Suy Tư của Lm. Nguyễn Tầm Thường, sj. Bài 10: CÔ ĐƠN

Thứ bảy - 27/07/2024 19:34
Suy  Tư của  Lm. Nguyễn Tầm Thường, sj. Bài 10: CÔ ĐƠN
Suy Tư của Lm. Nguyễn Tầm Thường, sj. Bài 10: CÔ ĐƠN
Suy  Tư của
Lm. Nguyễn Tầm Thường, sj.
Bài 10: CÔ ĐƠN


(Trích tập suy niệm)
 

Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho.


Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng xảy đến. Như hai bờ sông nhìn nhau, mà vẫn nghìn trùng cách xa, bởi dòng sông, nên cô đơn là gần nhau, mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian, mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, vợ chồng có thể cô đơn bên nhau.

Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt.

Đã cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn.

Người ta gần nhau mà vẫn có thể xa nhau, vì trong cuộc đời, mỗi người đều có hai thế giới. Thế giới riêng trong cõi lòng tôi và thế giới ngoài vũ trụ. Thế giới tâm hồn tôi sụp đổ thì thế giới bên ngoài thành hoang vắng, vô nghĩa. “Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vì thế, tôi có thể cô đơn giữa đám đông. Cả vườn hoa chẳng có nghĩa gì nếu không có loài hoa tôi kiếm tìm. Người đưa thư trở thành thừa thãi nếu không có cánh thư tôi đang chờ mong. Chỉ một cánh hoa của lòng tôi thôi cũng đủ làm cho cả khu đồi thành dễ thương. Chỉ một cánh thư thôi cũng đủ làm cho bầu trời xanh thăm thẳm. Làm gì còn cô đơn nữa nếu đã có bắt gặp.

      Tôi cô đơn khi thấy quanh mình chỉ là những dòng sông lững lờ, chỉ là những con nước thờ ơ. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến được với người. Tôi cũng có thể cô đơn vì người không muốn đến với tôi. Cô đơn nào thì cũng là một hải đảo. Nhưng nỗi cô đơn bị người khác hờ hững thì cay đắng hơn. Khi tự mình không bước tới thì tôi cũng có thể tự mình bước ra khỏi hàng rào cô đơn đó. Còn nỗi cô đơn bị người khác thờ ơ thì đưa tôi vào nỗi buồn mà có khi đau đớn hơn tù đầy, có khi u ám hơn sự chết, vì đây là nỗi cô đơn tôi muốn chạy trốn mà chẳng trốn chạy được. Tôi thương, nhưng người khác có thương tôi không đấy là tự do của họ. Cho đi phần đời của mình mà không được đáp trả vì thế mới có xót xa.

      Cô đơn của Chúa là nỗi cô đơn này.

      Chúa đến với kẻ khác nhưng bị kẻ khác chối từ, gọi mà không có tiếng đáp trả, bởi thế, trong vườn Cây Dầu Ngài mới thấy cõi lòng trống trải. Trong cái trống trải ấy, theo Tin Mừng Máccô, Ngài tỏ lộ: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc. 14:34).

      Làm gì có cô đơn nếu có lời đáp trả. Không có lời đáp trả nên mới cứ phải chờ đợi. Đợi chờ không là khởi điểm của cô đơn sao. (vài tiếng piano nhẹ) Đợi chờ càng lâu thì nỗi cô đơn càng dài. Chờ đợi mà chẳng bao giờ xảy tới thì nỗi cô đơn càng héo hắt. Làm gì có cô đơn nếu không có kiếm tìm. Làm gì phải kiếm tìm nếu đã đầy đủ. Vì thiếu vắng nên mới phải đi tìm. Khi sự thiếu vắng quá cay đắng thì nỗi cô đơn dẫn đến sự chết.

      Sự thiếu vắng không hệ tại im lặng của không gian hoặc vắng bóng người mà hệ tại sự trống vắng của con tim. Có những quãng đời cô tịch, tôi đi một mình, nhưng càng lặng lẽ tôi càng thấy niềm vui nhiệm mầu trong hồn. Có những khúc đời chung quanh tôi tấp nập bước chân, rộn rã lời cầu chúc mà tôi vẫn nghe hiu hắt. Chúa cũng vậy, những đêm dài ở sa mạc chỉ có trăng và cỏ cây, chỉ có núi đồi và gió, nhưng Chúa không cô đơn. Chiều thứ sáu ở Jêrusalem tấp nập chân người mà cõi lòng Chúa thì hoang vắng. Trong vườn Cây Dầu có các môn đệ đi theo mà Chúa vẫn thấy lẻ loi.

      Kẻ cô đơn là kẻ đi tìm niềm cảm thông nhưng chẳng gặp. Vì không gặp nên họ đành trở về thế giới nội tâm cô lẻ của riêng mình. Vì thế giới nội tâm đó đang heo hút trống vắng, nên họ chỉ bắt gặp sự thiếu thốn ở đó mà thôi. Sống trong thiếu thốn để rồi nhìn kẻ khác đầy đủ vì thế mới có nước mắt xót thương cho đời mình.

      Ai cũng có lúc cô đơn vì chẳng ai đầy đủ. Ai cũng phải đi tìm vì ai cũng thiếu vắng. Nhưng có những thiếu vắng dễ tìm thấy. Có những thiếu vắng như mênh mông vô hạn. Khi Chúa mất hết tình thân, Chúa tìm đến với Chúa Cha: “Ôi! Cha cũng bỏ con sao”. Khi lòng tôi tan nát, khi đời tôi đắng cay, tôi cũng vẫn còn hy vọng là Chúa. Nếu tôi mất Chúa thì đây mới là sự thiếu vắng hoang tàn nhất. Đây là cô đơn không còn lối thoát.

      Trong nỗi cô đơn của tôi hôm nay, khi mà tôi không còn tìm đâu được niềm vui, tôi cũng sẽ nói với Chúa như chính Ngài đã nói với Chúa Cha: — Ôi! Cha cũng bỏ con sao.

      Lậy chúa, con tin là Chúa hiểu cõi lòng con. “Ôi! Cha cũng bỏ con sao?”. Đấy chính là lời nguyện của Chúa, lời nguyện của kẻ cô đơn trong giờ cô đơn nhất..

      Chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu nỗi buồn, mới thấy cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn. Chúa đã cô đơn trên thập giá.

Nguyễn Tầm Thường, S.J

`--------------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây