Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa". Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Thiên Chúa của Do Thái giáo là Thiên Chúa gần gũi với con người. Thiên Chúa của Ítraen có thể trừng phạt dân vì sự bất trung của họ, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa giàu lòng tha thứ. Khi đọc bài đọc 1 của ngôn sứ Isaia, chúng ta ngạc nhiên khi thấy một Thiên Chúa tỉ mỉ quan tâm đến hạnh phúc của con người. Ngài nghe và đáp lại tiếng dân kêu than, khóc lóc (c. 19). Ngài dạy dỗ và chỉ đường cho người lưỡng lự phân vân (c. 21). Nhưng hơn nữa, Ngài còn để ý đến đời sống vật chất của dân chúng. Ngài làm cho mưa thuận gió hòa, cho khe suối róc rách vì có dòng nước chảy. Nhờ đó hạt giống được gieo trở thành lương thực, súc vật chăn nuôi được gặm cỏ thỏa thuê, bò cầy ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối (cc. 23-24). Con người có đủ bánh ăn và nước uống trong lúc ngặt nghèo. Qua cuộc sống của mình, Đức Giêsu cũng muốn cho ta thấy một Thiên Chúa nhân từ bằng xương bằng thịt, một Thiên Chúa bị thu hút bởi con người, mê say phục vụ con người. Không rõ trong sứ vụ công khai, trong gần ba năm rong ruổi, Đức Giêsu đã đi bộ bao nhiêu cây số của xứ Paléttin, đôi chân dẻo dai của Ngài đã đến với bao nhiêu làng mạc, thành phố. đôi tay của Ngài đã chạm đến bao nhiêu thương tích của nhân gian. Chỉ biết trái tim của Ngài là trái tim bằng thịt, cứ nhói đau và chạnh thương trước bể khổ của phận người. Bệnh tật thân xác là gánh nặng kéo con người xuống. Đức Giêsu đã trở nên như vị lương y đối diện với đủ thứ bệnh tật. Mù lòa, câm điếc, bất toại, phong hủi đều được Ngài chữa lành, thậm chí Ngài còn hoàn sinh kẻ chết. Ma quỷ cũng là một mãnh lực làm con người mất tự do. Khử trừ ma quỷ và thần ô uế, là dấu cho thấy Nước Trời đã đến. Mọi sự Đức Giêsu đã làm thì Ngài sai các môn đệ tiếp tục (cc. 6-8). Hôm nay chúng ta cũng được sai để tiếp tục việc của Ngài ngày xưa: loan báo Tin Mừng Nước Trời, chữa lành thế giới khỏi mọi bệnh tật, giải phóng con người khỏi những xích xiềng mới do chính họ tạo nên, và loại trừ thần ô uế ra khỏi mọi nơi con người sinh sống. Công việc này thật bao la, vì không giới hạn trong mảnh đất Paléttin nhỏ hẹp. Công việc này không dễ, vì ta phải đối diện với sức đề kháng mạnh mẽ của ác thần. Nhưng với quyền năng Chúa ban, chúng ta tin mình sẽ thắng (c. 1). Lễ Giáng Sinh là lễ mừng ơn cứu độ cho con người. Chúng ta được mời nhìn thế giới hôm nay bằng cái nhìn của Giêsu, yêu thế giới bơ vơ hôm nay bằng trái tim của Giêsu, đến với thế giới xa xôi hôm nay bằng đôi chân của Giêsu. Ước gì tay chúng ta chạm đến người nghèo, người yếu đau, sa ngã. Và ước gì chúng ta cho không những gì đã nhận được nhưng không. Cầu nguyện:
Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin; vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống; vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống; vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong ... Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha. Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con. -------------------------------
Thời lưu đày dân chúng sống trong đau khổ: đói khát, nhục nhã. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Thấp cổ bé miệng chẳng ai lắng nghe. Nhưng Isaia loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến giải phóng dân Người. Sẽ lắng nghe tiếng kêu than. Sẽ ban đủ cơm bánh. Sẽ hướng dẫn sự thật. Thiên Chúa yêu thương đầy tế nhị. Người còn cho mưa để hạt giống mọc lên. Cho súc vật béo tốt. Băng bó vết thương. Chữa lành bệnh tật. Cho cả mặt trời mặt trăng sáng hơn gấp bảy lần. Đúng là yêu nhau yêu cả đường đi.
Tình yêu tế nhị đó được Matthêu gọi đúng tên là Chạnh Lòng Thương. Vâng đến thời Chúa Giêsu thì ta được thấy rõ Thiên Chúa có trái tim nhân loại. Trái tim đó biết thổn thức bồi hồi xúc động. Trái tim đó biết quặn lên đau đớn. Vì trái tim đó đặt mình vào hoàn cảnh của tha nhân. Đau nỗi đau của họ. Buồn nỗi buồn của họ. Khổ nỗi khổ của họ.
Vì để lòng mình gần với lòng mọi người. Nên Chúa đã ra tay cứu giúp. Một cứu giúp có kế hoạch lâu dài. Chúa tuyển chọn và sai các tông đồ ra đi tiếp tục công việc Chạnh Lòng Thương của Chúa.
Nhân loại ngày nay không khác gì thời Isaia. Con người bị lưu đầy, xa cách Thiên Chúa bởi biết bao lý thuyết độc hại. Con người bị áp bức rên xiết chẳng ai nghe. Con người bị nô lệ cho thú tính. Bị giam cầm trong nhu cầu, trong dục vọng, trong hưởng thụ. Con người đang bị thương tích. Xã hội bị thương tích vì những ngăn cách giầu nghèo. Gia đình bị thương tích vì biết bao đổ vỡ. Con người bị thương tích vì những lỗi lầm tự gây ra cho mình. Con người rất cần Lòng Thương Xót của Chúa.
Chúa sai chúng ta vào trong thế giới hôm nay để rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa. Lòng Thương Xót sẽ đưa con người trở lại với Thiên Chúa. Lòng Thương Xót sẽ giải phóng con người. Lòng Thương Xót sẽ chữa lành những vết thương. Lòng Thương Xót sẽ phục hồi nhân phẩm. Lòng Thương Xót sẽ đem đến cho các vấn để của thế giới này một giải pháp tối ưu và rốt ráo.
Sống mùa Vọng chính là rèn luyện một trái tim biết thương xót. Lạy Chúa, xin tạo cho con một trái tim biết Thương Xót.
Chú ý đến những thái độ trên của Chúa Giêsu, chúng ta có thể khám phá ra những sự thật hữu ích cho cuộc đời theo Chúa của mỗi người, nhất là của những ai dấn bước theo Chúa, cách đặc biệt hơn là những kẻ "Tận Hiến" cuộc đời làm chứng cho Chúa. Dung mạo tinh thần xung quanh và trước mặt Chúa Giêsu thời Ngài cũng như của thời đại chúng ta hôm nay được Chúa mô tả như lầm than, vất vả, bơ vơ như đàn chiên không có người chăn dắt, bị lạc mất lý tưởng sống, đang tự tranh đấu để sống còn.
Trong đoạn này những điểm tiêu cực nhiều hơn là tích cực, như bơ vơ, lạc lõng, đã bỏ mất hay không biết gì đến giá trị nhân bản Kitô. Ðó là đoàn người của một xã hội bị trần tục hóa trầm trọng của ngày hôm nay. Diễn phác môi trường như thế, Chúa Giêsu không có chút trách móc, khinh thị, tránh né mà nhìn đó như một lời mời gọi dấn thân yêu thương, đó là mùa lúa chín một cơ hội ngàn vàng để biểu lộ tình yêu thương đối với anh chị em.
Sự nhỏ mọn tầm thường nơi tâm hồn có thể làm cho chúng ta có một thái độ tranh chấp, khinh thị, rút lui, nhưng đó không phải là thái độ của chính Chúa Giêsu khi Ngài nhìn thấy đoàn người khủng hoảng tinh thần như đoàn chiên không người chăn dắt, vả lại Chúa Giêsu đã yêu thương họ. Ðây không phải là một sự chạnh lòng thương, không phải là một tâm tình thương hại, tôi nghiệp chóng qua nhưng là một tình thương sâu thẳm từ đáy tâm hồn của Chúa Giêsu.
Qua đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy tâm hồn Chúa Giêsu tràn đầy tình thương khi nhìn thấy nhu cầu dân chúng đang bị lạc hướng như đàn chiên không người chăn dắt. Tâm hồn Ngài xúc động tận trong thâm tâm, vì Ngài tràn đầy tình thương đối với họ, Ðó là bí quyết của đời sống Tông đồ của mọi đồ đệ theo Chúa. Ðược Chúa mời gọi làm chứng nhân của tình thương cho tình thương thì những sự dữ, những tiêu cực của môi trường chúng ta sinh sống ngày nay là những cơ hội ngàn vàng để chúng ta sống tình thương mà Chúa đã ban tặng cho các đồ đệ của Ngài.
Tư tưởng thứ hai mà bài Phúc Âm gợi lên cho chúng ta là những hành động của Chúa Giêsu: Chúa gọi các Tông đồ, ban cho họ quyền hành như Chúa, trừ các tà thần, giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho sự dữ, cho ma quỉ, chữa lành các bệnh tật, thăng tiến cuộc sống con người. Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng bằng các chỉ thị, mặc dù đây mới chỉ là sai các ngài đi thử nghiệm lúc ban đầu. Cuộc sai đi chính thức sau này sẽ được thực hiện khi Chúa đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài sau biến cố Phục Sinh.
Những hành động của Chúa phát đi từ tình thương của Ngài đối với con người. Nhìn công việc của người khác chúng ta có thể nói trọn vẹn sứ mạng của Giáo Hội, mọi thành phần của Giáo Hội, mọi thành phần đích thực của Chúa đều phát sinh từ tình yêu Thần Linh hiện diện nơi con tim phàm trần. Người đồ đệ của Chúa cần phải được thanh luyện, cần phải được biến đổi, được thay thế quả tim xác thịt bằng một quả tim mới tràn đầy tình yêu thương thần thiêng. Toàn thể cơ cấu Giáo Hội trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương thần thiêng này. Chính nơi đây, chúng ta được hiểu thêm hay hiểu lại câu nói của thánh Phaolô Tông đồ viết về bí quyết đời sống Tông đồ của ngài: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".
Chúa Giêsu thấy đám đông liền chạnh lòng thương. Tâm hồn Ngài tràn ngập tình thương, Ngài xúc động tận thâm tâm trước nhu cầu của dân chúng đang bị lạc hướng như đoàn chiên không người chăn dắt. Ngài lên tiếng mời gọi các Tông đồ, những con người tầm thường hãy theo Ngài, hãy để Ngài biến đổi thành những chứng nhân tình yêu. Thái độ đáp trả duy nhất của mỗi người chúng ta là để cho tình yêu thần thiêng Chúa biến đổi và thôi thúc chúng ta hành động: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".
Trong khiêm tốn và trong thinh lặng của Ðức Tin, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, hãy bắt chước cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này: "Thầy đến để mang lửa yêu thương đến trần gian và Thầy không có mong ước nào khác hơn là cho lửa ấy cháy lên, tỏa sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng cho con người". Hãy khiêm tốn lắng nghe và hãy để cho tình yêu Chúa biến đổi và thôi thúc.
Lạy Chúa, xin đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con và biến đổi chúng con thành những chứng nhân cho tình yêu Chúa, chứng nhân kiên trung trong Ðức Tin sống động qua đức Bác Ái. Amen.
Vào thời Trung cổ, một số tín hữu giàu có muốn sống theo tinh thần của thánh Benado đã từ bỏ mọi tiện nghi và ngay cả ngôi thánh đường ấm cúng của họ để đến cư ngụ trên một đỉnh núi cao. Mục đích của họ là để cảm thông với những khách bộ hành lạc lối giữa núi rừng, nhất là vào mùa đông tuyết rơi. Những tín hữu này quyết định ngày đêm túc trực ở đó để kịp thời cứu vớt những ai kêu cứu. Để làm việc đó, họ đã huấn luyện một đàn chó đi tìm người lạc lối, đưa về nhà Dòng để được tận tình săn sóc.
Sự cảm thông không chỉ là một cảm xúc trong tâm hồn, mà còn là đến gần để lắng nghe, chia sẻ, trao ban. Thiên Chúa là Đấng cảm thông đích thực: Ngài không thể hiện sự cảm thông duy chỉ bằng cái nhìn từ trời cao, nhưng Ngài đã hoá thân làm người, chia sẻ hoàn toàn kiếp sống khốn cùng của con người. Tin mừng hôm nay nói lên sự cảm thông của Thiên Chúa bằng câu: “Ngài động lòng xót thương họ”. Chúa Giêsu quả thực chính là Trái tim của Thiên Chúa, một Trái tim không những rung động trước nỗi khốn khổ của con người, mà còn đến ở bên con người.
Chúa Giêsu xuất hiện như một tôn sư. Nhưng trong khi các bậc thầy khác qui tự một số môn sinh trong một ngôi trường hoặc chỉ giảng dạy tại cổng thành, thì Chúa Giêsu đã ra đi khắp nơi, chiêu mộ môn sinh để họ cùng đi với Ngài tìm đến những người bị bỏ rơi nhất trong xã hội.
Qua cung cách thể hiện sự cảm thông ấy, Chúa Giêsu phác hoạ ra mẫu người truyền giáo đích thực: ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân.
Chúa Giêsu đã đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Ngài đã phục vụ bằng một tình yêu vừa bao la, vừa cụ thể, đến với từng con người trong từng nỗi đau của họ để băng bó, xoa dịu.
Ước gì sự đồng hành cảm thông của Chúa Giêsu cũng hiện thực hoá trong cuộc sống mỗi Kitô hữu, để mọi người chung quanh nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với họ.
Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa các bệnh hoạn tật nguyền (Mt. 10,1)
Không ai không biết câu châm ngôn này: “Một ông thánh buồn là điều đáng buồn”. Lời Chúa trong tất cả các trang Tin mừng mời gọi chúng ta sống vui mừng sâu thẳm và trở nên nhân chứng Tin mừng của Đức Giêsu.
Đức Giêsu trao phó cho các môn đệ một sứ điệp không hề có một chút bất hạnh nào. Người làm cho họ nên những người ban phát sự sống và mời gọi họ đi loan báo Tin mừng nước trời, kèm theo những dấu chỉ: Những dấu chỉ vui mừng chiến thắng buồn sầu, sự sống chiến thắng sự chết, hạnh phúc của Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi: “Các con hãy đi chữa lành các bệnh nhân, phục sinh những kẻ chết, thanh tẩy những kẻ phong cùi”.
Niềm vui người tông đồ của Đức Kitô còn hơn cảm tính vui mừng tâm lý con người. Niềm vui đó bắt nguồn sâu xa trong sự gặp gỡ sống động với tình yêu Thiên Chúa. Ai cảm thấy được yêu mãnh liệt bởi Đức Chúa Cha và được sống đổi mới bởi Chúa Thánh Thần thì không thể bị lôi cuốn lâu trong buồn sầu. Dù có bị chôn vùi trong những hố sâu nguy khó, họ sẽ nhận ra Đấng đầy quyền năng phá tan đen tối (Is. 30, 20 và 26). Môn đệ quyết tâm nhận lãnh sứ mệnh đưa Tin mừng tình yêu vô hạn cho những kẻ đang tìm ngụp lặn trong những thú vui tạm bợ giữa lòng thế giới chồng chất buồn sầu lai láng. Mỗi cá nhân và tập thể chúng ta phải biết gieo những mầm sống và hy vọng của Tin mừng. Cùng nhau và chính mình chúng ta phải tìm mọi cách xua đuổi những thế lực sự dữ còn đang hiện diện trong thế giới chúng ta. Tìm mọi cách trao ban hương vị tự do cho những ai đã quàng vào cổ mình ách nô lệ, tìm mọi cách rao giảng Đức Giêsu Kitô cho kẻ không nhận biết Người là Chúa sự sống của họ, là Chúa các ngày lễ. Nếu chúng ta quyết tâm hợp tác vào công cuộc cứu độ thế giới, thì chúng ta phải là những sứ giả mang Tin mừng có sức biến đổi bộ mặt trái đất này.
Lời mời gọi truyền giáo là đề tài xuyên suốt của Đức Giêsu trong hành trình sứ vụ của Ngài. Từng lời nói, hành động đều làm toát lên đặc tính này.
Hôm nay, một lần nữa Đức Giêsu quan sát và thấy dân chúng lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt và Ngài đã chạnh lòng thương đám đông này.
Thực ra thì dân chúng có người lãnh đạo, nhưng điều thua thiệt cho họ là họ lại bị sống dưới sự thống lãnh của những kẻ độc tài, kiêu ngạo, hình thức, dối trá là những Luật Sĩ và Pharisiêu. Vì thế, họ bị những người này dẫn đi sai đường trật lối, bởi vì người đang dẫn dắt họ chính là những mục tử dởm.
Chính vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã sống hoàn toàn khác với những người lãnh đạo thời bấy giờ, để làm hiện lên dung mạo một vị Mục Tử nhân lành, biết từng con chiên của mình, để con nào ốm đau, Ngài chữa trị; con nào gãy chân, què tay, Ngài băng bó; con nào đi lạc, Ngài đi tìm ... , nói chung, Ngài đã ”ngửi thấy mùi của từng con chiên” để yêu thương chúng xứng với nhân phẩn của từng con.
Hôm nay, Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu một lần nữa thi hành sứ vụ Mục Tử của mình khi ”chạnh lòng thương” để chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và giải thoát họ khỏi những sự kiềm chế của tội lỗi.
Kế đó, Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ ra đi thi hành cùng một sứ vụ như Ngài và đồng thời trao ban cho các ông những quyền năng cần thiết để hỗ trợ việc rao giảng như khả năng chữa bệnh, trừ quỷ, khuất phục thiên nhiên. ... Tuy nhiên, vì Ngài biết rõ sự nguy hại của kẻ kiêu ngạo, nên không quên nhắc các ông: ”Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có thái độ như Đức Giêsu là phải có tình yêu thương, trách nhiệm và hết lòng phục vụ con người cách vô vị lợi, không tìm lợi lộc, danh vọng thấp hèn cho mình, nhưng tất cả để cho danh Cha được cả sáng và Nước Cha mau ngự trị.
Có thế, Mùa Vọng mới thực sự là Mùa của tình thương, sự tha thứ, bao dung. Được như thế, chúng ta sẽ có những món quà trân quý để dâng lên cho Chúa Hài Đồng trong dịp lễ Giáng Sinh sắp tới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được trở nên người môn đệ đích thực nhờ học và noi theo gương Chúa đã làm. Xin cho anh chị em giới trẻ biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa để ra đi và làm môn đệ cho Chúa. Amen.
Sứ điệp: Trái tim Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót trước những khổ đau bệnh tật của con người. Chúa tỏ lộ tình thương cứu độ bằng cách rao giảng Tin mừng và chữa lành mọi bệnh tật.
Cầu nguyện: Chúa ơi, trên thế giới này, có ai mà chẳng có lúc ốm đau bệnh tật. Có ai mà không bao giờ đau khổ. Bước chân ra khỏi nhà, con gặp ngay một người tàn tật ăn xin, áo quần rách nát. Trên đường đi, bên vỉa hè, ngoài phố chợ, trong bệnh viện, nơi gia đình, lạy Chúa, bao nhiêu kẻ bệnh hoạn tật nguyền: có những kẻ la lối than thân trách phận, lắm người rên rỉ chịu đựng bất đắc dĩ.
Con biết Chúa thương chúng con đau khổ. Trái Tim của Chúa giàu lòng thương xót luôn chia sẻ với bệnh tật của chúng con. Con xin Chúa cho các bệnh nhân và mọi người đau khổ được nhận ra Tin mừng lớn lao này là: chính họ đang được Chúa yêu thương, chính Chúa đang âm thầm cứu vớt nâng đỡ họ qua bàn tay ân cần của những người chung quanh họ, và chính Chúa đang ban sức mạnh để họ can đảm và vui tươi đón nhận gánh nặng bệnh tật. Và hơn nữa, xin cho họ hiểu rằng chính những đau khổ bệnh tật là cơ hội cho họ thông phần vào Thánh giá cứu độ của Chúa. Và như vậy cuộc sống họ dường như là tàn phế, là đồ bỏ đi, nhưng thực ra lại là sự cộng tác lớn lao để chống đỡ, thanh luyện và đền tội cho thế giới tội lỗi này. Hội Thánh luôn tìm thấy nơi họ một nguồn trợ lực và sức mạnh thiêng liêng cho hoạt động tông đồ của mình.
Con xin Chúa biểu lộ quyền năng và tình thương cứu độ họ. Và con cũng xin Chúa cho con biết góp phần mình để xoa dịu những nỗi đau thương của anh chị em con. Amen.
Ghi nhớ: ”Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”.
1. Đức Giêsu đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem bình an cho thân xác và tâm hồn con người. Ngài đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin Mừng. Mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về”.
2. Trong năm thứ nhất đời công khai, Đức Giêsu đã đi rao giảng nhiều nơi. Đi đến đâu Người cũng thấy dân chúng ở vào trường hợp đáng thương, vì họ bị những người lãnh đạo bắt giữ những luật khắt khe, và không dẫn họ đến hạnh phúc đích thực. Vì thế Đức Giêsu động lòng thương họ và gọi thêm các cộng sự viên để cùng với Người chăm sóc dân chúng trong công việc truyền giáo.
3. Đức Giêsu thi hành sứ vụ cứu thế bằng cách đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Người thi hành sứ vụ cứu thế như vậy là để trung thành với thánh ý của Chúa Cha và đồng thời trở nên gương mẫu cho các Tông đồ, và cho những người làm việc tông đồ sau này trong công tác truyền giáo. Đức Giêsu đi rao giảng nhiều nơi: có ý dạy những ai làm tông đồ truyền giáo phải biết di chuyển hết nơi này đến nơi khác chứ không được cắm chốt một nơi nào như một độc quyền.
4. Theo Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã phác họa ra một mẫu người truyền giáo đích thực: Ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Đức Giêsu nhắc cho các môn đệ, trong khi đi đến với những người khác, phải luôn có tinh thần xả kỷ quên mình vì Chúa đã nói: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Vì thế, Giáo hội luôn ý thức sứ vụ mục tử “chạnh lòng thương” và việc loan báo Tin Mừng (x. Ad Gentes).
5. Ra đi loan báo Tin Mừng còn có nghĩa là ra đi khỏi con người của mình. Ra khỏi con người thiển cận, ích kỷ của mình để mặc lấy cái nhìn nhậy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Đây là bức thư của một bạn trẻ bị bệnh sida: “Trước đây tôi không phải là một Kitô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị kết án bởi sida. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại”.
Hãy xin Chúa cho chúng ta một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng (Epphata).
6. Giáo hội không ngừng nhắc nhở con cài mình tập trung góp phần vào việc truyền giáo, đồng thời phải nỗ lực thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong thời đại mới. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi mọi thành phần trong Hội thánh hãy “ra khơi truyền giáo” (x. Novo Millennio Ieunte).
Người Kitô hữu ra khơi truyền giáo bằng đời sống bác ái, dấn thân cho người nghèo, người cô thế cô thân, bằng gương sáng việc thiện giữa thế giới hôm nay. Đây là bằng chứng:
Một nhóm bạn trẻ từ nhiều quốc gia đang bàn thảo về cách làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng. Họ nói về sự truyên truyền, về tài liệu và tất cả những cách phổ biến Tin Mừng trong thế kỷ 20 này.
Một cô gái Phi châu nói: “Khi muốn truyền đạo cho một làng chúng tôi, chúng tôi không cho họ sách. Chúng tôi gửi một gia đình Kitô giáo đến sống trong làng. Và họ sẽ làm cho mọi người thành Kitô hữu”.
7. Truyện: Đức tin sống động.
Felix Frankfurter là một quan tòa nổi tiếng của tòa án tối cao của Hoa Kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện, ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết nhiều điều về Lucy.
Trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông đã bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng khám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau: Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nó đơn giản, chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin của chị.
Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị có ảnh hưởng như thế nào, nhưng chị đã làm cho Đức Giêsu hiện diện cụ thể trong bệnh viện này. Chị đem đến đôi bàn tay mà Đức Giêsu cần đến. Đức Giêsu cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy đến nỗi Người có thể thành Đấng an ủi như Người muốn làm.
Một quan hệ thật sự với Đức Giêsu sẽ có một ảnh hưởng cả khi người có mối quan hệ ấy không đề cập đến Đức Giêsu. Dĩ nhiên, những người tin vào Đức Giêsu và yêu mến Người, cũng sẽ, khi thuận lợi, nói về Đức Giêsu một cách rõ ràng cởi mở (Flor McCarthy).
Đoạn Tin mừng hôm Thứ Tư (Mt 15,29-37) đã cho ta biết 2 hoạt động của Chúa Giêsu vì “chạnh lòng thương” dân chúng, đó là cứu chữa những người bệnh và nuôi những người đói. Đoạn Tin mừng hôm nay cho biết thêm một hoạt động nữa của sự “chạnh lòng thương” ấy, đó là sai các tông đồ của mình đi truyền giáo cho dân chúng.
B. ... nẩy mầm.
1. Chủ đề bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm rõ ràng trong đoạn Tin mừng: “Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin”.
2. Khi thấy dân chúng lầm than như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” nên sai các tông đồ đi loan Tin mừng cho họ. Chỉ khi nào chúng ta “chạnh lòng thương” trước những người lương thì chúng ta mới hăng say loan Tin mừng cho họ.
3. “Chúa Giêsu phác họa ra một mẫu người truyền giáo đích thực: ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân”. (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
4. “Thấy đoàn lũ bơ vơ”: Cái thấy, cái nhìn của Chúa Giêsu đáng chúng ta chiêm ngắm. Một cái nhìn bao la bát ngát, “mình vì mọi người”, khác hẳn cái nhìn thiển cận, bo bo ích kỷ chỉ lo thu quén cho bản thân của chúng ta.
5. “Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36)
“Trước đây tôi không phải là một kitô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị kết án bởi sida. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ một ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại” (Thư của một bạn trẻ bị bệnh sida).
Chính sự cảm thông đã bừng lên niềm hy vọng và làm sống lại một cộc đời tưởng như đã bế tắc.
6. Mầm khác:
Hồi đó, Hoàng Đế Sabat cai trị vương quốc Ba Tư và rất được toàn dân mến phục. Nhà vua thường cải trang như một thường dân để tiếp xúc với dân chúng. Một hôm, nhà vua cải trang như một nhân công nghèo khổ lần mò các bậc thang để xuống tận dưới hầm tối của lâu đài là nơi cư ngụ của một cụ già chuyên lo việc củi lửa sưởi ấm cho cả lâu đài. Giường ngủ của cụ là đống tro tàn và lương thực hàng ngày là mẩu bánh mì đen với ly nước lã. Nhà vua đến ngồi bên cạnh cụ già và bắt đầu gợi chuyện. Đến bữa ăn, cụ già mời nhà vua chia sẻ mẩu bánh mì khô cứng thấm mềm trong ly nước lã. Cả hai cùng ăn và tiếp tục chuyện trò thân mật.
Nhà vua động lòng thương cụ già và từ ngày đó, nhà vua nhiều lần cải trang để đến thăm cụ. Riêng cụ già, tuy không biết lý lịch của người đến thăm mình là ai, nhưng vẫn tiếp tục đáp trả cử chỉ nhân đạo của nhà vua. Sau cùng, nhà vua tự nhủ: ta sẽ tỏ lộ cho cụ già này biết ta là ai, để xem ông ta sẽ xin ta điều gì. Ít hôm sau, nhà vua xuống hầm tối thăm cụ già trong y phục sang trọng và nói:
- Bấy lâu nay có lẽ ông tưởng ta chỉ là một công nhân ngèo khổ như ông, nhưng nay ta nói thật ta là vua, ta rất qúi mến tình bạn của ông, vậy ông muốn gì, cứ nói, ta sẽ ban.
Nhà vua tưởng cụ già sẽ xin tiền bạc hoặc ân huệ, nhưng ông chỉ ngồi yên lặng. Tưởng cụ già không hiểu mình nói gì, nhà vua cắt nghĩa thêm.
- Có lẽ ông chưa hiểu rằng ta là vua, ta có thể làm cho ông lên giàu sang, danh vọng.
Cụ già cúi đầu đáp:
- Tâu Hoàng Thượng, con đã hiểu tấm lòng của Hoàng Thượng trong những lần đến hầm tối này để thăm con và không ngần ngại chia sẻ với con mẩu bánh mì đen và ly nước lạnh. Đó là món quà cao qúi nhất rồi, con không muốn gì hơn nữa, con chỉ xin một điều là Hoàng Thượng đừng bao giờ lấy lại món quà quí giá ấy bao lâu con còn sống trong cảnh cô đơn nghèo khổ này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng (Epphata)
1. Tin Mừng hôm nay ghi lại: “Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố và làng mạc để dạy dỗ và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Khi nhìn đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng thương xót họ” (Mt 9, 36).
Chúa nhìn và sau cái nhìn là ”Ngài động lòng thương”. Tin Mừng đã ghi lại nhiều lần như thế. Rồi từ chỗ động lòng thương Chúa sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho họ.
Tại sao Chúa lại động lòng trắc ẩn như thế?
Thưa vì Ngài thấy dân chúng là những con người đang ”tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn” (Mt 9, 36).
Chúa nhìn thấy tình trạng đó, nên Chúa động lòng thương dân. Lòng thương của Chúa không dừng lại ở nơi tình cảm chóng qua, mà còn thôi thúc Chúa đi đến chỗ hành động để biểu lộ tình thương. Tin Mừng ghi: Ngài kêu gọi các môn đệ lại và nói với họ: ”Các con hãy xin với chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa của Ngài” (Mt 9, 38).
Rồi cụ thể hơn nữa, Ngài tập hợp các môn đệ lại, ban cho các ông quyền năng trên các thần ô uế, và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền rồi sai các ông đi đến với những con chiên đang bơ vơ lạc lõng ấy.
2. Chúa Giêsu đối xử với con người như thế, còn chúng ta thì sao?
Chắc chắn là không phải lúc nào chúng ta cũng có được cái nhìn giống như Chúa. Ngay cả những người được coi là thông minh và khôn ngoan nhất trên trần gian này cũng thế. Trường hợp của vua Salomon là một thí dụ.
Lịch sử kể lại rằng, vì phải xử quá nhiều vụ oan ức, nên nhà vua càng ngày càng trở nên vô cảm, vô tình. Đôi mắt của ông không còn được sáng như trước nghĩa là không còn có cái nhìn thông cảm như xưa.
Một hôm khi Salomon ngồi lên ngai và sắp sửa xử một vụ án, thì chiếc vương miện trên đầu vua bỗng tuột xuống che cả hai con mắt. Nhà vua lấy tay đẩy nó lên, nhưng chỉ một phút sau là nó lại sụp xuống. Sự việc tái diễn đến 8 lần như thế. Cuối cùng, nhà vua bực quá nói với nó:
- Tại sao mày cứ sụp xuống che mắt tao mãi như thế?
Chiếc vương miện trả lời:
- Tôi phải làm thế để nhắc cho Ngài biết rằng: khi mà quyền hành đã mất đi sự cảm thông thì người cầm quyền sẽ bị che mắt như thế.
Nói cách khác, khi cái nhìn không còn đi cùng với con tim thì cái nhìn đó sẽ trở thành khô cằn, vô cảm và chai đá.
“Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36).
Đó là cái nhìn được trộn lẫn bằng những dòng máu của con tim.
Hồi đó, hoàng đế Sabat cai trị vương quốc Ba Tư và được toàn dân mến phục. Nhà vua thường cải trang như một thường dân để tiếp xúc với dân chúng. Một hôm, nhà vua cải trang như một nhân công nghèo lần mò đến các bậc thang, xuống tận hầm tối của một lâu đài là nơi cư ngụ của một cụ già chuyên lo việc củi lửa sưởi ấm cho cả lâu đài. Giường ngủ của cụ chẳng khác gì một ổ rác và lương thực hàng ngày là vài mẩu bánh mì đen với ly nước lã. Nhà vua đến ngồi bên cạnh cụ và bắt đầu gợi chuyện. Đến bữa ăn, cụ già mời nhà vua chia sẻ mẩu bánh mì khô cứng đã được làm mềm trong ly nước lã. Cả hai cùng ăn và tiếp tục chuyện trò thân mật.
Nhà vua động lòng thương cụ già và từ ngày đó, nhà vua đã nhiều lần cải trang đến thăm cụ. Riêng cụ già, tuy không biết lý lịch của người đến thăm mình là ai, nhưng vẫn tiếp tục đáp trả bằng những thái độ rất chân thành đối với người đến thăm mình. Sự việc cứ diễn ra như thế, nhưng rồi một ngày kia nhà vua quyết định phải cho cụ già biết mình là ai, để xem cụ sẽ xin điều gì. Ít hôm sau, nhà vua xuống hầm tối thăm cụ già trong y phục sang trọng và nói:
- Bấy lâu nay, có lẽ ông tưởng ta chỉ là một công nhân nghèo khổ như ông, nhưng nay ta nói thật ta là vua. Ta rất quí mến tình bạn của ông, vậy ông muốn gì, cứ nói, ta sẽ ban.
Nhà vua tưởng cụ già sẽ xin tiền bạc hoặc ân huệ, nhưng cụ chỉ ngồi yên lặng. Tưởng cụ già không hiểu ý mình nói gì, nhà vua cắt nghĩa thêm.
- Có lẽ ông chưa hiểu rằng, ta là vua, ta có thể làm cho ông lên giàu sang, danh vọng.
Cụ già cúi đầu đáp:
- Tâu Hoàng Thượng, con đã hiểu tấm lòng của Hoàng Thượng trong những lần đến hầm tối này để thăm con và không ngần ngại chia sẻ với con mẩu bánh mì đen và ly nước lạnh. Đó là món quà cao quí nhất rồi, con không muốn gì hơn nữa. Con chỉ xin một điều là Hoàng Thượng đừng bao giờ lấy lại món quà quí giá ấy bao lâu con còn sống trong cảnh cô đơn nghèo khổ này.
Lạy Chúa, xin cho con một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng. (Epphata).