1. Ngày mai là lễ Suy Tôn Thánh Giá, Tôi xin Đức Mẹ chỉ dạy tôi nên làm gì để chiêm ngắm thánh giá Chúa?
2. Đức Mẹ trả lời: “Con hãy suy nghĩ đến những nỗi khổ đau của con và của người khác. Đồng thời, con hãy cầu nguyện để học được cách chấp nhận và đối diện với đau khổ như thế nào để đẹp lòng Chúa.” Vâng lời Mẹ, tôi cầu nguyện xin Đức Mẹ và Chúa Giê-su hướng dẫn tôi cách chấp nhận và đối diện với đau khổ.
3. Tôi cầu nguyện và nhìn lên thánh giá Chúa, tôi suy niệm về đau khổ. Tôi thấy đau khổ gắn liền với con người từ khi mới sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, đau khổ là nhân loại tính. Vì vậy, đau khổ là một phần của cuộc sống.
4. Nhưng điều đáng suy ngẫm hơn hết chính là cách đối diện với đau khổ. Qua hình ảnh Chúa Giê-su và hai anh trộm trên thập giá, tôi nhận thấy có hai thái độ khi đối diện với đau khổ:
5. Thứ nhất, thái độ chấp nhận và khiêm nhường mà đỉnh cao là tha thứ cho người làm mình khổ đau. Hình ảnh Chúa Giê-su mặc lấy đau khổ là xác phàm để cứu độ loài người là minh chứng cao nhất. Bên cạnh đó, còn là hình ảnh anh trộm lành cũng đối điện, chấp nhận mình là kẻ có tội và khiêm nhường xin Chúa đón nhận anh.
6. Thứ hai, là thái độ kiêu căng, không chấp nhận, sống thất vọng và đổ lỗi khi đối điện với đau khổ Hình ảnh tiêu biểu là anh trộm dữ, khi đối diện với khổ đau trên thập giá thì sống kiêu căng, không chấp nhận mình mà dám thử thách Thiên Chúa.
7. Thiên Chúa đón nhận và yêu thương những ai có thái độ khiêm nhường khi đối diện với đau khổ.Chính Chúa đón nhận anh trộm lành đã dám chấp nhận đau khổ với thái độ khiêm nhường, Chúa nói“Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi” (Lc 23,43). Hơn thế nữa, Chúa còn chỉ dẫn cho người môn đệ Chúa phải đi theo con đường thập giá mà chính Ngài đã làm gương, “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Vì vậy, việc chấp nhận vác thập giá một cách khiêm nhường chính là hy sinh chịu khổ đau. Qua đó, khổ đau mới trở nên có giá trị cho phần rỗi linh hồn.
8. Thực, lúc này hơn bao giờ hết, khiêm nhường đón nhận khổ đau như thập giá đời mình là cần thiết và cần thực hiện đúng hướng. Để thực hành điều đó, Đức Mẹ tại Fatima đã đề cao thực hành sám hối, vì khởi đầu của khiêm nhường. “Hãy sám hối, tôn sùng Mẫu Tâm và siêng năng lần hạt mân côi”.
9. Qua Thánh Giá Chúa và lắng nghe lời Đức Mẹ, cho thấy việc sám hối và nhìn lại đời sống là cần thiết cực kỳ. Vậy ta hãy năng sám hối, đón nhận đau khổ cách khiêm nhường và cầu nguyện cậy dựa vào lòng thương xót Chúa như chính lời kinh Chúa dạy chúng ta: “Lạy Chúa, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”.