THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA
NHẬT KÝ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA NƠI LINH HỒN TÔI
Ấn bản lần thứ hai
Chuyển ngữ
Matthias M. Ngọc Đính, CMC
2002
---------------------------------------
LỜI ĐẦU CHO NGUYÊN BẢN TIẾNG BA LAN
NIÊN BIỂU NHỮNG BIẾN CỐ TRONG CUỘC ĐỜI THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA-HELENA KOWALSKA
TẬP MỘT : LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA NƠI LINH HỒN TÔI
TẬP HAI LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA NƠI LINH HỒN TÔI
TẬP BA: CON SẼ CA NGỢI LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
TẬP BỐN : NHẬT KÝ NỮ TU M. FAUSTINA
TẬP NĂM: NỮ TU FAUSTINA PHÉP THÁNH THỂ
TẬP SÁU: MUÔN ĐỜI CON SẼ CA TỤNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Imprimi Potest:
22.2.1987
Lm. Richard J. Drabik, M.I.C.,
Giám tỉnh
Nihil Obstat:
= George H. Pearce
Tổng Giám mục Suva, Fiji
Imprimatur:
16.3.1987
= Joseph F. Maguire
Giám mục Springfield, MA
Dịch từ bản Tiếng Anh
Diary
Divine Mercy in My Soul
Saint Maria Faustina Kowalska
Xuất bản do: Marians of the Immaculate Conception
Stockbridge, Massachusetts 01263
2001
Khi cho ra mắt quyển Nhật Ký của thánh nữ Maria Faustina Kowalska, tôi ý thức mình đang giới thiệu một tài liệu về con đường thần bí Công Giáo, mang một giá trị ngoại thường, không những với Giáo Hội Ba Lan, mà còn với Giáo Hội toàn cầu. Ấn phẩm này là một ấn bản nghiêm túc, và vì thế, rất khả tín. Đây là công trình của Thỉnh Nguyện Viên cho thánh nữ Faustina, dưới chỉ thị của thẩm quyền tổng giáo phận Cracow.
Quyển Nhật Ký có mục tiêu cổ động việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa gần đây đã được quan tâm rộng rãi vì hai nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất: Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin ít năm trước đây [1978] đã duyệt xét và rút lại những điều kiểm phán trước đây của Toà Thánh liên quan đến những bản viết của nữ tu Faustina. Việc rút lại “thông tư” ấy đã làm cho việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, như được trình bày trong Nhật Ký này, được tiến triển khắp các lục địa với một sinh lực mới, như được ghi nhận qua vô số những chứng cứ mà Thỉnh Nguyện Viên cũng như hội dòng của nữ tu Faustina đã thu thập được.
Thứ hai: Bức tông thư Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương (Dives in misericordia) mới đây của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thu hút sự chú ý của Giáo Hội, và cả thế giới thế tục, một cách thích thú đến với một ưu phẩm rất kỳ diệu của Thiên Chúa và là khía cạnh phi thường trong nhiệm cục cứu độ: đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Một công trình nghiên cứu tường tận hầu làm nổi bật sự tương đồng giữa các ý tưởng trong Nhật Ký thánh nữ Faustina và trong bức tông thư trên (không cần đề cập đến tính liên đới khả dĩ của chúng) có lẽ rất đáng được hoan nghênh. Chắc chắn sẽ có rất nhiều điểm nổi bật, bởi vì cả hai đều kín múc khởi hứng từ một nguồn mạch; đó là mặc khải của Thiên Chúa và giáo huấn của Chúa Kitô. Hơn nữa, cả hai đều xuất phát từ một cảnh vực tinh thần như nhau, cùng từ Cracow, một thành phố - mà tôi biết - đã có ngôi thánh đường dâng kính Lòng Thương Xót Chúa cổ kính nhất. Tương tự, cũng cần nhấn mạnh rằng chính Đức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám mục Cracow trong thời gian ấy, cũng chính là người đã nỗ lực rất nhiều trong việc vận động phong chân phúc cho nữ tu Faustina và thực sự ngài đã khởi sự tiến trình ấy.
Dưới ánh sáng ấy, Nhật Ký thánh nữ Faustina mang thêm một ý nghĩa nữa nay với linh đạo Công Giáo; và vì thế, điều thích thuận là phải chuẩn bị một ấn bản đáng tin cậy, đủ sức ngăn ngừa nạn bóp méo bản văn do những người, tuy hành động vì niềm tin tốt lành, nhưng không được chuẩn bị tương xứng với những công việc như thế. Như vậy, chúng ta có thể tránh được những ấn bản chứa đầy những dị biệt và thậm chí các mâu thuẫn, như đã từng xảy ra trong trường hợp quyển tự thuật của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tức là quyển Truyện Một Tâm Hồn.
Nếu lướt qua Nhật Ký này, có thể độc giả sẽ ngỡ ngàng vì sự giản dị của ngôn từ, thậm chí còn có cả những lỗi chính tả và văn pháp, nhưng xin đừng quên rằng tác giả quyển Nhật Ký này chỉ có một trình độ học vấn giới hạn. Chính những điểm giáo lý thần học trong Nhật Ký này mới làm bừng tỉnh nơi độc giả một niềm xác tín về tính cách độc đáo của nó; và nếu xét đến sự tương phản giữa trình độ học vấn với trình độ thần học cao vời của thánh nữ Faustina, chúng ta mới thấy hết được tác dụng đặc biệt của ơn thánh.
Ở đây, tôi muốn đề cập đến cuộc gặp gỡ của tôi với một nhà thần bí thời danh đương đại, đó là nữ tu Speranza tại Collevalenza, một nơi cách thành phố Todi [Ý] không xa lắm, người đã thành lập đền thánh “Tình Yêu Thương Xót”, điểm đến của vô vàn khách hành hương. Tôi đã hỏi nữ tu Speranza có nghe biết về những thủ bản của nữ tu Faustina hay không và nghĩ gì về những thủ bản ấy. Nhà thần bí đã trả lời một cách đơn giản: “Những thủ bản ấy chứa đựng một giáo huấn tuyệt vời, nhưng khi đọc, người ta phải nhớ rằng Thiên Chúa nói với các triết gia bằng ngôn ngữ các triết gia, và nói với các tâm hồn đơn sơ bằng ngôn ngữ những người đơn sơ, và chỉ những người đơn sơ mới được tỏ cho biết về các chân lý, những điều che giấu các bậc thông thái và hiền triết của thế gian này”.
Để kết thúc phần giới thiệu này, xin cho tôi được phép đề cập đến một suy tư của riêng tôi từ năm 1952, khi lần đầu tiên tôi được tham dự nghi lễ phong chân phúc long trọng tại vương cung thánh đường thánh Phêrô. Một người tham dự cuộc lễ mừng sau đó đã hỏi tôi: “Đấng được tôn phong này thực sự là ai?”. Câu hỏi đã làm tôi hết sức lúng túng, bởi vì lúc ấy tôi không nhớ ra những vị được tôn phong là ai, mặc dù tôi quá biết mục đích cuộc tôn phong là nêu lên cho Dân Chúa một tấm gương để chiêm ngưỡng và noi theo cuộc sống của các ngài.
Trong số những vị được đệ trình xin tôn phong chân phúc và hiển thánh, Ba Lan hiện đã có hai vị rất quen thuộc, toàn thể thế giới đều biết các ngài đã thực hiện những gì trong cuộc sống và các ngài đã rao giảng sứ điệp nào. Đó là chân phúc [nay đã là hiển thánh] Maximilian Kolbe, vị tử đạo vì đức bác ái, và nữ tu [nay cũng đã là hiển thánh] Faustina Kowalska, vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa.
Rôma, ngày 20 tháng 12 năm 1980
= Andrew M. Deskur
Tổng Giám mục hiệu toà Tene
Trước tiên, chúng tôi xin chân thành tri ân cha Gioan Maria, cha Barnaba Maria, và thầy Bonifacio Maria đã góp nhiều ý kiến vô cùng quý báu cho bản dịch tiếng Việt này. Chúng tôi cũng hết lòng cảm ơn những công lao của thầy Tađêô Maria đối với việc ra đời của quyển sách này.
Chúng tôi xin ghi nhận tấm lòng nhiệt thành với công cuộc Lòng Thương Xót Chúa và những đóng góp của ông Joseph Alexander NH.
Xin Chúa, Đức Mẹ, và Cha Thánh Giuse chúc lành đặc biệt cho quý cha, quý thầy, và quý vị đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành quyển sách này.
Trong bản dịch Việt ngữ, chúng tôi cố gắng theo sát lối trình bày của bản Anh ngữ, cụ thể là lời của Chúa được in đậm; lời của Đức Mẹ được in nghiêng; lời của các thánh và của thánh nữ Faustina được in thẳng. Những phần không có trong nguyên bản Nhật Ký của chị thánh, nhưng được thêm vào cho rõ nghĩa được đặt trong ngoặc vuông []. Số trang trong nguyên bản Nhật Ký của chị thánh được đặt trong ngoặc đơn (), và được in đậm. Những số chú thích được in nhỏ.
Ước mong bản dịch nhỏ mọn này góp phần cổ động việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
Lễ Đức Mẹ Mân Côi, 2001
N.Đ.
DÒNG CÁC NỮ TU ĐỨC MẸ NHÂN LÀNH
25.8.1905 - Helena Kowalska chào đời tại làng Glogowiec, quận Turek, tỉnh Lodz, Ba Lan (theo sổ rửa tội giáo xứ).
27.8.1905 - Helena Kowalska được rửa tội tại nhà thờ Casimir, Swinice Warckie, quận Turek do cha sở Joseph Chodynski, và được nhận tên Helena (Hồ sơ giáo xứ tại Swinice).
1912 - Lên bảy tuổi, Helena lần đầu tiên nghe lời mời gọi trong tâm hồn hãy theo đuổi một nếp sống trọn lành hơn (NK I:3).
1914 - Helena được rước lễ lần đầu từ tay cha sở Pawlowski (Hồ sơ giáo xứ tại Swinice).
11.1917 - Helena bắt đầu đi học tại Swinice (Biên bản từ Zbiorczej Szkoly Gminnejw Swinicach Warckich, ngày 6 tháng 4 năm 1916).
1919 - Năm 14 tuổi, để trợ giúp cha mẹ, Helena bắt đầu làm việc cho gia đình Goryszewski ở Aleksandrow gần Lodz, (Hồi ký của bà Marianne Kowalska, thân mẫu thánh nữ).
30.10.1921 - Helena được chịu phép Thêm Sức do Đức Cha Vincent Tymienecki tại Aleksandrow gần Lodz.
1922 - Sau gần một năm làm việc cho gia đình Goryszewski, Helena trở về gia đình và ngỏ ý muốn vào sống trong một tu viện. Cha mẹ quyết định phản ngay ước nguyện này (NK 1:4; Hồi ký của thân mẫu).
Mùa Thu 1922 - Helena đến Lodz để kiếm việc làm phụ giúp cha mẹ (Hồi ký của thân mẫu, trang 5; Hồi ký của Stanislava Rapacka).
2.2.1923 - Nhờ sự giới thiệu của một người môi giới, Helena đến làm việc cho bà Marcianne Sadowska, chủ một cửa hiệu ở số 29 phố Abramowski, Lodz, và chị ngụ tại đây cho đến ngày 1 tháng 7 năm 1924 (Hồi ký của bà Marcianne, tr. 2).
7.1924 - Helena đến Warsaw để vào dòng (Hồi ký của Mẹ Tổng Quyền Michael Moraczewska, thủ bản, tr. 1; NK I:4).
Chị xin vào dòng Đức Mẹ Nhân Lành tại số 3/9 phố Zytnia tại Warsaw. Bề trên nhận thấy chị là một người “không có gì đặc biệt” và muốn thử thêm nên bảo đi làm để có thể trả tiền y phục (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 1; Hồi ký của nữ tu Dorgia, tr. 1).
Mùa Hè 1924 - Helena đi phụ giúp việc cho gia đình bà Aldona Lipszyc tại Ostrowek, quận Klembow, gần Warsaw (Hồi ký của bà A. Lipszic, tr. 1).
1.8.1925 - Helena lại xin vào dòng Đức Mẹ Nhân Lành, và lần này được chấp nhận (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 2; Hồi ký của nữ tu Borgia, tr. 1; NK I:6).
Khoảng 22.8.1925 - Helena muốn rời bỏ hội dòng để vào một dòng tu khác ngặt hơn. Chị cảm thấy trong dòng Đức Mẹ Nhân Lành có quá ít giờ cầu nguyện (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 2; NK I:6).
8.1925 - Bề trên gởi chị đến Skolimow, một cơ sở dạy nghề của hội dòng, gần Warsaw để hồi phục sức khoẻ (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 2).
23.1.1926 - Chị rời tập viện tại Warsaw để hoàn tất thời gian thử, tĩnh tâm, và nhận lúp (Hồi ký của nữ tu Borgia, tr. 1; NK I:7).
30.4.1926 - Sau tám ngày tĩnh tâm, chị nhận áo dòng và tên dòng. Kể từ đó, Helena mang tên là nữ tu Mary Faustina (Kỷ yếu Cracow III:177; Hồi ký nữ tu Clemens).
20.6.1926 - Sự kiện thay đổi điều hành của bề trên giám tập ảnh hưởng đến việc đào luyện đời sống thiêng liêng của nữ tu Faustina (Kỷ yếu Cracow III:179).
3.4.1927 - Nữ tu Faustina trải qua đêm tăm tối. Những thử thách kéo dài đến gần hết năm tập, Mẹ Giám Tập Mary Joseph Brzoza, khích lệ, chước giảm những việc đạo đức chính thức, và thúc giục chị hãy trung thành với Thiên Chúa (NK I:8).
16.4.1928 - Vào ngày thứ Sáu tuần Thánh, lửa tình yêu Chúa bao chiếm chị tập sinh. Chị quên hết những đau khổ quá khứ, và nhận ra Chúa Kitô đã chịu đau khổ nhiều vì chị (NK I:10).
20.4.1928 - Buổi tối, chi Faustina cùng với các chị khác khai mạc tuần tĩnh tâm trước ngày hạn thệ (Kỷ yếu III:203; Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 3; NK I:11).
30.4.1928 - Nữ tu Faustina tuyên khấn lần đầu, và khấn tạm từng năm một trong thời hạn 5 năm cho đến khi vĩnh thệ (Kỷ yếu Cracow III:203; Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 3).
6-10.12.1928 - Tại tổng tu nghị của dòng, Mẹ Michael Moracrzewska được bầu làm tổng quyền (Kỷ yếu Cracow III:210). [Mẹ Michael làm bề trên trong suốt đời tu của chị Faustina. Trong những thời gian khó khăn, Mẹ là nguồn giúp đỡ và an ủi cho chị. Chị Faustina đã tuyên khấn trọn đời trong tay Mẹ. Trước khi qua đời, chị đã qua Mẹ xin lỗi toàn thể hội dòng vì mọi yếu đuối trong suốt cuộc đời tu của chị (Hồi ký Mẹ Michael, tr. 5,11,12].
31.10.1928 - Nữ tu Faustina đến tu viện số 3/9 đường Zytnia, Warsaw, tại đây chị được phân công làm bếp (Kỷ yếu Cracow III:212).
21.2.1929 - Chị Faustina đến Vilnius để thế chỗ của một nữ tu khác dự thời gian thử thứ ba (Kỷ yếu Vilnius I:9).
11.4.1929 - Chị Faustina rời Vilnius trở về Warsaw bằng chuyến xe hoả buổi sáng (Kỷ yếu Vilnius I:21).
6.1929 - Chị Faustina được phân công làm việc tại một nhà mới được lập tại đường Hetrmanska, Warsaw (Hồi ký các nữ tu).
Vài tháng sau, chị lại trở về nhà số 3/9 đường Zytnia. Trong khi đó, các học sinh nội trú của chị hứa sẽ theo chị về đó (Hồi ký các nữ tu).
7.7.1929 - Trong một thời gian ngắn, nữ tu Faustina được cử đến một tu viện tại Kiekrz gần Poznan để làm bếp thay cho một nữ tu khác bị bệnh (Hồi ký của nữ tu Xavier, thư ngày 6.7 [không đề năm], được in trong hồi ký; NK I:74).
10.1929 - Chị Faustina lại trở về Warsaw (Chứng cứ là bức thư đề ngày 20.10.1929 của nữ tu Justine. Thư # 25:66).
5-6.1930 - Chị Faustina được cử về tu viện tại Plock, và lần lượt làm việc tại lò bánh, bếp, và kho bánh (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 3).
Trong thời gian sống tại Plock (từ tháng 6.1930 đến tháng 11.1932), chị có đến sống tại Biala một thời gian (một nhà của dòng, cách Plock chừng 10 km).
[Vì các tập Kỷ yếu của nhà Warsaw và Plock bị huỷ trong Thế Chiến II, nên khó xác định được ngày tháng chị Faustina ngụ tại những nhà này].
Lá thứ của nữ tu Justine Golofit, đề ngày 17.12.1930 làm chứng rằng chị Faustina trong thời gian ấy vẫn sống tại Biala (Các thư # 26:68).
22.2.1931 - Nữ tu Faustina được thấy Chúa Giêsu trong một thị kiến, Người truyền cho chị vẽ một bức hình theo mẫu được thấy (NK I:18; Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 4).
11.1932 - Chị Faustina đến Warsaw để thử lần ba theo tục lệ dòng Đức Mẹ Nhân Lành (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 5; NK I:84). Trước kỳ thử, chị đến Walendow để tĩnh tâm (Hồi ký của nữ tu Seraphina Kukulska; NK I:84).
1.12.1932 - Chị Faustina sống thời gian thử thứ ba cùng với các chị em dưới sự hướng dẫn của Mẹ Margaret Gimbutt (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 5; NK I:89).
Kỳ thử thứ ba trong dòng kéo dài năm tháng. Trong thời gian này, chị Faustina làm việc tại phòng may, giúp chị Suzanne Tokarski (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 5; Hồi ký của nữ tu Suzanne; NK I:89).
3.1933 - Cô em Wanda đến thăm chị Faustina (NK I:97).
18.4.1933 - Cùng với các nữ tu khác, chị Faustina đi Cracow dự tuần tĩnh tâm tám ngày và tuyên khấn trọn đời (Kỷ yếu Cracow IV:8).
21.4.1933 - Kỳ tĩnh tâm tám ngày dưới sự hướng dẫn của cha Wojnar, dòng Tên (Kỷ yếu Cracow IV:8; NK I:102).
1.5.1933 - Chị Faustina tuyên khấn trọn đời. Chủ tế lễ khấn là Đức Cha Stanislaus Rosopockoond.
Sau khi tuyên khấn trọn đời, chị Faustina ở lại Cracow thêm một tháng nữa (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 5; Kỷ yếu Cracow IV:8; NK I:114).
25.5.1933 - Chị đến Vilnius (Kỷ yếu Vilnius, tr. 178). [Kỷ yếu có chú thích: “Chị Faustina đã khấn trọn tại Cracow, đến bằng xe lửa vào chiều tối thứ Năm”].
2.1.1934 - Chị Faustina đến gặp hoạ sĩ Kazimirowski lần đầu tiên và nhờ vẽ bức hình Chúa Tình Thương (Hồi ký của cha Sopocko, tr. 1; Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 6; NK II:240).
29.3.1934 - Chị Faustina dâng mình cầu nguyện cho các tội nhân, nhất là những linh hồn đã mất lòng cậy trông vào Lòng Thương Xót Chúa (NK I:133).
6.1934 - Hoạ sĩ Kaximierowski hoàn tất bức hoạ Chúa Thương Xót dưới sự chỉ dẫn của chị Faustina. Chị Faustina đã khóc lên vì bức hoạ Chúa Thương Xót không đẹp như chị đã thấy trong thực tế (Hồi ký của cha Sopocko, tr. 1; NK I:134).
26.7.1934 - Chị Faustina ngã bệnh - bị cảm (Kỷ yếu Vilnius, tr. 223).
28.7.1934 - Chị Faustina bắt đầu viết Nhật Ký trở lại.
12.8.1934 - Bệnh tình chị Faustina trở nặng. Bác sĩ Maciejewska được mời đến, và cha Sopocko đến ban phép Xức Dầu cho chị (Kỷ yếu Vilnius, tr. 226).
13.8.1934 - Sức khoẻ chị có khá hơn (Kỷ yếu Vilnius, tr. 226).
26.10.1934 - Cùng các học sinh từ ngoài vườn về ăn bữa tối (lúc 5 giờ 50 chiều, chị Faustina nhìn thấy Chúa Giêsu trên nhà nguyện tại Vilnius giống như chị đã được thấy Người tại Plock; tức là với hai luồng sáng xanh nhạt và đỏ. Những luồng sáng bao phủ nhà nguyện của dòng và phòng y tế các học sinh, sau đó chiếu toả khắp thế giới (Văn khố - tài liệu về nữ tu Faustina).
15.2.1935 - Nữ tu Faustina nhận được tin báo thân mẫu bị bệnh nặng, và chiều tối hôm ấy trở về làng quê Glogowiec, gần Lodz (Kỷ yếu Vilnius, tr. 261; NK I:165-169).
Sau khi rời nhà quê, chị Faustina dừng lại Warsaw để gặp Mẹ Tổng Quyền Michael, và vị giám tập trước kia là Mẹ Mary Joseph Brzoza. Một vài ngày sau, chị trở về Vilnius (NK I:169).
4.3.1935 - Nữ tu Petronilla và nữ tu Faustina đi xe điện đến phiên chợ được tổ chức hằng năm vào dịp lễ thánh Casimir để sắm các đồ dùng cần cho nhà dòng (Kỷ yếu Vilnius, tr. 264).
29.9.1935 - Nữ tu Faustina cùng các nữ tu khác đến nhà thờ thánh Micae để làm việc đạo đức Bốn Mươi Giờ (Kỷ yếu Faustina, tr. 302).
19.10.1935 - Nữ tu Antonina và nữ tu Faustina đi dự tuần tĩnh tâm tám ngày tại Cracow (Kỷ yếu Vilnius, tr. 307; Kỷ yếu Cracow, IV:49).
4.11.1935 - Sau tĩnh tâm, chị Faustina đã trở về Vilnius vào chiều tối (Kỷ yếu Vilnius, tr. 311).
8.1.1936 - Chị Faustina đến thăm Đức Tổng Giám mục Jalbrzykowski và trình bày rằng Chúa Giêsu muốn thành lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa (NK II:50).
17.3.1936 - Nữ tu Borgia Tichy, bề trên nhà dòng tại Vilnius nhận được tin bề trên tổng quyền chuyển chị Faustina từ Vilnius đến Walendow (Kỷ yếu Vilnius, tr. 337).
19.3.1936 - Nữ tu Borgia bàn hỏi với Đức Tổng Giám mục Jalbrzykowski về việc chị Faustina (Kỷ yếu Vilnius, tr. 338).
21.3.1936 - Nữ tu Faustina đi chuyến xe lửa buổi sáng từ Vilnius đến Warsaw (Kỷ yếu Vilnius, tr. 338), và lưu lại Warsaw một vài ngày (NK II:90).
25.3.1936 - Nữ tu Faustina đến Walendow, một ngôi nhà miền quê của dòng, cách Warsaw 20 cây số. Các chị em ở đây chào đón nồng nhiệt và vui tươi (Các Kỷ yếu; NK II:91).
4.1936 - Sau một vài tuần lễ, chị Faustina lại được cử sang một nhà khác cách Walendow 1 cây số, được gọi là Derdy (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 8).
Nhà này toạ lạc trong một khu rừng, và nữ tu Faustina ngây ngất trước vẻ đẹp thiên nhiên đã diễn tả niềm vui của chị trong lá thư gởi cho cha Sopocko ngày 10.5.1936 (Các thư #3:5).
11.5.1936 - Cùng với chị Edmund Sekul, chị Faustina rời Derdy và về ở luôn tại Cracow (Kỷ yếu Cracow IV:60), ở đây, trước tiên chị làm việc trong vườn, rồi coi cổng (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 8).
19.6.1936 - Cùng các chị em khác đi kiệu Thánh Tâm Chúa tại tu viện dòng Tên ở số 26 đường Kopernik (Kỷ yếu Cracow IV:62; NK II:111).
14.9.1936 - Đức Tổng Giám mục Jalbrzykowski trên đường đi Tarnow, ghé thăm tu viện Cracow và tiếp chuyện ít phút với chị Faustina (Kỷ yếu Cracow IV:67; NK II:133); Hồi ký của nữ tu Felicia và nữ tu Irene).
19.9.1936 - Chị Faustina khám bệnh tại bệnh viện Pradnik (NK II:133-134).
20.10.1936 - Tĩnh tâm tám ngày ở Cracow do cha Wojton, dòng Tên, giảng phòng (Kỷ yếu Cracow IV:70; NK II:153).
9.12.1936 - Vì lý do sức khoẻ, các bề trên gởi chị Faustina đến điều trị tại Pradnik, một dưỡng đường dành cho các bệnh nhân lao phổi tại Cracow (Kỷ yếu Cracow IV:74; NK II:198).
13.12.1936 - Chị Faustina xưng tội với Chúa Giêsu (NK II:207).
24.12.1936 - Được phép bác sĩ, chị Faustina trở về tu viện mừng lễ Giáng Sinh (Kỷ yếu Cracow IV:74; NK II:226).
27.12.1936 - Chị Faustina trở lại bệnh viện Pradnik để điều trị (NK II:230).
27.3.1937 - Chị Faustina từ Pradnik trở về sau khi tình trạng sức khoẻ có khả quan (Kỷ yếu Cracow IV:82; NK II:18).
13.4.1937 - Sức khoẻ lại sa sút trầm trọng, chị Faustina xin Chúa cho khoẻ mạnh và được nhậm lời (NK III:23).
23.4.1937 - Trong cuộc tĩnh tâm tám ngày tổ chức từ 20.4 tại tu viên Cracow, chị Faustina đã tận dụng dịp này để tĩnh tâm ba ngày của riêng chị (Kỷ yếu Cracow IV:82; NK III:26).
29.4.1937 - Sau tuần tĩnh tâm, chị nói chuyện với vị giám tập cũ là Mẹ Mary Joseph cũng đang tĩnh tâm tại đó (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 9; NK III:30-31).
20.7.1937 - Chị Faustina biết sắp được đổi về một nhà của dòng tại Rabka (NK III:54).
[Kỷ yếu không đề cập đến điều này; tuy nhiên, chỉ ghi nhận rằng mẹ bề trên đến Rabka hai ngày có chuyện liên quan về việc ra đi của chị Faustina (Kỷ yếu Cracow IV:88 - đề ngày 19.7; Hồi ký của nữ tu Irene)].
29.7.1937 - Chị Faustina đi Rabka (NK III:54-55; các Hồi ký).
10.8.1937 - Thấy khí hậu tại Rabka không phù hợp và làm sức khoẻ ngày càng suy giảm, chị Faustina trở về Cracow (NK IV:4).
12.8.1937 - Cha Sopocko ghé Cracow và lưu lại một thời gian với chị Faustina (Hồi ký của nữ tu Felicia; NK IV:4-5).
25.8.1937 - Cha Sopocko ở lại Cracow một vài ngày. Nữ tu Faustina rất sung sướng vì đang nóng lòng muốn gặp ngài (NK IV:17).
[Kỷ yếu không đề cập về điều này].
6.9.1937 - Vì sức khoẻ ngày càng kiệt quệ, chị Faustina được đổi từ công tác làm vườn ra coi cổng (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 10; NK IV:25).
19.9.1937 - Em trai Stanley đến thăm chị Faustina (NK IV:40).
27.9.1937 - Chị Faustina và Mẹ Irene Krzyzanowska đến nhà in để lo in một số hình Chúa Thương Xót (NK IV:45; Hồi ký của nữ tu Irene, tr. 2).
21.4.1938 - Sức khoẻ của chị Faustina sa sút, các bề trên quyết định đưa chị trở lại bệnh viện Pradnik (Kỷ yếu Cracow IV:119; Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 10).
2-5.6.1938 - Chị Faustina tĩnh tâm ba ngày tại bệnh viện (Hồi ký của Mẹ Irene Krzyzanowska và nữ tu Felicia; NK VI:114).
6.1938 - Chị Faustina ngừng viết Nhật Ký.
6.1938 - Mẹ Tổng Quyền Michael Moraczewska đến thăm chị Faustina tại bệnh viện (Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 10; Hồi ký của nữ tu Felicia).
8.1938 - Trong lá thư cuối cùng viết cho Mẹ Tổng quyền, chị Faustina xin lỗi vì tất cả những sai sót suốt đời và kết thúc bằng câu “mong đến khi chúng ta gặp nhau trên trời” (Các thư # 23:64; Hồi ký của Mẹ Michael, tr. 11).
24.8.1938 - Chị Camille, một bệnh nhân tại bệnh viện ở Pradnik điện thoại báo tin cho bề trên biết sức khoẻ chị Faustina đã đến hồi nguy kịch. Bề trên đến bệnh viện và lưu lại qua đêm bên cạnh giường chị Faustina (Kỷ yếu Cracow IV:129).
25.8.1938 - Cha Theodore Czaputa, tuyên uý nhà dòng tại Cracow đến bệnh viện Pradnik để ban bí tích Xức Dầu cho chị Faustina (Kỷ yếu Cracow IV:129).
28.8.1938 - Cha Sopocko đang ở Cracow đến thăm nhà dòng và đến thăm chị Faustina tại bệnh viện một vài lần (Hồi ký của cha Sopocko, tr. 3; Kỷ yếu CracowIV:129).
2.9.1938 - Cha Sopocko đến thăm chị Faustina tại dưỡng đường Pradnik và thấy chị đang được ngất trí (Hồi ký của cha Sopocko, tr. 5; Hồi ký của nữ tu Felicia).
7.9.1938 - Vì rất yếu nhược và không chịu được thức ăn, chị Faustina được đưa từ bệnh viện Pradnik về tu viện. Bình tĩnh và lạc quan, chị chờ đợi phút giây được hợp nhất với Chúa Giêsu, và không sợ hãi giờ chết (Kỷ yếu Cracow IV:131).
22.9.1938 - Càng ngày sức khoẻ càng yếu ớt, chị Faustina xin toàn thể hội dòng tha thứ vì những lỗi vô ý của chị và thanh thản chờ đợi Đấng Lang Quân từ trời cao đến (Kỷ yếu Cracow IV:132).
26.9.1938 - Cha Sopocko đến thăm chị Faustina lần cuối tại Cracow, và chị nói với ngài: “Mối bận tâm duy nhất của con là sống trong sự hiện diện của Cha trên trời của con”. [Cha Sopocko ghi nhận, “Chị giống như một người không ở dương thế”, và thêm, “Lúc ấy, tôi không còn nghi ngờ gì về điều chị đã viết trong Nhật Ký, việc chị được rước Thánh Thể từ một vị thiên thần là đúng thật” (Hồi ký của cha Sopocko, tr. 5)].
2.10.1938 - Chị Faustina ngày càng yếu, nhưng vẫn luôn lạc quan và bình thản chờ đợi giờ ra đi (Kỷ yếu Cracow IV:133).
5.10.1938 - Vào lúc 4 giờ chiều, cha Andrasz dòng Tên đến thăm, và chị Faustina đã xưng tội lần cuối cùng (Kỷ yếu Cracow IV:134).
Vào lúc 9 giờ tối, cha tuyên uý Theodore Czaputa cùng với các chị em tụ tập quanh giường cầu nguyện cho người hấp hối. Biết được giờ chết, chị Faustina đã hợp ý với những lời cầu nguyện (Kỷ yếu Cracow IV:134).
7.10.1938 - Lễ an táng nữ tu Faustina Kowalska được tổ chức ngày thứ Sáu đầu tháng, nhằm lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Các linh mục dòng Tên, cha Wojton và cha Chabrowski thuộc tu viện Công Trường thánh Barbara và một cha khác ở số 26 đường Kopernik đã chủ sự các lễ nghi an táng.
Vào lúc 8 giờ 30 sáng, sau khi hát giờ kinh Sáng, cha Wojton cử hành nghi thức phụng vụ tại bàn thờ chính, và cha Chabrowski tại bàn thờ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (nơi bức hình Chúa Thương Xót được tôn kính cho đến ngày nay và nổi tiếng đã ban phát vô số ơn lành).
Cha Chabrowski cử hành thánh lễ với lễ phục trắng. Như Kỷ yếu tu viện ghi lại, tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Thân quyến chị Faustina không có ai hiện diện trong lễ an táng (Kỷ yếu Cracow IV:134).
Nữ tu Faustina được mai táng tại nghĩa trang trong khu vườn của dòng Đức Mẹ Nhân Lành tại số 3/9 đường Wronia, Lagiewniki, Cracow, trong ngôi mộ chung tại nghĩa trang.
21.10.1965 - Sau khi nữ tu Faustina qua đời được 27 năm, Đức Cha Julian Groblicki được Đức Tổng Giám mục Karol Wojtyla uỷ quyền đã khởi sự quá trình điều tra thông tin về đời sống và nhân đức của nữ tu Faustina bằng một nghi thức long trọng tại Cracow. Từ lúc ấy, nữ tu Faustina xứng đáng với tước hiệu Đầy Tớ Chúa.
