Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 7 TN –Tuần 10/2024

Thứ năm - 13/06/2024 23:29
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 7 TN –Tuần 10/2024
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 7 TN –Tuần 10/2024
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
Thứ 7 TN –Tuần 10/2024
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/

----------------------------------
Mục Lục:

Suy Niệm 1: Có thì nói có. 1
Suy Niệm 2: Đời sống mới 3
Suy Niệm 3: Có thì nói có. 4
Suy Niệm 4: Ai là người nói thật 5
Suy Niệm 5: Không được thề. 6
Suy Niệm 6: Con cái Chúa phải chân thật 7
Suy Niệm 7: Sống tín nghĩa, nói thật sống thật 8
Suy Niệm 8: Chân thật trong lời nói 9
Suy Niệm 9: Trung thực trong lời nói 11
Suy Niệm 10: Công chính mới-trung thực trong lời nói 13
Suy Niệm 11: Chúa bảo chúng ta: Đừng thề chi cả. 15

--------------------------------
Có thì nói có, không thì nói không.
Thứ Bảy tuần 10 thường niên.
"Thầy bảo các con: đừng thề chi cả".

Lời Chúa: Mt 5, 33-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: "Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa".
Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được.
Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".

---------------------------------

 

Suy Niệm 1: Có thì nói có


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ)

Việc thề vẫn có trong các nền văn hóa nhân loại.
Người ta thề để người khác tin lời của mình hơn,
vì nếu không giữ lời thề sẽ bị các thần minh nguyền rủa.
Người Do thái từ xa xưa cũng đã có thói quen thề.
Thề là nại đến Thiên Chúa để làm chứng cho điều mình nói.
Hêrôđê Antipas đã thề hứa với cô bé con bà Hêrôđia (Mt 14, 7).
Lời thề của một người lãnh đạo như ông đã khiến ông bị kẹt.
Phêrô đã chối Thầy kèm theo những lời thề thốt (Mt 26, 72. 74),
vì ông sợ người ta không tin lời ông nói.
Đức Giêsu biết chuyện Luật Môsê cấm bội thề,
và phải giữ trọn điều đã hứa với Đức Chúa (c. 33).
Nhưng quan điểm của Ngài trong Bài Giảng trên núi là không thề gì cả.
Không cần thề để xin Đức Chúa làm chứng cho lời ta nói,
vì mọi lời ta nói, Ngài đều biết và làm chứng.
Vì những sơ xuất trong việc giữ lời thề
có thể làm Thánh Danh Đức Chúa bị xúc phạm, nên khi thề,
người Do thái thường thay Danh Chúa bằng một vật gì đó (Mt 23, 16-22).
Tương tự như ở Việt Nam, họ dùng trời hay đất để thề.
Họ cũng thề nhân danh Đền thờ Giêrusalem hay chính đầu của mình
Đối với Đức Giêsu, điều đó cũng chẳng làm nhẹ tội chút nào,
vì trời, đất, Đền Thờ, hay đầu của chúng ta cũng đều thuộc về Chúa.
Trời quan trọng vì là ngai của Thiên Chúa.
Đất quan trọng vì là bệ dưới chân Người.
Đền thờ quan trọng vì là thành của Đức Vua cao cả.
Đầu cũng chẳng thuộc quyền con người,
vì màu trắng hay đen của sợi tóc nằm ngoài tầm chi phối của họ (cc. 34-36).
Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả,
Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật,
tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy.
Thánh Giacôbê đã nhắc lại giáo huấn của Đức Giêsu khi viết:
“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không,
như thế anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5, 12).
Mọi thêm thắt đều do ác thần (c. 37).
Giáo hội sơ khai đã giữ lệnh truyền này một cách nghiêm túc.
Nhưng từ đầu thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng các hình thức tuyên thệ.
Giáo sư trong các chủng viện vào đầu năm học, phải tuyên thệ
trung thành giảng dạy giáo lý chính thống của Giáo hội.
Các lời khấn của tu sĩ cũng là những lời thề hứa sống như Giêsu.
Dù sao chúng ta cũng là những con người mong manh, hay thay đổi.
Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là những việc vượt sức con người.
Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu.
Chỉ xin sự trung tín của Thiên Chúa nâng đỡ sự trung tín của chúng ta.
 
Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.
R. Tagore (Đỗ Khánh Hoan dịch)
 
---------------------------------

 

Suy Niệm 2: Đời sống mới


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Cuộc kiện toàn Lề Luật nhằm đưa đến kết quả tối ưu. Đó là sự sống. Sự sống mới trong Chúa. Vĩnh cửu. Từ bỏ sự sống mau qua của trần gian. Tại sao phải thể thốt? Đó là để đạt được trần gian. Trước hết là lòng tin. Thực ra khi phải thề thì niềm tin đã suy giảm rồi. Thường đạt được lòng tin là để được một mối lợi ở đời này. Chúa Giê-su dạy ta đừng thề thốt. Đừng tìm nương tựa nơi người đời. Đừng tìm lợi lộc đời này. Nhất là phải dùng lời thề. Hãy sống trong Chúa. Chúa là sự thật. Khi sống trong Chúa ta sống trong sự thật. Sự thật đơn sơ. Nguyên tuyền. Chúa là sự sống. Khi sống trong Chúa ta là đạt đến sự sống. Sự sống mới. Đời đời.

Chúa Giê-su đã làm gương cho ta. Người đã chết cho trần gian. Không màng một mối lợi nào nơi trần gian. Không tìm được uy tín nơi trần gian. Vì thế ta cũng phải đi theo con đường của Người. Chết cho trần gian. Để sống cho Thiên Chúa. “Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”. Sống cho Chúa ta được hoà giải với Chúa Cha. Được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Ta trở nên thụ tạo mới. “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi”. Ta được đổi mới vì Chúa đã chịu tội thay để ta được nên công chính. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”. Vậy ta phải sống trong Chúa. Dứt bỏ lối sống cũ. Để từ nay không còn nhìn xem, phán đoán và cư xử theo xác thịt nữa. “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người”. Ta sống sự sống mới (năm lẻ).

Ê-li-sa là người làm gương cho ta. Ông là người giầu có. Có nhiều ruộng. Có gia nhân. Có nhiều súc vật. Đang cầy ruộng với 12 cặp bò. Nhưng khi được Ê-li-a kêu gọi, ông đã giã từ đời sống cũ. Giã từ những giá trị trần gian. Quyết liệt. Khi giết bò. Chẻ cầy. Đốt làm lễ toàn thiêu dâng Chúa. Để giã từ trần gian. Từ nay sống cho Chúa. Nghèo nàn trong Chúa. Phụng sự Chúa. Sống trong Chúa. Ông sống sự sống mới. Trong ân sủng. Trong tương giao nghĩa thiết với Chúa. “Ông Ê-li-sa bỏ ông Ê-li-a mà về,bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông” (năm chẵn).

Xin cho con biết từ bỏ trần gian với những giá trị của nó. Để tìm sự sống mới trong Chúa. Trong sự thật. Trong tình bạn với Chúa.

---------------------------------

 

Suy Niệm 3: Có thì nói có


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả là vàng. Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi!

Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ mà ra". Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.

Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.

Những vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quán quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết,
Cũng không nói ghét thành yêu.

Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.

Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta can đảm để làm chứng cho lời chân lý của Ngài.

---------------------------------

 

Suy Niệm 4: Ai là người nói thật


Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (Mt. 5, 33-34)

Mọi người đều dối trá

Mỗi ngày ta đều có được những kinh nghiệm sống tuy nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa. Chẳng hạn mấy đứa con chúng ta cãi lộn nhau. Đứa này bảo đứa kia đã gây sự trước. Đứa kia cũng nói lại như vậy. Đứa nào đúng? Một tin lớn đăng tải trên trang đầu của tờ báo. Hôm sau lại nói ngược lại. Tin nào đúng? Chính quyền tỉnh cho công bố những bảng thống kê. Mười ngày sau chính quyền liên bang lại đưa ra bảng thống kê của mình. Phải tin ai đây?

Trong xã hội ta hôm nay, những thông tin quả là phong phú, những phương pháp truy cứu lại rất khoa học, những bản điều tra thật tường tận, vậy mà chúng ta vẫn luôn phải tự hỏi rằng: “Ai đúng?” Ta thường xuyên liên hệ với những người mà ta tin là liêm chính và ngay thẳng. Ta tin cậy họ, thậm chí có thể yêu mến họ. Nhưng biết bao lần ta phải tự hỏi: “Không biết lần này ông ta có nói đúng sự thật cho mình không?”. Ta có cảm tưởng như chung quanh ta mọi người đều dối trá cả

Cho đến giờ, ta đã chỉ nói đến những người nói dối ta. Thiết tưởng cũng nên nhìn vào mình một chút. Ai trong ta, xưa rày chỉ nói sự thật? Chúng ta chắc cũng không lạ gì với những cách nói nửa vời, những câu trả lời lấp lửng, những kiểu thêm thắt, bịa điều đặt chuyện, nói quanh co điều ta nghĩ và biết, chung quy gọi là dối trá, lươn lẹo.

Hãy vun trồng sự thật

Chúa Giêsu yêu cầu ta vun trồng sự thật. Nói “có” khi phải nói “có”, nói “không” khi phải nói “không”. Nói “có” hay “không” dều phải rõ ràng dứt khoát. Đạt được như vậy, không phải là chuyện đơn giản. Ta thường phải khó chịu, đôi khi phải nhượng bộ nữa. Để biết nói sự thật, tâm hồn ta phải thật trong sáng, ngay thẳng và trong một vài trường hợp, phải có nhiều can đảm. Thế nhưng ta phải tập cho quen biết nói sự thật, và phải tập ngay từ bây giờ, bằng không sẽ chẳng bao giờ biết nói sự thật cả.

---------------------------------

 

Suy Niệm 5: Không được thề


Có những lần chúng ta đã nghe thấy những câu thề thốt đáng sợ như: "Tôi thề có đất trời chứng dám, sự việc xảy ra đúng như vậy, nếu không thì cho tôi bị chết bất đắc kỳ tử”. Như vậy, theo quan niệm của con người, lời thề thông thường là nối liền với sự tự rủa bản thân mình để chứng thực điều quả quyết. Khi đã thề, đòi buộc người thề không được bội ước.

Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ rằng: “Đừng thề chi cả [...]. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Thực ra, thề có độc địa đến đâu, thì lời thề đó cũng khó có thể thành hiện thực. Như một lời nhắc nhở, Đức Giêsu cho biết, những lời thề đó là những điều phạm thánh, nếu cố tình vi phạm, không ăn năn hối cải sẽ bị Chúa phán xét nặng trong ngày diện kiến với Chúa.

Trên thực tế, con người ta có nhiều điều bất hảo. Thử hỏi có ai làm cho tóc hóa đen, hay kéo dài tuổi thọ của mình trên trần gian? Nếu điều đó cũng không làm được, thì nói chi đến những chuyện động địa như trong lời thề!

Hôm nay, Lời Chúa dạy cho chúng ta bài học về sự chân thật. “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ".

Chúng ta không được phép thêm bớt để rồi làm cho người khác bất hạnh. Hãy sống thật với lòng mình thì sẽ được Chúa chúc phúc. Đừng sống kiểu: “Khẩu Phật, tâm xà”; hay: “Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý đến với mỗi người chúng con, để chúng con biết sống ngay thẳng, công tâm, hầu xứng đáng là con cái Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

---------------------------------

 

Suy Niệm 6: Con cái Chúa phải chân thật


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa là Đấng chân thật. Con cái Chúa cũng phải chân thật. Môi miệng chân thật là môi miệng con cái Chúa. Môi miệng dối gian là môi miệng Xa-tan.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay Chúa dạy con: đừng thề chi cả. Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là do ác quỷ mà ra. Nhưng trong thực tế, chúng con rất hay thề, không thề thì không ai tin. Tuy nhiên, con thấy những người có uy tín trong xã hội không cần thề mà người ta vẫn tin lời họ nói. Chúa đang dạy con sống uy tín, thẳng thắn, thật thà, xứng danh con cái Chúa. Chính cách sống ngay thẳng của con là bằng chứng cho môi miệng con chân thực.

Lạy Chúa, Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Chúa đã sống thật, nói thật, cho dù sự thật đó dẫn Chúa đến thập giá. Chúa đả kích sự giả dối, Chúa vạch trần những thái độ giả hình, Chúa không thỏa hiệp với cách sống lươn lẹo của trần gian. Chúa nêu gương và dạy con phải chân thật.

Lạy Chúa, con hay bị cám dỗ sống gian dối. Gian dối có thể đưa đến cho con một mối lợi, gian dối có thể tránh cho con một hiểm họa, gian dối có thể làm cho người khác nể sợ con hơn. Nhưng khi sống gian dối, là một cách nào đó con đang bán mình cho Xa-tan, không còn là con cái Chúa nữa.

Xin giúp con luôn xác tín rằng: làm con cái Chúa là một mối lợi vĩnh cửu; làm con cái Chúa giúp con tránh được cái họa đời đời; và Chúa chỉ coi trọng con khi con biết sống chân thực. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy bảo các con: đừng thề chi cả”.

---------------------------------

 

Suy Niệm 7: Sống tín nghĩa, nói thật sống thật


(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có một người nông dân nghèo khó nhưng đạo đức. Đi đâu anh cũng mang theo trong người cuốn sách kinh. Nhưng một buổi chiều nọ, trên đường từ chợ về nhà, anh không còn thấy quyển sách kinh trong túi của mình nữa. Anh bối rối vô cùng vì đã đến giờ cầu kinh mà anh lại không nhớ bất cứ lời kinh nào cả.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng người nông dân ngước mắt lên trời cầu nguyện mà không có quyển sách kinh trước mắt. Anh cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, con đã phạm một điều thật đáng trách. Sáng nay con vội vã ra đi mà không mang theo quyển sách kinh. Mà trí nhớ của con tồi tàn, đến độ đã bao năm trời cầu kinh mà con không nhớ được một kinh nào cả. Xin cho phép con được làm như thế này: Con xin đọc chậm rãi mỗi lần năm mẫu tự. Và Chúa là Đấng quen thuộc những kinh đọc của con, xin Chúa hãy thêm các chữ khác vào. Và như thế các lời kinh của con được hoàn tất.

Nghe thế, Chúa liền nói với các thiên thần: “Trong tất cả những lời kinh mà ta nghe đọc hôm nay, đây là lời cầu nguyện đẹp nhất vì nó xuất phát từ một tấm lòng đơn sơ và chân thật” (Trích “Món quà giáng sinh”).

Suy niệm

Chúa Giêsu dạy sống thành tâm tín nghĩa, nói thật sống thật, không nên thề thốt, tuyệt đối không thề gian. Thề thốt mà bất tín thì cũng vô ích.

Ngày nay trong nhiều sự việc, hoàn cảnh, giá trị của lời nói chân thật không được đề cao, tạo nên sự bất tín trong đời sống xã hội và truyền thông.

Đức Giêsu đã xác định rõ phải nói thật, không được dối trá: “Có thì nói rằng có. Không thì nói rằng không, những điều gì thêm ra chính là ý của tà ma” (Mt 5,37). Chúng ta phải ăn, nói và sống chân thành vì chính Chúa là “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Người sống chân thành được ở bên Chúa: “… Ai được ở trong nhà Chúa. Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng. Bụng nghĩ sao nói vậy, lời nói chẳng vu oan” (Tv 14). Sách Cách Ngôn dạy lời chân thành mang giá trị vĩnh cửu: “Miệng lưỡi chân thành thì còn mãi, mồm mép dối trá chỉ kéo dài trong chốc lát” (Cn 12,19).

Khi giáo huấn chúng ta, tông đồ Giacôbê đã lặp lại giáo huấn tôn trọng sự thật của Thầy Giêsu: “Nếu có thì hãy nói rằng có, không thì hãy nói là không để khỏi ra án phạt” (Gc 5,12). Cho nên, thánh Phaolô nhấn mạnh phải đối xử chân thành với nhau vì mọi người đều là anh em và là chi thể của nhau trong cơ thể nhân loại: “Anh em hãy bỏ dối trá, anh em mỗi người hãy nói thật với người đồng loại vì chúng ta đều là chi thể của nhau” (Ep 4,25).

Sống trong sự thật, chúng ta sẽ được giải phóng, chính Đức Giêsu khẳng định: “Các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ cho các ngươi được tự do” (Ga 8,32).

Ý lực sống: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37).

---------------------------------

 

Suy Niệm 8: Chân thật trong lời nói


(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu đến kiện toàn Lề luật và lời các tiên tri nên Ngài dạy các môn đệ: Luật xưa cấm bội thề (lỗi lời thề), nghĩa là luật xưa cho phép thề nhưng một khi đã thề thì không được bỏ lời thề, mà phải làm đúng theo lời đã thề hứa. Còn Thầy, Thầy không cho thề thốt chi hết, mà phải luôn luôn thành thật: bụng nghĩ sao, miệng nói vậy, luôn luôn phải nói đúng sự thật, mọi lời giả dối, phỉnh gạt là do “ác quỷ” bầy vẽ bịa đặt, làm cớ cho người ta lỗi phạm lề luật và mất uy tín, không tin cậy nhau.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự lương thiện và chân thật trong lời nói cũng như những hành động của con người. Ngài cho chúng ta hiểu rằng Ngài chính là cội nguồn của chân lý và chân lý của Ngài giải thoát chúng ta khỏi các ảo tưởng và sự giả dối. Chính vì thế, Chúa Giêsu lên án những kẻ làm chứng dối và luôn cả những kẻ lấy danh Thiên Chúa mà thề nguyền. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn đệ rằng lời nói của các ông phải bắt rễ từ cội nguồn sự thật là Thiên Chúa, mà không cần tới một nghi thức, hay thủ tục rườm rà hay giả tạo nào của xã hội loài người đặt ra để bảo đảm cho lời chứng của mình.

Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả là vàng.

Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi!

Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra”. Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời nói và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của mình đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào (Mỗi ngày một tin vui).

“Có thì nói là có, không thì nói là không” (Mt 5,37)

Về vấn đề này, thánh tiến sĩ Tôma Aquinô đã ghi lại trong sổ tay một đoạn văn ngắn sau đây: “Thiên Chúa chính là một bậc thầy tuyệt hảo, Ngài đã để lại cho chúng ta 2 tác phẩm siêu việt, để chúng ta có thể được học hỏi một cách chu đáo. Đó chính là pho sách Tạo vật và pho sách Kinh thánh. Riêng với pho sách Tạo vật, thì có bao nhiêu tạo vật trong vũ trụ thì có bấy nhiêu chương sách tuyệt mỹ trong tác phẩm ấy. Cuốn sách khổng lồ này đã dạy cho chúng ta sự thật mà không pha trộn vào đó một chút giả dối nào cả. Vì thế, khi có người đến hỏi nhà hiền triết Aristote rằng, ông ta đã học được ở đâu mà có được những cơ sở lý luận, những tư tưởng trung thực và cao cả đẹp như vậy, thì ông ta đã trả lời: “Tôi đã học được từ chính các tạo vật quanh tôi, bởi vì các tạo vật thì không bao giờ biết nói dối”.

Thiên Chúa rất ghét sự gian trá, Ngài đã phạt thật nặng những người lừa đảo, thiếu thành thực. Sách Tông đồ Công vụ có thuật lại: Hồi ấy, có hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, lấy tiền dâng các tông đồ, nhưng lại lừa đảo thánh Phêrô, giữ lại một phần. Người chồng là Anania đưa tiền để dưới chân thánh Phêrô, và vì thiếu thành thực, nên thánh Phêrô đã nặng lời lên án hành vi giả trá của anh. Lập tức anh ngã lăn ra chết.

Ba giờ sau người vợ là Saphira đến gặp thánh nhân và khi thánh nhân hỏi: Tiền bán ruộng chỉ có bấy nhiêu sao? Saphira lừa dối thánh nhân trả lời là: “Chỉ có ngần ấy”, và Saphira cũng ngã lăn ra chết (x. Tđcv 5,1-11).

Truyện: Nhà hiền triết Xénophon với cái lưỡi

Nhiều người trong chúng ta thuộc lòng câu chuyện “Cái lưỡi” của Xénophon, sống vào thế kỷ thứ 6, Xénophon bị bắt làm nô lệ trong một nước láng giềng. Biết ông là người tài giỏi, vua trao cho ông nhiều việc. Một trong những việc quan trọng là thiết tiệc. Vua sai ông chọn một món ăn ngon nhất để đãi khách. Ông liền ra chợ mua toàn là lưỡi về nấu. Thực khách ăn và khen ngon.

Nhưng một lần, hai lần, ba lần, lần nào người đầu bếp cũng chỉ đãi toàn lưỡi. Ngạc nhiên, nhà vua cho tìm ông đến hỏi lý do. Người nổi tiếng là khôn ngoan mới giải thích: Còn gì quí hoá cho bằng lưỡi: lưỡi là máy khôn ngoan, nhờ lưỡi ta học biết điều khôn ngoan, nhờ lưỡi con người biết ca tụng lẫn nhau, nhờ lưỡi con người giao ước với nhau và dâng lời cảm tạ Thượng Đế, không gì cao quí cho bằng lưỡi.

Nhà vua lấy làm ưng ý về sự giải thích đó, và để thử lòng nhà hiền triết, vua sai ông nấu một món ăn dở nhất. Lại một lần nữa, Xénophon nấu toàn là lưỡi. Khi được vua chất vấn, ông giải thích: Tâu bệ hạ, còn gì xấu xa cho bằng cái lưỡi, dưới ánh mặt trời này còn gì xấu xa mà lưỡi không can dự vào: phản bội, bất công, gian dối, lừa đảo, trộm cắp, giết người, chiến tranh, tất cả đều do cái lưỡi: nó có thể làm sụp đổ cả Đế quốc, có thể huỷ hoại cả một dân tộc, đạp đổ cả một gia đình, còn gì xấu xa cho bằng cái lưỡi.

Ai trong chúng ta cũng hơn một lần hối tiếc vì những lời do miệng lưỡi chúng ta thốt ra. Và một lời lẽ xúc phạm đến người khác cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa. Một lời dối trá cũng là một lừa đảo người khác, đồng thời xúc phạm đến bản thân bởi vì đánh đổ hình ảnh của Thiên Chúa – Đấng chân thật.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 9: Trung thực trong lời nói


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Tiếp tục giải thích về sự công chính mới, hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự trung thực trong lời nói:

Điều cốt yếu của lời nói là sự trung trực “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”. Một khi đã trung thực trong lời nói thì không cần thề nữa.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Thời nay, “nói” thay vì để thông đạt sự thật, đã trở thành phương tiện giúp đạt được điều người ta mong muốn: nói sao cũng được miễn đạt được mục đích thôi. Trong làm ăn, trong chính trị đã thế, mà buồn thay trong những cộng đoàn huynh đệ của Giáo Hội nhiều khi cũng thế.

“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” vì trẻ con rất trung thực. Phải chăng người thời nay đã già cỗi quá rồi, đã đánh mất sự trung thực hồn nhiên của tuổi thơ? Bởi đó Chúa Giêsu nói “Ai không trở nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước trời”.

2. “Lỗi về sự trung thực không phải chỉ là nói dối, vu khống mà còn là nói lệch đi một chút (xuyên tạc), hứa mà không làm, hẹn mà không giữ đúng…

3. Trung thực: người cha có hai con gái ở tuổi thanh xuân. Một cô rất đẹp và một cô kia có dáng vẻ bình thường. Ngày nọ, khi cả hai đang chuẩn bị tới trường, cô bé đẹp hơn nhìn vào gương, rồi phàn nàn với cha rằng gương này không phản chiếu hình ảnh trung thực của cô.

Thay vì giận dữ, ông bố khuyên con: “Ba muốn cả hai con nhìn vào gương đó mỗi ngày. Các con có được vẻ đẹp tự nhiên, phải tự nhắc mình đừng bao giờ làm mất đi vẻ đẹp của gương mặt bằng những hành động xấu. Và con là người không đẹp, con có thể che dấu sự thiếu vẻ đẹp đó bằng sự duyên dáng nơi những đức tính và các cư xử đẹp của con”. (Góp nhặt)

4. “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Mỗi lần tôi xa nhà, mẹ tôi đều căn dặn: con phải sống thật thà với Chúa, với mọi người xung quanh và với chính mình. Mẹ ước mong cho tôi nên người có giá trị, luôn có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác. Để được như thế tôi không nên nghi ngờ, dối gian, mà phải sống trung thực đặc biệt trong lời nói. Chúa cũng dạy tôi như vậy “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Lời dặn của mẹ là lời dạy của Chúa còn đó. Nhưng tôi đã không đủ cam đảm để thực thi, để rồi lời dạy ấy như gió thoảng, chợt đến rồi vội đi.

Lạy Chúa, xin cho con biết làm chủ suy nghĩ và làm chủ miệng lưỡi con, vì thật thà là dấu chỉ của con cái Chúa, quanh co gian lận là sản phẩm của sa tan. (Hosanna)

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 10: Công chính mới-trung thực trong lời nói


(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Chúng ta nghe Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về sự công chính mới. Hôm nay, Chúa dạy mọi người về sự trung thực trong lời nói:

Điều cốt yếu của lời nói là sự trung thực: “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra” (Mt 5,37).

1. Vâng! Sự trung thực bao giờ cũng là điều hết sức quí giá. Thời nào cũng thế.

Ngày xưa, nước Lỗ có một cái đỉnh rất cao quí. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang. Vua Tề bảo:

- Phải có Nhạc Chính Tử đem sang nói, ta mới tin!

Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi. Nhạc Chính Tử hỏi:

- Sao không đưa cái đỉnh thật?

- Ta quí nó lắm?

 Vua Lỗ nói.

Nhạc Chính Tử thưa:

- Nhà vua quí cái đỉnh ấy thế nào, thì tôi cũng quí cái đức “tín” của tôi như thế!

Sau, vua Lỗ phải đưa cái đỉnh thật, Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

Chúa rất ghét sự gian trá. Chúa đã phạt thật nặng những người lừa đảo, thiếu thành thực. Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 5,1-11) có thuật lại:

Hồi ấy có hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, lấy tiền dâng các tông đồ, nhưng lại lại lừa đảo thánh Phêrô, giữ lại một phần. Người chồng là Anania đưa tiền để dưới chân thánh Phêrô, và vì thiếu thành thực, nên thánh Phêrô đã nặng lời lên án hành vi giả trá của anh. Lập tức anh ngã lăn ra chết.

Ba giờ sau người vợ là Saphira đến gặp thánh nhân và khi thánh nhân hỏi: “Tiền bán ruộng chỉ có bấy nhiêu sao?” Saphira lừa dối thánh nhân, trả lời là: “Chỉ có ngần ấy”. và Saphira cũng ngã lăn ra chết.

Chúng ta hãy cố gắng sống thành thực với nhau. Đồng thời chúng ta cũng phải nghĩ tới việc sống thành thực với Chúa.

 2. “Lỗi về sự trung thực không phải chỉ là nói dối, vu không mà còn là nói lệch đi một chút (xuyên tạc), hứa mà không làm, hẹn mà không giữ đúng.

Chúa bảo “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).

Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội là Thomas d’Aquin, dòng Đaminh, đã ghi lại trong sổ tay một đoạn văn ngắn sau đây:

“Thiên Chúa chính là một bậc Thầy tuyệt hảo, Ngài đã để lại cho chúng ta 2 tác phẩm siêu việt để chúng ta có thể được học hỏi một cách chu đáo. Đó chính là pho sách Tạo Vật và pho sách Kinh Thánh. Riêng với pho sách tạo vật, thì có bao nhiêu tạo vật trong vũ trụ thì cũng có bấy nhiêu chương sách tuyệt mỹ trong tác phẩm ấy. Cuốn sách khổng lồ này đã dạy cho chúng ta sự thật mà không pha trộn vào đó một chút giả dối nào cả. Vì thế, khi có người đến hỏi nhà hiền triết Aristote rằng, ông ta đã học được ở đâu mà có được những cơ sở lý luận, những tư tưởng trung thực và cao đẹp như vậy, thì ông ta đã trả lời: “Tôi đã học được từ chính các tạo vật quanh tôi, bởi vì các tạo vật thì không bao giờ biết nói dối!”

Người ta kể lại một câu chuyện về chuyến viếng thăm nhà tù của quận công Osola như sau:

Hôm ấy quận công Osola được dẫn đi thăm một nhà tù nổi dọc bờ sông. Các tù nhân được tự do trao đổi ý kiến cùng quận công. Ngài ân cần hỏi thăm xem vì những lý do gì mà họ bị giam giữ. Mỗi tù nhân được tự do trình bày về sự lầm lẫn của guồng máy công lý. Nhiều phạm nhân đã một mực không chịu nhận tội mình. Người thì than là anh ta phải bị phạt vào đó chỉ vì ông quan toà thích vậy, người khác nữa lại khăng khăng đổ tội cho lòng ganh tị của kẻ thù riêng. Nói chung, không ai đáng tội phải cầm tù tại đó cả. Cuối cùng có một tù nhân thưa.

- Thưa ngài quận công, tôi thật đáng hình phạt, vì tôi cần tiền, tôi đã ăn trộm và bị bắt.

Ngài quận công rất cảm động với lòng thành thật và khiêm nhường của tội nhân này. Giữa đoàn tù nhân xúm quanh, ngài nói lớn tiếng:

- Anh thật có tội, không xứng đáng ở chung với chúng tôi. Anh hãy rời khỏi nơi đây lập tức.

Ngay tức thì, ngài quận công tha bổng cho tù nhân khiêm tốn chân thành đó.

Để kết thúc, xin gửi anh chị em một trích đoạn của một bài thơ này. Bài thơ của nhà thơ Phùng Quân. Bài thơ có tên cũng rất hay: Lời Mẹ Dặn.

Con ơi! trước khi nhắm mắt,
Cha con dặn con
Suốt đời phải làm người chân thật.
Mẹ ơi! Chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi! một người chân thật:
Thấy vui, muốn cười, cứ cười.
Thấy buồn, muốn khóc, cứ khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ báo ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn.
Những lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn mầu son chói đỏ
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khổ bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

------------------------------

 

Suy Niệm 11: Chúa bảo chúng ta: Đừng thề chi cả


(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Chúa là Đấng chân thật, là chân lý, nới Chúa không có gì là gian dối, cho nên Chúa dạy chúng ta phải sống thành thật, tôn trọng sự thật: “Sự thật sẽ giải thoát các con” (Ga 8, 32).

Trong lịch sử cứu độ, từ thời xa xưa trong dân tộc Do Thái và cả chúng ta hôm nay, Chúa nói điều gì là Chúa sẽ nhớ và sẽ thực hiện, Chúa không bao giờ quên, Chúa không bao giờ nuốt lời với chúng ta. Vì thế, con người chúng ta cần một niềm tin vững vàng, mãnh liệt, và sự chờ đợi vào Chúa là như vậy.

Con người chúng ta ngày hôm nay dường như yêu sự dối trá hơn là yêu sự thật, yêu sự gian xảo hơn là yêu sự chân thành, nhất là những người không có niềm tin và Chúa. Do đó, các xã hội xảy ra nhiều vấn đề rối rắm. Đó là con người chúng ta không tin nhau, nghi kỵ lẫn nhau để rồi nảy sinh sự giận hờn, hận thù, chiến tranh, giết chết nhau, xã hội băng hoại, đạo đức con người chúng ta xuống cấp.

Vì thế mà Chúa nói với con người dương gian chúng ta một cách tha thiết bằng trái tim của Chúa: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: “Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra” (Mt 5, 33 – 37). Như vậy là chúng ta phải sống chân tình với nhau, và nói sự thật, dù sự thật đó có mất lòng nhau, dù ai có tin chúng ta nói hay không thì tùy ở họ, chúng ta không cần phải suy nghĩ gì.

Chúa nói chúng ta đừng lấy trời, lấy đất, lấy Giêrusalem, lấy đầu của chúng ta mà thề, vì tất cả những sự ấy là của Chúa. Chúng ta không có quyền lấy nó để bảo đảm cho các lời nói chúng ta, lời thề thốt của chúng ta là sự thật. Vì thế, chúng ta lại càng không được phép lấy tên Chúa, tên các thánh mà thề thốt nữa. Nếu chúng ta mà làm như vậy thì quả là chúng ta càng nặng tội, càng bất xứng, càng bị chê trách vô cùng.

Sau khi căn dặn chúng ta không được thế thốt, thì cuối cùng Chúa nói: “Nói thêm thắt là do sự dữ mà ra” (Mt 5, 37b). Như vậy, nói dối, nói saisự thật, nói xạo, nó là sự dữ, nó tàn phá cuộc sống, nó làm cho chúng ta không đến với Chúa được, chúng ta phải xa tránh nó.

Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của chúng con (Tv 15), Chúa nắm giữ vận mạng, quá khứ, hiện tai, tương lai của chúng con. Vì thế, chúng con rất hân hoan vui mừng, bởi Chúa là nơi chúng con tựa nương an toàn nhất, bảo đảm nhất và chúng con sẽ không bị hư nát sau này. Xin Chúa đừng bỏ rơi chúng con. Amen.

-------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây