--------------------------------- Số phận người môn đệ Chúa. Thứ Sáu tuần 14 thường niên. "Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
"Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel cho đến khi Con Người đến".
Tháng 8 năm 2008, tại vùng Orissa ở đông bắc Ấn độ, có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết. Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các Kitô hữu. Lập tức một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan. Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương, 50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người Kitô hữu bị phá hủy, hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ. Nhiều Kitô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn độ, giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân. Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo, và họ đã lấy lại được nhân phẩm, cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội. Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa. Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó. Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu, vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy. Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21). Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua. Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22). Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20), để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha. Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19). Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ. Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ. Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế. Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo. Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan, biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23). Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu, là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo, vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi, khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức. Sống là Kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng. Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi. Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu? Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn? Cầu nguyện:
Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền, xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát. Giữa một thế giới lọc lừa dối trá, xin được sống chân thật đơn sơ. Giữa một thế giới trụy lạc đam mê, xin được sống hồn nhiên thanh khiết. Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng, xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng. Lạy Chúa Giêsu mến thương, xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời. Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa. Ước gì hơn hai tỉ người Kitô hữu vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men, để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người, và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon. Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ. ---------------------------------
Con cái Thiên Chúa phải làm chứng cho Người nơi trần gian. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Vì con cái Thiên Chúa hiền lành và yếu ớt như chiên con. Và thế gian hung dữ và mạnh mẽ như sói rừng. Sói sẽ tấn công. Thế gian sẽ bắt bớ. Nhưng Chúa Giê-su dạy ta đừng sợ. Cứ trông cậy nơi Chúa. Rồi Chúa sẽ làm việc. Khi bị nộp ra trước toà, bị hạch hỏi cũng đừng sợ. “Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: “thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. Hãy luôn trung tín với Chúa. Dù có bị chính những người thân ghét bỏ, hành hạ, Chúa vẫn luôn bên ta. “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
Lời Chúa hôm nay hoàn toàn ứng nghiệm vào cuộc đời tổ phụ Giu-se. Ông là chiên con sống giữa sói rừng. Ông đã bị anh em thù ghét, bán cho người Ai-cập. Người Ai-cập đã hành hạ ông. Giam tù ông. Nhưng Thánh Thần soi sáng cho ông nói lời chân lý. Nên cuối cùng ông được giải oan. Trở thành tể tướng lẫy lừng. Ông đã bền chí đến cùng. Luôn trung thành với Chúa. Trông cậy vào Chúa cả trong những phút đen tối ngặt nghèo nhất. Nên ông đã thành đạt. Không những cứu được bản thân ông còn cứu được cả gia đình. Và cứu được cả dân nước Ai-cập khỏi nạn đói. Khi gặp ông, Gia-cóp vui mừng nói: “Phen này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống” (năm lẻ).
Hô-sê khuyên nhủ dân Chúa, dù hiểm nguy cũng cứ tin cậy Chúa. Đừng cậy dựa vào những thế lực phàm trần, hay những tượng gỗ vô tri. Đừng “cầu cứu với Át-sua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra”. Hãy cậy trông vào Chúa. Vì Chúa là là tình thương yêu. “Vì chỉ ở nơi Ngài kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm. Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình”. Vì Chúa sẽ cho dân Chúa được phục hồi và phát triển. “Họ sẽ đầm chồi nẩy lộc, sum suê tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Li-băng. Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng Ta, sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng, tựa vườn nho, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượ Li-băng”. Và nhất là cuối cùng Chúa sẽ thực thi công lý: “người công chính sẽ hiên ngang tiế bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào” (năm chẵn).
Dù yếu ớt, dù hiền lành, ta hãy mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Rồi Chúa sẽ can thiệp. Và công lý được tỏ hiện. Đó chính là niềm hi vọng của ta.
Trong chuyến hành hương Lộ Ðức tháng 8/1981, Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới, Ngài nói:
"Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình..."
Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.
Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn.
Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".
Nguyện xin Chúa gìn giữ mọi thành phần Dân Chúa được luôn trung thành theo Chúa Kitô và thoát khỏi tinh thần thỏa hiệp vì một chút dễ dãi, lợi lộc.
“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt. 10, 17-18)
Đời sống một chứng nhân
Chúa Giêsu chẳng dấu diếm gì, khi sai các môn đệ đi truyền giáo. Người nói rõ cho các ông hay những gì sẽ chờ đợi các ông. Trớ trêu thay! Các ông sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, bị người ta đánh đòn. Người ta sẽ thù ghét, truy nã các ông. Các bạn hữu thân tình sẽ chống lại các ông. Tất cả những chuyện đó đang chờ đợi các ông. Quả là tệ hại! Cuộc đời các môn đệ chẳng có giây phút nghỉ ngơi. Đi theo Chúa, rao giảng về Người là nhất thiết liều mình gánh lấy những tai họa, là chấp nhận phải chiến đấu cam go, đau khổ nhiều, khóc lóc nhiều.
Đức Giêsu đã báo trước điều đó. Mười hai tông đồ đã gặp những thử thách nặng nề. Người ta không để cho các ông sống dễ dàng. Họ đã bắt các ông phải chết. Tôi tớ không trọng hơn chủ, nó chịu đồng số phận với chủ mình. Đức Giêsu đã nói thế.
Nếu không gây ra cho ta gì
Điều Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ xưa thì vẫn luôn có giá trị cho tất cả những ai còn đang làm chứng cho Phúc âm. Một chứng nhân đích thực không thể sống kiểu “ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Người chứng nhân ấy không thể rao giảng Tin mừng cách chân chính mà lại không bị người đời chống đối, bị người ta một ngày nào đó đem mình ra bêu diếu cách nào đó.
Đã có lần nào ta bị người ta chống đối kịch liệt, bị bôi nhọ vì những niềm tin Kitô giáo của ta không? Đã có lần nào ta phải đau khổ vì đã mạnh dạn và công khai làm chứng về Đức Kitô không? Nếu chưa bao giờ ta phải chịu điều gì thiệt thòi, chưa có ai chống đối ta bao giờ, thì có lẽ vì ta đã chưa bao giờ là những chứng nhân đích thực, vì ta đã chỉ muốn sống yên thân thôi. Những chứng nhân tồi là vậy đó.
Xem lễ thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11, Lễ thánh Stêphanô 26/12
Từ vài năm qua, phong trào bách hại các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước như Irak, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Nigeria ...
Thoạt nghe, chúng ta có thể thấy rất thương tâm và xót xa cho số phận của các Kitô hữu bị bách hại tại những nơi này!
Tuy nhiên, nếu quy chiếu cuộc đời người môn đệ với Đức Giêsu thì không có gì là lạ cả, bởi lẽ người môn đệ là người bước theo Đức Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi. Bước theo Thầy thì Thầy đi đâu, trò đi đấy; Thầy sống sao, trò sống vậy; và số phận của Thầy cũng là số phận của trò.
Tư tưởng này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến ngày 05-05-2013, ngài nói: “Có quá nhiều những cộng đoàn Kitô hữu trong thế giới này đang bị bách hại. Con đường của các tín hữu Kitô là con đường của Đức Giêsu. Nếu muốn là các môn đệ của Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ lụy là bị thế gian căm ghét”.
Chân lý đó được bắt nguồn từ những lời tiên báo của Đức Giêsu cho các môn đệ hôm nay. Ngài muốn báo trước cho các ông, để những sự việc đó đến, các ông can đảm và vững bước thi hành sứ vụ, dầu có phải chết.
Thật vậy, nếu Thầy Chí Thánh đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật, cho tình yêu, thì đến lượt các môn đệ và mỗi chúng ta, chắc chắn không có con đường nào sáng giá hơn là con đường đón nhận hy sinh, đau khổ và ngay cả cái chết để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Ngài.
Ngày nay, tại đất nước của chúng ta chỉ còn chút ít những chuyện bách hại về mặt thể lý để ngăn chặn bước chân loan báo Tin Mừng. Có chăng chỉ là những vùng sâu vùng xa, do những con người thiếu hiểu biết gây nên mà thôi!
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và suy tư một chút, hẳn chúng ta thấy hơn bao giờ hết, ngày nay, con người lại đang bị bách hại khủng khiếp nhất. Cuộc bách hại trên diện rộng và sâu xa, nó có sức tàn phá mãnh liệt hơn cả thương tích, chết chóc về mặt thể lý. Cơn cám dỗ đó đến từ những trào lưu tục hóa, những phim ảnh, sách báo đồi trụy, những chủ thuyết triết học hiện sinh muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người và xã hội, để thay vào đó là những quan niệm “tự nhiên có”; hay “có là do tôi làm ra”.
Dần dà, nó làm cho con người có những lựa chọn sai lạc vì những “chân lý nửa vời” chỉ đạo.
Thiết nghĩ, những cơn cám dỗ đó đến với người môn đệ, đòi hỏi chúng ta phải có một chọn lựa. Tiếp tục theo Chúa hay buông xuôi. Nếu theo Chúa thì phải cẩn trọng và cương quyết từ bỏ những quyến luyến, cám dỗ của bản năng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm, trung thành theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng con biết khước từ những điều bất chính để được thuộc trọn về Chúa. Amen.
Sứ điệp: Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ. Tuy nhiên, với niềm tín thác vào Chúa Thánh Thần, người tông đồ vẫn một lòng trung thành làm chứng cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai con đi làm chứng cho Chúa. Nhưng trong thế gian luôn xảy ra một cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác. Cuộc chiến ấy ở ngay trong bản thân con, ngay trong gia đình con, ngay trong môi trường con đang sống và trên toàn thế giới, sự ác chống lại sự thiện, bóng tối không chấp nhận ánh sáng, và lời Tin Mừng cũng trở thành cái gai cho thế gian. Vì thế mà người rao giảng Tin Mừng và người sống Tin Mừng luôn bị bắt bớ, đánh đòn, tù đày, chống đối, thù ghét.
Lạy Chúa, cha ông chúng con đã từng chịu khổ đau để làm chứng cho Chúa. Và cái chết anh dũng của các ngài đã là bằng chứng hùng hồn cho niềm tin vào Thiên Chúa. Phần con đây, con cũng được diễm phúc ở vào hàng ngũ những người nhận biết Chúa, theo Chúa, yêu Chúa và dấn bước phục vụ Chúa. Nhưng vì là con người, con cũng rất sợ phải tù đày, roi vọt, chống đối và thù ghét. Xin cho con biết nhận ra rằng, đàng sau thất bại và bị ngược đãi, đó là dịp để con được hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa. Và nhờ đó đau khổ của đời người tông đồ sẽ trở nên hy lễ đem lại nhiều hoa trái.
Con luôn vững tin vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong con. Xin cho con một tinh thần đơn sơ và khôn ngoan, một niềm tin sắt đá, một đức cậy vững vàng và một lòng mến sắt son để con được can đảm sống Tin Mừng và trung thành làm chứng cho Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.
Trong chuyến hành hương Lộ Ðức tháng 8/1981, Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới, ngài nói:
“Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những giám mục, linh mục, tu sĩ, bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình”...
Suy niệm
Trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, các tông đồ bị ghen ghét và gặp thử thách, đó là mầu nhiệm Thập giá của sứ vụ như Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói” vì phải đương đầu với các hoàn cảnh khó khăn chung quanh để bảo vệ thành quả đức tin. Đức Giêsu không che giấu sự khó khăn trong sứ mạng thợ gặt đem Tin Mừng vào thế giới - cánh đồng truyền giáo bao la. Thế giới vẫn chìm trong bóng đêm, hơn nữa Tin Mừng sẽ gặp phải sức chống đối thù nghịch. Thế giới còn bao phủ dày đặc của sự dữ, của tranh chấp, của oán thù.
Giáo hội cũng đã xuyên qua những cuộc bách hại, xung đột và chia rẽ với những thế lực chống Tin Mừng trong suốt chiều dài lịch sử, từ những cuộc bách hại đầu tiên ở đế quốc Rôma ở thế kỷ I.
Ngày hôm nay Giáo hội vẫn còn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới đặc biệt nơi các nước Hồi giáo. Gần nhất, chúng ta thấy rõ trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, những cuộc bắt hại đạo đẫm máu giữa những người cùng một màu da dân tộc và ngay trong gia đình. Người đã chọn Chúa Kitô đã phải chấp nhận vượt lên trên những tình cảm gia đình để làm chứng Tin Mừng, như thánh Anrê Kim Thông bị chính người cháu ruột của mình phản bội, truy tố lên quan phủ chỉ vì ngài thường sửa dạy, nhắc bảo đứa cháu hoang đàng này trở về đức tin Công giáo...
Đứng trước những hiểm nguy mà chúng ta phải đối diện. Hãy mang lấy tâm tình mà tác giả thư Do Thái khuyên nhủ: “Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu - Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn” (Dt 12,2).
Chính Ðức Giêsu đã trấn an họ đừng lo, vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh để giúp họ qua hình ảnh Chúa Kitô vác Thập giá, Ngài đang cùng ta tranh đấu, gánh trên vai xung đột đối diện hiểm nguy, để chúng ta cùng với Ngài lãnh nhận sự bình an chiến thắng của Phục sinh.
Cần những tấm lòng mang ánh sáng tình yêu của khoan dung, của Tin Mừng tha thứ soi chiếu. Những tấm lòng như Moody chia sẻ: “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng”.
Ý lực sống:
“Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu Chúa Kitô” (Rm 8,39).
Sau khi huấn dụ các Tông đồ về mục đích, tinh thần và cách thế của người tông đồ đi truyền giáo, Chúa Giêsu tiên báo những cuộc bách hại mà các Tông đồ gặp phải trên bước đường truyền giáo.
Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, các Tông đồ sẽ gặp muôn vàn khó khăn: bị ghen ghét, bắt bớ... Chúa Giêsu đã trấn an họ đừng lo, vì Thiên Chúa ở bên cạnh để giúp đỡ họ. Để bền chí đến cùng, người môn đệ phải luôn có đời sống tin tưởng phó tác và cầu nguyện.
“Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”
Hình ảnh bầy sói ám chỉ những bách hại và thử thách mà các Tông đồ phải đương đầu, đồng thời cũng có thể hiểu Chúa muốn nói đến các tiên tri giả, để cảnh giác các Tông đồ trước những chống đối hiểm độc của những kẻ nhân danh chân lý, nhân danh lời Chúa để phá hoại Tin mừng.
Trước âm mưu xảo quyệt và ngụy biện như thế, người môn đệ phải khôn như con rắn. Rắn có tài tránh nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị đánh. Người tông đồ đừng để mình bị lọt vào tròng của những ông tiến sĩ giả, nếu cần thì phải tránh đụng độ với họ. Tuy nhiên vẫn phải giữ tâm hồn và thái độ đơn sơ hiền lành như con chim bồ câu, loài chim hơi nghe tiếng động là bay đi và vẫn được coi là hiền lành (Trần Hữu Thành).
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”
Sự bách hại là số phận không thể tránh được của các môn đệ, bởi vì nếp sống và sứ điệp của người môn đệ sẽ phơi bày tật xấu của thế gian. Chúa Giêsu cho biết lý do của sự thù nghịch giữa thế gian và người môn đệ Chúa: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như các con thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích những gì thuộc về nó. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con”.
Trong chuyến hành hương Lộ Đức vào tháng 8 năm 1981, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới.
Ngài nói: “Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình”.
Thông thường, trong những lời hứa hẹn ít khi thấy bóng dáng khó khăn thử thách. Chúa Giêsu đã hành động vượt ngoài qui luật này: môn đệ Ngài sẽ là người không còn đất sống, bị người đời ghét bỏ. Hội đường kết án, ngay cả người thân cũng phản bội họ.
Đối diện với viễn ảnh, xem ra đen tối này, người môn đệ phải trang bị bằng những hiểu biết cụ thể, và xác tín rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến. Nếu trong xã hội loài người, họ không có chỗ đứng, thì trong Nước trời họ đã có chỗ Chúa dành sẵn cho họ; và cho dù thế gian có đổ dồn bách hại lên họ, họ vẫn không bị nghiền tán, vì đã có sự trợ lực của Chúa Thánh Thần.
Điều quan trọng là họ phải trung thành: trung thành với Thánh Thần bằng cách giữ tâm hồn đơn sơ chân thật; trung thành với con đường đã chọn, vì Thiên Chúa không để họ quá mức chịu đựng: “Các con sẽ không đi hết các thành của Israel trước lúc Con Người đến” (Mỗi ngày một tin vui).
Người môn đệ được đồng hoá với Chúa Giêsu và chia sẻ số phận của Ngài. Người môn đệ chẳng những là kẻ sống tinh thần khó nghèo, mà còn là kẻ luôn cảm thấy mình yếu đuối, không thể tự mình chống lại những bách hại. Nhưng sự yếu đuối của các môn đệ lại là sức mạnh của Thiên Chúa, bởi vì ý thức mình yếu đuối, nên người môn đệ hết lòng tin tưởng và gắn bó với Chúa.
Truyện: Cái bạt tai tôi xin vui lòng lãnh nhận
Năm 1227, bá tước Schavenbourg nguyên là thiếu tướng trong quân đội hoàng gia Phổ, đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Ông xin vào tu Dòng Anh Em Hèn Mọn của thánh Phanxicô. Bề trên trao cho thầy một bộ quần áo nghèo hèn, một chiếc bị và một cái bát để khất thực ngay giữa nơi thành thị đông đúc cho người nghèo và cũng là để tự nuôi sống.
Một hôm, đang trên đường đi xin ăn, ông gặp một vị hoàng thân quí tộc đang dạo phố. Ông đến ngửa tay xin bố thí, nhưng vị hoàng thân chẳng màng lưu tâm. Nhà tu hành tiếp tục theo sau nhỏ nhẹ nài van một cách kiên trì nhẫn nhục. Bực quá, vị hoàng thân quay phắt lại, tát cho thầy tu vốn là cựu bá tước một cái tát nảy lửa.
Thầy thấy bị xúc phạm ghê gớm, lòng tức giận chỉ chực trào lên như trong những ngày oai phong xưa kia. Thế nhưng, thầy đã kịp bình tĩnh lại và khiêm hạ nói, tay vẫn ngửa ra: “Vâng, thưa ngài, phần cái bạt tai thì tôi xin vui lòng lãnh nhận, nhưng còn phần dành cho những người nghèo khổ đáng thương hơn tôi, thì xin ngài đừng quên bố thí”.
Chúa Giêsu tiếp tục dạy các tông đồ về sứ mạng rao giảng Phúc Âm: có thể họ sẽ gặp nguy hiểm (như chiên vào giữa bầy sói) và bị bách hại. Do đó:
Một mặt phải vừa đơn sơ phải vừa khôn ngoan.
Mặt khác phải đừng sợ: vì Chúa sẽ giúp đỡ họ.
B. Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. “Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa bầy sói”: Thế gian thì hung ác và mạnh mẽ như bầy sói còn tông đồ của Chúa thì hiền lành và yếu ớt như chiên. Thế nhưng nước Thiên Chúa lại được mở mang bằng chính sự yếu ớt của Chúa Giêsu và các tông đồ của Ngài. Thánh Phaolô nói: “Sức mạnh Thiên Chúa được hoàn thành trong sự yếu ớt”. (2Cr 12,2)
2. “Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu”: Con rắn không vô cớ trườn mình ra chỗ nguy hiểm, trái lại, nó khéo ẩn mình, và khi gặp nguy hiểm nó cũng khéo luồn lách; bồ câu thì không mưu mô, không màu mè giả dối…
3. “Chính Thánh thần nói trong các con”: Người tông đồ không cậy dựa vào lời nói và trí thông minh của mình nhưng vào ơn soi sáng của Chúa. Muốn thế họ phải luôn kết hợp với Chúa Thánh Thần.
4. Một học sinh Nhật là Kitô hữu duy nhất trong ngôi trưòng có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu Thánh Giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy gọi em lên đứng giữa lớp và hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng, em chỉ cám ơn Chúa đã ban cho lương thực hàng ngày. Nghe vậy, thầy giáo ngục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói: “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì”. (Góp nhặt)
5. “Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền trí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).
Ai cũng khen tôi đi giầy cao gót đẹp, và tôi cũng cảm thấy thế. Nhưng điều ấy không làm cái đau buốt đang cấu xé đôi chân giảm đi chút nào.
Hình như cái gì cũng có cái giá của nó.
Chúa Giêsu cũng ra giá cho những người muốn theo Ngài. Xem ra Ngài ra giá chẳng phải là nhà quảng cáo khéo léo khi đưa ra những cái khó khăn và mặt trái của vấn đề. Nhưng tôi lại thích lối trình bày ấy. Tôi thán phục tính chân thực và sự thẳng thắn trong lời của Ngài.
Lạy Chúa, Chúa đã nói rất chân tình với con về lối mà Ngài mời con dẫn bước. Xin cho con biết trung thành với con đường đã chọn, bất chấp mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. (Hosanna)
1. Chúa Giêsu tiếp tục dạy các tông đồ về sứ mạng rao giảng
Tin mừng: có thể họ sẽ gặp nguy hiểm (như chiên vào giữa bầy sói) và bị bách hại. Do đó:
Một mặt phải vừa đơn sơ phải vừa khôn ngoan.
Mặt khác phải đừng sợ: vì Chúa sẽ giúp đỡ họ.
Chúa bảo phải “Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,16). Đơn sơ và hiền lành là điều Chúa rất ưa thích. Sự đơn sơ giúp người tông đồ dễ gần gũi với mọi người.
Quận công Philipphe d’Anjeau, sau khi lên ngôi hoàng đế của cường quốc Tây-Ban-Nha, đi kinh lý đến đâu cũng đều được thần dân tung hô vạn tuế vang trời dậy đất đến đó. Nhà vua vốn là người bình dân, ngoan đạo và khiêm tốn. Đã nhiều lần Ngài tỏ ra bực bội khi phải nghe những bài diễn văn chúc mừng quá dài dòng và quá văn hoa chải chuốt đến mức giả tạo, của những kẻ nịnh thần chỉ mong thủ lợi.
Một lần nọ, nhà vua đến thăm một họ đạo nhỏ nọ, cha sở đã tổ chức nghi thức nghênh đón ngài một cách đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng. Khi đức vua đến, cha tiến ra và đọc lời chào mừng thật giản dị và ngắn gọn:
“Tâu hoàng đế, thay cho những bài diễn văn chúc tụng như ở mọi nơi, tôi chỉ xin phép thay mặt toàn thể họ đạo để hát mừng ngài 2 câu thơ, nói đúng hơn, là một lời cầu nguyện với Thiên Chúa như sau:
“Nguyện xin Thiên Chúa độ trì,
Đức vua trường thọ trị vì muôn dân”
Nghe những lời như thế, nhà vua cảm thấy vui sướng vô cùng. Với một khuôn mặt rạng rỡ, ngài hô lên như truyền một mệnh lệnh: “Nào, hãy thêm một lần nữa!” Cha sở lập lại bài thơ một lần nữa, giọng ngân nga trầm bổng.
Sau đó, nhà vua liền gọi cận thần tùy tùng đến và ra lệnh trao cho họ đạo một món tiền thưởng lớn, để cho cha sở có thể dùng vào việc từ thiện bác ái giúp những người nghèo trong họ đạo.
Lần này thì đến lượt cha sở. Cha cũng kêu lên thật to: “Thêm một lần nữa chứ ạ!”
Thật hết sức thâm ý. Nhà vua tủm tỉm cười, và quyết định trao tặng thêm gấp đôi số tiền định ban cho toàn họ đạo. Một kết quả hết sức bất ngờ nhưng không phải là không có lý do.
2. Chúa còn căn dặn thêm “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì” (Mt 10,19).
Người tông đồ phải biết tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa “kẻ nào bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu thoát (Mt 10,22). Niềm tin là điều không thể thiếu trong cuộc sống. “Không có niềm tin con người sẽ chẳng khác gì một chiếc máy bay không động cơ và không tài nào hướng lên Thiên Chúa được.”
Thánh Hiêrônimô nói: “Người nào không biết nhìn nhận Đấng tạo thành nó, kẻ đó chỉ là một con vật.”
Ngày nọ, ở Clervaux hết muối, vị tu trưởng - thánh Bernađô - gọi một thầy Guibert và bảo:
- Con hãy lấy con lừa (vì đây là con vật duy nhất mà tu viện còn sở hữu) và đi ra phố mua muối.
- Xin cha cho con tiền để trả - Guibert nói.
- Con ơi - thánh Bernađô trả lời, - đã khá lâu cha không còn tiền, không còn vàng. Nhưng trên cao kia có Đấng giữ túi tiền và kho tàng của cha!
Nghe nói thế thầy Guibert suýt nữa phì cười, nhưng thầy không thể không lưu ý cha thánh điều này:
- Thưa cha nếu con đi với hai bàn tay trắng thì chắc chắn con cũng trở về với hai tay không.
- Đừng sợ con ạ, hãy tin tưởng. Đấng giữ kho báu của cha sẽ ở với con và người sẽ tìm cách giúp con có những gì cần thiết để làm xong công tác.
Thầy Guibert cúi đầu nhận phúc lành từ tay vị tu viện trưởng và dẫn con lừa ra đi. Các mối nghi ngờ của thầy vẫn còn đó làm thầy lo lắng. Nhưng khi thầy sắp băng qua cửa thành thì có một vị linh mục đến gần và hỏi:
- Thầy từ đâu đến vậy và đi đâu vậy?
Thầy Guibert không do dự thú nhận sự túng thiếu tột cùng của tu viện cũng như chính sự bối rối hiện nay của thầy. Nghe xong vị linh mục rất cảm động, ngài dẫn thầy về nhà, cho thầy nửa thùng muối cộng thêm một số tiền là 30 xu (tương đương với 300 quan Pháp.)
Chúng ta hãy tưởng tượng xem niềm vui của thầy Guibert như thế nào. Thầy trở về lại tu viện và chỉ còn việc là phải kể lại câu chuyện đó cho cha bề trên biết ngay.
- Cha đã nói rõ với con, thánh Bernađô đáp, và cha lập lại với con điều đó: Đối với người Kitô hữu không có cái gì khác ngoài đức tin!
Mẹ Têrêsa nói: “Ðức Tin là Quà Tặng của Thiên Chúa”.
“Không có đức tin chúng ta không thể tin những gì bí ẩn và ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta. Và nếu tôi ao ước thấy Chúa, gặp gỡ Chúa bằng đức tin, thì tôi sẽ toại nguyện”. Amen.
Sứ mạng ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo ở trần gian không đơn giản chút nào. Đã hàng bao ngàn năm nay con người chúng ta sống trong tình trạng nô lệ cho tội lỗi quá thâm căn cố đế. Bây giờ Tin Mừng của Chúa được mang đến cho cuộc đời này để biến đổi con người chúng ta, đã đòi hỏi con người chúng ta phải từ bỏ tất cả, phải sống theo thánh ý Chúa.
Tin Mừng của Chúa đòi hỏi sự từ bỏ đam mê xác thịt, tính hư tật xấu, mà phải từ bỏ một cách dứt khoát, quyết liệt, chứ không được chần chừ, lưỡng lự. Vì thế, có những người anh chị em chúng ta đón nhận và thự hiện, nhưng có người không đón nhận cũng như không thực hiện. Trong những người anh chị em đón nhận Tin Mừng của Chúa, có những anh chị em đón nhận cách dễ dàng, mau lẹ, có những anh chị em phải hy sinh, phải cố gắng lắm mới đón nhận được. Nhưng còn có những người không chịu đón nhận. Đã vậy rồi họ còn quay ngược lại cắn xé, giày xéo chúng ta (Mt 7, 6). Đó là vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét (Mt 10, 22a), nên họ đã gây ra sự bách hại, tù đày, giết chết chúng ta. Do đó, Chúa mới nói: “Này Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng” (Mt 10, 16). Sự bách hại đây là chúng ta sẽ bị bắt, bị nộp cho vua chúa quan quyền, bị điệu đến công đường, công nghị, tòa án, bị xét xử, bị tra khảo, đánh đập, tù đày, bị giết chết: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết” (Mt 10, 17 – 18). Chúng ta chẳng biết bám dựa vào đâu trong giờ phút này. Ngay cả tình cảm cao quý thiêng liêng là cha mẹ, anh chị em ruột thịt mà chúng ta cũng cậy dựa được, dường như chúng ta bị đơn thương độc mã: “Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ sẽ chết” (Mt 10, 21). Chúng ta chỉ có cậy dựa vào Chúa mà thôi. Lúc này, chính Chúa Thánh Thần sẽ nói cho chúng ta, sẽ đối chất, sẽ trả lời cho chúng ta, sẽ đỡ nâng cho chúng ta: “Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con” (Mt 10, 19 – 20).
Vì thế, Chúa dạy chúng ta hãy sống: “Vậy các con hãy khôn như con rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16b), nghĩa là: “Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác” (Mt 10, 23). Chúng ta hãy cố gắng tận dụng mọi hoàn cảnh, thời giờ Chúa ban, dù có thuận tiện hay không thuận tiện để rao giảng Tin Mừng và phải trung thành với Chúa cho đến cùng, đừng rút lui trước những gian nan, thử thách, khó khăn thì chúng ta sẽ được Chúa cứu: “Nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ” (Mt 10, 22b).
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa thương xót mở môi chúng con, mở lòng trí, mở trái tim chúng con để cõi chúng con chỉ chất chứa lời Chúa, chất chứa sự cam đảm mà thôi và rồi chúng con sẽ sống và đem lời Chúa đến cho mọi người đang sống chung quanh chúng con đây. Amen.