Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 107 - Thường Niên 13-A: Tình yêu “tự huỷ” của Chúa -------------------------------------
Bạn thân mến,
Như chúng ta đã biết: Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời và nhiều như cát dưới biển.
Thế nhưng, khi hai ông bà đã già lắm rồi mà vẫn còn son sẻ.
Đã thế, đến khi có được một mụn con trai là Isaac, thì Thiên Chúa lại đòi ông phải đem nó lên núi, để sát tế mà dâng kính Ngài.
Dầy vậy, ông Abraham vẫn không lùi bước trước đòi hỏi của Thiên Chúa, mặc dù ông đã phải trải qua những giây phút giằng co và xâu xé, băn khoăn và lo nghĩ không ít.
Cuối cùng, ông đã dám tin và đã dám chấp nhận, cho dù ông không hiểu. Ông đã dám yêu mến Thiên Chúa hơn Isaac, vốn là lẽ sống và là niềm hy vọng cuối cùng của đời ông.
Thực ra, Thiên Chúa đã thử thách, để ông có dịp bày tỏ tình mến và làm cho tình mến nơi ông được liên tục phát triển đến mức sung mãn. Bởi cuối cùng, qua sự sắp xếp an bài của Chúa, Isaac không bị sát tế, nhưng niềm tin tuyệt đối của ông vào Chúa đã thật sáng tỏ, và được Chúa công nhận.
Sự chọn lựa của Abraham đã cho chúng ta thấy chân lý này:
Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi con người yêu mến Ngài trên hết mọi sự, bởi vì Ngài là Đấng sáng tạo.
Ngài phải chiếm chỗ nhất trong trái tim, cũng như trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, bởi vì Ngài, chính là giá trị tuyệt vời, vượt lên trên tất cả mọi giá trị khác.
*****
Qua đoạn tin mừng hôm nay (TN 13-A: Mt 10, 37-42), Chúa Giêsu cũng đã đưa ra những đòi hỏi quyết liệt không kém.
Trước hết, Ngài đòi chúng ta phải yêu mến Ngài hơn cả cha mẹ.
Thực vậy, đối với người Á đông, chữ hiếu vừa là một giá trị cao cả, lại vừa là một bổn phận quan trọng. Và Ngài đã không bao giờ đi ngược lại với điều răn thứ tư về bổn phận thảo kính cha mẹ, trong 10 Điều Răn Đức Chúa Trời.
Thế nhưng, khi có sự xung đột giữa tình yêu đối với cha mẹ và tình yêu đối với Thiên Chúa, thì Ngài đòi chúng ta phải đặt Thiên Chúa lên ưu tiên hàng đầu, trên cả cha mẹ, nghĩa là không được vì cha mẹ, mà trở nên thờ ơ trước lời mời gọi của Thiên Chúa.
Thực vậy, trong kinh thánh, có chàng thanh niên đã được gọi theo Chúa, thì anh ta đã người ngần ngại và do dự, đối với lời mời gọi của Ngài. Anh ta muốn trì hoãn một thời gian để về chôn cất cha già cái đã, hay đúng hơn, là về nhà để lo phụng dưỡng cho đến khi cha già qua đời. Thế nhưng, Chúa đòi anh ta phải theo Ngài ngay lập tức, để lên đường đi loan báo Tin mừng (Matthêu 8,21-22).
Trường hợp thánh Phanxicô Assisicũng là một thí dụ điển hình, về thái độ siêu thoát đối với những tình cảm gia đình, để sống theo những thôi thúc của Chúa. Đúng thế, thánh nhân đã dám cởi bỏ cả bộ áo quần trên mình, trả lại cho cha mẹ, để đi ăn xin trong chính thành phố, mà gia đình mình đang sống.
*****
Mỗi người chúng ta đều có một cội nguồn. Cội nguồn ấy chính là ông bà, cha mẹ.
Ngoài ra, cội nguồn ấy còn là truyền thống dân tộc, được hình thành từ bao đời, và vẫn còn được tiếp tục trong thời buổi hiện nay.
Vì thế, cần phải mở rộng, để đón nhận những giá trị quí báu của dĩ vãng và hiện tại, đồng thời cũng cần phải để thanh lọc những gì không phù hợp với giáo lý Đức Kitô.
Điều quan trọng: đó là phải làm sao để tinh thần của Đức Kitô trở thành tiêu chuẩn, giúp chúng ta phân định cho rõ những giá trị đích thực, cần được gìn giữ và phát huy trong một thế giới đảo điên, vàng thau lẫn lộn.
Tiếp đến, Ngài đòi chúng ta phải yêu mến Ngài hơn cả những đứa con mà chúng ta đã mang nặng đẻ đau.
Thực vậy, có cha mẹ nào mà lại không yêu thương con cái của mình. Tuy nhiên, hai chữ con cái ở đây còn được hiểu theo một nghĩa rộng, đó là tất cả những gì con người đã làm ra.
Nhân loại hôm nay không ngừng sáng tạo và phát minh. Thế nhưng, có những thứ sản phẩm con người làm ra, thay vì là phương tiện giúp đỡ con người, thì chúng lại trở nên một thứ ông chủ, đẩy con người vào tình cảnh nô lệ, cho chính những gì mình đã phát minh, đã làm ra.
Và cuối cùng, con người chỉ biết cắm đầu chạy theo những lợi nhuận và những tiện nghi vật chất.
Một xã hội chỉ biết hưởng thụ, chắc chắn sẽ không còn chỗ dành cho Đức Kitô.
Sau hết, Ngài đòi hỏi chúng ta phải vác thập giá mình mà bước theo Ngài.
Chúng ta không tìm kiếm đau khổ, nhưng chúng ta luôn sẵn sàng chấp nhận, để góp phần vào thập giá Chúa, cũng như cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ.
Lúc đó thập giá sẽ trở thành dấu chỉ của tình yêu. Bởi vì không có tình yêu nào, lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu thế nào là mầu nhiệm tình yêu “tự huỷ” của Chúa, để con luôn biết quảng đại, dấn thân cứu sống những người anh em cần đến con, mà không sợ đau thương hay nguy hiểm.