Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng. Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra. Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý. Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi". Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.
Ông Soren Kierkegaard, một triết gia người Đan Mạch, kể chuyện sau. Một vị vua bỗng dưng đem lòng thương cô thôn nữ nghèo. Ông tin rằng mình có thể dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ. Nhưng ông lại sợ cô lấy ông chỉ vì nể phục chứ không yêu. Như thế tương quan giữa hai người không được trọn vẹn. Sau khi suy nghĩ, ông thấy chỉ có cách là thực sự từ bỏ ngai vàng, trở thành một anh nông dân nghèo, và bày tỏ tình yêu mình cho cô. Vị vua biết làm thế là liều lĩnh, vì ông có thể mất cả cô lẫn ngôi báu. Cô có thể chê chàng nông dân, hay chê quyết định dại dột của vị vua. Nhưng nhà vua vẫn dám liều, vì ông quá yêu cô thôn nữ, và ông muốn đây là một mối tình thực sự. Câu chuyện cảm động trên đây đưa ta vào chuyện tình đã xảy ra giữa Ngôi Lời Thiên Chúa và nhân loại. Ngôi Lời còn cao trọng hơn vị vua kia bội phần. Ngài là Thiên Chúa Con Một, dựng nên vạn vật (cc. 3. 18). Ngài là Đấng duy nhất thấy Thiên Chúa và ở trong lòng Thiên Chúa, nên chỉ Ngài mới có thể bày tỏ Thiên Chúa cho nhân loại (c. 18). Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật, sự sống và ánh sáng (cc. 3. 14). Tất cả những điều ấy là quà tặng của Ngôi Lời cho con người. Nhưng quà tặng lớn lao và bất ngờ nhất làm ta ngỡ ngàng, reo vui, đó là biến cố Ngôi Lời trở nên người phàm và ở giữa chúng ta (c. 14). Con Thiên Chúa trở nên con của loài người và mang tên Giêsu (c. 17). Ngài mang khuôn mặt của ta, đứng chung một dòng tiến hóa với ta. Ngài dựng lều trên trái đất, một hành tinh bé xíu nhưng tuyệt vời, vì đã được ghi dấu chân Con Thiên Chúa. Ông Luther viết: “Ngài đã ăn, uống, ngủ, thức; Ngài đã cảm thấy chán nản, biết buồn, biết vui. Ngài khóc, cười, đói, khát; Ngài đổ mồ hôi; Ngài vất vả, cầu nguyện, đến nỗi giữa Ngài với ta không có dị biệt nào, tuyệt nhiên không, ngoại trừ Ngài là Thiên Chúa và Ngài vô tội. ” Khác với vị vua không muốn làm vua nữa để thành nông dân, Ngôi Lời khi thành người vẫn là Con Thiên Chúa dưới dạng tự hủy. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Nếu Ngài chỉ là một con người hay một bậc vĩ nhân, thì Ngài chỉ đáng ta kính trọng chứ không phụng thờ. Nếu Ngài chỉ là một Thiên Chúa đội lốt người, chứ không là người thật, thì Ngài không thể cứu độ và thần hóa con người. Lễ Giáng sinh là lễ hội của mọi người trên mặt đất vì Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ phận người của chúng ta. Ngài đã đến với thế giới này như nhà của Ngài (cc. 9. 11). Chỉ cần nhận biết, tin vào Ngài, đưa Ngài vào nhà (cc. 10-12) là chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Đức Giêsu vẫn đứng ngoài để chờ. Có ai mở cửa cho Ngài không? (Kh 3, 20). Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Chúa đã muốn trở nên con của loài người, con của trái đất, con của một dân tộc. Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa dù họ từ khước Tin Mừng và đóng đinh Chúa vào thập giá. Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương, một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu sau những năm dài chiến tranh, một quê hương đang mở ra trước thế giới nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc và bảo vệ nền đạo lý của cha ông. Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên trong sự an toàn và tiện nghi vật chất, nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau, và làm một điều gì đó thật cụ thể cho những đồng bào quanh chúng con. Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước bằng khối óc, quả tim và đôi tay. Và ước gì chúng con biết khiêm tốn cộng tác với muôn người thiện chí. Amen. ---------------------------------
Ngày cuối cùng của năm cũ, thánh Gioan mời ta ngược về khởi thủy. Đến ngọn nguồn của lịch sử. Đến lịch sử của Thiên Chúa. Đó là lịch sử tình yêu.
Lịch sử khởi nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp thông trong tình yêu. Ba Ngôi không ngừng hướng về nhau trong một chuyển động tình yêu liên lỉ và phong phú từ đời đời: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”.
Từ đó phát sinh lịch sử tình yêu sáng tạo. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi tràn trào ra trong sáng tạo muôn loài. Sự sống chính là ánh sáng chói lọi đẹp đẽ nhất phát xuất từ Thiên Chúa: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành…Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”.
Nhưng buồn thay lịch sử bị hoen ố vì tình yêu bị phản bội: “thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người”. Thật đáng buồn. Thánh Gioan cho biết đó là những Phản-Kitô, chẳng phải ai xa lạ, chính là người trong nhà, cùng một nguồn cội yêu thương: “Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta”. Vì chúng đã thay lòng đổi dạ. Đó là tình yêu giả dối, phản bội.
Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn tiếp tục với lịch sử cứu chuộc bằng cách gửi Con Một yêu dấu đến ở với loài người. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Lời tức là những tinh túy nhất của một con người. Lời chính là người. Vì thế Ngôi Lời chính là Thiên Chúa yêu thương đến giữa loài người.
Và Thiên Chúa lại tiếp tục yêu thương bằng lịch sử ân sủng tuôn đổ dư tràn trên nhân loại qua Con Một yêu dấu: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”.
Thật lạ lùng tình yêu của Thiên Chúa. Với Con Chúa giáng trần, Chúa muốn sinh ra một nhân loại mới, “được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, nhưng do bởi Thiên Chúa”.
Với con người mới sống theo ơn Chúa Thánh Thần, ta sẽ mở lòng đón nhận Thiên Chúa. Ta sẽ hoàn toàn sống cho tình yêu. Và năm mới sẽ lại tiếp tục với lịch sử tình yêu của Thiên Chúa trong đời ta.
Khởi đầu Tin Mừng của thánh Gioan đã cho chúng ta thấy xuất xứ của Ðức Giêsu Kitô bởi Thiên Chúa mà ra. Ðức Giêsu Kitô được sinh ra không do xác thịt, cũng không bởi ý muốn của người đàn ông kết hợp với người đàn bà, nhưng bởi Thiên Chúa. Cho nên Ðức Maria đã thắc mắc với thiên thần Gabriel: "Chuyện ấy xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến người nam". Thiên thần Gabriel đã giải thích cho Ðức Maria: "Chúa Thánh Thần đến với Trinh Nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao phủ Trinh Nữ. Vì thế, Ðấng Trinh Nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa".
Vậy, Ðức Kitô sinh ra bởi quyền phép Thiên Chúa và được gọi là Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, Ngài mặc lấy thân xác con người như chúng ta và như Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với các môn đệ của ông: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian" và ông cũng làm chứng bằng lời nói sau đây: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo, Người đến sau tôi nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi".
Theo lẽ thường bà chị họ của Ðức Maria là Elizabeth mang thai Gioan Tẩy Giả trước sáu tháng, thì Gioan được nhìn nhận là sinh ra trước Chúa Giêsu. Nhưng Gioan Tẩy Giả lại nói: "Ngài có trước tôi", nghĩa là Gioan muốn nói lên bản tính Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô.
Như vậy qua đoạn Tin Mừng này, Gioan Tẩy Giả muốn dẫn chứng cho chúng ta con người của Chúa Giêsu Kitô có hai bản tính:
- Bản tính Thiên Chúa.
- Bản tính nhân loại.
Xét theo bản tính Thiên Chúa: thì từ nguyên thủy đã có Ngài, Ngài vẫn ở với Thiên Chúa và Ngài vẫn là Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa cho nên mọi vật đều được Người làm nên, và nếu không có Người thì không có vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Nơi Ngài có sự sống và chính Người là Thiên Chúa.
Theo bản tính nhân loại: Chúa Giêsu đã được sinh ra ở làng quê Belem bé nhỏ, nước Do Thái do một Trinh Nữ tên là Maria và một dưỡng phụ là Giuse. Chúa Giêsu đã sống ẩn dật ba mươi năm ở Nazareth, ba năm đi rao giảng nước Thiên Chúa rồi cũng bị bắt bớ, đánh đập và chết trên Thập Giá, an táng trong huyệt đá như mọi người đều biết.
Trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài luôn luôn nhắc nhở đến sứ mệnh là phải chu toàn công việc Cha Ngài ủy thác, Ngài luôn luôn đề cao sự kết hợp mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha và cả hai cùng làm việc không ngừng. Ngài cũng nhắc đến Chúa Thánh Thần sẽ được sai đến để tiếp tục công việc cứu rỗi của Ngài ở trần gian cho đến khi Ngài lại đến.
Chúa Giêsu đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại, vì trước Chúa Giêsu, chưa có ai nhận được ơn cứu rỗi kể từ lúc Adam và Evà phạm tội. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến sự sung mãn của Chúa Giêsu mà hết thảy chúng ta được tiếp nhận từ ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban lề luật qua Môisen, nhưng ơn thánh và chân lý thì được ban qua Ðức Giêsu Kitô.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử đã giúp chúng ta thêm niềm tin vào Ðức Kitô là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến làm người để đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại tội lỗi.
Lạy Chúa, trong Mùa Giáng Sinh năm nay, xin Chúa cho mỗi người chúng con thêm vững niềm tin để chúng con xác tín mạnh mẽ hơn: Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể đem tình thương tha thứ vô biên đến cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con sống thực sự với mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người ở với chúng con. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Mỗi dịp cuối năm, tạp chí Time có thói quen chọn một nhân vật làm người nổi bật của năm. Người được chọn cho năm 1994 là Đức Gioan Phaolô II. Trong số ra cuối năm, tạp chí Time đã đưa ra lý do chọn lựa này như sau:
“Đức Giáo Hoàng không cảm thấy bối rối về lối sống đê hèn đang lan tràn khắp nơi. Cách đây 2 tuần, ngài đã giải thích với tạp chí Time rằng: cuốn sách bán chạy của ngài và đường lối ngoại giao không mấy được ưa thích của ngài đều có cùng một trọng tâm triết lý, đó là qui về sự thánh thiện của con người, và ngài nói thêm: “Giáo Hoàng phải là một sức mạnh tinh thần”. Trong một năm mà nhiều người than phiền về sự suy đồi của những giá trị luân lý hoặc bào chữa cho những hành động xấu, thì Đức Gioan Phaolô II đã cố gắng đề ra cái nhìn của ngài về cuộc sống tốt đẹp và thôi thúc thế giới sống theo cuộc sống đó. Chính vì sự can đảm đó, ngài được chọn làm người của năm”.
Nhận định trên của tạp chí Time về Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn phù hợp với cái nhìn của ngài trong tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”. Như tựa đề mà Đức thánh cha chọn cho tác phẩm này đã có thể gợi lên: Hy vọng là sứ điệp mà ngài muốn nhắn gửi cho cả nhân loại trong giai đoạn này. Xuyên suốt qua cuốn sách, ngài không ngừng lặp lại câu nói ngài đã gióng lên tại quảng trường Phêrô khi được bầu làm Giáo Hoàng: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Thiết tưởng đó phải là ý tưởng hướng dẫn những suy tư của chúng ta trong ngày cuối năm này.
Nhìn lại một năm qua với bao biến động đã xẩy ra cho thế giới, cho Giáo Hội, cho dân tộc, cho gia đình, cho chính bản thân, ai trong chúng ta cũng dễ bị cám dỗ buông xuôi theo đà chán nản thất vọng. Chính trong tâm trạng này mà chúng ta cần lắng nghe lời kêu gọi của Đức thánh cha: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” Quả thật, Chúa Kitô đang gõ cửa tâm hồn của từng người. 2000 năm qua, như thánh Gioan đã viết trong lời tựa Tin mừng của ngài: “Chúa Kitô là ánh sáng nhân loại đang chìm ngập trong u tối của chiến tranh, hận thù chết chóc, 2000 năm qua, hận thù và chiến tranh vẫn còn đó. Nhưng nhìn chung vào lịch sử của 2000 năm qua, không ai chối cãi được rằng ánh sáng của Chuá Kitô đã thực sự chiếu dọi vào trong tăm tối. Nói như Đức Gioan Phaolo 2 mãi mãi con người sẽ không bao giời có thể loại bỏ được Chúa Kitô ra khỏi lịch sử của mình. “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” Mãi mãi Chúa Kitô luôn có mặt trong lịch sử con người. Đó chính là niềm hy vọng của các Kitô hữu: Chúa Kitô đang có mặt trong cuộc sống chúng ta. Với Ngài thì cho dù sóng gió có bao phủ, chúng ta không có gì để sợ hãi. Với Ngài thì cho dù tăm tối có phủ kín, chúng ta vẫn còn thấy ánh sáng để tiến bước, với Ngài thì cho dù thử thách thất bại có ngập tràn, chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng.
Đó phải là tâm tình của chúng ta trong giờ phút này khi nhìn lại đất nước, gia đình, Giáo Hội, bản thân trong năm qua. Chúng ta hãy dâng lên Chúa niềm cảm mến tri ân và tin tưởng cậy trông của chúng ta.
Theo lẽ tự nhiên, cuối năm, người ta thường hay ngồi lại để tính sổ, thanh toán với nhau những điều cần thiết.
Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải ngồi lại để tính sổ với Chúa về những điều mình đã làm được, cũng như những điều mình chưa làm được, để tạ ơn và tạ lỗi; để chúc tụng và phó dâng ...
Ngồi lại để suy nghĩ về ơn Chúa. Có lẽ đây là dịp để mỗi người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đã ủ ấp trên cuộc đời chúng ta quá nhiều! Tuy nhiên, tình yêu đó có được chúng ta khám phá và làm lan tỏa ra với người khác hay không? Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ ... !
Mặt khác, thái độ tạ ơn phải luôn thường trực trong tâm hồn chúng ta, bởi vì: vui buồn, sướng khổ đều có Chúa đồng hành. Thành công, thất bại không nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa. Chúa luôn yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là kẻ phản bội.
Tình yêu đó được ví như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, như người mẹ bao bọc che chở con mình. Cả những lúc ta đau buồn thất vọng, thì tình yêu đó càng quyết liệt, thắm thiết hơn. Lúc đó, Ngài thường vác chúng ta lên vai để chúng ta được an toàn.
Khi nhìn về quá khứ, chúng ta thấy tình yêu của Chúa tràn ngập trên chúng ta. Còn nhìn về viễn cảnh tương lai, chúng ta phó thác cho Chúa tất cả, vì: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.
Mong sao, mỗi người chúng ta có được niềm tin vào tình thương của Chúa vì Ngài luôn lo lắng cho chúng ta.
Quả thật, người có niềm tin thì luôn cảm thấy: “Có Chúa chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người để tôi vào nghỉ. Bên dòng nước trong lành, dẫn tôi về bổ sức”.
Và:
“Dầu qua trong thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy hại, vì có Chúa ở cùng, côn trượng Ngài sẵn đó, tôi vững dạ an tâm”.
Lạy Chúa, một năm đã qua và năm mới đang đến. Chúng con xin tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con cũng xin tạ lỗi với Chúa vì những bất xứng chúng con đã vô tình, tệ bạc mà quên ơn Chúa. Giờ đây, chúng con xin dâng năm sống mới lên Chúa, để xin Chúa tiếp tục yêu thương, gìn giữ và chúc lành cho chúng con. Amen.
Sứ điệp: Ngôi Lời đến làm người ở giữa nhân loại. Người đem cho ta sự sống, ánh sáng, ân sủng và sự thật. Ai đón nhận Người thì được làm con Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của con. Chúa nằm trong máng cỏ nhỏ bé lặng lẽ, nhưng Chúa là Thiên Chúa đã tạo dựng và ban sự sống cho muôn loài. Chính Chúa đã cho con sinh ra làm người và còn ban sự sống thần linh cho con. Dù nhân loại tội lỗi, Chúa vẫn không bỏ rơi chúng con. Chúa đã đoái thương đến sống giữa chúng con, đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc sống hằng ngày, để dìu dắt chúng con về với Chúa Cha. Chúa thương chúng con lầm lạc, nên Chúa đem đến cho chúng con ánh sáng và sự thật. Chúa thương chúng con yếu đuối trong phận tội lỗi chết chóc nên Chúa đem đến cho chúng con ân sủng và sự sống. Chúa ban ơn cứu độ để chúng con được làm con cái Chúa Cha.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Xin Chúa giúp con biết đón nhận Chúa vào cuộc đời mình. Chúa đến với con, coi con là người nhà của Chúa, nhưng con đã không biết đón nhận Chúa. Có nhiều lúc con mải mê với cuộc sống trần gian và cậy dựa vào sức mình. Con không nhận ra rằng đời con cần có Chúa, nhưng Chúa vẫn biết con cần Chúa. Tình thương và ân sủng Chúa bao trùm những năm tháng đời con. Xin Chúa nói to vào tai con để con nghe ra rằng con không thể sống nếu con xa rời tình thương cứu độ của Chúa.
Con cầu nguyện cho thế giới hôm nay biết nhận ra mình cần đến Chúa. Trần gian muốn gạt bỏ Chúa ra ngoài, nhưng bóng tối không thể diệt được ánh sáng. Xin Chúa cho mọi người biết đón nhận Chúa để được sống trong ơn cứu độ. Amen.
1. Theo bài tự ngôn của thánh Gioan, Chúa Giêsu là Ngôi Lời, là tiếng nói của Chúa Cha. Ngay từ đầu, Người vẫn ở với Chúa Cha. Người là sự sáng soi thế gian. Chính thánh Gioan đã làm chứng cho Người. Người đã đến trong thế gian, nhưng thế gian không tiếp nhận Người. Ai tiếp nhận Người thì Người cho được làm con Thiên Chúa.
Hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ nghèo hèn là Thiên Chúa, là tiếng nói tình thương Chúa Cha gửi đến cho loài người, để cứu rỗi mọi người. Chúng ta chỉ hiểu được mầu nhiệm nhập thể khi chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu ... Nhờ Ngôi Lời nhập thể, chúng ta mới được sống và sống nên con cái sự sáng, vì Chúa Cứu Thế là sự sống và là sự sáng thế gian.
2. Thánh Gioan làm chứng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Đây là một mầu nhiệm vĩ đại vì Ngài đã trở nên xác thịt và cũng mang nhịp đập của trái tim nhân loại như thánh Francois de Sales nói: “Ngài là vị Thiên Chúa có trái tim nhân loại”. Nơi Ngài, sự sống mới xuất hiện cho sự tác thành nhân loại mới: “Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”. Đấng Cứu Thế đang được sinh ra, ”Ngài ở giữa chúng ta”, và như Gioan đã nói: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
3. Một lần nữa, thánh Gioan chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể đã diễn tả bằng câu rất ngắn: “Và Ngôi Lời đã thành xác phạm”, nghĩa là đã trở thành một người như mọi người. Người đã sống giữa chúng ta, đã nói thứ ngôn ngữ của xứ sở và thời đại của Người.
Nhờ đó, Người muốn nói với con người rằng sự sống của con người là một giá trị thánh thiêng bất khả di nhượng, bất khả xâm phạm; mỗi người sinh ra trên thế gian này dù có xấu xa thấp hèn đến đâu cũng đều được đóng ấn tình yêu Thiên Chúa, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa. Bởi ai tin vào Người thì Ngài cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Như vậy, mỗi người chỉ có thể hiện hữu khi tháp nhập với Ngôi Lời là sự sống, chỉ nên tốt lành khi bước đi trong ánh sáng của Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, và chỉ trở thành con Thiên Chúa khi tin và tiếp nhận Ngôi Lời vào trong tâm hồn và đời sống mỗi người (Mỗi ngày một tin vui).
4. Mầu nhiệm Nhập Thể không chỉ là Thiên Chúa làm người. Nhưng còn là chính con người được ơn trở về trong cung lòng Thiên Chúa, vốn đã bị xa lìa bởi tội nguyên tổ. Với sự kiện Ngôi Lời nhập thể, chúng ta trở về với tình thương bao la của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã chia sẻ: “Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người” (Tt 2,11). Vì thế văn sĩ Origène đã nói đến sự nên Thánh của con người qua Ngôi Lời nhập thể: “Khi đi vào trong nhân loại, Người đã xây dựng sự hiệp thông với tất cả thụ tạo. Người mang sự Thánh đến cho tất cả”. Thiên Chúa làm người chia sẻ cuộc sống với cuộc sống con người và truyền thông cho con người có được khả năng tham dự và chia sẻ cuộc sống Ngôi Lời trong Ba Ngôi, như chính đời sống Thiên Chúa (R. Veritas).
5. Thánh Gioan làm chứng rằng: Ngôi Lời Thiên Chúa mặc xác thịt người phàm và đã ở giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Thiên Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế ra đời làm người để cứu chuộc nhân loại.
Sứ mạng của gia đình Kitô hữu là làm chứng cho Chúa Giêsu luôn hiện diện. Bằng cách nào? Theo gương Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: Đây là Đấng tôi loan báo. Người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Người trổi vượt hơn tôi, bằng lời nói và hành động. Gia đình Kitô hữu sẽ là chứng nhân của sự sáng, nếu biết nói cho nhau về Lời Chúa, giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác và sống theo Lời Chúa.
6. Truyện: Thiên Chúa nhập cuộc.
Khi Thiên Chúa làm người thì sống như mọi người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi thôi. Chúng ta sống thế nào thì Người sống như vậy, hết sức hòa đồng. Câu truyện sau đây nói lên khía cạnh đó:
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những khách khác thấy vậy cười nhạo ông. Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc.
Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là quần áo của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ nữa (Góp nhặt).
Các chuyên viên Thánh Kinh đã gọi đoạn này là quyển Tin mừng Thứ Tư tóm lược vì chứa đựng dưới dạng súc tích tất cả những chủ đề chính của tác phẩm như: Chúa Giêsu là Lời, Sự Sống, Sự Sáng, Làm chứng, Sự thật ...
1. Đức Giêsu là “Lời” của Thiên Chúa, tiền hữu và hằng hữu (c 1-2)
2. Ngài là Đấng Tạo hóa (c 3a)
3. Ngài là sự sống và sự sáng (cc 3b-5)
4. Gioan Tiền hô là người làm chứng cho Chúa Giêsu (c 6-8)
5. Chúa Giêsu là sự thật (c 9)
6. Ngài đến ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Ngài mà có. Nhưng thế gian đã không nhận Ngài (c 10-18)
Suy gẫm
1. “Lời đã trở thành nhục thể. ” Trong những thế kỷ đầu, có những lạc thuyết không chấp nhận việc Thiên Chúa Nhập Thể vì cho rằng thể xác là xấu xa không đáng cho Thiên Chúa nhập vào. Nhưng Con Thiên Chúa đã thực sự Nhập Thể, chứng tỏ thân xác chúng ta không xấu xa, chứng tỏ lòng Ngài quá thương chúng ta, và còn cho biết từ nay Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta qua thực tại nhân tính với tất cả những yếu đuối hèn hạ của nó. Hệ luận của Mầu Nhiệm Nhập Thể này là từ nay ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa khi gặp gỡ con người, ta có thể yêu mến Thiên Chúa khi yêu mến con người ...
2. “Ánh sáng chiếu trong bóng tối và bóng tối đã không tiêu diệt được ánh sáng”: Nói một cách triết lý, Tối chỉ là thiếu Sáng, cho nên khi nào Sáng đến thì Tối phải tan. Chỉ một ngọn nến nhỏ được đưa vào một gian phòng mênh mông cũng đủ đuổi bóng tối ra khỏi gian phòng. Suy rộng ra, Ác chỉ là thiếu Thiện, cho nên Ác không thể nào thắng Thiện, ngược lại Thiện thắng Ác là điều tất yếu. Ngôi Hai đã nhập thế và nhập thể, ai đón nhận Ngài vào lòng mình thì chắc chắn sẽ đẩy lùi bóng tối và sự ác khỏi lòng mình. Bởi thế, trong quyển sách “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng,” Đức Gioan Phaolô II luôn lặp đi lặp lại lời kêu gọi đầy lạc quan: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô. ”
3. Một đêm kia, trên một đường phố vắng vẻ, Bóng Tối ngồi co ro, buồn bã. Từ một xó nọ loé lên một Tia Sáng, rất nhỏ và rất yếu, nhưng là một tia sáng, phát ra từ một cây nến nhỏ mà ai đó đã cắm ở đấy. Một người khách đi qua nhìn thấy cây nến nhỏ và nói:
- Sao mi lại chiếu sáng trong cái xó kẹt này? Thiếu gì chỗ khác, mi đến đó mà chiếu sáng thì sẽ hữu ích hơn nhiều.
- Tại sao hả, cây nến trả lời. Tôi chiếu sáng bởi vì tôi là cây nến. Tôi có chiếu sáng thì tôi mới là cây nến. Vả lại tôi chiếu sáng đâu phải chỉ để cho người ta thấy mà còn để cho tôi vui, vui vì được làm Tia sáng, vui vì được chiếu sáng.
Bóng Tối nghe thế rất bực bội. Nó nhào tới phủ lên Tia sáng mong làm cho Tia sáng bị tắt. Nhưng chẳng những Tia sáng không tắt, trái lại Bóng Tối còn bị rách nát ra.
Có rất nhiều điều chúng ta có thể dùng làm để tài để suy niệm trong bài Tin Mừng hôm nay, nhưng trong giới hạn của một bài suy gẫm hằng ngày, tôi xin dừng lại hai ý: Ngôi Lời là sự sống và Ánh sáng.
1. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành. Điều được tạo thành nơi Người là sự sống. (Ga 1,3-4)
Sự sống là một mầu nhiệm. Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Trên trần nhà nguyện Sixtina trong nội thành Vatican, danh họa Michel Angelo đã vẽ một bức tranh nổi tiếng về việc sáng tạo con người. Trong bức tranh này, người ta thấy Thiên Chúa từ trên một đám mây như cố gắng đưa ngón tay trỏ của Ngài về phía Adam. Và từ bên dưới, con người Adam như còn yếu đuối cũng cố gắng đưa bàn tay của mình hướng về phía Thiên Chúa: Chỉ một chút nữa là một ngón tay của Adam có thể chạm vào ngón tay Thiên Chúa. Bức tranh cố ý để một khoảng cách rất nhỏ giữa bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa và ngón tay trỏ của con người Adam. Tất cả các du khách khi viếng thăm ngôi nhà nguyện này đều chú mục vào bức tranh và hầu như mọi người đều nhận ra rằng sự sáng tạo của Thiên Chúa sẽ xóa bỏ khoảng cách đó khi Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào trong con người của Adam.
Vâng! Sự sống của con người là do Thiên Chúa ban cho. Và khi tạo dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa đã nhắm đến sự sống, và khi tạo dựng sự sống, Thiên Chúa nhắm đến việc tạo dựng con người, một con người giống hình ảnh Thiên Chúa.
Khi phạm tội, con người đã đánh mất đi sự sống thần linh của mình, và Ngôi Lời lại xuống thế làm người, để những ai đến với Người tìm lại được sự sống ấy. Chính trong Ngôi Lời mà ta có sự sống, vì thế muốn có sự sống thì ta phải đến với Lời của Thiên Chúa, tiếp xúc với Lời Chúa. Lời Chúa đã làm cho kẻ bệnh tật được lành, kẻ chết sống lại, và chỉ có Lời Chúa mới làm cho ta có sự sống thật mà thôi.
Sau 300 Đạo Chúa bị cấm ở Nhật Bản và sau nhiều thập niên Đạo bị cấm ở Trung Quốc, các nhà truyền giáo đã hết sức ngạc nhiên trở lại các nơi này. Các ngài đã tìm thấy một đức tin vẫn sống động nơi các Kitô hữu. Hỏi ra các ngài mới biết: Trong thời gian đạo Chúa bị cấm, vì thiếu các linh mục giảng Lời Chúa, các Kitô hữu đã dùng sách Tin Mừng để dạy cho con cháu họ. Chính Lời Chúa đã giúp họ duy trì được đức tin. Họ vẫn có được sự sống đức tin mạnh mẽ nhờ Lời của Chúa. Thật là một điều kỳ diệu.
2. Sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Nếu sự sống của mọi loài trên mặt đất phải cần đến ánh sáng mặt trời để tồn tại và phát triển thì Lời Chúa cũng cần cho sự sống đức tin như thế.
Một câu chuyện nhỏ từ Internet: Một hôm, tôi và con trai cùng trồng đậu. Vì thời tiết nóng bức, lũ chuột hoành hành, nên tôi vùi hạt đậu sâu xuống đất. Vài ngày sau, tôi dắt con trai ra xem. Khi bới đất lên, tôi thấy rất nhiều hạt đậu đã nảy mầm, phía trên mỗi hạt đậu nhú lên hai chiếc lá non màu vàng. Những sinh mệnh yếu ớt đang lớn lên từng giây từng phút trong khoảng trống dưới đất. Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ ngoi lên khỏi mặt đất.
Con trai ngạc nhiên hỏi tôi:
- Mẹ ơi, những mầm cây này cũng có mắt hay sao mẹ?
Tôi trả lời:
- Chúng không có mắt đâu con.
Vậy tại sao chúng lại biết vươn lên khỏi mặt đất mà không đâm xuống dưới.
- Bởi vì chúng muốn tìm kiếm ánh sáng. Không có ánh sáng chúng sẽ chết.
- Mẹ ơi, nếu không có ánh sáng, con người chúng ta có chết không?
Con trai tôi lại hỏi tôi.
- Chắc chắn là thế rồi, nhưng tôi không dám trả lời như thế mà chỉ nói với nó:
- Con yên tâm đi, không bao giờ thiếu ánh sáng đâu.
Vâng! Ánh sáng không hề thiếu và ánh sáng không thể thiếu. Vì nếu thiếu ánh sáng, mọi loài sẽ không thế tồn tại trên cõi đời này.
Mẹ Têrêsa bảo: "Chúa Giêsu đã đến như là ánh sáng của thế gian"
Và mẹ còn viết rất hay như sau:
"Với tôi, Chúa Giêsu là tất cả:
Chúa Giêsu là sức sống tôi muốn sống;
Ngài là ánh sáng tôi muốn chiếu tỏa;
Ngài là đường tôi đi về nhà Cha,
Là tình yêu tôi muốn tỏ tình,
Là niềm vui tôi muốn chia sẻ,
Là hạt giống an bình, tôi gieo rắc. "
Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Đức Hồng Y Roger Etchegaray
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi ngay trong đêm tối
cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ứớc gì những cánh tay rã rời
vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh cho một thế giới mới.
Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Thánh Gioan tông đồ, người môn đệ được Chúa yêu thương một cách đặc biệt đã nói với chúng ta rằng: ”Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Ga 1, 1),”Từ nguyên thủy”gợi cho chúng ta nhớ về một thời xa xưa vô cùng vô tận, khi mà chưa có một sự gì hiện hữu trên thế giới này, thì Ngôi Lời, chính là Ngôi Hai Thiên Chúa đã có rồi. Chúa có như thế nào, có bằng cách nào, có ra sao… thì chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết Thiên Chúa mạc khải cho ông Môsê nơi bụi gai đang bốc lửa cháy trên núi Khoreb rằng: ”Ta là Đấng hằng hữu” (Xh 3, 14) mà thôi, để rồi ngày hôm nay chúng ta thấy tất cả những gì có trong thế giới này là nhờ Chúa.
Nhờ Chúa mà thế giới được tạo thành, được hiện hữu: ”Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi sự đã được tác thành” (Ga 1, 3). Như vậy chúng ta có được ở trần gian là nhờ Chúa. Chúa tạo dựng con người chúng ta, cho chúng ta được hưởng hạnh phúc chẳng những đời sau mà ngay cả đời này. Nhưng ma quỷ ganh tỵ đã cám dỗ ông Adong và bà Evà phạm tội ăn trái cấm , kiêu ngạo chống lại Thiên để rồi bị Chúa trừng phạt. Nhưng Chúa không nỡ để chúng ta phải chết đời đời. Chúa cứu chúng ta và Chúa đã có một chương trình cứu độ cho chúng ta. Khởi đầu là Chúa chọn dân Israel làm dân riêng qua việc Chúa gọi ông tổ phụ Abraham. Kế đó Chúa sai các vị thẩm phán, các vua chúa, các tiên tri giúp đỡ dân Chúa để dân Chúa đi đúng đường lối Chúa mà chuẩn bị tâm hồn mà đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người chuộc tội cho con người chúng ta.
Đến thời đã định, thời sau hết, Chúa Ngôi Hai đến, nhưng trước khi đến với dân Chúa, Chúa còn sai thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Chúa đi trước chuẩn bị lòng dân đàng hoàng tử tế mà đón nhận ơn lành vô cùng trọng đại và cao quý này: ”Có một người được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1, 6 – 7). Nhưng con người chúng ta không chịu nghe để mà đón Chúa đến. Chúng ta cố chấp trong tội lỗi, khước từ, xua đuổi Chúa ra khỏi cuộc sống chúng ta: ”Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Có lẽ Chúa rất đau vì con người chúng ta bỏ Chúa để chạy theo danh lợi thú. Chúng hư mất đời đời mà Chúa không làm gì để cứu chúng ta được, vì chúng ta đã lạm dụng tự do Chúa ban và sử dụng nó không theo ý Chúa. Chúng ta sẽ phải đau khổ.
Đàng khác, khi con người chúng ta biết đón nhận Chúa, chúng ta được trở nên con của Chúa: ”Còn những ai đón nhận, tức là những người tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12). Như thế chúng ta sẽ được đón nhận biết bao ơn Chúa ban và chúng ta sẽ sống bình an, hạnh phúc: ”TỪ nguồn ơn sủng của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này tới ơn khác” (Ga 1, 16). Chúng ta hãy tin yêu Chúa, sống theo lời Chúa dạy để Chúa xót thương chúng ta trong cuộc sống này.
Lạy Chúa Hài Nhi chúng con tôn thờ, chúng con yêu mến Chúa, xin Chúa ban cho chúng con một mùa Giáng Sinh an lành, cho chúng con luôn đi trong ánh sáng của Chúa để chúng con không bị lầm đường lạc lối, rớt vào hố sâu tội lỗi mà hư mất đời đời.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ðức Ki-tô Con Một Chúa giáng sinh đã khởi sự và hoàn thành việc thờ phượng Chúa. Xin thương kể chúng con làm của riêng Người là Ðấng mang trong bản thân mình ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày 31 Tháng 12 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Đức Kitô Con Một Chúa giáng sinh đã khởi sự và hoàn thành việc thờ phượng Chúa. Xin Chúa thương kể chúng ta làm của riêng Người là Đấng mang trong bản thân mình ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.
Chúa thương kể chúng ta làm của riêng Người, khi chúng ta cùng theo Chúa trong đau khổ, để được ở với Người trong vinh quang, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Trong Đức Kitô Phục Sinh, người tín hữu sống, chịu đau khổ và chết. Trong Đức Kitô, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể. Chính Đức Kitô là đầu mọi quyền lực thần thiêng. Chúng ta đã cùng được mai táng với Người khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa.
Chúa thương kể chúng ta làm của riêng Người, khi chúng ta biết kiến tạo hòa bình, xây dựng tình hiệp nhất trong Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói: Sinh nhật của Chúa là khởi đầu của hòa bình… Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay nhờ máu Đức Kitô, anh em đã trở nên những người ở gần. Chính Đức Kitô là bình an của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên, dân Dothái và dân ngoại thành một. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.
Chúa thương kể chúng ta làm của riêng Người, khi chúng ta biết sự thật, sống theo sự thật, và vui mừng khi Sự Thật ngự đến, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 95, vịnh gia đã kêu xin: Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan nói: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta. Thiên Chúa đã làm người, để chúng ta được thông dự vào thần tính của Người. Vì thế, khi mừng kính ngày Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế, chúng ta cũng mừng chính nguồn gốc của mình. Ngày Đức Kitô giáng sinh cũng là ngày Dân Kitô hữu khởi đầu. Mừng sinh nhật của đầu là mừng sinh nhật của thân thể. Bởi vì, toàn thể các tín hữu đều sinh ra từ giếng nước thánh tẩy, đều cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô trong cuộc Thương Khó, cùng sống lại với Người trong mầu nhiệm Phục Sinh, và cùng được đặt với Người bên hữu Chúa Cha trong mầu nhiệm Thăng Thiên, cho nên, tất cả chúng ta cũng được sinh ra cùng với Người trong mầu nhiệm Giáng Sinh này. Đức Kitô chính là sự bình an: sinh ra chúng ta, là những người con của Thiên Chúa. Việc chính của bình an, và hoa quả đặc thù của bình an là tách biệt chúng ta ra khỏi thế gian, mà cho chúng ta được kết hợp với Thiên Chúa. Những người được Chúa Cha cho thừa hưởng ân huệ làm con, không phải là những người bất hòa, chia rẽ, nhưng là, những người có cùng một tâm tình, có cùng một tình yêu với Đấng, mà chúng ta được tái tạo theo một hình ảnh duy nhất đó, và chúng ta phải có tâm hồn xứng hợp với hình ảnh ấy. Đức Kitô Con Một Chúa giáng sinh đã khởi sự và hoàn thành việc thờ phượng Chúa. Ước gì chúng ta được Chúa nhận làm của riêng Người, là Đấng mang trong bản thân mình ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Ước gì được như thế!