GIOAN là tông đồ yêu dấu, tông đồ tình yêu mà trong bữa tiệc ly đã dựa đầu vào lòng Chúa: 27/12-1
GIOAN là tông đồ yêu dấu, tông đồ tình yêu mà trong bữa tiệc ly đã dựa đầu vào lòng Chúa Giêsu. Mọi điều Ngài viết là tình yêu. Nhưng Ngài cũng là ngư phủ thô kệch hăng hái và bồng bột khi Chúa gọi làm môn đệ, đến nỗi Chúa Giêsu gọi là “con cái sấm sét” (Mc 3,7).
GIOAN là ngư phủ ở Galilê, con của ông Giêbêđê và bà Salomê. Năm 20 tuổi, Ngài là môn đệ của thánh Gioan tẩy giả đang giảng dạy trong sa mạc. Ngài tìm kiếm sự hoàn thiện. Gioan tẩy giả đã thấy Chúa Thánh Thần xuống trên Chúa Kitô và loan báo cho mọi người rằng Người ở giữa họ, nhưng người ta không nhận biết Người. Ngày kia, Chúa Giêsu đi qua, Gioan tẩy giả chỉ cho Gioan và Anrê: “Đây là chiên Thiên Chúa”. Lập tức, hai ông đã theo Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã yêu thương GIOAN cách đặc biệt vì sự trong trắng, nhiệt tâm và thành tín của Ngài. Ở trường học Thần Linh, Ngài tự biến đổi, thủ đắc tinh thần hiền hậu, học được đức ái chân thật và tiến tới tinh thần hy sinh. GIOAN cùng với anh là Giacôbê, cũng như mỗi người đều tin rằng, Chúa Giêsu sắp tái lập vương quyền và họ xin Người cho họ được giữ những chỗ danh dự trong ngày vinh quang của thày. Nhưng Chúa Giêsu đã từng nói vương quốc của Ngài không thuộc thế gian này và đã trả lời bằng việc trao thánh giá cho họ: “Các con có thể uống chén Ta không ?” Đầy nhiệt tâm, họ trả lời: “Dạ được”. Như thế là họ biết rằng, việc chia sẻ vinh quang sẽ tiếp sau việc chia sẻ đau khổ.
Suốt ba năm sống công khai của Chúa Giêsu, GIOAN không rời thày mình. Ngài có mặt khi thầy làm phép lạ và tâm sự với thày bằng những lời mang lại sự sống. Ngài đã thấy thầy chói sáng trên núi Tabor. Với kỷ niệm này, GIOAN viết rằng: “Chúng tôi đã thấy vinh quang Con Một Thiên Chúa Cha: Chúa Giêsu đã chọn Ngài với Phêrô để dọn lễ Vượt qua, và trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói những lời mà GIOAN không bao giờ quên được. Ngài sẽ ghi lại diễn từ ấy trong sách Phúc âm của mình.
Chỉ có một mình GIOAN trong số 12 tông đồ trung thành theo Chúa Giêsu tới thánh giá. Ngài đứng cạnh Mẹ Maria. Chúa Giêsu đã nói với Mẹ Maria: “Này là con bà”, và với GIOAN: “này là Mẹ con”. Và mọi người đã trở thành con mẹ trong con người của GIOAN.
Sau phục sinh. Maria Madalêna không thấy xác thày và hớt hả đi báo tin. Tình yêu như chắp cánh thêm, GIOAN đã chạy tới mồ trước, nhưng vì tôn trọng thủ lãnh các tông đồ, nên đã dừng lại trước khi cúi nhìn mộ (Ga 20,1-8)
Vì ngày sau, khi GIOAN cùng với các môn đệ khác đi đánh cá, Chúa Giêsu hiện ra. Được tình yêu soi sáng, GIOAN đã nhận ra thày và thốt lên: “Chúa đấy” (Ga 21,1-8) Sau khi nhận lấy Chúa Thánh Thần trong dịp lễ Ngũ Tuần, GIOAN ở lại Giêrusalem, người ta nghĩ rằng, Ngài sống với Đức Trinh nữ. Ngày kia, Ngài cùng với thánh Phêrô vào đền thờ cầu nguyện. Một người què xin bố thí, các tông đồ đã chữa lành anh ta (Cv 3,1-8). Các thủ lãnh bắt giam các Ngài, cấm không được rao truyền danh Chúa Giêsu, các tông đồ đã trả lời: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người “ (Cv 4,1-20). Một lần khác, GIOAN bị bắt và bị đánh đòn, Ngài hãnh diện khi thấy mình được chịu đau khổ vì Chúa Kitô.
GIOAN sống rất thọ và trải qua nhiều thử thách gian khổ. Những người chung quanh không biết Chúa Kitô bớt lần. Chắc hắn Ngài sống ở Antiokia rồi ở Ephêssô. Hoàng đế Domitianô đã truyền bách hại các Kitô hữu. Từ đây, tường thuật không có mấy giá trị lịch sử. Sử sách kể lại rằng, khi biết còn một môn đệ chót của Chúa Giêsu sống và giảng dạy ở Á Châu, ông truyền đem về Roma để kết án tử. Người ta đánh đòn Ngài rồi dẫn tới cửa La-tinh và dìm vào vạc dầu sôi. Thật lạ lùng, Ngài đi ra không hề hấn gì. Quan án xúc động không dám hành hạ Ngài nữa và truyền đày ải ở đảo Patnmô. Vị tông đồ rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho dân trên đảo. Chính ở đây mà Ngài có được thị kiến và lãnh mệnh lệnh ghi lại trong sách “Khải huyền”. Những cao siêu mà vị tông đồ vươn tới, đã làm cho Ngài được ví như cánh chim phượng hoàng bay bổng trên trời cao. Dầu vậy, có thể sách Khải huyền đã cho một môn đệ của GIOAN viết.
Khi hoàng đế bằng hà, những người bị lưu đày được gọi trở về, và GIOAN trở lại Ephêsô. Một kỷ niệm cảm động liên quan tới những chuyến hành trình của Ngài. Trong một cuộc du hành, Ngài đã rửa tội cho một thiếu niên, rồi trao phó cho vị giám mục sở tại. Nhưng khi trở về, Ngài được vị giám mục buồn sầu cho biết rằng con trẻ này đã thành kẻ cướp. Lập tức, dầu già nua, GIOAN đã và cỡi ngựa đi tìm đứa con. Khi thấy Ngài, người đó chạy trốn. Vị tông đồ đuổi theo và khuyên nhủ:
- “Con ơi, tại sao con chạy trốn cha già không có khí giới ? Còn hy vọng được cứu rỗi, cha sẽ vui lòng chết cho con như Chúa Giêsu sai cha đến với con”.
Tên cướp xúc động ngừng lại, bởi khí giới: chàng khóc trong tay cha già đang ôm chặt chàng vào lòng và dẫn chàng về với Giáo hội.
GIOAN trở thành ánh sáng vùng Tiểu á, đến lúc đó Ngài vẫn lớn tiếng giảng dạy, nhưng những lạc thuyết đang lộ diện giữa Giáo hội sơ khai. Nhưng kiến sĩ giả hiệu làm biến tính Phúc âm của thánh Matthêu, chối Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Để bác bỏ những sai lầm, vừa để bổ túc ba Phúc âm đã xuất hiện, Ngài viết cuốn thứ tư, trong đó, tình yêu Chúa Kitô đốt cháy lòng Ngài. Còn ba bức thư nữa thuộc về Ngài. Bức thư thứ I tóm tắt trọn mạc khải: “Thiên Chúa là tình yêu”. “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa đã có, bây giờ chúng ta biết Ngài là ai. Ngài là cha yêu thương ta hết lòng và đòi ta yêu nhau”. Và hướng ta về thực tại không thể kể ra được, Ngài nói: “các con thân yêu, ngay từ giờ này, chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng ngày mai chúng ta như thế nào thì chưa tỏ lộ ra”.
Về già, không đi được nữa, Ngài được mang tới nhà thờ. Ngài thường lặp lại: “các con hãy yêu thương nhau”. Thấy Ngài nói mãi một điều, người ta kêu ca và Ngài trả lời: “Đó là lệnh truyền của Chúa, và như vậy là đủ”. Thánh Gioan là bổn mạng các văn sĩ và mọi người cầm viết.
"Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
***
A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết đôi nét về thánh Gioan: - Ngài tự xưng mình là “người: 27/12-2
Đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết đôi nét về thánh Gioan:
- Ngài tự xưng mình là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Điều này đúng một cách khách quan (vì Chúa Giêsu thương mến ngài thật), và cũng đúng cách chủ quan (ngài biết Chúa Giêsu thương mình). Khía cạnh chủ quan này rất quan trọng.
- Dù biết mình được Chúa Giêsu thương mến, nhưng ngài vẫn tôn trọng Phêrô là trưởng nhóm 12, cho nên tuy vì trẻ nên chạy tới mồ trước, ngài vẫn nhường cho Phêrô vào trước.
- Lòng yêu mến Chúa đã giúp ngài sớm nhận ra ý nghĩa dấu chỉ ngôi mồ trống: “Ông đã thấy và đã tin”. Nói cách khác, đức mến hỗ trợ cho đức tin.
B.... nẩy mầm.
1. “Tin Mừng hôm nay nói đến một sự trống rỗng. Được Maria Mađalêna thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ. Hai người không còn thấy xác Chúa Giêsu trong ngôi mồ nữa. Nhưng nhìn thấy cảnh tượng đó, Gioan đã tuyên bố “Ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng. Đó là sứ điệp Gioan muốn gởi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ? Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Hài nhi Giêsu đã giáng sinh? Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa: Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
2. Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau:
- Em có bằng lòng lấy anh không? - Bằng lòng. - Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thôi chứ chưa có dịp “kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế? - Vì em yêu anh! Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin.
3. “Bà Maria Magđala chạy về tìm và báo tin cho hai ông Phêrô và Gioan: Người ta đã lấy mất Chúa rồi. Người không còn trong mộ nữa, chẳng biết họ để Người ở đâu”. Cả hai liền chạy ra mộ” (Ga 20,2-3)
Hồi tôi còn học ở Cao đẳng Sư phạm Đồng nai, có người bạn hỏi tôi: “Bạn là người công giáo phải không?” Tôi tự hào trả lời: “Đúng vậy”. Nhưng khi bạn ấy yêu cầu tôi cho biết đôi điều về đạo thì tôi đã bối rối và chỉ trả lời cách chiếu lệ. Từ ấy tôi đã nhận ra rằng mình là người công giáo nhưng rất hời hợt; đối với Chúa còn lạnh nhạt hơn… Tôi đã tìm học hỏi về Chúa, nhất là dành nhiều thời gian để cầu nguyện và sống với Chúa. Như Maria Magđala và như hai môn đệ Phêrô và Gioan, tôi muốn tin và yêu Chúa hết lòng.
Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin nâng đỡ tình yêu của con. (Epphata)
Thánh Gio-an Tông đồ cho chúng ta biết: Bà Ma-ri-a Ma-da-lê-na từ sáng sớm đã ra thăm mộ 27/12-3
1. Chúa Giê-su. Bà không thấy xác Chúa thì hoảng hốt chạy về báo cho thánh Phê-rô và thánh Gio-an. Hai ông liền chạy đến mộ. Các ông thấy khăn liệm và khăn che mặt Chúa còn đó, mà xác Người đâu mất? Nhưng thánh Gio-an tin chắc là Chúa đã sống lại, vì theo Thánh Kinh: thì Người phải sống lại từ cõi chết.
2. Gio-an quê ở Bethsaiđa, được Chúa gọi làm môn đệ cùng với anh là Gia-cô-bê đang vá lưới với cha. Ông là môn đệ độc thân, được Chúa Giê-su yêu các riêng, được tham dự vào các biến cố quan trọng của Thầy như: Biến hình trên núi Tabôrê, trong vườn Cây Dầu trước khi Chúa bị bắt, đứng dưới cây Thập giá Chúa cùng với Mẹ Ngài, chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Chúa Giê-su, là nhân chứng về ngôi mộ trống và về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh.
Gio-an sẽ phải chịu sự bắt bớ thời hoàng đế Nê-rông, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh, nhưng ông thoát chết kỳ lạ, sau đó bị khổ lưu đầy tại đảo Patmos. Ông là vị Tông đồ duy nhất không phải đổ máu đào như các Tông đồ khác.
3. Tông đồ Gio-an là “môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” (x.Ga13,23), người đã ngã đầu và ngực Chúa trong bữa Tiệc ly như là biểu tượng của tình yêu gắn bó với Thầy. Thánh Au-gút-ti-nô đã nhìn thấy mối gắn bó tình yêu này như sau: ”Từ trong lồng ngực Chúa, Gio-an đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”.
Thật thế, Gio-an được ở gần bên Chúa, gắn bó và chứng kiến những việc Chúa làm. Sống và cảm nghiệm tình yêu của Thầy, ông đã ghi chép lại diễn từ tình yêu của Thầy (x.Ga 14-15) mà chỉ có ghi nhận nơi Tin Mừng Gio-an, vì thế được gọi là con người của tình yêu.
4. Xem ra Gio-an là con người hiền lành, dễ thương, nhưng thực sự ông là một con người xông xáo, nhiều tham vọng. Chúa Giê-su đã đặt cho ông một cái tên cúng cơm là Boanet, nghĩa là con của sấm sét. Gia-cô-bê và Gio-an là những người hết sức độc đoán và bất khoan dung, tính tình nóng nảy. Có lần họ đã muốn tiêu diệt cà một làng Sa-ma-ri-a chỉ vì dân làng này không chịu tiếp đón đoàn của Chúa khi Chúa phải đi qua đó. Có lần cùng với Gia-cô-bê và qua bà mẹ họ đã công khai xin được ngồi bên phải bên trái Chúa trong Nước của Ngài. Tin Mừng còn cho chúng ta biết chính Phê-rô và Gio-an là những người được trao cho việc thu xếp bữa ăn tối cuối cùng.
5. “Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).
Đây là sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay, “người môn đệ được Chúa yêu” chạy ra mộ, thấy ngôi mộ trống và đã tin.
Nhiều người chú giải rằng, Gio-an nhường Phê-rô vào mộ trước là vì ông nhận quyền “bề trên” của Phê-rô. Giải thích như thế có lẽ không chính xác lắm, bởi lẽ, lúc này Chúa Giê-su chưa trao quyền cho Phê-rô, mà phải chờ lúc hiện ra sau này với các môn đệ (x.Ga 21,15-19). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là chuyện ai trước ai sau, mà là nền tảng đức tin của chúng ta, như “môn đệ được Chúa yêu đã thấy và ĐÃ TIN”. Như vậy, chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay, trong ngôn ngữ biểu tượng, “người môn đệ Chúa yêu” là hình ảnh Giáo hội chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống, chứng kiến những chứng tích và ĐÃ TIN. Đó là Đức tin muôn đời không lay chuyển của Kitô hữu chúng ta (cf Hiền Lâm).
6. Người môn đệ được Chúa yêu mến nói về mình: ”Ông đã thấy và đã tin”. Ông đã thấy bằng trái tim và đã tin bằng tình yêu. Phải chăng người môn đệ muốn quả quyết rằng: bằng tình yêu, người ta có thể đi từ chỗ thấy những dấu chỉ bên ngoài, đến chỗ tin vào Chúa Phục Sinh vô hình? Vậy, thánh Gio-an đã thấy và đã tin nhờ đâu? Nhờ thánh nhân là môn đệ được Chúa Giê-su yêu mến. Chính tình yêu giúp chúng ta nhạy cảm, tiến sâu vào các mầu nhiệm của Chúa.
7. Truyện: Hãy yêu thương nhau.
Chính thánh Hiêrônimô đã kể lại câu chuyện về mấy lời cuối cùng của Gio-an. Lúc ông hấp hối, các môn đệ hỏi ông còn gì để trối lại với họ không?
Ông bảo:
– Hỡi các con bé bỏng của ta, hãy yêu mến lẫn nhau.
Ông lặp đi lặp lại nhiều lần, họ lại hỏi ông có phải đó là tất cả những gì ông muốn nói với họ không?
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Gioan, vị tông đồ “được Chúa yêu”, đã từng 27/12-4
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Gioan, vị tông đồ “được Chúa yêu”, đã từng “tựa sát lòng” Chúa Giêsu trong tiệc ly, bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ thân yêu của Ngài (x. Ga 13,23).
Mừng kính thánh Gioan, Giáo Hội muốn mọi người chúng ta sống lại kinh nghiệm của thánh nhân, người “đã thấy và đã tin”. Thấy và tin Chúa Giêsu đã chết, được mai táng trong mồ và đã sống lại.
Đọc lại cuộc đời của thánh Gioan, chúng ta thấy có hai điểm nổi bật mà ít ai kể cả các tông đồ ngày xưa có được. Hai điểm đó là được “tựa sát lòng Chúa Giêsu”, và như bài Tin Mừng hôm nay ghi lại là “chạy nhanh hơn Phêrô” mặc dù là Gioan đã đến mộ trước”.
Qua hai sự kiện này chúng ta thấy được điều gì ?
1. Trước hết khi được “Tựa sát vào lòng của Chúa Giêsu” chúng ta thấy: Gioan đã có được cảm nghiệm rát gần gũi với Chúa Giêsu. Cảm nghiệm này định hướng cho mọi chọn lựa của Gioan đối với Chúa. Có thể nói ngoài Chúa ra Gioan không còn một chọn lựa nào khác để rồi từ đây như lời ông viết: “chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1Ga 2)
Những người Do Thái tại một thị trấn nhỏ ở Nga đang nóng lòng chờ đợi một Rabbi đến với họ. Đây là một biến cố hiếm hoi, vì thế họ dành nhiều thời gian chuẩn bị trước các câu hỏi để trình bày với bậc thầy thánh thiện ấy.
Cuối cùng vị Rabbi đến và họ đón tiếp ông tại thị sảnh. Ông cảm nhận được sự căng thẳng trong bầu khí khi tất cả mọi người chăm chú đón nghe lời phát biểu của ông.
Thế nhưng, ông chẳng nói gì cả. Được một lúc sau, ông bắt đầu cất tiếng hát. Họ cũng cất tiếng hát theo ông. Ông lắc lư nhảy múa... Chẳng mấy chốc mọi người đều nhảy múa. Họ nhảy múa nhiệt tình đến nỗi như quên hết mọi sự trên đời; tất cả họ hoàn toàn nên một. Gần một tiếng đồng hồ trôi qua. Vũ khúc của họ chậm dần lại và ngừng hẳn. Sự căng thẳng bên trong đã hoàn toàn tan biến, mọi người ngồi xuống với bầu khí an tĩnh tràn ngập căn phòng. Bấy giờ, vị Rabbi mới lên tiếng. Và ông chỉ nói vỏn vẹn có một câu: “Tôi tin rằng tôi đã trả lời tất cả các vấn đề của quí vị.”
- Một tu sĩ Hồi giáo lên tiếng hỏi tại sao ông lại tôn thờ Thiên Chúa bằng cách nhảy múa.
Ông trả lời: “Bởi vì tôn thờ Thiên Chúa nghĩa là chết đi chính mình; việc nhảy múa giết chết bản ngã người ta. Khi bản ngã chết, mọi vấn đề sẽ cùng chết với nó. Ở đâu không có cái tôi, ở đó có Thiên Chúa, có Tình Yêu. “ Thầy ngồi với các tử trong khán phòng. Thầy nói “Các anh đã nghe nhiều lời cầu nguyện và cũng đã đọc nhiều lời cầu nguyện. Tối nay, Thầy muốn các anh nhìn thấy một lời cầu nguyện. “
2. Thứ đến: “chạy nhanh hơn Phêrô” mặc dù là Gioan đã đến mộ trước”. Tại sao ? Câu trả lời không có gì khó lắm. Đã nên một với Chúa Giêsu thỉ cũng phải biết sống thế nào cho giống Ngài. Vậy thử hỏi Chúa Giêsu đã sống như thế nào ? Nhìn lại cuộc đời của Chúa, chúng ta thấy một trong những nét đẹp nhất trong cuộc đời của Ngài đó là lòng tôn trọng đối với với mọi người. Trường hợp của Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Gioan cũng biết sống như vậy.
Biết tôn trọng người khác. Đó là một phẩm chất của một người có lòng đạo đức thực sự.
Khi mỗi người biết tôn trọng người khác, khi mọi người biết tôn trọng nhau sẽ giúp cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Biết tôn trọng người khác, mình sẽ có cơ hội hiểu biết nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn đối với những người xung quanh, những người đã quen và những người mới gặp, mình sẽ ngày càng giàu có về trí tuệ và cả tâm hồn. Biết tôn trọng người khác cũng giống như biết bắc nhịp cầu kết nối để nhận về những niềm vui trong học tập và trong cuộc sống. Trong quan hệ bạn bè, khi biết thông cảm hoàn cảnh của nhau, biết tôn trọng tính cách, khả năng, phẩm chất của nhau thì mới có thể chân thành chia sẻ, thấu hiểu và thân thiết với nhau; và nhờ thế mà tình bạn trở nên bền vững.
Trong gia đình, nếu con cái biết tôn trọng bố mẹ, ông bà cùng những người lớn tuổi thì sẽ biết ứng xử lễ phép, lịch sự, nề nếp. Ngược lại, nếu bố mẹ thực sự tôn trọng con cái thì sẽ biết tạo điều kiện cho con cái chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn nhận về mọi việc với bản thân mình; biết lắng nghe ý kiến của con để sẵn sàng điều chỉnh lời nói, việc làm, quan điểm giáo dục con cho phù hợp; nhờ sự tôn trọng và thấu hiểu nhau, tình cảm gia đình, khoảng cách giữa các thế hệ sẽ được gần gũi hơn, gắn bó hơn.
Trong học tập ở trường, sự tôn trọng của học sinh đối với thầy cô thể hiện ở sự vâng lời, sự lễ phép, tinh thần tự giác thực hiện tốt nề nếp học tập và rèn luyện. Ngược lại, sự tôn trọng từ phía thầy cô dành cho chúng ta là sự quan tâm, sự kiên nhẫn lắng nghe những ý kiến phản hồi - dù nhiều khi có những ý kiến chưa được chín chắn, thậm chí là ý kiến trái chiều; sự tôn trọng của thầy cô dành cho học sinh chúng ta nhiều khi thể trong thái độ ân cần chia sẻ và khích lệ chúng ta cố gắng, rồi cố gắng hơn nữa để đạt được thành công. Như vậy, biết tôn trọng người khác đem lại rất nhiều lợi ích. Trong xã hội, khi ai cũng biết tôn trọng nhau, tôn trọng những quy định chung, luật lệ chung sẽ khiến mọi mối quan hệ xã hội phát triển tốt đẹp, văn minh. Và nữa, khi con người biết tôn trọng người khác thì cũng đồng nghĩa với việc họ biết tôn trọng tự nhiên. Bạn có biết những thảm họa thiên tai như lũ lụt, sóng thần… từ đâu mà ra không ? Một phần lớn là do con người. Đúng vậy, chỉ một hành động xả rác của ta cũng chính là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường… rồi tích tụ dần thành thảm họa tự nhiên làm hàng triệu người thiệt mạng. (Internet)
Việc làm cho mình trở nên giống Chúa Giêsu không phải ngày một ngày hai mà được. Việc này cần phải làm trong suốt cả cuộc đời.
Một buổi chiều nọ, bề trên của một dòng kia hỏi một tu sĩ:
- Hôm nay con đã làm gì ?
Cũng như những ngày khác, tu sĩ trả lời: “Con rất bận bịu và nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp đỡ của Chúa. Ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu để rèn ý chí, thắng một con sấu, trị một con gấu và săn sóc một bệnh nhân”.
- Con nói gì thế ? Bề trên cười hỏi lại, những việc như thế làm gì có trong nhà dòng ?
-Thưa bề trên, thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con mắt của con mà con phải giữ gìn luôn để khỏi nhìn những vật cấm. Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi từng bước đi để con khỏi đi vào con đường xấu. Hai con diều hâu tức là hai bàn tay con, con phải luôn luôn bắt nó phải làm nhiều điều phải. Con sấu là cái lưỡi, con phải kìm hãm hằng ngày để khỏi nói những điều vô ích và thô bỉ. Con gấu là trái tim con, con phải trừng trị, để khỏi ích kỷ và khoe khoang. Còn bệnh nhân là chính thân thể con, con phải canh phòng ráo riết để cho nhục dục khỏi xâm phạm vào.
Suller đã viết một câu thật chí lý: “Chúng tôi không phải sinh ra để sống như vậy mãi nhưng là để thành một người khác”. (Suller).
Nhìn lại cuộc đời của Gioan, chúng ta đã thấy cuộc sống của ông trước kia như thế nào. Hẳn chúng ta còn nhớ có lần chinh Chúa cũng từng buồn với ông. Thế nhưng, càng gần đến ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa trên cõi dương gian này thì hình ảnh của Gioan càng lúc càng đẹp hơn. Đó là con đường mà Gioan đã đi và đó cũng là con đường mà Chúa muốn mọi người chúng ta bước vào. Amen.
“Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông”. (Ga 20,4)
Thánh Gioan Tông Đồ, thánh sử, vị Tông đồ của tình yêu. Thánh nhân là tác giả sách Tin Mừng 27/12-5
Thánh Gioan Tông Đồ, thánh sử, vị Tông đồ của tình yêu. Thánh nhân là tác giả sách Tin Mừng thứ IV, ba lá thư và sách Khải Huyền. Ngài là ngư phủ ở Galilê, con của ông Giêbêđê và bà Salomê. Năm 20 tuổi, Ngài là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đang giảng dạy trong sa mạc. Ngài luôn khát khao tìm kiếm sự hoàn thiện. Gioan Tẩy Giả đã thấy Chúa Thánh Thần xuống trên Chúa Kitô và loan báo cho mọi người rằng Người ở giữa họ, nhưng người ta không nhận biết Người.
Ngày kia, Chúa Giêsu đi qua, Gioan Tẩy Giả chỉ cho Gioan và Anrê: “Đây là chiên Thiên Chúa”. Lập tức, hai ông đã theo Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay cho biết: khi bà thánh Madalêna báo tin ngôi một trống thì chính thánh Gioan đã chạy đến mộ Chúa Giê-su trước thánh Phêrô, nhưng Ngài nhường cho Anh Cả Phê-rô vào trước, Ngài vào sau. Và chính Ngài đã xác nhận trong Tin Mừng: “Gioan đã thấy và đã tin”. Theo như lời truyền tụng thì Ðức Mẹ đã về ở với thánh Gioan ở Ephesô và chính ở đó thánh Gioan đã viết sách Tin Mừng thứ tư. Sau đó thánh Gioan lui về sống ở Patmôs. Ở đó Thánh Gioan được thị kiến và đã ghi lại trong Sách Khải Huyền.
Trong tuổi già thánh Gioan muốn truyền đạt lại cho hậu thế điều căn bản mà Gioan đã học được nơi Thầy của mình: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúng ta hãy yêu thương nhau.” Mừng lễ Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Sử trong những ngày Bát nhật mừng Chúa Giáng Sinh, ước gì đại gia đình Đa Minh chúng ta hãy cùng Ngài khát khao nên hoàn thiện trong Thiên Chúa là Tình Yêu, hân hoan đón nhận tình Chúa yêu, và sẻ chia tình yêu của Chúa cho đời.
Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng Giáng Sinh, chúng con xin tôn vinh Chúa là Tình Yêu. Nguyện Chúa ban ơn cho mọi thành viên trong đại gia đình Đa Minh chúng con, biết hết lòng kính mến phụng thờ tin yêu Chúa, yêu nhau và yêu tất cả mọi người. Amen.
Thánh Gio-an đã được mặc khải về Ngôi Lời Nhập Thể khi được diễm phúc làm người môn-đệ-Chúa-yêu, có lẽ vì có lòng mến yêu Chúa nhiều nên thánh nhân đã thấy và đã tin (x. Ga. 20,8). Ngài tin đó chính là Lời Hằng Sống, là Ánh sáng, là Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha, tin Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.
Thánh nhân đã viết ra, đã loan báo những điều tai mình đã được nghe, mắt mình đã nhìn thấy để tất cả mọi người lúc bấy giờ và ngay cả nhân loại hôm nay đây được diễm phúc hiệp thông với Nhiệm thể của Lời Sự Sống, hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người; và để niềm vui trong Lời Sự Sống được nên trọn vẹn (x. 1Ga. 1, 1- 4)
Điều thánh Gio-an tông đồ nói trên; đó là một điều răn cũ, không phải là một điều răn mới nhưng đó cũng là một điều răn mới; bởi vì bóng tối (tội lỗi và sự chết) đang qua đi và ánh sáng thật (sự công chính hóa, sự sống đời đời) đã tỏ rạng (x. 1Ga.1,5-11).
Niềm vui Giáng Sinh chính là niềm vui sống trong tình yêu của Thiên Chúa; niềm vui tin vào tình thương của Thiên Chúa đối với phàm trần.
Đó cũng chính là sứ điệp thánh Gio-an muốn gởi đến chúng ta hôm nay, nhất là trong những ngày này khi con được chiêm ngắm Hài nhi Giê-su nằm trong máng cỏ:
Niềm tin đã tỏ hiện và được củng cố từ trong sự trống rỗng (x. Ga. 20,1-8) hay qua một máng cỏ trơ trụi, nghèo nàn (x. Lc.2,7;12). Hình ảnh đó cho thấy Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé tầm thường và ngay cả qua những mất mát của cuộc sống.
Lạy Chúa, ước gì khi chiêm ngắm đời sống của thánh Gio-an tông đồ; con biết yêu mến Chúa nhiều hơn, biết mau mắn nhận ra thánh ý của Ngài. nhất là trong mùa Giáng Sinh này, khi chiêm ngắm Hài Đồng Giê-su nằm trong máng cỏ nghèo hèn, con càng cảm nghiệm sâu sắc thêm Tình Yêu Thiên Chúa dành cho đời con. Amen.
“Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào, ông đã thấy và tin”.
Khăn che đầu được xếp gọn lại, băng vải còn đó, mà người chẳng thấy đâu chỉ còn ngôi mộ trống 27/12-7
Khăn che đầu được xếp gọn lại, băng vải còn đó, mà người chẳng thấy đâu chỉ còn ngôi mộ trống. Bà Maria Mác-đa-na vì sự yêu mến Đức Giêssu, bà đã đôn đáo chạy về gặp ông Simôn Phêêrrô và Gioan báo tin. Hai ông vội chạy đến ngôi mộ thấy và đã tin.
Cuộc đời chúng ta đôi lúc cũng giống như ngôi mộ trống, bị đổ vỡ, bị mất mát, những gì yêu quý không còn nữa. Chúng ta tìm kiếm trong đau khổ, trong thất vọng.
Hôm nay Mừng Kính Thánh Gioan, Gioan nghĩa là thương mến. Ông cảm nghiệm được Đức Giêsu thương mến, trong buổi tiệc ly ông đã ngả đầu vào lòng Đức Giêsu . Ông vội vã chạy đi tìm với lòng yêu mển, ông đã thấy và đã tin.
Lạy Chúa Giêssu:
Xin lăn tảng đá ra khỏi cuộc đời con, qua những biến cố, mất mát. Để đức tin con ngày càng lớn mạnh hơn.
Xin giúp con biết nhận ra Chúa đang Giáng Sinh trong cuộc đời con, qua những mảnh đời bất hạnh, đau yếu, tù đày đang cần đến sự chăm sóc. Để con sống Nhập Thể như Chúa, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.
Một người vô thần nọ tuyên bố rằng: “Thời đại ngày nay, chúng ta không còn cần đến đạo nữa 27/12-8
Một người vô thần nọ tuyên bố rằng: “Thời đại ngày nay, chúng ta không còn cần đến đạo nữa, vì đạo chỉ là một liều thuốc phiện mê hoặc dân chúng thôi. Còn Thượng Đế thì đã bị con người giết chết rồi, Đó là lời nói của triết gia F. Nietzsch”.
Nghe nói thế có một bác nông dân đặt câu hỏi cho người vô thần nọ.
– Ông bảo thời nay không còn cần đến đạo giáo? Và Thiên Chúa thì đã bị giết chết?. Vậy tôi xin hỏi ông hai điều này. Thứ nhất ông hãy cho tôi biết F. Nietzsch có còn sống đến ngày hôm nay không? Và nếu ông nói không còn cần đạo thì xin ông đưa ra để làm minh chứng cho tôi một người mà trước đây khi theo đạo người ấy sống bê bối và rồi khi người này bỏ đạo lại sống tốt, sống đàng hoàng tử tế. Về phần tôi, tôi sẽ dẫn đến cho ông mười người thậm chí cả trăm người mà trước đây khi không có đạo thì sống bất lương, trộm cắp, rượu chè… Nhưng khi tin đạo thì những người này lại trở nên gương mẫu sống hiền lành, tử tế! Ông có dám nhận lời thách thức này của tôi hay không?
Người vô thần lẳng lặng bỏ đi!!!
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính thánh Gioan, tác giả sách Phúc Âm thứ bốn và cũng là người môn đệ được Chúa Giê-su yêu dấu, Tin Mừng kể lại rằng sau khi được bà Maria Magđana ra thăm mộ lúc tảng sáng, không thấy thi hài Chúa Giê-su liền trở về thuật lại cho hai tông đồ là Phêrô và Gioan nghe, và theo như ý nghĩ của bà Maria thì người ta đã đem đi cất giấu thi hài của Chúa ở một nơi khác mà bà không biết. Sau khi nghe được sự việc trên thì hai vị đều nhanh chân chạy ra mồ. Ông Gioan đến mộ trước nhưng ông không vào, chỉ đứng ở ngoài nhìn, Ông Phêrô đến sau nhưng ông lại bước vào trong mộ trước, ông thấy dải vải vẫn đặt đó, còn tấm khăn phủ đầu thì lại cuộn riêng ra để một chỗ. Sau đó ông Gioan mới bước vào, ông quan sát thấy mọi sự diễn ra trước mắt và ông đã tin. Ông tin rằng Thầy mình là Đức Giê-su Kitô thực sự đã sống lại, chứ không phải người ta đã giấu Ngài đi nơi khác như lời bà Maria nhận định.
Niềm tin Chúa Kitô phục sinh nơi thánh Gioan nói riêng, và nói chung của các vị tông đồ đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của các Ngài. Và sâu xa hơn đã thay đổi cả thế giới này. Bởi lẽ, chính vì niềm tin đó mà các Ngài đã không còn hoang mang sợ hãi. Một lòng ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Cứu Thế đã phục sinh, trong hành trình làm chứng nhân Tin Mừng đó các Ngài đã phải trải qua bao vất vả, gian truân và cuối cùng ngay cả cái chết cũng chẳng thể lung lạc được niềm tin đó nơi các Ngài.
Và rồi đã có biết bao người nhờ lời minh chứng của các Tông đồ đã tin tưởng vào Chúa Cứu Thế phục sinh để quy tụ, làm nên một Hội Thánh đã tồn tại hơn hai ngàn năm qua và sẽ còn tiếp tục trường tồn mãi theo thời gian cho đến ngày tận thế!
Triết gia Blaise Pascal nói: “Giả như Thượng Đế không có, ta chẳng mất gì cả nếu đã tin vào ngài. Nhưng nếu có Ngài thật, thì ta sẽ mất tất cả nếu như ta không tin Ngài”.
Thật là hạnh phúc cho chúng ta, những người đặt niềm tin tưởng vào Chúa, vì chúng ta có Đấng để mình ca ngợi, tôn thờ, có Đấng để mà cậy trông, dựa nương và cầu khẩn xin ơn. Còn biết bao người chưa nhận biết Thiên Chúa, khi gặp hoạn nạn, khổ đau, họ không biết chạy đến cùng ai để kêu cầu, để xin được trợ giúp, chở che! Điều đó thật là thiệt thòi thay!.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã đến để chiếu soi ánh sáng sự sống vào nơi tối tăm sự chết. Xin cho mọi người đều biết mở lòng ra để đón nhận Chúa. Đon nhận sự sáng của Ngài. Bởi chỉ có Chúa mới là lẽ sống và là gia nghiệp của đời chúng con thôi. Không có Chúa đời chúng con chẳng còn có ý nghĩa gì. Amen.