"Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình”
* Sinh năm 1491 tại Lôiôla miền Can-ta-bơ-ri-a. Lúc còn thanh niên, Inhaxiô theo binh nghiệp, phục vụ trong triều đình. Khi đã trở lại, người học thần học ở Pari. Tại đây, cùng với mấy người bạn, người đã sáng lập dòng Chúa Giêsu, thường gọi tắt là Dòng Tên (1534). Nhưng chính tại Rôma, người nỗ lực làm cho dòng lan rộng khắp châu Âu và hăng hái truyền giáo, nêu gương phục vụ Hội Thánh, hết lòng tuân phục Đức Giáo Hoàng. Phương pháp linh thao của người vạch ra một con đường cho ai muốn hiến thân để làm cho vinh quang Thiên Chúa ngày một sáng ngời hơn. Người qua đời ở Rôma năm 1556.
---------------------------------------
Lời Chúa: Mt 13, 31-35
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó". Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men". Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian".
Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền giáo thời nay quan tâm. Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ? Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc sống Tin Mừng? Làm sao để Kitô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có tính phổ quát, vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã hội? Đó là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu. Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này. Với thiện cảm sâu xa đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa, cha Matteo đã đem Tin Mừng đến để bổ sung những truyền thống tốt đẹp. Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nho gia uyên thâm, và chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ tiên. Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ, Cha là người vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa. Mười năm cuối đời sống ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo, quen biết với nhiều học giả trong triều đình và đưa họ vào Kitô giáo. Cách truyền giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột. Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn. Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm người ăn. Điều đáng ta để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột. Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột lớn. Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay. Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với bột Qui trình lên men đòi hỏi thời gian. Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột lên men, nở ra. Bấy giờ ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn dấu và tác động của men trong bột. Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi. Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh. Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời. Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé, nhưng với thời gian sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành. Tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ. Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc, tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào, chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáo trở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn. Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột. Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu. Nhưng cũng phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng. Nếu chúng ta chẳng làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon, nếu môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc chẳng có gì tiến bộ, chẳng công bằng hơn, huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn… thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình có còn là thứ men tốt không. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời, Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó. Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài. Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống. Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế. Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống. Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Thời xa xưa Chúa đã làm biết bao việc kỳ diệu. Đó là những việc lớn lao không gì so sánh nổi. Chúa đã giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ người Ai-cập. Những điềm thiêng dấu lạ, đặc biệt việc dân Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ, đã trở thành những kỳ tích lẫy lừng, khiến người Ai-cập run sợ, và các dân chung quanh kinh hoàng. Trên ngọn Xi-nai, Chúa bày tỏ uy phong trong khói lửa mịt mù, sấm chớp kinh hoàng. Mô-sê, tôi tớ Chúa, mặt sáng như mặt trời, nhờ tiếp xúc với Chúa. Và thật yêu thương, Chúa ban Lề Luật cho dân Chúa. Đó chính là Mười Điều Răn còn tồn tại đến ngày nay (năm lẻ).
Chúa yêu thương dân Chúa như thế. Nhưng dân Chúa lại luôn phản bội. Tương tự như chuyện chiếc đai lưng. Chúa yêu thương dân, muốn dân ở với Chúa. Như chiếc đai lưng thắt chặt mình, Chúa mang dân trên vai như trên cánh phượng hoàng. Lìa xa Chúa, người dân giống như chiếc đai lưng mục nát. Không dùng được nữa (năm chẵn).
Đến thời sau hết Chúa đã cho Con Một Chúa giáng trần. Khai mạc Nước Trời. Không còn những việc lớn lao. Nhưng là những việc bé nhỏ. Thiên Chúa trở nên bé nhỏ. Nước Trời ẩn vào đời thường. Như hạt cải. Như nắm men. Nhưng hạt cải trở thành cây cao bóng cả cho muôn loài trú ngụ. Nắm men làm dậy cả thúng bột thế giới. Biến thế giới thành bánh thơm ngon. Thành rượu mới tràn trề sự sống và hạnh phúc. Là hạt lúa mục nát để sinh muôn ngàn bông hạt. Người môn đệ của Chúa hãy tiếp tục đi vào con đường Chúa đã mở. Trong thế giới kiêu ngạo luôn đề cao hiệu quả và thành công, người môn đệ hãy noi gương Chúa, làm chứng về sự bé nhỏ khiêm nhường. Tự do. Công bình. Bác ái. Thế giới ích kỷ cần sự quảng đại quên mình. Thế giới lạnh lùng vô cảm cần tình yêu quan tâm chăm sóc. Thế giới ưa thành tích kỳ vĩ cần những con người bé nhỏ làm việc âm thầm. Thế giới yêu chuộng vàng bạc đến thờ lạy nó đang cần những con người biết vượt trên vật chất, nâng cao những giá trị thiêng liêng của Nước Trời. Thế giới lìa xa Chúa như những chiếc đai lưng mục nát cần được phục hồi bằng những con người gắn bó với Chúa, như những chiếc đai lưng thắt chặt vào Chúa. Đó chính là những giá trị giúp phục hồi thế giới. Đó chính là cây cao bóng cả che chở thế giới. Đó chính là chất men làm sống lại thế giới.
Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.
Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Trời đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Bởi vì thánh sử viết Phúc Âm sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.
Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Trong cử hành Thánh Lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy cầu xin cho Dân Chúa tức là Giáo Hội trở nên dấu chỉ của hạt giống và men của Nước Trời trong thế gian này, cho tới ngày Nước Chúa được hoàn tất trong vinh quang.
Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo vào ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt. 13, 31-33)
Hai dụ ngôn này (dụ ngôn hạt cải và nắm men) tóm tắt tất cả lịch sử cuộc đời và sứ điệp Đức Giêsu! sẽ là lầm lạc khi kêu gào cho chủ nghĩa chiến thắng, hoặc hiểu rằng dụ ngôn này chỉ áp dụng cho đời sống thiêng liêng của ta thôi. Khi nói về “Nước Thiên Chúa” Chúa Giêsu không nghĩ đến cá nhân nào, mà chỉ nhìn thân thể mầu nhiệm của Người trong tất cả quá trình khổ nạn và phục sinh, một thân thể ấy không ngừng lớn lên và phát triển.
Thân thể mầu nhiệm.
Thân thể ấy sẽ trải qua những cơn khủng hoảng, tất cả những cơn khủng hoảng của sự phát triển như những nổi loạn để tỏ tính độc lập tự chủ, những cơn bừng dậy của tuổi trưởng thành mà lại phủ nhận mình trưởng thành, không dám nhận trách nhiệm, từ chối cả những niềm vui của tuổi ấy.
Một thoáng nhớ lại lịch sử Giáo hội như thế, cho ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta là Nước Thiên Chúa. Khi khẳng định như vậy, thiết tưởng ta không nên kết án lời cự tuyệt mạnh mẽ của những người khác, là tự kiêu tự đại về ưu thế, về chủng tộc được tuyển chọn của họ. Có lẽ đó chỉ là thái độ của một số cá nhân thôi, chứ không phải là giáo huấn của Chúa Giêsu.
Cây mà “Chim trời tới làm tổ trên cành được” Cây ấy đón nhận mọi loài chim chóc, không hề có sự phân biệt, vì cây không loại trừ một con chim nào, nhưng che chở tất cả, là nơi có muôn mầu muôn vẻ thanh bình.
Hạt giống Phúc Âm ấy, nắm men bé nhỏ kia là Đức Kitô và Nước Trời chính là lẽ sống của ta, là nguyên lý cho ta tìm được hạnh phúc và tình yêu.
Hãy làm thành những tế bào của con người.
Một người hoàn toàn hiến thân cho Nước Thiên Chúa, để cho Nước ấy biến đổi, tái tạo mình, thì đúng là tấm men vùi trong môi trường người ấy sống và ảnh hưởng tốt đến môi trường ấy. Sức sống nơi người ấy tác động đến tất cả những người chung quanh. Không phải những biến cố lịch sử lớn lao mới có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người, nhưng cả đến những sinh hoạt rất đời thường vẫn diễn ra hằng ngày cũng khiến chúng ta cảm nhận được sức sống này. Khi một người có trái tim đầy tràn yêu thương thì tình yêu của người ấy luôn bộc lộ và tỏa làn sang người khác vậy.
Ở đời, người ta thường xem nhẹ những điều nhỏ mọn và coi đó như là chuyện không cần quan tâm! Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như bé nhỏ ấy lại là nguyên nhân cần thiết để trở thành những điều lớn lao.
Thật vậy, trong nhà Phật có câu:
“Hãy nhìn một em bé Xin người chớ xem thường Trong em có chất liệu Của một bậc đế vương”
Hay là:
“Hãy nhìn một đốm lửa Xin người chớ xem thường Dù nhỏ bằng đầu đũa Đốt cả rừng lẫn nương”.
Hôm nay, Đức Giêsu muốn dùng dụ ngôn“men trong bột” để ám chỉ Nước Trời. Thật vậy, được khởi đi từ những gì là nhỏ bé, đơn sơ, âm thầm trong sự khiêm tốn. Nhưng một khi đã hội đủ những cơ hội thuận tiện, Nước ấy sẽ lớn mạnh và lan rộng khắp nơi, khiến cho quyền lực của thế gian và ma quỷ có mạnh đến đâu cũng không thể thắng nổi.
Qua hình ảnh này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: hãy bắt đầu hành trình đi tìm và sống những giá trị Tin Mừng trong sự khiêm tốn và âm thầm, chúng ta sẽ gặp được chân lý. Nước Trời chỉ đến với những người thực sự đơn sơ, chân thành.
Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên chứng tá của Tin Mừng thông qua đời sống gương sáng của mình.
Mong sao mỗi chúng ta ý thức điều đó và thi hành cách xuất sắc như “men” được trộn vào trong bột và làm cho bột dậy men.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết mau mắn đón nhận thánh ý Chúa và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, nhờ đó, chính chúng con được biến đổi và những ai gặp chúng con cũng được biến đổi theo. Amen.
Sứ điệp: Người Kitô hữu như là những hạt cải và nắm men được Thiên Chúa gieo vào trần gian để làm cho Nước Chúa phát triển.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chỉ với một nhóm Mười Hai nhỏ bé được Chúa gieo vào một dân tộc, mà hôm nay khắp mọi nơi trên thế giới, người ta đã biết đến và đang nhìn thấy Giáo hội của Chúa. Dù thế giới còn đầy dẫy những bóng tối của tội lỗi, của hưởng thụ, của bất công, bạo lực, nhưng ánh sáng của chân lý Phúc Âm trong Giáo Hội đang trở thành niềm hy vọng cho thế giới vươn lên.
Lạy Chúa, hôm nay, Chúa cũng đang cần đến con như cần đến một hạt cải nhỏ bé: một hạt cải của sự khiêm nhường, của lòng quảng đại, hăng say và nhiệt tình, để Chúa có thể đến với mọi người, mọi nơi.
Chúa cũng đang cần đến con như cần đến một nắm men thấm sâu vào môi trường con đang sống: nắm men của lòng bác ái, bao dung, công bằng, của tinh thần trách nhiệm để làm dậy lên một cuộc sống mới khi mọi người biết yêu thương nhau.
Lạy Chúa, được như thế không phải là điều đơn giản. Con chỉ là một con người yếu đuối và ích kỷ, đức tin yếu kém và lòng mến lạnh nhạt. Nhưng con tin sức mạnh của ơn thánh Chúa sẽ biến đổi con. Xin cho con biết khiêm nhường và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Con sẽ cố gắng hết khả năng, phần còn lại con tin Chúa sẽ hoàn tất tốt đẹp.
Con tin rằng sức mạnh Nước Trời sẽ bắt đầu trong âm thầm khiêm tốn, nhưng sẽ phát triển từ từ theo thời gian, và cuối cùng sẽ đạt tới kết quả lớn lao tốt đẹp. Lạy Chúa, con tin vào quyền năng Chúa. Xin trợ giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.
Đạo Công giáo không được truyền bá bằng những cuộc tranh biện dài dòng liên tiếp diễn ra, cho bằng tấm gương trong trắng đi ngược với tính ích kỷ, bất công, thương luân bại lý của người đời.
Trong cuốn sách thời danh “Fabiola”, Đức Hồng y Wiseman đã đề cao hấp lực vô cùng mạnh mẽ của gương sáng Kitô hữu lúc Giáo hội phôi thai đối với các linh hồn có ác cảm với Công giáo hơn hết. Trong cuốn sách đó, chúng ta nhận thấy bước đi cương quyết của một linh hồn tới gần ánh sáng. Đó là Fabiola, cô con gái của ông Fabiô.
Cô con gái của ông Fabiô hết sức bỡ ngỡ khi thấy những tình cảm cao thượng, những nhân đức anh hùng nơi một số người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Nhưng cô càng đổi lòng, càng được ơn soi sáng hơn nữa khi cô dần dần khám phá ra tất cả những người cô ca tụng là bác ái, xả kỷ, nhã nhặn, ngọt ngào, tiết độ, tôn trọng công bình, trinh tiết kia, đều theo thứ tôn giáo mà trước đây, người ta đã rỉ rón vào tai cô rằng: Đó là một thứ tà đạo!
Từ giây phút đó, cô xin gia nhập Công giáo (x. Hồn tông đồ).
Suy niệm
Hai dụ ngôn hạt cải và men trong bột mở ra một cái nhìn rất lạc quan về thực tại nước Trời nơi tấm lòng của kiếp nhân sinh được Thiên Chúa cứu độ: Nếu có niềm tin nhỏ bé và ít ỏi, nhưng một khi vượt qua được những trở ngại để vươn lên, hạt cải nước Trời sẽ trở thành một cây lớn, làm chỗ nương tựa cho cuộc sống, niềm tin này giúp con người luôn vươn lên phát triển tâm linh và cuộc sống; hạt giống đức tin có những khả năng không ngờ: Khi được gieo xuống đất, hạt giống bé tí xíu mọc lên thành một cây to. Thật ra, tác nhân chính của sự việc, đó là Thiên Chúa. Chính Người làm nảy sinh điều bất ngờ. Cộng với niềm tin nhỏ bé được nuôi dưỡng, con người có men của lòng mến nước Trời, lòng mến sẽ biến đổi bột, kiếp nhân sinh một cách mãnh liệt, từ đó cho ra những tấm bánh thơm ngon cho nhân gian và làm của lễ dâng lên Thiên Chúa.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu mỗi Kitô hữu ý thức từng lời nói, hành động nhỏ bé của mình, như men, như hạt cải, thì nước Trời được lớn lên, mau lan rộng trong tâm hồn mọi người do sức mạnh của ân sủng đức tin và lòng mến lan tỏa.
Thật thế, nếu luôn nuôi dưỡng niềm tin hạt cải và lòng mến dậy men, tôi và bạn sẽ cảm nghiệm được tâm tình của thánh Phaolô: “Tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4).
Mong thay, một niềm tin được nuôi dưỡng dù chỉ bằng hạt cải… Và mong thay một lòng mến sống động như men dậy bột.
Ý lực sống:
“Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu” (Mt 13,32).
Hôm nay Chúa Giêsu nói hai dụ ngôn về Nước trời qua hình ảnh hạt cải và nắm men. Sự phát triển của Nước Thiên Chúa được ví như hạt cải, tuy bé nhỏ nhưng được nảy mầm và lớn lên phi thường. Cũng vậy, như nắm men vùi vào ba đấu bột, nắm men có sức mạnh làm dậy tất cả đấu bột. Hạt cải và nắm men tuy nhỏ bé, nhưng đưa đến kết quả ngoài sức tưởng tượng. Nước Thiên Chúa cũng có sức mạnh để phát triển, làm sung mãn và biến đổi được tất cả như vậy.
Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.
Sự tăng trưởng của Nước trời
Hình ảnh cây cải ở xứ Palestin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tàn lá nó được. Nước trời ban đầu thật nhỏ bé trên dưới vài chục người với Chúa Giêsu và các môn để quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.
Chức năng của Nước trời, của Hội thánh là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Mọi thành viên trong Nước trời là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước trời lớn mạnh.
Sự thâm nhập của Nước trời
Nếu ai đã từng xem cách thức ủ bột, ủ cơm hay ủ trái cây để làm rượu, thì sẽ không lạ gì về công dụng của men. Men là một loại chất xúc tác, hai công dụng của nó là: thấm nhập và biến đổi những gì men được trộn vào.
Chân lý Nước trời, bản chất Hội thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Kitô hữu phải thâm nhập được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin mừng, chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng. Chân lý này là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo văn minh tình thương.
Hôm nay, Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn hạt cải và nắm men trong bột để ám chỉ Nước trời. Thật vậy, được khởi đi từ những gì là nhỏ bé, âm thầm trong sự khiêm tốn. Nhưng một khi đã hội đủ những cơ hội thuận tiện, Nước ấy sẽ lớn mạnh và lan rộng khắp nơi, khiến cho quyền lực của thế gian và ma quỉ có mạnh đến đâu cũng không thể thắng nổi.
Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: hãy bắt đầu hành trình đi tìm và sống những giá trị Tin mừng trong sự khiêm tốn và âm thầm, chúng ta sẽ gặp được chân lý, Nước trời chỉ đến với những người thực sự đơn sơ, chân thành.
Mỗi Kitô hữu là thành phần của Hội thánh, có sứ mạng góp phần làm phát triển đạo Chúa và trở nên chất men trong xã hội loài người, hằng ngày dùng đời sống đạo đức lương thiện của mình biến đổi thế giới nên tốt lành hoàn hảo.
Truyện: Thế giới chưa hoàn chỉnh
Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau: Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ từ. Ngài tạo ra cây cối, sinh vật, chim cá... Khi Ngài làm ra những vật ấy, các thiên thần liền hỏi:
“Thưa Chúa, vậy thế giới đã xong chưa?” Thiên Chúa đáp lại với một từ “chưa” đơn giản.
Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ: “Ta mệt rồi, Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ cộng tác với các con”. Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Chúa thế giới đã hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là: “Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những người cộng tác của Ta”.
Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên Chúa sẽ không làm điều đó thay cho chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm mà chỉ vì muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không thể làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Đó là phần của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.
1. Vấn đề: Có người hồ nghi khi thấy thực tế khiêm nhường của công trình Chúa Giêsu và khi nghe Ngài nói về tương lai to lớn huy hoàng của Nước Trời: một nhóm nhỏ bé những môn đệ như thế này, đứng trước những khó khăn như thế đó, mà sẽ tạo thành Nước Trời huy hoàng như thế kia hay sao?
2. Giải đáp: Chúa Giêsu trả lời rằng "đúng thế", cũng như một hạt cải bé tí sẽ trở nên một cây khổng lồ, hay một nhúm men ít ỏi sẽ làm dậy cả thúng bột, tác động của Thiên Chúa sẽ khiến cho nhóm người bé mọn ít ỏi này trở thành một Dân Mới quy tụ hết mọi dân.
B.... nẩy mầm.
1. Hạt cải và nắm men cũng giống như một hòn sỏi ở chỗ đều bé nhỏ. Nhưng chúng khác hòn sỏi ở chỗ chúng có sức sống bên trong. Ném hòn sỏi xuống đất thì nó vẫn trơ trơ, còn gieo hạt cải xuống đất hoặc vùi nắm men vào thúng bột thì kết quả khác hẳn. Như thế, điều khác nhau và cũng là điều kỳ diệu chính là sức sống bên trong.
Tôi đón nhận những ơn Chúa và những lời Chúa như đón nhận một hòn sỏi hay một hạt cải, một nắm men?
Là một Kitô hữu, tôi sống giữa những người khác như hòn sỏi hay như hạt cải, nắm men?
2. “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng tối”. Nhiều người khi thấy xã hội đầy dẫy sự xấu thì chán nản. Họ không tin vào sức cải hóa của Tin Mừng, họ không tin vào tác động của ơn Chúa. Hãy dùng ánh sáng Tin Mừng, hãy dùng ơn thánh Chúa ban cho ta để bắt tay vào cuộc cảm hóa môi trường mình sống. Nếu ngày xưa nhóm 12 tông đồ chùn bước trước tình trạng đầy dẫy khó khăn của đế quốc Rôma thì đã không có Giáo Hội như ngày nay.
3. Một nhà kinh tế được mời đến nói chuyện với một nhóm thương gia. Ông lấy một miếng giấy trắng lớn, vẽ trên đó một chấm đen và hỏi người ngồi hàng đầu xem anh ta thấy gì. Anh mau mắn trả lời: “một chấm đen”
Ông lần lượt hỏi từng người, tất cả đều trả lời thấy một chấm đen. Lúc đó, diễn giả mới bình tĩnh nói: “Các anh thấy một chấm đen. Đúng. Nhưng sao không một ai thấy cả một tấm giấy trắng lớn!” (Góp nhặt)
4. “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ gieo trong ruộng mình. Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13,31-33)
Báo Tuổi Trẻ 96 có giới thiệu khuôn mặt của một nữ triệu phú: Chị đã thoát ra từ cuộc sống dường như đang ở bước đường cùng của mình, với hai bàn tay trắng cùng một tấm thân tật nguyền của chứng bệnh phong cùi mà mọi người xung quanh ai cũng ghê sợ. Chính chị cũng đã có lúc không biết sống để làm gì và làm gì để sống. Nhưng cuối cùng, vì tình yêu dành cho con, chị đã đứng vững và thành công. Nhờ tình yêu và nghị lực của chị, người con trai của chị mới có thể thành đạt, thành công và thành nhân.
Tình yêu mời gọi tình yêu và cứ thế… dậy men cuộc sống.
Lạy Chúa, dẫu có “nhỏ hơn” nắm men, hạt cải, con cũng nguyện xin Chúa cho con can đảm sống và chỉ sống vì yêu thương. (Hosanna)