"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy". - Ðó là lời Chúa.
Lời Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây” (Lc 6,27), cũng TN 7-C151
Lời Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây” (Lc 6,27), cũng là lời dành cho mỗi chúng ta đang nghe chính Lời Chúa qua thừa tác viên của Giáo hội đây. Chúa bảo : “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6,27-28). Yêu kẻ thù ư? Làm điều tốt cho kẻ không thích ta ư? Chúc phúc cho ai nói xấu ta và cầu nguyện cho ai đối xử tệ với ta ư ? Thật không dễ dàng chút nào.
Lẽ thường
Cứ sự thường thì chúng ta luôn yêu thương người thương mình, người nhà, người về phe với mình và ủng hộ mình. Còn ai ghét mình, thì mình chẳng ưa, đó là chưa ghét lại hoặc trả đũa theo cấp số nhân.
Lời trên của Chúa Giêsu không khó hiểu, nhưng thực hiện chỉ đôi chút thôi cũng khó, trừ phi được mở mắt siêu nhiên với ơn đặc biệt của Chúa. Vì có mấy ai chịu: “Làm ơn cho những kẻ ghét mình… chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình … cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài … thì … đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì … cho và ai lấy gì … thì đừng đòi lại…” (Lc 6). Chúa còn thêm: “Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con…” (Lc 6).
Chúa Giêsu đã làm gương
Chúa Giêsu dạy ta ba cấp độ đối xử với với kẻ thù : yêu thương, làm ơn, cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn báo oán. Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.
“Hãy yêu kẻ thù… hãy cầu nguyện cho họ…”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng này rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa. Như vậy Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một con đường mới. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.
Đúng như Đức Cồ Đàm trong Kinh Pháp Cú có viết: “Hận thù diệt hận thù. Đời này không có được. Không hận, diệt hận thù. Là định luật ngàn thu”. Nói cách khác : “Khắp nơi trong cõi dương gian. Hận thù đâu thể xua tan hận thù. Chỉ tình thương với tâm từ. Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm. Đó là định luật ngàn năm”.
Đa-vít đã thực hành
Avisai cháu Đa-vít đã không ngần ngại gợi ý với Đa-vít để mình kết liễu vua Saul : “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai”. Câu nói của Avisai cho thấy tính cách tàn bạo của ông như thế nào. Vua Saul vì ghen ghét với những lời ca tụng của dân chúng dành cho Đavít nên luôn tìm cách để hãm hại và giết Đa-vít. Tuy nhiên, Đavít đã từ chối giết Saul.
Đavít chứng tỏ ông đã không chỉ thể hiện lòng trung thành với vua Saul nhưng còn trung thành với Thiên Chúa trong việc tôn trọng người của Đức Chúa, đấng Chúa đã xức dầu tấn phong là vua Saul. Đavít đã lựa chọn hành động theo đường lối của Đức Chúa, tha thứ cho kẻ muốn giết mình và dành quyền xét xử cho riêng một mình Thiên Chúa.
Yêu thương kẻ thù là điều có thể
Tự nhiên con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi. “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ” là một phương thế tuyệt hảo để hoá giải những mâu thuẫn giữa người với người. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước lên bậc cao của sự hoàn thiện. Nếu cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận ngày càng chồng chất từ đời nọ đến đời kia. Còn khi lấy ân để trả thù thì chẳng những kẻ thù được hóa giải, mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
Khác với quan niệm sống của thế gian lấy ác trả ác, Chúa Giêsu dạy chúng ta “yêu kẻ thù mình”. Yêu kẻ thù không có nghĩa là đồng ý với họ, bỏ qua những việc làm sai trái của họ, hay ưa thích họ. Yêu kẻ thù là cư xử với họ giống như Chúa đã cư xử với chúng ta. Chúc phúc cho kẻ thù mình là mong muốn điều tốt nhất cho họ, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình là xin Chúa bày tỏ ân sủng thương xót trên họ. Làm sao có thể cầu nguyện cho kẻ tấn công mình cách vô cớ và làm tổn thương mình?
Thánh Phêrô khuyên: “Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1 Pr 3,8-9). Còn thánh Phaolô thì khuyên giáo đoàn Rôma sống bác ái thật: “Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ … đừng lấy ác báo ác ...kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-21).
Đấng Đáng kính, Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận lúc sinh thời luôn nói và xử sự với nhân viên canh giữ ngài rằng: “Tôi luôn quý mến và thương yêu các anh”.
Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài vì đã yêu thương con và luôn cư xử với con bằng sự kiên nhẫn và ân sủng tuyệt vời. Xin cho con tình yêu để con có thể yêu thương và cầu nguyện cho những người ghét bỏ con vì Danh Chúa. mục lục
Vua thành Bátđa tên Almamun có một con ngựa Ả-rập rất đẹp. Tù trưởng Omah khao khát mua TN 7-C152
Vua thành Bátđa tên Almamun có một con ngựa Ả-rập rất đẹp. Tù trưởng Omah khao khát mua con vật này. Ông xin đổi hàng chục con lạc đà lấy con ngựa, song Almamun từ chối. Tức giận, Omah quyết định dùng thủ đoạn gian trá để chiếm con ngựa cho bằng được. Biết con đường Almamun hay đi qua lại, Omah giả trang thành kẻ hành khất đau nặng nằm rên bên lề. Vốn là người rất nhân hậu, nên khi thấy bệnh nhân, Almamun xuống ngựa và đề nghị y đến quán trọ gần nhất. “Ối trời ơi, người ăn xin rên rỉ, đã mấy ngày nay không có gì ăn, tôi chẳng còn sức đứng dậy đi nổi!” Động lòng thương, Almamun vực kẻ ăn xin dậy và đặt lên ngựa của mình. Ngay khi vừa ngồi lên yên ngựa, tên hành khất giả bèn phi như bay. Almamun chạy theo, yêu cầu đứng lại. Lúc đã ở một khoảng cách an toàn, Omah dừng ngựa và ngoái đầu nhìn Almamun. Almamun la lớn: “Ngươi đã ăn trộm ngựa của ta, ta chỉ xin ngươi một điều” – “Điều gì?” – “Xin ngươi đừng kể cho ai biết cách ngươi chiếm được ngựa nhé” – “Tại sao?” – “Bởi lẽ ngày nào đó có một bệnh nhân thật sự nằm bên vệ đường, nếu thủ đoạn của ngươi được mọi người biết, ta lo sợ thiên hạ sẽ đi ngang qua bệnh nhân đó mà không hề giúp đỡ, đoái hoài đến anh ta!”
Nhờ Tiếp Nhận Những Lời Cứng Cỏi Chúa Nói
Câu chuyện có thể là ngụ ngôn trên đây cho ta thấy một tâm hồn đã thắng được lòng thù oán. Dẫu bị lừa cách đau đớn, Almamun vẫn còn đủ cao thượng để tha thứ và phòng trước tai họa cho những kẻ bất hạnh đích thực về sau. Thành thử nếu bạn có một kẻ thù, câu chuyện vừa rồi và bài suy niệm hôm nay dành cho bạn: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” Đừng lật trang, hãy đặt trước mắt những lời khiến bạn bực bội. Người ta không chọn lựa các lời của Chúa. Những lời cứng cỏi nhất, như lời trên đây, muốn sản sinh trong ta một người con của Đấng Tối Cao.
Hãy dừng lại đó nếu một nỗi oán thù thiêu đốt bạn, nếu một sự bất công làm bạn không thể chịu đựng nổi, nếu bạn hãi sợ, nếu bạn cảm thấy một niềm kinh tởm mênh mông. Có lẽ người ta đã cố gắng nói với bạn là hãy khôn ngoan; và vì bạn là Ki-tô hữu, nên họ còn nói về lòng bác ái huynh đệ, về việc Đức Giê-su dạy tha thứ cho kẻ thù. Đáp lại, bạn đã giải thích dài dòng sự bất công, bạn đã mô tả con người đê tiện, kẻ phá vỡ một hạnh phúc. Thế mà người ta bảo bạn hãy yêu thương hắn! Làm điều thiện cho hắn!
Hãy dừng lại đó nếu có một lòng thù ghét kém mãnh liệt hơn nhưng bao gồm cả một lô người mà bạn không thể “ngửi” được: những cán bộ tham nhũng, những ông chủ bất công, những hữu trách độc tài... Khi nghe bạn, thiên hạ bảo: “Con người cay đắng quá!” Mà đó lại là một Ki-tô hữu, một tu sĩ, một linh mục giảng về lòng bác ái khá hay...
Khi sự ghét cay đắng chiếm lấy chúng ta như cơn bệnh, thì một tác động của ân sủng đôi lúc cho ta ước muốn chữa lành, làm một bước tiến, hay ít nhất cũng cố tìm lại bằng an cho tâm hồn, xua đuổi tư tưởng xấu, tất cả cuốn phim nội tâm về lòng thù hận. Không thể được! Chống lại cái đó, thì ba bốn chữ của Tin Mừng có thể làm được gì?
Ngoài ba bốn chữ “Hãy yêu kẻ thù”, còn có việc đi vào tình yêu. Một chọn lựa nào đó có thể giữ ta khỏi mọi cừu hận, hay giúp ta ra khỏi đó dễ dàng hơn nếu ta để mình bị lời Chúa nắm bắt.
Nhờ Đi Vào Tình Yêu Chân Chính Chúa Dạy
Để ta sống thường thường trong tình yêu, Đức Giê-su bảo ta đề phòng một lòng tử tế dễ dãi vốn khiến ta tin rằng mình đã chọn lựa yêu thương. Người mổ xẻ chúng ta gần như kiểu phẫu thuật để đi tới tận căn của ảo tưởng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế!”
Rõ ràng, hết sức rõ ràng. Nhiều kẻ tưởng mình tốt bao lâu còn được đối xử tử tế, đã nhanh chóng đánh mất lòng tử tế của họ: “Hắn ta thậm chí chẳng thèm hồi âm các lời chúc Tết của tôi, tôi sẽ không đời nào viết cho hắn nữa... Cô ấy đã nói với tôi bằng một giọng đến độ mọi sự chấm dứt giữa chúng tôi...” Cũng có những lòng tốt cần một máy tính bỏ túi: “Họ đã mời chúng ta ba lần còn chúng ta mới mời hai lần, phải nghĩ tới chuyện mời họ lần nữa... Bà ta đã tặng cho thằng bé nhà mình 50 ngàn, sẽ phải cho lại chừng ấy, nhưng nhà họ lại có bốn đứa con!...”
Tại sao lần lữa trong những thái độ ti tiện bủn xỉn như thế? Vì ta tưởng mình sống với một lòng tử tế gần như kiểu Tin Mừng đang lúc thực sự chỉ tiết ra một không khí “có qua có lại” và “siêu nhạy cảm” (gọi là “danh dự”!). Khi trong một bầu khí như vậy, có nhiều “kẻ thù” đích thực nổi lên, nhiều bất công, nhiều phản bội, nhiều thóa mạ khiến ta bị tổn thương nặng nề, thì lớp sơn tình huynh đệ mỏng tanh của ta không cự lại nổi, sự ghét cay ghét đắng có thể ùa vào nơi đâu chẳng có tình yêu đích thực. Khi ấy đọc Tin Mừng chỉ vô ích. Ta đâu ở trong trạng thái nghe Đức Giê-su, vì trong thực tế ta đã chẳng khi nao nghe Người, đã chẳng bao giờ lựa chọn tình yêu.
Có nhiều hạt giống Tin Mừng không thể mọc lên bất cứ nơi đâu. Chẳng ai thoát khỏi cơn cám dỗ thù ghét, nhưng chỉ ai thường sống trong tình yêu mới tìm được sức mạnh chống lại cám dỗ ghê gớm ấy. Và nếu sa ngã, kẻ ấy vẫn sẽ có thể nghe Đức Giê-su chứ chẳng đắm chìm.
Thay vì chỉ đề ra một phương thuốc cho tai nạn dọc đường (như bài hát khá nổi tiếng của Lê Hựu Hà: “Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương người, dù người không yêu ta...” hay như một câu châm ngôn: “Hãy cứ yêu thương ai đã làm điều ác cho bạn”), Đức Giê-su cho ta thoáng thấy một kiểu sống trong đó tình yêu được coi trọng đến độ nó nâng chúng ta lên tới Thiên Chúa: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao: anh em sẽ là con Đấng Tối Cao. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”.
Không có chuyện công bình, khôn ngoan, hay bác ái ở các giới hạn của chúng ta, nhưng là vô giới hạn trọn vẹn. Sự vô giới hạn được đề nghị bởi Đấng sẽ yêu trên thập giá những kẻ sẽ đối xử với Người như những ai ghê tởm chúng ta đối xử với chúng ta: “Cha ơi, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm.” “Thế mới biết, khi Chúa Cha yêu thương phường vô ân và quân độc ác, tình yêu ấy đã dẫn Người đi tới tận đâu: Người đã không từ chối ban chính Con Một mình. Tình yêu của Chúa Cha đối với mọi phàm nhân đã hóa thân trong con người Đức Giê-su” (Rey Meynet).
Nếu chúng ta không đi đến những chiều sâu ấy, thì kẻ bất công, bất xứng, đê tiện sẽ chẳng biết cái họ làm. Về phần mình, chúng ta được yêu cầu hãy đi lên những đỉnh cao xa lạ với chúng ta: những đỉnh cao của Thiên Chúa, Đấng “vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Nếu dù không hiểu rõ lòng siêu nhân hậu đó, ta cũng cố gắng hơi “như Người” một chút, thì phần thưởng của chúng ta sẽ vô cùng to lớn: chúng ta đã biến đổi quả tim, chúng ta đã đi vào tình yêu, một tình yêu đích thực, một tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi chúng ta bỏ mình (bỏ tiền bạc, bỏ thời giờ, bỏ sợ hãi, bỏ an nhàn, bỏ an ninh, thậm chí bỏ cả mạng sống) nhưng bao giờ cũng ban cho chúng ta bình an và niềm hãnh diện.
Trong Cựu Ước, không có chỗ nào dạy rằng chúng ta phải ghét kẻ thù. Thiên Chúa cũng không bao TN 7-C153
Trong Cựu Ước, không có chỗ nào dạy rằng chúng ta phải ghét kẻ thù. Thiên Chúa cũng không bao giờ ra lệnh cho dân Israel nuôi lòng thù hận. Thực ra, khuynh hướng ghét bỏ những ai làm tổn thương mình đã nằm sẵn trong lòng con người. Khi đối diện với sự vô ơn hay bất công, chúng ta dễ có phản ứng tự nhiên là đáp trả lại bằng chính những gì mình đã chịu. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể rơi vào vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực: chỉ trích, kết án và nuôi dưỡng cơn giận trong lòng. Trong Cựu Ước, có những lần Thiên Chúa truyền lệnh đánh bại kẻ thù của Israel, nhưng không phải vì lòng thù hận, mà vì muốn bảo vệ dân Người khỏi ảnh hưởng của những tôn giáo ngoại lai, có thể làm họ xa rời đức tin.
Chúng ta thường nghe câu: “Người quân tử mười năm trả thù chưa muộn.” Câu này nhắc nhở về sự kiên nhẫn, sự khôn ngoan khi đối diện với bất công, thay vì phản ứng bột phát theo cảm xúc. Nó có thể giúp người ta kiềm chế, không vội nóng giận, nhưng lại mang theo một nguy cơ: chúng ta có thể giữ mãi những tổn thương trong lòng.
Lúc đầu, tôi cũng nghĩ câu nói ấy có phần đúng. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng, nếu cứ ôm lấy suy nghĩ ấy, chúng ta có thể dễ dàng ghi nhớ những bất công mình phải chịu hơn là những điều tốt đẹp mà mình đã nhận được. Có những người bị tổn thương đến mức không thể buông bỏ, để rồi những ký ức đau buồn cứ đeo bám họ, làm cạn kiệt năng lượng sống mỗi ngày.
Đức Giêsu dạy chúng ta một con đường khác: con đường của lòng thương xót, của sự tha thứ. Người không bảo chúng ta làm ngơ trước bất công, nhưng mời gọi chúng ta vượt qua hận thù, để tâm hồn được bình an. Tha thứ không có nghĩa là quên đi hay dung túng điều sai trái, nhưng là chọn sống tự do, không để quá khứ trói buộc mình.
Bạn có muốn thử sống theo con đường này không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi một con đường khác với lối nghĩ thông thường. Người không chỉ bảo ta quên đi những điều xấu và ghi nhớ những điều tốt đẹp, mà còn dạy ta nhân từ ngay cả với những người làm hại mình. Đây thực sự là một thách đố! Nhưng đó mới là con đường của Tin Mừng – con đường yêu thương không biên giới. Chúng ta không chỉ yêu những người yêu thương mình, mà còn được mời gọi yêu cả kẻ thù. Điều này đi ngược lại với phản ứng tự nhiên của con người, nhưng chính nó lại mở ra sự tự do đích thực và phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa.
Nhưng ai mới thực sự là “kẻ thù” của tôi?
Đức Giêsu không đưa ra một định nghĩa rõ ràng, nhưng nếu suy ngẫm, ta có thể nhận ra rằng “kẻ thù” không chỉ là những người chống đối ta, mà có thể là bất kỳ ai khiến ta cảm thấy căng thẳng, bất hòa. Có thể đó là người đã xúc phạm ta, làm tổn thương ta, nói xấu ta. Nhưng cũng có thể đó là người ta không ưa, người khiến ta khó chịu hoặc khiến ta dễ có những suy nghĩ tiêu cực, phán xét.
Điều quan trọng là ta cần thành thật với chính mình: Ai là người mà tôi cảm thấy khó yêu thương nhất? Tôi có thực sự yêu họ không? Một vị Giáo Phụ từng nói:
“Chúng ta thực sự yêu kẻ thù khi ta không buồn trước thành công của họ, và không vui mừng trước thất bại của họ.”
Đây là một tiêu chí đơn giản, nhưng rất thực tế để ta xét lại trái tim mình. Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu bao la của Thiên Chúa: “Cha anh em trên trời vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Thiên Chúa không yêu thương có điều kiện, không đòi hỏi con người phải xứng đáng. Người ban phát tình yêu và lòng thương xót cho tất cả. Nhưng vấn đề là có người mở lòng đón nhận tình yêu ấy, và có người khước từ.
Chúa mời gọi chúng ta bắt chước lòng thương xót của Người. Thay vì đặt câu hỏi: “Người đó có xứng đáng để tôi yêu thương không?”, chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi có đủ quảng đại để yêu thương như Chúa yêu tôi không?” Đây mới là câu hỏi đích thực của một Kitô hữu. Yêu thương không có nghĩa là dễ chịu hay đồng tình với mọi việc người khác làm, nhưng là chọn đối xử với họ bằng lòng nhân từ và quảng đại, ngay cả khi họ không tốt với mình. Điều này không dễ dàng!
Như vậy, Đức Giêsu không chỉ dạy chúng ta tránh xa hận thù, mà còn đi xa hơn: chủ động yêu thương kẻ thù và làm điều tốt cho họ. Đây là một thách đố lớn, nhưng cũng là con đường dẫn đến một cuộc sống tự do – không bị trói buộc bởi oán giận, nhưng tràn đầy lòng thương xót.
“Hãy yêu kẻ thù” – Đức Giêsu nhắc lại lời này hai lần, như muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là một lời khuyên tùy chọn, mà là một con đường phải đi. Và Ngài còn đưa ra những cách thực hành rất cụ thể: “Hãy làm ơn cho những người ghét anh em, hãy chúc lành cho những người nguyền rủa anh em, và hãy cầu nguyện cho những người vu khống anh em.” Những điều này không chỉ là những lời nói suông, mà phải được thể hiện bằng hành động. Và Đức Giêsu chính là mẫu gương hoàn hảo: trên thập giá, thay vì oán trách những kẻ đóng đinh mình, Người đã cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”
Anh chị em thân mến, hãy thử nghĩ về một người mà bạn cảm thấy khó yêu thương nhất. Hãy cầu nguyện cho họ. Hãy làm một điều tốt cho họ, dù chỉ là một suy nghĩ tích cực thay vì một lời trách móc. Khi làm như vậy, chúng ta không chỉ giúp họ, mà chính tâm hồn mình cũng trở nên tự do, được giải phóng khỏi oán giận, khỏi cay đắng, và trở nên bình an hơn.
Đức Giêsu đã sống như vậy. Ngài cũng đang mời gọi chúng ta sống như thế. Chúng ta có sẵn sàng bước theo Ngài không?
Một vài câu hỏi giúp bạn suy tư và cầu nguyện:
1/ Ai là “kẻ thù” của tôi? Có ai trong cuộc sống mà tôi đang giữ khoảng cách, có định kiến hoặc khó yêu thương không? Tôi có sẵn sàng nhìn họ bằng ánh mắt nhân từ hơn, như Chúa Giêsu mời gọi không?
2/ Tôi có thực sự yêu thương như Chúa Giêsu dạy không? Tôi có thể làm một điều cụ thể nào để thể hiện lòng yêu thương với người tôi khó chấp nhận, như cầu nguyện cho họ, chúc lành cho họ, hay làm một điều tốt cho họ không?
3/ Tình yêu của tôi có phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa không? Tôi có yêu thương người khác theo tiêu chuẩn của thế gian (dựa trên sự xứng đáng), hay tôi cố gắng yêu như Thiên Chúa (vô điều kiện và quảng đại)?
Lạy Chúa giàu lòng thương xót, Chúa ban phát tình yêu của Người cho tất cả, không phân biệt ai xứng đáng hay không. Chúa luôn tha thứ, luôn yêu thương, luôn mở rộng vòng tay. Xin giúp con biết mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa, và xin cho con cũng biết trao ban tình yêu ấy cho mọi người, không trừ ai. mục lục