Câu hỏi này đã được cha Martino Thông giải đáp bằng cách trưng dẫn các văn bản chính thức của phụng vụ thánh, vốn đều dùng cụm từ “tạo vật” để chỉ “loài thụ tạo.” Còn ở đây tôi muốn giải thích sự việc theo các nguyên tắc cơ bản của khoa ngôn ngữ học. Cuộc tranh luận này bắt đầu từ bài hát “Con Chỉ Là Tạo Vật” của nhạc sĩ Phan-xi-cô, có từ “tạo vật” bị linh mục Huỳnh Trụ và cả ủy ban thánh nhạc của HĐGM Việt Nam cho là sai nghĩa, và muốn cấm bài hát này. Lập luận của các vị này cho rằng “tạo vật” có nghĩa là “Đấng Tạo Hóa” chứ không có nghĩa là “loài thụ tạo.” Bằng chứng được đưa ra là cách dùng từ “tạo vật” theo nghĩa “Đấng Tạo Hóa” cách đây cả trăm năm (thời Nguyễn Trường Tộ, 1830-1871), khi cụm từ “tạo vật” trong chữ Hán mới du nhập vào tiếng Việt. Ngoài ra họ còn căn cứ vào một số tự điển không có nghĩa “loài thụ tạo” để củng cố lập luận của họ. Cách lập luận “đúng sai” của họ cho thấy họ không hiểu về các nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ học.
1. Nguyên tắc cơ bản nhất của ngôn ngữ học là mọi yếu tố về ngôn ngữ, bao gồm ý nghĩa, cách viết hay chính tả, ngữ pháp đều do người dùng ngôn ngữ ấy tại một thời điểm nào đó quyết định, và chỉ mang tính ước lệ chứ không cần mang tính lô-gíc. Nhà ngôn ngữ hay người làm tự điển có nhiệm vụ phản ảnh đúng và đầy đủ các thực tại ấy chứ không có quyền, và cũng không thể, quyết định hay can thiệp vào những yếu tố này. Trong trường hợp này, trong vòng hơn 100 năm nay mọi người Việt Nam điều hiểu “tạo vật” là loài thụ tạo cho nên đó là nghĩa đúng hiện nay của từ này. Thí dụ việc đòi cải cách chính tả tiếng Việt của ông Bùi Hiền là một việc vớ vẩn và không bao giờ có thể làm được. Hay ví dụ như câu “Long time no see” (Lâu rồi không gặp) hiện được đa số người bản ngữ tiếng Anh sử dụng thì không thể nói câu này là sai, mặc dù “no see” là không đúng ngữ pháp. Câu này sẽ được xếp vào loại thành ngữ (idioms), là những kiểu nói quen dùng mà không cần đúng ngữ pháp.
2. Ai đã học nhập môn về ngôn ngữ học thì đều biết rằng một từ có thể có rất nhiều nghĩa và ý nghĩa của một từ hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian (thêm hay bớt). Có những ý nghĩa không còn ai sử dụng nữa thì tự điển phải ghi chú là ý nghĩa “cổ xưa.” Một quy luật khác là khi du nhập một từ hay cụm từ từ tiếng nước ngoài, người ta không bắt buộc phải giữ nguyên ý nghĩa của từ hay cụm từ ấy trong tiếng nước ngoài mà có thể thay đổi thành một ý nghĩa khác. Trong trường hợp này cụm từ tiếng Hán “tạo vật” có nghĩa là “Đấng sáng tạo” trong tiếng Hán. Những người đầu tiên du nhập từ này vào tiếng Việt vẫn giữ nguyên ý nghĩa ấy, nhưng các thế hệ sau này đã thay đổi ngược hẳn ý nghĩa của nó thành “loài thụ tạo.” Việc thay đổi ý nghĩa này hoàn toàn có lý do chính đáng của nó. Có thể nói rằng trong các văn bản tiếng Việt xuất hiện trong khoảng 150 năm nay, cụm từ “tạo vật” chỉ được sử dụng theo một nghĩa duy nhất là “loài thụ tạo,” chứ không có bản văn nào dùng nó theo nghĩa “Đấng sáng tạo.” Thí dụ bản dịch tiếng Việt Công Đồng Vatican II của Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô X có hàng chục lần dùng từ “tạo vật” chỉ với ý nghĩa là “loài thụ tạo.” Việc cho rằng ý nghĩa “Đấng sáng tạo” của ngày xa xưa mới đúng, còn ý nghĩa “loài thụ tạo” của ngày nay là sai, rồi đòi hỏi người dùng tiếng Việt ngày nay phải “sửa sai” là chuyện nực cười, do thiếu kiến thức về ngôn ngữ học.
3. Có khoảng 60% từ tiếng Việt là vay mượn từ tiếng Hán. Các từ tiếng Hán này đều được viết và phát âm theo cách của tiếng Việt nên ta gọi là từ Hán-Việt. Các từ vay mượn này được Việt hóa theo hai mức độ: mức độ cơ bản và mức độ thuần Việt. Ví dụ cụm từ “học sinh” hay “giáo viên” là các cụm từ gốc Hán, được Việt hóa ở mức độ cơ bản; còn trong cụm từ “người học” thì từ “học” đã được Việt hóa ở mức độ thuần Việt; nhưng ta lại không thể nói “người giáo” vì từ “giáo” chỉ được Việt hóa ở mức độ cơ bản mà thôi. Các từ gốc Hán đã được Việt hóa ở mức độ thuần Việt thì có thể sử dụng y như các từ thuần Việt khác. Còn các từ gốc Hán chỉ được Việt hóa ở mức độ cơ bản thì phải tuân theo một số quy luật nhất định. Đại đa số được sử dụng theo một cặp hai từ đều có gốc Hán (từ Hán không đi với từ Việt): “siêu nhân” chứ không nói “siêu người.” Bây giờ là lý do rất chính đáng để người Việt Nam thay đổi hẳn ý nghĩa của cụm từ “tạo vật”, từ nghĩa “vật” (Đấng, Thiên Chúa) “tạo” (sáng tạo), sang nghĩa trái ngược là “loài thụ tạo.” Trong tiếng Việt, từ “vật” là chỉ “sự vật” vô tri giác, chứ không bao giờ chỉ “người” có tri giác, nói chi đến việc dùng từ “vật” để chỉ “Thiên Chúa.” Có thể nói việc dùng cụm từ “tạo vật” để chỉ Thiên Chúa là một việc báng bổ không thể chấp nhận được (Chúa mà dám gọi là “vật”). Thứ hai là cấu trúc cụm từ Hán “tạo vật” này gồm “tạo” là động từ và “vật” là danh từ và trong đó động từ có thể được hiểu theo nghĩa tác động hay bị động. Do đó cụm từ “tạo vật” được hiểu theo nghĩa “vật được tạo thành” (nghĩa bị động) vẫn là hợp lý. Hai lý do ấy là quá đủ để đảo ngược ý nghĩa của cụm từ “tạo vật,” có nghĩa là “Đấng sáng tạo” trong tiếng Hán thành ý nghĩa “loài thụ tạo” trong tiếng Việt.
4. Bây giờ đến câu chuyện tự điển tại Việt Nam. Tôi có thể nói rằng việc làm tự điển tại Việt Nam là hết sức tùy tiện và thường chỉ là sao chép từ tự điển nước ngoài hay sao chép lẫn nhau chứ không tuân theo những quy định rất khắt khe của chuyên ngành tự điển, vốn đòi hỏi đầu tư nhiều về tiền bạc và con người để nghiên cứu kỹ lưỡng và cập nhật định kỳ. Người làm tự điển lấy đâu ra các ý nghĩa của một từ để đưa vào tự điển? Họ phải dựa trên các ngữ liệu, là các văn bản, viết hay nói, của người dùng thứ ngôn ngữ này trong những thời gian dài (qua các thời kỳ) để đúc kết các ý nghĩa thông dụng nhất. Những ý nghĩa có rất ít người sử dụng hay chỉ thịnh hành trong thời gian rất ngắn thì không bao giờ đưa vào tự điển. Ví dụ mục từ “tạo vật” được các nhà làm tự điển sao chép từ tự điển tiếng Hán mà không hề nói người Việt sử dụng nó theo ý nghĩa nào, một điều mà ai cũng biết. Đó là kiểu làm tự điển “ăn cắp” và khinh thường người dùng tiếng Việt, không đáng để nói đến. Tự điển mà không ghi nghĩa “tạo vật” là “loài thụ tạo,” vốn đang được mọi người Việt Nam sử dụng và hiểu như thế trong hàng trăm năm nay, thì chỉ là các tự điển ngu ngốc mà thôi. Các tự điển tiếng Việt, Anh-Việt, Việt-Anh tại Việt Nam đều có chất lượng kém, thường mắc lỗi sai hay thiếu nghĩa, do đó phải rất cẩn thận khi tham khảo các thứ tự điển tiếng Việt, chứ đừng nghĩ rằng cứ tự điển là đúng. Tôi ở trong ngành ngôn ngữ học và chuyên về dịch thuật, phải sử dụng tự điển quá thường xuyên, nên mới biết chất lượng kém cỏi của các thứ tự điển tiếng Việt. ------------------------- Le Hai Nam - 578. (14/4/2021) Nguồn: GHHV, eng-gra