Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.
Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.
Vào thời Tin Mừng Mátthêu được viết, các người Do thái thuộc Hội Đường thường chỉ trích các người Do thái đã tin vào Đức Giêsu Kitô, coi họ như những người đã bỏ Luật Môsê, bỏ cái cốt lõi của Do thái giáo. Đức Giêsu của Mátthêu đã bác bỏ lối hiểu sai này. “Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17). Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo, bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn, do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài. Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa. Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật. Có một dòng chảy liên tục trong khoa sư phạm của Thiên Chúa. Ngài huấn luyện Dân Ngài qua Môsê và các ngôn sứ trong lịch sử. Đỉnh cao nhất là Đức Giêsu, Đấng vén mở trọn vẹn ý định của Thiên Chúa. Đức Giêsu không phá những công trình đi trước, ngài kiện toàn. Lời giáo huấn của Ngài vừa liên tục với, vừa vượt qua Giao Ước thứ nhất còn khiếm khuyết. Vượt qua về chiều rộng, khi Ngài mời ta đi xa hơn chuyện không được giết người, mà còn không được có hành vi, lời nói giận ghét anh em (Mt 5, 22). Vượt qua về chiều sâu, khi Ngài đòi ta không được giữ Luật kiểu giả hình bên ngoài, nhưng phải khởi đi từ trái tim, từ cái tâm bên trong (cc. 27-28), khi Ngài đưa ra những đòi hỏi tận căn trước đây chưa hề có về việc chẳng những không được trả thù mà còn yêu kẻ thù (cc. 38-48). Mọi lề luật đều qui về điều răn chính yếu là yêu thương. Phải yêu như Cha trên trời mới trở thành con cái Cha (c. 45). Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được Ngài kiện toàn. Luật ấy là lời giáo huấn của Ngài mà các môn đệ đã nghe. Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ. Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ con. Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ, ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân. Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu, và “dạy người ta mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20), đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra. Xin giúp chúng con được tự do thực sự: tự do trước những đòi hỏi của thân xác, tự do trước đam mê của trái tim, tự do trước những thành kiến của trí tuệ. Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ, để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được tự do như Chúa. Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi và chữa bệnh ngày Sabát. Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe, khi Chúa không ngần ngại nói sự thật. Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng. Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng, để chúng con được tự do bay cao. Amen. ---------------------------------
Chúa Giêsu cư xử như một người tự do, phóng khoáng với lề luật. Người ta nghĩ rằng Chúa Giêsu đến phá hủy lề luật. Nhưng Người tuyên bố rõ ràng: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” lề luật.
Người kiện toàn bằng xác định thứ tự cho lề luật. Luật Do thái nhiều vô kể. Nhưng điều răn lớn nhất là mến Chúa và yêu người. “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12, 28-31).
Một trật tự khác: Luật Thiên Chúa phải trọng hơn luật của loài người. (x. Matthêu 15, 1-9). Không được “dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa”.
Người kiện toàn bằng đưa lề luật vào nội tâm. Phải rửa bên trong để bên ngoài cũng được sạch (Mt 23, 25-26). Ăn chay cầu nguyện và bố thí phải làm cách kín đáo (x. Mt 6, 1-6.16-18). Ý hướng là quan trọng. Vì thế, chưa giết người, nhưng giận ghét đã là có tội; chưa ngoại tình, nhưng trong lòng ham muốn thì đã là phạm tội (x.Mt 5, 21-30).
Người kiện toàn lề luật bằng đề cao con người. Điển hình là luật nghỉ ngày Sabat. Chúa đã đưa ra định hướng cho luật này: “Ngày Sabat vì con người chứ không phải con người vì ngày sabat” (Mc 2, 27). Vì thế, ngày sabat để cứu sống con người, để giải thoát con người, để làm điều tốt cho con người. (Mc 3, 1-6)
Người kiện toàn bằng hướng lề luật đến tình yêu. Người Do thái giữ luật vì sợ bị phạt. Chúa Giêsu dạy ta hãy giữ luật vì tình yêu mến. Và tóm tắt mọi luật lệ vào luật mới là yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Tình bác ái quan trọng vì Chúa hóa thân làm người nghèo. Và trong ngày tận thế chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.
Kiện toàn lề luật, Chúa Giêsu đổi mới cách sống đạo. Sống đạo không còn là hình thức, nhưng là tâm tình bên trong. Tâm tình đó hướng về Thiên Chúa trong tình yêu mến. Vì yêu mến nên giữ lề luật. Và cũng vì yêu mến Thiên Chúa, nên yêu mến con người. Việc giữ đạo như thế trở nên nhẹ nhàng, tự do, tự nguyện, nhưng lại đưa việc giữ lề luật đến mức hoàn hảo.
Vào một ngày thứ sáu buộc kiêng thịt, có người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá, nhưng trong lòng thì thích ăn thịt. Thế là anh gọi những món cá mà anh biết chủ quán sẽ trả lời là không có. Rồi anh tự nhủ: “Lạy Chúa, Chúa biết đấy, con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có, thôi con đành gọi một tô phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy”. Cầu nguyện xong, anh thi hành liền. Anh đã tự tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để có thể khỏi lỗi luật Chúa.
Nếu không có lòng yêu mến Chúa thật, chúng ta sẽ dễ tạo ra những cách để tự an ủi và chuẩn miễn khỏi phải tuân giữ luật Chúa, hoặc giải thích lời Chúa theo sở thích riêng.
Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về việc tuân giữ luật Chúa. Những lãnh đạo tôn giáo Do thái thời Chúa Giêsu hơn ai hết là những người bảo tồn luật Chúa trong lời dạy của Môsê và các tiên tri. Nhưng những đổi thay lịch sử đặt ra những vấn nạn mới và thôi thúc họ giải thích và áp dụng luật Chúa vào hoàn cảnh mới. Tinh thần vụ hình thức đã làm cho họ lạc đường đến nỗi đã bị Chúa Giêsu trách là giả hình.
Chúa Giêsu đến không phải để huỷ bỏ nhưng để kiện toàn lề luật và các tiên tri. Ngài kêu gọi các môn đệ tuân giữ luật Chúa với một tinh thần mới, với một dấn thân để sống trọn vẹn sứ điệp của Ngài. Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã nhắn nhủ:
“Ngôi Lời đã nhập thể và Chúa Cha đã phán: “Đây là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta, hãy nghe lời Ngài”. Ngài là sự sống, con chỉ sống bằng tinh thần của Ngài. Ngài là sự thật, con chỉ tin lời dạy của Ngài. Ngài là Đường, con chỉ theo bước chân Ngài. Có thứ Công giáo vụ lợi, có thứ Công giáo lý lịch, có thứ Công giáo xu thời, có thứ Công giáo giải nhiệt, Chúa chỉ chấp nhận hạng Công giáo 100% đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Hội thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội thánh có lời hứa của Chúa. Hội thánh là một phép lạ liên lỉ. Nhưng đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Hãy làm thế nào để tư tưởng lời nói hành động của con khiến người ta phản ứng: con người này đã say mê cuốn sách Phúc âm, đã bị lôi cuốn bởi lý tưởng cuộc đời Chúa Giêsu.”
Trong những ngày canh tân đời sống này, xin Chúa cho chúng ta một ý chí mạnh mẽ, một xác tín sâu xa, nhất là thật nhiều ơn Chúa để trung thành với ơn gọi của mình.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (Mt. 5, 17-18)
Ý Thiên Chúa và sách thánh đã viết ra đều phải được kiện toàn. Cho nên Đức Giê-su nói: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”. Điều mới Đức Giê-su thực hiện, không hoàn toàn khác biệt, mà là kiện toàn luật đã có. Lề luật và lời các tiên tri viết về mặc khải của Thiên Chúa, không phải đã hoàn tất. Ý Thiên Chúa tỏ ra qua lề luật và lời tiên tri được bày tỏ dần dần cho đến thời Đức Giê-su ngự đến.
Lề luật và lời các tiên tri có một ý nghĩa mới nhờ mặc khải của Đức Giê-su Ki-tô. Chính Đức Giê-su đã tuyên bố chắc chắn về những mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa, Người đã kiện toàn mặc khải cho chúng ta từ nay cho tới mãi mãi. Sự kiện toàn này của Đức Giê-su không cho phép quay lại quá khứ do loài người đặt ra như Mô-sê cho phép rẫy vợ, như cấm chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Sự kiện toàn này của Đức Giê-su không cho phép chỉ làm những điều luật đã viết trước đó.
Luật tiếp tục tồn tại, nhưng được kiện toàn những gì luật còn thiếu sót cho đến khi Đức Giê-su kiện toàn lần chót. Sự kiện toàn bắt đầu mặc khải từ khi Chúa Giê-su giảng dạy vì Người là lời Thiên Chúa. Đức Giê-su không phải chỉ kiện toàn lề luật bằng lời dạy, mà còn bằng chính bản thân Người, bằng chính đời sống Người, bằng chính sự nhập thể và cuộc đời tại thế của Người.
Chúng ta phải giữ những điều răn nhỏ mọn nhất với quyết tâm cam kết toàn diện con người chúng ta, với tình yêu mến hảo hạng. Như vậy mới giải thoát chúng ta khỏi mọi kiêu căng của lòng trí, khỏi thứ trí thức tôn giáo hay khỏi cái lối thuần túy giữ “đạo tại tâm”, bỏ lơ, trễ nải với lối sống giữ đạo khiêm tốn hiện tại thường ngày.
Chúng ta biết quan tâm giữ cặn kẽ những điều nhỏ mọn, thì chúng ta được đánh giá để xếp hạng trong nước trời, không phải chúng ta được đánh giá theo ý tưởng, hay theo khuynh hướng bản thân, theo tính tình mỗi người … mà theo toàn bộ, toàn bộ trao phó cho chúng ta tất cả những điều nhỏ nhất, tất cả đều quan trọng đối với nước trời.
Thánh Gioan Bosco nói với các môn sinh của ngài rằng: “Hãy trung thành giữ luật, luật sẽ gìn giữ con”.
Thật vậy, lề luật nó như cái bản lề để giúp cho cánh cửa cuộc đời được đứng vững.
Chính Đức Giêsu đã trung thành giữ luật cách yêu mến và trung thành. Chỉ khi nào luật không làm cho con người ta tốt hơn, mà ngược lại, nó đè bẹp con người, thì lúc đó Ngài lên tiếng chống đối.
Hai lối hiểu và hai cách giữ luật khác nhau, nên những nhà lãnh đạo Dothái và Đức Giêsu có sự đối kháng kích liệt. Họ cho rằng Đức Giêsu đến để bãi bỏ lề luật, còn Đức Giêsu thì khẳng định: “Các người đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ các lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Nói cách khác, Đức Giêsu vẫn rất tôn trọng luật Cựu Ước, mà cụ thể là trong Ngũ Kinh, vì ở đó chứa đựng ý muốn và lệnh truyền của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, vì họ đã giữ luật theo kiểu mặt chữ, nên không còn tình thương, lòng mến, và luật đã trở thành phương tiện cho người ta hà hiếp, bóc lột và kết án nhau.
Khi phản đối lối gán ghép tội của các Luật Sĩ và Pharisêu gây ra cho mình, Đức Giêsu khẳng định không những không phá bỏ, mà còn kiện toàn và làm cho luật trở nên nhân nghĩa hơn.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: hãy biết giữ luật trong lòng mến. Trung thành yêu mến luật vì nơi đó Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Ngài. Tuy nhiên, giữa việc giữ luật và đời sống phải đi đôi với nhau. Không thể sống theo kiểu “ngôn hành bất nhất” như Luật Sĩ và Pharisêu, vì họ dùng luật của Chúa để triệt hạ nhau khi luật của Chúa đã bị bóp méo.
Lạy Chúa Giêsu, luật của Chúa là luật vì con người và hạnh phúc của nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con biết yêu mến và thi hành luật ấy cách trung thành trong lòng mến Chúa và yêu người. Xin cho chúng con đừng vì luật mà cứng ngắc với anh chị em mình khi chúng con rơi vào tình trạng giả hình, chỉ câu nệ vào những hình thức bên ngoài mà quên đi những cái chính yếu bên trong. Amen.
Sứ điệp: Thánh Ý Thiên Chúa là điều quan trọng, không gì nhỏ bé tầm thường. Chúa Giêsu đến chính là để được thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa và các lời Thiên Chúa hứa trong Cựu ước. Ta cũng cần coi trọng và tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đôi lúc con có cảm tưởng Chúa thường phản ứng chống lại lề luật. Chúa phê bình việc giải thích và cách giữ luật của người biệt phái. Chúa lên án lối sống hình thức của họ. Nhưng càng nhìn ngắm Chúa và suy gẫm Phúc âm, con càng thấy rõ Chúa không chống đối lề luật, không bãi bỏ lề luật, mà Chúa đến để chu toàn lề luật và làm cho lề luật được kiện toàn, vì luật của Môi-sê cũng chính là luật của Thiên Chúa. Chúa phục tùng luật Môi-sê vì Chúa muốn phục tùng Ý Chúa Cha.
Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương Chúa mà tôn trọng luật Thiên Chúa và luật Giáo Hội. Qua lề luật, xin cho con biết nhận ra ý Chúa muốn con làm gì. Đời sống của Chúa là cuộc đời thánh thiện vì Chúa luôn chu toàn ý muốn của Chúa Cha. Xin Chúa cũng giúp con nên thánh bằng cách hy sinh ý riêng để tuân theo Ý Chúa, trung thành vâng giữ luật Chúa.
Lạy Chúa, vì xu hướng tự nhiên, con vẫn thích phá bỏ lề luật để sống tự do buông thả. Nhưng trong đức tin, con cảm tạ Chúa đã ban lề luật cho con, vì nếu không có lề luật như những tấm bảng chỉ đường, chắc chắn con sẽ lạc hướng và rơi xuống vực sâu. Xin Chúa thương gìn giữ con.
Con cũng xin Chúa giúp con biết tín nhiệm vào Chúa đang dẫn dắt Hội Thánh, để con khiêm tốn vâng theo sự chỉ dạy của Hội Thánh. Có những điều con không hiểu, có những điều con thấy lỗi thời, bảo thủ, khe khắt, nhưng xin Chúa giúp con biết đón nhận trong đức tin, ngay cả trong những điều nhỏ bé nhất. Và xin Chúa giúp tất cả chúng con động viên nhắc bảo nhau trung thành với luật Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.
Ngay từ thời xa xưa Thiên Chúa đã ban cho con người luật pháp. Nó phát triển và hoàn thiện dần trong lịch sử cứu độ. Công trình hoàn thiện luật theo một tiến trình phát triển được Chúa mạc khải sơ khởi phông nền với các tổ phụ, đặc biệt là Môisê qua 10 điều răn, được các ngôn sứ phát triển và chính Con Thiên Chúa - Đức Giêsu hoàn thiện bằng luật Kitô giáo: Tân ước. Tân ước là một chồi non làm sinh hoa kết trái nhưng được nuôi từ gốc và bằng nhựa của cây ô liu cũ tức “Cựu ước”, để làm cho cây sinh ra nhiều quả (x. Rm 11,17-24). Chính Đức Giêsu đã được loan báo và chuẩn bị cả ngàn năm mong đợi của dân Do Thái khi chờ đón Đấng Cứu Thế, Đấng đến cứu họ được tự do và để kiện toàn luật và lời các ngôn sứ đã loan báo trước làm hoàn thành toàn bộ Kinh Thánh với hai phần rõ rệt: Tân ước và Cựu ước.
Luật cũ cho ta ý niệm là dân được tuyển chọn phải sống qua mười điều răn, là những hướng dẫn con người cách thức mến Chúa và yêu Người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ và hành động trong đời sống thường nhật. Các kinh sư và biệt phái giữ luật rất đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe: Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn Lề Luật: Tất cả vì luật. Chúa Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hạng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sabát (x. Lc 6,8-11; 13,14; 14,1-6; 6,1-2…), và các nghi thức thanh tẩy trước khi ăn (x. Lc 11,38). Họ cho rằng: Ngài muốn phá bỏ Lề Luật, nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “…đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
Chúa Giêsu kiện toàn thái độ và áp dụng tinh thần của luật là dẫn đến tình thương, cho nên luật của Đức Kitô hoàn thiện và “trội hơn” luật cũ. Khi Đức Giêsu đề nghị không chỉ sống theo luật mà còn sống theo luật với ân sủng và tình yêu cho nên luật vì con người. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không dừng ở những việc làm vụ hình thức mà phải “công chính hơn” tới mức hoàn thiện: “Như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48): Luật pháp mà vượt qua luật, đi tới Tin Mừng (Phúc Âm) đem hạnh phúc tình thương cho con người. Bài giảng bát phúc trình bày tính vĩnh cửu của luật pháp mà Ngài hoàn thiện.
Xin Chúa thổi tình yêu vào cuộc sống chúng ta, để khi tuân giữ mọi giới răn đạo Chúa, mọi giáo huấn của Giáo hội, chúng ta giữ luật không chỉ vì sợ và tỏ lòng kính tôn, mà còn thực thi với tinh thần của Tình yêu.
Ý lực sống: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).
1. Đức Giêsu chính là Đấng Kitô phải đến mà dân Israel đang mong chờ. Ngài đến để hoàn tất mọi lời Thiên Chúa hứa, và để kiện toàn Lề Luật. Ngài đến để đưa Lề Luật tới ý nghĩa trọn hảo. Kiểu nói: “Một chấm, một phết trong Luật cũng không thể qua đi” diễn tả tầm quan trong của Luật: đó là ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn dùng Lề Luật để giáo dục con người thì không có Luật gì là nhỏ bé tầm thường. Vì vậy, chúng ta chỉ đạt được sự sống đời đời khi trung thành tuân giữ luật Chúa và Lời Chúa. Chúng ta giữ luật không vì sợ tội, nhưng vì tình yêu. Trong tình yêu, càng cần sự tế nhị từ những điều nhỏ mọn.
2. Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đề cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội.
Ngay từ thời xa xưa, Thiên Chúa đã ban cho con người luật pháp. Nó phát triển và hoàn thiện dần trong lịch sử cứu độ. Luật cũ cho ta ý niệm là dân được tuyển chọn phải sống qua mười điều răn, lời các tiên tri, là những hướng dẫn con người cách thức mến Chúa và yêu người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ và hành động trong đời sống thường nhật.
Các luật sĩ và biệt phái giữ luật rất đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe: Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn lề luật: Tất cả vì luật.
Đức Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hàng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh...
3. Thầy đến không phải là để bãi bỏ...”
Những lời Đức Giêsu nói về luật Cựu ước thực sự gây sốc nhất là đối với những người thượng tôn Lề Luật Maisen... Quả thật những lời Đức Giêsu dạy xem ra khó nghe và có vẻ như trái nghịch với luật cũ khiến một số người phản đối; nhưng xét cho cùng, đó không phải là Ngài phá đổ hay phế bỏ Lề Luật mà là Ngài kiện toàn nó.
Ngài đào sâu tận nguyên lý của Lề Luật và áp dụng vào hoàn cảnh mới của Tân Ước để thực hành đúng tinh thần của Lề Luật chứ không chỉ theo hình thức bên ngoài. Ta có thể dẫn chứng trường hợp ăn chay chẳng hạn: nhịn đói ít hôm, cúng dường... rồi sau đó bóc lột, ức hiếp ngươi nghèo khổ, thì hành vi ấy còn có nghĩa gì, nó lố bịch và chuốc thêm tội vào mình thôi... Như thế, Đức Giêsu chính là Maisen mới vì Ngài đến kiện toàn Luật Maisen và lời các tiên tri (5 phút Lời Chúa).
4. Việc kiện toàn ít nhất mang hai ý nghĩa.
Đức Giêsu đã đến kiện toàn Lề Lật và lời các tiên tri. Như vậy:
- Đối với Do thái, lề luật và tiên tri liên kết với nhau, nên việc kiện toàn của Đức Giêsu có nghĩa là Ngài thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa đã hứa trong Sách Thánh. Ngài là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.
- Từ nay trong Đức Giêsu, luật được tuân giữ với tinh thần tự do và yêu mến Chúa, chứ không phải là một sự bó buộc phải làm hay phải giữ. Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ.
Tóm lại, kiện toàn lề luật mà Đức Giêsu dạy chúng ta là không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Đức Kitô: giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng mến Chúa và tha nhân, biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hóa bản thân, giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.
5. Lề luật giúp cho con người nên thánh và trung thành với Chúa.
Lề luật giống như đường rầy giữ cho xe lửa chạy an toàn, hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị buộc sống và làm trong khung khổ của lề luật thì hơi khó chịu đấy. Nhưng ta hãy nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn. Hơn nữa, ai biết giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô chia sẻ một kinh nghiệm quí giá: “Ubi amatur, non laboratur: khi ta yêu thì ta không cảm thấy nhọc nhằn.
6. Truyện vui: Giữ luật hình thức.
Vào ngày thứ sáu buộc kiêng thịt, có người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá, nhưng trong lòng thì thích ăn thịt. Thế là anh ta gọi những món cá mà anh ta biết chắc chắn chủ quán sẽ trả lời là không có.
Rồi anh tự nhủ: “Lạy Chúa, Chúa biết đấy, con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có, thôi con đành gọi một tô phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy”.
Cầu nguyện xong, anh thi hành liền. Anh đã tự tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để có thể khỏi bị lỗi luật Chúa.
1. Bài đọc Cựu Ước: Trước khi dân Israel vào Đất hứa, Môsê đọc cho dân nghe các lề luật Chúa. Ông căn dặn dân phải nhớ tuân giữ những điều luật ấy “để được sống và được vào chiếm hữu phần đất (mà Thiên Chúa đã hứa ban)”.
2. Bài trích Phúc Âm: Mặc dù Chúa Giêsu đến để thiết lập Luật mới, nhưng Ngài không huỷ bỏ luật cũ: “Ta không đến để huỷ bỏ (luật Môsê), mà để kiện toàn”.
3. Như thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay là bảo chúng ta hãy tuân giữ lề luật, theo tinh thần mới của Phúc Âm.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Lề luật giống như đường rầy giữ cho xe lửa chạy an toàn, hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị buộc phải sống và làm trong khuôn khổ của lề luật thì hơi khó chịu đấy. Nhưng ta hãy nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn. Hơn nữa ai biết giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô chia sẻ một kinh nghiệm quý giá “Ubi amatur, non laboratur” (khi ta yêu thì ta không cảm thấy nhọc nhằn).
2. Một điều nữa cần làm ngay trong mùa Chay là xét lại cách mình giữ luật: luật Chúa, luật Hội Thánh, luật của cộng đoàn v.v...
3. Về việc giữ luật, ta cũng có thể liên tưởng tới một lời dạy khác của Chúa Giêsu “Ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ trung tín trong việc lớn”. (Lc 161,10)
4. “Vào một ngày thứ Sáu buộc kiêng thịt, có người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá nhưng trong lòng thì thích ăn thịt. Thế là anh gọi những món cá mà anh biết chủ quán sẽ trả lời là không có. Rồi anh tự nhủ “Lạy Chúa, Chúa biết đấy, con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi con đành gọi một tô phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy”... Nếu không có lòng yêu mến Chúa thật, chúng ta sẽ dễ tạo ra những cách để tự an ủi và chuẩn miễn khỏi phải tuân giữ luật Chúa, hoặc giải thích Lời Chúa theo sở thích riêng”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay bảo chúng ta hãy tuân giữ lề luật theo tinh thần mới của Tin Mừng.
1. Lề luật giống như đường ray giữ cho xe lửa chạy an toàn, hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị buộc phải sống và làm trong khuôn khổ của lề luật thì hơi khó chịu đấy. Nhưng ta hãy nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn. Hơn nữa ai biết giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô chia sẻ một kinh nghiệm quý giá “Ubi amatur, non laboratur” (khi ta yêu thì ta không cảm thấy nhọc nhằn).
Cách đây ít lâu, có một báo cáo về một trường hợp một thủy thủ thuộc hải quân hoàng gia Anh, bị phạt rất nặng vì vi phạm kỷ luật. Hình phạt nặng đến độ dư luận bên ngành dân chính cho rằng, quá khắt khe.
Nhưng một người từng phục vụ nhiều năm trong hải quân đã trả lời rằng, theo quan điểm ông ta, đó không phải là hình phạt quá nặng. Ông cho rằng, kỷ luật là một biện pháp tối cần thiết, vì mục đích của kỷ luật là khiến con người tự động vâng lệnh không thắc mắc và sự sống tùy thuộc vào sự vâng lệnh này.
Ông kể lại một kinh nghiệm riêng, trong một hải vụ, tàu của ông phải cẩu một chiếc tàu rất nặng đang khi biển động. Chiếc tàu hư được cột vào chiếc tàu ông bằng một sợi cáp. Thình lình, giữa cơn gió bão có lệnh của thuyền trưởng: “Xuống!”, tức khắc toàn thể thủy thủ phóng xuống hầm tàu. Ngay lúc đó, sợi dây cáp cột tàu bị đứt, quất xuống như một con rắn thép điên cuồng, trúng người nào thì người đó chắc chết ngay tại chỗ. Nhưng vì thủy thủ đoàn đã tuân lệnh, nên tất cả đều được thoát hiểm và an toàn. Nếu có ai dừng lại để tranh luận hay hỏi lý do, chắc người ấy đã chết. Sự vâng lời cứu mạng người. (WB).
Chúa Giêsu không hề chủ trương vô kỷ cương. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta đến không phải để huỷ bỏ lề luật và các lời tiên tri, nhưng Ta đến để kiện toàn lề luật” (Mt 5,17). Ngài tuân giữ lề luật của Do Thái giáo. Nhưng, trong khi các luật sĩ, Pharisêu chỉ biết bám vào hình thức, thì Chúa Giêsu mặc cho lề luật một tinh thần mới. Ngài giữ chay và kêu gọi con người xé lòng chứ đừng xé áo. Ngài giữ ngày hưu lễ và kêu gọi con người thực thi bác ái. Ngài cảnh cáo những Pharisêu và luật sĩ khi họ cố tình bóp nghẹt tinh thần của lề luật. Ngài không ngần ngại lên án thái độ giả hình bên ngoài của họ bằng những lời rất nặng. Ngài ví họ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng bẩy nhưng bên trong thì thối tha.
2. Về việc giữ luật, ta cũng có thể liên tưởng tới một lời dạy khác của Chúa Giêsu: “Ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10).
Vào một ngày thứ sáu tuần thánh buộc kiêng thịt, có người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá nhưng trong lòng thì thích ăn thịt. Thế là anh gọi những món cá mà anh biết chủ quán sẽ trả lời là không có. Rồi anh tự nhủ: “Lạy Chúa, Chúa biết đấy, con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi con đành gọi một tô phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy..”.
Nếu không có lòng yêu mến Chúa thật, chúng ta sẽ dễ tạo ra muôn ngàn cách để tự an ủi và miễn thứ cho mình khỏi phải tuân giữ luật Chúa, hoặc giải thích Lời Chúa theo sở thích riêng. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Chúng ta hãy nhìn lại một ít bài học trong Đạo để thấy rằng, có những con người rất can đảm. Họ thà chết còn hơn là lỗi luật Chúa.
* Xưa kia, Giuse con Giacob “thà chết” còn hơn là nghe theo lời đường mật, rồi sau đó là những lời đe dọa mà ngả vào vòng tay của người đàn bà xấu nết, là vợ quan Putipha.
* Bà Suzanna, cũng thà chết còn hơn là phạm luật Chúa trước những lời hăm dọa của hai lão mê dâm.
* Ông lão Aliazarô thà bỏ mạng sống còn hơn là nghe theo lệnh truyền của hoàng đế Antiocô mà ăn thịt trái luật Chúa.
* Ba thánh trẻ kia, sẵn sàng chịu thiêu trong đống củi chứ không chịu sấp mình trước tượng Nabucodonosor.
* Đaniel cũng thà chết còn hơn là bỏ việc thờ phượng Chúa dù việc đó làm cho Đaniel bị bỏ vào hang sư tử.
* Bảy anh em tử vì đạo đời Antiôcô cũng vì sợ mất lòng Chúa nên thà chết chẳng thà bỏ đạo.
* Tại Việt Nam ta ngày trước, nhiều tín hữu bị nhốt vào tù. Quan dạy đi ra hai cửa: sinh môn và tử môn. Ai qua “sinh môn” thì phải đạp ảnh. Những người bị giam đều qua “tử môn” có quân lính trực sẵn, hễ ai bước qua thì chém đầu.
* Trên đồi Dã Viên, đời cấm đạo, giáo hữu phải giam trong cũi, nhịn khát mấy ngày bên bờ sông Hương. Ai đạp ảnh mới được uống nước. Các đấng thà chết khát...
Người Công giáo thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa, bỏ nghĩa vụ.