25.11.1966 - Trong khi quá trình điều tra thông tin liên quan đến các nhân đức, các bản văn, và lòng sùng kính Đầy Tớ Chúa đang được tiến hành (từ 21.10.1965 đến 20.9.1967), thi hài nữ tu Faustina đã được cải táng và dời sang một ngôi mộ được dành sẵn cho mục đích trong nhà nguyện của các nữ tu dòng Đức Mẹ Nhân Lành. Trên ngôi mộ có một phiến đá màu đen có hình thánh giá ở giữa. Trên phiến đá thường xuyên có những bó hoa tươi do các tín hữu đem đến, những người đã xin được vô số ơn lành nhờ lời cầu bầu của nữ tu Faustina.
20.9.1967 - Đức Hồng Y Karol Wojtyla kết thúc quá trình điều tra thông tin về Đầy Tớ Chúa bằng một lễ nghi long trọng tại Tổng Giáo phận Cracow.
26.1.1968 - Thánh bộ Phong Thánh nhận được các hồ sơ của quá trình điều tra thông tin.
31.1.1968 - Bằng một sắc lệnh của Thánh bộ Phong thánh, tiến trình phong chân phúc cho Đầy Tớ Chúa nữ tu Faustina Helena Kowalska được chính thức bắt đầu.
18.4.1993 - Đấng Đáng Kính Đầy Tớ Chúa, nữ tu Maria Faustina Kowalska được Đức Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phúc vào Chúa Nhật sau đại lễ Phục Sinh, ngày được nhiều tín hữu khắp thế giới mừng như Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.
30.4.2000 - Nữ chân phúc Maria Faustina Kowalska được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh vào Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa trong đại năm thánh 2000. Đức Thánh Cha tuyên bố trong bài giảng thánh lễ: “Từ nay về sau, trong khắp Giáo Hội, Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh sẽ được gọi Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa”.
1. Thánh nữ Maria Faustina Kowalska ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trổi vượt trong Giáo Hội.
Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogowiec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan. Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena”. Ngay từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân. Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.
Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì. Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện. Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn. Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện. Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận. Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw. Trong Nhật Ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng. Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn” (NK 17).
Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện. Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện. Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK 19).
Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina. Chị đã sống thời kỳ năm tập tại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của Đức Giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và 5 năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục. Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.
Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina. Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.
Tất cả đời sống của chị được tập trung vào việc liên lỉ cố gắng đạt đến một cuộc kết hiệp ngày càng mật thiết hơn với Thiên Chúa và quên mình cộng tác với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu rỗi các linh hồn. Chị đã viết trong Nhật Ký, “Chúa biết ngay từ những năm đầu tiên, con đã muốn trở nên một vị đại thánh; tức là yêu mến Chúa bằng một tình yêu vĩ đại như chưa từng có linh hồn nào đã yêu mến Chúa như thế” (NK 1372).
Chính quyển Nhật ký của chị đã cho chúng ta thấy được những chiều sâu trong đời sống thiêng liêng của chị. Những tư liệu này - nếu được đọc chăm chú - sẽ làm hiện lên một bức tranh diễn tả mối thân tình hợp nhất cao độ giữa linh hồn chị với Thiên Chúa: sự khắng khít lạ lùng giữa Thiên Chúa với linh hồn chị, cũng như những nỗ lực và chiến đấu của chị trên con đường hoàn thiện Kitô Giáo. Chúa đã ban cho chị nhiều hồng ân phi thường: ơn chiêm niệm, ơn hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa, các thị kiến, mặc khải, những dấu thánh tiềm ẩn, ơn nói tiên tri, ơn đọc được tâm hồn người khác, và ơn quý trọng bậc nhiệm hôn. Tuy được hoan hưởng những hồng ân ấy rất dồi dào, nhưng chị đã viết: “Không phải các ân sủng, các mặc khải, các lần ngất trí, hoặc các ân huệ làm cho linh hồn nên hoàn hảo, nhưng chính là sự kết hợp mật thiết giữa linh hồn với Thiên Chúa... Sự thánh thiện và hoàn hảo của tôi hệ ở việc kết hợp mật thiết giữa ý chí tôi với ý chí Thiên Chúa” (NK 1107).
Nếp sống khổ hạnh và những lần chay tịnh đến kiệt sức ngay cả trước khi vào dòng của chị đã làm suy sụp yếu nhược thể trạng của chị, đến nỗi ngay trong thời gian thỉnh tu, chị đã được đưa đi Skolimow gần Warsaw để phục hồi sức khoẻ. Gần cuối năm đầu tiên trong thời kỳ nhà tập, chị còn phải trải qua những kinh nghiệm thần bí đớn đau lạ thường của giai đoạn vẫn được gọi là đêm tối giác quan, và sau đó là các đau khổ tinh thần và luân lý liên quan đến việc hoàn thành sứ mạng mà chị được nhận lãnh từ Chúa Kitô. Thánh nữ Faustina đã hy hiến cuộc đời cho các tội nhân, vì thế, chị đã chịu đựng những khổ đau tư bề để trợ giúp các linh hồn. Trong những năm tháng cuối đời của chị thánh, các đau khổ nội tâm của cái gọi là đêm thụ động của linh hồn và những bệnh nạn phần xác càng trở nên dữ dội hơn nữa. Căn bệnh lao của chị lan dần, tấn công những lá phổi và phần ruột non. Vì vậy, hai lần chị đã phải trải qua nhiều tháng điều trị ở bệnh viện phố Pradnik tại Cracow.
Tuy kiệt quệ về thể lý, nhưng chị Faustina đã đạt đến mức trưởng thành sung mãn trong đời sống thiêng liêng. Chị đã từ giã cõi trần khi chưa trọn 33 tuổi đời, giữa tiếng thơm thánh thiện, và được kết hiệp muôn đời với Thiên Chúa vào ngày 5 tháng 10 năm 1938, sau 13 năm trong cuộc sống tu trì. Thi hài của chị được an nghỉ tại ngôi mộ chung trong nghĩa trang tu viện tại Cracow-Lagiewniki. Năm 1966, trong khi thủ tục điều tra tôn phong chân phúc đang được xúc tiến, thi hài nữ tu Faustina đã được cải táng vào nhà nguyện của tu viện.
Chúa Giêsu đã uỷ thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị: “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha” (NK 1588). “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605)... “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ hãy tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha” (NK 1567).
2. Sứ mạng của thánh nữ Faustina. Sứ mạng chính yếu của chị thánh là nhắc nhở cho chúng ta về những chân lý đức tin ngàn đời nhưng dường như đã bị lãng quên về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và truyền đạt cho chúng ta những hình thức mới mẻ của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, ngõ hầu làm hồi sinh cuộc sống thiêng liêng trong tinh thần tin tưởng và nhân ái của Kitô Giáo.
Quyển Nhật Ký Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho chị thánh phải viết trong suốt bốn năm cuối đời chị là một tư liệu chuyên biệt ghi lại những sự kiện hoặc những biến cố hồi tưởng, chủ yếu liên quan đến những “lần gặp gỡ” giữa linh hồn chị với Thiên Chúa. Cần phải có một công trình phân tích mang tính nghiêm túc và học thuật về những tập Nhật Ký ấy, với mục đích chiết xuất tất cả những gì là thiết yếu đối với sứ mạng của chị thánh.
Công trình này đã được linh mục giáo sư Ignacy Rozycki, một thần học gia xuất chúng và được kính trọng thực hiện. Bản tóm lược công trình thần học mang tính học thuật của cha đã được ấn hành, dưới tựa đề Lòng Thương Xót Chúa: Những Đặc Điểm Cơ Bản của Việc Tôn Sùng Lòng Thương Xót Chúa.
So với công trình thần học quan trọng này, tất cả những ấn phẩm trước kia bàn về việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa theo thánh nữ Faustina dường như chỉ quan tâm đến một vài yếu tố hoặc những vấn đề tuỳ phụ mà thôi. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, chỉ nhấn mạnh đến Kinh Cầu hoặc Tuần Cửu Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, nhưng lại lơ là với Giờ Thương Xót Vô Biên.
Cha Rozycki đã hướng chúng ta chú ý đến điều này khi nói rằng: “Trước khi làm quen với những yếu tố cụ thể của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta cần phải ghi nhận rằng trong những yếu tố ấy, chúng ta sẽ không tìm được những tuần cửu nhật hoặc những kinh cầu nổi tiếng và được yêu chuộng”.
Căn bản cho việc tuyển chọn những lời kinh và những việc đạo đức này - chứ không phải những việc khác - làm những hình thức mới mẻ của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa là những lời hứa cụ thể gắn liền với chúng mà Chúa Giêsu đã hứa ban, miễn là chúng ta tín thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống nhân ái với những người lân cận. Cha Rozycki chỉ ra năm yếu tố của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa.
a) Bức hình Chúa Giêsu Thương Xót. Kiểu dáng bức hình được tỏ ra trong cuộc thị kiến của chị Faustina, ngày 22 tháng 2 năm 1931, trong phòng tư của chị tại tu viện Plock. Chị ghi lại lời Chúa truyền trong Nhật Ký: “Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy, với hàng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” (NK 47). “Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).
Vì vậy, nội dung của bức hình liên hệ gần gũi với phụng vụ của Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Hôm đó, Giáo Hội đọc bài Phúc Âm theo thánh Gioan, kể lại biến cố Chúa Kitô sống lại và hiện ra trong nhà Tiệc Ly, và việc thiết lập bí tích Hoà Giải (Ga 20,19-29). Như vậy, bức hình này biểu thị Đấng Cứu Thế phục sinh từ trong cõi chết, Đấng đem an bình đến cho nhân loại qua việc tha thứ tội lỗi bằng cái giá cuộc thương khó và tử nạn của Người trên thánh giá.
Những dòng máu và nước trào ra từ Trái Tim bị lưỡi đòng đâm thâu (không hiện rõ trong bức hình) và dấu vết các thương tích đóng đinh làm nhớ lại những biến cố ngày thứ Sáu tuần Thánh (Ga 19,17-18; 33-37). Vì vậy, bức hình Đấng Cứu Thế thương xót kết hợp hai biến cố trong Phúc Âm và biểu hiện rõ nét về mức độ sung mãn của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Hai luồng sáng là nét nổi bật trong bức hình Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu khi được hỏi về ý nghĩa bức ảnh đã giải thích: “Luồng sáng màu lam nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính. Luồng sáng màu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn... Phúc cho linh hồn nào cư ngụ trong nơi nương náu của họ” (NK 299). Bí tích Thánh Tẩy và bí tích Hoà Giải thanh tẩy linh hồn, còn bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn được nên giàu có sung túc. Như vậy, hai luồng sáng tượng trưng cho các bí tích thánh thiện ấy và tất cả những ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng trong Thánh Kinh được biểu thị bằng nước, cũng như giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại trong bửu huyết Chúa Kitô.
Bức hình Chúa Giêsu Thương Xót thường được gọi rất xứng hợp là bức hình “Chúa Thương Xót”, bởi vì bức hình này thể hiện rất rõ nét tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.
Bức hình này không những biểu hiện Lòng Thương Xót Thiên Chúa, mà còn là một dấu hiệu nhắc nhở nghĩa vụ Kitô hữu phải tín thác vào Thiên Chúa và phải tích cực yêu thương người lân cận. Theo ý Chúa Kitô, bức hình phải mang hàng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa”. Người còn tuyên bố: “Đó sẽ một vật nhắc nhở về các yêu sách của Lòng Thương Xót Cha, bởi vì dù mạnh mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo” (NK 742).
Về việc tôn kính bức hình, được hiểu như cách thể hiện thái độ tin tưởng và nhân ái của Kitô Giáo, Chúa đã hứa ban những ơn trọng đại, đó là ơn phần rỗi muôn đời, ơn mạnh tiến trên đường hoàn thiện Kitô giáo, ơn chết lành, và tất cả những ơn người ta nài xin Chúa với lòng tin tưởng: “Qua bức hình, Cha sẽ ban nhiều ân sủng cho các linh hồn; vậy hãy để mọi người đến được với bức hình ấy” (NK 570).
b) Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Lễ này được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được mặc khải cho thánh nữ Faustina. Chúa Giêsu đã yêu cầu thiết lập lễ này lần đầu tiên tại Plock vào năm 1931, khi Người tỏ ý muốn về việc vẽ bức hình: “Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).
Việc chọn Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh làm ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa mang một ý nghĩa thần học sâu xa, nói lên mối tương quan gần gũi giữa mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ với mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa. Mối tương quan mật thiết này còn được nhấn mạnh hơn nữa qua tuần Cửu Nhật với chuỗi kinh kính Lòng Thương Xót Chúa, bắt đầu từ ngày thứ Sáu tuần Thánh để dọn mình mừng lễ.
Lễ này không những là một ngày dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa trong mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Người, mà còn là một thời gian ân sủng dành cho mọi người. Chúa Giêsu đã phán: “Cha ước mong đại lễ kính Lòng Thương Xót Cha trở thành chỗ nương náu và trú ẩn cho mọi linh hồn, nhất là các tội nhân đáng thương” (NK 699). “Các linh hồn vẫn cứ hư mất mặc dù đã có cuộc Khổ Nạn cay đắng của Cha. Cha ban cho họ niềm hy vọng sau cùng về phần rỗi; đó là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha. Nếu họ không sùng kính Lòng Thương Xót Cha, họ sẽ phải hư mất muôn đời” (x. NK 965, 998).
Tầm mức cao quý của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại mà Chúa đã gắn liền với dịp lễ, Chúa Giêsu đã phán: “... bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xoá sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở. Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha. Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và mọi hình phạt. Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở. Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).
Để được hưởng nhờ những ơn ích trọng đại ấy, chúng ta phải hội đủ những điều kiện của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa (tín thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống nhân ái với người chung quanh), phải sống trong tình trạng ơn thánh - xưng tội, và hiệp lễ xứng đáng. Chúa Giêsu đã giải thích: “Không một linh hồn nào sẽ được công chính hoá trước khi quay về với Lòng Thương Xót Cha trong niềm tín thác, đó là lý do Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót Cha. Trong ngày đó, các linh mục hãy nói cho mọi người về Lòng Thương Xót vĩ đại khôn dò của Cha” (NK 570).
c) Chuỗi kinh Lòng Thương Xót Chúa. Chuỗi kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho thánh nữ Faustina tại Vilnius vào các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (x. NK 474-476).
Những ai đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới. Bằng việc liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha trên trời dành cho Con Một, và trong Người, dành cho toàn thể nhân loại.
Bằng lời kinh này, các tín hữu nài xin Lòng Thương Xót cho chính họ và toàn thể thế giới, và như thế, họ thực thi một công việc nhân ái. Nếu các tín hữu thêm vào đó một căn bản là lòng tín thác và hội đủ các điều kiện của mọi lời cầu nguyện tốt lành (khiêm nhượng, kiên trì, hợp với thánh ý Chúa), họ có thể trông đợi Chúa Kitô sẽ hoàn thành những lời hứa đặc biệt liên quan đến giờ chết: đó là ơn được sám hối và chết lành.
Không chỉ những người đọc chuỗi kinh, mà cả những người hấp hối cũng được lãnh nhận các ơn này, khi có người khác đọc kinh nguyện này bên giường của họ. Chúa đã hứa: “Khi chuỗi kinh này được đọc bên giường người hấp hối, cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sẽ dịu xuống, lượng nhân từ vô biên sẽ bao phủ linh hồn ấy” (NK 811). Lời hứa tổng quát là: “Cha vui lòng ban mọi điều họ nài xin Cha bằng việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541). “... nếu những điều con xin phù hợp với thánh ý Cha” (NK 1731). Bởi vì bất cứ điều gì không phù hợp với thánh ý Chúa đều không tốt cho con người, nhất là cho hạnh phúc đời đời của họ.
Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “... bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn” (NK 929), và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được Lòng Thương Xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết” (NK 754).
d) Giờ Thương Xót Vô Biên. Trong những hoàn cảnh không được ghi lại đầy đủ trong Nhật Ký, vào tháng 10 năm 1937, tại Cracow, Chúa Giêsu đã mời chị thánh hãy tôn vinh giờ chết của Người: “... mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572).
Chúa Giêsu cũng xác định những lời nguyện này rất phù hợp với hình thức tôn sùng Lòng Thương Xót: “... con hãy cố gắng hết sức - miễn là bổn phận cho phép - để suy ngắm Đường Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đường Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầy lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi” (NK 1572).
Linh mục giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời:
1. Phải thưa lên với Chúa Giêsu.
2. Phải được đọc vào lúc ba giờ chiều.
3. Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện; đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới - Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).
e) Truyền bá việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa. Khi bàn đến những yếu tố thiết yếu của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, cha Rozycki cũng coi việc truyền bá là một trong các yếu tố việc tôn sùng ấy, vì Chúa Kitô đã dành một số lời hứa cho việc này: “Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ” (NK 1075).
Yếu tính việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa là thái độ tín thác vào Thiên Chúa và tích cực sống nhân ái với người lân cận. Chúa Giêsu phán: “Cha khao khát niềm tín thác từ các thụ tạo của Cha” (NK 1059), và Người mong đợi họ hãy thể hiện lòng nhân ái qua các việc làm, lời nói, và lời cầu nguyện. Chúa còn phán: “Ở mọi nơi và trong mọi lúc, con hãy tỏ lòng nhân ái với những người lân cận. Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy” (NK 742). Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân cận.
Việc truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa không đòi hỏi nhiều lời, nhưng luôn luôn phải có thái độ đức tin Kitô giáo, tín thác vào Thiên Chúa và sống ngày càng nhân ái hơn. Trong cuộc sống của mình, thánh nữ Faustina đã nêu một tấm gương về công việc tông đồ như thế.
f) Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa hướng đến mục tiêu canh tân đời sống đạo đức trong Giáo Hội trong tinh thần tín thác và nhân ái của Kitô giáo. Trong bối cảnh này, chúng ta hãy xét đến ý tưởng về “một dòng tu mới” mà chúng ta gặp trong những trang của quyển Nhật Ký. Ước vọng này của Chúa Kitô được dần dần hiện rõ trong suy tư của chị thánh Faustina, và trải qua một cuộc biến đổi - từ một dòng tu chiêm niệm ngặt phép sang hẳn một phong trào kết nạp cả những cộng đoàn tu trì hoạt động (nam và nữ) lẫn thành phần giáo dân.
Cộng đoàn vĩ đại siêu quốc gia này chỉ là một gia đình, trước tiên nhờ Chúa mà được hợp nhất trong mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Người, và kế đến là nhờ lòng khát khao, vừa để giãi chiếu ánh lòng nhân ái trong tâm hồn và công việc của họ, vừa để vinh quang Chúa được chiếu toả nơi mọi tâm hồn. Đó là một cộng đoàn gồm những người khác biệt, tuỳ theo bậc sống và ơn gọi mỗi người (linh mục, tu sĩ, hoặc giáo dân), sống lý tưởng tín thác và nhân ái của Phúc Âm, đồng thời rao giảng mầu nhiệm cao vời về Lòng Thương Xót Chúa bằng đời sống và lời nói của mình để nài xin ơn thương xót cho thế giới.
Sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh và giáo huấn Giáo Hội; nhất là phù hợp một cách tuyệt vời với tông huấn Dives in misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Cracow, tháng 12 năm 1991
Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM
-------------------------------
NHẬT KÝ NỮ TU MARIA FAUSTINA
1 (1) Ôi Tình Yêu Hằng Hữu, Chúa truyền vẽ bức hình [1] của Chúa
Và tỏ cho chúng con nguồn mạch lòng xót thương khôn dò,
Chúa chúc lành cho bất cứ ai đến với những luồng sáng của Chúa,
Một linh hồn đen đủi cũng được trở nên như tuyết.
Ôi Chúa Giêsu ngọt ngào, chính nơi đây [2] Chúa đã thiết lập ngai toà xót thương của Chúa
Để đem đến niềm vui và hy vọng cho nhân loại tội lỗi.
Từ Trái Tim rộng mở của Chúa như một nguồn mạch tinh khiết
Trào tuôn ủi an cho trái tim và linh hồn hối nhân.
Ước chi lời chúc tụng và vinh quang cho bức hình này
Không bao giờ ngưng trào dâng từ tâm hồn nhân loại.
Ước chi mọi trái tim đều dâng lời ca tụng lòng xót thương Chúa,
Bây giờ, trong từng giờ, và muôn kiếp muôn đời.
Ôi Thiên Chúa của con
2 Khi nhìn về tương lai, con thấy rợn rùng,
Nhưng tại sao lại phải lao vào tương lai?
Chỉ có giây phút hiện tại là quý giá với con mà thôi,
Vì biết đâu tương lai sẽ không bao giờ đến với hồn con.
Con không còn khả năng
Để thay đổi, sửa sai, hay thêm thắt vào quá khứ;
Đến các nhà thông thái và ngôn sứ còn chẳng làm nổi điều ấy.
Và như thế, điều gì thuộc về quá khứ, con phải giao phó cho Thiên Chúa.
Ôi giây phút hiện tại, ngươi thuộc về tôi, tất cả trọn vẹn.
Tôi muốn tận dụng ngươi hết sức có thể.
Mặc dù con yếu đuối bé bỏng,
Nhưng Chúa ban cho con hồng ân quyền toàn năng Chúa.
Vì thế, tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa,
Con bước trên đường đời như một em nhỏ,
Hằng ngày con dâng hiến lên Chúa trái tim
Cháy bỏng tình yêu cho Chúa được vinh quang hơn.
(2) + J.M.J. [Giêsu, Maria, Giuse]
Thiên Chúa và các linh hồn
3 Lạy Vua chí nhân, xin hướng dẫn linh hồn con
Nữ tu M. Faustina phép Thánh Thể
Vilnius, ngày 28 tháng 7 năm 1934
4 Ôi Giêsu của con, nhờ tín thác vào Chúa,
Con đan kết hàng ngàn vòng hoa, và con biết
Rồi chúng sẽ nở rộ tất cả.
Khi thái dương của Chúa chiếu toả trên chúng.
+ Ôi Nhiệm Tích Cực Thánh cao vời
Che khuất Thiên Chúa của con!
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ở với con từng phút giây,
Và đừng ngại ngự đến lòng con.
(3) + J.M.J. Vilnius, ngày 28 tháng 7 năm 1934
+ Tập đầu tiên
Thiên Chúa và Các Linh Hồn
5 Nguyện Chúa được tôn thờ, lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, bây giờ và mãi mãi.
Nguyện Chúa được tôn thờ nơi mọi công trình và mọi thụ tạo của Chúa.
Lạy Chúa, ước chi Lòng Thương Xót hải hà của Chúa được ngưỡng mộ và chúc vinh.
6 Lạy Chúa, con sẽ ghi lại [3] những cuộc gặp gỡ giữa hồn con với Chúa, những giây phút Chúa ghé đến thăm hồn con. Con sẽ viết về Chúa, lạy Đấng Vô Cùng trong tình thương dành cho linh hồn khốn nạn của con. Thánh ý Chúa là sự sống của linh hồn con. Con đã lãnh nhận mệnh lệnh này qua vị đại diện dưới thế của Chúa, người giải thích thánh ý Chúa cho con. Lạy Chúa Giêsu, Chúa thấy việc ghi chép như thế thật khó khăn cho con, con không có khả năng ghi lại rõ ràng những điều cảm nghiệm trong linh hồn. Lạy Chúa, một cây bút có được ghi lại rằng nhiều lần nó không sao viết nổi một chữ hay không? Nhưng lạy Chúa, Chúa truyền lệnh phải viết, và thế là đủ cho con rồi.
Warsaw, ngày 1 tháng 8 năm 1925
Vào Dòng
7 Năm lên bảy tuổi, tôi đã nghiệm được tiếng gọi Chúa dứt khoát, hồng ân mời gọi vào bậc sống tu trì. Năm lên bảy tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi đã nghe được tiếng Chúa trong tâm hồn; đó là lời mời gọi tôi theo đuổi một nếp sống trọn lành hơn. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng nghe theo tiếng gọi ân sủng ấy. Tôi chẳng gặp được một ai giải thích cho tôi về những điều này.
8 Năm mười tám tuổi, tôi tha thiết xin cha mẹ cho vào dòng, nhưng các ngài đã cương quyết từ chối. Sau lần từ chối ấy, tôi đã quay về với những sự phù phiếm ở đời, không còn lưu tâm đến ơn gọi, mặc dù tâm hồn tôi không được thoả nguyện trong những điều ấy. (4) Tiếng gọi thánh ân không ngừng gây cho tôi rất nhiều trăn trở; vậy mà tôi đã cố gắng bóp nghẹt bằng những thú vui. Tận thâm tâm, tôi đã lẩn tránh Chúa, dành trọn trái tim cho các thụ tạo. Tuy nhiên, ơn Chúa đã chiến thắng lòng tôi.
9 Lần kia, cùng với người em gái, tôi đi tham dự một buổi khiêu vũ [có lẽ tại Lodz]. Giữa lúc ai nấy đang tươi vui thì linh hồn tôi lại cảm thấy những ray rứt đay nghiến. Khi bắt đầu khiêu vũ, tôi bỗng thấy Chúa Giêsu ở ngay bên cạnh, Người đang chịu cực hình, y phục bị tước lột, toàn thân đầy thương tích, và Người than van với tôi những lời này: Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha con đến bao giờ nữa đây?. Lúc ấy, tiếng nhạc dìu dặt bỗng ngưng bặt, [và] những người khiêu vũ với tôi chẳng còn thấy đâu cả; ở đó chỉ còn Chúa Giêsu và tôi. Tôi ngồi xuống cạnh người em yêu quý của tôi, giả vờ nhức đầu để che đậy những điều đang xảy ra trong linh hồn. Một lúc sau, tôi lẻn ra về, bỏ mặc em tôi ở lại với những người khác, và tôi đi về hướng vương cung thánh đường Stanislaus Kotska.
Trời đã nhá nhem tối; trong thánh đường chỉ còn một vài người. Không màng đến những gì đang xảy ra chung quanh, tôi sấp mình xuống trước Thánh Thể và nài xin Chúa dủ lòng thương cho tôi được biết sẽ phải làm gì kế tiếp.
10 Lúc đó, tôi đã nghe được những lời này: Con hãy lập tức đi Warsaw; con sẽ vào một tu viện ở đó. Tôi ngừng cầu nguyện, chỗi dậy trở về nhà và lo liệu những gì cần giải quyết. Tôi đã hết sức cố gắng để thổ lộ với chị tôi những điều diễn ra trong linh hồn. Tôi nhờ chị thưa lời từ biệt với cha mẹ, và thế là ngoài bộ đồ duy nhất trên người, không có một hành lý nào khác, tôi đã đến Warsaw.
11 Khi bước xuống xe lửa và thấy mạnh ai đi đường nấy, tôi bàng hoàng hoảng sợ. Tôi sẽ làm gì đây? Phải hướng về ai đây trong khi không quen biết một ai? Thế là tôi cầu với Mẹ Thiên Chúa: “Lạy Mẹ Maria, xin dìu dắt, xin hướng dẫn con”. Lập tức trong lòng tôi nghe được những lời bảo tôi rời bỏ thành phố và đến một làng lân cận, ở đó, tôi sẽ tìm được một chỗ trọ an toàn qua đêm. Tôi đã làm theo, và quả thực mọi sự xảy ra đúng như lời Mẹ Thiên Chúa đã dạy tôi.
12 Sáng sớm hôm sau, tôi trở lại thành phố và ghé vào nhà thờ đầu tiên tôi gặp được [nhà thờ thánh Giacôbê trên đường Grojecka tại Ochota, ngoại ô của thành phố Warsaw]. Ở đó, tôi bắt đầu cầu nguyện để được biết thánh ý Chúa rõ hơn. Các thánh lễ được cử hành liên tiếp. Trong một thánh lễ, tôi đã được nghe lời này: Con hãy đến gặp vị linh mục ấy [cha James Dabrowski, cha sở giáo xứ thánh Giacôbê] và cho ngài biết tất cả; ngài sẽ dạy con phải làm gì tiếp theo. Sau thánh lễ, tôi lên phòng áo (5) và kể cho vị linh mục tất cả những gì đang diễn ra trong linh hồn, và xin ngài cho biết nên dâng mình ở đâu, trong dòng tu nào.
13 Lúc đầu, vị linh mục cảm thấy ngạc nhiên, nhưng ngài dạy tôi hãy mạnh mẽ tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ lo liệu cho tương lai cho tôi. Ngài nói: “Bây giờ, cha sẽ gởi con đến trọ với một bà đạo đức [Aldona Lipszycowa [4]], và con hãy ở lại đó cho đến khi vào tu viện”. Khi tôi đến gặp người phụ nữ ấy, bà đã tiếp đón tôi rất nồng hậu. Trong thời gian ngụ tại nhà bà, tôi để ý tìm một tu viện, nhưng gõ cửa tu viện nào cũng bị từ chối. Nỗi buồn nặng trĩu tâm hồn, tôi thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin giúp con; xin đừng bỏ con lẻ loi”. Cuối cùng, tôi đã gõ cửa nhà dòng của chúng tôi. [5]
14 Khi Mẹ Bề Trên, tức là Mẹ Tổng Quyền Michael [6] hiện nay ra gặp tôi, sau một lúc nói chuyện, Mẹ đã bảo tôi đến gặp Chủ Nhân nhà dòng và hỏi xem Người có nhận tôi không. Tôi hiểu ngay sẽ phải xin điều ấy với Chúa Giêsu. Hết sức vui mừng, tôi lên nhà nguyện và xin Chúa Giêsu: “Thưa Chủ Nhân của nhà này, Chúa có nhận con không?”. Một nữ tu ở đây đã dạy con phải thưa với Chúa như vậy”.
Tức thì tôi nghe được lời này: Cha nhận; con ở trong Trái Tim Cha. Khi tôi ra khỏi nhà nguyện, Mẹ Bề Trên liền hỏi: “A, Chúa đã nhận rồi phải không?”. Tôi thưa: “Vâng ạ” [Mẹ nói]: “Nếu Chúa đã nhận thì tôi cũng nhận”.
15 Tôi đã được nhận vào dòng như thế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tôi vẫn phải sống ngoài thế gian hơn một năm nữa với người phụ nữ đạo đức (Aldona Lipszycowa], nhưng không trở về nhà quê.
Hồi đó, tôi phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng Thiên Chúa đã ban tràn đầy ân sủng của Người cho tôi. Một niềm khao khát Thiên Chúa ngày càng thấm thía trong tôi. Người phụ nữ ấy tuy đạo đức, nhưng không hiểu được hạnh phúc của đời tu trì, nên bà đã theo lòng tốt mà sắt đặt những chương trình cho cuộc đời tôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy tôi có một tâm hồn lớn lao, không gì có thể lấp đầy. Và vì thế, tôi đã dành trọn vẹn niềm khao khát của mình cho Thiên Chúa.
16 Trong thời gian tuần bát nhật trước lễ kính Mình Máu Chúa Kitô [ngày 25 tháng 6 năm 1925], Thiên Chúa đã ban tràn đầy ánh sáng cho linh hồn tôi hiểu biết sâu xa rằng Người là Đấng Toàn Thiện Toàn Mỹ. Tôi đã hiểu Thiên Chúa yêu thương tôi là dường nào. Tình yêu Người dành cho tôi là tình yêu muôn thuở. Lúc ấy là giờ kinh Chiều, với những lời kinh đơn sơ trào dâng tự đáy lòng, tôi đã tuyên khấn với Chúa (6) giữ đức khiết tịnh trọn đời. Từ giây phút ấy, tôi cảm thấy một tình thân nồng nàn với Chúa, Đấng Tình Quân của tôi. Cũng từ lúc ấy, tôi lập một gian phòng nhỏ trong tâm hồn, để ở đó, lúc nào tôi cũng có thể tình tự với Chúa Giêsu.
17 Cuối cùng, cánh cửa tu viện cũng mở ra đón nhận tôi - hôm ấy là ngày mồng 1 tháng 8 [năm 1925], vào chiều tối, vọng lễ Nữ Vương các thiên thần. Tôi cảm thấy hạnh phúc trào tràn; lúc ấy, dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng. Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn.
18 Tuy nhiên, ba tuần lễ sau đó, tôi nhận ra ở đây dành quá ít thời giờ cho việc cầu nguyện, và có nhiều điều rỉ rón với linh hồn tôi nên vào một cộng đoàn tu trì ngặt phép hơn. Ý tưởng này bám riết linh hồn tôi, nhưng thánh ý Chúa không có trong đó. Tuy vậy, ý tưởng ấy, đúng hơn là cơn cám dỗ ấy, ngày càng mãnh liệt đến độ tôi đã quyết định một ngày sẽ thưa với Mẹ Bề Trên về việc ra đi, dứt khoát rời bỏ [tu viện]. Nhưng Thiên Chúa đã an bài các hoàn cảnh khiến tôi không sao gặp được Mẹ Bề Trên Michael. Trước lúc đi ngủ, tôi ghé vào nhà nguyện nhỏ [7] và xin Chúa Giêsu soi sáng trong vấn đề này. Nhưng tôi không nhận được gì trong linh hồn, ngoại trừ một sự day dứt kỳ lạ không sao hiểu nổi. Nhưng bất chấp tất cả, tôi quyết định ngay sau thánh lễ sáng hôm sau sẽ xin gặp Mẹ Bề Trên để thưa về quyết định của tôi.
19 Tôi trở về phòng riêng. Các chị em đã đi ngủ cả - đèn đã tắt hết. Tôi vào phòng, lòng đầy những trằn trọc băn khoăn; không biết phải làm gì bây giờ. Tôi vật mình xuống đất và cất lời tha thiết cầu nguyện để tìm biết thánh ý Chúa. Một sự vắng lặng bao trùm khắp nơi, như thể trong nhà tạm. Tất cả chị em đang ngon giấc như những bánh thánh được xếp trong chén thánh của Chúa Giêsu. Riêng từ gian phòng của tôi, Thiên Chúa có thể nghe thấy tiếng thở than của một linh hồn. Tôi không biết có được cầu nguyện trong phòng sau chín giờ mà không cần phép hay không. [8]
Một lát sau, ánh sáng tràn ngập gian phòng, và trên bức màn, tôi nhìn thấy Thánh Nhan ưu sầu của Chúa Giêsu. Trên thánh nhan Người còn đó những thương tích há miệng, với những giọt nước mắt lã chã rớt xuống tấm đệm trên giường tôi. Không hiểu tất cả điều ấy có ý nghĩa gì, tôi liền thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, ai đã làm cho Chúa đau đớn dường ấy?”. Và Chúa Giêsu đã nói với tôi: Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện. Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con. Tôi nài xin Chúa Giêsu tha thứ và lập tức thay đổi quyết định của mình.
(7) Hôm sau nhằm ngày xưng tội. Tôi trình bày đầu đuôi những gì đã xảy ra trong linh hồn, và cha giải tội đã cho tôi biết từ đây thánh ý Chúa đã rõ ràng: tôi phải ở lại cộng đoàn này, và thậm chí không được phép nghĩ đến một dòng tu nào khác. Kể từ đó, lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
20 Sau đó một thời gian ngắn, tôi ngã bệnh [do kiệt sức]. Mẹ Bề Trên quý yêu đã cho tôi cùng hai chị khác đến Skolimow, một nơi không xa Warsaw, để dưỡng sức. Lúc ấy, tôi hỏi Chúa nên cầu nguyện cho ai khác nữa. Chúa Giêsu đáp rằng tối hôm sau Người sẽ tỏ cho tôi biết.
[Đêm hôm sau] tôi được thấy thiên thần Bản Mệnh và ngài ra lệnh cho tôi đi theo. Tôi đang ở trong một nơi mù mịt, đầy những lửa cháy, trong đó có rất nhiều linh hồn đang quằn quại. Các ngài cầu nguyện sốt sắng, nhưng lại không lãnh nhận được gì; chỉ chúng ta mới có thể giúp đỡ họ được. Những ngọn lửa đang thiêu đốt các vị ấy không chạm vào tôi chút nào. Tôi hỏi các linh hồn ấy đau khổ nào làm các ngài cay cực nhất. Họ đồng thanh đáp cực hình kinh khiếp nhất của họ chính là nỗi khao khát Thiên Chúa. Tôi cũng thấy Đức Mẹ xuống thăm các linh hồn trong luyện ngục. Các linh hồn xưng tụng Mẹ là “Sao Biển”. Mẹ mang theo sự dịu mát cho các linh hồn. Tôi muốn nói chuyện với các linh hồn thêm một lúc nữa, nhưng thiên thần Bản Mệnh đã vẫy tôi về. Chúng tôi ra khỏi ngục tù đau đớn ấy. [Tôi nghe một tiếng nói trong lòng] Lòng nhân lành của Cha không muốn điều ấy, nhưng phép công bình đòi phải như vậy. Kể từ đó, tôi kết hợp mật thiết hơn với các linh hồn đau khổ ấy.
21 Cuối thời gian thỉnh viện [ngày 29 tháng 4 năm 1926] - các bề trên [có lẽ là Mẹ Leonard và Mẹ Jane [9]] gởi tôi đến tập viện tại Cracow. Một niềm vui mênh mang dạt dào linh hồn tôi. Khi chúng tôi đến tập viện, chị ấy [Henry [10]] đang hấp hối. Một vài hôm sau, chị hiện về [linh hồn, sau khi qua đời] và bảo tôi đến gặp Mẹ Giám Tập [Margaret [11]] để nhờ Mẹ thỉnh cầu vị giải tội của chị là cha Rospond [12] dâng một thánh lễ và ba lời nguyện tắt để cầu cho chị. Ban đầu tôi đồng ý, nhưng hôm sau, tôi quyết định không đến gặp Mẹ Giám Tập nữa bởi vì không dám chắc điều ấy là thực tế (8) hoặc chỉ là giấc mơ. Và vì thế, tôi không đi.
Đêm hôm sau, điều ấy lại xảy ra rõ ràng hơn; tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, đến sáng, tôi lại quyết định không kể cho Mẹ Giám Tập, trừ phi tôi được thấy chị [Henry] trong ngày. Một lần nữa, tôi lại gặp chị tại hành lang. Chị trách tôi đã không đi lập tức, và một sự day dứt đay nghiến linh hồn tôi. Thế là tôi liền đi gặp và kể cho Mẹ Giám Tập tất cả những gì đã xảy ra. Mẹ cho biết sẽ lưu tâm đến chuyện ấy. Tức khắc, niềm bình an dào dạt linh hồn tôi, và đến ngày thứ ba, chị ấy lại đến gặp tôi và nói: “Xin Chúa trả công cho chị”.
22 Ngày tôi được mặc áo [dòng] [13], Thiên Chúa đã cho tôi biết sẽ phải chịu nhiều đau khổ. Tôi thấy rõ tôi đang hiến thân cho điều gì. Tôi đã trải nghiệm một giây phút của nỗi đau đớn ấy. Nhưng lúc đó, Thiên Chúa lại trào đổ cho linh hồn tôi những niềm ủi an vô bờ.
23 Gần hết năm đầu trong thời gian tập viện, bóng tối đã bắt đầu bao phủ linh hồn tôi. Tôi không còn cảm thấy ủi an trong lúc cầu nguyện; và phải hết sức cố gắng để nguyện gẫm; nỗi sợ hãi bắt đầu xâm chiếm tôi. Càng đi sâu vào bản thân, tôi chỉ thấy toàn những khốn nạn thê thảm. Nhưng tôi cũng thấy rõ ràng sự thánh thiện cao vời của Thiên Chúa. Tôi không dám ngước mắt chiêm ngắm Người, nhưng sấp mình tận cát bụi dưới chân Người và khẩn nài Lòng Thương Xót. Linh hồn tôi sống trong tình trạng ấy gần sáu tháng trời. Mẹ Giám Tập quý yêu của chúng tôi [Mary Joseph [14]] đã đem đến cho tôi sự can đảm trong những thời gian não nề ấy. Nhưng nỗi đau càng ngày càng tê tái.
Năm thứ hai trong thời gian tập viện của tôi gần đến. Mỗi khi nghĩ đến việc tuyên giữ các lời khấn, linh hồn tôi run giùng. Tôi không hiểu mình đang đọc gì; tôi không thể nguyện gẫm; dường như những kinh nguyện của tôi không làm cho Chúa thoả lòng. Việc lãnh thụ các nhiệm tích của tôi hình như chỉ xúc phạm nhiều hơn đến Thiên Chúa mà thôi. Nhưng dù vậy, cha giải tội [Theodore [15]] vẫn không cho tôi bỏ rước lễ một lần nào. Thiên Chúa đang hoạt động một cách hết sức lạ kỳ trong linh hồn tôi. Tôi không hiểu gì về những điều cha giải tội chỉ dạy. Những chân lý đức tin giản đơn cũng trở nên không sao hiểu nổi đối với tôi. Linh hồn tôi trong cảnh phiền muộn, không tìm đâu được niềm an ủi.
(9) Và rồi đến tình trạng tôi yên trí mình đã bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Tư tưởng khủng khiếp này xuyên thấu linh hồn tôi; giữa cơn thống khổ ấy, linh hồn tôi bắt đầu cảm nghiệm nỗi tang tóc sự chết. Tôi đã muốn chết cho xong mà không sao chết được. Một tư tưởng lởn vởn đến với tôi: cố gắng tập tành các nhân đức để làm gì; tại sao lại phải khổ chế bản thân trong khi mọi sự đều gớm ghiếc trước mặt Chúa? Khi trình bày điều này với Mẹ Giám Tập, tôi đã được trả lời thế này, “Chị yêu quý, chị hãy biết Thiên Chúa đã tuyển chọn chị để sống mật thiết với Người trên thiên đàng. Chị hãy hết lòng tín thác vào Chúa Giêsu”.
Nghĩ đến việc bị Thiên Chúa ruồng bỏ là một cực hình thực sự kinh hoàng đối với những người bị đoạ phạt. Tôi chạy đến với các thương tích Chúa Giêsu và lặp đi lặp lại những lời tín thác, nhưng những lời này đối với tôi lại trở thành một cực hình phũ phàng hơn nữa. Tôi đến với Thánh Thể và ngỏ lời với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán rằng, người mẹ không quên được đứa con nhỏ của bà, Chúa cũng không bao giờ quên thụ tạo của Chúa và ‘cho dù người mẹ có quên con bà đi nữa, thì Ta, Thiên Chúa, cũng không bao giờ quên được thụ tạo của Ta’. Lạy Chúa Giêsu, Chúa có nghe lời rên xiết của linh hồn con không? Xin đoái nghe những lời than van đớn đau của đứa con nhỏ của Chúa. Lạy Chúa, con tín thác nơi Chúa bởi vì trời đất có thể qua đi, nhưng lời Chúa phán sẽ vững bền mãi mãi”. Tuy vậy, tôi vẫn không tìm được một giây phút khuây khoả.
24 Một ngày kia, ngay khi vừa tỉnh giấc và đang đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, tôi bỗng bị đè bẹp dưới nỗi ê chề. Bóng tối tràn ngập linh hồn tôi. Tôi đã ráng sức chiến đấu cho đến trưa. Đến chiều, những nỗi hãi hùng kinh hoàng bắt đầu xâm chiếm tôi; sức lực thân xác tôi cũng bắt đầu lìa bỏ tôi. Tôi đi nhanh về phòng, quỳ gối trước tượng Chuộc Tội và cất tiếng kêu xin Chúa thương xót. Nhưng Chúa Giêsu không đoái hoài đến những lời than khóc của tôi. Tôi cảm thấy sức lực đã cạn kiệt hoàn toàn. Tôi sấp mình xuống đất, nỗi thất vọng tràn ngập tất cả linh hồn tôi. Tôi đã chịu những cơn cực hình khủng khiếp không khác gì những cực hình hoả ngục. Tôi phải ở trong thảm trạng ấy suốt ba khắc đồng hồ. Tôi muốn đi gặp Mẹ Giám Tập, nhưng quá rã rời. Tôi muốn hét lên nhưng không sao thành tiếng. May mắn thay, một chị [tập sinh khác, chị Placida Putyra] đi vào phòng của tôi. Thấy tôi trong tình trạng kỳ lạ ấy, chị lập tức cho Mẹ Giám Tập biết. Và Mẹ đến lập tức. Vừa bước vào phòng tôi, Mẹ đã lên tiếng: “Nhân danh đức vâng lời, [16] chị hãy chỗi dậy khỏi mặt đất”. Lập tức có một năng lực nâng tôi dậy và tôi đứng sát bên Mẹ Giám Tập. (10) Với những lời dịu dàng, Mẹ bắt đầu giải thích cho tôi đây là một thử thách Chúa gởi đến, Mẹ nói: “Chị hãy hết lòng tín thác; Thiên Chúa lúc nào cũng là Cha chúng ta, kể cả khi Người gởi thử thách đến cho chúng ta”.
Trở về với những nhiệm vụ của mình, tôi như vừa ra khỏi phần mộ, các giác quan tràn ngập những điều linh hồn tôi đã trải nghiệm. Trong giờ kinh Chiều, linh hồn tôi bắt đầu quằn quại giữa tối tăm kinh khủng. Tôi thấy mình ở dưới quyền lực của Thiên Chúa Công Thẳng, còn tôi là đối tượng cơn nghĩa nộ của Người. Trong những giờ phút kinh hoàng ấy, tôi đã thưa lên cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, trong Phúc Âm Chúa đã tự ví như một người mẹ rất dịu hiền, [17] con tín thác vào Lời Chúa, vì Chúa là Chân Lý và là Sự Sống. Lạy Chúa Giêsu, dù thế nào đi nữa, con vẫn tín thác nơi Chúa, bất chấp mọi cảm giác nội tâm chống lại niềm cậy trông. Xin hãy thực hiện những gì Chúa muốn về con; con sẽ không bao giờ bỏ Chúa, vì Chúa là nguồn mạch sức sống của con”. Chỉ những ai đã từng trải qua những giờ phút tương tự mới có thể hiểu được nỗi khốn cực ấy của linh hồn khủng khiếp như thế nào.
25 Đêm hôm đó, Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi, Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Nhi trên tay. Linh hồn tôi tràn ngập niềm vui, và tôi thưa: “Lạy Mẹ Maria, Hiền Mẫu của con, Mẹ có biết con phải đau khổ kinh khủng thế nào không?”. Và Mẹ Thiên Chúa trả lời: Mẹ biết con đau khổ nhiều, nhưng con đừng sợ hãi. Mẹ chia sẻ nỗi khổ đau của con, và Mẹ sẽ luôn làm như thế. Mẹ mỉm cười thân ái rồi biến đi. Lập tức, một nguồn sức mạnh và can đảm lớn lao lại bùng dậy trong linh hồn tôi; nhưng việc đó cũng kéo dài được một ngày. Dường như hoả ngục đã dấy mưu chống lại tôi. Một sự thù ghét kinh khủng bắt đầu bộc phát trong linh hồn tôi, căm ghét tất cả những gì là thánh thiện và thuộc về Chúa. Dường như những cực hình tinh thần này sẽ là kiếp phận suốt quãng đời còn lại của tôi. Tôi hướng về Thánh Thể và thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, Tình Quân của con, Chúa không thấy linh hồn con đang hao mòn vì khao khát Chúa hay sao? Sao Chúa nỡ ẩn mặt với một con tim thành tâm mến Chúa như vậy? Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho con; nguyện thánh ý Chúa được thực hiện nơi con. Con sẽ chịu đau khổ lặng thinh như một chú chim câu, không lời thở than. Con sẽ không để cho lòng mình thốt ra dù một lời than van não nề”.
26 Cuối năm tập. Đau khổ không dịu bớt. Tình trạng suy nhược thể lý miễn chước cho tôi tất cả những việc thiêng liêng [chung với cộng đoàn]; tức là chúng sẽ được bù lại bằng những lời than thở vắn tắt. Thứ Sáu tuần Thánh [ngày 16 tháng 4 năm 1928] - Chúa Giêsu làm trái tim tôi bừng cháy trong ngọn lửa tình yêu của Người. Điều này xảy ra trong giờ chầu tối. Bỗng nhiên, sự Hiện Diện Thần Linh xâm chiếm tôi và làm tôi quên hết mọi sự. Chúa Giêsu cho tôi hiểu biết Người đã chịu đau khổ cho tôi như thế nào. (11) Việc này xảy ra rất nhanh. Một niềm khao khát mãnh liệt - một niềm thao thức yêu mến Chúa.
27 Hạn thệ lần đầu [tuyên lời khấn tạm lần đầu tiên, ngày 30 tháng 4 năm 1928]. Một ước vọng muốn huỷ mình vì Chúa với một tình yêu tích cực, nhưng là một tình yêu không ai nhận thấy, ngay cả những chị em gần gũi nhất với tôi.
Tuy nhiên, sau khi tuyên khấn, cảnh tối tăm vẫn tiếp tục ngự trị trong linh hồn tôi gần một nửa năm nữa. Một lần nọ, khi tôi đang cầu nguyện, Chúa Giêsu đoạt chiếm toàn thể linh hồn tôi, bóng tối tan biến, và tôi nghe được trong mình những lời sau đây: Con là niềm vui của Cha; con là hoan lạc của Cha. Từ lúc đó, tôi cảm nhận được Thiên Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn; tức là ở trong tôi. Tôi cảm thấy được ngập lút trong ánh sáng Thần Linh. Cũng từ đó, linh hồn tôi được ở trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, như một con trẻ với người cha yêu quý của mình.
28 Một lần nọ, Chúa Giêsu truyền cho tôi, Con hãy đến với Mẹ Bề Trên [có lẽ là Mẹ Raphael [18]] và xin Mẹ cho con mặc áo nhặm bảy ngày, mỗi đêm một lần con hãy chỗi dậy và lên nhà nguyện. Tôi thưa vâng, nhưng lúc phải đi gặp Mẹ Bề Trên, tôi nhận thấy khó khăn thực sự. Tối hôm đó, Chúa Giêsu hỏi, Con sẽ trì hoãn bao lâu đây? Tôi quyết tâm sẽ thưa Mẹ Bề Trên ngay lần gặp Mẹ liền sau đó.
Ngày hôm sau, gần đến giờ ngọ, tôi thấy Mẹ Bề Trên đi về phía nhà ăn, và bởi vì nhà bếp, nhà ăn, và gian phòng nhỏ bé của chị Aloysia ở gần nhau, nên tôi mời Mẹ vào phòng của chị Aloysia và thưa với Mẹ về ý muốn của Chúa Giêsu. Lúc ấy, Mẹ trả lời: “Tôi không cho chị mặc áo nhặm nào cả. Tuyệt đối không! Nếu Chúa Giêsu ban cho chị sức khoẻ như một người lực lưỡng, thì khi đó tôi mới cho phép chị thực hành những việc khổ chế ấy”.
Tôi xin lỗi vì đã làm mất thời giờ của Mẹ rồi rời gian phòng. Vào lúc đó, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu đang đứng tại cửa phòng ăn nên thưa với Người: “Chúa truyền con xin phép thực hiện những việc khổ chế này, nhưng Mẹ Bề Trên lại không ban phép”. Chúa Giêsu đáp: Cha ở đây trong lúc con thưa chuyện với Bề Trên và đã biết tất cả. Cha không đòi con phải thực hành khổ chế, nhưng là phải vâng lời. Bằng sự vâng lời, con dâng lên một vinh quang lớn lao cho Cha và lập công phúc cho chính con.
29 Khi nghe biết về mối tương giao thân mật giữa tôi với Chúa Giêsu, một vị bề trên [có lẽ Mẹ Jane] đã xác quyết là tôi đang lừa dối mình. Mẹ cho tôi biết Chúa Giêsu chỉ tương giao thân mật như thế với các vị thánh, chứ không phải với hạng tội lỗi “giống như chị đâu, chị à!” (12) Sau đó, tôi dường như không còn tín nhiệm vào Chúa Giêsu. Trong một lần chuyện vãn với Chúa vào buổi sáng, tôi thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa có phải là ảo tưởng hay không?”. Chúa Giêsu đã trả lời: Tình yêu của Cha không lừa dối ai.
30 + Vào một dịp kia, khi đang suy ngắm về Chúa Ba Ngôi, về yếu tính của Thiên Chúa, tôi thực lòng muốn biết và thấu hiểu Thiên Chúa là Đấng nào... Bỗng nhiên, linh hồn tôi được cất lên như thể sang thế giới bên kia. Tôi nhìn thấy một vầng sáng không sao đến gần được, và trong ánh sáng đó, xuất hiện như ba nguồn sáng mà tôi không thể hiểu. Và từ ánh sáng ấy phát ra những lời dưới dạng sấm chớp bao phủ cả trời đất. Tôi cảm thấy rất buồn vì không hiểu gì cả. Bỗng nhiên, Chúa Cứu Thế vô cùng khả ái của chúng ta từ trong biển ánh sáng không thể đến gần ấy bước ra, tuyệt vời khôn tả với những thương tích ngời sáng của Người. Và từ ánh sáng ấy phát ra lời: Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu Tự Yếu Tính, không ai dò thấu được Người, dù là tâm trí thiên thần hay nhân loại. Chúa Giêsu phán với tôi: Con hãy nhận biết Thiên Chúa bằng cách chiêm ngắm các ưu phẩm của Người. Một lúc sau, Chúa giơ tay ban phép lành rồi biến đi.
31 + Một lần kia, tôi nhìn thấy một đám người rất đông ở bên trong và phía trước nhà nguyện, ở cả ngoài đường vì trong nhà nguyện không còn chỗ [19]. Nhà nguyện được trang trí để mừng lễ. Cũng có rất đông giáo sĩ gần bàn thờ, và rồi chị em chúng tôi và các nữ tu của nhiều dòng khác nữa. Ai nấy đang chờ đợi một người bước lên chỗ trên bàn thờ. Bỗng tôi nghe có tiếng nói rằng chính tôi là người phải lên chỗ ấy trên bàn thờ. Nhưng ngay khi tôi vừa rời hành lang, băng qua khoảng sân và tiến vào nhà nguyện theo tiếng nói đã kêu gọi tôi, thì mọi người bắt đầu ném vào tôi với bất cứ thứ gì họ đang có trong tay: bùn, đá, cát, chổi... khiến tôi lúc đầu lưỡng lự không muốn tiến lên. Nhưng tiếng nói kia vẫn kêu gọi tôi thành khẩn hơn nữa, thành ra tôi bước đi can đảm.
Khi tôi vào nhà nguyện, các vị bề trên, các nữ tu, các học sinh, [20] và kể cả cha mẹ tôi đều tra tay đánh tôi bằng bất cứ thứ gì họ có, và dù muốn dù không, tôi đành phải nhanh chóng bước lên chỗ trên bàn thờ. Ngay khi tôi vừa lên nơi đó, (13) cũng những học sinh, nữ tu, các bề trên ấy, và cả cha mẹ tôi nữa, tất cả đều bắt đầu giơ tay xin tôi ban ơn lành; còn tôi không còn ác cảm nữa tuy họ đã ném đủ thứ vào mình tôi. Tôi ngạc nhiên vì cảm thấy một tình thương yêu rất đặc biệt đối với những người vừa cưỡng ép tôi phải đi nhanh chóng đến chỗ dành sẵn cho tôi. Đồng thời, linh hồn tôi dạt dào niềm hạnh phúc khôn tả và nghe được những lời này: Con hãy làm bất cứ điều gì con muốn, con hãy phân phát các ơn lành như ý con, cho bất cứ ai con muốn và bất cứ khi nào con muốn. Và ngay lúc đó, thị kiến chấm dứt.
32 Một lần khác, tôi được nghe những lời này: Con hãy đến với Mẹ Bề Trên và xin phép chầu mỗi ngày một giờ trong suốt tuần cửu nhật. Trong giờ chầu ấy, con hãy cố gắng kết hợp trong lời cầu nguyện với Mẹ Thánh Cha. Con hãy cầu nguyện bằng tất cả tâm hồn trong sự kết hợp với Đức Mẹ Maria, và hãy cố viếng đàng thánh giá trong giờ đó. Tôi đã được phép, mặc dù không đủ một giờ, nhưng bất cứ giờ nào có thể sau khi đã hoàn thành các việc phận sự.
33 Tôi làm tuần cửu nhật với ý cầu nguyện cho tổ quốc. Đến ngày thứ bảy trong tuần cửu nhật, tôi nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa mặc áo trắng tinh, giữa trời và đất. Mẹ đang cầu nguyện, tay chắp trước ngực, và mắt hướng về trời. Từ Trái Tim Mẹ phát ra những tia sáng rực rỡ, một số hướng lên trời, và một số khác bao phủ tổ quốc chúng tôi.
34 Khi tôi kể lại điều này và một số những chuyện khác cho cha giải tội của tôi, [21] ngài đáp rằng những điều ấy có thể thực sự phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng cũng có thể do ảo tưởng. Vì thường xuyên bị thay đổi [công tác], tôi không thể có được một cha giải tội nhất định, hơn nữa, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc trình bày những điều này. Tôi tha thiết xin Chúa thương ban cho tôi một ơn trọng đại - đó là có một vị linh hướng. Nhưng nguyện ước của tôi chỉ được nhậm lời sau khi vĩnh thệ, khi tôi được chuyển đến Vilnius, đó là cha Sopocko. [22] Chúa đã cho tôi được nhìn thấy ngài trong một thị kiến trước khi tôi đến Vilnius. [23]
35 Ôi, giả như có được một cha linh hướng ngay từ ban đầu, có lẽ tôi đã không phí phạm rất nhiều ơn Chúa đến thế. Cha giải tội giúp đỡ rất nhiều, nhưng ngài cũng có thể gây ra rất nhiều tai hại cho linh hồn. Ôi, các cha giải tội phải cẩn trọng lưu ý đến hoạt động của ơn Chúa trong linh hồn các hối nhân! Đó thực là một vấn đề hết sức quan trọng. Qua các ơn Chúa ban cho một linh hồn, người ta có thể nhận biết mức độ tương thân giữa họ với Thiên Chúa.
36 (14) Một lần kia, tôi bị triệu đến [toà] Chúa phán xét. Tôi đứng một mình trước mặt Chúa. Chúa Giêsu xuất hiện như chúng ta thấy Người trong cuộc Thương Khó. Một lúc sau, những thương tích đều biến mất, ngoại trừ năm dấu thánh ở chân, tay và cạnh sườn của Người. Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy tình trạng đích thực của linh hồn tôi như Thiên Chúa nhìn thấy vậy. Tôi có thể thấy tất cả những gì làm mất lòng Chúa. Tôi không biết rằng những sai phạm cho dù mọn mạy đến đâu đi nữa cũng đều phải trả lẽ. Thật là một phút giây kinh hoàng! Ai có thể tả được? Đứng trước tôn nhan Thiên Chúa Ba Lần Thánh! Chúa Giêsu hỏi tôi: Con là ai? Tôi thưa lại: “Lạy Chúa, con là nữ tỳ của Chúa”. Con đã phạm tội đáng phải phạt một ngày trong lửa luyện ngục. Tôi muốn lập tức gieo mình vào những ngọn lửa luyện ngục, nhưng Chúa Giêsu cản tôi lại và phán: Con muốn điều nào hơn, hoặc là bây giờ chịu phạt một ngày trong luyện ngục, hoặc là một thời gian ngắn trên trần gian? Tôi thưa lại: “Lạy Chúa Giêsu, con muốn được chịu đau khổ trong luyện ngục hơn, nhưng con cũng muốn chịu cả những đau khổ lớn lao nhất trên trần gian, mặc dù phải chịu cho đến tận thế”. Chúa Giêsu đáp: Một điều cũng đủ; con sẽ trở về trần gian và con sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng không lâu đâu; con sẽ hoàn tất thánh ý và những mong ước của Cha, và một đầy tớ trung thành của Cha sẽ giúp con thực hiện điều ấy. Bây giờ, con hãy tựa đầu vào lòng Cha, vào Trái Tim Cha mà hấp thụ sức mạnh và dũng khí để chịu những đau khổ này, bởi vì con sẽ không tìm được khuây khoả, trợ giúp, hoặc ủi an ở bất cứ nơi nào khác. Con hãy biết có nhiều điều, rất nhiều điều cho con chịu đựng, nhưng đừng để điều ấy làm con hoảng sợ; Cha ở với con.
37 Ngay sau đó, tôi ngã bệnh. [24] Tình trạng yếu nhược thể lý đối với tôi là một trường dạy nhẫn nại. Chỉ có Chúa Giêsu mới biết tôi đã phải dùng bao nhiêu nghị lực và ý chí để hoàn thành việc bổn phận. [25]
38 Để thanh luyện một linh hồn, Chúa Giêsu dùng bất cứ khí cụ nào Người muốn. Linh hồn tôi đã bị các thụ tạo xa lánh hoàn toàn; những ý hướng tốt lành nhất của tôi cũng bị chị em hiểu lầm, [26] một hình thức đau khổ thật tê tái, nhưng Thiên Chúa lại để như vậy, và chúng ta phải chấp nhận bởi vì nhờ đó chúng ta mới trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Suốt một thời gian dài tôi vẫn không sao hiểu nổi một điều: đó là tại sao Chúa Giêsu truyền cho tôi phải trình bày tất cả mọi việc cho các bề trên của tôi, nhưng các ngài lại không tin những điều tôi nói và đối xử với tôi một cách thương hại như thể tôi đang dối mình hoặc bị ảo tưởng.
Thế là vì tin mình đang ảo tưởng, trong lòng tôi dốc quyết lẩn lánh Chúa Giêsu vì sợ các ảo tưởng kia. (15) Nhưng ơn Chúa vẫn dõi theo tôi từng bước, và Thiên Chúa đã phán dạy tôi trong những lúc ít ngờ tới nhất.
39 + Một ngày kia, Chúa Giêsu cho tôi biết Người sẽ thực hiện thanh tẩy thành phố xinh đẹp nhất của đất nước tôi [có lẽ là Warsaw]. Cuộc thanh tẩy này sẽ như cuộc thanh tẩy Thiên Chúa đã trừng phạt hai thành Sôđôma và Gômôra. [27] Tôi nhìn thấy cơn nghĩa nộ kinh khủng của Thiên Chúa và cơn rùng mình xuyên thấu tâm hồn tôi. Tôi thầm thĩ cầu nguyện. Sau một lúc, Chúa Giêsu phán với tôi rằng: Con nhỏ của Cha, con hãy liên kết mật thiết với Cha trong cuộc Hiến Tế của Cha, hãy dâng Máu Thánh và các Thương Tích của Cha lên Cha Cha để đền bù tội lỗi của thành phố ấy. Con hãy không ngừng lặp lại việc ấy trong thánh lễ. Con hãy làm như vậy trong bảy ngày. Vào ngày thứ bảy, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu trong vầng mây sáng ngời và tôi lên tiếng xin Người đoái thương thành phố và toàn thể đất nước chúng tôi. Chúa Giêsu nhìn xuống rất nhân lành. Khi nhìn thấy vẻ nhân lành của Chúa Giêsu, tôi liền khẩn nài Người chúc lành. Ngay lúc đó, Chúa Giêsu phán rằng: Vì con mà Cha chúc lành cho toàn thể tổ quốc của con. Rồi Người giơ rộng tay ban phép lành trên toàn thể đất nước chúng tôi. Nhìn thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa, linh hồn tôi tràn ngập một niềm vui vô bờ.
40 + Năm 1929
Một lần kia, trong giờ thánh lễ, tôi cảm nhận được sự gần gũi với Thiên Chúa rất đặc biệt, mặc dù tôi cố ngoảnh đi và trốn tránh Người. Trong nhiều dịp, tôi đã lẩn tránh Thiên Chúa vì không muốn trở thành nạn nhân của thần dữ như nhiều người đã hơn một lần cho tôi biết về trường hợp như vậy. Và tình trạng phấp phỏng này kéo dài một thời gian. Trong thánh lễ, trước giờ hiệp lễ, chúng tôi tuyên lại các lời khấn. Khi chúng tôi rời hàng ghế quỳ và bắt đầu tuyên đọc công thức khấn, Chúa Giêsu trong y phục trắng với dây thắt lưng bằng vàng, bỗng hiện đến bên cạnh tôi và phán: Cha dành cho con một tình yêu muôn thuở để sự thanh khiết của con không bị mờ ố và một dấu chỉ là con sẽ không bao giờ phải chịu cám dỗ về đức khiết tịnh. Chúa Giêsu cởi dây đai lưng của Người ra và thắt cho tôi.
Kể từ đó, tôi không bao giờ bị tấn công trong tâm hồn hoặc trong trí khôn về nhân đức này. Về sau, tôi hiểu ra đó là một trong những ơn trọng đại nhất mà Đức Thánh Trinh Nữ Maria đã xin cho tôi, bởi vì trong suốt nhiều năm tôi vẫn nài xin Mẹ ơn ấy. Cũng từ đó, tôi cảm thấy càng ngày càng sùng kính Mẹ Thiên Chúa hơn. Mẹ đã dạy cho tôi biết yêu mến Thiên Chúa trong tâm hồn và thực thi thánh ý Người trong mọi sự. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là niềm vui, bởi vì nhờ Mẹ, Thiên Chúa đã giáng thế [và] đến với tâm hồn của con.
41 (16) Một lần kia, tôi nhìn thấy một đầy tớ của Chúa gặp nguy cơ sắp phạm tội trọng. Tôi liền kêu nài Chúa đoái thương đổ xuống trên tôi mọi hình hoả ngục và tất cả những đau khổ Người muốn để vị linh mục này được giải thoát và được cất khỏi dịp tội. Chúa Giêsu đã nhậm lời, và ngay lúc ấy, tôi cảm nhận có một mão gai trên đầu. Những chiếc gai độc dữ đâm phập vào đầu tôi đến tận óc não. Cơn đau kéo dài suốt ba tiếng đồng hồ; người đầy tớ của Chúa được cứu thoát khỏi tội, và linh hồn ngài được mạnh mẽ nhờ một hồng ân đặc biệt của Chúa.
42 Một lần kia, vào ngày lễ Giáng Sinh [năm 1928], tôi cảm nghiệm được quyền toàn năng và sự hiện diện của Thiên Chúa bao bọc tôi. Và một lần nữa, tôi trốn tránh cuộc hội kiến nội tâm với Chúa. Tôi xin phép Mẹ Bề Trên ban phép cho tôi đi Jozefinek [28] để thăm các chị em ở đó. Mẹ Bề Trên đồng ý, và chúng tôi khởi hành ngay sau bữa trưa hôm đó. Các chị đứng chờ tại cổng tu viện trong lúc tôi chạy về phòng để lấy áo choàng. Khi trở lại, lúc đi gần đến nhà nguyện nhỏ, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu đang đứng ở ngưỡng cửa. Người phán với tôi: Con cứ đi, nhưng Cha sẽ lấy mất trái tim của con. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy không còn trái tim trong lồng ngực nữa. Các chị em quở trách vì đã muộn mà tôi còn chần chừ phía sau, thế là tôi nhanh chóng cùng đi với họ. Tuy vậy, một cảm giác nôn nao làm tôi khó chịu, và một nỗi thao thức kỳ lạ xâm chiếm linh hồn tôi, mặc dù không ai biết điều gì đang xảy ra, ngoại trừ một mình Thiên Chúa.
Sau khi đến Jozefinek được vài phút, tôi giục các chị, “Thôi chúng ta hãy trở về”. Các chị đòi ít là phải nghỉ ngơi một lúc, nhưng linh hồn tôi không tìm được một chút bình an. Tôi giải thích phải trở về trước khi trời tối; và bởi vì quãng đường khá xa, nên chúng tôi phải lập tức trở về. Khi gặp chúng tôi ở nhà ngoài, Mẹ Bề Trên hỏi: “Các chị vẫn chưa đi hay là đã về rồi vậy?”. Tôi thưa chúng tôi đã trở về bởi vì không muốn về lúc trời tối. Tôi cởi áo khoác và đi ngay vào nhà nguyện nhỏ. Ngay khi tôi vừa bước vào, Chúa Giêsu đã phán bảo: Con hãy đi gặp Mẹ Bề Trên và thưa rằng con đã về, không phải vì muốn về đến nhà trước khi trời tối, nhưng vì Cha đã lấy mất trái tim của con. Mặc dù điều này thật khó khăn đối với tôi, nhưng tôi cũng đi (17) gặp Mẹ Bề Trên và thành thật trình bày lý do vì sao tôi trở về sớm như vậy, và tôi xin lỗi Chúa về tất cả những điều đã làm phật lòng Người. Khi đó, Chúa Giêsu ban tràn đầy niềm vui cho tôi. Tôi đã hiểu ngoài Chúa, chẳng tìm đâu có được sự thoả nguyện.
43 Vào một kịp kia, tôi nhìn thấy có hai chị sắp sửa sa hoả ngục. Một nỗi đau kinh khủng xé nát linh hồn tôi; tôi cầu nguyện cùng Chúa cho các chị, và Chúa Giêsu phán với tôi: Con hãy đi gặp Mẹ Bề Trên và cho Mẹ biết hai chị ấy đang gặp nguy cơ phạm tội trọng. Ngày hôm sau, tôi thưa điều ấy với Mẹ Bề Trên. Một chị đã thành tâm thống hối, còn chị kia vẫn phải chiến đấu rất gian nan.
44 Một hôm Chúa Giêsu phán với tôi: Cha sắp sửa rời bỏ nhà này... bởi vì ở đây có những điều làm mất lòng Cha. Thế rồi Bánh Thánh ra khỏi nhà tạm và đến đậu trong tay tôi, và tôi vui mừng đưa Bánh Thánh trở lại nhà tạm. Sự kiện này tái diễn lần thứ hai, và tôi lại thực hiện như lần trước. Mặc dù thế, sự kiện vẫn tái diễn lần thứ ba, nhưng Bánh Thánh đã biến nên Chúa Giêsu sống động, Người nói với tôi: Cha sẽ không ở lại đây nữa đâu! Khi đó, một tình yêu mãnh liệt dành cho Chúa Giêsu bùng lên trong linh hồn tôi. Tôi thưa Chúa: “Còn con, lạy Chúa Giêsu, con sẽ không để Chúa lìa khỏi nhà này”. Và một lần nữa, Chúa Giêsu biến đi trong khi Bánh Thánh lưu lại trong tay tôi. Tôi lại đặt Bánh Thánh vào chén thánh và khoá lại trong nhà tạm. Chúa Giêsu đã ở lại với chúng tôi. Tôi phải làm ba ngày chầu kính để đền tạ Chúa.
45 Một lần kia, Chúa Giêsu phán bảo tôi: Con hãy thưa với Mẹ Tổng Quyền [Michael] rằng trong nhà này... có tội như thế như thế đang xảy ra... làm đau lòng và xúc phạm đến Cha hết sức. Tôi đã không trình bày điều ấy ngay với Mẹ Bề Trên, nhưng vì Chúa bắt tôi phải chịu sự bồn chồn, không cho tôi trì hoãn thêm một phút giây, nên tôi liền viết thư cho Mẹ Tổng Quyền, và sự bình an trở lại với linh hồn tôi.
46 Tôi thường cảm nhận cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu trong thân xác tôi, mặc dù người khác không nhận ra được điều này, và tôi vui mừng vì Chúa Giêsu đã muốn như vậy. Nhưng điều này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Những đau khổ này làm bùng lên nơi linh hồn tôi một tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn bất tử. Tình yêu chịu được mọi sự, tình yêu mạnh hơn sự chết, tình yêu không sợ hãi gì cả...
(18) + Ngày 22 tháng 2 năm 1931
47 Vào buổi tối, lúc đang ở trong phòng, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu trong y phục màu trắng. Một tay Người giơ lên trong tư thế ban phép lành, tay kia chạm vào ngực áo. Từ phía dưới trang phục, hơi chếch một bên ngực, phát ra hai luồng sáng lớn, một màu đỏ, và một màu xanh nhạt.
Trong thinh lặng, tôi chăm chú chiêm ngắm Chúa; linh hồn tôi bàng hoàng trong niềm kính sợ, nhưng cũng dạt dào hoan lạc. Sau một lúc, Chúa Giêsu phán bảo tôi: Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy, với hàng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa. Cha ước mong bức hình này được tôn kính, trước là trong nhà nguyện của các con và [sau đó là] khắp thế giới.
48 Cha hứa rằng linh hồn nào tôn kính bức hình này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho họ vinh thắng những kẻ thù ngay trên thế gian này, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ họ như vinh quang riêng của Cha.
49 Khi trình bày điều này với cha giải tội, [29] tôi được trả lời rằng: “Điều ấy chỉ về linh hồn chị. Chắc chắn chị hãy vẽ hình ảnh Chúa vào linh hồn chị”. Và khi ra khỏi toà giải tội, tôi lại được nghe những lời sau đây: Hình ảnh của Cha đã có trong linh hồn con rồi. Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha.
50 + Cha ước mong các linh mục hãy rao giảng về Lòng Thương Xót khôn lường của Cha cho các tội nhân. Đừng để họ sợ hãi không dám đến gần bên Cha. Những ngọn lửa thương xót đang bừng cháy trong Cha - kêu gào đòi được phung phát; Cha muốn trào đổ cho các linh hồn này.
Chúa Giêsu than thở với tôi: Sự hoài nghi của các linh hồn đang xé nát lòng Cha. Sự hoài nghi của một linh hồn ưu tuyển còn làm Cha đau đớn hơn nữa; mặc dù Cha dành cho họ một tình yêu vô hạn, nhưng họ vẫn không tín thác vào Cha. Thậm chí cái chết của Cha mà vẫn không đủ với họ. Khốn cho linh hồn nào lạm dụng những ân sủng này.
51 (19) Khi tôi thưa với Mẹ Bề Trên [Rose, [30] cho Mẹ biết] Chúa đã yêu cầu tôi điều ấy, Mẹ trả lời chắc Chúa Giêsu sẽ cho một dấu chỉ để chúng tôi có thể nhận ra Người rõ ràng hơn.
Khi tôi xin Chúa Giêsu một dấu chỉ minh chứng “Chúa thực sự là Chúa, là Thiên Chúa của con, và yêu cầu ấy phát xuất từ Chúa”. Trong lòng tôi đã nghe được lời này: Cha sẽ làm sáng tỏ tất cả điều này với Bề Trên của con bằng các ân sủng Cha sẽ ban qua bức hình này.
52 Khi tôi cố trốn tránh những soi động trong lòng, Chúa phán với tôi rằng trong ngày phán xét, Người sẽ bắt tôi trả lẽ về một số rất đông các linh hồn.
Một lần kia, quá kiệt sức vì muôn vàn khó khăn ập xuống trên mình tôi vì những điều Chúa Giêsu đã phán dạy và đã truyền vẽ bức hình, tôi quyết định đến với cha Andrasz [31] trước ngày vĩnh thệ, xin ngài chước cho tôi tất cả những soi động nội tâm và trách nhiệm về bức hình. Sau khi nghe tôi trình bày, cha Andrasz trả lời: “Này chị, tôi chẳng miễn cho chị một điều nào cả; chị không có quyền trốn tránh những soi động ấy, nhưng phải tuyệt đối - tôi nói đây, tuyệt đối - phải thưa lại những điều ấy cho cha giải tội của chị; nếu không chị sẽ bị lầm lạc, bất kể những ơn trọng đại chị đang được lãnh nhận từ Thiên Chúa.
53 Bây giờ chị đến cáo mình với tôi, nhưng phải biết rằng chị cần phải có một cha giải tội thường xuyên; tức là một cha linh hướng”.
Tôi hết sức xao xuyến vì điều này, tưởng rằng sẽ được giải thoát khỏi mọi sự, nào ngờ lại đảo lộn tất cả - một lệnh truyền rõ rệt bắt phải tuân theo những yêu sách của Chúa Giêsu. Và giờ đây lại thêm một cực hình mới, đó là tôi chưa có cha giải tội thường xuyên. Mặc dù vẫn cáo mình với vị linh mục ấy trong một thời gian, nhưng tôi không thể thổ lộ với ngài về những ân sủng của linh hồn tôi, và điều này làm tôi khổ tâm không sao tả xiết. Vì thế tôi nài xin Chúa Giêsu hãy trao những ân sủng này cho một linh hồn nào khác, bởi vì tôi không biết lợi dụng, và như thế là phung phí đi. “Lạy Chúa Giêsu, xin dủ lòng thương; xin đừng trao phó những điều cao trọng thế này cho con, như Chúa thấy, con chỉ là một hạt bụi hoàn toàn bất xứng”.
Nhưng lòng nhân lành của Chúa Giêsu thật vô cùng; Người đã hứa ban một trợ lực hữu hình cho tôi ngay ở đời này, và sau đó một thời gian ngắn, tôi đã nhận được ơn ấy tại Vilnius, (20) qua cha Sopocko. Nhờ một thị kiến nội tâm, tôi đã biết ngài trước khi đến Vilnius. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy ngài trong nhà nguyện của chúng tôi ở giữa bàn thờ và toà giải tội, và bỗng nhiên tôi được nghe một tiếng nói trong tâm hồn: Đây là sự trợ lực hữu hình cho con trên trần gian. Ngài sẽ giúp con thực thi thánh ý Cha trên trần gian.
54 + Một ngày nọ, mệt nhoài vì mọi thứ bấp bênh này, tôi nài xin Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa của con hay là một ông kẹ nào vậy? Bởi vì các bề trên của con bảo rằng có rất nhiều thứ ảo tưởng và ma quỷ. Nếu Chúa là Thiên Chúa của con, con khẩn nài Chúa chúc lành cho con”. Khi ấy, Chúa Giêsu giơ rộng tay ban phép lành trên tôi, và tôi cũng làm dấu thánh giá. Khi tôi xin Chúa Giêsu tha lỗi về lời chất vấn, Chúa cho biết tôi không làm phật ý Người vì câu hỏi ấy, và niềm tin tưởng của tôi đã làm thoả lòng Người rất nhiều.
55 Năm 1933
Lời Khuyên Thiêng Liêng của cha Andrasz, S.J. dành cho tôi
Thứ nhất: Chị không được trốn tránh những soi động, nhưng luôn phải trình bày mọi sự cho cha giải tội. Nếu chị nhận thấy những soi động nội tâm này dành cho riêng chị, tức là đem lại lợi ích cho linh hồn chị hoặc cho các linh hồn, tôi khuyên chị hãy nghe theo các soi động ấy; chị không được thờ ơ, nhưng luôn phải làm theo các soi động ấy, sau khi đã bàn hỏi với cha giải tội của chị.
Thứ hai: Nếu các soi động không phù hợp với đức tin hay tinh thần Giáo Hội, chị phải vứt bỏ ngay tức khắc, như thể từ thần dữ mà ra.
Thứ ba: Nếu những soi động không nhắm đến các linh hồn nói chung, cũng không mưu ích cho họ, chị không nên coi trọng làm gì, tốt hơn hãy cho qua.
Tuy nhiên, chị không nên tự mình quyết định cách này hay cách khác vì rất dễ dàng bị lầm lạc, dù chị có những đặc ân trọng đại Chúa ban. Hãy khiêm tốn, khiêm tốn, và luôn phải khiêm tốn, vì chúng ta không thể tự mình làm được việc gì; tất cả hoàn toàn chỉ là ơn Chúa mà thôi.
Chị cho tôi biết Thiên Chúa đòi các linh hồn phải có một niềm tín thác cao độ; vậy bây giờ, chị phải là người trước tiên chứng tỏ niềm tín thác ấy. Một điều nữa - hãy đón nhận tất cả với sự bình thản.
(21) Những lời của một cha giải tội: “Này chị, Thiên Chúa đang chuẩn bị nhiều ơn thánh đặc biệt cho chị, nhưng chị phải cố gắng làm cho đời sống chị trong sáng như pha lê trước mặt Chúa, đừng bận tâm đến những điều người khác nghĩ về chị. Thiên Chúa đủ cho chị rồi; một mình Người mà thôi”.
Gần cuối thời gian năm tập của tôi, một cha giải tội [có lẽ cha Theodore] bảo tôi: “Chị hãy sống một đời thực hành điều thiện để tôi có thể viết lên những trang về đời sống ấy thế này: ‘Chị ấy đã sống một đời thực hành điều thiện’. Nguyện xin Chúa hãy thực hiện điều này nơi chị”.
Lần khác, cha giải tội ấy lại nói với tôi: “Trước mặt Chúa, chị hãy hành xử như bà goá trong Phúc Âm; mặc dù đồng bạc bỏ vào thùng chẳng có giá trị bao nhiêu; nhưng trước mặt Thiên Chúa, nó lại quý hơn tất cả những đồ dâng cúng lớn lao của người khác”.
Vào một dịp khác, tôi nhận được lời hướng dẫn thế này: “Chị hãy xử sự sao cho mọi người tiếp xúc với chị đều ra đi trong vui vẻ. Hãy gieo hạnh phúc chung quanh bởi vì chị đã được lãnh nhận nhiều từ Thiên Chúa; vậy chị hãy ban phát quảng đại cho tha nhân. Họ từ giã chị với tâm hồn tràn ngập niềm vui, mặc dù họ chẳng hề chạm đến gấu áo của chị. Chị hãy nhớ cho kỹ những lời tôi đang nói với chị lúc này”.
Một lần khác, ngài đã chỉ dẫn cho tôi thế này: “Hãy để Thiên Chúa đẩy thuyền của chị ra chỗ nước sâu, đến những nơi sâu thẳm không thể dò thấu của đời sống nội tâm”.
Đây là một đôi điều trong cuộc thưa chuyện với Mẹ Giám Tập [Mary Joseph] khi thời gian năm tập của tôi gần mãn: “Này chị, hãy để đức đơn sơ và khiêm tốn trở nên những nét đặc trưng của linh hồn chị. Chị hãy sống như một con trẻ bé bỏng, bằng lòng với tất cả, vui tươi trong mọi hoàn cảnh. Nơi người khác lo âu, nhờ đức đơn sơ và khiêm tốn, chị sẽ vượt qua một cách an lành. Này chị, chị hãy nhớ suốt đời: nước chảy từ núi cao xuống các thung lũng thế nào, ơn Chúa cũng đổ xuống cho các linh hồn khiêm nhượng như thế”.
56 Lạy Chúa, con quá hiểu Chúa đòi con phải sống đời thơ ấu thiêng liêng, [32] bởi vì lúc nào Chúa cũng đòi con về điều ấy qua các vị đại diện của Chúa.
(22) Trong thời gian đầu của cuộc sống tu trì, đau khổ cũng như nghịch cảnh làm tôi sợ hãi và hốt hoảng. Vì thế, tôi đã liên lỉ cầu nguyện, nài xin Chúa Giêsu củng cố và ban sức mạnh Thần Khí Người cho tôi để có thể thi hành thánh ý Người trong mọi sự, bởi vì ngay từ ban đầu, tôi đã ý thức được sự yếu đuối của mình. Tôi quá hiểu bản thân mình, bởi vì mục đích này, Chúa Giêsu đã mở mắt linh hồn tôi; tôi là một vực thẳm khốn cùng, và do đó tôi hiểu ra những gì tốt lành nơi linh hồn tôi đều do ơn Chúa. Nhờ biết được nỗi khốn nạn của mình, nên đồng thời tôi cũng nhận ra Lòng Thương Xót lớn lao của Chúa.
Lạy Chúa, trong cuộc sống nội tâm của con, với mắt bên này, con nhìn vào vực thẳm khốn cùng và đớn hèn của con, với mắt bên kia, con nhìn vào vực thẳm đầy xót thương của Chúa.
57 Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự sống của đời con. Chúa quá biết con không khát khao điều gì ngoài vinh quang cho Danh Chúa và các linh hồn được nhận biết lòng nhân lành của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, tại sao các linh hồn lại lẩn tránh Chúa? - Con không hiểu nổi điều ấy. Ôi, giả như con có thể xẻ trái tim thành từng mảnh nhỏ để dâng lên Chúa. Lạy Chúa Giêsu, như vậy, mỗi mảnh như một con tim trọn vẹn đầy đủ để phần nào bù lại cho những con tim không yêu mến Chúa! Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa với từng giọt máu của con, và con sung sướng nếu được đổ máu vì Chúa để nên một chứng từ cho tình yêu chân thành của con. Lạy Chúa, càng nhận biết Chúa, con càng thấy mình không hiểu Chúa, nhưng việc “không hiểu Chúa” làm cho con nhận ra Chúa cao trọng biết bao! Và lạy Chúa, việc thiếu khả năng hiểu biết Chúa làm trái tim con nồng cháy vì Chúa. Từ khi Chúa cho con được cắm chặt ánh nhìn của hồn con vào Chúa, lạy Chúa Giêsu, con đã được bình an và chẳng còn ước mơ gì khác. Con đã tìm được phận phúc của mình trong giây phút hồn con được mất hút trong Chúa, đối tượng duy nhất của khối tình con. Lạy Chúa Giêsu, nếu sánh với Chúa, mọi sự chỉ là số không. Đau khổ, chống đối, nhục nhã, thất bại, và hoài nghi trên nẻo đường con đi chỉ là những viên đá lửa làm bùng lên ngọn lửa tình yêu con dành cho Chúa.
Những khát vọng của con thật điên rồ và không thể đạt được. Con muốn giấu không cho Chúa biết con đang đau khổ. Con muốn (23) những nỗ lực và việc lành của con không bao giờ được thưởng công. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là phần thưởng duy nhất của con; một mình Chúa đã đủ cho con rồi, ôi Kho Tàng của lòng con! Lạy Chúa Giêsu, con muốn chia sẻ cảm thông với đau khổ của những người chung quanh nhưng giấu không cho họ, và cả Chúa nữa, biết đến những đau khổ của riêng con.
Đau khổ là một hồng ân trọng đại; qua đau khổ, linh hồn sẽ được nên giống Đấng Cứu Độ; trong đau khổ, tình yêu được tinh luyện; đau khổ càng lớn lao, tình yêu càng tinh ròng.
58 + Một đêm kia, một chị qua đời hai tháng trước đã hiện về với tôi. Chị thuộc thành phần tụng sĩ. Tôi thấy chị trong một tình trạng thê thảm, toàn thân ngập trong những ngọn lửa, và bộ mặt méo dạng cách đau đớn. Việc này chỉ xảy ra một lúc, và sau đó chị biến đi. Một cái rùng mình xuyên suốt linh hồn tôi vì tôi không biết chị ấy đang chịu khổ hình trong luyện ngục hay hoả ngục. Tuy nhiên, tôi vẫn gia tăng lời cầu nguyện cho chị. Đêm hôm sau, chị lại hiện về, tôi thấy chị trong một thảm cảnh còn ghê rợn hơn, giữa những ngọn lửa phừng phực, và có thể nhìn thấy nỗi thất vọng trên gương mặt. Tôi kinh ngạc vì đã dâng nhiều kinh nguyện mà chị lại còn khốn khổ hơn trước, tôi hỏi: “Những lời kinh của em không giúp cho chị được gì sao?”. Chị cho biết những kinh nguyện của tôi không giúp được, và có lẽ không gì giúp đỡ chị được. Tôi hỏi tiếp: “Thế những kinh nguyện của cả cộng đoàn cầu cho chị cũng không giúp chị được sao?”. Chị cho biết những kinh nguyện ấy giúp ích cho các linh hồn khác. Tôi đề nghị: “Nếu những lời kinh của em không giúp được gì cho chị, xin chị vui lòng đừng đến với em nữa”. Chị biến đi lập tức. Mặc dù vậy, tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện.
Bẵng một thời gian, chị lại hiện về với tôi trong đêm, nhưng đã thay đổi hoàn toàn. Không còn những ngọn lửa như trước kia, gương mặt chị rạng rỡ, ánh mắt loé lên niềm hạnh phúc. Chị nói rằng tôi đã có một tình yêu thương chân thật đối với những người chung quanh, và nhiều linh hồn đã được hưởng nhờ những kinh nguyện của tôi. Chị khuyên giục tôi hãy tiếp tục cầu nguyện cho các linh hồn luyện ngục, và cho biết chị không còn bị giam phạt bao lâu nữa. Những định quyết của Thiên Chúa thật đáng thán phục!
59 (24) 1933
Một dịp kia, tôi đã nghe những lời này trong linh hồn: Con hãy làm một tuần cửu nhật cầu cho đất nước con. Tuần cửu nhật này sẽ gồm việc đọc kinh cầu Các Thánh. Con hãy xin phép cha giải tội [có lẽ cha Sopocko hoặc cha Andrasz].
60 Trong lần xưng tội liền đó, tôi đã xin được phép của cha giải tội, và bắt đầu làm tuần cửu nhật ngay tối hôm ấy. Khi đọc gần xong kinh cầu Các Thánh, tôi nhìn thấy một vầng sáng chói chang, giữa vầng sáng là Thiên Chúa Cha. Ở khoảng giữa vầng sáng và địa cầu, tôi thấy Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh trên thập giá trong tư thế khiến Chúa Cha khi muốn nhìn xuống địa cầu phải nhìn qua các thương tích của Chúa Giêsu. Và tôi hiểu rằng chính nhờ Chúa Giêsu mà Chúa Cha đã chúc lành cho trần gian.
61 Lạy Chúa Giêsu, con cám tạ Chúa vì ơn trọng đại này, đó là chính Chúa đã đoái thương chọn một linh mục giải tội cho con, và Chúa đã cho con biết ngài qua một thị kiến trước cả khi con được gặp ngài [cha Sopocko]. Khi đến xưng tội với cha Andrasz, tôi nghĩ mình sẽ được chuẩn chước khỏi những soi động nội tâm kia. Nào ngờ ngài trả lời ngài không thể miễn chước cho tôi: “Này chị, chị hãy cầu nguyện để có được một cha linh hướng”.
Sau một lời cầu nguyện ngắn ngủi nhưng rất tha thiết, tôi được thấy cha Sopocko lần thứ hai trong nhà nguyện của chúng tôi, khoảng giữa toà giải tội và bàn thờ. Bấy giờ tôi đang ở Cracow. Hai lần thị kiến ấy đã làm phấn chấn linh hồn tôi, vì thế khi gặp ngài, tôi nhớ ra mình đã được thấy ngài trong các thị kiến, một lần tại Warsaw trong thời gian thử thứ ba của tôi, và một lần nữa tại Cracow. Lạy Chúa Giêsu, con xin cám tạ Chúa vì tặng ân trọng đại này! Và giờ đây, mỗi khi nghe ai than thở rằng họ không có cha giải tội, tức là cha linh hướng, nỗi sợ hãi lại bao trùm lấy con bởi vì con biết mình đã chịu quá nhiều thiệt hại khi chưa có nguồn trợ lực này. Thật dễ lầm đường khi không được ai hướng dẫn!
62 Ôi cuộc đời thật buồn tẻ và đơn điệu, nhưng lại có biết bao kho tàng quý báu! Khi nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin, không có hai giờ đồng hồ nào giống hệt nhau, cảnh buồn tẻ và đơn điệu biến mất. Ơn thánh ban cho tôi trong giờ này sẽ không được lặp lại trong giờ sau. Điều ấy cũng có thể ban lại cho tôi, nhưng không phải cùng một ơn như trước. Thời gian trôi qua, không bao giờ trở lại. Những việc gồm chứa trong đó không bao giờ thay đổi nữa; được đóng lại bằng niêm ấn cho cõi đời đời.
63 (25) + Cha Sopocko ắt phải được Thiên Chúa hết lòng yêu thương. Tôi nói điều này vì trong một số lần, chính tôi nghiệm thấy Thiên Chúa đã bảo bọc ngài như thế nào. Khi nhìn thấy điều này, tôi hết sức vui mừng vì Thiên Chúa đã có những linh hồn ưu tuyển như thế.
1929
Chuyến đi Canvê [33]
64 Khi chuyển đến Vilnius trong thời hạn hai tháng để thế cho một chị đi thử lần thứ ba [nữ tu Peter, làm bếp], tôi đã ở đó lâu hơn hai tháng một chút. Một ngày kia, Mẹ Bề Trên [Irene [34]], vì muốn cho tôi một niềm vui nhỏ, đã cho phép tôi cùng đi với một chị khác [35] đến Canvê - theo kiểu người ta nói - để “đi dạo”. Tôi rất sung sướng. Mặc dù đường không xa, nhưng Mẹ Bề Trên muốn chúng tôi đi thuyền. Tối hôm đó, Chúa Giêsu ngỏ ý: Cha muốn con ở nhà. Tôi thưa lại: “Lạy Chúa Giêsu, mọi sự đã xong xuôi để chúng con khởi hành vào sáng mai; con biết phải tính sao bây giờ?”. Chúa đáp: Chuyến đi này có hại cho linh hồn con. Tôi thưa lại: “Chúa có thể tìm được cách giải gỡ. Xin Chúa an bài mọi sự sao cho thánh ý Chúa được nên trọn”. Ngay lúc đó, chuông báo đến giờ ngủ. Tôi nhìn Chúa từ biệt rồi về phòng riêng.
Hôm sau, thời tiết khá tốt, người chị em đồng hành với tôi rất vui mừng khi nghĩ đến cái thú chúng tôi được thưởng thức khi nhìn ngắm vạn vật. Nhưng về phần mình, tôi biết chắc chắn chúng tôi sẽ không đi được mặc dù cho đến giờ này xem ra vẫn chưa có gì trở ngại.
Chúng tôi phải hiệp lễ sớm để lên đường sau khi cám ơn. Nhưng trong giờ hiệp lễ, thời tiết bỗng nhiên thay đổi. Những đám mây che kín bầu trời, rồi mưa như trút nước. Mọi người đều lấy làm lạ vì thời tiết thay đổi đột ngột.
(26) Mẹ Bề Trên nói với tôi: “Này chị, tôi rất buồn vì chị không đi được!”. Tôi thưa lại: “Thưa Mẹ, chúng con không đi được có sao đâu vì thánh ý Chúa muốn chúng con ở nhà”. Tuy nhiên, không ai biết chính Chúa Giêsu đã tỏ ý muốn tôi ở nhà. Tôi dùng cả ngày hôm ấy để tĩnh tâm và nguyện gẫm, cám tạ Chúa đã giữ tôi ở nhà. Hôm đó, Chúa đã ban cho tôi rất nhiều an ủi trời cao.
65 Một lần kia, trong thời kỳ năm tập, Mẹ Giám Tập cử tôi đi công tác tại nhà bếp các học sinh, tôi rất áy náy vì không xoay xở nổi những chiếc nồi to tướng ở đó. Công việc khó khăn nhất đối với tôi là gạn nước khoai, và nhiều khi đổ nước, tôi đã làm đổ cả một nửa nồi khoai. Khi tôi trình bày điều này với Mẹ Giám Tập, Mẹ nói rằng lần này tôi sẽ quen và tập được kỹ năng cần thiết. Tuy vậy, công việc cũng chẳng dễ dàng hơn chút nào, vì càng ngày tôi càng yếu hơn. Thành ra tôi thường né tránh mỗi khi tới giờ gạn nước khoai. Các chị em thấy tôi tránh né công việc này rất lấy làm lạ. Họ không biết tôi rất sẵn lòng, nhưng không đủ sức làm được, chứ không phải ươn lười. Đến trưa, trong giờ hồi tâm, tôi phàn nàn với Chúa về sự yếu đuối của mình, và nghe được những lời này trong linh hồn: Từ hôm nay, con sẽ làm việc này một cách dễ dàng; Cha sẽ cho con được mạnh mẽ.
Tối hôm đó, khi đến giờ gạn nước khoai, tôi tín thác vào lời Chúa và hăm hở đi làm việc ấy trước tiên. Tôi nhấc chiếc nồi một cách thoải mái và gạn nước ngon lành. Và khi mở nắp nồi cho khoai bốc hơi, tôi nhìn thấy trong đó có những đoá hồng đỏ thắm, xinh đẹp không tả xiết. Trước kia, tôi chưa từng nhìn thấy những bông hoa như thế bao giờ. Hết sức kinh ngạc và không hiểu nổi ý nghĩa việc này, tôi được nghe lời này trong lòng: Cha biến công việc khó nhọc của con trở nên những bó hoa xinh đẹp nhất, và hương thơm của chúng toả ngát đến ngai toà Cha. Từ đó về sau, tôi cố gắng gạn nước khoai, không những trong tuần lễ phiên mình, (27) mà còn giúp các chị khác khi đến phiên họ. Và không chỉ gạn nước khoai mà thôi, tôi còn cố gắng đi đầu trong việc giúp đỡ mọi công việc nặng nhọc khác, bởi vì tôi nghiệm thấy điều ấy làm Chúa rất hài lòng.
66 Ôi kho tàng vô tận của ý hướng ngay lành, điều làm cho mọi hoạt động của chúng ta trở nên trọn hảo và đẹp lòng Thiên Chúa!
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con yếu đuối dường nào; vì vậy, xin Chúa hãy luôn ở bên con; hướng dẫn các hoạt động của con và toàn thể hữu thể của con, Chúa là Thầy Dạy tuyệt hảo duy nhất của con! Quả thật, lạy Chúa Giêsu, con hoảng sợ khi nhìn vào nỗi khốn nạn của mình, nhưng đồng thời, con cũng an tâm vì lòng lân ái của Chúa muôn đời vẫn thắng vượt nỗi khốn nạn của con. Tâm tình này bao phủ con trong quyền năng Chúa. Ôi niềm vui tuôn trào từ việc biết mình! Ôi Đấng là Chân Lý bất biến, lòng tín thành của Chúa bền vững thiên thu!
67 Sau ngày tuyên khấn lần đầu, tôi bị ngã bệnh [có lẽ bệnh lao phổi bộc phát], và dù được sự chăm sóc tận tình của các bề trên cũng như nỗ lực của các bác sĩ, tôi vẫn cảm thấy bệnh tình không hề thuyên giảm chút nào. Những lời dị nghị vọng đến tai tôi, ngụ ý rằng tôi giả vờ bệnh. Khi nghe biết điều đó, nỗi đau khổ của tôi tăng thêm gấp đôi và da diết suốt thời gian dài. Một ngày kia, tôi than thở với Chúa Giêsu rằng tôi đang trở nên gánh nặng cho các chị em. Chúa Giêsu trả lời: Không phải con sống cho chị em, nhưng là cho các linh hồn, và các linh hồn sẽ được hưởng nhờ lợi ích từ những đau khổ của con. Việc đau khổ triền miên của con sẽ đem lại cho họ ánh sáng và sức mạnh để chấp nhận thánh ý Cha.
68 Đối với tôi, đau khổ tê tái nhất là những kinh nguyện và những việc lành của tôi hình như đều không làm vui lòng Thiên Chúa. Tôi không dám ngước mắt lên trời. Điều đó làm tôi đau đớn trong các giờ đạo đức chung tại nhà nguyện đến độ một ngày kia sau giờ kinh, Mẹ Bề Trên [Raphael] vời tôi đến và nói: “Này chị, chị hãy xin Chúa ban ơn thánh và ủi an, bởi vì chính tôi thấy (28) và các chị em khác cũng cho tôi biết chỉ nhìn chị mà thôi cũng thấy tội nghiệp. Tôi thực sự không biết phải làm gì với chị bây giờ, chị ạ. Tôi truyền cho chị thôi đừng làm khổ bản thân một cách vô lý nữa”.
Những lần bàn hỏi với Mẹ Bề Trên không làm tôi khuây khoả, cũng không làm sáng sủa được điều gì. Ngược lại, bóng tối che khuất Thiên Chúa càng dày đặc hơn. Tôi kêu cứu trong toà giải tội, nhưng cũng chẳng thấy gì. Một linh mục thánh thiện muốn giúp đỡ, nhưng tôi khổ thân đến độ không xác định được nỗi khổ của mình, và điều đó càng làm tôi cay cực hơn nữa. Một nỗi buồn đến chết xuyên thấu linh hồn tôi đến độ không sao giấu nổi và lộ ra trước mắt những người chung quanh. Tôi mất hết hy vọng. Bóng đêm mỗi lúc một tăm tối hơn. Vị linh mục giải tội nói rằng: “Này chị, tôi nhìn thấy những ơn thánh rất đặc biệt ở nơi chị, và tôi không lo lắng chút nào cho chị cả; tại sao chị tự làm khổ bản thân như thế?”. Nhưng lúc đó, tôi không hiểu ngài nói gì cả và hết sức kinh ngạc khi nghe phải đọc kinh Te Deum hoặc kinh Magnificat, hoặc phải chạy quanh vườn vào buổi tối, hoặc phải cười to mười lần để làm việc đền tội. Những việc đền tội này rất lạ kỳ đối với tôi; nhưng cả vị linh mục ấy cũng không thể giúp đỡ tôi được bao nhiêu. Rõ ràng, Thiên Chúa muốn tôi tôn vinh Người bằng đau khổ.
Vị linh mục an ủi tôi khi bảo rằng trong hoàn cảnh hiện thời, tôi làm đẹp lòng Chúa hơn cả những khi được dạt dào ơn an ủi lớn lao. “Đó thật là một ơn vô cùng trọng đại, bởi vì trong tất cả những cực hình linh hồn chị đang trải qua, chị không hề làm mất lòng Thiên Chúa, mà còn gắng tập các nhân đức. Tôi nhìn vào linh hồn chị và thấy những chương trình vĩ đại cùng những ơn thánh đặc biệt của Chúa trong đó; và khi thấy điều này, tôi cám tạ Thiên Chúa”. Bất kể những điều ấy, linh hồn tôi vẫn trong tình trạng thảm sầu; và giữa những khổ hình không sao tả được, tôi cố gắng bắt chước người mù để tín thác vào sự hướng dẫn của Chúa, nắm thật chặt lấy tay Người, và không xa rời đức vâng lời một phút giây, đó là sự an toàn duy nhất của tôi trong cơn thử thách khắc nghiệt này.
69 (29) + Lạy Chúa Giêsu, Chân Lý hằng hữu, xin hãy củng cố những sức lực mỏng manh của con; Chúa ơi, Chúa có thể làm được mọi sự. Con biết nếu không có Chúa, mọi nỗ lực của con đều là vô ích. Lạy Chúa Giêsu, xin đừng ẩn nấp con nữa, vì con không thể sống được nếu thiếu Chúa. Xin hãy lắng nghe tiếng than van của hồn con. Lòng Thương Xót Chúa không cạn kiệt, lạy Chúa, xin dủ lòng thương đến nỗi khốn cùng của con. Lòng Thương Xót Chúa vượt quá trí hiểu của mọi thiên thần và loài người hợp lại; và như thế, mặc dù Chúa dường như không nghe tiếng con, nhưng con vẫn trọn niềm tín thác vào đại dương thương xót của Chúa, và con biết niềm cậy trông của con sẽ không bị dối lừa.
70 Chỉ một mình Chúa Giêsu mới biết mức độ gian truân và khó khăn chừng nào để chu toàn bổn phận trong lúc linh hồn chịu cay cực, sức lực bị yếu nhược, và tâm trí bị tăm tối. Trong cái lặng thinh của tâm hồn, tôi vẫn thưa lên: “Lạy Chúa Kitô, nguyện ước cho hoan lạc, danh dự, và vinh quang đều thuộc về Chúa, còn đau khổ là kỷ phần cho con. Con sẽ không chần chờ một bước trên đường theo Chúa, cho dù gai nhọn làm nhức nhối chân con”.
71 Tôi được gởi đến điều trị tại một tu viện của chúng tôi ở Plock, và tại đó, tôi được đặc ân trang hoàng nhà nguyện bằng những bông hoa. Đó là ở Biala. [36] Chị Thecla không tìm được thời giờ để làm việc này, thành ra tôi thường trang trí nhà nguyện một mình. Rồi một hôm, tôi cũng hái những đoá hồng đẹp nhất để trang trí phòng cho một người kia. Khi đi gần đến cổng vòm, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu đang đứng ở đó. Người dịu dàng hỏi tôi: Ái nữ của Cha ơi, con hái những đoá hoa này cho ai vậy? Cái nín thinh của tôi đã là câu trả lời cho Chúa, vì tôi nhận ra mình đã có một lưu luyến tinh tế với người này, [37]nhưng trước đó tôi không nhận ra. Bỗng nhiên, Chúa Giêsu biến đi. Vào lúc đó, tôi ném những đoá hoa xuống đất và đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tâm hồn tôi tràn ngập tri ân vì ơn được biết mình.
Ôi Thái Dương Thần Linh, trong ánh sáng của Chúa, linh hồn thấy được cả những hạt bụi làm phiền lòng Chúa.
72 (32) Lạy Chúa Giêsu, Chân Lý hằng hữu và Sự Sống của chúng con, con kêu lên Chúa và khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa cho các tội nhân khốn cùng. Ôi Trái Tim rất dịu hiền, lân tuất, và thương xót vô bờ, con van xin Chúa cho các tội nhân đáng thương.
Lạy Thánh Tâm cực thánh, nguồn mạch thương xót chiếu giãi những luồng sáng ân sủng tràn ngập trên toàn nhân loại, con van nài Chúa ban ánh sáng cho các tội nhân khốn cùng.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhớ lại cuộc Khổ Nạn thảm thương của Chúa và đừng để các linh hồn đã được cứu chuộc bằng giá Máu cực trọng của Chúa mà phải hư mất.
Lạy Chúa Giêsu, khi suy gẫm về giá chuộc quá đắt của Máu Thánh Chúa, con lại được vui mừng ngất ngây, vì chỉ một giọt mà thôi cũng quá đủ cho phần rỗi tất cả các tội nhân. Mặc dù tội lỗi là vực thẳm của sự độc dữ và vong ân, nhưng không bao giờ có thể sánh được với giá chuộc đã trả thay cho chúng con. Vì thế, ước chi mọi linh hồn hãy tín thác vào cuộc Khổ Nạn và trông cậy vào lượng thương xót của Chúa. Chúa không từ chối lòng thương với bất kỳ ai. Trời đất có thể đổi dời, nhưng lòng thương Chúa sẽ không bao giờ cạn kiệt. Chúa ơi! Một niềm hoan lạc mênh mang cháy lên trong tâm hồn con khi chiêm ngắm lòng nhân lành vô hạn của Chúa.
Ôi Chúa Giêsu, con mong ước đem mọi tội nhân đến bên chân Chúa để họ cũng được tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa cho đến muôn đời.
73 Lạy Chúa Giêsu của con, mặc dù đêm đen thăm thẳm đang bủa vây con tư bề và những bóng mây mù đang che mất chân trời, nhưng con biết Mặt Trời không bao giờ đi khỏi. Lạy Chúa, dù con không thấu hiểu được Chúa và cũng không nắm vững những đường lối Chúa, nhưng con vẫn tín thác vào Lòng Thương xót Chúa. Lạy Chúa, nếu thánh ý Chúa muốn con sống trong tăm tối như vậy mãi mãi, nguyện Chúa được chúc tụng. Con chỉ xin Chúa một điều, lạy Chúa Giêsu: đó là đừng để con xúc phạm đến Chúa cách nào. Lạy Chúa Giêsu của con, một mình Chúa biết những thao thức và những đớn đau của lòng con. Con vui mừng vì có thể chịu khổ vì Chúa, mặc dù ít ỏi.
Khi cảm thấy những đau khổ vượt quá sức mình, tôi đến nương náu nơi Chúa trong bí tích Thánh Thể, và thưa với Người trong thinh lặng sâu xa.
(31) Việc Xưng Tội của Một Học Sinh
74 Một ngày nọ, tôi cảm thấy bị thôi thúc phải lo liệu việc thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa và nhờ vẽ bức hình Chúa Thương Xót, và tôi không sao tìm được một chút bình an. Một cái gì đó bao trùm hữu thể tôi, và tôi sợ mình bị ảo tưởng. Tuy nhiên, những nghi ngờ này lúc nào cũng từ bên ngoài, bởi vì từ nơi sâu thẳm trong linh hồn, tôi cảm thấy chính Chúa là Đấng đang thấu nhập hữu thể tôi. Vị linh mục giải tội lúc đó cho tôi biết con người thường gặp ảo tưởng, và tôi nhận ra ngài có phần sợ giải tội cho tôi. Đây là một cực hình đối với tôi. Thấy mình nhận được quá ít trợ lực của người đời, tôi càng hướng về Chúa Giêsu, vị Tôn Sư tuyệt vời. Một lần kia, vì quá nghi ngờ, không biết những lời tôi nghe được có phải xuất phát từ Chúa hay không, tôi thưa chuyện với Chúa Giêsu trong lòng, nhưng không thốt ra lời. Thình lình một sức mạnh nội tâm xâm chiếm tôi khiến tôi thưa lên: “Nếu Đấng đang thông hiệp với con và trao đổi với con thực sự là Thiên Chúa của con, con nài xin Chúa, lạy Chúa, hãy làm cho người học sinh nội trú này đi xưng tội ngay hôm nay; dấu chỉ này sẽ giúp con an lòng”. Ngay lúc đó, người thiếu nữ kia xin đi xưng tội.
Mẹ phụ trách lớp ngạc nhiên vì sự thay đổi đột ngột nơi thiếu nữ kia, nhưng Mẹ cũng cho mời ngay một vị linh mục, và thiếu nữ này xưng tội với lòng sám hối thành thực. Ngay lúc ấy, tôi nghe được một tiếng nói trong lòng: Bây giờ, con có tin vào Cha hay chưa? Và một lần nữa, một sức mạnh lạ lùng lại chiếm đoạt linh hồn tôi, làm cho tôi mạnh mẽ và an lòng đến độ ngạc nhiên vì sao tôi đã nghi ngờ đến thế, dù chỉ một giây phút.
75 Nhưng các mối nghi nan này bao giờ cũng từ bên ngoài mà đến, đưa tôi đến chỗ khép kín với bản thân mỗi ngày một hơn. Trong một lần cáo mình, tôi cảm thấy vị linh mục có vẻ bất an nên không trình bày tâm hồn, nhưng chỉ xưng tội với ngài mà thôi. Một vị linh mục không bình an với bản thân thì làm sao rọi chiếu bình an cho một linh hồn khác được.
Ôi các linh mục, các ngài là những ngọn nến soi chiếu linh hồn người ta, chớ gì ánh sáng của các ngài đừng bao giờ bị lu mờ. Lúc ấy, tôi hiểu thánh ý Chúa chưa muốn tôi thổ lộ tâm hồn hoàn toàn. Về sau, Chúa đã ban cho tôi ơn này.
76 (32) Lạy Chúa Giêsu, xin hướng dẫn tâm trí con, chiếm đoạt trọn vẹn hữu thể con, ấp ủ con trong nơi thẳm sâu của Trái Tim Chúa, và bảo vệ con trước những đợt tấn công của kẻ thù. Niềm hy vọng duy nhất của con là ở nơi Chúa. Xin Chúa hãy phán qua miệng con, để dù con là một sự xấu xa đích thực, cũng thấy mình được mạnh sức và khôn ngoan, hầu người ta nhận biết rằng công trình này là của Chúa và xuất phát từ Chúa.
Bóng Tối và Cám Dỗ
77 Tâm trí tôi trở nên mù mịt lạ kỳ; xem ra không một chân lý nào còn rõ ràng với tôi nữa. Khi người ta nói với tôi về Thiên Chúa, tâm hồn tôi nên như một tảng đá. Tôi không thể kín múc được từ [những lời] ấy một cảm tình yêu mến để dâng cho Chúa. Khi cố gắng bằng hành vi ý chí để sống mật thiết với Chúa, tôi cảm nghiệm những cực hình khủng khiếp, và dường như tôi đang làm Thiên Chúa thêm thịnh nộ. Tôi không thể nào nguyện gẫm được như đã quen trước kia. Tôi cảm thấy trong linh hồn một khoảng trống bao la và không thể lấy gì lấp đầy được. Tôi bắt đầu cảm thấy một cơn đói khát ngấu nghiến và mong mỏi Thiên Chúa, nhưng tôi nhìn thấy nỗi bất lực hoàn toàn của mình. Tôi cố gắng đọc chậm, từng câu một, và nguyện gẫm bằng cách đó, nhưng điều này cũng chẳng đi đến đâu. Tôi chẳng hiểu những điều tôi đọc.
Vực thẳm khốn nạn của tôi lúc nào cũng hiện ra trước mắt. Mỗi lần vào nhà nguyện để làm việc thiêng liêng, tôi lại trải qua những cực hình và những cám dỗ ghê rợn hơn nữa. Hơn một lần, trong suốt thánh lễ, tôi đã chiến đấu chống lại các tư tưởng phạm thượng chực bộc phát khỏi môi miệng. Tôi cảm thấy ghét cay ghét đắng các bí tích, và như thể chẳng được ích lợi gì từ đó cả. Chỉ vì vâng lời cha giải tội nên tôi mới thường xuyên lãnh thụ các bí tích, và sự vâng phục tối mặt này là con đường duy nhất để tôi bước theo và là niềm hy vọng sống còn cuối cùng cho tôi. Cha giải tội đã giải thích cho tôi rằng những thử thách này là do Thiên Chúa gởi đến, và trong tình trạng của tôi, không những tôi không xúc phạm đến Chúa mà còn làm đẹp lòng Người. (33) Ngài nói: “Đây là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa rất yêu thương và đặt nhiều tin tưởng nơi chị, bởi vì Người đang gởi cho chị những thử thách thế này”. Nhưng những lời ấy chẳng làm tôi nhẹ nhõm và dường như chẳng áp dụng được cho tôi chút nào.
Một điều làm tôi ngạc nhiên: sự kiện thường xảy ra là những cực hình kinh khủng làm tôi hết sức đau khổ kia bỗng nhiên biến mất khi tôi vào toà giải tội; nhưng khi vừa rời toà, thì tất cả những cực hình ấy lại chộp bắt lấy tôi một cách hung bạo hơn trước. Khi ấy, tôi thường sấp mặt trước Thánh Thể và lặp đi lặp lại lời này: “Mặc dù Chúa giết con, con vẫn tín thác nơi Chúa!” [x. G 13,15]. Dường như tôi sẽ chết giữa những thống khổ này. Nhưng đối với tôi, tư tưởng khủng khiếp nhất là đinh ninh rằng mình đã bị Thiên Chúa loại bỏ. Thế rồi những tư tưởng khác ập đến với tôi: Tại sao phải cố gắng đắc thủ các nhân đức và làm những việc lành? Tại sao lại phải hành xác và huỷ mình? Khấn dòng, cầu nguyện, hy sinh và bỏ mình được ích gì? Tại sao lúc nào cũng phải hy sinh bản thân? Được ích gì - nếu như tôi đã bị Thiên Chúa ruồng bỏ? Tại sao lại phải thực hiện những cố gắng này? Và ở đây, chỉ mình Thiên Chúa mới biết những gì đang diễn ra trong tâm hồn tôi.
78 Một lần kia, khi bị đè bẹp dưới những đau khổ ghê rợn này, tôi vào nhà nguyện và thân thưa với Chúa tận đáy lòng: “Xin Chúa hãy thực hiện những gì Chúa muốn nơi con, lạy Chúa Giêsu; con xin thờ phượng Chúa trong mọi sự. Nguyện thánh ý Chúa được nên trọn nơi con, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca ngợi Lòng Thương Xót của Chúa”. Nhờ hành vi suy phục này, những cực hình khủng khiếp kia đã rời bỏ tôi. Bỗng nhiên, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu, Người nói với tôi: Cha luôn ngự trong trái tim con. Một niềm vui khôn xiết tràn ngập linh hồn tôi, và tình yêu Thiên Chúa bao la lại nung đốt tâm hồn tôi. Tôi thấy rằng Thiên Chúa không bao giờ thử thách quá sức chúng ta. Ô, tôi không sợ hãi gì cả, nếu Thiên Chúa gởi đau khổ lớn lao cho một linh hồn, thì Người sẽ nâng đỡ bằng một ân sủng còn lớn lao hơn, mặc dù chúng ta không nhận ra được điều ấy. Một hành vi tín thác trong những giờ phút ấy đem lại vinh quang rạng ngời cho Thiên Chúa hơn là tất cả những giờ cầu nguyện êm đềm khác trôi qua trong an ủi. Giờ đây, tôi thấy nếu Thiên Chúa muốn để một linh hồn trong bóng đêm, thì không sách vở nào, không cha giải tội nào có thể đem lại ánh sáng cho nó được.
79 (34) Lạy Mẹ Maria là Từ Mẫu và là Tôn Chủ của con, con xin dâng Mẹ linh hồn và thân xác, cuộc sống và cái chết cùng tất cả những gì sau đó của con. Con xin phó dâng mọi sự trong tay Mẹ. Ôi Hiền Mẫu của con, xin Mẹ bảo bọc linh hồn con dưới áo choàng khiết trinh của Mẹ, và ban ơn để con có trái tim, linh hồn và thân xác trắng trong.
Xin hãy dùng sức mạnh của Mẹ mà bảo vệ con khỏi mọi kẻ thù, nhất là những người che đậy ác tâm của họ sau mặt nạ nhân đức. Ôi Bông Huệ khả ái, Mẹ là tấm gương cho con, ôi Từ Mẫu của con!
80 Lạy Chúa Giêsu, Thiên Chúa chịu giam cầm vì yêu! Khi con suy về tình yêu Chúa và Chúa đã huỷ mình vì con như thế nào, các giác quan của con hoá ra bất lực. Chúa đã che giấu vẻ uy linh cao vời của Chúa và hạ mình đến chỗ đớn hèn là con. Lạy Vua Vinh Hiển, dù Chúa che khuất vẻ đẹp thần linh, nhưng mắt linh hồn con vẫn xé toang được bức màn. Con thấy các ca đoàn thiên thần không ngừng tôn vinh, các quyền thần không dứt tiếng chúc tụng và tung hô: Thánh, Thánh, Thánh...
Ôi, nào ai hiểu được khối tình yêu và Lòng Thương Xót vô tận của Chúa dành cho chúng con! Lạy Đấng chịu giam cầm vì yêu, con xin nhốt trái tim đớn hèn của con trong nhà tạm này để được tôn thờ Chúa suốt ngày đêm. Con biết không có gì ngăn trở việc tôn thờ này, mặc dù thân xác cách biệt, nhưng tâm hồn con luôn ở bên Chúa. Không gì có thể làm ngơi tình mến con dâng lên Chúa. Không còn một cản ngăn nào đối với con nữa. Lạy Chúa Giêsu của con, con sẽ an ủi Chúa về mọi vô ơn, lộng ngôn, nguội lạnh, thù hận và phạm thánh của các kẻ dữ. Lạy Chúa Giêsu, con muốn được toàn thiêu như một lễ vật tinh tuyền và tiêu tan trước toà Chúa ẩn thân. Con không ngừng kêu nài Chúa cho các linh hồn tội lỗi đáng thương.
81 Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, Thiên Chúa Nhất Thể Bất Phân, nguyện Chúa được chúc tụng vì tặng ân và giao ước tuyệt vời này của Lòng Thương Xót. Lạy Chúa Giêsu của con, để đền thay những kẻ lộng ngôn, con sẽ nín lặng khi bị trách mắng bất công, và qua đó đền tạ phần nào cho Chúa. Trong linh hồn con, con vẫn hát dâng Chúa một khúc ca bất tận, không ai ngờ đến hoặc hiểu được điều này. Khúc ca của linh hồn con chỉ mình Chúa biết, lạy Đấng Tạo Hoá và Thiên Chúa của con!
82 (35) Con sẽ không để bị lôi cuốn vào cơn lốc công việc đến độ quên Chúa. Con sẽ tận dụng mọi giờ phút rảnh rỗi để quấn quít bên chân Thầy chí thánh ẩn ngự trong bí tích Thánh Thể.
Người vẫn dạy dỗ cho tôi suốt từ những năm tháng thời ấu thơ của tôi.
83 Con hãy viết điều này: Trước khi đến trong tư cách Thẩm Phán chí công, Cha sẽ đến trong tư cách Vua Tình Thương. Trước ngày phán xét, một dấu chỉ trên trời sẽ được ban cho mọi người:
Tất cả ánh sáng trên trời sẽ bị tắt đi, và bóng tối kinh khủng sẽ bao trùm toàn thể địa cầu. Bấy giờ, người ta sẽ nhìn thấy hình Thánh Giá trên bầu trời, và từ các thương tích mở ra trên tay và chân Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh sẽ có những luồng sáng chói chang chiếu toả địa cầu trong một thời gian. Điều này sẽ xảy ra trước ngày sau hết.
84 Lạy Máu và Nước đã trào ra từ Trái Tim Chúa Giêsu như suối nguồn thương xót chúng con, con tín thác nơi Chúa!
Vilnius, ngày 2 tháng 8 năm 1934
85 Vào thứ Sáu, sau khi hiệp lễ, thần trí tôi được đưa đến trước ngai Thiên Chúa. Ở đó, tôi nhìn thấy các quyền thần không dứt lời tán dương Thiên Chúa. Bên kia ngai toà, tôi nhìn thấy một vầng sáng mà các thụ tạo không thể đến gần, và ở đó chỉ có Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Trung Gian của chúng ta. Khi Chúa Giêsu bước vào vầng sáng ấy, tôi được nghe những lời này: Con hãy ghi lại ngay những gì nghe được: Cha là Thiên Chúa tự yếu tính, siêu vượt các trật tự hoặc các nhu cầu. Nếu Cha gọi các thụ tạo ra hiện hữu - đó là vì vực thẳm nhân lành của Cha. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra mình đang quỳ trong nhà nguyện như trước, đúng lúc thánh lễ vừa kết thúc. Và tôi cũng đã ghi xong những lời này.
86 + [Một lần kia] khi tôi nhìn thấy cha giải tội của tôi [có lẽ cha Sopocko] phải chịu đau khổ vì công việc Chúa đang định thực hiện qua ngài, nỗi sợ hãi bao trùm lấy tôi một lúc và tôi thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, đây là công việc của Chúa, thế mà Chúa nỡ đối xử như vậy (36) với ngài hay sao? Con thấy hình như Chúa đang gây khó cho ngài trong khi Chúa lại ban lệnh cho ngài thực hiện”.
Con hãy viết rằng ánh nhìn của Cha ngày đêm luôn dõi theo ngài, và Cha tha phép những gian nan này xảy đến là để tăng thêm công phúc cho ngài mà thôi. Cha ban thưởng không dựa vào thành quả, nhưng vào sự nhẫn nại và khó khăn người ta phải chịu vì Cha.
Vilnius, ngày 26 tháng 10 năm 1934
87 Thứ Sáu, lúc sáu giờ kém mười, khi cùng với một số học sinh của chúng tôi [38] từ ngoài vườn trở về dùng bữa tối, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu trên nhà nguyện của chúng tôi, giống như lúc Người hiện ra lần đầu với tôi và trong bức hình. Hai luồng sáng từ Trái Tim Chúa Giêsu chiếu giãi nhà nguyện và phòng y tế, và sau đó lan toả khắp thành phố và toàn thế giới. Hiện tượng này kéo dài chừng bốn phút, và sau đó biến đi. Một thiếu nữ trong nhóm cùng đi với tôi, đi sau những người khác một chút, cũng thấy những ánh sáng này, nhưng không được nhìn thấy Chúa Giêsu và không biết ánh sáng ấy từ đâu mà đến. Em quá xao xuyến nên đem kể cho các thiếu nữ khác. Họ nhao lên cười nhạo, cho là tưởng tượng hoặc là ánh sáng phản chiếu của một phi cơ bay qua. Nhưng em nằng nặc cả quyết chưa từng nhìn thấy những luồng sáng như thế bao giờ. Khi những thiếu nữ khác nói rằng có lẽ đó là ánh sáng của một đèn pha, em cho biết em quá biết ánh sáng đèn pha, còn ánh sáng này thì chưa bao giờ nhìn thấy.
Sau bữa tối, thiếu nữ ấy đến bên tôi và kể lại em rất xúc động vì những luồng sáng đến nỗi không thể giữ kín và muốn nói cho mọi người cùng biết. Tuy nhiên, em không được nhìn thấy Chúa Giêsu. Em cứ kể cho tôi về những luồng sáng ấy khiến tôi khó xử vì không thể cho em biết rằng chính tôi đã được nhìn thấy Chúa Giêsu. Tôi cầu nguyện cho em và xin Chúa ban cho em những ân sủng cần thiết. Lòng tôi vui mừng vì Chúa Giêsu đã chủ động tỏ mình ra, cho dù trong trường hợp hành động như thế, Người đã gây phiền hà cho tôi. Nhưng dù sao, vì Chúa Giêsu, chúng ta có thể chịu đựng bất cứ điều gì.
88 (37) + Trong giờ chầu, tôi cảm thấy Thiên Chúa rất gần gũi bên mình. Một lúc sau, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Khi nhìn thấy hai Đấng, tôi được tràn ngập niềm vui và tôi hỏi Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, thánh ý Chúa thế nào về điều cha giải tội đã truyền cho con hỏi Chúa?”. Chúa Giêsu đáp: Thánh ý Cha là ngài nên ở lại đây và không nên tự miễn chước cho mình. Tôi hỏi Chúa Giêsu có thể ghi hàng chữ: “Cha là Vua Thương Xót”, nhưng Người không dùng lại chữ “Kitô”. Cha ước mong bức hình này được trưng bày công khai vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh. Chúa Nhật ấy sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót của Cha. Qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Cha tỏ ra cõi sâu khôn dò lòng nhân lành của Cha.
89 + Thật lạ lùng, mọi sự đều xảy ra đúng như Chúa đã yêu cầu. Thực vậy, hôm ấy vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh [tháng 4 năm 1935], lần đầu tiên bức hình đã được đông đảo các tín hữu công khai thờ kính. Suốt ba ngày, bức hình đã được trưng bày và nhận được sự sùng kính công khai. Vì được trưng bày ngay trên một cửa sổ tại Ostra Brama [đền thánh Đức Mẹ trên Cổng Phía Đông dẫn đến thành phố Vilnius], nên từ rất xa đã có thể nhìn thấy bức hình. Tại Ostra Brama, trong ba ngày ấy, nghi lễ bế mạc năm thánh Cứu Độ đang được cử hành, kỷ niệm 1900 cuộc Khổ nạn của Chúa Cứu Thế. Giờ đây, tôi nhìn thấy công cuộc cứu độ gắn liền với công cuộc thương xót mà Chúa đang kêu gọi.
90 Một ngày kia, trong lòng tôi nhìn thấy cha giải tội của tôi phải đau khổ rất nhiều: các đồng bạn sẽ lìa bỏ cha trong lúc mọi người đứng lên chống đối cha, còn sức khoẻ phần xác của cha lại kiệt quệ. Con nhìn thấy cha như một chùm nho được chủ vườn chọn hái và rồi ném vào máy ép đau khổ. Thưa cha, linh hồn của cha đôi lúc ngập ngụa những nghi nan về công cuộc này và về con.
Thấy Chúa xem ra cũng chống lại cha, tôi hỏi sao Chúa lại xử với ngài như vậy, khác nào đặt các vật cản không cho ngài thực hiện những điều Chúa truyền cho ngài hoàn tất. Và Chúa phán với tôi: Cha xử với ngài như vậy để minh chứng công cuộc này là của Cha. Con hãy nói cho ngài (38) đừng sợ hãi; ánh nhìn của Cha ngày đêm luôn dõi theo ngài. Số hào quang làm nên triều thiên của ngài sẽ nhiều bằng số linh hồn được cứu vớt nhờ công cuộc này. Cha ban thưởng không dựa trên thành công, nhưng trên đau khổ vì công việc.
91 Lạy Chúa Giêsu của con, một mình Chúa biết những bách hại con đang phải chịu chỉ vì trung tín với Chúa và tuân theo những lệnh truyền của Chúa. Chúa là dũng lực của con; xin nâng đỡ để con có thể thực hiện những gì Chúa đòi hỏi. Tự mình con, con chỉ là hư vô, nhưng khi được Chúa phù trợ, mọi khó khăn không còn là gì đối với con nữa. Lạy Chúa, con có thể thấy rất rõ ràng từ khi linh hồn con lần đầu tiên được nhận biết Chúa, cuộc đời con đã là một cuộc chiến triền miên, ngày càng khốc liệt hơn.
Mỗi sáng, trong giờ nguyện gẫm, con chuẩn bị cho một ngày chiến đấu. Việc hiệp lễ bảo đảm cho con rằng con sẽ chiến thắng; và quả đúng như vậy. Con sợ hãi ngày mà con sẽ không được hiệp lễ. Bánh của Những Người Mạnh đem đến cho con tất cả dũng lực cần thiết để dấn bước trong sứ mạng và can trường chu toàn những điều Chúa đòi hỏi. Can trường và sức mạnh trong con không phải của con, nhưng là của Đấng ngự trong con - đó là Chúa Thánh Thể.
Lạy Chúa Giêsu của con, những hiểu lầm thật quá kinh hoàng; nhiều khi, nếu không nhờ Thánh Thể, chắc con không thể can đảm dấn bước trên đường Chúa đã vạch sẵn cho con.
92 Xỉ nhục là lương thực hằng ngày của tôi. Tôi biết tân nương sẽ phải chia sẻ mọi sự với tân lang; như vậy, chiếc áo phỉ báng của Người sẽ phủ lên thân tôi. Trong những lúc đầy đau khổ, tôi cố gắng nín lặng vì không tin vào lưỡi của mình, trong những lúc ấy, chiếc lưỡi có xu hướng biện minh cho bản thân, trong khi bổn phận nó là phải giúp tôi ca tụng Thiên Chúa về mọi phúc lành và ân huệ Người ban. Khi được rước Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi tha thiết xin Người dủ lòng đoái thương chữa lành lưỡi tôi để tôi không còn xúc phạm đến Chúa và người lân cận. Tôi muốn lưỡi tôi không ngừng ca tụng Chúa. Những sai lỗi của chiếc lưỡi thật kinh hồn. Linh hồn sẽ không đạt đến sự thánh thiện nếu không canh phòng chiếc lưỡi của mình.
93 (39) + Tóm Lược Giáo Lý Lời Khấn [39]
H: [Hỏi] Lời khấn là gì?
Đ: [Đáp] Lời khấn là một lời tự tình hứa với Chúa để thực hiện một hành vi trọn lành hơn.
H: Lời khấn có hiệu lực bắt buộc trong một vấn đề thuộc đối tượng của một giới luật hay không?
Đ: Có. Việc thực hiện một hành vi thuộc đối tượng giới luật mang một giá trị và công trạng kép; tuy nhiên, việc thiếu sót một hành vi như thế là một vi phạm và sự dữ kép, bởi vì khi lỗi phạm lời khấn, chúng ta phạm một tội vừa vi phạm giới luật, vừa vi phạm sự thánh.
H: Tại sao các lời khấn bậc tu trì lại có giá trị như thế?
Đ: Vì đó là nền tảng của nếp sống tu trì đã được Giáo Hội chuẩn nhận, trong đó, các phần tử liên kết với nhau trong một cộng đồng tu trì phải luôn phấn đấu đạt đến sự trọn lành bằng ba lời khấn thanh bần, thanh tịnh, tuân phục, và tuân giữ các quy luật của dòng.
H: “Phấn đấu đạt đến sự trọn lành” nghĩa là gì?
Đ: Phấn đấu đạt đến sự trọn lành không có nghĩa là đã đạt được sự hoàn thiện trong nếp sống tu trì, nhưng buộc chúng ta, với quy trách phạm tội, hằng ngày phải ra sức đạt đến sự trọn lành. Vì thế, một tu sĩ không muốn trở nên trọn lành là thiếu sót bổn phận chính yếu trong bậc sống của mình.
H: Lời khấn “trọng” là gì?
Đ: Lời khấn “trọng” mang tính tuyệt đối, vì thế, trong các trường hợp ngoại thường, chỉ mình Đức Thánh Cha mới có thể tháo chuẩn.
H: Lời khấn “đơn” là gì?
Đ: Lời khấn “đơn” không mang tính tuyệt đối, Toà Thánh vẫn tháo chuẩn và vô hiệu hoá những lời khấn trọn đời và những lời khấn hằng năm.
(40) H: Đâu là sự dị biệt giữa lời khấn với nhân đức?
Đ: Lời khấn liên quan đến những điều đòi buộc, với quy trách phạm tội; nhân đức vượt trên điều ấy và trợ giúp cho việc thực thi lời khấn; hơn nữa, khi vi phạm lời khấn là chúng ta đã sai lỗi và làm tổn hại nhân đức.
H: Các lời khấn bậc tu trì đòi buộc chúng ta đến mức nào?
Đ: Các lời khấn bậc tu trì đòi buộc chúng ta phải nỗ lực đắc thủ các nhân đức, hoàn toàn suy phục các bề trên và các quy luật có hiệu lực của dòng; như vậy; các tu sĩ hiến thân cho cộng đoàn, từ bỏ mọi quyền lợi và hoạt động của bản thân để hy sinh phụng sự Thiên Chúa.
Lời Khấn Thanh Bần
Khấn thanh bần là tự nguyện từ bỏ quyền lợi của cải hoặc quyền sử dụng các của cải với mục đích làm hài lòng Thiên Chúa.
H: Những đối tượng của lời khấn thanh bần là gì?
Đ: Đó là tất cả của cải và những vật dụng liên quan đến cộng đoàn. Chúng ta không còn quyền trên bất cứ thứ gì đã được ban cho chúng ta, một khi đã được lãnh nhận, dù là vật dụng hay tiền bạc. Tất cả những của biếu tặng và quà cáp - dù chúng ta nhận được do lòng biết ơn hoặc vì một nguyên nhân nào khác - đều thuộc về quyền lợi của cộng đoàn. Chúng ta không thể sử dụng những lương tiền chúng ta nhận được do công việc hoặc trợ cấp mà không vi phạm lời khấn.
H: Khi nào chúng ta lỗi hoặc vi phạm lời khấn nhưng liên quan đến giới răn thứ bảy?
Đ: Chúng ta vi phạm khi không có phép mà thủ đắc bất cứ của gì thuộc về nhà dòng; khi không có phép, mà giữ lại của gì để chiếm dụng; và khi không được uỷ quyền, mà mua bán hoặc đổi chác những của cải thuộc về cộng đoàn. Chúng ta vi phạm khi sử dụng một vật không đúng với mục đích bề trên đã đề ra; khi cho hoặc nhận bất cứ của gì mà không có phép; khi vì chểnh mảng mà làm hư hại một vật gì; mang theo vật gì khi di chuyển từ nhà này sang nhà khác mà không có phép. Khi lời khấn bị vi phạm, tu sĩ (41) buộc phải bồi thường cho cộng đoàn.
Nhân Đức Thanh Bần
Đây là một nhân đức Phúc Âm, đòi buộc linh hồn phải siêu thoát với những sự vật đời này; các tu sĩ vì đã tuyên khấn nên buộc phải tuân giữ nghiêm túc.
H: Khi nào chúng ta phạm tội nghịch nhân đức thanh bần?
Đ: Khi chúng ta ước ao điều gì trái nghịch với nhân đức này. Khi chúng ta dính bén với của cải và khi sử dụng những của dư thừa.
H: Nhân đức thanh bần có bao nhiêu cấp độ và những cấp độ ấy là gì?
Đ: Trong thực hành, nhân đức thanh bần của một tu sĩ có lời khấn gồm bốn cấp độ:
- không dùng của gì nếu không có sự đồng ý của bề trên (chất liệu của lời khấn);
- tránh dùng của cải dư thừa và bằng lòng với những vật dụng cần thiết (điều này liên quan đến nhân đức);
- vui lòng với những vật dụng kém chất lượng liên quan đến nhà ở, y phục, thực phẩm, vv... và trong lòng cảm nghiệm được niềm vui; vui vì được sống trong cảnh nghèo túng cùng cực.
Lời Khấn Thanh Tịnh
H: Lời khấn này đòi buộc chúng ta những gì?
Đ: Lời khấn này đòi chúng ta phải khước từ hôn nhân và xa tránh tất cả những gì giới răn thứ sáu và giới răn thứ chín ngăn cấm.
H: Một sai lỗi về nhân đức có phải cũng vi phạm lời khấn hay không?
Đ: Mọi sai lỗi nghịch nhân đức thanh tịnh cũng đồng thời vi phạm lời khấn thanh tịnh, bởi vì ở đây không có sự khác biệt giữa lời khấn và nhân đức như trong trường hợp khó nghèo và vâng phục. (42)
H: Mọi tư tưởng xấu có phải là tội không?
Đ: Không, không phải mọi tư tưởng xấu đều là tội; tư tưởng xấu chỉ trở thành tội khi có sự ưng thuận hoàn toàn của ý chí và sự ưng thuận ấy đi liền sau sự suy xét của lý trí.
H: Ngoài những tội lỗi nghịch đức thanh tịnh, còn điều gì cũng nguy hại cho nhân đức này nữa?
Đ: Việc thiếu cẩn trọng phòng các giác quan, trí tưởng tượng, các cảm xúc, các tình cảm thân mật đều gây tổn hại cho nhân đức.
H: Đâu là những phương thế để bảo toàn nhân đức này?
Đ: Việc tưởng nghĩ đến sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ giúp vượt thắng và chống lại những cám dỗ trong lòng mà không sợ hãi. Về các chước cám dỗ bên ngoài, hãy tránh dịp. Nói chung có bảy phương thế chính yếu sau đây: cẩn phòng giác quan; tránh dịp tội; tránh ở nhưng không; mau chóng xua đuổi các cơn cám dỗ; xa tránh tất cả, nhất là những tình cảm riêng tư; sống tinh thần khổ chế; và bày tỏ tất cả các cám dỗ với cha giải tội.
Ngoài ra, cũng còn năm phương thế khác giúp bảo toàn nhân đức này: khiêm tốn, có tinh thần cầu nguyện; nết na giữ con mắt; trung thành giữ luật; thành thực sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.
Lời Khấn Vâng Phục
Lời khấn vâng phục cao trọng hơn hai lời khấn kia. Quả thật, đó là một của lễ toàn thiêu. Lời khấn này còn cần thiết hơn nữa vì tạo lập và làm sinh động hội dòng.
H: Lời khấn vâng phục đòi buộc chúng ta những gì?
Đ: Với lời khấn tuân phục, tu sĩ hứa quyết với Thiên Chúa sẽ vâng phục các Bề Trên hợp pháp trong mọi sự các ngài đặt định theo luật dòng. Lời khấn tuân phục buộc các tu sĩ phải lệ thuộc vào bề trên theo luật định trong suốt đời và trong mọi công việc. Tu sĩ phạm tội trọng lỗi lời khấn tuân phục khi bất tuân mệnh lệnh được truyền (43) với hiệu lực đức tuân phục và hiệu lực của dòng.
Nhân Đức Tuân Phục
Nhân đức tuân phục còn đi sâu hơn lời khấn; bao gồm luật dòng, các quy định, và cả lời khuyên của các bề trên.
H: Phải chăng nhân đức tuân phục là điều thiết yếu đối với tu sĩ?
Đ: Nhân đức tuân phục là điều thiết yếu đối với tu sĩ đến độ giả như họ làm những việc lành nhưng nghịch với đức tuân phục thì những việc này cũng là điều dữ và không có công trạng.
H: Chúng ta có thể phạm tội trọng lỗi nhân đức tuân không?
Đ: Chúng ta phạm tội trọng lỗi nhân đức tuân phục khi khinh thị quyền bính hoặc mệnh lệnh của bề trên, hoặc khi vì hành vi không tuân phục của ta mà làm hại cho cộng đoàn trên phương diện tinh thần hoặc vật chất.
H: Những lỗi nào gây nguy hại cho lời khấn?
Đ: Để lòng thành kiến hoặc nuôi ác cảm với bề trên - xầm xì hoặc chỉ trích, chậm chạp và chểnh mảng.
Cấp Độ Tuân Phục
Chu toàn mau mắn và trọn vẹn - tức là vâng phục của ý chí, khi ý chí thuyết phục lý trí suy phục lời khuyên của bề trên. Thánh Inhaxiô đưa ra ba phương thế giúp tuân phục dễ dàng: luôn luôn nhìn nhận Thiên Chúa nơi bề trên của chúng ta, cho dù ngài là ai; hiểu ý lành cho mệnh lệnh hoặc lời khuyên của bề trên; chấp nhận mỗi mệnh lệnh như một lệnh truyền từ Chúa mà đến, không chất vấn hoặc xét nét. Phương thế tổng quát: khiêm tốn. Không có gì khó khăn đối với những người khiêm tốn.
94 (44) Lạy Thiên Chúa của con, xin đốt lửa tình yêu Chúa trong tâm hồn con để thần trí con không bị yếu nhược giữa những phong ba, đau khổ và thử thách. Chúa biết con yếu đuối nhường nào. Tình yêu có thể làm được mọi sự.
95 + Hiểu Biết Chúa Hơn và Nỗi Sợ Hãi của Linh Hồn
Lúc đầu, Thiên Chúa tỏ mình qua sự thánh thiện, đức công bình, và lòng nhân lành - tức là Lòng Thương Xót của Người. Linh hồn không nhận biết tất cả điều này ngay một lúc, nhưng từng chút một, như những tia chớp; tức là khi Thiên Chúa đến gần. Nhưng điều này không kéo dài lâu, bởi vì linh hồn không thể chịu nổi ánh sáng như thế. Trong giờ cầu nguyện, linh hồn cảm nhận được những tia chớp của ánh sáng này khiến nó không sao cầu nguyện được như trước kia. Linh hồn cố gắng hết sức để ép mình cầu nguyện như trước nhưng vô ích, nó hoàn toàn không còn khả năng để tiếp tục cầu nguyện như trước khi nhận được ánh sáng này. Ánh sáng này đã chạm đến linh hồn và sống động trong đó, không gì có thể dập tắt hay làm giảm đi được. Tia chớp tri thức Thiên Chúa này cuốn hút linh hồn và làm nó bừng cháy tình yêu Thiên Chúa.
Nhưng tia chớp này đồng thời cũng làm cho linh hồn được biết mình; linh hồn thấy tất cả nội tâm mình trong một ánh sáng siêu việt, và nó chỗi dậy trong tỉnh thức và kinh hãi. Tuy nhiên, linh hồn không ở mãi dưới những ảnh hưởng của sự kinh hãi, nhưng bắt đầu tự thanh luyện, khiêm tốn và tự hạ trước nhan Thiên Chúa. Những ánh sáng này càng chói chang và thường xuyên hơn thì càng xuyên thấu linh hồn và linh hồn trở nên tinh sạch hơn. Tuy nhiên, nếu như linh hồn trung thành và can đảm đáp ứng những ơn thánh đầu tiên ấy, Thiên Chúa sẽ ban dư đầy an ủi và hiến mình cho linh hồn đến độ có thể cảm nhận được. Có thể nói có những giây phút linh hồn tham dự vào hoan hưởng ân tình thân mật với Thiên Chúa; linh hồn tin đã đạt đến mức hoàn thiện được tiền định cho mình, bởi lẽ những khuyết điểm và bất toàn của linh hồn đang ngủ yên, và điều này khiến linh hồn tưởng chúng không còn nữa. Không còn gì là khó khăn, linh hồn sẵn sàng làm mọi sự. Linh hồn bắt đầu gieo mình vào Thiên Chúa và cảm hưởng những hoan lạc thần linh. Linh hồn được ân sủng mang đi và không nghĩ gì đến thời gian thử thách và thanh tẩy sẽ đến. Và quả thực, tình trạng này không kéo dài lâu. Những thời khắc khác sẽ mau đến. Tuy nhiên, tôi phải thêm rằng linh hồn vẫn có thể đáp ứng trung thành với ơn Chúa nếu như có được một cha giải tội từng trải để linh hồn có thể thổ lộ mọi sự.
96 (45) + Những thử thách Thiên Chúa gởi đến cho một linh hồn được Người ưu ái đặc biệt. Những thử thách và bóng tối; Satan.
Tình yêu linh hồn [đối với Thiên Chúa] vẫn chưa phải là thứ tình yêu mà Thiên Chúa muốn thấy. Linh hồn bỗng nhiên mất hết tri thức giác cảm về sự hiện diện của Thiên Chúa. Những khuyết điểm và bất toàn đủ loại chỗi dậy; và linh hồn phải chiến đấu mãnh liệt để chống lại. Tất cả mọi sai lỗi ngóc đầu dậy, nhưng sự cảnh tỉnh của linh hồn thật lớn lao. Ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trước kia nhường chỗ cho tình trạng lạnh lẽo và khô khan thiêng liêng; linh hồn không còn cảm hưởng gì nữa đối với các việc thiêng liêng; không thể cầu nguyện, dù theo cách thế cũ, hay theo cách thế mà linh hồn vừa mới bắt đầu cầu nguyện. Linh hồn vùng vẫy hết cách nhưng không sao được thoả nguyện. Thiên Chúa đã ẩn mặt và linh hồn không tìm được an ủi nơi các thụ tạo, mà cũng chẳng thụ tạo nào tìm ra cách để an ủi linh hồn. Linh hồn khắc khoải khát mong Thiên Chúa nhưng chỉ thấy nỗi khốn cùng của mình; nó bắt đầu cảm nhận ra phép công thẳng của Thiên Chúa; dường như linh hồn đã đánh mất mọi ân huệ Thiên Chúa ban cho; tâm trí mịt mù, tăm tối phủ đầy; những nỗi cực hình khôn xiết đã bắt đầu. Linh hồn cố gắng giãi bày tình trạng của mình cho cha giải tội nhưng không được thông cảm, mà còn bị một sự áy náy ngày càng gia tăng tấn công dữ dội. Satan bắt đầu ra tay.
97 Đức tin chao đảo dưới ảnh hưởng này; cuộc chiến đấu thật kinh hoàng. Linh hồn cố gắng hết sức để bám chặt lấy Thiên Chúa bằng một hành vi ý chí. Được phép của Thiên Chúa, Satan càng lộng hành: đức cậy và đức mến bị thử thách. Những cám dỗ này thật ghê rợn. Có thể nói Thiên Chúa nâng đỡ linh hồn trong thầm kín. Tuy linh hồn không nhận ra, nhưng nếu không có điều ấy, có lẽ linh hồn không thể đứng vững; và Thiên Chúa quá biết Người có thể tha phép những gì xảy đến với một linh hồn. Linh hồn bị cám dỗ đừng tin tưởng các chân lý mặc khải và đừng chân thành với cha giải tội. Satan rỉ rón: “Hãy xem, có ai hiểu ngươi đâu; tại sao lại tỏ lộ tất cả chuyện này làm gì?”. Những lời ấy làm linh hồn kinh hãi cứ văng vẳng bên tai, và dường như chính linh hồn cũng đang thốt ra những lời ấy để chống lại Thiên Chúa. Linh hồn thấy điều không muốn thấy, nghe điều không muốn nghe. Và thật kinh khủng nếu như linh hồn không có một cha giải tội từng trải! Linh hồn một mình ì ạch vác tất cả gánh nặng. Tuy nhiên, linh hồn phải nỗ lực hết sức để tìm cho được một cha giải tội kinh nghiệm, vì họ có thể quỵ ngã dưới sức nặng và đã đến sát bờ vực thẳm. (46) Tất cả những thử thách này rất nặng nề và gian nan. Thiên Chúa không gởi cho các linh hồn chưa được tiếp nhận vào nghĩa tình thân mật với Người và nếm hưởng những hoan lạc thiêng liêng. Hơn nữa ở đây, Thiên Chúa có những chương trình riêng mà chúng ta không sao hiểu thấu. Thiên Chúa thường chuẩn bị linh hồn như thế cho các chương trình và công cuộc lớn lao của Người trong tương lai. Chúa muốn thử luyện linh hồn như một thứ vàng tinh ròng. Nhưng đây chưa phải là kết thúc cuộc thử thách; còn một cuộc thử thách vượt trên các thử thách khác; linh hồn bị Thiên Chúa ruồng rẫy.
+ Cuộc Thử Thách trên Các Thử Thách, Bị Ruồng Bỏ - Tuyệt Vọng
98 Khi linh hồn khải thắng những cuộc thử thách trước kia, mặc dù có thể vấp ngã đây đó, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng và khiêm tốn kêu cầu Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin thương cứu kẻo con chết mất!”. Và linh hồn vẫn phải tiếp tục chiến đấu.
Tuy nhiên, đến lúc này, linh hồn còn bị chìm ngập giữa bóng đêm kinh hoàng. Linh hồn thấy nơi mình chỉ toàn tội lỗi. Nó cảm thấy hãi hùng, thấy đã bị Thiên Chúa loại bỏ hoàn toàn. Nó thấy mình là đối tượng bị Thiên Chúa ghét bỏ. Chỉ còn một bước chân nữa là linh hồn đến chỗ tuyệt vọng. Linh hồn cố gắng hết sức để tự vệ; ra sức khơi dậy niềm tin; nhưng lời cầu nguyện ấy biến nên một cực hình cho nó, dường như chỉ khiến cho Thiên Chúa thêm thịnh nộ. Linh hồn thấy mình chới với trên vách đá chót vót, sát bên bờ vực thẳm.
Linh hồn được lôi cuốn đến với Chúa nhưng lại cảm thấy bị cự tuyệt. Tất cả mọi đau khổ và cực hình thế gian này chẳng là gì nếu sánh với cảm giác mà linh hồn đang bị đẩy vào; tức là bị Thiên Chúa loại bỏ. Không ai làm cho linh hồn được khuây khoả; nó hoàn toàn cô độc; không được ai chở che. Linh hồn ngước mắt về thiên đàng, nhưng đinh ninh thiên đàng không có chỗ cho mình - đối với nó, tất cả đều đã mất mát. Linh hồn ngày càng lún sâu hơn vào tăm tối này đến tối tăm kia, dường như vĩnh viễn đã đánh mất Thiên Chúa là Đấng trước kia nó đã từng thiết tha yêu mến. Ý nghĩ đó là một cực hình không lời tả xiết. Nhưng linh hồn không đầu hàng và cố gắng vươn tầm nhìn về thiên đàng, nhưng vô ích! Điều này làm cho nỗi cực hình càng thêm ghê rợn hơn nữa.
(47) Nếu Thiên Chúa muốn giữ linh hồn trong cảnh tối tăm như thế thì không ai có thể đem lại ánh sáng cho nó được. Một cách sống động đầy kinh hoàng, linh hồn cảm thấy bị Thiên Chúa loại bỏ. Từ lòng nó phát ra những tiếng than não nề, thống thiết đến độ không một linh mục nào hiểu thấu, trừ phi chính ngài cũng từng trải qua thử thách như vậy. Trong thảm cảnh đó, thần dữ còn trút thêm thống khổ cho linh hồn và chế giễu: “Ngươi còn lì lượm trung thành nữa không? Phần thưởng cho ngươi đấy; ngươi nằm trong quyền lực của tao rồi!”. Nhưng Satan chỉ có thể chì chiết linh hồn đến mức độ Thiên Chúa cho phép mà thôi, vì Thiên Chúa biết chúng ta có thể chịu đựng đến đâu. Satan eo xèo: “Ngươi được những gì qua sự khổ chế và qua sự trung thành với luật dòng của ngươi nào? Tất cả những cố gắng ấy ích lợi gì đâu? Ngươi đã bị Thiên Chúa ruồng bỏ rồi!”. Hai tiếng ruồng bỏ trở thành một mồi lửa xuyên qua mọi tế bào thần kinh, thấu tận xuyên tuỷ. Nó xuyên thấu toàn thể hữu thể. Cơn thử thánh lên đến cực điểm. Linh hồn không còn tìm sự trợ giúp ở đâu nữa. Linh hồn co rúm lại với chính mình và không còn nhìn thấy gì nữa; như thế đã chấp nhận cực hình bị ruồng bỏ. Đây là giờ khắc tôi không còn lời gì để nói. Đây là cơn hấp hối của linh hồn.
99 Lần đầu tiên khi sắp sửa vào thời khắc ấy, tôi đã nhờ đức vâng lời thánh thiện mà thoát được. Mẹ Giám Tập nhận thấy dáng vẻ không ổn của tôi nên truyền tôi đi xưng tội, nhưng vị linh mục không hiểu tôi, và tôi cũng không nghiệm được sự thanh thản nào cả. Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những vị linh mục kinh nghiệm!
Khi tôi bày tỏ cho vị linh mục biết tôi đang trải qua những nỗi khổ hoả ngục, ngài nói ngài không hề lo lắng cho linh hồn tôi vì thấy đó là một ơn trọng Chúa ban. Nhưng tôi chẳng hiểu gì cả, ngay một tia sáng leo lắt để soi sáng cho linh hồn tôi mà cũng chẳng có.
100 Khi đó, sức lực thể lý của tôi cũng bắt đầu kiệt quệ, tôi không chu toàn được các nhiệm vụ của mình nữa. Tôi cũng không thể giấu được những đau khổ. Mặc dù không thốt ra một lời than vãn, nhưng dáng vẻ đớn đau trên gương mặt tôi đã bộc lộ hết. Mẹ Bề Trên cho tôi biết các chị em đến nói với Mẹ rằng, khi thấy tôi trong nhà nguyện, họ đã xúc động vì thấy tôi thê thảm. Vâng, mặc dù cố gắng hết sức, nhưng linh hồn vẫn không thể che giấu được nỗi khổ ấy.
101 Lạy Chúa Giêsu, chỉ mình Chúa biết linh hồn bị đắm chìm giữa tăm tối rên xiết thế nào giữa nỗi cực hình, và dù vậy, vẫn khao khát Chúa như một bờ môi khô lả khát nước. Linh hồn tàn lụi héo hắt; chết mà không chết; có thể nói là không sao chết được. Tất cả cố gắng của linh hồn đều không đến đâu; nó bị đè dưới một bàn tay mạnh mẽ. (48) Giờ đây, linh hồn nằm dưới quyền lực Đấng Chí Công. Mọi cám dỗ bên ngoài đều ngưng lại; mọi vật chung quanh đều im tiếng. Khác nào xác chết không còn tiếp xúc với vạn vật chung quanh: trót cả linh hồn nằm trong bàn tay của Thiên Chúa Công Thẳng, Thiên Chúa Ba-Lần-Thánh, - và bị loại bỏ muôn đời! Đây là giờ phút tột cùng, và chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thử thách linh hồn đến vậy, vì chỉ mình Người mới biết linh hồn có thể chịu đựng đến đâu.
102 Một lúc sau, một chị vào phòng và nhìn thấy tôi đã gần như chết. Chị hốt hoảng chạy tìm Mẹ Giám Tập, Mẹ đến và nhân danh đức vâng lời truyền cho tôi chỗi dậy khỏi mặt đất. Sức lực tôi liền phục hồi, tôi chỗi dậy, run rẩy. Mẹ Giám Tập nhận ra tình trạng linh hồn tôi và nói cho tôi biết về lòng nhân lành vô biên Thiên Chúa, Mẹ nói: “Này chị, chị đừng ngã lòng về sự gì cả. Tôi truyền điều này cho chị nhân danh đức vâng lời”. Sau đó, Mẹ còn nói thêm: “Này chị, bây giờ tôi thấy Thiên Chúa đang kêu gọi chị lên một cấp độ thánh thiện cao vời; Chúa muốn kéo chị đến gần bên Người, vì thế Người đã tha phép cho những điều này xảy đến với chị sớm sủa như vậy. Này chị, chị hãy trung thành với Thiên Chúa bởi vì đây là dấu cho thấy Người muốn chị có được một chỗ cao trọng trên thiên đàng”. Tuy nhiên, tôi chẳng hiểu gì về những lời ấy. (49) Khi vào nhà nguyện, tôi cảm thấy linh hồn như thể đã được giải thoát khoải mọi sự, như thể vừa mới từ bàn tay Chúa mà ra. Tôi nhận ra tính bất khả xâm phạm của linh hồn. Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ bé bỏng.
103 Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy Chúa trong lòng, Người phán với tôi: Hỡi ái nữ của Cha, đừng sợ, Cha ở với con. Ngay giây phút ấy, mọi tăm tối và cực hình đều biến mất, các giác quan tôi dạt dào niềm vui sướng khôn tả, [và] các tài năng của linh hồn tôi chứa chan ánh sáng.
104 Tôi muốn mói thêm, mặc dù linh hồn tôi đã ở trong những tia sáng tình yêu Thiên Chúa, nhưng các dấu vết cực hình quá khứ vẫn hằn lại trên thân xác tôi hai ngày nữa: mặt tái xanh như chết, cặp mắt thì đỏ ngầu. Chỉ mình Chúa Giêsu mới biết tôi đã chịu đựng những gì. Những điều tôi viết ra đây thật chẳng là gì so với thực tế. Tôi không thể diễn tả bằng ngôn từ; dường như tôi đã từ thế giới bên kia trở về. Tôi cảm thấy gớm ghét mọi thụ tạo; tôi nép sát vào Trái Tim Chúa như một con trẻ ôm bầu sữa mẹ. Giờ đây, tôi nhìn mọi sự đã khác xưa. Tắt một lời, tôi ý thức được những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong linh hồn tôi, và tôi nhờ đó mà sống được. Tôi rùng mình khi hồi tưởng cực hình đã qua. Có lẽ không sao tin nổi con người mà lại có thể chịu đựng đến thế nếu chính bản thân chưa từng trải nghiệm. Đây là một đau khổ thuần tuý tinh thần.
105 Tuy nhiên, giữa tất cả những đau khổ và chiến đấu, tôi vẫn không bỏ rước lễ. Có lần vì nghĩ không nên rước Chúa, trước giờ hiệp lễ, tôi đã đến gặp Mẹ Giám Tập và thưa rằng tôi không thể hiệp lễ, bởi thấy mình không nên làm thế. Nhưng Mẹ không ban phép cho tôi bỏ hiệp lễ, thành ra tôi cứ lên, và giờ đây tôi hiểu rằng nhờ đức vâng lời mà tôi đã được cứu thoát.
Mẹ Giám Tập sau đó cho biết tôi đã vượt qua những thử thách một cách chóng vánh như thế “chỉ vì đã vâng lời, chị à; chính nhờ sức mạnh đức vâng lời mà chị đã thắng vượt điều này một cách can đảm như thế”. Quả thực, chính Chúa đã đưa tôi ra khỏi nỗi cực hình, nhưng sự trung thành với đức vâng phục của tôi đã làm đẹp lòng Người.
106 Mặc dù đó là những điều kinh hãi, nhưng linh hồn không nên quá khiếp sợ, bởi Thiên Chúa không bao giờ thử thách chúng ta quá sức chịu đựng. Đàng khác, cũng có thể Chúa không bao giờ gởi cho chúng ta những đau khổ ấy, nhưng tôi viết điều này bởi vì nếu Chúa vui lòng để một linh hồn trải qua (50) những đau khổ ấy, thì họ không nên sợ hãi vì điều này tuỳ thuộc vào chính bản thân họ nếu họ trung thành với Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ không làm hại linh hồn bởi chính Người là tình yêu, và chính vì tình yêu vô cùng ấy mà Người đã đưa linh hồn ra hiện hữu. Tuy nhiên, giữa cơn đau khổ, chính tôi cũng chẳng hiểu ra điều này.
107 Lạy Chúa của con, con đã biết mình không thuộc về thế gian; lạy Chúa, Chúa đã trào đổ cho linh hồn con ý thức sâu xa về điều này. Con được hiệp thông với cõi trời nhiều hơn với cõi đất, mặc dù con không xao lãng với những bổn phận của mình.
108 Trong những thời gian ấy, tôi không có cha linh hướng mà cũng không được hướng dẫn gì cả. Tôi khẩn nài Chúa, nhưng Người vẫn không ban cho tôi một vị linh hướng. Chính Chúa Giêsu là Thầy Dạy của tôi ngay từ tấm bé cho đến lúc này. Chúa đồng hành với tôi qua những sa mạc và mọi hiểm nguy. Tôi thấy rõ ràng chỉ một mình Chúa có thể dìu dắt tôi băng qua những hiểm nguy nhường ấy một cách an lành, linh hồn tôi không bị hoen ố và thắng vượt những trắc trở gian nan một cách khải hoàn. Ra khỏi [...]. Về sau, Chúa mới ban cho tôi một cha linh hướng.
109 Sau những đau khổ ấy, linh hồn thấy mình trong tình trạng hết sức tinh sạch và thân mật với Thiên Chúa. Nhưng tôi xin thêm rằng ngay trong thời gian cực hình ấy, tuy ở bên Thiên Chúa, nhưng linh hồn lại bị mù. Cái nhìn của linh hồn bị chìm trong tăm tối, Thiên Chúa vẫn ở gần gũi với linh hồn đau khổ, nhưng tất cả bí mật là ở chỗ linh hồn chẳng nhận biết điều này. Thực vậy, linh hồn thừa nhận không những Thiên Chúa đã ruồng bỏ nó, mà nó còn là đối tượng gớm ghét của Người. Con mắt của linh hồn đau khổ thật mù loà biết bao! Khi tiếp xúc với ánh sáng thần linh, linh hồn khẳng định ánh sáng ấy không hề hiện hữu chỉ vì ánh sáng quá chói chang ấy đã làm cho linh hồn bị quáng. Tuy vậy, về sau, tôi biết Thiên Chúa đã ở gần gũi với một linh hồn trong những giây phút như thế hơn bao giờ hết, bởi vì nếu chỉ được trợ lực bằng ân sủng thông thường, ắt hẳn linh hồn không thể chịu nổi những thử thách này. Quyền toàn năng và ân sủng ngoại thường của Chúa nhất định phải hoạt động ở đây, vì nếu không linh hồn có lẽ đã thất bại ngay từ đau khổ ban đầu.
110 Lạy Tôn Sư chí thánh, điều xảy ra trong linh hồn con là công việc của riêng Chúa! Lạy Chúa, Chúa đã không ngần ngại để linh hồn con đứng bên bờ vực thẳm hun hút, khiếp hãi, và rồi gọi con trở về bên Chúa. Đây là những mầu nhiệm khôn thấu của Chúa.
111 (51) Giữa những cực hình nội tâm này, tôi đã cáo mình cả những sai lỗi vụn vặt nhất, linh mục lấy làm lạ vì tôi không phạm các lỗi nặng nên nói với tôi: “Nếu giữa những đau khổ mà chị trung thành được với Thiên Chúa thế này, điều đó cho tôi thấy rõ là Thiên Chúa đang nâng đỡ chị bằng một hồng ân đặc biệt, và việc chị không hiểu chuyện này hoá ra là một điều tốt đấy, chị ạ”. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cha giải tội cũng chẳng hiểu tôi và cũng chẳng giúp tôi nhẹ nhõm được trong những vấn đề này cho tới khi tôi gặp được cha Andrasz, và sau đó là cha Sopocko.
112 + Ít điều về việc xưng tội và các cha giải tội. Tôi sẽ chỉ nói về những gì bản thân đã trải qua và đã diễn ra trong linh hồn tôi. Trong những giờ phút ngoại thường này, có ba điều cản trở khiến linh hồn không thể kín múc được lợi ích từ việc xưng tội.
Thứ nhất: Cha giải tội thiếu hiểu biết những đường lối ngoại thường và tỏ ra ngỡ ngàng khi một linh hồn cho ngài biết những mầu nhiệm trọng đại Chúa đang thực hiện nơi họ. Sự ngỡ ngàng của ngài khiến linh hồn nhạy cảm phải sợ hãi vì thấy cha giải tội lưỡng lự nói lên ý kiến, và một khi linh hồn nhận ra thái độ ấy, thì họ cảm thấy bất an. Sau khi xưng tội, họ còn nhiều nghi nan hơn trước vì thấy cha giải tội cố gắng trấn an họ trong khi chính ngài thì lại bất an. Hoặc giống như trường hợp đã từng xảy ra với tôi: một cha giải tội, vì không thấu đạt các mầu nhiệm của linh hồn, nên đã từ chối giải tội, và tỏ ra sợ hãi khi thấy linh hồn đến toà cáo giải.
Một linh hồn trong tình trạng này làm sao có thể tìm được bình an trong toà cáo giải khi họ đã trở nên quá nhạy cảm với từng lời của vị linh mục? Theo thiển kiến của tôi, trong những thử thách đặc biệt Chúa gởi đến cho một linh hồn như vậy, nếu vị linh mục không hiểu được linh hồn thì nên hướng dẫn họ gặp một cha giải tội khác từng trải và khôn ngoan hơn. Nếu không, chính ngài phải tìm hiểu để cung cấp cho linh hồn ấy những gì họ cần, thay vì thẳng thừng từ chối không ban bí tích Xá Giải cho họ. Làm như thế là ngài xô linh hồn vào chỗ nguy hiểm trầm trọng; và không ít linh hồn đã từ bỏ con đường Chúa muốn họ phải theo. Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng, vì bản thân tôi đã từng trải qua. Chính tôi đã bắt đầu chao đảo; mặc dù được những ân huệ đặc biệt Chúa ban, và dù chính Chúa đã trấn an, nhưng lúc nào tôi cũng muốn được một ấn tín từ phía Chúa Giêsu.
(52) Thứ hai: Cha giải tội tỏ ra bất nhẫn và không cho linh hồn được giãi bày một cách thẳng thắn. Vì thế, linh hồn đành câm nín, không trình bày điều gì cả [mà đúng ra phải trình bày], và do đó không thu lượm được ích lợi. Tệ hơn nữa là khi cha giải tội, mặc dù thực sự không hiểu biết linh hồn, vẫn cứ thử thách họ. Thay vì giúp đỡ, vị linh mục lại làm hại linh hồn đương sự. Linh hồn nhận ra vị linh mục không hiểu biết họ, vì ngài không cho họ giãi trình cặn kẽ về những ân sủng cũng như nỗi khốn cùng của họ. Và như thế, việc thử thách hoá ra lệch hướng. Đối với một số thử thách mà tôi đã phải chịu, tôi chỉ còn nước phải phì cười.
Tôi xin giải thích rõ ràng hơn sự việc này như sau: cha giải tội là thầy thuốc của linh hồn, nhưng một thầy thuốc không hiểu biết bản chất căn bệnh thì làm sao có thể kê đơn phù hợp cho được? Không bao giờ ngài có thể làm được. Vì một mặt, thuốc không sinh công hiệu như ý muốn, hoặc là thuốc sẽ quá mạnh và làm cho bệnh tình nặng thêm, và lắm khi - lạy Chúa - còn gây ra tử vong nữa. Tôi đang nói về kinh nghiệm bản thân, vì trong một số trường hợp, chính Chúa đã phải trực tiếp đỡ nâng tôi.
Thứ ba: Cha giải tội nhiều khi coi thường những yếu tố nhỏ mọn. Trong đời sống thiêng liêng, không có gì là nhỏ mọn cả. Đôi khi một yếu tố xem ra tầm thường lại ẩn chứa một tiền đề đưa đến những hiệu quả quan trọng, và là tia sáng giúp cha giải tội hiểu biết thêm về linh hồn. Rất nhiều điều cơ bản về phương diện thiêng liêng tiềm ẩn dưới những điều nhỏ mọn.
Một toà nhà nguy nga không bao giờ có thể vươn cao nếu chúng ta vất bỏ hết những viên gạch vô nghĩa. Thiên Chúa đòi hỏi các linh hồn phải rất tinh sạch, và do đó Người cho họ thấm thía sâu xa về nỗi khốn cùng của họ. Được ơn trên soi sáng, linh hồn biết được điều gì đẹp lòng và điều gì không đẹp lòng Thiên Chúa. Tội lỗi tuỳ thuộc vào mức độ hiểu biết và ánh sáng trong linh hồn. Các bất toàn cũng tương tự như thế. Mặc dù linh hồn biết chỉ có tội lỗi đúng nghĩa mới liên hệ đến nhiệm tích Xá Giải, tuy nhiên, những lỗi nhỏ mọn đối với một linh hồn muốn nên thánh cũng có một tầm quan trọng, và cha giải tội không được coi nhẹ điều này. Sự kiên nhẫn và hiền từ của cha giải tội sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến những bí ẩn sâu xa nhất của một linh hồn. Linh hồn sẽ giãi bày cõi sâu thẳm của chính mình - có thể một cách vô thức - và cảm thấy được mạnh mẽ kiên cường hơn; họ chiến đấu can đảm hơn và cố gắng làm các việc tốt hơn vì biết sẽ phải tính sổ về những việc ấy.
(53) Tôi xin đề cập thêm một điều nữa liên quan đến các cha giải tội. Đôi khi, các ngài cũng có bổn phận phải dùng đến thử thách để luyện lọc và để biết chắc ngài đang làm việc với rơm, với sắt, hay với vàng ròng. Ba loại linh hồn trên đây đều cần những hình thức huấn luyện riêng biệt. Cha giải tội phải có một phán đoán lành mạnh về mỗi linh hồn - đây là điều tuyệt đối cần thiết - để biết họ có thể chịu đựng đến đâu trong từng thời gian, từng hoàn cảnh, hay từng trạng huống đặc biệt. Đối với tôi, về sau này, qua nhiều kinh nghiệm (tiêu cực), tôi mới vỡ ra rằng các ngài đã không hiểu tôi, nên tôi không giãi bày linh hồn và để cho sự bình an của mình bị khuấy phá. Đến mãi về sau, tất cả mọi ân sủng mới được uỷ thác cho phán đoán của một cha giải tội đầy khôn ngoan, hiểu biết và kinh nghiệm. Giờ đây, tôi đã biết phải làm gì trong một số những trường hợp đặc biệt.
113 Một lần nữa, tôi muốn đề cập ba điều với linh hồn quyết tâm cố gắng nên trọn lành và thu lượm kết quả từ việc xưng tội.
Điều thứ nhất - hết sức thành thực và cởi mở. Ngay cả một cha giải tội thánh thiện và khôn ngoan nhất cũng không thể miễn cưỡng đổ vào linh hồn những điều ngài muốn nếu nó không thành thực và cởi mở. Một linh hồn thiếu thành thực và che đậy sẽ liều gặp những nguy hiểm trong đời sống thiêng liêng, và chính Chúa Giêsu cũng không ban mình theo một mức độ cao vời cho linh hồn như thế, bởi vì Người biết nó cũng chẳng được ích lợi gì từ những ân sủng đặc biệt này.
Điều thứ hai - khiêm nhượng. Một linh hồn không hưởng được lợi ích tương đáng từ bí tích Giải Tội nếu không khiêm nhượng. Tính kiêu ngạo cầm giữ linh hồn trong cảnh tối tăm. Linh hồn không biết cách thế, mà cũng chẳng muốn tìm hiểu cho biết tường tận những vực thẳm khốn cùng của mình. Họ đeo một chiếc mặt nạ và tránh tất cả những gì lột mặt nạ của mình.
Điều thứ ba - vâng phục. Một linh hồn bất tuân sẽ không chiến thắng cho dù Chúa Giêsu đích thân ngồi giải tội cho họ. Cha giải tội từng trải nhất cũng chẳng ích lợi gì cho một linh hồn như thế. Linh hồn bất tuân liều gặp những nguy cơ lớn lao; họ không tiến bộ trên đường trọn lành, mà cũng chẳng thành công trong đời sống thiêng liêng. Thiên Chúa rộng ban những ân sủng của Người trên linh hồn, nhưng bắt buộc phải là linh hồn vâng phục.
114 (54) + Ôi, êm ái thay bài thánh ca của linh hồn giữa đau khổ! Toàn thể thiên đàng sung sướng nơi linh hồn này, nhất là khi họ đang được Thiên Chúa thử thách. Họ hát lên như than vãn nỗi niềm khát mong Thiên Chúa của mình. Vẻ đẹp của họ thật cao khiết vì phát xuất từ Thiên Chúa. Linh hồn dò dẫm băng qua miền rừng rậm của cuộc đời, bị đả thương vì tình yêu Thiên Chúa. Nhưng họ chỉ chạm một chân xuống đất mà thôi.
115 + Khi vượt qua những thử thách này, linh hồn sẽ khiêm nhượng thẳm sâu. Sự tinh sạch của họ thật đáng quý. Có thể nói linh hồn biết mà không cần suy tư về những gì phải làm và phải chịu đựng trong từng giây phút. Họ cảm nhận được cả cái chạm khẽ nhất của ân sủng và rất trung thành với Thiên Chúa. Họ nhận ra Thiên Chúa từ đằng xa và lúc nào cũng hoan hỉ trong Người. Họ nhận ra Thiên Chúa rất nhanh chóng nơi các linh hồn khác, và nói chung là trong cảnh vực sống của mình. Linh hồn này đã được chính Thiên Chúa thanh luyện. Thiên Chúa, Đấng Thuần Thần, đưa linh hồn vào cuộc sống thuần tuý thiêng liêng. Chính Thiên Chúa chuẩn bị và thanh luyện linh hồn trước tiên; tức là làm cho họ có khả năng hiệp thông mật thiết với Người. Linh hồn, trong trạng thái an nghỉ của tình yêu, hiệp thông trong tinh thần với Thiên Chúa. Họ thưa chuyện với Thiên Chúa mà không cần diễn tả qua các giác quan. Thiên Chúa ban tràn đầy ánh sáng cho họ.
Tâm trí được soi sáng nhìn thấy rõ ràng và phân biệt được những mức độ khác nhau trong đời sống thiêng liêng. Tâm trí nhận ra [tình trạng ấy] khi sự kết hợp với Thiên Chúa còn bất toàn: nơi đâu các giác quan còn dính dáng và tâm trí còn liên kết với các giác quan - chắc chắn đã được nâng cao và đặc biệt - thì nơi ấy vẫn chưa hoàn hảo. Có một cấp độ kết hợp với Thiên Chúa cao hơn và hoàn hảo hơn; đó là sự kết hợp trí năng. Ở đây, linh hồn an toàn hơn vì không vướng phải những ảo tưởng; đời sống tinh thần tinh tuyền hơn và sâu lắng hơn. Trong một cuộc sống mà các giác quan còn dính dáng thì vẫn còn nguy cơ ảo tưởng. Sự thận trọng phải có một vai trò quan trọng, cho linh hồn và cả cho cha giải tội. Rồi sẽ có những thời gian Thiên Chúa đưa linh hồn đến một tình trạng thiêng liêng thuần tuý. Các giác quan đều mù mịt và dường như đã chết. Linh hồn được gắn bó mật thiết với Thiên Chúa; ngụp lặn trong Thiên Tính; tri thức của nó được sung thực và hoàn hảo, chứ không phải rời rạc như trước kia, nhưng trọn vẹn và tuyệt đối. Linh hồn vui mừng ở điều này. Nhưng tôi muốn nói thêm nữa về những giờ phút thử thách; trong những giờ phút ấy, cha giải tội phải nhẫn nại với linh hồn như thế. Nhưng chính linh hồn cũng phải nhẫn nại với chính mình hơn nữa.
116 (55) Lạy Chúa Giêsu của con, Chúa biết linh hồn con trải qua những gì khi hồi tưởng về những nỗi khổ này. Con thường ngạc nhiên vì sao các thiên thần và các thánh lại cứ điềm nhiên khi thấy một linh hồn đau khổ đến thế. Tuy nhiên, các ngài dành cho chúng ta một tình yêu đặc biệt trong những giờ phút ấy. Linh hồn tôi thường than van cùng Thiên Chúa như một đứa trẻ kêu khóc ầm ĩ khi được mẹ lau mặt cho nhưng lại không nhận ra bà. Lạy Chúa Giêsu của con, nguyện chúc danh dự và vinh quang đều thuộc về Chúa trong những thử thách tình yêu này! Vĩ đại và bao la thay lòng xót thương của Chúa. Tất cả những gì Chúa đã định cho linh hồn con, lạy Chúa, đều thấm đẫm lượng thương xót của Chúa.
117 Tôi cũng sẽ đề cập ở đây rằng những ai đang sống với một người như thế không nên gây thêm cho họ những đau khổ bên ngoài nữa; quả thật, khi chén của linh hồn đã đầy, chỉ cần thêm một giọt nhỏ cũng là quá nhiều, và chén đắng sẽ tràn. Và ai sẽ phải trả lẽ cho một linh hồn như thế? Chúng ta ý tứ đừng gia thêm đau khổ cho người khác, bởi vì như thế là mất lòng Chúa. Nếu chị em hay bề trên nào đã biết, hoặc thậm chí còn nghi ngờ, về một linh hồn đang đau khổ vì thử thách như thế, mà còn gây thêm đau khổ cho họ thì phạm tội nặng nề, chính Thiên Chúa sẽ đòi họ phải trả lẽ cho một linh hồn như thế. Ở đây, tôi không nói đến các trường hợp tự bản tính là tội, nhưng về những điều không phải là tội. Chúng ta hãy cảnh giác đừng chất thêm gánh nặng cho một linh hồn như thế. Đây là một lỗi nặng và thường gặp trong đời sống tu trì; tức là khi thấy một linh hồn đau khổ, chúng ta luôn luôn muốn chất thêm đau khổ cho họ. Tôi không nói mọi người, nhưng cũng có một số người hành xử như thế. Chúng ta tự tiện đưa ra đủ thứ xét đoán, và cứ lặp đi lặp lại những lời ấy trong lúc lẽ ra nên im lặng thì tốt hơn.
118 Cái lưỡi là một cơ phận nhỏ bé, nhưng lại làm những điều lớn lao. Một tu sĩ không giữ thinh lặng thì chẳng bao giờ đạt đến thánh thiện; tức là không bao giờ nên thánh. Tu sĩ ấy đừng tự làm “loãng” mình - trừ khi chính Thánh Thần Thiên Chúa qua tu sĩ ấy mà lên tiếng, chỉ khi ấy, tu sĩ không được câm nín. Nhưng để nghe được tiếng Chúa, người ta phải giữ tĩnh lặng trong linh hồn và thinh lặng bên ngoài; không phải sự thinh lặng ủ dột, nhưng là sự tĩnh lặng nội tâm; tức là việc tưởng nhớ đến Chúa. Người ta có thể nói rất nhiều mà không phá vỡ sự tĩnh lặng, và ngược lại, có thể nói rất ít mà vẫn thường xuyên phá vỡ sự tĩnh lặng. Ôi, sự thiệt hại do việc phá thinh lặng gây ra thật không sao bù đắp được! (56) Chúng ta gây ra rất nhiều thiệt hại cho người lân cận, và thậm chí cho cả bản thân chúng ta.
Theo thiển ý và theo kinh nghiệm của tôi, luật giữ thinh lặng phải giữ vị trí hàng đầu. Thiên Chúa không ban mình cho một linh hồn lắm miệng, họ như một con ong đực trong một tổ, ồn ào mọi nơi mà không chịu hút mật. Một linh hồn lắm miệng sẽ rỗng tuếch nội tâm. Họ thiếu cả những nhân đức thiết yếu và sự thân mật với Thiên Chúa. Một đời sống nội tâm sâu xa, một cuộc sống bình an, và một nếp sống tĩnh lặng là những nơi có Thiên Chúa ngự trị là một vấn đề không cần bàn luận thêm nữa. Một linh hồn náo động, quấy phá sự tĩnh lặng của người khác, là một linh hồn không bao giờ nếm hưởng được sự ngọt ngào của sự tĩnh lặng nội tâm. Tôi đã thấy nhiều linh hồn dưới những tầng sâu hoả ngục vì chỉ không giữ thinh lặng; họ cho tôi biết như thế khi tôi hỏi về nguyên nhân trầm luân của họ. Đây là linh hồn của các tu sĩ. Lạy Chúa tôi, thật đớn đau khi nghĩ rằng lẽ ra họ đã được lên thiên đàng, mà còn là những vị thánh nữa! Lạy Chúa Giêsu, xin dủ lòng thương xót!
119 Tôi run giùng khi nghĩ đến phải trả lẽ về cái lưỡi của mình. Có sự sống mà cũng có sự chết ở nơi cái lưỡi. Đôi khi chúng ta giết người bằng lưỡi: Chúng ta là những kẻ giết người thật sự. Thế mà chúng ta vẫn coi đó là chuyện nhỏ hay sao? Tôi thực sự không hiểu nổi những lương tâm như thế. Tôi biết một chị kia khi nghe biết người ta xì xèo về một điều nọ của mình, chị liền ngã bệnh trầm trọng. Chị đã mất rất nhiều máu và khóc lóc rất nhiều, đưa đến hậu quả vô cùng thê thảm. Không phải lưỡi gươm, mà là cái lưỡi đã gây nên tất cả điều ấy. Lạy Chúa Giêsu thinh lặng của con, xin thương xót chúng con!
120 Tôi đã nói loanh quanh về đề tài thinh lặng. Nhưng đó không phải là điều tôi muốn bàn đến, nhưng là cuộc sống của linh hồn với Thiên Chúa và việc đáp ứng ân sủng. Một khi đã được thanh luyện và giao tiếp thân mật với Thiên Chúa, linh hồn bắt đầu vận dụng tất cả sức lực trong mình để bước theo Người. Tuy vậy, linh hồn không thể tự sức làm được việc gì. Một mình Thiên Chúa liệu định mọi sự. Linh hồn biết và ý thức được điều đó. Họ vẫn còn trong chốn lưu đày và quá hiểu vẫn còn những ngày mây mù mưa bão, nhưng giờ đây, ắt hẳn linh hồn phải nhìn sự vật một cách khác hẳn trước kia. Linh hồn không tìm sự an tâm trong bình an giả tạo, nhưng sẵn sàng để chiến đấu. Linh hồn biết mình xuất thân từ dòng tộc chinh chiến. Giờ đây, linh hồn đã ý thức hơn về mọi sự. Linh hồn biết mình thuộc về dòng dõi vương giả nên lưu tâm đến tất cả những gì cao trọng và thánh thiện.
121 (57) + Sau những cuộc thanh luyện qua lửa ấy, Chúa sẽ trào đổ một thác ân sủng xuống cho linh hồn. Linh hồn hoan hưởng sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa. Họ được nhiều thị kiến, cả xác thể lẫn trí năng, nghe được nhiều tiếng nói siêu nhiên và đôi khi cả những mệnh lệnh rõ ràng. Mặc dù được những ân sủng này, nhưng linh hồn vẫn thấy chưa đủ. Thực vậy, xét ra cũng là kết quả ơn Chúa. Linh hồn thấy mình thiếu thốn hơn trước vì lúc này phải đương đầu với nhiều nguy hiểm và dễ dàng trở thành miếng mồi cho các ảo tưởng. Linh hồn phải nài xin Chúa ban cho một vị linh hướng; nhưng không phải chỉ cầu nguyện suông, mà còn phải gắng hết sức tìm cho được một vị hướng dẫn chuyên môn trong những vấn đề này, như một viên chỉ huy phải biết rõ những con đường dẫn quân ra trận. Một linh hồn kết hợp với Chúa phải được trang bị sẵn sàng cho những trận chiến dữ dội và hết sức gian truân.
+ Chúa sẽ ngự đến với linh hồn một cách đặc biệt sau những thanh luyện và nước mắt, nhưng linh hồn không phải lúc nào cũng hợp tác với ơn Chúa. Không phải vì linh hồn không sẵn lòng hợp tác, nhưng vì gặp quá nhiều khó khăn cả trong lẫn ngoài đến độ thực sự phải coi là một phép lạ nếu giữ được linh hồn trên những đỉnh cao ấy. Trong vấn đề này, linh hồn tuyệt đối cần phải có một vị linh hướng.
Người ta gieo hoài nghi vào linh hồn tôi, và chính tôi đôi lúc cũng hoảng sợ khi nghĩ rằng mình dù sao cũng là một con người ngu xuẩn, không hiểu biết bao nhiêu, nhất là về các vấn đề thiêng liêng. Khi những nỗi nghi ngờ gia tăng, tôi đã đi tìm ánh sáng nơi cha giải tội hoặc các vị bề trên. Nhưng tôi đã không đạt được điều mình trông đợi.
122 Khi tôi thổ lộ vấn đề cho các bề trên, một vị [có lẽ Mẹ Michael hoặc Mẹ Mary Joseph] đã hiểu biết linh hồn tôi và con đường Chúa muốn tôi đi. Tôi nghe theo lời khuyên của Mẹ và đã tiến bộ rất nhanh trên con đường trọn lành, nhưng việc này chẳng được bao lâu. Khi giãi bày linh hồn một cách tường tận hơn, tôi đã không đạt được điều mình mong ước; dường như vị bề trên cho rằng những ân huệ [mà tôi là đối tượng] ấy là điều hoang tưởng, thành ra tôi chẳng nhận thêm được sự trợ giúp nào nữa. Mẹ nói với tôi rằng không thể có chuyện Thiên Chúa kết tình nghĩa thiết với các thụ tạo của Người như thế: “Này chị, tôi sợ cho chị đấy; biết đâu đây không phải là một hình thức ảo tưởng nào đó! Tốt hơn chị nên tìm lời khuyên của một linh mục”. Nhưng cha giải tội cũng chẳng hiểu tôi, ngài nói: “Chị ơi, chị nên bàn hỏi những vấn đề này với các bề trên của chị thì hơn”. Thế là tôi đi từ các bề trên đến cha giải tội, rồi lại đi từ cha giải tội vòng về với các bề trên, thế mà cũng chẳng tìm được sự bình an. Những hồng ân linh thánh lại trở thành những đau khổ lớn lao cho tôi. Hơn một lần, tôi đã thẳng thắn bộc bạch cùng Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con sợ Chúa, có lẽ Chúa không phải là một ông ma đấy chứ?”. Lúc nào Chúa Giêsu cũng trấn an, nhưng tôi vẫn cứ hoài nghi. Tuy nhiên thật lạ lùng: tôi càng hoài nghi, Chúa Giêsu càng ban cho tôi nhiều bằng chứng cho thấy những việc này do Chúa mà ra.
123 + Khi thấy các bề trên không làm cho tâm trí tôi được thanh thản, tôi đã quyết định không nói gì về các vấn đề thuần tuý nội tâm này nữa. Bên ngoài, tôi cố gắng - như một nữ tu tốt lành - trình bày mọi sự cho bề trên, nhưng về nhu cầu tâm hồn tôi chỉ nói trong toà cáo giải. Dựa trên nhiều nguyên nhân rất xác thực, tôi biết rằng một người nữ không được mời gọi để phân định những mầu nhiệm thế này. Tôi đã để mình phải chịu nhiều đau khổ không cần thiết. Trong suốt một thời gian dài, tôi bị coi như một kẻ bị quỷ ám, bị nhìn bằng ánh mắt thương hại, và bề trên đã thực thi nhiều biện pháp phòng ngừa đối với tôi. Tin đồn đến tai tôi là các chị em đã coi tôi là một kẻ như thế. Và bầu trời vẫn còn u ám quanh tôi. Tôi bắt đầu lảng tránh các ơn này, nhưng điều ấy vượt quá sức tôi. Bỗng nhiên, tôi bị bao phủ trong tình trạng tịnh hiệp - ngược với ý tôi - tôi đã được chìm đắm trong Thiên Chúa, và Người đã giữ tôi trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Người.
124 Trong những thời gian đầu, linh hồn tôi lúc nào cũng có phần lo sợ, nhưng về sau, được tràn ngập một niềm bình an và sức mạnh lạ lùng.
125 + Tất cả những điều này vẫn có thể chịu đựng nổi. Nhưng khi Chúa truyền tôi phải vẽ bức hình ấy, người ta bắt đầu công khai nói và coi tôi là một người cuồng loạn, bị hoang tưởng, và những lời đồn thổi ấy ngày càng rõ hơn. Một chị đã đến nói riêng với tôi. Chị gợi chuyện bằng những lời thương lại: “Này chị, tôi nghe người ta nói chị là một người hoang tưởng, và chị có nhiều thị kiến. Người chị em đáng thương của tôi ơi, chị hãy giữ mình trong vấn đề này”. (59) Chị ấy rất chân tình, thành thực kể cho tôi nghe những gì chị đã biết được. Nhưng hằng ngày tôi vẫn phải nghe những chuyện như thế. Một mình Chúa biết phải mệt mỏi thế nào.
126 Tuy nhiên, tôi quyết tâm chịu đựng tất cả trong im lặng và không giải thích gì khi được hỏi. Một số người cảm thấy khó chịu vì sự nín lặng của tôi, nhất là những người tọc mạch. Một số khác chín chắn hơn đã nói: “Chị Faustina ắt phải rất thân mật với Chúa mới có sức chịu nhiều đau khổ như vậy”. Dường như tôi phải đương đầu với hai nhóm qua toà. Tôi ráng sức giữ thinh lặng trong ngoài, không nói gì về mình, ngay cả khi một số chị em đến hỏi thẳng. Cặp môi tôi được niêm lại. Tôi chịu đựng như một chú chim bồ câu, không hề than vãn. Nhưng một số chị em dường như thấy hứng thú trong việc làm khổ tôi theo khả năng của họ. Sự nhẫn nhục của tôi chọc tức họ. Nhưng Thiên Chúa đã cho tôi nhiều sức mạnh nội tâm để chịu đựng một cách bình lặng.
127 + Biết rằng không thể tìm được ai trợ giúp trong những giờ phút như thế này, tôi bắt đầu cầu nguyện và xin Chúa ban cho một cha giải tội. Ước mong duy nhất của tôi là có một vị linh mục nào đó nói với tôi thế này: “Chị hãy an lòng, chị đang đi đúng đường”, hoặc “Chị hãy vứt hết những thứ này đi vì chúng không xuất phát từ Chúa”. Nhưng tôi không sao tìm được một linh mục vững tin đủ để nhân danh Chúa mà cho tôi một ý kiến như thế. Và thế là sự phập phồng vẫn cứ còn mãi. Lạy Chúa Giêsu, nếu thánh ý Chúa muốn con sống mãi trong sự phấp phỏng này, nguyện thánh danh Chúa được chúc tụng! Lạy Chúa, con nài xin Chúa hướng dẫn linh hồn con và ở với con, vì con chỉ là hư vô.
128 Thế là tôi phải chịu xét đoán tư bề. Không có gì nơi tôi thoát được sự xét đoán của chị em. Nhưng giờ đây, dường như sau khi đã chán chê, họ bắt đầu để tôi yên. Linh hồn thê thảm của tôi tìm được một chút nghỉ ngơi, và tôi biết Chúa vẫn ở rất gần bên tôi trong những giờ phút bách hại như thế. Cuộc [đình chiến] này chỉ tạm ngưng một thời gian ngắn. Một trận cuồng phong khác lại nổi lên. Và lúc này, đối với họ, những sự ngờ vực trước kia đã trở thành những sự kiện có thật, và một lần nữa, tôi lại phải nghe những bài ca cũ. Có lẽ Chúa muốn như thế. Nhưng thật lạ lùng, ngay cả bề ngoài tôi cũng bắt đầu cảm thấy những sự thất bại (60) đủ thứ. Việc này kéo thêm nhiều thứ đau khổ đủ loại ập xuống trên tôi mà chỉ mình Chúa biết. Nhưng tôi cố gắng hết sức để chu toàn mọi việc với ý hướng thật ngay lành. Giờ đây, tôi có thể thấy mình đang bị theo dõi mọi nơi như một tên trộm; trong nhà nguyện; trong lúc đang chu toàn các bổn phận; trong phòng riêng. [40] Tôi biết hiện giờ, ngoài sự hiện diện của Thiên Chúa, tôi còn ở trước sự hiện diện nhân loại nữa. Và tôi phải nói, hơn một lần, sự hiện diện nhân loại này đã làm tôi hết sức khó chịu. Có những lúc tôi phải tự hỏi không biết có nên cởi đồ để tắm rửa hay không. Thực vậy, ngay cả chiếc giường đáng thương của tôi cũng nhiều lần bị lục lọi. [41] Hơn một lần, tôi đã phải nực cười vì biết họ thậm chí cũng không chịu để yên cho chiếc giường của tôi. Một chị cho tôi biết tối nào chị cũng đến phòng tôi để xem tôi ở trên giường như thế nào.
Tuy nhiên, bề trên vẫn là bề trên. Dù các ngài làm tôi nhục nhã và lắm khi còn gây cho tôi đủ loại hoài nghi, nhưng các ngài luôn ban cho phép tôi làm theo những điều Chúa truyền. Mặc dù không theo cách tôi xin, nhưng bằng một cách khác, các ngài đã làm trọn những yêu sách của Chúa và ban phép cho tôi thực hiện tất cả việc khổ hạnh và hãm mình mà Chúa yêu cầu.
Một ngày kia, một vị bề trên [có lẽ Mẹ Jane] đã nổi cơn tam bành và làm tôi nhục nhã đến độ nghĩ mình không thể chịu nổi. Mẹ nói rằng: “Cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, xéo khỏi cái phòng này ngay; đừng có mà nói vớ vẩn, chị kia!”. Mẹ tiếp tục trút xuống đầu tôi mọi thứ có thể nghĩ ra. Tôi về phòng riêng, gục mặt trước tượng thánh giá, rồi ngước nhìn lên Chúa Giêsu mà không sao thốt lên được nửa lời. Tuy nhiên, tôi giấu mọi chuyện không cho ai biết và giả bộ như không có gì xảy ra giữa chúng tôi.
129 Satan luôn luôn lợi dụng những giờ phút như thế; những tư tưởng chán chường bắt đầu nổi lên - đây là phần thưởng cho ngươi về sự trung thành và thực tâm của ngươi đấy. Làm sao có thể chân thành trong khi lại bị hiểu lầm như thế? Lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu, con không thể tiếp tục được nữa. Tôi lại ngã gục xuống đất dưới sức nặng, toát đẫm mồ hôi, và nỗi sợ hãi bắt đầu lấn lướt. Trong lòng, tôi không còn một ai để nương tựa. Đột nhiên, tôi nghe được một tiếng nói trong linh hồn: Đừng sợ; Cha ở với con. Và một ánh sáng soi chiếu tâm trí tôi, tôi đã hiểu rằng không nên đầu hàng trước những phiền sầu như thế. Tôi được đầy tràn sức mạnh và ra khỏi phòng với lòng can đảm mới mẻ để chịu đựng đau khổ.
130 (61) Tuy nhiên, tôi bắt đầu dở chứng phần nào lơ đểnh. Tôi không còn chú tâm đến những soi động nội tâm và tìm cách giải khuây. Nhưng bất chấp sự ồn ào và lơ đểnh ấy, tôi vẫn thấy những gì đang xảy ra trong linh hồn. Tiếng Chúa rất rõ ràng và không gì có thể bót nghẹt. Tôi bắt đầu lẩn tránh các cuộc gặp gỡ với Chúa trong linh hồn vì không muốn trở thành miếng mồi cho những ảo tưởng. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, Thiên Chúa vẫn đeo bám tôi bằng các ân huệ của Người; và thực sự tôi cảm nghiệm đắp đổi giữa cực hình với niềm vui. Ở đây, tôi không đề cập đến những thị kiến và ân sủng tràn trề Chúa đã ban cho tôi trong thời gian này, vì đã trình bày ở một nơi khác. [42]
131 Nhưng tôi chỉ đề cập ở đây những đau khổ đã lên đến tột cùng, và quyết định chấm dứt các mối nghi nan này trước khi vĩnh thệ. Trong suốt thời gian thử luyện, tôi cầu xin ơn soi sáng cho vị linh mục mà tôi sẽ giãi trình cặn kẽ tâm hồn. Tôi đã xin Chúa đích thân giúp đỡ và ban cho tôi ơn có thể trình bày hết mọi bí nhiệm giữa tôi với Người, và cho dù vị linh mục quyết định thế nào đi nữa, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận như từ Chúa Giêsu. Phán quyết của ngài về tôi thế nào không thành vấn đề, tất cả những gì tôi ước ao chỉ là sự thật và một câu trả lời dứt khoát cho các vấn đề. Tôi phó trót mình trong tay Chúa và [tất cả] những gì hồn tôi ước muốn chỉ là sự thật. Tôi không thể tiếp tục sống mãi trong tình trạng hoài nghi, mặc dù tận thâm tâm, tôi biết chắc những điều này là từ Chúa mà đến, và tôi sẵn sàng hiến mạng sống cho điều này. Tuy nhiên, tôi đặt ý kiến cha giải tội lên trên hết, quyết tâm làm theo điều ngài cho là tốt nhất và hành động theo lời khuyên của ngài. Tôi trông đợi giờ phút quyết định cho chiều hướng hoạt động trong quãng đời còn lại của mình. Tôi biết mọi sự sẽ tuỳ thuộc vào điều này. Những gì ngài nói với tôi có phù hợp hay đối nghịch hoàn toàn với những soi động của tôi đi nữa không thành vấn đề; điều này không còn là vấn đề đối với tôi nữa. Tôi chỉ muốn biết và muốn bước theo sự thật mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa có thể giúp con! Từ giây phút này, con đã làm lại từ đầu. Con giấu tất cả mọi ân sủng trong linh hồn con và chờ đợi vị được Chúa gởi đến cho con.
Trong lòng không chút nghi ngờ, tôi đã xin Chúa đoái thương trợ giúp trong giờ phút này, và một ơn can đảm đã ban xuống cho linh hồn tôi.
132 (62) Một lần nữa, tôi phải nói rằng có một số cha giải tội xem có vẻ là những vị linh hướng thực thụ, nhưng chỉ khi nào mọi việc đều suôn sẻ. Khi linh hồn thấy có nhu cầu nhiều hơn thì các ngài liền lúng túng, hoặc là không thể hoặc là không muốn hiểu biết về linh hồn này. Các ngài muốn tống khứ linh hồn ấy càng sớm càng tốt. Nhưng nếu cứ khiêm nhượng, linh hồn sẽ luôn luôn tìm được ích lợi bằng cách này hay cách khác. Đôi khi, chính Thiên Chúa cũng chiếu giãi một tia sáng vào những nơi kín nhiệm trong linh hồn vì sự khiêm nhượng và đức tin của họ. Cha giải tội cũng thỉnh thoảng nói ra một điều gì đó mà ngài không có chủ ý hoặc chính ngài cũng không ý thức. Ôi, chớ gì linh hồn hãy tin đó là những lời của chính Chúa Giêsu! Mặc dù chúng ta nên tin rằng mọi lời trong toà cáo giải là lời của Chúa, nhưng điều tôi vừa đề cập ở trên là điều trực tiếp phát xuất từ Chúa. Linh hồn nhận ra vị linh mục không tự tin đủ nên mới thốt ra lời ngài không muốn nói. Đây là cách Chúa tưởng thưởng cho lòng tin.
Chính tôi đã nhiều lần kinh nghiệm điều này. Có một vị linh mục rất uyên bác và đáng kính [có lẽ cha Wilkowski, linh mục giải tội cho các nữ tu tại Plock], đôi khi tôi tình cờ xưng tội với ngài trong toà cáo giải, lúc nào ngài cũng nghiêm khắc và chống đối các vấn đề [tôi kể cho ngài]. Nhưng có một lần nọ, ngài nói với tôi: “Này chị, chị hãy nhớ rằng nếu Thiên Chúa đang đòi hỏi chị điều này, thì chị không nên chống lại với Người. Đôi khi, Thiên Chúa muốn được chúc tụng chỉ bằng cách này mà thôi. Chị hãy an lòng; điều gì Thiên Chúa đã khởi sự, Người sẽ hoàn tất. Nhưng tôi nói với chị điều này: Hãy trung thành với Thiên Chúa và hãy khiêm nhượng. Một lần nữa: là hãy khiêm nhượng. Chị hãy nhớ cho kỹ những điều tôi nói với chị hôm nay”. Tôi cảm thấy hoan hỉ và tưởng rằng vị linh mục này có lẽ đã hiểu được tôi. Nhưng hoá ra sau đó tôi không bao giờ gặp ngài trong toà cáo giải nữa.
133 + Một lần kia, một vị bề trên có tuổi [có lẽ Mẹ Jane [43]] triệu tôi đến và trút xuống đầu tôi như thể những cơn lôi đình đến nỗi tôi không còn biết trời trăng gì nữa. Nhưng sau một lúc, tôi hiểu ra đó là về vấn đề mà tôi không kiểm soát được. Mẹ nói với tôi: “Chị kia, vứt ra khỏi đầu chị ngay, Chúa Giêsu mà lại tâm tình như thế với một kẻ bất toàn khốn nạn như chị đấy à! Chị hãy nhớ chỉ có các linh hồn thánh thiện mới được Chúa Giêsu kết thân như vậy mà thôi!”. Tôi công nhận Mẹ có lý vì thực sự tôi chỉ là một kẻ hư đốn, nhưng tôi vẫn tín thác vào lượng từ bi của Chúa. Khi gặp Chúa, tôi sấp mình và thân thưa: “Lạy Chúa Giêsu, hình như Chúa không kết giao thân mật với những phường xấu xa như con”. Hỡi ái nữ của Cha, hãy an lòng, chính qua sự khốn cùng như thế mà Cha muốn biểu hiện sức mạnh Lòng Thương Xót của Cha. Tôi hiểu ra vị bề trên này chỉ muốn huấn nhục cho tôi một trận [nhớ đời] mà thôi.
134 (63) + Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thử thách con quá nhiều trong cuộc đời ngắn ngủi của con! Con đã hiểu ra được nhiều, nhưng dù vậy, điều ấy vẫn làm cho con ngỡ ngàng. Ôi, phó thác toàn thân cho Thiên Chúa và để Người toàn quyền tự do hành động trong linh hồn ta thật là điều tốt lành biết bao!
135 Trong thời gian thử lần thứ ba, Chúa đã cho tôi hiểu rằng tôi nên hiến thân để Người có thể sử dụng tôi theo ý Người muốn. Tôi sẽ đến trước thánh nhan như một của lễ hiến tế. Lúc đầu, tôi hết sức kinh hoảng vì thấy mình quá khốn nạn và biết rõ trường hợp của mình. Một lần nữa tôi lại thưa Chúa: “Con là chính sự khốn nạn làm sao có thể trở nên của lễ đền bồi cho người khác?”. Nhưng Chúa Giêsu đáp: Hôm nay, con không hiểu điều này. Ngày mai, trong giờ chầu của con, Cha sẽ cho con hiểu. Trái tim tôi run rẩy, linh hồn tôi cũng thế, vì những lời Chúa đi sâu vào hồn tôi. Lời của Thiên Chúa đang sống động.
Đến giờ đi chầu, trong lòng, tôi cảm thấy mình đã tiến vào thánh điện Thiên Chúa hằng sống, uy nghi Người cao cả vô biên. Chúa đã tỏ cho tôi biết ngay những bậc thần thánh trong sạch nhất cũng chẳng là gì trước thánh nhan Người. Mặc dù tôi không thấy gì bên ngoài, nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa bao trùm lấy tôi. Ngay lúc đó, trí năng tôi được soi sáng một cách lạ thường. Một thị kiến đi qua con mắt linh hồn tôi giống như thị kiến của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Lúc đầu là các đau khổ thể lý và mọi hoàn cảnh chung quanh làm gia tăng thêm; rồi đến tất cả những đau khổ tinh thần và những đau khổ không ai biết đến. Mọi sự đều hiện ra trong cuộc thị kiến; những nghi ngờ, hiểu lầm, mất thanh danh. Ở đây tôi chỉ tóm lược, nhưng lúc bấy giờ tôi được biết rõ ràng đến nỗi những gì tôi phải trải qua sau này đều không có gì khác biệt với những điều tôi được nhận thức lúc ấy. Tên tôi sẽ là: “hy sinh”.
Khi thị kiến chấm dứt, vầng trán của tôi ướt đẫm mồ hôi lạnh. Chúa Giêsu cho biết rằng cho dù tôi không chấp nhận điều ấy, tôi vẫn được rỗi linh hồn; Chúa cũng không giảm bớt những ân sủng và vẫn tiếp tục mối tương giao mật thiết với tôi như trước để dù tôi không sẵn lòng thực hiện hy sinh này đi nữa thì lòng quảng đại của Thiên Chúa cũng không vì thế mà giảm bớt.
136 Và Chúa cho tôi biết toàn bộ mầu nhiệm ấy tuỳ thuộc vào tôi, với các tài năng của tôi được sử dụng hoàn toàn trong sự tự do chấp nhận hy sinh. Toàn bộ sức mạnh và giá trị trước uy nhan Chúa đều hệ ở hành vị tự do và ý thức này. Cho dù trong những điều tôi đã hiến thân chấp nhận không một điều nào xảy ra đi nữa, thì trước mặt Chúa, tất cả đều giống như đã được hoàn tất (64) rồi vậy.
Lúc đó, tôi nhận ra mình đang đi vào sự kết hiệp với Đấng Uy Quyền vô cùng. Tôi cảm thấy Thiên Chúa đang chờ đợi lời đáp, chờ đợi sự đồng thuận của tôi. Lúc đó, linh hồn tôi được chìm ngập trong Chúa và tôi thưa: “Xin hãy dùng con như Chúa muốn, con xin phó mình cho thánh ý Chúa. Vì từ hôm nay, thánh ý Chúa sẽ là lương thực cho con, nhờ ơn Chúa giúp, con sẽ trung thành với những mệnh lệnh của Chúa. Xin Chúa hãy sử dụng con tuỳ ý Chúa. Ôi lạy Chúa, con nài xin Chúa hãy ở với con trong mọi giây phút cuộc đời”.
137 Sự hiện diện của Thiên Chúa bỗng thấu nhập tôi, sau khi tôi đã chấp nhận hy sinh với tất cả tâm hồn và ý chí. Linh hồn tôi được nhập lút trong Thiên Chúa và chan chứa hạnh phúc đến độ không thể nào viết ra được dù chỉ một phần nhỏ nhất. Tôi cảm nhận sự Uy Nghi của Người đang bao phủ tôi. Tôi được tan chảy nên một với Thiên Chúa một cách ngoại thường. Tôi biết Thiên Chúa rất hài lòng với tôi, và ngược lại, linh hồn tôi cũng được đắm đuối trong Người. Ý thức mình được hiệp nhất với Thiên Chúa, tôi cảm thấy được yêu thương đặc biệt, và đáp lại, tôi cũng yêu mến Người bằng tất cả linh hồn. Một mầu nhiệm lớn lao đã diễn ra trong giờ chầu ấy, một mầu nhiệm giữa Thiên Chúa và tôi. Tôi dường như được chết vì tình yêu [khi bắt gặp] trong ánh nhìn của Người. Tôi hàn huyên rất nhiều với Chúa, tuy không thốt nên lời. Và Chúa phán với tôi: Con là niềm hoan lạc của Trái Tim Cha; từ này trở đi, mỗi hành vi của con, dù nhỏ bé nhất, cũng sẽ là một niềm hoan lạc cho mắt Cha, bất cứ con làm điều gì. Trong giây phút ấy, tôi cảm thấy được biến đổi hoàn toàn, thân xác trần gian của tôi vẫn còn như cũ, nhưng linh hồn của tôi đã ra khác; nơi đó, Thiên Chúa giờ đây đang sống với tất cả niềm hoan lạc của Người. Đây không phải là một cảm giác, nhưng là một thực tại có ý thức mà không gì có thể làm phôi pha đi được.
138 Một mầu nhiệm vĩ đại đã được thực hiện giữa Thiên Chúa và tôi. Ơn can đảm và sức mạnh vẫn lưu lại trong linh hồn tôi. Khi giờ chầu kết thúc, tôi ra về và bình tĩnh đương đầu với tất cả những gì trước kia làm tôi sợ hãi. Tôi vừa bước tới hành lang, một đau khổ xỉ nhục kinh khủng đã chờ ở đó. Tôi chấp nhận với lòng suy phục thánh ý cao cả và yêu mến nép vào Trái Tim Chúa Giêsu để Người biết tôi đã sẵn sàng, và vì đó nên tôi đã hiến thân.
Đau khổ dường như từ lòng đất trồi lên. Đến Mẹ Margaret cũng ngạc nhiên. Đối với người khác, nhiều điều trôi qua êm đềm, vì quả thật chẳng có gì đáng lưu tâm; nhưng trong trường hợp của tôi, không có gì trôi qua êm đềm; mỗi lời nói đều bị mổ xẻ, mỗi bước đi đều bị dòm ngó. Một chị nói với tôi: “Này chị, chị hãy sẵn sàng (65) để đón nhận một thánh giá nhỏ từ tay Mẹ Bề Trên. Em cảm thấy tội nghiệp cho chị”. Nhưng đối với tôi, tận thâm tâm tôi vui mừng vì điều đó và đã sẵn sàng từ lâu. Khi nhìn thấy lòng can đảm của tôi, chị ấy rất ngạc nhiên. Giờ đây, tôi hiểu ra một linh hồn tự sức mình chẳng thể làm được gì cả, nhưng với Chúa, nó có thể làm được mọi sự. Hãy nhìn những gì ơn Chúa có thể thực hiện. Con số các linh hồn luôn luôn tỉnh thức với các ơn Chúa rất ít ỏi, con số các linh hồn trung thành với các ơn soi động ấy lại còn ít ỏi hơn nữa.
139 Một linh hồn dù trung thành với Thiên Chúa cũng không thể xác minh được những soi động của mình; họ phải đặt chúng dưới sự kiểm soát của một linh mục khôn ngoan sáng suốt; và vẫn phải nghi ngờ cho đến khi nào hoàn toàn chắc chắn mới thôi. Linh hồn không nên dựa vào tư kiến mà tin vào các soi động này và tất cả những ơn cao cả khác nữa, bởi vì như thế, họ có thể liều mình chịu nhiều tổn thiệt.
Mặc dù một linh hồn có thể phân biệt được tức khắc những soi động giả tạo với những soi động từ Thiên Chúa, tuy nhiên, họ vẫn phải cẩn trọng vì có nhiều điềm thiếu chắc chắn. Thiên Chúa thoả lòng và vui mừng khi thấy một linh hồn chỉ vì Người mà cẩn trọng với chính Người; vì linh hồn yêu mến Thiên Chúa, nên họ cần phải thận trọng, cân nhắc, và tìm sự trợ giúp để đảm bảo rằng chính Thiên Chúa là Đấng hành động trong họ. Và một khi cha giải tội khôn ngoan đã xác định điều này, linh hồn sẽ được bình an và phó mình cho Chúa theo những đường lối của Người; tức là theo các chỉ dẫn của cha giải tội.
140 Tình yêu tinh ròng có khả năng làm được nhiều điều vĩ đại và không bị quỵ ngã trước khó khăn hoặc chống đối. Giữa những gian truân trắc trở, tình yêu mãnh liệt thế nào, thì trong đời sống nhọc nhằn và ảm đạm hằng ngày nó cũng kiên trung như thế. Tình yêu biết chỉ có một điều cần thiết để làm thoả lòng Thiên Chúa: đó là làm những việc nhỏ mọn nhất vì tình yêu - tình yêu, và luôn luôn là tình yêu.
Tình yêu tinh ròng không bao giờ sai lầm. Ánh sáng của nó phong phú lạ lùng. Tình yêu không làm điều gì để Thiên Chúa phiền lòng, rất khéo léo trong việc làm những điều vui lòng Thiên Chúa, và không ai bằng tình yêu ở điểm này. Tình yêu vui sướng khi được huỷ mình và cháy lên như một lễ vật tinh tuyền. Tình yêu càng hiến thân, càng hạnh phúc. Hơn nữa, không ai có thể cảm nhận những nguy hiểm từ đằng xa cho bằng tình yêu; nó biết cách nhận diện và cũng biết cách đương đầu.
141 (66) + Các đau khổ của tôi sắp sửa chấm dứt. Chúa ban cho tôi sự trợ giúp như Người đã hứa. Tôi có thể nhận ra điều này qua hai vị linh mục: đó là cha Andrasz và cha Sopocko. Trong tuần tĩnh tâm trước khi vĩnh thệ, [44] lần đầu tiên tôi được hoàn toàn bình an [nhờ cha Andrasz [45]], và sau đó, tôi cũng được cha Sopocko hướng dẫn cùng một đường lối như vậy. Thế là lời Chúa hứa đã được ứng nghiệm.
142 Khi bình an trở lại và được dạy cho biết đi theo những nẻo đường của Chúa, thần trí tôi đã vui mừng trong Chúa và dường như tôi đang chạy chứ không phải đi nữa. Đôi cánh tôi dang rộng để bay, bay vút thẳng vào chính nguồn nóng mặt trời và không chịu đáp xuống cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa, và linh hồn tôi mãi mãi được mất hút trong Người. Tôi đã phó mình hoàn toàn cho hoạt động của ân sủng. Thiên Chúa cúi sát xuống với linh hồn tôi. Tôi không thối lui cũng không chống cưỡng, nhưng mất hút trong Chúa là kho tàng duy nhất của tôi. Tôi được nên một với Người. Vực ngăn cách giữa chúng tôi, giữa Đấng Tạo Hoá và thụ tạo, dường như biến mất. Trong suốt mấy ngày, linh hồn tôi ở trong tình trạng xuất thần liên lỉ. Sự hiện diện của Thiên Chúa không rời tôi một phút giây. Linh hồn tôi ở trong sự hợp nhất yêu đương liên lỉ với Chúa. Nhưng điều này không mảy may làm gián đoạn việc chu toàn các phận vụ của tôi. Tôi cảm thấy được biến đổi trong tình yêu; tôi bị bốc cháy, nhưng không bị thiêu rụi. Tôi không ngừng mất hút trong Chúa; Chúa lôi kéo tôi đến với Người một cách mạnh mẽ và mãnh liệt đến độ nhiều khi tôi không ý thức mình còn trên trần gian. Tôi đã cản trở và sợ hãi ơn thánh Chúa trong một thời gian dài, và giờ đây chính Thiên Chúa, qua cha Andrasz, đã cất đi tất cả những khó khăn. Linh hồn tôi đã được điều hướng về Mặt Trời và tươi nở dưới những tia sáng của một mình Người; tôi không còn hiểu gì khác nữa... [câu văn bị cắt ngang ở đây, và khởi đầu một tư tưởng hoàn toàn mới ngay ở hàng kế tiếp].
143 + Tôi đã phung phí rất nhiều ơn Chúa vì lúc nào cũng sợ bị ảo tưởng. Thiên Chúa đã lôi cuốn tôi đến với Người mạnh mẽ và tôi không có sức cưỡng lại trong những lúc bỗng nhiên được ngập lút trong Người. Vào những lúc ấy, Chúa Giêsu đổ tràn cho tôi một niềm an bình lớn lao đến độ về sau, dù cố gắng ưu tư tôi cũng không sao làm được. Và lúc đó, tôi đã nghe những lời này trong tâm hồn: Để con được vững tâm rằng chính Cha là người yêu sách con tất cả những điều này, Cha sẽ cho con một niềm bình an sâu thẳm, (67) cho dù con muốn cảm nghiệm phiền não và sợ hãi, hôm nay con cũng không có sức mà làm như vậy, nhưng tình yêu sẽ ngập lút linh hồn con đến độ quên cả bản thân.
144 Sau đó, Chúa Giêsu đã ban cho tôi một linh mục nữa [cha Sopocko] và lệnh cho tôi phải giãi bày tâm hồn với ngài. Lúc đầu tôi hơi ngần ngại, nhưng lời quở trách của Chúa Giêsu đã giúp tôi khiêm nhượng sâu thẳm trong tâm hồn. Dưới sự hướng dẫn của ngài, linh hồn tôi tiến bộ rất nhanh trong tình yêu, và nhiều ước vọng của Chúa đã được thực hiện bên ngoài. [46] Không ít lần tôi đã kinh ngạc trước sự cứu độ và lòng khiêm nhượng sâu xa của ngài.
145 Ôi, linh hồn tôi khốn nạn biết bao vì đã phí phạm quá nhiều ơn Chúa! Tôi đã lạc xa Chúa nhưng Người vẫn đeo bám tôi với nhiều ân sủng. Rất nhiều lần tôi đã cảm nghiệm được ơn Chúa giữa những lúc bất ngờ nhất. Từ khi Chúa ban cho tôi một cha linh hướng, tôi đã trung thành với ơn thánh hơn. Nhờ cha linh hướng và sự lưu tâm của ngài dành cho linh hồn tôi, tôi đã biết được ý nghĩa của linh hướng và Chúa Giêsu quan tâm thế nào đến việc ấy. Chúa trách tôi về các lỗi phạm rất nhỏ mọn và nhấn mạnh rằng chính Người thẩm định vấn đề tôi phải trình bày với cha giải tội; và [Người còn nói] thêm rằng... Bất kỳ sự đối nghịch nào với cha giải tội cũng phạm đến chính Cha.
Dưới sự hướng dẫn của ngài, linh hồn tôi bắt đầu nghiệm được sự trầm lặng và bình an sâu xa, tôi nhiều lần được nghe trong tâm hồn những lời này: Con hãy tự củng cố để chiến đấu.
+ Chúa Giêsu thường tỏ cho tôi biết những gì Người không ưa thích trong linh hồn tôi, và hơn một lần Người đã quở trách về những điều xem ra có vẻ nhỏ mọn nhưng thực sự lại rất hệ trọng. Chúa đã cảnh cáo và thử thách tôi như một người thầy. Suốt nhiều năm, Người đích thân giáo dục tôi cho đến khi ban cho tôi một vị linh hướng. Trước kia, chính Chúa giải thích cho tôi những điều tôi không hiểu, còn bây giờ, Người bảo tôi hãy hỏi cha giải tội về mọi sự, Chúa thường phán: Cha sẽ trả lời cho con qua miệng lưỡi ngài. Con hãy an tâm. (68) Khi trình bày vấn đề với cha linh hướng, tôi chưa bao giờ nhận được một câu trả lời trái ngược với điều Chúa muốn về tôi. Chúa Giêsu có lúc cũng yêu cầu tôi một điều chưa ai từng biết, nhưng sau đó, khi tôi quỳ trong toà cáo giải, cha giải tội cũng truyền cho tôi một điều giống hệt như thế - tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra hiếm hoạ mà thôi.
+ Khi một linh hồn nhận được nhiều ánh sáng và soi động trong một thời gian dài, và khi các nhà giải tội đã xác định được nguồn gốc những soi động này và làm cho linh hồn vững tâm; nếu tình yêu của linh hồn mãnh liệt, Chúa Giêsu lúc này tỏ cho linh hồn biết đến giờ phải đem ra thực hiện những gì họ đã lãnh nhận. Linh hồn nhận thấy Thiên Chúa đang tín nhiệm họ và điều này củng cố họ rất nhiều. Linh hồn biết rằng để trung thành, họ phải đương đầu với khó khăn tư bề, nhưng họ vẫn tin tưởng vào Chúa và nhờ niềm tin tưởng ấy mà đạt đến chỗ Thiên Chúa mời gọi. Những khó khăn không làm linh hồn kinh hãi; nhưng có thể nói đó là lương thực hằng ngày của họ. Những đau khổ không làm linh hồn khiếp sợ hoặc hoảng hốt, vì một chiến binh thường xuyên xông pha trận tuyến không hề hoảng sợ trước tiếng gầm thét của đại bác. Không những không hoảng sợ, linh hồn còn lắng tai để xác định kẻ thù từ đâu xông đánh để tiêu diệt chúng. Linh hồn không hành động mù quáng, nhưng xem xét và suy tính mọi sự kỹ lưỡng. Linh hồn không tự tín, nhưng cầu nguyện sốt sắng và tìm lời khuyên của những chiến binh kinh nghiệm và khôn ngoan hơn. Mỗi khi hành động như thế, linh hồn hầu như bao giờ cũng chiến thắng.
Có những cuộc tấn công mà linh hồn không có thời giờ suy nghĩ hoặc tìm hỏi ý kiến; khi ấy linh hồn phải xông vào cuộc chiến sống còn. Nhiều khi không cần đáp lại lời nào, linh hồn cứ việc chạy đến nương ẩn nơi thương tích Trái Tim Chúa Giêsu là ích lợi nhất. Do chính hành vi này của linh hồn mà quân thù bị đánh bại.
Trong thời gian bình an cũng như trong thời gian chiến đấu, linh hồn vẫn không ngừng cố gắng. Linh hồn phải nỗ lực và hết mình phấn đấu; nếu không, sẽ không có cơ hội để chiến thắng. Tôi coi thời gian bình an là thời gian để chuẩn bị cho chiến thắng. Linh hồn phải luôn tỉnh thức, tỉnh thức, tỉnh thức. Linh hồn suy nghĩ như thế sẽ nhận được nhiều ánh sáng. Một linh hồn vô ăn vô lo sẽ liều gặp nguy cơ thất bại và cũng đừng ngạc nhiên khi bị sa ngã.
Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng Hướng Dẫn của linh hồn, ai chịu để cho Chúa huấn luyện là người khôn ngoan biết bao! Nhưng để được Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động trong linh hồn, cần phải có sự bình an và tịnh tâm.
146 (69) Cầu nguyện. Nhờ các hình thức cầu nguyện, linh hồn tự vũ trang cho cuộc chiến. Cho bất cứ tình trạng nào, linh hồn cũng phải cố gắng. Một linh hồn trong sạch và xinh đẹp cũng phải cầu nguyện, nếu không sẽ đánh mất vẻ đẹp của mình; một linh hồn gắng đạt đến sự trong sạch cũng phải cầu nguyện, nếu không sẽ không bao giờ đạt được; một linh hồn mới hoán cải cũng phải cầu nguyện, nếu không sẽ sa ngã trở lại; một linh hồn đắm chìm trong tội lỗi cũng phải cầu nguyện để có sức chỗi dậy. Không linh hồn nào không buộc phải cầu nguyện, bởi vì mọi ân sủng đều đến với linh hồn qua cầu nguyện.
147 Tôi nhớ mình đã nhận được rất nhiều ánh sáng trong nửa giờ chầu sấp mình trước Thánh Thể mỗi ngày trong mùa Chay. Lúc đó, tôi được biết mình và biết Chúa nhiều hơn. Tuy được phép bề trên, nhưng tôi cũng gặp nhiều trở ngại trong việc cầu nguyện như thế. Ước chi linh hồn hãy biết rằng để cầu nguyện và trung thành trong việc cầu nguyện, người ta phải vũ trang với lòng nhẫn nại và can trường để đương đầu với các khó khăn trong ngoài. Những khó khăn bên trong là sự chán nản, khô khan, nặng lòng nặng trí, và những cám dỗ. Những khó khăn bên ngoài là sự trọng kính của tha nhân và thời giờ; chúng ta phải giữ thời giờ đã dành cho việc cầu nguyện. Đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi: khi không cầu nguyện vào giờ dành riêng, nếu để về sau, tôi sẽ không thể cầu nguyện vì phải chu toàn các việc bổn phận; hoặc giả như xoay xở được để cầu nguyện, thì tôi cũng làm hết sức khó khăn, bởi vì đầu óc cứ suy nghĩ đến việc bổn phận. Tôi cũng nghiệm thấy sự khó khăn này, đó là khi linh hồn đã cầu nguyện sốt sắng và kết thúc trong tình trạng trầm lặng sâu xa, nhiều người chống lại tình trạng trầm lặng ấy; vì thế, linh hồn phải nhẫn nại để trung thành với việc cầu nguyện. Điều thường xảy ra với tôi là khi được đắm đuối trong Chúa, tôi đã gặt hái từ việc cầu nguyện được nhiều kết quả và sự hiện diện của Thiên Chúa đồng hành với tôi suốt ngày. Và lúc làm việc sẽ có nhiều trầm lặng, nhiều chính xác và nỗ lực hơn trong phận sự, điều này xảy ra vào khi tôi chịu nhiều khiển trách nhất vì lơ đểnh trong phận sự và thờ ơ với mọi sự; bởi vì các linh hồn ít tịnh tâm cũng muốn người khác nên giống họ, và thường trở thành [nguồn] ân hận cho họ.
148 (70) + Một linh hồn cao thượng và tinh tế, dù giản dị nhất, nhưng vẫn là một linh hồn rất khôn ngoan tế nhị, họ nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự, tìm được Người ở mọi nơi và biết cách tìm thấy Người ngay trong những điều kín nhiệm nhất. Linh hồn thấy mọi sự đều quan trọng, quý trọng mọi sự, và tạ ơn Thiên Chúa trong mọi sự. Họ tìm được lợi ích cho linh hồn trong mọi sự và dâng mọi vinh quang về Thiên Chúa. Linh hồn đặt trót niềm tín thác vào Thiên Chúa và không xao xuyến khi đến thời gian thử thách. Linh hồn biết Thiên Chúa luôn luôn là một Hiền Phụ tốt lành, và họ coi thường ý kiến trần gian. Linh hồn trung thành tuân theo ngay cả hơi thở khẽ nhất của Chúa Thánh Thần; vui mừng với Vị Khách Hiền Lương, và bám chặt lấy Người như một em bé với mẹ hiền. Nơi nào các linh hồn khác không còn lối đi và sợ hãi, thì linh hồn này vượt qua dễ dàng, không hề sợ hãi.
149 Khi muốn ở gần gũi và hướng dẫn một linh hồn, Chúa sẽ loại bỏ tất cả những gì bề ngoài. Khi ngã bệnh và được đưa đến phòng y tế, tôi thấy khó chịu. Chỉ có hai chị em chúng tôi ở đó. Các chị em trong dòng đến thăm chị N. trong khi chẳng ai đoái hoài đến tôi. Quả thật, chỉ có một phòng y tế, nhưng mỗi người lại có gian riêng của mình. Những đêm mùa đông thật đằng đẵng, chị N. có điện và ống nghe đài phát thanh, trong khi tôi không thể dọn bài nguyện ngắm vì thiếu điện.
Gần hai tuần lễ như thế trôi qua, một buổi tối kia, tôi thở than với Chúa vì quá đau khổ và không thể dọn bài nguyện gẫm vì thiếu điện. Chúa nói rằng Người sẽ đến vào buổi tối và dạy tôi những chủ điểm cho bài nguyện gẫm hôm sau. Những chủ điểm này xoay quanh cuộc Thương Khó của Người. Chúa phán với tôi: Con hãy suy về những đau khổ của Cha trước toà Philatô. Và như thế, từng chủ điểm một, tôi suy ngắm về cuộc Thương Khó của Chúa suốt một tuần lễ. Từ lúc đó, một niềm vui lớn lao đến với linh hồn tôi, và tôi không còn mong đợi ai đến thăm hoặc chờ ánh điện nữa; Chúa Giêsu đã quá đủ cho tôi trong mọi sự. Các bề trên thực sự rất quan tâm đến các bệnh nhân, nhưng Chúa lại muốn tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Vị Tôn Sư tuyệt vời này đã loại bỏ mọi thụ tạo để mình Người có thể hoạt động. Không ít lần tôi đã trải qua những đau khổ và cay cực như thế, đến nỗi Mẹ M. [có lẽ Mẹ Margaret] đã nói với tôi: “Này chị, trên đường đi của chị, những đau khổ trồi lên từ lòng đất. Tôi nhìn chị (71) như một người bị đóng đinh. Nhưng tôi thấy Chúa Giêsu có nhúng tay trong vụ này. Chị hãy trung thành với Người”.
150 + Tôi muốn ghi lại một giấc mơ của tôi về thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Khi còn trong thời gian nhà tập, lúc gặp phải một số khó khăn mà tôi không biết làm cách nào để vượt qua. Đó là những khó khăn nội tâm nhưng lại liên quan đến các gian nan bên ngoài. Tôi làm những tuần cửu nhật kính các vị thánh, nhưng tình hình càng lúc càng khó khăn hơn. Những đau khổ làm tôi tan nát đến độ không biết làm thế nào để sống còn, nhưng bỗng nhiên tôi loé lên một tư tưởng là cầu nguyện với thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Tôi bắt dầu một tuần cửu nhật kính thánh nữ, bởi vì trước khi vào dòng, tôi đã có lòng sùng kính ngài đặc biệt. Sau đó, tôi có phần thờ ơ với lòng sùng kính này, nhưng vì có nhu cầu, tôi lại bắt đầu cầu nguyện với ngài một cách sốt sắng. Đến ngày thứ năm trong tuần cửu nhật, tôi chiêm bao gặp được thánh nữ Têrêsa như thể ngài còn sống trên trần gian. Chị thánh giấu không cho tôi biết ngài là một vị thánh và lên tiếng an ủi , bảo tôi đừng lo âu về vấn đề này, nhưng hãy tín thác hơn vào Thiên Chúa. Thánh nữ nói: “Chị cũng đã chịu đau khổ nhiều”. Nhưng tôi không hết lòng tin tưởng vào thánh nữ và đáp lại: “Hình như em thấy chị có đau khổ gì đâu”. Nhưng thánh nữ xác quyết chắc chắn rằng chị thánh đã trải qua rất nhiều đau khổ: “Này em, em hãy biết rằng ba ngày nữa, sự khó sẽ đến hồi kết cuộc hạnh phúc”. Vì tôi chưa sẵn lòng tin tưởng, thánh nữ mới tỏ cho tôi biết ngài là một vị thánh. Lúc ấy, niềm vui lớn lao tràn ngập linh hồn tôi, và tôi nói với chị thánh: “Chị là một vị thánh à?”. Thánh nữ đáp: “Đúng vậy, chị là một vị thánh. Em hãy tin rằng vấn đề này rồi sẽ được giải quyết trong ba ngày nữa”. Và tôi nói: “Chị Têrêsa đáng yêu ơi, chị hãy cho em biết em có được lên thiên đàng không?”. Thánh nữ đáp: “Có, em sẽ được lên thiên đàng”. “Em có trở thành một vị thánh không?”. Thánh nữ lại đáp: “Có, em sẽ trở thành một vị thánh”. “Nhưng này chị Têrêsa Nhỏ ơi, em có sẽ trở thành một vị thánh được nâng lên bàn thờ như chị không?”. Chị thánh trả lời: “Có, em cũng sẽ là một vị thánh giống như chị, nhưng em phải tín thác vào Chúa Giêsu”. Khi đó, tôi hỏi ba mẹ tôi sẽ được lên thiên đàng không, sẽ [câu này bỏ dở] (72) và chị thánh đáp là có. Tôi còn hỏi thêm: “Các anh chị em của em có được lên thiên đàng không?”. Thánh nữ không trả lời dứt khoát nhưng bảo tôi cầu nguyện nhiều cho họ. Tôi đã hiểu ra họ cần nhiều lời cầu nguyện.
Đây là một giấc mơ. Và như châm ngôn nói, những giấc mơ là những ảo ảnh; Thiên Chúa là đức tin. Tuy nhiên, ba ngày sau, sự khó đã được giải quyết một cách xuôi xắn như thánh nữ đã tiên báo. Và mọi chuyện trong việc này xảy ra đúng như những gì thánh nữ đã nói trước. Tuy là một giấc mơ, nhưng là một giấc mơ ý nghĩa.
---------------------Tác giả: Thánh Faustina
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn