Giảng Lễ Cưới Bài 121-133 Suy niệm về Hôn nhân Gia đình

Thứ ba - 21/04/2020 10:12
Giảng Lễ Cưới Bài 121-133 Suy niệm về Hôn nhân Gia đình
Giảng Lễ Cưới Bài 121-133 Suy niệm về Hôn nhân Gia đình
Giảng Lễ Cưới Bài 121-133 Suy niệm về Hôn nhân Gia đình
HP121: Bí quyết bền vững trong tình yêu. 1
HP122: ĐỪNG TỰ MÃN.. 4
HP123: Yêu nhau trong khuôn khổ Hôn Nhân Công Giáo. 5
HP124: TRUNG THÀNH VỚI NHAU.. 7
HP125: Hôn nhân biến hai gia đình xa lạ nên thông gia, hai nhà nên một 9
HP126: THUỶ CHUNG.. 13
HP127: CHIỀU LÒNG VỢ.. 15
HP128: Hãy bảo toàn hạnh phúc cho mai sau. 17
HP129: HẠNH PHÚC VÀ ĐAU KHỔ.. 20
HP130: HÃY TIN NHAU.. 22
HP131: Khánh Nhật Hôn Phối cho 26 gia đình trong giáo xứ. 24
HP132: LỄ KIM KHÁNH HÔN PHỐI 27
HP133: Lễ 40 năm (vàng tây) của gia đình Lập Thể. 31

 

HP121: Bí quyết bền vững trong tình yêu

Yêu nhau thì dễ. Lấy nhau cũng dễ. Nhưng yêu lấy được nhau mãi mãi mới thật là khó. Chúng con HP121

Yêu nhau thì dễ. Lấy nhau cũng dễ. Nhưng yêu lấy được nhau mãi mãi mới thật là khó. Chúng con có muốn tình yêu và hạnh phúc gia đình chúng con bền vững mãi không?
Một trong những bí quyết cần thiết: Lưu ý cách nói năng với nhau giữa vợ và chồng.
I.Một số chị em có gia đình trong xóm, nhân lúc rỗi, ngồi thảo luận với nhau về chủ đề phải nói năng với nhau làm sao giữa vợ và chồng. Đa số các chị khẳng định:
-“Đàn ông họ ưa nói ngọt. Việc khó mấy, vất vả mấy mà mình nói ngọt họ cũng làm ngay”.
Một số chị em khác phản đối và có quan điểm khác:
-“Ôi, đã là vợ chồng cần gì phải màu mè, nói năng giữ lời giữ tiếng cho khách khí? Không nên không phải cứ nói toạc móng heo. Đàn ông họ lì lợm lắm, ra cái vẻ ta đàn ông không thèm nghe vợ. Mình không gầm không rít lên thì đừng có hòng các bố ấy làm gì !”
Một số chị lại cho rằng:
- “Nói gì thì nói cũng phải trên cơ sở vợ chồng cùng tôn trọng lẫn nhau. Mình nghe được, êm tai thì “người ta” cũng xuôi. Chém trả lẫn nhau ai mà chịu được!”
Cuộc thảo luận cứ thế sôi nổi, mà hầu như ai cũng muốn chứng minh cho điều mình nói là đúng. Họ bắt đầu dẫn chứng cụ thể…

1. Ở gia đình chị Hòa.
Lời chị Hoà:-“Này, anh có đi gánh cho tôi mấy gánh nước không đây, hả ? Suốt ngày chỉ thuốc với rượu, đá bóng với video. Mọi việc đổ hết lên đầu con này. Nó không phải là “con ở” nhà anh đâu đấy nhé!”
Lời anh Hoà:-“Tôi không thích gánh đấy, có làm gì thì làm. Lấy chồng, thiên hạ bảo đi gánh vác cơ mà. Đây chưa bắt vác!...”
(Chị Hoà tức bầm mặt. Anh vẫn ngồi ung dung uống nước ở bàn. Chị nhìn xuống, hình như cái bầu đã sáu tháng, làm sao gánh nước nổi đây?).

2.Ở gia đình chị Thơm.
Lời chị Thơm ra rả ở trong chuồng heo:
-«Trời ơi, sao tôi khổ thế này, quần quật từ sáng tinh mơ đến tối mịt. Lúc nào cũng đầu bù tóc rối, quần ống thấp ống cao, lấy chồng nhờ chồng. Đây thua chị kém em... Không phải ruột thịt không xót, có ai thương tôi đâu!»
Chồng chị Thơm đang nằm đọc sách trên giường, nghe rõ, liền vùng dậy bước ra khỏi nhà, đóng sầm cửa lại. Đi đâu, không biết nữa.

3. Ở gia đình chị Mậu.
Nhân có người bạn của chồng đến chơi, trước mặt chồng và khách, chị Mậu vui vẻ nói:
-«Em thật tốt phúc mới lấy được nhà em đấy ạ. Được người được cả nết, chả thế mà ba con rồi vẫn khối cô chết mê chết mệt. Anh ấy chiều em đúng là “nhất vợ nhì trời” đấy ạ!»
Tiễn khách về rồi, thấy chồng chị Mậu cằn nhằn với vợ :
-“Lần sau, tôi vả vào mồm cô ấy nhá. Cô bỏ cái lối nói vô duyên ấy đi. Tôi có phải là trẻ ranh đâu mà cô phỉnh!”

4. Ở gia đình Chị Yêu.
Lời Chị Yêu: -“Anh có bận gì không thì giặt giúp em ít tã lót của con để phơi cho kịp nắng, kẻo chiều đón con về lại không có tã lót dùng. Anh chăm nó thế, chẳng biết lớn lên nó có hiếu với anh không?»
Mặc dù đang đọc một cuốn truyện khá hay, anh Yêu vẫn đặt cuốn sách xuống và đi làm ngay.
 Lần khác, lại lời chị Yêu: «Anh ạ, em không thể vắng mặt ở cuộc họp cơ quan ngày mai được, mà con mình lại ốm đột xuất thế này. Sáng mai, anh dậy sớm đến nhà bác Trưởng phòng báo cáo xin nghỉ một ngày phép, để trông con giúp em được không?»
Sáng hôm sau, đi ngang qua nhà, tôi nghe thấy tiếng anh Yêu đang hát ru con.

II. Chúng con thân mến,
Có lẽ Cha không cần giải thích thêm với chúng con điều gì nữa, vì đến lúc này dường như chúng ta mường tượng ra được từng lời nói mang nội dung gì, tâm tính gì và đưa tới những kết quả ra sao. Cha chỉ muốn hỏi chúng con một câu:
-«Chúng con chuẩn bị ra sao và có quyết tâm gì để duy trì, xây dựng tình yêu và hạnh phúc lâu bền của gia đình chúng con? Có phải tiền bạc, giầy dép, quần áo, băng Video cưới, hình chụp, những thứ linh tinh su xoe làm cho chúng con an tâm hài lòng?»
Không, «lời nói không mất tiền mua;lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau».
Nếu tình yêu của chúng con không phải là tình yêu mù quáng và câm điếc, thì hằng ngày chúng con phải lưu tâm, qua những lời ăn tiếng nói, rót vào tai nhau cái chất “cho vừa lòng nhau” kia.
Đó mới là một bí quyết tốt giúp cho tình yêu chúng con tươi mãi, đẹp mãi, sống bền!

 

HP122: ĐỪNG TỰ MÃN

Tại một thị trấn kia, có một anh chàng tự mãn với nghề đấu cờ của mình. Sau nhiều năm dài, không HP122

1. Tại một thị trấn kia, có một anh chàng tự mãn với nghề đấu cờ của mình. Sau nhiều năm dài, không ai trong vùng qua mặt được anh. Anh treo tấm bảng trước cửa: Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ. Bỗng một hôm, có một ông già cỡi ngựa đến thách đấu. Hai người giao kèo: Hễ ông già thua, sẽ mất con ngựa quí. Anh thua, sẽ mất ngàn quan tiền vàng.
Sau mấy hiệp, ông già đều thua. Ông đành để lại con ngựa quí, nhưng dặn đừng bán… Một tháng sau, ông lại ghé qua thách đấu. Lại mặc cả: Hễ thắng, ông già lấy lại con ngựa. Thua, chịu nhiều ngàn tiền vàng.
Lần này, anh chàng trẻ thua. Ông già ung dung lấy lại con ngựa quí. Anh chàng ngạc nhiên trước sức cờ của ông già. Lòng rất hận, nhưng gạn hỏi: «Sao một tháng trước đây ông chơi dở ẹc, còn bây giờ?»... Ông già trả lời: «Anh bạn ơi, tháng trước đây tôi có việc đi xa, không nhờ ai coi và nuôi hộ con ngựa quí phải đến nhờ anh giúp, nên tôi thua. Còn bây giờ trở về lấy lại ngựa, nên… phải thắng chứ. Cám ơn anh đã giữ và nuôi hộ con ngựa của tôi một tháng».
Ngày hôm sau, người ta không còn thấy trước cửa tấm bảng: Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ.

2. Tự mãn là một căn bệnh. Kẻ tự mãn và sống tự mãn hãy nhớ là ở đời còn khối kẻ hơn ta.
Vợ chồng sống khăng khít trong một tình yêu: không bao giờ tự mãn.
3. Tự mãn: tự cho mình đầy đủ hay dư thừa nữa.
Sẽ tự hào về mình, cho mình và ý kiến của mình hơn hết. Không còn muốn học hỏi, lắng nghe, tiến thêm lên. Không cầu tiến. Không muốn nghe vợ, khi đó, sẽ đánh giá sai về mình; không hiểu hay hiểu nông cạn kẻ khác và sẽ đánh giá sai kẻ khác.
Kẻ tự mãn tự mình làm hại mình.
Đời sống gia đình: vợ tự mãn với chồng hay chồng tự mãn với vợ. Hạnh phúc sẽ phương hại. Vì trước các khó khăn, không ai còn muốn nghe ai. Tự mãn tự phụ sẽ đẩy chúng ta đến chỗ hiểu sai nhau, tự ái mất lòng nhau, không còn muốn nghe nhau, không còn muốn đón nhận ý kiến lập trường kẻ khác.
Kẻ tự mãn sống bên nhau sẽ từ chỗ lạnh lùng đến đối nghịch và muốn bỏ nhau.

4. Thánh Phaolô khuyên chúng ta trừ căn bệnh tự mãn ấy bằng cách:
«Hãy sống khiêm nhu, ôn hoà, nhẫn nại chịu đựng nhau. Hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện làm mất lòng người kia…» (Cl 3, 12-13).
Kẻ khiêm nhu, ôn hoà, chịu đựng sẽ không còn tự mãn.
Khiêm nhu (dĩ hoà vi quí) thì dễ tha thứ. Tự mãn không có được cộng tác, hoà hợp.

5. Cha ông ta diễn tả con người không tự mãn, biết sống khiêm nhu ôn hoà là người tế nhị, khéo sống: Biết chiều nhau, biết giúp đỡ công việc hằng ngày của nhau trong sự vui tươi, hài hước, dí dỏm.
Chàng tế nhị không tự mãn:
Dế kêu cho giải cơn sầu
Mấy lời em nói, bạc đầu không quên
(như con cái ghi lời cha mẹ)
Làm trai rửa bát, quét nhà
Vợ gọi thì dạ: Bẩm Bà, tôi đây !
(như kẻ ở người hầu).
Vợ tự mãn, tự ái hay giận dỗi bỏ bê công việc. Cau có, mất duyên dáng.
Giận chồng mà chẳng bế con
Cha mày làm mất cái giòn mẹ đi.
(tự mãn hại mình hại việc)

 

HP123: Yêu nhau trong khuôn khổ Hôn Nhân Công Giáo

Đầu lễ:
 

Anh chị yêu nhau, mong lấy nhau tốt đẹp như mọi người khác. Anh chị mới kết hôn tự nhiên theo HP123

1. Anh chị yêu nhau, mong lấy nhau tốt đẹp như mọi người khác. Anh chị mới kết hôn tự nhiên theo thể thức nhân loại thông thường. Anh chị còn muốn yêu nhau hơn thế nữa trong khuôn khổ Hôn Nhân Công Giáo, theo «bài bản» của Chúa Kitô – tức Bí Tích Hôn Nhân – có Chúa chứng kiến, nối kết, chúc phúc, thánh hoá Tình Yêu anh chị. Hoan hô hôn nhân siêu nhiên đầy Ân sủng này, được cử hành trước mặt Giáo Hội nữa. Mọi người thân thích trong dòng tộc và cả tín hữu đồng Đạo sung sướng cầu nguyện cho đôi bạn.
2. Anh chị hãy quí trọng phẩm giá hôn nhân Công giáo của mình. Hãy sống xứng đáng với lời giao ước tình yêu lúc này, cho đến trọn đời.

Giảng lễ:
Anh chị đem nhau đến trước bàn thờ cam kết yêu nhau, ao ước tình yêu mình luôn tốt đẹp, hoàn hảo, mãi thuỷ chung và thánh thiện. Còn gì bằng!
1. Anh chị hãy để tâm rèn luyện bản thân cho xứng với Tình Yêu. Người xưa bảo: «Tu thân, mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được».
Anh chị thử nhìn vào kiểu sống của Maradona: siêu sao bóng đá Argentine nổi tiếng này ban đầu được đông khán giả mộ mến. Từ đỉnh cao tuyệt vời ấy, bỗng mọi sự… như sụp đổ nhanh chóng: cuộc tình «lôi thôi» của siêu sao một thời gây đàm tiếu; tiếp theo sự sa đà vào rượu mạnh, rồi ma tuý đã hại anh. Lời lẽ, thái độ cư xử của anh nhiều lúc thành thô kệch, thiếu lý trí nên lệch lạc, sai lầm. Sự nghiệp ngưng trệ, đình đốn. Phải vào nhà thương chữa trị nhiều lần, với chế độ kiêng khem nghiêm ngặt. Đến lúc này, anh còn đang gượng dây và cố vớt vát lấy hình ảnh đẹp của mình đã mất. Tất cả do coi thường việc tu luyện bản thân.
Riêng đối với anh, người chồng và gia trưởng: hạnh phúc gia đình tùy thuộc anh rất nhiều. Anh tránh được rượu chè, nghiện ngập… chắc chắn đôi cánh tình yêu sẽ bay bổng nhẹ nhàng. Tôi không đem trường hợp của Maradona ra để hù anh đâu, bởi họ thừa tiền thừa của để đeo bám sở thích. Còn ta, như thế, dễ đưa gia đình đến chỗ lụn bại. Nhiều chị vợ than phiền rằng: «Ăn uống, anh thích gì, tôi mua ngay. Đồ tẩm bổ không thiếu. Đâu tiếc tiền! Nhưng tôi chúa ghét cái tật «hũ chìm» của anh ấy. Nốc vào, kè nhè, chửi vợ mắng con suốt ngày; còn mích lòng hàng xóm!»
2. Tôn trọng vợ mình:
Khi sống với các môn đệ, Chúa không coi thường các ông. Người đâu muốn gọi các ông là tôi tớ, nhưng là bạn hữu thân tình bình đẳng.
Ta cũng vậy, phải tôn trọng vợ. Vợ là bạn đường, người bạn thiết thân nhất, nhưng cũng hoàn toàn bình đẳng trên đường đời của ta. Chúa dựng nên Evà, từ xương sườn Adam. Điều đó ám chỉ rằng người vợ cùng một bản chất người và bình đẳng với chồng. Khi dẫn Evà đến trước mặt Adam, ông nhận ra ngay bà là người xứng hợp nhất với mình.
Có tôn trọng vợ, mới dễ sống hoà hợp. Một khi «thuận vợ thuận chồng» rồi, thì «tát bể đông cũng cạn».
Trong cuốn phim tựa đề Vận mệnh, thông điệp được bộc lộ qua nhân vật Bác sĩ Miki là: Hãy tôn trọng phụ nữ. Sau 9 giờ tối, đừng hành hạ phụ nữ. Cùng đi làm, tối về chồng còn nhậu nhẹt. Vợ phục dịch hết món này đến món khác, chai này tới chai khác, lít này sang lít khác…
3. Nên nhớ, với tình yêu chiếm đoạt: nhanh chóng, anh biến vợ thành con mồi
Với tình yêu ích kỷ: vợ sẽ là đầy tớ, nô lệ cho anh, một ông chủ chỉ biết hưởng thụ.
Coi tình yêu là trò chơi, trò đùa: người vợ hóa ra đồ vật. Người ta có thể thay vợ như thay mốt; ưa thì lấy, ghét thì bỏ.
Anh chị đừng quên tình yêu cũng biết chiều đãi. Nó đem lại nguồn vui, hạnh phúc cho ai trân trọng, nâng niu, nuôi dưỡng nó. Bằng không, tình yêu sẽ trở mặt, sẽ phản lại và gây đau khổ cho ai bội bạc, coi thường nó.

 

HP124: TRUNG THÀNH VỚI NHAU

Làm sao để tình yêu chúng con được sắt son bền vững? (Cha không dám khuyên đàng trai, vì HP124

Làm sao để tình yêu chúng con được sắt son bền vững?
(Cha không dám khuyên đàng trai, vì chú rể là người xứ khác. Cha chỉ xin nói với đàng gái, là con cái của cha đôi điều, trước khi con về nhà chồng).

I. Giải pháp tiêu cực: đề phòng.
1. Con là nữ giới. Thiên Chúa ban cho nhiều nét uyển chuyển, dịu dàng, vui tươi, dễ gây sự chú ý và cảm tình của nhiều người, nhất là của nam giới. Để phòng ngừa những bất trắc xảy ra làm sứt mẻ hạnh phúc của Thanh và con, khi tiếp xúc với phái nam, con phải thận trọng, luôn tỏ ra đứng đắn, ăn nói lễ độ, y phục kín đáo trang nhã để người đối diện mến phục và kính trọng con.
Trái lại, nếu con cười nói chớt nhả, lả lơi, ăn mặc hở hang, người đối diện sẽ khinh thường con. Nếu người đối diện là đàn ông, họ sẽ tìm cách tán tỉnh con, gây nhiều phiền phức cho con.
Bản chất con người yếu đuối, con rất có thể bị sa ngã. Và nếu con sa ngã thật, thì người đời sẽ lên án con là người mất nết, phản bội. Nếu nhờ Ơn Chúa, con không sa ngã thì có thể Thanh nghi ngờ con và không đặt trọn niềm tin vào tình yêu của con đối với Thanh nữa. Từ đó, Thanh sẽ có lời nói, hành động tỏ ra bực bội với con. Hạnh phúc của chúng con bị ảnh hưởng nặng nề!

2. Hoa thân mến, khi tiếp xúc với phái nam, con chỉ nên nói chuyện xã giao thôi. Đừng thổ lộ tâm tình riêng tư, nhất là chuyện buồn giữa con và Thanh, nếu có. Bởi vì họ sẽ lợi dụng chuyện buồn đó để an ủi vỗ về con. Họ sẽ đổ dầu thêm vào lửa, khiến cho tình trạng xích mích giữa con và Thanh thêm trầm trọng. Họ có thể đi xa hơn bằng cách cám dỗ con đi vào đường phản bội Thanh. Con thấy nguy to chưa?
3. Vì phép lịch sự, nếu họ hỏi thăm, con chỉ nói những điều hay điều tốt để họ thấy con đang có một gia đình ấm êm, hạnh phúc, vợ chồng thương yêu hoà thuận. Do đó, họ không dám dụ dỗ con hoặc phá quấy gia đình con. Con sẽ được sống trong an bình.

II. Giải pháp tích cực: phát huy niềm tin.
1. Hoa thân mến, niềm tin một chiều là Thanh tin vào con. Để niềm tin được công bình và trọn vẹn, chính con cũng phải tin vào Thanh, tin vào tình yêu chân thành của Thanh, tin vào mọi khả năng của Thanh nữa.
Chính niềm tin con đặt nơi Thanh sẽ đem lại cho con sự bình an trong tâm hồn, khiến con vui tươi phấn khởi trong việc bổn phận hằng ngày.
2. Hơn nữa, con phải tin vào con nữa. Lòng tự tin này giúp con vượt thắng mọi trở ngại để chu toàn sứ mệnh làm vợ. Con nên tự nhủ: “việc này khó khăn lắm, nhưng người ta làm được, thì tôi cũng phải làm được”. Hãy tin vào khả năng Chúa ban cho con và cố gắng dùng khả năng làm sáng danh Chúa.
3. Cuối cùng, phải đặt trọn niềm tin vào Chúa, Đấng Tạo Hoá toàn năng yêu con vô cùng. Với Ngài, con có bình an thật sự. Làm bất cứ việc gì, con hãy phó dâng và tín thác nơi Thiên Chúa. Xin Ngài chúc lành, thánh hoá, hướng dẫn… giúp con thành công.
Cho dù mọi người trên thế gian chán ghét, từ bỏ, lên án con thì Cha trên trời vẫn hằng yêu thương. Cho dù tội lỗi con xấu xa chồng chất, Ngài vẫn chờ con trở về để tha thứ… Tối sáng con hãy nhớ đến Ngài.
Ở quận Cam bên Mỹ (Orange County), có lần 3 án mạng rất đau thương xảy ra liên tiếp làm xôn xao xúc động cả Nước Mỹ và thế giới. Cả 3 án mạng xảy ra chỉ vì có nhiều chuyện lục đục trong gia đình giữa hai vợ chồng. Người ta mất niềm tin vào nhau, vào chính mình và cả không tin vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Họ tuyệt vọng đã chọn cái chết.
-Một ông tự sát bằng súng, sau khi bắn vợ và con.
-Một ông Việt Nam dùng xăng đốt ông và 4 con nhỏ.
-Một nhà văn tự sát, chết trong xe hơi.
(phỏng theo Mái ấm gia đình của Sương Mai,  trang 30-33)

 

HP125: Hôn nhân biến hai gia đình xa lạ nên thông gia, hai nhà nên một

(Phỏng theo Mái ấm gia đình của Sương Mai)
Đầu lễ:
 

Anh Chị yêu nhau và lấy nhau: xin chúc mừng tình yêu Anh Chị. Lấy chị, anh phải nhận gia đình HP125

Anh Chị yêu nhau và lấy nhau: xin chúc mừng tình yêu Anh Chị. Lấy chị, anh phải nhận gia đình chị là gia đình mình và ngược lại, lấy anh, chị phải mến gia đình anh như gia đình mình. Tình yêu Hôn nhân biến hai gia đình xa lạ nên thông gia, hai nhà nên một, thân thiết. Đừng để thông gia thành kỵ gia; hai nhà kình địch chống đối nhau, hạnh phúc con cái tan vỡ.
Vậy bí quyết quan trọng làm tăng thêm hạnh phúc gia đình là anh và chị phải cư xử tốt và như nhau đối với cả hai gia đình bên chồng và bên vợ. Cầu mong anh chị sống được như thế. Và họ hàng chúng ta cũng phải vun xới cho tình yêu này tốt đẹp.

Giảng lễ:
I. Chấp nhận, yêu mến gia đình chồng như gia đình mình.
1. Chị tâm sự với anh: “Em yêu anh lắm, yêu với trọn cả tâm hồn, nên yêu cả cái hay lẫn cái dở của anh đó!” Lời này tốt, nhưng mới trên môi miệng.
Chị thưa với mẹ: “Má đừng lo, vì con yêu anh ấy, đương nhiên con yêu cả gia đình nhà chồng”. Tuyệt quá, nhưng mới là lý thuyết.
Chị còn phải chứng minh cho lòng thành của mình bằng những điều cụ thể.

2. Cả chị và anh nên nhớ:
- Sống với ruột thịt của mình còn khó và phải hy sinh từ bỏ nhiều lắm, huống chi sống với những người không cùng dòng máu với mình.
- Ở nhà, làm gì sai quấy, vì yêu thương có khi ba má chỉ rầy la rồi bỏ qua; các em có buồn cũng xí xoá dễ dàng. Nhưng bên nhà chồng thì khác: Họ hay để ý nàng dâu từ lời nói, cách ăn mặc, đi đứng đến thái độ cư xử; từ việc nhỏ tới việc to để bình phẩm khen chê. Mà chê thường nhiều hơn.  Rồi họ nói xa nói gần, chỉ trích, bới lông tìm vết, thêu dệt chuyện nhỏ thành to, nhẹ thành nặng. Họ còn nhồi sọ, xúi bẩy con trai, khiến người con trai có vợ ấy rất buồn khổ và khó xử. Nhiều đôi không vượt qua được, lục đục, bỏ nhau, làm vụt mất hạnh phúc.

3. Chị chịu nổi không?
- Không, tức chị không yêu anh bằng cả con tim.
- Có, chưa chắc đâu. Vì yếu đuối hèn mọn như mọi người, nên chịu đựng đôi ba lần còn được, thêm nữa khó đấy.

4. Muốn chịu đựng:
- Phải dẹp mọi tự ái, tự kiêu, cái tôi của mình.
- Chấp nhận mọi thiệt thòi, oan ức bằng tình yêu vị tha của Thiên Chúa ban cho.
- Nhẫn nhục chịu đựng, tha thứ bỏ qua tất cả và đối xử với mọi người bằng tình yêu chân thành.
Có vậy, những người nói xấu vu oan sẽ xấu hổ nghĩ lại, rồi có thể họ thay đổi bằng cách cảm phục, yêu thương mình. Chị đã dùng tình yêu thắng hận thù, biến gia đình chồng thành gia đình thân thương của chị.

II. Các biện pháp.
* Nghĩ tốt cho gia đình chồng:
1. Chị sẽ nghe được những lời nói, chứng kiến những tia nhìn, ánh mắt, cử chỉ, hành động từ những người thân trong gia đình chồng làm chị buồn nản, bực bội, khó chịu. Những lúc đó, hãy nghĩ tốt cho họ, như nghĩ rằng : sở dĩ họ có những lời nói, tia nhìn, hành động như vậy là vì thương mình, muốn mình nên tốt, muốn xây dựng cho mình, nhất là muốn mình hoà mình với mọi người trong gia đình chồng.
2.Chị nên biết điểm tâm lý này để thông cảm với họ : sự hiện diện của chị trong gia đình nhà chồng có thể gây nên sự ghen tương nơi cha mẹ, anh chị em của chồng. Vì từ một người xa lạ, chị nghiễm nhiên chiếm được tình yêu và sự chăm sóc của chồng. Hầu hết thì giờ và tiền bạc chồng dành cho chị, cho nên cha mẹ anh em chồng có cảm tưởng bị bỏ rơi, bị mất mát nhiều.
Hiểu vậy, chị hãy làm mọi cách để bù lại phần nào mất mát kia : có thể dùng lời nói dịu dàng, việc làm cần mẫn, thái độ vui tươi để an ủi xoa dịu họ. Nhờ đó, họ sẽ thương mình và chấp nhận mình như ruột thịt.
* Nói tốt cho gia đình chồng:
Nghĩ tốt chưa đủ. Còn phải nói tốt cho họ.
1. Là người, ai cũng thích khen. Do đó, chị nên khen tối đa. Cố tìm ra những điều hay, điểm tốt để khen. Chớ chê bai, nhạo báng bất kỳ ai có thể làm người nghe thất vọng, bất mãn với mình. Chị hãy nhớ lời tổ tiên dạy: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
2. Cần phải kín miệng, tuyệt đối không nói xấu một ai trong gia đình chồng. Cho dù có người trong gia đình chồng chỉ trích gia đình ta, chị cũng giữ im lặng. Ích lợi gì khi nhắc lại những lời đó cho ba má anh chị em nhà, có thể gây kình địch, hận thù giữa đôi bên. Trăm tội ở đầu lưỡi : nếu chị còn thêm mắm muối vào nữa, e rằng lửa tàn phá sẽ bùng lên đốt cháy trước hết chính hạnh phúc của anh chị.
3. Nên dùng lời nói khéo léo, tế nhị, khôn ngoan nối kết tình thân hai nhà nên một, để mọi người hai bên coi nhau như ruột thịt. Ở nhà nội, đừng nói xấu nhà ngoại và ngược lại. Thay vào đó, chỉ đề cao cái tốt điều hay của gia đình đôi bên. Từ đó, sự kỳ thị sẽ biến mất và được thay thế bằng tình yêu thương hòa thuận.
* Làm tốt cho gia đình chồng:
1. Xa cha mẹ, một tháng: nên về thăm nội một tuần, ngoại một tuần; một tuần đi picnic, thăm bạn bè ; còn một tuần ở nhà tổng vệ sinh nhà cửa. Mỗi lần về thăm nên biếu chút quà các ngài thích hoặc làm tặng các ngài một món ăn hợp khẩu. Đặc biệt nhớ đến các ngài những dịp sinh nhật, kỷ niệm thành hôn, ngày lễ cha, lễ mẹ, ngày tết…
2. Các ngài đau ốm, nên nhanh chóng chữa chạy thuốc men, chở đi bệnh viện. Có tốn kém cũng không nên nhăn nhó mà hãy vui tươi, hớn hở. Nên lợi dụng những kỷ niệm đặc biệt của gia đình để mời họ hàng hai bên tới chung vui, tạo mối cảm thông thân thiện giữa hai nhà.
3. Cha mẹ chồng cao niên, mắt mờ, chân chậm phải đón về nhà để cùng chồng chăm sóc phụng dưỡng, giúp chồng làm tròn chữ Hiếu mà giới răn thứ bốn Chúa đã dạy.
Cha mẹ ở chung có hay khó tính. Đừng chấp tuổi già. Hãy biết tự nhủ: “Sau này về già, có khi mình còn khó tính khó nết hơn nhiều”.
Nếu các cụ ở với người con khác, hãy cùng chồng tiếp tay với anh chị em đó về tài chánh cũng như bất cứ điều gì cần,
4. Bệnh nặng, nên mời linh mục tới giúp các ngài đón nhận các Bí tích sau cùng. Chúa có gọi về, lo toan ma chay chu đáo và năng xin lễ cầu nguyện.
5. Đối với anh chị em nhà chồng: vui vẻ giúp đỡ mọi phương diện tuỳ khả năng và thì giờ. Đi lại thăm viếng nhất là khi họ lâm bệnh.
6. Đối với ông bà nội, ông bà ngoại của chồng: hết sức thương yêu kính trọng nên giúp đỡ và thăm viếng. Một chút quà gởi tới cũng giúp các ngài đỡ tủi thân.
7. Đối với chú bác, cô dì, bà con xa gần của chồng: đi lại thăm hỏi khi có thể. Nhớ chào hỏi lễ độ. Đừng giả vờ nhìn đi đàng khác, khiến các ngài hiểu lầm về cách giáo dục của gia đình mình.
Một gia đình nọ bố chết sớm, còn một mẹ và hai con : một trai, một gái. Sang Mỹ cả hai lập gia đình.
Con trai, sau 8 năm lấy vợ, có 4 cháu. Lúc ấy người mẹ trên 80 già yếu. Đứa con trai muốn đưa mẹ già về chăm sóc, phụng dưỡng để phần nào đền ơn đáp nghĩa. Nhưng vợ không chịu, nên đành phải ở với vợ chồng cô em gái trên 6 năm. Thỉnh thoảng đón mẹ về một tuần thì vợ làm dữ… Cách đây 5 tháng, vợ chồng cô em gái đưa mẹ về và bi kịch bắt đầu.
Vợ ra điều kiện: “Một là mẹ anh, hai là vợ con. Anh chọn ai? Nếu chọn mẹ anh thì năm mẹ con tôi ra đi. Còn nếu anh chọn năm mẹ con tôi thì mẹ anh phải ra đi”.
Tiến thoái lưỡng nan. Thương mẹ và hết sức đau đớn, nếu để mẹ ra đi; nhưng vì tương lai bốn đứa con, đành thắt ruột để mẹ ra đi.
Đưa mẹ vào “nursing home” (nhà tế bần) để y tá săn sóc. Bà cụ mất nay được 2 năm.
Ôi, một đứa con trai: có được tự do đền ơn đáp nghĩa? Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, bao năm …
Cuối cùng, đôi vợ chồng kia ly dị nay đã 4 tháng rồi. Nguyên do duy nhất: nàng dâu xử tệ với mẹ chồng. Chàng cao bay… để lại một vợ 4 con bơ vơ, chán nản. Nhà bị cầm, Con cái bỏ học.
Đừng bắt chước như thế !

 

HP126: THUỶ CHUNG

Hôm nay, đưa nhau ra trước mặt Chúa và cộng đoàn Giáo Hội, chúng con nắm tay nhau, biểu lộ HP126

1. Hôm nay, đưa nhau ra trước mặt Chúa và cộng đoàn Giáo Hội, chúng con nắm tay nhau, biểu lộ công khai sự ưng thuận lấy nhau. Cam kết thề thốt yêu nhau (bằng lời). Rồi trao nhẫn, chúng con trao gởi cho nhau tình yêu và lòng thuỷ chung (qua hành vi).
Một Giao ước mang tính Bí tích, nghĩa là lấy Chúa ra mà thề, lấy cộng đoàn Giáo Hội ra để làm chứng thì phải trung thành đến cùng. Đừng bao giờ bội phản lời thề của mình cả.

2. Dịp kỷ niệm 50 năm thành hôn của nhà tỷ phú Mỹ Henry Ford, người ta hỏi ông: “Công thức nào giúp ông thành công trong đời sống Hôn nhân?” Ông trả lời: “Cũng chính là công thức giúp tôi thành công trong kỹ nghệ chế tạo xe hơi. Đó là : trung thành với một mẫu duy nhất”.
Thuỷ chung là chìa khoá sự thành công trong bất cứ địa hạt, ngành nghề nào. Thuỷ chung trong nghề, cần sự bền bỉ, kiên trì nhẫn nại đeo đuổi mục đích đã đề ra.
Ưu tiên áp dụng cho đời sống vợ chồng: tình yêu cần thuỷ chung.
Bắt đầu một nghề, không cần thề thốt. Bắt đầu đời sống hôn nhân, phải hứa, thề thuỷ chung. Giao ước Hôn nhân bắt đầu bằng lời hứa thuỷ chung và có giá trị với lời hứa ấy. Thủy chung cho đến chết, trọn đời mình. Một lần đã hứa, là dứt khoát mãi tồn tại, mãi vững bền. Sắt son một lời nguyền. Không chỉ giữ với nỗ lực bản thân, mà còn với Ơn Chúa giúp qua Bí tích vừa cử hành đầy lòng thành tín.

3. Tại sao phải thủy chung?
Lấy Chúa ra làm chứng cho mối tình của mình thì đừng phản bội Chúa, lừa dối Chúa. Đem Chúa là Sự thật, là Sự Trung thành tuyệt đối ra để làm chứng cho sự trở mặt, dối trá của mình sao?
Lấy cộng đoàn làm chứng: đừng phản bội Giáo Hội, mất mặt Giáo Hội, bôi bác Đạo. Giáo Hội yêu Chúa khăng khít, thủy chung muôn đời. Đó là mẫu mực cho ta bắt chước. Hôn nhân Công giáo thủy chung mới có sức diễn tả nổi tình yêu giữa Chúa Kitô và Hiền thê Người, là Hội Thánh.
Phản bội lời thề là phản lại chính mình, phản bội nhau. Thiếu tự trọng và tôn trọng người kia. Tan vỡ hạnh phúc.

4. Khi thử thách chớm nở, hãy nhớ lời thề thuỷ chung.
Người ta biết nhau: 3 tuần. Yêu nhau: 3 tháng. Cãi nhau: 3 năm. Tha thứ: 30 năm và con cái khởi sự lại.
 Kết hôn lần đầu: nghĩa vụ; lần hai: dại dột; lần ba: điên rồ (Ngôn ngữ Tây Ban Nha).
Tiền bạc mở được hết mọi cánh cửa, trừ cửa Thiên Đàng
(Tục ngữ Ý).
Tình yêu là Hoàng Đế. Thuỷ chung là Vương Miện (Kahligi Bran).

5. Thử thách đến rất sớm trong đời sống gia đình.
Chỉ sau tuần trăng mật, mọi ưu khuyết điểm đã bộc lộ, phơi bày ra hết. Trước đó chàng và nàng nhìn nhau khác hẳn. Toàn màu hồng! Ban đầu, nhận xét còn tế nhị. Tiếp theo, biến nhanh thành cãi cọ, ăn miếng trả miếng như loài thú nhai lại. Mỗi người gặm nhắm đắng cay. Chỉ vì thiếu tôn trọng nhau và vì tự ái ngút trời! (dấu hiệu của con người và tình yêu chưa trưởng thành đủ. Nhân bản non; giáo dục kém…). Dần dà phản ứng bùng lên thành phản bội, khi sự nghi ngờ nhau tăng.
6. Từ va chạm ban đầu, cần thiết khám phá lại nhau, gắng hiểu nhau cho đúng.
Phải chiến thắng sự nông nổi, bồng bột và sự nhẹ dạ dễ bị khuynh đảo bởi những ý kiến bên ngoài, dù là của người thân chứ chưa kể đến của bao kẻ xấu. Khó, mà vượt qua nổi mới vinh quang. Kíp nghĩ lại, sẽ không bao giờ phải ân hận vì quá muộn, chẳng còn phương cách nào cứu vớt được nữa.
Đừng quên lòng chung thuỷ.
Không có va chạm, gây gỗ chưa hẳn đấy là một cuộc sống Hôn nhân hạnh phúc. Có khi cắn răng chịu đựng, sợ hãi và không dám phản đối ra mặt.
Cãi cọ vì hai cá tính chưa hoà hợp. Cần làm cho hoà hợp. Mỗi ngày sống là thời giờ quí báu để tạo dựng sự hòa hợp của hai tâm hồn, nếu trước đó chưa hề có. Tình yêu và hạnh phúc thật chỉ có thể đến bằng những nỗ lực vun xới từng ngày. Hạnh phúc của chính mình phải do mình gầy dựng. Chẳng có thứ phúc nào đến như “sung rụng” hay được biếu không. Ảo tưởng, khi trông chờ ai đó bố thí hạnh phúc! Nếu còn giữ lòng chung thủy, là còn có thể làm lại từ đầu, là còn tìm lại được hạnh phúc đã mất.
Tập luyện chịu đựng thử thách, nghịch cảnh, giữ chung thuỷ.
Kết: Noi gương tình yêu Chúa Kitô và Hội Thánh. Trung thành tuyệt đối.
Lòng đạo đức, đi đôi với việc cầu nguyện sẽ nhận được Ơn Chúa giúp sống chung thuỷ.
Ỷ vào sức mình, vô vọng: vì hứa đó phản bội đó; cam kết đó tráo trở đó.

 

HP127: CHIỀU LÒNG VỢ

Đầu lễ:
 

Chú rể: Một gã thanh niên khá điển trai của đất Bắc, vào Nam lập nghiệp, với nghề làm đá và HP127

1. Chú rể: Một gã thanh niên khá điển trai của đất Bắc, vào Nam lập nghiệp, với nghề làm đá và bán nước đá kiếm sống. Cái nghề làm mát lòng người… Hãy biến nghề của mình thành cách sống chiều vợ, làm mát lòng vợ để hóa giải bầu khí nóng nực gia đình, để tạo hạnh phúc tươi mát cho cuộc sống chúng con.
2. Cô dâu: Một “nường” ăn nói dẻo quẹo. Nam giới thường ngạc nhiên trước “đức tính nói nhiều” của phái nữ. Cô dâu là cô giáo, sở hữu cái nghề truyền thông kiến thức cho học trò, nên cô càng hay nói vì hằng ngày cô phải lên lớp. Vậy chú rể chiều cô dâu cách nào ?
Đây là một điểm tâm lý tế nhị Cha muốn chia sẻ với chúng con.

Giảng lễ:
1. Cô giáo thì phải hay nói rồi. Cô còn là phái nữ dễ “nhiều lời”:
Đúng, về đến nhà anh có thể nghe chị kể đủ điều: từ chiếc áo dài mới may; đôi bông mới sắm cho mình; chuyện học sinh ngỗ nghịch ở trường; chuyện gặp ngoài đường; chuyện rắc rối với hàng xóm; đến cả cuốn phim đang xem nữa… Ôi đủ thứ chuyện dài dòng được kể lể!
 Nhiều đến nỗi có khi anh không còn đủ kiên nhẫn muốn nghe. Đến nỗi tin rằng giá lấy được bà vợ ít lời thì thật diễm phúc. Tới mức nhiều phụ nữ cũng bất mãn vì cái tật “lắm chuyện” của giới mình.
2. Nhưng đó là nét tâm lý đặc biệt của phái nữ.
- Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, nam giới thường rút vào thinh lặng, yên tĩnh, ở một mình. Cần lắng đọng, nghỉ ngơi để giảm bớt căng thẳng. Mong bình tâm sáng suốt để “nhất thiết phải giải quyết cho xong” cái điều đang quấy rối mình.
- Nữ giới ngược lại: làm như họ không thấy cần phải giải quyết vấn đề. Điều họ cần là có ai đó kề bên để được nói, được san sẻ, được lắng nghe, cảm thông, hiểu biết, đón nhận. Càng được nói ra mọi chi tiết, họ càng cảm thấy thanh thản. Vấn đề dường như nhờ vậy mà tan biến. Họ sẽ trở lại hồn nhiên, bình thường như chẳng có gì xảy ra vậy.
3. Anh hãy ở bên cạnh và lắng nghe chị. Đó là cách giúp chị tốt nhất mỗi khi chị căng thẳng. Nhưng “lắng nghe” là điều rất khó. Khả năng ấy anh phải có quyết tâm và thường xuyên tập luyện mới đạt được ít nhiều. Trở ngại khó vượt qua nhất, là những định kiến của bạn.
- Anh cần tập ngăn chặn những phản ứng nóng vội của mình, dù những điều chị nói với bạn có “nghịch tai” và khó chấp nhận đến đâu đi nữa.
- Đừng chặn ngang, tranh luận; đừng phê bình, chỉ trích. Khoan nghĩ tới chuyện đúng - sai, tốt - xấu, phải - trái…
- Điều quan trọng trước tiên là anh có thực lòng đón nhận và tôn trọng nàng vô điều kiện không, có cố gắng nhìn và cảm câu chuyện bằng cách nhìn và cảm xúc của chính nàng không, có mong hiểu biết nàng chính xác như nàng đang là, đang bộc lộ không.
-Lắng nghe như vậy gần như có nghĩa là tạm xoá đi “cái tôi” của anh để chị có thể hiện diện hoàn toàn, trọn vẹn con người thật lúc đó của chị.
-Anh phải yêu thương và kính trọng chị biết bao mới có được thái độ trên. Nhưng đó là điều anh phải cố, vì là vợ – xứng đáng được anh đối xử như vậy. Rồi anh sẽ ngạc nhiên thấy rằng chính thái độ đó của anh sẽ giúp chị cuối cùng chọn lựa cái tốt nhất, đúng nhất, phải nhất cho chị. Anh sẽ thấy khi được tôn trọng và yêu thương vô điều kiện, chị sẽ có khả năng chọn lựa bằng tất cả tự do cũng như trách nhiệm của chị và thường là hơn cả điều anh mong ước. Cũng có thể là sau khi trút hết nỗi niềm, chị thực tình muốn biết quan điểm của anh. Lúc ấy anh mới nên bày tỏ lập trường.
- Giả như anh thấy chưa sẵn sàng có được thái độ lắng nghe như đã mô tả, tỉ như anh quá bận hay quá mệt… hãy thú nhận điều đó và hãy xác định với chị một cái hẹn sớm nhất mà anh có thể thu xếp được.
4. Ngược lại, nếu anh không thành tâm tập luyện khả năng lắng nghe nghĩa là làm ngơ không thèm đáp ứng một trong những nhu cầu rất cơ bản của chị, thì chính anh đang huỷ hoại chị. Sự thờ ơ của anh về lâu về dài có thể đẩy chị đến chỗ lặng câm hay/và nổi loạn.
Cuộc sống chung có thể trở thành niềm vui hay bi kịch, bắt đầu từ chính cái điều tưởng như nhỏ nhặt ấy đấy anh và chị ạ.
Hãy hiểu tâm lý của nhau và hãy biết sống đáp ứng, gia đình sẽ có hạnh phúc. Khôn là hiểu và biết sống.
(Theo Ý YÊN, Công Giáo & Dân Tộc, số 1205, 4-5/99, tr. 24)

 

HP128: Hãy bảo toàn hạnh phúc cho mai sau

Đầu lễ:
 

Chúng con mới yêu nhau. Tình yêu đang đầy tràn. Lẽ ra càng yêu nhau lâu dài, tình yêu càng nồng HP128

Chúng con mới yêu nhau. Tình yêu đang đầy tràn. Lẽ ra càng yêu nhau lâu dài, tình yêu càng nồng thắm và bền chặt, nhưng thực tế có khi chỉ sau một thời gian ngắn, tình yêu lại như trở nên gìa nua cũ kỹ, hao hụt, cạn kiệt. Phải làm gì?
Hãy nghĩ đến chuyện ấy ngay từ lễ Thành Hôn hôm nay, để bảo toàn hạnh phúc cho mai sau.

Giảng lễ:
I. Hãy ở trong quỹ đạo Tình Yêu Thiên Chúa:
1. Tagore:
“Vạn sự do bởi tình yêu sáng tạo
Vạn sự đã được tình yêu nâng đỡ
Vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu”.
2. Thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8).
Thiên Chúa dựng con người theo/giống hình ảnh Thiên Chúa, nên yêu thương là bản chất của con người. Con người không thể sống, càng không thể hạnh phúc nếu thiếu tình yêu.
3. Cũng vì yêu mình, con người không ngừng tìm kiếm bản thân mình trong người khác để yêu và được yêu, để có thể gặp gỡ hoà hợp bổ túc cho những thiếu sót khiếm khuyết của mình. Tuy nhiên, lưu ý ngay nghịch lý này: con người vừa không muốn giam hãm trong vỏ ốc của mình, vừa lại muốn là  chính mình. Nói cách khác, con người cần được yêu thương bởi người khác, cần nhận được từ nơi người khác những tín hiệu tình yêu. Không có đối tượng (là người khác) thì không có quan hệ tình yêu. [Tình yêu nơi Thiên Chúa duy nhất được diễn tả trong khung Ba Ngôi: Cha yêu mình, sinh ra Con. Cha con yêu nhau nhiệm xuất Chúa Thánh Thần]. Trong thực tế, sự tìm kiếm thoả mãn nhu cầu yêu và được yêu của con người nhiều khi lại chỉ là sự thể hiện tinh vi của ích kỷ, nếu không vượt được cái nghịch lý trên.
Mình chỉ được yêu bởi người khác, nhưng khi yêu mình, mình lại vị kỷ để ý đến mình và muốn loại trừ hoặc áp chế người khác. Hãy cẩn thận.
Muốn nuôi dưỡng tình yêu, hãy loại trừ con sâu ích kỷ ra khỏi mình. Nói cách khác, chỉ được yêu thương khi biết yêu thương người khác. Tình yêu sẽ làm con tim rộng mở phong phú thêm, đồng thời nhân cách của những người yêu nhau cũng được kiện toàn dần.
Tình yêu hoà hợp, biết tôn trọng nhau và bình đẳng sẽ làm phong phú cả hai người. Còn tình yêu nhuốm màu vị kỷ, sẽ nô lệ hoá kẻ khác và làm cạn kiệt tình yêu dần dà.
Thánh Augustino chỉ ra một nguyên tắc sống: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Khi không còn yêu người khác, tức khắc cũng hết yêu mình và ngược lại.
4. Khi khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng Tình Yêu Cứu Độ, Đức Giêsu đã dành phép lạ đầu tiên cho đôi tân hôn ở Cana. Đây là một phép lạ của tình yêu của Đức Giêsu dành cho tình yêu đôi lứa, để mừng hôn ước tình yêu và để cứu hạnh phúc của tình yêu đang bị đe doạ tai tiếng vì “họ hết rượu rồi”.
Trong Thánh Kinh, rượu là nguồn gốc, dấu chỉ niềm hoan lạc yêu thương (x. Tv 104,15 ; Hc 31,28). Hết rượu, niềm vui cạn kiệt, tình yêu bị đe dọa. Hết men yêu thương, hạnh phúc con người cũng cạn kiệt. Thánh Gioan trình bày cái gì thường cái đó có tính biểu tượng: rượu, chất men yêu thương của con tim. Rượu cũ vừa không ngon lại thiếu hụt. Cố gắng con người có hạn. Khi Đức Giêsu can thiệp, đem tình yêu, ân sủng, sự chúc phúc của Ngài vào, rượu mới thật tuyệt hảo và còn tràn trề nữa.
Hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa dẫu bay bổng, thi vị lãng mạn đến đâu tự thân hạnh phúc ấy vẫn rất mỏng manh, nếu không được Ân sủng nâng đỡ. Trái lại, khi Đức Giêsu hiện diện, tình yêu giới hạn của con người (rượu cũ) không chỉ được chúc lành, còn được nâng đỡ thăng hoa thành một Bí Tích Tình yêu. Thiên Chúa chia sẻ hạnh phúc sung mãn của Ngài cho con người (rượu mới), khiến tình yêu hết bị đe doạ. Vậy Ngài “bảo gì anh em cứ làm theo”.
Muốn gia đình hạnh phúc, hãy sống theo Chân lý Tin Mừng, những lời dạy dỗ và giới luật của Đức Giêsu. Hãy đem Tình yêu Đức Giêsu vào tình yêu của anh chị.

II. Hãy học biết yêu thương.
1. Ai trong chúng ta lại không biết yêu và không sẵn sàng yêu. Song ai đã yêu đều cảm thấy tình yêu là điều khó nhất đối với con người:
- bởi lẽ tình yêu là một mầu nhiệm đòi dấn thân hoàn toàn cả đời để học cho được. Nó luôn cũ và cũng lại luôn mới. Nó đòi nên mới mẻ; nên tình yêu không chấp nhận lề thói, khuôn sáo cũ. Hãy đổ rượu mới vào tình yêu chúng ta hằng ngày.
- bởi lẽ yêu là một nghệ thuật đòi nhiều nỗ lực hy sinh quên mình thực sự, thậm chí đến độ “chết” cho người mình yêu (như Đức Giêsu đã sống). Đấy mới là biết yêu thực sự. Đấy mới bảo vệ được tình yêu. Ai ham sống sẽ mất sống. Ai ham yêu mà không biết yêu (tức có nghệ thuật yêu) sẽ làm tình yêu cạn kiệt, tan vỡ. Hãy đổ men rượu mới, cung cách, nghệ thuật yêu của Đức Giêsu vào tình yêu của mình mỗi ngày.
2. Nghệ thuật yêu là học biết về người khác, để không ngừng trao ban và đón nhận. Một bên ngừng nghỉ không trao ban vì tự ái, vì ích kỷ, tình yêu sẽ chết vì không có giao hoà qua lại.
Mỗi người luôn là một huyền nhiệm mà người khác phải khám phá hầu chấp nhận họ như họ là trong tình yêu. Từ đó, ta biết tự trọng. Trong Hôn nhân và tình yêu, rất cần lòng tự trọng bằng cách trau dồi nhân cách yêu thương của mình: ở đây chính là những nỗ lực chinh phục, tạo niềm vui, tái tạo sự mới mẻ trong tình yêu cho nhau mãi. Cố chấp, ỷ nại mình, khuôn sáo sẽ làm khô héo tình yêu.
3. Xung khắc là điều không thể tránh nổi. Do vậy, yêu thương và biết yêu cũng là dám sẵn sàng đối thoại và giải quyết bằng tha thứ. Đối thoại là không một mình mình nói, một mình mình quát; nhưng là biết lắng nghe cảm thông những khát vọng sâu xa của nhau. Đối thoại là biết đáp ứng về phía mình những gì phía kia cần, nhất là đáp ứng bằng sự tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm của nhau.
4. Anh chị là Kitô hữu, là người có đức tin lại phải xác tín rằng: Thiên Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ tình yêu giới hạn và mong manh của anh chị. Hãy cầu nguyện riêng và chung với Ngài. Đó là bí quyết để tình yêu khỏi cạn kiệt, xơ cứng; vì cầu nguyện là lúc anh chị cần đến Thiên Chúa trợ giúp chuyển thông ân sủng, sự nâng đỡ, rượu mới của Ngài cho. Khi ấy tình yêu anh chị sẽ tuyệt đẹp và được bảo toàn.

 

HP129: HẠNH PHÚC VÀ ĐAU KHỔ

Đầu lễ:
 

Các đạo diễn phim truyền hình đôi khi đưa một cảnh ồn ào bạo lực vào sau một cảnh yên tĩnh HP129

Các đạo diễn phim truyền hình đôi khi đưa một cảnh ồn ào bạo lực vào sau một cảnh yên tĩnh. Giáo Hội cũng làm như vậy trong Phụng vụ hôm nay. Sau việc hạ sinh âm thầm của Chúa Giêsu là việc Stêphanô bị ném đá. Điều này nhắc chúng ta rằng : Lễ Giáng sinh không chỉ là ngày đầu tiên trong cuộc đời Đức Giêsu, mà còn là ngày đầu tiên của cuộc hành trình dài đầy đau khổ của Người đến đỉnh Calvê. Điều đó cũng nhắc chúng ta phải sẵn sàng để chịu đau khổ vì đức tin, như Chúa Giêsu và thánh Stêphanô đã chịu.

Giảng lễ:
Đôi bạn sắp kết hôn thân mến,
1. Chúng con đừng quên điều Cha mới nói: hạnh phúc đi liền với đau khổ. Chúng con phải chấp nhận cả hai. Đừng nhìn đời sống Hôn nhân gia đình của chúng con qua lăng kính lúc nào cũng màu hồng cả. Có những ngày vui tràn trề như thời gian chúng con mới quen biết nhau, sắp cưới, mới cưới trong tuần trăng mật. Nhưng khi giáp mặt với cuộc sống  miếng-cơm-manh-áo, trách-nhiệm-bổn-phận, chúng con sẽ thấy có những vấn đề nan giải, khó nuốt. Trong quan hệ hằng ngày với nhau, với họ hàng cha mẹ đôi bên, với những người ngoài bắt đầu có những rắc rối, đôi khi “tăng đô” lên thành những đau khổ xót xa. Màu hồng chuyển dần sang màu tím ảm đạm. Cha muốn nói với chúng con rằng phải ý thức trước những điều đó, phải biết chấp nhận cả hai và biết cách giải quyết hoá giải nó.
2. Tình yêu Hôn nhân cho chúng con thấy rằng khi yêu nhau với sự hoà hợp thể xác, tinh thần, nhanh chóng chúng con cảm nhận được, hiểu được thế nào là hai người nên một: gắn bó sắt son, yêu thương nồng nàn hạnh phúc. Thế nhưng thực tế va chạm với những dị biệt tâm lý, quan niệm, sở thích, lập trường của chính chúng con, có thể biến những êm đềm cuộc sống thành những đợt sóng vùi dập nhau, hạ gục nhau thật dữ dằn như bão biển. Chúng con phải biết đón trước và vượt lên những nghịch cảnh để sống. Gia đình có thể là thiên đàng hạnh phúc; nhưng cũng nhanh chóng, vì một duyên cớ bất ngờ không tốt nào đó, trở thành địa ngục. Cha nói toẹt ra rằng vợ chồng là người yêu của nhau, nhưng rồi có thể là kẻ thù của nhau. Có quá đáng không chúng con ?
3. Cha ông chúng ta gói ghém cái nghịch lý ấy trong những câu ví von như:
“Lấy chồng như gông đeo cổ.
Lấy vợ như rợ buộc chân”.
Rõ ràng là chịu ràng buộc, chịu khổ vì nhau.
Hoặc khi yêu thì:
“Tình anh như nước dâng cao.
Tình em như dải lụa đào tẩm hương”.
Êm đềm ngọt ngào thế.
Nhưng khi tức giận ghen tương thì:
“Yêu nhau chưa ráo mồ hôi,
Chưa tan buổi chợ, đã rời nhau ra.
Có ai thêm bận vì ai,
Không ai giường rộng chiếu dài dễ xoay”.
4. Trong nghi lễ của Bí tích Hôn phối, trước sự chứng kiến của Linh mục và Cộng đoàn, đại diện Chúa và Giáo Hội, chúng con đã chẳng cam kết về cái hạnh phúc và đau khổ đi đôi trong cuộc sống Hôn nhân và gia đình là gì: “anh nhận em làm vợ và hứa giữ lòng chung thuỷ với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc bệnh hoạn, để tôn trọng và yêu thương em suốt đời anh” và ngược lại, vợ cam kết với chồng cũng như thế.
 Vậy chúng con hãy can đảm đón nhận cả hạnh phúc lẫn đau kho. Đời không chỉ có màu hồng, nhưng còn những màu tím. Có mùa xuân tươi mát cũng sẽ có mùa hè rát rúa, mùa đông tàn tạ. Cha không muốn chúng con bi quan, nhưng phải thực tế.
Chúng con có ý thức, có sẵn sàng chấp nhận đau khổ, tìm cách hoá giải vượt lên để xây dựng một gia đình tốt đẹp? Gia đình Thánh gia là thánh, nhưng vẫn có những rắc rối,  những đau thương.
Hãy tin tưởng Ơn Bí tích Hôn Nhân :
“Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9).
Sau cơn mưa trời lại sáng.
Sau cơn bĩ cực, đến hồi thái lai.

 

HP130: HÃY TIN NHAU

Vợ chồng có thể tin nhau tới mức tuyệt đối? 1.Ai quả quyết được: Xin chúc mừng người ấy và HP130

I. Vợ chồng có thể tin nhau tới mức tuyệt đối?
1.Ai quả quyết được: Xin chúc mừng người ấy và hạnh phúc thay cho người ấy.
2.Nhưng chắc rất ít người có được cái may mắn đó.
Vì sao ?
a. Con người hay thay đổi: “Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn” và “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người ai dễ mà đo cho cùng”.
b. Tình yêu như mọi tình cảm, theo qui luật tâm lý của nó, luôn luôn biến chuyển: khi lên khi xuống, khi ẩn khi hiện, khi đầy khi vơi. Nay hứa yêu mai lại bội thề. Làm sao có thể tin ai hoàn toàn được?
c. Vợ chồng, dù cố gắng thành thật đến đâu, cũng không thể trong suốt với nhau. Vợ chồng cũng không hiểu nhau hết được, vì mỗi người là một bí ẩn. Sẽ còn mãi một vùng bất khả xâm phạm, một ẩn số, ngay cả đối với bản thân mỗi người.
Xuân Diệu diễn tả sự cách biệt sâu xa đó:
“Dầu tin tưởng, chung một đời, một mộng
Em là em, anh vẫn cứ là anh
Có thể nào qua Vạn lý tường thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật!”
3. Vậy thì còn ai dám tin?
a. Suy nghĩ kỹ, lý trí tôi chỉ cho phép tôi tin ở một mức độ nào đó thôi. Vợ hoặc chồng, chồng hoặc vợ vẫn có những giấu đút lén lút trong vấn đề quản lý tiêu pha tiền bạc, trong vấn đề quan hệ tình cảm với người ngoài vượt ngưỡng an toàn và xã giao, trong hành vi và lời nói hằng ngày.
b. Nhưng chính tình yêu lấp đầy những khoảng cách khôn lường giữa hai người còn yêu nhau thật lòng. Ta chẳng nói: “Yêu nhau chín bỏ làm mười” là gì? Tình yêu lấp đầy cách biệt. Tình yêu bỏ qua, tha thứ. Tình yêu biến cái chưa đủ điều kiện để tin thành cái có thể chấp nhận. Tình yêu làm cho ai đó dám liều lĩnh đặt cả cuộc đời mình vào cái cơ hội may hay rủi này. Cơ hội ấy là Hôn nhân. Trong Hôn nhân, hai người cùng đón nhận và gánh chịu: cùng ăn cùng chịu, vui buồn sướng khổ…
c. Vậy để có thể tin nhau được, phải yêu nhau thật lòng.
Phải nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự tin:
- Người thiếu tự tin, không dễ gì tin người khác. Hay nghi ngờ chính mình, nên họ lúc nào cũng sống trong một trạng thái nghi kỵ. Bao nhiêu bằng chứng cũng không đánh tan được sự ngờ vực của họ.
- Nếu thiếu tự tin, còn thiếu cả một chút quãng đại nào đó thì khó vượt qua được các khoảng cách giữa hai người, hai vũ trụ riêng biệt. Yêu đòi vượt lên chính mình và đặt niềm tin nơi người khác.
- Cuối cùng, cơ sở của niềm tin vợ chồng không chỉ ở nơi đối tượng mà thôi mà còn nằm nơi chủ thể nữa: nơi sức mạnh, lòng tự tin và ít nhiều rộng lượng đối với người khác.

II. Hãy tin nhau, mọi chuyện sẽ tốt đẹp!
Truyện1: Khi đã tin nhau.
Sơn + Thảo: Cặp vợ chồng trẻ tin nhau. Hồng là bạn Thảo thấy mấy ngày qua Sơn thường đi sắm đồ, cặp kè với một cô khác. Hồng báo cáo với Thảo, gieo mối nghi ngờ vào lòng Thảo. Nhưng Thảo vẫn một lòng tin chồng đứng đắn.
Kết quả : Sơn đi mua đồ thăm nuôi anh Minh. Người đẹp đi với Sơn là vợ của Minh.

Truyện 2: Khi thiếu tự tin.
Dì Phượng nhắc cháu: “Chưa con chưa thật là chồng, huống chị em hậu tay không mới về”. Tin thì tin, chứ dạ hãy còn phỏng. Biết người quân tử ngả lòng nơi nao!
Từ đó Phượng canh chừng chồng, hay hỏi han từng ly từng tí.
- “Sao em giữ anh kỹ quá. Anh có cảm tưởng như là một tù binh của em rồi. Biết lấy vợ mất tự do thế này, anh ở vậy cho xong!”
Phượng khóc, cho chồng hết yêu mình rồi: Anh thường bênh vực người khác. Bắt đầu chê, không thấy vợ đẹp như xưa…
- “Đừng nghi ngờ dại dột thế em. Đừng vô tình đập nát hạnh phúc mình bằng thái độ thiếu tin tưởng đó. Anh yêu em,  nhưng cũng yêu tự do. Tự do không có nghĩa anh đòi hỏi bay bướm, nhưng muốn có bạn và được đi đây đi đó”.
Kết: Cuộc sống sẽ ra sao, nếu ta cứ nghi ngờ nhau, kiểm tra nhau ?

 

HP131: Khánh Nhật Hôn Phối cho 26 gia đình trong giáo xứ

GX Bắc Hải mừng Lễ Thánh Gia và mừng kỷ niệm Khánh Nhất Hôn Phối
Mon, 28/12/2015 - 11:04
Tác giả:  Truyền Thông Bắc Hải
Chiều Chúa nhật 27.2.2015, cùng với Hội Thánh, Giáo xứ Bắc Hải Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc long trọng mừng lễ kính Thánh Gia và mừng kỷ niệm Khánh Nhật Hôn Phối cho 26 gia đình trong giáo xứ (một gia đình mừng Ngọc Khánh - 60 năm, 02 gia đình mừng Kim Khánh - 50 năm, 16 gia đình mừng Ngân Khánh – 25 năm, và các gia đình mừng nhiều năm hôn phối: 10,15,20,33,35…).
Trước lễ là kiệu rước tượng thánh gia chung quanh thánh đường, đoàn rước vừa đi vừa hát ca thánh vịnh tôn vinh gia đình thánh gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Các gia đình mừng kỷ niệm cùng với các con cháu, họ hàng nội ngoại của mình tay cầm bông huệ tươi cùng bước theo đoàn rước mang theo niềm vui mừng hạnh phúc tiến vào thánh đường dâng lễ Tạ Ơn Chúa.
Mở đầu thánh lễ, Cha xứ Đaminh vui mừng chia sẻ với cộng đoàn tâm tình ngày Lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Ngôi Lời đã đến với nhân loại nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa Cha, với biết bao trải nghiệm về sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc sống nơi mỗi gia đình và trong cộng đoàn giáo xứ.   
Và Ngài mời cộng đoàn cùng sốt sắng cầu nguyện trong khung cảnh ân phúc của Mùa Giáng Sinh và Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la và hân hoan chia sẻ niềm hạnh phúc cùng các gia đình mừng khánh nhật hôn phối, xin Chúa luôn phù trợ và chúc lành cho tình yêu và hạnh phúc của họ hôm nay và mãi mãi.
Trong bài giảng lễ, vốn chất giọng rõ ràng trìu mến, Cha phó Vinh Sơn chia sẻ với cộng đoàn bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 2,41-52) “Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ”.
Chúng con hoan hỷ gởi đến quý vị nội dung bài giảng.
-----------------------------
 

Một em thiếu nhi viết thư gởi Chúa Hài Đồng như sau: “Mùa Giáng Sinh đã đến mà sao trong lòng HP131

Một em thiếu nhi viết thư gởi Chúa Hài Đồng như sau: “Mùa Giáng Sinh đã đến mà sao trong lòng con buồn quá Chúa ạ ! Con buồn về chuyện gia đình con. Gia đình con năm nay gặp rất nhiều khó khăn: ba con thì sống khô khan, chỉ lo ăn chơi, bài bạc, nhậu nhẹt làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, má con thì nay ốm mai đau.
Mỗi lần ba đi nhậu về là chửi thề, rồi la mắng mẹ và chúng con, rồi đập phá đồ trong nhà nữa. Con rất muốn khóc. Con chẳng biết làm gì để giúp cha mẹ vì con còn rất khờ dại. Con chỉ biết cầu nguyện và mong chờ Chúa Hài Đồng đến giúp đỡ gia đình con… Xin cho ba con ăn năn hối cải, cho mẹ con khỏi bệnh để gia đình con được hạnh phúc Chúa nhé !”
Anh chị em thân mến,
Đó là tâm sự rất thật của một em thiếu nhi muốn cầu nguyện tâm sự với Chúa Hài Đồng về hoàn cảnh gia đình mình. Gia đình của em bé này đang gặp bất hạnh vì em có người cha thiếu trách nhiệm.
Gia Đình Thánh Gia mà chúng ta mừng kính hôm nay đã nêu gương sáng cho tất cả các gia đình noi theo:
- Trước tiên, thánh Giuse đích thực là một người cha sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu và Mẹ Maria. Thánh Giuse làm chủ gia đình với tinh thần trách nhiệm cao và siêng năng cần cù lao động trong làng quê nghèo Nagiarét.
- Thứ đến, Mẹ Maria chính là người mẹ gương mẫu trong đời sống nội tâm, và cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu.
- Và cuối cùng, Chúa Giêsu là Người Con Thảo Hiếu: “Hằng vâng phục cha mẹ” là thánh Giuse và Mẹ Maria.
Anh chị em thân mến,
Noi theo mẫu gương gia đình Thánh Gia, gia đình chúng ta muốn có hạnh phúc thì mỗi người chúng ta cũng hãy noi theo mẫu gương Thánh Gia để sống cho đúng cương vị của mình: cha sống cho ra cha, mẹ sống cho ra mẹ, con sống cho ra con.
1. Người làm chồng, làm cha: Thánh Phaolô khuyên nhủ người làm chồng làm cha “hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó”, rồi “đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nhát đảm sợ sệt”. Nhất là noi gương thánh Giuse, người làm chồng, làm cha cũng biết mang con đến với Chúa như chở con đi lễ, dạy con cầu nguyện, đọc kinh tối gia đình.
2. Người làm vợ, làm mẹ: Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ người làm vợ làm mẹ “hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép”, rồi biết chăm sóc, nuôi dạy con cái nên người và nên con Chúa. Người làm vợ làm mẹ hãy noi gương Mẹ Maria biết hy sinh cho chồng cho con.
3. Người làm con: Sách Huấn Ca dạy người con rất rõ: “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình, thì như thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha sẽ làm vui lòng mẹ”; “Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi”.
Lạy Thánh Gia, xin nâng đỡ gia đình chúng con.
Trước khi kết lễ, một vị đại diện các gia đình mừng khánh nhật hôn phối hôm nay lên dâng lời cảm ơn quý cha, quý chức và cộng đoàn. Kế đến, vị trưởng ban hành giáo lên dâng lời chúc mừng quý gia đình mừng kỷ niệm hôn phối cùng với tràng pháo tay vang dội của cộng đoàn.
Sau lời huấn từ của Cha xứ Đaminh, Ngài cùng Cha phó hân hoan chúc mừng 26 gia đình Mừng Khánh Nhật Hôn Phối và trao tặng tượng trưng hai lẵng hoa tươi cho gia đình hai Cụ mừng 60 năm và gia đình Anh Chị mừng 10 năm, cùng hòa vang tràng pháo tay của cộng đoàn thay cho niềm vui chúc mừng.
Nhận phép lành với ơn toàn xá, quý cha và cộng đoàn hát vang bài ca khấn xin cùng gia đình thánh gia.
Sau lễ, tại gian Cung thánh Nhà thờ Giáo xứ, Quý Cha trao vi bằng cho từng gia đình và chụp hình lưu niệm.

 

HP132: LỄ KIM KHÁNH HÔN PHỐI

Giacôbê Lê Ngọc Bưu- Agata Nguyễn Thị Lượng
Thần Phù ngày 3/6/2017
Trọng kính Đức Tổng Phanxicô Xaviê,
Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Quý Ông Bà và Anh Chị Em,
 

Chúng ta được mời gọi qui tụ lại nơi đây để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với Ông Bà Giacôbê Lê Ngọc HP132

Chúng ta được mời gọi qui tụ lại nơi đây để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với Ông Bà Giacôbê Lê Ngọc Bưu và Agata Nguyễn Thị Lượng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành hôn của Ông Bà. Với tư cách một người bạn từ hồi lớp 6 tại trường Thiên Hựu, con xin chia sẻ mấy ý tưởng và tâm tình sau đây.
1. Nền tảng của Hôn Nhân Công Giáo
Lời Chúa cho chúng ta thấy rõ Mục đích Nền Tảng của Hôn Nhân Công Giáo gồm 2 yếu tố:
Một là Yêu thương giúp đỡ, bổ túc cho nhau: Khi dựng nên con người, Thiên Chúa cho con người đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng (x. St 2, 20), nên Ngài phán: “Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó (x. St 2, 18). Như vậy, mục đích căn bản đầu tiên của đời sống hôn nhân là yêu thương giúp đỡ, tương trợ và bổ túc cho nhau.
Hai là Sinh thành và Dưỡng dục con cái: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, có nam có nữ, ban phúc lành cho họ, và phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất (x. St 1,27-28). Như vậy mục đích căn bản thứ hai của đời sống hôn nhân, vợ chồng là sinh thành và dưỡng dục con cái, cộng tác với Thiên Chúa trong việc tiếp tục sáng tạo nhân loại.
Chúng ta phải nắm giữ hai mục đích căn bản và bao gồm này của Bí tích hôn phối: yêu nhau và giúp đỡ lẫn nhau khi mạnh khỏe cũng như khi đau ốm, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi hạnh phúc cũng như khi thử thách đau khổ, trong ưu điểm cũng như khuyết điểm, khi hài lòng cũng như khi trái ý, nghĩa là yêu nhau với tất cả những gì là của nhau, luôn cùng nhau chung sống để sinh dưỡng và giáo dục con cái nên người và nên con Chúa. Như vậy dù Chúa định lệu thế nào thì vợ chồng vẫn luôn chung thủy bền vững với nhau cho đến trọn đời: Sự gì Thiên Chúa liên kết thì loài người không được phân ly.
Đáng tiếc thay có những trường hợp vô sinh thì vợ chồng ly dị bỏ nhau, đường ai nấy đi. Ngoài ra, vì một số lý do nào đó khiến hoặc chính đôi vợ chồng hoặc cha mẹ họ can thiệp vào bắt phải ly dị, đổ vỡ tình duyên. Đó là một nỗi đau đáng thương vì trái phép Đạo, què cụt và khập khiễng trong ý nghĩa và mục đích kép của Bí tích hôn phối, làm tổn thương tình yêu đôi lứa, lỗi phạm Luật Chúa và Giáo hội.

2. Kim Khánh Hôn Phối của Ông Bà Bưu-Lượng
Lùi lại một chút quá khứ, ngày 3/6/1967, anh huynh trưởng Hùng Tâm-Hướng Đạo Giacôbê Lê Ngọc Bưu và chị huynh trưởng Dũng Chí Agata Nguyễn Thị Lượng, tay đan tay song hành tiến lên giữa cộng đoàn dân Chúa Phủ Cam, đến trước mặt cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ để được ngài thay mặt Chúa chúc phúc cho cam kết hôn nhân của hai người.
Cũng như bất cứ đôi vợ chồng trẻ nào, anh chị Bưu-Lượng ngày đợi đêm mong đứa con kết tinh tình yêu của mình. Nhưng thánh ý quan phòng của Chúa lại định liệu thế khác, thời gian cứ trôi đi mà anh chị vẫn là đôi vợ chồng son. Mòn mỏi đợi chờ món quà sự sống bởi xương thịt máu huyết của mình không được, đến gần 20 năm sau, năm 1985, anh chị đem một cháu gái 4 tuổi gọi anh Bưu là cậu ruột về nuôi dưỡng với tất cả tình yêu thương như con đẻ. Tuy không có công sinh thành, nhưng công dưỡng dục cũng cao như núi, mênh mông như biển, và kết quả là đứa con nuôi nay cũng đã trưởng thành yên bề gia thất. Tấm lòng ông bà Bưu-Lượng không chỉ dừng lại đó, mà còn mở ra đón người chị ruột khuyết tật độc thân của bà Lượng về ở cùng hôm sớm, để đỡ đần cho nhau, nay đã 82 tuổi.
Và ngày hôm nay, 3/6/2017, năm mươi năm sau, tại nhà thờ Thần Phù, nơi một trong hai người em ruột linh mục đang làm quản xứ (cha Bửu và Cha Trản), Ông Bà Bưu-Lượng vẫn còn là đôi vợ chồng son thủy chung, được Đức Nguyên Tổng Giám Mục Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng dâng lễ tạ ơn, chúc phúc làm mới lại và củng cố cho bền vững hôn ước. Thật là tuyệt vời, chúng ta chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa.

3. Nhờ đâu Ông Bà Bưu-Lượng được như vậy?
Chúng ta cám ơn Ông Bà Bưu-Lượng đã làm gương sáng sắt son chung thủy với nhau trong đời sống hôn nhân theo Luật Chúa dạy: “Sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly”.
Nhà thơ An Siêu nói về Lòng Chung Thủy, cũng lột tả trường hợp Ông Bà Bưu-Lượng:
Hôn nhân đẹp là trước sau như một,
Một hôn nhân se kết tự ban đầu,
Khi tuổi già, tóc bạc vẫn bên nhau,
Lòng chung thủy, ôi sao mà cao quí!
Hôn nhân thủy chung, hôn nhân chung thủy,
Khi vợ chồng biết tương kính lẫn nhau,
Cùng sẻ chia niềm hạnh phúc, khổ sầu,
Vẫn thương nhau dẫu đường đời vinh nhục.
Quan tâm nhau trong mọi nơi, mọi lúc,
Trao yêu thương qua ánh mắt, nụ cười,
Chăm sóc nhau khi trái gió, trở trời,
Lòng trung thực giúp tình yêu nồng thắm.
Lời thì thầm ngọt ngào trong đêm vắng,
Hay nụ hôn nồng, ấm áp trên môi,
Câu cám ơn, lời xin lỗi thường thôi,
Là chất liệu giúp tình yêu tồn tại.
Khi vợ chồng cùng bên nhau mãi mãi,
Là hôn nhân của người đã trưởng thành,
Trưởng thành là không nhìn ngó loanh quanh,
Biết hi sinh cho người mình chọn lựa.
Chính Thiên Chúa, Đấng muôn đời muôn thuở,
Đã dựng nên người nữ với người nam,
Người đàn ông, lìa cha mẹ, sẳn sàng,
Gắn bó với nàng, cả hai nên một.
Điều quan trọng và là điều chủ chốt,
Hạnh phúc hôn nhân là sự thủy chung,
Vợ chồng bên nhau mãi mãi đến cùng,
Bất phân ly khi Chúa Trời phối hợp.
Nhưng nhờ đâu ông bà sống được như vậy? Bài Phúc Âm thánh lễ hôm nay cho chúng ta câu trả lời. “Chúa Giêsu nói với các môn đệ: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ huấn lệnh của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình yêu của thầy, cũng như Thầy đã giữ huấn lệnh của Cha Thầy nên Thầy ở lại trong tình yêu của Ngài” (Ga 15,9-10). Giữ huấn lệnh của Chúa để ở lại trong tình yêu của Chúa và của nhau, đó là bí quyết chung thủy keo sơn suốt 50 năm qua của ông Bà Bưu-Lượng. Và bí quyết để giữ vững huấn lệnh Chúa là tích cực tham gia việc tông đồ của Giáo hội địa phương nơi mình sinh sống, nhất là việc dạy giáo lý tân tòng và hôn phối mà ông bà đã đảm trách tại nhiều giáo xứ. Ông Bà không chỉ dạy bằng hiểu biết lý thuyết, mà dạy bằng chính gương sống bản thân với niềm vui nỗi buồn của chính mình: Ông bà dạy như ông bà đã sống chứng nhân.
Quả thế, người ta thường nói: “Lời chỉ trích nặng nề nhất chống lại chúng ta là chúng ta không sống điều chúng ta dạy người khác”. Đó là sứ điệp mà Chúa muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay vậy. Cuộc đời có nhiều niềm vui, nhưng cũng không tránh được thử thách đau khổ. Chớ gì khi gặp thử thách đau khổ, chúng ta biết chạy đến với Chúa và Giáo hội, qua các phương thế cứu độ:
Những lúc ngấm nỗi bồ hòn
Nhìn lên Thánh Giá nỉ non đôi lời
Tìm thêm sức mạnh cứu đời
Từ Tòa Giải Tôi, từ nơi Bàn Thờ
Vui đem Lời Chúa cho người
Thắm tình đồng đạo suốt đời thương nhau
Đời này dù có khổ đau
Chung nhau hạnh phúc đời sau Thiên Đàng.
Chớ gì được như vậy. Xin chúc mừng Ông Bà Bưu-Lượng và tạ ơn Chúa. Amen.
Thần Phù ngày 3/6/2017
Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

 

HP133: Lễ 40 năm (vàng tây) của gia đình Lập Thể

Tháng Tám 7, 2012
Anh Thể và Chị Lập
 

Hôm nay anh chị mừng 40 năm Hôn Phối. Cha Đang trưởng lớp chúc mừng anh chị lễ Hồng Ngọc HP133

Hôm nay anh chị mừng 40 năm Hôn Phối. Cha Đang trưởng lớp chúc mừng anh chị lễ Hồng Ngọc, còn tôi chưa dám dùng chữ “ngọc” vì ngọc, dù là hồng hay bích, lam, thì cũng có vẻ trên 60 năm cả. Vì thế 40 năm, tôi dùng “lễ vàng tây” (18karat) vậy.
Đã có rất nhiều sáng kiến độc đáo mà người ta muốn mừng lễ kỷ niệm thành hôn. Như chàng Raymond nọ, chủ biên tờ báo The Farmer’s Almano :
–  kỷ niệm 15 năm, thì đăng trang trọng trên trang báo một thông báo tuyên bố đã có 15 năm say đắm.
–  Kỷ niệm 20 năm thì Ray tìm 2 người nhảy dù hạ cánh dưới chân người vợ là Anna với 20 đoá hồngđẹp.
–  Kỷ niệm 25 năm thì thuê máy bay kéo theo một băng rôn thật lớn phía sau với hàng chữ Anna – cám ơn em vì 25 năm tuyệt vời tuyệt diệu. Yêu em : Ray.
Chưa thấy kỷ niệm 40, 50 năm thì Ray bày trò gì nữa.
Nhưng anh Thể và chị Lập đã chọn cách tuyệt diệu hơn là mừng kỷ niệm 40 năm chung sống trong thánh lễ trước bàn thờ.
Hai người đã khôn ngoan chọn Thánh lễ để làm mới lời thề. Qua bí tích Hôn nhân cách đây 40 năm, Chúa đã chia sẻ cho anh chị thêm cuộc sống thần linh. Ngài đã hứa nâng đỡ anh chị trong đắng cay cũng như ngọt bùi, trong lúc trời nắng chói cũng như khi gặp mây mù, trong nụ cười cũng như trong nước mắt, trong những ngày ấm cùng cũng  như trong thời kỳ giá băng.
Chúa đã giữ lời hứa. Và anh chị cũng đã giữ lời thề để rồi mới có ngày hôm nay : kỷ niệm 40 năm trượt băng nghệ thuật. Anh chị vừa nghe một chữ lạ lạ : trượt băng nghệ thuật.
Số là, trong một bữa tiệc nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành hôn của một đôi vợ chồng kia, một người bạn của cặp vợ chồng, đã cao niên, đứng lên phát biểu : “Hôm nay xin chúc mừng ông bà X. Y. đã vinh quang đạt được huy chương …”
Khách dự tiệc chăm chú lắng nghe xem ông bạn này nói huy chương gì đây : huy chương của giải cờ tướng (dí tốt…) hay giải trường thọ. Hoặc giả là giải đô vật, giải vật lộn chăng (vì đã có những người ví von cuộc sống gia đình là những cuộc vật lộn giữa anh và chị, giữa ông và bà suốt đời). Chả thế mà khi một đứa bé đi dự lễ cưới tại nhà thờ – thấy đôi uyên ương bắt tay nhau đọc lời ưng thuận, đứa bé hỏi tại sao lại bắt tay nhau như thế – thì được một kẻ từng trải giải thích rằng : cháu không biết sao, đôi võ sĩ trước khi so găng (đánh nhau) thì thường bắt tay nhau ?
Vì vậy người ta lắng nghe, trong buổi tiệc này, xem ông bạn phát biểu đó muốn nói về huy chương gì. Thì đây ông đã nói tiếp : “Xin chúc mừng anh chị đã đạt được Huy chương vàng trong giải trượt băng nghệ thuật” .
Có lẽ vài ba người trong chúng ta chắc từng nghe nói đến giải tranh đua này, nhưng cũng có thể đã nhìn trên TV thấy từng cặp từng cặp lướt đi lướt lại trên một nền nước đã đóng thành đá băng, và đôi giày của họ có đế như một mũi dao để xẻ băng lướt đi trên đá lạnh.
Lời chúc mừng của ông bạn này “Huy chương vàng trong giải trượt băng nghệ thuật” thật ý nghĩa và ý vị. Ý nghĩa và ý vị trên 3 điểm sau :
–  Huy chương vàng, không phai bạc, không phải đồng mà là vàng. 40 năm của anh chị Lập-Thể là con số vàng, tuy là vàng tây, thì cũng là vàng. Anh chị hôm nay kỷ niệm lễ vàng thành hôn, là anh chị đã chiếm huy chương vàng – không phải bạc, không phải đồng mà là vàng. Nhưng huy chương vàng của giải gì đây – Và đây là điểm ý nghĩa và ý vị 2.
–  Giải trượt băng
Người ta không ví cuộc sống vợ chồng như một giải đua xe hơi, một cuộc đấu bóng đầy mồ hôi, mà là một giải trượt băng. Quả thế, không phải là một năm đầu chung sống, mười năm đầu sống chung mà là từ chục năm này đến chục năm kia của những năm bên nhau. Gia đình là mái ấm, chỉ ấm một ít năm đầu, nếu có, còn thường là khá lạnh giá (bên nhau mà như cuộc sống trên băng. Không phải không có những  cặp  vợ chồng càng sống lâu, càng nồng ấm như chưa bao giờ (than ever), nhưng những cặp đó rất hoạ hiếm. Số đông vẫn là càng sống lâu càng thấy giá băng hơn là than hồng ấm cúng. Bởi thế mà lời chúc mừng của người bạn nói trên có cái ý nghĩa và ý vị thứ ba :
–  Giải trượt băng nghệ thuật.
Không phải là trượt băng tốc độ – xem ai tới đích trước thì được nghỉ ngơi. Không phải là trượt băng chinh phục đỉnh cao, ai lên trước thì ngắm cảnh – mà là trượt băng nghệ thuật. Trong trượt băng nghệ thuật, cặp tranh tài lướt theo tiếng nhạc, có lúc lướt nhanh, có khi ghìm chậm lại. Có lúc đứng im một chỗ. Có lúc quay cuồng vòng này qua vòng kia, nhưng phải làm sao đừng té ngã. Mà nếu có té ngã cũng là té ngã nghệ thuật. Té thật mà người ta tưởng té giả, cố ý té, té nghệ thuật ! Cãi nhau mà người ta tưởng là hát Karaokê.
Cuộc sống vợ chồng lâu năm cũng là một cuộc bước đi trên băng. Phải có cả một nghệ thuật để hai người mới có thể dìu nhau đi, đi từ chục năm này đến chục năm khác, và hôm nay là dìu nhau đi tới huy chương vàng tây này.
Xin chúc mừng anh Thể chị Lập hôm nay đạt được huy chương vàng trong giải trượt băng nghệ thuật. Xin chung vui với các người con trai con gái dâu rể của anh chị trong ngày anh chị nhận huy chương vàng (tây) hôm nay.
Cầu mong anh chị vẫn tiếp tục dành được huy chương vàng ròng 24k trong giải trượt băng nghệ thuật của một ngày nào đó trong tương lai đang trước mắt anh chị.
Tiểu tử an-phong
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây