--------------------------------- Đón nhận và sám hối. Thứ Ba tuần 15 thường niên. "Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi".
Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: "Hỡi Côrôzain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi. "Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi".
Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17). Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự. Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương. nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài. Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến. Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối, dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20). “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin ! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa!” Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn, trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân. Khoradin là một vùng ở tây bắc của Hồ Galilê (Mc 10, 13). Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường. Bếtxaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên. Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa. Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tia và Xiđôn. Nếu Tia và Xiđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu, hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21). Caphácnaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ. Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24). Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ. Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban? “Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.” Đức Giêsu dám so sánh Caphácnaum với Xơđôm. Xơđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25). Ngài cho rằng Xơđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm, hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23). Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận. Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn. Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu. Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa. “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26). Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ. Điều quan trọng là sám hối. Những ơn lộc Chúa ban cho đời Kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn. Chúng ta không thể coi mình là Caphácnaum để khinh Xơđôm được. Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người, từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo. Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày? Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra. Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ. Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương. Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng. Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn. Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. -------------------------------
Tấm lòng chai đá vô tâm trước tiếng gọi thiêng liêng. Nghe mà không thấy vì ham mê trần thế, chỉ nghe được tiếng gọi trần tục. Tấm lòng chai đá vô ơn trước những ân huệ thiêng liêng vì mải mê tìm lợi lộc vật chất. Tấm lòng chai đá vô cảm trước sứ điệp sám hối vì không bao giờ chìm vào đáy sâu tâm hồn để biết vũng lầy tội lỗi xấu xa của mình, nên không ghê tởm mà tìm đường ăn năn trở về.
Ca-phác-na-um và Cô-rô-za-in là những thị trấn lớn, trung tâm thương mại sầm uất. Những tàn tích của hội đường còn lại cho thấy hai thị trấn này thật giầu có, vào thế kỷ thứ 1 mà đã có những công trình kiến trúc sang trọng và tinh xảo. Có lẽ vì giầu có nên họ mải mê với tiền bạc. Tâm hồn họ không tìm thấy lối thoát trong vòng xoay vừa khắc nghiệt, vừa mê đắm của tiền bạc. Chúa Giê-su đã lấy đó làm trung tâm rao giảng Tin mừng. Chúa đã làm ở đó biết bao phép lạ. Nhưng cư dân ở đó vẫn dửng dưng. Nên Chúa đã phải lên tiếng cảnh báo họ sẽ phải chịu cuộc xét xử nghiêm khắc hơn những nơi khác.
Cuộc đời Mô-sê là dấu chỉ. Công chúa Pha-ra-ô có tấm lòng mở rộng, nhậy cảm và quảng đại, nên đã đón nhận Mô-sê dù ông chỉ là một đứa trẻ của dân tộc nô lệ. Không những đón nhận, công chúa còn đưa ông vào cung điện để nuôi nấng dậy dỗ như một hoàng tử. Trong khi đó hai người đồng hương chỉ vì tự ái cá nhân đã chối từ ông. Có lẽ câu chuyện lạ lùng của Mô-sê đã được dân Do thái truyền tụng. Thế mà họ chẳng quan tâm đến ông, không chấp nhận lời khuyên giải có tình có lý của ông. Mà lại còn sinh lòng thù hận muốn làm hại ông. Thói tự ái kiêu căng cũng khiến tâm hồn họ ra vô cảm trước các giá trị thiêng liêng và cả trước vận mệnh dân tộc đang bị nô lệ nữa. Họ xứng đáng bị xét xử nghiêm ngặt hơn công chúa Pha-ra-ô (năm lẻ).
A-khat nhờ biết lắng nghe tiếng Chúa, trông cậy vào Chúa nên dù yếu kém, chẳng sợ gì liên quân Ít-ra-en và A-ram. Hai vua cậy vào sức mình sẽ bị Chúa trừng phạt. A-khat biết cậy trông vào Chúa sẽ được Chúa cứu (năm chẵn).
Xin cất khỏi mình con quả tim chai đá, ban cho con quả tim bằng thịt để con nhậy cảm trước Lời Chúa, trước các giá trị Tin Mừng và để con quảng đại thực hành Lời Chúa.
Văn minh càng tiến bộ, càng lôi kéo con người đến sa đọa và hủy hoại nền tảng gia đình và xã hội. Ngay từ thời xa xưa, các Tiên Tri trong Cựu Ước đã thấy được hiểm họa ấy. Việc chúc dữ các đô thị là một trong những đề tài nổi bật trong lời rao giảng của các ngài. Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu tượng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người.
Chúa Giêsu cũng tiếp tục truyền thống tiên tri ấy khi Ngài lên tiếng chúc dữ một số thành phố như Corazin, Betsaida. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện con người.
Làng mạc, thành phố, đô thị, tự nó là những xã hội cần thiết để con người xây dựng các tương quan và nhờ đó phát triển nhân cách. Tuy nhiên, thay vì giúp con người phát triển, các đô thi thường lại đày đọa con người vào nỗi cô đơn và chối bỏ mối tương quan với Thiên Chúa. Sự trống rỗng trong lòng người dân đô thị cũng là dấu chỉ sự vắng bóng Thiên Chúa. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người biết rằng chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có thể tạo được tương quan đích thực giữa người với người. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, mà còn cắt đứt mọi tương quan với tha nhân.
Lắng nghe Lời Chúa, đó là bí quyết để xây dựng cuộc sống xã hội, thắt chặt quan hệ với tha nhân và trở nên thành toàn. Ðó là điều Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: con người không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu loại bỏ Thiên Chúa và những giá trị thiêng liêng ra khỏi cuộc sống.
Nguyện cho Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống, để khi mưu sinh và xây dựng xã hội, chúng ta biết đặt Thiên Chúa vào trọng tâm cuộc sống, đeo đuổi những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người.
Bài Tin Mừng hôm nay là lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với cư dân thuộc các thành phố tại miền Galilêa, nằm gần bờ hồ Tibêria. Ba thành phố đó là Khôradin, Bétxaiđa và Caphácnaum. Thành phố Khôradin nằm cách ba cây số về hướng đông bắc của Caphácnaum. Thành Bétxaiđa là quê hương của tông đồ Philiphê, Phêrô, Andrê - em ông Phêrô. Thành Caphácnaum được đặc biệt gọi tên là thành của Chúa Giêsu, nơi Chúa thường hay lui tới, sau những lần rao giảng Tin Mừng qua vùng phụ cận. Tắt một lời, đây là những nơi mà dân chúng ít nhiều đã chứng kiến tận mắt, và được hưởng phúc lành những phép lạ của Chúa, đã được nghe những lời giảng dạy của Người. Thế nhưng, không phải tất cả đều tin nhận Chúa.
Chúa Giêsu đã dành cho dân chúng tại ba thành phố nhiều ơn lành. Thế nhưng, họ không ý thức, không biết quý trọng lắng nghe, không thay đổi đời sống, trở lại với Người. Mục tiêu Chúa nhắm đến là sự ăn năn thống hối của những ai nghe lời Chúa, để lãnh nhận ơn cứu rỗi. Hơn nữa, sự tự phụ, kiêu ngạo của dân thành Capharnaum càng cao, thì sự hủy diệt họ càng nặng nề. Ân huệ được trao ban cho ai nhiều, thì người đó sẽ phải trả lẽ, phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Những lời khiển trách của Chúa Giêsu có thể được xem như là những lời tổng kết về kết quả của các vụ rao giảng của Chúa tại miền Galilêa. Chúa Giêsu đã thu nhập những môn đệ tại vùng này, nhưng đây chỉ là sự đáp trả của một thiểu số, còn đa số thì vẫn lơ là, không màng chi, dù được chứng kiến những phép lạ Chúa đã thực hiện. Những phép lạ này là dấu chỉ trên Nước Chúa,là lời cảnh tỉnh và thôi thúc con người ăn năn trở lại cùng Thiên Chúa: "Hãy ăn năn thống hối, vì Nước Trời đã gần bên". Chuyện xưa còn mang tính thời sự cho ngày hôm nay, Lời Chúa và những việc kỳ diệu Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người, cách riêng trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Lòng ăn năn thống hối phải là bước đầu tiên chuẩn bị chúng ta tin nhận Chúa. Xin hãy thương ban cho con một quả tim mới, một tinh thần mới, để con đừng hoang phí hồng ân Chúa ban cho con.
Bấy giờ Người bắt đầu quả trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối:
“Khốn cho các ngươi, hỡi Khô-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bét-xai-đa! Vì nhiều phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon,thì họ đã mặc vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.” (Mt. 11, 20-21)
Khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho người ta cùng một cách. Người hiện diện với những người này hơn với những người kia. Người nói rất rõ ràng cho người này, tối tăm khó hiểu cho người khác. Người luôn sử sự như vậy đó.
Khi Chúa Giêsu chưa đến ở giữa chúng ta, Thiên Chúa duy trì mối liên hệ đặc biệt với dân Ít-ra-en. Chẳng một dân tộc nào mà được Chúa dùng các ngôn sứ mà nói với họ, như đã nói với dân tộc này. Chẳng một dân tộc nào đã được nhìn xem kỳ công của Chúa, như Chúa đã dùng mà tỏ mình ra cho dân tộc này vậy. Đường lối ấy, Chúa vẫn tiếp tục. Khi Đức Giêsu đã sinh ra-Xứ Pa-lét-tin lại được Chúa ưu đãi. Nhưng Chúa Giêsu cũng không tỏ mình đồng đều ở khắp nơi. Chúa đã làm nhiều phép lạ hơn, và giảng dạy rõ ràng hơn ở những miền này hơn là những miền kia.
Chúa làm như vậy để gây hiệu quả. Đến ngày phán xét, những ai đã lãnh nhiều, sẽ bị đối xử nghiêm nhặt hơn. Chỉ là công bình thôi. Cho ai nhiều hơn thì đòi người ấy nhiều hơn.
Chúng ta hãy coi chừng
“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Chúa phán, khốn cho ngươi hỡi Bét-xai-đa! Khốn cho ngươi, hỡi Ca-phác-na-um!…vì đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” Lời đe dọa này thật dễ hiểu. Những thành phố này đã lãnh nhận nhiều hơn từ nơi Chúa Kitô. Nhưng chính họ lại tỏ ra lì lợm và cứng lòng tin hơn. Họ phải gánh lấy hậu quả vì không đón nhận Người và tin vào Người.
Chúng ta đang sống trong một đất nước mà đức tin Kitô giáo đã phát triển tứ lâu năm và sâu xa. Những cơ may cho ta gặp gỡ Đức Kitô và nhận biết Phúc âm đã và vẫn còn rất nhiều. Có thể là lời đe doạ của Đức Kitô cũng nói cho chúng ta hôm nay chăng?
Sự cố ngày 11-09-2001 tại nước Mỹ khi tòa nhà tháp đôi sụp đổ và cướp đi sinh mạng của biết bao nhân tài đã làm cho cả thế giới phải sững sờ! Tại sao một đất nước nổi tiếng về an ninh, khoa học... lại để xảy ra biến cố đáng tiếc này? Sau hàng loạt những câu hỏi nhằm thỏa mãn sự thắc mắc tự nhiên của con người, thì câu hỏi quan trọng nhất và cũng là gốc rễ, căn nguyên của vấn đề được đưa ra, câu hỏi đó là: “Tại sao Thiên Chúa cho phép xảy ra một thảm họa kinh hoàng như vậy?” Và người ta nhận được câu trả lời của một người dân: “Tôi nghĩ Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, bởi vì từ nhiều năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học và đời sống của chúng ta. Như thế, chúng ta làm sao có thể mong Chúa can thiệp khi ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình!”.
Thật vậy, tội lớn nhất của con người ngày hôm nay chính là tội không tin có Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa có thật, thì người ta cũng muốn loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống. Vì thế, đã có một thời người ta tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Đã có lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả!”. Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là lời giải đáp cho mọi vấn đề, và lúc đó, khoa học sẽ trở thành nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa!
Thật vậy, con người ngày nay ảo tưởng và ngây ngô khi nghĩ rằng: “Một tay che kín cả bầu trời” nên không cần có Thiên Chúa nữa. Họ muốn loại bỏ tôn giáo và tự tin trong thế giới thực nghiệm. Nền tảng của họ được xây dựng thuần túy trên những phát minh khoa học. Đây là những lựa chọn sai lầm.
Nên biết rằng: Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất của mọi vấn đề. Lời Chúa phải là nền tảng để khám phá, xây dựng và phát minh. Một nhà nghiên cứu khoa học chân chính sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa ngay trong công trình khảo cứu của mình. Thật vậy, chính nhà bác học Newton đã nhìn nhận: “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi!”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sám hối để được ơn tha thứ. Phải từ bỏ thái độ chai lỳ, vô ơn và bất kính trước những ơn lành mà Ngài đã ban xuống trên cuộc đời, trong gia đình, nơi Giáo xứ và ngoài xã hội. Đừng giả điếc làm ngơ; đừng kiêu ngạo, tự phụ và ích kỷ, khiến cho Lời Chúa bị bóp nghẹt và không trổ sinh hoa trái được.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con biết sám hối, nhạy bén để nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi hành để khỏi bị khiển trách như dân thành Khoradin, Bethsaiđa và Capharnaum. Amen.
Sứ điệp: Chúa ban cho ta rất nhiều hồng ân mà những người khác không được. Phải biết sống xứng đáng với tình thương của Chúa: hoán cải và sống theo Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa tưới gội cuộc đời con bằng muôn vàn hồng ân. Chúa cho con được sống, được sống mạnh khoẻ, an vui hạnh phúc. Và ngay cả bệnh tật khổ đau cũng chính là quà tặng của tình yêu Chúa dành cho con. Nhưng nhất là Chúa cho con được biết Chúa, được nghe lời Tin Mừng yêu thương, được gặp Chúa và lãnh nhận ơn thánh qua các bí tích, được sống trong Hội Thánh. Con không thể nào kể hết những hồng ân con đang lãnh nhận.
Nhưng lạy Chúa, cũng như những người Do Thái ngày xưa, con đã không nhận ra tình thương Chúa để sống cho xứng đáng. Rất nhiều lúc con đã thờ ơ coi thường Chúa, rất nhiều lúc con đã cứng lòng gạt Chúa ra khỏi cuộc đời con. Rất nhiều lúc con xem việc theo Chúa như là một gánh nặng.
Con thực sự cảm thấy xấu hổ khi nhìn thấy nhiều người lương dân sống tốt hơn con. Nếu họ được hồng ân biết Chúa như con, chắc chắn họ còn thánh thiện hơn con bội phần.
Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho sự cứng lòng và vô tâm của con. Mỗi một hồng ân là một dấu hiệu của tình thương Chúa. Xin Chúa giúp con luôn nhận ra tiếng gọi của tình yêu Chúa để con ăn năn sám hối thay đổi đời sống. Xin giúp con biết tận dụng những ơn Chúa ban để ngày ngày con lớn lên trong đời sống đức tin và đức mến. Chúa đi qua đời con, giơ tay vẫy gọi dồn dập, con nguyện bước theo Chúa và sống xứng đáng với tình thương Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Trong ngày phán xét, Tyro và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi”.
Một bé gái rất nghịch ngợm. Vì bé không chịu nói xin lỗi nên bà mẹ đã phạt bằng cách cất hết đồ chơi và bắt nằm trên giường.
Tan sở về, người cha lên lầu thăm bé và nói: “Chỉ cần con xin lỗi, mẹ sẽ cho ăn và trả lại đồ chơi”.
Cô bé ngước nhìn với vẻ cương quyết, không chút hối hận, và nói: “Ba ạ, họ lấy đồ chơi của con, không cho con ăn tối, nhưng họ không thể lấy đi những suy nghĩ của con!”. Dù thế nào đi nữa, bé vẫn khăng khăng giữ những ý nghĩ của mình.
Hối hận thật cần thiết!
Suy niệm
Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là những đô thị sầm uất nhưng cũng là đối tượng của các ngôn sứ lên án vì nếp sống thực dụng, vật chất, hưởng thụ dẫn tới những sa đọa luân lý, tôn thờ ngẫu tượng của ngoại bang… Tiếp tục truyền thống ngôn sứ, Chúa Giêsu lên tiếng chúc dữ một số thành phố như Corazin, Betsaida và Capharnaum nằm trên bờ hồ Giênêgiarét. Cuộc sống vật chất sung túc nơi các thành phố sầm uất này, làm cho con người không chỉ sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa qua việc họ không tin vào lời giảng dạy của Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ giảng dạy kèm theo các phép lạ phi thường như là dấu chỉ thời đại nước Thiên Chúa đang đến.
Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhiều lần rao giảng Tin Mừng, cũng như làm nhiều phép lạ ở các thành phố Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không lãnh nhận giáo huấn Chúa. Chính sự chối bỏ, cứng tin của họ, làm cho họ bị phán xét nặng hơn Tyrô và Siđon - những thành phố phồn thịnh, nổi tiếng thời Cựu ước, cũng là cửa ngõ bị ảnh hưởng của đời sống ngoại giáo xâm nhập vào Israel, nên các ngôn sứ hay phê phán nặng lời các thành phố này (x. Is 23; Ed 26-28; Ge 4, 4-8; Am 1,9-10; Dcr 9,2-4). Sôđôma là thành phố tội lỗi đã bị Chúa hủy diệt bằng lửa… Các thành phố Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum bị hình phạt nặng hơn Tyrô Siđon và Sôđôma vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa.
Không tin, loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, làm lòng người trống rỗng vắng bóng Ngài như lòng các dân đô thị xa xưa cùng với các hậu quả…
Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở chúng ta biết rằng chỉ tin vào Thiên Chúa, con người mới biết đặt Thiên Chúa vào trọng tâm cuộc đời, sống những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người với nhau.
Ý lực sống:
Để tâm suy nghĩ: “Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi” (x. Mt 11,22).
Chúa Giêsu khiển trách các dân Khoradin, Bếtsaiđa và Capharnaum. Các thành này đã chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Ngài đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao? Vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh kinh cao hơn. Khi thấy sự kiêu căng đã khép kín lòng họ, Chúa Giêsu nghĩ tới những kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mạc khải của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu cho biết những người dân thành ấy sẽ chịu án phạt nặng nề hơn cả án phạt mà xưa Đức Chúa đã giáng xuống thành Sôđôma.
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin!”
Khi lên án hai thành này, Chúa Giêsu kết án thái độ cứng lòng tin của họ trước Lời rao giảng và những phép lạ Ngài làm. Ngài cũng cảnh báo với họ là, đến ngày phán xét, họ sẽ không còn lý do gì để bào chữa nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đưa ra một so sánh: ”Nếu dân Tia và Siđon xưa được chứng kiến phép lạ như họ thì những dân ấy đã ăn năn thống hối rồi”.
Đây cũng là một cảnh báo cho mọi người chúng ta, không ít trong chúng ta vẫn chai cứng trong tội lỗi, mặc dù mỗi ngày trong Thánh lễ và các cử hành phụng vụ, chúng ta được nghe rao giảng, được kêu gọi cải thiện đời sống, được chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Chúa và những phương thế hữu ích nơi các bí tích và lề luật giúp ta sống đạo. Để rồi một ngày kia trước tòa phán xét, chúng ta không còn lý do gì để bào chữa; chúng ta còn đáng án phạt nặng hơn những người ngoại không được nghe biết Tin mừng.
“Nếu các phép lạ đã làm nơi người mà...”
Chúa Giêsu đã rảo qua các thành phố ở bờ hồ Giênêzaret, để rao giảng và làm nhiều phép lạ nhằm kêu gọi con người hối cải. Sự sai lầm có thể biện minh bằng việc không nghe không thấy. Nghe và nhìn là bằng cớ tố cáo lỗi lầm. Án phạt của các thành Khoradin, Bếtsaiđa, Capharnaum là ở đó. Đong đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy. Có trao ban là có quyền mong đợi đáp trả: đáp trả bằng tiếng không thì cũng chẳng mong gì được ở lòng thương xót. Nói một cách nào đó, tiếng không này có thể gọi là tội: có những tội tích cực biểu lộ qua hành động, qua việc sa lầy trong tội; có những tội tiêu cực biểu lộ qua thái độ dửng dưng, làm ngơ, một thái độ như thế cũng đủ bị kết án rồi (Mỗi ngày một tin vui).
“Sự cố ngày 11/09/2001 tại Mỹ”
Khi Toà nhà tháp đôi bị sụp đổ và cướp đi sinh mạng của biết bao nhân tài đã làm cho cả thế giới phải sững sờ! Tại sao một đất nước nổi tiếng về an ninh, khoa học... lại để xảy ra biến cố đáng tiếc này? Sau hàng loạt những câu hỏi nhằm thỏa mãn sự thắc mắc tự nhiên của con người, thì câu hỏi quan trọng nhất và cũng là gốc rễ, căn nguyên của vấn đề được đặt ra, câu hỏi đó là: “Tại sao Thiên Chúa cho phép xảy ra một thảm họa kinh hoàng như vậy?” Và người ta nhận được câu trả lời của một người dân: “Tôi nghĩ Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, bởi vì từ nhiều năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học và đời sống của chúng ta. Như thế, chúng ta làm sao có thể mong Chúa can thiệp khi ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình”.
Thật vậy, tội lớn nhất của con người ngày hôm nay chính là tội không tin có Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa có thật, thì người ta cũng muốn loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống. Vì thế, đã có một thời người ta tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Đã có lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả!” Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là lời giải đáp cho mọi vấn đề, và lúc đó, khoa học sẽ trở thành nấm mồ chôn Thiên Chúa (Ngọc Biển).
Phải biết tận dụng cơ hội
Dù bạn không phải là “fan” bóng đá, hẳn bạn cũng xuýt xoa tiếc rẻ cho một đội bóng “toàn sao” sau 90 phút thi đấu với không biết bao nhiêu cơ hội ăn bàn mười mươi, nhưng lại để vuột trôi qua trước mũi giày mà không thể chuyển thành bàn thắng và rồi bị thủng lưới trong những phút đá bù giờ. Quy luật trong bóng đá là thế: đội bóng nào không biết tận dụng cơ hội, đội đó sẽ chuốc lấy thất bại.
Theo dòng thời sự để ví von, cũng có thể nói như thế. Các đội bóng Khoradin, Capharnaum, Betsaiđa, với biết bao cơ hội là những phép lạ thực hiện ở giữa họ mà họ không “ghi được bàn thắng” trước đối thủ là sự ác, ắt là họ sẽ không thoát khỏi thất bại ê chề: chính họ sẽ bị trầm luân. Chả bù với các “đội” Tia và Siđon, giá mà họ chỉ có được một nửa cơ hội như thế thôi, ắt họ đã ghi bàn quyết định là sám hối ăn năn và lãnh nhận được ơn cứu độ rồi (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Lời Chúa nhắc nhở
Trong cuốn nhật ký của một người thanh niên đạo đức, người ta tìm thấy những dòng tự thuật như thế này:
“Bước ra khỏi nhà sách một ít, tôi nhận ra số tiền dư mà chị bán hàng mới đưa lộn cho tôi. Lương tâm tôi nhắc phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an: “Nhằm nhò gì ba cái lẻ đó. Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu có phải là lỗi của tôi”. Và tôi tiếp tục bước đi.
Tới nửa đoạn đường, chân tôi cứng lại như có một sức mạnh nào đó níu kéo lại, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa vang lên: “Khốn cho ngươi”. Tôi tự nghĩ: chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết định trở lại hiệu sách và hoàn lại số tiền cho chị. Chị nhìn tôi, cười thật tươi sau tiếng cám ơn. Chưa bao giờ tôi cảm thấy được nhẹ nhàng cả người như thế.
Chúa Giêsu khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Khônradin, Bétsaiđa và Cáphácnaum.
Các thành này đều chứng kiến ”phần lớn các phép lạ” Chúa Giêsu đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao? vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh Kinh cao hơn (x. câu 23: “Ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư?”). Khi thấy sự kiêu căng đã khép lòng họ, Chúa Giêsu nghĩ tới kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong đoạn tiếp liền sau, Chúa Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “Vì đã dấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”. (Câu 25).
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. “Khi ấy Chúa Giêsu khiển trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm mà không chịu sám hối”: Phép lạ này là để khơi dậy lòng sám hối, vì phép lạ cho người ta thấy việc kì diệu của Chúa, rồi vì nhìn lại thấy mình bất xứng với Chúa nên phải sám hối để xứng đáng với Chúa hơn.
2. Thời vua Luis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne d’Autriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul có mặt trong bữa tiệc đó, đã nói với bà: “Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn bà có thể làm một phép lạ”.
Hoàng hậu nhìn thánh nhân với vẻ đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp: “Vâng, bà có thể đổi viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói”. Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra: Hoàng hậu trao cho thánh Vincent được Paul sợi dây chuyền ấy để bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.
Ngày nay vẫn xảy ra những phép lạ tương tự, hiểu theo nghĩa những việc kì diệu được thực hiện do ơn Chúa tác động. Khi thấy những “phép lạ” bác ái, hy sinh do người khác làm, tôi có sám hối về lòng ích kỷ của mình không?
3. Những thành ven biển hồ được nghe Lời Chúa và được chứng kiến các phép lạ của Ngài nhiều hơn những vùng khác. Lẽ ra họ phải tin Chúa hơn những nơi khác. Nhưng vì họ không tin nên hình phạt của họ nặng hơn những nơi khác. Ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn.
Tôi cũng nhận lãnh nhiều nén bạc hơn nhiều người khác. Đó là đặc ân của tôi nhưng cũng là trách nhiệm của tôi.
4. Có nhiều kiến thức về Chúa chưa hẳn đã ích lợi hơn là không có kiến thức nhưng lại có tâm hồn biết ngưỡng mộ những kì công của Chúa.
5. Bước ra khỏi nhà sách một ít, tôi nhận ra số tiền dư mà chị bán hàng đưa lộn, lương tâm tôi nhắc tôi phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu phải là lỗi của tôi”. Và tôi tiếp tục bước đi.
Tới nửa đoạn đường, chân tôi cứng lại như có một sức mạnh nào đó níu kéo, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa vang lên “Khốn cho ngươi”. Tôi tự nghĩ: chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết đinh trở lại hiệu sách và đưa số tiền cho chị. Nhìn chị cười tươi sau tiếng cám ơn tôi cảm thấy nhẹ cả người.
Lạy Chúa, đó không phải chỉ là niềm vui của Chúa mà còn là niềm hạnh phúc của con. Xin cho con luôn can đảm thực thi những Lời Chúa đòi hỏi, vì Chúa là Đấng công mình. (Hosanna)
1. Chúa Giêsu khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Corazin, Bethsaida và Capharnaum.
Các thành này là những thành đã chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Chúa Giêsu làm. Thế nhưng, họ không hối cải. Tại sao? Vì họ kiêu căng nên lòng họ đã khép lại trước những việc Chúa làm nên Chúa đã bỏ họ mà nghĩ tới những kẻ “bé mọn”, nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong đoạn tiếp liền sau, Chúa Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “Vì đã giấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25).
Vâng, được nghe Lời Chúa và được chứng kiến các phép lạ Chúa làm nhiều hơn những vùng khác, lẽ ra họ phải tin Chúa nhiều hơn. Nhưng vì họ không tin nên hình phạt của họ sẽ nặng hơn. Ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn.
Vâng, ai nhận lãnh nhiều nén bạc hơn thì có trách nhiệm nhiều hơn. Đó là luật công bằng. Có thì phải biết cho đi.
Thời vua Luis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne d’Autriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo một sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul cũng có mặt trong bữa tiệc đó. Ngài đã nói với bà:
- Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn bà có thể làm một phép lạ.
Hoàng hậu nhìn thánh nhân với vẻ đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp:
- Vâng, bà có thể đổi viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói.
Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra: Hoàng hậu trao cho thánh Vincent de Paul sợi dây chuyền ấy để bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.
Ngày nay vẫn xảy ra những phép lạ tương tự, hiểu theo nghĩa những việc kì diệu được thực hiện do ơn Chúa tác động. Khi thấy những “phép lạ” bác ái, hy sinh do người khác làm, tôi có sám hối về lòng ích kỷ của mình không?
2. “Khốn cho ngươi hỡi Corazin! Khốn cho ngươi hỡi Bethsaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm ở Tyrô và Siđôn thì họ đã mặc vải thô, rắc tro lên đầu và tỏ lòng sám hối” (Mt 11,21). Lời quở trách quả có nặng nề nhưng nó nói lên tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Biết nhiều về Chúa mà không cố gắng trở nên giống Chúa, phải coi đó là một thiếu sót vô cùng lớn lao. Chúa chẳng mong chờ chúng ta cái gì lớn hơn là chính cuộc sống giống như Chúa của chúng ta.
Trong cuốn nhật ký của một người, người ta tìm thấy những dòng tự thuật như thế này: “Bước ra khỏi nhà sách một ít, tôi nhận ra số tiền dư mà chị bán hàng đưa lộn. Lương tâm tôi nhắc tôi phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “nhằm nhò gì ba cái lẻ đó. Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu phải là lỗi của tôi”. Và tôi tiếp tục bước đi.
Tới nửa đoạn đường, chân tôi cứng lại như có một sức mạnh nào đó níu kéo, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa vang lên “Khốn cho ngươi”. Tôi tự nghĩ: chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết định trở lại hiệu sách và hoàn lại số tiền cho chị. Nhìn chị cười tươi sau tiếng cám ơn tôi cảm thấy nhẹ cả người.
Cũng trong tập hồi ký của mình, thủ tướng của nước Anh thời đệ nhị thế chiến là ông Winston Churchill đã kể lại một câu chuyện như sau:
Cha mẹ ông đưa ông về Scotland nghỉ hè. Ngày nọ, cậu bé Winston đang tắm trong một dòng sông gần nhà, thì chân cậu bị vọp bẻ. Cậu kêu la thất thanh. Nghe tiếng kêu, một cậu bé trai từ nông trại gần bên đã vội chạy đến và nhảy ngay xuống sông cứu Winston.
Cảm động vì nghĩa tử của cậu bé, ngày hôm sau, cha mẹ của Winston đã tìm đến nông trại để cám ơn cậu bé. Ông hỏi cậu bé lớn lên sẽ làm gì, cậu bé đáp:
- Cháu nghĩ rằng, cháu sẽ tiếp tục nghề nông của ba cháu.
Cha của Winston gợi ý:
- Cháu không có hoài bão nào khác hơn ư?
Cậu bé đáp:
- Cháu luôn mơ ước được làm một bác sĩ, nhưng nhà cháu nghèo như thế này thì lấy tiền đâu cho cháu đi học.
Nghe thế, ông bố của Churchill liền hứa hẹn:
- Cháu đừng lo, hoài bão của cháu sẽ được thực hiện, bác sẽ giúp cháu.
Winston Churchill sau này trở thành thủ tướng nước Anh. Năm 1934, trong chuyến công tác tại Bắc Phi, ông bị sưng cuống phổi trầm trọng. Bác sĩ riêng của ông, người đã khám phá ra thuốc Peniciline đã chữa trị cho ông. Đây là lần thứ hai bác sĩ này đã cứu mạng cho Winston Churchill, bởi vì cậu bé đã từng cứu Winston khỏi chết đuối năm xưa không ai khác hơn là cậu bé nhà nghèo có tên Alexandre Flenmming, mà nay là bác sĩ riêng của thủ tướng.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng tâm hồn để đón lấy những hồng ân Chúa ban.
Đồng thời xin cho con biết luôn can đảm để thực thi điều Chúa đòi hỏi, để cuộc đời chúng con là lời ca tụng Chúa. Amen.
Suy Niệm 12: Chúa trách tội chúng ta phạm
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Ngày xưa Chúa trách cứ dân thành Corazain, dân thành Bếtsaiđa, dân thành Caphanaum vì họ không chịu nghe lời Chúa dạy bảo để mà ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi mình đã phạm mà trở về với Chúa: “Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối” (Mt 11, 20).
Chúa trách cứ mà lòng Chúa đau xót vô cùng. Chúa đau xót nhiều là vì Chúa quá thương họ. Chúa rao giảng và làm các phép lạ ở đây rất nhiều, có thể nhiều hơn ở những nơi khác nữa, vì như thánh Phaolô đã nói: “Ở đâu tội càng nhiều, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5, 20). Nhưng đáp lại, Chúa chẳng thấy một ai ăn năn sám hối trở về với Chúa.
Khi dân chúng ba thành phố này không chịu trở về với Chúa, không biết Chúa có tiết công sức mà Chúa đã bỏ ra nơi này như là thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương, lội bộ rảo quanh khắp thành phố rao giảng và làm phép lạ ở đây không? Nhưng còn chúng ta, chúng ta thấy tiết thật, vì như tổ tiên ông bà Việt Nam chúng ta có nói: “Cầm vàng mà lội qua sông. Vàng rơi không tiết, tiết công cầm vàng” (CD TN VN). Vàng, đó là lời Chúa, còn công cầm vàng, tức là thời gian rao giảng Tin Mừng của Chúa. Thật sự, nếu chúng ta có thể nói Chúa tiết là cũng hợp lý mà thôi, bởi Chúa đã nói: “Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi…..Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay” (Mt 11, 21, 23). Chúa tiết thật, nhưng xét cho cùng Chúa chẳng tiết đâu, vì Chúa thương những người dân trong các thành phố này. Chúa luôn luôn ước mong cho họ trở về với Chúa. Nhưng Chúa biết con người yêu đuối, hay quên, hay để ngoài tai lời giảng của Chúa, vì lòng thì đầy dục vọng, tham sân si, danh lợi thú….Chúa hy vọng bây giờ thì họ cứng lòng chưa theo, nhưng theo thời gian ngày tháng, lời Chúa sẽ từ từ thấm thấu, xâm nhập cuộc đời của họ và họ sẽ trở về với Chúa dưới sự thúc đẩy của ơn Chúa ban cho họ. Vậy nên Chúa có vẻ răn đe, thúc đẩy họ trở về với Chúa nhanh hơn, khi Chúa nói: “Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi… Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi” (Mt 11, 22, 24).
Như thế, chúng ta thấy, khi Chúa nhắc lại lịch sử đã xảy ra thời xưa và bây giờ nhắm đến họ như là để khơi lên lòng tự trọng của họ mà suy nghĩ lại mà trở về với Chúa và rồi Chúa sẽ khoan hồng, tha thứ cho họ, bằng không mà cứ chai lỳ cứng đầu cứng cổ trong tội, thì số phận của họ còn nặng tội hơn dân trong các thành phố Sôđôma, Tyrô, Syđon.
Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và quyền năng vô cùng, tội lỗi chúng con đã phạm đến Chúa, chúng con không thể chống nổi lại Chúa, Chúa sẽ tru diệt chúng con khi chúng con không chịu ăn năn trở về xưng thú tội lỗi, xin Chúa tha thứ. Vì thế, xin Chúa ban ơn nâng đỡ, thúc đẩy, hối thúc chúng con để chúng con sớm trở về với Chúa. Nhưng có những lúc chúng con còn hơi chậm chạp, xin Chúa cũng vui lòng mà chờ đợi chúng con, cho chúng con có thêm một chút thời gian để rồi trở về với Chúa, xin Chúa ban nước thiên đàng cho chúng con. Amen.