"Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi".
Lời Chúa: Mt 5, 27-32
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
"Có lời dạy rằng: "Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị". Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa".
Bài Tin Mừng hôm nay hẳn gây sốc cho những ai nghe Đức Giêsu, và nhất là cho chúng ta ở thế kỷ này nữa. Đòi hỏi của Đức Giêsu mang tính tận căn, vượt quá Luật Môsê. Không phải chỉ là tránh ngoại tình trong hành động, mà còn phải tránh cả ngoại tình trong tư tưởng, trong trái tim, khi nhìn người phụ nữ bằng cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt. Phụ nữ ở đây hẳn là người đã có chồng, đầu tóc được che khăn. Thèm muốn ở đây không phải chỉ là một rung động tự nhiên trước vẻ đẹp, nhưng muốn nói đến một dục vọng xác thịt được nuôi dưỡng kéo dài, nhắm đến một tương quan bất chính với người phụ nữ ấy. Thèm muốn này có tính chiếm đoạt. Điều này đã được nói đến ở giới răn thứ mười: chớ thèm muốn vợ người khác (Xh 20, 17). Đàn ông hôm nay thấy khó tránh cái nhìn thèm muốn, chiếm đoạt. vì phụ nữ hôm nay biết cách lôi kéo cái nhìn của họ. Nhiều phụ nữ coi “gợi cảm” và “gợi tình” là điều cần nhắm tới. Các quán bán cà phê đều cần những cô “có ngoại hình”. Trong các tạp chí và trên mạng thiếu gì những hình ảnh tươi mát, dâm ô. Chúng ta đã quen với một nền văn hóa tiếp thị bằng hình ảnh như thế. Từ nhìn đến thèm muốn cháy bỏng, rồi dẫn đến sa ngã thực sự. Nạn mãi dâm, ngoại tình, đổ vỡ trong gia đình vẫn là chuyện nhức nhối. Từ đó phát sinh bao bệnh tật và tệ nạn trong xã hội. Đức Giêsu muốn ngăn chặn cái xấu từ trong gốc rễ. Bà Evà đã nhìn, đã thèm muốn, rồi cuối cùng đã hái trái cấm. Từ mắt đến tim và đến tay: đó vẫn là con đường bình thường của cám dỗ. Đức Giêsu đã dùng lối ngoa ngữ để nói lên đòi hỏi tận căn của Ngài. Nếu mắt hay tay làm dịp cho chúng ta phạm tội về xác thịt, thì thà mất mắt phải hay tay phải mà vào Nước Trời còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen để rồi chặt tay hay móc mắt, vì làm thế cũng chẳng khiến ta hết dục vọng. Nhưng chúng ta hiểu mình cần phải chịu những hy sinh đau đớn mới có thể giữ mình thanh khiết để xứng đáng với Nước Trời. Làm sao để cái nhìn của tôi được trong sáng ngay giữa một thế giới ô uế? Làm sao để tôi không coi người khác phái chỉ là đối tượng của dục vọng xác thịt? Làm sao tôi có thể quay đi và nhắm mắt để được tự do?
Cầu nguyện :
Như đóa sen trong đầm lầy, xin giữ tâm hồn con thanh khiết. Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, xin gìn giữ mắt con. Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc, xin dạy con biết trân trọng thân xác. Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục, xin thanh lọc trí tưởng tượng của con. Xin nâng con lên cao vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt, để biết tự hiến trong yêu thương. Xin đừng để con phung phí sức lực vào những chuyện tình cảm chóng qua, nhưng giúp con tự rèn luyện mình để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi. Như đóa sen trong đầm lầy, xin giữ thân xác con thanh khiết. Amen.
Chúa tiếp tục kiện toàn Lề Luật. Bằng nội tâm hoá. Giữ luật không phải theo hình thức bề ngoài. Nhưng từ đáy sâu tâm hồn. Đó là diệt tận căn sự dữ. Thực ra việc làm chỉ là kết quả cuối cùng. Chỉ là phần ngọn. Phần gốc khởi đầu và ăn sâu trong tâm hồn. “Bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”.
Phải diệt trừ tội lỗi tận gốc. Vì sự sống. Đây là kiện toàn Lề Luật ở mức cao nhất. Luật cũ đưa đến sự chết. Luật mới đưa đến sự sống. Chịu thiệt thòi đời này để được sự sống đời đời. “Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục”.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Của niềm hy vọng. Những ai phục vụ Chúa. Chịu thiệt thòi ở đời này. Đừng nghĩ rằng thế là hết. Là chết. Chúa sẽ mở ra con đường hy vọng mới. Mở ra sự sống mới. Ê-li-a tuyệt vọng. Vì cuối cùng chỉ còn mình ông thờ phượng Chúa. Ông bị săn đuổi sắp chết. Sẽ chẳng còn ai tiếp tục thờ phượng Chúa. Nhưng trong cơn gió thoảng nhẹ nhàng, Chúa cho ông thấy cả một niềm hy vọng, một sự sống mới nảy sinh. “Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sac mạc cho tới Đa-mát mà về. tới nơi, ngươi sẽ xức dầu phong Kha-da-ên làm vua A-ram; Còn Giê-hu con của Nim-si, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Ít-ra-en. Ê-li-sa, con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi” (năm chẵn).
Thánh Phao-lô quả quyết điều đó. Ngài có thể bị xua đuổi, hành hạ. Nhưng như thế sự sống của Chúa càng tỏ hiện. “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật thế, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi”. Càng chịu đau khổ vì Chúa, thì sự sống của Chúa càng mạnh mẽ. Càng chết cho Chúa thì sự sống sẽ càng sung mãn. Và sẽ dẫn đến sự sống lại. Sự sống đời đời. Đó chính là niềm hy vọng. “Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em” (năm lẻ).
Hãy diệt trừ tội lỗi. Dù phải chịu đau khổ. Kể cả mất mạng sống. Nhưng Chúa sẽ trả lại cho ta sự sống. Sự sống đích thực. Sung mãn. Vĩnh cửu.
Hôn nhân không phải là một sự phối hợp tạm thời để có thể dễ dàng phân ly vì sự thay đổi hoặc vì đam mê của con người. Chúa Giêsu lên án những phóng đãng luân lý, như sự bất trung, ngoại tình, ly dị do pháp luật cho phép.
Chống lại sự bất trung, Chúa Giêsu lên án cách nhìn ngắm không trong sạch của những ước muốn xác thịt, liều mình đi đến chỗ phạm tội trong tâm hồn. Cử chỉ này bị coi là đã thành tội, vì tội phát sinh bởi ý muốn thầm kín của tâm hồn. Với những lời gắt gao, Chúa nhắc lại việc cần phải dấn thân một cách nghiêm chỉnh và cương quyết chống lại những lạc hướng do ích kỷ, để cứu vãn và tăng cường tình yêu hôn nhân bằng mọi giá.
Chống lại việc ly dị, Chúa Giêsu đã sửa lại luật Môsê cho phép ly dị trong một số trường hợp. Ðối với Ngài, lý do là sự lựa chọn của một tình yêu dâng hiến, với tình yêu này, người nam và người nữ dấn thân sống chung với nhau suốt đời. Ngài kêu gọi lương tâm của con người, và không luật nào được thay thế và vi phạm lương tâm này. Tội tà dâm phải được loại trừ tận gốc rễ, và trong tư tưởng thầm kín. Cái nhìn trong sạch: "Phúc cho ai có tâm hồn trọng sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa"; muốn thế, cần phải hy sinh những gì gây cớ vấp phạm.
Trong luật cũ có vẻ bao dung đối với nam giới và nghiêm khắc đối với nữ giới, thì Chúa Giêsu đặt cả hai trên cùng một cấp bậc: Ngài lên án rõ ràng và như nhau về việc ly dị đối với cả hai giới, và tuyên bố việc phối hợp với người khác sau khi ly dị là ngoại tình.
Theo giáo huấn của Chúa, việc phối hợp giữa người nam và người nữ là một biểu lộ của tình yêu, và tình yêu này đến từ Thiên Chúa, chứ không do tình dục ích kỷ. Tình yêu là một sự trao ban cho nhau, là cuộc gặp gỡ của tự do.
Xin Chúa cho chúng ta biết tiến lên theo Thánh Thần thúc đẩy, để chúng ta không chiều theo những ước muốn và hành động của xác thịt; trái lại biết sống trong tự do của Chúa, nhờ đó lề luật của Chúa sẽ trở nên nguồn an vui và sức mạnh của chúng ta.
“Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt. 5, 27-28)
Những lời nói cũ rích?
Có những người nói rằng thời đại ta là thời đại giải phóng tình dục và họ vỗ tay hoan hô. Những người khác nhìn thấy cảnh sống phóng túng tràn lan hầu như khắp nơi, thì lại chỉ buông lời trách móc. Ta nên xử trí thế nào cho phải. Cách ăn nết ở của đàn ông đàn bà cũng như của thanh thiếu niên nam nữ xưa đối với nhau có những mặt tốt và mặt xấu của nó. Xưa có những cách bày tỏ tình bằng hữu, cho đến cả tình yêu nữa, không phải luôn luôn hoàn hảo, xứng với con người hay hợp với tinh thần Kitô giáo đâu. Nhưng những cách cư xử mới của những người thời nay cũng không phải là hoàn toàn bảo đảm. Chắc chắn là chúng ta đã đạt tới những nếp sống phóng túng chẳng giúp gì cho việc khơi đậy và phát triển một tình yêu sâu xa giữa nam nữ cũng như giữa vợ chồng.
Trong bối cảnh hiện nay thì chắc chắn những lời Chúa phán kia có nguy cơ bị coi là lỗi thời. Không được thèm muốn vợ người khác, phải cương quyết để sống trung tín với người nam hay nữ mình yêu, người ta còn sẵn sàng thực hiện điều này không?
Yêu thương, khó đấy
Thế nhưng ta phải thực hiện yêu thương, sẽ phải luôn luôn thực hiện yêu thương, bởi lẽ không bao giờ một tình yêu muốn được coi là chân thật, bền bỉ và trung tín sẽ chịu dung dưỡng với những dễ dãi và thỏa hiệp.
Từ mấy thập niên qua, người ta dã tốn công nhiều để giải phóng người nam và người nữ khỏi một số những điều cấm kỵ vốn cản trở họ yêu nhau một cách hồn nhiên và được vui sướng. Nhưng giờ đây một trách vụ mới lại được đặt ra. Phải giải phóng tình yêu khỏi tất cả những gì làm thoái hóa, hư hỏng và bóp nghẹt tình yêu, làm cho tình yêu trở thành một thực phẩm không còn mùi vị gì nữa và không còn mời gọi vươn lên nữa.
Chúa Giêsu đã yêu thương đến độ đón nhận thập giá. Chẳng có tình yêu giữa hai vợ chồng khi tình yêu ấy không trải qua con đường này.
Trên các trang mạng xã hội gần đây có đăng tải câu chuyện của một quan tham, ông ta là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ông này có ý đồ dâm đãng với nhiều phụ nữ. Ông ta trở thành điển hình cho thói ăn chơi sa đọa và bệnh hoạn. Giấc mơ mà ông này đeo đuổi chính là được "qua đêm" với 1.500 người phụ nữ. Kết cục ông đã bị bắt (xc. http://www.tienphong.vn/the-gioi/quan-tham-trung-quoc-dat-muc-tieu-ngu-voi-1500-nguoi-phu-nu-711861.tpo).
Hôm nay Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học về sự thanh bạch, khiết tịnh từ bên trong, Ngài nói: “Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi”. Sau đó, Ngài đã nói lên tính cẩn trọng, dứt khoát với tội để có sự toàn vẹn trong cuộc sống mai hậu: “Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục”.
Trong đời sống thực tế, có nhiều người bên ngoài tỏ ra rất đạo đức, thánh thiện, nhưng bên trong luôn đi tìm muốn sự bất khiết.
Lời Chúa hôm nay nhắc cho mỗi chúng ta hãy tránh xa những dịp tội, nhất là tội dâm dục, để được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc trên Thiên Quốc mai sau.
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con và ban cho có tự do, đồng thời Chúa cho phép chúng con sử dụng sự tự do đó để làm điều thiện hay xấu. Xin Chúa ban ơn trợ lực, để chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban mà làm việc tốt, hầu sinh ích cho phần hồn chúng con. Amen.
Sứ điệp: Chúa dạy phải sống chung thủy trong đời hôn nhân. Muốn được như vậy, phải cương quyết không chiều theo những thèm muốn tội lỗi và cương quyết cắt đứt dịp tội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Cha Toàn Năng, chúng con tạ ơn Cha đã tạo dựng nên chúng con là những người nam, người nữ. Tạ ơn Cha đã cho chúng con khả năng hấp dẫn lẫn nhau, hướng về nhau, để xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng tội lỗi đã phá đổ điều tốt đẹp ấy và làm cho chúng con trở thành lệch lạc. Chúng con chỉ muốn thỏa mãn đam mê dục vọng một cách ích kỷ.
Lạy Cha, xin Cha giúp con làm chủ bản thân mình, xin giúp con chấn chỉnh sự lệch lạc ngay từ cái nhìn, ngay từ trong ý hướng tâm hồn của con. Con sẽ hành động xấu khi con chiều theo ước muốn xấu. Và hành động của con chỉ tốt khi con có những ý hướng tốt.
Cuộc sống con hôm nay tràn ngập biết bao hình ảnh dâm ô thúc đẩy con phạm tội. Xin cho con ơn biết khôn ngoan và can đảm tránh xa dịp tội. Xin giúp con giữ gìn đôi mắt trong sạch. Trong lúc con bị cám dỗ, xin ban ơn nâng đỡ giúp con chiến thắng. Xin Cha cho các thanh niên thiếu nữ biết quý trọng tâm hồn trong sạch như là hương thơm ngọc quý của tuổi trẻ.
Đặc biệt, con xin Cha thương xót những gia đình đang trong cơn khủng hoảng vì ngoại tình hoặc có nguy cơ ly tán. Xin Cha cho gia đình họ và gia đình chúng con đây được trung tín trong lời cam kết hôn nhân. Xin giúp gia đình họ vượt qua những giờ phút thử thách để tìm lại được hạnh phúc trong tình yêu. Amen.
Ghi nhớ : “Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi”.
Đaminh Saviô sinh ra trong một gia đình Công giáo, cha mẹ sống rất đạo đức, đặc biệt là người mẹ. Bà chu đáo trong giáo dục con cái, dạy cho con biết phân biệt điều lành điều dữ và nhất là biết tránh xa các dịp tội. Đaminh ghi nhớ rõ từng lời mẹ dạy.
Lên năm tuổi, ngài trở thành một cậu giúp lễ. Khi lên bảy tuổi, ngài được rước lễ lần đầu. Trong ngày đó, Đaminh đã chọn cho mình một quyết tâm để sống. Ngài hứa với Chúa Giêsu: “Thà chết chẳng thà phạm tội!”.
Hằng ngày, Đaminh đã cầu nguyện để luôn trung thành với lời hứa ấy... Đaminh luôn gìn giữ tâm hồn trong trắng, không dính vết tội nhơ. Cậu rất gớm ghét tội lỗi làm mất lòng Chúa.
Ngày 18/5/1950, Đaminh Saviô qua đời lúc tuổi đời vừa tròn 14 và trở nên một trong những vị thánh trẻ nhất trong Giáo hội Công giáo.
Suy niệm
Chúa Giêsu hoàn thiện luật như chính Ngài nhấn mạnh: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Kiện toàn Lề Luật khi Ngài dạy thực thi luật vớt tất cả tâm hồn. Ngài dạy không dừng lại, quanh quẩn ở luật pháp mà vượt qua luật, Ngài dẫn đưa nhân loại đi tới Tin Mừng đem hạnh phúc tình thương cho con người. Chính bài giảng Bát phúc trình bày tính cách vĩnh cửu của luật pháp mà Ngài hoàn thiện.
Tuy nhiên, luật của Ðức Giêsu đòi hỏi đến tận nguồn gốc của hành động, nguyên nhân thúc đẩy hành động. Vì thế, luật của Ngài đòi hỏi khắt khe hơn và buộc người ta phải hoán cải tận căn rễ của sự tội: Sẵn sàng làm một số việc vừa quyết liệt lại vừa đau đớn không kém gì hành động chặt tay và móc mắt. Chúa Giêsu không nói chúng ta phải thật sự chặt tay, chặt chân hay móc mắt vì đây chỉ là cách nói nhấn mạnh của Ngài để gây một ấn tượng khó quên đối với người nghe: Giữ luật trong tình yêu vì tình yêu phải hy sinh.
Khi kiện toàn Lề Luật, Đức Giêsu hoàn thiện hôn nhân. Luật cũ trọng nam khinh nữ khi bao dung đối với nam giới mà nghiêm khắc đối với nữ giới. Chúa Giêsu đặt cả hai trên cùng một cấp bậc và bất ly dị khi hôn nhân được chúc lành làm thành bí tích. Ngài lên án rõ ràng và như nhau về việc ly dị đối với cả hai giới, và tuyên bố việc phối hợp với người khác sau khi ly dị là ngoại tình. Xin cho chúng ta quyết tâm sống luật Chúa với tình yêu và sự tín trung…
Ý lực sống:
Luật pháp kiện toàn Chúa rộng ban, Yêu thương, thanh khiết, chẳng tà gian… Kỷ cương tuân giữ, gieo nhân ái, Hoa lòng tươi nở khắp muôn phương (Trích và kết hợp từ Thiên Pháp của Hạt Nắng và Đường Thiện hảo của Bâng Khuâng Chiều Tím).
Lề luật diễn tả ý Thiên Chúa, vì thế sống theo luật là sống theo Chúa. Thế nhưng luật lệ cần được kiện toàn theo hoàn cảnh, theo thời gian. Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: Ngài không phá bỏ luật Cựu ước, nhưng Ngài canh tân để bộ luật được hoàn thiện hơn. Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy phải chung thuỷ trong đời sống hôn nhân. Muốn sống được như vậy, phải cương quyết không chiều theo những thèm muốn tội lỗi và cương quyết cắt đứt mọi dịp tội.
Luật cũ cho ly dị thực ra không phải Thiên Chúa ban, nhưng vì sự yếu đuối của dân mà ông Maisen đã chấp nhận. Chúa Giêsu đã kiện toàn theo tinh thần mới khi khẳng định sự bất khả phân ly của hôn nhân. Có lần nhóm Biệt phái đến hỏi Chúa Giêsu họ có phép được ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không”, thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu trong ý định của Thiên Chúa đã muốn cho người nam và người nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu và tha thứ cho nhau... dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Maisen cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ.
Chống lại luật ly dị, Chúa Giêsu đã sửa lại luật Maisen cho phép ly dị một số trường hợp. Đối với Ngài, lý do là sự lựa chọn của một tình yêu dâng hiến, với tình yêu này, người nam và người nữ dấn thân sống chung với nhau suốt đời. Ngài kêu gọi lương tâm của con người, và không luật nào được thay thế và vi phạm lương tâm này. Tội tà dâm phải được loại trừ tận gốc rễ, và trong tư tưởng thầm kín. Cái nhìn trong sạch: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”, muốn thế, cần phải hy sinh những gì gây cớ vấp phạm.
Sự chung thuỷ trong hôn nhân mà Kitô giáo đề cao cũng được tìm thấy trong nhiều tôn giáo và văn hoá khác. Tuy nhiên, nét nổi bật của đòi hỏi chung thuỷ trong Kitô giáo chính là nền tảng của nó, tức là Thiên Chúa. Con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa, và nếu Thiên Chúa là tình yêu chung thuỷ, thì hình ảnh Ngài nơi con người cũng phải là tình yêu chung thuỷ, ơn gọi của con người chính là thực hiện hình ảnh ấy.
Dù sống độc thân hay trong bậc hôn nhân, ơn gọi chung của con người vẫn là sống chung thuỷ. Chung thuỷ với chính bản thân, hay chung thuỷ với người khác, đối tượng cuối cùng của chung thuỷ vẫn là Thiên Chúa. Khi con người tôn trọng chính mình là lúc con người tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa trong chính mình (Mỗi ngày một tin vui).
Chúa Giêsu cũng dạy ta phải tránh xa dịp tội. Việc Chúa Giêsu nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cất đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hỏa ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây chính là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nghĩa là phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thức uống làm mình mất kiểm soát...
“Ai nhìn phụ nữ mà thèm muốn...”
Có những đôi mắt là “cửa sổ của tâm hồn” nhưng cũng có “những đôi mắt in hình viên đạn”. Những viên đạn hận thù, ghen tương, trả đũa, những viên đạn thèm khát tình dục được ”bắn” vào người khác. Mà sở dĩ chúng ta mang những “đôi mắt in hình viên đạn” thèm muốn, bởi vì chính chúng ta đã mở tung “cửa sổ tâm hồn” cho những trang sách báo nhảm nhí, những cuốn phim với lắm hình ảnh bạo lực, đồi truỵ, và bao hình thức giải trí phóng túng khác... Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án những ai chủ ý dùng con mắt của minh, để khơi gợi những ước muốn bất chính, hay nói cách khác, Ngài cảnh báo những tâm hồn chất đầy những ý muốn bệnh hoạn và dùng con mắt để thỏa mãn những ham muốn đen tối ấy (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Tình yêu chung thuỷ
Nói đến sự chung thuỷ, người ta nhắc đến gương của một công chúa nước Thụy Điển. Khi chồng bị nhà vua giam tù chung thân, bà đã đến xin cho được ở tù với chồng. Nhà vua ngạc nhiên giải thích cho bà: bản án của chồng bà là án chung thân, hơn nữa chồng bà bị giam tù, nên bà được tự do tái hôn. Nghe thế, công chúa trả lời: “Tâu bệ hạ, dù chồng tôi có vô tội hay không, anh ấy vẫn mãi mãi là chồng tôi”. Nói xong, nàng chìa cho nhà vua xem chiếc nhẫn trên đó có khắc hàng chữ “Sola mors” (chỉ sự chết mới có thể phân rẽ).
Công chúa đã sống với chồng 17 năm, chỉ sau khi nhà vua băng hà, hai người mới được trả tự do.
Chúa Giêsu tiếp tục giải thích tinh thần mới trong khi giữ luật. Hôm nay Ngài bàn đến luật hôn nhân và khiết tịnh.
Điều quan trọng nằm trong con tim chứ không phải nơi những thể hiện bên ngoài. Do đó phải giữ trọn con tim. Ngài minh chứng cho người mình đã cùng cam kết, và bất cứ sự gì có thể đẩy mình vi phạm cam kết đó thì phải ngăn chặn từ gốc rễ: một cái nhìn, một ước muốn.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Phải thừa nhận rằng thứ văn minh thời nay không được sạch. Khi đề cập quá nhiều đến giới tính, xem ra nó đề cao giới tính, nhưng thực chất là hạ thấp giới tính vì nó khiến người ta không còn tôn trọng giới tính nữa, coi đó là một thú vui, một nhu cầu mà mình có thể thỏa mãn một cách dễ dàng. Sống trong bầu khí thiếu trong sáng đó, không nhiều thì ít tôi cũng bị lây nhiễm. Hôm nay tôi phải tự kiểm: tôi có tôn trọng giới tính của tôi không? Tôi có tôn trọng những người khác phái không? Tôi có cương quyết dứt khoát với các cám dỗ không?
2. Ngoại tình là không chung tình. Bất cứ hình thức san sẻ nào, dù chỉ là một chút san sẻ, cũng là ngoại tình. Tôi đã hứa dành tình yêu của tôi cho ai? Tôi có san sẻ cho ai khác không? San sẻ như thế nào?
3. Muốn chung tình thì phải từ bỏ.
“Tôi vất bỏ những cám dỗ ma quái trong đời cùng với nét phù du của chúng. Tôi sẽ vút lên khỏi đỉnh núi cao. Tôi tự do! Tôi tự do! (Xác quyết)
4. Đức Hồng Y Roncalli (sau là Giáo Hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh nữ công tước mặc chiếc váy cực kỳ ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt cả bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói:
- Tôi không biết phải cám ơn ngài như thế nào. Nhờ đâu tôi được ưu ái như thế?
Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói:
- Sau khi Eva ăn quả táo, bà mới nhận ra là mình thiếu quần áo. (Góp nhặt)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến hai vấn đề rất quan trọng trong nếp sống gia đình: ngoại tình và ly dị. Đây là hai vấn đề rất thời sự của xã hội hôm nay.
1. Về vấn đề ngoại tình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm cho người nghe phải kinh ngạc. Theo Lời Chúa dạy thì tư tưởng cũng quan trọng như hành động. Chúa Giêsu dạy rằng, một người bị xét xử không chỉ vì những việc họ đã làm mà còn cả vì những ước muốn họ chưa thể hiện bằng hành động nữa. Như vậy, theo tiêu chuẩn của thế gian, một người không bao giờ phạm một điều cấm nào thì người đó là người tốt, còn theo tiêu chuẩn của Chúa Giêsu, thì chưa đủ. Theo Chúa, một người được coi là tốt khi người đó không những không làm mà ngay cả trong ước muốn người đó cũng không dám nữa. Đây là một ví dụ về tiêu chuẩn mới của Chúa Giêsu.
Luật pháp thiết định rằng: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm “ (Xh 20,14).
Các giáo sư Do Thái cho tội này trọng đến nỗi can phạm có thể bị án tử hình (Lv 20,10).
Còn Chúa Giêsu lại dạy rằng: chẳng những hành động tà dâm bị cấm mà cả tư tưởng tà dâm cũng là phạm tội trước mặt Thiên Chúa.
2. Vấn Đề Ly Dị
Ở đây, Chúa Giêsu muốn thắt chặt lại đời sống hôn nhân mà con người thường hay có thái độ buông lỏng. Trong Cựu Ước, luật Môisen đã cho làm tờ ly dị và trong xã hội hôm nay, ly dị hầu như đã trở thành một nạn dịch vì nó quá phổ biến. Lý do là vì người ta sống quá tự do. Lấy nhau quá dễ dàng thì bỏ nhau cũng dễ dàng.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời mời gọi người Kitô hữu phải chú ý đến việc giáo dục hôn nhân và gia đình kỹ càng hơn. Phải chú trọng đến đời sống đạo đức, nghĩ đến hạnh phúc kẻ khác cũng như của con cái hơn là sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn mình.
Một họa sĩ nọ, suốt đời mơ ước sẽ vẽ được một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi một vị giáo sĩ:
- Xin ngài cho con biết điều gì đẹp nhất trần gian ?
Vị giáo sĩ liền trả lời:
- Tôi nghĩ rằng: Điều đẹp nhất trần gian là niềm tin, bởi vì niềm tin nâng cao giá trị con người. Ông có thể tìm thấy niềm tin bất cứ nơi nhà thờ nào có những người họp nhau để cử hành và chia sẻ cơm bánh cho nhau.
Nhà nghệ sĩ chưa thỏa mãn, tiếp tục cuộc điều tra, ông đặt ra một câu hỏi tương tự với một cô dâu. Cô dâu trả lời:
- Tình yêu là điều đẹp nhất trần gian, bởi vì tình yêu làm cho đắng cay nên ngọt ngào, mang lại tiếng cười thay cho tiếng khóc, biến nghèo nàn thành giàu sang, làm cho điều bé nhỏ trở thành cao trọng. Cuộc sống sẽ nhàm chán nếu không có tình yêu.
Vẫn chưa thỏa mãn với điều mơ ước, nhà nghệ sĩ đến gặp một người lính chiến từ trận mạc trở về. Được vấn kiến, người lính chiến trả lời:
- Hòa bình là điều đẹp nhất trần gian, chiến tranh là điều bỉ ổi, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp.
Sau khi nghe những lời phát biểu trên đây, nhà họa sĩ tự hỏi ? Làm sao có thể vẽ lại một lúc: Niềm tin, Tình yêu và Hòa bình. Về đến nhà, ông nhận ra niềm tin nơi ánh mắt con cái. Tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính niềm tin nơi con cái và tình yêu nơi người vợ làm cho tâm hồn ông tràn ngập hạnh phúc và an bình. Nhà nghệ sĩ chợt hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là: Mái ấm gia đình.
Mái ấm là mái nhà che mưa che nắng, là bốn vách che kín không để gió lùa vào, là chiếc thảm trên sàn nhà giữ cho khỏi giá băng, nhưng mái ấm gia đình không chỉ có thế mà còn hơn thế nữa. Đó là tiếng cười của em bé, tiếng hát của bà mẹ, sức mạnh của người cha. Đó là hơi ấm của những con tim biết yêu, là sự ân cần, là lòng chung thủy, là tình bằng hữu …Mái ấm gia đình là ngôi trường và là thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ được học cho biết thế nào là điều ngay lẽ phải, thế nào là việc thiện, thế nào là lòng tử tế. Đó là nơi tuổi thơ tìm về khi đau khổ bệnh hoạn. Đó là nơi được chia sẻ niềm vui và xoa dịu buồn phiền. Đó là nơi cha mẹ được kính trọng và yêu thương. Đó là nơi những món ăn đơn sơ cũng trở thành cao lương mỹ vị, vì là giá trị của mồ hôi và nước mắt. Mái ấm gia đình là nơi được Thiên Chúa luôn chúc phúc.
Lạy Chúa, dù xiêu vẹo dột nát, xin cho căn hộ gia đình chúng con luôn là một mái ấm đứng vững với niềm tín thác vào tình yêu của Chúa và được xây đắp không ngừng bằng tình yêu thương giữa mọi người chúng con. Amen.