“Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con”.
Lời Chúa: Mt 18, 21-35
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?”
Chúa Giêsu đáp: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ.
Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện.
Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
“Tôi viết cho anh, người bạn vào giây phút cuối của đời tôi… Vâng, tôi cũng xin nói với bạn tiếng Cám ơn và lời Vĩnh biệt này… Ước gì chúng ta, những người trộm lành hạnh phúc, được thấy nhau trên Thiên đàng, nếu Thiên Chúa muốn, Người là Cha của hai chúng ta.” Đây là những câu cuối trong di chúc của cha Christian de Chergé, tu viện trưởng của một đan viện khổ tu ở Tibhirine, nước Algérie, châu Phi. Cha viết những câu này vào cuối năm 1993 cho một người nào đó sẽ giết mình. Ngày 21-5-1996, cha đã bị nhóm Hồi giáo vũ trang chặt đầu cùng với sáu tu sĩ khác trong đan viện. Cha Christian gọi kẻ sẽ giết mình là bạn, chứ không phải là kẻ thù hay sát nhân. Cha coi mình cũng là tên trộm lành chẳng khác gì anh ta, cũng cần được tha thứ. Cha chỉ mong gặp lại anh ta trên Thiên đàng, vì cả hai đều là con, cùng được tha vì được yêu bởi Thiên Chúa. Dụ ngôn hôm nay hẳn đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của cha Christian. Có hai người mắc nợ, cả hai đều là đầy tớ của cùng một ông chủ. Một người mắc nợ ông chủ một món nợ cực lớn, mười ngàn yến vàng. Một người mắc nợ đồng bạn mình một món nợ nhỏ, một trăm quan tiền, mà người đồng bạn ấy lại chính là người đang mắc nợ ông chủ. Cả hai đều không trả nổi và năn nỉ xin hoãn. Ông chủ chạnh lòng thương tha luôn món nợ cho người thứ nhất. Nhưng người này lại dứt khoát không chịu hoãn lại cho người thứ hai. Anh ta đã tống bạn mình vào ngục. “Đến lượt ngươi, ngươi lại không phải thương xót người đầy tớ đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (c. 33). Lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa như dòng suối chảy vào đời tôi. Thương xót tha thứ chính là để cho dòng suối ấy chảy đi, chảy đến với người xúc phạm đến tôi nhiều lần trong ngày. Tôi tha bằng chính sự tha thứ mà tôi đã nhận được từ Thiên Chúa. Không tha là giữ dòng suối đó lại, và biến nó thành ao tù. Không tha là đánh mất cả những gì mình đã nhận được. Người mắc nợ ông chủ nhiều, đã được tha một cách quảng đại bất ngờ, nhưng sự tha thứ đó đã bị rút lại. Chỉ ai biết cho đi sự tha thứ mới giữ lại được nó cho mình. Chúng ta đều là người mắc nợ và đều là đầy tớ của Thiên Chúa. Tôi nợ Chúa nhiều hơn anh em tôi nợ tôi gấp bội. Sống với nhau tránh sao khỏi có lúc thấy mình bị xúc phạm. Chỉ tha thứ mới làm cho tôi đi vào được trái tim của Thiên Chúa nhân hậu. Chỉ tha thứ mới làm tôi được nhẹ lòng, và người kia được giải thoát. Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện: Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường. Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui. Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời. Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó, hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy. Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen. R. Tagore (Đỗ Khánh Hoan dịch) -------------------------------
Con người vốn yếu hèn. Lầm lỗi là con người. Biết sống là biết tha thứ.
Tha thứ là biết Chúa. Thiên Chúa nhân hậu, nhẫn nại, giầu lòng xót thương và luôn tha thứ. Ta tội lỗi ngập tràn. Nhưng Chúa luôn tha thứ. Dụ ngôn hôm nay cho thấy sự tha thứ của Chúa là không giới hạn. Nợ 10 ngàn yến vàng là nợ quá lớn không ai có thể trả nổi. Vậy mà chỉ cần một lời van xin, Thiên Chúa tha ngay. Người tha thứ dễ dàng, tức khắc, không điều kiện, và vĩnh viễn. Nhận biết Thiên Chúa rộng lượng, giầu lòng thương xót, luôn luôn tha thứ sẽ dẫn ta đến biết mình.
Tha thứ là biết mình. Khi biết mình yếu đuối, ta dễ thông cảm với người khác. Nếu người khác chấp nhất tội lỗi của ta, ta sẽ không sống nổi. Vì ta cũng đã lỗi phạm đến người khác nhiều lần. Biết mình cần được tha thứ, ta sẽ dễ tha thứ cho người khác. Nhưng trên hết khi tha thứ ta nhận được ơn tha thứ của Chúa. Chúa tha thứ cho ta nhưng với điều kiện ta cũng phải tha thứ cho anh em. Cho người khác 100 quan tiền để nhận được 10 ngàn yến vàng. Ta được lợi lớn.
Tha thứ như thế là biết sống. Đời sống thành công là đời sống an vui hạnh phúc. Ta an vui khi mọi người chung quanh cùng an vui. An vui chỉ có được với những tâm hồn quảng đại, tha thứ. Chúa là yêu thương, là tha thứ. Không yêu thương tha thứ, ta không thể phù hợp với Thiên Chúa, không thể lãnh nhận được hạnh phúc. Con người là bất toàn. Muốn sống chung cần tha thứ và được tha thứ. Đó là biết sống, tạo hạnh phúc cho chính mình.
Tóm lại, tha thứ là biết yêu. Xét cho cùng tha thứ chính là tình yêu. Đây là cốt lõi của vấn đề. Tha thứ chỉ có được khi có tình yêu. Chúa tha thứ cho ta vì yêu thương ta. Và Chúa dạy ta phải tha thứ cho tha nhân. Vì tha nhân không phải người xa lạ, mà là anh em ta. Phê-rô nhận điều này khi hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” Người khác là anh em ta trong gia đình Thiên Chúa. Anh em phải có tình yêu thương. Đó chính là giới răn của Chúa. Tình yêu là không giới hạn nên phải tha thứ mãi mãi. Còn tha thứ là còn yêu thương. Còn yêu thương là còn thuộc về Chúa, còn là con cái trong nhà Cha, còn là công dân Nước Trời. Hết tha thứ là hết yêu thương, không còn là con Cha yêu thương, không còn là công dân trong Vương quốc tình yêu.
Tha thứ đến 7 lần, đó là tha thứ theo đúng công bằng của lề luật, của lý luận con người. Nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn bằng cách nói: tha thứ cho đến 70 lần bẩy.
Trong dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ, người này xin chủ chờ thêm thời gian nữa anh sẽ trả hết, nhưng chủ đã tha luôn cả số nợ. Thế mà anh đã không hành xử như vậy đối với người bạn chỉ mắc nợ anh một trăm bạc. Chúa Giêsu đã đưa ra bài học từ dụ ngôn này: “Cha Ta trên trời sẽ xử với các người như thế nếu mỗi người trong các ngươi thật lòng tha thứ cho anh em mình”.
Chúng ta hãy kiểm điểm xem chúng ta đã sống thế nào về điều chúng ta thường cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Về vấn đề này tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã chia sẻ như sau:
“Tính phê bình chỉ trích là một trở ngại lớn cho đời sống siêu nhiên. Chỉ tiêu cực phàn nàn kẻ khác, con quấy rầy họ, và muôn đắng cay trong lòng con. Va chạm người khác là sự thường. Sống trong một xã hội không va chạm nhau chỉ có thể là Thiên đàng. Một hòn đá nhờ va chạm mà bóng láng hơn, sạch đẹp hơn. Phàn nàn là bệnh dịch hay lây, triệu chứng là bi quan, mất bình an, nghi ngờ, mất nhuệ khí kết hiệp với Chúa. Bác ái không chỉ có yêu thương và tha thứ. Bác ái là cả một hành động để tạo bầu khí mới giữa cộng đồng xã hội, quốc gia và quốc tế, biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa. Chỉ giây phút hiện tại là quan trọng. Đừng nhớ ngày hôm qua của anh em để chỉ trích. Đừng nhớ ngày hôm nay của con để khóc lóc, nó đã vào dĩ vãng. Đừng nhìn ngày mai của con để bi quan, nó còn trong tương lai. Giao quá khứ cho lòng nhân từ của Thiên Chúa, giao tương lai cho sự quan phòng của Ngài và giao tất cả cho tình yêu Chúa”.
Xin Chúa hướng dẫn chúng ta trên con đường canh tân cuộc sống đức tin và đức ái. Xin Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày được nên giống Chúa hơn để xây dựng hoà bình và hoà hợp trong môi trường chúng ta sống.
Bấy giờ ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” (Mt. 18, 21-22)
Khi Phê-rô hỏi: “Nếu anh em cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ mấy lần? Có phải bảy lần không”. Thế là ông tốt lắm rồi. Ông đã vượt mức luật cũ: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn chúng ta, có ai đã tha thứ đến bảy lần chưa?
Những trường phái Rabbi đã định mức tha thứ thế nào? Tha cho vợ mấy lần, cho con cái, cho anh chị em mấy lần? Họ cãi nhau xem phải ấn định mấy lần, phải tha thứ, luật của trường phái nào mới đúng?
Nhưng Đức Giê-su không đứng đầu trường phái nào, với Người, không có mức nào hết, vì Người không tự đóng khuôn vào khu vực số lượng nhiều hay ít. Chúng ta muốn được Thiên Chúa tha thứ vô cùng thì chúng ta phải biết tha thứ không tính toán.
Khi bạn tha thứ, bạn đừng nhìn vào sức nặng của xúc phạm, nhưng hãy nhìn vào Thiên Chúa và nhìn lại cuốn sổ ghi lỗi của bạn. Chỉ có kẻ vô tội mới được phép luận tội và tha thứ thôi. Tất cả chúng ta đều là kẻ có tội và được thương xót tha thứ, cho nên chúng ta đo lòng thương xót của mình đối với kẻ có nợ chúng ta là tự phụ. Chúng ta cần nhớ bài học này: Theo đức tin, trước nhất chúng ta phải luôn luôn nhìn lên Chúa trước khi xét đoán anh em mình, và lúc đó chúng ta sẽ được đầy lòng nhân hậu khoan dung êm ái và yêu thương.
Lời của Đức Giê-su ban đầu có vẻ kỳ dị, nhưng nhìn kỹ, thì thấy khôn ngoan biết bao … Trong thế giới pháp chế trói buộc nặng nề này, không còn quan tâm đến con tim, thì tốt lành biết bao khi được nghe những bài diễn văn về lòng thương yêu tha thứ.
Có một anh bạn hỏi một người Công Giáo rằng: “Nếu để nói một câu ngắn gọn nhất nhằm tóm gọn toàn bộ giáo lý về đạo Công Giáo thì bạn sẽ nói câu nào?”; bạn trẻ Công Giáo trả lời, đó là chữ: “Yêu”.
Thật vậy, chữ “yêu” là chữ cốt lõi của đạo Công Giáo. Vì yêu, Thiên Chúa dựng nên trời đất và con người. Vì yêu, Ngài đã cứu thoát họ khỏi Ai Cập, đưa về Đất Hứa. Vì yêu Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ đến để dạy dỗ dân. Vì yêu, Thiên Chúa đã ban Con Một của mình đến để cứu chuộc nhân loại. Đấng ấy là Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã dạy dỗ, yêu thương, tha thứ cho kẻ thù và cuối cùng, vì yêu nên Đức Giêsu đã chết cho người mình yêu.
Hôm nay, Tin Mừng một lần nữa xác định căn cốt đó khi trình thuật cuộc nói chuyện giữa Đức Giêsu và Phêrô. Khởi đi từ câu hỏi của Phêrô: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy".
Tha như thế là tha mãi, tha không giới hạn, không điểm dừng, không so đo tính toán thiệt hơn. Tha như thế là đi vào mối tương quan với Thiên Chúa là tình yêu, và làm toát lên đạo mới, “đạo yêu thương”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tha thứ và tha thứ không ngừng nghỉ!
Tha thứ như thế thì mới được Thiên Chúa tha thứ cho mình.
Tha thứ là một điều rất khó, nhưng nó là tuyệt đỉnh và cao quí nhất mà Đức Giêsu đã cống hiến cho con người.
Tha thứ còn là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, bởi vì nhờ tha thứ, con người trở nên giống Thiên Chúa vì Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho loài người là Thiên Chúa của tha thứ không ngừng. Vì thế, chỉ có một mình Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy, mới có thể đòi hỏi con người: “Ta không bảo con phải tha đền bẩy lần, nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy”, tức là tha không ngừng.
Nếu có khó khăn trong việc tha thứ, ấy là chúng ta vẫn nhìn vào sức nặng của sự xúc phạm mà đối phương đã gây ra cho ta, trong khi đó, lẽ ra chúng ta phải nhìn vào tình thương của Thiên Chúa đối với mình khi Ngài tha thứ tội lỗi cho ta.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa dạy chúng con hôm nay thật tuyệt vời, vì nếu chúng con không tha thứ thì làm sao chúng con được Chúa thứ tha trong khi chúng con là kẻ có tội? Xin Chúa ban cho chúng con có lòng nhân hậu như Chúa là Đấng Nhân Hậu. Biết yêu tha thiết để sẵn sàng tha thứ không ngừng nghỉ như Chúa. Amen.
Sứ điệp: Hãy tha thứ cho nhau, vì ta đã được Thiên Chúa tha thứ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thật quảng đại vô cùng. Không những Chúa đã tác tạo nên con, ban ơn để con được sống, mà ngay cả khi con xúc phạm đến Chúa, Chúa cũng tha thứ cho con. Cuộc đời con là những chuỗi ngày tội lỗi và phản bội tình yêu của Chúa. Nhưng Chúa đã tha thứ cho con từ khi con chưa có mặt trên đời này. Từ ngày con chưa sinh ra, tình yêu của Chúa đã lấp đầy trên con. Rồi từng ngày trong cuộc sống, tình yêu Chúa hằng ấp ủ con. Tấm lòng Chúa thật bao la vô bờ bến.
Hôm nay đây, khi đứng trước tấm lòng bao la ấy, đứng trước một tình yêu ngất trời như vậy, con chợt thấy lòng mình hẹp hòi nhỏ nhoi làm sao! Con hẹp hòi nhỏ nhoi với Chúa và với anh em con. Chúa đã tha thứ cho con tất cả. Vậy mà chúng con vẫn chưa biết tha thứ cho nhau, vẫn chấp nhất nhau trong từng lời nói, và từng việc làm nhỏ bé. Bao nhiêu cuộc chiến tranh khốc liệt, bao nhiêu sự đổ vỡ không hàn gắn được, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng nhỏ nhen ích kỷ của chúng con. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và giúp chúng con biết tha thứ cho nhau.
Chúa dạy con làm việc bác ái, con có thể làm được. Nhưng Chúa dạy con tha thứ cho anh em thì lạy Chúa, con thấy thật khó. Bởi vì khi cho đi tiền bạc của cải, con cho những cái ở ngoài con. Còn khi cho đi sự tha thứ, con phải lấy chính lòng con để trao tặng cho người khác. Có nghĩa là con chấp nhận để người khác cào cấu vào tim con. Xin Chúa ban ơn giúp sức để con biết tha thứ cho anh em con. Con tha thứ không những để được Chúa tha thứ, mà con muốn tha thứ, vì trước hết chính Chúa đã tha thứ cho con hết rồi. Xin cho con biết sống xứng đáng với lòng quảng đại của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con”.
Văn hào Ernest Hemingway đã kể câu chuyện về một người cha và cậu con trai đang ở lứa tuổi thiếu niên. Mối quan hệ cha con của họ không được tốt đẹp và luôn căng thẳng. Cuối cùng, sau một trận cãi vã kịch liệt, cậu bé đùng đùng bỏ nhà ra đi.
Tuy giận dữ và đau lòng, nhưng người cha biết rằng con mình rất cần sự uốn nắn và dạy dỗ để trưởng thành. Vậy nên, ông đã bôn ba khắp nơi để tìm kiếm đứa con nổi loạn. Cuối cùng, khi tới Madrid, trong nỗ lực cuối cùng của mình, ông cho đăng một thông cáo trên báo: “Paco thương yêu, hãy đến gặp cha chiều mai trước cửa tòa soạn. Mọi tội lỗi đều được tha thứ. Cha yêu con. Cha của con”.
Chiều hôm đó, người cha đến tòa soạn thật sớm vì ông không muốn trễ giây phút nào để gặp đứa con thân yêu của mình. Và điều bất ngờ là, tới đó, ông đã gặp… 800 cậu bé tên Paco. Cả 800 cậu bé này đều đã bỏ nhà ra đi và đều đang mong đợi sẽ gặp được người cha rộng lượng của mình ở đó với vòng tay dang rộng yêu thương.
Suy Niệm
Sự khoan dung tha thứ là đỉnh cao của đức ái Kitô giáo mà Kinh Thánh đã dạy: Yêu thương tha thứ trước lỗi lầm của anh em: Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?”. Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Không phải một màlà bảy mươi lần bảy (x. Mt 18,21-22; Lc 23,34), nghĩa là luôn tha thứ. Chính Chúa Giêsu đã làm gương sống động của lòng thứ tha khi trên thập giá Ngài tha thứ cho những kẻ giết hại mình (x. Lc 23,34).
Trước lỗi lầm của anh em mà họ đã chân thành nhận lỗi. Như Chúa Giêsu dạy người môn đệ phải có lòng vị tha, tha thứ không chỉ quên đi những điều không phải nhưng sẵn sàng tái lập lại sự giao hảo giữa hai người.
Hơn nữa, sống tha thứ con giải thoát chính chúng ta khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe, thăng tiến. Thiếu tha thứ, đời sống con người bị ảnh hưởng từ cá nhân đến đời sống cộng đồng. Vị tha để sự bình an tâm hồn và thân xác mỗi cá nhân được đơm hoa kết trái và chính hoa trái đó làm nên hạt giống gieo hòa bình cho quốc gia và thế giới.
Trong bình diện tâm linh, tương quan ơn cứu độ, sách Huấn Ca dạy: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha” (Hc 28,2). Chúa Giêsu qua kinh Lạy Cha cũng dạy: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12; Lc 11,4). Tha nợ do đòi hỏi bó buộc của Thiên Chúa, Ngài tha nợ cho chúng ta như chúng ta biết đã tha thứ cho anh em. Đây không chỉ là một điều kiện mà còn là một thái độ chuẩn bị: Khi tha thứ cho anh em, chúng ta cũng ao ước được Chúa tha thứ rộng rãi cho mình. Người có tha thứ mới thật lòng muốn được tha thứ và mới đáng nhận được ơn tha thứ.
Lạy Chúa, con khẩn thiết xin ơn tha thứ, hãy cho con có sức mạnh, can đảm để con tha thứ cho anh em và chính con cũng được ơn thứ tha.
Ý lực sống: “Vì nhân ái nên lòng khoan dung độ lượng thứ tha là của bậc quân tử. Quân tử không tưởng, không nhớ lỗi lầm của người khác, mà chú trọng giáo hóa người lầm lỗi biết hối cải và nên người - quân tử vị tiểu nhân tức là người lầm lỗi là “quân tử chưa thành và sẽ thành” (Khổng Tử).
1. Hôm nay Đức Gêsu dạy ta về sự tha thứ. Dụ ngôn về sự tha thứ nhắm tới đời sống cộng đoàn. Quả vậy, trong đời sống chúng ta, vì tính tình xung khắc, nên đã gây ra nhiều điều phiền toái, chia rẽ, đố kỵ, thù oán... Nhưng nhờ sự tha thứ, đời sống chung lấy lại được hòa khí, bình an và hiệp nhất. Nhưng Đức Giêsu lưu ý chúng ta vài khía cạnh quan trọng:
-Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta cho dù tội chúng ta xúc phạm đến Ngài rất nhiều. Ta không thể đền tội cho đủ nhưng Chúa vẫn tha vì Ngài “động lòng thương”.
- Nhưng chúng ta củng phải rộng lòng tha thứ cho anh chị em chúng ta. Nếu không thì Chúa sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài đối với chúng ta.
- Ngoài ra hãy khôn ngoan tha lỗi nhỏ cho anh em để Chúa sẽ tha thứ những lỗi lầm lớn của chúng ta đối với Chúa.
2. Tha thứ xem ra không phải là điều tự nhiên đối với con người. Phải trải qua một thời gian lâu dài, nhân loại mới nhận ra được ý nghĩa và sự cần thiết của tha thứ. Xã hội nguyên thủy không dung tha cho tội phạm của cá nhân.
Sách Khởi nguyên nói đến sự trừng phạt mạnh hơn 70 lần 7 lỗi phạm của con người. Sang đến sách Xuất hành, người ta thấy có một tiến bộ quan trọng khi luật Maisen đã ra luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, ít ra ở đây hình phạt cũng tương xứng với lỗi phạm. Sách Lêvi đi xa hơn, tuy không bắt buộc phải tha thứ, nhưng sách này nói đến tình liên đới giữa anh em với nhau và cấm không được nại đến việc tố tụng để giải quyết những tranh chấp giữa anh em với nhau. Như vậy, ít ra sự tha thứ cũng đã manh nha trong quan hệ ruột thịt (Mỗi ngày một tin vui).
3. Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại. Cốt lõi giáo huấn của Ngài là tình yêu, mà cao điểm là sự tha thứ. Chính Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Vậy tha thứ bao nhiêu lần là tối đa, hay tha thứ bao nhiêu lần là không thể tha thứ được nữa? Xưa kia ông Phêrô cũng đã băn khoăn như thế và ông cho rằng chỉ tha thứ đến 7 lần là tối đa, vì như thế là đã vượt quá sự khuyến cáo của các luật sĩ đến bốn lần rồi: “Quá tam ba bận”. Nhưng Đức Giêsu bảo ông: Tha thứ thì không có giới hạn, không phải ba lần, bảy lần mà là bảy mươi lần bảy. Chúa không có ý bảo là 490 lần mà có nghĩa là phải tha thứ luôn luôn, phải tha thứ mãi mãi, bao lâu người ta còn xúc phạm đến mình thì còn phải tha thứ.
4. Chính Đức Giêsu đã làm gương sống động của lòng tha thứ khi trên Thập giá Ngài tha thứ cho nhưng kẻ giết hại mình. Vì vậy Đức Giêsu dạy môn đệ phải có lòng vị tha, tha thứ không chỉ quên đi những điều không phải nhưng sẵn sàng tái lập sự giao hòa giữ hai người.
Hơn nữa, sống tha thứ còn giải thoát chính chúng ta khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe thăng tiến. Thiếu tha thứ, đời sống con người bị ảnh hưởng từ cá nhân đến đời sống cộng đồng. Vị tha để sự bình an tâm hồn và thân xác mỗi cá nhân được đơm hoa kết trái và chính hoa trái đó làm nên hạt giống gieo hòa bình cho quốc gia và thế giới.
5. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết: Nợ nần của chúng ta đối với Chúa hết sức lớn lao, đó là tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa rất kinh khủng, và tự sức mình chúng ta không thể nào thanh toán nổi. Trong khi đó món nợ của anh em mắc với chúng ta chỉ là những lỗi lầm không đáng kể, thế mà chúng ta lại khắt khe với anh em: xin không tha, trả không nhận, rồi bực tức ngày đêm, để lòng hờn giận, tìm dịp báo thù, thật là quá tệ. Kết quả là chúng ta chẳng được Thiên Chúa tha thứ, vì chính chúng ta đã tự lên án mình, khi chúng ta không tha thứ cho người khác. Chúa cũng chẳng tha cho chúng ta.
6. Truyện: Gương Bà Coritanbun tha thứ.
Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình Bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.
Thế nhưng vào một Chúa nhật nọ, sau khi kêu gọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ Bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà.
Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây Bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng im lặng, tay không thể nào bắt tay người đến xin Bà tha thứ.
Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, Bà đã cho biết “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thư cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa. (Món quà ngày Giáng Sinh).
1. Bài đọc Cựu Ước trích lời cầu xin của Adaria. Khi đó dân Do Thái đang bị lưu đày bên Babylon. Họ biết họ đang khổ sở là vì tội họ đã phạm trước kia. Adaria xin Chúa tha tội cho dân. Nhưng hiện nay trong hoàn cảnh bị lưu đày, dân chẳng có lễ vật dâng lên Chúa để đền tội như luật định, cho nên Adaria chỉ biết kêu xin đến tình thương của Chúa: “Lạy Chúa, vì lòng từ bi sung mãn của Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng tôi”.
2. Dụ ngôn trong bài trích Phúc Âm cũng nói đến sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng lưu ý vài khía cạnh quan trọng:
- Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ chúng ta cho dù tội chúng ta xúc phạm đến Ngài rất nhiều (như ông quan thiếu nợ ông vua một ngàn nén bạc). Ta không thể nào đền tội cho đủ (ông quan không có gì để trả chỉ biết nài xin. Và ông vua tha chỉ vì “động lòng thương”).
- Nhưng chúng ta cũng phải rộng lòng tha thứ cho anh chị em chúng ta. Nếu không thì Chúa sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài đối với chúng ta.
- Dụ ngôn còn khuyên ta chớ ngu dại vì không chịu tha cho anh chị em một trăm đồng bạc để không được Chúa tha cho ta mười ngàn nén bạc và còn phải “trao cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ”.
B. Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Muốn tha thứ thì chỉ nên nghĩ đến tình chứ không nghĩ đến lý, cũng không tính theo lẽ công bằng. Để cầu xin ơn tha thứ cho dân, Adaria không dám kể đến những lễ vật dâng cho Chúa, mà chỉ dám nói ”Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa”. Ông vua trong dụ ngôn mà bài trích Phúc Âm hôm nay nói đến, tha thứ cũng chỉ vì ”động lòng thương”.
2. Sau khi nói đến ông vua phạt người đầy tớ không chịu tha cho bạn mình, Chúa Giêsu kết luận ”Cha trên trời cũng sẽ đối xử với các con đúng như thế nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Ta đừng coi đây chỉ là một lời hăm dọa suông, mà hãy coi đây là một sự thật.
3. Một trong những việc cần làm ngay trong Mùa Chay là hãy duyệt lại những mối tương giao của mình với người khác. Nếu thấy có bất hoà, xung khắc hoặc nghịch với ai thì phải lo giải quyết cho xong.
4. Liền sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình Bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.
Thế nhưng vào một Chúa Nhật nọ, sau khi kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài Bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí Bà.
Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa Bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của Bà kêu gọi sự tha thứ. Xin Bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ.
Sau này vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, bà đã cho biết “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó Bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa. (Trích “Món quà giáng sinh”)
Các bản văn Phụng vụ hôm nay nói đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ miễn là chúng ta cũng phải rộng lòng tha thứ cho anh chị em chúng ta. Nếu không thì Chúa sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài.
Vâng, muốn tha thứ thì chỉ nên nghĩ đến tình chứ không nên nghĩ đến lý, cũng không được tính theo lẽ công bằng. Để cầu xin ơn tha thứ cho dân, Adaria không dám kể đến những lễ vật dâng cho Chúa, mà chỉ dám nói: “Xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa”. Ông vua trong dụ ngôn Tin Mừng tha thứ cũng chỉ vì “động lòng thương”.
Sau khi nói đến việc ông vua phạt người đầy tớ không chịu tha cho bạn mình, Chúa Giêsu kết luận: “Cha trên trời cũng sẽ đối xử với các con đúng như thế nếu các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Ta đừng coi đây chỉ là một lời hăm dọa suông, mà hãy coi đây là một sự thật.
Như vậy, một trong những việc cần làm ngay trong Mùa Chay là hãy duyệt lại những mối tương giao của mình với người khác. Nếu thấy có bất hoà, xung khắc hoặc nghịch với ai thì phải lo giải quyết cho xong.
Đây là chứng từ của một tù nhân Đức Quốc Xã trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Tác giả của câu chuyện tên là bà Anne Furish, người Tiệp Khắc. Vì bà đã lén lút săn sóc các thương binh, nên đã bị quân Đức Quốc Xã bắt giữ. Đây là chứng từ bà kể lại:
“Mỗi ngày, những người lính canh chỉ cho chúng tôi một mẩu bánh mì nhỏ có dính cả mạt cưa, cho nên nhiều người trong chúng tôi ăn vào đã mắc bệnh. Những khi nhận được bánh mì đã khô cứng không còn ăn được, thì chúng tôi vò lại để làm thành những hạt chuỗi. Ở đó, có một tên quản giáo đặc biệt hung ác. Nếu mỗi tuần hắn không giết được hai tù nhân thì hắn ta không ăn ngủ được. Tôi đã bị hắn đánh đập nhiều lần. Nhưng tôi vẫn hằng cầu xin Chúa cho tôi biết tha thứ cho hắn, bởi vì tôi biết rằng, nếu tôi không tha thứ, thì thù oán có thể đục khoét và trở thành độc dược phá hủy tâm hồn tôi. Tôi cầu xin Chúa cho tôi có thể nói với hắn thế này: “Tôi tha thứ cho anh và tôi thương yêu anh, bởi vì Đức Kitô đã chết cho tôi và anh trên cây Thập Giá”. Lần cuối cùng, khi hắn đánh đập tôi, tôi tưởng mình chết đến nơi, thế nhưng, Chúa đã dùng trận đòn ấy để nhận lời tôi.
Sau trận đòn, tên quản giáo đưa tôi về trại giam. Và lạ lùng thay, từ đó, hắn đến thăm tôi mỗi ngày. Hắn còn mang cả sữa tới và nhờ các tù binh khác dùng muỗng đút cho tôi uống nữa. Tôi bị hôn mê nhiều ngày và khi tỉnh dậy, tôi đã ngạc nhiên hết sức khi thấy tên quản giáo đang ngồi bên cạnh tôi. Lính tráng như họ vì sợ lây bệnh cho nên ít có khi nào họ đến trại giam. Hắn nói với tôi:
- Cô hãy nói cho tôi biết ai là bạn trai của cô?
Tôi hỏi lại hắn:
- Ông muốn nói gì?
Hắn giải thích:
- Người bạn trai tên là Giêsu của cô đó! Tôi muốn được nghe cô nói cho tôi biết về người đó!
Tôi hiểu rằng, Chúa đã cho tâm hồn sắt đá này trở nên dịu dàng. Tôi bắt đầu khóc vì sung sướng. Và từ lúc đó, tên quản giáo không bao giờ đánh đập tôi nữa. Mỗi ngày hắn đến thăm tôi và nghe tôi nói về Đức Giêsu, từ lúc Ngài sinh ra cho đến khi Ngài chết trên cây Thập Giá.
Một ngày nọ, tên quản giáo lại hỏi tôi:
- Cô có nghĩ rằng, Chúa của cô cũng yêu thương cả tôi nữa không? Cô có nghĩ rằng, Chúa đã tha thứ cho những gì tôi đã làm không?
Tôi nói với hắn ta:
- Dĩ nhiên Chúa yêu thương anh, cũng như chính Ngài đã ban ơn để anh đến hỏi tôi về điều đó.
Năm 1946, vào một đêm kia, người quản giáo ấy đến đánh thức tôi dậy. Ông ra hiệu cho tôi thinh lặng và đưa tôi lên một chiếc xe tải đậu gần đấy. Sau này tôi mới được biết là đúng lý ra, một người đàn bà khác đã được chọn để di chuyển trong chuyến xe đó, nhưng rồi bà ta lại qua đời trong chính đêm ấy, nên người quản giáo đã tráo tên tôi vào tên của người quá cố. Tôi đã được cứu sống trên chuyến đi này. Và cũng kể từ đó, tôi đã không gặp lại người quản giáo ấy nữa. Qua sự tha thứ, tôi cảm thấy mình được tự do để yêu mến người khác. Thêm vào đó, tôi còn cảm thấy mình dễ dàng thông cảm với thân phận con người hơn! Phải, nhờ sự tha thứ mà tôi đã trưởng thành hơn nhiều!
Biết đâu trong chúng ta đã có lần cưu mang trong mình những kỷ niệm oán thù. Xin Chúa tha thứ và ban cho chúng ta được tham dự vào sự sống Thần Linh, sự sống tuôn trào niềm yêu thương và sự cảm thông tha thứ của Ngài.