Thường Niên Tuần 21/2023 – Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

Thứ năm - 31/08/2023 10:46
Thường Niên Tuần 21/2023 – Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
Thường Niên Tuần 21/2023 – Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
Thường Niên Tuần 21/2023 – Thứ Sáu
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
----------------------------------
Mục Lục:

Lời Chúa: Mt 25, 1-13. 1
Suy niệm 1: Vừa mang đèn, vừa mang dầu. 2
Suy niệm 2: Dầu đèn và cơ hội 3
Suy niệm 3: Tích cực sống đức tin. 5
Suy niệm 4: Ánh lửa huy hoàng. 5
Suy niệm 5: Nhìn xa trông rõ. 7
Suy niệm 6: Sẵn sàng đón đợi Chúa. 8
Suy niệm 7: Dự tiệc cưới Nước Trời 9
Suy niệm 8: Hãy nuôi trong lòng ý nghĩ yêu thương, tinh thần sẻ chia. 10
Suy niệm 9: Dụ ngôn mười cô trinh nữ. 12
Suy niệm 10: Sẵn sàng như đèn đầy dầu. 14
Suy niệm 11: Tỉnh thức đón chờ Đức Kitô. 16

------------------------------------------
Chờ đợi Chúa Giêsu.
"Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người".

 

Lời Chúa: Mt 25, 1-13


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: "Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả". Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: "E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn". Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Nhưng người đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi". Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào".

----------------------------------

 

Suy niệm 1: Vừa mang đèn, vừa mang dầu


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chẳng ai nghĩ đi ăn sinh nhật là để chết.
Chẳng ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật của mình.
Vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký tại Bình Dương hồi cuối tháng 5/2011 vừa qua
nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết.
Cái chết đến khi mọi người đang vui vẻ chúc mừng nhau
trong bữa tiệc mừng sinh nhật của cháu bé 3 tuổi.
16 người chết vì bị kẹt lại trong chiếc tàu du lịch bị mưa to gió lớn đánh chìm.
Vụ cháy ở nhà hàng Hoàng Hôn đường Ðiện Biên Phủ (tháng 10/1996),
nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết.
Cái chết đến khi mọi người đang say ngủ,
lúc 3 giờ sáng ngày 17-10, sau bữa tiệc sinh nhật.
Chín người chết vì không thể ra khỏi căn nhà bốc cháy.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ,
như chú rể đến lúc nửa đêm.
Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan,
hân hoan ra đón chú rể, tay cầm đèn thắp sáng.
Thật ra năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự.
Chắc họ đã lo trang điểm cho mình.
Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn.
Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu giữa đêm khuya.
Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới.
Nhưng muộn quá!
“Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”
Chẳng nên đổ lỗi cho chú rể đến chậm,
khiến đèn của mình hết dầu.
Chẳng nên trách móc các cô khôn ngoan,
vì họ cần có đủ dầu để thắp sáng cho tiệc cưới giữa đêm khuya.
Chỉ nên nhận mình đã chểnh mảng,
không mang dầu dự trữ.
Có đèn. Không đủ!
Ðèn cần phẳi sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ.
Như thế cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng.
Mang danh là Kitô hữu. Không đủ!
Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ!
Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa.
Ðòi hỏi lớn nhất là yêu thương.
Trong Hội Thánh, vẫn có những cô khôn và cô dại,
có những người đèn đã hết dầu từ lâu...
Cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình.
Cần nuôi dưỡng nó bằng thứ dầu của tình yêu bao dung,
của niềm hy vọng vững vàng, của niềm tin sắt đá.
Cần châm thêm dầu mỗi ngày...
Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Tỉnh thức không phải là không ngủ...
Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ.
Tỉnh thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa,
nhưng là để Lời Chúa chi phối mình suốt ngày.
Chẳng ai biết lúc nào tận thế.
Chẳng ai biết giờ chết của mình.
Chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu,
trong biến cố nào, nơi con người nào.
Chính vì thế phải tỉnh thức luôn, cả trong giấc ngủ.
Người ta biết mình bắt đầu tỉnh thức,
khi nhận ra mình đã mê muội.
 
