Thường Niên 10 – Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ HT - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày

Chủ nhật - 05/06/2022 01:54
Thường Niên 10 – Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ HT - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên 10 – Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ HT - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên 10 – Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ HT,
Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:

TinMừng – TN 10 – Thứ 2 sau Lễ Hiện Xuống, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ HT, nhớ. 1
Suy Niệm 1. Đứng gần thập giá. 2
Suy Niệm 2. Vai trò Mẹ thiêng liêng của Đức Maria. 8
Suy Niệm 3. Hội Thánh Cùng Mẹ Tiến Bước. 10
Suy Niệm 4. Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, cầu cho chúng con. 13
Suy Niệm 5. Mẹ Hội Thánh. 16
Suy Niệm 6. Đức Maria – Mẹ Giáo Hội 17
Suy Niệm 7. ĐGH Phanxicô thiết lập lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội 20
Suy Niệm 8. Đức Maria – Mẹ Giáo hội 21
Suy Niệm 9. Đức Maria Là Mẹ Giáo Hội 24
Suy Niệm 10. Mẹ đau khổ. 26
Suy Niệm 11. Mẹ khả ái của Giáo Hội--P.K.M,CMC.. 28
Suy Niệm 12. Đức Maria Là Mẹ Giáo Hội 34
Suy Niệm 13. Đức Maria, Mẹ Hội Thánh. 36

----------------------------------------
 

TinMừng – TN 10 – Thứ 2 sau Lễ Hiện Xuống, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ HT, nhớ


"Này là Con Bà. Này là Mẹ con."

 Lời Chúa: Ga 19, 25-27

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người, cùng với chị mẹ Người là bà Maria, vợ ông Clêôpas và Maria Mađalêna.

Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình.

--------------------------------------

 

Suy Niệm 1. Đứng gần thập giá


Ga 19,25-34

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Khi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá,

các Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc đến các phụ nữ Galilê.

Họ chỉ đứng nhìn Thầy từ xa (Mt 27,55; Mc 15,40; Lc 23,49).

Còn Tin Mừng Gioan lại mô tả nhóm phụ nữ đứng gần thập giá.

Người phụ nữ đầu tiên được kể tên là thân mẫu Đức Giêsu.

Mẹ đã theo Con đến tận núi Sọ,

dám chứng kiến và cảm nghiệm mọi nỗi đau của Con.

Mẹ can đảm nhận mình là mẹ của người tử tội,

đang ở trong giây phút cuối đời, đang đối diện với cái chết.

Người gần chết thường hay trối trăng một điều quan trọng,

một điều cần phải làm sau khi họ nhắm mắt.

Đức Giêsu trên thập giá cũng muốn để lại một lời trối.

Từ trên cao, Ngài nhìn thấy thân mẫu của mình

và người môn đệ mình yêu dấu đứng kề bên,

Ngài muốn tạo một tương quan thân thiết giữa họ.

Ngài nói với Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”

Rồi nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26-27).

Hai người không ruột thịt máu mủ, bây giờ thành mẹ con.

Có người nghĩ chuyện Đức Giêsu làm ở đây cũng thường thôi.

Vì biết mình sắp chết, nên Ngài giao phó Mẹ cho môn đệ,

để anh này thay mình chăm sóc Mẹ cho tròn chữ hiếu.

Thật ra lời trăng trối của Đức Giêsu mang tầm vóc lớn hơn nhiều.

Chúng ta không rõ khi Ngài lên đường đi sứ vụ, ai đã lo cho Mẹ.

Ngài để lại Mẹ ở nhà, và Ngài đòi các môn đệ cũng làm như thế.

Không rõ lúc cuối đời, Ngài có thấy cần người chăm sóc Mẹ không?

Dù sao trước khi Ngài nói với anh môn đệ: “Đây là mẹ của anh”

thì Ngài đã giới thiệu anh với Mẹ: “Đây là con của bà.”

Ngài xin Mẹ nhận anh này làm con và chăm sóc anh.

Sau đó Ngài mới giới thiệu Mẹ với anh: “Đây là Mẹ của anh.”

Người môn đệ đã nhận bà làm mẹ, và đã đón bà về nhà mình.

Đức Giêsu đã làm xong chuyện cuối cùng mà Ngài phải làm,

đó là tạo lập một tương quan mẫu tử giữa Mẹ và anh môn đệ.

Với sự bình an thanh thản của người đã hoàn thành sứ mạng,

Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất !” (Ga 19,28.30).

Có người nghĩ rằng Thầy Giêsu trên thập giá

chỉ muốn nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài mến thương.

Đó là chuyện thuần túy riêng tư giữa hai người.

Anh môn đệ này không đại diện cho các kitô hữu,

nên cũng chẳng có tương quan nào giữa Mẹ Maria và chúng ta.

Truyền thống Công giáo nghĩ không nghĩ như thế,

nhưng coi cử chỉ trăng trối cuối cùng này của Đức Giêsu

đã kết nên mối dây giữa Mẹ Ngài với mọi kitô hữu.

Đức Giêsu đã chia sẻ tương quan làm con của Mẹ cho chúng ta.

để chúng ta cũng có thể coi Mẹ Maria là Mẹ của mình.

Đây là món quà quý giá Ngài ban cho ta lúc gần kề cái chết.

Chẳng thấy Mẹ hay anh môn đệ nói gì sau lời của Đức Giêsu,

nhưng chúng ta biết cả hai đã sống tương quan mới sau đó.

Đức Maria đã trở nên mẹ của từng kitô hữu.

Mẹ đã là môn đệ trung tín theo Con mình đến tận thập giá.

Người môn đệ Chúa yêu đứng gần cũng theo Thầy đến cùng.

Cả hai làm nên một gia đình thiêng liêng.

Khi vào một nhà thờ Công giáo, chúng ta thấy lòng ấm lại,

vì có sự hiện diện cảm thông của một Người Mẹ,

Người đã ở với Đức Giêsu hơn ba mươi năm,

đã sinh dưỡng, dạy dỗ, chở che, và làm cho Ngài lớn lên.

Đức Maria là thành viên và là Mẹ của Hội Thánh,

là người đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ ở Galilê,

nhưng cũng là người có phúc hơn mọi phụ nữ,

là người cầu nguyện với các môn đệ chờ Thánh Thần đến,

nhưng cũng là người được Thánh Thần ngự từ lúc truyền tin.

Chúng ta mong Chúa Giêsu cứ nói với Mẹ: “Đây là các con của Bà.”

Và nói với chúng ta: “Đây là Mẹ của anh chị em.”

Và chúng ta cũng mong Mẹ nhắc nhở chúng ta nhiều lần:

“Hãy làm những gì Người bảo!”

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,
Chúng con tạ ơn Chúa Giêsu
đã ban cho chúng con một người mẹ
như quà tặng vô giá lúc Người sắp lìa đời.
Mẹ được chọn làm thân mẫu của Chúa
và được ban đầy ân sủng siêu phàm,
khiến muôn thế hệ phải ngợi khen chúc tụng.
Nhưng Mẹ cũng là tỳ nữ mọn hèn
luôn mau mắn thi hành ý định của Thiên Chúa,
dù Mẹ chẳng hiểu hết được mầu nhiệm cao sâu.
Chúng con tưởng Mẹ sẽ đi trên con đường đầy hoa,
nhưng thật ra Mẹ đã đi con đường của Chúa,
con đường gập ghềnh và trắc trở,
với lưỡi gươm sắc đâm thấu tâm hồn.
Trong đời Mẹ có bao tiếng xin vâng trên môi,
từ tiếng xin vâng đầu tiên đến tiếng xin vâng trên núi Sọ.
Những tiếng xin vâng này hợp với tiếng xin vâng của Con Mẹ
để Người đem ơn cứu độ cho chúng con.

Lạy Mẹ Maria,
là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con.
Mẹ đã sống trọn phận người như chúng con,
và đã chiến thắng sau khi kết thúc cuộc đời trần thế.
Mẹ hiểu chúng con cần lời cầu bàu của Mẹ biết bao
đang khi phải chiến đấu giữa trần gian đầy sóng gió.
Ước gì chúng con cũng có phúc vì đã tin như Mẹ,
có phúc vì đã làm cho Con của Mẹ được sinh ra,
và được lớn lên trong thế giới hôm nay. Amen.

--------------------------------------

 

Suy Niệm 2. Vai trò Mẹ thiêng liêng của Đức Maria


-Ngọc Yến, Vatican news

“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 25-27).

Chính đoạn Tin Mừng này chỉ cho thấy tước hiệu Đức Maria, Mẹ Hội Thánh. Ở đây, Chúa Giêsu ủy thác thánh Gioan cho Đức Mẹ như người con được tái sinh vào đời sống thiêng liêng mà chỉ có Mẹ mới làm được. Như thế đây không phải đơn giản là lòng sùng kính Mẹ, cầu nguyện với Đức Trinh Nữ với tước hiệu này, nhưng là tuân theo ý muốn của Chúa Giêsu, vì điều này được truyền lại cho chúng ta từ Kinh thánh: Chúa Giêsu, với những lời tuyên bố ngay lúc cận kề cái chết, xin Đức Maria chăm sóc mỗi người. Nhưng Chúa Giêsu cũng đòi hỏi mỗi người phải cảm thấy được ở trong mối tương quan tình con thảo với Mẹ.

Đức Maria trung tâm giáo lý về ơn Cứu độ

Lòng sùng kính đối với Đức Maria - giống như tôn kính Thánh giá và Bí tích Thánh Thể - luôn luôn là một trụ cột cơ bản của đức tin, nhưng với lễ nhớ Đức Maria, Mẹ Hội Thánh được thiết lập vào năm 2108, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn làm nhiều hơn nữa. Trước hết, ĐTC muốn làm thế nào để lòng sùng kính này có thể là điều tốt cho Giáo hội và có thể làm gia tăng ý nghĩa vai trò làm Mẹ trong Hội Thánh của Đức Maria, nhưng trên tất cả là đặt Đức Maria ở trung tâm giáo lý về ơn cứu độ. Thực tế, trong mối tương quan với Chúa Kitô, lòng đạo đức đối với Đức Maria xuất phát trực tiếp từ đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Bởi vì Chúa muốn Mẹ, một người phụ nữ, là Mẹ của Con Thiên Chúa, qua mẹ, con người có thể đạt tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Vai trò làm mẹ của Đức Maria bắt đầu bằng việc Truyền tin: Với lời xin vâng, Đức Mẹ ưng thuận để Chúa đi vào lịch sử. Và vì thánh ý Thiên Chúa, việc làm mẹ của Đức Maria không kết thúc dưới chân Thánh giá, mà trở nên vĩnh cửu. Hơn nữa, trong ngày Lễ Ngũ Tuần Mẹ còn hiện diện cùng với các tông đồ - các tín hữu đầu tiên chờ đợi Chúa Thánh Thần: đây là mối liên kết giữa việc kính nhớ Mẹ Hội Thánh với Lễ Chúa Thánh Thần mà Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh.

Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ trong giáo huấn của các Giáo hoàng

Tước hiệu Đức Maria Mẹ Hội Thánh có nguồn gốc xa xưa và đã hiện diện trong Giáo Hội thời của Thánh Augustinô và Thánh Leo Cả. Trong nhiều thế kỷ, lòng sùng kính Đức Mẹ với nhiều tước hiệu, nhưng với tước hiệu Mẹ Hội Thánh xuất hiện trong một số văn bản của các tác giả thiêng liêng và trong giáo huấn của ĐTC Benedict XIV và Leo XIII. Tuy nhiên, phải đợi đến ĐTC Phaolô VI mới có bước ngoặt; đó là ngày 21 tháng 11 năm 1964, khi kết thúc phiên thứ ba của Công đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria “Mẹ Hội Thánh”, nghĩa là của mọi Kitô hữu". Với quyết định này, ĐTC Phaolô VI lấy nội dung chủ yếu trong Tín điều của Công đồng Nicea năm 325 và trên hết là các quyết định của các giáo phụ Công đồng Êphêsô (430), xác định Đức Maria là "Mẹ Thiên Chúa". Trong Năm Thánh (1975), có Thánh lễ tạ ơn sùng kính Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, sau đó lễ này được đưa vào Sách lễ Rôma, nhưng chưa phải là lễ nhớ bắt buộc trong lịch phụng vụ. Tuy nhiên, ở một số quốc gia - ví dụ Ba Lan và Argentina - và trong một số hội dòng, lễ Đức Maria, Mẹ Hội Thánh được đưa vào lịch riêng. Vào năm 1980 ĐTC Gioan Phaolô II đưa lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ Hội Thánh vào trong kinh nguyện. Và đến ngày 11 tháng 02 năm 2018, kỷ niệm 160 năm lần đầu tiên Đức Trinh Nữ hiện ra tại Lộ Đức. Nhân dịp này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ấn định lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội, được ghi vào Lịch Rôma và được cử hành hàng năm, vào thứ hai sau Chúa Thánh Thần hiện xuống.

---------------------------------------

 

Suy Niệm 3. Hội Thánh Cùng Mẹ Tiến Bước


Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Với Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích ký ngày 11 tháng 2 năm 2018, ngày kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức truyền dạy chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh. Thứ Hai, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh cử hành với niềm vui khôn tả, khởi đi từ: “Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng, Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh, và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh. Khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa, và đã nhận tất cả mọi người làm con, những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô” (Kinh Tiền tụng: Đức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh).

Trong ngày này Hội Thánh dâng lời ngợi khen tung hô Chúa, đồng thời tôn vinh Mẹ là Ðấng Tuyệt Ðẹp “Tota Pulchra”, vì Mẹ đã được Thiên Chúa Cha yêu thương và tuyển chọn làm Mẹ Chúa Con. Mẹ được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ, là Ðấng đầu tiên đã được Con Mẹ cứu chuộc. Nét đẹp cao cả của Mẹ phản chiếu nét đẹp của Chúa Kitô, là bằng chứng cho tất cả mọi tín hữu về chiến thắng của tình thương Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết, khi đạp nát đầu con rắn đã cám dỗ Adong và Evà phạm tội.

Thiên Chúa là Cha nhân từ

Thiên Chúa khôn ngoan và nhân từ, nên mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp. Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa. Vậy Sự Dữ do đâu mà có ? Đâu là nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau bị phá vỡ?

Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Thiên Chúa hỏi Evà: “Tại sao ngươi đã làm điều đó? ”  Evà trả lời: “Con rắn đã cám dỗ tôi” (x. St 3, 11-13).

Là thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống tình thân ấy khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Ðiều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ “vì ngày ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết” (St 2, l7). Bị ma quỉ cám dỗ, con người đánh mất lòng tín thác vào Ðấng Sáng Tạo, lạm dụng tự do, bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Ðó là tội đầu tiên của con người (x. Rm 5, l9). Hậu quả là Adong và Evà đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy (x. Rm 3, 23). Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x. St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân: “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro” (St 3, l9).

Sau khi sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Trái lại, vì tình thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa: “ Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15).

Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là "Tiền Tin Mừng" vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Cứu Thế, về cuộc chiến đấu giữa con rắn với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình mẫu tử của Đức Maria đối với nhân loại được biểu lộ “Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20).

Mẹ Hội Thánh

Đức Maria đã được Thiên Chúa tiền định từ muôn thủa trong yêu thương và chọn Mẹ làm Đấng cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và đồng hành cùng Chúa Giêsu Con Mẹ trong công trình cứu chuộc loài người, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh. Trong tình thương, Ngài đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Ngài, qua Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1 4-5). Do đó, Đức Maria là Mẹ chúng ta.

Thật hiển nhiên: “Lúc bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con” (Ga 19, 26-27). Bên chân thập giá (x. Ga 19,25), Mẹ đã đón nhận lời trối đầy yêu thương của Chúa Giêsu Con Mẹ, và nơi người môn đệ được Chúa sủng ái, Mẹ đã tiếp nhận mọi người như những người con phải được tái sinh vào đời sống thần linh, và như thế, Mẹ đã trở nên người mẹ từ ái của Hội Thánh đã được tác sinh trên Thánh giá khi Chúa Kitô trao ban Thần Khí. Trong khi đó, cũng nơi người môn đệ yêu dấu, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ thay mặt Người thể hiện tình yêu thương đối với Đức Maria, Người trao gửi để họ đón nhận Mẹ trong tâm tình thảo hiếu kính yêu” (Sắc Lệnh về việc cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh). Vì thế, Mẹ là Mẹ Hội Thánh.

Hội Thánh cùng với Mẹ tiến bước

Trong diễn từ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II – 21.11.1964 viết: “Thiên chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô và hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện, cũng chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh; vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Kitô, Đấng đã nhận lấy bản tính nhân loại trong cung lòng khiết trinh của Mẹ, Đấng là Đầu của Nhiệm thể là Hội Thánh. Vì thế Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Hội Thánh”.

Vì là Mẹ của Hội Thánh, nên suốt cuộc đời Mẹ luôn là máng thông ơn Thiên Chúa xuống cho Hội Thánh. Để sống tốt hành trình dương thế, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, cầu xin Mẹ, để có thể khám phá ra niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Mẹ Maria. Toàn bộ cuộc sống Mẹ được hun đúc theo Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ minh chứng rằng tình yêu của Con Mẹ là vô cùng vô tận và mở rộng cho tất cả mọi người, không một ngoại lệ nào. Chúng ta hãy tiếp bước theo Mẹ.

Lạy Đức Mẹ Hội Thánh, xin cầu cho chúng con. Amen.

-----------------------------------

 

Suy Niệm 4. Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, cầu cho chúng con


Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

(St 3, 9-15.20; Ga 19, 25-27)

Thứ Hai, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội truyền dạy chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh với niềm vui khôn tả.

Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan khi muốn thực hiện công việc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, “đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4), và Người Con đó “đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria” (Kinh Tin Kính).

Đức Mẹ Chúa Kitô

Không có gì lạ, khi có người đặt câu hỏi: chúng ta có nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa không?Chẳng lẽ Đức Maria, Đấng đã hạ sinh Chúa Giêsu lại không phải là Mẹ Chúa Kitô?

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, có hồn có xác. Thánh Công đồng Nicêa dạy, chính Con duy nhất của Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và tất cả tồn tại trong Người, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể, làm người, chịu chết, đã sống lại, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét; Công đồng tuyên phán: chỉ có Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, giống Chúa Cha. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi sánh sáng, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha… Nên Đức Maria được gọi là Mẹ Chúa Kitô.

Đức Maria đã được các giáo phụ ca ngợi, đặc biệt là thánh Ambrôsiô thành Milan (thế kỷ IV) khi nói: “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Đền Thờ”. Thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nêu tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.

Tại Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã tuyên dương Mẹ là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể ”. Như thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) đã viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”.

Đức Mẹ Hội Thánh

Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 53 của Công Đồng Vatican ô II viết: Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đã dâng Con lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng. Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).

“Thật vậy, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a… được nhận biết và tôn kính với tư cách là Mẹ thật của Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc… Mẹ cũng ‘thật là Mẹ các chi thể của Đức Ki-tô’… bởi vì đã cộng tác bằng đức mến để các tín hữu được sinh ra trong Hội Thánh, được làm chi thể của Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh.” 525 “Đức Ma-ri-a,… Mẹ Đức Ki-tô, cũng là Mẹ… Hội Thánh” (x.GLHTCG số 963).

Công việc cứu chuộc vẫn tiếp tục trong Hội Thánh, là thân thể Chúa Kitô. Trong thân thể này, Ðức Maria có mặt như một chi thể trổi vượt, liên kết mật thiết với Ðầu, và hằng yêu thương, bảo vệ hướng dẫn các chi thể khác là các tín hữu, với lòng của người Mẹ hiền.

Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống Giáo Hội lễ kính Mẹ

Việc sùng kính Mẹ vào thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ chúng ta rằng, sau khi Ðức Giêsu lên trời, Ðức Maria đã ở giữa các Tông đồ, như người Mẹ “giữa một đàn em đông đúc” của Ðức Giêsu (Rm 8,29), Con của Mẹ. Đức Mẹ cùng cầu nguyện với Hội Thánh sơ khai: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu” (Cv 1,14). Hơn nữa: “Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Người trong ngày Truyền Tin” (LG 59), và “ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2-4) trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sau cuộc đời trần thế, Ðức Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác để hưởng vinh quang thiên quốc. Mẹ là người đầu tiên được tham dự vào cuộc Phục Sinh của Con Mẹ, và như vậy Mẹ là dấu chỉ báo trước và bảo đảm cho các Kitô hữu được sống lại với Chúa Kitô. Mẹ ở trên trên vẫn tiếp tục thiên chức làm mẹ bằng việc chuyển cầu cho tới khi Hội Thánh đạt tới quê trời (LG 62).

Hội Thánh luôn dành cho Ðức Maria lòng yêu mến và tôn kính rất đặc biệt, vượt trên các thiên thần và các thánh. Mẹ là mẫu mực của Hội Thánh trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô” (GH 63). Là hình ảnh của Hội Thánh tại thế “Hội Thánh vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng” (GH 8) hướng nhìn lên Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, một phần tử ưu tú của mình, đã chiến thắng tội lỗi, nhờ hồng ân Chúa Kitô. Vì thế, Hội Thánh luôn luôn kiên trì và tin tưởng trong hành trình đức tin trên trần gian. “Ngày nay, trên trời Mẹ Ðức Giêsu đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr. 3,10).

Lạy Mẹ Hội Thánh, trong hoàn cảnh bi đát hiện nay, đầy đau khổ và lo lắng đang bao trùm cả thế giới vì đại dịch, chúng con cầu xin Mẹ, chúng con tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan khốn khó, xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy.

Đức Mẹ Hội Thánh, cầu cho chúng con. Amen.

--------------------------------------

 

Suy Niệm 5. Mẹ Hội Thánh


(https://ctqn.org)

Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mừng long trọng vào Chúa nhật sau lễ Thăng Thiên, Giáo Hội mừng lễ Mẹ Hội Thánh. Việc phụng vụ Hội Thánh mừng lễ này liền kề với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho thấy Hội Thánh nhận thức được vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội.

Từ sau Công đồng Vatican II, hạn từ Mẹ Hội Thánh được sử dụng rộng rãi, không chỉ vì đây là gợi ý của Đức Phaolô VI, mà còn là một kinh nghiệm đức tin được soi dẫn qua dòng lịch sử Hội Thánh. Điều này cũng mặc nhiên nói cho các tín hữu về một viễn kiến đầy hy vọng mà sách Khải huyền đã nêu lên, trong một cuộc chiến không khoan nhượng giữa con rồng và người nữ. Người nữ ấy chính là hình ảnh Đức Maria, tượng trưng cho Hội Thánh.

Cơ sở cho kinh nghiệm đức tin này là đoạn Thánh Kinh mà chúng ta đọc và hôm nay. Hội Thánh đã được Chúa Giêsu thiết lập. Đã được khai sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng, từ đó máu và nước chảy ra. Nhiều nhà thần học đã cho đây là hình ảnh tượng trưng cho giây phút Hội Thánh được sinh ra giống như trẻ sơ sinh được sinh ra từ cung lòng người mẹ. Máu và nước tượng trưng cho sự sống. Đó cũng là hình ảnh mang tính Thánh Thể của mầu nhiệm Hội Thánh, mà từ Thánh Thể, Hội Thánh được nuôi sống do chính Mình và Máu Chúa. Hội Thánh lại tiếp tục mọi ngày làm cho hình ảnh của hy tế Chúa Kitô được sống động qua việc hiện tại hóa mầu nhiệm yêu thương này trong mỗi thánh lễ cử hành.

Thế nên, một Hội Thánh non trẻ được Chúa Giêsu sinh ra và cưu mang, rồi trong giây phút Người chết trên thập giá đến việc trao phó thánh Gioan làm con Đức Mẹ, gợi lên cho chúng ta đầy hình ảnh mang tính biểu trưng về Hội Thánh. “Này là con Bà” và “Đây là mẹ con”, hai câu nói này hàm chứa một nội hàm sâu xa. Rằng Hội Thánh thực sự là con của Mẹ Maria. Chúa Giêsu chuyển giao Hội Thánh non trẻ và nhỏ bé ấy cho Đức Mẹ trông nom. Và “Đây là mẹ con”, đây thực sự là lời căn dặn, Hội Thánh chính là mẹ của chúng ta, Hội Thánh đó bao hàm tất cả mọi người chúng ta, những kẻ tin và cử hành mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô Con Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ Hội Thánh và Mẹ của mỗi chúng con. Xin ban ơn nâng đỡ Hội Thánh Chúa trong mọi cơn nguy khó, và cũng xin nâng đỡ đức tin cho mỗi người chúng con. Amen.

--------------------------------

 

Suy Niệm 6. Đức Maria – Mẹ Giáo Hội


(https://tinmungmoingay.com)

Bài Tin Mừng hôm nay xác nhận vai trò làm mẹ trong bình diện cứu độ của ân sủng đạt tới đỉnh cao, đó là lúc hy tế thập giá của Đức Kitô, cũng là mầu nhiệm vượt qua của Người, được hoàn tất.

Đọc kỹ đoạn tường thuật, thoạt đầu chỉ thấy đó là một sự lo lắng của Đức Giêsu dành cho mẹ mình, người mẹ mà Người để lại trong một nỗi đau khổ tận cùng. Thế nhưng, ý nghĩa bản tường thuật này có thể đi xa hơn vì hai lý do:

Thứ nhất “môn đệ thương mến” ở đây còn là một ẩn số, không chắc chắn là Gioan, theo các nhà Thánh Mẫu Học thì có thể là một biểu trưng (symbol): người được Chúa Giêsu yêu là nghe và tuân giữ Lời (x. Ga 14,21). Mặt khác, nếu trên thập giá, Đức Giêsu chỉ coi Gioan là một cá nhân, thì Đức Giêsu không phải lo, vì Gioan vẫn còn đầy đủ cha mẹ là ông bà Dê-bê-đê. Chính vì vậy, có thể hiểu hình ảnh “người môn đệ được Chúa yêu” là đại diện cho loài người nhận Đức Maria làm mẹ.

Thứ hai, trong thứ tự của lời trối, rõ ràng mang ý nghĩa Đức Giêsu chính thức đặt Đức Maria làm mẹ nhân loại hơn là một sự nhờ cậy “người môn đệ thương mến” nhận chăm sóc Đức Maria. Đức Giêsu nói với Đức Maria trước rồi nói với môn đệ sau. Theo lẽ thường nếu muốn gởi gắm Đức Maria cho “môn đệ thương mến” thì Đức Giêsu phải nói với “môn đệ thương mến” trước xem môn đệ có đồng ý không. Như vậy, nghĩa là Đức Giêsu trao cho Đức Maria một sứ mệnh là làm mẹ “môn đệ thương mến” đại diện cho các tín hữu, nghĩa là Đức Maria sẽ là Mẹ của chúng ta.

“Vai trò làm mẹ thật mới mẻ này” của Đức Maria, được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu “mới mẻ”, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô.

1. Giờ hiến tế: đặc trưng của sự hy sinh.

Việc Đức Giêsu ngỏ lời với Đức Maria dưới chân thập giá, đặt trong một hoàn cảnh hết sức rất long trọng được lồng trong cái chết của Đức Giêsu vào giờ Người được tôn vinh. Hôm nay, giờ Đức Giêsu đã đến, đó là “giờ” Người được tôn vinh vì Người đã vâng ý Cha mà chịu hiến tế hy sinh. Đức Maria được liên kết với giờ hiến tế này và trái tim Mẹ cũng chịu hiến tế như lời tiên báo của Simêon là “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ” (x. Lc 2,35). Điều này cũng cho thấy Đức Maria là “thiếu nữ Sion” nên cuộc đời của Mẹ sẽ mang dấu ấn của số phận dân Người. Vì là Mẹ Đấng Messia, Đức Maria nằm trong cuộc chiến, chia sẻ mọi đau khổ với con mình. “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” gợi lên lưỡi gươm trong sách ngôn sứ Ezechiel 14,17, cắt đứt Israel, chỉ còn để lại một “số sót”. Lưỡi gươm nói lên sự đau khổ nội tâm của người mẹ, đau khổ ở đây là đau khổ của người mẹ nhìn người ta ruồng bỏ con mình. Lưỡi gươm trong Ezechiel vừa cắt đứt Israel vừa sinh ra số sót; ngay dưới chân thập giá, Đức Maria là “Mater dolorosa” đau xót vì sự phủ nhận của nhân loại đối với Đức Giêsu, nhìn Con chết tức tưởi, sự cắt đứt này cũng làm cho Mẹ buốt xót, sinh ra “số sót” cho nhân loại, đó là những kẻ tin vào Đức Kitô. Lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ để Mẹ luôn chia sẻ khổ đau với Con, vừa đứng về phía những kẻ tin vào Đức Giêsu, ôm lấy tất cả vì Đức Giêsu đã gửi gắm tất cả cho Mẹ: “Này là Con của Mẹ”. Giờ phút hiến tế dưới chân thập giá là đỉnh điểm của lời “xin vâng”, và cả cuộc đời xin vâng của Đức Maria hướng về giờ phút hy sinh này. Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria đã chịu sát tế tâm hồn và làm cho lời “xin vâng” viên mãn khi Đức Giêsu kêu lên: “mọi sự đã hoàn tất”.

2. Đặc trưng hiện diện và hiệp thông cứu chuộc.

Đức Maria rõ ràng đã đóng vai trò trổi vượt trên bất cứ phàm nhân nào trong sự hiệp thông với Đức Giêsu cứu chuộc. “Hiệp thông cứu chuộc” không phải “tự thân cứu chuộc” mà là cộng tác hoặc tháp nhập vào sự cứu chuộc đó. Chỉ có một mình Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nhưng khi sinh hạ Hội Thánh trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ có một mình, mà Người còn có Đức Maria đứng dưới chân thập giá, để cùng chia sẻ sự đau khổ và giúp Người chấp nhận hiến dâng. Và sau hết là “hiệp thông cứu chuộc” vì Đức Maria đã tham gia vào công trình sinh hạ Hội Thánh.

Thánh Alberto Cả viết: “Đức Maria đã tham dự vào cuộc khổ nạn để cứu nhân loại. Khi mà những Tông Đồ và môn đệ bỏ trốn, thì Người ở lại đứng dưới chân thập giá và chịu trong lòng những vết thương Chúa Giêsu phải chịu ngoài thân; chẳng phải lúc đó lưỡi gươm đã đâm thấu qua tâm hồn Mẹ sao?”

Chính sự liên kết những đau khổ và ý chí Mẹ với những đau khổ và ý chí của Đức Giêsu, và cũng chính nhờ sự từ bỏ những quyền lợi của một người mẹ mà Đức Maria đã cùng với Đức Giêsu cứu chuộc nhân loại: Sự liên kết những đau khổ của Đức Maria với những đau khổ của Đức Giêsu đã làm cho người nên Mẹ đau thương cũng như Đức Giêsu đau khổ. Có thể nói, Đức Giêsu phải chịu những đau khổ nào trong thân xác và linh hồn thì Đức Maria cũng phải chịu những đau đớn ấy trong lòng người. Và cũng như Đức Giêsu đã muốn gánh chịu những đau khổ thể xác và tinh thần tới tột độ khả năng chịu đựng của Người, thì cũng như Người, Mẹ Người cũng phải chịu trong lòng tất cả những đau khổ mà trái tim vô nhiễm người có thể chịu được. Mặt khác, ý chí của Đức Maria vốn kết hiệp với ý chí của Con, tức là ý chí của người luôn kết hiệp với ý chí Thiên Chúa. Đức Giêsu nhập thể là để hồi phục vinh quang Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian bằng cuộc khổ nạn – chết – phục sinh của Người. Và Đức Maria cũng muốn cho vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi của nhân loại nhờ cùng cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Đó là một sự tuân phục tuyệt đối… Ngoài ra, khi dâng hiến người Con thì cũng đồng nghĩa với việc “từ bỏ” quyền lợi của một người mẹ của người, vì con là lẽ sống của mẹ, lấy mạng sống của con thì chẳng khác nào huỷ lẽ sống của mẹ. Đó là sự dâng hiến cao cả trong việc hiệp thông cứu độ.

Sau cùng, trên thập giá, lúc Đức Giêsu tưởng chừng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm chí Chúa Cha dường như vắng bóng, thì còn đó Mẹ Người đứng dưới chân thập giá như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Người – Thiên Chúa Cha giờ này đang ở trong sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Thần vẫn phủ bóng trên Đức Maria để trợ lực Người trong giờ hiến tế…

Lạy Mẹ Maria là Mẹ chúng con, xin cho chúng con biết “xin vâng” như Mẹ trong mọi biến cố của cuộc đời, để cộng tác với Chúa trong việc sinh thêm nhiều con cái cho Giáo hội bằng đời sống chứng nhân truyền giáo của mình. Amen.

--------------------------

 

Suy Niệm 7. ĐGH Phanxicô thiết lập lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội


G. Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô đã quyết định thiết lập lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo lịch chung của Giáo Hội.

Trong sắc lệnh công bố hôm 3-3-2018, DHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích cho biết ĐTC đưa ra quyết định trên đây xét vì việc thăng tiến lòng sùng kính này có thể giúp gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.

Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô 6, ngày 21-11 năm 1964, khi bế mạc khóa III của Công đồng chung Vatican 2 đã tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria là ”Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể dân Kitô giáo, các tín hữu cũng như các vị Chủ Chăn, họ gọi Đức Maria là Mẹ rất quí mến” và Ngài thiết định rằng ”toàn thể dân Kitô giáo ngày càng gia tăng lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa dưới danh hiệu rất dịu dàng này”.

Sắc lệnh của Bộ Phụng tự khẳng định: Lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, do ĐGH Phanxicô ấn định, ”sẽ giúp chúng ta nhớ rằng đời sống Kitô, để tăng trưởng, cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Tiệc Thánh Thể, nơi Đức Trinh Nữ hiến dâng, Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc”.

Vì thế, lễ này cần được ghi trong tất cả các lịch và sách phụng vụ để cử hành thánh lễ và phụng vụ các giờ kinh. Các văn bản phụng vụ liên hệ được đính kèm, sắc lệnh này và các bản dịch, được các HĐGM chấp thuận, sẽ được công bố sau khi Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích phê chuẩn. Tại những nơi nào lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội đã được cử hành theo luật riêng được phê chuẩn, vào một ngày khác, với bậc phụng vụ cao hơn, thì trong tương lai vẫn được cử hành theo cùng thể thức ấy”.

Theo quyết định trên đây, thứ hai 21-5-2018 sẽ là lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. (Rei 3-3-2018)

 ---------------------------------------

 

Suy Niệm 8. Đức Maria – Mẹ Giáo hội


(Michael R. Heinlein //Văn Việt chuyển ngữ từ simplycatholic.com// https://hdgmvietnam.com/)

WHĐ (31-05-2020) – Vào ngày 11 tháng 2 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thêm vào lịch chung Rôma một lễ mới về Đức Mẹ, lễ Đức Maria - Mẹ Giáo hội. Trước đây lễ này đã được cử hành ở cấp độ địa phương tại một số giáo phận và dòng tu. Bây giờ lễ này được cử hành trong toàn thể Giáo hội hoàn vũ, và được ghi trong Nghi thức Sách Lễ Rôma. Lễ mới này không có ngày cố định trong năm Dương lịch, vì nó phụ thuộc vào chu kỳ lễ Phục sinh. Lễ được cử hành vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Người ta có thể tự hỏi danh hiệu mới này của Đức Maria có nghĩa gì? Và tại sao chúng ta mừng lễ này? Như câu thành ngữ cổ: “de Maria numquam satis” (về Đức Maria, thì nói không bao giờ đủ). Lý do theo nhà Thánh Mẫu học, Linh mục Hugh Rahner, SJ, giải thích là vì “bất cứ điều gì được nói về sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, đều có thể được áp dụng theo nghĩa rộng đối với Giáo hội, theo nghĩa hẹp hơn đối với Đức Maria, và theo một cách cụ thể đối với mọi tâm hồn tín hữu.”

Có nhiều ý nghĩa thần học từ việc thiết lập lễ nhớ này. Những ý nghĩa đó bắt nguồn từ việc nhận biết Giáo hội là Thân thể của Chúa Kitô và vai trò của Đức Maria trong đời sống các tín hữu.

Vai trò của Đức Maria

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức dành cho Đức Maria danh hiệu “Mẹ Giáo hội” khi bế mạc kỳ họp thứ III của Công Đồng Vatican II, vào năm 1964. Truy nguyên về nguồn gốc từ thế kỷ thứ IV với Thánh Ambrôsiô, thì tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” gợi lên mẫu tính thiêng liêng của Đức Mẹ, một đặc tính gắn liền với bản tính của Giáo hội.

Phần lớn quan điểm Giáo hội học của Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), được phát triển nhờ sự nhận biết cách phong phú về quan điểm thần học của Thánh Phaolô. Trong đó, các tín hữu nhận biết sự liên kết giữa họ với Đức Kitô như là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Ngài. Thánh Phaolô đã nói rõ ràng và hùng hồn về chân lý này, và đây cũng là chân lý mà Thánh Phaolô nhận biết trước tiên sau khi trở lại. Khi bị ngã xuống đất và bị mù lòa, Phaolô - Kẻ bắt bớ Kitô giáo lúc đó – nghe thấy một giọng nói hỏi mình: “Saul, Saul, tại sao ngươi lại bắt bớ Ta? (Cv 9: 4). Qua câu nói này, rõ ràng Đức Kitô đã xác định mối hiệp nhất nên một giữa Ngài với những người theo Ngài. Cả hai cùng tạo thành một khối, một thể thống nhất – đó là những gì mà Thánh Augustinô sau này mô tả là “Chúa Kitô toàn thể” (totus Christus) – vì Đức Kitô và người được rửa tội là một thân thể.

Thánh Augustinô đã áp dụng chân lý này vào bối cảnh Thánh Mẫu học một cách rất thích hợp: Đức Maria là “mẹ của những chi thể thuộc về Đức Kitô... những ai tin vào Ðức Kitô, vì được kết hợp chặt chẽ với Người, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, thì cũng kết hợp với nhau nhờ đức ái, tạo thành một thân thể duy nhất là Giáo hội, có Đức Kitô là đầu... Đức Maria đã sinh ra Người Con Một, và Giáo hội sinh ra những người mà nhờ Người Con Một mà nên một”.

Vì Đức Maria là mẹ của Đức Kitô, và chúng ta là chi thể của thân thể Đức Kitô – tức Giáo hội – nên chúng ta cũng là con của Đức Maria. Lễ nhớ mừng mẫu tính của Đức Maria đối với Giáo hội được cử hành hàng năm là dịp để suy ngẫm về chân lý rất ý nghĩa này và những hệ lụy từ đó. Và cũng vì tầm quan trọng của mối liên hệ mẫu tính của Đức Maria đối với Giáo hội mà những nghị phụ của Công Đồng Vatican II đã quyết định để phần suy tư dài về Đức Maria ở trong Hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), chớ không tách ra để viết thành một tài liệu riêng về Đức Mẹ.

Mẫu gương và sự trợ giúp cho Giáo hội

Sự liên kết của Đức Maria với Con mình là không thể tách rời. Lễ nhớ mới này cũng thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể “ưu tú nhất... và nguyên tuyền nhất của Giáo hội” (LG, số 53).

Thiên chức làm mẹ của Đức Maria được tìm thấy trong sự vâng lời, đức tin, đức cậy và đức ái của Mẹ. Những đặc điểm này là mảnh đất màu mỡ, ở đó Lời Chúa được gieo vào và trổ sinh sự sống dồi dào. Sự sống siêu nhiên đã đến với thế giới qua tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ. Đó là tiếng thưa đem lại sự sống mới cho thế giới. Do đó, Đức Maria là Evà mới. Như sự chết đã đến thế giới qua Evà củ thế nào, thì sự sống đã đến thế giới qua Evà mới như vậy.

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng, “với mẫu tính trong Chúa Thánh Thần, Đức Maria ôm lấy từng người trong Giáo hội, và ôm lấy từng người qua Giáo hội. Theo nghĩa này, Đức Maria – Mẹ Giáo hội cũng là gương mẫu của Giáo hội” (Redemptoris Mater, số 47).

“Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn.” (LG, số 61). Vì toàn bộ cuộc đời của Đức Maria là một niềm ước mong của các tín hữu, nên Đức Mẹ lôi cuốn chúng ta đến với ơn cứu rỗi. Đồng thời, qua tấm gương và sự chuyển cầu từ thiên đàng, Đức Mẹ giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và biết làm điều tốt. Mẹ không mong muốn gì khác hơn, ngoài ước mong dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ.

Sự mẫu mực trong đức vâng phục, đức tin, đức cậy và đức ái được tỏ bày nơi Đức Maria cũng cần được tỏ bày nơi các Kitô hữu. Hay nói một cách đơn giản như Chúa Giêsu: “Đúng hơn phải nói: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11:28).

Nhờ sự vâng lời của Đức Maria, Giáo hội có một gương mẫu để sống theo ý muốn của Chúa Cha. Nhờ đức tin của Mẹ, Giáo hội học được cách đưa Đức Kitô đến với thế giới. Nhờ đức cậy của Mẹ, Giáo hội học được cách trông cậy vào Chúa (xem Tv 130: 5). Và nhờ đức ái của Mẹ, Giáo hội học được con đường cứu rỗi.

Các Kitô hữu đã hướng về Đức Maria vì những ân sủng đặc biệt và sự chuyển cầu từ thiên đàng của Mẹ trong suốt nhiều thế kỷ, “đã được Giáo hội kêu cầu với nhiều danh hiệu như Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (LG, số 62). Việc thiết lập lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội mang đến một cơ hội nữa cho các chi thể trong thân thể Con của Mẹ, hân hoan kêu cầu trong tình yêu mẹ hiền của Mẹ - Đấng là gương mẫu và sự trợ giúp của chúng ta.

---------------------------

 

Suy Niệm 9. Đức Maria Là Mẹ Giáo Hội


Mẹ Giáo Hội (tiếng La-tinh: Mater Ecclesiae) là một trong nhiều tước hiệu của Đức Maria. Với tước hiệu này, Mẹ Thiên Chúa được tôn kính với tư cách là Mẹ của Giáo Hội, thân mình mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Ngay từ hồi thế kỷ thứ IV, tước hiệu này đã được Giáo Phụ Am-brô-xi-ô nhắc tới. Ngài đã liên kết hình ảnh Mẹ Giáo Hội với Đức Maria như là nguyên mẫu „có tính hiện thân“ của Giáo hội. Vào giữa thời Trung Cổ, tước hiệu trên của Đức Maria đã được phổ biến khá rộng rãi trong Giáo hội.

Vào ngày 11 tháng 02 năm 2018, nhân ngày Lễ Kính Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã bổ sung ngày Lễ Kính Đức Mẹ là Mẹ Giáo hội vào trong lịch chung của Giáo hội Rô-ma. Và Ngài ấn định rằng, ngày Lễ này sẽ được cử hành trên toàn Giáo hội vào ngày thứ Hai ngay sau Đại Lễ kính Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như Tòa Thánh Vatican đã công bố vào ngày 03 tháng 03 năm 2018. Theo đó, thứ Hai ngày 21 tháng 05 năm 2018 sẽ là ngày đầu tiên Lễ Kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội được cử hành trên toàn Giáo hội với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III.

Từ trước tới nay, ngày Lễ Kính Đức Maria là Mẹ Giáo hội chỉ được cử hành riêng lẻ trong một số Giáo phận và một số cộng đoàn Dòng Tu, và được cử hành vào những ngày khác nhau!

Hiến Chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium của Công Đồng Vatican II đã mô tả Đức Maria chính là thành phần của Giáo hội và là „Mẹ đáng mến“ của Giáo hội.

Tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo Hội đã luôn luôn được sử dụng bởi nhiều Đức Giáo Hoàng, trong đó có cả Đức Bê-nê-đíc-tô XIV (1748), Đức Lê-ô XIII (1885), Đức Gio-an XXIII, Đức Phao-lô VI và Đức Gio-an Phao-lô II. Vào năm 1944, Hugo Rahner mới khám phá ra rằng, ngay từ thế kỷ thứ IV, Thánh Am-brô-xi-ô cũng đã sử dụng tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo hội rồi. Khoa Thánh Mẫu học của Hugo Rahner được đặt nền tảng trên Thánh Am-brô-xi-ô cũng như trên các Giáo Phụ khác, và khoa Thánh Mẫu học của ông đã có một ảnh hưởng rất lớn trên Đức Phao-lô VI và Công Đồng Vatican II. Vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, tức Lễ Kính Đức Trinh Nữ thành Giê-ru-sa-lem, trong diễn văn bế mạc phiên họp thứ III của Công Đồng trên, Đức Phao-lô VI đã chính thức công bố tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Vào năm 1980, tước hiệu này đã được bổ sung vào trong Kinh Cầu Đức Bà, cụ thể là vào vị trí thứ hai sau tước hiệu Đức Bà là Mẹ Chúa Ki-tô.

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã diễn giải tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo hội như sau: Đức Maria không chỉ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng cũng còn là Mẹ của tất cả các tín hữu nữa, như Thánh Augustinô đã trình bày trong tác phẩm De sancta virginitate: „Mẹ đồng cộng tác trong Đức Mến để các tín hữu được sinh ra trong Giáo hội, mà các tín hữu ấy chính là chi thể của Đầu“, tức Chúa Ki-tô.

Theo cách trình bày của Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng, thì nhờ vào việc Mẹ được tôn kính với tư cách là Mẹ ơn Cứu Độ, Mẹ Sự Sống, Mẹ ân sủng, Mẹ của những kẻ được cứu chuộc và Mẹ của những kẻ sống, Đức Maria thực sự là Mẹ của toàn Giáo hội.

Đức Bê-nê-đíc-tô XVI lưu ý rằng, ngay từ đầu, Công Đồng Vatican II đã hiểu về Thánh Mẫu Học như là một phần của Giáo Hội Học, và vì thế, trong thực tế, một trong những đặc tính có tính nội tại nhất của Giáo hội, đó là sự đồng nhất hóa với Đức Maria, đã được diễn tả tại Công Đồng này.

----------------------------------------

 

Suy Niệm 10. Mẹ đau khổ


Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Vào ngày thứ sáu tuần thánh tại các nước châu Mỹ La Tinh được cử hành với một truyền thống rất đặc biệt, ở đó người ta sống lại sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân thập giá Chúa Giêsu: Các phụ nữ tập trung lại dưới chân thập giá, họ đi lại từng bước những khổ nạn của Chúa Giêsu trong tiếng hát, trong những lời cầu nguyện và cả trong tiếng khóc nữa.

Các tín hữu còn giữ một truyền thống khác gọi là “chia buồn”. Truyền thống này được cử hành sau nghi thức phụng vụ của Giáo hội vào chiều thứ sáu tuần thánh: Mọi người trở vào nhà thờ để an ủi Đức Mẹ Sầu Bi, như thể được ở bên Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, dân chúng chia sẻ nỗi đau của Ngài, vừa nói lên chính nỗi đau của họ. Trong nghi thức truyền thống chia sẻ nỗi đau buồn này là bức tượng của người phụ nữ mặc áo đen đứng dưới chân thập giá, khi xác Chúa Giêsu được tháo gỡ khỏi thập giá, thì bức tượng của người phụ nữ được đặt ở đầu chiếc quan tài.

Người phụ nữ mặc áo đen ấy dĩ nhiên tượng trưng cho Mẹ Maria, là Mẹ của Người Con bị hành quyết, là người đàn bà luôn phấn đấu để tin vào sứ điệp của Con. Mẹ đã phải dằn lại cơn giận dữ trước thái độ phản bội của dân chúng, và của những người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Mẹ đã phải tha thứ cho tất cả mọi người… (Theo R. Veritas).

Suy niệm

Cuộc đời Đức Maria là cuộc đời của Bà Mẹ sống trong trăm nghìn đau khổ nối tiếp. Chính trong đau khổ Mẹ sống đức tin thông phần mầu nhiệm cứu độ của Con Mẹ.

Mẹ sầu khổ khi bạn đời Giuse cùng thề hứa trinh khiết chưa hiểu Mẹ khi Mẹ mang thai Chúa Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,27-38) theo ý Thiên Chúa. Khi Mẹ và thánh Giuse dâng hiến Chúa vào đền thánh theo Luật của Môisê, Maria lo âu khi cụ già Simêon nói tiên tri về Chúa Giêsu Con Mẹ, còn Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ xuyên thấu hồn bà, nhờ vậy mà ý nghĩ trong những tâm hồn khác được phơi bày” (x. Lc 2,33-35).

Mẹ sợ hãi, lo lắng, khổ đau khi cùng thánh Giuse đem Chúa Giêsu trốn qua Ai Cập tránh sự truy bức của Hêrôđê (x. Mt 2,13-14). Mẹ càng đau khi Con Mẹ ở lại Giêrusalem, khi hai bậc phụ huynh Giuse và Maria cứ tưởng con mình đã bị lạc mất vất vả tìm kiếm đến ba ngày (x. Lc 2,41-50). Mẹ ngạc nhiên đau khổ tột bậc khi nhìn Con Mẹ vác thập giá tiến lên núi Sọ trong cuộc hành trình cứu độ nhân loại. Nhất là còn gì đau đớn hơn khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, nhìn Giêsu, Con Mẹ chết tả tơi, trần trụi trong tư cách tên tử tội (x. Ga 19,25-28). Khi hạ xác Con xuống khỏi cây thập giá, lòng Mẹ tan nát vì Mẹ chỉ còn ôm một cái xác lạnh ngắt, mình mẩy đầy vết thương bầm tím mà các bức tượng Pièta trong lịch sử đã diễn tả lại.

Khi Con Mẹ được các đồ đệ an táng trong huyệt đá, nấm mồ tuyệt vọng mang khoảng cách trời, đất (x. Ga 19,38-42) làm Mẹ cảm thấy mất tất cả…

Dưới chân thập giá Chúa Giêsu và trong mọi sầu khổ, Mẹ Maria ôm lấy tất cả mọi con cái nhân loại, tất cả đều được ủy thác cho Mẹ như Chúa đã uỷ thác Mẹ cho thánh Gioan (x. Ga 19,25-27). Mẹ đang đứng bên cạnh tất cả những ai đang đau khổ. Mẹ âm thầm chia sẻ và chịu đựng nỗi khổ đau của từng người như thể của riêng Mẹ với tình liên đới và cảm thông trong đau khổ.

Mẹ đau khổ, nhắc nhở chúng ta: Ðời của người Kitô hữu gắn liền với thập giá của Chúa Giêsu: “Hạt giống có mục nát đi mới sinh nhiều hoa quả” (Ga 12,24). Cùng với Mẹ, chúng ta tin tưởng như thánh Phaolô xác quyết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người” (Rm 8,28).

Ý lực sống :

‘‘Bà mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người con chí thánh mà đau lòng thổn thức tâm can” (Trích Ca Tiếp Liên Stabat Mater).

----------------------------------

 

Suy Niệm 11. Mẹ khả ái của Giáo Hội--P.K.M,CMC


Đức Maria luôn là Mẹ khả ái của Giáo Hội, là Mẹ đích thực của mỗi người chúng ta:

Dù ta đi suốt cuộc đời,

Cũng không đi hết những lời mẹ ru.

Dù ta đi trọn kiếp người,

Cũng không đi hết những lời mẹ khuyên.

Mẹ hằng cầu xin tuôn đổ tràn đầy ân sủng Chúa Thánh Thần và hướng dẫn nhắn nhủ các môn đệ và dân Chúa tới gần Chúa Giêsu hơn.

Công Đồng Vaticanô II trong hiến Chế Lumen Gentium sau khi tuyên bố Đức Maria là “thành viên trổi vượt” là “kiểu mẫu” và ‘gương sáng” của Giáo Hội, Công Đồng dạy tiếp: “Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu (LG 53).

Khi mô tả những tình cảm con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo Hội, vì những lý do sau:

- Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu: “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội” (Đức Phaolô VI).

- Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô: “Đây là con Bà… Đây là mẹ con” (Ga 19,26-27).

- Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi ở nhà Tiệc Ly, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính toà Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử toạ như sau: "Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai?" Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: "Thưa Cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa".

Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: "Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria". Liền sau đó, cử toạ liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Đàng, Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v...

Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Đức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nối tiếp: "Đức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn nói thêm về Đức Maria...". Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: "Tôi xin được nói với anh chị em Đức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Đàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria...".

Tước hiệu nói lên tương quan mẫu tử của Đức Maria với Giáo Hội.

Tước hiệu này ít được sử dụng trong quá khứ, nhưng mới đây trở nên phổ biến hơn trong những công bố của huấn quyền Giáo Hội và trong sự sùng kính của dân Kitô hữu. Đầu tiên, người tín hữu kêu cầu Đức Maria với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, “Mẹ tín hữu” hay là “Mẹ chúng con” để nhấn mạnh tới tương quan với từng đứa con của mình.

Về sau, do sự chú ý nhiều hơn tới mầu nhiệm Giáo Hội và mối tương quan của Đức Maria với Giáo Hội, nên Đức Trinh Nữ Rất Thánh bắt đầu được kêu cầu thường hơn là “Mẹ Giáo Hội”.

Trước Công Đồng Vat. II, kiểu nói này được huấn quyền Đức Lêo XIII sử dụng, quả quyết rằng Đức Maria “đúng thật là Mẹ Giáo Hội” (Acta Leonis XIII, 15, 302). Tước hiệu này về sau được sử dụng nhiều lần trong các bài giảng của Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI.

Cho dù tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” được gán cho Đức Maria mới đây thôi, nhưng tước hiệu ấy lại diễn tả tương quan mẫu tử giữa Đức Trinh Nữ Rất Thánh và Giáo Hội như nhiều bản văn Tân ước đã chứng minh.

Khởi từ ngày Truyền Tin, Đức Maria đã được kêu mời thuận ý khai mở Vương quốc cứu thế mà sau này sẽ xuất hiện với sự hình thành của Giáo Hội (Lc 2, 26-35).

Tại Cana (Jn 2, 2-11), khi xin Con mình thi hành quyền năng cứu thế của Người, Đức Maria đã góp phần cơ bản vào việc ghi dấu đức tin trong cộng đoàn các môn đệ đầu tiên và hợp tác trong việc khai mở Nước Chúa, một nước đặt “mầm giống” và “khởi điểm” nơi Giáo Hội (LG 5).

Trên Núi Sọ (Jn19, 27-27), Đức Maria kết hợp với hy lễ của Con và đã góp phần hợp tác mẫu tính của mình vào công trình cứu chuộc dưới hình thức của cơn đau đẻ, sinh ra nhân loại mới.

Khi nói lời: “Thưa Bà, nầy là con Bà” Đấng chịu đóng đinh tuyên bố Người là Mẹ không những đối với tông đồ Gioan mà còn với tất cả các môn đệ. Chính tác giả Tin mừng, khi nói Chúa Giêsu chết “để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 52), đã chỉ rõ sự sinh ra Giáo Hội như là hoa quả của hy lễ cứu chuộc mà Đức Maria đã kết hợp với mẫu tính.

Về điểm này chúng ta cùng nhau chiêm ngắm sâu hơn về mẫu tính của Mẹ dưới chân Thập giá.

Chính lúc Đức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ. Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Đức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.

Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người chà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.

Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.

Sứ điệp của Đức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.

Thánh sử Luca nhắc tới sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu trong cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 1, 14; 2, 3-4). Như vậy Thánh sử nhấn mạnh vai trò người mẹ của Đức Maria trong Giáo Hội mới sinh; bằng cách so sánh vai trò đó với vai trò của Người khi sinh ra Đấng Cứu Thế. Chiều kích Mẹ như thế trờ thành một yếu tố cơ bản trong tương quan của Đức Maria với Dân mới được cứu chuộc.

Căn cứ theo Kinh Thánh, giáo huấn của các giáo phụ nhìn nhận chức làm Mẹ của Đức Maria trong công trình Chúa Kitô và do đó, trong công trình của Giáo Hội.

Theo thánh Irênê, Đức Maria “trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho toàn dòng giống loài người” (PG 7, 959), và lòng thanh sạch của Đức Trinh Nữ “tái sinh người ta trong Thiên Chúa” (PG 7, 1080). Điều đó được thánh Ambrôsiô lặp lại: “Một Trinh Nữ đã sinh ra Đấng cứu rỗi cho thế gian, một Trinh Nữ đã mang đến sự sống cho mọi sự” (PL 16,1198), và nhiều giáo phụ khác cũng lập lại khi gọi Đức Maria “Mẹ của sự cứu rỗi”.

Thời trung cổ, thánh Anselmô thưa với Đức Maria thế này: “Mẹ là Mẹ của sự công chính hoá và cả những kẻ được công chính hoá, là Mẹ sự hoà giải và cả những kẻ được hoà giải, là Mẹ sự cứu rỗi và cả những kẻ được cứu rỗi” (PL 158, 957), còn nhiều tác giả khác lại gán cho Người tước hiệu “Mẹ ân sủng” và “Mẹ sự sống”.

Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội”

Như thế tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của người tín hữu Kitô, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống, thì thật chính đáng khi tuyên bố Người là Mẹ Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn Công Đồng Vaticanô II tuyên bố “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, của người tín hữu và các mục tử của họ”. Chính Đức Giáo Hoàng thực hiện điều đó khi đọc bài diễn văn bế mạc khoá thứ 3 Công Đồng (21.11.1964), Người cũng bảo: “từ nay toàn thể dân Kitô hữu hãy tôn kính và kêu cầu Đức Trinh Nữ Rất Thánh với tước hiệu này”.

Tâm tình con thảo

Trong cuốn sách tựa đề “Đồng Hành” có thuật lại câu chuyện về cuộc đời của một nhà thừa sai Canada, Giám mục Emile Crôa, Ngài thú nhận: Ngay từ thuở nhỏ, tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm, phá phách và cứng đầu, lười biếng. Có một lần thầy giáo đã phải giận dữ thốt lên rằng: “Chưa bao giờ tao thấy một học sinh nào quá quắt như mày”. Ngày nọ, thay vì đến trường, tôi lại trốn học ra đồng. Cha tôi biết được, ông giận dữ và thay vì đưa tôi về nhà, ông lại dẫn tôi vào một nhà nguyện. Ông xô tôi đến trước bàn thờ Đức Mẹ đang mỉm cười và quát: “Thằng khốn nạn, qùy xuống”. Và rồi ông ngước nhìn lên tượng Đức Mẹ và nói: “Xin Mẹ nhận lại thằng nhỏ này, vì quả thực con không còn biết phải làm gì với nó nữa. Xin Mẹ lo lắng cho nó để một ngày kia, nó khỏi trở thành một tướng cướp, bị treo cổ trên dây”.

Nhưng lời nói của cha tôi như một làn roi quất mạnh vào tôi. Tôi cảm thấy đau hơn tất cả các trận đòn từng bị đánh trước đây. Và nhìn lên Đức Mẹ đang mỉm cười tôi tự nhủ: “Nếu cha tôi đã phó thác tôi cho Đức Mẹ thì tôi phải minh chứng được Đức Mẹ đã làm điều gì đó tốt đẹp cho tôi’. Với sự trợ giúp của Đức Mẹ, Emile đã thay đổi, đi tu, thụ phong Linh mục, Giám mục và truyền giáo ở vùng thổ dân ngoại giáo ở Canada.

Kể lại câu chuyện này, đức cha không chỉ muốn dạy cho chúng ta cách thức hay nhất để chúng ta có thể dạy dỗ, uốn nắn sửa sai con cái, nhất là những đứa ngỗ nghịch, khó dạy hay bướng bỉnh quậy phá như Emile. Điều mà Chúa muốn xác tín với chúng ta cũng như với tất cả các gia đình Công giáo: “Mẹ Maria rất gần gũi, gắn bó và quan tâm đến những nhu cầu, khó khăn và cay cực của các gia đình”.

KẾT LUẬN

Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của cộng đoàn Dân Chúa, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống… và là Mẹ đích thực của mỗi người chúng ta.

P.K.M,CMC (Nguồn: timung.net)

---------------------------------

 

Suy Niệm 12. Đức Maria Là Mẹ Giáo Hội


Mẹ Giáo Hội (tiếng La-tinh: Mater Ecclesiae) là một trong nhiều tước hiệu của Đức Maria. Với tước hiệu này, Mẹ Thiên Chúa được tôn kính với tư cách là Mẹ của Giáo Hội, thân mình mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Ngay từ hồi thế kỷ thứ IV, tước hiệu này đã được Giáo Phụ Am-brô-xi-ô nhắc tới. Ngài đã liên kết hình ảnh Mẹ Giáo Hội với Đức Maria như là nguyên mẫu „có tính hiện thân“ của Giáo hội. Vào giữa thời Trung Cổ, tước hiệu trên của Đức Maria đã được phổ biến khá rộng rãi trong Giáo hội.

Vào ngày 11 tháng 02 năm 2018, nhân ngày Lễ Kính Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã bổ sung ngày Lễ Kính Đức Mẹ là Mẹ Giáo hội vào trong lịch chung của Giáo hội Rô-ma. Và Ngài ấn định rằng, ngày Lễ này sẽ được cử hành trên toàn Giáo hội vào ngày thứ Hai ngay sau Đại Lễ kính Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như Tòa Thánh Vatican đã công bố vào ngày 03 tháng 03 năm 2018. Theo đó, thứ Hai ngày 21 tháng 05 năm 2018 sẽ là ngày đầu tiên Lễ Kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội được cử hành trên toàn Giáo hội với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III.

Từ trước tới nay, ngày Lễ Kính Đức Maria là Mẹ Giáo hội chỉ được cử hành riêng lẻ trong một số Giáo phận và một số cộng đoàn Dòng Tu, và được cử hành vào những ngày khác nhau!

Hiến Chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium của Công Đồng Vatican II đã mô tả Đức Maria chính là thành phần của Giáo hội và là „Mẹ đáng mến“ của Giáo hội.

Tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo Hội đã luôn luôn được sử dụng bởi nhiều Đức Giáo Hoàng, trong đó có cả Đức Bê-nê-đíc-tô XIV (1748), Đức Lê-ô XIII (1885), Đức Gio-an XXIII, Đức Phao-lô VI và Đức Gio-an Phao-lô II. Vào năm 1944, Hugo Rahner mới khám phá ra rằng, ngay từ thế kỷ thứ IV, Thánh Am-brô-xi-ô cũng đã sử dụng tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo hội rồi. Khoa Thánh Mẫu học của Hugo Rahner được đặt nền tảng trên Thánh Am-brô-xi-ô cũng như trên các Giáo Phụ khác, và khoa Thánh Mẫu học của ông đã có một ảnh hưởng rất lớn trên Đức Phao-lô VI và Công Đồng Vatican II. Vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, tức Lễ Kính Đức Trinh Nữ thành Giê-ru-sa-lem, trong diễn văn bế mạc phiên họp thứ III của Công Đồng trên, Đức Phao-lô VI đã chính thức công bố tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Vào năm 1980, tước hiệu này đã được bổ sung vào trong Kinh Cầu Đức Bà, cụ thể là vào vị trí thứ hai sau tước hiệu Đức Bà là Mẹ Chúa Ki-tô.

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã diễn giải tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo hội như sau: Đức Maria không chỉ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng cũng còn là Mẹ của tất cả các tín hữu nữa, như Thánh Augustinô đã trình bày trong tác phẩm De sancta virginitate: „Mẹ đồng cộng tác trong Đức Mến để các tín hữu được sinh ra trong Giáo hội, mà các tín hữu ấy chính là chi thể của Đầu“, tức Chúa Ki-tô.

Theo cách trình bày của Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng, thì nhờ vào việc Mẹ được tôn kính với tư cách là Mẹ ơn Cứu Độ, Mẹ Sự Sống, Mẹ ân sủng, Mẹ của những kẻ được cứu chuộc và Mẹ của những kẻ sống, Đức Maria thực sự là Mẹ của toàn Giáo hội.

Đức Bê-nê-đíc-tô XVI lưu ý rằng, ngay từ đầu, Công Đồng Vatican II đã hiểu về Thánh Mẫu Học như là một phần của Giáo Hội Học, và vì thế, trong thực tế, một trong những đặc tính có tính nội tại nhất của Giáo hội, đó là sự đồng nhất hóa với Đức Maria, đã được diễn tả tại Công Đồng này.

 Thần học gia Hugo Rahner cho biết rằng, cách hiểu về Đức Maria với tước hiệu là Mẹ Giáo Hội như được trình bày ở trên bởi các Đức Thánh Cha, cũng đã có ngay từ thời các Giáo Phụ rồi.

Việc kêu cầu Đức Maria là Mẹ Giáo hội đứng trong mối liên hệ khắng khít với đặc tính nguyên thủy của chính Giáo hội với tư cách là Mẹ (Mater Ecclesia).

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – (biên soạn, biên dịch và tổng hợp)

---------------------------------

 

Suy Niệm 13. Đức Maria, Mẹ Hội Thánh


(Trích đoạn từ sách: “Theo Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu: Đức Mẹ là Mẹ, là thầy và là người biện hộ” của Cha Andrew Apostoli, CFR // Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam)

Đức Maria chính là Evà mới để đem sự sống của Chúa Giêsu cho chúng ta, Mẹ là Mẹ Hội Thánh và là Mẹ Chúng ta.

Một Evà mới

Như là một “người nữ” ở trung tâm của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Đức Maria là “Evà mới”. Từ rất sớm, danh hiệu này được gán cho Đức Maria trong các tác phẩm của các Giáo phụ. Bản thân thánh Phaolô đã giới thiệu Chúa Giêsu như là một “Ađam mới” (Rm 5,14; 1 Cr 15,45). Đó là logic khi nhìn về Đức Maria như là “Evà mới” bởi vì vai trò của Mẹ là mang lại sự sống cho tất cả những đứa con trong tinh thần của Mẹ. Chúng ta cũng đề cập đến Hội Thánh như một “Evà mới”, bởi vì Hội Thánh chính là tân nương, là hiền thê của Chúa Giêsu, như Evà là hiền thê của Ađam.

Cái tên Evà có nghĩa là “Mẹ của sự sống” (x. St 3,20). Nhưng bởi vì Evà đã phạm tội cùng Ađam, tội lỗi của bà đã truyền lại, không phải sự sống mà là cái chết cho những người con của bà. Cái chết này là cả về thể chất và tâm linh. Cái chết về thể xác có nghĩa là cái chết của cơ thể. Trước khi phạm tội tổ tông truyền, tổ tiên của chúng ta đã được tận hưởng món quà của sự bất tử. Tuy nhiên, cái chết là một hình phạt cho tội lỗi của họ đã được truyền lại cho tất cả con cháu. Linh hồn sẽ lìa khỏi thân xác. Ngay cả sau cái chết của thể xác, linh hồn vẫn giữ hy vọng được tái hợp với thể xác trong Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu. Cái chết linh hồn có nghĩa là chúng ta, với tư cách là con cháu của Evà, được sinh ra mà không có ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta không thể tự chuộc lại ân sủng mà chúng ta đã đánh mất bởi vì cái giá cứu chuộc quá lớn so với chúng ta. Lối vào Thiên Đàng sẽ đóng kín mãi mãi trừ khi có một điều gì đó xảy ra!

Nhưng đối với Đức Maria, Evà mới, mọi thứ đã đảo ngược hoàn toàn, bởi vì Mẹ đã thông phần vào công cuộc cứu độ của Con Thiên Chúa, chính là Ađam mới. Chúa Giêsu đã đến để mang đến cho chúng ta sự sống trọn vẹn: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Nhờ sự cứu chuộc của mình, Chúa Giêsu đã phục hồi cho chúng ta cuộc sống ân sủng đã mất thông qua Bí tích Rửa tội. Đồng thời, qua sự phục sinh thân xác của mình, Chúa Giêsu hứa rằng Ngài sẽ cho thân xác chúng ta sống lại khi trở lại trong vinh quang vào ngày sau hết. Bởi Đức Mẹ đã tham gia mật thiết vào chương trình cứu độ của Con Thiên Chúa, Mẹ đã mang lại sự sống thần linh cho những đứa con của mình.

Mẹ Hội Thánh

Là Evà mới, thực sự là Mẹ của sự sống, Đức Maria cũng là Mẹ của Hội Thánh. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta rằng, Hội Thánh là thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô. Chúa Giêsu là đầu, trong khi chúng ta là những người đã được rửa tội, trở nên chi thể (x. Ep 5,23). Đầu và các chi thể tạo nên thân thể toàn vẹn của thân mình mầu nhiệm Chúa Giêsu. Ở Bêlem, Đức Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu, đầu của chúng ta.

Trên đồi Canvê, Đức Maria trở thành mẹ một lần nữa. Chúa Giêsu đã chỉ ra cho ta biết khi Người nói với Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” (Ga 19,26). Để có thể hiểu được mầu nhiệm này, chúng ta hãy xem xét cách mà Gioan mô tả cuộc khổ hình của Chúa Giêsu. Lúc chạng vạng tối, những tên lính Rôma đã đánh giập ống chân của hai tên trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Cách duy nhất để thở được trên thập giá là dùng chân để nâng cơ thể lên, nên việc đánh giập ống chân phạm nhân là để họ chết nhanh hơn. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng để chắc chắn người đã chết, một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Thánh Gioan lúc này cho chúng ta thấy, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người (Ga 19,31-34).

Từ rất sớm, các Giáo phụ đã nhìn máu và nước như là biểu tượng của việc khai sinh Hội Thánh. Đức Giêsu là Adam mới. Đức Maria, trong tư cách cá nhân là Evà mới, mẹ của các chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Hội Thánh cũng là một Evà mới, là hiền thê của Chúa Giêsu. Giống như cách mà tổ tiên Evà được tạo ra từ cạnh sườn Ađam trong vườn địa đàng thì Hội Thánh cũng được sinh ra từ cạnh sườn của Đức Giêsu trên cây thập giá tại đồi Canvê. Sách Sáng thế nói rằng, Chúa đã đưa Ađam vào một giấc ngủ sâu, lấy ra một trong những xương sườn và tạo thành Evà (x. St 2,21-22). Các Giáo phụ đã đối chiếu đến sách Sáng thế trong Kinh Thánh về cái chết của Đức Kitô. Theo quan điểm đó, Đức Giêsu (Ađam mới) đang trong giấc ngủ của tử thần trên thập giá, thì ngọn giáo của người lính đã làm cho máu và nước tuôn trào từ cạnh sườn Đức Giêsu và trở thành biểu tượng (việc khai sinh) Hội Thánh. Nước tượng trưng cho Bí tích Rửa Tội, cho chúng ta bắt đầu cuộc sống mới trong Chúa Kitô; Máu tượng trưng cho Bí tích Thánh Thể, tặng ban cho chúng ta chính mình Người, tác giả cuộc sống mới của chúng ta. Và đây cũng là hai bí tích lớn nhất, Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể diễn tả chính Hội Thánh.

Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đã nói, Hội Thánh được sinh ra một cách mầu nhiệm từ cạnh sườn Chúa Kitô, đã có một cuộc hạ sinh thì phải có một người mẹ. Đức Maria đã ở dưới chân thập giá và nhận được từ Con một vai trò mới là mẹ sự sống: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” (Ga 19,26). Thưa Bà – Chúa Giêsu một lần nữa sử dụng danh hiệu đó để nói với mẹ mình, như cách Người đã làm ở tiệc cưới Cana. Có một lý do sâu xa cho việc Người sử dụng từ “Bà – người phụ nữ” mà chúng ta thấy khi đọc sách Sáng thế. Trong vườn địa đàng, Thiên chúa đã phán với con rắn rằng bởi nó mà Ađam (đầu tiên) và Evà (đầu tiên) đã phạm tội,

“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15).

Lúc ở tiệc cưới Cana cũng như ở đồi Canvê, Chúa Giêsu đã gọi Mẹ mình là “thưa Bà”, chúng ta có thể kết luận rằng, Người đã xác nhận Đức Maria sẽ trở nên thù địch với tội lỗi (ma quỷ) và hậu duệ của Mẹ sẽ đối đầu với hậu duệ của tội lỗi (ma quỷ).

Trong cơn hấp hối, khi Đức Giêsu nói với Mẹ của mình rằng, “Thưa Bà, đây là con của Bà”, Ngài cũng đồng thời khẳng định rằng Đức Maria cũng là Mẹ của chúng ta. Khi sinh ra Chúa Kitô, Đấng là đầu của chúng ta, Mẹ Maria cũng ban cho chúng ta sự sống, vì cùng một sự sống trong Chúa Giêsu cũng hiện diện trong chúng ta, những người là chi thể của thân mình mầu nhiệm.

Mẹ chúng ta

Thánh Aelred thành Rievaulx, một tu sĩ dòng Xitô và là người cùng thời với Thánh Bernard thành Clairaux, đã chỉ ra cho chúng ta thấy vai trò thần linh của Đức Maria:

Chúng ta nợ Mẹ Maria sự tôn kính, vì Mẹ là Mẹ của Chúa chúng ta. Ai không tôn kính Người Mẹ thì làm mất lòng Người Con. Ngoài ra, Kinh thánh nói: Hãy tôn vinh cha và mẹ của bạn. . . Như chúng ta đã biết và tin tưởng, khi tất cả chúng ta chết đi trong tội lỗi, bóng tối và đau khổ. Trong cái chết, vì chúng ta đã mất Thiên Chúa; trong tội lỗi, vì sự tham lam của chúng ta; trong bóng tối, vì chúng ta không có ánh sáng của sự khôn ngoan, và do đó đã bị diệt vong hoàn toàn. Nhưng sau đó chúng tôi được sinh ra, tốt đẹp hơn nhiều so với Evà, nhờ Đức Maria, vì Chúa Kitô được Mẹ sinh ra. Chúng ta được phục hồi cuộc sống mới thay cho tội lỗi, sự bất tử thay cho sự chết, ánh sáng thay cho bóng tối. Mẹ là mẹ của chúng ta, mẹ của Nguồn Sống [Chúa Giêsu], mẹ của sự cứu chuộc [Chúa Giêsu], mẹ của ánh sáng [Chúa Giêsu]. Thánh Phaolô tông đồ nói về Chúa của chúng ta: “Người đã trở nên vì chúng ta, nhờ quyền năng của Chúa Cha, sự khôn ngoan và công chính, sự thánh thiện và sự cứu chuộc cho chúng ta. [Mẹ Maria] sau đó, với tư cách là mẹ của Chúa Kitô, là mẹ của sự khôn ngoan và công chính của chúng ta, về sự thánh thiện và cứu chuộc của chúng ta. Mẹ là Mẹ của chúng ta nhiều hơn mẹ của chúng ta. Được sinh ra từ Mẹ là tốt đẹp hơn, vì từ Mẹ sinh ra là sự thánh thiện, sự khôn ngoan, công chính, sự thánh hóa, sự cứu chuộc của chúng ta.

Tất cả chúng ta đã nhận được sự sống mới trong Chúa Kitô và Mẹ Maria đã thụ thai và sinh ra Người. Chính vì thế, ta có thể nói với Thánh Aelred rằng, cũng chính Đức Maria đã cho ta cuộc sống này, ngay từ lúc ta được chia sẻ sự sống với Đức Kitô từ Mẹ. Trong thân thể người, sự sống của Chúa Giêsu, đầu của chúng ta chảy vào chúng ta là chi thể của Người. Điều này làm cho Mẹ Maria đóng vai trò là một người mẹ của sự sống. Mẹ truyền sự sống cho chúng ta thông qua và trong Chúa Kitô, người sống trong chúng ta.

-----------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây