Thường Niên 12 – Thứ Hai - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày

Thứ bảy - 18/06/2022 22:41
Thường Niên 12 – Thứ Hai - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên 12 – Thứ Hai - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên 12 – Thứ Hai
Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:

TinMừng – TN 12 – Thứ 2: Phương thế tốt để tự biết mình. 1
Suy Niệm 1: Lấy xà ra khỏi mắt 2
Suy Niệm 2: Xét đoán. 4
Suy Niệm 3: Một phương thế tốt để tự biết mình. 6
Suy Niệm 4: Ðừng xét đoán. 7
Suy Niệm 5: Cái xà và cọng rác. 8
Suy Niệm 6: Khôn ngoan khi sửa lỗi 9
Suy Niệm 7: Bác ái là không xét đoán. 10
Suy Niệm 8: Lấy được cái đà trong mắt mình. 11
Suy Niệm 9: Đừng xét đoán người khác. 13
Suy Niệm 10: Về sự xét đoán. 16
Suy Niệm 11: Tự phê rồi hãy phê bình. 19

----------------------------------------

 

TinMừng – TN 12 – Thứ 2: Phương thế tốt để tự biết mình.


“Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã”.

Lời Chúa: Mt 7, 1-5

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy.

Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy.

Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: “Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh”, và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Đồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi”.

------------------------------------------

 

Suy Niệm 1: Lấy xà ra khỏi mắt


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Mỗi ngày chúng ta đưa ra biết bao nhận xét về người khác.
Thầy cô phải nhận xét về học trò, cấp trên phải nhận xét về thuộc hạ.
Việc lượng giá về từng cá nhân thường rất cần thiết và hữu ích.
Trong đời sống tu trì, vẫn có chuyện anh em sửa lỗi cho nhau.
Nói chung, sống thì phải đưa ra những phán đoán về người khác.
Nhưng làm sao để phán đoán ấy không trở nên một xét đoán lệch lạc?
Đức Giêsu dạy ta biết cách xét đoán qua bài Tin Mừng hôm nay.
“Anh em đừng xét đoán”: thật ra Đức Giêsu không cấm mọi thứ xét đoán.
Ngài còn dạy các môn đệ biết cách phân biệt ngôn sứ giả và thật (Mt 7,15),
phân biệt người xứng đáng và người không xứng đáng (Mt 10, 11),
biết cách đề phòng thói xấu của nhóm Xađốc và Pharisêu (Mt 16, 6).
Đức Giêsu chỉ đòi các tín hữu sống trong cộng đoàn huynh đệ
phải tránh lối xét đoán thiếu bao dung, khắc nghiệt,
mà quên chính mình cũng có những lỗi lầm lớn hơn nhiều.
“Anh em xét đoán thế nào, thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (c. 2).
Ngài muốn ta nhẹ tay và nhân từ khi cần phải xét đoán người anh em.
Vì cái đấu ta dùng để đong cho họ, Thiên Chúa sẽ dùng để đong cho ta.
Đấu đong đi càng lớn, đấu đong lại càng đầy.
Chỉ cần thay đổi cái đấu ta vẫn quen dùng, là cuộc đời của ta thay đổi.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài,
để nói về chuyện người đạo đức giả.
Đó là hình ảnh bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình.
Một cái thì thật bé, một cái thì to đến độ khó lòng ở trong mắt được.
Hình ảnh phóng đại này hẳn làm ai cũng phải buồn cười.
Tôi thấy lỗi bé nơi anh em, nhưng lại không để ý tới lỗi lớn nơi tôi.
Tôi hăng hái xin được lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em,
nhưng lại rất khoan dung với cái xà trong mắt mình.
Đức Giêsu hóm hỉnh khuyên chúng ta nên lấy xà ra khỏi mắt trước đã,
rồi mới thấy tỏ tường để lấy hạt bụi mùn cưa khỏi mắt anh em.
Điều khó vẫn là thấy được cái xà trong mắt mình.
Lẽ ra tôi phải thấy ngay vì nó quá lộ liễu, ai cũng thấy.
Nhưng nó khó thấy, vì tôi không muốn thấy cái xấu của mình.
Càng có quyền, có chức, có uy tín, có tuổi tác và kinh nghiệm,
càng khó chấp nhận nếp nhăn nơi khuôn mặt mình.
Giá mà tôi thấy được cái xà nơi mắt tôi,
chc tôi đã không dám đòi lấy hạt bụi nơi mắt người khác,
hay nếu có được ai nhờ lấy đi nữa,
thì cũng chỉ lấy một cách khiêm hạ, nhẹ nhàng.
Trong bài hát “Chúa Hòa Bình” của Phạm Duy có câu:
“Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe…”
Chỉ mong chúng ta, nhờ thấy mình lầm lỡ và đã được Chúa thứ tha,
nên sinh ra dễ cảm thông với lỗi lầm người khác.

Cầu nguyện:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Amen.

-------------------------------------

 

Suy Niệm 2: Xét đoán


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ai cũng thích xét đoán. Nhưng thường sai lầm. Có hai sai lầm cơ bản. Sai lầm vì chủ quan. Không xét mình nhưng luôn xét người. Xét mình thì nặng thành nhẹ. Xét người lại nhẹ thành nặng. “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’. trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?”. Sai lầm khác nguy hiểm hơn. Đó là quên Thiên Chúa mới có quyền xét đoán. Vì Thiên Chúa là chủ. Không chỉ xét đoán bâng quơ. Nhưng ấn định số phận đời đời của ta. “Anh đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. Nhưng Thiên Chúa rất công bằng và nhân hậu. Người xét đoán ta theo cách ta xét đoán anh em. “Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em”. Chính ta tự tạo thước đo và bàn cân cho mình. Nên hãy cẩn thận.

Tổ phụ Áp-ra-ham không xét đoán ai. Và cũng chẳng coi trọng xét đoán của người đời. Chỉ quan tâm đến Thiên Chúa. Nhất nhất thi hành mệnh lệnh của Chúa không sai chạy. Vững tin vào Lời Chúa hứa. Dù trải qua những giây phút thật khó khăn. Vẫn tin cả khi không còn gì để tin. Luôn để Chúa làm chủ đời mình. Luôn cư xử hoà nhã tốt lành với đồng loại. Vì thế ông được chúc phúc. Và muôn dân cũng nhờ ông mà được chúc phúc. “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Nhờ trung tín với Chúa, Áp-ra-ham trở thành chuẩn mực. Phúc cho ai chúc phúc cho ông. Thiệt cho ai nguyền rủa ông (năm lẻ).

Ít-ra-en, đặc biệt vào thời vua Hô-sê thì không được như thế. Nên bị thua vào tay Át-sua. Và bị lưu đầy. Vì phản bội Chúa. “Sự việc đó xảy ra, vì con cái Ít-ra-en đã đắc tội với Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, là Đấng đã đem họ lên từ đất Ai-cập, đã giải thoát họ khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập, và vì họ đã kính sợ các thần khác”.

Chúa làm chủ lịch sử. Làm chủ thế giới. Làm chủ vận mệnh bản thân ta và dân tộc ta. Chúa mới có quyền phán xét. Và phán xét mới quyết định số phận. Hiểu biết như thế ta sẽ không còn e ngại những bậc quyền cao chức trọng. Sẽ biết kính sợ Thiên Chúa. Vì Chúa sẽ phán xét ta. Nhưng ta cũng tin tưởng. Vì Người phán xét ta theo cách ta đoán xét người khác. Sẽ khoan dung với ta. Nếu ta biết khoan dung với anh em.

---------------------------------------

 

Suy Niệm 3: Một phương thế tốt để tự biết mình


Khi Chúa Giêsu bảo đừng xét đoán đó là một lệnh truyền khắt khe, có nghĩa: đừng bao giờ xét đoán không tốt cho kẻ khác, đừng kết án ai. Sự xét đoán này là công việc của một mình Thiên Chúa. Không ai được thay thế cho Thiên Chúa. Hơn nữa mỗi người phải xác tín rằng mình không được quyền lưu ý kẻ khác về tội của họ, vì ai nấy đều là kẻ có tội.

Chúng ta hãy đưa ra đây một nhận xét của khoa tâm lý cổ điển để làm sáng tỏ câu: người ta sẽ đong cho các ngươi đấu nào mà các ngươi đã đong cho họ. Lời nói này của Chúa vượt quá sự khôn ngoan của các giáo sĩ Do thái thời Ngài; chính họ cũng đã nói những điều tương tự. Người ta thấy trên kia lệnh truyền đặc biệt của Chúa là không được ‘đong đấu’ nào cả. Nhưng ở đây Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: kẻ khác sẽ ‘đong đấu’ cho chúng ta, xét đoán chúng ta về tật xấu này nọ mà chúng ta có, và họ xem thấy nhưng chúng ta lại là những người duy nhất không trông thấy. Thật vậy, đặc tính của khuynh hướng xét đoán kẻ khác là làm cho con người hóa ra mù quáng về mình. Người ta biết rằng: tật xấu nào ta ghét nơi kẻ khác, tật xấu đó đáng ghét, vì người ta cũng có nơi mình. Kẻ xét đoán không ý thức rằng người khác cũng sẽ xét đoán lại họ căn cứ trên việc xét đoán họ làm. Người khác thấy điều mà chính họ không thấy. Người ta cũng có thể lật ngược lời của Chúa và quả quyết như sau: hãy tự xét đoán mình theo cách thức mình xét đoán kẻ khác.

Việc cấm xét đoán kẻ khác và việc kêu mời hãy tự xét mình, hãy lấy cái xà nơi mắt mình, quả là chính yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Tại sao? Bởi vì khi ta xét đoán ai, ta tự tách lìa khỏi họ. Và tất cả chiều hướng của Phúc Âm là dẫn đến việc hợp nhất và thông hiệp. Hơn nữa, xét đoán là tự cướp đoạt cho mình cái thuộc về Chúa, điều này không chính trực.

Có những trường hợp người ta bị bó buộc phải phê phán về một người nào. Đó là vấn đề khác. Dầu sao đi nữa, sự phê phán này phải được lồng trong sự kính trọng và tình yêu.

Tôi có nghĩ tới cách tìm hiểu mình, căn cứ vào cái mà tôi chán ghét nơi kẻ khác không?

-----------------------------------------

 

Suy Niệm 4: Ðừng xét đoán


Augustin Goden trong khi còn là sinh viên trường nghệ thuật ở Paris đã nổi tiếng về tài điêu khắc. Có một người đàn bà giàu, nhưng chẳng biết gì về nghệ thuật đến nhờ Goden thiết kế một bức tượng để đặt ở giữa vườn nhà bà. Người đàn bà đến xem bức tượng nhằm lúc ông đang tiếp khách. Sau khi người đàn bà ra về, nhóm bạn hữu ra xưởng vẽ thấy Goden đang nhảy múa cuồng loạn trước bức tượng. Ðược hỏi tại sao, Goden trả lời: "Bởi vì người đàn bà không đồng ý về bức tượng, nên tôi vui mừng, vì biết rằng tác phẩm của tôi có giá trị".

Mỗi lần chấm thi một bộ môn nào đó, người ta thường mời những người chuyên môn về bộ môn ấy cho biết nhận xét. Phải biết rõ vấn đề, con người mới hy vọng có được nhận xét xác đáng, nếu không chỉ là những lời bâng quơ, thiên lệch. Chúa Giêsu đã không muốn những kẻ theo Ngài vấp phải sai lầm này. Tự bản thân, con người chưa hiểu được mình, vì con người có phần tinh thần ẩn khuất đằng sau thể xác. Những gì được phô diễn bên ngoài mới chỉ là hình thức. Không thiếu những trường hợp cái hình thức bên ngoài được dựng nên để che dấu cái sự thật bên trong, hoặc những tín hiệu gửi đi chỉ được đón nhận một cách sai lạc, do thành kiến và ác ý.

Bởi thế, con người không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt mọi sự. Ngài hiểu con người hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng bao lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.

Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng. Lêvi, người thu thuế, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; Zakêu, người thu thuế trưởng, đã thành tâm hoán cải; Mađalêna dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi. Tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu.

Ước chi lời cầu nguyện của thánh Augustinô: "Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con" cũng là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta. Biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô bờ của Chúa; biết mình để ý thức về sự yếu đuối, bất toàn của mình, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng rộng lượng với người khác như Chúa đã đối xử các đại lượng với chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

-------------------------------------

 

Suy Niệm 5: Cái xà và cọng rác


“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh thấy cái rác trong măt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình lại không để ý tới?” (Mt. 7, 1-3)

Không có những tiêu chuẩn

Chúa phán: “Đừng xét đoán”. Câu nói vắn gọn và rõ ràng. Câu nói có tính truyền lệnh. Câu nói không dành phần cho một tranh cãi nào hết. Ta không được xét đoán tha nhân về mặt luân lý. Định đọat ai tốt ai xấu không phải là việc của ta. Chuyện đó không liên hệ tới ta.

Lý do để biện minh rất đơn giản. Chúng ta không có được những tiêu chuẩn lẽ rá phải có để xét đoán. Chúng ta chỉ có những tiêu chuẩn yếu kém và ở mức thấp. Chỉ vì khi nói rằng: “Người này xấu. Điều anh đã làm là xấu”, ta chỉ có thể nói được cái bề ngoài mà thôi. Xét cho cùng, ta không biết rõ thật sự. Ta không thể nhìn thấy từ bên trong, nơi nội tâm con người. Ta không thể biết tại sao người ấy làm điều xấu; người ấy có làm điều xấu thật sự hay không, ta cũng chẳng biết được. Trước hết phải khẳng định rằng sự xấu tiềm ẩn trong lòng người. Và tim người ta rung động phập phồng điều gì, ta đâu có biết được. Chỉ mình Thiên Chúa biết được mà thôi. Thế nên chỉ mình Chúa mới có quyền xét đoán. Còn chúng ta thì không.

Trước khi xét đoán

Mặc dầu Chúa bảo ta “Đừng xét đoán”, Chúa biết rõ ta vẫn cứ xét đoán. Ta hay xét đoán người khác. Điều xấu có ở nơi người khác như cái gai đâm thẳng vào mắt ta và kích thích ta. Thế nên Chúa nói thêm: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”.

