Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê". Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: "Tại mình không có bánh". Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: "Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?" Các ông thưa: "Mười hai thúng". - "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?" Họ thưa: "Bảy thúng". Bấy giờ Người bảo các ông: "Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?".
Tin Mừng Máccô kể ba câu chuyện về việc Thầy trò vượt Biển hồ. Lần đầu, Thầy Giêsu đã ra lệnh cho sóng gió yên lặng khiến các môn đệ tự hỏi: Người này là ai…? (Mc 4, 35-41). Lần thứ hai, sau khi hóa bánh ra nhiều, Thầy đã đi trên mặt nước mà đến với họ. Nhưng lòng các môn đệ còn chai đá, họ không hiểu được chuyện bánh hóa nhiều (Mc 6, 45-52). Bài Tin Mừng hôm nay là lần cuối Thầy trò vượt biển qua bờ bên kia, sau khi Thầy Giêsu đã hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8, 1-10). Có một sự cố xảy ra khiến các môn đệ lo âu. Các ông quên mang bánh khi vượt biển. Trên thuyền chỉ có một cái bánh duy nhất (c. 14). Không rõ tại sao trong bối cảnh này Thầy Giêsu lại cảnh báo các ông về thứ men xấu làm hư hỏng con người (x. 1 Cr 5, 6-8), đó là thứ “men của người Pharisêu và men của người theo Hêrôđê (c. 15). Có lẽ vì cuộc đụng độ vừa qua với người Pharisêu (Mc 8, 11-13). Nhưng lời cảnh báo của Thầy Giêsu có thể đã bị các môn đệ hiểu sai. Các ông tưởng Thầy trách về chuyện họ không mang đủ bánh. Từ đó xảy ra một cuộc tranh cãi giữa họ với nhau về chuyện này. Thầy Giêsu chắc là giận lắm. Chưa khi nào chúng ta thấy Ngài đặt nhiều câu hỏi liên tiếp như vậy. Tùy lối chấm câu, có thể có từ sáu đến chín câu hỏi. Qua các câu hỏi, Ngài bày tỏ sự thất vọng về các môn đệ. Họ chậm hiểu, chậm nắm bắt; tim của họ bị chai (c. 17). Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe (c. 18). Trí nhớ và lòng tin của họ khá kém, vì dù đã chứng kiến hai lần phép lạ bánh hóa nhiều, một lần, năm chiếc bánh cho năm ngàn người, lần khác, bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người, họ vẫn lo âu khi thấy trong thuyền chỉ có một chiếc bánh dự trữ. “Vậy mà anh em vẫn còn chưa hiểu sao?” (c. 21). Chúng ta cũng nghe Chúa hỏi câu hỏi này khi chúng ta xao xuyến âu lo trước những khó khăn của cuộc sống. Các môn đệ vượt biển mà không mang đủ lương thực cần dùng. Họ lo âu vì sợ lỡ ra có bão hay sự cố gì thì làm sao đây. Thực ra điều họ quên không phải là bánh, mà là quên Thầy Giêsu đang ở cùng thuyền với họ. Chúng ta cần ôn lại những điều lạ lùng Chúa đã làm cho đời ta từ nhỏ, để sống mỗi ngày trong bình an. Cầu nguyện:
Lạy Cha, con phó mặc con cho Cha, xin dùng con tùy sở thích Cha. Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn. Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả. Miễn là ý Cha thực hiện nơi con và nơi mọi loài Cha tạo dựng, thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa. Con trao linh hồn con về tay Cha. Con dâng linh hồn con cho Cha, lạy Chúa Trời của con, với tất cả tình yêu của lòng con, Vì con yêu mến Cha, vì lòng yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha, thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha, không so đo, với một lòng tin cậy vô biên, vì Cha là Cha của con. (Charles de Foucauld) ---------------------------------
Ít khi Đức Giêsu giận các môn đệ đến thế. Ngài đặt cho họ dồn dập bảy câu hỏi liên tiếp (cc. 17-21), và Ngài chỉ cho họ hai cơ hội trả lời (cc. 19, 20). Câu chuyện xảy ra khi Thầy trò đang ở trên thuyền đi qua bờ bên kia. Các môn đệ quên đem bánh theo, hay đúng ra trên thuyền chỉ có một chiếc bánh (c. 14). Hẳn các ông đã cảm thấy lo âu, bất an, vì lỡ ra cuộc hành trình kéo dài, một chiếc bánh làm sao đủ ăn cho cả nhóm? Chính vì thế họ mới bàn tán với nhau về chuyện thiếu sót này (c. 16). Chẳng rõ cuộc bàn cãi giữa họ có lớn tiếng không, nhưng chắc chắn Thầy Giêsu đã biết được (c. 17). “Tại sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh?” (c. 17). Tại sao anh em lại có vẻ lo sợ, không yên? Thầy Giêsu rõ ràng không chấp nhận thái độ bất an đó. “Anh em chưa hiểu, chưa thấu sao? Anh em có trái tim cứng cỏi như thế sao?” (c. 17; Mc 6, 52). Đối với người Do Thái, trái tim là nơi phát sinh mọi suy nghĩ và hiểu biết. Một trái tim cứng cỏi ắt không còn khả năng thấu hiểu. Khi đường vào trái tim bị nghẽn, mọi lối vào qua giác quan cũng bế tắc: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe sao?” (c. 18). Người có trái tim cứng cỏi thì trở nên mù lòa và điếc lác. Để các môn đệ thấy rằng nỗi lo âu của họ là vô lý, Thầy Giêsu đã gợi cho các ông nhớ lại hai lần Ngài làm bánh hóa nhiều. “Anh em không nhớ sao?” (c. 18). Với năm chiếc bánh Thầy bẻ cho năm ngàn người ăn, anh em còn thu về được mười hai thúng bánh vụn (c. 19; Mc 6, 31-44). Với bảy chiếc bánh Thầy bẻ cho bốn ngàn người ăn, anh em còn thu được bảy giỏ đầy (c. 20; Mc 8, 1-9). Thầy có thể nuôi được số đông người như thế một cách dư dật, vậy mà anh em còn lo vì thấy cả nhóm chỉ có một chiếc bánh khi qua hồ. Câu hỏi cuối cùng của Thầy: “Anh em vẫn chưa hiểu sao?” Con người là con vật hay lo, quay quắt vì lo. Có khi lo vì dễ quên những gì Chúa đã làm cho đời mình. Nếu ta dành giờ để suy nghĩ về những kỳ công Chúa làm trong quá khứ, ta sẽ được giải thoát khỏi những nỗi lo hiện tại chẳng đáng gì. Hãy để cho trái tim mình mềm lại, trí hiểu được thông suốt, mắt sáng lên và tai nhạy bén, trí nhớ minh bạch rõ ràng. Như thế là hãy để cho toàn bộ con người mình mở ra trước Thiên Chúa, tín thác vào sự quan phòng của Ngài khi ta băng qua biển đời. Hôm nay Đức Giêsu vẫn hỏi chúng ta: Anh em không nhớ sao? Nhớ là hành vi quan trọng trong đời sống thiêng liêng. Nhớ sẽ làm chúng ta bình an ra khơi với Thầy, dù chỉ có một chiếc bánh. Nhớ sẽ làm chúng ta dám chia sẻ số bánh nhỏ nhoi của mình cho đám đông. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con. Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Men kích thước rất nhỏ. Nhưng tác dụng rất lớn. Chỉ một nắm men nhỏ cũng làm dậy lên cả thúng bột. Có men tốt. Nhưng cũng có men xấu. Vì thế Chúa dạy các tông đồ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê”. Đừng nhiễm một chút nào những thói xấu của họ.
Men Pha-ri-sêu là thói giả hình. Bề ngoài đạo đức. Nhưng bên trong xấu xa. Như mồ mả tô vôi. Là thói kiêu ngạo. Tự cho mình là công chính. Khinh miệt người khác. Là thói duy luật. Thờ kính Chúa bằng môi miệng. Nhưng lòng dạ thì xa Chúa. Câu nệ lề luật. Nên tàn nhẫn với tha nhân.
Men Hê-rô-đê là thói ham quyền. Dùng nhiều thủ đoạn để chiếm ngai vàng. Là thói ham hưởng thụ. Vì sắc dục mà làm điều phi luân. Say sưa yến tiệc và sắc đẹp. Nên bốc đồng hứa quàng. Là thói bất công. Sẵn sàng đàn áp, giết chóc. Cướp vợ của anh trai. Giết hàng loạt hài nhi vô tội. Giết cả vị tiên tri đáng kính.
Men thói đời rất nguy hiểm. Nó làn tràn khắp nơi. Như thời No-e. Khiến Chúa buồn phiền hối hận. “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng”. Và quyết định rửa sạch trái đất. Chỉ mình No-e, nhờ không nhiễm thói đời, nên được Chúa cứu thoát. “Người hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này” (năm lẻ).
Cám dỗ là một hạt men nhỏ. Phát triển trong dục vọng. Tàn phá trong cái chết. “Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình … Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết”. Vì thế thánh Gia-cô-bê khuyên nhủ ta hãy kiên trì chiến đấu chống lại men cám dỗ. “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (năm chẵn).
Phải có phân định chính xác. Vì men rất tinh vi. Phải có thanh luyện liên tục. Vì men rất dễ nhiễm. Phải quyết liệt. Vì nếu nhân nhượng sẽ dẫn đến cái chết.
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền với các môn đệ để đi về hướng Betsaiđa; Ngài lợi dụng những giây phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng của các ông về những phép lạ Ngài đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ bánh và cá hóa ra nhiều.
Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của Biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm người này. Chúa Giêsu đã dùng chữ "men" để nói đến tinh thần kiêu ngạo và thái độ mù quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiểu được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ và sứ điệp của Ngài. Ðó cũng chính là nội dung của chương trình huấn luyện mà Ngài đeo đuổi trong ba năm rao giảng của Ngài. Mãi đến lúc Ngài bị bắt và chịu treo trên Thập giá, xem chừng các môn đệ vẫn chưa hiểu được chiều sâu sứ điệp của Ngài. Mơ tưởng của những người dân chài này là được trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc trần gian mà họ nghĩ là Chúa Giêsu đã đến để thiết lập.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài hãy vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều sâu sứ điệp của Ngài. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài. Giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, con người dễ dàng chạy đến với Chúa: đó là thái độ rất chính đáng, bởi vì qua cử chỉ ấy, con người tuyên xưng niềm tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có một thái độ vô vị lợi hơn, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Ngài. Một thái độ như thế sẽ cho chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài, và cho chúng ta thốt lên như các vị thánh: "Tất cả đều là hồng ân của Chúa" bởi vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta một niềm tin như thế, để trong mọi sự, chúng ta luôn biết dâng lời cảm tạ Chúa.
Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” (Mc. 8, 19-20)
Khi thuyền đã ra tới gần giữa Biển Hồ, các môn đệ mới nhận thấy là chỉ có một cái bánh cho bữa ăn. Một cái bánh cho mười hai người mà phần lớn đều là những tay chài thì thật quá ít, chẳng bõ nhét kẽ răng cho mỗi người. Vì thế cuộc cãi vã nổi lên có lẽ để dò tìm cho biết ai là người đã gây nên cớ sự này, ai là người phụ trách lo lương thực cho nhóm? Chẳng lẽ người ấy không có thể mang theo cả thúng bánh thừa sau phép lạ sao? Thấy vậy, Chúa liền can thiệp mạnh mẽ và nghiêm nghị đến độ ta phải ngạc nhiên. Tại sao rầy rà nhau vì đã quên mang bánh theo? Tại sao cãi cọ nhau vì một sự cố tầm thường như thế? Thường khi người ta quên sót một điều chi, thì hay bực bội. Nhưng Chúa Giêsu nắm lấy cơ hội này để huấn luyện các môn đệ của mình, và qua đó Người cho ta thấy rằng tư chất cuộc sống thưòng ngày bộc lộ cái tâm cúa ta rõ hơn ta tưởng.
Thực ra không phải vì chuyện quên mang theo bánh khiến Chúa Giêsu bực mình mà vì chuyện quên sót này làm cớ cho các tông đồ cãi cọ nhau và gây lo lắng cho các ông; vả lại cuộc cãi cọ này còn cho thấy các tông đồ hiểu biết về bản thân Chúa còn quá ít. Quên bánh đưa các ông tới điều quên Người là Đức Giêsu Kitô.
Căn nguyên của sự quên xót
Chúa Giêsu còn đi xa hơn. Chúa cảnh báo các môn đệ về căn nguyên sự quên lãng chính bản thân Người, tức là thái độ không tin. Men Pharisiêu và men Hêrôđê chính là những ý xấu, những thái độ từ chối và thù địch đối với Chúa Giêsu và là sự cố chấp không chịu tin các dấu lạNgười làm. Những tâm hồn cứng cỏi này có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Đã hẳn các tông đồ không phải là những con người như vậy: các ông đã không đòi hỏi những dấu lạ từ trời, không tích cực tỏ ra không tin. Tuy nhiên các ông đã không nắm bắt được ý nghĩa việc Chúa làm trước mắt các ông, và do đó có nguy cơ dẫn đến thái độ không tin. Bởi lẽ các ông sống và suy nghĩ như thể đã không được nhìn thấy phép lạ hóa bánh vậy. Chúa bảo các ông phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisiêu là có ý như vậy. Quên Đức Giêsu Kitô nơi tư chất sống của Người có thể dẫn đến việc công kích Đức Giêsu Kitô vậy.
Chúng ta sợ hãi gì? Sợ thiếu những sự cần, sợ phải rủi ro xui xẻo, sợ ốm đau, sợ chết. Sợ những điều đó là chuyện thường tình của con người … người tín hữu đâu phải là siêu nhân. Nhưng khi ta sợ hãi như vậy, chẳng phải là đã có sự quên lãng Chúa ư, và thậm chí đã không tin Chúa một cách nào đó sao?
Qua những ngày làm việc mệt nhọc với đám đông dân chúng và sau khi Đức Giêsu bị những người Pharisêu đòi hỏi về dấu lạ..., Đức Giêsu đã không những không làm mà Ngài đã bỏ họ mà đi nơi khác.
Thánh Máccô kể: Đức Giêsu và các môn đệ đã trèo thuyền để ra đi hướng về Betsaiđa. Khi Ngài và các ông đang ở trên thuyền, thì đây là lúc riêng tư để thầy trò tâm sự. Đức Giêsu đã lên tiếng căn dặn các môn sinh của mình: “Anh em phải coi chừng, hãy đề phòng men Pharisêu và Hêrôđê!”. Tại sao Đức Giêsu lại cẩn trọng nhắc các môn đệ như vậy? Thưa là vì Ngài thấy rõ sự mù quáng do thành kiến và xuất phát từ thói kiêu ngạo, ghen tỵ, hình thức gây ra cho hai nhóm này, nên lòng họ khô cứng, trai lỳ, không còn nhạy bén với lương tâm nữa. Chính vì thế mà Đức Giêsu cảnh báo các môn đên dừng đi vào vũng lầy đó của họ.
Mặt khác, qua những lời thầm thì thể hiện sự lo lắng của các môn đệ về chuyện các ông không mang bánh theo, Đức Giêsu đã khiển trách các môn đệ và Ngài tiếp tục dạy cho các ông bài học về sự phó thác. Đức Giêsu đã dùng phương pháp hồi tưởng để gợi lại cho các môn sinh về sự quan phòng của Thiên Chúa khi con người tin tưởng vào Ngài qua hai phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nhắc lại như thế, Đức Giêsu còn đi xa hơn để củng cố lòng tin của các ông vào chính Ngài, đó là: có Chúa là có tất cả. Chúa là kho báu mà không gì có thể sánh bằng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc khó khăn, thử thách.
Khi phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay phù trợ, che trở và đỡ nâng chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con phó thác cuộc đời của mình vào bàn tay từ ái của Chúa để được Ngài yêu thương. Amen.
Sứ điệp: Các dấu lạ Chúa làm cho thấy Chúa hằng quan tâm và đủ quyền năng thực hiện cho ta những ơn lành hồn xác. Điều Chúa mong đợi nơi ta là hiểu đúng và đón nhận sứ mạng của Chúa, đừng để mình bị ảnh hưởng xấu của những kẻ cứng lòng và gian ác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tuyển chọn và tách con khỏi thế gian để con trở thành dân riêng của Chúa. Chúa muốn con dù vẫn sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian.
Thế mà lạy Chúa, con lại rập theo lối sống trần gian. Con đang chịu ảnh hưởng của thứ men xấu. Nếp sống thực dụng, nặng về tiền bạc và vật chất, nếp sống hưởng thụ và ích kỷ, những chất men ấy đang thấm dần nơi người Kitô hữu. Con còn đang chịu ảnh hưởng tác hại của men dâm ô qua sách báo phim ảnh xấu. Con cũng thấy có cả men Pha-ri-siêu và men Hêrôđê của thời đại mới. Đó là sự cứng lòng, thù nghịch, dửng dưng, lãnh đạm với chuyện tôn giáo.
Lạy Chúa, Chúa muốn con là men tốt trong rá bột trần gian. Đáng lẽ con phải biến đổi thế giới nên tốt đẹp và thánh thiện hơn, nhưng con lại để cho men xấu của thế gian ảnh hưởng trên con. Cái xấu như nắm men đang từng ngày thấm dần vào đời sống con, nó kín đáo âm thầm lặng lẽ nhưng lại rất mãnh liệt và làm biến chất đời sống người Kitô hữu.
Con xin Chúa cho tất cả mọi người Kitô hữu ý thức lại sứ mạng của mình. Xin Lời Chúa và Thánh Thể Chúa gìn giữ con khỏi men xấu và giúp con sống thánh thiện giữa đời. Xin Chúa ở lại với con và sống trong con. Con sẽ luôn nhớ lời cảnh giác và báo động của Chúa. Xin cho con luôn biết tỉnh thức. Amen.
Ghi nhớ: “Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”.
Con mèo bề ngoài trông có vẻ hiền lành, mềm mại. Khi muốn ăn, nó đến sát cạnh ta, cọ mình vào chân ta, ve vẩy đuôi, kêu meo meo, gừ gừ tỏ vẻ tình tứ, nhưng khi đã ăn rồi nó đi thẳng một lèo, gọi mấy cũng không đến. Khi rình chuột thì nó đi lại rất nhẹ, thu mình vào một xó tối, nằm im không cử động để chuột mất cảnh giác chạy ra tung tăng. Khi đó, anh mèo mới giở thủ đoạn chồm lên bắt mồi, ngoạm cổ đem đi cắn xé ăn thịt.
Người giả hình cũng tương tự như vậy.
Suy niệm
Trước phép lạ hóa bánh ra nhiều và các phép lạ của Chúa Giêsu, người biệt phái giả hình cố chấp vẫn không tin Chúa Giêsu. Họ còn đòi Ngài làm một dấu chỉ từ trời (x. Mc 8,11-13). Những người phái Hêrôđê thì lo chuyện quyền bính chính trị và quyền lợi vật chất nên cũng không lưu tâm đến giáo lý Chúa Kitô. Họ cứng lòng cố chấp. Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ phải tránh men giả hình của biệt phái và men quyền bính và ham vật chất của phái Hêrôđê. Hình ảnh “men” chỉ những gì gây nên tình trạng biến chất, hư hại do kiêu ngạo và thành kiến, làm cho người Pharisiêu và Hêrôđê cố chấp mù quáng không nhận ra ý nghĩa phép lạ.
Chính các môn đệ lòng trí hẹp hòi, con mắt thiển cận, chỉ nghĩ đến những cái trước mắt, những cái vật chất của thế giới trần tục nên dễ bị nhiễm thứ men này. Cho nên, Ðức Giêsu cảnh giác các đồ đệ, Ngài hướng các ông đến sự khát khao thần thiêng: Cuộc sống vĩnh cửu mới, đòi hỏi sự cố gắng mỗi ngày. Chúa Giêsu nhắc các môn đệ nhớ lại hai lần hóa bánh ra nhiều và giúp họ nhận ra ý nghĩa của các phép lạ Chúa làm. Ðiều đó cũng có nghĩa khẳng định tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài.
Ước chi mỗi người chúng ta cũng có thái độ vô vị lợi, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa và nhận ra tình yêu của Ngài, tình yêu vĩ đại vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Ý lực sống: “Chúa Giêsu bảo các môn đệ: Anh em phải coi chừng,
phải đề phòng men Pharisiêu và men Hêrôđê”(Mc 8,15).
1. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu xuống thuyền đi với các môn đệ. Nhưng các ông quên mang bánh theo, trong thuyền chỉ có một cái bánh. Dọc đường, Chúa căn dặn các ông cẩn thận lo tránh “men những người biệt phái và Hêrôđê”, tức là lo tránh thói tự mãn, cứng đầu cứng cổ của họ. Nhưng các ông không hiểu ý Chúa muốn nói, mà cứ tưởng là Chúa quở vì không mang bánh theo ăn, nên Chúa trách các ông chậm hiểu kém tin. Chính mắt các ông đã thấy hai phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều cho mấy ngàn người ăn no nê mà còn dư thừa, chính tai các ông đã nghe bao nhiêu lời Chúa dạy mà cũng chưa hiểu chưa tin.
2. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền với các môn đệ đi về hướng Betsaiđa; Người lợi dụng những phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng của các ông về những phép lạ Người đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ bánh và cá ra nhiều.
Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm này. Chúa Giêsu đã dùng chữ “men” để nói đến tính kiêu ngạo và thái độ mù quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiều được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.
3. Từ thời Ai cập cổ đại, người ta đã dùng men để làm bánh mì, làm rượu. Mãi đến năm 1857 nhà khoa học Louis Pasteur mới khám phá ra rằng men thực ra là một thứ vi sinh vật thuộc loài nấm, âm thầm mọc rễ đam chồi trong các chất hữu cơ và làm biến chất chúng. Có những loài men hữu ích loài người biết được và sử dụng, nhưng cũng có hàng ngàn thứ men có hại như men chua, men thối làm hư hỏng thức ăn, thậm chí gây nhiễm độc chết người.
Chúa Giêsu cho biết về mặt thiêng liêng cũng có nhiều thứ “men”. Có thứ “men Nước Trời” mà người môn đệ Kitô đem thấm nhập vào trong thúng bột thế giới và âm thầm làm nó dậy men. Cũng có thứ men mà Chúa cảnh giác các môn đệ phải coi chừng, phải loại bỏ men biệt phái và men Hêrôđê (5 phút Lời Chúa).
4. “Anh em phải coi chừng, phải đề phong men biệt phái và men Hêrôđê” (Mc 8,150.
Khi xuống thuyền vội vàng, các ông quên mang bánh theo, trên thuyền chỉ có một chiếc thì không đủ cho mọi người. Các ông bàn tán việc đi mua bánh. Nhân dịp này, Đức Giêsu răn dạy các môn đệ hãy dè giữ cho khỏi men người biệt phái và men Hêrôđê.
Như chúng ta đã biết “Men” là hình ảnh những gì gây nên tình trạng biến chất, làm hư hại các chất hữu cơ). Các rabbi coi đó là những những hướng chiều xấu nơi con người. Ngày nay men biệt phái và men Hêrôđê vẫn còn sinh sôi nảy nở trong thời đại của chúng ta. Đó là thói kiêu căng giả hình, đánh mất lòng nhân nghĩa. Đó là “men” thực dụng, nặng về tiền bạc và vật chất, sống hưởng thụ và ích kỷ, men dâm ô, qua sách báo phim ảnh xấu khiến chúng ta vì đam mê chúng mà trở nên lãnh đạm thù nghịch với tình yêu Chúa và ơn cứu độ của Người. Vậy chúng ta đang “say” thứ men nào, “men trần tục” hay “men Kitô”?
5. “Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư”?
Câu hỏi này là lời Chúa trách móc các môn đệ. Họ là những người đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm, họ đã phân phát bánh hóa nhiều mà họ còn lo lắng để tiếp tế lương thực, trong lúc Chúa Giêsu còn ở bên cạnh họ! Thế nhưng họ đã không ý thức rằng có Chúa Giêsu ở với họ, là họ có tất cả.
Điều này thật đúng tâm lý chúng ta. Chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng: dĩ vãng, Thiên Chúa đã can thiệp cứu giúp chúng ta, ở với chúng ta. Nhưng hiện tại, khi chúng ta gặp khó khăn, gặp thử thách, phản ứng đầu tiên của chúng ta là lo lắng hốt hoảng, nghi ngờ, bối rối, chứ chúng ta có giữ bình tĩnh và tin chắc rằng Chúa vẫn tiếp tục ở với chúng ta không?
6. Truyện: Hãy nhìn ra dấu chỉ của thời đại.
Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng... Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người Tây phương, ông tự nghĩ: “Đây chỉ là một ảo ảnh... trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước... Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ gặp một xác người. Một người thốt lên: “Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành”.
Tại sao lại có chuyện thế này? Nhưng người bạn lắc đầu giải thích: “Ông ta là người Tây phương. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng”.
Thảm trạng của con người thời đại: con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy ánh sáng và mầu nhiệm... con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại (Mỗi ngày một tin vui).
Câu chuyện này có liên quan tới phép lạ bánh hóa nhiều mà Mc vừa tường thuật phía trước (Mc 8,1-10)
- Phép lạ ấy đã chứng tỏ uy quyền của Chúa Giêsu Ngài là một ông Môsê mới, ban lương thực dư dật không những cho người do thái mà còn cho cả lương dân.
- Nhưng những người pharisêu vẫn không tin Chúa Giêsu. Họ còn đòi Ngài làm một dấu chỉ từ trời (Mc 8,11-13). Còn những người phái Hêrôđê thì chỉ lo chuyện chính trị và bảo vệ quyền lợi vật chất của họ. Phép lạ hóa bánh ra nhiều (và cách chung là tất cả những phép lạ của Chúa Giêsu) chẳng giúp cho họ hiểu gì cả.
- Bởi đó Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ mình: "Anh em phải coi chừng men pharisêu và men Hêrôđê". Hình ảnh "men" chỉ những gì gây nên tình trạng biến chất, hư hại. Do đó ý Chúa Giêsu muốn bảo các môn đệ đừng vì thành kiến như pharisêu hay vì sự thù nghịch như phái Hêrôđê mà mù quáng không nhận ra ý nghĩa phép lạ.
- Cũng chính vì thế nên một lần nữa Chúa Giêsu nhắc các môn đệ nhớ lại hai lần hóa bánh ra nhiều và giúp họ nhận ra ý nghĩa của chúng.
B.... nẩy mầm.
1. Thành kiến làm cho người ta ra mù quáng. Người có sẵn thành kiến giống như một người đã mang kính râm nên nhìn cái gì cũng thấy tối đen theo màu kính.
2. Khi còn nhỏ, J. Dillinger phải ra tòa vì một tội vụn vặt. Được tha về, cha mẹ dẫn anh đến trường. Một số phụ huynh khác thấy thế, đến làm áp lực với thấy giáo nếu thầy để Dillinger ở đây, chúng tôi sẽ đem con đến trường khác. Ông thầy bối rối không biết làm thế nào cho các phụ huynh an tâm. Ông đành nói thật cho Dillinger nghe. Anh bỏ học, không bao giờ bước chân tới trường nữa. Ít năm sau, anh trở thành một tội phạm nguy hiểm nhất Hoa kì trong thập niên 30. (Góp nhặt)
3. Sau phép lạ bánh hóa nhiều, điều còn vương vấn lại trong trí các môn đệ chỉ là… bánh, không có gì hơn! Các ông không biết đi từ dấu chỉ ấy để vươn lên tới chỗ nhận ra uy quyền của Chúa Giêsu.
Chúng ta cũng thế, đầu óc chúng ta cũng nông cạn như thế. Nhiều khi Chúa ban cho ta một ơn lành, chẳng hạn một thành công, một sự an ủi v.v. Sau đó điều duy nhất chúng ta còn nhớ chỉ là sự thành công và an ủi đó. Chúng ta không thể vươn xa hơn một chút để thấy đó là những dấu chỉ về tình thương của Ngài. Chúng ta phải tập nhìn những sự việc xảy ra như những dấu chỉ tới những điều cao hơn.
4. Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng... Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông tự nghĩ "Đây chỉ là một ảo ảnh... trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối". Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước... Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên "Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này?". Nhưng người bạn lắc đầu giải thích "Ông ta là một người phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.
Thảm trạng của con người thời đại con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đây ánh sáng và mầu nhiệm... con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại." (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
5. "Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men pharisêu và men Hêrôđê" (Mc 8,15)
Lên Sài gòn học tiếp đại học, tôi và một anh bạn "chúa ghét" thuốc lá. Nhưng rồi cũng phải hút, là để ngoại giao, xin việc, vì kẻ nào đến xin việc cũng làm như vậy và họ đã được đưa đón ân cần hơn. Bằng không, cứ thấy chiếc xe đạp dựng trước cơ quan là y như rằng lại vào ra không, tí khói lửa liền được chào mời tử tế… Lâu ngày, cứ hễ nhạt miệng là chúng tôi lại mồi thuốc, bất kẻ những người xung quanh là ai già trẻ, trai, gái, người đau, kẻ ốm… và bất kể nơi nào, thậm chí ngay trên xe khách chật ních người.
Tệ hơn nữa, bây giờ chúng tôi lại mắc chứng "nổ" hết xảy, nói dóc không "gớm miệng". Oái oăm thay, người đời lại thích vậy, nên chúng tôi có thêm tài "ngoại giao" và kiếm việc làm.
Vâng, chắc chắn cả hai chúng tôi đã nhiễm, không những "mùi thuốc lá" mà còn mắc phải cả "men lãnh đạm" trước những nhu cầu của tha nhân, một thứ men làm cho lương tâm ra chai lì, không còn nhạy bén với chân lý nữa.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến và cho con can đảm lội ngược dòng, để con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hòa mình chứ không biến mình, nhập thể chứ không biến thể. Xin mau đến, lạy Chúa, kẻo con "lên men" mất. (Epphata)
Câu chuyện này có liên quan tới phép lạ bánh hóa nhiều mà thánh Marcô vừa tường thuật trước (Mc 8,1-10).
Phép lạ ấy đã chứng tỏ uy quyền của Chúa Giêsu: Ngài là Môisen mới, ban lương thực dư dật không những cho người Do Thái mà còn cho cả lương dân nữa.
Thế nhưng, những người Pharisêu vẫn không chịu tin Chúa. Họ còn đòi hỏi dấu lạ từ trời (Mc 8,11-13). Bên cạnh họ chúng ta còn thấy có cả những người thuộc phái Hêrôđê. Những người này chỉ lo những chuyện chính trị và bảo vệ quyền lợi vật chất của họ, cho nên phép lạ hóa bánh ra nhiều (và cách chung là tất cả những phép lạ của Chúa Giêsu) cũng chẳng giúp cho họ hiểu được điều gì.
Chính vì vậy mà Chúa phải khuyến cáo các môn đệ mình: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê” (Mc 8,15).
Vâng, hãy coi chừng men của nhóm Pharisêu và Hêrôđê. Bởi vì, con người thường dễ nhiễm lây những tật xấu hơn là tập được những đức tính tốt. Những cái xấu của những người Pharisêu và Hêrôđê là gì thì chúng ta đã đều biết: giả hình, tội lỗi, bất công, tham lam, khoe khoang, phô trương, kiêu ngạo, ích kỷ v.v.
Đây là câu chuyện người Thổ Nhĩ Kỳ thường kể cho nhau nghe:
Một chàng trai trẻ kia, con của một gia đình giàu có, danh giá, sống buông thả với đủ loại tật xấu, đặc biệt là cờ bạc. Cha mẹ đã làm đủ mọi cách để giáo dục anh, nhưng không thành. Ngày kia, có một người đến khuyên ông bố rằng:
- Hãy tụ tập 80 người trẻ tốt lại và để cho học sống chung với chàng trai trẻ xấu nết kia. Gương sáng của họ rồi sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến anh ta, và chẳng bao lâu đâu anh ta sẽ từ bỏ tật xấu để trở thành người mẫu mực.
Người Cha rất hài lòng với lời khuyên này. Ông cho đi tìm ở khắp nơi đủ 80 người anh em trẻ tốt lành và hứa sẽ trọng thưởng cho họ, nếu họ cộng tác giúp con ông.
Ông để cho 80 người này sống chung với con ông trong một ngôi nhà tách biệt, ngoài họ ra thì không ai khác được vào. Các bữa ăn được bên ngoài phụ giúp đưa vô.
Sau 80 ngày, người cha của cậu ta mở cửa ra xem cái gì đã xảy ra, thì ông thấy cậu con trai của ông đang ngồi chơi bài, chung quanh cậu, 80 cậu con trai nhà lành kia cũng đang mê đánh bài không kém gì cậu! Sự nghiêm chỉnh của 80 cậu con trai nhà lành kia không những đã không ảnh hưởng gì trên chàng trai nọ; mà ngược lại, chính họ đã tiêm nhiễm tật xấu của anh ta!
2. “Anh em phải coi chừng” (Mc 8,15). Hãy coi chừng kẻo bị nhiễm.
Cũng như người bị nhiễm vi trùng Hensen làm tê liệt cả hệ thống thần kinh khiến họ mất hết cả cảm giác. Hay như những người nhiễm HIV sẽ không còn khả năng đề kháng, thành thử con vi trùng nào cũng có thể tấn công và tác oai tác quái trên con người của họ. Một con người không còn mẫn cảm với những vẻ đẹp Chúa ban cho trong cuộc sống cũng như thế! Quả thật là rất đáng thương.
Một trong những thảm trạng của con người thời đại hôm nay là: Tuy con người có nhiều kiến thức hơn, nhiều phương tiện để học biết hơn, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình mà che mất ánh sáng và màu nhiệm. Con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại và những dấu chỉ yêu thương mà Thiên Chúa ban cho họ mỗi ngày. Chính vì thế mà họ đã đánh mất rất nhiều niềm vui cho cuộc sống của mình. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
Thế giới của chúng ta đang sống là thế giới đầy ánh sáng và màu nhiệm. Nhưng, nhiều khi con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình mà che đậy chúng lại.
Đây là những lời khuyên được loan đi từ Internet:
“Bạn chớ thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim của bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của bạn. Bởi vì nếu như không có chúng, cuộc sống của bạn sẽ mất đi ý nghĩa.
Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ, hoặc ảo tương về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.
Bạn chớ khóa kín lòng mình lại với tình yêu bằng cách nói bạn không có thời gian yêu ai.
Cách nhanh nhất để nhận được tình yêu là hãy cho đi. Cách chóng nhất để đánh mất tình yêu là níu giữ thật chặt.
Còn phương thế tốt nhất để giữ được tình yêu là bạn hãy chắp cho nó đôi cánh”.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến và giúp cho chúng con can đảm dám lội ngược dòng, để chúng con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hòa mình chứ không biến mình, nhập thể chứ không biến thể. Và nhất là giúp chúng con biết nhận ra những dấu chỉ tình thương Chúa gửi đến cho chúng con mỗi ngày để chúng con cảm nghiệm được niềm vui cũng như hạnh phúc của một người có Chúa ở cùng. Amen. (Epphata).
Men biệt phái là sự giả hình, đánh lừa người khác, men Hêrôđê là sự ỷ quyền cậy thế, làm phiền toái, ức hiếp người khác, làm oan sai người khác: “Các con hãy coi mình và giữ mình cho khỏi men biệt phái, và men Hêrôđê” (Mc 8, 15). Nếu vướng vào sự giả hình, sự cậy quyền ỷ thế thì cuộc đời này của con người chúng ta sẽ xuống cấp về đạo đức, băng họa về các mối quan hệ, suy đồi về cách sống, xã hội sẽ biến thái: “Nhưng mỗi người bị dục tình cám dỗ, bị nó xúi dục và dụ dỗ. Rồi khi tình dục đã thai nghén, thì sinh ra tội lỗi, và khi tội lỗi đã phạm rồi, thì sinh ra sự chết” (Gb 1, 14 – 16). Chúa đã cảnh báo nhiều lần về điều này với các tông đồ và con người chúng ta. Thế nhưng các tông đồ không hiểu, tưởng Chúa nói như thế là vì các ngài quên đem bánh, chỉ có một chiếc bánh trong thuyền: “Các môn đệ nghĩ ngơi nói với nhau rằng: Tại mình không có bánh” (Mc 8, 16). Chúa nói một đàng mà các ngài lại hiểu một nẻo, vì vậy mồi lần chúng ta nghe lời Chúa, hay tự đọc lời Chúa, chúng ta cần xin Chúa ban ơn soi sáng, giúp đỡ thì chúng ta mới hiểu được, chứ tự sức mình chúng ta như các tông đồ hồi đó, chúng ta không hiểu đâu.
Chúa không có nói về chuyện các ngài không có bánh: “Tại sao các con lại nghĩ, tại các con không có bánh” (Mc 8, 17), để rồi Chúa mới nói đến chuyện đã xảy ra lúc trước đó là hai phép lạ hóa bánh ra nhiều Chúa làm để nuôi dân chúng theo Chúa, nghe Chúa rao giảng Tin Mừng. Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, sau khi ăn no nê, các ông thu lại mười thúng bánh vụn. Phép lạ thứ hai cho bốn ngàn người ăn, còn thu lại bảy thúng đầy. Các ông trả lời rất chính xác vì các ông nhớ rất rõ, không thể nào quên các phép lạ của Chúa (Mc 8, 18 – 20). Thế nhưng, các ông chẳng hiểu men biệt phái và men Hêrôđô: “Các con chưa hiểu, chưa biết ư. Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao” (Mc 8, 17. 21).
Thậy vậy, các tông đồ của Chúa theo Chúa nghe Chúa giảng lời Chúa, làm các phép lạ cứu chữa bệnh hoạn bật nguyền cho dân, vậy mà các ngài chưa hiểu về lòng thương xót của Chúa, chưa hiểu về quyền năng của Chúa, chưa hiểu về kinh nghiệm sống của Chúa mà Chúa truyền đạt cho các ngài để các ngài khi gặp phải thì tránh đi mà sống tốt hơn. Điều quan trọng là khi Chúa dạy bảo những người biệt phái, luật sỹ, , họ không chịu nghe để bỏ đi tính hư tật xấu, tội lỗi của mình mà sống tốt. Vì đối với Chúa, Chúa thương hết tất cả mọi người, Chúa không muốn con người chúng ta hư vong. Do đó khi các tông đồ và chúng ta hiểu điều Chúa dạy để rồi làm theo ý Chúa thì Chúa sẽ hài lòng và chúng ta sống đẹp lòng Chúa hơn.
Lạy Chúa, Chúa luôn dạy bảo chúng con, khi chúng con thực hiện đúng như ý Chúa, thì những thử thách, những buồn đau có xảy đến, chúng con vẫn bình tĩnh, thảnh thơi trong những lúc như vậy, chúng con sẽ không bị vấp ngã, không hoang mang lo lắng, vì ân sủng Chúa ban cho chúng con rất nhiều để làm chúng con vui sướng, chúng con không bị Chúa bỏ rơi. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 6 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin Chúa tuôn đổ hồng ân, giúp chúng ta ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa.
Trở nên đền thờ của Chúa, đáng là tác phẩm đầu tay của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Châm Ngôn cho thấy: Một lần nữa, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa lại lên tiếng mời gọi, nhưng lần này không nhằm khuyên nhủ, cho bằng, tự mặc khải. Tất cả những gì sau này thánh Gioan nói về Ngôi Lời đều đã tiềm tàng ở đây. Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người, từ thời xa xưa nhất. Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Trở nên đền thờ của Chúa, xứng đáng là môn đệ và là bạn hữu của Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô nói: Nhờ Đức Khôn Ngoan sáng tạo và trở thành nhục thể, mà ta nhận biết Chúa Cha… Như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì anh em hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể. Anh em chỉ có một Thầy là Đức Kitô.
Trở nên đền thờ của Chúa, đáng được Chúa xót thương và tuôn đổ phúc lành, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại: Đức Chúa phán: Bảy ngày nữa Ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 28, vịnh gia cho thấy: Xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an. Hãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê. Men có công dụng làm dậy bột, men nào làm dậy bột nấy. Men Pharisêu là men giả hình: Nói mà không làm; Men Hêrôđê là men giả bộ: Nói một đàng làm một nẻo. Men Kitô, men của Đấng Khôn Ngoan: Nói là làm, giao ước đã lập ra muôn đời, muôn đời Chúa nhớ mãi, lòng thành tín của Người vượt ngàn mây thẳm. Thật vậy, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta là tác phẩm đầu tay của Người, chúng ta là con cái Thiên Chúa, là môn đệ, là bạn hữu của Đức Kitô. Nếu ta tuân giữ những gì Chúa dạy, thì phúc lành của Chúa sẽ tuôn đổ xuống trên ta. Nếu ta phản nghịch bất tuân, thì “đại hồng thủy” sẽ hủy diệt ta như thời ông Nôê. Thiên Chúa đã muốn các thụ tạo của Người: không chỉ hiện hữu, mà còn, hiện hữu một cách tốt đẹp, Thiên Chúa đã muốn cho Đức Khôn Ngoan của Người khuôn mình theo thụ tạo, mà in vào tất cả và vào từng vật: dấu ấn, mang hình ảnh của Người; nhờ thế, chúng ta thấy rõ các thụ tạo được tô điểm, cách khôn ngoan, và xứng đáng là những công trình của Thiên Chúa. Nhờ sự khôn ngoan Thiên Chúa ban cho đó, ta có khả năng nhận thức và hiểu biết, đồng thời, cũng có khả năng đón nhận Đấng là Đức Khôn Ngoan, và nhờ Người, mà ta nhận biết Chúa Cha. Thế gian đã không dùng sự khôn ngoan, mà nhận biết Thiên Chúa, ở những nơi, Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người, cho nên, Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ, để cứu những người tin. Quả thế, Thiên Chúa muốn cho Đức Khôn Ngoan nhập thể làm người, và chịu chết khổ hình thập giá, để từ nay, tất cả những ai tin, thì sẽ được cứu độ. Yêu mến Chúa, thì sẽ tuân giữ lời Chúa, chứ không giả hình giả bộ: nói mà không làm, hoặc nói một đàng làm một nẻo. Ước gì chúng ta biết tránh xa men Pharisêu và men Hêrôđê, mà tuân giữ những gì Chúa dạy, để trở nên đền thờ của Chúa. Ước gì được như thế!