Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con.
Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”
Lòng nhân có chỗ đứng quan trọng trong Khổng giáo. Sách Luận Ngữ coi lòng nhân là nét đặc trưng của con người. Phật giáo cũng đề cao tinh thần từ bi hỷ xả. Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ “Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c. 36). Như thế nhân từ là nét đặc biệt nơi Thiên Chúa. Nhân từ nằm ở nơi khuôn mặt và ngay nơi trái tim của Ngài. Như tín đồ của các tôn giáo khác, Kitô hữu phải sống lòng nhân. Nhưng hơn nữa, ở đây, Đức Giêsu mời gọi chúng ta bắt chước lòng nhân từ của chính Thiên Chúa, một lòng nhân từ không bị giới hạn bởi bất cứ ngăn cách nào. Lòng nhân được diễn tả bằng bốn mệnh lệnh của Đức Giêsu, hai mệnh lệnh tiêu cực và hai mệnh lệnh tích cực. Các mệnh lệnh này đều ngắn gọn và nhịp nhàng. Phần sau của mỗi mệnh lệnh đều ở thể thụ động, nhằm nói lên hành động của Thiên Chúa. “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án, hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại.” Xét đoán ở đây không có ý nói đến hành động xét xử của vị quan tòa. Nó chỉ muốn nói đến khuynh hướng hay phê bình, chỉ trích người khác. Cần để ý đến tam giác giữa Thiên Chúa, tha nhân và chúng ta. Thái độ của ta đối với tha nhân thế nào, ta sẽ bị Thiên Chúa đối xử lại như vậy. Nói cách khác, ta muốn được Thiên Chúa đối xử với mình ra sao, ta hãy đối xử với tha nhân như vậy. Càng cho nhiều và tha thứ nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án, ta càng được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đong lại cho chúng ta bằng đấu của chúng ta, không phải vì Ngài thiếu quảng đại hay rộng lượng. Nhưng vì giống như người đi múc nước bằng một chiếc thùng nhỏ, người ấy sẽ chỉ lấy được ít nước thôi. Thiên Chúa muốn ban cho ta nhiều hết sức, nhưng điều đó còn tùy vào sức chứa của ta. Có khi chính ta lại tự giới hạn khả năng đón nhận của mình. Mùa Chay là thời gian để ta sống lòng nhân của Thiên Chúa. Hãy thay đổi cái đấu ta thường dùng để đong cho người khác, chúng ta sẽ thấy mình giàu có hơn xưa. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con. Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.
Mùa chay là mùa trở về với Chúa. Đa-ni-ên cho thấy con người thật xấu xa tội lỗi. Cần trở về với Chúa. Cần được Chúa xót thương tha thứ.
Nhưng muốn về với Chúa phải đi qua con đường. Hôm nay Chúa Giê-su cho biết con đường đó chính là con người. Thái độ của ta đối với đồng loại sẽ quyết định tương lai của ta. Con đường về với Chúa có bằng phẳng hay không là tùy mối quan hệ của ta với đồng loại có êm xuôi hay không.
Thiên Chúa là Cha nhân từ. Được đến với Chúa ta sẽ được hưởng lòng nhân từ của Chúa. Nhưng để đến được với Chúa ta cũng phải nhân từ như Chúa. Nhân từ vừa là kết quả của việc gặp gỡ kết hiệp với Chúa nhưng đồng thời cũng là điều kiện để được đến gặp gỡ Chúa.
Là kết quả. Ai đã gặp gỡ kết hiệp với Chúa sẽ trở nên giống Chúa, sẽ biết yêu thương đồng loại. Sẽ biết khoan dung, tha thứ, đối xử nhân từ độ lượng với đồng loại.
Là điều kiện. Ai muốn được Chúa nhân từ cũng phải nhân từ với anh em. Chúa cho ta tự do được lựa chọn quy luật xét xử. Nếu ta khắc nghiệt với anh em, Chúa cũng dùng sự khắc nghiệt đó để xét xử ta. Nếu ta khoan dung tha thứ đối xử rộng lượng với anh em, Chúa cũng khoan dung tha thứ, đối xử rộng lượng với ta.
Còn hơn thế nữa. Chúa không chịu thua lòng quảng đại của ta. Ta cho đi một thì Chúa trả lại gấp trăm ngàn lần.
Mùa Chay, phải tìm đường về với Chúa, chính vì thế phải tìm đường về với anh em. Vì con người chính là con đường Chúa muốn ta đi qua để đến với Chúa. Đường rộng hay hẹp, quanh co hay ngay thẳng, gồ ghề hay phẳng phiu là tùy ta quyết định. Ta tội lỗi xấu xa cần đến lòng thương xót của Chúa. Nhưng lòng thương xót ấy ta phải tự tạo khi ta tỏ lòng thương xót tha thứ cho anh em. Điều ta tìm kiếm ta sẽ gặp được. Ta được tha thứ khi chính trong ta có lòng tha thứ. Ta được thương xót khi lòng ta dâng lên mối cảm thương. Chính khi thương xót tha thứ cho anh em, ta được Chúa ở cùng ta. Ta mang tấm lòng Thiên Chúa. Đó chính là khởi điểm và cũng là đích điểm của mùa Chay. Tìm về với Chúa và đạt được chính Chúa. Xa mà gần biết bao.
Mahatma Ganhdi, một nhà ái quốc Ấn Độ, lúc còn trẻ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư và nhờ đó có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc âm thường xuyên và rất say mê Chúa Kitô, đặc biệt ông thán phục bản Hiến chương Tám Mối Phúc Thật và lấy đó làm nguồn cảm hứng cho đường lối bất bạo động của ông trong việc dành lại độc lập cho dân tộc mình. Tuy nhiên, có lần ông đã tâm sự với một người thân cận rằng: dù thán phục giáo lý của Chúa Kitô, nhưng ông không thể trở thành kẻ tin Chúa, vì ông thấy nhiều Kitô hữu không sống Tám Mối Phúc Thật của Chúa. Ông nói: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi ghét người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô. Nếu họ giống Chúa Kitô thì dân Ấn Độ chúng tôi đã trở lại Công giáo cả rồi”.
Nhận xét của Mahatma Ganhdi trên đây phải cảnh tỉnh chúng ta về ơn gọi và trách nhiệm của chúng ta. Là người Kitô hữu, chúng ta phải sống như Chúa Kitô, phải có những tâm tình từ bi, nhân hậu, yêu thương như Ngài. Tin mừng hôm nay là một bản tóm lược giáo huấn yêu thương của Chúa. Ngài mạc khải cho chúng ta về một Thiên Chúa là Cha nhân từ, đồng thời bày tỏ cho chúng ta biết phải sống thế nào để xứng đáng là con cái Cha trên trời và cảm nhận được tình yêu của Ngài. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai đã thấy Ngài bao giờ ngoại trừ Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa như thế nào, và chỉ qua Ngài, con người mới có thể thấy và cảm nhận được lòng nhân từ của Thiên Chúa. Do đó, khi mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha trên trời, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng Ngài là mẫu mực của sự trọn lành, chỉ có Ngài mới thể hiện trọn vẹn lòng nhân từ của Thiên Chúa. Cũng chính vì thế, Ngài đã tóm gọn cả cuộc sống người Kitô hữu bằng mệnh lệnh: “Hãy theo Ta”, nghĩa là hãy sống như Ngài, sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Nguyện cho sức sống Chúa Kitô mà chúng ta tiếp nhận qua Thánh Thể và các Bí tích làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, ngõ hầu lòng nhân từ của Thiên Chúa mà Ngài đã thể hiện cũng được tiếp tục tỏ bày qua cuộc sống của chúng ta.
Xét đoán người khác cho đúng sự thật là một việc rất khó. Xét đoán hành vi bên ngoài đã khó rồi, xét đoán tâm trí bên trong lại càng khó khăn hơn nữa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đừng xét đoán người khác.
Chúng ta thường nghe nói: “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Thời xưa, câu nói ấy đã đúng, ngày nay nó lại càng đúng hơn nữa. Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân loại ngày nay đã có thể đo được một cách dễ dàng núi cao, biển rộng, sông dài. Còn hơn thế nữa, họ đã đo được những khoảng cách vời vợi trong vũ trụ mà đơn vị phải tính bằng triệu năm ánh sáng. Ngược lại, họ cũng đã đo được những khoảng cách cực nhỏ mà đơn vị càng ngày càng được thu hẹp. Ðó là về đo lường. Còn về phân tích và thống kê, nhờ phát minh ra máy vi tính cực mạnh, có thể tính được nhiều phép tính trong vòng một giây, người ta đã phân tích và thống kê được nhiều thứ. Gần đây, người ta đã hầu như hoàn thành được bản đồ gien của con người. Thật là những thành quả đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, trước những thành quả thâm sâu của lòng người, những phát minh và ứng dụng đó tỏ ra bất lực. Có máy móc nào cho biết đích xác hàm ý của một nụ hôn không? Ông Giuđa ngày xưa đã chẳng nộp Chúa với một nụ hôn chỉ điểm đó sao? Tâm hồn chúng ta là một cõi thẳm sâu mầu nhiệm. Có thể nói đó là một chốn mênh mông vô tận mà ngay cả bản thân chúng ta cũng không thể nào khám phá ra hết. Dù có thành tâm thiện chí đến đâu đi nữa, chúng ta cũng không tài nào nắm bắt được hết mọi ngõ ngách của lòng mình, chúng ta nghĩ rằng mình hiểu quá rõ chính mình, nhưng thực tế không phải như vậy, chỉ có Thiên Chúa là Ðấng toàn trí toàn năng mới hiểu rõ hết mọi ngọn nguồn của tâm hồn chúng ta, và mới có thể phán xét chúng ta một cách chính xác trăm phần trăm. Còn chúng ta, ngay cả việc xét đoán mình, chúng ta cũng hoàn toàn có nguy cơ rơi vào sai lầm. Xét đoán mình đã khó đến thế, nói chi đến việc xét đoán kẻ khác. Nhờ ý thức được giới hạn của mình, chúng ta sẽ không chủ quan khi nhận xét những người chung quanh. Chúng ta không xét đoán được chính xác thì làm sao chúng ta có thể lên án họ một cách hồ đồ được chứ. Và nếu chúng ta không lên án họ thì chúng ta sẽ làm gì đây? Xin thưa: chúng ta sẽ thông cảm bao dung với họ, sẽ nhìn họ với đôi mắt yêu thương và con tim nhân ái. Và dù họ có thực sự là con người băng hoại đi nữa, chúng ta cũng sẽ thực lòng tha thứ cho họ và cầu nguyện giúp họ cải tà qui chính. Chúng ta không xét đoán chính mình, chúng ta cũng không xét đoán anh chị em chung quanh, nhưng chúng ta hãy phó thác tất cả cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con tấm lòng nhân ái bao dung để con biết thực tình yêu thương kính trọng mọi người chung quanh. Xin Chúa dạy con biết cẩn thận trong phán đoán, khách quan khi nhận định và độ lượng khi phân xử. Xin Chúa nhắc con luôn nhớ rằng con đong bằng đấu nào thì Chúa sẽ đong lại cho con bằng đấu đó.
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc. 6, 36-37)
Thánh Lu-ca biến đời sống Ki-tô hữu thành con tim, một con tim biết noi theo con tim của Thiên Chúa. Kẻ có lòng thương xót là kẻ có con tim. Kẻ rung cảm trước khổ đau của người khác thì chắc hẳn biết hành động cứu giúp. Có con tim là tốt, là nhân hậu. Những câu thành ngữ phổ biến như: Tấm lòng vàng, hết lòng, lòng nhân ái, tận tâm tận lực, trái lại là lòng chai cứng, ác tâm, nhẫn tâm, cứng lòng. Đức Giê-su bảo chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. “Hãy thương xót sẽ được xót thương” như Đức Giê-su Ki-tô đã thực hiện.
Chúng ta phải sống hoàn toàn nhân đạo, điều này dễ không? Tha thứ cho kẻ làm hại mình, tiếp đón kẻ xỉ nhục mình, dịu hiền với kẻ ngược đãi hành hạ mình, bình tĩnh với kẻ chống đối xỉ vả mình, giả điếc làm ngơ cho người ta đấm đá mình như bịch cát cho võ sĩ đấm đá …
Như thế, chẳng dễ chút nào! Ở thời chúng ta ngày nay, lòng thương xót và thương hại bị dư luận xấu khinh bỉ, bị coi là làm nhục người ta, làm hạ phẩm giá người ta. Người ta không muốn thương xót nữa. Tuy nhiên, lòng thương xót chân thành không thể làm cho người chịu ơn bị hèn kém hay bị nhục nhã mà trái lại họ còn được tôn trọng. Ngoài ra, về một vài phương diện nào đó lòng thương xót thực hiện một phần sự công bằng vì sự nghèo đói ngày nay là do xã hội bất công gây nên. Luật xã hội đòi buộc phải cung cấp cho những người nghèo sống xứng đáng nhân phẩm của mình.
Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh nội dung của từ thương xót. Thương xót thì không xét đoán, không lên án. Không ai được tự đặt mình là quan xét anh em mình. Không ai được đánh giá và kết tội nặng nhẹ của người thân cận mình, cũng như bảo họ là kẻ xấu. Hoàn toàn phải loại bỏ những lối nhìn đánh giá người khác theo luân lý và tuyệt đối không được tuyên bố đương sự có tội. Phải hoàn toàn nên giống như Thiên Chúa, Ngài gớm ghét tội lỗi, nhưng luôn luôn cứu chữa kẻ tội lỗi. Lòng thương xót chính là tha thứ và giúp đỡ. Tha thứ xóa bỏ mọi rào cản giữa người với người, và giúp đỡ là xây dựng tình liên đới với nhau. Như thế người Ki-tô hữu mới được mời gọi xây dựng nước trời, xây dựng gia đình Thiên Chúa là Cha mọi người.
Thương người mới thực sự bắt chước Cha trên trời như ông Péguy nói: “Lối cư xử với chiên lạc của Chúa là luật ngàn đời cho chúng ta”.
Mahama Gandhi, một nhà ái quốc của Ấn Độ, đã dành lại độc lập cho đất nước ông bằng biện pháp bất bạo động. Nguyên nhân dẫn đến việc ông sử dụng đường lối không đổ máu để dành tự do là vì nguồn cảm hứng đến từ chính Tin Mừng, nhất là “Tám Mối Phúc” và cuộc đời của Đức Giêsu khi ông thường xuyên đọc Lời Chúa và có dịp tiếp xúc với người Anh tại Anh Quốc lúc còn trai trẻ thời tu học tại đây.
Tuy nhiên, khi tâm sự với bạn của ông, ông thốt lên: “Tôi rất yêu mến Đức Giêsu, nhưng tôi không thích người Công Giáo, vì họ không giống như Đức Giêsu. Nếu họ giống như Ngài, thì dân tộc Ấn Độ chúng tôi đã trở thành những Kitô hữu từ lâu rồi”. Chính vì lý do đó, ông đã không thể trở thành Kitô hữu!
Ôi sự thật xót xa! Tuy nhiên, chuyện tưởng chừng như xảy ra bên Ấn Độ hay Anh Quốc thời Mahama Gandhi, nhưng thực ra, nó đang thường trực qua lời nói, hành động và lối suy nghĩ của chúng ta nơi môi trường và cuộc sống hiện thời hôm nay.
Thật thế, bởi vì trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi chỉ có bề ngoài mà không có chiều sâu; chỉ có lượng mà không có phẩm; chỉ có nói mà không có hành động; chỉ có hô hoán yêu thương, nhưng khi gặp những chuyện cần phải giúp đỡ thì tìm cách lẩn tránh! Hay nhiều khi chúng ta ích kỷ và chia ô cuộc đời để tách biệt những điều trong Tin Mừng với cuộc sống!
Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không được phép chia ô cuộc đời của mình như vậy. Không ai cho phép chúng ta tách biệt nhà thờ, thánh lễ, kinh nguyện ra khỏi cuộc sống nơi xóm làng, chợ búa, nhà ga, gia đình... Nhưng phải đưa Lời Chúa vào mọi ngõ ngách, chiều kích của cuộc sống.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống những tâm tình của Chúa, đó là: đừng xét đoán hay kết án. Hãy tha thứ, cho đi..., đây không chỉ là một khuyến khích, nhưng nếu chúng ta sống như vậy, hẳn sẽ được Thiên Chúa đối xử với chính mình như thế.
Mong sao, chúng ta có Chúa trong tâm hồn và sống giới luật yêu thương, khi không kết án, xét đoán, nhưng tha thứ và cho đi, để chính chúng ta được cứu độ và chia sẻ niềm vui cứu độ ấy cho mọi người, ngõ hầu họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có lòng nhân từ, tha thứ như Chúa, để chúng con thuộc về Chúa và đem Chúa đến giới thiệu cho người khác bằng chính cung cách sống của chính mình. Amen.
Sứ điệp: Chúa Cha nhân từ và quảng đại với ta, Chúa Giêsu kêu gọi ta đối xử với nhau nhân từ và quảng đại như vậy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hằng ngày sống bên cạnh nhau, con nhận ra nhiều khuyết điểm nơi người khác. Con dễ kết án họ. Nhưng khi nhìn thấy khuyết điểm nơi những người con yêu mến thân thiện, con dễ dàng thông cảm, thậm chí có những lúc con còn bao che. Đối với những người con quý mến, con luôn cắt nghĩa điều tồi, điều xấu nơi họ thành điều tốt. Con thật là thiên vị trong cách xét đoán. Con còn thiên vị hơn nữa khi đối diện với biết bao tật xấu nơi con. Con vẫn dung túng cho chính mình. Con biết Chúa không hài lòng về thái độ của con. Xin Chúa tha thứ cho con.
Lạy Chúa, xin dạy con nhân từ với hết mọi người. Xin giúp con biết đừng bao giờ bao che cho chính mình hay bao che cho những người thân thiết. Xin giúp con sửa đổi con người con, cho con biết sám hối và đón nhận Tin Mừng.
Xin Chúa ban cho con trái tim bao dung của Chúa để con yêu như Chúa yêu. Giữa thế gian đầy căm thù và ghen tương, con muốn mãi mãi là người của Chúa. Xin giúp con biết tha thứ để con không bao giờ kết án ai, không bao giờ đem khuyết điểm của người khác ra nói hành nói xấu và chỉ trích nhau. Xin cho con biết sống quảng đại với nhau để con đáng hưởng lòng quảng đại của Chúa Cha. Xin cho con biết hy sinh vì người khác, nhất là xin cho con được hiến thân như lễ vật toàn thiêu vì những người tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã quảng đại với con, xin giúp con luôn biết rộng lượng với mọi người. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha”.
Xénophon, nhà triết lý Hy Lạp sống vào giữa thế kỷ thứ V trước Công nguyên đã kể câu chuyện ngụ ngôn về xét đoán:
“Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị (túi): Một cái đằng trước và một cái đằng sau. Cái bị đằng sau chứa đựng tất cả cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đằng trước thì đầy rẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”.
Suy Niệm
Đức Giêsu dạy bài học về lòng nhân từ và bác ái: Đừng xét đoán, đừng lên án. Vì chỉ một mình Thiên Chúa có quyền xét đoán. Hãy tha thứ, hãy cho đi.
Tha thứ là đỉnh cao của lòng vị tha Kitô giáo mà Chúa Giêsu đã đề nghị: Yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho người hại mình. Chính Ngài trên thập giá đã sống đỉnh cao yêu thương này và làm gương cho chúng ta khi Ngài đối xử với những kẻ giết mình bằng lời cầu nguyện với Chúa Cha và cũng là di chúc cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
Chúa Giêsu còn nhấn mạnh tha thứ là điều kiện để được thứ tha như Ngài đã dạy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).
Hãy cho đi: Vì Thiên Chúa nhân từ, và giàu tình thương. Chúng ta càng biết mở lòng mình ra với Thiên Chúa, đến với tha nhân thì càng nhận được nhiều hồng ân hơn chúng ta mong đợi đến từ Thiên Chúa như Đức Giêsu khẳng định: “Hãy cho thì sẽ cho lại các con; Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!” (Lc 6,38).
Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì chưa thực hiện được lời Chúa dạy và giúp chúng con luôn sống nhân từ và quảng đại như Chúa: Quảng đại mở lòng mình ra mà chia sẻ chân thành.
Ý lực sống: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
1. Đức Giêsu huấn dụ các môn đệ về tinh thần phải có trong cộng đoàn: có lòng nhân từ, đừng xét đoán và kết án, hãy tha thứ, biết cho đi. Đặc biệt Đức Giêsu nói rằng tùy cách chúng ta đối xử với người khác như thế nào mà ta sẽ đượcThiên Chúa đối xử như thế đó.
Hãy ở nhân từ như Cha các ngươi là Đấng nhân từ:
- Đừng xét đoán, đừng kết án thì khỏi bị kết án.
- Hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ.
- Hãy cho đi thì sẽ được cho lại.
2. “Anh em hãy có lòng nhân từ...”.
Sau khi công bố Hiến chương Nước Trời, Đức Giêsu đưa ra những đòi hỏi cụ thể: chúng ta phải thương yêu nhau. Đây là lề luật phải giữ, phải thực hiện. Để đi xa hơn, Đức Giêsu còn đòi hỏi mỗi môn đệ phải yêu thương mọi người không trừ ai, kể cả kẻ thù của mình và bách hại mình. Chúng ta cũng được kêu gọi hãy tha thứ cho kẻ thù và đừng bao giờ lên án ai, đừng bao giờ dùng bạo lực, tốt nhất là làm cho tha nhân điều mà ta muốn tha nhân làm cho mình.
Lý do của tất cả cách cư xử trên vì Cha trên trời: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Cha chúng ta thế nào, chúng ta cũng phải sống như vậy, vì thế chúng ta hãy yêu thương, tha thứ, đừng xét đoán, biết cho đi.
3. “Anh em đừng xét đoán...”.
Đức Giêsu cấm không được xét đoán, vì một đàng, con người thì hữu hạn lại vô thập toàn, nên không thể xét đoán đúng và công bằng được; đàng khác, chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt cả bên trong, mới có quyền xét đoán. Nhưng Chúa không cấm con người nhận định về nhau, để giúp nhau hoàn thiện và thăng tiến như sửa lỗi cho nhau, khuyên nhủ nhau...
Xénophon, nhà triết học Hy lạp sống vào giữa thế kỷ thứ V trước Công nguyên đã kể câu chuyện ngụ ngôn về xét đoán: “Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị. Một cái đàng trước và một cái đàng sau. Cái bị đàng sau chứa đựng tất cả cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đáng trước thì đầy dẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”.
4. Như Cha trên trời là Đấng nhân từ.
Chúa dạy các môn đệ phải có tinh thần từ tâm với anh em. Đòi hỏi này gián tiếp chấp nhận sự thật là trong đời sống chúng có những rạn nứt, phiền hà gây đau khổ cho nhau. Nhưng để làm chứng cho tinh thần khoan dung của Chúa đối với tội nhân, Chúa đòi hỏi con cái Ngài, cũng phải có lòng từ tâm đối với nhau. Vì thế, Đức Giêsu đã giới thiệu lòng nhân từ của Thiên Chúa là Cha, như mẫu gương cho các môn đệ noi theo: như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ.
Mahatma Gandhi, một nhà ái quốc Ấn độ, lúc con nhỏ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư và nhờ đó có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc âm thường xuyên, đặc biệt ông thán phục bản Hiến chương tám mối phúc thật và lấy đó làm nguồn cảm hứng cho đường lối bất bạo động của ông trong việc dành lại độc lập cho dân tộc mình.Tuy nhiên, có lần ông đã tâm sự với người thân tín rằng dù thán phục Giáo lý của Chúa Kitô, nhưng ông không thể trở thành kẻ tin Chúa, vì ông thấy nhiều Kitô hữu không sống tám mối phúc thật của Chúa. Ông nói: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không thích người Kitô. Nếu họ giống như Chúa Kitô thì dân Ấn độ chúng tôi đã trở thành Công giáo cả rồi”.
Nhận xét của Mahatma Gandhi trên đây cảnh tỉnh chúng ta về ơn gọi và trách nhiệm của chúng ta. Là người Kitô hữu, chúng ta phải sống như Chúa Kitô, phải có những tâm tình từ bi, nhân hậu và yêu thương như Ngài.
5. “Anh em hãy cho...”
Vì Thiên Chúa nhân từ và giầu tình thương, chúng ta càng biết mở lòng mình ra với Thiên Chúa, đến với tha nhân được nhiều hồng ân hơn chúng ta mong đợi đến từ Thiên Chúa như Đức Giêsu khẳng định: “Hãy cho thì sẽ cho lại các con. Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn và đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38).
6. Truyện: Hãy biết cho đi.
Một người nọ thật giầu, muốn gì cũng có. Tuy vậy ông không thấy hạnh phúc vì ông chỉ nhận được những cái nhìn soi bói, coi thường và khinh miệt của người khác. Ông tìm đến hỏi một người nổi tiếng khôn ngoan:
- Tại sao người ta lại coi thường và khinh miệt tôi là kẻ keo kiệt bủn xỉn? Người ta đâu biết rằng sau khi chết, tôi sẽ hiến tất cả gia tài của tôi cho người nghèo và cho công việc từ thiện?
Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu truyện nhỏ sau đây: Một chú heo than thở cùng chị bò cái:
- Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Thế mà tại sao họ thân thiện với chị mà xa lánh tôi?
Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò trả lời:
- Thịt chúng ta chỉ công hiến cho loài người khi chúng ta chết. Còn bây giờ họ quí mến tôi hơn có lẽ tại tôi hiến cho họ sữa lúc tôi còn sống đấy chăng? (Món quà Giáng sinh).
1. Bài đọc Cựu Ước trích sách Đaniel là một lời cầu nguyện sám hối. Sách Bài đọc Phụng vụ tóm lược ý nghĩa lời cầu nguyện này trong một câu: “Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác”.
2. Bài trích Phúc Âm ghi những điều Chúa dạy: Nhân từ, đừng xét đoán và kết án, tha thứ, biết cho đi. Đặc biệt Chúa Giêsu nói rằng tuỳ cách ta đối xử với người khác như thế nào mà ta sẽ được Thiên Chúa đối xử như thế đó
- Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ
- Đừng xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án
- Hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ
- Hãy cho thì sẽ cho lại các con
Các động từ ở vế thứ hai ở thể thụ động, hàm ý chính Thiên Chúa là Đấng tác nhân chủ động.
3. Đọc bài trích Phúc Âm chung với bài Cựu Ước, ta thấy Giáo Hội muốn dạy rằng: phương cách để chúng ta được Chúa tha thứ là hãy sống nhân từ, không xét đoán, tha thứ và cho đi.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Sám hối không phải chỉ là tâm tình hối hận vì những tội đã phạm, mà còn là làm việc lành để đền bù tội lỗi. Những việc lành đó được Chúa Giêsu chỉ rõ trong bài Phúc Âm này: Nhân từ, rộng lượng (không xét đoán và kết án), tha thứ, biết cho đi.
2. Trong những việc lành vừa kể, Chúa Giêsu nói nhiều hơn về việc cho đi, Ta biết cho thì Chúa sẽ cho lại. Chúa dùng hình ảnh cái đấu: nếu ta đong cho người ta bằng cái đấu nhỏ hoặc cái đấu thiếu thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu nhỏ hoặc thiếu y như vậy. Ngược lại nếu ta đong cho người ta bằng đấu to thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu to hơn gấp bội, lại còn dằn, còn lắc và đầy tràn nữa.
3. Một người nọ thật giàu muốn gì cũng có. Tuy vậy ông không thấy hạnh phúc vì ông chỉ nhận được những cái nhìn soi bói, coi thường và khinh miệt của người khác. Ông tìm đến hỏi một người nổi tiếng khôn ngoan: “Tại sao người ta lại coi thường và khinh miệt tôi cho tôi là kẻ keo kiệt bủn xỉn? Người ta đâu biết rằng sau khi chết, tôi sẽ hiến tất cả gia tài của tôi cho người nghèo và cho công việc từ thiện”. Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu chuyện nhỏ như sau: một chú heo than thở cùng chị bò cái: “Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Thế mà tại sao họ thân thiện với chị mà xa lánh tôi?” Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò cái trả lời: “Thịt chúng ta chỉ cống hiến cho loài người khi chúng ta chết. Còn bây giờ họ quý mến tôi hơn có lẽ tại tôi hiến cho họ sữa lúc tôi còn sống đấy chăng”. (Trích “Món quà giáng sinh”)
4. Thầy giáo: “Tâm, bây giờ thầy nói cho em ghi nhớ phương châm này: Cho có phúc hơn nhận”.
- Em đã biết điều đó, vì là phương châm trong nghề của Ba em.
- Ồ, thật tuyệt vời! Ông ấy làm nghề gì?
- Võ sĩ. (Góp nhặt)
5. Đang đi dạo, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một người ngồi trên ghế mà cuốc vườn. Tôi nghĩ: “Quá lười biếng!”. Nhưng đột nhiên tôi thấy đôi nạng dựa ở ghế của anh. Thì ra anh vẫn làm việc dù bị tật nguyền.
Bài học tôi học được về sự phán đoán nông nổi vẫn khắc ghi trong tôi cho đến hôm nay: thánh giá của người khác đôi khi là do cái nhìn hạn hẹp của ta (Góp nhặt)
6. Tha thứ giống như cái gì? Giống như mùi hương mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát (Góp nhặt).
1. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta rất nhiều điều: Nhân từ, đừng xét đoán và kết án, hãy tha thứ và biết cho đi. Đặc biệt Chúa Giêsu nói rằng, tùy cách ta đối xử với người khác như thế nào thì ta sẽ được Thiên Chúa đối xử lại như vậy.
Trong những việc lành vừa kể trên, Chúa nhấn mạnh hơn về việc biết cho đi.
Mẹ Têrêsa kể: “Có người hỏi một người đàn ông Hindu: “Kitô hữu là gì ?” Ông trả lời: “Kitô hữu là người biết cho đi”.
Hãy mở lòng, để Thiên Chúa làm thấm nhuần tấm lòng bạn bằng tình yêu thương. Chúa yêu thương bạn với tình yêu dịu hiền. Những gì Chúa ban tặng không phải để bạn giữ lấy và khoá kỹ, nhưng để bạn cho đi.
Bạn càng dành dụm, bạn càng ít khả năng trao tặng, bạn càng có ít, càng biết rõ bạn phải cho đi bao nhiêu. Nếu có xin gì, chúng ta hãy xin Ngài giúp chúng ta sống quảng đại.
Tại Ấn Độ, nếu ai cho người nghèo một ít gạo, họ sẽ vui vẻ mãn nguyện khi nhận quà. Tại Âu Châu, người nghèo không nhận mình nghèo, nên với nhiều người, thái độ này đã làm nảy sinh nỗi thất vọng.
Chiều muộn (khoảng 10 giờ đêm), nghe chuông reo, tôi ra mở cửa và gặp một người đàn ông đang run rẩy vì lạnh.
“Thưa mẹ Têrêsa, con nghe mẹ vừa nhận một giải thưởng lớn. Khi hay tin này, con quyết định cũng tặng Mẹ món quà gì đó. Đây mẹ nhận đi. Đó là những gì con quyên được hôm nay”.
Chỉ là một chút thôi, nhưng trong hoàn cảnh của anh, đó là tất cả.
Tôi cảm động trước “giải thưởng” của anh hơn là lúc nhận giải Nobel.
Có ngày, một đôi vợ chồng trẻ đến nhà chúng tôi và xin gặp tôi.
Họ tặng tôi một món tiền lớn, tôi hỏi: “Các bạn kiếm được số tiền lớn này ở đâu ?”. Họ trả lời: “Chúng con mới cưới nhau hai ngày. Trước khi cưới, chúng con đã quyết định không tổ chức đám cưới, không sắm áo cưới, không làm tiệc cưới, chẳng đi trăng mật. Chúng con muốn tặng mẹ số tiền chúng con dành dụm được”.
Tôi hiểu hết ý nghĩa của quyết định đó, nhất là đối với một gia đình Hindu. Do đó tôi hỏi: “Các bạn nghĩ thế nào về chuyện đó ?”
“Chúng con yêu nhau nhiều, nên chúng con muốn chung chia niềm vui về tình yêu của chúng con với những người mẹ đang phục vụ.
Chia sẻ: hành động tốt đẹp biết bao!
Ta biết cho đi thì Chúa sẽ cho lại. Chúa dùng hình ảnh cái đấu để cắt nghĩa: nếu ta đong cho người ta bằng cái đấu nhỏ hoặc cái đấu thiếu thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu nhỏ hoặc thiếu y như vậy. Ngược lại, nếu ta đong cho người ta bằng đấu to thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu to hơn gấp bội, lại còn dằn, còn lắc và đầy tràn nữa.
2. Chúa cũng nói với chúng ta về việc cần phải sám hối.
Sám hối không phải chỉ là tâm tình hối hận vì những tội đã phạm, mà còn là làm việc lành phúc đức để đền bù tội lỗi. Một trong những việc làm đó là tha thứ. Ta sám hối để cầu Chúa tha thứ cho ta thì ta cũng phải biết tha thứ cho anh em ta.
Liền sau thế chiến thứ II chấm dứt, bà Koritainbun một con người còn mang đầy những vết sẹo trên thân thể. Đó là những tàn tích của những khổ hình mà bà phải chịu trong trại tập trung của Đức quốc xã. Bà đã đi khắp Âu Châu rao giảng về sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.
Thế nhưng, vào một Chúa Nhật nọ, sau khi kêu gọi mọi người tha thứ cho nhau trong nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài, bất ngờ bà phải đối diện với một gương mặt rất quen thuộc, đó là dung mạo của người lính đã hành hạ làm khổ bà cũng như hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Từ thâm tâm, bà cảm thấy những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, và những tiếng kêu thét đòi trả thù nổi lên mạnh mẽ.
Ngay lúc đó, người đàn ông này tiến lại khiêm tốn đưa tay ra, vừa muốn bắt tay bà vừa muốn nói:
- Thưa bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của bà kêu gọi sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi.
Bà Koritainbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và nhất quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã từng tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không tài nào đưa ra để bắt tay người đến xin bà tha thứ.
Sau này vào năm 1971, khi kể lại biến cố trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, bà đã cho biết: Trong những giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời cầu nguyện “Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho con người đã làm khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để có thể tha thứ như Chúa”.
Và chính trong lúc đó, bà đã hiểu rằng, con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi họ được nhận tình thương yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.