Tiểu Phẩm 1: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (Toan)

Thứ ba - 19/09/2017 22:36
Tiểu Phẩm 1: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (Toan)
Tiểu Phẩm 1: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (Toan)

Tiểu Phẩm 1 (trong Kinh thánh)
(Hổ trợ cho các lớp giáo lý và Sinh Hoạt thiếu nhi)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG - Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Người con hoang đàng hay người cha nhân từ ? Nếu đặt cốt truyện vào tâm tình người con, ta sẽ chấp nhận đặt tên cho câu truyện là người con hoang đàng. Người con

Người con hoang đàng hay người cha nhân từ ?

Nếu đặt cốt truyện vào tâm tình người con, ta sẽ chấp nhận đặt tên cho câu truyện là người con hoang đàng. Người con hoang đàng bởi chính cuộc đời người con đã phung phá tình yêu của cha. Không chỉ là người con thứ nhưng cả người con trưởng, người con trưởng sống trong tình yêu của cha nhưng đã không cảm nếm tình yêu thương ngọt ngào của cha qua tháng ngày. Chính sự hoang đàng ấy mà cả hai đều cần trở về.

Nếu đặt cốt truyện vào người cha, ta sẽ chấp nhận tựa đề người cha nhân từ.

Nhưng dầu đặt tựa như thế nào chăng nữa, nội dung vẫn diễn tả điều cốt lõi: Lòng cha nhân từ khơi nguồn nhận ra sự hoang đàng của người con và từ ấy trở về. Không thấy tình cha thương sẽ không thấy sự lỡ làng của mình.

Kịch  bản này khơi dậy những tâm tình ấy.

Lời dẫn: Chủ đề tình yêu xuyên suốt trong lịch sử của nhân loại. Từ khai nguyên con người đã được sáng tạo nên nhờ tình yêu và cũng từ ấy, con người mãi cứ băn khoăn về Tình yêu. Tình yêu là một huyền nhiệm, một huyền nhiệm được khai mở khi con người sống và lặn ngụp trong đó. Giống như một người bơi lội trong biển cả mới biết cảm nhận sự bé nhỏ của mình giữa biển sóng mênh mông. Con người sống trong tình yêu là người bơi lội ấy, đã bao lần lặn ngụp trong sự yếu đuối bất toàn của mình, bao lần muốn vươn lên giữa những sóng đời, nhưng sóng đời vẫn không ngừng vùi dập. Tình yêu như một chiếc phao hay giống như con thuyền giữa biển khơi ấy. Tình yêu cưu vớt và đưa dẫn con người vượt qua ngàn sóng gió để cập bến yêu thương.

CẢNH 1: CHIA GIA TÀI.

Lời dẫn: "Ơn cha như núi cao bao tầng, ngoài thì cương quýêt mà lòng thương mến" - Tình Cha - phải chăng đó là một thứ tình cảm hầu như rất mơ hồ và không cụ thể, đến nỗi dường như không thể nhận ra được tình thương cao cả ấy khi nó ở bên ta? Và có phải lúc ta nhận ra rằng tình cảm ấy thiêng liêng, cao quý biết dường nào thì mãi mãi không còn dịp nào để đền đáp được nữa?

(Người cha già mệt mỏi, vừa đau lưng lại vừa ho khù khụ, tuổi già đến mau nhưng cũng chưa hết khỏi những lo âu)

Người cha: Hai ơi, (Tiếng ho) Không biết nó đi đâu rồi.

Người làm: Cậu Hai ra đồng chăn chiên rồi cụ ạ. Đàn chiên bây giờ béo tốt lắm cụ ạ.

Người Cha: Thế đồng cỏ ấy có đủ cho đàn chiên qua hết mùa khô này không?

Người làm: mấy bữa rày cậu Hai đi tìm đồng cỏ khác, không biết là đã tìm được chưa.

Người Cha: Thôi ta cũng đi cầu nguyện cho nó hơn là ngồi lo âu.

Anh Hai: Cha ơi, Cha ơi, hôm nay con mới tìm ra một đồng cỏ xanh lắm cha ơi.

Người cha: Thế có ai đã cắm gậy đồng ấy chưa.

Anh Hai: Cha yên tâm, đồng cỏ nàyheo hút lắm và có nhiều đồng cỏ khác nữa.

Người cha: Ừ thì cha lo thế thôi, không kẻo mích lòng lối xóm và Chúa cũng không bằng lòng.

Anh Hai: Cha thì lúc nào cũng lấy Chúa ra. Thôi con đi đây.

(Người cha tiếp tục cầu nguyện)

Con thứ: Cha ơi.

(Thấy cha đang cầu nguyện cậu út cũng lặng thinh cầu nguyện cùng cha. Sau khi kết thúc lời kinh nguyện).

Con thứ: Cha ơi, con muốn xin cha điều này.

Người Cha: Chuyện gì thế con.

Con thứ: Con muốn đi làm ăn nơi xa, cha ạ.

Người Cha: Con dự định làm cái chi?

Con thứ: Bạn bè con nói góp vốn làm kinh doanh, cha ạ. Kinh doanh bây giờ có lãi hơn trồng trọt và chăn nuôi mấy con cừu kia đấy.

Người Cha: Con hồi nào đến giờ có biết kinh doanh gì đâu.

Con Thứ: Chính vì vậy mà con mới bắt đầu vào nghề, có tụi bạn con giúp đỡ, thời cơ đến với con đấy cha ạ.

Người Cha: Thế thì vốn làm sao có?

Con Thứ: Thì Cha cứ cho con nửa gia tài con được hưởng đi.

(Người cha giật mình buồn lộ trên khoé mắt, đi qua đi lại).

Con Thứ: Chia cho con nửa gia tài, cha nhé.

Lời dẫn: Có lẽ chưa có người cha nào lại bình tâm trước lời đề nghị như thế. Bởi vì như thế là khai tử cha để được chia gia tài. Người cha bàng hoàng đau khổ khi con cứ nhất quyết đòi phần gia tài con được hưởng để ra đi.

(người Cha vào trong để lấy cho con số tiền, đứa con như mừng vui vì lời đề nghị được chấp nhận không thể ngờ)

Cha có thương con như thế nào chăng nữa cũng không thể giữ con bên cạnh cha mãi. Chấp nhận cho con ra đi là chấp nhận phiêu lưu ở một khía cạnh nào đó, giữa cuộc đời dâu bể, nơi cha đã từng bao lần ngậm cay nuốt đắng, cha đã tiên liệu bao nhiêu khó khăn, những cám dỗ, cạm bẫy.

Người Cha: Đây số tiền mà con được hưởng, con hãy chí thú làm ăn, đừng làm gì mất lòng Chúa con nhé.

Con Thứ: Con hứa với cha, con sẽ đọc kinh mỗi tối và sống ngay thẳng.

Người Cha: Mẹ con trước khi mất cũng trối lại cho cha, tạo dựng con nên người và nên thánh, con đừng làm gì phiền lòng mẹ nơi chín suối, con nhé.

Con Thứ: Vâng, con sẽ nhớ.

Lời dẫn: Người cha đứng tựa cửa, nhớ ngày xưa khi con tập đi, con cứ nằng nặc đòi cha buông tay con ra để con tự bước đi, lắm lúc con muốn gắt gỏng với cha; rồi đến lúc con tập đi xe đạp, cha cũng hết hơi chạy kè kè bên cạnh, mệt muốn đứt hơi, rồi để được nghe cái cằn nhằn của con: "Cha đi chỗ khác, để tự con chạy được mà". Rồi có những lần con tập viết, cha cứ chê chữ con xấu, để con cũng lại nói: " Dù có chữ xấu đó cũng là chữ của con".  - Những kỷ niệm ngày xưa chảy về trong ký ức của cha. - Trong một lần khác, con lại trách cha "Sao cha cứ kèm cặp con như đứa trẻ còn thơ". Con ơi, nếu sau này khi con làm cha rồi, có lúc con cũng gặp những khoảnh khắc như cha vậy. Muốn bày tỏ tình thương cho con lắm mà cứ hoài lọng cọng, như con rùa lật ngửa.

Anh Hai: Sao cha không vào nhà trời sương đêm độc lắm đấy.

Người làm: Cậu Hai ơi, Cậu út vừa xin phần gia tài và ra đi rồi.

Anh Hai: Con Không thể hiểu được cha, sao cha lại chia gia tài cho thằng con phung phá đó. Nó đi rồi còn chờ làm chi nữa, hãy coi như nó chết rồi đi.

Lời dẫn: Tình yêu có những hành động vô lý, khó hiểu. Làm sao lý giải được tình cha thương con, một tình thương chấp nhận cho người con ra đi để rồi chờ đợi, càng không lý giải được khi chấp nhận cho mình mọi bất trắc có thể xảy đến.

CẢNH 2: NƠI CẠM BẪY CỦA SỰ DỮ

Vào đời có nghĩa là chấp nhận mọi cám dỗ có thể xảy đến và đến một cách bất ngờ. Sự dữ nào chẳng có hoa lệ của nó, vừa quyến rũ lại vừa rơi lệ trong chiều vàng rơi. Nếu biết được rằng trong cái mỏng manh, yếu đuối này có trong nó một sự bền vững thì con người dám quả cảm chấp nhận nó và không ngừng vươn lên mỗi ngày. Chấp nhận trượt ngã là chấp nhận lên đường, chấp nhận lên đường là chấp nhận yếu đuối và trượt ngã, càng mỗi lúc càng ngã đau hơn, càng mỗi lúc trở ngại lại càng lớn hơn và đồng thời càng mỗi lúc con người càng dạn dày thêm lòng quả cảm, càng dày thêm những kinh nghiệm sống để chọn lựa, để sống tốt hơn trong sự nghèo khó của thân phận. - Có là người mỗi ngày, con người mới biết sống cuộc đời con người ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa. Bởi là người, nên con người mỏng manh, bởi là người nên con người yếu đuối, bởi là người con người mới biết khát mong sự vô hạn của hình hài hữu hạn, khát khao về tuyệt đối.

Người bạn: Này đi đâu thế. Rảnh không, đi chơi có show hay lắm.

Con Thứ: Tớ đang chán đây, công việc chẳng ra sao cả.

Người bạn: Thì cứ đi để giải sầu.

Con Thứ: Thôi tớ không đi, tớ chán các cuộc ăn chơi của các cậu lắm.

Người bạn: Thử đi coi có vui không, mới lạ và hấp dẫn, bảo đảm là như thế.

Con Thứ: Ừ thì đi.

(Tại một câu lạc bộ ca nhạc)

Người bạn: Uống bia và nủa viên này cậu sẽ thấy ngay.

Con Thứ: Thuốc lắc hả? Tớ không dùng.

Người bạn: Thế thì hít thử cái này?

Con Thứ: Heroin hả, Tớ cũng không. Tớ về đây.

Người bạn say: Cậu không được về, nếu về bước qua xác chết của tớ đấy.

Con thứ: Tớ cứ về.

Người bạn say: Dập nó tụi bay.

(Cả đám nhảy vào đánh hôi, có vài tên móc túi người con thứ - Cuối cùng người ta phải chở người con thứ đi cấp cứu, khi tỉnh dậy anh biết mình dã bị trấn lột sạch.)

Lời dẫn: Những lúc thất bại nhất không còn gì bám víu người ta mới bắt đầu ý thức những gì mình đã có và đánh mất. Đó là cái trớ trêu của cuộc đời và cái giá phải trả. Người con thứ sau nhiều làn thất bại trong công chuyện làm ăn và cuối cùng bị trấn lột hết sau vụ ở một vũ trường, giờ đây trong bệnh viện anh mới bắt đầu suy nghĩ và tự nhủ:

Người Con: Chính tình yêu của cha, khi con ra đi rồi, con mới nghiệm thấy: Cuộc đời cũng cần có những bóng mát được che bằng cánh tay của mẹ của cha. Có những lần thất bại thua cuộc trong đời, con nhận ra nỗi vất vả của cha, sự lam lũ của mẹ. Người ta thường nói: Đằng sau dấu chân chim là cả một đời mẹ gánh gạo nuôi con. Những dấu chân chim vẫn để lại trên cát cuộc đời con, khi con vất vả lo âu trong cuộc sống, khi con bận tâm sống khỏi những lường gạt, con mới hiểu giá trị của những dấu chân ấy. Dấu chân chim bây giờ là niềm ân hận và là nỗi xót xa. Con muốn sống, muốn nên người lương thiện nhưng không phải lúc nào cũng là dễ dàng, bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu tham vọng, bao nhiêu áp lực, đôi khi buông xuôi và như thế có dấu chân trượt ngã.

Lời dẫn: Sau những nghĩ suy là cuộc đời làm lại, người con thứ chấp nhận một nghề bưng bê để sống tạm thời. - Tại quán ăn, người con thứ làm tiếp viên, những chuỗi ngày vắng khách, chủ cũng muốn đuổi anh, lương nhận chẳng bao nhiêu, nghề nghiệp cho ra hồn thì không có, anh cứ phải bám víu vào cái nghiệp tạm bợ ấy. Rồi còn những món nợ, những khi nhận được đồng nào, anh cũng bị những chủ nợ rình sẵn để giựt lấy. Không có tiền nhiều ngày như thế anh bị cái đói khủng khiếp hành hạ, chỉ muốn lén lút ăn những gì còn thừa trên bàn người ta để lại, nhưng rồi chủ quán cũng liếc nhìn, gườm huýt.

(Diễn trong khi đọc lời dẫn trên: Người con thứ một lần thấy chủ vừa quay lưng, anh lén ngồi vào chỗ người khách vừa đứng lên, để ăn nốt những gì còn lại, người chủ đi từ phía sau, lấy cả một xô nước rữa đổ xuống trên đầu anh, rồi cầm tai đá đít anh đuổi anh khỏi chỗ làm. Đau khổ đến tận cùng của thân phận, anh ngồi một xó và nghĩ suy:)

CẢNH 3: CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ.

Lời dẫn: Kinh nghiệm ở đáy của vực thẳm này, con mới hiểu được thế nào là mặt trái của cuộc đời. Nó không là chôn nương thân cho kẻ nghèo, nó không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách, áo ôm và càng không phải là chỗ cho kẻ cô đơn thất thế, tội lỗi, vấp ngã làm lại cuộc đời. - Với tất cả những gì con kinh nghiệm, chỉ còn một con đường trở về xin tha thứ và làm công cho cha, bởi vì dẫu sao đi nữa làm công cho cha vẫn còn có cái mà ăn. Tại sao con lại luôn nghĩ cái ăn như thế? Bây giờ con mới hiểu thân phận của những người nghèo khó, đến nhu cầu tối thiểu nhất của con người, trước đây con khinh khi họ là những con người không nghĩ xa hơn cái bụng của mình, thực tế đã cho con một kinh nghiệm khác. Cái kinh nghiệm mà con đã mua được bằng cái giá thất bại của mình, để từ đây con thông cảm hơn với những người nghèo khó. Hãy cho họ những cơ hội tốt hơn để gầy dựng cuộc sống, hãy làm cho tận lực để trái đất này trở nên nơi đáng sống, cho mọi người sống.

(Trên con đường trở về) – (Người cha đứng chờ trước ngõ)

Anh Hai: Cha vớ vẩn thật đấy, chờ làm chi cái thằng chết tiệt kia.

Người Cha: Dầu sao nó cũng là em con mà.

Anh Hai: Nó khai tử cha để lấy tiền đi phung phá, hãy coi như nó chết rồi đi.

Người Cha: Không được con à, khi nào con như cha rồi con mới hiểu.

Anh Hai: Cha lẩm cẩm quá, mặc cha, con ra đồng đây.

(Vừa giận dữ vừa vùng vằng ra đi, người cha vẫn đứng trước cửa.)

Lời dẫn: Khi con ra đi rồi, cha bồn chồn không yên. Con có biết không, cứ từng chiều khi nắng tắt dần sau bờ trúc đầu ngõ, là cha lại da diết ước mong con trở về. Đôi khi có những bóng dáng dường như bóng con làm tim cha mừng lên muốn ngừng đập, để rồi nhìn kỹ lại hơn không phải là con. Cha mong con trở về, dù con có như thế nào chăng nữa, cha cũng dám xin chấp nhận. Cha chỉ mong có con về, thế là cha mãn nguyện lắm rồi. Về để thấy cuộc đời đổi khác, về để thấy con chững chạc hơn trong cuộc sống và kinh nghiệm hơn về tình thương cha mẹ dành cho con.

(Bóng người con đang trở về)

Lời dẫn: Trở về bên cha, để mong sống lại tình yêu đã hơn một lần con làm đổ vỡ. Cha có thể coi con như người làm công của cha, nhưng điều con tha thiết hơn cả, là xin cha tha thứ cho con tất cả. Con hy vọng vào tình thương của cha, bởi con biết rằng cha vẫn rộng tình tha thứ.

Người cha: (Chạy ra ôm con)  Con, con đã về.

Con Thứ: Cha ơi, (quỳ gối) Con đã lỗi phạm đến Cha.

Lời dẫn: Có những giọt nước mắt cần thiết làm lại cuộc đời, có những đôi mắt nhoà lệ để quên đi những nỗi xót xa. Có bao giờ cha đánh mất con đâu, tất cả chỉ là lỗi tại con muốn chống lại tình yêu của cha. Cha cho con đôi cánh, cha cho con bầu trời. Và trong vùng trời tự do của cha, cha cho con tuỳ quyết định. Con đã sai lầm, bầu trời của cha là tình yêu vô hạn, con có muốn bay xa hơn nữa vẫn là những giới hạn của đôi cánh bay mỏi mệt.

Người Cha: Hãy mang cánh áo mới nhất cho con ta. Hãy mở tiệc vì con ta đã chết và đã sống lại.

CẢNH 4: CUỘC TRỞ VỀ CỦA ANH HAI

Lời dẫn: Bao nhiêu tình thương cha lại dồn hết vào cho em con, điều đó làm con bực mình tức tối. Con ơi, trong tâm trạng của cha, làm sao có thể làm khác đi được. Trời sinh ra thế, chịu thế chứ sao. Đặt vào cách thức yêu thương cha như con rùa lật ngửa, lòng yêu đứa này, tình thương cho đứa khác, cuộc đời của người cha cứ mãi vần xoay theo sự lớn lên của mỗi người con. Tay mỗi ngày run hơn, chân mỗi ngày lại không đứng vững, từng sợi tóc bạc đi theo từng lo âu, tai cũng nghễng ngãng đi vì bận suy nghĩ những chuyện cuộc đời. Đấy là kết quả của tình cha thương con.

Anh Hai: Chuyện gì trong nhà thế?

Người Làm: cậu út trở về và cha cậu ăn mừng.

Anh Hai: Vớ vẩn. Cái thằng chết toi ấy mà cũng ăn mừng.

(người cha từ trong nhà chạy ra)

Người Cha: Vào ăn mừng với em con đi.

Anh Hai: Mừng vui gì cái thằng chết tiệt ấy. - Con thấy cha thật là bất công, bất công khi cha đãi tiệc mừng đứa con hư trở về, có bao giờ cha mở tiệc mừng đứa con ngoan ở trong nhà cha đâu. Lòng con dường như rất ức về điều này, nếu cha hiểu tâm tình của đứa con như con. Nhiều lần con muốn đi đây đó, sợ cha ở nhà một mình buồn tủi, con không dám. Nhiều lúc con muốn ăn một bữa với bạn bè, con cũng không dám, bởi sợ cha không bằng lòng.  - Con thật giận cha, vì cha chẳng hề bao giờ trông con từ đồng trở về, lại từng chiều đứng ngoài ngõ chờ đứa con hư trở về. Con không thể hiểu được cha. Có lẽ cha chưa bao giờ thương con, nhiều lần con lủi thủi như chiếc bóng trong gia đình. Từng đêm con vẫn buồn tủi rồi tự hỏi, sao cha không thương con, sao cha chẳng bao giờ biểu lộ tình thương của cha với con.

Người Cha: Thôi mà con, có lúc nào cha không thương con không, mọi sự của cha là của con.

Anh Hai: Con thật giận cha, bởi cha có nhiều bất công. Cha có biết không, con có làm cho cha là tất cả chỉ vì muốn đỡ nâng cha trong các công việc nặng nhọc. Con không muốn làm phiền lòng cha bởi thương cha già yếu lại còn nhiều nỗi lo âu. Con ước muốn chia sớt gánh nặng trách nhiệm với cha, nên dám hy sinh tất cả niềm vui của con để mong cha vui sống. Con có lầm lỗi gì với cha đâu, thế mà có bao giờ cha cho con một con bê béo để cùng vui với bạn bè. Con đã hết lòng với cha, nhưng có bao giờ cha vui mừng vì con đâu.

Người Cha: (buồn lau nước mắt) Thôi con cũng hãy tha thứ cho em con đi, vào ăn tiệc với nó.

Con thứ: (trong nhà cũng chạy ra quỳ xuống trước người anh vừa ôm chân vừa nài xin) Anh, mong anh hãy tha lỗi cho em. Mẹ không còn, hãy vì Cha mà tha thứ cho em.

Anh Hai: (Bực mình hất đứa em ra, hai cha con cùng ôm nhau khóc, người anh cũng buồn và khóc khi cảnh ấy diễn ra). Chúa ơi, xin cho con lòng thứ tha.

Lời dẫn: Trong lúc bùng nổ sự buồn giận đến cực độ, bất ngờ con lại gặp lại tình cha. Lời năn nỉ của cha làm cho con bàng hoàng xúc động, cái xúc động vì hiểu ra rằng: Con đã quá ích kỷ, cái ích kỷ muốn tẩy chay sự có mặt của đứa em, tẩy chay sự bao dung của cha, mà chính con cũng cần đến lòng bao dung ấy. Cha lớn hơn cuộc đời của con, lớn hơn mọi tội lỗi ích kỷ trong con. Cha cho con chính cha và tất cả những gì cha có mà con đâu biết.

Anh Hai: Cha ơi, mong cha tha lỗi cho con. Con thật ghét con, bởi con chỉ nhìn thấy không công bằng trong cách cha đối xử với đứa em và con, mà không biết rằng, đó là cách cư xử trên cả luật công bằng là luật yêu thương. Luật của tình thương thì tha thứ tất cả, đón nhận tất cả. Cha đã thể hiện tình thương của cha trong bao năm con sống trong cái ích kỷ của con. Con đã nhận thật nhiều, nhiều hơn con bê béo tốt mà cha đã đãi tiệc mừng em con. Con được lớn lên trong tình thương âm thầm của cha, được giao phó cho như người chủ cai quản mà con cứ sống như người làm nhận công. Trong cái ích kỷ, có bao giờ cho con nhìn xa hơn cái bóng của mình đâu.

Người Cha: Thôi con à, bao nhiêu cái buồn ấy hãy quên đi.

Anh Hai: Con muốn nói hết, xin cha thương con về những lỗi lầm của con. Con thật ghét con, vì bao năm qua sống trong hồng ân của cha, cứ để lòng ích kỷ gậm nhấm hết mà không sinh hoa kết quả. Con vẫn khô héo trong cuộc đời vì đã quá kiêu căng, đã quá tự phụ với những thành tích của mình, đã quá tô vẽ cho mình một địa vị không thể thiếu trong gia đình cha. Con muốn người khác phải khen con, phải lệ thuộc nơi con, phải trân trọng sự có mặt của con, tán thành trong cách thực hiện của con. Con đã đánh mất rất nhiều trong sự ích kỷ của con - Con thật ghét con và chán con vì tất cả những ích kỷ ấy. - Con cần đến lòng bao dung của cha, cần đến lòng thương xót của cha.

Người Cha: Thôi hãy vào ăn mừng đi. Thế là quá đủ nghĩa đối với cha, thế là trong cuộc đời trần thế này không ai diễm phúc hơn cha, cha có hai con và hai con đã trưởng thành xứng đáng. Và như thế cần ăn mừng, ăn mừng thật lớn. Phải không con.

Tân Hoà, ngày 28 - 2- 2002. (Kịch  bản được diễn trên sân khấu và nếu được các Giáo Xứ mời xin cũng sẵn sàng nhận lời để giúp nhau sống Mùa chay thánh 2002.) hkimt@catholic.org - Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tác giả: Lm Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây