Khi ấy Gioan rao giảng rằng: "Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần. Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời: Con là con yêu quí của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.
Trước khi mừng Lễ Chúa Hiển Linh cho các đạo sĩ dân ngoại, chúng ta mừng Đức Giêsu được hiển linh trên sông Giođan, dù theo Tin Mừng Máccô, cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết. Nghe lời kêu gọi của Gioan từ hoang địa, bao người từ khắp nơi kéo đến thú tội và chịu phép rửa của ông. Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5). Trong số những người xếp hàng chờ đến lượt mình, có Đức Giêsu, một ông thợ mộc từ vùng Nadarét. Đức Giêsu có thú tội với Gioan, và sám hối để được tha thứ không? Đức Giêsu có biết mình là Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không? Chúng ta cần chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu. Hành vi công khai đầu tiên của Đức Giêsu là đứng chung với đồng bào, với tội nhân, là khiêm hạ để mình bị dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy. Nhưng vào chính giây phút Ngài lên khỏi nước (c. 10) bất ngờ Ngài thấy trời cao mở ra: Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, bất ngờ Ngài nghe tiếng Thiên Chúa nói riêng với mình : “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11). Đối với Đức Giêsu, đây thật là một mặc khải quan trọng. Thiên Chúa vén mở mối tương quan Cha-Con thân thiết, đồng thời ban Thần Khí để Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu. Nơi dòng sông Giođan hôm đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Giêsu là Đấng vô tội, vì luôn làm đẹp lòng Cha, nhưng vẫn đến với Gioan để xin chịu phép rửa sám hối. Đức Giêsu là Đấng gần gũi với Thiên Chúa như Con với Cha, nhưng cũng gần gũi với anh em của mình. Những gì đã xảy ra ở sông Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu. Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm mình, xóa mình, hủy mình, là mỗi lần Ngài được nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải. Sau khi chấp nhận đi con đường thập giá (Mc 8, 31), Đức Giêsu được biến hình và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2). Sau khi chấp nhận dìm mình trong cái chết nhục nhằn, Đức Giêsu đã được Cha phục sinh và nâng dậy. Có thể câu đầu tiên Chúa Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”. Cuộc sống người Kitô hữu cũng là liên tục dìm mình. Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy, chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3). Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới. Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng. Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài. Xin tha thứ cho con vì đã quá bận tâm đến những điều mình nói, đến ảnh hưởng của mình, đến những điều người ta nói và nghĩ về con. Xin tha thứ cho con vì muốn nên giống kẻ khác mà quên mất chính mình, vì khao khát có được những đức tính của họ, mà quên phát triển bản thân. Xin tha thứ cho con vì đã mất nhiều thời gian cho việc phô trương hơn là cho việc xây dựng bản thân. Xin cho con biết cởi mở với anh em; nhờ đó, Chúa có thể đến với con như đến với một người bạn. Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người” mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài vì con là con của Chúa và là anh em của mọi người. (Michel Quoist) ------------------------------
Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một cho ta. Đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Đó là sự sống cho nhân loại. Có ba nhân chứng: Thánh Thần, Nước và Máu. Chứng từ được công bố trong ngày Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan.
Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu. Đó là dấu hiệu Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian cứu độ nhân loại. Được xức dầu Thánh Thần. Được sai đi loan báo Tin mừng cho người nghèo. Tin mừng sự sống. Tin mừng giải thoát. Tin mừng ân sủng. Như xưa Thánh Thần bay là là trên mặt nước ban sự sống cho vũ trụ hỗn mang.
“Nước đã thấy Ngài, ôi lạy Chúa. Thấy Ngài nước rùng mình khiếp sợ”. Nước sông Gio-đan nhờ tiếp xúc với Đấng Chí Thánh, đã trở thành nước ban sự sống. Rửa sạch tội lỗi. Ban nguồn sự sống. Nhưng nước có thể phục sinh kẻ chết là nhờ Chúa Giê-su đã tự nguyện chịu chết cho nhân loại.
Đó chính là lời chứng của Máu. Việc gìm mình xuống dòng nước báo trước cái chết. Người sẽ chịu đổ máu. Sẽ bị mai táng trong mồ. Xuống âm phủ để phá tan sào huyệt thần chết. Chịu chết để tiêu diệt nọc độc của thần chết. Đem nhân loại vào sự sống.
Tất cả đều nói lên lòng vâng phục hiếu thảo của Chúa Giê-su. Hoàn toàn vâng lời Chúa Cha trong mọi sự. Cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Nhờ đó phục hồi được nhân loại. Nối lại mối thân tình cha – con giữa nhân loại với Thiên Chúa. Người đã trở thành Trưởng Tử hiếu thảo. Khai sinh một thế hệ hiếu thảo. Dẫn đầu một đàn em đông đúc. Được Chúa Cha chấp nhận. Vì thế Chúa Cha công khai tuyên dương Người: “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con”.
Có Thánh Thần, Nước và Máu làm chứng. Đó là chứng chắc chắn. Vì được chính Chúa Cha công nhận.
Xin cho chúng con, những người đã chịu phép rửa tội, được noi gương Người. Đi vào con đường Người đã đi. Sống theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chết cho con người tội lỗi. Sống hiếu thảo. Vâng phục Chúa Cha trong mọi sự. Để xứng đáng là những người em của Chúa. Là con yêu dấu của Chúa Cha.
Ngày kia, có một ông vua đi săn trong rừng, bỗng dưng ông nghe thấy tiếng khóc của trẻ thơ. Ông đi tới và thầm nghĩ: - Chắc hẳn em nhỏ bất hạnh này bị cha mẹ bỏ rơi.
Ông ẵm đứa nhỏ lên, đem về hoàng cung, tắm rửa và mặc cho những bộ quần áo đẹp.
Khi em bé lớn lên, ông đã nói với em: - Kể từ nay, ta sẽ gọi ngươi là con của ta và ngươi sẽ gọi ta là ba của con.
Có lẽ chúng ta ngạc nhiên về lòng thương xót của ông vua, nhưng nếu suy nghĩ về bí tích Rửa tội, chúng ta còn phải ngạc nhiên hơn nữa.
Thực vậy, em nhỏ mặc dù được gọi nhà vua là cha, nhưng trong huyết quản em vẫn không có lấy được một giọt máu của hoàng tộc. Thực tế em vẫn chỉ là con của một kẻ nghèo túng.
Nhưng đối với chúng ta thì khác, nhờ dòng nước rửa tội, chúng ta được tẩy sạch khỏi mọi vết nhơ tội lỗi đã đành, mà hơn thế nữa chúng ta còn được mặc lấy tấm áo ơn sủng. Thiên Chúa thông ban cho chúng ta sự sống của Ngài, để khi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, thì đó không còn là một danh từ trống rỗng và vô nghĩa, nhưng là một sự thật: - Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta là con của Ngài.
Chúng ta hãy vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một địa vị cao cả như thế, và nhất là hãy cố gắng sống cho xứng đáng với địa vị cao cả ấy.
Có một cậu bé hoàng tử chẳng may bị bọn cướp bắt cóc. Sau khi đã lấy hết những thứ quí giá trên mình, chúng trói câu vào một gốc cây. Nhưng may thay có một bác tiều phi đi ngang qua, đã cởi trói và đem cậu về nhà nuôi.
Nhiều năm sau, nhân một cuộc đi săn, vua cha đã dừng chân trước căn nhà nhỏ bé của bác tiều phu. Bác tiều vui rất lấy làm vinh dự được dẫn những đứa con của mình ra trình diện nhà vua. Khi đến cậu hoàng tử, bỗng nhà vua xúc động mạnh. Ông thầm nghỉ:
- Phải chăng đây chính là hoàng tử, con ta đã bị bắt cóc.
Ông hỏi bác tiều phu về gốc gác cậu bé và nói: - Nếu ở bên vai phải có dấu ấn ta đã ghi, thì đúng là hoàng tử.
Với bàn tay run run, ông vạch chiếc áo và mừng rỡ kêu lên: - Trời ơi, con ta.
Và cậu bé cũng kêu lên: - Ba ơi.
Làm sao chúng ta có thể hiểu được sự đổi thay trong lòng cậu bé. Từ trước đến giờ, cậu cứ tưởng mình là con bác tiều phu nghèo nàn với quần áo rách rưới và nhà cửa xiêu vẹo. Bỗng chốc cậu nhận ra mình là hoàng tử, được sinh ra tại hoàng cung và thuộc hoàng tộc.
Kể từ nay, dù ở bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì, cậu đều ý thức mình là một hoàng tử, là con của đức vua, nhờ đó cậu luôn có được những lời nói và những cử chỉ xứng hợp.
Với chúng ta cũng vậy. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta có ý thức được địa vị cao cả ấy không?
Người nào ý thức về địa vị cao cả ấy sẽ không bảo: - Tôi đi nhà thờ.
Nhưng nói: - Tôi đi gặp gỡ và tâm sự với Chúa, bởi vì cầu nguyện chính là lúc người con thố lộ tâm tình với cha mình.
Đây là một việc làm kỳ diệu và tuyệt vời,bởi vì một con người tầm thường và xấu xí như chúng ta mà lại được tiếp xúc, trò chuyện với Thiên Chúa.
Một người luôn ý thức về địa vị cao cả ấy, thì dù có làm việc gì cũng không baso giờ quên Thiên Chúa là cha của mình. Người ấy sẽ luôn thầm nhủ: - Tôi sẽ làm vui lòng Cha tôi ở trên trời.
Khi chiêm ngắm những cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên, người đó sẽ nghĩ ngay đến Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tất cả.
Nhờ đời sống ơn sủng được chuyển thông qua bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con Thiên Chúa. Địa vị cao cả này đòi buộc chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc phải có những lời nói và những việc làm thích hợp.
Bởi đó, phải sống làm sao cho xứng đáng với địa vị cao cả ấy, để rồi trong ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ nói về chúng ta như ngày xưa Ngài đã nói về Đức Kitô bên bờ sông Giócđan:
Vào thế kỷ thứ IV, Ario truyền bá một lạc thuyết vô cùng nguy hại. Ario chủ trương rằng Đức Kitô không thực sự là Con Thiên Chúa. Hoàng đế Theôđôsiô đỡ đầu cho lạc thuyết này.
Cũng vào lúc ấy hoàng đế phong cho hoàng tử mới 16 tuổi của ông được cùng trị vì trên ngai vàng với ông. Trong những khách được mời đến dự buổi lễ phong vương, có Đức Giám mục Amphilôcô. Đức Giám mục chỉ nói vài lời chúc mừng rồi chuẩn bị ra về.
Hoàng đế giận dữ hỏi: Ngài không quan tâm đến hoàng tử sao? Ngài không biết rằng ta phong cho hoàng tử cùng trị vì với ta hay sao?
Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: Tâu hoàng thượng, hoàng thượng phật ý trước sự giả bộ thờ ơ của tôi đối với hoàng tử, vì tôi đã tỏ ra không tôn kính hoàng tử như bệ hạ mong muốn. Vậy Thiên Chúa sẽ nghĩ sao về hoàng thượng, khi hoàng thượng giáng cấp Người Con ngang hàng và cùng hiện hữu với Ngài dưới danh hiệu Con Thiên Chúa.
Từ câu chuyện trên chúng ta thấy: Ngày nay có nhiều người, kể cả một số người mệnh danh là Kitô hữu, đã chối bỏ hoặc nghi ngờ thiên tính của Đức Kitô. Thiết tưởng những người ấy hãy lắng nghe lời Chúa Cha tuyên phong trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.
Việc Đức Kitô chịu phép Rửa bởi Gioan đánh dấu bước khởi đầu công cuộc cứu độ của Ngài. Công cuộc trọng đại này là hành động của cả Ba Ngôi, vì chúng ta thấy Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống, đồng thời Chúa Cha phán bảo. Biến cố này rất quan trọng, nên Giáo Hội muốn chúng ta mừng kính riêng trong Chúa nhật hôm nay, tựa như ngày đăng quang của Đức Giáo Hoàng hay ngày nhận chức của một tổng thống.
Đặc điểm chúng ta cần nhấn mạnh đó là Chúa Cha trên trời hài lòng về Người Con yêu quý của Ngài, là Đức Kitô. Có người cha nào lại không vui mừng khi người con của mình khởi sự một chức vụ quan trọng: người cha của một bác sĩ, người cha của một tân linh mục, người cha của chú rể trong ngày cưới. Niềm vui ấy càng lớn lao hơn khi người con ấy vâng phục và tôn kính cha mình.
Đức Kitô là một người con yêu mến và vâng phục Chúa Cha. Đồng thời Ngài luôn khoan dung và khiêm tốn như một kẻ tôi tớ, vì thế, Chúa Cha luôn hài lòng về Ngài. Còn chúng ta thì sao?
Với bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận, chúng ta được mời gọi để nhận biết, yêu mến và phụng sự Cha trên trời, khi chúng ta cố gắng chu toàn thánh ý Ngài giữa lòng cuộc đời, khi chúng ta cố gắng sống mầu nhiệm của bí tích Rửa Tội, khi chúng ta cố gắng noi theo Người Con Chí Thánh trong sự khiêm tốn và vâng phục, thì chúng ta cũng làm hài lòng Cha trên trời, để rồi trong ngày cuối cùng, chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giođan: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.
Có hai anh bạn đi mua đồ phế thải. Sau khi xem xét một hồi, anh thứ nhất nói: - Toàn là đồ “năm vố” không à.
Còn anh kia thì nhặt lên một cây thánh giá cũ kỹ đã han dỉ và nói: - Thật là khó mà tin được, tôi đã tìm thấy một món đồ quý. Cây thánh giá này được làm bằng chất bạc ngày xưa.
Anh ta mang cây thánh giá về nhà, lau chùi, rồi đưa cho đứa con mới đi học giáo lý về. Nó kính cẩn cầm trong tay, ngắm nghía một hồi rồi bật khóc. Thấy vậy anh liền hỏi: - Tại sao con khóc.
Nó trả lời: - Con không thể cầm lòng được khi nhìn vào Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.
Và như thế, cả ba người đều nhìn vào cây thập giá, thế mà người thứ nhất chỉ thấy đó là đồ ve chai mủ bể, người thứ hai thì thấy đó là một đồ vật có giá trị. Còn người thứ ba thì nhận ra Chúa Giêsu trên đó. Cách nhìn cây thập giá trên cũng tương tự như cách chúng ta nhìn Phúc âm.
Tất cả chúng ta đều nghe cùng một đoạn Phúc âm, thế nhưng mỗi người lại hiểu và phản ứng một cách khác nhau. Có thể chúng ta chỉ nghe như nghe một câu chuyện bình thường, chẳng có chi đặc sắc. Có thể chúng ta đã lắng nghe và tiến thêm một bước nữa, đó là tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện. Có thể ngoài việc học hỏi ý nghĩa, chúng ta còn cố gắng áp dụng vào cuộc sống. Đó là ba bước tiếp nhận Phúc âm: lắng nghe, học hỏi và áp dụng.
Đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay về sự việc Chúa Giêsu chịu phép rửa:
Bước thứ nhất, chúng ta lắng nghe câu chuyện và biết rằng: sau khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống và có tiếng từ trời phán ra. Và cũng chỉ có vậy mà thôi.
Bước thứ hai, chúng ta đi xa hơn một chút, bằng cách cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của những sự kiện trên. Chẳng hạn hình ảnh trời mở ra cho ta thấy Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện của dân Ngài và Ngài đang đến để cứu vớt họ. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống gợi lên cho chúng ta về một kỷ nguyên mới, vũ trụ này được tái tạo để trở nên tốt đẹp hơn, như ngày xưa, khi tạo dựng trời đất, Thánh Thần Chúa cũng đã bay lượn trên nước. Còn hình ảnh thứ ba, có tiếng nói từ trời phán ra: - Đây là con Ta rất yêu dấu.
Những lời này cho thấy Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Adong mới của cuộc tạo dựng mới, như lời thánh Phaolô: - Người thứ nhất tức Adong được tạo dựng là con người sống. Nhưng Adong cuối cùng là Đức Kitô, lại là thần khí ban sự sống. Adong thứ nhất bởi đất mà ra. Còn Adong thứ hai thì từ trời mà đến. Như chúng ta đã mang ảnh hưởng của con người bởi đất, tức Adong thứ nhất thế nào thì chúng ta cũng sẽ mang hình tượng con người bởi trời, tức Adong thứ hai là Đức Kitô như vậy.
Ngoài việc lắng nghe, tìm hiểu ý nghĩa, chúng ta còn phải áp dụng ý nghĩa câu chuyện ấy vào cuộc sống chúng ta.
Chẳng hạn, chúng ta có thể nhớ lại rằng: Cuộc sáng tạo mới bắt đầu với phép rửa của Chúa Giêsu và đã trở thành một thực tại gắn bó với mỗi người chúng ta. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì một cách nào đó, bầu trời cũng mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta và chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa.
Và như thế chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng với tước vị cao cả ấy. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: - Anh em đã sống lại cùng Đức Kitô, vậy anh em hãy hướng tâm hồn vào những sự trên trời chứ đừng vào những sự vật của trần thế này.
Xem lại Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa năm A, B
Trong cuộc sống, các cụ ta hay nói: người có tài mà không có đức thì sẽ làm hỏng chuyện.
Nói cách khác: người có tài mà không biết khiêm tốn thì sẽ sinh ra tự kiêu và tự mãn rồi phá hoại.
Với Thiên Chúa cũng vậy, Ngài quý chuộng cái đức hơn cái tài gấp bội lần! Vì thế, những người được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào trong kế hoạch cứu độ của Ngài cách đặc biệt, thì yếu tố quan trọng không thể không có, đó là khiêm nhường.
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu cùng với đoàn người đông đảo đến để xin Gioan làm phép rửa cho mình. Khi chấp nhận đứng xếp hàng cùng với những người tội lỗi để đón nhận ơn sám hối từ Gioan là người cũng cần sự sám hối, Đức Giêsu đã khiêm nhường tuyệt đối.
Qua hành vi này, Chúa Giêsu đã tự hạ để chấp nhận mang trong mình tội lỗi của mọi người, mặc dù nơi Ngài không tỳ tích của sự tội. Ngài làm như thế để nâng con người lên làm con Chúa và nhất là cứu chuộc con người. Qua hành vi này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về sự khiêm nhường và liên đới.
Tuy nhiên, ngày nay, người ta ưa ”chơi trội”, tức là luôn luôn muốn mình phải được trở thành người nổi tiếng, vì thế, họ tìm mọi cách và thường hay cậy nhờ những ”ông bầu” lăng xê để mong sao tìm được những ”fan” riêng cho mình.
Ngay trong nhà đạo chúng ta, vẫn có đây đó những chuyện tiêu cực xảy ra khi nhiều người mong muốn mình được người khác để ý, quan tâm và khen ngợi. Đạt được những điều đó, họ mới hứng thú để tham gia việc phục vụ thờ phượng Chúa.
Tuy nhiên, những thứ đó khó có thể đem lại cho chúng ta được bình an, hạnh phúc, bởi nó chỉ là những thứ háo danh hão huyền, trên đầu môi chóp lưỡi mà thôi.
Muốn có được hạnh phúc đích thực, chúng ta noi gương Đức Giêsu hôm nay, đó là sống khiêm nhường để liên đới với anh chị em đau khổ nhằm cứu chuộc họ. Mặt khác, khiêm nhường mới đi vào mối tương quan với Thiên Chúa và mới được cứu chuộc.
Mong sao, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu để loan truyền về Ngài cách trung thực cho anh chị em mình.
Xin Chúa ban cho nhân đức khiêm nhường của Chúa thâm nhập vào tận con tim, khối óc của chúng ta, để trong đời sống, chúng ta sẽ làm toát lên vẻ đẹp của sự khiêm nhường qua lời nói, hành động và việc làm. Ước gì lời của Thiên Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người: ”Đây là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng” cũng sẽ là lời ân thưởng cho mỗi người chúng ta. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu chịu phép Rửa để tỏ cho ta ý nghĩa của Bí tích Rửa tội. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được đổ tràn Thánh Thần, được Chúa Cha xác nhận là con yêu dấu, được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Vì thế, chính Chúa Giêsu là khuôn mẫu cuộc đời chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha của con, nhờ Bí tích Rửa tội, Cha đổ tràn Chúa Thánh Thần trên con và biến đổi con thành một tạo vật mới và là con của Cha. Con hết lòng cảm tạ Cha vì Cha đã cho con được thông hiệp vào sự sống của Cha, được sống trong tình yêu của Cha. Con tin nhận rằng Cha yêu thương con, mọi ý định của Cha đã thực hiện nơi con đều là để cho con được hạnh phúc. Xin Cha giúp con biết trung thành tìm kiếm và thực thi Ý Cha trong mọi hoàn cảnh sống.
Lạy Chúa Giêsu, con hết lòng cảm tạ Chúa, vì nhờ Chúa và trong Chúa, con được trở nên con yêu dấu của Chúa Cha. Chúa là người con hiếu thảo yêu dấu của Chúa Cha, đã trung thành thực hiện Ý Chúa Cha và làm đẹp lòng Chúa Cha. Xin Chúa giúp con trung thành bước theo đường lối của Chúa để xứng đáng là người con yêu dấu của Chúa Cha.
Lạy Chúa Thánh Thần, con dâng lời cảm tạ Chúa vì Chúa luôn ngự trong con và tuôn đổ tình yêu cho con. Xin Chúa giúp con hết lòng yêu mến Chúa Cha và yêu mến anh chị em. Xin Chúa giúp con biết cầu nguyện, xin Chúa hiện diện trong con, nâng đỡ sự yếu hèn của con, và xin Chúa dẫn dắt con trong đời sống đức tin.
Lạy Chúa Ba Ngôi cực thánh, con yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con sống thánh thiện để xứng đáng với hồng ân của Bí tích Rửa tội. Amen.
Ghi nhớ: “Con là con yêu quý của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng”.
Trong đoạn này, tuy Thánh Marcô viết về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, nhưng ngài không nhằm tường thuật việc đó (bởi đó, Mc chỉ dùng động từ “làm phép rửa” nhưng không mô tả chút gì về việc đó). Điều Mc nhắm tới là dùng dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa để giới thiệu con người và sứ mạng của Chúa Giêsu:
- Chúa Giêsu cao trọng hơn Gioan: Ngài quyền thế hơn Gioan (câu 7), Ngài sẽ làm một phép rửa trọn vẹn hơn trong Thánh Thần (câu 8).
- Ngài là Messia Con Thiên Chúa (câu 11: tiếng từ trời).
B.... nẩy mầm.
1. Cả hai vai chính trong chuyện này đều khiêm tốn: Gioan khiêm tốn tự hạ mình để đề cao Chúa Giêsu; Chúa Giêsu khiêm tốn xin Gioan làm phép rửa cho mình. Người khiêm tốn là người chỉ nghĩ đến việc chu toàn nhiệm vụ chứ không quan tâm đến vinh dự cá nhân.
2. Đoạn Tin Mừng này nằm trong chương đầu của Tin Mừng Mc. Nét đầu tiên thánh Mc giới thiệu về Chúa Giêsu là khiêm tốn. Chính vì Chúa Giêsu khiêm tốn nên Ngài được Chúa Cha hài lòng (“Cha hài lòng về con”) và được Chúa Cha tôn vinh (“Con là Con yêu dấu của Cha”).
3. Một chiếc xe tải không thể qua cầu được vì nóc xe cao quá nên chạm vào mái che của chiếc cầu. Chẳng ai nghĩ ra được cách nào cả. Khi đó một cậu bé đưa ý kiến: hãy xì bớt hơi các bánh xe của nó. Người ta đã làm theo, và xe đã qua được cầu. (Quote).
5. “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con” (Mc 1,11)
Tôi vừa đưa tiễn một người bạn thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trên đường về, tôi luôn tự hỏi: Tôi là ai? Tôi từ đâu tới và sẽ đi về đâu? Tôi sống để làm gì? Và tại sao lại phải chết?
Chắc có lần bạn cũng đã hỏi như tôi, vì một khi không biết sống để làm gì thì làm sao sống một cuộc đời trọn vẹn ý nghĩa được. Hôm nay Chúa Cha long trọng giới thiệu Con yêu dấu của Người cho chúng ta để nhờ Người Con ấy chúng ta nên nghĩa tử của Người, được gọi Thiên Chúa là Cha và được tham dự vào gia đình của những người con Thiên Chúa. Đó là phẩm giá của con người trên khắp thế giới.
Cảm tạ Cha đã ban Con yêu dấu của Người cho chúng con. Và cùng với Ngài chúng con kêu lên Abba, Cha ơi! (Epphata).
1. Thánh Marcô trong bài Tin Mừng hôm nay, đã dùng dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa để giới thiệu về con người và sứ mạng của Chúa Giêsu.
- Chúa Giêsu cao trọng hơn Gioan: Ngài quyền thế hơn và Ngài sẽ làm một phép rửa trọn vẹn hơn trong Thánh Thần (câu 8).
- Ngài là Messia Con Thiên Chúa (câu 11: tiếng từ trời).
2. Như vậy, cả hai vai chính trong chuyện này đều là những nhân vật khiêm tốn: Gioan khiêm tốn tự hạ mình để đề cao Chúa Giêsu; Chúa Giêsu khiêm tốn xin Gioan làm phép rửa cho mình.
Người khiêm tốn là người chỉ nghĩ đến việc chu toàn nhiệm vụ chứ không quan tâm đến vinh dự cá nhân.
Lúc còn trẻ, Franklin là một người rất cao ngạo, đi ra ngoài lúc nào cũng nghênh ngang. Có một lần, anh ta đến thăm một vị giáo sư, không ngờ cửa nhà ông ấy có một thanh chắn ngang rất thấp.
Do bất cẩn Franklin đụng đầu phải, cậu ta trừng mắt tức giận.
Lúc này vị giáo sư đi ra đón, nhìn thấy vậy thì cười và nói:
- Chàng trai, có đau lắm không? Nếu cậu hiểu cuộc sống thì cậu nên cúi thấp đầu, có như thế thì hôm nay cậu đã không phải nhận hậu quả như vậy.
Tiếp đó, vị giáo sư lại nói một câu hàm ý: “Sự cao ngạo được thấy rất nhiều ở những người trẻ tuổi, vì họ đánh giá mình quá cao, nhưng đến lúc nào đó đụng vào ngạch cửa rồi thì mới bắt đầu suy nghĩ về việc mình phải nỗ lực khom lưng để đi qua”.
Khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm thêm 22 Hồng Y mới thuộc 14 quốc gia vào Hồng Y đoàn trong đó có: 8 vị Ý, 2 vị Mỹ, 12 thuộc 12 nước khác thì một trong hai vị của Hoa Kỳ là tân Hồng Y Roger Mahony Tổng Giám mục Los Angeles cho biết: “Chúng ta cần nhớ rằng, việc bổ nhiệm Hồng Y không phải là một phần thưởng vì những thành tích quá khứ, nhưng là một lời mời gọi gia tăng hoạt động mục vụ trong tương lai”. Đức Hồng Y nhắc lại thân thế khiêm hạ của Ngài: “Hồi nhỏ tôi phải đi chăn gà vịt và quét dọn chuồng gà, chứ không phải xuất thân từ một gia đình sang trọng”. Đức Hồng y tiếp: “Trong Tin Mừng, Chúa đã chọn những người tầm thường để thực hiện công việc của Ngài”.
Chúa Giêsu là Đấng khiêm tốn. Chính vì Chúa Giêsu khiêm tốn nên Ngài được Chúa Cha hài lòng và tôn vinh: “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con” (Mc 1, 11).
Muốn làm hài lòng Thiên Chúa tưởng không có gì hơn là sống khiêm tốn giống như Chúa.
Chuyện kể rằng: Khi Đức Maria và thánh Giuse đang trên đường đến Bêlem, thiên thần hiện ra với đàn súc vật để chọn lấy một con có thể giúp đỡ thánh gia. Sư tử tình nguyện trước. Nó nói: “Chỉ có tôi là chúa sơn lâm đáng phục vụ người cai trị thế giới. Tôi sẽ xé xác kẻ nào đến gần Hài nhi”.
Thiên thần nói: “Bạn hùng hổ quá”.
Cáo tinh khôn theo dõi và với vẻ mặt vô hại, nó nói:
‘‘Tôi sẽ hết sức cung phụng trẻ Giêsu, mỗi sáng tôi sẽ bắt một con gà cho Mẹ Ngài”.
Thiên thần nói với cáo: “Bạn xảo quyệt quá”.
Rồi con công đến khoe màu sắc tuyệt vời của cái đuôi. Nó nói: “Tôi sẽ trang hoàng ngôi nhà nhỏ bé này đẹp hơn cả Đền thờ Salômon”.
Thiên thần nói: “Bạn hão huyền quá”.
Nhiều con khác đến và cũng muốn giúp đỡ nhưng không con nào được chọn. Sau cùng thiên thần rảo mắt nhìn quanh và thấy một con lừa và một con bò đang làm việc với một bác nông dân. Thiên thần gọi chúng lại và hỏi: Các bạn có gì giúp đỡ Thánh Gia không?
Lừa cụp tai xuống trả lời: “Không có gì. Chúng tôi chả được học hành, càng cố học càng dốt, nhưng chúng tôi khiêm tốn và kiên nhẫn”. Còn bò ngượng ngùng tiếp lời: “Vâng, có lẽ chúng tôi chỉ có thể làm được một vài việc nhỏ như lấy đuôi đuổi ruồi thôi”.
Thiên thần nói: “Được lắm, tôi cần hai bạn.”
Những ai muốn làm môn đệ của Chúa cũng phải sống tinh thần khiêm tốn. Họ phải tuyệt đối tránh sự tự kiêu, tự đại vì thành công của mình và cũng như để khỏi thất vọng mỗi khi thất bại, không thành công.
Ingres là một họa sĩ lừng danh vào đầu thế kỷ 19, những bức họa của ông có giá trị nghệ thuật mà không một họa sĩ nào đương thời có thể sánh bằng. Thế mà đến năm 85 tuổi, người họa sĩ kỳ tài ấy lại bắt đầu sao chép lại những bức họa của các họa sĩ khác.
Các bạn bè khi thấy ông làm điều ấy thì hết sức ngạc nhiên nên đã hỏi tại sao ông lại làm như thế? Ông điềm nhiên trả lời:
- Tôi làm thế để học?
Một con người vĩ đại với những tác phẩm nghệ thuật lừng danh ngay khi còn trẻ, vậy mà lại nhận rằng mình chưa hiểu đủ, thấy đủ và nhất là chưa học đủ, quả là một con người hiếu học và khiêm nhường.
Khiêm nhường là con đường cao cả nhất, vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Ga 4, 6).