín hữu và thánh hóa hàng giáo sĩ đang bị phái Ariô gây hoang mang xáo trộn. Mặt khác, ngài phải đương đầu với triều đình, vì lúc đó nữ hoàng đi theo phái Ariô, muốn chiếm đoạt thánh đường Milan. Ngài cương quyết phản đối và bảo vệ nhà của Chúa. Dù bị nữ hoàng đe dọa đủ cách, ngài vẫn can đảm kiên trì giữ vững lập trường.
Lòng can đảm bảo vệ đức tin, chí khí bất khuất trước mọi thử thách, đó là đặc điểm của giám mục Amrôxiô. Ngài là một giáo phụ biệt tài, là một nhà thơ, nhà giảng thuyết lừng danh và một vị giám mục thánh thiện. Ngài đã để lại nhiều tác phẩm bàn về những tín điều tuyên xưng niềm tin. Giáo hội đã tôn phong ngài là giáo phụ, người bảo vệ đức tin vĩ đại nhất trong lịch sử. Các họa sĩ đã vẽ chân dung ngài với đôi tay đang nâng một ngôi thánh đường, bên cạnh còn có một tổ ong biểu hiện sự khôn ngoan của vị giám mục tiến sĩ.
Lạy Chúa, Giáo hội Chúa đang gặp rất nhiều thử thách về niềm tin, xin cho chúng con biết noi gương thánh Amrôxiô biết khôn ngoan chọn lựa những gì phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và giá trị Tin Mừng, giúp chúng con trung thành phụng sự và làm vinh danh Chúa. Amen.