(Chuyện Đời Đạo - Bài 007)
-------------------------------------------------- Năm Sửu
nói chuyện Trâu
CÁI ĐUÔI TRÂU
1. Đây là chuyện tôi nghe: Một hôm, trong chuyến dã ngoại đầu Xuân, lúc nghỉ chân trên bãi cỏ xanh dưới một tàn cây râm mát, các môn đệ ngồi vây quanh thiền sư. Một đệ tử chắp tay thỉnh cầu:
"Thầy ơi, xin kể cho chúng con nghe một câu chuyện."
Thiền sư nở nụ cười bao dung, từ ái, và nhẹ nhàng nói: “Được. Nhưng cuối câu chuyện, các con phải trả lời một câu hỏi của thầy. Bằng lòng không, các con?"
Mọi người gần như đồng thanh cất tiếng hưởng ứng: “Vâng ạ. Chúng con đều sẵn lòng, bạch thầy."
Thiền sư bắt đầu câu chuyện, giọng thong thả.
Chuyện rằng: Ở làng kia, có con trâu béo tốt, được thả rông trên đồng cho nó tự do gặm cỏ. Tình cờ, con trâu phát hiện ra một túp lều vắng chủ, cửa đóng im im. Mái lều được phủ dày mấy lớp rơm để giữ cho bên trong lều luôn mát mẻ.
Con trâu bèn nghểnh đầu lên rút lấy một nắm rơm vừa tầm, rồi nhai nhai thích thú.
Có vẻ như rơm khô đã đổi khẩu vị của nó, vì ăn cỏ hoài cũng chán rồi chăng?
Cái lều kia dường như bị bỏ hoang, nên con trâu mặc tình trở lại thưởng thức món rơm khô rất vừa miệng nó.
Được chừng ba hôm, thì mái lều đã nhỏ bớt lại vì bốn mép rìa gie ra đã dần dần nằm trọn trong bao tử trâu. Đó cũng là lúc con trâu thất vọng vì không thể nào rướn cổ, để vói tới phần rơm nằm cao hơn, ở phía trên mái lều.
***
Người ta hay mắng là “Ngu như trâu!"; nhưng con trâu này có lẽ không hề ngu. Nó nghĩ rằng: Bên trong lều, biết đâu còn chứa nhiều rơm. Vấn đề là tìm được cách lọt vào trong, vì nó không muốn húc cho sập cái lều, hay tông vào cánh cửa bấy lâu cứ đóng chặt im ỉm.
Nó bèn thong thả đi một vòng quanh lều, nhẫn nại quan sát tìm biện pháp. Ô kìa!!! Nó sung sướng khi tìm thấy khung cửa sổ vuông vắn, chỉ có một tấm phên tre buông rủ, che đậy hững hờ.
Con trâu thong thả xáp lại gần khung cửa sổ. Nó khéo léo nghiêng nghiêng, lách lách cái đầu, để cho cặp sừng kềnh càng có thể lọt qua khung cửa số đã trống trải, vì tấm phên tre bị cái đầu trâu ngọ ngoạy trái qua phải, đã rớt xuống đất dễ dàng.
Bên trong lều tối om, nó không nhìn thấy đụn rơm nào cả, nhưng vẫn ngửi được mùi rơm thơm thơm phảng phất, trong không gian nhỏ hẹp, thiếu hẳn ánh sáng, nhưng mát rượi.
Vậy là phải chui cả thân hình đồ sộ vào trong mới được. Con trâu nghĩ vậy, và như một vận động viên uốn dẻo lão luyện, nó nhẫn nại lách luồn từng chút từng chút một, để lần lượt đưa cái cổ, rồi hai chân trước, rồi trọn cái bụng to tướng, rồi luôn cả hai chân sau.
Ô !!! vậy là mình đã lọt được vào cái chỗ mình mơ ước! Con trấu sung sướng quá. Nhưng chính lúc đó, nó biết ngay mình đã mừng hụt. Nó vẫn bị vướng chặt ở phía sau, và không thể nhích vào bên trong lều thêm một ly nào hết. Nó bị vướng cái đuôi!
*****
Thiền sư ngừng kể, im lặng, đảo mắt nhìn qua các đệ tử đang ngơ ngơ ngác ngác. Rồi thầy từ tốn hỏi:
- "Các con nghĩ sao?"
Cả đám học trò liền nhạo nhao:
- "Vô lý! Thật là vô lý!"
Thiền sự mỉm cười. Chờ cho mọi người yên lặng, thầy hỏi:
- “Vô lý chỗ nào, các con?"
Như sợ đồng môn giành phần trả lời, một anh nhanh nhẩu đáp vội:
- “Bạch thầy, cả thân trâu to đùng đã lọt vào trong rồi, thì làm sao còn có thể bị vướng cái đuôi nhỏ bé!"
Một anh khác góp lời:
- “Dân gian bảo rằng: Đầu xuôi đuôi lọt. Đằng này ngược lại, cả đầu, cả bụng, lẫn bốn chân kềnh càng, đều trót lọt, mà lại vướng mỗi cái đuôi! Vô lý quá, bạch thầy."
Thiền sự mỉm cười xác nhận:
- "Quả thật vô lý, các con ạ. Thế mà xưa nay, người đời vẫn cứ bị vướng cái đuôi nhỏ bé đấy chứ."
***
2. Chuyện trên đây tôi kể lại, có thêm thắt vài chỗ, phỏng theo lời một hiền giả người Ấn là Jaggi Vasudev (sinh năm 1957), thường được biết tiếng với mỹ hiệu Sadhguru.
Tranh vẽ minh họa cho câu chuyện tôi mượn từ website "Isha Yoga Center" của ông.
Chuyện kể về một con trâu, nên không phải là dụ ngôn (parable), mà là ngụ ngôn (fable). Ngụ ngôn dùng để chuyển tải một bài học đạo lý. Đạo lý ở ngụ ngôn cái đuôi trâu (The Buffalo's Tail) là gì? Tôi xin mượn Phúc Âm để trả lời câu hỏi này.
2.1. Đức Giêsu dạy:
- Nếu được cả thế gian mà đánh mất linh hồn, thì nào có lợi gì? (Mt 16,26; Mc 8,36)
Theo lời Chúa, đặt lên cân hai giá trị là linh hồn (soul) và cả thế gian (the whole world), thì cả thế gian vẫn cứ nhẹ hều. Chính vì xem cả thế gian là nhẹ hều, nên thái tử Sĩ Đạt Ta Cổ Đàm (Siddhartha Gautama) mới dứt bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, nửa đêm lẻn ra khỏi hoàng cung đi tu, rồi thành Phật, vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên.
2.2. Nhưng nào phải thiên hạ chúng sanh, ai ai cũng dễ dàng làm được như thái tử Cổ Đàm, mặc dù cái điều người ta cần từ bỏ thì nhỏ xíu, nếu so với những gì thái tử dứt bỏ. Nhỏ xíu như cái đuôi trâu, so với cả thân hình con trâu.
Phúc Âm chép rằng: Có một người đến hỏi Đức Giêsu:
- "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt, để được hưởng sự sống đời đời?"
Đức Giêsu đáp:
- “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn."
Người ấy hỏi:
- “Điều răn nào?"
Đức Giêsu đáp:
- “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ. Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình."
Người thanh niên ấy nói:
- “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ. Tôi còn thiếu điều gì nữa?"
Đức Giêsu đáp:
- “Nếu anh muốn trở nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."
Nghe xong, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mt 19,16-22; Мс 10,17-22; Lc 18,18-23)
Nói như Sadhguru, anh nhà giàu ấy không thể cứu lấy linh hồn mình, không thể vào Nước Trời, chỉ vì bị vướng cái đuôi trâu là gia tài của anh.
******
2.3. Hồi nhỏ tôi sống ở xã Mỹ Luông (Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), thường nghe mấy ông trong xóm nghêu ngao:
- Vô chùa thấy Phật muốn tu. Về nhà thấy vợ, đi tu không đành.
Câu hát tếu táo vậy mà thâm thúy vô cùng.
Đàn ông lắm kẻ muốn tìm giải thoát nơi cõi vĩnh hằng, nhưng phần đông vẫn cứ lướng vướng đàn bà. Xưa nay không ít trang nam tử hảo hớn đã nhập dòng tu, đã xuất gia cầu đạo, nhưng rốt cuộc đành ngậm ngùi hoàn tục, bởi lẽ, không vượt qua nổi chữ sắc (sex).