Ta chẳng mấy tin vào chuyện cái xà ở trong mắt ta và cái rác ở trong mắt người anh em. Mà ta lại tin điều ngược lại. Ta đâu đến nỗi xấu như vậy. Không kể một vài điều ngoại lệ, người khác vốn xấu hơn ta. Đúng là ta thường có suy nghĩ như vậy đó.

Chúa Giêsu nghĩ gì về điều ta suy nghĩ ấy? Người chỉ đơn giản nghĩ rằng cách ta suy nghĩ như vậy là dấu chứng tỏ rõ ràng rằng chính trong mắt ta đang có cái xà đấy.

 --------------------------------

 

Suy Niệm 6: Khôn ngoan khi sửa lỗi


Ở một đền thờ Hy lạp, ngay lối cổng vào, có khắc câu: “Hãy tự biết mình”. Tại sao lại có câu nói đó? Thưa, bởi vì biết mình là một điều khó, nhưng nếu khó mà không làm được thì làm sao biết được người khác? Không biết mình thì không thể tồn tại theo hướng tích cực, mà nếu có tồn tại thì cũng trở thành trò cười cho thiên hạ, bởi vì nhiều khi: “Ngôn hành bất tất”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng lối nói ngoa ngữ để cho thấy tác hại của việc kiêu ngạo, háo danh nên không biết mình. Vì không biết, nên đâu thấy nơi mình có khuyết điểm, lỗi lầm trầm trọng, vì thế mới thích “lên mặt dạy đời”.

Trong thực tế, có rất nhiều người hăng say, vội vã sửa lỗi cho anh em, dù là lỗi nhỏ, nhưng thực tế, lỗi mình thì lớn hơn rất nhiều mà không thấy hay cố tình che lấp để như một ngụy biện nhằm khẳng định mình là người đạo đức hơn người.

Đức Giêsu không có ý cấm chúng ta sửa lỗi cho anh em, bởi vì sửa lỗi cho anh em bằng việc nêu gương sáng và chân tình thì đây là đức ái. Tuy nhiên, vì hiềm khích thì lại trở thành gương mù và phản tác dụng.

Vì thế, nguyên tắc hữu lý và đạt tình chính là bao dung với tha nhân, và nghiêm khắc với chính mình. Không thổi phồng tội người khác, không thu nhỏ lỗi của mình. Khiêm tốn sửa mình trước khi góp ý cho tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, theo Lời Chúa dạy hôm nay, chắc có lẽ chúng con sẽ bị xét đoán thật nhiều vì lối sống thiếu bác ái khi hay xét đoán anh chị em của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết thưa với Chúa: xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để yêu mến Chúa. Biết con để sống khiêm tốn. Chỉ khi nào chúng con biết sống như thế, chúng con mới yêu thương anh chị em cách thật lòng. Amen.

Ngọc Biển SSP

----------------------------------

 

Suy Niệm 7: Bác ái là không xét đoán


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Một trong những đòi hỏi của lòng bác ái là đừng bao giờ xét đoán và lên án anh em mình. Hơn nữa, ta xét đoán anh em thế nào, thì Thiên Chúa cũng xét đoán ta như vậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bản tính tự nhiên của con người là muốn hơn người khác, nên khi thấy ai hơn mình, thì tìm đủ mọi cách để hạ họ xuống: vạch trần những khuyết điểm hay thổi phồng những lỗi lầm của họ.

Lạy Chúa, bản tính tự nhiên đó cũng tồn tại trong con. Con vẫn nhìn anh em sống chung quanh con bằng một cái nhìn dò xét đầy nghi ngờ. Con đã đóng khung anh em con trong một cái nhìn đầy thành kiến và ghen ghét. Vì quá chủ quan, nên con không thấy cái xà trong mắt con, mà chỉ nhìn thấy cái rác trong mắt anh em. Con đã đeo một cái bị gồm những tật xấu của con ở đàng sau lưng, nên không thấy được những lỗi lầm to lớn của mình, nhưng lại dễ trông thấy những khuyết điểm nhỏ bé của người anh em. Con luôn dễ dãi với chính mình mà lại khắt khe với người khác.

Lạy Chúa, khi nhìn một sự việc, người ta có nhiều đoán xét khác nhau. Nếu tâm hồn con rộng lượng, con sẽ nhìn người khác với ánh mắt cảm thông. Nếu tâm hồn con xấu xa, con sẽ dễ kết án người khác cách bất công.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết sáng suốt nhận ra những lỗi lầm của mình. Xin ban cho con một tình yêu bao dung để con không bao giờ vạch lá tìm sâu hoặc phê bình người khác một cách ác ý. Xin cho con biết tha thứ để được Chúa thứ tha. Và xin cho con một tâm hồn quảng đại để luôn nghĩ tốt về người khác. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã”.

---------------------------------------

 

Suy Niệm 8: Lấy được cái đà trong mắt mình


(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đang đi dạo, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một người ngồi trên ghế cuốc vườn. Tôi nghĩ: “Quá lười biếng!”. Nhưng đột nhiên tôi thấy đôi nạng dựa ở ghế của anh. Anh làm việc dù bị tật nguyền.

Bài học tôi học được về sự phán đoán nông nổi vẫn khắc ghi trong tôi cho đến hôm nay: Thánh giá của người khác đôi khi là do cái nhìn hạn hẹp của ta.

Suy niệm

Chúa Giêsu phán: “…đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thế nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy” (Mt 7,1-2). Như thế, khi phải phán xét, chúng ta xét đoán trong bao dung thương mến như Ngài. Vì chúng ta sẽ “được” hay “bị” Thiên Chúa xét xử, đều do chính cách xét đoán của chúng ta đối với người khác: Quảng đại vị tha hay hẹp hòi ích kỷ, khoan dung độ lượng hay “bới lông tìm vết”, “chẻ sợi tóc làm tư” khi xét đoán người khác.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường có khuynh hướng nhìn thấy lầm lỗi của tha nhân mà không biết nhận ra những khuyết điểm của mình. Có những khuyết điểm của bản thân mình rất lớn, công khai gây gương mù, gương xấu cho anh chị em. Thiên Chúa - Ðấng thấu suốt mọi sự, Ngài mời gọi chúng ta phải sáng suốt và khôn ngoan khi sửa lỗi cho anh chị em: Hãy nhìn vào bản thân mình trước như Chúa nhấn mạnh: “Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi”, cái đà được hình thành từ bao lỗi lầm, thành kiến, ác ý trong suốt chiều dài lịch sử của cá nhân. Lấy được cái đà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật. Chúa muốn chúng ta phải nhận ra khuyết điểm của mình và sửa đổi.

Sửa đổi bản thân là lấy được cái đà trong mắt mình. Không có cái đà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương tha thứ…

Thật thế, khi sửa đổi chính mình, ý thức được sự yếu đuối, bất toàn của mình, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng rộng lượng với người khác mang niềm tin yêu, hy vọng cho các hối nhân. Chính Chúa đã và sẽ đối xử đại lượng với chúng ta.

Ý lực sống:

“Có một sáng suốt đáng buồn, khi chỉ nhìn thấy những điều xấu nơi người khác. Cũng có một xét đoán đầy yêu thương, khi đã nhìn thấy những điểm sáng tốt đẹp, ngay từ nơi bóng tối những điều không tốt đẹp của người anh em mình” (Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận).

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 9: Đừng xét đoán người khác


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em không được xét đoán lên án kẻ khác, vì việc đó thuộc quyền của Thiên Chúa. Anh em xét đoán kẻ khác thế nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ xét đoán anh em như vậy. Sao anh em thấy cọng rác nhỏ trong con mắt kẻ khác, còn cái xà trong mắt anh em, mà anh em không thấy, nghĩa là lỗi lầm nhỏ mọn của người khác thì anh em thấy rõ rồi phê bình lên án đủ thứ, còn tội nặng nề của anh em, anh em lại không chịu thấy, không chịu nhận, không lo sửa chữa. Hãy lo từ bỏ sửa chữa tội lỗi của anh em trước đã rồi anh em mới giúp được kẻ khác chừa bỏ lỗi lầm của họ.

Xénophon, nhà hiền triết Hy lạp sống vào giữa thế kỷ thứ 5 TCN đã nói như sau: “Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị: một cái đằng trước, một cái đằng sau. Cái bị đằng sau chứa đựng tất cả những cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đằng trước thì đầy rẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”.

Khuynh hướng tự nhiên của con người là dễ dàng kết án người khác, nhưng lại tỏ ra dễ dãi với mình. Chúa Giêsu đến để chỉnh đốn khuynh hướng lệch lạc ấy. Ngài mời con người hoán cải, nghĩa là quay trở lại với mình, nhìn thẳng vào thực chất của mình, để từ những yếu đuối, bất toàn của mình để dễ dàng thông cảm và tha thứ cho người khác hơn. Đó là nội dung những lời khuyên của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.

Dân gian có câu:

Chân mình thì lấm lê mê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Hay:

Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê (Việc mình thì quáng, việc người thì sáng).

Chúa Giêsu vạch rõ tính cách của nhiều người trong chúng ta thường thì không thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại soi mói dò xét cái lỗi của người khác mà lắm khi cái lỗi của chúng ta còn lớn gấp trăm lần cái lỗi của tha nhân.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?” Cái lỗi nhỏ như cái rác của tha nhân thì mình dễ nhìn thấy, nhưng cái lỗi lớn như xà nhà của mình thì lại không thấy. Chúng ta dễ dàng kết án cái lỗi nhỏ nhặt của tha nhân, nhưng lại không ý thức về những tội tầy đình của bản thân...

Con người không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự. Ngài hiểu con người hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.

Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng. Lêvi, người thu thuế, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; Giakêu, người thu thuế trưởng, đã thành tâm hoán cải, Madalena đã dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi. Tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu (Mỗi ngày một tin vui).

Tóm lại, như lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng đong bằng đấu ấy cho anh em” (Mt 7,1-2), nghĩa là khi chúng ta dùng lăng kính chủ quan của mình để xét cho anh em thế nào, thì chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa thể ấy. Vậy nên, nếu khi xét đoán, chúng ta cần biết nhìn lại chính mình, nhất là trong lời xét đoán về anh em có thực sự khách quan hay không, có thực sự vì yêu thương anh em và vì sự thật hay không.

Truyện: Biểu diễn trồng táo

Tại một xứ Hồi giáo, có một người đàn ông bị vua ra lệnh treo cổ, vì đã ăn trộm thức ăn của người khác. Như thường lệ, trước khi bị xử, tội nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin nhà vua:

- Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, mọc thành cây và có trái ăn tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là khi thần chết đi rồi, bí quyết này sẽ không được truyền lại cho hậu thế.

Nhà vua truyền chuẩn bị mọi sự để sáng hôm sau tử tội sẽ biểu diễn trồng táo. Đến giờ hẹn, trước mặt vua và các quan văn võ, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:

- Chỉ có người nào chưa hề ăn trộm của người khác mới trồng được hạt giống này. Vì tôi đã lỡ ăn trộm nên không thể trồng được.

Nhà vua vẫn chiều lòng tên ăn trộm, nên quay sang nhìn tể tướng. Sau một lúc do dự, vị tể tướng thưa:

- Tâu bệ hạ, thần nhớ lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác. Thần nhận thấy không đủ điều kiện để trồng hạt táo này.

Nhà vua đưa mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt. Ông nghĩ may ra quan thủ kho trong triều là người nổi tiếng trong sạch có thể đủ điều kiện. Nhưng quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố với mọi người rằng ông cũng đã có lần gian tham trong chuyện tiền bạc.

Không tìm được ai, nhà vua mới định cầm hạt táo đến bỏ vào lỗ. Nhưng ông cũng chợt nhớ ra lúc con nhỏ ông đã có lần đánh cắp báu vật của vua cha.

Bấy giờ người tử tội mới chua xót lên tiếng:

- Tâu bệ hạ, các ngài là những người quyền thế cao trọng, không thiếu thốn gì. Vậy mà các ngài không thể trồng được hạt táo này, chỉ vì các ngài cũng đã có lần lấy của người khác. Còn hạ thần, một con người khốn khổ, chỉ vì lỡ lấy thức ăn của người khác cho đỡ đói, thế mà các ngài đã kết án treo cổ hạ thần.

Nghe thế, nhà vua và cả triều thần như xốn xang trong lương tâm. Ông bèn ra lệnh phóng thích người ăn trộm.

--------------------------------

 

Suy Niệm 10: Về sự xét đoán


(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự xét đoán:

1. Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta tùy theo cách chúng ta xét đoán người khác. Trong những câu sau đây ta phải luôn hiểu ngầm chữ Thiên Chúa:

- “Các con đừng xét đoán để khỏi bị (Thiên Chúa) xét đoán.”

- “Các con xét đoán thế nào thì cũng bị (Thiên Chúa) đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong cho người ta thì (Thiên Chúa) cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy.”

2. Thay vì xét đoán người khác, mỗi người hãy lo xét đoán chính mình: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi. Hãy lấy cái đà trong mắt ngươi ra trước đã.”

Suy gẫm

1. Tại sao tôi thích xét đoán người khác?

- Lý do “có vẻ chính đáng” là tôi yêu thích sự thiện, do đó khi thấy người khác không thiện thì tôi lên án.

- Nhưng ngoài lý do “có vẻ chính đáng” ấy ra, còn nhiều lý do không chính đáng chút nào mà khoa tâm lý có thể vạch trần ra:

a/ do cái tính ác nằm sẵn trong người tôi thích “hạ” kẻ khác và ngầm sung sướng một cách vô ý thức khi người khác bị “hạ”;

b/ Đó là một cạnh tranh kiểu tiểu nhân: hạ người khác để nâng tôi lên. Khi tôi nói rằng người đó không tốt thì một cách gián tiếp tôi nói rằng tôi tốt.

2. Đức Giám mục Fulton Sheen đưa ra một tiêu chuẩn như thế này: tôi thường xét đoán người khác về nhiều khuyết điểm gì, đó là dấu tôi có chính khuyết điểm đó.

3. “Phê và tự phê” đó là một khẩu hiệu rất hay vì nó nhắc ta không nên chỉ làm một việc là phê người khác, nhưng phải làm thêm việc phê phán chính mình nữa. Tuy nhiên khẩu hiệu này vẫn chưa hay bằng giáo huấn của Chúa Giêsu: Ngài dạy tự phê trước rồi sau đó mới phê người ta.

4. Một hôm satan thích chí vô cùng vì đã phát minh ra được một cái gương vô cùng kỳ diệu: Bất cứ điều gì trong gương ấy cũng bị đảo lộn. Khuôn mặt kiều diễm nhất nhìn vào tấm gương cũng xấu xí, ghê rợn. Satan nghĩ có thể đưa tấm gương lên thiên đàng để chia rẽ Thiên Chúa và các thiên thần.

Satan liền đội tấm gương lên đầu và bay thẳng lên trời. Dọc đường hắn nhìn vào tấm gương và càng thích thú khi thấy gương mặt xấu xí của hắn nay càng xấu xí hơn. Nhưng càng bay tới thiên đàng thì hắn càng thấy gương mặt hắn xấu thê thảm. Cứ thế chưa tới cửa thiên đàng thì hắn không chịu vẻ thô bạo xấu xí của hắn nữa. Tay hắn run lẩy bẩy và đánh rơi tấm gương xuống trần gian. Tấm gương vỡ tan từng mảnh và lan tràn khắp trên mặt đất. Đó là khởi đầu đại họa cho con người: từng hạt cát nhỏ bám vào mắt ai thì nằm mãi ở đó, và người đó chỉ thấy cái xấu trên thế gian này thôi.

Câu chuyện trên muốn nói rằng: nhìn thấy cái xấu nơi người khác không phải là điều tự nhiên của con người, đó là một cái nhìn của quỷ.

Nơi mỗi người vẻ đẹp của Thiên Chúa vẫn còn chiếu sáng. Chính cái nhìn này mới là nền tảng cho đức ái Kitô giáo.

5. Sở dĩ ta nên tránh việc phê phán và nghĩ xấu cho người là vì đoán xét của ta thường sai lạc, ít khi ta phê phán người khác một cách khách quan, mà thường phê phán theo cảm tính và ý nghĩ chủ quan của ta. Câu chuyện sau đây trong sách Liệt Tử vừa nghe thì thấy rất tầm thường nhưng nó chứa đựng một chân lý sâu xa về sự phê phán chủ quan của ta.

Có người đánh mất cái búa. ngờ cho đứa con nhà láng giếng lấy trộm.

Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa, nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc, cử động, không một tí gì, là không rõ ra đứa ăn trộm búa cả.

Được một lúc, người ấy tìm thấy chiếc búa trong hố thì hôm sau trông thấy con người láng giềng: ngôn ngữ, cử chỉ, lại không còn một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa.

Câu chuyện này được viết ra hằng ngàn năm trước đây, vừa nghe thì có vẻ nhạt nhẽo vô duyên, nhưng đọc kỹ thì thấy nó phản ứng thật trung thực tâm lý của đa số con người đã sống từ ngàn năm trước cũng như hiện đang sống bây giờ. Sở dĩ phán đoán của chúng ta sai lạc là vì lý trí của ta thường bị chi phối bởi trăm ngàn yếu tố: như tiền bạc, danh vọng, lợi, hại, yêu, ghét, thân, sợ…

 -----------------------------------

 

Suy Niệm 11: Tự phê rồi hãy phê bình


(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy về sự xét đoán:

Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta tùy theo cách chúng ta xét đoán người khác.

- “Các con đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1).

- “Các con xét đoán thế nào thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 7,2).

Tại sao tôi thích xét đoán người khác?

- Lý do “có vẻ chính đáng” là tôi yêu thích sự thiện, do đó khi thấy người khác không thiện thì tôi lên án.

- Nhưng ngoài lý do “có vẻ chính đáng” ấy ra, còn lý do không chính đáng chút nào mà khoa tâm lý có thể vạch trần ra: Đó là cái tính ác nằm sẵn trong người tôi, làm cho tôi thích “hạ” kẻ khác và cảm thấy sung sướng một cách vô ý thức khi người khác bị “hạ”;

Một hôm, Satan thích chí vô cùng vì đã phát minh ra được một cái gương cực kỳ kỳ diệu: Bất cứ điều gì trong gương ấy cũng bị đảo lộn. Khuôn mặt kiều diễm nhất nào nhìn vào tấm gương cũng trở thành xấu xí, ghê tợn. Satan nghĩ, có thể đưa tấm gương lên Thiên Đàng để chia rẽ Thiên Chúa và các thiên thần. Satan liền đội tấm gương lên đầu và bay thẳng lên trời. Dọc đường hắn nhìn vào tấm gương và càng thích thú hơn khi thấy gương mặt xấu xí của hắn nay càng xấu xí hơn. Càng bay tới gần Thiên Đàng thì khuôn mặt của hắn càng xấu xa thê thảm. Và cứ như thế, chưa tới cửa Thiên Đàng mà hắn đã không còn chịu được cái vẻ thô bạo xấu xí của hắn. Thế rồi, tay hắn run lên lẩy bẩy và đánh rơi tấm gương xuống trần gian. Tấm gương vỡ ra từng mảnh, nát ra như những hạt cát và tung bay tràn lan trên khắp mặt địa cầu. Từ đó trở đi, hễ hạt cát nhỏ đó bám vào được mắt ai thì cứ nằm lỳ mãi ở đó, khiến người ấy chỉ còn thấy toàn là những cái xấu trên thế gian này mà không thấy được điều gì tốt đẹp khác. Đại họa cho con người khởi đầu từ đó.

Câu chuyện trên muốn nói rằng: nhìn thấy cái xấu nơi người khác không phải là điều tự nhiên của con người. Tổ tiên chúng ta thường nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Như vậy, mọi cái xấu, cái ác đều là do ma quỷ mà ra. Bởi vậy, chúng ta hãy coi chừng!

Đức Giám Mục Fulton Sheen nói: “Tôi thường xét đoán người khác về khuyết điểm gì, thì đó là dấu chính tôi có khuyết điểm đó”.

2. Thay vì xét đoán người khác, mỗi người hãy tự lo xét đoán chính mình: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái xà trong mắt ngươi. Hãy lấy cái xà trong mắt ngươi ra trước đã” (Mt 7,3).

Chúa bảo, trước khi xét đoán thì hãy tự xét mình trước đã: Hãy lấy cái xà trong mắt ngươi ra trước đã. Hãy tự phê trước rồi sau đó mới phê sau. Tốt hơn là đừng xét đoán.

Trong kho tàng truyện các thánh tu hành, có câu chuyện rất hay của ẩn sĩ Macariô. Ngài qua đời năm 300 ở Ai Cập.

Macariô sống ẩn dật 30 năm trong phòng mình. Suốt trong thời gian đó, có một vị linh mục vẫn đến cử hành thánh lễ trong phòng của Ngài. Để cám dỗ và quấy rầy vị tu hành này, ma quỷ xúi giục một người kia đến gặp vị ẩn sĩ Macariô và nói:

- Vị linh mục đến làm lễ mỗi ngày đó chính là một kẻ tội lỗi vì thế không nên cho ông ấy cử hành thánh lễ nữa.

Ẩn sĩ Macariô đáp lại:

- Hỡi con, Kinh Thánh dạy rằng: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Nếu linh mục ấy là người tội lỗi, thì Chúa sẽ tha thứ cho cha ấy”.

Sau khi nói như vậy, ẩn sĩ Macariô bắt đầu cầu nguyện và đã giải thoát cho người kia khỏi bị quỷ ám.

Khi vị linh mục đến làm lễ, cha ấy vẫn được tiếp đón vui vẻ như thường. Và Thiên Chúa thấy lòng nhân hậu của ẩn sĩ Macariô nên muốn khích lệ ngài bằng một dấu hiệu. Khi vị linh mục tiến lên bàn thờ, thì Macariô thấy một thiên thần từ trời xuống và đặt tay lên đầu vị linh mục và vị này biến thành một cột lửa trước lễ vật thánh.

Trong khi ẩn sĩ Macariô còn ngây ngất trước thị kiến này, thì ngài nghe có tiếng nói:

- Hỡi con người, tại sao ngươi lại ngạc nhiên ngỡ ngàng. Nếu một vua chúa trên trần gian này còn không cho phép thần dân mình xuất hiện trước mặt mình với quần áo nhơ bẩn, thì làm sao quyền năng của Thiên Chúa lại chấp nhận cho người cử hành Mầu Nhiệm Thánh mà ô uế trước vinh quang trời cao. Ngươi đáng được chứng kiến sự kiện này vì ngươi đã không chỉ trích vị linh mục.

Viện phụ Pineng, trong truyện các thánh tu hành, cũng đã trả lời cho một đan sĩ hỏi ngài xem có cần phải che tội cho người anh em mình không? Ngài đáp:

- Chính trong lúc chúng ta che tội cho người anh em chúng ta, thì Chúa cũng che tội cho chúng ta như vậy.

Mẹ Têrêsa bảo: “Đức Giêsu khuyến khích ta đừng xét đoán ai. Cố đừng xét đoán người khác. Nếu bạn xét đoán người khác thì bạn không thể nào yêu họ được”.

-----------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây