"Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".
* Thánh nhân sinh quãng năm 1170, tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha. Người học thần học tại Pa-len-xi-a rồi làm kinh sĩ giáo phận Ốt-ma. Trước hết, người quy tụ một số phụ nữ về sống tại Pơ-rô-vin-lơ (Pháp), theo một tu luật, rồi sau người lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tu-lu-dơ để đối lại lạc giáo Ca-tha.
Chính người đã chiến đấu với lạc giáo bằng lời giảng thuyết, bằng gương sáng và đã thu hoạch được kết quả khả quan. Người muốn các anh em trong Dòng phải sống khất thực, và lời giảng dạy phải xuất phát và được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm. Người đã đặt trung tâm Dòng ở Rôma trước khi qua đời ở Bô-lô-nha ngày 6 tháng 8 năm 1221.
-------------------------------
Lời Chúa: Mt 17, 21-26
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.
Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".
Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Đòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi mỉm cười, khi nghĩ đến việc anh Phêrô đi ra hồ Galilê để thả câu bắt cá, một chuyện bắt cá rất bất thường, vì một mục đích cũng bất thường. Thầy Giêsu dặn anh hãy túm lấy con cá đầu tiên câu được, bắt lấy, mở miệng nó ra, thấy ngay một đồng tiền trị giá bốn quan, vừa vặn để nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò. Đây là thứ thuế mà hàng năm, theo sách Xuất hành (30, 14) những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi phải nộp để lo việc tu bổ Đền Thờ và việc tế tự trong đó. Ta không thấy kể chuyện anh Phêrô đã vâng lời Thầy ra sao, và phép lạ đã xẩy ra như thế nào. Chỉ biết chẳng khi nào trong Tân Ước Thầy Giêsu lại có ý làm một phép lạ vì lợi ích cho mình như vậy. Nhưng chuyện bắt cá để lấy tiền nộp thuế lại không phải là chuyện quan trọng của đoạn Tin Mừng này. Điểm chính yếu nằm ở những câu nói của Thầy Giêsu. Ai cũng biết con cái của vua chúa trần gian thì được miễn thuế, vì các vua chỉ đánh thuế người ngoài thôi (c. 26). Đức Giêsu chính là Người Con tuyệt hảo của Vị Vua thiên quốc. Và những Kitô hữu cũng là con cái của Đức Vua tối cao. Họ là những người đã mở lòng đón nhận Nước Trời (Mt 13, 38), và đã gọi Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng con (Mt 6, 9). Như thế Thầy Giêsu và các môn đệ của mình đều được miễn thuế. Thầy trò không phải nộp thuế Đền Thờ như những người Do Thái khác. Tuy Thầy trò có quyền không nộp thuế, nhưng Thầy Giêsu lại không muốn làm cớ cho người khác vấp phạm. Khi về đến nhà của anh Phêrô ở Caphácnaum, Thầy Giêsu bày tỏ ý muốn nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò. Thầy chấp nhận giữ luật mà các người đàn ông Do Thái đều giữ. Thầy biết mình có tự do, nhưng Thầy cũng dám hy sinh tự do ấy vì lợi ích cho người khác. Thánh Phaolô cũng sẽ nói về nguyên tắc này khi bàn về việc ăn đồ cúng. “Đành rằng mọi thức ăn đều thanh sạch, nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rm 14, 20). Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu” trong cộng đoàn. Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc điều mình được phép làm. Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu lộ tình yêu. Thế giới hôm nay ca ngợi tự do, nên cũng đầy cớ gây vấp phạm. Bao sa ngã của giới trẻ là do sự phóng túng của người lớn. Con người hôm nay quá gần nhau bởi các phương tiện truyền thông, nên ảnh hưởng xấu lan đi vừa nhanh lại vừa rộng. Nếu chúng ta tự ý làm hay tránh làm một điều gì đó chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người khác, thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép lạ thật ngỡ ngàng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng trước mọi biến cố của cuộc sống, khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm, hay gặp sự bất trung, bất tín nơi những người con tin tưởng cậy dựa. Xin giúp con gạt mình sang một bên để nghĩ đến hạnh phúc người khác, giấu đi những nỗi phiền muộn của mình để tránh cho người khác phải đau khổ. Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời, để đau khổ làm con thêm mềm mại, chứ không cứng cỏi hay cay đắng, làm con nhẫn nại chứ không bực bội, làm con rộng lòng tha thứ, chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ. Ước gì không ai sút kém đi vì chịu ảnh hưởng của con, không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật, lòng cao thượng, tử tế, chỉ vì đã là bạn đồng hành của con trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu. Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối, xin cho con có lúc thì thầm với Chúa một lời yêu thương. Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên, tràn trề sức mạnh để làm việc thiện, và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ)
Đức tin vững mạnh nhờ qui chiếu quá khứ. Mô-sê nhắc nhở cho dân Do thái điều đó. Khi vào Ai cập họ chỉ có 70 người. Ai cập là đế quốc hùng mạnh nhất thời đó. Vậy mà Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập bằng những chiến thắng lẫy lừng, những điềm kỳ phép lạ. Rõ ràng Chúa là “Thần của các thần, là Chúa của các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả úy”. Và hiện nay họ đã là một dân đông đúc, hùng mạnh. Vì thế hãy vững tin nơi Chúa (năm lẻ).
Đức tin vững mạnh nhờ hướng tới tương lai. Ê-dê-kiên trong thời lưu đầy khổ nhục. Nhưng bên bờ sông Kê-ba, ông đã nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện đến oai hùng như một đạo quân với “tiếng ồn ào trong doanh trại”. Dũng mãnh như “một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến”. Linh thiêng ngự giữa đám mây, “có lửa lóe ra và ánh sáng chiếu tỏa chung quanh”. Quyền uy ngự trên ngai cao. “Và trên ngai có kim loại lấp lánh, có đám lửa bao quanh…Có cầu vồng xuất hiện trên mây..” Nhưng Thiên Chúa lại rất gần gũi vì “tay Đức Chúa đặt trên ông” Ê-dê-kiên. Ê-dê-kiên được tràn đầy niềm an ủi, tràn đầy niềm tin, tràn đầy hi vọng sẽ đến ngày Dân Chúa được phục hồi. Và trong niềm tin tưởng hi vọng vào một tương lai huy hoàng, Ê-dê-kiên sẽ an ủi khích lệ dân chúng hãy vững tin (năm chẵn).
Đức tin biểu lộ cụ thể trong đời sống hiện tại. Vì thế Mô-sê khuyên nhủ dân chúng hãy sống tốt trong hiện tại. Vững vàng tin tưởng, thờ phượng Chúa, “yêu mến phung thờ Người hết lòng hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người” (năm lẻ).
Chúa Giê-su chính là gương mẫu cho ta trong đời sống đức tin. Người tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa Cha. Người biết Chúa Cha sẽ giải thoát Người khỏi cái chết, cho Người được phục sinh, trả lại cho Người vinh quang Người đã có trước kia bên Chúa Cha. Nên trong phút giây hiện tại Người lo chu toàn thánh ý Chúa Cha, sống như một người thường, chu toàn những bổn phận của người dân thường như đóng thuế, đọc kinh, đi lễ Đền Thờ. Còn hơn nữa, Người sẵn sàng chịu mọi đau đớn khổ nhục “bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người”.
Xin cho chúng ta được noi gương Chúa Giê-su luôn sống tâm tình người con hiếu thảo. Chiếu lên ánh sáng rực rỡ của đức tin trong cuộc đời hiện tại bằng cặn kẽ tuân hành thánh ý Thiên Chúa, yêu thương anh em đồng loại, chu toàn mọi bổn phận nơi trần thế. Chắc chắn chúng ta sẽ cùng Chúa Giê-su hưởng vinh quang bên Chúa Cha.
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Ðền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Ðền thờ Giêrusalem.
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, tức là ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor. Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến yêu cầu Phêrô nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.
Khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài. Chúa Giêsu liền bảo thế thì con cái được miễn". Ðây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế; nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Ðền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.
Nếu ngày xưa, người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Ðền thờ để lo việc phụng sự Nhà Chúa, thì ngày nay trong Giáo Hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài. Mầu nhiệm nhập thể đòi buộc Chúa phải chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết noi gương Chúa, chấp nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.
Bác sĩ Ý Antinori đã tạo ra một chấn động mạnh trong lương tâm nhân loại khi ông tuyên bố việc tạo sinh con người theo phương pháp vô tính. Phương pháp tạo sinh vô tính đã được áp dụng thành công vào việc sản sinh ra con cừu có tên là Doli tại Anh Quốc cách đây vài năm và đã được áp dụng vào những loài vật khác nhau từ chuột đến bò, heo. Vấn đề cần đặt ra không phải là chuyện phương pháp kỹ thuật tạo sinh vô tính có hoàn hảo không. Tất nhiên, đem thí nghiệm tạo ra một con người mà không biết chắc sẽ sinh ra một con người bình thường hay một quái thai, quả là một hành động liều lĩnh, vô trách nhiệm. Nhưng ngay cả khi phương pháp tạo sinh vô tính đã được nghiên cứu tới mức hoàn hảo đi nữa thì câu hỏi vẫn là con người có quyền sản sinh vô tính con người không? Không riêng gì những con người có niềm tin tôn giáo mà ngay cả với những ai không thuộc tôn giáo nào đi nữa, đã là con người có lương tri, người ta không thể trốn tránh một câu hỏi như thế.
Tựu trung, đạo đức vẫn luôn luôn là chiều kích bao trùm toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Trong bất cứ sinh hoạt nào, con người cũng luôn luôn phải tự hỏi: Tôi có được phép làm điều này không? Tôi phải cư xử như thế nào cho xứng với phẩm giá con người? Ðã làm người là phải chấp nhận những giới hạn. Không ai được hỏi ý kiến khi sinh ra. Không ai chọn lựa cha mẹ, quê hương để sinh ra. Con người đến trong cõi đời không do chọn lựa của mình. Ðiều ấy cho thấy tính giới hạn là tất yếu đối với con người. Cái chết lại càng là một khẳng định về những giới hạn ấy, mà đã có giới hạn, cho nên con người không thể sống mà không tuân theo những qui luật của cuộc sống. Bên cạnh những qui luật của thiên nhiên, quan trọng hơn cả là những qui luật đạo đức. Chỉ khi nào tuân hành những qui luật đạo đức ấy, con người mới có thể triển nở trong nhân cách và thành toàn.
Là người tín hữu Kitô chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về thân phận con người dưới ánh sáng mầu nhiệm nhập thể. Chỉ trong Ngôi Lời nhập thể làm người, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Chúng ta biết về mình và chúng ta biết phải sống như thế nào cho ra người khi nhìn vào con người và cuộc sống của Chúa Giêsu. Trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê, thánh Phaolô đã tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể như sau: "Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì sự ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự".
Quả thật, Chúa Giêsu là mẫu gương của vâng phục. Suốt ba mươi năm ẩn dật tại Nazareth, Ngài đã vâng phục cha mẹ, tuân thủ các Lề Luật của Môsê. Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Ngài đóng thuế cho đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.
Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Ðã làm người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những qui luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã chọn kiếp sống con người. Ngài là một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: "Chính vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt lên trên muôn ngàn danh hiệu".
Vâng phục để được suy tôn, tự hạ để được nâng lên. Sống những giới hạn của kiếp người với tinh thần trách nhiệm để được là người hơn. Ðó là qui luật của cuộc sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.
Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Đức Giêsu nói với các ông: “Con người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. (Mt. 17, 22-23)
Lần thứ nhất Đức Giêsu loan báo Người sẽ phải chịu chết, Phê-rô, nhân danh mình và các bạn tông đồ ra mặt phản đối. Tại sao? Thưa, Người đã không làm điều gì dữ. Người phải xa lánh Giê-ru-sa-lem vì thảm họa sẽ xảy ra ở đó. Chớ gì người ta chẳng cho phép bảo vệ Người. Những kẻ muốn mưu hại tính mạng thường đến đó. Thầy không muốn nghe về những chuyện đó. Phê-rô và các tông đồ nhớ rõ Thầy đã khiển trách các ông như thế rồi. Không có chuyện tái can Thầy nữa. “Các ông buồn!” Người ta nổi khùng khi đứng trước một người thân yêu lâm bệnh nguy tử, đành khoanh tay ngồi nhìn trước cảnh tượng vô phương đó, chúng ta cũng buồn. Người thân yêu của chúng ta sắp ra đi. Còn yêu gì được nữa.
Trống rỗng và nặng nề.
Con tim trống rỗng làm chúng ta cảm thấy bị đè nặng.
Các tông đồ buồn sầu. Còn nói gì được nữa? các ông biết chắc sẽ xẩy ra như thế vì Chúa đã nói rồi. Làm sao không tin được? Mọi sự Người đã nói, đã loan báo, thì đã thực hiện. Những công việc của Thiên Chúa mà Thầy hoàn tất chứng tỏ Thầy biết rõ ý định của Chúa Cha.
Phép lạ!
Nhân dịp kẻ thu thuế đòi đóng thuế, Đức Giêsu làm một phép lạ rất giản dị và dịu êm.
Thấy một con cá nuốt một vật, chẳng phải lạ, dù là một đồng tiền hay vật khác. Nhưng lạ lùng là chính Phê-rô đã bắt được con cá này để lấy đồng tiền ra nộp thuế đền thờ.
Đức Giêsu cho biết: Con không phải nộp thuế cho Cha. Cuộc thương khó và cái chết của Thầy nói cho biết Thầy là Con Chúa Cha. Để chứng tỏ Con luôn luôn vâng lời hết mọi sự.
Trong cuộc sống, có lẽ không ai muốn mình phải nghe, hay đụng chạm đến những tin không vui. Vì thế, với não trạng của con người, chúng ta thường thích nghe tin mừng, tin thành công và tin chiến thắng.
Tuy nhiên, hôm nay, bài Tin Mừng lại tường thuật việc Đức Giêsu loan báo một tin buồn và nghịch lý với lối hiểu của con người, Ngài nói: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy".
Khi nghe thấy tin đó, các môn đệ buồn phiền và thất vọng. Với các ông và cả những người Dothái cùng thời, Đức Giêsu phải là người mang lại tự do, thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột của đế quốc, Ngài phải là người đánh đông dẹp bắc và thống lãnh bằng quyền lực... Tuy nhiên, điều này hoàn toàn ngược lại với sứ vụ của Đức Giêsu, vì thế Ngài đã không làm. Con đường cứu độ và giải thoát của Ngài là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, mà ý Chúa Cha là muốn Đức Giêsu phải chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, Ngài đã vâng lời đến cùng để thánh ý của Cha được nên trọn.
Nhưng vì biết các môn đệ luôn mang trong mình tâm tưởng phàm tục, nên Đức Giêsu đã loan báo trước cuộc khổ nạn, để các ông dần dần hiểu ra sứ vụ và tiếp tục tiến bước trên con đường mà chính Ngài đã đi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng lòng lên trời để tìm vinh danh Chúa và ích lợi cho phần rỗi của mình. Đồng thời, sẵn sàng khước từ những điều không phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Mặt khác, cần phải xác định thật rõ con đường chân phúc để được hưởng niềm vui, hạnh phúc và bình an trong Nước Trời, con đường đó là: “Phải qua đau khổ rồi mới đến vinh quang". Tinh thần này cũng được Đức Cố Hồng Y Fx. Thuận nói đến trong sách Đường Hy Vọng, Ngài nói: “Tránh gian khổ con đừng trông làm thánh”(x. ĐHV., số 702), thánh mà không vượt qua đau khổ là thánh giả, vì khi: “Phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện hình quỷ” (ÐHV., số 44).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khám phá ra ý nghĩa của sự đau khổ và luôn biết kết hợp với ơn Chúa, sẵn sàng đón nhận tất cả vì Chúa và vì Nước Trời. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đáng lẽ không phải nộp thuế cho đền thờ, nhưng Chúa vẫn nộp để khỏi làm cớ cho người ta gai mắt. Chúa khước từ quyền lợi đáng được hưởng để sống vì người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã để lại mẫu gương quên mình để hoàn toàn sống vì người khác. Chúa có quyền không nộp thuế cho đền thờ bởi vì Chúa là Con Thiên Chúa, Chúa mới là Đấng mà người ta phải nộp thuế để lo việc tế lễ tôn thờ. Nhưng dù vậy Chúa vẫn nộp thuế để khỏi trở nên cớ cho người ta công kích và chống lại sứ điệp của Chúa.
Suốt cả cuộc đời, Chúa đã không sống cho mình, nhưng chỉ biết sống cho chúng con. Dù là Con Thiên Chúa đáng được địa vị và vinh quang như Chúa Cha, nhưng Chúa đã khước từ và hủy mình ra không. Chúa không sống theo sở thích của mình, nhưng hy sinh tất cả vì chúng con. Đối với chân lý mà Chúa phải mạc khải, thì Chúa cương quyết không bao giờ nhượng bộ. Còn đối với quyền lợi Chúa đáng hưởng, thì Chúa lại khước từ tất cả.
Lạy Chúa, trong khi đó, con lại thích sống ích kỷ, quyền lợi thì đòi hưởng thật nhiều, còn bổn phận thì lại trốn tránh. Xin Chúa giúp con canh tân cuộc sống, biết hy sinh quyền lợi và đặc ân, biết từ khước những điều con đáng được hưởng để chỉ biết sống cho tha nhân. Những điều có thể trở nên gương xấu, thì dù có thể làm, con cũng sẽ không làm. Còn những điều có thể giúp ích cho người khác, thì dù không muốn làm, con sẽ cố làm. Con bắt chước Chúa sống như thế không phải là giả hình, vì lời khen tiếng chê, nhưng vì con muốn sống cho tha nhân, vì con yêu mến họ, vì con muốn nâng đỡ đức tin của họ. Xin Chúa dẫn dắt con. Amen.
Ghi nhớ: “Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế”.
1. Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết: Ngài sẽ bị nộp, bị giết nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Các ông nghe Chúa nói vậy thì buồn lắm, nhưng không dám nói gì, vì sợ Chúa quở như đã quở ông Phêrô. Còn việc nộp thuế cho Đền thờ, Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, Người có quyền không nộp thuế cho Đền thờ. Nhưng việc Chúa Giêsu nộp thuế chứng tỏ Người chu toàn lề luật, sống khiêm nhường như những người Do thái bình thường. Chúa đã để lại cho chúng ta một mẫu gương khiêm tốn và chu toàn lề luật.
2. “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Thích nghi với đời sống xã hội là một trong những đòi hỏi cơ bản nhất của đời sống.
Khi nhập thể làm người, Thiên Chúa như phải làm một cuộc hội nhập văn hóa. Ngài không phải là con người trừu tượng, nhưng là người Do thái với tất cả quá khứ của một dân tộc. Ngài nên giống con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Làm người Do thái dưới thời đế quốc Rôma bảo hộ, Ngài cũng đăng ký trong một cuộc tổng kiểm tra dân số trên toàn lãnh thổ đế quốc. Là người Do thái sống dưới sự cai trị của người Rôma, Ngài đóng thuế cho đế quốc. Nhưng dĩ nhiên, Ngài cũng tuân thủ tất cả lề luật của Do thái giáo: chịu cắt bì, được dâng trong Đền thờ, đến Hội đường, giữ ngày hưu lễ, nộp thuế tôn giáo.
3. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ.
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Đền thờ nữa. Theo đó, mọi đàn ông Do thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp thuế cho Đền thờ hằng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này không.
4. Chúa Giêsu giải quyết thế nào về việc nộp thuế cho Đền thờ?
Theo bài Tin Mừng, khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài”. Chúa Giêsu liền bảo: “Thế thì con cái được miễn”.
Đây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: “Thế thì con cái được miễn”, Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, bởi vì câu: “Thế thì con cái được miễn”. Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Đền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quỹ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
5. Chúa Giêsu là gương mẫu của vâng phục. Suốt 30 năm ẩn dật tại Nazareth Ngài đả vâng phục cha mẹ, tuân theo các lề luật của Maisen. Tin mừng hôm nay ghi lại việc Ngài đóng thuế cho Đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.
Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Đã làm người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những qui luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã trọn kiếp con người. Ngài là một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phalô đã khẳng định rằng: “Chính vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt trên muôn ngàn danh hiệu”.
6. Thánh Matthêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do thái giáo đã khai trừ các Kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không còn bổn phận đóng góp cho Đền thờ Giêrusalem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người Do thái kết án là tại Kitô hữu bỏ bổn phận trước), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho Đền thờ. Có những việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.
7. Truyện: Phải tránh gương xấu.
Một cha sở kia ở miền núi, mỗi ngày trước khi lên giường ngủ, ngài thường quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa gần nhà cầu nguyện cho những người ở đó. Ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia, ngài nghe thấy có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Ngài nhìn kỹ thì thấy bóng một người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm chăng? Một tên điên chăng? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một gốc cây, ngài thấy rõ có một người lạ mặt đến quì trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết: “Cha ơi, cha có tha cho con không? Cha nói đi! Cha nói đi”.
Cha nhìn kỹ và nhận ra đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến nỗi chết đi. Ngài rón rén đến gần, đặt tay lên vai người đó và nói:
- Ô con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao?
Người bổn đạo khiếp sợ quá, nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói:
- Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.
- Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng xử tệ với con như vậy. Ngày mai, con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm nữa.
10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa.
Cha sở buồn rầu thốt lên một lời:
- Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên chuyện này (Trích “Phúc)”.
1. Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn: Nội dung hầu như giống y lần thứ nhất (x. 16,21), chỉ khác một chi tiết nhỏ là Ngài sắp bị nộp vào tay “người đời”) (lần thứ nhất: “chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, thượng tế và kinh sư”).
2. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ:
- Mọi đàn ông do thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp cho Đền thờ hằng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế này vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này không.
Chúa Giêsu trước hết đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.
- Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn: các bậc vua chúa thường không thu thế con cái họ mà chỉ thu thuế các thần dân khác. “Vậy, con cái thì được miễn”: được miễn bởi vì chúng không phải nộp thù lao hay phải làm tạp dịch để được bố chúng xem chúng là con. Tương quan phụ tử phát sinh từ một sự nhưng không mà tương quan chủ tớ không hề có. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dạy cho các môn đệ mình cư xử với Thiên Chúa như với người cha của họ là Đấng ngự trên trời và là Đấng luôn trung tín với con cái mình mà chẳng hề đòi buộc chúng phải nộp thuế (Claude Tassin).
- Một giải pháp thực tế: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ… anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. Các kitô hữu gốc do thái luôn tự do trong việc nộp thuế Đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì nếu không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho đám người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel.
B.... nẩy mầm.
1. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”: Động từ “bị nộp” ở thể thụ động hiểu ngầm người nộp là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa nộp ai và nộp cho ai ? Thưa nộp Chúa Con cho người thế gian.
- Ta hãy suy gẫm về tình thương của Thiên Chúa: Ngài ban cho loài người Người Con độc nhất mà Ngài rất yêu quý.
- Ta cũng hãy suy gẫm về sự hy sinh tự hạ của Chúa Giêsu: Là Con Thiên Chúa, Ngài sẵn lòng bị nộp vào tay người đời để cho người đời hành hạ và giết chết.
2. “… nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền”: các môn đệ buồn phiền vì chỉ nhớ phần thứ nhất của lời loan báo (Chúa Giêsu bị giết) chứ không để ý tới phần thứ hai (Ngài sẽ sống lại).
Xin cho con luôn nhớ rằng Thập giá là đường dẫn tới vinh quang, vì có nhớ như thế con mới có thể lạc quan vác thập giá theo Chúa.
3. Câu chuyện này nhắc mọi tín hữu góp phần mình vào Đền thờ, vào việc chung của Giáo Hội. Đây là một bổn phận công bằng, vì ta đã hưởng những ơn ích của Giáo Hội thì ta cũng phải góp phần mình vào đấy, góp phần bằng vật chất và bằng tình thần.
4. Thánh Mat-thêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do thái giáo đã khai trừ các kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không còn bổn phận đóng góp cho Đền thờ Giêrusalem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người do thái kết án là tại kitô hữu bỏ bổn phận trước), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho Đền thờ.
Có nhiều việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.
5. Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Anh ra biển thả câu ; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền 4 quan. Hãy lấy số tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và của anh” (Mt 17,27)
Là một ngư phủ, việc câu cá với Phêrô quả là dễ dàng. Chúa Giêsu đã sai Phêrô làm một việc trong tầm tay của ông để tuân hành luật lệ xã hội. Nhưng đồng thời, trong cuộc sống, Ngài luôn lưu ý Phêrô và các môn đệ về thế đứng của họ: sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Qua đó, tôi đọc ra nơi Chúa Giêsu một khả năng hội nhập tinh tế: hoà mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.
Trong thực tế, nhiều lần tôi đã lạm dụng hai chữ “hội nhập” để ngụy biện cho những ích kỷ, lười biếng, và những hành động thiếu yêu thương, công bằng trong bổn phận của một Kitô hữu.
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời trong những bổn phận trần thế và những hành động yêu thương nhỏ bé của con. (Hosanna)
1. Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến cuộc thương khó của Chúa Giêsu và vấn đề thuế thân.
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cuộc tử nạn sắp đến của Ngài với các môn đệ, nhưng với chi tiết rõ ràng hơn lần trước: Con người sẽ bị nộp vào tay người đời…. và Matthêô thêm: “Các môn đệ buồn lắm.” (Mt 14,23)
Chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu đang tập cho các môn đệ làm quen phần nào với cuộc Thương khó sắp đến của Ngài, để tránh cho các ông cú “sốc” quá lớn, có thể đưa đến thất vọng chăng. Đồng thời, việc Chúa loan báo trước như vậy là để cho các môn đệ biết, cuộc thương khó của Ngài nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Tin Mừng ghi: “Các môn đệ buồn lắm!” (Mt 14,23).
2. Buồn cũng như vui, là thành phần của cuộc sống. Và thường buồn rồi mới vui. Cũng như mưa xong, trời lại nắng. Cuộc sống thường thêu dệt bằng những buồn vui, vui buồn là sợi ngang chỉ dọc dệt nên tấm thảm cuộc đời.
Chính Chúa Giêsu cũng sẽ phải trải qua nỗi buồn chưa từng có trên đời: buồn đến nỗi mồ hôi máu chảy ra tại núi Cây Dầu. Buồn vui là qui luật của cuộc đời. Điều quan trọng là người Kitô hữu biết thánh hóa những niềm vui nỗi buồn đó.
Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa, Vì Chúa đã ban cho con, Một con đường để con đi về phía trước, Lòng vững tin Chân Hạnh Phúc ở cuối trời Một cuộc đời để con nếm buồn vui, Và sẽ hiểu: buồn vui cũng chỉ là tương đối. Một người bạn để con chìa tay với, Mà không mong chỉ giữ mãi cho riêng mình Một tình yêu để tim con rạo rực, Nhận rất nhiều, rồi thao thức đem cho Một ước mơ để con chờ con đợi,
Khi đêm qua, rồi Ngày Mới bắt đầu...
3. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ.
Theo Luật thì mọi người đàn ông Do Thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestine, đều phải nộp cho Đền thờ hàng năm một món tiền thuế là hai đồng “drachme”, tương đương với giá trị hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt Qua.
Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này hay không?
Trước hết, Chúa Giêsu đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó Ngài mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.
Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn: Các bậc vua chúa thường không thu thuế con cái họ mà chỉ thu thế các thần dân khác: “Vậy, con cái thì được miễn” (Mt 17,26). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trên nguyên tắc thì Ngài được miễn.
Nhưng thực tế thì có khác: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. (Mt 17,26)
Chúa làm thế để làm gì? Thưa để tránh gương xấu.
Lý do là vì gương xấu luôn để lại trong cuộc sống những điều rất đau lòng.
Trong tác phẩm có tựa đề là “Phúc” người ta đọc được câu chuyện này: Một cha sở kia ở miền núi, mỗi ngày trước khi lên giường ngủ, ngài thường quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa gần nhà và cầu nguyện cho những người ở đó. Ngài tin rằng, những lời cầu nguyện như thế sẽ làm yên lòng những nấm mộ chập chờn trong bóng tối với những cây Thánh Giá lô nhô trong nghĩa địa. Ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia, ngài nghe thấy có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Trong bóng tối, ngài thấy một hình người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm chăng? Một tên điên chăng? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một gốc cây, ngài thấy rõ có một người lạ mặt đến quỳ trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết: “Cha ơi, cha có tha cho con không? Cha nói đi! cha nói đi”.
Cha sở nhìn kỹ và nhận ra đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến chết đi. Ngài rón rén đến gần, đặt tay trên vai người đó và nói:
- Ồ con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao? Người bốn đạo khiếp sợ quá, nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói: - Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con. - Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng sẽ xử tệ với con như vậy. Ngày mai, con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm nữa. 10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa. Cha sở buồn rầ thốt lên một lời: - Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên chuyện này. (Trích “Phúc”).