Vấn đề GIẢI TỘI và XƯNG TỘI dịp lễ GIÁNG SINH 2021

Thứ ba - 21/12/2021 04:43
Thư Đức Cha Long Xuyên về GIẢI TỘI TẬP THỂ dịp Giáng Sinh 2021
Thư Đức Cha Long Xuyên về GIẢI TỘI TẬP THỂ dịp Giáng Sinh 2021
Vấn đề
GIẢI TỘI
DỊP LỄ GIÁNG SINH 2021

------------------------------------------------
Nội dung:

Bài 1: Thư của Đức Giám Mục GP. Long Xuyên gởi quý cha trong giáo phận VỀ GIẢI TỘI DỊP LỄ GIÁNG SINH 2021. 1
Bài 2: GIÁO LUẬT VỀ GIẢI TỘI TẬP THỂ.. 2
Bài 3: Lưu ý của Tòa Ân giải về Bí tích Hòa giải trong đại dịch hiện nay. 4
Bài 4: Giải Tội Tập Thể Là Gì?. 6
Bài 5: ĐTC Phanxicô giải thích cách xưng tội  khi không có linh mục. 11
Bài 6: ĐHY Piacenza khuyên các cha giải tội sẵn sàng giải tội để mang lòng thương xót của Chúa cho thế giới 13

-------------------------------------------------

 

Bài 1: Thư của Đức Giám Mục GP. Long Xuyên gởi quý cha trong giáo phận VỀ GIẢI TỘI DỊP LỄ GIÁNG SINH 2021


Kính gửi: Quý Cha.

Chúng ta cùng với cộng đồng Dân Chúa đang sống trong những ngày cận kề của đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, và ai trong chúng ta cũng muốn chuẩn bị tâm hồn để đón mừng ngày lễ trọng đại này.

Vì thế, việc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải là cần thiết và là một niềm khao khát chính đáng của tất cả mọi người tín hữu. Nhưng cũng là một hy sinh lớn cho các linh mục.

Tuy nhiên, tình hình đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các tín hữu, khi muốn được lãnh nhận bí tích Hòa Giải cách thông thường và cho các linh mục chúng ta thi hành tác vụ giải tội.

Vì thế, vấn đề đặt ra là có nên cho phép các linh mục giải tội tập thể hay không?

Sau khi đã xem xét các quy định của giáo luật điều 960-963, cũng như dựa vào hướng dẫn của Tòa Ân Giải Tối Cao, và bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô (tài liệu đính kèm), đồng thời tham khảo ý kiến của những vị hữu trách và các linh mục hạt trưởng về bối cảnh của Giáo Phận Long Xuyên hiện nay, chúng tôi xét thấy rằng,

Giáo Phận Long Xuyên chưa thích hợp
 để áp dụng hình thức giái tội tập thể

theo quy định tại điều 961§1, 20 của bộ giáo luật hiện hành.

Để tiện cho quý Cha nghiên cứu, và hướng dẫn giáo dân, xin gửi đến quý Cha các tài liệu liên quan:

1/ Giáo luật các điều 961 – 963.
2/ Lưu ý của Tòa Ân giải về Bí Tích Hòa giải trong đại dịch hiện nay 20/03/2020.
3/ Giải tội tập thể là gì? của Lm. Bùi Thái Sơn – TGP. Sài Gòn.
4/ ĐTC Phanxicô giải thích cách xưng tội khi không có linh mục 20/2/2020.
5/ Thư của Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Toà Ân Giải Tối Cao.

Vì vậy, xin quý Cha, vì đức ái của một mục tử, xin hãy hy sinh sắp xếp thời gian và những biện pháp phòng tránh dịch thích hợp, để

ban Bí Tích Hòa Giải cách thông thường cho các tín hữu.

Nguyện xin Chúa Hài Đồng, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse chúc lành và ban bình an cho tất cả chúng ta.

Long Xuyên, ngày 21 tháng 12 năm 2021
+ Giuse Trần Văn Toản
Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên.

---------------------------------

 

Bài 2: GIÁO LUẬT VỀ GIẢI TỘI TẬP THỂ


***
Điều 961

§1. Không thể ban ơn xá giải chung cho nhiều hối nhân cùng một lúc, nếu mỗi cá nhân không thú tội trước, trừ:

1- Trường hợp nguy tử sắp xảy ra và không đủ thời giờ cho một hay nhiều tư tế nghe từng hối nhân xưng tội;

2- Trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng, nghĩa là khi có đông hối nhân, mà không có đủ cha giải tội, để nghe từng người xưng tội đúng cách, trong một thời gian thích hợp, đến nỗi, các hối nhân không được lãnh ơn của bí tích, hoặc không được rước lễ trong thời gian lâu dài, mà không do lỗi của họ.

Tuy nhiên, không được coi là có nhu cầu đủ, khi không có sẵn cha giải tội, chỉ vì có đông hối nhân, như có thể xảy ra trong một ngày lễ lớn, hoặc trong một cuộc hành hương lớn nào đó.

§2. Việc nhận định xem những điều kiện cần thiết chiếu theo quy tắc của §1, 2o có hay không là thuộc về Giám Mục giáo phận; ngài có thể xác định những trường hợp có nhu cầu như thế, dựa vào những tiêu chuẩn đã được thỏa thuận chung với các thành viên khác của Hội đồng Giám mục.

Điều 962

§1. Để hưởng nhờ hữu hiệu ơn xá giải bí tích được ban cùng một lúc cho nhiều người, người kitô hữu không những phải được chuẩn bị đầy đủ, mà đồng thời còn phải quyết tâm:

là sẽ đi xưng tội riêng vào thời gian thích hợp, về các tội trọng

mà hiện tại họ không thể xứng thú như vậy được.

§2. Trong mức độ có thể, ngay vào dịp lãnh nhận một ơn xá giải chung, các Kitô hữu phải được dạy cho biết những điều kiện buộc phải có, chiếu theo quy tắc của §1, và kể cả trong trường hợp nguy tử, nếu còn thời giờ, thì phải khuyên bảo trước khi xá tội chung, để mỗi người lo giục lòng ăn năn sám hối.

Điều 963

Miễn là vẫn giữ nguyên nghĩa vụ được nói đến ở điều 989, người nào được tha các tội trọng, nhờ một ơn xá giải chung, thì phải đi xưng tội riêng sớm hết sức khi có dịp, trước khi lãnh nhận ơn xá tội chung một lần khác, trừ khi có một lý do chính đáng can thiệp vào.

II. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

•Về giáo luật

- không được coi là đủ nhu cầu và lý do, để tổ chức giải tội tập thể, chỉ vì không có sẵn và không đủ cha giải tội cho quá nhiều hối nhân, như có thể xảy ra trong một ngày lễ lớn, hoặc trong một cuộc hành hương lớn nào đó.

- người kitô hữu không những phải được chuẩn bị đầy đủ, mà còn phải quyết tâm là sẽ đi xưng tội riêng vào thời gian thích hợp, về các tội trọng mà hiện tại họ không thể xứng thú.

- các Kitô hữu phải được dạy cho biết những điều kiện buộc phải có, chiếu theo quy tắc của §1, và kể cả trong trường hợp nguy tử, nếu còn thời giờ, thì phải khuyên bảo trước khi xá tội chung, để mỗi người lo giục lòng ăn năn sám hối.

- người nào được tha các tội trọng nhờ một ơn xá giải chung thì vẫn phải đi xưng tội riêng sớm nhất có thể, trước khi lãnh nhận ơn xá tội chung một lần khác.

- chỉ giám mục giáo phận mới có thể công bố tình trạng nghiêm trọng, chiếu theo quy ước chung của Hội đồng Giám mục; cá nhân linh mục phải được phép của giám mục bản quyền, trước khi cử hành giải tội tập thể.

----------------------------

 

Bài 3: Lưu ý của Tòa Ân giải về Bí tích Hòa giải trong đại dịch hiện nay.

