---------------------------------- Tử Đạo tiên khởi. 26/12 – Thứ Ba – THÁNH TÊPHANÔ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính. "Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha"
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Chúng con hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường. Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho. Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết. Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.
Giáo Hội mừng kính lễ thánh Têphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh. Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giêsu. Người làm chứng đã trở thành người tử đạo. Stêphanô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5), đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8). Ông gặp sự chống đối từ một số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9). Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông. Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12). Stêphanô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7). Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông. Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, khuôn mặt của Stêphanô giống như thiên thần (Lc 6, 15). Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa. Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giêsu. Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c. 56). Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy. “Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa. ” Stêphanô gọi Đức Giêsu là Con Người, một lối nói Đức Giêsu vẫn hay dùng để nói về bản thân. Tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa. Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành. Stêphanô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58). Thật ra ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52). Cái chết tử đạo của Stêphanô được thánh Luca kể lại với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giêsu. Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung. Như Đức Giêsu trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện. Đức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Khi cận kề với cái chết, Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (c. 59). Ông gọi Đức Giêsu phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài, như Ngài đã trao đời Ngài trong Cha. Như Đức Giêsu, Stêphanô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết, Ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông. Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình. “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60). Bầu khí xử án Stêphanô là bầu khí của Ba Ngôi. Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần. Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới. Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng. Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình. Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết, chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại chọn những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh làm thần tượng cho đời mình. Hôm nay Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, và chúng con thật sự đắn đo trước khi chọn Chúa. Bởi chúng con biết rằng chọn Chúa là lội ngược dòng, theo Chúa là bước vào con đường hẹp: con đường nghèo khó và khiêm nhu, con đường từ bỏ và phục vụ. Hôm nay, chúng con chọn Chúa không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng, nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người. Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa. Chẳng ai hoàn hảo như Chúa. Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa nhiều lần trong ngày, qua những chọn lựa nhỏ bé, để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, và để chúng con thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen. ---------------------------------
Tê-pha-nô là triều thiên. Ngài là triều thiên của người môn đệ. Được vinh dự tôn kính ngay sau ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Không chỉ vì là vị tử đạo đầu tiên trong Hội Thánh. Nhưng còn vì ngài nên giống Chúa Giê-su. Nên một với Chúa Giê-su. Và vì thế trở thành vị chứng nhân cho Nước Trời.
Tê-pha-nô là triều thiên của người môn đệ. Vì ngài theo sát Chúa Giê-su. Hoàn toàn từ bỏ mình. Vác thánh giá mình mà theo Chúa. Như Chúa truyền dạy. Ngài kết hợp mật thiết với Chúa. Và nhất là đã đồng hoá với Chúa. Chịu chết như Chúa. Và trong giờ chết ngài ăn nói cư xử y hệt Chúa. Như Chúa ngài phó thác linh hồn khi kêu lên: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con”. Như Chúa ngài xin tha thứ cho kẻ giết mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Phải kết hợp chặt chẽ với Chúa Giê-su nên trong giờ phút nguy nan nhất lời nói và hành động bộc phát ra như trong lòng đã ấp ủ sâu xa.
Tê-pha-nô là triều thiên của các chứng nhân. Vì ngài không chỉ làm chứng bằng lời nói. Nhưng còn bằng chính đời sống. Ngay lúc bị xử tử ngài làm chứng rằng: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Thật là một bằng chứng hùng hồn. Chân thực và sống động. Ngài chẳng màng gì đến thân xác trần gian đang bị hành hạ đau đớn. Ngài chỉ hướng về trời. “Ông đăm đăm nhìn trời”. Và thấy vinh quang Thiên Chúa đã làm quên đi những đau khổ đang hành hạ. Đó là bằng chứng trung thực nhất.
Ngài đã thực hiện đúng lời Chúa: “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại”. Và còn hơn nữa: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. Quả thật, Tê-pha-nô đầy tràn Thánh Thần nên “họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông”.
Ngài quả thật là triều thiên của Chúa ban cho nhân loại. Xin triều thiên ngài chiếu sáng tâm hồn con. Để con được trở nên môn đệ đích thực. Và làm chứng cho Nước Trời trong thế giới tục hoá ngày càng mạnh này.
(Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Trong lá thư gởi cho các thiếu nhi khắp thế giới được ký vào ngày 3/10/1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng ta cái lý do sâu xa ấy. Ngài viết cho các em thiếu nhi như sau: "Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là đến ngày lễ theo truyền thống của Cựu Ước, tám ngày sau đó Hài Nhi đã được đặt tên, tên của Ngài là Giêsu".
Sau bốn mươi ngày chúng ta tưởng niệm việc Ngài được dâng hiến trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel. Trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra, vừa cùng với Hài Nhi đến trong đền thờ, Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên báo như sau: "Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài". Sau đó ông nói với Mẹ Maria: "Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra".
Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.
Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đó không phải là những lời nhắn nhủ mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi riêng cho các em thiếu nhi. Vì qua các em, Ngài cũng mời gọi tất cả mọi người sống một cách thiêng liêng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ngay trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.
Thật thế, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu? Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu của Ngài. Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa.
Ước gì niềm vui Giáng Sinh củng cố chúng ta trong những cố gắng theo Chúa Giêsu, sẵn sàng đón nhận và đương đầu với những thử thách bách hại mà Thiên Chúa an bài gởi đến cho chúng ta, như Ngài đã loan báo trước: "Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét".
Chúng ta mới mừng lễ Chúa Giáng Sinh ngày hôm qua, dân Chúa tiếp tục phụ họa tiếng hát thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Lời ca này như còn đang văng vẳng bên tai, thế mà ngày hôm sau (26/12), Phó tế Stêphanô là mẫu người sống hết lòng tin theo Chúa Giêsu, thì bình an chẳng đến với ông, trái lại bị nhiều người căm phẩn, họ hùa nhau ném đá cho chết, đó là mẫu người được hưởng sự bình an Chúa Giáng Sinh ban đấy ư? Đúng thế, Chúa Giêsu đã nói với những môn đệ đi theo Ngài: “Thầy ban bình an chúng con không như thế gian ban” (Ga 14,27). Do đó, những kẻ ước mơ thứ bình an “rẻ tiền” để hưởng thụ, thì Chúa Giêsu dạy: “Đừng tưởng Ta đến đem bình an trên mặt đất, ta đến không phải đem bình an, mà là đem gươm giáo. Ta đến gây chia rẽ ngay nơi những người trong cùng một gia đình, và kẻ thù của người ta lại là người nhà của mình” (Mt 10,34-36). Quả thật, những người Do Thái cùng gọi Thiên Chúa là Cha, cùng tôn thờ Ngài theo Luật Môsê hướng dẫn để tin vào Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất (x Gl 3,24), thì chính những người này lại đối nghịch với ông Stêphanô, vì ông đã chia rẽ niềm tin của họ. Đó là lý do họ quyết liệt loại trừ ông khỏi mặt đất.
Chúng ta còn nhớ ngày Đức Giêsu bị xét xử, ông Philatô không muốn nhúng tay vào tội ác giết Ngài, nên ông nói với người Do Thái: “Các ông cứ đem xử theo Luật của các ông”, thì người Do Thái lại trả lời: “Chúng tôi không có phép lên án xử tử ai” (Ga 18,31). Người Do Thái trả lời cho ông Phi-la-tô như thế, là vì vào thời ấy, Do-thái đang bị đặt dưới ách thống trị Roma, quyền bính Roma không cho phép người Do Thái lên án xử tử ai, dù Luật Do Thái cho phép họ ném đá kẻ nào phạm đến Luật Môsê. Thế mà tại sao những người Do Thái lại tự quyền ném đá ông Stê-pha-nô? Thưa vì vào năm 36, tổng trấn Phi-la-tô đang cai trị miền Giu-đa, ông bị hoàng đế triệu về Roma, mãi đến năm 37 Roma mới đặt tổng trấn Marxili cai trị miền Giuđa, như thế người Do Thái lợi dụng lúc không có ai điều hành pháp luật, họ đã ném đá Stêphanô cho chết ! Sự cố này đã làm ứng nghiệm Lời Chúa Giê-su nói: “Kẻ thù là người nhà của mình” (Mt 10,36). Khi Phó tế Stêphanô bị “người nhà” ném đá, tâm tư ông giống hệt Chúa Giêsu, lúc sắp chết ông hướng tâm hồn về đồi Golgotha, chiêm ngưỡng Đức Giêsu bị treo trên thập giá, và ông bắt chước Ngài cầu nguyện cho kẻ hại mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin đoái nhận hồn con, và xin Chúa đừng chấp tội kẻ hại con” (Lc 23,34-46 = Cv 7,59-60). Như thế nội dung lời cầu nguyện của ông Stêphanô giống hệt nội dung lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên thập giá, chỉ khác một điều là ông đã đảo lộn thứ tự lời cầu: Đức Giêsu thì cầu nguyện cho kẻ hại mình trước, sau đó mới phó dâng linh hồn cho Chúa Cha, xem ra như Ngài muốn yêu sách: Nếu Cha không tha tội cho kẻ hại Con, thì Con không dám dâng hồn Con cho Cha ; Còn ông còn Stêphanô, vì là phàm nhân nên cần được Thiên Chúa cứu độ mình trước, ông mới có khả năng cứu được người khác, nên ông đã cầu nguyện: Xin Chúa đón nhận lấy hồncon trước, sau đó ông mới xin Chúa tha tội cho kẻ giết ông. Chính nhờ ông Stêphanô biết cầu nguyện cho kẻ hại mình, ông đã thực hành đúng Lời Đức Giêsu đã dạy: “Hãy yêu mến thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Sống như thế mới được đồng danh với Chúa Giêsu vì cùng là Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32 = Lc 6,35). Nhờ ông Stêphanô cầu nguyện cho những kẻ giết mình, nhất là cầu cho Saulô, kẻ ôm áo động viên những người Do Thái ném đá ông (x Cv 7,58: Bài đọc). Hiệu quả lời cầu nguyện ấy là Chúa biến “sói Saulô” thành “bồ câu Phaolô” đem Tin Mừng bình an đến cho muôn dân. Đó mới thực là phúc bình an Chúa ban cho ai biết dùng “gươm” chân lý để chiến đấu. Bởi vậy trong giờ Kinh Phụng Vụ buổi Sáng kính thánh Stêphanô, Hội Thánh đã đặt vào miệng chúng ta lời Thánh vịnh: “Thanh gươm hai lưỡi (Lời Chúa) cầm chắc trong tay, để trả thù muôn nước và trừng trị chư dân, để xiềng chân vua chúa (kẻ ác), và xích cổ vương hầu, để thi hành án phạt, Chúa đã viết từ xưa, đó là niềm vinh dự cho những kẻ trung hiếu với Người” (Tv 149,6-9).
Để sống niềm tin vào Chúa Kitô như ông Stêphanô, chúng ta phải cầu nguyện: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con, xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. Xin giải thoát con khỏi tay địch thù, khỏi người bách hại con” (Tv 31/30, 3. 4. 6a. 16bc: Đáp ca).
Trong mùa Vọng, người Kitô hữu ai cũng thích nghe lời ngôn sứ Isaia tiên báo về thời đại Thiên Chúa ra tay cứu độ loài người thoát khỏi mọi sự dữ: “Sói sống chung với chiên, trẻ con thọc tay vào hang rắn lục…” (Is 11,1-4: Bài đọc). Có nghĩa là vào thời Con Thiên Chúa làm người, kẻ ác không còn làm hại người lành, sự thiện thắng sự dữ, hoặc kẻ ác, người lành vẫn sống chung hòa bình, nhờ Đấng Cứu Thế đến như Mục Tử chăn dắt con chiên thuộc ràn của Ngài. Thế mà Đấng ấy đã đến trần gian gần 40 năm rồi, và Ngài đã đánh gục tử thần, sống lại vinh hiển ; rồi về Trời dọn chỗ cho những kẻ đi chung đường phục vụ với Ngài (x 1Ga 2,6), và tiếp tục tuôn đổ bình an xuống cho loài người Chúa thương. Vậy tại sao Chúa lại để cho “sói Saulô” vẫn ăn thịt “chiên Stêphanô”, và rắn lục là các đầu mục Do Thái vẫn cắn chết “trẻ thơ Stê-pha-nô”?
Thắc mắc này chỉ có thể trả lời vào ngày cánh chung, vì ngày ấy mới thấy “sói Saulô” và “chiên Stêphanô” sống chung với nhau. Khi ấy “sói Saulo” và “chiên Stêphano” có thể đùa giỡn với nhau.
Hãy hình dung:
Stêphanô vừa thấy Phaolô tới cửa Thiên Đàng, ông Stêphanô lên tiếng thưa với Chúa:
- Lạy Chúa, tên này xưa kia động viên người ta ném đá con, nay hắn lại vào đây, chắc rồi hắn sẽ lại kích động cả các thần thánh ném đá Chúa không chừng?
Ông Phaolô cũng không vừa, ông kêu cầu tới Chúa:
- Lạy Chúa, Ngài dạy phải tha thứ cho kẻ thù mình tới 70 lần 7 mỗi ngày, thế mà anh Stêphanô này được vào Thiên Đàng trước con mà tâm hồn vẫn còn chấp nhất tìm cách trả thù kẻ đã hại mình kìa.
Lúc ấy, hẳn Chúa Giêsu lên tiếng can thiệp:
- Thôi mà hai anh em con đừng chọc ghẹo nhau nữa.
Thế là hai ông ôm nhau khóc bởi qua vui mừng: Nhờ Stêphanô đã cầu nguyện cho Saulô mà Chúa xuất hiện đón lấy hồn Stêphanô ; còn Saulô được Stêphanô cầu nguyện mà ông trở nên Tông Đồ xuất sắc không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5), nay cùng nhau được sum họp trên Thiên Đàng hưởng phúc vinh với Chúa.
Vậy hai ông Stêphanô và Phaolô đã minh họa “sói – chiên” sống chung với nhau trong bình an vô tận với Chúa.
Xét theo góc độ con người thì khi chúng ta nghe bài Tin Mừng hôm nay, hẳn mỗi người cảm thấy buồn buồn! Buồn bởi vì niềm vui mừng, hân hoan của cả thế giới đón chào Chúa Giáng Sinh chưa hết, thì hôm nay, lời Đức Giêsu làm chúng ta không khỏi ngỡ ngàng cho những ai bước vào sứ mạng làm môn đệ của Đức Giêsu, Ngài phán: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy”.
Lời loan báo của Đức Giêsu đi ngược hẳn với các nhà lãnh đạo thế gian. Thật vậy, khi muốn chiêu mộ ai, người đời thường đưa ra những lời đường mật, an ủi, họ đưa dẫn chúng ta đi trên con đường đầy hoa thơm, và hứa hẹn những sự dễ dãi ... cho người mà họ muốn chiêu dụ ... Nhưng làm môn đệ của Đức Giêsu thì khác hẳn: những thử thách, đau thương và đôi khi cả chính cái chết là là những quà tặng mà người môn đệ sẽ nhận được trong cuộc đời sứ vụ của mình.
Kinh nghiệm cho thấy, trải qua biết bao thế hệ, hàng hàng, lớp lớp những môn đệ của Đức Giêsu khắp năm châu đã phải đón nhận những hệ quả tang thương đó. Tuy nhiên, những đau khổ đó không thể làm chùn chân bước của các môn đệ. Lớp này ngã xuống, lớp kia đứng lên, đến nỗi những người gây ra những tội ác đó cũng phải ngỡ ngàng và không hiểu nổi! Tuy nhiên, đối với chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta hiểu được nguyên lý đó, vì: “Hạt lúa cuộc đời phải mục nát đi thì mới sinh được nhiều bông hạt khác”; hay “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”. Đây là nguyên lý bất hủ và trường tồn vĩnh viễn nơi những người con của Chúa. Vì thế, không ai và không có gì có thể dập tắt được tình yêu của những người “say men Giêsu”.
Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội mừng kính lễ thánh Têphanô, ngài là một người can đảm, anh hùng hào kiệt. Chắc hẳn, thánh nhân đã cảm nghiệm được sâu xa nguyên lý của hạt lúa trong thân phận tự hủy. Bởi lẽ, sự hào hùng, can trường mới làm toát lên đặc tính của những người thuộc về Đức Kitô là: không bao giờ và không thể chấp nhận thỏa hiệp với sự dữ, sự tội. Vì thế, thánh nhân đã xuất sắc trong khi thi hành sứ vụ, bởi vì ngài được tình yêu Đức Kitô nung đốt tâm hồn. Thánh Têphanô xứng đáng lãnh nhận lời khen ngợi của Kinh Thánh: ngài là người “đầy lòng tin và đầy Thánh Thần". Quả thật, ngài đã hăng say rao giảng về Đức Giêsu, và sẵn sàng đón nhận chính cái chết để làm chứng về Đấng mà mình loan báo.
Thánh Têphanô đã thay đổi thế cuộc, vì lúc ban đầu là một phiên tòa ghê rợn với bản án tử hình khủng khiếp với trò ném đá đến chết bị cáo; cảnh náo động bao trùm phiên tòa bất chính này, nhưng bị cáo hôm nay thì khác hẳn, và chính lúc mọi người thi hành án thì ngài lại cảm thấy bình an, thanh thoát, nhẹ nhàng và tràn đầy hy vọng. Khung cảnh này đã làm đảo ngược tình thế, và cáo trạng mà người ta gán ghép cho Têphanô giờ đây lại chất vấn lương tâm họ, khiến họ cảm thấy bất an và lo sợ.
Trong xã hội ngày nay, nhiều người trong chúng ta còn ái ngại, dè dặt khi loan báo về sự thật mà Giáo Huấn của Đức Giêsu cũng như Giáo Hội mời gọi. Có khi vì cảm thấy sợ hãi, liên lụy đến tính mạng mà im hơi lặng tiếng để cho qua cầu; hoặc cũng có thể rơi vào tình trạng như đức Hồng Y Thuận đã nói: họ là những hạng người: “Sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen”, nên khi không có lợi cho bản thân là họ sẵn sàng trở thành kẻ nịnh thần để cho xong chuyện ...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta can đảm, trung thành làm chứng cho Chúa dẫu có gặp phải thử thách gian truân. Noi gương thánh Têpphanô, sống chết vì sứ vụ, miễn sao sự thật được loan báo và Đức Kitô được tin nhận.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con khi mừng kỷ niệm ngày Chúa giáng trần, thì cũng hiểu được sứ vụ của Chúa trong tương lai và trách nhiệm của người môn đệ khi bước theo Chúa trên con đường đó. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu tiên báo sự bách hại. Tin theo Chúa, chúng ta sẽ bị người đời đối kháng. Nhưng ta không được sợ hãi, vì Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ý định của Chúa khi Chúa đến trần gian là để con được trở nên con người sống cho Thiên Chúa, không thuộc về thế gian. Và như thế con sẽ gặp cảnh bị ghét bỏ. Có những lúc vì sống theo Lời Chúa, con bị thế gian cười chê. Con cũng có thể bị mất nhiều quyền lợi chỉ vì con thuộc về Chúa. Ngay trong gia đình có thể con còn bị cả người nhà ghét bỏ nữa.
Cuộc đời của con theo Chúa là cuộc đời chết cho chính mình. Con sẽ luôn nhìn lên Chúa để sống. Con cũng sẽ luôn nhìn lên thánh giá để noi gương. Thánh Tê-pha-nô hôm nay Giáo hội mừng kính quả là gương chói ngời cho con. Con cũng được diễm phúc như Ngài: con đã là một người thuộc về Chúa. Con đã được diễm phúc mang danh là Kitô. Thánh Tê-pha-nô đã bị chống đối. Ngài đã bị khổ đau. Và Ngài đã thể hiện cuộc sống theo Tin mừng. Xin cho con được sống chết cho Nước Trời như Ngài, bất chấp chống đối hiềm thù.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã tuyên báo cho con biết về sự bách hại vì đạo mà con sẽ nhận lãnh trong suốt cuộc đời theo Chúa. Từ thế gian, từ gia đình, đều có những sự dấy lên ghì con sống khác Chúa. Xin Chúa giúp con luôn. Xin Chúa trợ giúp con liên tục để con được mạnh sức và khôn ngoan sống theo gương Chúa như thánh Tê-pha-nô đã sống. Xin cho con được kiên trì dâng hiến khi gặp những khó khăn vì Tin mừng và sẵn sàng yêu thương tha thứ cho mọi người gây khó dễ cho con. Cả khi họ làm hại con, xin cho con được biết thương yêu và cầu nguyện cho họ nữa. Amen.
Ghi nhớ: “Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha”.
1 Theo bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết: các ông sẽ bị người ta ganh ghét, bách hại. Họ sẽ tố cáo và sẽ nộp các ông cho vua quan. Có khi cả người thân trong gia đình cũng tố cáo giết hại nhau.
Đó là dịp may để các ông làm chứng cho Chúa. Lúc đó, Chúa Thấn Thần sẽ soi sáng cho các ông ăn nói khôn ngoan. Và ai bền đỗ theo Chúa đến cùng thì được cứu rỗi.
Thánh Têphanô được phúc chết vì Chúa trước hết. Như thế, Chúa muốn cho chúng ta biết: môn đệ phải gặp khó khăn bách hại mới xứng với Thầy, sống chết như Người ...
2. Thánh Têphanô là một trong bảy phó tế trong Giáo hội tiên khởi. Nhiệm vụ của Ngài là quản lý tài sản của Giáo hội và thường đi thăm các tín hữu trong các hang toại đạo. Ngài là người tử đạo đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Ngài đã đi theo đúng đường lối hy sinh anh dũng của Chúa Giêsu, và do đó, được hưởng ơn cứu chuộc bằng chính máu đào đổ ra để minh chứng cho tình yêu.
Hôm qua chúng ta mừng kính Sinh nhật của Đấng Cứu Thế sinh ra cho trần gian. Hôm nay chúng ta lại mừng ngày sinh vào Nước Trời của thánh Têphanô vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội đã sống một đời sống đau khổ khải hoàn, nay về trời.
3. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Đức Giêsu loan báo cho các Tông đồ về những sự bách hại trên đường truyền giáo của các ông.
Câu mở đầu: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói ... ” (Mt 10,16) kết thúc những lời Đức Giêsu huấn thị khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, đồng thời cũng là câu cảnh giác các Tông đồ trước những sự nguy hiểm trên bước đường truyền giáo.
Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng yên ủi và khích lệ các ông, vì bị bách hại là số phận thường tình của người môn đệ, vì chỉ có thế, Nước Trời mới đến được trần gian này. Nhưng giữa những cuộc bách hại, người môn đệ có được hai lý do để hãnh diện và an ủi mình:
- Một là mình vì Thầy mà bị bách hại.
- Hai là bách hại lại là dịp để đưa lời chứng hùng hồn của mình ra trước Hội đồng Do thái, vua chúa quan quyền ngoại giáo về Thầy.
4. Cái chết của thánh Têphanô là mở đầu cho cuộc bách hại trong Giáo hội. Chúng ta gọi những người được chết vì Chúa là các “người tử đạo”. Hai chữ ‘Tử đạo” chúng ta quen dùng ngày nay có nguyên ngữ Hy Lạp là Martus nghĩa là làm chứng. Người tử đạo là người làm chứng cho Chúa bằng chính những đau khổ và cái chết của mình. Bởi đó trong đoạn Tin Mừng này, khi báo trước những sự bách hại, Đức Giêsu nói: “Chúng con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng ... ”
5. Những cuộc bách hại các Kitô hữu chắc chắn sẽ xẩy đến, nhưng đó là dịp tốt để họ làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người. Cái chết làm chứng của thánh Têphanô và các thánh Tử đạo làm ứng nghiệm những lời Chúa nói. Cuộc bách hại vì danh Chúa Kitô có thể xẩy ra ngay trong gia đình, giữa những người thân thuộc, là thành viên trong gia đình , có khi tôi phải chịu thiệt thòi, bất công, chỉ vì muốn sống theo thánh ý Chúa. Tôi có dám coi đó là cơ hội tốt để làm chứng cho Chúa không?
6. Trong cuộc Tử đạo của thánh Têphanô, chúng ta thấy Ngài có một thái độ hết sức đáng khâm phục, đó là biết tha thứ cho kẻ hành hạ mình. Sách Công vụ Tông đồ còn ghi lại: Họ ném đá Têphanô đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông quì xuống kêu lớn tiếng: “ Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ (Cv 5,59-60).
Thánh Têphanô là người chứng thứ nhất tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên thánh giá. “Lấy ân báo oán” là phương châm hành động của thánh Têphanô. Không có cách trả thù nào cao quí hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để tiêu diệt bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà thôi, chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Têphanô đã làm như Chúa Giêsu đã làm: “Trên Thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự hận thù” (Ep 2,16).
7. Truyện: Tình yêu thắng hận thù.
Một binh sĩ người Anh đã viết cho một người mẹ Đức như sau: “Là một quân nhân của một lực lượng được chỉ định tấn công vào một ngôi làng ở Pháp, phận sự trong quân ngũ đã khiến tôi giết chết con bà. Tôi là một tín hữu Kitô giáo, và vì lẽ đó, tôi thành khẩn xin bà hãy tha thứ cho tôi. Tôi hy vọng là một ngày kia, khi chiến tranh chấm dứt, tôi có thể đích thân đến gặp bà”.
Mấy tháng sau, khi bà mẹ người lính Đức hay tin con bà tử trận, bà mới nhận được bức thư trên đây, và bà đã trả lời như sau cho người lính Anh:
“Tận thâm tâm, tôi đã tha thứ cho anh, mặc dù anh đã giết chết người con yêu dấu của tôi. Tôi tha thứ cho anh, bởi vì cũng như anh, tôi là một tín hữu Kitô. Nếu anh và tôi đều sống sót sau cuộc chiến, tôi hy vọng anh có thể sang Đức để thăm tôi, và mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh có thể thế chỗ cho con tôi, đứa con mà anh đã giết chết”.
Điểm đáng chú ý nhất trong hai bức thư trên, là lời tuyên xưng: “Tôi là một tín hữu Kitô”, và với niềm tin cả anh lính người Anh và bà mẹ người Đức đã để cho Lời Chúa tách họ ra khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, và đưa họ vào con đường yêu thương.
Chúa Giêsu tiên báo những cuộc bách hại đối với các môn đệ Ngài:
- Bách hại do những nhà cầm quyền thù nghịch với Chúa. Nhưng đó là dịp để ta làm chứng cho Chúa.
- Bách hại do chính những người thân của mình (cha mẹ, anh em, con cái) vì họ không đồng quan điểm đức tin với mình. Nhưng hãy kiên trì, vì “ai bền chí đến cùng thì sẽ được cứu thoát. ”
Suy gẫm
1. Hai chữ tử đạo chúng ta quen dùng ngày nay có nguyên ngữ Hy Lạp là Martus nghĩa là làm chứng. Người tử đạo là người làm chứng cho Chúa bằng chính những đau khổ và cái chết của mình. Bởi đó trong đoạn Tin mừng này, khi báo trước những sự bách hại, Chúa Giêsu nói “Chúng con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng ... ”
2. Thánh là ai? Ngày kia một em bé theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai mẹ con đi qua một thánh đường nguy nga. Em bé ngước nhìn thánh đường rồi đưa tay chỉ mẹ và nói: “Mẹ xem kìa, những cửa kính màu bám đầy bụi, trông chả đẹp tí nào. ”
Bà mẹ không nói gì, nhưng lại nắm tay con dẫn vào bên trong thánh đường. Từ bên trong thánh đường nhìn ra, những cửa kính dơ bẩn xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc tuyệt đẹp. Em bé ngạc nhiên mở to mắt nhìn. Em thích thú đặc biệt khi ngắm nhìn 4 vị thánh trên cửa kính sau bàn thờ đang rực rỡ chói lòa nhờ ánh mặt trời chiếu thẳng qua.
Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ cô giáo hỏi: “Các em có biết vị thánh là ai không?” Trước câu hỏi bất ngờ, cả lớp đều thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào nhà thờ hôm trước giơ tay xin trả lời. Em nói: “Thưa cô, vị thánh là người được ánh sáng mặt trời chiếu qua. ”
Stêphanô là một vị thánh vì ngài đã phản ánh Chúa Giêsu, nhất là qua cái chết của ngài. Bài đọc I (Cv 6,8-10 7,54-60) tường thuật ngài chết giống Chúa Giêsu: cũng phó linh hồn trong tay Chúa (c. 59) và cũng cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ hại mình (c. 60).
3. “Vì danh Thầy các con sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền đỗ đến cùng thì sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22)
Một người bạn hỏi tôi: “Bạn có thấy anh ấy đã làm điều xấu xa đó không?” Dù thấy nhưng tôi đã trả lời không, vì anh ấy là con của thầy hiệu phó, và vì tôi không muốn bị liên luỵ. Điều này làm tôi ray rứt. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã nhát đảm không dám nói lên sự thật.
Thánh Stêphanô đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho sự thật. Còn tôi hôm nay chưa phải hy sinh đến mạng sống mà đã chối quanh, thì thử hỏi làm sao dám bênh vực và đấu tranh cho sự thật?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, có những lúc con đã sống hèn yếu như vậy. Xin cho con cảm nghiệm được sự bình an và niềm hạnh phúc của người biết làm chứng cho sự thật.
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ ba điều:
- Số phận những người theo Chúa là chịu bắt bớ như Ngài: Họ sẽ nộp anh em cho Hội Đồng. Nhưng trong những thử thách đó, người môn đệ cảm thấy được an ủi, vì đó là dịp làm chứng cho Thầy. Sau này sách Công vụ còn nói: Các Tông đồ hân hoan vì cảm thấy xứng đáng chịu khổ vìChúa Kitô.
- Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với họ trong những cuộc bắt bớ và sẽ dạy họ phải nói gì trước những kẻ bắt bớ. Lý lẽ hùng hồn của Stêphanô đã minh chứng điều đó.
- Lời dặn thứ ba là nhiều khi chính những người thân thuộc sẽ bắt bớ họ, cũng như Chúa Giêsu đã chịu đồng bào mình lên án chết: Anh sẽ nộp em, cha nộp con cho ngươi ta giết.
Khi suy gẫm những lời dặn đò của Chúa hôm nay, tôi có cảm tưởng Chúa cũng đang dặn dò chúng ta như vậy:
- Người tông đồ nhiều khi bị hiểu lầm, bị bách hại. Đó là số phận chung của những người theo Chúa.
- Nhưng trong những thử thách của đời sống đức tin, dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta vui mừng vì có dịp làm chứng cho Chúa.
- Và chúng ta đừng lấy làm lạ, nhiều khi những người làm khổ chúng ta, bách hại chúng ta không là ai khác mà lại chính là những người thân của chúng ta, vì hiểu lầm không biết hay vì ác ý. Chính Chúa Giêsu cũng đã bị môn đệ thân tín là Giuda bán đứng.
2. Mừng lễ thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương ngài. Ngài là một vị phó tế của cộng đoàn Jêrusalem (Cv 6,5) một người được mô tả là đầy Thánh Thần. Ngài được trao phó làm việc bác ái trong cộng đoàn, nhưng sách Công Vụ cho thấy là các phó tế vẫn tham dự vào việc giảng dạy và bênh vực đức tin. Trước khi chịu chết, Stêphanô đã giảng một bài thật dài và thật hùng hồn, tóm tắt lịch sử ơn cứu độ để minh chứng và qui trách nhiệm cái chết của Chúa Giêsu cho các Thượng tế, luật sĩ và Pharisiêu. Và cũng vì lời giảng dạy đó mà Stêphanô phải chịu ném đá chết.
Cuộc tử đạo của Stêphanô được diễn ra theo mô hình của cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: người ta cũng xách động dân chúng làm chứng gian chống lại ông; ông đối chất với Thượng tế có uy quyền trước mặt mọi người. (Cv 6,15). Ông nhìn thấy Con Người tức là Chúa Giêsu bên hữu Chúa Cha (7,55). Ông cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ giết ông (7,60). Cuộc thương khó của thánh Stêphanô giống hệt cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Trong quang cảnh này có nhiều điều đáng ghi nhận về Stêphanô:
a/ Chúng ta thấy được bí quyết lòng can đảm của ông. Vượt trên những gì người ta có thể làm hại ông, ông đã thấy Chúa của ông đang chờ đợi để đón tiếp ông. Ông thấy cái chết của người tử đạo là cánh cửa mở ra, đưa ông đến với Chúa Cứu Thế.
b/ Chúng ta thấy Stêphanô đã có những cách ứng xử thật giống Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin Thiên Chúa tha tội cho kẻ giết Ngài, thì Stêphanô cũng làm y như vậy.
Trong lời cầu nguyện của thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương thánh Stêphanô yêu thương cả kẻ thù.
Một binh sĩ người Anh đã viết cho một người mẹ Đức như sau: "Là một quân nhân của một lực lượng được chỉ định tấn công vào một ngôi làng ở Pháp, phận sự trong quân ngũ đã khiến tôi giết con bà. Tôi là một tín hữu Kitô giáo, và vì lẽ đó, tôi thành khẩn xin bà hãy tha thứ cho tôi. Tôi hy vọng là một ngày kia, khi chiến tranh chấm dứt, tôi có thể đích thân đến gặp bà!"
Mấy tháng sau, khi bà mẹ người lính Đức hay tin con bà tử trận, bà mới nhận được bức thư trên đây, và bà đã trả lời như sau cho người lính Anh:
"Tận thâm tâm, tôi đã tha thứ cho anh, mặc dù anh đã giết chết người con yêu dấu của tôi. Tôi tha thứ cho anh, bởi vì cũng như anh, tôi là một tín hữu Kitô. Nếu anh và tôi đều được sống sót sau cuộc chiến, tôi hy vọng anh có thể sang Đức để thăm tôi, và mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh có thể thế chỗ cho con tôi, đứa con mà anh đã giết chết".
Điểm đáng chú ý nhất trong hai bức thư trên, là lời tuyên xưng: "Tôi là một tín hữu Kitô", và với niềm tin xác tín này, cả anh lính người Anh và bà Mẹ người Đức đã không để cho chiến tranh lôi kéo mình vào trong trận chiến của ghen ghét và hận thù. Trái lại, họ đã để cho giáo huấn của Đức Giêsu tách họ ra khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực: "Mắt đền mắt, răng đền răng", và đưa họ vào con đường yêu thương, hoà giải: "Các con hãy yêu thương những kẻ thù địch của các con, hãy làm ơn cho những kẻ ghét các con và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ, vu khống các con. " (Mt 5,44). Amen.
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ ba điều:
- Số phận những người theo Chúa là chịu bắt bớ như Ngài: Họ sẽ nộp anh em cho Hội Đồng. Nhưng trong những thử thách đó, người môn đệ cảm thấy được an ủi, vì đó là dịp làm chứng cho Thầy. Sau này sách Công vụ còn nói: Các Tông đồ hân hoan vì cảm thấy xứng đáng chịu khổ vì Chúa Kitô.
- Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với họ trong những cuộc bắt bớ và sẽ dạy họ phải nói gì trước những kẻ bắt bớ. Lý lẽ hùng hồn của Stêphanô đã minh chứng điều đó.
- Lời dặn thứ ba là nhiều khi chính những người thân thuộc sẽ bắt bớ họ, cũng như Chúa Giêsu đã chịu đồng bào mình lên án chết: Anh sẽ nộp em, cha nộp con cho ngươi ta giết.
Khi suy gẫm những lời dặn đò của Chúa hôm nay, tôi có cảm tưởng Chúa cũng đang dặn dò chúng ta như vậy:
- Người tông đồ nhiều khi bị hiểu lầm, bị bách hại. Đó là số phận chung của những người theo Chúa.
- Nhưng trong những thử thách của đời sống đức tin, dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta vui mừng vì có dịp làm chứng cho Chúa.
- Và chúng ta đừng lấy làm lạ, nhiều khi những người làm khổ chúng ta, bách hại chúng ta không là ai khác mà lại chính là những người thân của chúng ta, vì hiểu lầm không biết hay vì ác ý. Chính Chúa Giêsu cũng đã bị môn đệ thân tín là Giuda bán đứng.
2. Mừng lễ thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương ngài. Ngài là một vị phó tế của cộng đoàn Jêrusalem (Cv 6,5) một người được mô tả là đầy Thánh Thần. Ngài được trao phó làm việc bác ái trong cộng đoàn, nhưng sách Công Vụ cho thấy là các phó tế vẫn tham dự vào việc giảng dạy và bênh vực đức tin. Trước khi chịu chết, Stêphanô đã giảng một bài thật dài và thật hùng hồn, tóm tắt lịch sử ơn cứu độ để minh chứng và qui trách nhiệm cái chết của Chúa Giêsu cho các Thượng tế, luật sĩ và Pharisiêu. Và cũng vì lời giảng dạy đó mà Stêphanô phải chịu ném đá chết.
Cuộc tử đạo của Stêphanô được diễn ra theo mô hình của cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: người ta cũng xách động dân chúng làm chứng gian chống lại ông; ông đối chất với Thượng tế có uy quyền trước mặt mọi người (Cv 6,15). Ông nhìn thấy Con Người tức là Chúa Giêsu bên hữu Chúa Cha (7,55). Ông cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ giết ông (7,60). Cuộc thương khó của thánh Stêphanô giống hệt cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Trong quang cảnh này có nhiều điều đáng ghi nhận về Stêphanô:
a/ Chúng ta thấy được bí quyết lòng can đảm của ông. Vượt trên những gì người ta có thể làm hại ông, ông đã thấy Chúa của ông đang chờ đợi để đón tiếp ông. Ông thấy cái chết của người tử đạo là cánh cửa mở ra, đưa ông đến với Chúa Cứu Thế.
b/ Chúng ta thấy Stêphanô đã có những cách ứng xử thật giống Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin Thiên Chúa tha tội cho kẻ giết Ngài, thì Stêphanô cũng làm y như vậy. Trong lời cầu nguyện của thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương thánh Stêphanô yêu thương cả kẻ thù. Một binh sĩ người Anh đã viết cho một người mẹ Đức như sau: “Là một quân nhân của một lực lượng được chỉ định tấn công vào một ngôi làng ở Pháp, phận sự trong quân ngũ đã khiến tôi giết con bà. Tôi là một tín hữu Kitô giáo, và vì lẽ đó, tôi thành khẩn xin bà hãy tha thứ cho tôi. Tôi hy vọng là một ngày kia, khi chiến tranh chấm dứt, tôi có thể đích thân đến gặp bà!”
Mấy tháng sau, khi bà mẹ người lính Đức hay tin con bà tử trận, bà mới nhận được bức thư trên đây, và bà đã trả lời như sau cho người lính Anh: “Tận thâm tâm, tôi đã tha thứ cho anh, mặc dù anh đã giết chết người con yêu dấu của tôi. Tôi tha thứ cho anh, bởi vì cũng như anh, tôi là một tín hữu Kitô. Nếu anh và tôi đều được sống sót sau cuộc chiến, tôi hy vọng anh có thể sang Đức để thăm tôi, và mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh có thể thế chỗ cho con tôi, đứa con mà anh đã giết chết”.
Điểm đáng chú ý nhất trong hai bức thư trên, là lời tuyên xưng: ”Tôi là một tín hữu Kitô”, và với niềm tin xác tín này, cả anh lính người Anh và bà Mẹ người Đức đã không để cho chiến tranh lôi kéo mình vào trong trận chiến của ghen ghét và hận thù. Trái lại, họ đã để cho giáo huấn của Đức Giêsu tách họ ra khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, và đưa họ vào con đường yêu thương, hoà giải: “Các con hãy yêu thương những kẻ thù địch của các con, hãy làm ơn cho những kẻ ghét các con và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ, vu khống các con” (Mt 5,44). Amen.