TIỂU SỬ HỌ ĐẠO CỒN PHƯỚC Quê Hương Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp Từ năm 1860 đến ngày 30. 04.1998 Biên soạn: Nguyễn Ngọc Anh ---------------------------------- Nội Dung:
Nhờ quyền năng và hồng ân Thiên Chúa ban, họ đạo Cồn Phước đã được hình thành trên đất cồn nổi, do thiên nhiên tạo nên bởi đất phù sa từ đầu Cồn Trên bị giòng nước xoáy của sông Tiền Giang từ đầu nguồn đổ xuống bồi đấp dần dần, làm cho Cồn Phước càng ngày càng cao và rộng cả về bề ngang lẫn chiều dài. Địa hình giống nư trái bí đao (elip) nằm trong lòng sông Cửu Long với diện tích là 125,26 ha.
Đông Bắc: là xã Tấn Đức, nay là xã Tấn Mỹ, Cù-Lao-Giêng.
Tây Nam: là xã Mỹ Luông.
Cồn nổi nằm phía trên Cồn Cũ thuộc ấp Thị, nay là ấp Mỹ Lợi huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (Long Xuyên cũ).
Bãi Trước hướng về phía Đông Bắc giữa hai họ đạo Cù-Lao-Giêng và Rạch Sâu (xã Bình Phước Xuân).
Bãi Sau hướng về phía Tây Nam, giữa nhà thờ Chà-Và (nay là nhà thờ Mỹ Luông) và Cái Tàu, trên đường đi Sa Đéc, giữa hai ấp Mỹ Trung và Mỹ Hòa, thuộc xã Mỹ Luông huyện Chợ Mới, An Giang.
Theo lời ông bà xưa kể lại thì Cồn nổi này đã có trước năm 1860. Sau đó ông bà Lê Văn Phước và Nguyễn Thị Rơi (ông bà cố ngoại tôi, người viết tiểu sử) là gia đình công giáo tiên khởi từ Ba Răng, Đốc Vàng, thuộc Đồng Tháp Mười. Lúc đầu 2 ông bà xuống lập nghiệp tại Cồn Cũ. Nhưng sau đó, dời về Cồn nổi này, khai hoang lập nghiệp;
Cồn nổi lúc bấy giờ là nơi hoang địa, chỉ có cỏ, lác, đế, sậy và điên điển mọc. Ông Lê Văn Phước cất một căn nhà lá, lợp tranh, ở phía Bãi Sau, gần giữa Cồn.
Lần lượt bà con từ khắp nơi kéo nhau đến để sinh cơ lập nghiệp. Trong số này, có ông chín Trường là người nối gót gia đình ông Lê Văn Phước. Nhà ông cất ở Bãi Trước. Ông bà Lê Văn Phước đã có được 6 người con, đó là:
1. Lê Văn Chỉ, vợ Nguyễn Thị Thu
2. Lê Thị Thạnh, (chồng không rõ)
3. Antôn Lê Phát Đạt, vợ Maria Nguyễn Thị Xuyến (Ông Bà ngoại 9 Ngai)
4. Phanxicô Lê Văn Vận, vợ Anna Nguyễn Thị Giàu (Ông Bà ngoại của Nguyễn Ngọc Anh)
5. Lê Văn Mười, vợ Nguyễn Thị Kiểng
6. Lê Thị Út, chồng Nguyễn Văn Hiệp
Ông Lê Văn Phước qua đời năm 1875 và bà Nguyễn Thị Rơi cũng qua đời (không rõ năm). Cả hai được an táng tại đất thánh họ đạo Cồn Phước.
Cũng theo lời mẹ tôi (Lê Thị Tám) kể lại, thì nơi Cồn Phước này, xưa kia có rất nhiều ma, như ma Da, ma Trâu, và thường khi ma giấu con nít trong lùm cây rồi cho ăn đất sét, hoặc hiện ra hình người, rủ nhau vật lộn .v.v. Thời gian sau, khi quân đội Viễn Chinh Pháp đổ bộ vào ba nước Đông Dương (Việt, Miên, Lào), họ thường hay tổ chức những cuộc đi hành quân dã chiến (Patrouille) ban đêm, nên bọn lính Lê Dương (Marocain, Sénégale, Tunisien, algérien, và Pháp) thường dùng súng bắn vào những lùm cây bụi cỏ, khiến cho ma quỉ không còn lộng hành như xưa.
Hơn nữa, dân số càng ngày càng đông, cất nhà san sát gần nhau, nên hiện tượng này không còn xảy ra nữa. Phần "dương" đã đẩy lùi phần "âm".
Rồi với thời gian, khi khoa học phát triển, chuyện ma quái đã không còn thấy xuất hiện nữa.
Đây chỉ là những lời truyền khẩu trong dân gian, nhằm nói lên những hoang sơ trong những thời gian đầu, khi họ đạo Cồn Phước mới được thành hình, không có tài liệu nào được giữ lại gì để chứng minh.
Số dân cư từ nhiều nơi, thấy Cồn Phước này dễ làm ăn sinh sống, nên bà con kéo nhau về đây ngày càng đông.
Trong đó, có gia đình ông Micae Trương Văn Đặng và bà Lucia Lê Thị Thanh (thân sinh và thân mẫu của linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp).
Ngoài ra, cũng có gia đình ông Lê Tấn Giáo và bà Nguyễn Thị Mầu (thân sinh và thân mẫu của Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận).
Khoảng ba phần tư dân Cồn đều là người Công Giáo. Phần còn lại là đạo thờ cúng ông bà, hoặc Tin Lành. Có một số ít theo đạo Cao Đài, (lúc bấy giờ chưa có đạo Phật Giáo Hòa Hảo).
Nói đến hai chữ Cồn Phước, người ta thường có nghĩ ngay là Cồn có Phước. Nhưng sự thật không phải thế. Hai chữ Cồn Phước là cách gọi tắt là “Cồn của ông Phước”. Bởi chính ông Lê Văn Phước là người đầu tiên đến đây khai hoang, lập ấp, sinh sống, lập nghiệp.
Cồn Phước nằm ở giữa hai con sông, phía Bãi Trước và phía Bãi Sau. Mỗi khi qua lại đất liền, thì bà con phải dùng xuồng ghe.
Con sông phía Bãi Trước thì rộng khoảng 400m. Trước kia người ta dùng xuồng ghe làm phương tiện di chuyển qua lại. Bởi hầu như nhà nào cũng có xuồng hoặc ghe. Nhưng dần dần do nhu cầu tiện ích của cuộc sống, có người đã đứng ra đưa đò công cộng, với chiếc xuồng, hoặc ghe nhỏ, có khi bơi, có khi chèo, có khi chạy bằng máy đuôi tôm (Kole) để đưa hành khách sang sông, đi Cù-Lao-Giêng, hoặc đi Rạch Sâu. Việc đi lại đã thoải mái hơn, nhanh chóng và dễ dàng hơn. Bến đò được đặt ngay đầu đường Lộ Đất.
Con sông phía Bãi Sau thì nhỏ hẹp hơn, chỉ rộng khoảng 50 thước. Mùa khô, khi con nước ròng, dân chúng có thể đi bộ ngang sông. Đến khi nước lớn, thì người ta phải nhờ xuồng đưa ngang sông để đi Mỹ Luông hoặc Sài Gòn. Về sau, cũng do nhu cầu tiện ích của cuộc sống, thì cũng có 2 bến đò: Một ở bến ông Sáu Sánh, và một ở bến Thầy Chùa Hoằng.
Đến năm 1960, Cơ Quan Phát Triển Xây Dựng Nông Thôn, gọi tắt là USAID, do Mỹ viện trợ đã cho xây cầu đúc ngang sông, phía Bãi Sau. Cầu có 3 nhịp rộng 2,5m dài 50 thước, xe cộ và người qua lại dễ dàng, kể cả xe 4 bánh. Cầu xây cuối đầu Lộ Đất, nối liền Bãi Trước và Bãi Sau, chạy dọc theo con đường bên hông nhà thờ họ đạo.
Vì cầu quá cũ và không được tu sửa, nhịp cầu bị hư hỏng, chân cầu bị lún, nên vào lúc 15 giờ ngày 10.03.1998, nhịp cầu phía Mỹ Luông bị sập, làm cho hai mẹ con rơi xuống sông: Mẹ bị kẹt giữa nhịp cầu, chết liền tại chỗ. Còn đứa con trai thì bị trọng thương.
Sau đó, chiếc cầu mới bằng sắt, được bắt đầu xây dựng lại, cũng ngay tại vị trí cũ. Kinh phí do nhà nước và nhân dân trong họ đạo đóng góp. Cầu có trọng tải là 4 tấn và được khánh thành ngày 30.04.1998.
Cồn Phước hiện nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang, với diện tích là 125,26ha. Dân số 2.900 người và 510 nóc gia, gồm đất thổ cư là 10,32ha. Đất rẫy, đất ruộng và vườn là 114,94ha. Có 17 tổ an ninh và ban nhân dân tự quản thường xuyên tham gia vào việc giữ gìn an ninh trật tự trong ấp, đặc biệt là trong họ đạo, nên không có gì đáng tiếc xảy ra nghiêm trọng.
Người dân Cồn Phước theo đạo Công Giáo rất sớm, từ những gia đình tiên khởi vào khoảng đời linh mục Hương Bá Cuốc.
Giáo dân họ đạo lúc đầu rất ít, (so với hiện nay đã lên tới 1562 giáo dân), nên chưa có nhà nguyện. Cả sau một thời gian khá dài đã có nhà nguyện rồi, thì cũng không đủ chuẩn để có một linh mục thường trú. Chính vì thế mà khi đến ngày Chúa nhật hoặc những ngày lễ trọng, bổn đạo phải đi đến các nhà thờ Cù-Lao-Giêng, hoặc Rạch Sâu, hoặc Chà-Và (Mỹ Luông) để tham dự thánh lễ.
Mỗi khi các bà mẹ mang thai, đến kỳ sinh nở, thì phải chuyển đến Nhà Các Bà Phước Cù-Lao-Giêng, và sau đó, mang con đến nhà thờ Cù-Lao-Giêng có cha để rửa tội. Đến tuổi Xức Trán, các em thiếu nhi cũng phải đến nhà thờ Cù-Lao-Giêng, để Đức Cha từ Nam Vang (Campuchia) về ban phép Thêm Sức cho.
b. Phương tiện di chuyển:
Về phương tiện giao thông, đa số thì đi bằng xuồng vì chở được đông người. Thanh niên, đàn ông thì đi bằng xe đạp đòn dong thô sơ, vỏ bằng bánh cao su đặc, chỉ chở được có 1 người, nhưng rất nguy hiểm. Bởi thắng bằng bàn chân, nên vỏ xe rất dễ bị sút ra khỏi niền. Nếu vấp phải một vật cứng, cũng rất dễ té ngã và bị thương tích.
Càng ngày bổn đạo càng đông, con cái càng nhiều, mà không có trường học và nhà nguyện, nên ông Lê Văn Phước niên trưởng cùng một số giáo dân, trình thỉnh nguyện lên cha sở Cù-Lao-Giêng và đã được cha chấp thuận. Cha đã cử linh mục Vẹn (người Pháp) đến coi sóc tạm (nhưng ở thường xuyên). Lúc này, nhà thờ được dựng lên bằng cột dừa, lợp tranh. Đó là vào năm 1872 (lần thứ I).
Năm 1880, đời linh mục Gajignol, nhà thờ Cồn Phước được cất lại bằng gạch, lợp ngói (lần II).
Năm 1922, thời Đức cha Jean Claude Bounchut, (Nam Vang), Cha Giuse Bùi Công Trường cho xây dựng lại nhà thờ kiên cố hơn cho đến nay (lần thứ III). Nhà thờ mới này bề ngang 14m, dài 25m, cao 9m, mặt gió cao 15m, xây gạch, lợp ngói trên nền cao 6 tất.
Mặc dù đã có nhà thờ khang trang xinh đẹp và rộng rãi có sức chưa khoảng 500 người, nhưng vẫn còn là họ ngánh, trực thuộc họ đạo Cù-Lao-Giêng. Chỉ thỉnh thoảng mới có linh mục thay phiên nhau đến cho bổn đạo xưng tội và dâng thánh lễ ngày Chúa nhật và lễ trọng.
Cồn Phước từ ngày lập họ cho đến năm 1958 không có cha sở. Do đó, Cồn Phước phải chịu cảnh: Khi là họ ngánh trực thuộc Cù-Lao-Giêng, khi là họ ngánh trực thuộc thuộc Rạch Sâu, khi là họ ngánh trực thuộc Chà-Và (họ Mỹ Luông). Đó là thời Đức Cha Valentin Herrgott (Nam Vang) cai quản.
Vào khoảng năm 194(?), thời Đức Cha Jean Bte Chabalier, Cha Antôn Trương Chánh Sĩ, Cha sở họ đạo Rạch Sâu, phụ trách họ đạo Cồn Phước, cho xây cất thêm hai cánh bên hông nhà thờ, mở rộng Cung Thánh ở phía sau.
1/ Linh mục phụ trách họ đạo:
Để giúp giáo dân khỏi phải cực nhọc đi xa, cha sở Cù-Lao-Giêng đã chỉ định một số linh mục trực thuộc luân phiên đến giúp họ đạo Cồn Phước, trong số đó có:
1. Cha Hương 2. Cha Ven (người Pháp) 3. Cha Gajignol 4. Cha Phêrô Nguyễn Văn Quang 5. Cha Phaolô Trần Công Sanh 6. Cha Phêrô Nguyễn Văn Tư 7. Cha Anrê Nguyễn Văn Vạn 8. Cha Simon Berlant 9. Cha Phaolô Gatelet 10. Cha Phêrô Vương Quang Sở 11. Cha Giuse Bùi Công Trường 12. Cha Phêrô Nguyễn Thanh Đàn 13. Cha Phêrô Trần Linh Mầu 14. Cha Antôn Nguyễn Chánh Sỉ 15. Cha Phêrô Nguyễn Quang Trọng 16. Cha Tađêô Lý Thành Truyền 17. Cha Antôn Đặng Minh Tâm 18. Cha Phêrô Phan Thanh Hóa
Vào những năm mà họ đạo còn trực thuộc Cù-Lao-Giêng, giáo dân trong họ còn tổ chức nhiều nghi thức rất là sống động và long trọng như: trước ngày áp lễ Giáng Sinh hay lễ Phục Sinh, họ đạo treo một cây cờ vuông lớn, có Thánh Giá ở giữa. Cây cờ có cán dài bằng tre, được treo trên ngọn cây thật cao trước cửa nhà thờ, phía bên phải. Cờ được treo vào lúc 16 giờ, trong tiếng trống chuông vang lên và mười phát súng đồng, bắn bằng mã tử, cũng được nổ rền, để chào mừng ngày lễ trọng đại, lúc cờ Thánh Giá được kéo lên, có đông giáo dân tham dự.
Ngoài ra mỗi khi có một vị Giám mục từ Nam Vang đến viếng họ, tiếng súng đồng và tiếng chuông trống cũng được vang lên để đón chào Đức Cha. Bổn đạo thì quỳ gối hai bên đường từ cổng vào cho đến cửa nhà thờ (dài có đến hơn 200 trăm mét), để được Đức Cha ban phép lành và hôn nhẫn. Tục lệ này đã bỏ, sau khi họ đạo được tách rời khỏi địa phận Nam Vang do các Đức Cha ngoại quốc cai quản trong thời kỳ Pháp thuộc.
Họ Cồn Phước còn có thông lệ hàng năm, cứ đến lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ kính Mình Máu Thánh Thánh Chúa Kitô, (thường vào tháng 5 hay tháng 6 dương lịch) thì cả 4 khu: 2 ở Bãi Trước và 2 ở Bãi Sau, đều thi đua nhau cất nhà tạm, ở cuối mỗi khu, để rước kiệu, hay chầu Mình Thánh Chúa, hoặc để linh mục làm lễ mừng Bổn Mạng khu. Tiếng Latinh thường đọc và hát trong những dịp này. Nghi lễ tuy có phần đơn sơ, nhưng không kém phần trang trọng và tôn nghiêm. Các nhà ở hai bên đường cũng đều hưởng ứng, cũng đều trang hoàng cổng, bàn thờ, đèn lồng và cờ xí rực rỡ suốt lộ trình đoàn kiệu đi qua, thậm chí còn có pháo nổ (pháo tre hoặc ống lói đốt bằng khí đá, để chào mừng đoàn rước kiệu đi ngang qua nhà mình, kể cả tại nhà tạm nữa).
Hiện nay họ đạo đã chính thức xây 4 đài bằng gạch ở cuối mỗi khu. Mỗi khu đều chọn thánh Quan Thầy riêng cho khu mình, như:
Bãi Trước: Khu 1: Đài Thánh Phêrô Khu 2: Đài Thánh Tâm
Bãi Sau: Khu 3: Đài thánh Giuse Lựu Khu 4: Đài Đức Mẹ Vô Nhiễm
Ngoài ra, vào ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán hàng năm, Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận (Giám Mục giáo phận Cần Thơ) đều có về quê Cồn Phước để cùng với các linh mục đồng hương, con cái trong họ, dâng thánh lễ đồng tế, cầu nguyện cho ông bà cha mẹ và những người thân, còn sống cũng như đã qua đời.
2/ Số giáo dân của 4 khu (1.562 người)
Khu 1: có 510 giáo dân. Khu 2: có 320 giáo dân. Khu 3: có 360 giáo dân. Khu 4: có 372 giáo dân.
3/ Phương tiện lưu thông giữa 4 khu:
Từ Bãi Sau và Bãi Trước qua lại bằng con Lộ Đất rộng khoảng 3m, ở chặn giữa nối liền 4 khu, tạo hình chữ H. Ngoài ra, khi đến mùa khô, mọi người có thể qua lại tắt ngang đồng. Còn mùa nước thì đi lại bằng xuồng, hoặc đi bộ trên Lộ Đắp
Cồn Phước được chia ra làm 3 xóm, xóm đầu, xóm giữa và xóm dưới. Xóm đầu Cồn, từ đài của khu 1 và 3 trở lên và xóm dưới Cồn từ đài của khu 2 và khu 4 trở xuống, là giang sơn của người theo đạo Phật Giáo, Cao Đài, Tin Lành và thờ cúng ông bà. Cũng đã thấy có xuất hiện một vài gia đình theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Xóm giữa Cồn thì gần như toàn tòng là các gia đình Công Giáo.
Còn ngôi thánh đường, thì nằm ở giữa 4 khu. Mặt tiền nhà thờ quay hướng về phía phía Bãi Sau, hướng về phía cầu qua sông.
4/ Vị trí Nhà thờ và Trường học:
Như đã nói trên, nhà thờ hiện nay đã được xây cất trên diện tích 70 x 38 = 2.660m2. Mặt tiền hướng về Tây Nam, đối diện với hai ấp Mỹ Hòa và Mỹ Trung, thuộc xã Mỹ Luông.
Họ đạo đã chọn thánh Quan Thầy là Gioan thánh sử. Mừng kính ngày 27 tháng 12 hàng năm. Nhà thờ tọa lạc trên một khu đất hình trái bí đao (Elip), nằm giữa 4 khu, trên diện tích rộng 65x154=10.010m2,. Những du khách đi từ Long Xuyên hay từ Sa Đéc đến Cồn Phước, khi đến đầu cầu, thì sẽ thấy rõ nhà thờ ở phía bên kia đối diện.
Từ cổng, lối vào nhà thờ, nhìn phía bên phải sẽ thấy núi Đức Mẹ Lộ Đức thật to, thật cao, được xây dựng năm 1956 trên diện tích 1.320m2. Phía sau Núi Đức Mẹ là khu trường tiểu học của họ đạo, tên là “Trường Trương Bửu Diệp”. Đây là tên của một linh mục gốc tại họ đạo Cồn Phước. Trường được xây dựng năm 1965 do cha Antôn Mai Xuân Khoa. Trường xây bằng gạch, lợp ngói, khang trang, gồm 7 căn, mỗi căn dài 4m, đủ cho 5 lớp học.
Với biến cố lịch sử 30/04/1975 thống nhất đất nước, Nhà Nước Cách Mạng đã quốc hữu hóa các cơ sở dpanh nghiệp và các công ốc, kể cả các học đường, cho nên trường Trương Bửu Diệp của họ đạo, cũng đã bị công lập hóa và trở nên trường cấp I Mỹ Luông C.
Kế đến, phía đầu trường học là phần mộ của cha Phaolô Nguyễn Ngọc Đỗ, nguyên cha sở họ đạo Cồn Phước, từ trần ngày 12/04/1997. Phần mộ này là do công lao của linh mục Antôn Nguyễn Tâm thiết kế, cựu sư huynh Romuald Nguyễn Phước Tứ vẽ 117 vị thánh tử đạo, Nguyễn Thanh Trào, Nguyễn Hồng Tăng, hội đồng giáo xứ và bà con giáo dân thi công.
Sau cùng, cạnh mộ Cha Đỗ là tháp chuông cao 11m được xây dựng lại năm 1969 do công lao của cha Antôn Mai Xuân Khoa. Tháp chuông được xây dựng kiên cố và nâng cao.
Nhìn về phía trái từ cổng nhà thờ, vào đối diện với trường học là nhà xứ. Nhà xứ được xây dựng vào năm 1959, gồm một căn nhà ở, 3 căn xây bằng gạch lợp ngói, phía sau là nhà bếp 4 căn, cột cây, lợp tôn, trên diện tích 1.668m2 cũng do cha Antôn Mai Xuân Khoa xây cất.
Bên hông nhà thờ là đất thánh, rộng 70x30=2.100m2 .
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng và Giáo Hội Công Giáo trên khắp năm châu nói chung, đều dưới quyền cai quản của các vị chủ chăn chung, đó là các Đức Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô ở Rôma (Toà Thánh Vatican, nước Ý)
Các vị Giáo Hoàng kể từ khi họ đạo Cồn Phước được thành lập:
- Piô VII (1800-1823), - Lêô XII (1823-1829), - Piô VIII (1829-1830). - Grêgôriô XVI (1831-1846), - Piô IX (1846-1878), - Lêô XIII (1878-1903) - Piô X (1903-1914), - Bênêđictô XV (1914-1922), - Piô XI (1922-1939) - Piô XII (1939-1958) - Gioan XXIII(1958-1963), - Phaolô VI (1936-1978) - Gioan Phaolô I (1978), - Gioan Phaolô II (1978-2005), - Bênêditô XVI (2005-2013) - Phanxicô (2013- đến nay...)
Ngoài ra mỗi quốc gia trên thế giới còn có một vị Hồng Y cai quản.
- Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê sinh 1899, GM 15/8/1950, qua đời 27/11/1978.
- Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn sinh 19/3/1921, Linh mục 3/12/1949, GM 2/6/1963, TGM Hà Nội 27/11/1978, Hồng Y 30/6/1979 qua đời 18/5/1950.
- Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Định Tụng sinh 1919, GM 16/8/1963 đến nay.
Thứ đến, mỗi Miền Bắc Trung Nam cũng có một vị Tổng giám mục, phụ trách các giáo phận trực thuộc. Tổng giáo phận Sài Gòn, tòa tổng đặt tại Sài Gòn (nay là TP. HCM):
- Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, sinh ngày 1.9.1910 tại Sài Gòn. Thụ phong linh mục ngày 27.3.1937 tại Rôma. Bổ nhiệm Giám mục giáo phận Cần Thơ ngày 20.9.1955. Tấn phong Giám mục ngày 30.11.1955 tại Sài Gòn. Bổ nhiệm Giám mục giáo phận Sài Gòn ngày 24.11.1960. Từ trần ngày 01.7.1995 tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Tòa Tổng Giám Mục đã Trống Tòa một thời gian khá lâu. Để điều hành giáo phận trong thời gian dài này, Đức Cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, Giám mục Phan Thiết, được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Quản Toá Tổng Giám Mục Saigòn, chờ người kế vị Đức Cố Phaolô Bình. Thực tế ngổn ngang của một giáo phận có gần 500 ngàn giáo dân mà thiếu người lãnh đạo chính thức.
- Thời gian Trống Tòa đã làm phân hóa do tình trạng thiếu một đường hướng phục vụ cụ thể đã làm cho những dị biệt này thêm sâu sắc. Thực tế phức tạp của nhiều khuynh hướng tôn giáo và chính trị khác nhau. Sau cùng mọi việc cũng được ổn thỏa Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm người kế vịlà Đức GM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.
Đức Cha Phạm Minh Mẫn sinh 05/03/1934 tại Hòa Thành, Cà Mau. Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang phong chức linh mục tại Nhà Thờ Chánh Tòa Cần Thơ 25/05/1965. ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục phó với quyền kế vị Giáo phận Mỹ Tho 22/03/1993. Thụ phong Giám mục tại Đại chủng viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ 11/08/1993. Nhận chức Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho 12/08/1993. ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng Giám mục TGP. TPHCM 10/03/1998. Nhận chức Tổng Giám mục TGP. TPHCM 02/04/1998. ĐGH Gioan Phaolô II trao mũ và nhẫn tấn phong Hồng y với tước hiệu Hồng Y Linh Mục Thánh Ðường Thánh Justino tại Rô-ma 21-22/10/2003, sau khi được đưa vào danh sách các tân Hồng y vào ngày 28-09 trước đó. Nghỉ hưu. 22/03/2014. ------------------
Họ Cồn Phước từ ngày thành lập cho đến năm 1955 trực thuộc địa phận Nam Vang, dưới quyển lãnh đạo của các Đức Cha Giáo Phận Nam Vang (Campuchia)
+ Đức Cha Jean Claude Bouchut từ năm 1902-1928. + Đức Cha Valentin Herrgott từ năm 1928-1936. + Đức Cha Jean Bte Chabalier từ năm 1936-1955. + Đức Cha Gustare Raballand từ năm 1956-1962. + Đức Cha Yres Ramousse từ năm 1962-1955
Sau khi Địa phận Cần Thơ, tách rời GP. Nam Vang:
+ Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình từ năm 1955 -1960.
Sau khi Địa phận Long Xuyên, tách rời GP. Cần Thơ:
+ Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ từ năm 1961-1997 + Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần từ năm 22/12/1997 đến 02/09/2003 + Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu từ 02-09-2003 đến nay. + Hiện nay có Đức Cha Phụ Tá Giuse Trần Văn Toản. -----------
- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ sinh ngày 02/02/1909 tại Vạn Đồn, Thụy Anh, Thái Bình (Bắc Việt), chịu chức linh mục ngày 29/6/1934 tại Luçon (Pháp), thụ phong GM ngày 22/2/1961 tại Saigon. Chính thức nhận giáo phận Long Xuyên ngày 04/04/1961.
- Đức Cha Phó Gioan Baotixita Bùi Tuần sinh ngày 21/01/1928 tại Cam Lai, (Tiền Hả, Thái Bình, Bắc Việt). Thụ phong linh mục ngày 02/07/1955 tại Hồng Kông. Thụ phong GM ngày 30/4/1975 tại nhà thờ Tôma (Long Xuyên), Là GM phó hiệu tòa Tabunia. Đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm GM Chánh Toà ngày 22/12/1997 thay thế Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ về hưu.
- Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu sinh 20-08-1945 tại Phú Ốc (Nam Định), chịu chức linh mục 10-08-1974 tại Saigon,Tấn phong GM 29-06-1999 tại Long Xuyên. GM Chánh toà 02-09-2003.
- Đức Cha Giuse Trần Văn Toản sinh 07-04-1955 tại Tam Kỳ (Quảng Nam), chịu chức linh mục 16-01-1992 tại Long Xuyên, tấn phong GM Phụ Tá 29-05-2014 tại Tân Hiệp (Long Xuyên).
Các Cha Sở coi sóc Họ đạo Cồn Phước:
Họ Cồn Phước từ ngày thành lập họ và cất nhà thờ năm 1872 không có Cha sở.
1- Đến năm 1958 mới có cha sở đầu tiên đó là cha Antôn Mai Xuân Khoa là người Bắc, thuộc địa phận Hà Nội, đã tình nguyện theo bổn đạo di cư từ Bắc đến đồn điền cao su Chúp (Campuchia), để làm ăn kiếm sống. Sau một thời gian ổn định, Cha đã về miền Nam Việt Nam và được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, giáo phận Cần Thơ (lúc bấy giờ Long Xuyên và Cần Thơ cùng chung một Giáo Phận, được tách rời từ giáo phận Nam Vang), bổ nhiệm cha Antôn về làm cha sở họ Cồn Phước. Cha là cha sở đầu tiên. Cha là người có nhiều đức, có nhiều tài, và nhất là ý chí của cha rất mạnh. Cha đã có công rất lớn trong việc xây dựng họ đạo về mọi mặt.
Năm 1972, cha Mai Xuân Khoa được thuyên chuyển về kinh A (Cái Sắn). Ngài đã qua đời, được an táng tại họ này. (Cha sở thứ I).
2- Linh mục Micae Lê Tấn Công về thay thế cha Antôn Mai Xuân Khoa kể từ năm 1972 đến ngày 14/05/1974. Ngài về hưu dưỡng tại gia đình ở Vị Hưng (Vị Thanh, GP. Cần Thơ). Ngài đã từ trần và đã được an táng nơi đây (Cha sở thứ II).
3- Ngày 14/05/1974, Linh mục Phaolô Nguyễn Ngọc Đỗ sinh năm 1920 thụ phong linh mục năm 1950 về thay thế cha Micae Công cho đến ngày từ trần (12/04/1997). Ngài chết vì bệnh nhồi máu cơ tim, đang lúc Ngài dâng thánh lễ An táng cha Giuse Nguyễn Mạnh Khải (1933-1997) ngày 12/04/1997 lúc 9 giờ sáng tại nhà thờ Mỹ Luông. Có Đức Cha GB. Bùi Tuần và có rất đông cha đồng tế trong lễ an táng này. Cha Đỗ được bổn đạo thương mến gọi là Ông Ngoại. Ngài đã được an táng ở phía trước sân nhà thờ (phía bên trái). Ngài ra đi trong sự luyến tiếc và mến thương của mọi người trong họ đạo, kể cả người lương nữa. Ngài đang chuẩn bị cho tu sửa lại nhà thờ họ. Rất tiếc ý nguyện ngài chưa thành đạt (Cha sở thứ III).
4- Linh mục Gioan Hồ Ngọc Trứ, sinh năm 1950, thụ phong linh mục năm 1979, phụ trách họ Cái Gia, (An Lương, Hòa Bình Chợ Mới) về thay thế Cha Phaolô Nguyễn Ngọc Đỗ kể từ ngày 01/06/1997.
5. Linh mục Giuse Nguyễn Hùng Sơn sinh 1955, chịu chức linh mục 1993. Đang là Cha Sở Giáo xứ Mỹ Luông thì được Đức Cha Địa Phận bổ nhiệm về là Cha Sở Cồn Phước từ năm 2005 cho đến nay (2016). Cha có công xây nhà xứ, xây dựng mới nhà thờ Cồn Phước, rất đẹp, rất khang trang như hiện nay. Cha cũng xây dựng đài tưởng niệm Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp rất hoành tráng, ngang với núi Đức Mẹ.
Các cha phó Phuc vụ Gx. Cồn Phước:
1. Linh mục Antôn Nguyễn Văn Triển, sinh 1955, chịu chức linh mục 1992. Phục vụ Cồn Phước từ tháng 06/2009 đến tháng 10/2010.
2. Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Bình, sinh 1970, chịu chức linh mục 2008. Phục vụ Cồn Phước từ 08-12-2010 đến tháng 07/2012.
3. Linh mục Micae Trần Trường Hoà, sinh 1979. Chịu chức linh mục 2010. Phục vụ Cồn Phước từ 15-12-2012 đến hôm nay (2016).
Như vậy họ đạo Cồn Phước, tuy đã có hơn 100 năm mà chỉ có 5 đời Cha sở và 3 cha phó cai quản họ đạo.
Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, mặc dầu là một họ đạo có số giáo dân rất khiêm tốn, sống bằng chăn nuôi phổ thông và bằng ruộng rẫy, diện tích đất lại eo hẹp, nhưng vẫn được tiếng là có lòng sùng đạo, noi theo gương ông bà tổ tiên, nhất là gia đình tiên khởi của ông Lê Văn Phước, như lời Chúa phán “Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình mà vác Thánh Giá theo Ta”.
Nghe theo tiếng Chúa gọi, các con em nam nữ trong giáo xứ đã hăng hái vào các tu viện, để mong được trở thành những thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Chúa. Nhưng Chúa gọi thì nhiều, mà chọn thì lại ít. Số còn lại trong nhà tu, tuy có phần khiêm tốn, nhưng đối với một họ đạo bé nhỏ như Cồn Phước, (có tổng số 1.562 giáo dân, trên tổng số 2.900 dân) thì con số ít linh mục tu sĩ ngày này, cũng đáng được chúng tôi ghi lại để tạ ơn Thiên Chúa.
Trong số các vị này, có 2 vị rất đặc biệt, đó là Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận (giám mục GP. Cần Thơ) và cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, mà họ đạo đã chọn cha để đặc tên cho trường tiểu học của Giáo xứ, “trường tiểu học Trương Bửu Diệp.
Cả hai vị này đã được giới Công Giáo trong và ngoài nước biết đến. Riêng Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp đã được rất nhiều người hâm mộ, sùng kính như một vị thánh. Không phải chỉ trong giới Công giáo, mà những người ngoài công giáo từ khắp nơi, trong nước cũng như nước ngoài, cũng đều rất sùng kính Ngài, cầu khẩn với Ngài. Và hầu như đều được rất nhiếu ơn như ý nguyện.
Ngài nguyên là Cha sở họ đạo Tắc Sậy. Ngài chết vì đạo ngày 12/03/1946. (Xin xem phần tiểu sử của Ngài ở phần cuối).
Danh sách linh mục xuất thân từ Họ Đạo Cồn Phước:
1/ Linh mục Gioakim Nguyễn Trung Kiểm, con ông Nguyễn Văn Nhờ và bà Nguyễn Thị Mùi. Sinh năm 1870. Thụ phong linh mục năm 1903 (33 tuổi). Qua đời năm 1948 (thọ 78 tuổi) tại Bãi Giá (Gp. Cần Thơ).
2/ Linh mục Matthêu Nguyễn Công Chánh, con ông (không nhớ) và bà (không nhớ). Sinh năm 1871. Thụ phong năm 1904 (33 tuổi). Qua đời năm 1928 (thọ 57 tuổi).
3/ Linh mục Phanxicô Xavie Lê Tri Chí, con ông Lê Văn Viễn và bà Nguyễn Thị Quy. Sinh năm 1874. Thụ phong linh mục năm 1905 (31 tuổi). Qua đời năm 1944 (thọ 70 tuổi).
4/ Linh mục Phanxicô Nguyễn Thanh Bổn, con ông Nguyễn Văn Phước và bà Nguyễn Thị Qườn, sinh năm 1888. Thụ phong linh mục năm 1920 (32 tuổi) qua đời năm 1948 (thọ 60 tuổi).
5/ Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp, con ông Micae Trương Văn Đặng và bà Lucia Lê Thị Thanh, sinh năm 1897. Thụ phong linh mục năm 1924 (27 tuổi). Tử đạo ngày 12/03/1946 tại Tắc Sậy (hưởng dương 49 tuổi).
6/ Linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Dương, con ông Nguyễn Văn Nhuần và bà Nguyễn Thị Lễ. Sinh năm 1917. Thụ phong Linh mục năm 1946 (29 tuổi). Bề trên địa phận Long Xuyên, kiêm cha sở họ Cù-lao-giêng. Qua đời ngày 10-06-2007 tại Bò-Ot (thọ 90 tuổi).
7/ Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, con ông Lê Tấn Giáo và bà Nguyễn Thị Mầu. Sinh năm 1930. Thụ phong linh mục năm 1960 (30 tuổi) Thụ phong GM ngày 06/06/1975 tại Cần Thơ (45 tuổi). GM địa phận Cần Thơ. Qua đời 17-10-2010 tại Cần Thơ (thọ 80 tuổi).
8/ Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Mễn, con ông Nguyễn Văn Chiếu và bà Nguyễn Thị Triên. Sinh 13-09-1944. Thụ phong linh mục ngày 26-06-1975 (31 tuổi). Hiện tại là Cha sở họ đạo Năng Gù.
9/ Linh mục Antôn Nguyễn Tâm, con ông Nguyễn Văn Lẽ và bà Nguyễn Thị Tấn. Sinh năm 1948. Thụ phong linh mục ngày 26/6/1975 (27 tuổi) cha sở họ đạo Chợ Mới. Qua đời ngày 10/11/1997 (hưởng dương 49 tuổi), an táng trong khuôn viên nhà thờ Chợ Mới.
10/ Linh mục Alphongsô Lê Kim Thạch, con ông Lê Văn Ngai và bà Nguyễn Thị Tửu. Sinh năm 1951. Thụ phong linh mục năm 1989 (38 tuổi). Hiện tại là Cha sở họ đạo Vị Hưng, Vị Thanh (GP. Cần Thơ).
11/ Linh mục Anrê Lê Văn Chương, con ông Lê Văn Trạch và bà Lê Thị Thọ. Sinh năm 1959. Thụ phong linh mục ngày 01/07/1997 (38 tuổi). Hiện tại là Cha sở họ đạo Thới Lai.
12/ Linh mục Alphongsô Nguyễn Lê Kha, con ông Phêrô Nguyễn Văn Đảnh và bà Maria-Mađalêna Lê Thị Mỹ Dung. Sinh 15-12-1977. Thụ phong linh mục 15-06-2012. Hiện tại là cha phó Cù-lao-giêng.
13/ Linh mục Phanxicô Nguyễn Trung Kiên, con ông Seraphim Nguyễn Văn Thi và bà Isave Nguyễn Thị Muôn. Sinh 18-06-1980. Thụ phong linh mục 27-06-2014. Hiện tại là cha phó Bò-Ot.
14/ Thầy Sáu Augustinô Nguyễn Thái Hiệp, sinh 26-08-1979, con ông Nguyẽn Văn Vạn, và bà Maria Nguyễn Thị Sớm. Được phong chức Phó Tế 29-03-2016 tại Rôma, thuộc dòng Tên.
Tổng cộng = 1 GM, 13 Linh mục, 1 Phó Tế. Hiện nay còn sống 5 Lm và 1 Phó Tế. --------------- (1) Cha Phanxicô Nguyễn Thanh Bổn nguyên là cha sở họ đạo Bò Ot, từ trần vào quí I năm 1948 chớ không phải năm 1946. Bằng chứng là ngày 23/07/1947 Ngài ban phép hôn phối cho tôi và bà Nguyễn Thị Bê, có ông giáo Nguyễn Văn Minh, thân sinh của hai linh mục Luy Gonzaga Nguyễn Hiếu Lễ (1908-1936) và Stanislao Nguyễn Hữu Trí (1909-1936) là chứng nhân tại nhà thờ Bò Ót. Đến ngày 07/07/1948 Cha Hoàng thay thế cha Bổn và rửa tội cho con gái đầu lòng của tôi là Nguyễn Kim Lang có đóng dấu ấn Linh mục họ Bò Ót, Thới Thuận, Thốt Nốt, Việt Nam. Có con dấu và chữ ký của cha là P. Bổn và cha P. Hoàng trong sổ gia đình công giáo của tôi.
2. Tu sĩ nam
1. Phanxicô Lê Văn Cung, sinh năm 1862, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 2. Phêrô Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1888, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 3. Anrê Nguyễn Chúc Tạo, sinh năm 1894, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 4. Phêrô Nguyễn Văn Biểu, sinh năm 1895, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 5. Phanxicô Nguyễn Văn Ban, sinh năm 1902, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 6. Luy Nguyễn Minh Thống, sinh năm 1903, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 7. Antôn Lê Thái Sư, sinh năm 1903, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 8. Phêrô Võ Tuấn Đức, sinh năm 1906, chủng viện Phát Diệm Hà Nội. 9. Sư huynh Norbert Nguyễn Văn Chói, sinh năm 1908, Lasan Taberd Saigon. 10. Phêrô Lê Quang Trạng, sinh năm 1910, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 11. Micae Nguyễn Ngọc Trưng, sinh năm 1912, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 12. Anrê Nguyễn Ngọc Sẽ, sinh năm 1913, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 13. Phêrô Nguyễn Văn Đến, sinh năm 1913, Thánh Gia Banam. 14. Gioan Baotixita Lê Bá Cử, sinh năm 1914, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 15. Antôn Hồ Văn Kiếm, sinh năm 1915, Thánh Gia Banam. 16. Nicolas Nguyễn Văn Phô, sinh năm 1914, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 17. Phanxicô Hồ Văn Chinh, (tự Xinh), sinh năm 1919 Lasan Mỹ Tho. 18. Anrê Nguyễn Văn Thửa, sinh năm 1920, Lasan Mỹ Tho. 19. Phanxicô Nguyễn Văn Thuần tự Thuận, sinh năm 1920, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 20. Phêrô Lê Văn Bản tự Bảo, sinh năm 1920, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 21. S.H.Albert Nguyễn Quang Tiên, sinh năm 1921, Lasan Tabert Saigon. 22. Phêrô Hồ Văn Đông, sinh năm 1921, Lasan Mỹ Tho. 23. Phêrô Nguyễn Văn Vấn, sinh năm 1921, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 24. S.H.Pasteur Võ Văn Phép (tự Phé), sinh năm 1922, Thánh Gia Banam. 25. Antôn Nguyễn Văn Duông, sinh năm 1922, Lasan Mỹ Tho. 26. Giuse Nguyễn Văn Thưa, sinh năm 1924, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 27. Phêrô Hồ Văn Tông, sinh năm 1925, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 28. Emmanuel Nguyễn Ngọc Sinh, sinh năm 1925, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 29. Phêrô Nguyễn Văn Thê, sinh năm 1925, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 30. Phêrô Nguyễn Ngọc Anh (tự Ta), sinh năm 1926, Dòng Chúa Cứu Thế. 31. Sư Huynh Nicolas Nguyễn Văn Thuất, sinh năm 1926, Thánh Gia Banam. 32. Phêrô Lê Ngọc Bút, sinh năm 1926, Dòng Chúa Cứu Thế. 33. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Trị, sinh năm 1927, Thánh Gia Banam. 34. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Bá, sinh năm 1929, Dòng Chúa Cứu Thế. 35. Antôn Hồ Văn Trên, sinh năm 1929, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 36. Phêrô Lê Văn Hiền (tự Mới), sinh năm 1930, Thánh Gia Banam. 37. Anrê Trần Cao Đê, sinh năm 1930, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 38. Anrê Nguyễn Văn Đợi, sinh năm 1930, chủng viện Cù-Lao-Giêng. 39. Phêrô Nguyễn Phước Tứ, sinh năm 1930, Thánh Gia Banam. 40. Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Nguyên, sinh năm 1941, Chủng Viện Thánh Quí Cái Răng. 41. Phêrô Nguyễn Văn Kháng, sinh năm 1941, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 42. Antôn Nguyễn Phước Diềm, sinh năm 1945, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 43. Phêrô Lê Quang Trinh, sinh năm 1945, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 44. Alphongso Võ Tuấn Trung (tự Sô), sinh năm 1945, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 45. Alphongso Nguyễn Thanh Trào, sinh năm 1949, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 46. Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, sinh năm 1949. ĐCV. Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt. 47. Phanxicô Lê Văn Xe, sinh năm 1950, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 48. Phêrô Võ Tuấn Trực, sinh năm 1951, chủng viện Têrêsa Long Xuyên. 49. Alphongso Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1951, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 50. Phêrô Nguyễn Hữu Nghĩa, sinh năm 1952, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 51. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Châu (tự Tôma), sinh năm 1952 Đại chủng viện Vĩnh Long. 52. Phêrô Nguyễn Văn Cao (tự Trao) , sinh năm 1952, chủng viện Thánh Phung Châu Đốc. 53. Lêô Nguyễn Thiện Ý (tự Diệu), sinh năm 1952, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 54. Phêrô Lê Tấn Bình, sinh năm 1952 Chủng viện Têrêsa Long Xuyên. 55. Anrê Phạm Văn Nhạc, sinh năm 1952, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 56. Phêrô Lê Vương Bá, sinh năm 1952, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 57. Phêrô Nguyên Quang Trên, sinh năm 1953, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 58. Phêrô Lê Thái Tùng, sinh năm 1954, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 59. Luy Nguyễn Văn Rô (tự Đê), sinh năm 1954, chủng viện Thánh Quí Cái Răng. 60. Antôn Nguyễn Van Dũng, sinh năm 1957, ĐCV. Tôma Long Xuyên. 61. Phêrô Nguyễn Tấn Đệ, sinh năm 1957, Chủng viện Thánh Phụng Châu Đốc. 62. Antôn Nguyễn Phước Thi, sinh 04-03-1983, Chủng viện Thánh Quí Cái răng, Cha Gioakim Nguyễn Công Toàn, Mẹ Isave Nguyễn Thi Ngọc Lan.
Ghi chú: Chữ Sư Huynh (Frère) = dùng cho những người chết mà có khấn Dòng và những người sống còn đang tu. Những người tu xuất thì dùng tên thánh rửa tội.
TỔNG SỐ TU SĨ NAM
1. Đại chủng viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt = 1 2. Đại chủng viện Thánh Tôma Long Xuyên = 1 3. Đại chủng viện Vĩnh Long = 1 4. Tiểu chủng viện Cù-lao-giêng = 22 5. Tiểu chủng viện Thánh Têrêsa = 2 6. Tiểu chủng viện Thánh Phụng Châu Đốc = 2 7. Tiểu chủng viện Thánh Quí Cái Răng = 15 8. Dong Thánh Gia Banam (Nam Vang) = 7 9. Dòng Lasan Tabert Saigon = 2 10. Dòng Lasan Mỹ Tho = 4 11. Dòng Chúa Cứu Thế = 4 12. Chủng Viện Phát Diệm Hà Nội = 1
Tổng cộng : 61 nam tu sĩ
(1) Bốn đệ tử Nguyễn Ngọc Anh (Ta), Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Thuất và Lê Ngọc Bút đã theo học tại nhà dòng Chúa Cứu Thế Huế năm 1939, nhưng sau đó chỉ còn 3 đệ tử trở lại tu dòng Thánh Gia, (trước kia gọi là Thầy giảng Banam - Nam Vang) đó là: Ngọc Anh, Thuất và Bá, nhưng sau cùng còn lại 1 là sư huynh Nicola Nguyễn Văn Thuất.
3. Tu sĩ Nữ
1. Nữ tu Apollina Nguyễn Thị Yến, sinh 1866, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 2. Nữ tu Florentine Nguyễn Thị Bộn, sinh 1884, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 3. Nữ tu Aurélia Nguyễn Thị Tuần, sinh 1885, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 4. Nữ tu Mélanie Nguyễn Thị Chính, sinh 1892, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 5. Nữ tu M. Raphael Lê Thị Kiềm, sinh 1916, Dòng kín Carmel Saigon. 6. Maria Trần Thị Khoảnh, sinh 1918, Mến Thánh Giá Nam Vang. 7. Nữ tu Générosa Nguyễn Thị Lo, sinh 1921, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 8. Nữ tu Adèle Nguyễn Thị Thì, sinh 1922, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 9. Anna Nguyễn Thị Bảnh, sinh 1922, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 10. Anna Nguyễn Thị Nguyền tự A, sinh 1922, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 11. Matta Trần Thị Hưởn, sinh 1924, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 12. Isave Nguyễn Thị Tỷ, sinh 1925, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 13. Anna Nguyễn Thị Mỳ, sinh 1925, Mến Thánh Giá Nam Vang. 14. M. Madalena Nguyễn Thị Riêng, sinh 1927, Mến Thánh Giá Nam Vang. 15. Nữ tu Joseph Nguyễn Thị Hường, sinh 1929, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 16. Anna Võ Thị Đầm, sinh 1930, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 17. Nữ tu Julia Nguyễn Thị Rê, sinh 1930, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 18. Anna Nguyễn Thị Chiêu, sinh 1930, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 19. Anna Nguyễn Thị Niêm, sinh 1930, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 20. M.Madalena Nguyễn Thị Nà, sinh 1930, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 21. Nữ tu Alix Maria Phan Thị Nở, sinh 1935, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 22. Nữ tu Aurélia Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh 1937, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 23. Lucia Nguyễn Thị Thoa, sinh 1937, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 24. M.madalena Nguyễn Thị Khấn, sinh 1941, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 25. Nữ tu Dominique Nguyễn Thị Khẩn, sinh 1941, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 26. Nữ tu Alphongsine Võ Ngọc Thu, sinh 1943, Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho. 27. Nữ tu Denise Lê Thị Đành, sinh 1946, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 28. Nữ tu Isidore Võ Ngọc Anh, sinh 1949, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 29. M. Madalena Lê Thị Thu Hà, sinh 1949, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 30. Nữ tu Clara Nguyễn Thị Đơn, sinh 1950, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 31. Maria Nguyễn Thị So tự Tơ. Sinh 1950, Mến Thánh Giá Chợ Quán Saigon. 32. Maria Phạm Thị Ca, sinh 1950, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 33. Têrêsa Nguyễn Thị Tuyết, sinh 1950, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 34. M.Madalena Trần Thị Thiện, sinh 1950, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 35. Têrêsa Lâm Thị The tự Hoa, sinh 1951, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 36. Maria Nguyễn Thị Mỹ Lệ tự Lẹ, sinh 1951, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng. 37. Têrêsa Võ Ngọc Phấn, sinh 1952, Mến Thánh Giá Chợ Quán Saigon 38. Anna Nguyễn Thị Đảm tự Giềng, sinh 1953, Chúa Quan phòng Cù-Lao-Giêng 39. M. Madalena Nguyễn Thị Nha, sinh 1953, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 40. Maria Nguyễn Thị Hương tự Dánh, sinh 1955, Mến Thánh Giá Sóc Trăng. 41. Têrêsa Nguyễn Thị Cẩm Lình, sinh 1956, Mến Thánh Gía Sóc Trăng. Ghi chú: Chữ nữ tu (Soeur)= dùng cho những người chết mà đã có khấn Dòng và những người còn sống đang tu. Những người Tu xuất thì dùng tên Thánh rửa tội.
Số trẻ con trong họ đạo lúc đầu còn ít, phần gia đình nào cũng lo làm ăn kiếm sống hằng ngày, nên ít quan tâm lo cho con cháu học hành. Phần cũng vì cha mẹ đa số là mù chữ.
Đến năm 1922, Cha Giuse Bùi Công Trường cho dỡ nhà thờ cũ, và xây dựng lại nhà thờ mới bằng vật liệu nặng. Nhờ đó, với số cây và ngói nhà thờ cũ, Cha Trường cho cất trường học, nhà sàn bằng cây, vách ván, lợp ngói, chia thành 3 phòng, 2 phòng rộng lớn để cho Thầy Anrê Nguyễn Chúc Tạo dạy học trò nữ. Còn phòng kia Thầy Phêrô Lê Quang Trạng dạy học trò nam. Phòng nhỏ còn lại là phong dành cho Linh Mục đến giúp họ có nơi tạm nghỉ.
Số học trò lúc bấy giờ rất ít, lại cũng không ham học, và nếu có học, thì chỉ là học để biết đọc biết viết thôi. Một số ít con em ham học và phụ huynh có đủ khả năng, thì mới cho con mình qua Tỉnh học thêm, hoặc đi tu.
Đến năm 1963, nhà trường được xây cất kiên cố, mang tên là trường họ “Trường tiểu học Trương Bửu Diệp” tên của một vị linh mục gốc họ đạo Cồn Phước.
Trường xây gạch, lợp ngói khang trang, gồm 7 căn, mỗi căn dài 4 m đủ 5 lớp học. Trường do cha sở Antôn Mai Xuân Khoa cho xây cất. Nhờ cha Antôn tìm đủ mọi cách buộc các em đi học tiếp tục, (nếu em nào không biết đọc biết viết thì chưa được đi xưng tội rước lễ lần đầu). Hơn nữa họ đạo đã có trường riêng, đủ cho 5 lớp tiểu học, nên con em nào cũng được đi học trở lại. Do đó, nạn mù chữ dần dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, lực học cũng không quá tiểu học.
Biến cố 30/04/1975, Cách Mạng thành công, miền nam được hoàn toàn thống nhất với miền Bắc, nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã quốc hữu hóa toàn bộ các cơ sở tư nhân, kể cả các trường học. Do đó mà trường tiểu học Trương Bửu Diệp của nhà thờ cũng đã bị công lập hóa, và nó trở thành trường cấp I thuộc Mỹ Luông C. Các gia đình lại gặp phải cảnh chật vật khiếm khuyết về tài chính, nên nhiều con em đã bỏ học, Nhưng may thay, nhờ sự tích cực thúc đẩy của cha sở Phaolô Nguyễn Ngọc Đỗ và sự cộng tác đắc lực của thầy xứ Giuse Trương Văn Trang, kiêm nhiệm làm giáo viên, nên các em dần dần trở lại trường học đông hơn.
Riêng về giới lớn tuổi trong họ thì đa phần mù chữ chỉ biết lo sống về vật chất và kinh tế hơn là văn hóa. (Phần thì trước kia thì thiếu trường lớp).
- gia trưởng, - hiền mẫu, - thanh niên nam nữ - và thiếu nhi.
Ngoài ra, bên cạnh các giới còn có Dòng Ba Phanxicô.
Mỗi giới phụ trách xướng kinh và đọc sách thánh một ngày cố định trong một tuần.
Ngoài ra còn có ca đoàn Thanh thiếu niên, phụ trách xướng ca trong thánh lễ, dưới sự điều khiển của thầy xứ Phêrô Ngô Xuân Phú, (dòng Phanxicô Cù-Lao-Giêng). Thầy Phêrô Phú được thụ phong Linh mục ngày 10/12/1992 tại Cù-Lao-Giêng và từ trần lúc 9 giờ 30 ngày 06/03/1997 tại nhà Dòng Phanxicô ở Thủ Đức.
Cùng giúp cha sở trong việc điều hành họ đạo còn có một ban Hành Giáo gồm 8 người, được bầu lại mỗi nhiệm kỳ là 3 năm, bình chọn ra ở mỗi khu hai người.
Ngoài ra ở mỗi khu còn có một ban Trị Sự, gồm có một trưởng khu, một phó khu và một vài thành viên.
b. Phụ trách họ đạo:
Để trợ lực cùng với cha sở, Ban Hành Giáo được phân công như sau:
- 1 Trưởng ban hành giáo phụ trách tổng quát. - 1 Phó ban phụ tá. - 1 Thư ký. - 1 Phụ trách vật tư trong nhà thờ. - 1 Phụ trách trật tự. - 1 Phụ với Cha Sở trong coi tài sản của Họ đạo. - 1 Phụ trách phụng vụ. - 1 Phụ trách đất thánh (nghĩa địa).
Họ Cồn Phước đất ít, người đông. Mỗi gia đình chỉ có một ít đất thổ cư, một ít đất vườn và một ít đất ruộng. Do đó, nhà nào cũng thiếu ăn (đa số) nên phải làm thêm hai ba nghề khác mới đ ?????
Vì là nghề truyền thống, nên gia đình ông Lê Văn Phước từ khi đến định cư đã bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo thao, và quay chỉ. Chỉ sau khi quay xong thành lọn, thì bán cho thương lái.
Họ mang về Chợ Thủ và Mỹ Luông. Ở đây, sản phẩm sau khi dệt và nhuộm, thương gia sẽ bán lại cho người tiêu dùng.
Đa số người dân vùng này lúc bấy giờ đều mặc toàn vải tơ lụa, sản xuất tại nội địa, chớ không có hàng ngoại. Nghề nuôi tằm ở vùng này, đã có từ lâu đời tại các vùng Ba Răng, Đốc Vàng, thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Nay người dân Cồn Phước còn biết nhiều nghề hơn như: thợ mộc, thợ hồ, đan đát, chài lưới, thả lờ thả lọp, giăng câu, đan thúng đan rỗ bằng tre trúc. Hiện nay, cũng có một vài cơ sở làm gòn mới phát lên, nên đã giúp được một số bà con thất nghiệp có công ăn việc làm, kiếm tiền độ nhật. Còn lại một số có tay nghề thì phải đi xa để có chỗ làm mướn, như làm hồ hoặc làm mộc. ----------------------------------------
Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01/01/1897. Rửa tội ngày 02/02/1897 do Cha Giuse Sớm tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Đức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, Chợ Mới, An Giang.
Cha Ngài là Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), đã an táng tại đất thánh họ đạo Cồn Phước.
Mẹ Ngài là Lucia Lê Thị Thanh, gia đình cất nhà ở Bãi Sau, thuộc họ đạo Cồn Phước, sống bằng nghề mộc và nuôi tằm kéo thao (ươm tơ).
Năm 1904, mẹ Ngài mất lúc Ngài lên 7 tuổi, gia đình cha con dời lên Bactambang (Campuchia) sinh sống cũng bằng nghề thợ mộc kiếm tiền độ nhật.
Tại đây, cha Ngài đã tục quyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên.
Kế mẫu đã sinh cho Ngài người em gái là Trương Thị Thìn, sinh năm 1915 (sống tại họ đạo Bến Dinh, thuộc xã Tân Hòa, Huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).
Năm 1909 thời Đức Cha Jean Claude Bouchut, Cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho Ngài vào tu tại tiểu chủng viện Cù-lao-giêng. Mãn tiểu chủng viện, Ngài lên Đại Chủng Viện Nam Vang (lúc đó các họ đạo khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đều trực thuộc giáo phận Nam Vang, Campuchia).
Năm 1924 Ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Đức Cha Jean Claude Bouchut. Lễ Vinh Quy và lễ mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là cô sáu Trương Thị Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.
Năm 1924-1927 Ngài được bổ nhiệm về làm Cha phó họ đạo Hố Trư, tỉnh Takeo, Campuchia. Họ đạo của người Việt sinh sống Kamdal.
Năm 1927-1929 Ngài về làm Giáo sư Tiểu Chủng Viện Cù-lao-giêng.
Tháng 03/1930 Ngài được Đức Cha Valentine Herrgott bổ nhiệm về nhậm Sở họ đạo Tắc Sậy và coi sóc các vùng phụ cận như: Bà Đốc, Cam Bồ, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chi, Khúc Tréo, Đồng Gò, và Rạch Rắn, thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải, trong 16 năm. Ngài là cha sở thứ II của họ đạo Tắc Sậy.
Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương, năm 1945-1946 chiến tranh loạn lạc bà con nhân dân di tản khắp nơi. Số dân bám trụ ở lại rất ít. Cha bề trên địa phận Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng kêu gọi Ngài đi lánh nạn, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo. Nhưng Ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết, thì cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết”
Ngày 12/03/1946, do sự tranh chấp giữa các giáo phái, Ngài đã bị bắt cùng với 70 giáo dân họ đạo Tắc Sậy. Ngài bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo trong lẫm lúa của ông Giáo Sự tại Cây Gừa. Ngài đã chết thay thế cho những người bị bắt chung, vì Ngài bênh vực quyền lợi cho giáo dân. Ngài mất khi đang thi hành nhiệm vụ Chủ Chăn. Xác của Ngài được vớt lên từ một cái ao của ông Giáo Sự, với vết chém sau ót, ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá. Thi hài Ngài được lén mang về chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo.
Năm 1969 Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, cho di dời hài cốt của Ngài về nhà thờ Tắc Sậy. Ngôi mộ được trùng tu lại và khánh thành ngày 04/06/1989.
Hàng năm, khi tiết Xuân đương độ cao dâng, vào những ngày 11 và 12 tháng 3 dương lịch, là lúc hàng ngàn người, không kể lương giáo, từ khắp nơi dắt dìu nhau nô nức đến họ đạo Tắc Sậy, một họ đạo nhỏ bé thuộc Giáo Phận Cần Thơ, do Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận (sinh quán tại họ đạo Cồn Phước) cai quản.
Họ đạo Tắc Sậy nằm trong địa bàn của Ấp 2, xã Tân Long, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nơi chôn cất hài cốt và còn di ảnh của cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.
Để tỏ lòng tri ân và cảm tạ Ngài, nhân dịp này, Cha sở Martinô Nguyễn Ngọc Tỏ và bà con giáo dân họ đạo Tắc Sậy tổ chức những buổi cầu kinh và dâng thánh lễ, để tưởng nhớ và ca ngợi công đức của Cha Phanxicô. Người đã được Thiên Chúa mến yêu, và qua Ngài, Thiên Chúa cũng tỏ vinh quang và quyền phép.
Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp đã thực hiện lời Đức Kitô trong cuộc sống. Ngài đã hiến dâng mạng sống vì đoàn chiên.
Chúng ta cũng có thể tóm tắt được đời của cha Phanxicô Trương Bửu Diệp là:
Tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa Hy sinh kiếp sống giúp con người Sống hiến dâng phó thác Chết nêu gương sáng ngời Một đời hiến dâng Trọn kiếp vinh quang.
Xin cảm tạ Thiên Chúa, vì bao hồng ân Chúa đã ban qua cha Phanxicô. Nhiều người đã đến Tắc Sậy, chẳng những trong ngày lễ giỗ (12/3), mà cả những ngày thường quanh năm, vẫn có rất đông người từ khắp nơi đến với Cha. Họ đã ở lại, đã cầu khấn, đã nguyện xin. Và khi ra về, lòng vẫn còn mang theo những nỗi niềm lưu luyến nhớ thương.
Ra về còn nhớ Tắc Sậy. Xứ đạo nhỏ bé, sình lầy đường xa. Hồng ân Thiên Chúa ban ra. Đoàn con lương giáo gần xa viếng người. Những ai đau khổ đôi phần. Nguyện xin cha Thánh đỡ đần ủi an. Những ai gặp bước gian nan. Nguyện xin cha Thánh lo toan mọi bề. Cậy trông cha Thánh tràn đầy hồng ân. Cồn Phước nơi chốn song thân. Phanxicô Bửu Diệp thánh nhân chào đời. Xin Cha cầu khẩn Chúa Trời. Ban ơn hồng phúc họ Cồn chúng con.
Tiểu sử này được ghi chép lại (tiểu sử họ đạo) do lời truyền khẩu của Ông Bà và các bậc tiền bối lão thành. Ngoài ra, không có lưu bút nào ghi lại rõ ràng để làm tư liệu tham khảo.
Kính mong bà con thông cảm, bỏ qua cho những gì sai sót và kính mong đóng góp bổ sung thêm những gì mà người viết chưa hoàn chỉnh.
Xin chân thành cảm ơn.
Long Xuyên ngày 30/04/1998 NGUYỄN NGỌC ANH 327A/5A Hùng Vương,Long Xuyên, An Giang, Việt Nam. --------------- * Lm. Phêrô Nguyễn Văn Mễn cập nhật và bổ xung 19-03-2016