NĂM DẦN NÓI CHUYỆN HỔ 2022 - Đời Đạo 139

Thứ sáu - 14/01/2022 07:01
NĂM DẦN NÓI CHUYỆN HỔ 2022 - Đời Đạo 139
NĂM DẦN NÓI CHUYỆN HỔ 2022 - Đời Đạo 139
(Chuyện Đời Đạo Bải 139)
NĂM DẦN NÓI CHUYỆN HỔ

(Nhâm Dần 2022)
------------------------------------------

Người xưa có câu: “ Trâu chậm uống nước đục”.

Quả đúng thế ! Trong năm vừa qua, dân ta vì uống nước đục, mà sức khoẻ đi xuống thậm tệ, bị dịch Cô - vít tấn công, quá lo sợ nên phải nhốt mình trong căn phòng nhỏ hẹp, nhai thức ăn nhàm chán như cọng rơm khô, thỉnh thoảng ngó qua cửa sổ, nhìn người mắc bệnh đem đi cách ly vội vã như người phong hủi.

Có nơi, còn coi người bệnh như tội phạm, áp giải lên xe cứu thương, hú còi inh ỏi, thật đáng sợ ! Ngày đi thì có, ngày về thì không biết ra sao ?

Nếu khỏi, được gọi là “trở về trong trạng thái bình thường mới”.

Còn không, người thân đến nhận về một “hũ tro” lạnh lẽo.
 
*****

Năm Tân Sửu sắp qua, năm Nhâm Dần (2022) sắp tới.

Chúng ta phải đứng dậy, phải bước đi hùng dũng, phải mở miệng gầm vang như Hổ, để mọi vật, mọi loài, thấy sức mạnh của loài người chúng ta.

*****

Dần là chi thứ ba trong 12 chi, Tý, Sửu, Dần ….

Năm Dần là năm con Hổ, người miền bắc gọi là Hổ, người miền nam gọi là Cọp.

Ngoài ra, người ta còn dùng nhiều từ khác nữa để gọi con thú họ nhà Mèo này, như là Ông Hùm, Ông Ba Mươi, Ông Chúa Sơn Lâm.

Hổ là một loài hung dữ, nên những gì có tính cách hung dữ, đều được người ta gọi là “Hổ”, như rắn Hổ, rắn Hổ Mang, nhện hắc Hổ, Hổ Chúa…

    Nói dến Hổ ta liên tưởng đến sự hùng Hổ, mạnh mẽ, hung ác; 
    Nói đến Hùm ta liên tưởng đến tiếng gầm dữ dội, đe doạ đối phương;   
    Nói đến Cọp ta liên tưởng đến động tác ngoạm, đánh cắp, mang đi, chép bài của người khác


   Trong tâm linh người Việt, hình tượng con Hổ mang nhiều ý nghĩa như:

- Là loài ác thú, nhưng được kính sợ, đến độ người ta lập đền, để thờ Thần Hổ ở làng Ngọc Cục, Hải Dương.

Hổ là thần Hộ Mệnh, đặt trước cửa đền thờ, đặt trước cửa các công ty xí nghiệp, để tà ma không quấy nhiễu.

Có nơi lại coi Hổ là Phúc Thần, được vẽ tranh thờ, để trừ tà yểm quái.
 
Hổ tuy mạnh thật, nhưng có khi lại thua con Chồn, vì Chồn mưu lược hơn.

Một hôm, Hổ bắt được con Chồn. Hổ doạ xé xác con Chồn ra để ăn thịt.

Chồn chỉ thẳng mặt Hổ, nghiêm nghị nói:

“ Này, đừng có xúc phạm đến Ta. Ta được Trời sai xuống dương gian này, là để làm bá chủ muôn loài. Nếu ngươi không tin, ngươi cứ đi theo sau Ta rồi sẽ thấy”.

Quả nhiên, khi Chồn đi trước, Hổ đi sau, các loài thú trong rừng đều bỏ chạy tán loạn, mà Hổ nào có hay, có biết: Các con thú chỉ vì sợ Hổ mà chạy, chứ nào có sợ Chồn đâu,
 thế là Chồn thoát nạn.
 
*****

Nỗi oan cho những người sinh vào năm Dần ( Cọp ).

Nếu là phụ nữ sinh vào năm cọp, thì rầu thối ruột, bởi mạng Cọp nuốt mạng người chồng, làm cho người ta sợ không dám lấy.

Hoặc vợ tuổi Cọp, chồng sẽ chết sớm, làm ăn không ngóc đầu lên nổi.

Đó là các trường hợp ngẫu nhiên, trùng hợp. Bởi, trên thực tế, nhiều gia đình rất hạnh phúc, cô vợ rất hiền, dễ thương, chồng sống thọ, làm ăn khá giả, thì không ai đem ra nói … Rồi đổ thừa cho Cọp. Rất may là Cọp không nghe được tiếng người, chớ mà Cọp nghe được, biết được, thì chắc là nó sẽ vả cho xưng cả mặt, rụng hết răng luôn.

***

Ngày nay, hình ảnh con Hổ được sử dụng làm linh vật, biểu tượng, huy hiệu, cờ hiệu của nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ, các tổ chức công ty, các lực lượng quân sự …

- Hổ Bengal, là biểu tượng quốc gia cả hai nước Ấn Độ và Bangladesh.

- Hổ Mãn Châu, là biểu tượng cho quốc gia Nam Hàn và là linh vật trong Olympic tổ chức tại Seoul.

*****

Tại Việt Nam, Hổ bị bắt, bị buôn bán trái phép, chủ yếu là sử dụng trong các sản phẩm, được cho là thuốc như: Cao hổ cốt, rượu hổ cốt.

Ngoài ra, thịt Hổ được dùng làm thực phẩm cao cấp ở các nhà hàng quý phái thượng đẳng. Còn da Hổ được trưng bày làm các sản phẩm quà lưu niệm.

Tại thị trường chợ đen, giá một ký thịt Hổ lên đến 2,5 triệu đến 3 triệu đồng.

Đắc quá ! Làm sao mua nổi ??

Thôi thì đành phải dùng tiểu Hổ làm mồi nhậu, cũng không kém phần hấp dẫn đâu: Thịt mèo xào rau má. Thịt mèo tái chanh …

Hiện nay, số lượng con thú này giảm nhanh chóng. Theo các nhà chuyên môn ước tính: Cả nước có khoảng 200 con Hổ hoang dã và 95 con trong các vườn thú, trại chăn nuôi.

*****

Nhìn vào lịch sử Ơn Cứu Độ.

Khi dân Do Thái được tuyển chọn làm dân riêng của Chúa, đã được Chúa cho định cư trên Đất Chúa Hứa. Vậy mà có lúc Dân này đã bỏ Chúa, đi thờ các ngẫu tượng, như một người vợ ngoại tình, như Éphraim đi làm đĩ, Israel đã bị Chúa coi là ô uế.

Chính vì thế, mà Ngôn sứ (tiên tri) Hô- sê đã cảnh cáo dân chúng: Sẽ bị Chúa đánh ghen, bằng những hình phạt kinh khủng, để cho chúng thức tỉnh, mà quay trở về với Chúa.

“Đối với Éphraim, Ta sẽ như Sư Tử, Ta sẽ như Hùm Tơ cho nhà Giuđa, Ta sẽ cấu xé chúng, Ta sẽ tha chúng đi, mà không một ai có thể gỡ thoát” ( Hs 5, 14 )

Ngôn sứ Isaia đã nói đến cái hùng mạnh, tàn sát như vũ bão của quân thiện chiến Átsua:

“Tiếng chúng như Sư Tử rống, chúng gầm thét như Cọp non, chúng sẽ gầm gừ, chúng sẽ quắp lấy mồi, tha đi, mà không ai gỡ thoát được” ( Isaia 5,29 ).

Tránh Hùm phải Hạm. Nhưng ai nương tựa Đấng Tối Cao, thì Ngài sẽ là nơi họ náu ẩn an toàn, vững chắc, vì chính Chúa giữ gìn, như Ngài đã hứa:

“Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, Người nhận biết Ta sẽ được sức phù trì”.

Vì thế:

“Bạn có thể giẫm chân lên Hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long”. (Tv 91,13 ).

***

 Hổ là loài thú dữ ăn thịt, nên chẳng bao giờ có thể sống chung được với người.

Nhưng trong đời sống tinh thần của con người, thì nó lại là con vật rất thân thương gần gũi. Ta thấy rõ điều này qua ca dao, tục ngữ.

Dân gian thường mượn con Hổ, để răn mình và nhắc nhở người khác.


 - “Cáo mượn oai Hùm”, là dựa vào uy thế của người có chức, có quyền lực, để lên mặt với người khác.

- “Chớ thấy Hùm ngủ mà vuốt râu, đến khi Hùm dậy đầu lâu chẳng còn”, là không nên trêu tức, chọc giận kẻ hung ác, kẻo sẽ rất thê thảm.

- “Chui vào hang Hùm”, là cảnh giác, cẩn thận, coi chừng kẻo lọt vào nơi nguy hiểm, hoặc làm việc gì có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình.

- “Điệu Hổ Ly Sơn”, là chiến lược tách kẻ mạnh ra khỏi hoàn cảnh, môi trường có lợi, để dễ chinh phục đối phương.

- “Hổ phụ sinh hổ tử”, là cha nào, con nấy, người con có tài giống như người cha của nó.

- “Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng”, là lòng người ta khó mà lường được.

- “Miệng Hùm gan sứa”, là kẻ nói thì mạnh miệng, chứ thực chất thì nhút nhát, chẳng ra cái thá gì.

- “Cọp dữ, không chống nỗi sói bầy”, là tinh thần đoàn kết, chung lòng, chung sức, sẽ vượt thắng được mọi khó khăn, mọi kẻ thù, mọi kẻ hung ác.
 
***

Khi nói về con Hổ, con Cọp, mà không nhắc đến sự tích sau đây, thì phải kể là rất thiếu.

Ngày xửa ngày xưa, loài người và muông thú trong rừng, đều sống rất gần gũi, rất hài hoà và thân thiện với nhau.

Một hôm con Cọp từ trong rừng đi ra, thấy anh nông dân đang cùng với con Trâu cày ruộng.

Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị con người dùng roi quất vào mông một cái.

Cọp ta lấy làm ngạc nhiên lắm!

Đến trưa, lúc trâu được nghỉ ngơi, và đang gặm cỏ ven rừng, Cọp ta lân la đến hỏi:

- Này anh bạn, người anh thì to lớn, khoẻ mạnh phi thường như vậy, mà tại sao anh lại để cho con người đánh đập hành hạ như thế ?

Trâu liền nói nhỏ vào tai Cọp:

Bọn con người, chúng tuy nhỏ, nhưng lại có trí khôn anh ạ !

Trí khôn là cái gì ? Nó như thế nào ?

Trâu trả lời: Cứ đến gặp nó mà hỏi.

Cọp từ từ tiến lại gần anh nông dân, và cất tiếng hỏi :

Trí khôn của anh để ở đâu ? Cho tôi xem một tí có được không ?

Anh nông dân nói: Được, nhưng trí khôn của tôi, tôi lại để ở nhà rồi.

Cọp nói: Về lấy cho tôi xem đi ! Một tí thôi !

Anh nông dân nói: Không được, tôi về nhà, thì ở đây anh ăn thịt con Trâu của tôi thì sao ?

Hay là để cho ăn chắc, tôi xin phép được tạm buộc anh vào gốc này, để tôi được yên tâm khi vắng mặt.

Cọp đồng ý.

Anh nông dân lẩy dây thừng, buộc Cọp thật chặt vào gốc cây, lấy rơm chất chung quanh, lấy cây đập liên hồi vào đầu Cọp, rồi châm lửa đốt, và nói: Trí khôn ta đây ! Trí khôn ta đây! Ngươi có thấy chưa.

Con Trâu thấy vậy, khoái chí, cười lăn, cười bò, nên hàm răng trên va vào đá liên tục, nên hàm trên rụng hết cả răng.

Khi lửa đã cháy bừng, làm đứt dây thừng. Cọp mới ba giò, bốn cẳng, một mạch chạy nhanh vào rừng để thoát thân, mà không dám quay lại phía sau !  

Từ đó, các con của Cọp sau này, phải mang trên mình những cái vằn năm xưa.

Còn Trâu thì chẳng còn cái răng ở hàm trên, thật tội nghiệp !

Tạ ơn Trời đã cho con người có trí khôn, trổi vượt hơn muôn vật muôn loài, trong trời đất vũ trụ.

Bạn thân mến,

Trâu chậm, uống nước đục, là một thiệt thòi.

Nạn dịch Cô- Vít là một mối đại hoạ, đã làm cho cuộc sống chúng ta chậm lại về mọi mặt. Nhưng có khi chậm lại, cũng là một lợi thế, mà ta chưa nghĩ ra, hoặc chưa nghiệm thấy.

Cũng giống như chuyện xưa, có một Lão Ông, có một con ngựa quí ( Bạch mã ), bỗng dưng bị lạc mất, bà con chòm xóm đến chia buồn với ông.

Lão Ông rất bình tĩnh, và rất thản nhiên nói: Biết đâu trong việc mất ngựa quí, lại là một điều phúc.

Mà đúng như vậy.

Ba ngày sau, ngựa nhà dắt về cho ông hai con ngựa quí khác. Thế là hoạ và phúc đan xen vào nhau, làm cho ta rất khó xác định.

Nhưng chúng ta nên xác tín rằng:

Chúng ta là Con Trời, nên Trời luôn thương yêu ta, hằng luôn ở bên ta, để giúp ta thắng vượt mọi nghịch cảnh và mọi sự dữ.

*****

Do đó, chúng ta không nên quá sợ Cô –vít.

Tuy Cô –vít vẫn còn đó, nhưng chúng ta vẫn hãy an tâm và vẫn vui, vì có Chúa luôn đồng hành với chúng ta từng bước đi trong cuộc sống.

Đầu xuân Nhâm Dần, chúng ta hãy cầu chúc cho nhau :

- Có sức khoẻ, mạnh như Hổ, cả tinh thần, lẫn thể xác.

Nhất là biết bỏ đi cái tính hà tiện, vì “ ký ca, ký cóp chi cho Cọp nó tha ” thì …uổng lắm! Hãy quan tâm hơn, mà ra tay giúp gỡ những người đang sống bên cạnh chúng ta, đang rất cần sự giúp đỡ chúng ta đó. 
                                                       
Lm. Giuse Nguyễn Hiển SDD sưu tầm
 

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Hiển

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây