Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 201 Lễ Lá năm C Chính Cha đã đổ máu ra để cứu chuộc con
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 201
Lễ Lá năm C
Chính Cha đã đổ máu ra để cứu chuộc con ------------------------------------------
Bạn thân mến,
Trong một ngôi nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng Thánh Giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng, đó là tượng Thánh Giá Tha Tội: Tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, có cánh tay phải rời khỏi thập giá và hạ thấp xuống.
Người ta kể rằng:
Dưới chân Thánh giá này, một lần nọ có một tín hữu rất tội lỗi tìm đến xưng tội với cha xứ. Khi ông xưng thú tất cả tội lỗi với tấm lòng ăn năn, nhưng cha giải tội lưỡng lự không biết có nên tha tội cho ông không. Vì thấy ông ta phạm quá nhiều tội, lại quá nặng.
Sau cùng trong lời khuyên, cha nghiêm nghị bảo ông:
- Hôm nay, tôi ban phép tha tội cho ông, nhưng mà trong tương lai, thì ông cần phải để ý và quyết tâm mạnh mẽ hơn.
Ông ta hứa với cha xứ là sẽ cố gắng hết sức để sửa mình, chỉnh sửa tội lỗi.
Nhưng vì yếu đuối quá, nên sau một thời gian, ông lại tìm đến xưng tội. Lần này thì cha xứ nói với ông với giọng kiên quyết:
- Tôi ban phép giải tội cho ông lần này nữa thôi, và đây cũng là lần cuối cùng, ông nghe cho rõ?
Vài tháng trôi qua, ông lại tìm đến tòa Giải Tội và quỳ gối dưới chân cha xứ và năn nỉ:
- Thưa cha, con thống hối tận đáy lòng, lần nào con cũng nhất quyết thề hứa, nhưng mà vì con yếu đuối quá, nên xin cha tha tội cho con một lần nữa.
Cha xứ quát:
- Đâu có thể đùa giỡn với Chúa được. Tôi không ban phép giải tội cho ông nữa.
Nhưng ngay chính lúc đó, cha bỗng nghe rất rõ có tiếng nức nở nghẹn ngào từ trên thập giá, và khi nhìn lên thánh giá, mọi người hiện diện đều thấy: Bàn tay phải của Chúa Giêsu từ từ hạ xuống, làm phép tha tội cho người tín hữu thống hối.
Rồi Chúa Giêsu quay sang linh mục giải tội và nói:
- Chính Cha đã đổi máu ra cứu chuộc ông ta, chứ không phải là con.
Và cũng từ giây phút đó, bàn tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, vẫn tiếp tục ở trong tư thế ban phép giải tội cho đến ngày nay.
“Chính Cha đã đổ máu ra để cứu chuộc con”.
Đây cũng chính là lời, mà Chúa Giêsu đang nói lại với mỗi người chúng ta, đặc biệt trong những ngày của Mùa Chay Thánh này.
*****
Phụng phụ Lễ Lá hôm nay tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Thánh Giê-ru-sa-lem. để sau đó vài ngày, Người chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, để trao ban sự sống mới cho chúng ta.
Trong Cựu Ước, tiên tri Isaia đã miêu tả Đấng Cứu Thế là “người tôi tớ đau khổ của Giavê Thiên Chúa”.
Còn trong thời Tân Ước, người tôi tớ đau khổ ấy là hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, đã chịu khổ nạn, chịu đóng đinh và chịu chết một cách nhục nhã đau thương trên thánh giá.
Cũng giống như cuộc sống lưu đầy, Thập giá xem ra là dấu chỉ của khổ nhục và thất bại.
Nhưng Thiên Chúa đã biến đổi nó trở thành dấu chỉ của ơn cứu độ và là nguồn ơn thánh, mà Ngài ban xuống cho con người.
Khi tuyệt đối trung thành với Thánh Ý và chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, đến sẵn sàng chấp nhận khổ đau và cái chết khổ nhục trên thập giá, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về ý nghĩa và giá trị cứu độ của khổ đau.
Tất cả những chuẩn bị trong Mùa Chay vừa qua, sẽ không ích lợi gì cho chúng ta, nếu chúng ta không có những quyết tâm cụ thể, trong việc từ bỏ những tật xấu của mình, để sống kết hợp mật thiết với Chúa, để trở nên giống Chúa, trong mọi nơi và mọi lúc.
Chắc chắn: Chúng ta sẽ phải đối diện với những sự hy sinh, với những từ bỏ, những thử thách, những đau khổ, đủ loại, đủ kiểu, đủ cách, vì đức tin của chúng ta, do việc tin vào Thiên Chúa một cách trung tin.
Lời Chúa mời gọi chúng ta vác Thập giá theo Chúa Giêsu, luôn luôn là những thôi thúc nhắc nhở ta thường xuyên. Nếu muốn làm người đồ đệ đích thực của Chúa, chúng ta không thể làm ngơ hay tránh né những thập giá này hằng ngày.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn can đảm, với lòng yêu mến chân thành và mãnh liệt, để theo Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Amen.