-------------------------------- Nỗi buồn sẽ thành niềm vui. Thứ Năm tuần 6 Phục Sinh. “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”. Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói 'Một ít nữa' có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?” Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16). Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa. Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau, Thầy Giêsu lại được phục sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy. Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ. Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này. Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng. Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại, tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu. Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai? Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân. Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng. “Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20). Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa, khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng, liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không? “Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16) và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20). Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau phục sinh, lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em, và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc. Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống, thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay. Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng Thầy mới là người chiến thắng. Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn. Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán. Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày. Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi. Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào. Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề; có những lúc con muốn buông trôi, để mặc cho dòng đời đưa đẩy; có những khoảng thời gian dài, con như mảnh đất khô khan cằn cỗi. Xin cho con ánh sáng của Chúa để con biết lối mà đi. Xin cho con tấm bánh của Chúa để con có sức mà dấn bước. Xin cho con Lời của Chúa để con vững một niềm tin. Xin cho con sự sống của Chúa để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn, niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu, con thấy mình cần Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời. Ước gì ai gặp con cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen. -------------------------------
Trước khi chịu khổ nạn. Chúa Giê-su loan báo cho các tông đồ: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Khi Chúa chịu chết và an táng trong mộ, các tông đồ không còn trông thấy Thầy. Không phải chỉ không trông thấy, mà còn có tâm hồn trống rỗng, cô đơn, tuyệt vọng. Trái lại thế gian đắc thắng vui cười. Chúa đã chết. Đó là thắng lợi của trần gian. Họ niêm phong cửa mộ. Cắt đặt lính canh. Đắc thắng.
Nhưng khi Chúa phục sinh, các tông đồ lại tràn ngập niềm vui. Vui vì được gặp lại Chúa. Nhưng ở một chiều kích khác. Hai môn đệ đi đường Em-mau đi bên Chúa suốt mấy tiếng đồng hồ. Nhưng không nhận biết Chúa. Họ nhìn thấy nhưng không nhận ra. Trái lại khi Chúa đã biến đi rồi thì họ lại thấy Chúa, nhận ra Chúa đang hiện diện. Không thấy Chúa bằng đôi mắt thể xác. Họ thấy Chúa bằng ánh mắt nội tâm. Vì Chúa vắng mặt. Nhưng lại hiện diện tràn đầy. Đó là hiện diện phục sinh. Họ đã chết. Nhưng nay sống. Sống mãnh liệt. Sống phong phú. Đó là đời sống đức tin.
Chính ánh mắt nội tâm đó. Chính sự hiện diện phục sinh đó. Chính đời sống đức tin đó làm cho các tín hữu sơ khai. Dù bị bắt bớ, bị xua đuổi, kể cả bị giết chết, mà vẫn bình an. Và như thánh Phao-lô, bị chống đối mà vẫn bình tĩnh. Bị đánh đập mà vẫn kiên cường. Bị nhục mạ mà vẫn vui tươi. Vì có Chúa ở cùng. Chúa phục sinh luôn ở bên các ngài.
Đó là sức sống mới. Sức sống của Chúa phục sinh. Sức sống tràn trào thôi thúc các ngài đi rao giảng, làm chứng về Chúa. Hàng ngày phải lao động sinh nhai. Cuối tuần vẫn hăng say rao giảng: “Ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do thái, lẫn người Hy-lạp”. Bị chống đối nơi này thì đi nơi khác. Bị người này chống đối thì rao giảng cho người khác. “Bởi họ chống đối và nói lọng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại”.
Xin cho con cảm nhận được sự hiện diện phục sinh của Chúa. Để con có niềm vui tươi hăng hái làm chứng cho Chúa.
Kinh điển Phật giáo có ghi lại câu truyện như sau: Một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất trên đời đã bị chết. Trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đem đứa bé đến nhà những người láng giềng và xin họ vui lòng chỉ cho biết có thứ thuốc nào có thể làm cho con bà sống lại, nhưng ai ai cũng chỉ biết lắc đầu và cảm thông mà thôi. Nhưng cuối cùng có người mách cho người đàn bà biết có một vị lương y có thể cải tử hoàn sinh cho đứa bé, người đó chính là Đức Thích Ca.
Người đàn bà khốn khổ tìm đến Đức Thích Ca và khẩn cầu Ngài ban cho một liều thuốc. Đức Thích Ca liền nói: “Ta cần có một ít hạt cải”. Nghe thế, người đàn bà liền vội vã đi tìm hạt cải và đem lại cho Đức Thích Ca. Nhưng vừa thấy những hạt cải, Ngài lại bảo: “Hãy đi mời những gia đình nào không có tang chế đến lấy những hạt cải này. Tin lời Đức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà để mời gọi mọi người lấy hạt cải, nhưng tất cả đều từ chối, vì thật ra không ai mà lại không có người thân đã ra đi.
Khi người đàn bà trở về nhà thi đêm đã bắt đầu xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn. Nhưng càng về khuya, ánh sáng càng tắt dần, và cuối cùng đêm đen dầy đặc bao trùm vạn vật. Lúc bấy giờ người đàn bà mới suy nghĩ: đời là thế: sinh ra, đau khổ rồi chết. Nghĩ thế, bà đứng dậy đem xác con vào rừng và chôn cất.
Đau khổ và tận cùng là cái chết, đó là phần số của kiếp người mà khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi, Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc tử nạn mà Ngài phải trải qua. Nhưng xem ra các môn đệ Ngài không hiểu được và cũng không muốn chấp nhận tại sao một số phận nghiệt ngã như thế lại có thể xẩy ra cho Thày mình, một người có quyền phép trên cả sự chết và nhất là đang trên đường tiến đến một tương lai sáng lạn. Trong những giờ phút cuối cùng còn ngồi bên các ông. Chúa Giêsu lại nói đến cái chết của Ngài, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như một cuộc ra đi: ra đi mà không vĩnh biệt, do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Một lần nữa, loan báo cái chết, Chúa Giêsu cũng báo trước sự Phục sinh của Ngài: các môn đệ sẽ buồn sầu vì cái chết của Ngài, nhưng rồi niềm vui của họ sẽ gấp bội khi Ngài sống lại. Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu gắn liền với đau khổ và niềm vui của các môn đệ; đúng hơn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng và mầu nhiệm khổ đau của con người.
Kitô giáo không chối bỏ thực tại của khổ đau, nhưng trong cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Kitô giáo không còn nhìn vào khổ đau như một ngõ cụt của cuộc sống, trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc sống. Thấy được Ngài bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đang đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.
Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong đoạn Tin mừng này. Đức Giêsu nói: “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy. Thầy về cùng Chúa Cha”. Phải nghĩ gì về ẩn ngữ này? Đức Giêsu đi du lịch một thời gian ngắn ư? Sự vắng mặt của Người giống như một cuộc hành trình đến miền nhiệt đới ư? Hay lời Người như trò chơi hú tim của trẻ em, lúc ẩn, lúc hiện bất ngờ ư? Những lời này tàng chứa một mặc khải phong phú. Hôm nay, chúng ta nghe biết sự mặc khải trọn vẹn về sinh lực của Đức Kitô: Thầy về cùng Cha. Đức Kitô đang chuẩn bị sẵn sàng khởi hành về Đấng là nguồn sự sống, nguồn sinh lực.
Cuộc sống của Đức Kitô không ngừng ra đi và trở về. Không đi bằng con đường đất đá, nhưng bằng con đường huyền diệu sâu thẳm và gắn bó mộ mến. Đức Giêsu càng ngày càng hiệp thông sâu xa vào kế hoạch của Cha Người. Đó là con đường hiệp thông thực hiện cứu độ để lật ngược lại sức nặng bất phục tùng của con người.
Tuy nhiên, trở về cùng Cha, Đức Giêsu vẫn không xa lìa chúng ta. Càng hiệp thông với Chúa Cha sâu thẳm bao nhiêu, Đức Giêsu càng ban tặng sự sống dồi dào. Vì Chúa Cha là nguồn sự sống, đã ban sự sống lại và sự sống vinh quang cho Chúa Con để Chúa Con làm cho mọi người được sống và sống lại với Người.