(20.03.2020)

“Thầy ở cùng các con luôn mãi” (Mt  28,20)

Tính chất nghiêm trọng của hoàn cảnh hiện nay đòi phải suy tư về sự khẩn cấp và trọng tâm của Bí tích Hòa giải, cùng với một số giải thích cần thiết, cho cả giáo dân và các thừa tác viên, được mời gọi cử hành Bí tích này.

Ngay trong cơn đại dịch COVID-19, Bí tích Hòa giải cũng được ban theo Giáo luật phổ quát và các quy định của Ordo Paenitentiae (Sách Nghi thức Sám hối).

Xưng tội cá nhân là cách thông thường để cử hành bí tích này (x. Giáo luật, 960), còn việc xá giải chung, mà không xưng tội cá nhân trước đó, không thể được ban, ngoại trừ trường hợp nguy tử gần kề, vì không có đủ thời gian để nghe lời thú tội của từng hối nhân (x. Giáo luật, 961, §1), hoặc trường hợp khẩn thiết nhất (x. Giáo luật, 961, §1,2).

Nhận định về tình trạng này là trách nhiệm của giám mục giáo phận, có tham khảo các tiêu chí đã đồng thuận với các thành viên khác của Hội đồng Giám mục (x. Giáo luật, 455, §2) và không phương hại đến sự cần thiết, để xá giải thành sự, của votum sacramenti [ý muốn lãnh nhận bí tích] của cá nhân hối nhân, nghĩa là, quyết tâm sẽ đi xưng thú các tội trọng vào thời gian thích hợp, mà hiện tại họ không thể xưng được (x.  Giáo luật, 962, §1).

Tòa Ân giải tin rằng, nhất là ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch và trong khi chờ đợi tình hình thuyên giảm, các trường hợp khẩn thiết được đề cập nói trên tại điều 961, §2 của Bộ Giáo luật, có thể sẽ xảy ra.

Bất kỳ năng quyền đặc biệt nào khác được luật ủy thác cho các giám mục giáo phận, cũng phải luôn lưu tâm đến lợi ích tối cao của phần rỗi các linh hồn (x. Giáo luật, 1752).

Nếu bất ngờ xảy ra nhu cầu phải ban bí tích tha tội cho nhiều tín hữu cùng lúc, linh mục buộc phải báo trước cho giám mục giáo phận ngay khi có thể hoặc, nếu không thể, phải báo lại cho ngài càng sớm càng tốt (x. Ordo Paenitentiae, 32).

Do đó, trong tình trạng khẩn cấp của đại dịch hiện nay, giám mục giáo phận có trách nhiệm chỉ dẫn các linh mục và hối nhân áp dụng những điều lưu tâm thận trọng, khi cử hành bí tích hoà giải cá nhân.

- Chẳng hạn, như cử hành ở một nơi thông thoáng bên ngoài tòa giải tội.
- Giữ khoảng cách phù hợp, sử dụng khẩu trang bảo vệ, mà không làm phương hại đến mối quan tâm bảo vệ tuyệt đối ấn tín toà giải tội và sự kín đáo cần thiết.


Hơn nữa, bao giờ cũng thuộc về các giám mục giáo phận, trong địa giới giáo phận của các ngài và liên quan đến mức độ lây nhiễm đại dịch, trách nhiệm xác định các trường hợp khẩn thiết nghiêm trọng nào được giải tội tập thể cách hợp pháp:

Ví dụ, khi các tín hữu nhập viện vì nhiễm bệnh với nguy cơ tử vong, chuẩn bị phương thức thích hợp cho việc sử dụng các phương tiện tăng âm càng nhiều càng tốt để có thể nghe được lời xá giải.

Khi cần thiết, cần thỏa thuận với các cơ quan y tế, xem xét đến nhu cầu và phương thức thích hợp để thành lập các nhóm “tuyên uý bệnh viện ngoại thường”, để bảo đảm việc trợ giúp thiêng liêng cần thiết cho người bệnh và người hấp hối.

Cũng lưu ý đến nguyên tắc tự nguyện và tuân thủ các quy tắc đề phòng lây nhiễm.

Trường hợp cá nhân tín hữu thấy mình trong cơn đau đớn không thể lãnh bí tích tha tội, thì nên nhớ rằng khi ăn năn tội cách trọn, vì yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, thể hiện bằng lời chân thành xin ơn tha thứ (mà hiện tại hối nhân có thể bày tỏ) cùng với votum confessionis [ước ao xưng tội], nghĩa là quyết tâm đi xưng tội, càng sớm càng tốt, thì đã được tha tội, kể cả tội trọng (x. GLHTCG, 1452).

Hơn bao giờ hết, Hội Thánh sẽ trải nghiệm sức mạnh của mầu nhiệm các thánh thông công, khi dâng lên Chúa là Đấng chịu đóng đinh và Sống lại, những ước nguyện của mình, đặc biệt là Hy lễ thánh, được các linh mục cử hành hằng ngày, cả khi không có giáo dân tham dự.

Như một người mẹ hiền, Giáo hội khẩn nài Chúa cho nhân loại thoát khỏi tai họa này, bằng cách kêu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Lòng thương xót, là Đấng Chữa lành Bệnh nhân, và Thánh Giuse Bạn trăm năm của Mẹ, Đấng luôn bảo trợ cho Giáo hội vững bước trên trần gian.

Xin Đức Maria Rất thánh và Thánh Giuse chuyển cầu cho chúng ta được dồi dào ơn hòa giải và ơn cứu độ, nhờ chăm chú lắng nghe Lời Chúa, mà Ngài nhắc lại cho nhân loại ngày nay:

- “Hãy dừng tay lại và biết rằng Ta là Thiên Chúa (Tv 46,10),
- “Thầy ở cùng các con luôn mãi” (Mt 28,20).


Ban hành tại Rôma, từ trụ sở Tòa Ân giải, ngày 19 tháng Ba năm 2020,

Lễ kính trọng thể Thánh Giuse,
Bạn trăm  năm của Đức Trinh Nữ Maria,
Bổn mạng Giáo hội hoàn vũ.


Hồng y Mauro Piacenza
Chánh án Tòa Ân giải
Krzysztof Nykiel
Chánh Văn phòng

----------------------------------

 

Bài 4: Giải Tội Tập Thể Là Gì?


I- Giải tội tập thể là gì?

“Giải tội tập thể” hay “xá giải chung” (general absolution)

là việc linh mục cử hành nghi thức Giải Tội bí tích cho một tập thể hối nhân, mà trước đó không có xưng tội riêng từng người.

Đây là một trường hợp rất đặc biệt, không phải là việc được phép thực hành thường xuyên trong Giáo hội.

Kể từ Công đồng Tridentinô vào thế kỷ XVI, Giáo hội Công giáo khẳng định:

 “Việc xưng tội riêng (cá nhân) và xưng tội đầy đủ cùng với việc xá giải, là cách duy nhất và thông thường, nhờ đó một tín hữu ý thức mình có tội trọng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo hội; chỉ có sự bất lực thể lý hay luân lý mới miễn chuẩn việc xưng tội như trên; trường hợp này, việc hòa giải cũng có thể được thực hiện bằng những cách khác” [1].

Như vậy, lý do duy nhất có thể miễn xưng tội riêng là bất lực thể lý hay luân lý;

chẳng hạn:

- tình trạng bản thân đau ốm hay không có linh mục giải tội nào có thể gặp được;
- hay lý do tâm lý như hối nhân quá sợ hãi đến mức tâm thần (hysteria) khi xưng tội cá nhân.


“Giải tội tập thể” trở thành ngoại lệ đầu tiên vào năm 1915 và 1939, khi Đức Bênêđictô XV và Đức Piô XII dành cho các vị Giám Mục năng quyền đặc biệt để:

các linh mục tuyên úy quân đội được Giải Tội tập thể cho các quân nhân trước khi ra trận [2].

Hiện nay, các quy định về “Giải tội tập thể” được nêu trong Bộ Giáo Luật 1983 điều 960-963; và Đức Gioan Phaolô II đã giải thích chi tiết trong tông thư dưới dạng motu proprio Misericordia Dei (07.02.2002).

II- Những điều kiện chung để có thể cử hành “Giải tội tập thể”?

Việc “Giải tội tập thể” chỉ được cử hành khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây [3]:

1- Không có đủ linh mục giải tội: một linh mục hay nhiều linh mục không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội.

 “Tuy nhiên, không được coi là có sự khẩn thiết thực sự, khi không có đủ các cha giải tội, chỉ nguyên vì lý do hối nhân đông đảo, như trong trường hợp các dịp đại lễ hay hành hương”.

2- “đến nỗi các hối nhân không được lãnh ơn bí tích Xá Giải hoặc không được Rước Lễ trong thời gian lâu dài mà không do lỗi của họ”.

Hội Đồng Giám Mục Mỹ từng đề nghị giải thích “thời gian lâu dài” (diu) của GL 961, được tính là “một tháng”. Cách giải thích này không được Tòa Thánh chấp nhận [4].

Đức Gioan Phaolô II cũng cho là cách giải thích “một tháng” là không khôn ngoan và xuyên tạc (distort), vì đây phải là một trường hợp cụ thể khi thực sự không thể xưng tội riêng vì bất lực theo GL 960 [5] .

3- “Trong trường hợp nguy tử” cận kề (imminent) hay “trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng”. Việc nhận định khi nào là “khẩn cấp nghiêm trọng” do Đức Giám Mục giáo phận quyết định (xem phần IV).

III- Những điều kiện để người tín hữu có thể lãnh nhận bí tích khi có cử hành “Giải tội tập thể ?

Đức Gioan Phaolô II đã chỉ dẫn chi tiết các điều kiện đối với người lãnh nhận [6]:

1- “người tín hữu phải có tâm tình thích đáng”: nghĩa là phải chuẩn bị đầy đủ như khi xưng tội riêng: xét mình, sám hối và dốc lòng chừa…

2- Nếu có thể, kể cả trường hợp nguy tử, mỗi người phải làm một việc đền tội.

3- Hối nhân đang sống trong tình trạng tội trọng thường xuyên và không có ý định thay đổi tình trạng của mình, thì không thể lãnh nhận bí tích Giải Tội thành sự.

4- “phải quyết tâm là sẽ đi xưng tội riêng vào thời gian thích hợp”; thời gian thích hợp phải hiểu là “ngay khi có dịp”.

Ngoài ra, “người nào được tha các tội trọng nhờ một ơn xá giải chung, phải đi xưng tội riêng sớm hết sức khi có dịp, trước khi lãnh nhận ơn xá giải chung một lần khác, trừ khi bị ngăn trở vì một lý do chính đáng” [7].

IV- Vị nào có quyền cho phép “Giải tội tập thể” và ấn định các tiêu chuẩn phải giữ?

Đức Giám Mục giáo phận là vị duy nhất có quyền cho phép “Giải tội tập thể” và ấn định các tiêu chuẩn phải giữ.

Bình thường, khi đã nhận chức linh mục thành sự, một linh mục có khả năng cử hành bí tích Giải Tội; nhưng trừ trường hợp nguy tử, linh mục chỉ giải tội thành sự cho các tín hữu, khi được Đấng Bản Quyền địa phương trao cho năng quyền Giải Tội;

Đồng thời linh mục phải tuân giữ những chỉ dẫn mục vụ do Đấng Bản Quyền địa phương nêu ra [8].

Đối với việc “Giải tội tập thể” trong trường hợp “khẩn cấp nghiêm trọng”, Đức Gioan Phaolô II đã chỉ dẫn chi tiết như sau [9]:

1- “Trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng là những hoàn cảnh ngoại lệ khách quan; chẳng hạn tại các xứ truyền giáo hay tại những cộng đoàn tín hữu bị cô lập khi linh mục chỉ có thể đến thăm một lần hay rất ít lần trong một năm; hay khi có chiến tranh hay thiên tai hay những yếu tố tương tự”.

2- Khi do điều kiện mục vụ của toàn giáo phận, có cùng lúc cả hai yếu tố:

1/. Không có đủ linh mục giải tội;
2/. “đến nỗi các hối nhân không được lãnh ơn bí tích Giải Tội, hoặc không được Rước Lễ trong thời gian lâu dài, mà không do lỗi của họ”.

3/. Không có đủ linh mục giải tội, vì linh mục không đủ thời gian hợp lý để ban bí tích cách thành sự và xứng đáng, chứ không phải vì linh mục giải tội muốn “kéo dài việc đối thoại mục vụ”.
4/. Đức Giám Mục giáo phận phải khôn ngoan cân nhắc về “thời gian lâu dài” mà các tín hữu không được lãnh ơn bí tích.
5/. Tình trạng nghiêm trọng khẩn cấp nói trên xảy ra, không phải do các vị mục tử không lo chu toàn bổn phận Giải Tội cho tín hữu hay do các tín hữu thích chọn cách “Giải tội tập thể”.
6/. Tình trạng nghiêm trọng khẩn cấp nói trên xảy ra, không phải do các dịp đại lễ, hành hương, du lịch hoặc do hoàn cảnh thuận tiện đi lại hiện nay làm cho nhiều tín hữu đến nhà thờ đó.
7/. “Việc thẩm định xem có đủ điều kiện để “Giải tội tập thể” theo Giáo Luật điều 961, 2 là thẩm quyền của Đức Giám Mục giáo phận, không phải của linh mục giải tội”. Đức Giám Mục giáo phận thẩm định “dựa vào những tiêu chuẩn đã được thỏa thuận chung với các thành viên khác của Hội Đồng Giám Mục” [10].
8/;. Các vị Giám Mục phải thông báo cho Hội Đồng Giám Mục những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng trong giáo phận của các ngài. Hội Đồng Giám Mục phải tổ chức phiên họp chính thức theo Giáo Luật điều 455, 2; và gởi văn bản những quy định các ngài đã thống nhất đến Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

V- “Giải tội tập thể” tại giáo phận Sài Gòn?

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chưa có phiên họp nào bàn về “Giải tội tập thể”; cũng chưa từng hỏi ý kiến Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Đối với Giáo phận Sài Gòn, Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chưa từng ra quy định bằng văn bản hay cho phép miệng linh mục nào cử hành“Giải tội tập thể” [11].

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục đương nhiệm cũng thế.

Như vậy, không có vị Giám Mục nào ở Sài Gòn cho phép cử hành “Giải tội tập thể” vì hoàn cảnh khẩn thiết nghiêm trọng.

Do đó, tại Sài Gòn hiện nay, trường hợp duy nhất một linh mục có thể cử hành “Giải tội tập thể” thành sự, là trường hợp nguy tử; tức là khi linh mục chính xứ thấy rằng trong địa giới giáo xứ của ngài xảy ra chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh, đến nỗi chắc chắn có nhiều người chết trong vài ngày tới.

LM Gioan Bùi Thái Sơn
Đại Diện Tư Pháp giáo phận
-----------------------------------------
[1] Giáo Luật đ. 960; x. THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Normae Pastorales Sacramentum Paenitentiae, 16.06.1972, in AAS 64 (1972) p.510; Sách Giáo Lý điều 1484.
[2] BỘ THÁNH VỤ, Declaratio, 06.02.1915, in AAS 7 (1915) p.72; AAS 31 (1939) p. 712.
Năm 1944, Bộ Thánh Vụ ban hành Chỉ Thị Ut Dubia để hệ thống các quy định và thêm: năng quyền “Giải tội tập thể” không chỉ trong trường hợp nguy tử vì chiến tranh, mà cả khi có “một nhu cầu khác khẩn thiết và nghiêm trọng…” (AAS 36 (1944) pp.155-156); THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Normae Pastorales Sacramentum Paenitentiae, 16.06.1972, in AAS 64 (1972) p.510; Sách Giáo Lý điều 1484. Theo lời Đức Ông Trần Văn Khả, Bộ Phụng Tự sắp soạn lại văn kiện Ordo Paenitentiae1973; phần Giải Tội tập thể sẽ dựa trên chỉ dẫn của Đức Gioan Phaolô II.
[3] Giáo Luật đ. 961.
[4] The Jurist 53 (1993), p. 404.
[5] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4.2d.
[6] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4.8-9.
[7] Giáo Luật đ. 963.
[8] Giáo Luật đ. 966, 969 và 976.
[9] GIOAN PHAOLÔ II, Ap. Lit. motu proprio Misericordia Dei, 07.02.2002, n. 4-6.
[10] Giáo Luật đ. 962.
[11] Theo lời linh mục Phanxicô Huỳnh Hữu Đặng, chánh văn phòng giáo phận từ năm 1970 cho đến nay, kiêm nhiệm đại diện tư pháp giáo phận cho đến năm 2000.

-----------------------------

 

Bài 5: ĐTC Phanxicô giải thích cách xưng tội  khi không có linh mục


Sáng thứ Sáu 20/3/2020, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho các nhân viên y tế và chính quyền.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tái khám phá Thiên Chúa là người Cha tốt lành và giải thích cách xưng tội khi không có linh mục.

Ngọc Yến - Vatican

------------------------------

Vào đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

“Hôm qua, tôi nhận được một tin nhắn của một linh mục từ Bergamo, xin tôi cầu nguyện cho các bác sĩ của Bergamo, Brescia, Cremona. Họ đang phải làm việc rất vất vả và đang trao ban chính mạng sống, để cứu sự sống của những người khác.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho chính quyền, những người đôi khi phải chịu những hiểu lầm trong việc quản lý tại thời điểm khó khăn này”.

Bài giảng của Đức Thánh Cha tập trung vào bài đọc thứ nhất.

Khởi đi từ lời kêu gọi của ngôn sứ Hôsê:

“Hỡi Israel, hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”,

Đức Thánh Cha nói: “Tôi nhớ một bài hát cách đây 75 năm với nội dung: Hãy trở về với cha của bạn”.

Đức Thánh Cha giải thích bài hát: “Chúa là một người cha, Người không phải là một thẩm phán. Người cha ấy đã nhìn thấy con trai mình từ xa, vì ông vẫn đang đợi con mình.

Hãy trở về với cha bạn, cha bạn đang đợi bạn.

Đó là sự dịu dàng của Thiên Chúa nói với chúng ta trong Mùa Chay, thời gian trở về với chính mình”.

“Đừng xấu hổ, bởi vì Chúa nói: “hãy trở về”.

Thiên Chúa dịu dàng với rất nhiều vết thương trong cuộc sống và với rất nhiều điều tồi tệ, mà chúng ta đã làm.

Trở về với Chúa là trở về với vòng tay yêu thương của Người Cha. Thiên Chúa có khả năng thay đổi con tim của chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta thực hiện bước đầu tiên, đó là trở về nhà”.

Liên quan đến việc trở về, ơn hoán cải, Đức Thánh Cha giải thích cách xưng tội khi không có linh mục:

“Tôi biết, để chuẩn bị lễ Phục Sinh, nhiều người đi xưng tội để tìm lại chính mình với Thiên Chúa.

Nhưng nhiều người nói với tôi rằng:

‘Thưa cha, con có thể tìm một linh mục, một cha giải tội ở đâu, bởi vì không ai được ra khỏi nhà? Và con muốn làm hoà với Chúa, con muốn Ngài ôm lấy con, như người cha ôm lấy con mình… Con phải làm thế nào, nếu không tìm thấy một linh mục?’

- Vậy, bạn hãy làm như những gì Giáo lý dạy, điều này rất rõ:

nếu bạn không tìm được một linh mục để xưng tội, thì hãy thưa cùng Thiên Chúa, là Cha của bạn, và nói với Ngài sự thật:

‘Lạy Chúa, con đã phạm điều này, điều này… Con xin lỗi.’

Và bằng tất cả lòng thành và cử chỉ ăn năn dốc lòng chừa, bạn hãy xin Ngài tha thứ, và hứa với Ngài:

‘Con sẽ xưng tội sau, nhưng bây giờ xin hãy tha thứ cho con.”

Và lập tức, bạn sẽ trở về với ân sủng của Thiên Chúa.

Chính bạn có thể, như Giáo lý dạy, đến với sự tha thứ của Thiên Chúa, khi không có bàn tay của một linh mục.

Anh chị em hãy suy nghĩ: đây là thời điểm! Là thời điểm thích hợp và chính đáng. Một cử chỉ ăn năn dốc lòng chừa thật sự, và như thế linh hồn chúng ta trở nên trắng tinh như tuyết.”

Thật tuyệt, khi hôm nay, tai chúng ta vang vọng câu nói “trở về”, “hãy trở về với cha anh, hãy trở về với cha anh”.

Ngài chờ đợi anh và sẽ mở tiệc vì anh.

Vào cuối Thánh Lễ, Đức Thánh Cha cũng đặt Mình Thánh và chầu trong giây lát.

Đồng thời ngài mời gọi các tín hữu rước lễ thiêng liêng. (CSR_1732_2020)

----------------------------

 

Bài 6: ĐHY Piacenza khuyên các cha giải tội sẵn sàng giải tội để mang lòng thương xót của Chúa cho thế giới


Trong thư gửi các linh mục giải tội nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2021, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Chánh Toà Ân giải Tối cao, khuyên các ngài sẵn sàng giải tội và nhấn mạnh đến quyền năng chữa lành của bí tích giải tội, để mang tình yêu và sự an ủi của Thiên Chúa đến cho thế giới bị thương tích nặng nề sau hai năm đại dịch.

Đức Hồng y viết:

“Trong Mùa Vọng, mọi cha giải tội đều được kêu gọi tìm cách, và với ơn siêu nhiên, theo một cách nào đó, đồng nhất với thánh Gioan Tẩy Giả, lặp lại với thế giới: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’”.

Đức Hồng y nói thêm rằng: Giáng sinh là thời gian để “nhấn mạnh hơn nữa những khía cạnh chữa lành” của Bí tích Hòa giải. Sự hiện diện của Thiên Chúa bên cạnh con người

Theo Đức Hồng y,

“Linh mục giải tội, với sự khiêm tốn và trung thành thi hành chức vụ của mình, cho thế giới thấy rằng Chúa đang hiện diện: Người hiện diện như một vòng tay thương xót, như tình yêu và công lý, như sự thật và ân sủng, như sự an ủi và dịu dàng.

Trong sự mất phương hướng của thời đại chúng ta, điều tạo ra sự cô đơn hiện sinh, mà đôi khi là bi kịch, tỏ cho thấy sự hiện diện của Chúa trong thế giới bên cạnh loài người, sự hiện diện của Chúa là Đấng Cứu Thế duy nhất, là điều trở nên cấp bách và cần thiết.”

Thừa tác vụ an ủi

Đức Hồng y Chánh Toà Ân giải Tối cao nhận xét rằng: Thời gian kéo dài của đại dịch, có nghĩa là càng nhiều cha giải tội sẽ phải thi hành “thừa tác vụ an ủi”, một tên gọi khác của lòng thương xót.

Đồng thời, các vị phải sẵn sàng cho việc giải tội.

Đức Hồng y giải thích:

“Sự hiện diện và sẵn sàng của chúng ta sẽ khuyến khích những tín hữu muốn đến với bí tích hoà giải, hoặc những người khi nhìn thấy chúng ta, sẽ nhận được từ chúng ta một cái nhìn siêu nhiên nào đó.”

Trong thư Đức Hồng y Piacenza cũng lưu ý:

“Khi thi hành thừa tác vụ cao quý, bị phớt lờ và thậm chí, bị tấn công bởi một thế giới tục hóa đến mức không còn hiểu được bản chất và nhu cầu thiết yếu của nó, cha giải tội biết rõ rằng mình đang tham gia vào cuộc cách mạng đích thực duy nhất: đó là cuộc cách mạng của lòng thương xót và nhân hậu, sự thật và công lý.”

Cuối cùng Đức Hồng y bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả các cha giải tội vì “sự phục vụ huyền nhiệm và siêu nhiên của họ đối với Chúa Kitô và Giáo hội, các linh hồn và toàn thể xã hội”. (CSR_7864_2021)

Hồng Thủy
(Vatican News 13.12.2021)

------------------------------------

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây