Tình cờ, tôi đọc được Email này của anh Hải Đăng, trong BBT CGVN <infocgvn@gmail.com>, gởi cho người bạn tên Joseph Trần, thấy nó hay hay, (không có tính cách bí mật, hay riêng tư), nên tôi xin được phép chia sẻ lại ở đây, hy vọng có thể sẽ giúp ích cho nhiều người, trong việc đọc Kinh Thánh và sống Lời Chúa.
---------------------------------
Trong email này, được phép của tác giả, em xin gởi toàn văn cuốn sách rất mới của Sr Cảnh Tuyết, dòng Đaminh, Giáo Sư Thánh Kinh Học Viện Công Giáo của HĐGMVN.
Cuốn sách này là tất cả tấm lòng của một người thầy chuyên về Thánh Kinh, sau nhiều năm giảng dạy đã nhận ra và muốn giúp cho mọi người vượt qua mọi trở ngại KHÔNG CẦN THIẾT, khi tiếp cận “Gia Sản Thánh” của Giáo Hội,em nghĩ rằng tên sách gọi (khá dài, nhưng lại cần thiết) của cuốn sách đã đủ khích lệ mọi sự nghi hoặc của bất cứ ai:
“NHỮNG ĐIỀU ĐƯỢC VIẾT TRONG KINH THÁNH CÓ THẬT HAY KHÔNG? & PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA THỜI CỰU ƯỚC TÀN BẠO HƠN THỜI TÂN ƯỚC?”.
Những vấn nạn đã quá cũ, mà vẫn đang tạo ra ngờ vực cho nhiều người, cũng đã được tác giả mổ xẻ không hề né tránh: (xem mục lục sách dưới đây:) --------------------------------- LỜI NGỎ 7 DẪN NHẬP: KINH THÁNH CỰU ƯỚC CUỐN SÁCH GÂY TRANH CÃI 9
PHẦN 1: NHỮNG ĐIỀU ĐƯỢC VIẾT TRONG KINH THÁNH CÓ THẬT HAY KHÔNG? AĐAM VÀ EVÀ CÓ THẬT HAY KHÔNG? 17 ABRAHAM - XUẤT HÀNH CÓ THẬT HAY KHÔNG? 23
PHẦN II: BẠO LỰC TRONG KINH THÁNH PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA THỜI CỰU ƯỚC TÀN BẠO HƠN THỜI TÂN ƯỚC? BẠO LỰC TRONG KINH THÁNH 37 ÁN THẦN TRU 39 KINH THÁNH VÀ KHẢO CỔ 43 SÁCH GIÔSUÊ CHƯƠNG 6 47 Ý NGHĨA ÁN THẦN TRU 51 THÁNH VỊNH NGUYỀN RỦA 59 PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA THỜI CỰU ƯỚC TÀN BẠO HƠN THỜI TÂN ƯỚC? 71
PHẦN PHỤ LỤC AI CÓ THỂ ĐỌC KINH THÁNH? 79 KINH THÁNH DO THÁI GIÁO/ KINH THÁNH KITÔ GIÁO/ CÔNG GIÁO? KINH THÁNH TIN LÀNH 87 ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VÙNG TRUNG ĐÔNG 97 NGÀN NĂM LỊCH SỬ CỨU ĐỘ 103 ---------------------------------
Mọi người có thể xem, nghe trực tiếp video phần diễn giảng của Sr Cảnh Tuyết tại đây: https://bit.ly/3asDBFu
BBT CGVN còn có 125 bài Thánh Kinh 100 Tuần (trọn bộ)do Đức Cha Phero Nguyễn Khảm phụ trách: xin xem tại đây: https://bit.ly/3x3DZoc
Ngoài ra, BBT CGVN được Viện Phụ Bảo Tịnh, O’Cist “gởi gấm” lại một tài sản vô giá, đó là những hướng dẫn và thực hành Lectio Divina, chúng ta có thể tạm hiểu là “Cầu nguyện với Lời Chúa”,xin xem tại đây: https://bit.ly/3jwgHUn Thưa Bác Trần và Quý thân hữu,
Tin là chấp nhận, yên tâm chờ đợi một điều gì đó CHƯA xẩy ra, vì nếu đã xảy ra thì không cần phải tin nữa; vấn đề không phải chỉ là lý lẽ, mà cần phải có chút kinh nghiệm, không phải cái gì tôi cũng tin (có vô số điều không đáng để tin hay không), không phải ai nói gì tôi cũng tin, thí dụ “vì cha mẹ tôi không bao giờ nói dối, nên tôi tin các ngài”, Chúa và Giáo Hội cũng không thể nói dối, nên tôi tin Chúa và Giáo Hội của tôi.
Còn cái chuyện Giáo Hội tôi có thể có những lầm lỗi, thậm chí tội lỗi… là chuyện của con người, chuyện bình thường, chẳng có gì là ghê gớm cả, cha mẹ tôi như thế nào, tôi vẫn thương.
Tôi không có quyền chọn cha chọn mẹ, mà là do “thiên định”.
Chuyện lấy vợ lấy chồng, dĩ nhiên lý thuyết là tự do chọn nhau, nhưng thực ra, trước khi “biết nhau” thì đã có một sự “dẫn dắt, đưa đẩy” vô hình nào đó, để “hai người” gặp được nhau?
Xem ra phần đông chúng ta cũng đâu có “chọn lựa” Giáo Hội?
Nhưng nếu chúng ta KHÔNG cảm thấy hạnh phúcvì Giáo Hội, và với Giáo Hội… thì việc lìa xa, từ bỏ Giáo Hội sớm muộn gì cũng đến.
Chuyện đó bình thường thôi. Chỉ xin lưu ý là, coi chừng ngộ nhận về chính mình và về nhau.
Vài ngộ nhận khá phổ biến như:
Thánh Kinh là Sứ Điệp của Niềm Tin chứ không phải sách sử hay khoa học… (dù trong đó cũng phảng phất đủ mọi lãnh vực).
Bản thân cuốn Thánh Kinh cũng chỉ là “một cuốn sách”, chứ không phải là lá bùa hộ mạng.
Sách thì phải dùng ngôn ngữ của loài người, nhưng ngôn ngữ lại là sản phẩm của con người.
(Mà là con người từ thiên niên kỷ này, sang thiên niên kỷ khác, từ châu lục này sang châu lục khác), nên rất giới hạn, xin đừng đặt vấn đề “đúng, sai, mâu thuẫn, phản khoa học…”. (những điều ấy không phải là đối tượng của Thánh Kinh).
Người ta quen nói: “Đáp số đúng thì chỉ có một”, nghĩa là dù một trăm học sinh làm bài, thì đều phải cho ra đáp số giống nhau y hệt…
Nhưng xin thưa, đó chỉ là đối với bài toán số học: 1 + 2 = 3;
Nhưng đối với bài toán phương trình bậc hai chẳng hạn, có thể có 2 đáp số TRÁI DẤU nhau, mà cả hai đều đúng…, thậm chí những hệ phương trình cao hơn, có thể có … vô số đáp số đúng. Thế giới có bao nhiêu tỷ người, có thể có bấy nhiêu vị thánh “khác” nhau.
Vì Thánh Kinh là “một cuốn sách” (dù rất quan trọng và quý giá), qua đó con người dùng một phương tiện rất giới hạn để giới thiệu về một Thiên Chúa vô hạn, một Thiên Chúa vô hình và luôn “động” chứ không “tĩnh” …, nên đừng tranh cãi với nhau dựa trên cái giới hạn ấy (thiếu sót là đương nhiên).
Vấn đề quan trọng dễ bị quên là thế này:
Món quà chính là Chúa Giêsu Kito– Ngôi Lời Nhập Thể (chứ không phải chỉ là cuốn Thánh Kinh), nhờ Ngài, mà mọi sự được sáng tỏ. Nếu không có Chúa Giesu, thì dù có đọc Thánh Kinh cả ngày, cũng chẳng hiểu được gì về Thiên Chúa đâu.
Món Quà ấy tuy đã được Chúa Cha trao ban cho nhân loại vĩnh viễn và trọn vẹn, nhưng sức người đâu có thể tiếp nhận ngay một lúc hết được, cho nên con người sẽ còn phải học hỏi, cầu nguyện và thực hành suốt đời mình…, để trở nên giống như Chúa, chứ không phải chỉ là biết Chúa.
Nên nhớ: Ma Quỷ biết Chúa tường tận, nhưng họ đã không theo Chúa.
Thánh Kinh được linh hứng bởi Chúa, nhưng không phải Chúa đọc cho các tác giả viết ra, cho nên phải “học” Thánh Kinh qua chính các tác giả, cụ thể Giáo Hội có trách nhiệm lưu giữ và lưu truyền.
Vì thế xin hãy hết sức chú ý điều dễ nhầm lẫn này:
Anh em Tin Lành chủ trương “Duy Thánh Kinh”,nghĩa là chỉ tin những gì Thánh Kinh viết, và từng người đọc Thánh Kinh, sẽ được Chúa Thánh Thần linh hứng trực tiếp cho (tự do hiểu theo ý mình).
Còn Giáo Hội Công Giáo thì dựa trên “kiềng ba chân”, vừa có Thánh Kinh, vừa có Thánh Truyền và còn có Huấn Quyền. (Trong đó là “quyền và trách nhiệm giải thích” Thánh Kinh)
HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI THIÊN CHÚA – DEI VERBUM số 10 viết:
Thánh Truyền và Thánh Kinh làm thành kho tàng thánh thiêng duy nhất, lưu trữ Lời Chúa đã được ký thác cho Giáo Hội; nhờ gắn bó với kho tàng ấy, toàn thể Dân Thánh, khi được quy tụ quanh các Chủ Chăn, luôn trung thành trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ, trong tình hiệp thông, trong nghi lễ bẻ bánh và trong kinh nguyện (x. Cv 2,42, bản Hy-lạp), nhờ đó, giữa các vị lãnh đạo và các tín hữu có sự nhất trí lạ lùng trong việc nắm giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin đã được lưu truyền
Nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Chúa đã được ghi chép hay lưu truyền, đã được ủy thác riêng cho Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, một quyền hạn được thi hành nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô.
Tuy nhiên,
Huấn Quyền không ở trên Lời Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa, vì chỉ giảng dạy những điều đã được truyền lại; bởi vì, do mệnh lệnh của Thiên Chúa và nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn Quyền yêu mến, lắng nghe, thành kính gìn giữ và trung thành trình bày Lời Chúa, đồng thời cũng kín múc từ kho tàng đức tin duy nhất ấy tất cả những gì mà Huấn Quyền công bố cho giáo dân tin, như là những điều được Thiên Chúa mạc khải.
Như thế, chúng ta đã thấy rõ là
do ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền của Giáo Hội được nối kết và liên đới với nhau, đến nỗi cả ba luôn cần đến nhau, để có thể tồn tại;
và dưới tác động của một Thánh Thần duy nhất, cả ba theo phương cách riêng của mình, nhưng đều góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn.(hết trích)
***
Có một sự kiện rất đáng chú ý, đó là bản dịch Thánh Kinh bằng tiếng Latinh, do Thánh Giê-rô-ni-mô thực hiện từ năm 382, quen gọi là “Vulgata Cổ”,cả Giáo Hội đã dùng mười mấy thế kỷ.
Vào ngày lễ kính Thánh Sử MarCô ngày 25 Tháng Tư năm 1979, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã ban hành bản dịch thay thế, được gọi là “Nova Vugata”.
Điều này nhắc nhớ chúng ta: Thánh Kinh là một kho báu, mà cả nhân loại, dù nhiệt tình “khai thác” cho đến tận thế, vẫn chưa biết hết được đâu. Em không phải là nhà văn hay họa sĩ, nên không thể mô tả hay họa lại hình ảnh của Bố em, nhưng em vẫn là người biết nhiều về Bố em nhất, hơn hẳn mọi người, dù giữa đám đông hay trời tối, em vẫn có thể nhận ra Bố em dễ dàng, mà các nhà văn, họa sĩ dù giỏi mấy cũng … không thể phân biệt.
Biết Chúa là một ân huệ to lớn, một điều thật may mắn, nhưng được sống với Chúa, đồng hành với Chúa, từng ngày qua đi càng “biết thêm” về Chúa sẽ là nguồn hạnh phúc đầy tràn.
Chúng ta có Thánh Kinh và còn có Thánh Thể, đó là chính Chúa Giêsu Na-da-rét đấy.
Hãy cầu nguyện với Thánh Kinh, tức Lời Chúa trước Chúa Giêsu Thánh Thể, ít là hãy cầu nguyện (nói với Chúa) trước mỗi Thánh Lễ và sau đó, hãy trân trọng lắng nghe Chúa nói với chính mình, qua các bài đọc Thánh Kinh, đặc biệt là bài Tin Mừng.
Lạy Chúa, xin hãy nói, vì chúng con đang thinh lặng và lắng tai nghe. Chúng con tạ ơn Chúa và cảm ơn nhau. HĐ
***** Ghi chú: Những ngày qua nhiều người đã nhờ em thăm hỏi Bác Trần và rất trân trọng Bác, trong đó có Cha Giáo Thánh Kinh (đang sống ở Châu Âu), nhờ em chuyển vài tư liệu quý đến Bác và tất cả những ai đang thiện chí đi tìm Chúa.
Đây là vài dòng email của ngài, và kèm theo em đã copy vào file word cả hai tư liệu quý mà ngài đã giới thiệu, mọi người có thể lưu lại và tìm đọc khi cần.
*****
Mến thăm anh Hải Đăng, Cám ơn anh đã gửi hai bài của bác Joseph Tran. Hai bài này đối với nhân loại thì đã quá cũ, nhưng đối với một số cá nhân thì có thể rất mới, có thể làm cho họ 'khó tiêu'.
Bài trả lời của anh khá tốt. Mình bổ sung thêm hai đường dẫn đơn giản, chứng tỏ thỉnh thoảng cũng có người hỏi, nên lác đác cũng có vài câu trả lời.