Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ. Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn". Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". Các ông thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá". Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy". Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.
Tin về cái chết của Gioan Tẩy giả là một nhắc nhở cho Đức Giêsu về số phận tương tự của một ngôn sứ đang chờ đợi Ngài. Đức Giêsu cùng với môn đệ rút lui khỏi đó, đi thuyền đến một chỗ vắng. Ngài không muốn đối đầu với kẻ thù khi giờ của Ngài chưa đến. Nhưng lạ thay chỗ vắng này lại bất ngờ biến thành chỗ đông người, khi người ta kéo nhau đi bộ mà đến trước nơi Ngài sắp đến. Ra khỏi thuyền, Ngài đã thấy họ ở đó rồi. Chắc họ vui vì họ đi bộ mà nhanh hơn người chèo thuyền! Còn Đức Giêsu thấy họ thì chạnh lòng thương, dù kế hoạch đi lánh mặt ở chỗ vắng của Ngài bị vỡ (c. 14).
Khi môn đệ xin Thầy giải tán đám đông, để họ đi mua thức ăn cho đỡ đói, Ngài bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn.”(c. 16). Hẳn là họ đã hết sức bối rối trước mệnh lệnh khó hiểu này. Làm sao chuyện đó xảy ra được? Làm sao nuôi được đám đông ngần này người ở nơi hoang vắng? Tất cả những gì họ có trong tay chỉ là năm cái bánh và hai con cá (c. 17). Nhưng những điều đó thì thấm vào đâu! Họ thất vọng, chán nản, khi thấy sứ mạng thì lớn, mà khả năng lại bé nhỏ. “Đem lại đây cho Thầy!” (c. 18). Thầy Giê su bảo môn đệ đem đến cho mình tất cả bánh và cá họ có. Vấn đề không phải là ít hay nhiều, nhưng là tất cả. Ngài cần đóng góp nhỏ bé của chúng ta để làm những điều lớn lao. Hãy đem lại cho Ngài tất cả bánh và cá của đời ta: một chút thời giờ, một chút khả năng, một chút thiện chí. Rồi để mặc Ngài định liệu. Cảnh tượng thật đẹp trong mùa xuân có bãi cỏ xanh mướt. Dân chúng ngồi trên cỏ thành từng nhóm nhỏ. Bánh và cá được trao từ tay các môn đệ đến tay Đức Giêsu. Từ tay Đức Giêsu dâng lên Cha Ngài trên trời với lời tạ ơn chúc tụng. Rồi từ tay Đức Giêsu trở lại tay các môn đệ, từ tay các môn đệ đến tay đám đông dân chúng (c. 19), và dân chúng hẳn đã bẻ ra chia sẻ cho nhau. Phép lạ bánh hóa nhiều diễn ra thật mầu nhiệm. Đức Giêsu đã không làm nên một núi bánh để các môn đệ đến lấy mà phát. Dường như bánh đã hóa nhiều khi được bẻ ra và trao đi từ tay nọ đến tay kia. Đức Giêsu đã phải bẻ năm cái bánh cho mười hai môn đệ. Các môn đệ cũng phải bẻ ra để trao cho đám đông. Nếu họ cứ giữ cho mình thì năm cái bánh sẽ mãi chỉ là năm cái bánh. Bẻ ra và trao đi không làm người ta trở nên nghèo, nhưng trở nên dư dật. Nếu bạn dám trao hết cho Ngài mọi sự bạn có, thì thế giới sẽ được no đủ. Phép lạ bánh hóa nhiều mãi mãi xảy ra khi ta chia sẻ qua tay Giêsu. Hôm nay Thầy Giêsu vẫn mời chúng ta: Các con hãy cho họ ăn. Cầu nguyện:
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ. Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải. Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người. Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết xây lại niềm tin. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người, xin cho con nghe được lời mời của Chúa: “Các con hãy cho họ ăn đi.” Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại. ------------------------------------------
Thiên Chúa yêu thương săn sóc như người mẹ hiền. Không chịu nổi khi thấy con cái đau khổ thiếu thốn. Đã nghe thấy tiếng than thở của Ít-ra-en sống kiếp nô lệ lầm than. Đã ra tay giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập. Khi vào sa mạc không có bánh ăn, họ kêu than trách móc. Chúa đã ban man-na nuôi họ. Ăn man-na mãi cũng chán, thiếu thịt, họ lại kêu than oán trách. Mô-sê vừa thương vừa sợ. Chạy đến kêu cầu Chúa. “Sao Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? …Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: ‘Hãy bồng nó vào lòng, nhu vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hữa với cha ông chúng? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn”. Mô-sê, tôi tớ của Chúa cũng có tấm lòng của Chúa. Yêu thương dân. Nên không chịu nổi tiếng kêu than của dân. Và Chúa chạnh lòng thương ban chim cút cho họ ăn dư thừa (năm lẻ).
Đến thời sau hết, chính Thiên Chúa đích thân đến chăm sóc dân Người. Hôm nay Chúa Giê-su bày tỏ tấm lòng yêu thương chăm sóc cho dân như người mẹ hiền. Chúa chạnh lòng thương vì thấy họ lầm than khốn khổ. Chúa dạy các tông đồ phải lo cho họ ăn. Đừng để họ đói khát đi về đường xa trời tối. Bánh của Chúa ban khiến họ không những ăn no nê. Mà còn hạnh phúc. Vì cảm nhận được tình yêu thương của Chúa. Và hơn nữa Chúa còn chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Giải thoát họ khỏi nô lệ trong cõi u mê không lối thoát. Chúa chính là tấm bánh làm no thoả mọi cơn đói khát của con người. Với quyền năng và tình thương Chúa biến những tấm bánh bé nhỏ thành lớn lao nuôi cả vạn người. Chúa biến nỗi khổ thành niềm vui. Chúa biến thất vọng thành hi vọng. Chúa biến nô lệ thành tự do. Chúa biến lầm than thành hạnh phúc.
Có những tiên tri giả đem tấm bánh giả dối đến cho dân. Tấm bánh vẽ với những lời hứa hão huyền, dễ dãi. Như Kha-nan-gia. Ông không làm theo lời Chúa. Ông đưa dân vào con đường lầm lạc. Nên chính ông phải chết trước (năm chẵn). Tấm bánh của Chúa là tấm bánh thật. Tấm bánh ban không dễ dàng. Vì chính Chúa phải từ trời xuống. Phải chịu biết bao vất vả. Phải chịu cả khổ hình và cái chết. Mới có thể ban tấm bánh hạnh phúc đích thực thoả mãn mọi cơn đói khát của ta. Mô-sê và Giê-rê-mi-a cũng là những môn đệ đích thực. Nên phải đau khổ, vất vả, yêu thương phục vụ dân Chúa.
Xin cho con biết phân biệt bánh thật và bánh vẽ. Xin cho con trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Phục vụ bằng tình yêu và hi sinh. Để đem tấm bánh của Chúa cho nhân loại.
Truyện kể một người đàn bà nghèo về vật chất, nhưng lại giầu về lòng tin. Người chủ căn phòng, nơi bà thuê là một người đàn ông giàu có, nhưng keo kiệt và vô đạo; ông thường đem lòng tin của người đàn bà ra làm trò cười.
Một hôm, người đàn bà cầu nguyện lớn tiếng với Chúa rằng hiện trong nhà không còn lấy một hột gạo. Ðể cho người đàn bà một bài học về sự mê tín dị đoan, kẻ vô đạo liền lấy một ổ bánh mì, rón rén đặt trước cửa phòng người đàn bà, bấm chuông rồi chạy vội về phòng mình.
Người đàn bà mở cửa phòng lấy ổ bánh mì, trở lại phòng và cầu nguyện: "Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì con biết rằng lúc nào Chúa cũng nhậm lời con".
Người đàn ông rất tâm đắc khi nghe một lời cầu nguyện như thế. Ông đến gõ cửa phòng người đàn bà và nói vọng vào: "Hỡi người đàn bà ngu xuẩn, bà tưởng rằng Chúa đã nhậm lời cầu xin của bà ư? Chính tôi là người đã mang ổ bánh đặt trước cửa phòng bà đó".
Làm như thể không để ý đến lời nói của người đàn ông, người đàn bà nghèo lại tiếp tục cầu nguyện: "Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì Chúa luôn trợ giúp con trong lúc túng ngặt: Chúa dùng ngay cả một tên quỷ để đáp lại lời cầu xin của con".
Trong Tin Mừng hôm nay, khi các môn đệ xin Chúa giải tán dân chúng về các làng mạc để họ tự mua thức ăn, Ngài đã truyền lệnh cho họ: "Các con hãy liệu cho họ ăn". Rồi với năm chiếc bánh và hai con cá do các môn đệ mang đến, Ngài đã nuôi trên 5,000 người được ăn no nê mà còn dư 12 thúng bánh vụn.
Ngày nay, các đám đông đói ăn ấy được nhân lên đến cả triệu lần, họ không chỉ đói, mà còn chết đói là khác. Ðã và đang có biết bao người làm những việc hy sinh để nuôi sống đám đông ấy, nhưng vấn đề quá lớn lao đối với những giới hạn của con người. Dĩ nhiên, con người phải làm hết sức có thể để giúp đỡ đồng loại, nhưng với sức riêng, con người không thể giải quyết được vấn đề quá lớn lao ấy, họ cần có sự trợ lực từ bên trên. Thật thế, chúng ta cần phải có những việc làm cụ thể, vì "đức tin không có việc làm là đức tin chết". Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể mang lại cơm bánh cho người đói khát, khi chúng ta cũng trao ban cho họ lời cầu nguyện của chúng ta. Tự sức mình, với năm chiếc bánh và hai con cá, các môn đệ không thể nuôi sống trên 5,000 người; thế nhưng, xem chừng Chúa Giêsu không thể làm phép lạ, nếu không có năm chiếc bánh và hai con cá ấy.
Người Kitô hữu chúng ta không chỉ làm công tác xã hội. Năm chiếc bánh và hai con cá do đóng góp và san sẻ của chúng ta cần phải đi đôi với niềm tin và lời cầu nguyện. Với niềm tin và lời cầu nguyện, chúng ta hãy xác tín rằng cách nào đó, Chúa hằng nhậm lời chúng ta và chắc chắn phép lạ luôn diễn ra. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày".
Ước gì những cố gắng chia sẻ và trao ban của chúng ta luôn được thực thi bằng tất cả niềm tin và lời cầu nguyện. Ước gì niềm tin và lời cầu nguyện của chúng ta cũng được thể hiện bằng những nghĩa cử cụ thể của chúng ta.
Tin Mừng hôm nay nói đến việc Chúa Giêsu thực hiện phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi sống dân chúng đang theo Ngài: "Các con hãy cho họ ăn", đó là những lời phát xuất từ tình yêu thương của Thiên Chúa.
Thật vậy, trước thách thức phải là một cái gì đó để giúp những anh em lâm cảnh khốn khó cần được trợ giúp, các tông đồ đã tỏ ra muốn thoái thác. Họ lý luận dựa trên bình diện tự nhiên: trời đã tối và trong nơi hoang vắng này tìm đâu ra của ăn cho một số đông dân chúng như vậy, do đó cần phải giải tán dân chúng để họ tự tìm kiếm lương thực nơi các vùng lân cận.
Tuy nhiên, với Chúa Giêsu, lý luận tự nhiên này xem ra không còn được chấp nhận nữa. Chúa ra lệnh cho các tông đồ: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính các con hãy liệu cho họ ăn". Chúa không để cho các tông đồ phải tự sức mình mà lo, Ngài chỉ cần các ông cộng tác và đóng góp những gì có thể, dù chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu bao la. Chỉ năm chiếc bánh với hai con cá, Chúa đã thực hiện phép lạ nuôi sống năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em.
Ngày hôm nay, người tín hữu Kitô cũng đang đứng trước nhu cầu bao la của biết bao người đang cần được trợ giúp, và người Kitô hữu không được tránh né bổn phận liên đới với những gì có thể. Trước khi khám phá và đóng góp phần nhỏ bé của mình, chúng ta cần phải thay đổi chính tâm tư của mình và để cho tâm hồn mình tràn đầy tình yêu của Chúa, hầu có thể dấn thân sống theo Chúa một cách thiết thực hơn.
Xin Chúa cho chúng ta biết quảng đại chia sẻ với người khác, dù chỉ là một phần nhỏ. Xin cho chúng ta trở thành phương tiện hữu hiệu chuyển thông tình yêu Chúa cho những người chung quanh.
Chiều đến các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giêsu bảo họ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn có năm chiếc bánh và hai con cá!” Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!” (Mt. 14, 15-18)
Phép lạ này hé mở cho thấy bữa tiệc ly chiều thứ năm tuần thánh.
Những phép lạ hóa bánh ra nhiều còn loan báo một sứ điệp cũng không kém quan trọng cho mỗi người chúng ta, người công giáo cũng như mọi người Kitô là “Hãy cho họ ăn”
Hãy cho họ ăn!
Đức Giêsu không nói để họ tự lo, tự túc. Người không hỏi họ có gì để mua của ăn. Người không nói phải lựa lọc ra! Ai là kẻ lắng tai nghe Chúa, ai không, ai giầu ai nghèo, ai trẻ ai già, đàn ông, đàn bà, ai thông thái, ai có đức tin, ai nô lệ ai tự do, ai ngu đần, chỉ theo Chúa vì tò mò, vì chế diễu. Đức Giêsu không đặt vấn đề phân biệt. Người truyền cho đám đông ngồi xuống trên cỏ và họ được Thiên Chúa cho ăn no nê. Nhờ kẻ đã đưa cho Người chút ít, chỉ chút xíu thôi dâng cho Người, đủ cho Người tạ ơn Chúa Cha để làm phép lạ bánh ra nhiều cho đám đông hưởng dùng dư dật.
Họ được ăn no nê.
Điều đáng ngạc nhiên bánh hóa nhiều cho đám đông, rất đông đã tụ họp lại chỉ trong một vài giờ, đã trở thành một cộng đồng lớn rất ổn định để dự bữa ăn này. Họ không còn cần gì nữa, các môn đệ đã cung cấp tất cả: tất cả! Tôi nghĩ đến những tổ chức bác ái giúp người nghèo, giúp các nơi truyền giáo. Những tổ chức đó cần chúng ta đóng góp, nhưng chẳng đủ cho tất cả! công việc tông đồ bớt đi, mất mát dần mòn vì còn thiếu quá nhiều!
Quả thật, Đức Giêsu là trung tâm, là nguồn mọi ơn phúc, Người ban Lời và bánh. Rồi đến đoàn môn đệ nhỏ bé sống quanh Người, các vị đó đã cho dân chúng tất cả mọi sự vì hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa, các vị rất giống Đức Kitô, đã thông ban ơn Chúa cho tất cả. Các vị là những kẻ nối dài cánh tay của Chúa.
Được dư đầy.
Sống gần Thiên Chúa được hưởng phong phú dồi dào lòng thương xót. Chính trong Ngài tất cả những kẻ đói khát được no đầy, chớ gì sự tưởng nhớ quê trời làm thỏa mãn tràn trề lòng chúng ta.
Xem lại CN 18 TN A, CN 18 TN B, // Lễ Mình Máu Thánh năm C và thứ Sáu tuần 2 PS và thứ Hai tuần 18 TN.
Khi đọc chuyện các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy có những cuộc truy lùng của vua chúa quan quyền rất gắt gao thời bấy giờ. Khi hay tin, các ngài thường lẩn trốn để tránh cơn nguy biến ập đến cho mình và đoàn chiên. Sự tránh né đó không phải do nhát đảm, cũng không phải sợ chết, nhưng đây là cách khôn ngoan vì ích lợi của con chiên.
Hôm nay, đoạn Tin Mừng khởi đầu bằng việc thông báo cho biết rằng: sau khi Đức Giêsu nghe tin Gioan bị bắt, Ngài đã lẩn trốn vào nơi hoang vắng để tránh sự ra tay tàn ác của vị vua này. Bởi lẽ Ngài thừa hiểu số phận của Gioan thì cũng là số phận của chính Ngài. Nhưng giờ của Đức Giêsu chưa đến, nên Ngài đã tiến vào hoang mạc..., tìm nơi thanh vắng, một mặt để thoát nạn, mặt khác để thầy trò tâm tình sau những ngày vất vả ngược xuôi vì sứ vụ.
Tuy nhiên, vì đám đông rất cảm phục những lời khôn ngoan, nên đã tìm đến để nghe Ngài giảng dạy. Họ nghe đến say mê, nghe đến nỗi quên ăn, nên khi chiều đến, ai nấy đều đói. Vì thế, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, nên không những nuôi dưỡng họ bằng Lời Hằng Sống, mà còn nuôi họ về mặt phần xác khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và yêu thương chữa lành bệnh tật cho họ.
Tuy nhiên, để phép lạ được thành hiện thực, Đức Giêsu cần sự cộng tác của người môn đệ, vì thế, Ngài đã truyền lệnh cho các ông: “Hãy mang lại đây cho thầy”; và “hãy cho họ ăn”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Trước hết, khi giờ chưa đến, thì cần khôn ngoan để tránh sự nguy hiểm do kẻ thù gây nên.
Thứ hai, hãy tin tưởng vào quyền năng tuyệt đối nơi Đức Giêsu. Bởi vì khi lòng thương xót của Ngài được đụng chạm đến chúng ta, thì mọi chuyện được dư thừa như chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá. Nhưng khi đã được Đức Giêsu can thiệp nuôi cả 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em mà sau đó còn thu lại được 12 thúng đầy.
Thứ ba, hãy biết thương đến những người nghèo, nghèo về thể xác, nghèo về tinh thần. Luôn tìm cách chữa trị những vết thương thể xác và tâm linh cho anh chị em chúng ta. Chúa không chấp nhận việc chúng ta thương hình thức, tức là chỉ có nói, mà Ngài muốn chúng ta thương thật, tức là hành động kịp thời.
Lạy Chúa Giêsu, phép lạ hóa bánh ra nhiều đã thể hiện tình thương của Chúa dành cho nhân loại vô bờ. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết rung động trước nỗi khốn cùng của anh chị em đồng loại, để chung tay cộng góp nhằm làm cho cuộc sống của họ bớt khổ hơn. Nhưng trước hết, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để biết điều nên làm và điều không nên hoặc chưa nên. Amen.
Sứ điệp: Những công việc của con người tự nó không có giá trị siêu nhiên, nhưng khi cộng tác với Thiên Chúa, nó sẽ trở thành hành động cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước sự kiện Chúa làm phép lạ bánh hóa ra nhiều, con đã tự hỏi: Chúa chỉ cần phán một lời là có thể làm phép lạ, nhưng tại sao Chúa không làm thế, mà Chúa lại cần đến năm chiếc bánh và hai con cá?
Lạy Chúa, Chúa không làm như con nghĩ. Chúa cần sự cộng tác của chúng con. Chúa cần con người góp công chung sức để mưu ích cho nhau. Sự đóng góp của các môn đệ, chẳng thấm vào đâu, nhưng từ đó Chúa đã thực hiện một bữa ăn no nê cho dân chúng.
Thánh Âu-tinh đã nói: “Để tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần con người, nhưng để cứu độ con người, Thiên Chúa cần con người cộng tác”.
Lạy Chúa, nhìn vào thế giới hôm nay, con tin chắc rằng Chúa cũng đang chạnh lòng thương xót nhân loại đau khổ vì đói khát, vì bệnh tật, vì dốt nát, vì chiến tranh. Chúa cũng có thể làm mọi sự để cứu độ chúng con, nhưng Chúa cần đến sự cộng tác nhỏ bé của chúng con.
Xin Chúa giúp con luôn biết mở rộng trái tim trước nhu cầu của anh chị em. Xin dạy con biết mở rộng bàn tay dâng hiến cho Chúa và cho tha nhân. Dù sự đóng góp của chúng con chẳng đáng kể là gì so với nhu cầu của thế giới, nhưng con tin Chúa đang chờ đợi đón nhận và nhân lên gấp bội. Xin Chúa dạy chúng con biết nghĩ tới nhau, biết chia sẻ cho nhau, để nhân loại khỏi bị diệt vong vì ích kỷ. Amen.
Nakamura, một thiếu nữ Nhật, 18 tuổi, gia nhập đạo Công giáo được bốn năm, từ ngày vào đạo, hầu như không ngày nào bỏ tham dự thánh lễ lúc 6g30 sáng.
Ngày 6/8/1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hirôshima. Cảnh tượng tàn phá thật là khủng khiếp... Đã gần hai tuần, vị linh mục phụ trách giáo điểm truyền giáo không thấy Nakamura đi lễ nên quyết định đi thăm nàng. Ngài khổ sở len lỏi mãi, mới tới được nhà Nakamura. Hỡi ôi, nhà nàng đã sụp đổ tan tành, chỉ còn cái tường cao chừng hai thước trơ trọi đứng đó... Vị thừa sai thổn thức vòng lại phía sau nhà. Trời ơi, một cái chòi thô sơ, bốn góc là bốn cái cột, chung quanh che bằng chiếu, mành, áo quần rách, trên nóc, mấy tấm tôn kẽm xiêu vẹo. Ngài bước vào trong. Ôi lạy Chúa, một cái chõng thô sơ, ọp ẹp: Nakamura nằm trên đó, áo xống tả tơi, cháy sém, hai tay hai chân co quắp như một xác chết...
Vị linh mục khựng lại, không sao nói được một lời. Sau một lát, ngài lấy can đảm gọi tên nàng. Nakamura nhúc nhích, nhưng không sao trở mình được. Nàng bị thương nặng quá, chân tay mình mẩy, chỗ nào cũng thấy sây sát. Ở đầu vai bên phải, thịt xương cháy xám lòi ra, để một lỗ hổng, có thể đút lọt bàn tay. Vị linh mục xắn áo, lau chùi, dọn dẹp rồi giúp nàng xoay mình. Nakamura mở hai mắt nhìn vị linh mục, tràn ra mấy giọt lệ, cựa quậy tay trái như muốn giơ lên chào mà không giơ lên nổi. Nàng nói thì thầm: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?”. Vị linh mục chưa kịp trả lời nàng, thì nước mắt đã trào ra. Sau ít phút trao đổi, vị linh mục được biết, đã 14 ngày qua, trừ ra cha nàng, ông cũng bị thương nặng, mỗi ngày đem cho nàng chút ít đồ ăn, nước uống, còn ngoài ra, chẳng ai lo lắng chăm sóc nàng. Vậy mà Nakamura không một lời kêu ca than thở, không kêu xin xót thương giúp đỡ. Nàng như quên hết mọi đau đớn, ê chề, chỉ nhỏ nhẹ hỏi: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?”. Vị linh mục nghẹn ngào cảm kích cực độ, nước mắt cứ thi nhau trào ra...
Ngài trở lại nhà, lấy Mình Thánh Chúa cho Nakamura rước lễ, rồi ngài nán ở lại, lau chùi, dọn dẹp thêm chút nữa túp lều của nàng... Nakamura nhỏ nhẹ nói với ngài: “… Đã bốn năm nay, con chuẩn bị vào Dòng. Con muốn tận hiến đời con cho Chúa, muốn phục vụ hết mình những người nghèo khó, bệnh tật. Hiện giờ, con thế này, không biết Chúa sẽ dẫn dắt con về đâu? Dẫu sao, ở đâu, đi về hướng nào, ra sao, Chúa là nguồn sức mạnh, là nguồn hạnh phúc, là tất cả của con...”.
Hôm sau, vị linh mục trở lại, mang theo Mình Thánh Chúa… nhưng Nakamura đã về trời với Bạn Chí Thánh Giêsu... không còn trên mặt đất khổ đau này nữa. Nakamura mới gia nhập đạo được mấy năm, hằng ngày đi lễ ban sáng và rước lễ... bị tai nạn, cửa nhà tan nát, thương tích đầy mình, đớn đau tinh thần, thể xác, mà không một lời kêu ca, ta thán. Gặp linh mục Nakamura chỉ hỏi đến Mình Thánh Chúa... Vị thừa sai xác tín: Ngoài trường “Thánh Thể” ra, không còn trường nào khác dạy được như vậy! (Theo tạp chí “Mater nostra”, Trương Vân Thục, OSB sưu tầm).
Suy niệm
Dân Chúa khao khát nước Trời, họ bỏ tất cả để được lắng nghe và như lời dạy của Đức Kitô: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Ngài đã cho họ thêm: Đã làm cho họ được no đủ, họ được thỏa lòng khao khát Lời công chính, Lời đó dẫn về nước Trời. Nước đó được bắt đầu nơi tâm hồn của người theo Chúa, bởi vì khi theo và nghe Đức Kitô giảng dạy, chính Ngài thương xót và chữa lành những người bệnh tật, Ngài làm cho họ no thỏa nhu cầu sự sống con người tại “chỗ hoang vắng” (Mt 14:13), chỗ Ngài làm bánh hóa nhiều gợi lại cho chúng ta hình ảnh sa mạc mà dân Do Thái đi trong bốn mươi năm và được nuôi bằng manna, bánh bởi Trời để dân Người được sống trong hành trình về đất hứa, nơi đó “mọi người sẽ được nuôi ăn và ăn no nê” (x. Đnl 6,11; 11,15; 31,20).
Trước sự khao khát Lời Hằng Sống mà dân Chúa đứng trước sự đói khát của nhu cầu thân xác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “…các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Với sự lo toan của con người, các con không thể lo cho cả ngàn người, đó là sự phản ứng bất lực nơi con người trước những nhu cầu to lớn về lương thực cho năm ngàn người. Người bảo các ông: “Hãy đem lại cho Thầy”. Chúa truyền cho dân “ngả lưng trên cỏ” (Mt 14:19) có nghĩa là sửa soạn ăn, ngả lưng là tư thế để ăn, như là tư thế sẵn sàng để lãnh nhận hồng ân. “Cầm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ”: Chúa làm hành động giống như trong bữa tiệc ly (x. Mt 26,26), và cũng để chỉ tới bữa tiệc sau này trên nước Trời (x. Mt 8,11-12; 22,1-10). Hành động trung tâm của nước Trời và mọi người đều ăn no. Sự dư dật này là một dấu chỉ được loan báo cho thời kỳ của Đấng Mêssia trong Kinh Thánh (x. Đnl 6,11; Tv 132,15; Is 65,10). Phép lạ bánh hóa nhiều của Chúa Giêsu gợi cho chúng ta sự việc: Tiên tri Êlisê ra lệnh cho các đầy tớ đa nghi mang hai mươi chiếc bánh nuôi cả trăm người (x. 2V 4,42-44). Các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta sáu lần hóa bánh ra nhiều (Mt 14:13.21; 15,32-39; Mc 6,30-44; 8,1-9; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).
Như dân Chúa tìm về đất hứa, như những người cất bước tìm nước Thiên Chúa và nghe Lời giảng dạy, chúng ta đến với Chúa, được Ngài chăm sóc đỡ nâng, chữa lành mọi vết thương, cho đủ thỏa tất cả…
Ý lực sống
“Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê” (Tv 144,16).
1. Tìm hiểu Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu có mọi đức tính đáng ca tụng: khiêm nhường, công bình, can đảm, tế nhị... nhưng nổi bật nhất là lòng thương xót. Đức Giêsu đến trần gian để thực hiện chương trình cứu rỗi. Tình thương của Người được thể hiện bằng cách giảng dạy và cứu con người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, cũng như ban bánh nuôi sống họ.
Còn chúng ta, đối với anh em chung quanh, ta có thái độ nào? Yêu thương giúp đỡ hay lãnh đạm dửng dưng? Cách đối xử của ta đối với tha nhân sẽ là bằng chứng cho thấy chúng ta có phải là Kitô hữu đích thực hay chỉ là giả hiệu.
2. Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, quên ăn quên uống, nhưng dù sao dạ dầy của họ cũng phải nổi loạn khi không được cung cấp thức ăn thức uống cho nó. Bóng chiều đang xuống dần mà dân còn đang ở nơi hoang vắng xa làng mạc thành thị, họ ra về, đường còn xa sợ có người đói lả dọc đường. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cho họ ăn. Nhưng trong hoang địa này lấy đâu ra lương thực cho ngần ấy người ăn. Ở đây chỉ có thằng nhỏ có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Bằng ấy thực phẩm thì nhằm nhò gì với một biển ngươi như vậy! Nhưng Chúa Giêsu cứ bảo họ ngồi xuống thảm cỏ để cho Người làm việc. Thánh Matthêu kể: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu được 12 giỏ đầy”.
3. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu “chạnh lòng thương khi gần gũi dân chúng của Người”. Mặc dầu họ không phải là bà con, bạn hữu hay những người quen biết, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Người là thương, và vì thương nên Người chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn. Xem như mọi người đều là đối tượng cho tình thương của Chúa.
Tại sao Chúa lại yêu thương đến thế?
Khi muốn làm cho người ta hiểu tại sao Chúa lại yêu con người như thế, thì các nhà tư tưởng của Ai cập xưa đã viết nên một câu chuyện thật đẹp như sau: Thiên Chúa xuống tận bờ sông Nilô, lấy tay nhào bùn và đắp nên hình người. Nhưng thật không may cho Chúa là khi Người thọc tay vào đất thì đúng vào một cái hang của một con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu ra. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Chúa nhưng Người không cho mà nói: “Cứ để vậy! Cứ để cho máu của Ta hòa với máu của con người để cho con người biết Ta yêu nó như thế nào”. Thiên Chúa yêu con người là vì Thiên Chúa tìm thấy sự sống của chính mình trong con người (Mỗi ngày một tin vui).
4. Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính các con hãy liệu cho họ ăn”. Chúa không để cho các Tông đồ phải tự sức mình mà lo, Ngài chỉ cần các ông cộng tác và đóng góp những gì có thể, dù chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu bao la. Chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa đã thực hiện phép lạ nuôi sống 5000 đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.
5. Thánh Augustinô viết: “Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần con người, nhưng để cứu độ con người, Thiên Chúa cần con người cộng tác”.
Trong sứ điệp Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ cộng tác với Người trong việc phục vụ tha nhân khi nói: “Chính anh em cho họ ăn”. Với quyền năng vô biên, Chúa Giêsu có thể tự mình làm phép lạ nuôi sống mọi người chứ không cần sự giúp đỡ của các môn đệ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn mời gọi các ông cộng tác, để từ đó, Người dọn ra một bữa ăn no nê cho dân chúng.
Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ ngày xưa: “Chính anh em hãy cho họ ăn” cũng chính là lời Người mời gọi chúng ta dấn thân phục vụ trong thế giới ngày nay. Tôi có gì để cho tha nhân? Thưa, đó là tất cả những gì tôi đang có: sức khỏe, tài năng, những ơn Chúa ban... Chúa muốn tôi sử dụng những hồng ân đó để phục vụ và chăm sóc mọi người.
6. Truyện: Lời cầu xin của người đàn bà.
Truyện kể một người đàn bà nghèo về vật chất, nhưng lại giầu về lòng tin. Người chủ căn phòng, nơi bà thuê là một người đàn ông giầu có, nhưng keo kiệt và vô đạo, ông thường đem lòng tin của người đàn bà làm trò cười, đùa giỡn.
Một hôm, người đàn bà cầu nguyện lớn tiếng với Chúa rằng hiện trong nhà không còn lấy một hột gạo. Để cho người đàn bà một bài học về sự mê tín dị đoan, kẻ vô đạo liền lấy một ổ bánh mì, rón rén đặt trước cửa người đàn bà bấm chuông rồi chạy vội về phòng mình.
Người đàn bà mở cửa phòng lấy ổ bánh mì, trở lại phòng và cầu nguyện tạ ơn: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì con biết rằng lúc nào Chúa cũng nhận lời con cầu xin”.
Người đàn ông rất tâm đắc khi nghe một lời cầu nguyện như thế. Ông bèn đến gõ cửa phòng người đàn bà và nói vọng vào: “Hỡi người đàn bà ngu xuẩn kia, bà tưởng rằng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của bà ư? Chính tôi là người đã mang ổ bánh đặt trước cửa phòng bà đó”.
Làm như thể không để ý đến lời nói của ông ta, người đàn bà nghèo lại tiếp tục cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì Chúa luôn trợ giúp con trong lúc túng ngặt; Chúa dùng ngay cả một tên quỷ để đáp lại lời cầu xin của con”.
Tường thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều của Thánh Mat-thêu chứa nhiều ngụ ý:
1. Tấm lòng của Chúa Giêsu: “Ngài thấy dân chúng đông đảo thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ”, và sau đó còn giảng dạy cho họ và làm phép lạ cho họ có bánh ăn. Ta hãy chú ý là họ không xin, sáng kiến làm tất cả những việc đó đều xuất phát từ tấm lòng của Chúa Giêsu.
2. Mô tả Chúa Giêsu là Môsê mới nuôi dân mới bằng thứ lương thực trổi vượt hơn manna ngày xưa.
3. Tiên báo về bí tích Thánh Thể.
4. Vẽ lên hình ảnh Giáo Hội; Chúa Giêsu ở giữa, các tông đồ ở kề bên Ngài, và dân chúng ở chung quanh.
B.... nẩy mầm.
1. Rất nhiều lần Tin Mừng ghi nhận rằng khi Chúa Giêsu thấy dân chúng thì Ngài chạnh lòng thương. Tuy họ không phải là bà con, bạn hữu hay là những người quen biết với Ngài, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Ngài là thương, và vì thương nên Ngài chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn. Ai cũng là đối tượng của tình thương Chúa.
Phần tôi thì khác, tôi hay phân loại người ta thành hai hạng: người thân và người dưng. Đối với người dưng thì tôi thờ ơ lãnh đạm. Xin Chúa cho con có một tấm lòng yêu thương bao la như Chúa, nhất là khi con là tông đồ của Chúa.
2. “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”: Cách giải quyết vấn đề của các tông đồ rất tự nhiên và bình thường. Tự dân chúng tìm đến đây thì tự họ phải lo thức ăn cho họ thôi. Các tông đồ đâu có trách nhiệm gì về chuyện đó. Đây là suy nghĩ tự nhiên. Nhưng Chúa Giêsu bảo “Các con hãy cho họ ăn”: đây là suy nghĩ của tình thương.
Có nhiều hoàn cảnh, người môn đệ Chúa không được làm theo suy nghĩ của tự nhiên mà phải theo suy nghĩ của tình thương.
3. “Chúng con chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá”. Khi trả lời Chúa Giêsu như thế, một đàng các tông đồ nghĩ là không thể làm gì được để giải quyết cơn đói của đám đông mấy ngàn người, và đàng khác có lẽ các ông nghĩ số lương thực ít ỏi đó nên dành cho nhóm của họ và Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu bảo “Hãy đem lại đây cho Thầy”: Ngài không muốn người ta ai ai cũng ích kỷ lo cho riêng mình. Ngài dạy phải vừa quảng đại vừa phó thác vào Ngài: hãy đưa cho Ngài để Ngài làm phép lạ giúp ích cho nhiều người.
4. Một người hồi giáo làm nghề đập đá có thói quen vào đền thờ cầu nguyện với Đức Ala. Ngày nào anh cũng thấy một con chim cú mù đứng bất động trên vách tường trước mặt và một con chim cú khác mang thức ăn đến cho nó. Cảnh tượng ấy làm cho anh suy nghĩ: “Đấng Ala quan tâm lo lắng cho cả một con chim cú mù. Còn ta, tại sao ta phải luôn luôn lo lắng về của ăn hằng ngày. Ta phải biết phó thác cuộc đời cho sự quan phòng của Đấng Ala”. Thế là anh bỏ nghề và ngày ngày đến trước của đền thờ để chờ được Đấng Ala chăm sóc như Ngài đang chăm sóc cho con chim cú mù.
Một người bạn biết chuyện, đến khuyên: “Tôi nghĩ là anh chưa hiểu được đều mà Ala muốn nói với bạn qua hình ảnh hai con chim. Ngài không hề muốn bạn trở thành con chim cú mù, nhưng hãy học lấy tấm gương chia sẻ của con chim cú lành mạnh” (Chờ đợi Chúa)
5. “Chúa Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy đám đông từ các thành đi bộ và theo Người.” (Mt 14,13)
Không biết từ lúc nào, tâm hồn tôi trở nên thờ ơ với việc cầu nguyện: thờ ơ vì những dễ dãi, vì sự lười biếng của chính mình. Những buổi tối đáng ra phải dành cho Chúa, tôi ngụy biện: mình mệt mỏi hay còn nhiều bài học... mà thực ra không phải lúc nào cũng vậy. Tôi mất dần sự đối thoại với Chúa vá đôi khi tôi cảm thấy Chúa nhật vời xa. Những lúc nguyện cầu (như một thói quen!) tôi vẫn để tâm đến những gì xảy ra xung quanh với cảm giác mong muốn nhanh nhập cuộc.
... Những người Do Thái khi nghe biết Chúa Giêsu đến một nơi hoang vắng, đã không quản ngại đường xa để đến với Người với cả lòng nhiệt thành. Và Chúa đã ban cho họ những điều vượt quá lòng họ mong ước. Còn tôi, đã biết phải gặp Chúa ở đâu, đã tham dự thánh lễ và đã rước cả mình thánh chúa; vậy mà tôi vẫn không nhận ra được điều quý giá này: có Chúa ở đó với ơn lành của Ngài. Phải chăng sự dễ dàng đến những “nơi gặp Chúa” khiến tôi thực sự không gặp được Người?
Lạy Chúa, xin cho con ý thức được Chúa là bánh nuôi sống con và đó là ân phúc vượt lên mọi điều con đang mong ước. Và xin cho con (trong một ý nghĩa nhỏ bé nhất) được là bánh tan hoà với anh em. (Hosanna)
1. Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi gần gũi với dân của Người. Mặc dầu họ không phải là bà con, bạn hữu hay là những người quen biết, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Người là thương, và vì thương nên Người chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn. Xem như mọi người đều là đối tượng cho tình thương của Chúa.
Tại sao Chúa lại yêu thương đến thế?
Khi muốn làm cho người ta hiểu tại sao Chúa lại yêu con người như thế, thì các nhà tư tưởng của Ai Cập xưa đã viết nên một câu chuyện thần thoại thật đẹp như sau: Thiên Chúa xuống tận bờ sông Nilô, lấy tay nhào bùn và đắp nên hình người. Nhưng thật không may cho Chúa là khi Người thọc tay vào đất thì đúng vào một cái hang của một con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu ra. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Chúa nhưng Người không cho mà nói: “Cứ để vậy! Cứ để cho máu của Ta hòa với máu của con người để cho con người biết ta yêu nó như thế nào”. Thiên Chúa yêu con người là vì Thiên Chúa tìm thấy sự sống của chính mình trong con người.
Xin Chúa cho chúng ta có được một phần nào tấm lòng yêu thương bao la như Chúa, nhất là khi chúng ta là những tông đồ của Chúa.
2. “Xin thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn” (Mt 14,15).
Rõ ràng là các Tông đồ của Chúa lo sợ trước một thách thức không thể vượt qua được trên bình diện con người. 5.000 người đàn ông không kể đàn bà con trẻ đang gặp cảnh đói không có gì ăn vào lúc trời sắp tối, nghĩa là mọi sinh hoạt buôn bán giữa người với người dường như sắp bị đóng lại. Các ông lo sợ và nói theo khuynh hướng tự nhiên là muốn phủi tay chạy trốn trước thách thức khó khăn ấy, để rồi từ đó muốn đổ trách nhiệm cho kẻ khác, và cuối cùng, còn muốn cả Chúa Giêsu cũng phải làm như vậy: “Xin Thầy hãy cho họ về hoặc vào làng để mua gì ăn, vì trời đã tối và họ có thể kiếm được gì ăn qua cơn đói chăng?” (Mt 14,15).
3. Chúa Giêsu không muốn như vậy. Điều Chúa muốn là “Các con hãy lo cho họ ăn” (Mt 14,16). Đó là mệnh lệnh của tình thương.
Rõ ràng là phải có một tình thương bao la kinh khủng mới dám nghĩ đến một việc làm như thế. Không thể thoái thác trách nhiệm trước những khó khăn phải đối đầu.
Khoảng nửa đêm, có một em bé tìm đến gõ cửa nhà mẹ Têrêsa. Mẹ bước xuống nhà và mở cửa cho em. Vừa khóc nức nở em vừa nói:
- Thưa mẹ, con tìm về với mẹ con và mẹ con nói: “Ta sẽ đánh mày”. Con tìm về với cha con và cha con đã đuổi con đi. Mẹ ơi! xin mẹ đừng đuổi con đi nữa nghe. Ít là mẹ, xin mẹ hãy thương con.
Mỗi ngày, ở nhiều nơi trên thế giới, những cảnh tượng giống như thế vẫn thường xảy ra và không phải chỉ xảy ra ở những nước nghèo đói như Ấn Độ, mà còn xảy ra ngay cả ở những nước giàu có và tiên tiến. Những đứa trẻ đang khao khát được yêu thương và được chăm sóc. Đây chính là sự nghèo đói sâu xa nhất!
Mẹ Têrêsa đã từng đón nhận hơn 40 ngàn người bị bỏ rơi như vậy ở các ngả đường thành phố Calcutta. Mẹ mang họ về các viện mồ côi, các trung tâm cấp cứu và ở đó, họ đã chết cách bình an dưới cái nhìn đầy yêu thương của Thiên Chúa và với niềm xác tín là được Chúa yêu thương, một tình thương được cụ thể hóa qua tình thương của Mẹ Têrêsa và các nữ tử Bác ái của mẹ. Mẹ và các chị chưa từng thấy ai trong số những người nghèo bị bỏ rơi ấy từ chối tình thương của Chúa. Trong những giây phút cuối đời, tất cả họ đều đã nói: “Lạy Chúa, con yêu Chúa, và con tin Chúa rất yêu thương con”.
Để kết thúc tôi xin được gửi đến anh chị em một bài thơ được treo tại Đan viện các nữ tu dòng thánh Clara nước Brasil. Bài thơ như sau:
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự sống, nhưng bạn có thể mang lại cho người khác ý muốn vui sống. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban Đức tin, nhưng bạn có thể làm chứng nhân cho Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mang lại niềm hy vọng, nhưng bạn có thể mang lại niềm tín thác cho anh chị em mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tình thương, nhưng bạn có thể dạy tha nhân biết yêu thương. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hòa bình, nhưng bạn có thể gieo sự đoàn kết. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban niềm vui, nhưng bạn có thể mỉm cười với mọi người. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sức mạnh, nhưng bạn có thể nâng đỡ người nản chí thất vọng. Chỉ có Thiên Chúa là Đường, nhưng bạn có thể chỉ đường cho người khác. Chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng, nhưng bạn có thể làm ánh sáng ấy tỏa sáng trước mặt người khác. Amen. ------------------------------
Lúc 7 giờ chiều thứ năm 30-5-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ đầu tiên kính Mình Máu Thánh Chúa tại thềm Đền thờ thánh Gioan Laterano. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đặc biệt quảng diễn câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi thấy đám đông dân chúng đến với Ngài và khi chiều về họ không có gì để ăn: “Chính các con hãy cho họ ăn”[1]. Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Đứng trước nhu cầu của đám đông, giải pháp của các môn đệ là mỗi người hãy nghĩ đến mình: giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn! Bao nhiêu lần các tín hữu Kitô chúng ta cũng bị cám dỗ như thế! Chúng ta không dám đảm trách những nhu cầu của người khác, chúng ta thường để họ ra đi với câu nói đạo đức: ‘Xin Chúa giúp đỡ bạn!’. Nhưng giải pháp của Chúa Giêsu đi theo một hướng đi khác, một hướng đi làm cho các môn đệ ngạc nhiên: ‘Chính các con hãy cho họ ăn’.
Đức Thánh Cha giải thích rằng: Lời mời gọi của Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ là ‘Chính các con hãy cho, hãy chia sẻ.’ Và họ đã chia sẻ 5 chiếc bánh và hai con cá. Nhưng chính những chiếc bánh và cá ấy, Chúa đã làm cho đám đông được ăn no nê... Điều này có nghĩa là trong Giáo Hội, và cả trong xã hội, chúng ta không được sợ hãi, nhưng hãy ‘liên đới’, chúng ta hãy biết đặt những gì chúng ta có để Chúa sử dụng, đặt những khả năng khiêm hạ của chúng ta, vì chỉ trong sự chia sẻ, trao ban, cuộc sống chúng ta mới được phong phú, và mang lại nhiều hoa trái”.[2]
Trước đây, khi Suy Niệm đoạn Tin Mừng này trong tác phẩm “5 chiếc bánh và 2 con cá”, Đức Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận cũng đã diễn tả cùng một ý như Đức Thánh Cha. Đức Hồng Y nói: Các môn đệ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: “xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu muốn các môn đệ hành động ngay trong phút hiện tại. “Chính các con hãy cho họ ăn”. Chúng ta cũng hãy hành động ngay trong phút hiện tại với tất cả những gì mình có. Không chọn dễ dãi nhưng chọn tình yêu.
Cũng như các môn đệ, chúng ta cần quan tâm học hỏi cách xử sự của Chúa Giêsu: Ngài chạnh lòng thương yêu cứu giúp mọi người đến quên bản thân mình. Chúng ta cũng chỉ có thể học được bài học này, nếu chúng ta có trái tim của Chúa Giêsu: thương cảm sâu sắc trước tình cảnh của người anh em chị em, tức là biết quan tâm đến hoàn cảnh sống của anh chị em mình, với trái tim đầy tình yêu thương. Hãy học cách yêu thương như Chúa bằng cách đáp ứng ngay, chia sẻ ngay, không tìm cách giải quyết né tránh, cũng không chọn cách phục vụ theo kiểu dễ dãi không dính bén đến mình.
Ước gì khi cảm nghiệm Lời Chúa dạy qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng dám dấn thân, dám chia sẻ ngay khi chúng ta chỉ có một phần ít ỏi nhỏ bé.
Lạy Chúa, Lời Chúa dạy các Tông Đồ hôm nay: “Họ không cần phải đi đâu xa, chính anh em hãy cho họ ăn”, Lời này đã làm tim con đau nhói. Nhiều lúc con chẳng quan tâm gì đến người chung quanh, Con chỉ đòi hỏi, ra lệnh mà không có tâm hồn chia sẻ, Con nỡ tâm nhìn anh chị em con đói khát về vật chất Thiếu vắng Lời Chúa là sức sống, là ánh sáng cho họ. Xin giúp con mau thực hành những điều Chúa đã dạy. Biết quảng đại yêu thương, Dám chia sẻ ngay khi con chỉ có một phần ít ỏi. Xin cho con thực thi lời hy vọng này: “Ðiều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta". Amen.