"Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy".
Lời Chúa: Ga 20, 11-18
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?"
Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".
Maria Mácđala là con người yêu mến. Theo Tin Mừng Gioan, bà đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ, đã đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của Thầy (Ga 19, 25). Hầu chắc bà đã tham dự cuộc mai táng Thầy và biết vị trí của ngôi mộ. Hơn nữa, bà là nguời ra mộ sớm nhất vào ngày thứ nhất trong tuần. Rồi bà chạy về báo tin cho các môn đệ về chuyện xác Thầy không còn đó (20, 1-2). Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy bà lại có mặt ở ngoài mộ lần nữa (c. 11). Ngôi mộ như có sức giữ chân bà. Chỉ tình yêu mới giải thích được điều đó. Maria là con người tìm kiếm. Đấng phục sinh hỏi bà: “Bà tìm ai?” (c. 15). Bà chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là tìm lại được xác Chúa của bà. Bà đã nói với Phêrô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (20, 2). Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ điệp khúc tương tự: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu” (c. 13). Khi gặp Thầy Giêsu, bà tưởng là người làm vườn, nên cũng nói: “Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về (c. 15). Đối với Maria, mất xác Thầy là mất chính Thầy, nên bà cứ bị ám ảnh bởi chuyện người ta để Người ở đâu. Maria là con người đau khổ. Bà đã khóc nhiều từ khi xác Thầy không còn đó. Cả thiên thần và Đức Giêsu đều hỏi bà cùng một câu hỏi: “Tại sao bà khóc?” Ai sẽ là người lau khô nước mắt của bà Maria Macđala? Ai sẽ là người giúp bà tìm thấy điều bà tìm kiếm? Đức Giêsu phục sinh đến gặp bà dưới dạng một người làm vườn. Thậm chí bà nghi ngờ ông này có dính dáng đến chuyện mất xác Thầy. “Maria”: Đức Giêsu gọi tên bà với một cung giọng quen thuộc. Bây giờ bà mới nhận ra Thầy và reo lên: “Rabbouni!” Có những lời của Đức Giêsu được thực hiện. “Ai tìm thì sẽ thấy”, “Ai khóc lóc sẽ được vui cười”. Maria đi tìm xác Thầy, nhưng bà đã gặp được một điều quý hơn nhiều, đó là chính Thầy đang sống. Maria đã khóc lóc, nhưng niềm vui bà gặp được lớn hơn nhiều. Chẳng có giọt nước mắt nào là vô ích trước mặt Thiên Chúa. Hãy nếm niềm vui bất ngờ của Maria. Bà được Chúa sai đến với các môn đệ, cũng là anh em của Ngài. Bà gói ghém kinh nghiệm bà mới trải qua trong một câu đơn giản: “Tôi đã thấy Chúa!” và Chúa đã nói với tôi (c. 18). Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không có kinh nghiệm này. Thấy Chúa và nghe được Chúa nói: đó là ước mơ của chúng ta trong cầu nguyện. Nhưng đừng quên Maria đã yêu cách nồng nhiệt và can đảm và đã đau khổ tìm kiếm Thầy Giêsu. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn. Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường. Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con. Amen.
Chúa Giê-su hỏi Ma-đa-lê-na: “Chị tìm gì”? Xác định mục đích cuộc đời là rất quan trọng. Nếu không có mục đích, ta không biết mình đi đâu, làm gì. Thánh Bê-na-đô ngày nào cũng tự hỏi mình: “Bê-na-đô, ngươi là ai? Ngươi đến đây làm gì”?
Chúa Giê-su luôn hỏi ta câu đó. Người đã hỏi hai môn đệ đầu tiên: “Các anh tìm gì”?(x. Ga 1, 35-39) Hôm nay Người lại hỏi Mađalêna: “Chị tìm gì”? Người hỏi ta hằng ngày: “Con tìm gì”? Ta có trả lời được không?
Xác định được mục đích ta sẽ không lẫn lộn, dừng lại ở những gì không phải mục đích. Ma-đa-lê-na chỉ đi tìm Chúa. Bà nhất quyết phải gặp được Chúa. Dù gặp thiên thần sáng láng tốt lành bà cũng không vui nên vẫn khóc và đi tìm. Vì Chúa mới là mục đích duy nhất. Vì Chúa mới là sự thiện tuyệt hảo. Vì Chúa mới là sự mỹ tuyệt đối. Chỉ có Chúa mới thỏa mãn mọi khát khao sâu thẳm trong tâm hồn.
Xác định được mục đích ta sẽ phải chọn lựa. Giữa Chúa và những gì không phải Chúa. Giữa Chúa và trần gian. Giữa sống theo Thần Khí và theo thói thế gian. Nên thánh Phê-rô khuyên nhủ các tín hữu đầu tiên: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này”. Rất nhiều người muốn theo Chúa, nhưng không thể bỏ trần gian. Như chàng trẻ tuổi giầu có muốn được sự sống đời đời. Nhưng khi Chúa bảo phải về bán hết của cải thì buồn rầu. Chàng quay lưng lại với Chúa ngay. Vì chàng luyến tiếc trần gian(x. Mc 10, 17-22).
Chọn lựa phải có từ bỏ. Từ bỏ sẽ có đớn đau. Ma-đa-lê-na vì tìm Chúa mà phải khóc lóc. Những người tín hữu đầu tiên cũng đau đớn trong lòng. Như Chúa đã nói với các môn đệ: “Các con sẽ khóc lóc. Còn thế gian sẽ vui mừng”(Ga 16, 20).
Nhưng đúng như lời Chúa nói: “Ai tìm sẽ thấy”(Mt 7, 7) và “Phúc cho ai khóc lóc vì họ sẽ được an ủi”(Mt 5, 5). Ma-đa-lê-na đã được gặp Chúa. Nói sao cho vừa niềm vui của bà. Và lời chứng của bà giá trị biết bao. Dù chỉ đơn sơ: “Tôi đã thấy Chúa”.
Tôi có thấy Chúa không? Nói khác đi người khác nhìn vào đời sống tôi có thấy Chúa không. Nếu tôi sống đơn sơ khó nghèo không coi trọng những gì của trần gian, người khác sẽ nhìn thấy Chúa. Nếu tôi yêu thương phục vụ vô vị lợi những người nghèo khổ, tôi chiếu tỏa ánh sáng của Chúa là tình yêu. Người khác sẽ nhận ra.
Lạy Chúa xin cho con thực sự đi tìm Chúa và chỉ tìm một mình Chúa mà thôi. Và con chắc chắn sẽ gặp Chúa. Để con có thể nói với mọi người: “Tôi đã thấy Chúa”.
Trong một đêm tao ngộ do một nhóm thân hữu tổ chức tại Sydney, Australia, vào một tối Chúa Nhật cuối tháng 4/2001, nhạc sĩ Vũ Thành An, tác giả của những bài ca không tên bất hủ, đã xuất hiện không như một nhạc sĩ, mà như một nhà truyền đạo. Ở cao điểm của đêm tao ngộ, nhạc sĩ Vũ Thành An đã giới thiệu và trình bày những tác phẩm mà ông gọi là Những bài ca nhân bản và thánh ca. Như ông đã giải thích, những bài ca nhân bản đề cao tình người và những bài thánh ca ca tụng tình yêu Chúa này nói lên chính cuộc đổi đời của ông. Những dòng tâm sự và giọng hát của tác giả đã được khán thính giả đón nhận như một bài giảng thuyết về mầu nhiệm Phục Sinh.
Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Ðấng Phục Sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Ðiều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Chúa Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.
Quả thật, Ðấng Phục Sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay. Ðể tin nhận Ngài, con người luôn làm một bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng.
Niềm tin Phục Sinh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta niềm tin ấy và xin Ngài củng cố niềm tin ấy cho chúng ta.
Bà Ma-ri-a đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mồ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phái chân. (Ga. 20, 11-12)
Ngày nay, chúng ta gặp thấy một bà đáng tội nghiệp là bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, một bà đã theo Đức Giêsu tới chân thánh giá đầy đau khổ tang tóc. Trong bà chẳng thấy được một chứng cớ nào.
Trước hết, chúng ta gặp thấy bà đầy xao xuyến, lo âu, sợ hãi bên nấm mồ: “Tôi không biết người ta đã đặt Ngài ở đâu”. Dù bà đã ở đó lúc táng xác Người, tuy ở đó vẫn còn dấu vết Đức Kitô.
Chúng ta đã biết, theo Thánh kinh, Đức Kitô đang hiện diện trong Giáo hội, trong cộng đồng các tín hữu, trong mỗi người. Nhưng những ai đến gặp Người thì chỉ thấy những dấu vết như mộ trống. Họ vẫn chẳng thấy chắc chắn.
Chúng ta thấy có người giải thích cho Ma-ri-a Ma-đa-lê-na thì bà không biết tên mãi tới khi người ấy gọi tên bà, bà mới nhận ra Người.
Như vậy, chỉ có thể nhận ra Đức Giêsu khi người ta được gọi tên, được tiếp xúc với riêng mình. Có thể người ta trách những ai đã bỏ Giáo hội và cộng đoàn ngày Chúa nhật đã không có ai tiếp xúc cá nhân với họ, con người vô danh trong cộng đồng chúng ta đã giết chết sự nhận biết Đức Kitô. Vậy đừng bỏ rơi ai bị vô danh trong cộng đoàn tín hữu. Cần phải quan tâm đến từng người, lo cho từng người tiếp xúc với Đức Kitô, để mỗi người được Đức Kitô gọi tên họ.
Ma-ri-a muốn giữ Đức Giêsu lại cho mình. Cũng như chúng ta muốn giữ Người lại cho chúng ta vì chúng ta cần Người lấp đầy vào chỗ buồn sầu trong cuộc sống hiện tại để làm chỗ trú ẩn cho chúng ta trước những nghịch cảnh, những cơn hấp hối. Bao nhiêu người trong chúng ta đã giữ Đức Kitô lại cho mình, mà không chia sẻ, không bao giờ nói về Người, không bao giờ cất tiếng rao giảng về Người? Đâu là dấu chỉ chúng ta kính mến Đức Kitô? Trong giờ phụng vụ chúng ta chia sẻ lời Chúa với nhau hơn hay là thờ ơ lãnh đạm hơn?
Sau hết, khi đã hủy diệt được nỗi sợ hãi và ước vọng chiếm đoạt Đức Giêsu cho riêng mình, nhờ cú sốc được gọi tên riêng mình và được cảm nghiệm sâu xa Thầy đã sống lại, Ma-ri-a cũng được sống lại trong cởi mở và hiên ngang đi làm chứng về Thầy.
(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Trong thời gian sống tại thành phố Paris, thi sĩ Viler Maria thường có thói quen đi bách bộ vào mỗi buổi chiều. Dọc theo lối đi của thi sĩ có một bà già ngày ngày ngồi ăn xin. Bà ta ngồi đó âm thầm câm nín, dáng vẻ trơ trơ không cảm xúc, ngay cả khi nhận quà bố thí bà cũng chẳng biểu lộ một dấu hiệu biết ơn nào.
Ngày kia, thi sĩ đi bách bộ với người bạn gái trẻ, cô ta quá đỗi ngạc nhiên khi thấy thi sĩ đi ngang qua chỗ ngồi của bà già ăn xin mà chẳng cho bà chút gì. Ðọc được tư tưởng của bạn gái, nhà thơ trả lời: "Quà tặng phải đưa vào tận con tim, chứ không phải chỉ đưa bằng đôi tay".
Qua ngày hôm sau, thi sĩ đến chỗ hẹn với đóa hồng vừa hé nở trên tay. Dĩ nhiên cô gái nghĩ rằng đóa hồng đó dành riêng cho cô, lòng cô rộn lên với tư tưởng: "Ôi! Thi sĩ quá quan tâm đến mình biết bao". Nhưng không. Thi sĩ đã đến trao đóa hồng đó vào đôi tay gầy guộc của bà già ăn xin và rồi sự lạ đã xảy ra là bà già bấy lâu trơ trơ như khúc gỗ giờ đây đã hồi sinh. Bà vội vàng đứng dậy, bước tới cầm tay thi sĩ và hôn lên đôi tay của thi sĩ. Rồi với cử chỉ nâng niu, bà ôm chặt lấy đóa hoa hồng vào lòng và thanh thản bước đi.
Suốt một tuần qua đi, bà mới trở lại chỗ ngồi ăn xin hằng ngày cùng với vẻ câm nín và vô hồn như trước kia. Người bạn gái hỏi thi sĩ xem suốt tuần qua không xin ăn thì bà sống bằng gì. Thi sĩ trả lời: "Bà sống bằng đóa hoa hồng".
Anh chị em thân mến!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cũng thuật lại cho chúng ta câu truyện của một người đàn bà đang u buồn tuyệt vọng, nhưng bỗng nhiên nhận được món quà trao tận con tim, một niềm vui không gì đo lường được, đó là niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh.
Ðọc lại đoạn Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy sự tuyệt vọng của Maria Madalena lúc này đến mức nào. Theo Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc chắn bà đã nghe nói, đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, từ việc chữa lành bệnh tật cho đến việc làm cho kẻ chết sống lại, từ việc khiến gió biển im lặng cho đến chuyện hóa bánh ra nhiều.
Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ khi bà đếm từng vết máu và mồ hôi loang vãi trên đường tử nạn, khi theo dõi từng hơi thở thoi thóp của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hay khi xác Ngài được mai táng trong mồ, và hôm nay cả đến thân xác cũng bị đánh cắp mất, chẳng còn gì hy vọng nữa. Như vậy, tất cả chỉ là tuyệt vọng, Nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, bà đã được tặng ban một món quà không phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim của bà. Ðó là bà được thấy Chúa Kitô Phục Sinh và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào.
"Gọi tên" đó là một dấu chỉ thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa những người mục tử tốt lành và đoàn chiên. Người mục tử tốt lành nhận biết từng con chiên của mình, và Ngài gọi tên từng con chiên một và cho chúng vào hưởng niềm no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi. Không chỉ riêng Madalena, nhưng mỗi người Kitô hữu đều được tặng ban món quà này. Lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy là họ đã được gọi tên, được đổi mới, được nâng lên hàng con cái dấu yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức Kitô.
Sư sống Phục Sinh này không phải chỉ là một đóa hồng tạm bợ, chỉ hồi sinh con người trong thời gian ngắn ngủi, nhưng là đóa hồng vĩnh cửu có thể cho con người sống đúng địa vị làm người, làm con Thiên Chúa đến muôn đời. Con người chỉ trở nên buồn thảm, câm nín là vô hồn khi họ không biết nâng niu, quí chuộng mà bỏ xa sự sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Lạy Chúa, nếu tội lỗi làm cho con vô cảm, u buồn, tuyệt vọng, thì xin cho con được luôn nhớ rằng: Chúa đang đứng bên con và đang gọi tên con. Con không nhận thấy, không nghe biết vì con không nhiệt tâm yêu mến, tìm kiếm như thánh nữ Maria Madalena. Biết kiếm tìm trong tinh thần yêu mến chắc chắn con sẽ không thất vọng vì Chúa đang ở bên con, đang đợi chờ con.
Chuyện kể rằng: sau khi Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị bắt một thời gian, người ta không còn cách nào liên lạc được với ngài. Ngài đã đi vào cõi biệt vô âm tín. Vì thế, giáo dân nghĩ là ngài đã chết trong tù, nên nhiều người có lòng quý trọng, yêu mến và cảm phục ngài bởi nhân đức anh hùng, nhất là lòng đạo đức, nhân từ, hiền hậu và yêu thương, vì thế họ đã diễn tả lòng biết ơn và kính trọng của họ với ngài bằng cách: cầu nguyện và xin lễ cầu hồn cho ngài. Tuy nhiên, một thời gian sau, ngài được trả tự do và xuất hiện trước công chúng... Tin vui mừng này loan đi cách nhanh chóng, vì thế, chẳng mấy chốc, nhiều người đã biết được tin và họ không ngừng tạ ơn Chúa, trong số những người vui mừng nhất, có lẽ phải kể đến, đó chính là thân mẫu Đức Hồng Y.
Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy cảnh tang tóc, sầu thương, u buồn, tuyệt vọng đang bao phủ tâm trạng Maria Madalena! Bà buồn vì tình cảm mà bà dành cho Đấng đã yêu thương và cứu thoát bà khỏi chết, thoát ra khỏi con đường tội lỗi, ban những lời dạy tuyệt vời..., hơn nữa, sự hy vọng của bà vào Đấng đã chữa lành mọi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại, hóa bánh ra nhiều... sẽ đem lại cho bà một chỗ dựa vững chắc... Nhưng sau những trận đòn chí mạng, những mệt nhọc của chặng đường lên Gôngôtha, và cuối cùng là cái chết trên thập giá và được an táng trong mộ như bao nhiêu người khác... đã làm cho bà thất vọng. Sự tuyệt vọng ấy đi đến đỉnh điểm là ngay cả xác chết rồi mà cũng còn bị mất... Như thế, đặt mình vào tâm trạng của bà, chúng ta mới thấy được sự xót xa buồn tủi là dường nào!
Tuy nhiên, giữa cảnh sầu thương tang tóc ấy, đã bừng lên một niềm vui vô đối, không gì có thể sánh bằng, đó là Tin Mừng Phục Sinh. Phần thưởng của Đức Giêsu dành cho bà chính là cho bà thấy Ngài và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào: “Maria”.
Gọi tên là dấu chỉ thân mật của Thầy và trò, của cha mẹ với con cái, của người mục tử với đoàn chiên. Gọi tên là dấu nhận và biết cách cụ thể, là bảo vệ chở che.
Vì thế, khi vừa nghe thấy Thầy gọi tên mình, bà đã vội vàng thưa: “Rapbuni” (nghĩa là: lạy Thầy).
Nếu việc gọi tên là dấu chỉ, cách thức cho biết người được gọi thuộc về người gọi và người gọi phải có bổn phận với người mà họ đã gọi, thì khi người được gọi nghe thấy và thưa lại chính là sự xác minh cách cụ thể mối tương quan trên.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta về Bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận. Khi lãnh nhận Bí tích này, chúng ta được đổi tên thành Kitô hữu và được gọi vào hàng con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Đức Kitô phục sinh.
Đứng trước hồng ân lớn lao đó, chúng ta không ngừng tạ ơn Chúa và lo sống xứng đáng bổn phận của mình. Nhất là trở nên chứng nhân của Chúa phục sinh trong môi trường và xã hội hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin ban cho chúng con biết nhận ra tình thương của Chúa khi Chúa phục sinh chúng con từ đau khổ, tội lỗi thành bình an, hạnh phúc và niềm vui qua Bí tích Rửa Tội khi mỗi người chúng con được mang một tên mới và thuộc về Chúa. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại, Ngài mời gọi mọi người cùng cảm nghiệm sự sống lại đó, trong cuộc sống của mỗi người hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, sự sống lại của Chúa đã làm thay đổi tầm nhìn và suy nghĩ của mọi người. Những kẻ đã lên án chống đối Chúa tưởng mình đang vinh quang chiến thắng, bỗng sững sờ thất bại trước sự việc không thể lường trước. Còn những ai theo Chúa, đang thất vọng chán nản thì hân hoan phấn khởi. Trong số đó, con thấy có một số phụ nữ theo Chúa đến cùng, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất, giờ đây họ được diễm phúc cảm nghiệm sự sống lại của Chúa, được làm sứ giả đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho các tông đồ.
Lạy Chúa, cuộc sống trần gian của con không thể kéo dài mãi, sức khỏe đã yếu đi, tinh thần và sự hăng say làm việc giảm sút. Cuộc đời này qua đi thật mau. Dù con vẫn biết cuộc sống đời này như một chiếc cầu nối liền vào cuộc sống vĩnh cửu, nhưng con vẫn bi quan lo sợ mỗi lần con nghĩ tới sự chết.
Lạy Chúa, các phụ nữ ra thăm mồ đã vui mừng. Chúa bảo họ đừng sợ. Phần con, con cảm thấy niềm tin nơi con quá yếu kém, chưa cảm nhận được sự phục sinh của Chúa. Xin Chúa củng cố và tăng thêm đức tin nơi con, để con ý thức những gì trong cuộc sống hiện tại là những viên gạch xây dựng cho căn nhà Nước Trời. Mỗi sáng thức dậy con đang bước vào một ngày mới với đầy lòng tín thác vào ân sủng của Chúa. Xin Chúa ban cho con niềm vui Phục Sinh để từng ngày sống của con trở nên một sứ điệp mang lại niềm vui và lòng tin cho mọi người, nhờ đó chúng con cùng nhau hy vọng sẽ sống lại trong ánh sáng phục sinh vinh quang của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.
Maria Mađalêna, hay “Maria Mácđala”, người được Ðức Kitô chữa khỏi bảy quỷ (x. Lc 8,1-3). Maria Mađalêna bị “nhận diện sai lầm” trong 20 thế kỷ vì người ta cho rằng cô là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu (x. Lc 7,36-50). Và người ta cũng lầm lẫn Maria Mađalêna với Maria thành Bêtania, em của Martha. Ba người tên Maria (Ngoài Đức Maria - Mẹ của Chúa Giêsu) mà Tân ước đề cập là ba nhân vật khác nhau.
Maria Mađalêna là một trong những người đã giúp đỡ Ðức Giêsu và nhóm Mười hai bằng các phương tiện của họ (x. Lc 8,2-3). Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ và Gioan tông đồ. Khi táng xác Chúa, Maria Mađalêna và Maria vợ ông Clêôphas đã ngồi trước mộ thánh của Chúa Giêsu. Maria là một trong những nhân chứng “chính thức” đã được chọn để chứng kiến sự Phục sinh và loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh.
Suy niệm
Maria Mađalêna và các chị em lúc ban đầu đi ra thăm mộ với những bước đi nặng nề, sợ hãi tâm hồn lạnh lẽo đang than thở khóc lóc… bỗng trở nên vui tươi, rạng rỡ vì gặp Ðấng Phục Sinh…
Bà quá vui mừng và muốn giữ Ngài lại cho riêng mình. Nhưng Ðức Giêsu thúc giục bà hãy loan tin Ngài đã phục sinh: “Ðừng giữ Ta lại... hãy đi gặp anh em Ta và hãy báo tin”....
Theo mệnh lệnh của Đấng Phục sinh, Mađalêna hoan ca reo vui ra đi loan báo cho các môn đệ: Thầy đã sống lại và “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,18).
Sứ điệp tin mừng Phục sinh là niềm vui khôn tả nhưng luôn khẩn cấp không thể chần chừ trì hoãn vì Ðức Giêsu đã chết, sự chết làm tiêu tan tất cả và Ngài đã Phục sinh thông ban cuộc sống mới cho chúng ta: Cuộc sống được ra khỏi bóng tối của thế gian và những sự ràng buộc của nó, ra khỏi mùa đông lạnh lẽo đầy sự chết của ngôi mồ biểu tượng quyền bính của thần chết và bước vào ánh sáng của mặt trời công chính vừa bừng dậy sau giấc ngủ của đêm dài, bước trong sự ấm áp của nắng xuân Phục sinh.
Chúa Kitô Phục sinh về cùng Cha. Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta. Ngài về để mở đường đón chúng ta cùng về bên Cha.
Maria Mađalêna hoan ca loan báo tin mừng Chúa sống lại tựa những bông hoa tươi nở của mùa xuân Phục sinh, tâm hồn của chúng ta cũng bừng tỉnh đâm chồi, nảy lộc, kết những bông hoa của niềm tin vào Đấng Phục sinh:
Con muốn sống mùa xuân tươi trong Chúa
Để tình con với Thầy chẳng hề phai
Như hoa tươi tô đậm mãi Thiên ngai
Xuân phục sinh, Nguồn sống mãi bất tận. (Cao Trí Dũng, Mùa xuân phục sinh).
Ý lực sống: “Nếu miệng bạn tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa và con tim bạn tin rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết thì bạn sẽ được cứu rỗi” (Rm 10,9).
1. Hôm mai táng Đức Giêsu, vì ít thời gian, người ta đã xức thuốc thơm cách hối hả. Sáng ngày sau, mấy bà đã đưa thuốc thơm đến mồ để làm lại cách chu đáo hơn. Khi đến nơi, các bà thấy ngôi mộ trống vì xác Ngài không còn nữa. Và Chúa hiện ra để củng cố đức tin cho các bà và sai họ đi báo tin cho các Tông đồ. Bài tường thuật của thánh Gioan hôm nay, ghi lại việc Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với bà Maria Madalena.
2. Khi thấy mồ Chúa mở toang, xác Chúa không còn trong mồ, bà Maria Madalena chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Mặc dầu bán tín bán nghi, hai ông Phêrô và Gioan cũng chạy ra mộ xem thực hư thế nào. Maria Madalena cũng chạy ra theo, ông Phêrô và Gioan, sau khi quan sát kỹ và thấy rõ xác Chúa không còn, hai ông ra về, một mình bà Maria Madalena ở lại mộ, ngậm ngùi, khóc lóc, thương nhớ Chúa, và Chúa đã hiện ra với bà, lúc đầu bà không nhận ra, nhưng sau một vài câu trao đổi, bà nhận ra Chúa và Chúa bảo bà hãy mau vể kể lại cho các môn đệ hiện đang ở trong nhà Tiệc ly.
3. Bà Maria tức tốc chạy về nhà gặp các môn đệ đang nóng lòng chờ đợi. Họ vây quanh bà và hỏi: “Maria, chị hãy nói đi, chị đã thấy gì”? Bà Maria đáp: “Tôi đã thấy Chúa, Chúa đã hiện ra với tôi, Chúa gọi tên tôi và Chúa phán: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Những lời bà Maria nói đã phá tan mọi lo lắng, nghi ngờ nơi các Tông đồ, và lòng các ông tràn ngập vui mừng.
4. Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Đấng Phục Sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Điều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Đức Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Madalena cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.
5. Quả thật, Đấng Phục sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay.
Để tin nhận Ngài, con người luôn làm bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng (Mỗi ngày một tin vui).
6. Lúc này lúc khác – qua những biến cố, những dữ kiện – Chúa vẫn lên tiếng gọi thẳng tên chúng ta nhằm để chúng ta biết Người sống lại và hằng sống... Những lần gọi thẳng tên như thế sẽ giúp chúng ta bình an và đi tới để nói cho mọi người rằng: chúng ta có Chúa Sống lại cùng đi...
Cô bé đi học về muộn... Ở nhà bố mẹ rất lo...
Thấy cô về, bố mẹ hỏi xem cô đã đi đâu và làm gì?
- Con dừng lại giúp bạn con... Xe đạp của bạn con bị hỏng.
- Nhưng con đâu có biết sửa xe?
- Đúng ạ! Nhưng con dừng lại để cùng khóc với bạn ấy.
7. Truyện: Cần biết tên từng người.
Dù bà Maria không còn thấy gì và không nhận ra ai nữa cả, nhưng khi Đức Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại, “Ta biết các chiên Ta... Chiên Ta biết tiếng Ta...”. Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận ra tiếng Ngài không?
Một sinh viên Cao đẳng sư phạm đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả những học sinh thân yêu của anh tụ tập xung quanh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tất cả các em đều được gọi nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng.
Thánh Mát-thêu thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục sinh:
1. (Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống, gặp thiên thần. Thiên thần cho hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ và bảo họ Chúa Giêsu chờ họ tại Galilê). Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ.
Tâm trạng sợ hãi: không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt hoạt động. Vậy các bà “sợ” nghĩa là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.
Vui mừng: vì Thầy mình đã sống lại.
2. Đang khi các bà chạy đi báo tin thì Chúa Giêsu hiện ra. Câu đầu tiên của Ngài là “đừng sợ”. Rồi Ngài lặp lại lời thiên thần: Hãy đi báo tin cho các môn đệ, bảo họ rằng Ngài chờ họ ở Galilê.
“Đừng sợ”: Trong Thánh kinh, từ Cựu ước tới Tân ước, khi hiện ra với loài người, Thiên Chúa (hay thiên thần) đều nói “đừng sợ” (x. St 15,1 26,24 46,3 Tl6,23 Lc1,12.30 2,10 Mt14,27…).
Nếu như “sợ” là tâm trạng của con người khi biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa vì thấy mình bất xứng, thì lời nói “đừng sợ” có nghĩa là Thiên Chúa tự xóa khoảng cách giữa Ngài với loài người; hơn nữa, Thiên Chúa đem lại cho loài người sự bình an và vui mừng.
Khi nói về các môn đệ, Chúa Giêsu gọi họ là “anh em”: sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Ngài với các môn đệ lên một bậc: họ trở thành anh em của Ngài.
3. Phản ứng của giới thượng tế và kì lão: đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc họ xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu sống lại.
B. Suy Niệm (...nẩy mầm)
1a. “Đừng sợ”: từ nỗi “sợ hãi” trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các bà đã chuyển sang “kính sợ” khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng “kính sợ” đi kèm với nỗi “vui mừng hớn hở”. Khi ta thực sự tin vào quyền năng Chúa, ta sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí còn có thể “vui mừng hớn hở” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.
1b. Một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ong nghĩ về phận mình và cảm thấy chán trường. Ông ném bó củi xuống và than vãn: “cuộc sống cơ cực quá, không thể chịu nổi nữa! Ươc gì thần chết rước tôi đi!”.
Vừa nói xong thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói: “Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều gì?”. Ông già kinh sợ nói: “Ngài có thể giúp tôi đặt bó củi này lên vai không?” (Góp nhặt).
2a. Chúa Giêsu Phục sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài: sự Phục sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.
2b. Một giáo viên cấp II đang vào sổ hai cậu học sinh mới chuyển trường. Cô thấy tên họ của chúng giống nhau, dáng người và quần áo như nhau nên hỏi:
- Hai anh em sinh đôi phải không?
- Không.
Rồi cô đọc thấy ngày tháng năm sinh của chúng chỉ cách nhau sáu tháng. Cô lại hỏi:
- Hai anh em họ phải không?
- Không, chúng em là anh em ruột.
- Ồ, cô nghĩ có sự nhầm lẫn trong việc ghi ngày sinh của các em. Hai anh em về nói mẹ ghi lại ngày sinh của mình rồi đưa lại cho cô vào sáng mai nhé?
- Tại sao vậy?
- Bởi vì nếu hai anh em không sinh đôi mà lại là anh em ruột, thì Nam không thể lớn hơn Tâm có sáu tháng.
Hai cậu nhìn nhau. Rồi Nam quay lại, mỉm cười nói với cô giáo: “Nhưng em không phải là người lớn hơn; vì cô biết đó, một trong hai chúng em là con nuôi. Nhưng chúng em không biết ai là con nuôi.” (Góp nhặt).
3. “Tin Mừng hôm nay đề cập tới hai thái độ khác nhau trước biến cố Phục sinh: Một của các phụ nữ, một của nhóm lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống, các phụ nữ nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng Phục sinh và khởi điểm cho niềm hy vọng, tuy lo âu, nhưng họ cũng vui mừng vội vã đi báo tin cho các môn đệ. Còn đối với nhóm lính canh, ngôi mộ trống đã không là khởi điểm của sự tìm kiếm và tin tưởng, mà còn khiến họ xa rời niềm tin, chỉ vì sợ hãi và vì chút lợi lộc…
Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng Phục sinh và được trao cho nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này…Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin Mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô và về Giáo hội” (Mỗi ngày một tin vui”).
4. Vậy là đã qua này sinh nhật vui với nhiều lời chúc, hoa và quà. Tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực!
…Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết: Chúa của tôi Phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.
Bởi lẽ:
Tình yêu đã chiến thắng;
Sự thật đã lên ngôi.
Bạn và tôi hãy xóa đi hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được Phục sinh nơi Ngài.
1. Việc Phục Sinh của Chúa Giêsu đã biến đổi hẳn ý nghĩ và tình cảm của con người trước cái chết. Trường hợp bà Maria Mađalêna là một thí dụ. Khi thấy xác Chúa không còn ở trong mồ, bà buồn, bà khóc. Nhưng rất may Chúa đã hiện ra với bà, gọi tên bà và bà đã nhận ra Chúa. Mọi sự thay đổi bắt đầu từ đây.
Người ta kể khi thấy chồng gần đất xa trời, bà De Gaulle cho gọi một nhân viên mai táng đến, nhờ ông tìm cho người chồng sắp quá cố của bà là Tổng Thống Charles De Gaulle đã về hưu một nơi an nghỉ cuối cùng. Người này thân hành chở bà đến một sườn đồi. Trước mặt là một thung lũng tuyệt đẹp. Ông nói:
- Đây là nơi an nghỉ rất xứng đáng cho người chồng vĩ đại của bà, và cũng chỉ tốn 200.000 francs. (Một số tiền rất lớn...nếu tính theo thời giá hôm nay thì khoảng gần 5 tỷ đồng VN)
Trong lúc bà còn đang phân vân, ông ta nói tiếp:
- Ông nhà thật xứng đáng được hưởng sự ưu đãi đó.
Vừa nghe tới đó bà vội vàng đáp lại một lời làm cho ông cụt hứng:
- Nhưng ông ấy chỉ cần 3 ngày thôi mà! (Góp nhặt)
(Ý bà muốn nói Chúa Giêsu chỉ cần ngôi mộ có ba ngày thôi cho nên đâu cần phải quá tốn phí cho một thi hài, dù thi hài đó là thi hài của một vị tổng thống!)
2. Phải nói là tình cảm của Maria Mađalêna đối với Chúa Giêsu thật hết sức đậm đà: Khi không thấy xác Chúa Giêsu, bà khóc. Cả thế giới này không còn một ý nghĩa gì đối với bà nữa. Thiên thần hiện ra bà coi như không! Chính Chúa Giêsu ở trước mặt mà bà cũng tưởng là người giữ vườn. Nhưng rồi khi bà nhận ra Chúa, bà đã vui mừng hớn hở chạy đi báo tin cho mọi người ngay. Tóm lại, đối với Maria, Chúa Giêsu là tất cả. Mất Chúa Giêsu cả thế giới như sụp đổ. Gặp lại Chúa là có lại tất cả.
Người ta kể lại vào hồi Đức Quốc xã giam giữ những người có đạo, có một người đàn bà rất nổi tiếng tên là Archengette. Bà Archengette bị giam cùng với hàng trăm ngàn người khác. Có lần bà đã kể lại: Một buổi chiều kia, một cô bạn tù ghé vào tai tôi se sẽ hỏi:
- Chị có biết ngày mai là ngày gì không? Mai là lễ Phục Sinh đấy chị ạ.
Tôi ngạc nhiên nói bâng quơ:
- Đã đến lễ Phục Sinh rồi sao?
Lễ Phục Sinh là ngày lễ trọng, và là ngày vui của toàn thể nhân loại, vì Chúa Giêsu đã sống lại, để mở cánh cửa cuộc sống trường sinh cho con người, thế mà chúng tôi lại bị giam giữ trong căn nhà tù này, xa cách mọi người thân yêu, cô đơn, đau khổ...Tôi đi đi lại lại trong căn nhà chật hẹp, hôi hám. Đầu óc thì còn đang theo đuổi những ý tưởng vừa mới xuất hiện. Mặt mũi buồn so.
Bỗng tôi nghe thấy có tiếng kêu lớn, phá tan bầu không khí im lặng đang nặng nề đè trên chúng tôi. Tiếng kêu ấy thế này: “Chúa Kitô đã sống lại”.
Tôi kinh ngạc nhìn cô bạn tù. Đôi mắt cô long lanh. Hai hàng giọt lệ đang từ từ chảy ra, để cho chúng lăn trên đôi gò má cao nhô lên giữa khuôn mặt xanh xao gầy ốm của cô. Thế rồi bỗng khuôn mặt ấy tươi hẳn lên.
Tiếp đó từ trong các phòng khác của nhà tù, tôi đều nghe thấy tiếng trả lời, tưởng như tiếng vang vọng không ngừng:
“Chúa Kitô đã sống lại... Chúa Kitô đã sống lại”.
Những tiếng phát ra từ trong các phòng nhà tù đó, đã trở thành một điệp khúc như của một bài ca chiến thắng.
Bọn lính canh tù bực tức đến tột độ. Gương mặt của chúng hằm hằm giận dữ. Rồi chúng mở cửa phòng chúng tôi đang ở, nhào vào, lôi cô gái bạn tù ốm yếu của chúng tôi đi.
Bốn ngày sau, cô được trả trở về phòng với chúng tôi. Cô bé của chúng tôi thật là đáng thương. Đôi má của cô đã hóp, sau 4 ngày lại càng hóp thêm. Gương mặt xanh như tầu lá. Lúc sau nhờ cô kể lại chúng tôi mới biết, cô đã bị nhốt trong một căn phòng chật hẹp tối tăm và phải nhịn đói suốt 4 ngày nay. Tôi còn nhớ thật rõ lúc chạy ra cửa để dìu cô vào phòng, cô thều thào nói với tôi:
- Chị ơi, em đã loan báo sứ điệp Phục Sinh trong nhà tù này. Tất cả mọi chuyện khác đều không quan trọng.
Nếu ngày xưa đã có những người như Mađalêna, đã có cô bé can đảm dám loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người thì ngày nay cũng phải có những người can đảm như Maria Mađalêna, như cô bé trong nhà tù! Thế giới hôm nay, một thế giới càng ngày càng trở nên xa lạ với Chúa Giêsu đang cần những con người như thế.
Lạy Chúa, giữa thế giới đầy bận rộn và náo nhiệt này, xin cho chúng con biết lắng tai nghe tiếng Chúa. Xin hãy mở rộng đôi tay còn khép kín của chúng con, để chúng con biết mau mắn thi hành “sứ điệp” Chúa gửi đến cho chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.