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
 
--------------------------

 

Suy niệm 2: Dầu đèn và cơ hội


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Hạnh phúc Nước Trời được Chúa Giê-su diễn tả bằng một hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng: cầm đèn đón rước chàng rể. Bóng đêm làm cho đám rước tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng. Bóng đêm làm cho đèn càng sáng hơn, giá trị hơn. Nhưng bóng đêm tạo nên bất hạnh cho người không có đèn hay có đèn mà đèn không sáng. Hai yếu tố quan trọng trong cuộc đón rước là dầu và cơ hội.

Đám rước ban đêm cần có đèn. Đèn cần có dầu để sáng. Vì đêm quá dài nên phải chuẩn bị dầu cho đủ. Nếu đèn là ánh sáng đức tin thì dầu chính là việc làm biểu lộ đức tin. Thánh Gia-cô-bê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Nếu đèn là ánh sáng thánh thiện thì dầu là cuộc sống trong sạch, không vương ô uế. Thánh Phaolo trong thư 1 Tét-xa-lô-ni-ca cho rằng đó là sống đẹp lòng Thiên Chúa. Mà “ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh”. Và ngài cắt nghĩa nên thánh là sống trong sạch, “xa lánh gian dâm… không buông theo đam mê dục vọng” (năm lẻ).

Việc sống trong sạch, không chiều theo đam mê dục vọng, có thể bị người đời cho là khờ dại, và người thời nay cho là không chấp nhận được. Đó thật là đóng đinh vào thập giá, là sự điên rồ. Nhưng “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (năm chẵn).

Cơ hội gặp Chúa chỉ có một lần trong đời. Ngàn năm có một. Cơ hội đã qua không bao giờ trở lại. Đó là lý do khiến ta không bao giờ được lơ là trong việc tỉnh thức chờ đợi và không bao giờ quên sắp sẵn dầu trong bình. Chính vì thế thánh Phao-lô tuy khen ngợi dân Tét-xa-lô-ni-ca sống tốt, nhưng vẫn nhắc nhở họ phải phấn đấu hơn: “Anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa”.

Cơ hội chỉ có một lần trong đời vì thế phải hết sức cảnh giác và tăng cường ngày càng tỉnh thức hơn. Cơ hội qua đi không bao giờ trở lại. Trong chớp mắt số phận phân đôi. Kẻ nắm được cơ hội đi vào hạnh phúc. Kẻ lỡ cơ hội suốt đời khóc lóc. Nhưng khi ta biết thì đã quá muộn. Cửa thiên đàng đã đóng lại thì người lỡ cơ hội chỉ còn đi trong bóng đêm.

Tôi có chuẩn bị dầu đầy đủ. Và có quyết tâm không lỡ cơ hội?

--------------------------

 

Suy niệm 3: Tích cực sống đức tin


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ðời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Ðợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quí chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.

Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.

Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Ðèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, dù chàng rể có đến chậm.

Những chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được; mỗi Kitô hữu cần đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.

Xin Chúa mở rộng đôi mắt chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.

--------------------------

 

Suy niệm 4: Ánh lửa huy hoàng


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thầy Rabbi dạy các học trò của mình phải luôn nhớ rằng mỗi một điều xảy ra đều có thể dạy cho chúng ta đôi điều gì đó. Một học trò hỏi lại:

- Thưa thầy, một chuyến xe lửa đi qua thì có thể dạy chúng ta điều gì?

Thầy bảo:

- Nó dạy ta rằng chỉ trong một phút giây, chúng ta có thể sẽ đánh mất tất cả.

Kinh nghiệm của thầy Rabbi có thể giúp chúng ta hiểu Lời Chúa hôm nay hơn. Có thể nói chỉ vì một chút thiếu cảnh giác vì ngủ quên hay vì không mang dầu mà các cô dại khờ đã không gặp được chàng rể. Hệ quả là các cô đã bị loại trừ vĩnh viễn. Ngày nay, mỗi chúng ta là những trinh nữ đương thời, đang trông chờ chàng rể là Chúa Giêsu đến lần thứ hai trong cuộc giáng lâm vinh hiển của Người. Trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm vào giờ phút cuối cùng của lịch sử, mỗi người đồ đệ được Chúa viếng thăm hàng ngày trong Lời Chúa, trong các bí tích và trong những biến cố, sự kiện, xảy ra trong cuộc sống thường nhật. Thử hỏi, chúng ta có đủ tỉnh thức, sẵn sàng để nhận ra những lần Chúa viếng thăm này không?

Kinh nghiệm của thầy Rabbi là mỗi một điều xảy ra đều có thể dạy chúng ta đôi điều gì đó và chúng ta có thể sẽ đánh mất tất cả. Chỉ trong một phút giây cũng dạy cho chúng ta bài học khôn ngoan để luôn tỉnh thức và sẵn sàng như các trinh nữ khôn ngoan trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe.

Mỗi giây phút trong cuộc đời ta đều có tính quyết định cho cả cuộc đời.

Hãy sẵn sàng có nghĩa là mỗi giây phút sống và là giây phút chúng ta sống tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất, bình an nhất, trọn vẹn nhất, tưởng chừng như đó là phút giây cuối cùng của ta trên cuộc đời lữ hành trần thế, là giây phút chàng rể đến, giây phút chúng ta chờ đợi đã đến, giây phút chúng ta được gặp Ðấng là nguồn ánh sáng. Chúng ta sẽ hưởng hạnh phúc viên mãn khi chúng ta đem ánh lửa của mình hòa nhập vào nguồn ánh sáng để nó được bừng lên trong ánh sáng huy hoàng.

Vì thế, chúng ta hãy tích cực cộng tác với ơn Chúa, hãy giữ lấy ngọn lửa đã được thắp lên trong lòng chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí tích thánh tẩy, để cho lòng chúng ta lúc nào cũng bừng cháy lên ngọn lửa hy vọng được gặp Chúa Kitô, chàng rể. Khi chúng ta chắc rằng chúng ta luôn đầy tràn dầu của tình yêu và nhiệt thành, chính ngọn lửa ấy sẽ soi rọi mọi nẻo đường chúng ta đi. Dầu của tình yêu và nhiệt thành sẽ làm cho ngọn lửa hy vọng được tỏ rạng giúp chúng ta nhận ra ý định của Thiên Chúa nơi thế giới quanh ta và ngay cả những gì thuộc về mình. Trong một tầm nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ đọc được những dấu chỉ của thời đại, chúng ta có thể thức tỉnh khi lòng chúng ta luôn sẵn sàng để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta qua những dấu chỉ đó và chúng ta sẵn sàng đáp trả ở mức độ trọn vẹn nhất.

Ước gì chúng ta đừng để cho mỗi một giây phút nào qua đi mà không giúp chúng ta nghe rõ tiếng của chàng rể, là Ðấng mà ta hằng mong đợi và là niềm hạnh phúc viên tròn của cuộc đời ta. Chúng ta hãy gặp Người trong từng phút giây của cuộc đời ta, rồi giây phút trọng đại diện đối diện ấy cũng sẽ đến, đó là lúc chúng ta đã sẵn sàng được theo chàng rể vào dự tiệc cưới.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con luôn nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống. Xin ban cho chúng con ân sủng, sức mạnh và lòng nhiệt thành để mỗi giây phút sống là mỗi giây phút chúng con kết hiệp thân tình với Chúa và sống trọn vẹn cho anh chị em.

--------------------------

 

Suy niệm 5: Nhìn xa trông rõ


Đức Giêsu nói: “Bấy giờ Nước Trời cũng giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn các cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.” (Mt. 25, 1-4)

Kết thúc bài giảng trên núi, Chúa đã so sánh hai hạng người một khờ dại, một khôn ngoan. Kẻ khờ dại đã xây nhà trên cát, kẻ khôn ngoan xây nhà trên đá. Trong dụ ngôn này, chúng ta thấy sự đối nghịch giữa khờ dại. Những kẻ khôn ngoan thì nghe lời Tin Mừng và đem ra thực hành. Những kẻ khờ dại nghe Tin Mừng mà không sống theo.

Dàn cảnh.

Những cô trinh nữ theo cô dâu ra đón chàng rể và các cô đưa dâu về tới nhà chàng rể để dự tiệc cưới.

Điều đáng chú ý trong câu chuyện dụ ngôn kể hoàn toàn hợp lý, không tìm thấy một chi tiết nhỏ nào bị thay đổi. Nhưng bản văn tin mừng nhấn mạnh hơn đến ánh sáng đức tin. Mỗi Kitô hữu đều biết rõ ai là chàng rể, những ai là cô khờ dại hay cô khôn ngoan, đám cưới có ý nghĩa gì và cổng đóng lại tượng trưng cho sự khủng khiếp nào.

Hình ảnh và sự thực.

Trong những dụ ngôn này của Đức Giêsu luôn luôn nhắc đi nhắc lại điều này: dầu đầy bình, áo cưới khi dự tiệc cưới, xây nhà trên đá đều làm nổi bật một đời sống độc nhất đó là đời sống đức tin sẽ được Đấng phán xét đón nhận.

Chúa còn muốn dạy chúng ta một bài học khác nữa: đó là chúng ta tự do làm điều ta muốn, và không phải Chúa từ chối, chính chúng ta không sẵn sàng tiếp nhận Ngài hoặc tiếp nhận Ngài, nhưng đòi Ngài phải theo điều kiện mình, phải theo tính nông cạn của chúng ta. Có khi ta sẵn sàng đi theo một bước nào đó, trong đường lối của Chúa, nhưng chúng ta lại không chấp nhận đi đến cùng đường với Ngài! như vậy, chúng ta đều là kẻ khờ dại. Bao giờ chúng ta là những kẻ khôn ngoan.

JM

 ----------------------------------

 

Suy niệm 6: Sẵn sàng đón đợi Chúa


Là con người, ai cũng phải chết, đây là quy luật sinh tử của kiếp người. Tuy nhiên, không ai trên trần gian này biết trước giờ chết của mình. Ý thức được như vậy, chúng ta sẽ dễ hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu kể dụ ngôn: “Mười trinh nữ”.

Toàn cảnh dụ ngôn là câu chuyện tiệc cưới. Tuy nhiên, ngang qua đó, Đức Giêsu muốn nói đến cuộc giáng lâm lần thứ hai của Ngài trong ngày cánh chung.

Vị hôn phu chính là Đức Kitô. Mười cô trinh nữ tượng trưng cho Giáo Hội. Hành vi ra đón chàng rể là hình ảnh ngày chết của mỗi người.

Chàng rể chậm trễ một phần muốn nói lên sự bất ngờ, phần khác muốn nói đến sự kiên trung, nhẫn nại và sẵn sàng mà mỗi người cần có...

Đèn còn dầu và hết dầu nơi các cô trinh nữ nói lên sự sẵn sàng, tỉnh thức, hối cải, nhạy bén hay không!

Được đưa vào phòng tiệc là hình ảnh được cứu độ.

Cửa đóng lại muốn nói lên sự quyết liệt, dứt khoát trong ngày chung thẩm.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn dạy cho người đương thời và mỗi người chúng ta bài học về tinh thần trách nhiệm trong đức tin và tự do. Đồng thời, nhắc cho chúng ta về sự tỉnh thức, sẵn sàng để đón đợi Chúa bằng những việc bác ái, hy sinh, tha thứ, yêu thương... như năm cô khôn có dầu dự trữ mang theo. Không ai trên trần gian này có hai cuộc sống cũng như hai cái chết! Vì thế, phải sẵn sàng.

Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay làm cho mỗi người chúng ta suy nghĩ đến cái chết của mình để chuẩn bị cho xứng đáng. Bởi vì biết suy nghĩ đến cái chết hằng ngày là người khôn ngoan.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết kiên trì, trung thành và bền đỗ đến cùng trên hành trình tin và theo Chúa. Xin cho chúng con biết chuẩn bị chu đáo cho ngày chết của mình, để Chúa đến với chúng con bất cứ lúc nào, chúng con sẵn sàng ra đi đón Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

----------------------------------

 

Suy niệm 7: Dự tiệc cưới Nước Trời


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Được mời gọi vào dự tiệc cưới Nước Trời, cần phải tỉnh thức và chuẩn bị bằng cả đời sống của ta. Nước Trời chỉ dành cho những ai biết sẵn sàng và chuẩn bị chu đáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua hình ảnh tiệc cưới, Chúa cho con hiểu tình yêu nhiệm mầu của Chúa. Ai trong chúng con cũng đều được Chúa mời tham dự bữa tiệc trọng đại đó. Phần con, con sẽ được đón nhận hay bị từ chối là tùy ở con có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi đó hay không.

Và khi đã được mời, con còn phải chuẩn bị sẵn sàng để vào dự yến tiệc. Năm trinh nữ khôn ngoan với dầu đèn đầy đủ, sẵn sàng, đã theo chú rể vào dự tiệc cưới. Con hiểu rằng dầu đèn ở đây là đức tin và lòng mến Chúa, là sự hy sinh quên mình, là trung tín trong việc bổn phận, là lòng bác ái vị tha. Xin giúp con chuẩn bị dầu đèn của đời con luôn cháy sáng để con được vào dự Tiệc Thánh trong Nước Chúa.

Năm trinh nữ dại khờ mất phần dự tiệc vì tính lơ đãng, vì dầu đèn không đủ cho cuộc đón rước trọng đại này. Con sẽ bị từ chối vào dự tiệc trong Nước Chúa nếu cuộc sống hôm nay của con chỉ là sống cho mình, việc đạo đức không có chiều sâu, không đủ sức giúp con tránh xa dịp tội, và thiếu ngọn lửa mến Chúa yêu người. Nhưng may mắn bội phần cho con, vì năm trinh nữ dại khờ kia không còn cơ may nào để chuẩn bị. Còn con, thời giờ và cảnh đời của con vẫn còn đó. Chúa còn cho con cơ hội để gom góp hy sinh, lặp lại những cố gắng và làm cháy lên ngọn lửa đức tin, đức ái đến trót cuộc đời con.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn thức tỉnh và cậy trông. Amen.

Ghi nhớ: “Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người”.

 ----------------------------------

 

Suy niệm 8: Hãy nuôi trong lòng ý nghĩ yêu thương, tinh thần sẻ chia


(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

“Dưới cái nắng 12 giờ trưa, tôi hối hả đi bộ từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ra Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Trên đường, một cô bé chừng 16 - 17 tuổi kéo tôi lại với bịch tăm tre nhỏ xíu và nói: “Đây là sản phẩm của các em khuyết tật trường Chu Văn An, mời chị mua ủng hộ”. Chẳng cần suy nghĩ, tôi khoát tay từ chối và vội bước đi, tự nhủ: “Mình lạ gì mấy trò này nữa, chủ yếu là xin tiền chứ mua bán gì”. Tôi đã không ít lần bị lừa ở phòng trọ, cũng như được bạn bè cảnh báo về mấy người “giả mạo” này.

Nhưng, tôi cũng cố ngoái lại nhìn xem cô bé đó còn ở đó không? Nắng giữa trưa, tôi bịt hai lớp khăn che mặt vẫn còn thấy rát, vậy mà cô bé tiếp tục đứng đầu trần và mời một bạn sinh viên khác và người ấy đã mua. Tôi thấy mình xấu hổ. Tôi nhớ thầy tôi từng nói: “Biết có thể bị lừa vì những người giả bộ bị móc túi, lỡ đường để xin tiền nhưng thầy vẫn cho. Biết đâu gặp người cần giúp đỡ, có vậy lòng mình mới thanh thản…”. Tôi định quay lại mua cho cô bé bịch tăm nhưng lại ngại, đành tiếp tục đi, lòng suy nghĩ bứt rứt. Chắc cô bé là học sinh tình nguyện hay đang là tình nguyện viên cho mái trường ấy.

Vậy mà tôi vô cảm... (Theo Tuổi Trẻ Online).

Suy niệm

Người phú hộ không làm gì sai trái, không vi phạm đức công bằng: Ông không gian tham của ai, không trộm cắp của người và không bớt xén tiền bạc của tha nhân. Với Ladarô khốn khó, ông đâu có khinh miệt và sai gia nhân xua đuổi nhưng tội của ông là không quan tâm, hững hờ trước tình trạng bi đát của Ladarô, người nghèo khó và bệnh tật bên hiên nhà mà chính ông gặp hàng ngày. Trong khi người phú hộ áo ấm, dư thừa “ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19), còn Ladarô “thèm được những mảnh vụn trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no” (Lc 16,21). Ladarô không chỉ đói vì thiếu cơm bánh mà còn đau đớn hơn khi anh thiếu tình thương của đồng loại. Chẳng ai quan tâm đến anh “chỉ có bầy chó đến liếm láp”. Người phú hộ không có tội gì khác, chỉ có tội hững hờ vô cảm trước tha nhân và sống chỉ cho riêng mình. Tội của ông ta là dửng dưng, coi như không có sự hiện diện của Ladarô thống khổ đang cần sự giúp đỡ.

Ngôn sứ Amos đã tuyên sấm trước hậu quả với những người phú quý giàu sang rằng vì họ xưa kia đã được sung sướng no đầy nên nay phải bị lưu đày (Am 6,1a.4-7): “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari” (Am 6,1a). Ăn uống no nê nhưng lại hững hờ với sự đau đớn của dân tộc: “Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ!” (Am 6,6). Cho nên, hậu quả là họ lãnh nhận kiếp vong quốc lưu đày: “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày” (Am 6,7). Lời tuyên sấm này được làm trọn vẹn nơi giáo huấn của Đức Kitô qua dụ ngôn người phú hộ sang trọng và Ladarô nghèo khó: Kẻ hững hờ trước nỗi đau của anh em sẽ như số phận người phú hộ: Sự giàu sang mà vô cảm với anh em đã trở nên khốn khổ trong ngày sau (x. Lc 16,23).

Với hình ảnh của người phú hộ, sứ điệp Tin Mừng chuyển tải đến tôi và bạn: Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với tha nhân. Khi mắt tôi và bạn không để ‎ý sự đau khổ, tâm hồn chúng ta không chút xót thương đến những số phận đen đủi, lòng trắc ẩn không hề rung động trước cảnh bi đát của anh em đồng loại sẽ tạo nên hố sâu ngăn cách giữa người và người như sự ngăn cách giữa người phú hộ và Ladarô rộng lớn đến nỗi không thể qua được, dù sống sát bên nhau hàng ngày. Chính vì không thể qua bức ngăn trong cuộc sống hàng ngày, cả cuộc sống mai sau cũng ngăn cách sâu thẳm (x. Lc 16,26).

Hãy nuôi trong lòng mình ý nghĩ “yêu thương” tinh thần sẻ chia. Trong tình thương không bao giờ tồn tại sự so đo, tính toán: Yêu thương hết mình, chia sẻ hết tình khi người anh em tôi có nhu cầu cần đến bàn tay tôi giúp đỡ. Hãy để con tim luôn sẵn sàng: Chia nụ cười, sẽ nhận về vô số niềm vui… Chia vòng tay, sẽ nhận về mênh mông ấm áp… Chia quan tâm - sẽ nhận về bao la yêu thương… Chia yêu thương, sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc…

“... Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ ” (Nhã Nam, Cuộc đời có bao điều mà…, Nxb Trẻ 2009), mong con tim tôi và bạn mang nhịp đập yêu thương, luôn nhạy cảm với nỗi đau của người anh em!

Ý lực sống

“Chúa là Ðấng trả lại quyền lợi cho người bị ức,

và ban cho những người đói được cơm ăn”. (Tv 146,7).

 ----------------------------------

 

Suy niệm 9: Dụ ngôn mười cô trinh nữ


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Nước Thiên Chúa được ví như bữa tiệc cưới, mà trong đó chỉ những ai có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng, mới có cơ hội được chú rể là Đức Giêsu dẫn vào đồng bàn với Người trong vương quốc vĩnh cửu. Hình ảnh năm cô khôn và năm cô khờ cùng cầm đèn đi đón chàng rể, nhưng khác nhau ở chỗ là cô khôn mang đèn mang thêm dầu, còn cô dại thì mang đèn không dầu, là hình ảnh tiêu biểu của hai kiểu sống đạo của chúng ta hôm nay. Chúng ta cùng chung đức tin (là cùng tin có Chúa và Chúa sẽ đến) như ai cũng mang theo đèn, nhưng khác nhau ở chỗ có thực hành đời sống đức tin hay không, hay là tin nơi đầu môi chót lưỡi, còn cuộc sống thì vô thần, tựa như cái đèn rỗng ruột, không còn tỏa sáng mà đã tắt ngấm tối thui từ khi nào.

Chúng ta có thể hiểu qua dụ ngôn này: Chàng rể đặc biệt chính là Chúa Kitô, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời vào dự tiệc cưới Nước trời, dầu và đèn là các điều kiện cần có để tham dự tiệc cưới. Mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại. Đó là hình ảnh con người, có người khôn, có người dại. Khôn hay dại là căn cứ vào thái độ họ có biết sẵn sàng hay không.

Năm cô khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ, nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền ngơi nghỉ.

Chúng ta cũng thấy Đức Phật dạy các môn đệ mình: “Phải trấn tĩnh cho tâm thanh tịnh để mà giác thức”. Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có một tâm trạng an tĩnh để mà suy xét mọi điều, bởi vì có rất nhiều mối bận tâm, lo toan, tính toán đang xâm chiếm tâm trí ta hằng ngày. Trong câu chuyện Tin mừng hôm nay, đang khi các trinh nữ ngủ thiếp đi, thì có tiếng hô to: “Chú rể kia rồi, ra đón đi”. Thế nhưng trong số mười cô chờ đợi chàng rể, chỉ có năm cô đem đủ dầu mà thôi. Năm cô này được gọi là “những người khôn ngoan”, vì họ đã biết lo liệu, tính toán trước sự việc.

Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy luôn sống với thái độ sẵn sàng, vì Người có thể đến bất cứ ngày nào, giờ nào. Như năm cô khôn ngoan đã chuẩn bị đầy đủ dầu, chúng ta hôm nay cũng được mời gọi chuẩn bị tâm hồn đón Chúa bằng đời sống đức tin, đức ái và đầy công phúc.

Trong bài Tin mừng này có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp, thế mà lại không chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không? Thưa, nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời, nên nó không có nghĩa là ích kỷ. Bởi vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi, thì không ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Anh bạn tôi chết, tôi thương anh ta lắm, nhưng tôi không thể chia cho anh những công lao phúc đức của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san sẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội lỗi của anh (Giải thích của Lm. Carôlô).

Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời, bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết, để bao bọc săn sóc con mình; một người chờ đợi bạn đến thăm, bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ (Mỗi ngày một tin vui).

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về giờ của từng cá nhân mình phải ra trước toà Chúa. Đó là lúc được phân định dứt khoát và vĩnh viễn, nên không còn cơ hội để lựa chọn về phần rỗi của mình nữa. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, bởi sự lỡ làng trong công ăn việc làm chúng ta có thể bắt đầu lại và có thể sửa chữa được. Nhưng sự lỡ làng trong giờ cuối cùng của cuộc đời sẽ không còn cơ hội để làm lại và lúc đó sẽ hư mất đời đời.

Truyện: Thái độ của mỗi người

“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ sống đúng một ngày nữa thôi?” Đó chính là câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường, và có kết quả:

20% được hỏi liền trả lời: Chúng tôi sẽ dùng thời giờ còn lại, để uống say sưa, hút ma tuý, để vui chơi cho thoả thích. Cuối cùng một nữ sinh 18 tuổi trả lời rằng: Tôi sẽ dùng thời gian còn lại, để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng, để gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ.

 ----------------------------------

 

Suy niệm 10: Sẵn sàng như đèn đầy dầu


(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Dụ ngôn một cô phù dâu tiếp tục dạy về sự tỉnh thức:

- Kitô hữu tỉnh thức là để đón chờ Đức Kitô (chàng rễ) đến.

- Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng nào Đức Kitô đến.

- Tỉnh thức là lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng (như đèn đầy đủ dầu).

- Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.

B.... nẩy mầm.

1. 5 cô khôn ngoan cũng ngủ như 5 cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền ngơi nghỉ.

2. Cách sống của 5 cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu hay tới đó”, là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.

3. Dầu mà tôi phải luôn chuẩn bị đầy đủ cho cây đèn linh hồn tôi là những gì?

4. Trong bài Tin Mừng này có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp thế mà lại không chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không? Thưa nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời nên nó không có nghĩa là ích kỷ. Bời vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi thì không ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Anh bạn tôi chết, tôi thương anh tôi lắm nhưng tôi không thể chia cho anh những công lao phúc đức của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san xẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội lỗi của anh.

Bởi vậy, mỗi người tự gánh tránh nhiệm về cuộc đời mình, tu thân tích đức thì mình nhờ, chuốc lấy tội lỗi thì mình chịu.

5. Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ. ("Mỗi ngày một tin vui")

6. “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13)

“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ còn sống đúng một ngày nữa thôi?” Đó là chính câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường và có kết quả:

20% được hỏi liền trả lời: “Chúng tôi sẽ dùng thời gian còn lại để uống say sưa, hút ma túy và vui chơi cho thoả thích”.

Cuối cùng có một nữ sinh 18 tuổi trả lời: “Tôi sẽ dành thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng để đến gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ”.

Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày gần đây. Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho giờ đó? Hay chúng ta chỉ mãi sống trong nếp sống cũ? Hãy canh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi ta.

Lạy Chúa Giêsu, bao giờ Chúa đến gọi con, hôm nay hay ngày mai? mùa thu hay mùa xuân? Xin Chúa giúp con để con luôn tỉnh thức chờ ngày đó. (Hosanna)

----------------------------------

 

Suy niệm 11: Tỉnh thức đón chờ Đức Kitô


(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Dụ ngôn mười cô phù dâu dạy chúng ta về sự tỉnh thức:

1. Kitô hữu tỉnh thức là để đón chờ Đức Kitô (= chàng rể) đến.

Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng nào Đức Kitô xuất hiện.

Tỉnh thức là lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng (như đèn đầy đủ dầu).

Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.

5 cô khôn ngoan cũng ngủ như 5 cô khờ dại, thế mà vẫn được coi là có thái dộ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị những thứ sẵn sàng cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Mà tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền được nghỉ ngơi.

Cách sống của 5 cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu hay tới đó”, đó là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.

Nước Hy Lạp có vị vua tên là Philipphê thân sinh ra Alexandre…

Một hôm, sự chết đã tìm đến với ông. Ông không muốn đi với nó, nhưng nó không cho phép ông từ chối. Đến lúc đó ông nghĩ đến những vinh hoa phú quý trên đời. Tới lúc này ông mới thấy chúng chỉ là hư không. Đời người thật ngắn ngủi. Ông cho gọi người nhà đến mà trăn trối rằng: “Sau khi tôi chết đi, hãy khoét hai cái lỗ ở hai bên quan tài. Rồi khi để tôi vào đó, hãy để cho hai bàn tay của tôi xỏ qua hai lỗ đó mà chìa ra ngoài, rồi đưa quan tài tôi đi vòng qua các đường phố để thức tỉnh và kêu gọi mọi người để họ biết rằng, tôi đã tay trắng mà đến trần thế này, rồi cũng trắng tay mà ra đi. Tất cả những vinh hoa phú quý, hoàng cung mỹ nữ, vàng bạc châu báu, danh thơm tiếng tốt, một chút nhỏ cũng không mang theo được”.

2. Bên cạnh 5 cô khờ dại thì dụ ngôn cho chúng ta thấy có 5 cô khôn. Khôn như thế nào thì dụ ngôn đã cho chúng ta thấy một phần. Đó là họ sống một cuộc sống với một tinh thần trách nhiệm cao, luôn làm tròn bổn phận được trao phó cho mình, sống với những giây phút hiện tại cho thật xứng đáng. Đó là cách sống khôn ngoan nhất. Trong cuốn “Chí khí người thanh niên” người ta đọc được những dòng chữ này:

“Dĩ vãng đã qua, tương lai chưa tới,

Hiện tại là lúc bạn đang làm chủ.

Phút hiện tại ấy thuộc về bạn, bạn hãy dùng cho hết.

Làm điều có đức sẽ được thưởng, làm điều ác phải chịu phạt.

Đó là tất cả những cái gì làm sống lại”.

Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là ông thánh nhỏ.

Ngày nọ, đang lúc ông đang bắt tay vào rửa chén dĩa, thì một thiên thần hiện ra và nói:

- Thiên Chúa sai ta đến là để báo cho ngươi là giờ ngươi lìa đời đã đến.

Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời:

- Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?

Nghe nói xong, thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ thiên thần.

Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, thiên thần hiện ra. Như đoán trước ý nghĩ của thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:

- Đây ngài xem, cỏ dại mọc đầy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không.

Cũng như lần trước, thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.

Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì thiên thần hiện ra; lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào. Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin sai thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài

Lời cầu nguyện vừa dứt, thiên thần Chúa hiện đến; vị tu sĩ mừng rỡ:

- Lần này, nếu thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc.

Thiên thần nhìn tu sĩ với tất cả âu yếm và nói:

- Này ông thánh nhỏ ơi! Sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu vậy?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn chu toàn bổn phận hằng ngày trong tất cả mọi việc Chúa gửi tới như một người đầy tớ trung thành. Amen.

----------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây