"Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Lời Chúa: Mt 13, 47-53
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có". Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.
Dụ ngôn chiếc lưới được coi là dụ ngôn cuối cùng trong một chuỗi bảy dụ ngôn của chương 13 theo Tin Mừng Mátthêu. Dụ ngôn này có nhiều điểm tương đồng với dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Cả hai đều nói đến sự tách biệt kẻ xấu và người tốt vào ngày tận thế, và kẻ xấu sẽ bị Thiên Chúa luận phạt nghiêm minh (cc. 42. 50). Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi để nói về Nước Trời. Có khi là hình ảnh nông nghiệp như dụ ngôn người gieo giống, dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hay dụ ngôn hạt cải. Có khi là hình ảnh về chăn nuôi như dụ ngôn về người mục tử. Có khi là hình ảnh về ngư nghiệp như trong dụ ngôn chiếc lưới. Một số môn đệ của Ngài đã sống bằng nghề chài lưới ở hồ Galilê. Thời xưa việc đánh cá ở hồ này cũng đơn giản như ở quê ta ngày nay. Những ngư phủ đi trên những chiếc thuyền nhỏ. Họ quăng lưới vào những nơi thấy dấu hiệu có cá đang đi. Lưới với những hòn chì nặng sẽ chụp xuống đàn cá và họ chỉ cần kéo vào bờ. Một chi tiết đáng chú ý ở đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu. Hình ảnh này gợi cho ta về việc mọi người, bất luận tốt xấu, đều được mời gọi tham dự bàn tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10). Trong Hội Thánh, cũng có sự pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu, như được ám chỉ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Ở các tỉnh ven hồ Galilê, ta dễ thấy cảnh tượng các ngư phủ ngồi trên bờ, gom cá đánh được trong ngày, giữ lại cá tốt, quăng đi cá xấu. Chỉ khi lưới đầy, họ mới làm công việc lựa cá như vậy (c. 48). Tương tự như trên, chỉ khi đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện để tách biệt kẻ xấu ra khỏi người công chính (c. 49). Như thế tình trạng hiện nay của Hội Thánh vẫn là chưa hoàn hảo. Không phải mọi Kitô hữu đều đã sống tinh thần Bài Giảng trên núi. Có những Kitô hữu không sinh trái, vì hạt giống nhận được đã bị thui chột, bởi thử thách gian nan hay mối lo toan vật chất (Mt 13, 18-22). Có những Kitô hữu tuy vẫn kêu Đức Giêsu là Lạy Chúa! (Mt 7, 21-23), vẫn nhân danh Ngài mà nói tiên tri, trừ quỷ hay làm phép lạ, nhưng lại không thi hành ý muốn của Cha trên trời và làm điều gian ác. Có những Kitô hữu dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới (Mt 22, 11-13). Có những Kitô hữu là muối nhạt, đã trở thành vô dụng (Mt 5, 13). Như thế gia nhập Hội Thánh không phải là một bảo đảm để được cứu độ. Còn cần sống hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48). Thời nay chúng ta không thích nghĩ đến những chuyện bị coi là xa xôi, như chuyện tận thế, chuyện Thiên Chúa phán xét và luận phạt. Chúng ta thích sống yên ổn với một Thiên Chúa nhân hậu vô cùng, đến độ có vẻ như hỏa ngục chỉ là chuyện viển vông để dọa con nít. Nhưng dù sao cũng không tránh được ngày cỏ lùng bị tách khỏi lúa, cá xấu bị tách khỏi cá tốt, kẻ bất lương bị tách khỏi người lành. Cuối cùng Nước Trời sẽ không còn chút bóng dáng của sự dữ, và Thiên Chúa sẽ là mọi sự cho mọi người (1 Cr 15, 28). Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa. Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ. Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa. Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên. Ước gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh. Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ. Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do. Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh. Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian, nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen. ---------------------------------------
Lưới trời lồng lộng. Thưa mà không lọt. Ngày tận thế, các thiên thần sẽ kéo một mẻ lưới cuối cùng trên biển trần gian. Rồi sẽ chọn cá tốt tức là người lành để được cho vào Nước Trời hưởng hạnh phúc, chọn cá xấu tức người dữ để ném vào Hỏa ngục chịu hình phạt muôn đời.
Muốn chắc chắn được tuyển chọn, ta phải kéo lưới hằng ngày trong mảnh ao tâm hồn ta. Vì trong mảnh ao tâm hồn bé nhỏ cũng có cá tốt lẫn cá xấu và cả rác rưởi nữa. Lưới của ta là Lời Chúa soi dẫn cho ta biết đường ngay nẻo chính. Là tiếng lương tâm giúp ta phân biệt phải trái, đúng sai trong những việc ta làm hằng ngày. Là lời giáo huấn của Bề trên hướng dẫn ta cách cụ thể trong môi trường ta sống. Là quyết tâm chọn Chúa, chọn lề luật Chúa, chọn đường nên thánh. Là ý chí diệt trừ điều xấu ngay khi phát hiện. Là ước muốn nên thánh, nên trọn lành, nên người con hiếu thảo của Cha trên trời. Nếu ta kéo lưới tâm hồn hằng ngày, dứt khoát loại bỏ những con cá xấu, những rác rưởi khỏi tâm hồn, thì đến ngày tận thế, khi các thiên thần kéo mẻ lưới cuối cùng, ta đã được thanh luyện trở nên cá tốt rồi.
Để trở nên cá tốt, ta phải noi gương Mô-sê. Mô-sê không làm gì theo ý riêng. Nhất nhất đều theo ý Chúa, từng chi tiết trong việc xây dựng lều Hội Ngộ. Từng chi tiết trong việc trang hoàng Hòm Bia. Từng chi tiết trong các nghi lễ tế tự dành cho Chúa. Càng nghe lời Chúa, ông càng đi trên đường trọn lành và lại càng được Chúa tiếp tục hướng dẫn. Không những hướng dẫn cho cá nhân ông, Chúa còn hướng dẫn cho cả dân Israel, dẫn đường chỉ lối cho họ đi vào Đất Hứa, tránh xa mọi nơi nguy hiểm, thù nghịch (năm lẻ).
Để trở nên cá tốt ta phải noi gương Giê-rê-mi-a, để Chúa nhào nặn đời mình như người thợ gốm nhào nặn đất sét thành chiếc bình quí giá. Hoàn toàn vâng phục. Hoàn toàn để Chúa thực hiện chương trình của Chúa trong đời ta. Mọi sự sẽ tốt đẹp. Và khi ta lầm lỗi, Chúa có thể đập nát chiếc bình dang dở, để làm lại từ đầu. Đó là việc sửa phạt sẽ khiến ta đau đớn. Nhưng chính nhờ thế, Chúa vứt bỏ cá xấu, gạt bỏ rác rưởi khỏi tâm hồn ta, biến ta thành loài cá tốt, thành chiếc bình hoàn hảo không còn tì vết.
Có một Bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục cao niên và tuyên bố: "Thưa Ðức Cha, con đến để thông báo cho Ðức Cha biết con đang nghĩ đến chuyện ra khỏi Giáo Hội, Ðức Cha nghĩ sao?".
Vị Giám mục yêu cầu ông cho biết một vài lý do khiến ông có ý định đó. Viên Bác sĩ nhìn thẳng vào mắt vị Giám mục và nói: "Thưa Ðức Cha, Ðức Cha nghĩ coi: Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này 2,000 năm nay, thế mà con người có khá hơn không?".
Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: "Bác sĩ nói thật chí lý, nhưng Bác sĩ hãy thử nghĩ lại: nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay, vậy mà ngày nào Bác sĩ cũng như tôi, ai cũng phải rửa tay".
Nghe thế, viên Bác sĩ thinh lặng ra về, ông không còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa.
Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Luôn ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết. Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
“Nước Trời còn giống như chuyện một chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các Thiên Thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. Và quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt. 13, 47-50)
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Đó là loại câu hỏi chỉ có thể gây bối rối. Khi ta hiểu biết rồi, mà sau đó lại không hành động theo, thì người ta có quyền chất vấn ta. Nếu hiểu biết sao anh lại làm ngược lại điều anh biết? Anh không chữa mình được. Nếu không hiểu biết sao anh không nói ra điều đó? Vì thế hiểu biết là điều quan trọng, chính sự hiểu biết biện minh họăc kết án cho thái độ, hành vi của ta.
Tôi chọn lựa.
Giống như trong các dụ ngôn khác, ta phải lưu ý điều này là ttc không xét xử cũng chẳng kết án: Người nhìn thấy mọi sự, Người biết hết tất cả rồi, và theo thiển ý tôi, “đương nhiên” có sự tách biệt hạt giống tốt với cỏ lùng, thì phải chăng chính sự thể rõ ràng như vậy rồi trước khi ông chủ có ý kiến? Trong mớ cá đủ loại có cá tốt cá xấu. Nhưng không phải Thiên Chúa xét xử và phân loại; cỏ lùng và cây lúa chúng đã khác nhau và phân biệt nhau rồi. Cũng vậy đến ngày tận thế, kẻ xấu sẽ bị tách ra khỏi hàng ngũ những người công chính, thì cũng không phải là do Chúa lên án, là bởi vì chính hành động của con người đã biết sống tự do hay nô lệ cho một chúa tể nào đó mà họ sùng bái.
Chúa hỏi chúng ta: “Anh em có hiểu không?” Hiểu cho rõ để rồi lựa chọn và lựa sự thiện bằng tất cả lòng thành tâm, thiện chí và trung thành. Đó chính là ý nghĩa thực của đời ta!
Tôi hiểu biết.
Chúa kết thúc dụ ngộn với lời: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào được học hỏi về Nước Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” Cái cũ đó là chủ đề về vương quyền của Thiên Chúa, chủ đề lớn thống lĩng toàn bộ lịch sử của dân Ít-ra-en. Chúa Giêsu đã đến cùng với Tin Mừng của Người làm cho vương quyền của Thiên Chúa nên trọn, đó là cái mới.
Như vậy truyền thống vẫn luôn luôn được sống động, như thường phải được giải thích theo sự am hiểu sâu xa hơn để có thể đạt cái mới đích thực và việc thực hiện luôn được hoàn hảo hơn.
“Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8), vì thế, Ngài luôn yêu thương hết mọi người không phân biệt tốt xấu, giàu nghèo hay chức vị cao thấp.
Bản chất đó hôm nay được Đức Giêsu mặc khải qua dụ ngôn “chiếc lưới”.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói: chiếc lưới như là Nước Trời. Chụp xuống biển là hành động Lời Chúa được trao ban. Bắt được đủ mọi thứ cá chính là mọi người đều được Lời Chúa dạy dỗ. Cá tốt, là những người nghe và thực hành Lời Chúa. Cá xấu là những người không nghe, hay có nghe nhưng Lời Chúa không biến đổi được họ vì sự ích kỷ và kiêu ngạo. Tuy nhiên, cá tốt và cá xấu đều tồn tại! Chỉ khi chiếc lưới chụp xuống và được kéo lên, lúc ấy chúng mới bị phân biệt. Cá tốt thì cho vào giỏ. Cá xấu thì quăng ra ngoài.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy là cá tốt trong chiếc lưới của Ngài. Đồng thời cũng dạy ta bài học về sự kiên nhẫn và sẵn sàng yêu thương hết mọi người. Biết mở lòng để đón nhận sự bất toàn của anh chị em mình, hầu chờ cơ hội để Chúa và cả chúng ta cải hóa anh chị em.
Cuối cùng chúng ta cần xác định quyền xét xử là của Chúa và do Chúa. Bổn phận của chúng ta là tin tưởng, cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng, phó thác nơi Chúa, cậy dựa vào ơn Chúa để can đảm biến đổi. Xin cho chúng con được trở thành cá tốt trong ngày sau hết để được Chúa cho vào giỏ của Chúa là Nước Trời. Amen.
Sứ điệp: Hội Thánh là thánh nhưng vẫn bao gồm những con người tội lỗi. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xét xử thanh lọc. Và phải đợi đến tận thế mới là lúc thanh lọc chung cuộc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con vào Hội Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã thiết lập một Giáo Hội thánh thiện, và Giáo Hội phải thánh để làm cho mọi người nên thánh. Nhưng trong thực tế con thấy Giáo Hội vẫn phải cưu mang trong lòng mình những con người tội lỗi, trong đó có con. Đôi khi chính trong lòng Giáo Hội vẫn còn nhiều tội lỗi, nhiều tiêu cực, nhiều cách sống thế tục. Điều đó đã trở nên một gương mù và làm cho nhiều người thắc mắc, công kích: tại sao Giáo Hội lại còn nhiều tội lỗi thế?
Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng bao lâu còn ở trần gian, Giáo Hội cũng như chiếc lưới bắt cả cá tốt lẫn cá xấu. Đến ngày chung thẩm chiếc lưới mới được kéo lên, và lúc đó chính Chúa sẽ tách biệt cá tốt khỏi cá xấu.
Con cảm tạ Chúa luôn nhân từ kiên nhẫn chờ đợi con. Xin cho con biết tận dụng những ngày con đang sống ở trần gian để nhờ ơn Chúa, con tự thanh luyện mình trở nên thánh thiện như bản chất của Giáo Hội.
Đứng trước những thực tế trong Giáo Hội, xin giúp con đừng nản lòng, và càng không bao giờ phê bình chỉ trích, trái lại, xin cho con càng yêu mến và cầu nguyện cho Giáo Hội nhiều hơn, đồng thời cho con biết tích cực cộng tác để làm cho bộ mặt Giáo Hội ngày càng xinh đẹp trong sáng hơn. Amen.
Ghi nhớ: “Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài”.
Các bổn đạo đầu tiên trong Giáo hội sơ khai thiếu tất cả mọi yếu tố để thành công: thông thái, giàu sang, chức quyền, lợi khẩu… Họ chỉ có một điều: Sống đời sống đức tin rất gương mẫu. Nhờ đó, họ đã đem được rất nhiều người ngoại giáo trở lại đạo Chúa.
Gương tốt đánh tan bóng tối, đem lại ánh sáng linh động và vạch rõ con đường ngay chính. Gương tốt làm cho người ta tuân giữ luật Chúa và xa lánh tội lỗi.
Tertulianô viết về các bổn đạo đầu tiên này: “Chỉ có sự hiện diện của mình, các bổn đạo đầu tiên cũng đủ làm cho tính xấu phải hổ thẹn”.
Suy niệm
Cũng giống như dụ ngôn lúa và cỏ lùng, dụ ngôn chiếc lưới cá đề cập cuộc phán xét của Thiên Chúa trong ngày tận thế. Dụ ngôn nhấn mạnh việc ngư phủ tách cá tốt và cá xấu ra khỏi nhau khi lưới được kéo lên: Cá tốt cho vào giỏ tượng trưng cho người công chính được Chúa cho hưởng vinh quang Thiên quốc, cá xấu bị ném ra ngoài tượng trưng cho kẻ xấu bị trừng phạt nơi hỏa ngục.
Hình ảnh của chiếc lưới đầy cá mà Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn, cho thấy nước Trời bao gồm đủ mọi hạng người đi tìm nước Trời và chỉ có những người tìm kiếm được mới được Thiên Chúa đón rước vào nước Ngài. Người được chọn là người biết kiên tâm đời mình muốn gì và tìm kiếm như tìm kiếm nước Trời. Bổn phận của người tìm kiếm Nước Trời được dùng bằng hình ảnh mà Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52).
Thiên Chúa quăng lưới tình yêu nước Trời xuống biển trần gian bắt được mọi thứ cá, Ngài chỉ lượm cá tốt là những người công chính, nghĩa là Thiên Chúa chỉ đón nhận những ai muốn được Thiên Chúa biến đổi và làm cho ra tốt. Còn những ai chối bỏ Ngài chính là cá xấu bị loại ra khỏi vòng yêu thương của Thiên Chúa sẽ ở ngoài vòng dây yêu thương và bất hạnh muôn đời.
Ý lực sống:
“Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được thuộc về Người” (Pl 3,7-9).
Dụ ngôn chiếc lưới này gần giống như dụ ngôn cỏ lùng. Cả hai dụ ngôn đều nói tới vần để kẻ tốt và kẻ xấu sống chung với nhau, và sự phân biệt rõ ràng dứt khoát, mỗi kẻ một nơi, chỉ xảy ra vào ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng.
Như chiếc lưới quăng xuống biển bắt được mọi thứ cá, Thiên Chúa cũng căng lưới tình yêu ra và chụp vào mọi người, không ai bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Thế nhưng, Chúa chỉ lựa cá tốt. Thiên Chúa chỉ đón nhận những ai muốn được Ngài biến đổi và làm cho tốt, còn những ai chối bỏ, thì sẽ bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương và sẽ chịu hình phạt muôn đời.
Dụ ngôn lưới cá thời Chúa Giêsu không giống cách đánh cá công nghiệp thời nay. Cách đánh cá này giống như cách đánh cá của người dân quê miền bể chúng ta. Đây là thứ lưới vét (lưới giùng) dài và rộng. Dân chài chia thành hai nhóm kéo hai đầu lưới, bao vây cả một vùng biển mà dân chài tưởng là có đàn cá, từ từ vòng vào bờ, kéo lưới lên bãi, xum nhau lại nhặt cá.
Theo giải thích của nhiều giáo phụ thì biển là thế gian, cá là nhân loại, dân chài là các tông đồ, lưới là Hội thánh và là việc rao giảng Tin mừng, nhặt cá tốt và cá xấu là phân biệt kẻ lành kẻ dữ trong ngày phán xét.
Theo cánh đánh cá ở trên, các ngư phủ sau khi kéo lưới vào bờ, họ thường ngồi lựa cá tốt và cá xấu. Cá tốt thì thu gom lại còn cá xấu thì loại bỏ đi. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh lưới cá này để chỉ Nước Chúa, tức là Hội thánh của Chúa, có nhiều thành phần khác nhau, tốt xấu khác nhau. Ai cũng có thể ở trong Giáo hội, không phân biệt, không kỳ thị chủng tộc, màu da, tiếng nói, văn minh, giàu nghèo. Tuy nhiên sẽ có ngày Chúa phân xử là lựa chọn kỹ càng, lúc ấy Thiên Chúa sẽ quyết định ai là người tốt, ai là người xấu, ai là con cái thật của Chúa, ai là thứ giả hình giả mạo. Chúa Giêsu còn nói rõ: các thiên thần sẽ tách biệt kẻ xấu và người công chính. Kẻ xấu sẽ bị ném vào lò lửa không hề tắt, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng, còn người công chính sẽ chói sáng như mặt trời.
Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền xét xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho các tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.
Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.
Một lần nữa chúng ta được nghe Chúa Giêsu mạc khải về ngày tận thế qua dụ ngôn chiếc lưới đầy cá và sự lựa chọn của ngư dân. Trong ngày sau hết cũng vậy, Thiên Chúa sẽ tách biệt người công chính ra khỏi kẻ gian ác. Kẻ gian ác thì chịu án phạt, còn người công chính được ân thưởng trong Nước trời.
Vì thế, Hội thánh ở trần gian giống như chiếc lưới, mời gọi mọi người không trừ ai. Thế nhưng, trong Hội thánh, mọi tín hữu đều hướng tới mục tiêu là nên thánh, nên công chính để được Chúa tuyển chọn vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong ngày sau hết. Trở nên người công chính, đó là ước mong của mọi người chúng ta khi làm môn đệ Chúa Kitô. Và chính điều mong ước này là động lực thúc đẩy chúng ta sống công chính theo gương Ngài để được chọn vào trong Nhà Chúa. Lời Chúa mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta nên sống công chính thánh thiện để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn (5 phút Lời Chúa).
Dụ ngôn này nói về sự thanh lọc người tốt và kẻ xấu để cho vào hoặc loại khỏi Nước Trời.
Trong dụ ngôn, có 3 sự so sánh:
a) Thế gian (như biển cả) là nơi người tốt và kẻ xấu lẫn lộn nhau b) Người xấu và kẻ tốt (như cá tốt và cá xấu – nghĩa là cá ăn được và cá không ăn được) c) Sự thanh lọc (như lựa cá).
Điều đáng lưu ý là chính Thiên Chúa ấn định thời điểm thanh lọc vì chính Thiên Chúa ấn định lúc nào kéo lưới lên. Một chi tiết nữa đáng lưu ý là đến lúc thanh lọc thì chỉ còn hai hạng người dứt khoát: hoặc là người tốt, hoặc là người xấu, không có hạng lừng khừng đứng giữa.
B.... nẩy mầm.
1. “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá”: Thay vì bực tức và khó chịu vì có những người xấu ở trong Giáo Hội và trong cộng đoàn của mình, sao tôi không nghĩ đến tình thương của Chúa khi Ngài khoan dung cho những người xấu ấy vào Giáo Hội và cộng đoàn để có cơ hội hoán cải họ?
2. Trong chiếc lưới có cả cá tốt và cá xấu. Trong Giáo Hội có người tốt lẫn người xấu. Chúa khoan dung để như thế vì Ngài muốn cho kẻ xấu có thời giờ hoán cải thành người tốt.
Gợi ý cầu nguyện: cầu cho Giáo Hội, cầu cho cộng đoàn mình. Xin ơn biết khoan dung và kiên nhẫn như Chúa…
3. Thân phận của Giáo Hội dưới thế cũng giống như thân phận của mỗi con người: có tốt và xấu lẫn lộn. Đừng lên án Giáo Hội, đùng lên án ai cả. Cũng đừng bực tức bất mãn với Giáo Hội hay với bản thân mình. Thái độ phải có là khiêm tốn nhìn nhận thực tế và kiên trì sửa đổi để ngày một nên tốt hơn.
4. Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục và tuyên bố: “Con đến cho Đức Cha hay con đang muốn ra khỏi Giáo Hội. Đức Cha nghĩ sao?” Vị Giám mục xin ông cho biết lý do. Ông nói: “Đức Cha nghĩ coi: Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này gần 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không?”. Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: “Bác sĩ nói chí lý. Nhưng bác sĩ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay. Vậy mà sao ngày nào bác sĩ cũng như tôi cũng đều phải rửa tay?”. Nghe thế, vị bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa. ("Mỗi ngày một tin vui").