TIỂU SỬ GIÁO XỨ NĂNG GÙ (Cập Nhật 30-07-2015) GIÁO XỨ NĂNG GÙ
---------------------------------
Giáo xứ Năng Gù nằm trên địa bàn ấp Bình An 2, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, trên quốc lộ 91, nằm giữa TP. Long Xuyên và TX. Châu Đốc, cách thị xã Long Xuyên khoảng 18km.
Linh mục Phó Xứ: Phêrô Lê Đức Hoàng (ĐT: 0917.804940 - 076.3500200; Email: pet_hoang@yahoo.com)
Nữ Tu Chúa Quan Phòng: 1. Sr. Têrêsa Nguyễn Đặng Tuyết Trinh 2. Sr. Marie Cécilia Nguyễn Thị Hoàng Yến 3. Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Hết. (ĐT: 076.3837124 – 0934.818722)
Các giờ Kinh Lễ: - Trong tuần: Thứ II-VII: Lễ I: 4g30 sáng & Lễ II: 17g30: (Chiều thứ VII: 18g00) - Chúa Nhật: Lễ I: 4g30 sáng; Lễ II: 7 giờ; Lễ III: 18 giờ 00. - Chúa Nhật đầu tháng: 17 giờ 00 Cầu lễ và thánh lễ tại Đất Thánh, cầu cho ông Bà Cha Mẹ và những người thân đã qua đời.
---------------------------------
Giáo xứ Năng Gù trước đây, được hiểu là toàn khu vực Năng Gù, gồm có gồm có 3 nhà thờ: Nhà thờ Năng Gù (Trung Tâm), và 2 họ lẻ với 2 nhà thờ nhỏ: kinh ông Quít (phía Bắc) và Trái Tim (phía Nam). Nếu tính đến thời điểm năm 2003, thì giáo xứ Năng Gù có khoảng 12.000 giáo dân, và đã trở thành một giáo xứ có đông giáo dân nhất của Giáo Phận Long Xuyên.
Chính vì là một Giáo Xứ có quá đông giáo dân, nên ngày 07-10-2003 Đức Cha địa phận Giuse Trần Xuân Tiếu đã phân chia Giáo Xứ Năng Gù ra thành 3 giáo xứ: Lộ Đức (Kinh Ông Quít), Năng Gù (nhà thờ lớn), Trái Tim (nhà thờ Lá).
Tuy 3 gáo xứ liền nhau về ranh đất, nhưng hoàn toàn biệt lập và độc lập về mọi quyền đạo, quyền đời của một giáo xứ hoàn chỉnh.
Cho nên ngày nay, khi nói Giáo Xứ Năng Gù, thì chỉ hiểu là Giáo Xứ Trung Tâm, với “nhà thờ lớn” ở giữa; và 2 Giáo xứ đã tách ra là Giáo Xứ Lộ Đức (Kinh Ông Quít), và Giáo Xứ An Hoà (nhà thờ Lá, hoặc nhà thờ Trái Tim).
Bổn mạng của 3 nhà thờ làm thành gia đình Thánh Gia: nhà thờ Năng Gù chọn thánh Giuse làm bổn mạng, nhà thờ Lộ Đức chọn Đức Mẹ Lộ Đức làm bổn mạng, nhà thờ An Hoà chọn Trái Tim Chúa Giêsu làm bổn mạng.
Nhà thờ Năng Gù đã được Cha Sở Phêrô Lê Văn Quan chỉnh trang tu bổ: Gian Cung Thánh năm 1994, phần nền của Tiền Đường nhà thờ năm 1999, Tháp Chuông năm 2000.
Khoảng thời Gian từ năm 2009-2015, dưới thời Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Mễn làm Cha sở, giáo xứ Năng Gù đã bêtông hoá Sân Núi Đức Mẹ, xây 2 nhà Sinh hoạt mới cho Giáo Xứ, để phục vụ cho các đoàn thể từ các nơi tới, dịp thường huấn hàng năm (nhà ăn và nhà để khách ngủ qua đêm), làm nệm các ghế quì nhà thờ, lắp đặt 7 màn hình trong nhà thờ.
Ngoài ra, Lễ Đài ở Đất Thánh cũng đã được xây dựng, để mỗi Chúa Nhật đầu tháng, có tới 2.000-3.000 giáo dân qui tụ nơi đây, để cầu lễ và dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ông Bà Cha Mẹ và những người thân đã qua đời.
Xong Lễ Đài, thì 2 nhà Hài Cốt cũng đã được xây dựng, có thể chứa khoảng trên 30.000 hài cốt (vì Đất Thánh tuy rất lớn, nhưng tồn tại đã gần 100 năm rồi, nên hầu như đã không còn chỗ chôn nữa). Hiện tại 2 nhà Hài Cốt này (nằm cân đối ở 2 bên Lễ Đài), chỉ mới sử dụng một phần rất nhỏ.
Và cũng để tiện cho việc đi lại của bà con nơi Đất Thánh, thì con đường nối liền từ Quốc Lộ 91 vào tận Lễ Đài, dài 230 m, rộng 3,50 m, cũng đã hoàn thành bằng con đường bê-tông.
Về Lễ Đài Micae (Khu Micae, một điểm Truyền Giáo) cũng đã được xây mới, có nới rộng ra, khang trang hơn, và cũng đã qui tụ làm lễ theo định kì Chính Quyền cho phép.
Sau lễ Đài Micae, thì Đài kính Thánh Giuse, bổn mạng nhà thờ, và Đài Đức Mẹ Sầu Bi cũng đã hoàn thành, đáp ứng lòng sùng kính của bà con giáo dân.
Một nhà Sinh Hoạt Thiếu Nhi, có sân khấu, có thể phục vụ cho các khoá đào tạo và sinh hoạt thoải mái, một lúc có thể chứa 300 em thiếu nhi, cũng đã đi vào hoạt dộng.
Năm vừa qua 2014, tháp nhà thờ cũng đã được tu bồ sơn sửa và làm mới lại, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Và chung quanh nhà thờ và toàn bộ các cửa cũng đã được sơn mới. Tiện thể cũng đã sơn lại bên ngoài chung quanh nhà xứ.
Hiện tại (2015), đang xây một nhà làm thư viện cho các em Thếu Nhi, và cũng đang sang lấp mặt bằng, tạo các sân chơi và các sân thể thao cho con em trong giáo xứ. Công trình đang thi công. -------------
Giáo xứ Năng Gù gồm 3 ấp: một phần Ấp Bình An 1, trọn Áp Bình An 2 (xã An Hoà, Huyện Châu Thành, Tỉnh An Giang), và ấp Bình Yên (xã Bình Thủy, huyên Châu Phú), tỉnh An Giang. Số giáo dân có khoảng 5.500, gồm khoảng 1.000 hộ. Đa phần sinh sống bằng nghề làm ruộng, lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, giáo viên nhà trường, nhân viên của vài công ty nhỏ. Còn một số khá đông không có đất, không có nghề, hoặc vì những hoàn cảnh khó khăn, nên phải chấp nhận đi làm ăn xa, như Bình Dương, Sai Gòn, và những công ty xí nghiệp xa quê nhà. Chính ở tại Năng Gù, rất ít người có đồng lương cố định. Là một giáo xứ thuộc vùng nông thôn, nên mức sống chỉ trung bình, tạm ổn định, và có thể nói là còn nghèo. Trình độ văn hoá của giáo dân cũng chỉ ở những lớp phổ thông. Số người xong Đai Học và sau Đại Học rất ít.
. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
Năng Gù là một địa danh đã có từ rất lâu đời. Tên gọi có thể là do tiếng Khmer: Sneing – Ku Biểu tượng của cảm xúc smile Neng-Gù, có nghĩa là “Sừng Bò”.
Giáo xứ Năng Gù được khai sinh do một nhóm người Công Giáo chạy giặc, hoặc chạy trốn từ những cuộc bách hại đạo ở các nơi tuốn về. Họ đến Năng Gù lập nghiệp, làm ăn kiếm sống, vào thời mà địa phương này hãy còn rất hoang sơ.
Được biết người đứng đầu nhóm này là ông Giacôbê Lê Phước Ngãi (+ 1861). Ông Là một người Việt gốc Hoa, là một quan cựu trào, nguyên quán ở Đồng Nai. Ông đến Năng Gù lập nghiệp cùng với vợ là bà Anna Nguyễn Thị Vang (+ 1983). Và dân gian thường gọi bà là bà Châu. Nguyên quán của bà ở Ba Giáp, Mõ Cày. Thuở chưa có nhà thờ, thì nhóm người này thường hay hẹn nhau ở những đám đế ngoài đồng, dọc theo bờ Kinh Ông Quít, để đọc kinh, để tham dự thánh lể, và để lãnh nhận các bí tích. Đã có 2 lần vì hoàn cảnh, buộc họ phải thay đổi địa điểm: Ở Rạch Gộc và ở một nơi, mà hiện nay đã là Đất Thánh.
Nhà thờ đầu tiên được thành hình, có thể là trước năm 1859, ở phía sau núi Đước Mẹ hiện nay. Nhà thờ này lúc bấy giờ làm bằng cây, lợp lá, vách ván, nền đất. Dân gian gọi là “Nhà Thờ Lá”. Khi tụ họp thì họ thường trải đệm để ngồi, để quì, lúc cầu kinh dâng lễ. Nhà thờ rất đơn sơ, chưa có bàn, chưa có ghế. Cha sờ tiên khởi (1858) là Cha Thánh Phêrô Đoàn Công Quí. Ngài là Cha Sở họ đạo Đầu Nước (nay là Giáo Xứ Cù-lao-giêng), đến kiêm nhiệm họ đạo Năng Gù. Khi chịu tử đạo tại Châu Đốc năm 1859, cùng với Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Câu Phủ Giáo Xứ Cù-lao-giêng, thi hài của Cha được cất gấu tạm thời ở gốc cây Mẹt, ở bến sông nhà thờ Chấu Đốc. Sau một thời gian không lâu, giáo dân dùng 2 chiếc ghe, định đưa linh cửu 2 thánh về Cù-lao-giêng. Nhưng, khi đến ngã ba sông Vàm Nao (Hoà Hảo), gặp phải sóng to gió lớn, ngả 3 sông thì quá rộng, nên 2 chiếc ghe lạc nhau: Ghe chở thi hài thánh Emmanuel Lê Văn Phụng thì về tới được Cù-lao-giêng. Còn ghe chở thi hài Cha Thánh Phêrô Đoàn Công Quí không thể đi theo con đường đã định, nên đành phải chuyển hướng về Năng Gù.
Vì là thời kỳ bắt đạo, nên vấn đề tôn giáo gặp rất nhiều kho khăn, nên thi Hài Cha Thánh Phêrô Đoàn Công Quí liền sau khi tử đạo đã được tạm chôn ở gốc cây Bằng Lăng, trong đám đế, sau nhà vợ chồng ông Năm Sum (bà vợ tên là Sương), nay là Đất Thánh Năng Gù. Sau đó không lâu, thi hài Cha Thánh Phêrô Đoàn Công Quí được mang về chôn tươm tất hơn tại Nhà Thờ Lá – Năng Gù, (sau lưng Núi Đức Mẹ hiện nay). Sau này, hài cốt của Cha Quí được cải táng về Cù-lao-giêng, nhưng cổ quan tài thì vẫn dược chôn lại tại chỗ cũ. (Hiện nay, tại đây, không còn thấy dấu vết gì nữa).
Vào năm 1988, Cha sở đương nhiệm là Phêrô Phan Văn Khả có ý định xây đài kỷ niệm, để kính nhớ Cha Thánh Phêrô Đoàn Công Quí tại Đất Thánh, chính tại nơi đã tam cất giữ Cha, khi thi hài Cha được đưa về Năng Gù. Nhưng, việc chưa thành thì cha đã qua đời do tai nạn giao thông ngày 09-01-1989.
Nhà thờ thứ hai được xây dựng do Cha Jules Conte. Nhà thờ này được làm bằng cây tốt hơn. Có tường gạch và lợp ngói. Nền nhà lót bằng gạch tàu. Có lầu hát và có tháp chuông. Chuông lại được đúc tận bên tây. Chuông có cung Dô. Đường kính 70 cm. Đây là món quà do Cha Jules Conte vận động thân phụ và 8 người giáo dân dâng cúng. Tên những người này có khắc trên quả chuông.
Vào năm 1893, cũng chính Cha Jules Conte khởi công xây nhà xứ. Vào thời điểm này, những sinh hoạt của giáo xứ tương đối đã hoàn chỉnh. Nhà xứ này, ngày nay chính là nhà của các Dì Phước đang ở.
Nhà thờ thứ ba được xây dựng do Cha Adolphe Ulterleiner, mà giáo dân quen gọi là Cha Bụng. Gọi là Cha Bụng, là bởi cái bụng của Cha khá to, và có lẽ cũng để cho dễ gọi hơn, vì cái tên thật của Ngài thật khó gọi đối với dân quê Việt Nam.
Nhà thờ thứ ba được xây dựng theo kiểu Gothique, dài 60m, ngang 19m, trần cao 15m, tháp chuông cao 25m. Nhà thờ được xây dựng theo bản thiết kế của Đức Cha Hergott, lúc đó Ngài mới là Bề Trên Giáo Phận Nam Vang. Khi đã hoàn thành, Đức Cha Jean Claude Bouchut đã về làm phép một cách long trọng (Solemniter Fuit Bebedicta) ngày 08 Februarii 1920.
Và ngày 02-10-1920, Ngài đã chánh thức nâng họ đạo Năng Gù lên hàng Giáo Xứ, gồm các họ đạo: Long Xuyên, Ba Bần, Cần Xây, Chắc-cà-đao (An Châu), Đồng Xúc, Cái Đầm, Cái Dầu, Thị Đam.
Đến thời Cha Henri Louis Collot (cha sở 1923-1955), Cha đã lập thêm nhiều họ đạo mới nữa: Họ Cái Găng (nay là Định Mỹ), họ Sainte Elisabeth (nay là Cảng Đá), họ Sainte Jeanne d’Arc (=Joanna, nay là Fatima, hay Cầu Số 2, hay Cần Đăng), họ Têrêxa (Cầu Số Tư), họ Saint Louis (Cầu Số 10), Họ Giòng Ông Tố, họ Láng Ông Tà, họ Tham Buôn, họ Xẻo Bún, họ Kiến An.
Nhà xứ hiện nay là do Cha Heri Louis Collot xây dựng. Cha cũng xây Trường Tiểu Học Đoàn Công Quí (nay là nhà Sinh Hoạt của Giáo Xứ Năng Gù. Xin xem tiểu sử Trường tiểu Học Đoàn Công Quí ở phần cuối bài này).).
Năm 1968, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Tống cho xây dựng trường Trung Học Đoàn Cống Quí bên cạnh nhà xứ. Sau biến cố 1975, Chính Quyền Cách Mạng đã mượn trường này làm Trường Tiểu Học. Nay đã chuyển đổi sang thành trường Mẫu Giáo An Hoà.
. NHÂN SỰ
1. CÁC CHA Sở:
STT - TÊN - NĂM NHẬM XỨ: 01 Lm. Phêrô Đoàn Công Quí 1859 02 Lm. Jacques (Lập) 1859 03 I. Colombert 1870 04 Lm. Jos. Valour 1871 05 Lm. C. Sensebois 1882 06 Lm. Jos. Barbier 1884 07 Lm. P. Kèn (quyền) 1888 08 Lm. Jules Conte 1891 09 Lm. Ulterleiner 1908 10 Lm. Louis Collot 1923 11 Lm. P. Lưu (quyền) 1955 12 Lm. Antôn Nguyễn Văn Thiện - (Sau là Giám Mục Vĩnh Long) 1955 13 Lm. Phêrô Nguyễn Dư Khánh 1956 14 Lm. Phêrô Phan Thanh Hóa 1956 15 Lm. GB. Võ Hiền Sư 1958 16 Lm. Martinô Nguyễn Ngọc Thạch 1962 17 Lm. Gb. Nguyễn Văn Tống 1968 18 Lm. Phaolô Trần Ngọc Quí 1972 19 Lm. Phêrô Phan Văn Khả 1976 20 Lm. Phêrô Lê Văn Quan 1991 21 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Mễn 2009
1. CÁC LM. PHÓ:
STT - TÊN - NĂM NHẬM XỨ :
01 Lm. Pl. Kía 1904 02 Lm. Jos. Muôn 1917 03 Lm. P. Giỏi 1922 04 Lm. Jos. Trường 1927 05 Lm. Simon Hoàng 1929 06 Lm. P. Nghi 1932 07 Lm. J. Chr. Trí 1934 08 Lm. Vàng 1935 09 Lm. Bern. Triệu 1936 10 Lm. JB. Nghiêm 1936 11 Lm. P. Hoàng 1937 12 Lm. P. Khánh 1939 13 Lm. Martinô Nguyễn Ngọc Thạch 1941 14 Lm. Pl. Trấn Quang Soạn 1944 15 Lm. P. Võ Phước Lưu 1948 16 Lm. Jacq. Lê Văn Tỏ 1956 17 Lm. Aug. Phan Xuân Trọng 1957 18 Lm. Jos. Ngọc 1957 19 Lm. Tôma Võ Thành Năng 1958 20 Lm. Phê rô Trần Văn Năng 1961 21 Lm. Jos. Đại 1961 22 Lm. Jos. Vũ Tuấn Tú 1953 23 Lm. Tôma Đỗ Thanh Hà 1965 24 Lm. Pet. Lê Văn Quan 1965 25 Lm. Jos Vũ Khắc Nghiêm 1966 26 Lm. P. Minh 1968 27 Lm. P. Phan Văn Khả 1970 28 Lm. Jos Khanh 1971 29 Lm. Vinc. Đoàn Xuân Hãn 1972 30 Lm. Jos Trương Long Vân 1972 31 Lm. Phaolô Hồ Văn Nhơn 1974 32 Lm. Jos Phổ 1975 33 Lm. Jos Nguyễn Đức Triêm 1976 34 Lm. Jos.Nguyễn Ngọc Tuyến 1976 35 Lm. Fx. Bùi Ngọc Tỷ 1976 36 Lm. Fx Nguyễn Thành Long 1977 37 Lm. Gioan Hồ Ngọc Trứ 1981 38 Lm. Phêrô Nguyễn Tấn Khoa 1989 39 Lm. Ben. Bùi Đức Hiền 1992 40 Lm.Jos Hoàng Ngọc Minh 2003 41 Lm. Phê rô Nuyễn Phước Hiền 2005 42 Lm. Phêrô Trần Văn Quắn 2011 43 Lm. Phêrô Lê Đức Hoàng 2013
3. CÁC LM. NGUYÊN QUÁN Ở NĂNG GÙ:
STT - TÊN - SINH - CHỊU CHỨC - CHỀT:
01 Lm. Matt. Lê Quang Lịnh 1896 1926 1939 02 Lm. P. Võ Phước Lưu 1905 1932 1973 03 Lm. Tôma Lê Văn Hay 1911 1940 1955 04 Lm. Fx. Lê Văn Phiên (Sự) 1911 1940 2007 05 Lm. Fx. Lê Ngọc Triêu 1932 1958 2015 06 Lm. Pl. Võ Ngọc Tỏ 1938 1968 07 Lm. Jos. Bùi Trung Châu 1939 1968 08 Lm. P. Lê Thành Khoái 1941 1968 09 Lm. P. Lê Văn Duyên 1942 1970 10 Lm. Mart. Trần Văn Chệ 1947 1975 11 Lm. P. Lê Phước Hữu 1953 1994 12 Lm. P. Nguyễn Thanh Dũng 1971 2003 13 Lm. Pl. Lê Bá Tùng 1974 2003 14 Lm. Jos Bùi Thanh Minh 1974 2003 15 Lm. P. Bùi Thanh Tâm 1976 2003 16 Lm. Phêrô Đào Lê Hữu Trí 1973 2004 17. Lm. Phêrô Lê Dương Hồng Khải 1978 2014
- Các Nữ Tu Chúa Quan Phòng phụ trách Phòng Thánh và dạy Giáo Lý. - Các Giáo Lý viên dạy các lớp: Rước Lễ Lần Đầu, Thêm Sức, Bao Đồng v à Hôn Nhân. - Các nhóm đạo đức: Cầu nguyện, Lòng thương xót Chúa, Phan sinh tại Thế. Con Đức Mẹ, Huynh Đệ Chúa Quan Phòng, Tác Viên Tin Mừng, Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio. Phạt Tạ. - Nhóm Giúp Lễ: Thiếu Nhi - Ca đoàn: Thánh Gia, Giuse và Thiếu Nhi. - Nhóm Bác ái từ thiện xã hội.Caritas. - Đội Lân, 2 Đội Trắc, Đội Phục vụ cho các dịp lễ, Ban âm thanh ánh sáng, Ban trang trí, Đội quết nhà thờ thứ Bảy hàng tuần.
LỊCH SỬ TRƯỜNG TRUNG HỌC TƯ THỤC ĐOÀN CÔNG QUÍ
Trường Trung Học Tư Thục Đoàn Công Quí trước đây nằm bên cạnh Nhà Thờ Năng Gù, thuộc ấp Bình An, xã Bình Thủy, quận Châu Thành, AG. Nay là ấp Bình An 2, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nằm trên quốc lộ 91, nối TP. Long Xuyên và TX. Châu Đốc, cách thị xã Long Xuyên khoảng 18km.
Đang thời Cha Mattino Nguyễn Ngọc Thạch là chánh sở họ đạo Năng Gù. Cùng lúc các đấng bề trên cũng điều Cha Thoma Đỗ Thành Hà về giúp Cha Mattino Nguyễn Ngọc Thạch để cai quản họ đạo với trên dưới 7.000 giáo dân thời bấy giờ.
Từ đó Cha Thoma Hà đã cất công tìm hiểu về đời sống sinh hoạt giáo dân cũng như việc học hành của con em trong họ đạo và các xã lân cận như xã Bình Mỹ Châu Phú, Bình Thủy, Bình Hòa Châu Thành, Mỹ Hội Đông (Chợ Mới).
Nhận thấy các em nhỏ sau khi thi lấy bằng tiểu học xong, vì điều kiện xa trường nên không thể tiếp tục lên bậc Trung Học đành phải dở dang việc học để ở nhà giúp cha mẹ làm ruộng, làm thuê mướn bắt óc cua kiếm sống qua ngày. Điều ấy làm Cha không khỏi trăn trở lo âu cho tương lai con trẻ. Sau nhiều đêm suy tính Cha đã liên hệ với Bộ Giáo Dục thông qua Trường Trung Học Công Lập Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên và đầu năm học 1965 – 1966 Trường được mở ra cạnh Nhà Thờ Năng Gù có tên Trung Học Tư Thục Đoàn Công Quí do linh mục Thoma Đỗ Thanh Hà làm Hiệu Trưởng.
Đây là dãy phòng trệt của các lớp Trường Tiểu Học Năng Gù được chỉnh trang tạm thời làm Trường Trung Học.
Tưởng cũng nên nói thêm Đoàn Công Quí, là tên một vị Thánh đã tử đạo tại Nhà Thờ Châu Đốc, An Giang ngày 31.7.1859. Đức Thánh Cha Pio X Phong Á Thánh năm 1959 và mới đây được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II Phong Hiển Thánh ngày 19.6.1988. Đó cũng là một trong hai vị Thánh đầu tiên ở Việt Nam của tỉnh An Giang.
Thế là năm học 1965 – 1966 đã có 2 lớp đệ thất “A” và “B” (lớp 6 bây giờ) với sỉ số mỗi lớp trên dưới 50 em. Mọi việc điều hành đang tiến triển tốt đẹp.
Một sự kiện mới diễn ra, Cha Hiệu Trưởng Thoma Đỗ Thanh Hà lại lên đường đi du học, thế là linh mục Giuse Vũ Khắc Nghiêm về nhận chức Hiệu Trưởng từ đầu năm 1966. Từ đây tưởng chừng Ngài phải gánh vác một công việc nặng nề và mới mẻ, nhưng tuổi trẻ tài cao, Ngài thừa khả năng điều hành công tác tổ chức cũng như trực tiếp giảng dạy. Ngài đã vận dụng hết lòng phục vụ công việc giáo dục và luôn chăm lo cho các học sinh, nhất là các em học yếu kém.
Đặc biệt năm 1972 Cha Vũ Khắc Nghiêm còn mở tại Trường 3 lớp đánh máy do các chuyên viên Trường Tư Thục Chuyên Nghiệp LIÊN ANH Long Xuyên về trực tiếp hướng dẫn, kết quả có gần 60 em được cấp chứng chỉ đáng máy đạt loại giỏi, loại khá …
Ngoài việc dạy và học Ngài không quên rèn luyện thân thể như tổ chức đội bóng đá, giải cầu lông để giao lưu các trường bạn. tổ chức thi đấu các môn điền kinh như: Leo dây, nhảy cao, nhảy xa, chạy nước rút 100 – 200m, song song với công tác giáo dục và thể dục Cha Hiệu Trưởng còn tổ chức những lần đi chơi xa như Vũng Tàu, Rạch Giá và những vùng lân cận, nơi có những danh lam thắng cảnh đẹp. Chính vì thế cuối năm 1972 kể cả lớp 10 có trên 500 em học sinh. Cuối năm học 1972 Cha được điều về rạch Giá để tiếp tục giử chức Hiệu trưởng Trường Trung Học Thành Bình.
Đầu năm 1973 linh mục Phêrô Phan Văn Khả được về Trường Đoàn Công Quí giử chức Hiệu Trưởng Trường, cùng cộng tác chung với linh mục Trương Long Vân.
Hết năm 1973 linh mục Phêrô Phan Văn Khả trở về Đại Chủng Viện Thánh Toma Long Xuyên, từ đó linh mục Trương Long Vân giử chức Giám đốc Trường Trung Học Tư Thục Đoàn Công Quí, cùng với linh mục Vicent Đoàn Xuân Hãn đảm trách công việc.
Cũng nên nói thêm học sinh Trường Đoàn Công Quí đã chuyển về ngôi trường mới cất cạnh phía dưới Nhà Thờ Năng Gù (bên cạnh nhà xứ) có 8 phòng học gồm 4 lầu 4 trệt và 01 phòng làm việc khang trang từ đầu năm học 1971.
Đến 30.4.1975 đất nước bước sang trang sử mới, Nhà Nước xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã mượn Trường Trung Học Đoàn Công Quí, để phục vụ việc giảng dạy cho đến hôm nay.
*** Lời Nguyện Trước Giờ Học của Trường Đoàn Công Quí:
Lạy Đấng Chí Tôn, xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách, trao dồi tâm hồn bằng những đức tính tốt, để chúng con có đủ khả năng giúp ích cho chính bản thân, cho gia đình và cho tổ quốc thân yêu chúng con. Chúng con xin cám ơn Người vì những ơn Người đã ban.
Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Mễn (Sưu tầm) Năng Gù ngày 30-07-2015