Chúng ta cũng được mời trở về cùng Chúa Cha để tham dự vào chính nguồn sống đó. Nhờ đó, chúng ta càng ngày càng thực hiện được sứ vụ từ Chúa Cha trao cho để trở nên người thông truyền sự sống của Chúa Cha và ra đi hiệp thông với người khác trong Chúa Con.
Thánh lễ lôi cuốn chúng ta vào dòng sống trở về này. Trong dòng sống này chúng ta được liên kết với Đức Kitô, để thấy được nguồn vui về cùng Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta ở tột đỉnh con đường trở về của Chúa Con.
Chúa Giêsu mạc khải trước cho các môn đệ về mối tương quan mới cần phải có giữa Chúa và các ông trong mầu nhiệm vượt qua. Sự hiện diện mới của Chúa Phục Sinh với các môn đệ đòi hỏi các ngài phải có cái nhìn mới đối với Chúa và có thái độ sống mới. Sống thấy niềm vui vì xác tín có Chúa luôn hiện diện bên cạnh, cả trong những lúc gian nan bị thử thách, bị bách hại. Lời quả quyết của Chúa Giêsu: “Ít lâu nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa các con sẽ lại thấy Thầy” loan báo trước về thực tại mới sau biến cố vượt qua của Chúa. Trong vòng ba năm theo sống bên cạnh Chúa Giêsu, các môn đệ đã trông thấy Chúa Giêsu, nhưng có thể nói là các ông chưa thực sự thấy Chúa, vì các ông không hiểu được Chúa thực sự là ai. Ðức tin chưa được trọn vẹn, các ông còn cần Chúa Thánh Thần đến trợ giúp để được đưa vào trong sự thật trọn vẹn để hiểu thấu đáo hơn, để được thấy Chúa Phục Sinh. Khi nghe Chúa loan báo người sắp ra đi chịu khổ nạn thì các ông buồn. Những kẻ thù của Chúa khi giết chết Chúa trên thập giá thì vui mừng tưởng rằng mọi sự việc sẽ chấm dứt từ đây. Phần Chúa Giêsu, người báo trước cho các môn đệ là mọi sự sẽ được đổi mới, Chúa vẫn sống, sẽ đến với các ông, sẽ hiện diện với các ông cách mãnh liệt, vững chắc hơn nữa.
Chỉ “ít lâu nữa, các con lại thấy Thầy”, đây là mầu nhiệm cao cả của đời sống Kitô. Chúng ta sẽ không thấy được Chúa Giêsu, không thể tin nhận Người cho đến khi nào được Chúa Thánh Thần soi sáng để thấy Chúa, hiểu và tin nhận Chúa. Cần phải có sự thay đổi nội tâm, có cái nhìn mới về Chúa Giêsu, phải có niềm vui đích thực. Các tông đồ được mời gọi nâng tâm hồn lên, vượt qua được những cảm giác thường tình, để có thể khám phá ra Chúa Giêsu hiện diện một cách mới mẻ trong cuộc đời các ông, và từ đó nếm hưởng niềm vui đích thực, không phải niềm vui thế gian ban cho, nhưng là niềm vui từ Chúa, niềm vui mà không quyền lực thế gian nào có thể lấy mất đi được. Cần phải bước vào trong mối tương quan mới với Chúa Giêsu. “Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không một ai lấy mất được”. Ðó là vì Chúa Giêsu hiện diện cách mới mẻ trong đời sống các môn đệ. Các ông phải thay đổi để đón nhận sự hiện diện mới mẻ này: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận cùng”. Chúng ta phải thể hiện và phải sống làm sao để cho thế gian, cho anh chị em chung quanh được trông thấy những sự thật chúng ta đang có trong tâm hồn mình, do sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mình.
Lạy Chúa, xin hãy đến ngự trong con, cho con được sống mối tương quan mới với Chúa và sống vững mạnh trong niềm vui, mọi nơi và mọi lúc.
Có một câu chuyện kể rằng: đêm nọ, có một người thấy giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Những lúc vui, thành công, anh thấy có hai đôi chân in trên cát, một của Chúa và một của anh. Nhưng những lúc anh gặp khó khăn, đau buồn thì khi nhìn lại, anh chỉ còn thấy một đôi chân!
Anh trách Chúa rằng: “Tại sao những lúc khó khăn, thất bại, Chúa lại bỏ con?”
Chúa trả lời: “Ta không bỏ con đâu, vì những lúc đó, Ta đã cõng con trên vai, vì thế, con chỉ còn thấy có một đôi chân của Ta nữa mà thôi’”.
Hôm nay, các môn đệ biết Đức Giêsu sắp rời xa mình, nên các ông buồn sầu và lo lắng! Nhưng Đức Giêsu đã trấn an các ông và báo cho các ông về sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần. Đây là niềm vui vô cùng to lớn, bởi vì nhờ Người, mà các ông hiểu được con người, lời giảng dạy và sứ vụ của Đức Giêsu đúng theo chương trình và ý định của Thiên Chúa Cha. Như vậy, sự ra đi của Đức Giêsu sẽ đem lại cho các môn đệ niềm vui trọn vẹn qua Chúa Thánh Thần.
Trong đời sống đức tin của mình, nhiều khi chúng ta cũng cảm thấy Chúa như xa dần chúng ta! Nhất là khi túng ngặt về kinh tế hay đau yếu bệnh tật, bị hiểu lầm, vu vạ cáo gian hay cô đơn... Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta vững tin rằng, Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Thật vậy, những khi ta rối trí ngã lòng và cảm thấy lạc lõng, chúng ta hãy tin tưởng rằng: lúc đó chúng ta đang được Chúa bồng ẵm trên tay, để chỉ còn có một đôi chân của Chúa mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vững tin vào Chúa, dù cuộc đời lắm nỗi khổ đau. Xin cho chúng con hiểu rằng, những lúc đó Chúa đang gần chúng con hơn cả, và xin cho chúng con được gần Ngài nhờ niềm tin. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã trở thành ý nghĩa cho thời gian. Thời gian có Ngài hiện diện là thời gian của niềm vui. Vì vậy, thời gian của người tín hữu sẽ trở thành u buồn nếu vắng bóng Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời con được dệt thành từ bao nhiêu biến cố. Mỗi sự việc xảy ra tạo nên những tâm trạng khác nhau. Có lúc con cảm thấy thật dễ chịu sung sướng vì cuộc đời hợp ý con. Nhưng rất nhiều khi con chán nản, thời gian sao nặng nề căng thẳng quá.
Tuy nhiên, lạy Chúa Giêsu, khi con sống trong tình yêu Chúa, thì thời gian con sống trở thành nhẹ nhàng hạnh phúc. Vì lúc ấy con sống trong tình mến Chúa, và lòng yêu mến ấy sẽ hóa giải tất cả. Bất cứ lúc nào Chúa cũng vẫn hiện diện trong cuộc đời con, nhưng nhiều lúc con đã khước từ lời mời gọi yêu thương của Chúa để đi theo những mời mọc của ma quỷ và thế gian. Lúc đó, cuộc sống của con vắng bóng Chúa và mất đi niềm vui hạnh phúc. Cuộc đời trở nên vô nghĩa.
Ngày xưa, Chúa đã trở thành niềm vui và sự nâng đỡ ủi an cho các môn đệ. Vì thế, khi vắng bóng Chúa, các ông đã buông xuôi thất vọng. Hôm nay, Chúa đã phục sinh và vẫn hiện diện trong cuộc đời con, giúp con biết luôn tìm sống theo thánh ý của Chúa, như một niềm vui tràn đầy trong tâm hồn. Và mặc dù bề ngoài con thiếu thốn hoặc mất mát tất cả, nhưng tâm hồn con vẫn có Chúa hiện diện, thì con tin rằng con vẫn còn tất cả, cuộc đời vẫn reo vui phấn khởi và tràn đầy ý nghĩa. Amen.
Ghi nhớ: “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Vào tuần thánh năm 1980, Đài Phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô nước Áo. Cô phát biểu: “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.
Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích: “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc một trăm phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa”.
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi: “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này?”.
Cô gái mỉm cười nói: “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi” (Trích “Món quà giáng sinh”).
Suy niệm
Trước viễn cảnh cuộc khổ nạn, Ðức Giêsu báo cho các môn đệ sự ra đi của Ngài làm cho các ông lo buồn. Sự lo buồn nơi các tông đồ thật dễ hiểu vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người Thầy yêu mến. Các ông lo vì Người đã nói đến sự thương khó mà Ngài đã ba lần báo trước (x. Mt 16,21; 17,22-23; 20,18-19) và bây giờ là gần kề: “Một ít nữa… các con sẽ không thấy Thầy”. Vì người ta sẽ bắt Ngài, giết trên thập tự rồi chôn vùi trong mồ và các ông không thể thấy Ngài được nữa!
Vì thế Ðức Giêsu nói: “Anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Trước cái chết trên thập giá của Ðức Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì sự thất bại của Thầy, còn thế gian hân hoan vì tưởng rằng mình đã chiến thắng. Nhưng “ngày thứ ba Người sẽ sống lại” và sự chết sẽ không làm chủ được Ngài.
Cho nên, Ngài nhấn mạnh: “Rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, “một ít nữa” này rõ ràng là “ngày thứ ba”. Chiến thắng của thế gian không phải là chiến thắng cuối cùng và thất bại của Ðức Giêsu cũng không phải là thất bại sau hết. Nơi tận cùng của cái chết là bắt đầu đi vào cuộc sống và chiến thắng vĩnh cửu: Ngài toàn thắng tội lỗi, sự chết và phục sinh vinh quang.
Với sự hiện diện của Ðức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ sống niềm vui vô bờ bến: Nước mắt trở nên tiếng cười... Chỉ sau khi Chúa Phục sinh hiện ra với các ông, “các ông vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20) thì đúng như lời Chúa đã nói trước: “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn… nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui… Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,21-22). Các ông cảm nghiệm sâu xa sự sống đời đời và được hưởng sự sống đó do Đấng Phục Sinh mang lại.
Giữa những đau khổ lớn lao của cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhờ tin vào Đấng đã chết và phục sinh, sẽ tìm thấy niềm vui. Những đau khổ tham dự vào mầu nhiệm thập giá với Chúa Kitô, dẫn tới niềm vui phục sinh, niềm vui đích thực sẽ không thể mất đi và cũng không bao giờ tàn lụi: Đó chính là niềm vui vì được sống, được sống đời đời do Chúa Phục Sinh mang lai…
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125,5).
Ý lực sống:
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24b).
1. Sau khi loan báo về Chúa Thánh Thần sẽ đến, về hoạt động của Người, Đức Giêsu cũng loan báo về việc Người sẽ trở lại để khích lệ các môn đệ. Ngài nói: “Ít lâu nữa các con sẽ không còn trông thấy Thầy”. Nghĩa là:
- Người báo tin về sự tử nạn mà Ngài sắp chịu. Vì thế, các môn đệ sẽ không còn trông thấy Người nữa.
- Người loan báo về sự Phục sinh và sự trở lại của Người trong vinh quang. Vì thế, các môn đệ sẽ thấy Chúa, không bằng khả giác nhưng bằng đức tin.
2. Trước viễn cảnh cuộc khổ nạn, Đức Giêsu báo cho các môn đệ sự ra đi của Ngài làm cho các ông buồn. Sự lo buồn nơi các Tông đồ thật dễ hiểu vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người Thầy yêu mến. Các ông lo vì Người đã nói đến sự thương khó mà Ngài đã ba lần báo trước và bây giờ là gần kề: “Một ít nữa... các con sẽ không thấy Thầy”. Vì người ta sẽ bắt Ngài giết trên thập tự rồi chôn vùi trong mồ và các ông không thể thấy Ngài nữa.
Vì thế Đức Giêsu nói: “Các con sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Trước cái chết trên thập giá của Đức Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì sự thất bại của Thầy, còn thế gian hân hoan vì tưởng rằng mình đã chiến thắng. Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại và sự chết sẽ không làm chủ được Ngài.
Cho nên Ngài nhấn mạnh: “Rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, “một ít nữa” này rõ ràng là “ngày thứ ba”. Chiến thắng của thế gian không phải là chiến thắng cuối cùng và thất bại của Đức Giêsu cũng không phải là thất bại sau hết. Nơi tận cùng của cái chết là bắt đầu đi vào cuộc sống và chiến thắng vĩnh cửu: Ngài toàn thắng tội lỗi, sự chết và phục sinh vinh quang (Lm Vinh Sơn).
3. “Nhưng nỗi buồn của các con biến thành niềm vui”.
Với sự hiện diện của Đức Giêsu Phục sinh, các môn đệ sống niềm vui vô bờ bến: nước mắt trở nên tiếng cười... Chỉ sau khi Chúa Phục sinh hiện ra với các ông, “các ông vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20) thì đúng như lời Chúa đã nói trước: “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn... nhưng khi sinh rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui... Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng; và niềm vui của các con không ai lấy mất được” (Ga 16,21-22). Các ông cảm nghiệm sâu xa sự sống đời đời và được hưởng sự sống đó do Đấng Phục sinh mang lại.
4. Kitô giáo không chối bỏ thực tại của đau khổ, nhưng trong cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, Kitô giáo không còn nhìn vào đau khổ như một ngõ cụt của cuộc sống, trái lại, trong ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa, các con sẽ thấy Thầy”. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả những lúc tăm tối của cuộc sống. Thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Đức Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta (Mỗi ngày một tin vui).
5. Tóm lại, lời Chúa hôm nay là một lời nhắn nhủ đầy yêu thương, nhắc cho chúng ta nhớ mình chỉ là lữ khách sống tạm ở trần gian, như bông hoa sớm nở chiều tàn. Cuộc đời chúng ta ngắn ngủi lắm, chúng ta phải luôn sống tốt lành để được chết lành, chúng ta phải biết từ bỏ mình để gặp gỡ lại mình trong cõi vĩnh phúc.
6. Truyện: Niềm vui trong tình yêu Chúa.
Vào tuần thánh năm 1980, đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu: “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ánh chính sự đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.
Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái ghi danh vào trường y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích: “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa”.
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi: “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này”?
Cô gái mỉm cười nói: “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống”.
1. Ngày sống của mỗi người đều có 24 tiếng, thế nhưng thời gian có ý nghĩa và độ dài khác nhau tùy từng người: người đang chờ đợi sẽ thấy thời gian trôi quá chậm, còn kẻ đang sợ hãi thì thời gian lại đến quá nhanh. Cũng vậy, người đang trĩu nặng buồn phiền, thời gian dài lê thê, còn kẻ đang hưởng niềm vui, thời gian lại ngắn ngủi mau qua.
“Một ít nữa, các con sẽ không thấy Ta, và một ít nữa, các con sẽ thấy Ta.” Chúa Giêsu cho các môn đệ biết sẽ có một khoảng thời gian, họ sẽ không thấy Ngài vì Ngài về cùng Cha. Cũng chung một thời gian, nhưng các môn đệ sẽ khóc sẽ than, còn thế gian sẽ vui mừng. Thật ra, thời gian tự nó chẳng có ý nghĩa gì, nó chỉ là thước đo của lịch sử. Thời gian chỉ có ý nghĩa và giá trị khi con người đặt tình cảm vào đó. Quá khứ qua rồi nhưng có thể sống lại trong tình cảm; tương lai chưa đến nhưng đã thành tựu trong dự kiến bằng các hy vọng hoài bão. Bởi thế, thời gian có thể là linh dược, hay độc dược: một kỷ niệm, một viễn ảnh sáng lạn vẫn luôn là liều thuốc làm phấn khởi lòng người.
Chúa Giêsu có thời gian của Ngài. Ngài kêu gọi các môn đệ đến với Ngài. Nhưng tới lúc Ngài phải từ giã các ông, các ông sẽ buồn sầu, tuy nhiên đó cũng là lúc để các ông nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói, và nỗi buồn sẽ trở thành niềm vui, khi Ngài trở lại. Như thế, Chúa Giêsu đã trở thành ý nghĩa của thời gian: thiếu vắng Ngài, các môn đệ u sầu, nhưng có Ngài, các ông mừng vui.
Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong thời gian, và tình yêu của Ngài trải dài trong lịch sử. Con người sở dĩ chưa gặp được Ngài vì còn chạy theo thú vui chóng qua mà chưa sống cho vĩnh cửu. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu để Ngài trở thành ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta. Có Ngài, mọi u buồn sẽ trở thành niềm vui, được sống trong tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ quên đi mọi nhọc nhằn của thời gian.
2. Kinh điển Phật Giáo có ghi lại câu chuyện: một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất qua đời, trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đến hàng xóm và khẩn cầu: “xin vui lòng chỉ cho tôi bất cứ thứ thuốc nào để làm cho nó sống lại.” Nhưng ai cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi. Cuối cùng có một người mách cho người đàn bà biết có một vị lương y có thể cải tử hoàn sinh đứa bé đó được, đó chính là Đức Phật Thích Ca.
Người đàn bà mang đứa bé đến cầu khẩn với Ngài và xin ban cho đứa bé một liều thuốc. Đức Phật Thích Ca liền nói: “Ta cần một ít hạt cải.” Người đàn bà liền tìm một ít hạt cải mang lại cho Đức Phật. Nhưng vừa thấy, Đức Phật nói với người đàn bà: “Hãy đi mời nhà nào không có tang chế và hãy uống lấy những hạt cải này.”
Tin lời Đức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà mời uống lấy những hạt cải này, nhưng tất cả đều từ chối vì thật ra không có nhà nào mà lại không có người đã ra đi. Khi người đàn bà trở về nhà, trời đêm đã buông xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn, càng về khuya màn đêm càng tối và đêm đen bao trùm vạn vật. Lúc ấy, người đàn bà mới bắt đầu nghĩ: đời là thế, sinh ra đau khổ rồi chết, vì thế bà đứng dậy mang xác con vào rừng chôn cất.
Như vậy con người được sinh ra rồi chịu đau khổ tận cùng là cái chết. Đó là số phận của kiếp người mà khi Nhập Thể Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi. Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc khổ nạn Ngài đã trải qua, nhưng xem ra các môn đệ của Ngài không hiểu được và cũng không chấp nhận được, vì tại sao số phận nghiệt ngã như thế lại xảy ra với Thầy mình, một người có quyền phép trên cả sự chết và đang trên đường tiến tới một tương lai sáng lạn.
Trong những giờ phút cuối cùng ngồi bên các ông, Chúa Giêsu nói đến cái chết một lần nữa, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như là cuộc ra đi, ra đi mà không vĩnh biệt. Do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ra đi, anh em sẽ buồn rầu, nhưng niềm vui của họ gấp bội khi Ngài sống lại” (Ga 16, 20).
Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu gắn liền với sự đau khổ và niềm vui của các môn đệ, đúng hơn cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng vào mọi khổ đau của con người. Kitô giáo không chối bỏ cái chết và sự đau khổ, nhưng qua cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, Kitô giáo không còn nhìn cái chết và đau khổ như một ngõ cụt của cuộc sống. Trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô, cuộc sống con người mang một ý nghĩa thật tuyệt vời, mặc cho bao đau khổ mà con người vẫn phải trải qua “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa các con sẽ xem thấy Thầy” (Ga16, 16).
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài, có nghĩa là cả những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, họ vẫn nhận thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài để tiến bước, cho dẫu đau khổ như thế nào đi chăng nữa, con người vẫn tìm được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy người anh em đang đau khổ ở xung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục sinh tràn ngập tâm hồn chúng ta.
1. Chủ đề bài Tin Mừng hôm nay nói về những buồn vui của cuộc sống người Kitô hữu.
“Chúng con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của chúng con sẽ biến thành niềm vui” (Ga 16,20). Chỉ khi nào ở trên trời thì chúng ta mới có thể hoàn toàn vui thôi, còn bao lâu còn ở lại trần gian thì vui buồn lẫn lộn. Và những vui buồn ở đời này có những tính chất khác nhau và những hậu quả khác nhau.
Có những cái vui không trọn vẹn, như lời một bản thánh ca lấy ý từ sách Giảng viên: “Hoa nào không phai tàn, trăng nào không khuyết, ngày nào mà không có đêm, yến tiệc nào không có lúc tàn”.
Có những niềm vui chẳng mấy chốc lại biến thành nỗi buồn. Đó là những thú vui tội lỗi. Thí dụ cái vui của thằng con hoang đàng trong sách Tin Mừng: Khi nó ngụp lặn trong những cuộc trụy lạc thì nó vui, nhưng sau khi cuộc trụy lạc tàn và khi đã hết tiền, nó rơi vào một sự trống rỗng, một nỗi buồn mênh mông.
Có những nỗi buồn cứ càng ngày càng buồn thêm, không dứt. Đó là cái buồn do hậu quả của một việc làm sai quấy. Thí dụ như cái buồn của Giuđa khi đã phản bội, đã bán đứng Thầy mình. Giuđa buồn đến nỗi phải đi thắt cổ chết. Hay những nỗi buồn của những người ở trong hoả ngục: Họ phải buồn muôn đời muôn kiếp vì họ biết rằng, họ đã mất Chúa muôn kiếp muôn đời.
Một hôm sau khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho được tra vấn một tên quỷ:
- Nhân danh Thiên Chúa, ta hỏi ngươi: Đâu là nơi mà ngươi cho là hạnh phúc nhất?
Tên quỷ thẳng thắn trả lời:
- Dĩ nhiên là ở Thiên Đàng. Ôi! Được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc rồi. Với Chúa thời gian chỉ là mùa xuân vĩnh cửu. Nếu ngài lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu trên trần gian và mọi tinh tú trong vũ trụ rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là con số không.
Vị linh mục thắc mắc:
- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi lại đánh mất phúc Thiên Đàng?
Tên ma quỷ trả lời một cách hằn học:
- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận.Tất cả chỉ còn là oán thù. Lúc này dù phải chịu mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sáng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng lại Thiên Đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi.
2. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là việc Chúa Giêsu nói đến những thứ buồn sẽ biến thành niềm vui.
“Ít lâu nữa các con sẽ không thấy Thầy”. Đó là cái buồn vì không được thấy Chúa.
“Nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy… nỗi buồn của chúng con sẽ biến thành niềm vui”: nỗi buồn xa Chúa đã biến thành niềm vui khi các ông gặp lại Chúa Phục Sinh.
Còn đối với chúng ta thì sao? Không phải cái vui nào cũng nên tìm kiếm, và không phải cái buồn nào ta cũng phải tránh xa.
Đối với những thứ vui chóng tàn, chúng ta đừng quá bám víu, để khi nó tàn chúng ta không bị thất vọng. Chuyện đứa con hoang đàng là một thí dụ.
Đối với những thứ vui mà chẳng mấy chốc sẽ biến thành nỗi buồn, ta cũng đừng nên mất công tìm kiếm. Thí dụ Giuđa vui khi nhận được tiền nhưng chẳng mấy chốc tiền đã làm cho Giuđa tuyệt vọng.
Có những việc làm mà hậu quả sẽ để lại những nỗi buồn dai dẳng, chúng ta đừng bao giờ làm.
Nhưng chúng ta hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn để sám hối ăn năn, buồn để quay gót trở về với Chúa. Có thể nói đây là nỗi buồn thánh vì nỗi buồn này sẽ biến thành niềm vui.
“Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.
Milton đã có lần tâm sự: “Mù không phải là khổ, không chịu được cảnh mù mới là khổ”.
Phải biết biến nỗi buồn thành niềm vui.
Một nhà truyền giáo kể lại câu chuyện như sau:
Có một cụ già vừa mới trở lại đạo Công giáo, mỗi ngày cụ đến nhà thương để đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nào muốn nghe. Thế nhưng, một ngày nọ, cảm thấy có gì không ổn trong mắt, cụ đi khám tại bác sĩ chuyên về khoa mắt và đã biết rằng, mình không còn sử dụng đôi mắt được lâu nữa, vì sắp bị mù mà không còn cách chi để chữa nữa.
Từ đó, người ta không thấy cụ đến nhà thương nữa. Có người nói là đã thấy cụ đi một mình lên núi. Nhiều tuần lễ sau, bỗng nhiên người ta lại thấy cụ trở lại nhà thương và tiếp tục đọc Kinh Thánh như trước.
Trả lời cho những người thắc mắc là cụ đã làm gì trên núi trong những ngày qua, cụ nói:
- Tôi tìm đến nơi thanh vắng để học thuộc lòng các sách Tin Mừng khi tôi còn thấy được, để sau này khi bị mù, tôi vẫn còn có thể đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nghe”.