------------------------------------------ Giới răn trọng nhất. "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi".
Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?" Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".
Theo truyền thống hội đường Do-thái, Luật gồm 613 điều răn. 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?” (c. 36). Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema, kinh mà người Do-thái phải đọc mỗi ngày. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5). Và Ngài còn thêm một điều răn thứ hai nữa (c. 39). “Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18). Tất cả Luật Môsê nằm trong hai điều răn đó. Hai điều răn được gói trong một động từ yêu. Mọi điều cấm làm và mọi điều buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu. Các bạn trẻ thường nghĩ yêu là chuyện dễ. Nhưng yêu với tất cả trái tim, tất cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực, nghĩa là yêu với trọn cả con người mình, thì điều đó không dễ. Đối với người Do-thái, trái tim là nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần. Yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả trái tim của mình là để cho Ngài chi phối mọi tư tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm. Tất cả đều nhằm làm cho Ngài được mọi người nhận biết và tôn vinh. Yêu người thân cận như chính mình cũng là điều rất khó. Có bao người làm chúng ta đau khổ và bị xúc phạm. Yêu thương và tôn trọng họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ. Nhưng chúng ta cũng dễ coi mình là trung tâm và qui tất cả về mình. Chúng ta lạnh lùng trước nỗi đau, thiếu sẻ chia và độc đoán, đôi khi dùng tha nhân như phương tiện lót đường để ta tiến thân. Nói chung, dù yêu Chúa hay yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình, trao đi chính mình và chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi. Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến. Và Ngài đã hoàn thiện Luật này bằng cách đẩy yêu mến đến cùng. Kitô hữu chẳng những yêu mến Thiên Chúa với trọn con người mình, mà còn được mời yêu mến Đức Giêsu trên mọi thụ tạo khác, trên mọi của cải, trên những người ruột thịt, và trên cả mạng sống. Kitô hữu là người mang mối tình sâu đậm với Đức Giêsu, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20), đến nỗi họ có thể tuyên xưng như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.” Đức Giêsu cũng không chỉ đòi yêu tha nhân như chính mình. Ngài còn đòi ta phải yêu như Ngài đã yêu (Ga 13, 34-35). Một tình yêu tha thứ đến vô cùng, một tình yêu đối với cả kẻ thù, một tình yêu phục vụ như người tôi tớ, một tình yêu dám hiến mạng. Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu. Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em. Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa. Chỉ mong đời tôi đong đưa giữa hai tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu. Cầu nguyện
Con đã yêu Chúa quá muộn màng! Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ, con đã yêu Chúa quá muộn màng! Bấy giờ Chúa ở trong con mà con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài. Con thật hư hỏng, khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp. Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con mà con lại không ở với Chúa. Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa, trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa. Chúa đã gọi con, đã gọi to và phá tan sự điếc lác của con. Chúa đã soi sáng và xua đi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa hương thơm ngát để con được thưởng thức, và giờ đây hối hả quay về với Chúa. Con đã nếm thử Chúa và giờ đây con đói khát Người. Chúa đã chạm đến con, nên giờ đây con nóng lòng chạy đi tìm an bình nơi Chúa. (Thánh Âu Tinh) ----------------------------------
Người Do thái tôn sùng lề luật. Họ say mê lề luật. Họ tuyệt đối tin lề luật. Nên họ câu nệ lề luật. Vì thế họ bị lạc trong rừng lề luật. Không còn biết lối ra. Không biết đâu là luật chính đâu là luật phụ. Họ đi vào ngõ cụt. Đạo Do thái đi vào cái chết. Hôm nay Chúa Giê-su chỉ cho họ điều luật quan trọng nhất. Điều luật chính yếu. Tóm tắt tất cả lề luật. Đó là Mến Chúa Yêu Người. Chúa mở ra một con đường. Con đường tình yêu. Chúa mở ra sự sống. Tình yêu là lẽ sống. Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự sống. Ai ở trong Thiên Chúa là ở trong sự sống.
Bà Rút tuy là dân ngoại nhưng đã sống trong Chúa. Vì bà sống trong tình yêu. Chồng đã chết bà chẳng còn gì ràng buộc với gia đình nhà chồng. Bà đi theo mẹ chồng chỉ vì tình yêu. Thương bà mẹ già không ai đỡ đần. Nên tình nguyện đi theo mẹ và hợp nhất với mẹ: “Mẹ đi đâu, con đi đó. Mẹ ở đâu, con ở đó. Dân của mẹ là dân của con. Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”. Đúng là yêu nhau yêu cả đường đi. Vì thế bà xứng đáng được trở thành tổ phụ sinh ra vua Đa-vít. Là dòng dõi sinh ra Chúa Cứu Thế (năm lẻ).
Đó là đời sống theo Thần Khí chứ không theo xác thịt. Thần Khí ban sự sống. Đó là điều Ê-dê-ki-en được thấy trong thị kiến những bộ xương khô. Những người phản bội Thiên Chúa, sống theo xác thịt đã chết thành những bộ xương khô. Nhưng khi có Thần Khí lập tức những bộ xương khô mặc lấy da thịt. Xác chết sống lại. Thiên Chúa yêu thương phục hồi con người. Những ai yêu mến trong Thiên Chúa không còn là xác thịt. Nhưng là Thần Khí. Họ sẽ có sự sống (năm chẵn).
Lời Chúa hôm nay chất vấn chúng ta. Chúng ta giữ quá nhiều lề luật. Nhưng lại quên điều luật quan trọng nhất. Chúng ta sống theo lý trí quá nhiều. Nên quên mất tình yêu. Chúng ta lo làm những việc lớn lao. Nhưng không nhìn đến những người bé nhỏ nhất ngay bên cạnh chúng ta. Bà Rút không làm gì lớn lao. Bà đi mót lúa. Chỉ để nâng đỡ bà mẹ già. Chẳng phải một mệnh phụ phu nhân. Nhưng là một bà goá nghèo hèn. Đó là tình yêu.
Không có tình yêu ta chỉ là những bộ xương khô chết choc. Có tình yêu ta sẽ có da có thịt. Có sự sống. Sống cho bản thân. Sống cho những người chung quanh. Sống cho thế giới.
Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là "Sư máy". Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi đưa lên, một tay thì gõ mõ. Mỗi vị sư máy có thể cầu kinh không biết mỏi mệt, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.
Yêu thương là đặc điểm của con người. Thú vật có thể có cảm giác, nhưng đó không hẳn là yêu thương. Chỉ có con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực sự được mời gọi yêu thương mà thôi.
Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người. Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người. Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật. Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa. Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.
Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Ðạo. Ði Ðạo, sống Ðạo, giữ Ðạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: "Thiên Chúa là Tình Yêu", và ngài dẫn giải: "Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Ðấng nó không thấy".
Nguyện xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng được thanh luyện và gần gũi hơn với cốt lõi của Ðạo là Yêu Thương.
Những người theo phái Pharisiêu và phái Sađốc là hai nhóm người luôn đối nghịch với Chúa Giêsu vì Ngài đã nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng khiển trách thái độ kiêu căng tự mãn và đạo đức giả của họ. Trước đó, Chúa Giêsu đã tranh luận với nhóm người Sađốc về sự sống lại của những người chết; theo đó thì người Sađốc không tin có sự sống lại ở đời sau, họ cũng không tin vào sự bất diệt của linh hồn cũng như vào sự vĩnh cửu của Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu, qua sự khôn ngoan và tài hùng biện xuất chúng đã chứng minh về sự sống lại ở đời sau và sự bất tử của linh hồn khi Ngài bảo với họ: "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của những kẻ chết, mà là của kẻ sống" khiến họ phải im miệng. Thấy vậy, những người Pharisiêu thừa cơ hội này mà trách móc Chúa Giêsu với chủ ý tìm ra kẽ hở để buộc tội Ngài bằng cách hỏi Ngài các lề luật của Thiên Chúa, để xem Ngài có hiểu tường tận về lề luật hay không hay cũng chỉ lập lại với những giới răn của Thiên Chúa, bởi vì những người Pharisiêu luôn tự mãn cho rằng họ hiểu rõ lề luật và các tập tục lễ nghi tôn giáo của dân Do Thái. Họ đã bỏ ra nhiều năm trời để học hỏi sáu trăm mười ba điều răn trong Cựu Ước và vô số điều luật khác. Trước câu hỏi của người luật sĩ về điều răn nào lớn hơn hết, Chúa Giêsu đã không trích dẫn một điều răn nào trong Mười Ðiều Răn mà Thiên Chúa đã mạc khải với ngôn sứ Môsê trên núi Sinai, mà chỉ tóm lược tất cả trong một điều răn lớn nhất là điều răn yêu thương: "Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, và ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình".
Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu thay vì trích dẫn Mười Ðiều Răn trên núi Sinai, là một loạt những điều cấm đoán làm những việc tội lỗi với mục đích giữ dân Do Thái sống trong hồng ân của Ngài, thì Chúa Giêsu lại đưa ra một điều răn mới tích cực và có sức tác động hơn đó là yêu thương bằng với tất cả tâm hồn khiêm tốn. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy biết yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn vì Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng vũ trụ. Ngài là sự toàn thiện và cội nguồn của tình yêu. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại trước hết và tình yêu mến của chúng ta đối với Ngài là tất cả lời tích cực nhất về những hồng ân cao cả và lòng quảng đại bao la của Ngài. Tình yêu thương đối với những người thân cận vì thế cũng bắt rễ từ tình yêu Thiên Chúa.
Tất cả các giới răn của Chúa Giêsu trong toàn bộ Tân Ước cũng chỉ xoay quanh theo chiều hướng lòng yêu mến những người thân cận không thể nào tách rời khỏi tình yêu mến đối với Thiên Chúa, vì khi yêu mến người anh em là những người mà Thiên Chúa yêu thương có nghĩa là chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa; ngược lại, thù ghét người anh em là chúng ta thù ghét và đối nghịch lại với Thiên Chúa. Khi chúng ta thực sự yêu mến người anh em của mình, tức là chúng ta sống trong tình yêu mến của Thiên Chúa và như thế tình yêu của Thiên Chúa trở nên toàn thiện trong chúng ta.
Lời răn yêu thương trong Phúc Âm hôm nay giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa đích thực trong cuộc sống, đó là trở nên toàn thiện trong tình yêu thương và trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa. Ðây chính là lý tưởng sống cao cả của người tín hữu Kitô. Thêm vào đó, đức tin và lòng hy vọng vào tình yêu và lời hứa cứu rỗi của Chúa Giêsu là những động lực làm tăng trưởng tình yêu mến trong tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta luôn sống hiệp nhất với người anh em và với Thiên Chúa. Khi chúng ta càng hiểu biết về Thiên Chúa, thì chúng ta càng yêu mến Ngài nhiều hơn. Thiên Chúa thông qua hồng ân của Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta sự tự do đích thực để yêu thương như Ngài yêu thương, như thánh Phaolô tông đồ nói trong thư gửi tín hữu thành Rôma: "Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta".
Lạy Chúa,
Vì tình yêu của Chúa vượt lên trên hết mọi sự trên thế gian này, xin hãy đổ tràn tình yêu của Chúa vào trong con tim chúng con cũng như Chúa cho đức tin và lòng hy vọng trong chúng con thêm lớn mạnh. Xin dạy cho chúng con biết quảng đại hiến mình trong các công việc từ thiện và cho những người anh em khác như Chúa đã hy sinh vì chúng con.
Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Trời, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt. 22, 35. 36-39)
Mọi nỗ lực của con người đều khởi động từ cùng một nguồn gốc và hướng về một mục đích độc nhất là tình yêu. Con người không chỉ được dựng nên để vâng lời Thiên Chúa. Như vâng lời ông chủ, ông Chúa, nhưng con người còn được dựng nên để yêu mến Thiên Chúa như cha mẹ mình. Vâng lời chân thật khi yêu mến. Thiên Chúa không muốn có những kẻ nô lệ đầy sợ hãi, Ngài muốn có những người con tự do, tự nguyện. Tình yêu Thiên Chúa phải là trung tâm và nguồn mọi hiếu thảo.
Tình yêu của mọi người cũng phát xuất từ cùng nguồn mạch này. Mọi người đều có thể là người lân cận của tôi nhưng thực tế họ không cần thiết gần gũi tôi. Họ có lẽ ở rất xa, nhưng vẫn là đối tượng của tình yêu chân thật. Người lân cận là bất cứ ai được tôi liên hệ với họ một cách hữu hiệu và cụ thể. Tình yêu của môn đệ Đức Giêsu không có biên giới. Gương mẫu của họ là tình yêu Cha trên trời hằng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ lành người dữ, ban mưa xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương. Mọi tương quan với người khác phải theo luật đồng đều: đó là tình yêu tạo nên sức mạnh hấp dẫn và đưa lại mối tương quan chân thật giữa người với người.
Thái độ duy nhất.
Chỉ có một sự đáng kể đối với người môn đệ của Đức Giêsu là thái độ yêu mến thâm sâu. Thật dễ hiểu, theo bản văn này. Người ta không bao giờ bị bó buộc đi tìm một câu đáp bất định cho một trường hợp cụ thể, ý Thiên Chúa luôn được sáng tỏ nhất định bởi tình yêu lớn lao nhất.
Hai tình yêu?
Có hai hướng khác nhau về tình yêu chăng? Một hướng về Thiên Chúa, một hướng về người ta. Tình yêu khác nhau cho trường hợp này và cho trường hợp kia ư? Chúa chỉ cho chúng ta qua đời sống của Người: Đâu là tương quan giữa hai tình yêu này. Trong đời sống của Đức Giêsu, sự chu toàn thánh ý Thiên Chúa và tình yêu phục vụ mọi người được thể hiện duy nhất trong một thực thể độc nhất. Thực hiển nhiên vì tình yêu đối với loài người mà Chúa đã chu toàn công cuộc cứu độ, nhưng tình yêu này không hề tách rời khỏi tình yêu của Thiên Chúa, cũng chính là thánh ý của Thiên Chúa.
thứ Sáu tuần 3 MC, thứ Năm tuần 9 TN, Và thứ 2 tuần 27 TN.
Hôm nay thánh Mátthêu trình thuật việc Đức Giêsu và các môn đệ tiến vào thành Gêrusalem. Trên hành trình ấy, Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng khi họ hỏi Đức Giêsu về chuyện kẻ chết sống lại. Thấy vậy, nhóm Pharisêu vào cuộc bằng việc họp nhau lại và cử một người đại diện tiến đến nhằm thử Đức Giêsu để tìm cớ tố cáo Ngài, nhà luật sĩ hỏi Ngài: "Trong các điều răn, điều nào trọng nhất?" Đức Giêsu đáp: "Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi". Nhân đây, Đức Giêsu giúp họ nhớ lại một điều luật đã được nhắc đến trong sách Lêvi: “Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình”
Tại sao Ngài lại nhắc lại khoản luật đó?
Thưa, bởi vì những người Pharisêu, họ chỉ giữ Luật hình thức bên ngoài, mà bên trong thì hoàn toàn trống rỗng. Họ không yêu thương anh em mình cách thật lòng. Vì thế, chính việc giữ Luật của họ đã phá vỡ đi ý nghĩa, cốt lõi tinh thần của Luật.
Với Đức Giêsu, khi Ngài đến, sứ vụ của Ngài là kiện toàn Lề Luật và làm cho chúng trở nên trong sáng. Đồng thời, Ngài muốn cho các môn đệ, những người sống cùng thời và nhất là giới lãnh đạo... ngày càng sống đúng cốt lõi của Luật hơn. Tinh thần và nội dung của Luật chính là: “Mến Chúa và yêu người”. Vì thế, với Đức Giêsu, yêu thương anh em là tuân giữ Lời Ngài. Không yêu thương anh em là không tuân giữ Lời Ngài. Nói mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối. Thật vậy, nên đã có lần Đức Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau”.
Đây không chỉ là lời khuyên, mà còn là một lệnh truyền, một sứ mạng đòi buộc các môn đệ và tất cả chúng ta là những Kitô hữu phải thi hành.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: mến Chúa và yêu người phải là cốt lõi của Luật. Thiếu một trong hai thì chẳng những không giữ đúng tinh thần của Chúa mà còn có nguy cơ bóp méo Luật của Ngài và mặc cho nó sự bất nhân trong khi thi hành Luật.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mến yêu Luật Chúa và biết thi hành Luật Chúa cách trung thành. Amen.
Sứ điệp: Cốt lõi của giới luật là yêu thương. Yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi việc yêu thương tha nhân. Chúa mời gọi ta hãy tuân giữ lề luật vì tình yêu mến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người biệt phái thời xưa giữ lề luật thật cặn kẽ. Họ phân tích tỉ mỉ từng lề luật để tuân thủ. Nhưng Chúa chê trách họ giả hình. Chúa thấy rõ họ thích cầu nguyện ở nơi công cộng cốt để lãnh nhận tiếng khen, còn tâm hồn họ thiếu vắng lòng yêu mến Chúa. Họ mang Lời Chúa bên mình, nhưng cũng chỉ để phô trương. Họ tuân giữ ngày Sa-bát nhưng lại từ chối thực hiện việc bác ái yêu thương.
Hôm nay, Lời Chúa dạy con thật rõ: cốt lõi của lề luật là lòng yêu mến, chứ không chỉ giữ luật vì lề luật. Và con không thể tách rời việc yêu mến Chúa với việc yêu người.
Lạy Chúa, nhìn lại đời sống, con thấy mình vẫn còn những khuynh hướng sống đạo không phù hợp với Phúc Âm. Con đã lãnh nhận bí tích, đã đi dâng lễ chỉ vì luật buộc, hoặc vì sức ép của gia đình, vì sợ người khác chê bai, vì thói quen. Con tuân giữ lề luật vì nhiều lý do, nhưng lại thiếu điều cốt lõi cần thiết là lòng yêu mến.
Con cũng nhận thấy rằng nhiều khi con đã cố gắng yêu mến Chúa, nhưng lại coi nhẹ việc yêu thương người khác. Rất nhiều lúc lòng con trở nên hẹp hòi, khép kín, lạnh lùng chai đá. Con đã xúc phạm đến tha nhân, đã kết án nhau, đã bỏ rơi những người cần giúp đỡ, đã gây đau khổ cho người khác. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Xin ban cho con biết yêu người như yêu chính mình, yêu người như yêu Chúa, và yêu người như Chúa yêu. Amen.
Ghi nhớ: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”.
Vị linh mục trẻ người Pháp Cassaigne đến Sài Gòn năm 1926, được bài sai đi nhận thí điểm truyền giáo vùng Di Linh có trại phong. Ngài tiếp xúc với anh em dân tộc Thượng, học tiếng của họ, dạy học và chữa bệnh cho những người Thượng bị phong, đó là những công việc thường ngày của cha Cassaigne.
Ngày 24/2/1941, cha Cassaigne nhận được quyết định bổ nhiệm ngài làm người kế vị Đức cha Dumortier trong sứ vụ Giám mục Sài Gòn. Xa rời đàn con bất hạnh của ngài trong hơn 14 năm qua ngày đêm ngài hằng nhớ tới họ... và hình như ngài chỉ mong sao có ngày được đoàn tụ lại với họ.
Từ đầu năm 1947, sức khỏe của Đức cha Cassaigne xấu đi rõ rệt. Thêm vào đó là bệnh sốt rét cũ và chứng suy gan của ngài, sự giảm chất vôi cột sống rất đau đớn; và trên tất cả còn có một mối đe dọa khác: Năm 1943, người ta đã tìm thấy trong cơ thể của ngài có “vi trùng Hansen”.
Ngày 15/7/1955 Đức cha xin từ nhiệm và về hưu tại làng cùi Di Linh, tại đó ngài còn có thể phục vụ và tự chữa bệnh. Ngày 31/10/1973, ngài trút hơi thở cuối cùng giữa những con cái phong cùi của ngài như ngài đã ước nguyện. Ngài đã được mai táng bên cạnh ngôi nhà nguyện của người phong cùi, để họ có ngài ở với họ luôn mãi.
Lòng yêu mến Chúa là sức mạnh thôi thúc vị Giám mục Cassaigne hiến thân phục vụ anh chị em mình, dù là những người con bị bệnh cùi hủi.
Suy niệm
“Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:37-39). Đó là hai giới răn trọng nhất trong niềm tin được Đức Giêsu trích dẫn từ sách Đệ Nhị Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 trong 613 điều răn trong luật của Do Thái. Các thầy rabbi thường tranh luận với nhau về tầm mức quan trọng của mỗi luật để chia ra thành điều răn “lớn” và điều răn “nhỏ”. Đệ Nhị Luật 6,5 là điều răn căn bản và chính yếu của Do Thái giáo. Điều răn này luôn được dùng để mở đầu cho mỗi buổi lễ của người Do Thái, và đây cũng là luật đầu tiên các trẻ em Do Thái phải nhớ. Lòng kính yêu Thiên Chúa phải là hoàn toàn, bao gồm mọi suy xét, cảm kích và là động lực cho cuộc sống. Đức Giêsu liên kết hai điều răn này với nhau và Ngài đặt kính yêu Thiên Chúa trước tiên, sau đó là thương người. Sự liên hệ gắn bó giữa hai giới răn này: Tình yêu tha nhân càng sâu sắc khi chúng ta kính yêu Thiên Chúa.
Tình yêu với Đấng tối cao: “Hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…” là đưa cuộc sống ta theo sự dẫn dắt của Ngài. Với người Do Thái, tình yêu tha nhân được định hướng theo sách Lêvi 19,18 viết: “Ngươi phải yêu mến người lân cận như chính mình ngươi”. Nhãn quan Kitô giáo lại đặt tình yêu tha nhân vào địa vị trung tâm, then chốt chủ yếu trong sự gắn bó với Thiên Chúa: “Ai không yêu anh em mình là kẻ mình thấy, thì sẽ không yêu được Thiên Chúa, Ðấng mình chẳng thấy. Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta yêu mến con cái Chúa” (1Ga 4,20; 5,2). Tình yêu của Thiên Chúa là mô phạm cho các hành động yêu thương nhân loại: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” (Ga 13,34). Yêu thương nhau trong Chúa là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa: “Cứ dấu này mọi người sẽ nhận ra các con là môn đệ Thầy: Đó là tình yêu các con trao cho nhau” (Ga 13,35). Yêu Chúa và yêu người là hai giới răn gắn bó chặt chẽ với nhau đến nỗi thánh Gioan tông đồ tuyên bố yêu Chúa mà không yêu tha nhân là kẻ nói láo (x. 1Ga 4,20).
Chính Thiên Chúa khởi xướng việc tỏ tình thương: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11; x. Ml 2,10; 1Cr 8,11-13; 1Ga 3,16). Tình yêu khuyến khích hiến thân phục vụ (x. 1Tx 2,8; Cn 17,17; 2Cr 12,15; Gl 4,13; Pl 2,30; 4,10; 1Tx 1,9).
Như thế, tình yêu thường dành cho nhau, trong nhãn quan Kitô giáo, gắn chắc với tình yêu Thiên Chúa (x.1Ga 4,20; 5,2), với Lề Luật Thánh: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10; x. 1Pr 1,22; 2,17; 1Ga 3,23. 4,22; 2Ga 5; 1Tx 4,9; Dt 13,1; Gc 2,8).
Ý lực sống:
Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta yêu mến con cái Chúa (x. 1Ga 4,20; 5,2).
Người Do thái có quá nhiều luật, đến độ họ không hiểu khoản luật nào là cốt yếu. Vì thế họ đưa vấn đề ra để thử Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa Giêsu vừa gọn gàng, minh bạch, vừa súc tích. Chúa Giêsu vạch ra cho họ thấy cái mấu chốt, điều cốt lõi của lề luật, đồng thời Người nâng cao khoản luật “Yêu tha nhân” tiếp ngay sau luật “Kính Thiên Chúa”. Kính Chúa yêu người là hai giới răn phải luôn đi đôi với nhau, như thánh Gioan đã khẳng định: “Kẻ nói kính Chúa mà không yêu người là kẻ nói dối”.
Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là “Sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp đến gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi đưa lên một tay thì gõ mõ. Mỗi vị sư máy có thể cầu kinh không biết mỏi mệt, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.
Trong bài Tin mừng hôm nay, khi trả lời cho nhà thông luật, Chúa Giêsu cũng tóm lược giáo huấn yêu thương của Ngài: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Câu nói mà người thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu vừa là cái bẫy gài Ngài, vừa phản ánh tâm thức vụ hình thức của họ. Họ tuân giữ mọi lề luật, họ phân chia bậc thang giá trị của mỗi lề luật, họ đánh giá con người theo sự trung thành của người đó đối với lề luật, họ sẵn sàng hy sinh tất cả để trung thành với từng chi tiết của lề luật, thế nhưng họ lại không màng đến cái cốt lõi của lề luật là tình yêu thương.
Trả lời cho người thông luật, Chúa Giêsu nói: “Tất cả lề luật và lời các tiên tri đều qui về hai giới răn: mến Chúa và yêu người”. Điều đó có nghĩa là nếu loại bỏ tình thương ra khỏi lề luật, thì toàn bộ lâu đài của lề luật sẽ sụp đổ. Người thông luật và những Biệt phái hẳn phải ngạc nhiên về giáo huấn của Chúa Giêsu. Đối với họ, điều quan trọng là tuân giữ lề luật, chứ không phải sống theo tinh thần của lề luật là tình thương: họ sẵn sàng loại bỏ và khước từ tình thương đối với tha nhân để trung thành với lề luật, cụ thể là giữ ngày hưu lễ. Chúa Giêsu gọi giáo huấn của Ngài là một điều răn mới: mới vì Ngài đặt tình thương vào trọng tâm của lề luật, mới vì Ngài xem tình yêu đối với tha nhân như một thể hiện của lòng mến Chúa (Mỗi ngày một tin vui).
Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi của Đạo. Đi Đạo, sống Đạo, giữ Đạo, xét cho cùng chính là yêu thương, không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm tắt tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình yêu”, và ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Đấng nó không thấy”.
Trong thực hành, chúng ta không muốn đưa ra những câu định nghĩa trừu tượng về tình yêu Chúa và tha nhân, mà chỉ muốn đi vào thực hành trong cuộc sống.
Chúng ta có thể nhận định về câu nói của Đức cha Arthur Tonne: Yêu Chúa là gì? Yêu mến Chúa là “ao ước làm vui lòng Chúa”. Lệnh truyền của Chúa Kitô có thể đọc là: “Con hãy ao ước làm vui lòng Chúa”
Yêu tha nhân có nghĩa là “ao ước làm điều thiện hảo cho họ”. Chúng ta không thể “làm điều thiện hảo cho Chúa”, nhưng chúng ta có thể ao ước làm vui lòng Ngài. Chúng ta có thể và phải làm điều thiện hảo cho tha nhân. Một trong những cách tốt nhất để làm vui lòng Chúa là làm điều thiện hảo cho tha nhân. Đã có những lần Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng ai yêu mến Chúa thì tuân giữ giới răn của Ngài. Cách đây vài Chúa nhật, chúng ta đã thấy rằng giới răn của Chúa là bằng chứng tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Tuân giữ điều răn Chúa là bằng chứng tình yêu của chúng ta đối với Ngài (Gm. Arthur Tonne, Bài giảng Tin mừng, năm A, tr 130).
Truyện: Đi tìm chén thánh
Có một câu chuyện huyền thoại về “người Samaritanô tốt lành” có tên là Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh, mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong bữa Tiệc ly. Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra đi. Chàng tìm mãi chẳng thấy chén thánh đâu! Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa, sau cuộc hành trình tìm kiếm thật gian khổ.
Còn người cùi vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại trong cuộc đời. Ăn xong họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của người cùi đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giêsu và tô nước hoá nên chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.
Trả lời cho một luật sĩ hỏi “Giới răn nào trọng nhất?”, Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa và yêu người.
Đặc biệt, Ngài nói “Giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất”, và “Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.
B.... nẩy mầm.
1. Những luật sĩ do thái rất thuộc luật và giữ luật rất kỹ, nhưng họ không biết đến cốt lõi của mọi khoản luật là yêu thương. Có thể chúng ta cũng thế: hằng ngày chăm chỉ giữ luật Giáo Hội và luật cộng đoàn, nhưng không có tình mến Chúa và yêu người. Nếu thế thì tất cả đều vô ích.
2. Có người nói yêu người khó hơn mến Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu đã coi giới răn thứ hai cũng bằng giới răn thứ nhất.
3. “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không tể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Ngài: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21)
4. Có một tác giả tưởng tượng câu chuyện sau:
Trên đường đi đến miền đất Chúa hứa, Abraham dựng một cái lều để nghỉ chân. Vừa ra khỏi lều, ngài thấy một người hành khất xin giúp đỡ. Động lòng thương, ngài mời người đó vào và làm tiệc thiết đãi. Trước khi ăn tiệc, ngài mời người hành khất cùng dâng lời chúc tụng cảm tạ Chúa. Nhưng vừa nghe thấy tiếng “Chúa”, người ăn mày liền nói lộng ngôn xúc phạm đến Chúa. Abraham nổi giận đuổi người đó ra khỏi lều. Đêm đó, khi Abraham quì cầu nguyện, ngài nghe có tiếng Chúa nói như sau: “Này Abraham, ngươi có biết người ăn mày đó đã nhục mạ Ta 50 năm qua không? Thế mà mỗi ngày Ta vẫn ban lương thực cho nó. Ngươi không yêu thương cho nó một bữa ăn sao?”.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải là một người cha yêu thương mọi con cái, ngay cả những đứa con bất hiếu ngỗ nghịch. Đồng thời Ngài mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha trên trời, nghĩa là yêu thương mọi người không loại trừ người nào. Đó là tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu: Ngài đến để nói với con người rằng Thiên Chúa yêu thương con người và con người cũng hãy yêu thương nhau. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. “Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu thương lân cận như chính mình” (Mt 22,39)
Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu được giao phó trông coi một chị nữ tu lớn tuổi. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn, Têrêxa phải dìu chị đi xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ cho Têrêxa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêxa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì thánh nữ yêu mến Chúa; và vì tình yêu Chúa, thánh nữ yêu mến người nữ tu đáng thương này.
Tình yêu đối với Chúa phải được tỏ hiện qua dấu hiệu bên ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta phải chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết yêu thương tha nhân, nhất là những người thân, sống trong gia đình chúng con. (Hosanna).
1. Trả lời cho một số luật sĩ hỏi “Giới răn nào là trọng nhất?”, Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa và yêu người.
Đặc biệt, Ngài nói “Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”, và “Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó” (Mt 22,39).
Những luật sĩ Do Thái rất thuộc luật và giữ luật rất kỹ, nhưng họ không biết đến cốt lõi của những khoản luật đã được ban bố: Đó là tình yêu.
Có người nói yêu người khó hơn mến Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã coi giới răn thứ hai cũng ngang hàng với giới răn thứ nhất.
Thánh Gioan quả quyết: “Nếu ai nói tôi yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn chúng ta đã nhận được từ Ngài: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).
Mùa đông vừa qua đi, tuyết tan làm cho con sông Inn ở Thụy Sĩ dâng cao, mực nước tràn sang hai bờ, gây ra nạn lụt tàn phá dữ dội các ngôi làng quanh đó.
Các tổ chức từ thiện ngay sau đó đã đứng ra lạc quyên cứu trợ. Có một nhóm lạc quyên khi đi ngang qua nhà một gia đình bà góa nọ, đứng lại ngoài cửa rồi ngần ngại bảo nhau:
- Thôi, chúng ta sang quyên góp nhà khác, gia đình này vốn đã quá nghèo rồi.
Thế nhưng, bà góa ở trong nhà thoáng nghe biết, đã vội chạy ra, giữ đoàn quyên góp lại, lần mãi trong chiếc ví cũ rách để đưa cho họ một đồng 20 xu. Bà nói một cách chân thành:
- Xin quí vị cho tôi được đóng góp chút ít, vì dẫu sao tôi cũng còn có được một mái nhà tranh, còn có giường gỗ cho các con tôi nằm trong khi những người bị nạn lụt thì chẳng còn gì cả.
Nhóm đi lạc quyên xúc động, nhận đồng 20 xu, trân trọng bỏ vào thùng, và không quên cám ơn bà. Họ vừa định quay gót thì một bé gái trong nhà vội chạy theo và nói:
- Các bác ơi, chị em chúng cháu vừa tìm ra thêm một đồng 10 xu để dành đã lâu, các bác cho chúng cháu gởi tặng những bạn nhỏ xấu số của chúng cháu nhé.
Mọi người không cầm được nước mắt trước tấm lòng giàu tình nhân ái của cả một gia đình nghèo
2. “Còn một điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy là: phải yêu thương người lân cận như chính mình” (Mt 22,39).
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được mẹ bề trên giao cho một chị nữ tu lớn tuổi để chị trông coi chăm sóc. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn, Têrêsa phải dìu chị xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ để cho Têrêsa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêsa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì lòng yêu mến Chúa; và vì tình yêu Chúa, thánh nữ yêu mến nữ tu đáng thương này.
Tình yêu đối với Thiên Chúa phải được tỏ hiện ra bên ngoài đó là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không phải chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông nữa.
Để kết thúc tôi xin đọc lại lá thư của Đức Giáo Hòang Gioan XXIII hồi Ngài còn là một thầy Đại chủng sinh gửi về cho gia đình:
Đại chủng viện Rôma, ngày 16 tháng giêng năm 1901.
“Trọng kính thăm ba má, bác hai, cậu và anh chị. Khi thư này đến nhà, chắc cả nhà đang sốt sắng dự tuần đại phúc mở tại họ đạo; và con mong rằng tất cả đã sốt sắng lo việc phần hồn, xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu.
Con không cầu cho gia đình được giàu sang, chỉ xin cho mọi người trở nên Kitô hữu tốt, sống nghèo khó, bằng an, phó thác trong tay Chúa quan phòng.
Con lấy làm vinh dự được sống trong cảnh nghèo của gia đình mình, không bánh mì, chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến thịt, có chăng là đôi ba dịp trong năm. Lễ giáng sinh thì được một thẻo bánh, má tự làm. Tuy nhiều dù có đến gần 20 đứa lớn bé đang chờ chực dĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, má vẫn mời họ ngồi vào bàn chia bữa ăn với chúng con...
Xin ba má tha cho những kẻ đã và đang làm hại gia đình mình. Biết đâu trước mặt Chúa, họ tốt hơn mình...
Chúa muốn con làm linh mục không vì giàu sang. Nếu thế thì thật là khốn nạn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo.
Con: Angelo.
Đó là bức thư thầy Angelo Roncalli sau này là Giáo Hoàng Gioan XXIII gửi thăm ba má.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin hãy nhắc cho con nhớ rằng chúng con đều là con cái Chúa đừng để con quên Lời Chúa: “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là chúng con làm cho chính Ta.”