HUẤN DỤ VÀ GHI NIỆM
của
THÁNH NỮ TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Nihil Obstat
Die 28-9-1967
Joseph Thân Văn Tường
Imprimatur
Saigon ngày 14-12-1967
KHÂM
Ep. aux. & Vic. gen
HUẤN DỤ VÀ GHI NIỆM
(CONSEILS ET SOUVENIRS)
Do Nữ tu Geneviève de la Sainte Face thu tập.
Nữ tu là Chị ruột và là Tập sinh của
Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Đ.M. trong TIN YÊU dịch
-------------------------------------------------------------------------------------------------
TỰA.. 5
THÁNH BỘ LỄ NGHI 6
NHẬP ĐỀ.. 8
I. PHỤ TÁ BỀ TRÊN TẬP VIỆN.. 11
Sự khôn ngoan. 14
II. KHIÊM NHƯỜNG.. 16
Hãy yêu thích để người ta sai khiến và quở trách mình. 16
Lý do tự hạ. 18
Một “phương thế nhỏ”. 19
Nguồn vui đích thực. 19
Vị thánh chơi xích đu. 20
Nhờ Đức Trinh Nữ. 21
NGHÈO KHÓ TINH THẦN.. 21
Không cậy dựa trên bất cứ sự gì 22
Mọi người đều tìm điềm báo trước. 22
Mong thụ tạo quý yêu là hư ảo. 23
Những chiếc mền cũ và lợi lộc cá nhân. 24
Chiếc cà rá của chị Céline mất rồi! 24
Hy sinh không muốn được thấy kết quả. 24
TINH THẦN TRẺ THƠ.. 25
Tôn sùng mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm máng cỏ. 28
Những tên trộm Nước Trời 29
Chỗ ở của các trẻ nhỏ. 29
Trẻ nhỏ không tự đày đoạ mình. 30
Chui dưới bụng ngựa. 30
Hướng dẫn - chủ ý. 31
Chúa Giêsu không thể buồn phiền vì những việc chúng ta quấy rầy Ngài 31
Thánh thiện mà không cần “lớn lên”. 32
Hôn tượng Chuộc Tội cách nào. 32
Kỷ phần của những trẻ thơ. 32
PHÓ THÁC.. 33
Không theo chủ nghĩa vô vi 34
Không xuống luyện ngục đâu. 34
III. MẾN CHÚA.. 37
Làm vui lòng Chúa. 37
Vui mừng vì không có lấy một tâm tình tế nhị 38
Hối hận vì đã đọc. 38
Quảng đại 39
Hái hoa những cây ăn trái 40
Chỉ tin cậy vào duy có tình yêu. 40
Chỉ có tình yêu và đức vâng lời là đáng kể. 41
Người đã xây dựng thánh đường. 41
Chỉ một nhịp cánh... 42
Lễ vật dâng lên tình yêu dung thứ. 42
Ống kính ngũ sắc. 45
Em đánh bài ở ngân hàng tình yêu. 45
BIẾT ƠN.. 46
Không được nghi ngờ Chúa nhân lành. 46
“Hãy nhớ”. 47
KẾT HỢP VỚI CHÚA.. 47
Không vội vã, không không ươn lười 47
Kinh nhật tụng. 48
Giờ suy nguyện: Giờ của Chúa. 49
ĐẠO ĐỨC.. 50
Lòng mộ mến Chúa Ba Ngôi 51
Gọi Chúa là “Cha chúng tôi”. 51
Thân mật với Chúa Giêsu. 52
Lòng ái mộ Nhan Thánh. 52
Mộ mến Thánh Thể. 53
Tôn kính chức Linh Mục. 54
Những cánh hoa dâng kính tượng Chúa Giêsu Bé Thơ. 55
Những bông hồng cho tượng Chịu Nạn. 55
Mến Mẹ Maria. 56
Chị bảo chúng tôi mang tràng hạt vào cổ mà ngủ đêm. 56
IV. BÁC ÁI HUYNH ĐỆ.. 57
Khi đọc tiên tri Isaia. 57
Tận tâm trong tình huynh đệ. 59
Nhường chỗ tốt nhất cho người khác. 59
Hy sinh một chiến thắng nhỏ. 59
Đối xử tế nhị với các tâm hồn. 60
Cây đậu Hoà Lan và cây đậu tằm.. 60
Thăm viếng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. 60
Sửa soạn đèn chầu cho Chúa Giêsu. 61
Săn sóc bệnh nhân - kiên nhẫn và chịu đựng. 61
Khôn ngoan loài người 63
Dành thời giờ để bị phiền hà. 63
Hy sinh, niềm vui và tình yêu tinh tuyền. 64
Thiên sứ hoà bình. 64
Nhân nhượng trong xét đoán. 65
Bài học rút ra từ những quả lê bề ngoài xấu xí 65
NHIỆT TÂM ĐỐI VỚI CÁC LINH HỒN.. 66
V. TRUNG THÀNH VỚI LỀ LUẬT.. 68
VÂNG LỜI 69
Đừng làm gì khi không có phép. 70
NGHÈO KHÓ.. 71
TINH THẦN HÃM MÌNH TRONG BỮA ĂN.. 74
Ý ngay lành ở nhà cơm.. 74
Làm sao thánh hoá giờ chơi 76
Hãm mình ở nhà khách. 77
SIÊU THOÁT.. 77
Tự ái 77
Hy sinh tình cảm gia đình. 78
TỪ BỎ.. 79
Những gương từ bỏ. 80
Hy sinh. 81
NHỮNG DỤNG CỤ ĐỀN TỘI 83
VI. SỨC MẠNH TRONG ĐAU KHỔ.. 83
Giấc mộng đẹp và can đảm đích thực. 84
Thánh giá ngoài đời và thánh giá tu trì 85
“... Việc con làm không ai biết đến”. 86
Đừng xin an ủi 87
“Quả thật Chúa ngủ”. 88
Đừng để ai thương xót mình. 88
Chúa nhật và ngày lễ. 89
TỰ CHỦ.. 89
DỤNG CỤ CỦA THIÊN CHÚA.. 90
THÁNH THIỆN VÀ VINH QUANG.. 92
KHAO KHÁT CHẾT.. 94
PHẦN THƯỞNG NƯỚC TRỜI 95
VII. THÁNH NỮ LÂM LÂM BỆNH LẦN CHÓT.. 96
Sức mạnh trong khi chịu đau khổ phần xác. 96
ĐỨC VUI VẺ ANH HÙNG.. 97
Nhân một bức ảnh. 98
Sự chết dạy ta biết từ bỏ. 99
Phần mộ không có nghĩa lý chi cả. 100
NHỮNG LỜI TÂM SỰ SAU CÙNG VỚI CHỊ GENEVIÈVE DE LA SAINTE FACE 100
Tháng Năm.. 101
Tháng Bảy. 101
Ngày 3-7. 101
Ngày 12-7. 101
Ngày 18-7. 103
Ngày 21-7. 103
Ngày 24-7. 104
Tháng Bảy - tháng Tám.. 104
Tháng Tám.. 105
Ngày 2-8. 105
Ngày 3-8. 105
Ngày 5-8. 105
Ngày 8-8. 106
Ngày 16-8. 106
Ngày 24-8. 107
Ngày 24-8. 107
Tháng Chín. 107
Ngày 3-9. 108
Ngày 5-9. 108
Ngày 11-9. 108
Ngày 16-9. 108
Ngày 23-9. 109
Ngày 25-9. 109
Ngày 28-9. 110
CÁI CHẾT CAO QUÝ.. 110
Ngày 30-9. 110
Về “giọt lệ sau cùng của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. 113
Ánh phản chiếu hạnh phúc vĩnh cửu. 113
Thánh Nữ giữ lời hứa thế nào. 114
KINH NGUYỆN.. 114
Kinh tận hiến cho tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa từ nhân. 114
Tận hiến cho thánh nhan Chúa. 116
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Cuốn sách với Nhan đề HUẤN DỤ VÀ GHI NIỆM chúng tôi xin trao Quý Độc giả đây có lẽ không cần phải giới thiệu nữa. Danh tánh chị Geneviève de la Sainte Face, người đã thu tập tỉ mỉ để hiến cho độc giả tài liệu hoàn toàn này cũng đủ bảo đảm tính cách đích thực và giá trị cuốn sách. Những người đã đọc truyện Một Tâm Hồn, đã biết đến mối liên hệ giữa Têrêsa và Céline sẽ dễ dàng biết giá trị tài liệu này ra sao.
Thực vậy, ngoài cuốn TỰ THUẬT, các Thư Từ và Thi Phẩm cho chính Thánh Nữ viết, thì không gì phản ảnh tư tưởng và giáo huấn của Thánh Nữ cho bằng tài liệu này, cũng như không có gì đào tạo ta để trong muôn nghìn khía cạnh của cuộc sống thường nhật, ta biết sống như đồ đệ của Người hơn.
Đây không phải một bản trần thuật, một cuộc phân tích đúng phương pháp, nhưng là những cố gắng liên tục trong việc giáo huấn của một Phụ tá Bề trên Tập viện, tuy trẻ người nhưng đã già dặn trên đường thánh thiện. Chị phác hoạ những bí mật trong đường thơ ấu thiêng liêng cho một linh hồn Chị đảm trách, một linh hồn nói được “như âm vang êm dịu của linh hồn Chị”. Tương tự những câu chuyện trong Phúc Âm, những lời chỉ giáo ở đây được trình bày tuỳ theo phải có những đức tính nào trong những biến cố cụ thể nơi cuộc đời. Thánh nữ hành động ngay trong cuộc đời như một người Chị Cả biết lắng nghe đàn em thổ lộ tâm tình, trả lời các vấn nạn và sửa chữa một khuynh hướng hay một cử động còn khiếm khuyết.
Đây cũng không phải chương khảo cứu về suy nguyện, hay một luận đề về Quy luật, về Hiến pháp Dòng. Vì Mẹ Marie de Gonzague vừa làm Bề trên vừa đảm nhiệm việc điều khiển Nhà tập, phải lo công việc đó. Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ khích lệ ta trong mọi hoàn cảnh cần thực tập đức khiêm nhường, tinh thần nghèo khó, sự tin cậy hoàn toàn và đức phó thác con thơ, để Chúa thực hiện được ý định tình yêu của Người nơi tâm hồn ta. Từ lâu, người ta muốn có những cuốn sách khảo cứu dành riêng cho các chị nhà tập. Hơn bao giờ hết ngày nay người ta đặc biệt lưu tâm đến việc thích ứng những tác phẩm tương tự đã mang lại lợi ích cho các linh hồn trong quá khứ. Cuốn HUẤN DỤ và GHI NIỆM này sẽ là tài liệu quý giá để huấn luyện các linh hồn muốn dấn thân vào đường trọn lành. Nhưng lợi ích không chỉ có thế! Những ai muốn sống Phúc Âm cũng cần đọc những trang này để bồi dưỡng tâm hồn. Những dòng chữ sâu sắc, tế nhị và thiết thực này sẽ làm các tâm hồn say mê như có tiếng gọi thúc bách kêu mời.
Khi đề cập tới vài vị Đại thánh mà hành động và học thuyết vẫn còn ảnh hưởng tới sự tiến triển của toàn thể Giáo Hội, người ta thường bảo công việc, hành vi cũng như lời nói chính xác của các ngài, vừa được nhắc lại có tầm quan trọng như một sứ điệp của Thánh Linh nói với hết mọi người, và người ta cũng không sao biết được sứ điệp đó âm hưởng như thế nào nơi các linh hồn thuộc thế hệ này hay thế hệ mai sau. Và nói như vậy là đúng! Tuy nhiên khi nghĩ tới ảnh hưởng độc đáo do Thánh Nữ thành Lisieux tác động, không biết ta có thể nói cho đầy đủ được tầm quan trọng của những tình tiết tạo nên tác phẩm này hay không.
Chúng tôi không biết cám ơn Chị Geneviève de la Sainte Face thế nào cho đủ, vì Chị đã dày công thu tập cũng như bằng lòng cho phổ biến tài liệu này, và do đó đã tiếp tay với sứ mệnh cao đẹp của Em Chị cách hữu hiệu vậy.
P. Elisée de la Nativité
O.C.D.
Bề trên Tỉnh Dòng Paris
Paris, ngày 08-5-1952
---------------------------------------------------------------------------------------------------
Ngày 30 tháng 1 năm 1952
Mẹ Bề Trên rất đáng kính
Tôi xin trao lại Mẹ bản thảo cuốn Huấn dụ và Ghi niệm. Đây là cuốn sách Chị Céline đáng mến viết lên không những bằng ngòi bút mà còn cả tâm hồn nữa. Thực là tập sách quý giá xứng đáng bổ túc cho cuốn Một Tâm Hồn, do người em bất tử của Chị tự thuật đời mình, một cuộc đời thật bé nhỏ nhưng cũng thật anh hùng: Đó là Thánh Nữ Têrêsa thành Lisieux. Tôi thấy không còn lời nào thích hợp hơn những lời Đức Piô X, ngày nay đã được tôn phong lên bậc hiển thánh, đã dùng vào năm 1910 khi nói về cuốn Một Tâm Hồn: “Suavissimum jacunditatis fructum nobis peperit volumen, tin quo Lexoviensis Virginis nitent virtutes et fere spirat anima. Vere floruit quasi lilium et dedit odorem, et fronduit in gratiam: Collaudavit canticum et benedixit Dominum in operibus suis” .
Tôi cũng sung sướng vì thấy Dòng Kín Lisieux là nguồn suối tinh tuyền, luôn tràn chảy nhựa sống lôi kéo muôn vàn linh hồn vào “Con Đường Thơ Ấu”.
Xin Mẹ và “Céline” đáng mến cũng như cả Dòng Kín vui nhận nơi đây tấm lòng thành kín sâu xa của tôi.
Nay kính
Salvator Natucci
Promoteur général de la Foi
---------------------------------------------------------------------------------------------------
Gửi Mẹ rất đáng kính
Francoise Thérèse de l’Enfant Jésus
Bề Trên Dòng Kính Lisieux
(Calvados) Pháp.
Rôma, ngày 31 tháng Giêng năm 1953
... “Tôi xin cảm phục và biết ơn Chị Geneviève đã cho phổ biến tài liệu quý giá Chị dày công góp nhặt dần dần, một tài liệu mà vì mối thân tình với Chị Thánh, nên Chị đã cẩn thận giữ kỹ đến ngày nay. Chị Thánh là vị thầy dạy đường nhân đức rất tế nhị trong mọi trường hợp, ngay cả trong trường hợp nhỏ nhặt và tầm thường nhất. Thật cảm động và đầy phấn khởi khi đọc cuốn Huấn dụ và Ghi niệm, một tập bổ túc quý giá cho tập Tự Thuật, và cho ta thấy khuôn mặt chân thực của Thánh Nữ Têrêsa với những nét độc đáo, mà một số người đã định sửa đổi vì muốn chú giải tư tưởng Chị theo ý mình. Chị Thánh càng tỏ ra là người như ta bao nhiêu, thì lại càng thấy Chị anh hùng bấy nhiêu, nhất là trong những kỷ niệm tươi sáng trước khi Chị nhắm mắt!
Xin thành thật cám ơn Chị Geneviève và cả Dòng Kín, đã trung thành bảo toàn Một Mẫu Thánh Thiện và Một Đường Lối Soi Sáng Cho Thế Giới Các Linh Hồn”.
Adeodat, Hồng Y Piazza
Secrétaire de la sacrée Congrégation Consistoriale
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Rôma, ngày 3-12-1952
Chị đáng kính mến,
Cách đây mấy ngày tôi đã đọc xong cuốn Huấn dụ và Ghi niệm. Tôi định đến cám ơn Chị đã vui lòng cho phổ biến những trang thâm tình riêng tư và tràn đầy ánh sáng này. Cuốn sách thật lợi ích và giúp tôi thấy được nhiều chi tiết về cách thức người em thánh thiện của Chị đã cư xử nơi cuộc sống thường ngày, một cuộc sống đơn sơ tế nhị trong lời nói cũng như trong hành vi cử chỉ. Tất cả đều rực lên ánh sáng tình yêu nơi tâm hồn Chị.
Qua những trang này, ta khám phá ra sự thánh thiện không ở nơi tiếng nói, cử chỉ hay nơi thái độ bên ngoài nhất định, mà ở nơi tình yêu Thánh Linh gieo vãi trong linh hồn, một tình yêu kín đáo nhưng lặng lẽ biến đổi nội tâm, một tình yêu rực sáng trong mức độ nhân đức hoàn hảo, trong những hoạt động phong phú... và tình yêu ấy vẫn tiềm tàng trong sự mềm dẻo nơi cử điệu cũng như trong vẻ đơn sơ khiêm tốn không ai cắt nghĩa được: Chỉ khi được chiêm ngưỡng tận mắt mới biết. Những trang sách sau đây sẽ cho ta thấy được đức tính ấy trong con người Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Nguyện Thánh Nữ trả ơn Chị vì đã quảng đại cho xuất bản những trang sách này, để chúng tôi được thấy rõ con người Chị Thánh hơn. Xin Chị cầu xin Thánh Nữ cho tôi biết lợi dụng ơn Chúa soi sáng trong khi đọc, để tôi biết yêu Chúa ngày thêm tha thiết.
Sau hết, xin cám ơn Chị và mong Chị ghi nhận nơi đây sự kính trọng chân thành của tôi.
P. Marie Eugène de l’E.J.
O.C.D.
Premier Définiteur général des Carmes Déchaux.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Cho đến năm 1952 cuốn Huấn dụ và Ghi niệm được in chung cùng tập liền sau cuốn “Một Tâm Hồn”, là tập sách trích những lời cung khai của các nữ tu, trước đây là tập sinh của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Các chị đã viết những lời cung khai này trong dịp Giáo Hội lập toà án tôn phong Chị Têrêsa lên bậc chân phước và hiển thánh.
Lần xuất bản này chúng tôi chỉ cho in những lời Huấn dụ và Ghi niệm do chị ruột của Thánh Nữ thu tập, đó là chị Geneviève de la Sainte Face. Céline đã chiếm địa vị độc nhất trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống Thánh Nữ. Không những chị là chị ruột mà còn là môn đệ của Chị Thánh nữa. Têrêsa đã viết về Céline trong cuốn Tự Thuật: “Con có thể nói rằng mối tình chị em khắng khít như tình mẹ con, con luôn tận tuỵ và lo lắng cho linh hồn chị”.
Ngày 16-7-1897 trong một cuộc trò truyện trước khi từ trần, Thánh Nữ nói với Mẹ Agnès de Jésus rằng: “Con đã hoàn toàn dâng hiến chị Geneviève, nhưng con không thể bảo là con hết ước mong chị. Nhiều lần trong mùa hè, với bầu khí tĩnh mịch lúc chiều về, con ngồi trên sân thượng tự nghĩ: A! Giá có Céline bên cạnh lúc này... Nhưng không, hạnh phúc đó thật quá lớn lao... Con cho điều đó như không thể thực hiện được. Tuy thế con ước mong chị vào nhà Kín không phải vì bản tính tự nhiên dễ cảm đâu, mà chỉ vì ích lợi cho linh hồn chị, để chị được nên giống Mẹ con ta... Khi con thấy chị vào đây và không những vào, mà còn để con dạy dỗ mọi sự, khi thấy Chúa đã cho con được quá điều mong ước, thì con hiểu rằng tình Chúa yêu con thực bao la!...”
Mấy hàng trên đây đủ cho ta thấy tầm chính xác và quan trọng của những chứng lý trích dẫn trong sách này. Giá trị lịch sử của tác phẩm do đó được bảo đảm vì:
1/ Những ghi chú riêng mà chị Geneviève đã viết ra theo lệnh của Mẹ Agnès de Jésus, ngay khi Thánh Nữ còn sống. Thánh Nữ đã kiểm soát lại những ghi chú đó và thấy đúng sự thực.
2/ Những lời cung khai viết ra rất đầy đủ cho vụ án phong thánh. Chị Geneviève de la Sainte Face đã thêm vào đó một vài kỷ niệm về cuối đời Chị.
Phân chia phần đoạn và thêm các đề mục là do việc xuất bản sau này.
Sau khi Têrêsa chết ít lâu, chị Geneviève de la Sainte Face đã viết những ghi chú riêng của mình và mở đầu bằng những dòng sau đây:
J.M.J.T.
Khi còn thơ ấu tôi đã đọc truyện các thánh. Những truyện đó đã lôi cuốn và đốt cháy lòng tôi, đã phát sinh nơi tôi những khát vọng về sự thiện hảo, làm hứng khởi và hướng dẫn tuổi xuân tôi.
Tuy tôi đã mơ ước và thấp thoáng thấy lý tưởng thánh thiện là gì, nhưng chưa bao giờ đạt được cả, vì để nắm chắc một vật gì thì phải ở gần đó, và muốn cảm phục cách thành thật thì phải có thể bắt chước được vị anh hùng mình cảm phục.
Trong Dòng Kín tôi đã tìm thấy nơi người em yêu dấu Têrêsa điều tôi tìm kiếm. Em đã làm thoả mãn được những khát vọng nơi tôi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ con! Dưới mắt Mẹ con viết những dòng này, để trong những giây phút tối tăm, thử thách và cám dỗ, con nhớ rằng chính miệng vị Thiên Thần đã nói ra những lời này, vị Thiên Thần Mẹ đã ban cho con, để hướng dẫn những bước đầu tiên con bước vào đời tu trì. Con biết rõ chính Chị ở trên trời vẫn còn đồng hành với con và hướng dẫn những bước sau cùng đời con”.
Khi được 83 tuổi, chị Geneviève đọc lại ghi chú khi mới vào dòng, chị biên chép rõ ràng như do chính Thánh Nữ đọc cho chị viết vậy, khi hoàn tất công việc đó, chị đã cảm động ghi lại những hàng mà chúng tôi chép lại nguyên văn dưới đây:
“Tôi đã đọc và xếp đặt lại những kỷ niệm về Chị Thánh, tôi viết trong cuốn sổ riêng và trong bản cung khai cho hai vụ án phong chân phước và hiển thánh”.
Những bản viết này thường có những câu đối thoại làm nổi bật lên “tiếng nói tự nhiên và tiếng nói ân sủng” như sách Gương Phúc đã nhận xét. Mặc dầu về một vài vấn đề “tiếng nói tự nhiên” lặp đi lặp lại đến độ nhàm chán, nhưng tôi không muốn xoá bỏ, để những câu trả lời khôn ngoan của “tiếng nói ân sủng” không bị mất mát.
“Chớ gì những kỷ niệm sống này giúp ích phần nào cho các linh hồn trong việc chiến đấu khuyết điểm và lỗi lầm!
Tôi xin đoan chắc những trang này hoàn toàn đúng sự thực và phù hợp với những gì tôi đã mắt thấy tai nghe”.
Nữ tu Geneviève de la Sainte Face
et de Sainte Thérèse
O.C.D.
9-6-1951
Người viết những dòng chữ này đã về chầu Chúa ngày 25 tháng Hai 1959 hưởng thọ 90 tuổi. Chị đã sửa chữa thêm thắt chút ít để tái bản. Như Chị đã cố gắng vẽ lại khuôn mặt đẫm máu của Thầy Chí Thánh trên lụa giống hệt khuôn mặt hiện lên cách mầu nhiệm trên chiếc khăn liệm thành Turin; như Chị đã dùng tài năng để hoạ lại dung nhan Thánh Nữ theo trí Chị còn nhớ được, thì Chị cũng đã đem hết tàn lực để hoàn thành cuốn sách này. Chính ở đây mà ta thấy trí nhớ lạ lùng cũng như tính cẩn thận trung thành với từng điều ghi niệm, đã cống hiến cho độc giả những giai thoại, những mẩu chuyện thực kỳ thú. Nhờ những tài liệu này ta còn biết được cách chính xác với giá trị lịch sử, bộ mặt tinh thần của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Nhưng còn hơn thế nữa, lòng can đảm trong cơn bệnh cuối cùng, sự kiên nhẫn giữa vực thẳm đau khổ, cũng như vẻ diễm lệ trong cái chết của Chị đã hùng hồn nói lên kết quả vượt mức của Đường Thơ Ấu dẫn đưa linh hồn tới gặp Thánh Nhan Chúa.
Những ngày tháng cuối cùng trong đời Chị đã nói lên tính cách xác đáng của tác phẩm, một tác phẩm làm cho mọi người cảm phục và muốn bắt chước. Học thuyết trình bày ở đây thực là học thuyết phát xuất từ trời cao, cho ta thấy ân sủng đã toàn thắng bản tính vốn nóng nảy, quảng đại, trung thực nhưng cũng câu chấp nơi Chị. Và Chị đã khiêm tốn nói lên những cám dỗ, những chiến đấu cũng như những điều chị đã cố gắng trong tác phẩm này.
Dòng Kín Lisieux.
-------------------------------------------------------
Ngày 20 tháng 2 1893, Mẹ Agnès de Jésus sau khi được chọn làm Bề trên nhà Kín Lisieux thay thế Mẹ Marie de Gonzague, đã chỉ định chính Mẹ Marie de Gonzague làm Bề trên Nhà tập. Ít lâu sau Mẹ Agnès đã xin Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu kín đáo săn sóc các chị em bạn mình, để nghe họ bàn tính chuyện riêng và giáo dục họ trong đời sống tu trì. Khi đó Têrêsa mới có 20 tuổi! Nhưng Mẹ Agnès đã nhận ra hơn ai hết về trí năng cũng như nhân đức của Chị.
Hồi ấy ở Nhà tập, ngoài Chị Thánh ra thì chỉ có hai chị khác là chị Marthe de Jésus và chị Marie Madeleine du Saint Sacrement. Rồi lần lượt các chị sau đây nhập dòng: Marie de la Trinité ngày 16-6-1894, chị Geneviève de la Sainte Face ngày 14-9-1894, và người bà con của Têrêsa là chị Marie de l’Eucharistie ngày 15-8-1895.
Ngày 21 tháng 3 1896 Mẹ Marie de Gonzague được tái bầu làm Bề trên và Mẹ kiêm nhiệm luôn cả chức Bề trên Nhà tập. Mẹ Agnès de Jésus khuyên Mẹ Marie de Gonzague nên giữ Chị Têrêsa lại giúp mình: Đã ba năm qua Chị tỏ ra chu toàn nhiệm vụ cách trọn hảo. Mẹ Marie de Gonzague nhận lời ngay, và trên thực tế đã để chị Têrêsa hoàn toàn điều khiển Nhà tập.
Chị đã làm Bề trên Tập viện mà không danh hiệu! Chị tiếp tục nhiệm vụ này cho tới khi mệnh chung là ngày 30 tháng 9-1897.
Chỉ từ sau ngày thay thế Mẹ Marie de Gonzague trong chức vụ Bề trên Nhà tập, nghĩa là từ tháng 3 năm 1896, Chị Têrêsa mới tụ tập chị em lại mỗi ngày sau Kinh Chiều (Vêpres) từ 2 giờ 30 tới 3 giờ theo thói quen hồi đó trong Dòng.
Chị không làm thành những bài Diễn Giảng đích danh. Lời Chị giáo huấn không theo hẳn một hệ thống nào. Chị đọc hay bảo đọc một đoạn trong Quy Luật, Hiến Pháp hay Tập Tục của Dòng, quen gọi là “Tờ Lạm Bổ”, sau đó Chị giải nghĩa hay xác định lại đôi điểm Chị cho là cần thiết. Hoặc Chị trả lời những vấn nạn chị em nêu lên, sau đó Chị nhắc bảo những khuyết điểm nếu có, và Chị thân mật nói những điều ích lợi cho chị em chú ý tới trong lúc đó, hoặc về tinh thần hoặc về những công việc đang làm.
Trong những câu chuyện riêng với chị em Nhà tập. Chị Thánh đã cho những lời khuyên thật thích hợp với từng tâm hồn. Chị soi sáng những chuyện thuộc lương tâm và những khó khăn của chị em tuỳ theo khuynh hướng từng người, tuỳ nhu cầu mỗi cá nhân, hay theo như thử thách, vui mừng hiện tại của họ. Lời khuyên chị này không thể thích hợp cho chị khác. Chính Chị Thánh đã nhấn mạnh như vậy. (Trong đoạn trích dẫn dưới đây chúng ta sẽ nhận thấy Chị được một hồng ân hoạ hiếm về tâm lý trong tất cả những việc Chị thi hành đối với chị em Nhà tập):
“... Trước tiên con nhận thấy các tâm hồn phải chiến đấu tương tự như nhau, nhưng đàng khác những tâm hồn ấy thật dị biệt nhau tới nỗi con không phải khó khăn gì để hiểu lời cha Pichon: ‘Dị biệt giữa các tâm hồn còn nhiều hơn dị biệt giữa các khuôn mặt’. Nên không thể đối xử với mọi tâm hồn theo cùng một cách thế giống nhau . Phải tuyệt đối loại trừ sở thích riêng tư cũng như quan niệm cá nhân, và hướng dẫn các tâm hồn theo đường Chúa Giêsu đã vạch ra cho họ, chứ không phải bắt họ bước theo con đường riêng của mình .
“... Một người làm vườn vụng về không ghép cây đúng kiểu, thì cây sẽ ra sao? Nếu ông không hiểu bản tính từng loại, muốn cây đào nở ra hoa hồng?... Lúc đó ông sẽ làm chết cây, thực ra tốt tươi và có thể sinh hoa trái.
“Trong đường thiêng liêng cũng vậy, cần nhận ra ngay từ thời niên thiếu thánh ý Chúa muốn gì nơi các tâm hồn, và phụ sức vào ơn Chúa mà không hấp tấp tiến trước hay lùi lại sau” .
Chính khi đề cập đến việc giáo dục trẻ em mà Chị Thánh có được những nhận xét chí lý như vậy. Chị Thánh đã áp dụng nhận xét trên cách thật khéo léo vào việc huấn luyện các tâm hồn trong việc đào tạo chị em Nhà tập này!
Theo chiều hướng những nhận xét trên đây, mỗi độc giả sẽ tự chọn trong tập Huấn dụ và Ghi niệm này những điểm thích hợp với nhu cầu riêng tư, vì không thể có việc phù hợp toàn thể với từng độc giả được.
Nếu mang sẵn một tâm hồn hiền hoà, thì đồng thời Chị Têrêsa cũng rất cương nghị, không bỏ qua bất cứ một việc gì. Khi vừa nhận ra khinh xuất nào, Chị Thánh liền đi gặp ngay thủ phạm và tuy làm như vậy là cực hình, nhưng không có gì ngăn cản được Chị thi hành bổn phận mình.
Ngày kia trong câu chuyện tâm tình, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã thổ lộ với tôi: “Thời gian coi Nhà tập đối với em thật là một đời chiến đấu, giao tranh! Chúa đã hành động cho em... em đã hành động cho Chúa, và không có lúc nào tâm hồn em lại lớn mạnh như thế. Em không tìm cách để được yêu đương, em không quan tâm tới điều người ta nói hay nghĩ về em. Em chỉ tìm làm đẹp lòng Chúa hiền từ. Em cũng không ước muốn những điều em cố gắng phải thành tựu. Phải, ta hãy gieo vãi điều thiện quanh ta mà không cần băn khoăn xem chúng có đâm chồi nẩy lộc hay không. Nhiệm vụ của ta là làm việc, thành công là thuộc quyền Chúa Giêsu. Không được hoảng sợ khi phải chiến đấu cho ích lợi kẻ khác, hãy bắt tay vào việc cho dầu bản thân sẽ mất yên ổn, và ít chú ý xem công việc có giúp thêm gì cho chị em Nhà tập hay không, vì trước hết là phụng sự Chúa đã. Để một lời sửa lỗi có hiệu quả, thì phải làm không vì mình thích làm, đồng thời phải bình tĩnh đừng để tính nóng lôi kéo mình”.
Điểm này thật chính xác. Tôi đã có dịp chứng kiến Chị quên mình và hoàn toàn nhẫn nại trong việc lắng nghe cũng như dạy bảo chúng tôi. Chị không tìm trong nhiệm vụ này nguồn vui hay một chút tiêu khiển nào khác. Tôi cũng nhận ra tinh thần vị tha và nhiệt tâm trong việc Chị chú ý huấn luyện các tập sinh ít năng khiếu, luôn tỏ ra thương mến họ. Chị kính trọng các tâm hồn dầu là những tâm hồn ấy thế nào đi nữa.
Chị trả lời được tất cả những điều chúng tôi hỏi, và để dễ hiểu, Chị trích dẫn Thánh Kinh hay kể những truyện lịch sử, giúp khắc sâu vào tâm khảm chân lý mà Chị muốn chỉ dẫn chúng tôi.
Tôi phải phục Chị thật linh lợi trong việc tìm ra tâm tánh tinh quái và những biến động khác nhau trong tâm hồn chúng tôi. Trí Chị minh mẫn siêu nhiên tới nỗi đôi khi người ta có cảm tưởng Chị đọc được tâm tư chúng tôi: Người ta thấy đúng là Chị được linh cảm! Tôi hỏi ý kiến Chị và tin tưởng Chị không thể bị lầm lẫn cũng như chắc được Chúa Thánh Thần nói qua miệng Chị. Nhưng Chị không làm gì khác thường cả, mà còn có vẻ như nghi ngờ ơn thánh hành động bởi Chị là đàng khác.
Chị em Nhà tập làm phiền Chị lúc phải cũng như khi trái giờ, có khi quấy rầy hay hỏi Chị những câu thiếu tế nhị về những điều Chị biên tập (như về Bản Tự Thuật hay về thư từ Chị viết cho anh thiêng liêng). Không bao giờ tôi thấy Chị trả lời thiếu kiên nhẫn, cộc cằn hay có vẻ hấp tấp cả. Chị luôn bình tĩnh và êm dịu.
Chính Chị cũng chứng nhận là khi phải nói sự thật thì không bao giờ Chị lui bước và không sợ bất cứ một cuộc chiến đấu nào. Nếu phải chỉ bảo chúng tôi, Chị không toan tính dựa trên sức riêng mình. Tôi còn thấy Chị trong những tháng về cuối đời, mình run rẩy vì cơn sốt, họng nóng như lửa thiêu thế mà còn thu tất cả sức lực để uốn nắn, sửa chữa một chị nhà tập. Một trong những trường hợp như vậy, Chị đã nói với tôi: “Em phải chết khi tay còn cầm khí giới, miệng còn sáng lên gươm Thần Khí tức là lời Thiên Chúa” .
Hồi mới nhận trách nhiệm giúp Bề trên Nhà tập, khi chúng tôi thuật lại những chiến đấu nội tâm, thì “người em nhỏ” của tôi tìm cách xoa dịu chúng tôi hoặc bằng lý luận, hoặc bằng cách cho chúng tôi thấy rõ rằng người chị em đó không lỗi. Điều này làm chúng tôi tranh luận phí giờ mà không ích lợi gì cho tinh thần. Chị nhận ra ngay và đổi chiến thuật. Thay vì cố gắng phá huỷ căn do cuộc chiến đấu, Chị giúp chúng tôi nhìn thẳng và sự thật xem sao...
Chẳng hạn như nếu tôi nói với Chị: “Hôm nay thứ bảy rồi, thế mà chị bạn có nhiệm vụ bỏ gỗ đầy thùng tuần này, lại chẳng nghĩ gì tới! Còn em, em cẩn thận biết bao khi tới phiên!”. Chị cố làm tôi quen ngay với công việc đã gây cho tôi bực mình. Không tìm cách làm cho viễn cảnh đen tối biến mất hay sáng tỏ hơn, trái lại Chị bắt tôi nhìn vào tận nơi và Chị làm như đồng ý với tôi:
“Được rồi, em nhận chị bạn làm tất cả những lầm lỗi chị vừa gán cho...”.
Chị hành động như thế để khỏi hắt hủi tôi, tiếp sau Chị giải quyết sự việc trên nền tảng đó. Dần dần Chị làm tôi yêu mến số phận mình. Hơn nữa, Chị còn hướng dẫn tôi biết ước ao được chị em ít quý trọng cũng như ít ân cần với mình, được thấy những sơ hở của chị em trong đức vâng lời và vì thế nên tôi bị quở phạt thay chị em, bị cáo là làm thiếu sót công việc thật ra không phải nhiệm vụ của tôi. Chị lại còn tạo cho tôi sống trong những tâm tình thánh thiện nhất. Sau khi đã làm được như vậy, Chị mới kể cho tôi biết những ưu điểm của chị bạn mà tôi tố cáo. Tức thì từ chiến đấu qua khâm phục, và tôi thấy người khác còn tốt hơn tôi nhiều!
Nhưng nếu Chị thấy chị bạn đã chất đầy củi vào thùng, thì Chị tránh không nói vớ tôi, tuy biết rằng nếu nói thì làm tôi khỏi phải chiến đấu với chị kia. Theo cách thức như trên, khi Chị giúp tôi đạt được mục đích là có những tâm tình trọn hảo rồi, thì Chị chỉ nói thoáng qua: “Em thấy củi đã đầy thùng rồi”.
Đôi khi Chị cũng để chúng tôi bỡ ngỡ vì chuyện tương tự như vậy và lợi dụng dịp này cho chúng tôi hay: Rất nhiều lần người ta tự tạo ra những cuộc chiến đấu vì những lý do vô cớ và hoàn toàn tưởng tượng.
Nhiều người bỡ ngỡ vì thấy các nữ tu phải chiến đấu với bản tính tự nhiên như trên, cũng như nhiều trường hợp khác sẽ gặp trong tập này. Thú thật ngày mới vào dòng, tôi cũng lấy làm lạ lùng như vậy. Tôi thấy như sau khi xa lìa gia đình và đoạn tuyệt trần tục, người ta phải dễ chịu đựng trăm ngàn đụng chạm nho nhỏ trong đời sống chung. Nhưng không mấy chốc tôi hết ngỡ ngàng, vì chính tôi cũng có kinh nghiệm bản thân như thế.
Tại Dòng Kín không có những công việc có thể giúp những tâm hồn nhạy cảm được khuây khoả, nên họ cảm thấy thật khổ tâm vì những hiểu lầm nho nhỏ gây nên cách thật phũ phàng do sự khác nhau nơi khí chất, giáo dục cũng như tính tình. Người ta thấy có những tâm hồn anh hùng trước những hy sinh lớn lao, nhưng lại phải chiến đấu quyết tử với những chuyện bất ngờ vụn vặt. Đó là điểm Chị Têrêsa đã lưu ý tôi, do những việc xảy ra ngay trước mắt như tôi sẽ đan cử trong những trang sau đây.
Cuộc chiến đấu liên tục thực đáng giá! Chính nó cắt nghĩa được lời của một vị nữ tu đầy kinh nghiệm, thường được trích dẫn: “Chén đắng đời tôi, chính là cuộc sống chung” (Mon calice, c'est la vie commune). Câu nói này đề cao đức bác ái trong các tu viện. Chị Thánh chúng tôi đã biết toàn thắng những thử thách này và giữ được hồn Chị an bình, thì Chị cũng tận sức giúp đỡ chúng tôi lướt thắng cũng những chướng ngại như thế. “Con đường Thơ Ấu” hay “Thuyết Ấu Nhi” của Chị đã kết quả lạ lùng trong vấn đề này.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu thổ lộ với tôi, vừa là chị vừa là Đệ tử nhà tập của Chị, vì Chị đã được phép khi lãnh nhiệm vụ hướng dẫn thiêng liêng cho tôi. Nhưng tôi luôn thấy Chị tránh không tâm sự những điều chỉ liên quan tới cá nhân Chị. Chị không cho chúng tôi biết những vất vả Chị gặp. Nguyên tắc Chị theo là Bề trên phải hoàn toàn quên mình. Khi người ta muốn mình chia sẻ đau khổ nội tâm hay khó chịu trong người của họ, thì không được than van về cũng những đau khổ đó nơi mình. Chị làm ơn cho chúng tôi mà không nghĩ gì tới mình, cũng không tìm một chút an ủi nào trong lòng.
Trong câu chuyện tâm tình, Chị bảo tôi là khi lãnh nhiệm vụ lo Nhà tập, ơn đầu tiên Chị xin Chúa là đừng để Chị bị yêu theo cách “nhân loại” bao giờ cả, và Chúa đã nhận lời Chị xin .
Chúng tôi rất mến Chị, nhưng không ai trong chúng tôi có cảm tình riêng tư, thứ tình cảm rồ dại và nhẹ dạ như tuổi trẻ thường có. Chúng tôi đến với Chị là do nhu cầu tìm kiếm chân lý thôi.
Một số nữ tu thâm niên cũng nhận thấy Chị khôn ngoan siêu vượt, nên kín đáo tới bàn hỏi với Chị. Chị được uy tín nhờ nhân đức, nhờ Chị khát mong cũng như nhờ phương cách Chị dùng để đưa các tâm hồn về với Chúa: Đó là hoàn toàn quên mình và sống đời cầu nguyện. Ngay trong lúc chuyện trò với chúng tôi, Chị thường nâng lòng lên với Chúa và đã nhiều lần tôi nhận ra tác động nội tâm này.
Trong các nhân đức, thì Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sống đức khiêm nhường tới mức cuối cùng, và chính vì muốn được thật khiêm nhường, thật bé nhỏ, nên Chị đã theo “Đường thơ ấu thiêng liêng”, nói khác đi, chính vì trung thành theo đường này mà Chị được khiêm nhường và đơn sơ như trẻ nhỏ.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu sung sướng thấy mình sống trong Dòng đã chín năm mà luôn còn ở Nhà tập, không thuộc thành phần của Hội Đồng Dòng và bị coi là “bé nhỏ” .
“Lạy Chúa, con xin được đau khổ và khinh chê”
Khi đau khổ ê chề vì Cha chúng tôi bệnh nạn. Chị chứng tỏ rằng những khát vọng chịu khinh chê nơi Chị không phải là những chữ suông nữa.
Nhiều lần ngay từ hồi thơ ấu, Chị đã nhắc đi nhắc lại cách hăng say lời sau đây của Thánh Gioan Thánh Giá: “Lạy Chúa, con xin được đau khổ và khinh chê vì Chúa”. Đó cũng là điều chúng tôi ước vọng khi tựa bên cửa sổ ở Vọng Tháp (Belvédère), cùng nhau trò chuyện về cuộc sống vĩnh cửu.
Chị bảo tôi: “Cần nhất phải khiêm nhường tự nội tâm, mà chị không thể khiêm nhường như vậy, nếu chị chưa muốn mọi người sai khiến chị. Chị chỉ dễ dãi bao lâu mọi việc xuôi chảy, nhưng khi chúng vừa xảy ra khác ý thì chị liền sa sầm mặt lại! Đó không phải là nhân đức. Nhân đức là biết khiêm tốn đặt mình dưới tay mọi người , biết vui sướng khi người khác quở trách mình.
Khi bắt đầu cố gắng, chị sẽ gặp những khó khăn ngoại cảnh như vậy và người khác cũng cho là chị bất toàn, nhưng đó lại là điểm rất tốt, vì chị được tập khiêm nhường. Khiêm nhường không chỉ tại nghĩ và nói rằng minh đầy khuyết điểm, mà còn làm sao thấy sung sướng khi người khác cũng nghĩ và nói rằng mình khuyết điểm như thế.
Chúng ta phải rất vui lòng để đôi khi kẻ khác gièm pha, vì nếu không ai làm điều đó, thì hỏi ta sẽ ra sao? Không mấy ích lợi cho ta”.
Trong một dịp lễ Cộng đồng, Chị sáng tác để trình diễn một màn “trò chơi đạo đức”, Chị bị trách là vở tuồng quá dài và người ta bảo Chị ngưng lại .
Tôi bắt gặp Chị lau trộm nước mắt phía trong cánh cửa. Rồi tự chủ được xúc động, Chị lại bình tĩnh và dịu dàng trong cảnh bị làm mất thể diện như vậy.
Chị Têrêsa vô cùng sung sướng đón nhận mọi lời trách mắng, không phải của chỉ các Bề trên, mà ngay của những người dưới nữa. Chị để các chị em Nhà tập nói những điều làm khó chịu mà không bao giờ quở mắng họ tại chỗ.
Tôi nói với Chị: “Em rất muốn đón nhận những điều chỉ dẫn đứng đắng khi lầm lẫn, em bằng lòng lắm. Nhưng bị quở trách lúc mình vô tội, thì thật không chịu nổi”.
- “Trái lại em, em thích được tố cáo sai sự thực, vì khi đó em không phải trách mình nữa, và em sung sướng dâng điều đó cho Chúa, rồi em sẽ khiêm tốn thấy rằng mình rất có thể lỗi phạm điều người khác vừa tố cáo mình”.
Chị đơn thành thổ lộ với tôi: “Em thấy hình như khiêm nhường là chính chân lý. Em không biết em có khiêm nhường hay không, nhưng em cảm thấy mình nhận ra chân lý trong mọi sự vật”.
Chị có thói quen tự xếp mình thuộc loại những kẻ yếu đuối, danh từ “những tâm hồn bé nhỏ” cũng do đó mà có.
Trong những lời khuyên dạy riêng từng chị em Nhà tập, Chị thường luôn nói về khiêm nhường. Điều Chị muốn là dạy chúng tôi không những tránh buồn nản khi thấy mình yếu đuối, mà còn “khoe” những yếu hèn của mình ra nữa .
Chị nói: “Êm dịu biết bao khi thấy mình yếu đuối và bé nhỏ!” .
“Chị có một con chó con...”
Nhân dịp Chị Têrêsa chỉ cho tôi thấy tất cả những khuyết điểm của tôi, tôi đã buồn phiền và một phần nhụt nhuệ khí. Tôi nghĩ: “Tôi ước ao có các nhân đức biết bao nhiêu, nhưng còn xa vời quá! Muốn dịu hiền, kiên nhẫn, khiêm nhường, bác ái... nhưng không đi tới đâu hết!”. Tuy thế, giờ nguyện gẫm ban chiều, tôi đọc thấy Thánh Nữ Gertruđê cũng tỏ bày cùng một ước nguyện như vậy và Chúa Giêsu đã trả lời Thánh nữ:
“Trong mọi việc và trên hết, con hãy có thiện chí thành tâm. Chỉ duy tâm tình này làm con được toả sáng và có huân nghiệp đặc biệt của mọi nhân đức. Ai có thiện chí thành tâm, có ước muốn đơn thuần làm vinh danh Cha, tạ ơn Cha, cảm thông đau khổ Cha, mến yêu và phụng sự Cha bằng tất cả thụ tạo, thì người đó chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng với lòng độ lượng Cha, và đôi khi ước muốn đơn thành ấy còn ích lợi hơn những nghĩa cử của kẻ khác”.
Rất an tâm và được phấn khởi vì những lời trên, tôi tâm sự với Têrêsa, người em “Bề trên” của tôi. Chị đào sâu tư tưởng và thêm:
“Chị đã đọc Tiểu sử Cha Surin chưa? Ngài trừ quỷ và quỷ bảo Ngài: chúng ta chiến thắng tất cả. Chỉ có cái “Con chó thiện chí” là làm bọn ta không bao giờ kháng cự lại nổi!” . Này! Nếu chị thiếu nhân đức thì chị đã có “Con chó con” nó cứu chị khỏi mọi nguy hiểm rồi. Chị hãy an lòng, “Con chó con” đó sẽ đưa chị tới thiên đàng. A! Tâm hồn nào mà không khát mong có nhân đức! Đó là con đường thông thường! Nhưng thật hiếm những tâm hồn nhận mình sa ngã, yếu đuối và bằng lòng thấy mình đo đất, đồng thời an vui để người khác bắt gặp mình trong tình trạng ấy.
Ngày kia tôi thấy nản chí và cho là do sự mệt mỏi mà ra. Chị nói: “Khi không thực tập được các nhân đức, đừng bao giờ chị cho là do một nguyên nhân tự nhiên nào đó như bệnh tật, thời gian hay phiền muộn. Trái lại, chị phải lợi dụng cơ hội để tập khiêm nhường, và đặt mình vào hàng những ‘tâm hồn bé nhỏ’, vì chị chỉ có thể thực tập các nhân đức cách quá yếu ớt! Điều chị cần lúc này không phải là tập được những nhân đức anh hùng, mà là cần có tinh thần khiêm nhường. Muốn được thế thì mọi việc chị thành công đều phải vương thêm chút thất bại, để chị không thể thoải mái khi nghĩ tới thành công đó. Trái lại mỗi lần nghĩ tới là mỗi lần chị tự hạ, vì thấy mình không phải là một tâm hồn anh hùng. Có những kẻ bao lâu còn sống dưới thế, bấy lâu không hề được thấy đồng loại trọng kính mình: nhờ đó họ không dám tin mình cũng có những nhân đức mình khâm phục nơi kẻ khác”.
Chị nói với tôi: “Mới đây em khó chịu với một chị và tưởng chị ấy không nhận ra. Việc chiến đấu còn trong nội tâm, tuy vậy em tự nuôi trong trí là chị đã nhận ra em chẳng có nhân đức chi hết, và em rất sung sướng cảm thấy mình yếu hèn như thế”.
Lần khác, trong một hoàn cảnh tương tự, Chị cũng nói với tôi: “Em tràn ngập sung sướng vì mình đã thiếu sót. Hôm nay Chúa ban cho em những ơn thật trọng đại, hôm nay đúng là một ngày có phước...”. Tôi hỏi Chị làm thế nào mà có những tâm tình đó? Chị trả lời: “Phương thế em dùng là luôn luôn vui vẻ, tươi cười lúc thất bại cũng như lúc thành công”.
Một tâm hồn dũng mãnh như vậy mà vẫn nghi ngờ chính mình, tin rằng mình có thể phạm những tội tầy trời. Chị đã đề dưới tấm ảnh Chúa Giêsu chịu nạn những hàng chứng tỏ tâm tình thường xuyên của Chị: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ con mến Thầy , nhưng xin Thầy đoái thương con, vì con chỉ là kẻ có tội” .
Chị chỉ dẫn cho tôi hay một việc chính Chị thấy rõ cái phi bạc nhẹ dạ mà không ai tránh nổi:
Đó là đêm Sinh Nhật 1887, giữa lúc Chị hy vọng được vào Nhà Kín thì Chị lại chịu một thử thách kỳ lạ. Sau biết bao cố gắng mà vốn thấy mình còn ở ngoài đời, tâm hồn Chị như qua cơn hấp hối.
Sau này Chị thổ lộ: “Ồ! Chị có thể tưởng được giữa lúc em chìm ngập trong biển sầu như vậy mà còn có thể thích thú đội chiếc nón mới, có đính hình chim bồ câu trắng! Những tính tự nhiên đó trở lại một cách kỳ lạ!” .
Tôi nhận thấy những điều gây cho người ta thích thú, chẳng hạn như một niềm vui nào đó, tuy dầu thánh thiện đi nữa, thì kết thúc cũng làm tâm hồn mệt mỏi, nếu người ta quyến luyến nó, và một niềm vui kéo dài chẳng bao lâu sẽ biến thành buồn thảm. Chị trả lời tôi về nhận xét này như sau:
“Chỉ trong Chúa mới có an nghỉ và niềm vui đích thực không hề làm mệt mỏi, đó là niềm vui con người múc trong quên mình, khinh bản thân. Vậy về chuyện chị yếu đuối chiều hôm qua... (tôi đã khóc vì thấy phải đi thăm các bệnh nhân sau giờ Kinh mai [Matimes] - lúc tôi đã quá mệt mỏi, và một chị đã trông thấy tôi khóc). Nếu chị bạn bắt gặp chị khóc nên cho là chị chưa có nhân đức và chính chị cũng thật tình nghĩ như thế, thì đó là nguồn vui chân chính rồi!”.
- Ồ! Chị có lý, em rất hiểu mình phải làm gì, em thấy rõ vậy, nhưng em không sao thi hành nổi. Không, không bao giờ em nên tốt lành được!
- Có, có chứ! Chị sẽ nên thánh thiện, Chúa sẽ làm cho chị thánh thiện.
- Vâng, nhưng không bao giờ thụ tạo nhận ra điều đó cả, và nếu em cứ vấp ngã mãi, thì người ta sẽ luôn cho em là bất toàn, còn Chị lại được các chị em nhận ra là thánh thiện!
- Tin rằng mình bất toàn và thấy người khác hoàn hảo, đó là hạnh phúc. Việc người ta cho chị là không có nhân đức không làm chị mất mát gì cũng không làm chị bất hạnh hơn, mà chính những người khác phải mất niềm vui nội tâm, vì không có gì êm dịu bằng nghĩ điều hay cho người xung quanh. Ai phán đoán bất lợi cho chị thì mặc kệ họ, trái lại hữu ích biết bao cho chị nếu chị biết do đó mà tự khiêm vì mến Chúa”.
Tôi tự thú với Chị: “Lúc đó em hình như chẳng còn nghĩ ngợi được gì nữa!”.
- Điều đó không sao hết. Chúa biết rõ tâm tư chị. Và cố ý làm tôi bật cười nên Chị dùng một câu tiếng lóng chúng tôi đã từng biết với nhau: “Bạn càng khiêm tốn bao nhiêu thì bạn càng sung sướng bấy nhiêu”.
Tôi bảo Chị: “Ồ! Khi em nghĩ tới những điều em phải ‘thu thập lấy!’”.
- Chị hãy nói là phải “bỏ mất đi” thì đúng hơn!... chính Chúa Giêsu sẽ chan hoà tâm hồn chị với những huy hoàng của Ngài, từ như chị biết trừ khử những bất toàn nơi lòng chị nhiều hay ít.
Chị hay nói với tôi: “Chị không tập được nhân đức nào cả! Chị muốn ‘leo’ núi trong khi Chúa muốn ‘hạ’ chị xuống đáy thung lũng phì nhiêu, ở đó chị sẽ học bài học tự khinh bản thân”.
Muốn áp dụng từng chữ lời thánh Phaolô: “Anh em hãy cẩn trọng làm việc lành, không phải chỉ trước mặt Chúa, mà cả trước mặt người ta nữa” . Tôi hoài bão luôn làm gương tốt quanh tôi, muốn các chị em Nhà tập coi tôi như mẫu mực, nên khi tôi vấp ngã điều gì, tôi coi như tất cả đều đổ vỡ! Chị bảo tôi:
“Như vậy chỉ là tìm chính mình, là nhiệt tâm giả tạo và ảo tưởng. Người ta thuật lại rằng: Có một vị Giám mục muốn biết một vị thánh tiếng tăm lừng lẫy, nên tới thăm Ngài, có các bậc vị vọng trong Toà Giám mục đi theo. Đấng Thánh thấy từ xa vị Giáo chủ cùng với đoàn tháp tùng tiến tới, Ngài liền có một biến động hư danh và vì muốn phản kháng lại, nên thoáng thấy đám trẻ đang chơi đánh đu trên cây gần đó, Ngài liền bảo một em xuống và ngồi thế vào chỗ em. Vị Giám mục coi Ngài như kẻ mất trí, liền trở về mà không cần điều tra gì hết!
Nhiều lần vì tâm hồn chưa đủ cứng rắn để lãnh nhận lời khen lao, thì đôi khi phải biết hy sinh chút lợi bên ngoài để có ích cho việc thánh hoá bản thân. Chị phải vui mừng thấy mình vấp ngã, và nếu việc vấp ngã không xúc phạm đến Chúa thì đôi khi ta phải chủ tâm vấp ngã để giữ được lòng khiêm tốn”.
Chị dửng dưng trước những điều người ta nghĩ về Chị, ngay cả lúc kẻ khác cho là việc thiếu xây dựng cũng vậy. Khi Chị mới nhuốm bệnh, trước mỗi bữa ăn, Chị buộc phải đi uống thuốc. Một chị lớn tuổi lấy làm lạ và than phiền, vì thấy Têrêsa không giữ luật. Chỉ cần một lời phân trần là Chị đã làm chị lớn tuổi kia an lòng rồi. Nhưng Chị im lặng để rập theo gương Đức Trinh Nữ, vì Mẹ chịu mất tiếng tốt hơn là phân trần với Thánh Giuse. Chị luôn nói với tôi về cách cư xử này, tuy rất đơn sơ, nhưng cũng rất anh hùng.
Như Mẹ Maria, phương pháp hoàn bị Chị dùng là im lặng. Chị thích “giữ tất cả trong tâm hồn” niềm vui cũng như nỗi buồn. Tính thận trọng này là khởi điểm đường đưa Chị tới trọn lành, nó như ấn tính bên ngoài, vì đức tính quân bình là điểm nổi bật nơi Chị.
Để kỷ niệm ngày tôi khấn, Chị hoạ cho tôi chiếc huy hiệu tôi sáng tác theo câu châm ngôn: “Ai mất là được” (qui perd, gagne) .
Chị cắt nghĩa cho tôi hiểu thêm rằng trên dương thế này, phải chịu mất tất cả, chịu lấy tất cả, để tiến tới tinh thần nghèo khó.
Chị thích cho kẻ khác được những ơn bên trong hơn là cho chính mình, và tôi đã thấy Chị đọc một cuốn sách rất bổ ích, nhưng chưa đọc xong Chị đã chuyển sang chị em khác và không bao giờ Chị có thể đọc hết được nữa!
Nếu Chúa cho Chị ơn soi sáng nào, Chị cố gắng thông truyền cho chúng tôi bao nhiêu có thể... Nhưng đôi khi có những tia soi sáng sống động và thâm trầm chỉ thoáng qua cho Chị và về sau Chị không nhớ được ra sao:
“Em muốn giữ lại ngay, nhưng thật bất lực! Lúc đó thay vì một sức tìm xem điều chi làm hồn em sung sướng, thì em an phận thưởng thức hương vị dư vang, mà không hiểu nó đến ra sao. Rồi em hoan hỉ vì sự nghèo khó đó...!”.
Như con trẻ không có gì là của riêng, chúng hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ, Chị muốn muốn sống ngày qua ngày, không cần của dự trữ tinh thần.
“Nếu Chúa muốn những tâm tình cao nhã và những tư tưởng đẹp, thì Người đã có các thiên thần... Người cũng có thể dựng nên những tâm hồn tuyệt hảo tới chỗ họ không có chút yếu đuối nhân loại nào.
Nhưng không! Người đã đặt tất cả niềm sung sướng nơi những tạo vật bé nhỏ, thật yếu đuối và đáng thương hại này... Chắc hẳn điều đó làm vui lòng Chúa nhiều hơn!”.
Chị Têrêsa nuôi tâm tình đạo đức bằng cách nhờ tới những ngôn ngữ, những đoạn trong Sách Thánh.
Tôi bảo Chị: “Em muốn thế lắm, nhưng em kém trí nhớ quá!”.
- “A! Như vậy là chị ước mơ giàu có, muốn được sở hữu rồi đấy! Cậy dựa trên đó là như dựa trên tấm sắt nung đỏ. Nó để lại một dấu vết nhỏ! Điều cần thiết là không cậy dựa trên bất cứ sự gì hết, ngay cả trên những điều có thể nâng đỡ lòng đạo đức cũng vậy. ‘Cái không’, đó là chân lý, là không ước muốn, là thiếu cả hoài vọng niềm vui, và lúc đó người ta sẽ được sung sướng! Sách Gương Chúa Giêsu có nói: Tìm đâu được một người không hề tìm mình? Phải tìm họ ở nơi xa xôi, nơi cùng trái đất . Nơi xa xăm là nơi cùng thấp... Thật thấp trong việc đánh giá chính mình, thật thấp vì khiêm nhường, thật thấp có nghĩa là người rất nhỏ bé.
Chị nói với tôi:
- Chị dấn thân vào công việc như thể mỗi công việc là mục đích cuối cùng vậy, và chị luôn hy vọng tới đích! Rồi chị bỡ ngỡ khi thấy mình vấp ngã. Nhưng phải sẵn sàng chờ đợi vấp ngã . Chị lo lắng về tương lai như thể chính chị phải dàn xếp tất cả vậy. Em hiểu chị bôn chôn là vì thế. Chị luôn nói với Chúa: Ôi lạy Chúa! Con làm được gì với đôi tay con đây! Mọi người đều muốn tìm điềm báo trước cho tương lai. Nhưng đó là con đường thông thường. Chỉ ai không tìm xem tương lai ra sao mới thật là người nghèo khó tinh thần”.
Tôi tỏ ra ước ao được người ta chú ý tới những cố gắng và những tiến bộ nơi tôi. Chị Têrêsa hăng hái đáp lại:
“Làm như vậy có khác chi con gà mái cục tác inh ỏi, báo cho mọi người qua lại biết mình vừa đẻ trứng xong! Cũng như nó, chị muốn vừa khi nghiêm chỉnh làm được việc gì, hay khi ý hướng của chị được vô phương trách cứ, thì mọi người phải nhận ra và quý yêu chị...
Thật phù phiếm khi muốn hai mươi người cùng sống với ta phải khâm phục quý mến ta! Trong cái trung tâm nhỏ bé lòng họ, mỗi người họ cũng đang quan tâm tới ý hướng riêng tư, tới sức khoẻ, gia đình cũng như tiến bộ thiêng liêng hay ích lợi cá nhân họ và họ thốt ra những lời tầm phào! Khi ngắm nhìn chân dung các thánh, em tự nhủ các ngài cũng là nạn nhân của biết bao yếu đuối, cũng có lúc các ngài thốt ra những lời thuần nhân loại, đôi khi còn phàm tục nữa. Lúc đó em chỉ muốn được yêu thương quý mến sau này ở trên trời thôi... Vì chỉ trên đó tất cả mới hoàn hảo”.
Thật sự Chị chỉ muốn được thương yêu quý mến ở trên trời, và dưới đất này Chị chỉ tìm cách sao để được kể như không vậy. Biết bao lần chị nói với tôi rằng: “Sự khinh chê đối với Chị là điều thật vinh quang, vì người ta chỉ có thể khinh chê điều người ta biết, Chị say mê được người ta lãng quên!”.
Trái với người em quý mến, tôi luôn bị hư vinh lôi cuốn, nên cố gắng làm sao để người khác chú ý tới những điều tôi hy sinh. Vì thế Chị bảo tôi:
“Chị, chị cố sao làm cho sinh lợi! Nhiều người cũng làm như vậy. Còn em, em rất giữ gìn và sợ rằng chưa kiếm ra lời đủ. Em tận lực che giấu điều em làm và em ‘cất việc đó vào trong ngân hàng Thiên Chúa’, chẳng cần biết công việc có sinh lợi hay không”.
Một lần Chị tươi cười bắt tôi đưa tay cho Chị xem và Chị lấy bút viết lên móng tay tôi: “Lòng tham lợi” và bắt tôi phải giữ nguyên trong một thời gian.
Khi phơi giũ chăn mền, tôi đã khó chịu lưu ý chị em cần nhẹ tay vì tất cả đều cũ quá rồi.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu lưu ý tôi ngay:
“Chị sẽ làm gì nếu không được chỉ định để khâu vá lại những chăn mền này? Chắc chị sẽ lên tiếng cách thoải mái! Và nếu cần làm chị em quan tâm tới những chiếc mền này thì chị sẽ nói cách vô tư! Trong mọi việc làm, chị đừng bao giờ để dầu một chút lợi riêng nào ám ảnh cả”.
Câu này ám chỉ một việc xảy ra hồi thơ ấu Chị đã tả lại trong cuốn Tự Thuật : Ngày Chị được dẫn tới Mans để gặp dì Visitandine, thì Chị lên 2 tuổi 4 tháng. Dì cho Chị chiếc rá nhỏ bằng cườm đầy kẹo, có hai chiếc cà rá bằng đường đặt lên trên. Em nhỏ Têrêsa buột miệng kêu lên: “Sướng quá! Có cả chiếc cà rá cho chị Céline nữa nà!”.
Nhưng khi ra xe về Alençon thì “Em nhỏ” mới biết kẹo đã rơi rớt trên đường phố mất cả, và ngay một chiếc cà rá quý báu cũng biến đâu luôn! “Cà rá của chị Céline mất rồi!”. Bé nghĩ thế và bé buồn khổ tới nỗi miệng thì la mà nước mắt dàn dụa.
Sau này trong Nhà Kín, Chị thuật lại chuyện trên và bảo tôi: “Chị thấy không? Lòng vị kỷ là bẩm sinh trong chúng ta. Tại sao lại cà rá của chị Céline mất rồi! mà không phải của em?”.
Chị tâm sự với tôi: “Cho đến hồi 14 tuổi, em tập nhân đức mà không được hưởng chút êm dịu cũng như chút kết quả nào. Tâm hồn em như cây vừa chớm nở hoa thì đã vội rụng tàn. Chị hãy dâng lên Chúa hy sinh không bao giờ muốn được thấy kết quả, nghĩa là muốn thấy đời chị phải đau khổ, tự hạ, thấy những cánh hoa thiện chí cũng như những ước muốn ngay lành rụng xuống đất mà không sinh sôi nẩy nở chi hết. Chỉ trong khoảnh khắc khi chị nhắm mắt lìa trần, Chúa sẽ làm cho những trái tươi đẹp đó chín mòng trên cây tâm hồn chị”.
Chúa đã cho tôi biết “Em Têrêsa” thật có lý, vì tôi đọc thấy trong Đức Huấn Thiện đoạn sau đây là đoạn tôi đã cho Têrêsa biết và Chị rất thích thú: “Người như kẻ liệt sức và nghèo khổ cùng quẫn, nhưng mắt Chúa dõi theo người, giữ gìn người vẹn toàn và đã nâng người lên khỏi cảnh u tối sỉ nhục, đã nâng đầu người lên cao. Nhiều kẻ đã phải ngỡ ngàng và cất tiếng ca tụng Chúa. Con hãy tin cậy vào Chúa và an phận mình, vì Chúa làm được cho kẻ nghèo khó trở nên giàu có. Trong nháy mắt, ơn Chúa vội tràn đầy kẻ công chính để làm phần thưởng cho họ, và trong khoảnh khắc, Ngài làm những tiến bộ của họ sinh hoa kết quả” .
Trong cuộc điều tra Phong Thánh, khi vị Chưởng Tín hỏi tại sao tôi muốn Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu được phong thánh, tôi đã trả lời: “Chỉ vì một điều duy nhất là truyền bá ‘Con đường Thơ Ấu’ của Chị. Chị đã gọi tinh thần sống cũng như cách thức Chị đi lên với Chúa bằng danh từ đó”.
Vị Chưởng Tín tiếp: “Nếu chị nói về ‘Con Đường’, thì cuộc điều tra này tất nhiên phải chấm dứt, vì cũng đã xảy ra như vậy đối với rất nhiều trường hợp tương tự”.
Tôi trả lời: “Không hề chi, cuộc điều tra về Chị Têrêsa có bị đình chỉ chăng nữa, cũng không ngăn cản được con muốn nêu lên điều đã lôi cuốn con: Đó là làm sao để tuyên thánh ‘Con Đường Thơ Ấu’”.
Tôi giữ vững lập trường và cuộc điều tra có phần khá quan. Cũng vì vậy mà tôi sung sướng khi thấy Đức Bênêđictô XV trong bài Diễn văn đã ca tụng “Tinh Thần Trẻ Thơ” hơn cả việc tuyên thánh Chị. Điều tôi mong ước đã thành tựu vào ngày 14-8-1921.
Ngoài ra bản Summarium cũng đã ghi lại câu tôi trả lời về những “Ơn siêu nhiên”: Những ơn này rất hiếm trong đời sống Nữ tỳ Thiên Chúa. Con thích thà Chị không được tuyên thánh còn hơn là không diễn tả chân dung Chị như con tưởng”.
“... Đời sống của Chị phải đơn sơ để làm mẫu mực cho những ‘tâm hồn bé nhỏ’” .
Chị Têrêsa luôn chỉ cho chúng tôi biết “Con Đường Thơ Ấu” Chị theo.
Chị tuyên bố: “Để theo con đường này, cần phải khiêm nhường, có tâm hồn nghèo khó và đơn sơ”.
Nếu Chị biết lời nguyện sau đây của Bossuet thì chắc Chị đã sung sướng thưởng thức .
“Ôi Chúa cao cả!... Xin Chúa đừng để cho một số người được xếp vào hàng trí thức hay tinh thần bị luận xử trước Toà án oai nghiêm Chúa, vì họ đã đóng cửa không cho Chúa ngự tới các linh hồn: Chúa muốn vào những tâm hồn đó cách đơn sơ, mà chỉ sự đơn sơ thôi đã làm chướng tai họ! Chúa muốn đi qua khung cửa đã rộng mở do những vị thánh từ những thế kỷ đầu tiên trong Giáo Hội, thế mà có lẽ họ chưa biết tới! Xin Chúa cho tất cả chúng con trở nên bé nhỏ như trẻ thơ theo lời Chúa Kitô phán, để một khi chúng con đã đi qua cửa hẹp này, thì cũng chỉ cho kẻ khác qua được cách chắn chắn và hiệu nghiệm hơn. Amen”.
Không lạ gì khi vào phút cuối đời, con người anh hùng đó đã thốt lên những lời cảm động: “Nếu tôi có thể làm lại cuộc đời, thì tôi chỉ muốn là một con trẻ bé nhỏ luôn giơ tay bám chặt lấy ‘Giêsu Hài nhi’”.
Têrêsa đã nhờ ánh sáng mạc khải cho những tâm hồn bé nhỏ mà biết khám phá ra được cửa cứu rỗi này, và Chị sẵn sàng chỉ cho những tâm hồn khác. Sự khôn ngoan thần linh và sự khôn ngoan nhân loại đã không làm nổi bật “vẻ cao cả đích thực của tâm hồn” trong tinh thần trẻ thơ này hay sao? Đó cũng là tư tưởng của những nhà triết học thời danh Trung Hoa, họ đã minh xác trong những định nghĩa súc tích chẳng hạn như:
- Đức độ ở bậc chín muồi sẽ tiến tới trạng thái trẻ thơ (Lão Tử, thế kỷ VII trước kỷ nguyên).
- Con người vĩ đại là con người không đánh mất tâm hồn trẻ thơ (Mạnh Tử, thế kỷ thứ IV trước kỷ nguyên) .
Hay câu khác như:
- Thấu hiểu đức tính dũng cảm là biết luôn tiến tới trên đường thiện hảo và trở về với tuổi thơ .
Đối với Chị thánh trong việc thực hành “Con Đường Thơ Ấu” này hệ tại đức khiêm nhường như tôi đã đề cập.
Nhưng Chị cũng biểu lộ một tinh thần trẻ thơ thật đáng kể!
Vì vậy Chị rất thích nói với tôi về những lời sau đây Chị đã khơi múc được trong Phúc Âm:
“Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta, Nước Trời thuộc về chúng... Thiên thần chúng luôn thấy Nhan Thánh Cha Ta... ai trở nên bé nhỏ như con trẻ sẽ là lớn nhất trong Nước Trời... Chúa Giêsu hôn các em sau khi đã chúc lành cho chúng” .
Chị đã ghi những hàng trên ở mặt sau tấm hình bốn anh em chúng tôi đã về chầu Chúa ngay từ hồi bé thơ. Chị tặng tôi một tấm và giữ một tấm trong sách kinh Nhật Tụng của Chị. Ngày nay những hình ảnh đó một phần đã lu mờ vì cũ quá.
Ở dưới những đoạn này Chị còn thêm nhiều đoạn Thánh Kinh khác, là những đoạn làm Chị say mê và luôn có liên quan đến Tinh Thần Thơ Ấu:
- Thật hạnh phúc cho những ai được Chúa liệt vào hàng công chính không phải tính theo huân nghiệp, vì đối với người có huân nghiệp thì phần thưởng không còn như một ân huệ nữa, mà như một việc buộc phải có... Thực là ơn nhưng không những kẻ không có huân nghiệp lại được công chính hoá nhờ ơn cứu độ do Chúa Giêsu Kitô mang lại .
- Chúa sẽ dẫn dắt đoàn chiên Chúa trong đồng cỏ. Ngài quy tụ những con chiên con lại và ẵm chúng vào lòng .
Ở mặt sau một tấm ảnh lớn khác, Chị đã chép lại những câu trích trong Thánh Kinh nguyên văn như dưới đây, đôi câu nhắc lại những câu trên, nhưng nó cũng có lợi là soi sáng cho ta hiểu hơn về Con Đường của Chị:
- Ai thật bé nhỏ hãy đến với Cha! (Châm ngôn).
- Ai trở nên bé nhỏ như con trẻ sẽ là người lớn nhất trên Nước Trời (Phúc Âm).
- Thầy Chí Thánh sẽ quy tụ những con chiên non lại và ôm chúng vào lòng.
- Như bà mẹ âu yếm con mình thế nào thì Ta cũng sẽ an ủi con như vậy. Ta sẽ ẵm con vào lòng và vuốt ve con trên đầu gối Ta (Isaia).
- Như người cha thương con thế nào, Chúa cũng động lòng trắc ẩn chúng ta như thế. Rạng đông cách biệt hoàng hôn thế nào thì Người cũng tách xa chúng ta khỏi những tội lỗi chúng ta vấp phạm như thế. Chúa đầy lòng trắc ẩn và êm dịu: Ngài chậm phạt và chứa chan tình thương (Tv 102).
- Ai làm theo ý Cha Ta, thì kẻ đó là chị em là anh em và là mẹ Ta (Phúc Âm).
- Ôi thưa Cha! Những kẻ Cha ban cho con, thì Cha cũng yêu mến chúng như Cha đã yêu mến con vậy (Phúc Âm).
Chị cũng đặc biệt ưa thích tấm ảnh chạm trổ một em bé ngồi trên đầu gối Thầy Chí Thánh và đang cố vươn lên tới Nhan Thánh để hôn Ngài.
Tôi cho Chị coi tấm hình kỷ niệm một trẻ gái chết hồi còn nhỏ, Chị lấy tay chỉ vào mặt em và nói với giọng âu yếm hãnh diện:
“Tất cả sẽ dưới quyền em điều khiển”, như thế Chị đã thấy trước cái tước hiệu “Nữ Vương các trẻ thơ” của chị.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu khá cao lớn, Chị được một thước 62, còn Mẹ Agnès de Jésus lại bé hơn nhiều, nên có lần tôi bảo Chị:
“Nếu Chị được chọn thì Chị thích sao: lớn hay bé?”.
Chị trả lời không do dự:
“Em muốn bé để được bé nhỏ trong mọi sự”.
Giáo Hội luôn thấy nơi Têrêsa một Thánh Nữ của Tinh Thần trẻ thơ. Nhiều vị Giáo Hoàng làm chứng về điều này. Ở đây tôi chỉ xin trưng lời Đức Thánh Cha Piô XII: Lần thứ nhất Ngài đề cập tới khi còn là Đặc Sứ của Đức Piô XI vào dịp khánh thành Vương Cung Thánh Đường Lisieux ngày 11 tháng 7 năm 1937, lần thứ hai là 17 năm sau:
“Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu có một sứ mệnh, một học thuyết. Học thuyết cũng như tất cả cuộc đời Thánh Nữ là khiêm nhường và đơn sơ. Nó gồm tóm trong hai tiếng: Thơ Ấu Thiêng Liêng, hay hai tiếng khác có nghĩa tương đương: Đường Tu Bé Nhỏ”.
“Chính trong Phúc Âm, trong trung tâm Tin Mừng mà Chị đã tìm ra đời này với bao nhiêu duyên dáng tươi trẻ: Nếu các con không trở nên như trẻ thơ, chúng con không vào được Nước Trời” .
Chị mừng lễ ngày 25 tháng 3 với tất cả lòng mộ mến, vì Chị nói: “Đó là ngày Chúa Giêsu ở trong lòng Mẹ Maria, ngày Chúa là Con Trẻ bé nhỏ nhất”.
Nhưng Chị đặc biệt yêu mến mầu nhiệm Máng Cỏ, Chúa Giêsu Bé Thơ đã chỉ dạy Chị mọi bí mật về tinh thần đơn sơ và phó thác.
Bè rối Macrion đã miệt thị nói: “Hãy vứt bỏ những chiếc tã lót và cái Máng Cỏ này đi, chúng không xứng đáng với một vị Thiên Chúa”, trái lại Têrêsa đắm say việc Chúa hạ mình nên hoàn toàn bé nhỏ vì yêu chúng ta. Trên những tấm ảnh Sinh Nhật Chị tự vẽ lấy, Chị đã sung sướng viết lời sau đây của Thánh Bênađô: “Ôi! Giêsu, ai đã làm cho Chúa nên bé nhỏ như thế? Đó là Tình Yêu!”.
Tên Têrêsa Hài Đồng Giêsu Chị đã nhận hồi lên 9 tuổi, là hồi Chị tỏ ý muốn được tu Nhà Kín, Chị luôn còn thấy “thời sự tính” của nó và Chị cố gắng để mãi mãi xứng đáng với danh hiệu đó.
Sau này Chị đã viết Kinh sau đây dưới một ảnh Chúa Giêsu bé thơ:
“Ôi Giêsu bé nhỏ, kho tàng độc nhất của con, con phó mình tuỳ theo Thánh ý Chúa, không gì sung sướng bằng làm Chúa mỉm cười. Xin in sâu nơi con những ân điển phúc đức thơ ấu của Chúa, để sau này khi tới ngày con được khai sinh trên Nước Trời, thì các thần thánh nhận ra nơi hôn thê bé nhỏ của Chúa là: Têrêsa Hài Đồng Giêsu”.
Những đức tính thơ ấu Chị ước mong cũng là những đức tính Thánh Giêrônimô khâm phục và không cho là những hành động ấu trĩ, tuy Ngài là vị thánh khắc khổ và sống trước Chị nhiều.
Những vị bảo trợ em trên trời và những vị em quý mến là những vị đã đánh cắp Nước Trời như các Thánh Anh Hài hay người Trộm lành chẳng hạn. Các vị đại thánh đã kiếm được Nước Trời nhờ hành động. Còn em, em muốn bắt chước những người kẻ trộm, muốn được Nước Trời nhờ mưu mẹo, đó là mưu mẹo Tình Yêu! Chính “Tình Yêu kế” sẽ dẫn đường cho em và cho những tội nhân đáng thương vào Nước Trời. Chúa Thánh Linh phấn khích em vì Ngài đã nói trong sách Châm Ngôn: “Ồ, hỡi những kẻ bé nhỏ nhất, hãy đến học với Ta tính xảo diệu tinh tế” .
Tôi nói với Chị về việc các thánh hành xác, Chị trả lời: “Thầy Chí Thánh thật chu đáo khi Ngài báo trước là ‘có nhiều chỗ ở trong nhà Cha Ngài’ nếu không vậy thì Ngài sẽ bảo chúng ta”.
“Phải, nếu mọi tâm hồn được gọi nên bậc hoàn mỹ, mà muốn vào Nước Trời đều phải hành xác, thì Ngài đã nói điều đó cho chúng ta trước và lúc đó chúng ta hãy quảng đại tuân theo”. Nhưng Ngài đã báo ‘có nhiều chỗ ở trong Nhà Cha Ngài’. Nếu có chỗ cho những tâm hồn quả cảm như các thánh tu rừng xưa và các vị tử đạo bằng việc chay tịnh đền tội, thì cũng có chỗ cho các trẻ em bé nhỏ. Đó là chỗ của chúng ta, nếu chúng ta yêu Chúa Giêsu nhiều! Yêu Ngài cùng với yêu Chúa Cha và Thần Linh Thánh Ái”.
Như ta thấy, Chị Têrêsa là một tâm hồn hết sức đơn sơ, biết thánh hoá mình bằng những cách thức thông thường.
Do đó ta hiểu việc được những ơn lạ trong đời sống Chị là một việc trái nghịch với điều Chị gọi là thánh ý Chúa trên Chị. Đời chị phải làm mẫu mực cho những tâm hồn bé nhỏ.
Tôi bảo Chị:
- Chị làm gì nếu Chị có thể khởi sự lại từ đầu đời tu trì?
- Chắc em sẽ làm như em đã làm.
- Chị không cảm thấy tâm tình sau đây của một vị ẩn sĩ hay sao: Ngài quả quyết rằng: “Ngay khi sống lâu năm lâu tháng trong chay tịnh đền tội, thì lúc chỉ còn một khắc, một hơi thở để sống, tôi cũng vốn sợ phải đoạ đày?”.
- Không, em không thấy sợ như thế, em quá bé nhỏ để phải đoạ đày! Các trẻ nhỏ không bị đoạ đày đâu!
Chán nản, lòng nặng trĩu một chiến đấu như không vượt nổi, tôi tìm gặp Chị:
- Lần này thật là bất lực, em không thể vượt lên được nữa!
- Điều đó không có chi lạ cả. Chúng ta quá bé nhỏ để vượt lên trên những khó khăn, chúng ta phải đi qua ở dưới”.
Rồi Chị gợi lại một câu chuyện khi chúng tôi còn thơ ấu:
Ngày ở Alençon, một hôm chị em chúng tôi cùng sang nhà láng giềng chơi, có con ngựa chắn ngay lối vào vườn. Trong khi các người lới tìm lối khác để đi, thì chị bạn chúng tôi thấy không có gì dễ bằng chui dưới bụng ngựa! Chị qua trước rồi đưa tay kéo tôi, tôi kéo theo Têrêsa luôn! Không phải khom lưng uốn cái thân nhỏ bé xuống mấy, thế mà chúng tôi cũng được như ý.
Chị kết luận: “Được vậy vì chúng ta là trẻ nhỏ. Với trẻ em thì không có gì là chướng ngại cả, chúng len lỏi qua khắp nơi. Những tâm hồn vĩ đại có thể vượt trên những công việc, có thể xoay chuyển khó khăn, hay nhờ lý luận hoặc có đức tính mà lướt thắng tất cả, nhưng chúng ta là những kẻ bé nhỏ, chúng ta phải thận trọng để không bao giờ làm như vậy hết. Chúng ta hãy chui qua”.
“Chui qua” các công việc là không xét lại sự việc cách quá tỉ mỉ, không lý luận .
Trong thời gian mắc bệnh, Chị chịu những phương dược gây thật nhiều khó chịu và những cách điều trị thực là cực nhọc, nhưng Chị đã đón nhận với lòng kiên nhẫn vô biên. Tuy biết chắc điều trị cũng vô ích nhưng chị không hề ta thán phải nhọc mệt vì chạy chữa như vậy. Chị thổ lộ với tôi là đã dâng lên Chúa mọi việc săn sóc vô ích đó để cầu cho một vị thừa sai. Vị này thiếu thời giờ, thiếu phương tiện để săn sóc bản thân, Chị cầu xin để việc Chị được săn sóc này sinh ích cho ngài...
Tôi tỏ hối tiếc vì không có những tư tưởng như thế, Chị trả lời tôi:
“Chủ ý rõ ràng như vậy là điều không cần đối với một tâm hồn đã tận hiến cho Chúa. Con trẻ nằm gọn trong lòng mẹ hầu như bú sữa cách máy móc, nó không cảm thấy ích lợi của việc mình làm. Nhưng nó đã sống, đã phát triển! Nó có cần ý thức đâu!”.
Chị còn bảo tôi: Một hoạ sĩ làm việc cho chủ, không cần mỗi lần đưa bút vẽ là mỗi lần nhắc lại: Tôi vẽ nét này cho ông chủ, tôi vẽ nét này cho ông chủ... Nhưng người hoạ sĩ đó bắt tay vào việc với ý định vẽ cho chủ, thế là đủ. Hồi tâm và hướng dẫn chủ ý mình là điều tốt, nhưng cần đừng gò ép tâm thần. Chúa nhân lành nhận ra những tư tưởng tốt đẹp và những chủ ý tinh tế nơi ta. Chúa là Cha và chúng ta là những con nhỏ của Người kia mà!”.
Tôi bảo Chị:
- Em phải làm việc mới được nếu không thì Chúa Giêsu sẽ buồn chết...
- Ồ không, chính chị buồn thì có! Chúa không thể buồn vì việc chúng ta quấy rầy Ngài . Nhưng với ta, thì ta buồn biết bao nhiêu khi ta không dâng hiến cho Chúa như sức ta có thể.
Rất khiêm tốn, nên Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu “thấy mình không đủ sức leo hết chiếc thang xù xì trên đường thánh thiện”. Chị cũng cố tập sao cho càng ngày càng nên bé nhỏ để Chúa hoàn toàn đảm trách mọi việc Chị làm và bồng Chị trên tay như con trẻ thường được vậy trong các gia đình.
Chị muốn nên thánh mà không cần “lớn lên” vì cũng như những vụng về nhỏ nhoi của trẻ em không làm phiền lòng cha mẹ, thì những sơ suất của những tâm hồn khiêm tốn cũng không xúc phạm tới Chúa nhiều lắm, và những điều họ lỗi lầm cũng không phải xét đoán nặng nề, như lời Sách Thánh: “Người ta tha thứ cho trẻ em vì thương hại” . Do đó Chị thận trọng giữ mình kẻo ước ao cho mình là hoàn toàn và để cho chị em tưởng Chị còn kém cỏi, vì nếu Chị “khôn lớn” thì Chúa sẽ để chị bước đi một mình.
Chị nói: “Trẻ em làm việc không để tạo cho mình một địa vị. Nếu chúng có ngoan thì để làm vui lòng cha mẹ. Cũng vậy, không được làm việc để trở nên những vị thánh, mà để làm vui lòng Chúa”.
Trong khi Chị đau yếu, vì tôi còn thấp kém nên hay phàn nàn về chuyện đó, Chị nói với tôi:
- Chị hôn ảnh Chuộc Tội đi, hôn ngay đi!
Tôi hôn dưới chân tượng.
- Một em nhỏ có ôm hôn cha em như vậy không? Mau mau hôn trên mặt chứ!
Tôi làm theo như vậy.
- Và bây giờ thì phải để mình được ôm hôn đi!
Tôi phải đặt tượng lên má.
- Tốt lắm, lần này thì được xí xoá tất cả rồi.
“Ngày xưa Thầy Chí Thánh trả lời mẹ con ông Giêbêđê: ‘Ngồi bên phải và bên trái Ta là điều thuộc về những kẻ Cha Ta đã chọn’ . Em hình dung ra những chỗ đặc biệt này nếu không dành cho những vị đại thánh, các vị tử đạo thì đúng là dành cho các trẻ thơ rồi”.
“Đavít đã chẳng tiên báo điều đó hay sao khi Ngài nói: Em út Bengiamin sẽ chủ toạ cộng đoàn (các thánh)” .
Người ta hỏi Chị xem chúng tôi phải cầu nguyện với Chị dưới danh hiệu nào khi Chị đã về Trời.
Chị khiêm tốn trả lời:
- Các chị sẽ gọi em là Têrêsa nhỏ.
Chị nói về tình yêu và lượng từ ái Chúa thì không bao giờ hết. Lòng trông cậy của Chị thật bất khả kháng. Nếu ngay từ thơ ấu Chị đã ước ao “nên thánh, một vị đại thánh” như Chị tuyên bố trong tập Tự Thuật , thì điều Chị hoài bão là làm sao được tan biến trong những huân nghiệp vô tận của Chúa Giêsu. Chị nói chính những huân nghiệp đó là gia sản của Chị. Ngay cả những ước vọng cao xa nhất cũng không cho là táo bạo.
Chị quả quyết không nên sợ hãi vì dám ước vọng nhiều, cầu xin nhiều với Chúa: “Trên đời có những người biết làm cho người ta mời mọc mình, biết len lỏi vào mọi nơi... Nếu ta xin Chúa điều gì mà Ngài không tính ban cho ta, thì Ngài cũng rất quyền phép giàu có, nên vì danh dự Ngài mà Ngài không nỡ từ chối ta và ban cho ta...”.
Nhưng Chị không hề dùng lòng gan dạ thánh thiện này để xin những an ủi hay xin giảm bớt khổ cực bao giờ cả.
Chị rất thận trọng trong khi xin những ơn thế tục. Chị tưởng là Chúa không từ chối Chị điều gì, và Chị thố lộ là Chị rất dè giữ “kẻo sợ Chúa phải buộc lòng nhận lời em xin”.
Do đó khi Chị xin ân huệ hay an ủi nào, thì để làm vui lòng người khác và Chị còn nhờ Đức Trinh Nữ chuyển lời cầu xin thay Chị. Điều này Chị diễn tả như sau:
- Cầu xin với Đức Trinh Nữ không giống như cầu xin với Chúa. Mẹ biết rõ điều Mẹ làm theo những ước muốn bé nhỏ của em, Mẹ hiểu điều nào phải nói, điều nào cần im lặng... Cũng chính Mẹ xem xét để khỏi ép buộc Chúa nhận lời em, có vậy Chúa mới thực thi tất cả theo thánh ý Ngài được.
Về lời nguyền sẽ “làm nhiều việc lành trên dương thế sau khi chết”, Chị thêm điều kiện này: “Trước khi nhận lời ai kêu xin em, em sẽ cẩn thận nhìn lên ánh mắt Chúa xem em có xin điều gì trái ý Ngài không”.
Chị lưu ý chúng tôi là tinh thần phó thác đó rập khuôn theo lời cầu của Đức Trinh Nữ tại tiệc cưới Cana, Mẹ chỉ nói: “Họ không còn rượu” . Hay như Mátta và Maria: “Người Thầy yêu đang đau” . Các bà chỉ trình bày điều mình ước muốn mà không đưa ra lời xin, để Chúa Giêsu được tự do hành động.
Chị bước theo đường phó thác tới mù quáng và toàn diện, đường Chị gọi là “Đường Bé nhỏ” hay “Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng”, nhưng không bao giờ Chị xao lãng việc cộng tác với Chúa. Vì coi đây là việc quan trọng, nên trót đời Chị đã thực hiện biết bao việc độ lượng và cao thượng. Đây là điều Chị tâm niệm và hằng chỉ bảo chúng tôi khi ở Nhà Tập.
Có hôm tôi đọc những lời sau đây trong cuốn Đức Huấn Thiện: “Lòng từ ái sẽ ban cho mỗi người địa vị tuỳ huân nghiệp họ làm và tuỳ lương tri họ sử dụng” . Tôi bảo Chị sẽ có địa vị tốt đẹp vì Chị đã lái con thuyền đời một cách tuyệt hảo. Nhưng tại sao lại tuỳ theo huân nghiệp họ làm? Chị liền hăng say cắt nghĩa để tôi hiểu tinh thần tín thác và trao phó toàn thân nơi Chúa cần được nuôi dưỡng bằng hy sinh. Chị bảo: “Chúng ta phải làm mọi việc có thể làm, cho không tính toán, bền tâm quên mình. Tóm lại, là tận sức thi hành một việc lành để chứng tỏ tình yêu. Nhưng thực ra những việc đó có đáng kể chi... Nên khi đã làm mọi việc ta tưởng là cần làm, thì ta phải thú nhận mình là đầy tớ vô ích và hy vọng Chúa sẽ lấy độ lượng ban mọi điều ta mong muốn.
Đó là điểm những tâm hồn bé nhỏ chạy trên đường thơ ấu hy vọng: Em nói là chạy chứ không phải an nghỉ đâu nhé!”.
Têrêsa luôn khắc sâu nơi tâm khảm tôi lòng tín thác khiêm tốn, đó cũng là lòng tín thác Chị đã đích thân sống mãnh liệt. Đây là khung cảnh tôi được hô hấp như khí trời vậy.
Đêm Sinh Nhật năm 1894, tôi còn ở Nhà Tập và đã thấy trong giấy bài thơ Têrêsa tặng tôi nhân danh Đức Trinh Nữ. Bài thơ đó như sau:
“Jésus tressera ta couronne,
Si tu ne veux que son Amour.
Si ton coeur,à Lui, s’abandonne
Ij te fera régner un jour.
Après la nuit de cette vie
Tu verras son très doux regard;
Et, là-haut, ton âme ravie
Volera sans aucun retard”.
“Giêsu sẽ kết triều thiên cho con,
Nếu con chỉ muốn có Tình Yêu Ngài.
Ngày kia Ngài đặt lên ngai thống tri
Nếu hồn con tín thác nơi mình Ngài.
Rồi sau đêm cuộc đời tăm tối này
Con được thấy mắt Ngài nhìn dịu hiền;
Trên đỉnh cao xanh, hồn con đắm say
Tung cánh vút bay không chút chậm trì”.
Trong khi dâng mình cho Tình Ái Tuất Chúa, Chị đã kết thúc đoạn nói về lòng Chị yêu mến như sau:
“Chớ chi cuộc tử đạo này sau khi đã chuẩn bị con ra trước Nhan Thánh Chúa, thì làm con được tắt thở và chớ chi hồn con được bay thẳng vào vòng tay Ái Tuất Chúa muôn muôn đời!”.
Chị sống với tư tưởng đó và không bao giờ nghi ngờ rằng không thực hiện được cả. Chị say mê lời sau đây của Thánh Gioan Thánh Giá mà Chị coi như của Chị vậy: “Chúa càng muốn ban cho ta bao nhiêu, thì Ngài càng làm ta ước vọng bấy nhiêu” .
Chị đặt nền tảng niềm hy vọng sẽ không phải qua lửa luyện tội trên tinh thần Phó thác và trên Đấng Tình Yêu, đồng thời cũng không quên đức khiêm nhường là nhân đức đặc biệt của tinh thần trẻ thơ. Trẻ em yêu mến cha mẹ và không có một kỳ vọng nào ngoài điều muốn hoàn toàn nơi cha mẹ vì em thấy mình yếu đuối bất lực.
Chị nói với tôi: “Có bao giờ người cha mắng con khi em đã biết thú tội không? Chẳng lẽ ông ra hình phạt ư? Không, nhất định không! Trái lại ông ôm con vào lòng!”.
Dựa trên tư tưởng này, Chị nhắc tôi nhớ câu chuyện chúng tôi đã đọc hồi thơ ấu: Có một vị vua đi săn, Đức Vua rượt bắt con thỏ trắng mới bị bầy chó đánh hơi. Con thỏ thấy mình tới ngày tận số, nên thình lình đổi chiều và nhảy ngay vào trong tay vị đang săn mình. Vị này xúc động vì cử chỉ chứa chan phó thác ấy, nên không muốn xa lìa con thỏ trắng kia nữa, mà dành lấy việc chăm sóc nuôi dưỡng chú thỏ đáng thương đó.
Rồi Chị bảo tôi:
- Chúa sẽ xử với ta như vậy, nếu khi bị phép công thẳng đuổi bắt như bầy chó đuổi bắt chú thỏ, thì ta cũng ẩn trú ngay trong tay Vị Thẩm Phán của ta”.
Tuy Chị đã nhìn thấy những tâm hồn bé nhỏ đi theo Con đường Thơ ấu thiêng liêng, Chị cũng không hề mất hy vọng táo bạo là cả những tội nhân xấu xa cũng theo con đường này nữa.
Vì thế Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã có thể viết trong Bút Ký:
“... Vâng, con tín thác ngay cả khi con thấy mình chất chứa mọi thứ tội lỗi người ta có thể phạm. Lúc đó lòng chan hoà thống hối, con sẽ gieo mình vào cánh tay Chúa Giêsu, vì con biết rõ Chúa rất yêu thương người con phung phí trở về với Người. Không phải vì Chúa nhân lành trong tình thương yêu săn sóc của Ngài, Ngài đã giữ gìn hồn con khỏi tội trọng mà con nâng lòng con lên với Ngài trong tin yêu” .
Khi vừa vào Dòng Kín, tôi liền xin phép đọc hạnh các đấng ẩn tu và tôi có ghi được một số đoạn. Có mẩu chuyện làm Têrêsa xúc động tới nỗi Chị tiếc là đã không chép vào Tiểu sử của Chị và Chị nài nỉ xin thêm vào. Câu chuyện như sau:
“Có một thiếu nữ tội lỗi tên là Paésie đã làm gương mù tai hại cho cả vùng. Một vị ẩn tu tên là Jean de Nain tìm gặp nàng và khuyên nàng nên thống hối tội lỗi. Nàng ngỡ ngàng hỏi: Thưa cha, con mà cũng thống hối được sao? Vị thánh trả lời: Còn, cha quả quyết với con là còn! Nàng thưa lại: Vậy xin cha thương dẫn con tới nơi nào thuận tiện để con được thống hối dễ dàng.
Lập tức nàng chỗi dậy theo ngài, không cần ra lệnh gì cho người nhà cũng không cần nói với họ lấy một lời.
Khi cha con vào đến sa mạc thì trời tối, cha Jean lấy cát làm gối, ghi dấu Thánh giá trên đó rồi bảo Paésie tạm ngủ qua đêm. Còn ngài thì đi xa hơn nữa để cầu nguyện rồi cũng nghỉ lấy sức. Nửa đêm ngài thức giấc thì thấy một luồng sáng từ trời chiếu trên mình Paésie làm thành như đường đi cho biết bao nhiêu thiên thần đưa Paésie về trời. Sửng sốt vì thị kiến vừa qua, ngài chỗi dậy tới lấy chân hất Paésie xem nàng còn sống hay chết, và ngài thấy nàng đã về chầu Chúa. Cũng lúc đó ngài nghe thấy một tiếng lạ lùng bảo: Lòng thống hối đền tội nàng làm trong một giờ còn đẹp lòng Chúa hơn là kẻ khác làm lâu dài, vì họ không làm với lòng sốt sắng đầy nhiệt tâm như nàng” .
Rất nhiều lần Chị Têrêsa lưu ý tôi rằng chỉ một số rất ít việc cũng đủ đền trả phép công bình Chúa khi người ta làm chỉ vì tình yêu thúc đẩy, và lúc đó thì hình phạt tạm dành cho tội lỗi được giảm chước vì tất cả đều biến thành êm dịu ngọt ngào.
Chị thổ lộ với tôi:
- Em đã có kinh nghiệm sau khi phạm lỗi, dầu là một bất trung nhỏ mọn, thì cũng làm linh hồn phải chịu trong một thời gian một sự khó chịu phiền muộn nào đó. Lúc ấy em bảo mình: ‘Con gái cưng của ta, đấy là hậu quả lỗi lầm con đó’ và em nhẫn nại chịu đựng để món nợ bé nhỏ được đền trả ngay.
-
Nhưng trong niềm cậy trông này, Chị thấy chỉ những kẻ khiêm nhường và phó thác trong yêu mến mới đền trả thoả đáng phép công thẳng Chúa. Với những linh hồn này, Chị thấy họ không phải xuống Luyện Ngục vì Chị nghĩ rằng Cha trên trời sẽ đền bù tính phó thác của họ bằng cách ban cho họ ơn soi sáng trong giờ nguy tử, làm họ thấy những khốn nạn của mình mà sinh lòng ăn năn thống hối trọn vẹn, do đó mọi nợ nần đều được xoá bỏ hết.
Các vị thần bí thường tập sống trọn lành để đi tới tình yêu, trái lại Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu lại lấy ngay tình yêu làm con đường trọn lành.
Tình yêu là đối tượng trong cả đời sống, là động lực trong mọi hành động của Chị.
“Các vị đại thánh đã hành động để làm vinh danh Chúa, còn em vì là một linh hồn bé mọn nên em làm việc để vui lòng Chúa, để thoả mãn những ‘sở thích’ của Chúa và em sẽ sung sướng được chịu những đau khổ lớn lao nhất, dầu giả như Chúa không biết tới cũng vậy. Chịu đau khổ như thế không phải để đem lại cho Chúa một vinh quang chóng qua, (thường vinh quang đó sẽ đẹp lắm!) mà chỉ cầu để Chúa sẽ nở nụ cười tươi trên môi... Nhiều người muốn mình là kẻ hữu ích! Còn em, điều em mơ ước là được trở nên một đồ chơi vô dụng trong tay Chúa Giêsu bé thơ... Em, em là ‘trò giải trí mau qua’ của Giêsu bé thơ...”.
Trong khi đau yếu, Chị đã thổ lộ với tôi:
- Em luôn chỉ ước mong một điều là làm vui lòng Chúa. Nếu em chỉ tìm cách thu tích công nghiệp thì tới ngày Chúa đến em sẽ phải thất vọng mất.
-
Đúng như vậy, vì Chị hiểu rằng, “mọi sự công chính của chúng ta đều còn tì ố trước nhan Chúa” . Nên với lòng khiêm tốn Chị kể công việc mình làm không có một giá trị gì và Chị quan tâm đến lòng yêu mến đã thúc đẩy Chị làm việc.
Chị nói: “Chúa đã chịu cực đủ rồi. Ngài tha thiết yêu chúng ta mà buộc lòng phải để chúng ta nơi trần thế này để chúng ta hoàn tất thời gian thử luyện, nên chúng ta đừng nói hoài với Chúa rằng mình phải cực khổ nữa, không nên làm ra vẻ nhận thấy điều đó”.
Khi Chị toát mồ hôi vì trời nóng hay chịu lạnh buốt trong mùa đông, Chị có tư tưởng tuyệt hảo này là chỉ lau mặt và chỉ xoa tay “một cách vụng trộm như thể để Chúa không đủ thời giờ nhìn thấy...”.
Khi làm việc hãm mình theo Luật dòng dạy cũng vậy: “Em cố gắng tươi cười lúc đó để Chúa như thể mắc lừa vì nét mặt tươi vui, mà không nhận ra em đang đau đớn”.
Với giọng ngây thơ Chị nói: “Khi lên trời nếu em không được mọi điều em ước muốn, em sẽ rất cẩn thận kẻo Chúa biết và Người sẽ không nhận ra được là em ‘thất vọng’”.
- “Chị thật tế nhị với Chúa! Còn em, em muốn quá mà không có!... Lòng em ước ao như vậy có bù đắp lại được phần nào không?
- Dĩ nhiên có chứ, nhất là khi chị đón nhận với lòng khiêm tốn. Ngay cả khi chị vui vẻ vì mình thiếu như thế, thì chị lại còn làm đẹp lòng Chúa Giêsu hơn là khi chị có tâm hồn tế nhị. Lúc đó chị hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì con không có chút tế nhị nào cả và con sung sướng thấy người khác có được tư cách đó... Lạy Chúa, mọi việc Chúa làm đều cho con tràn ngập tươi vui” .
Ngọn lửa tình yêu nơi Chị luôn tinh tuyền và mãnh liệt như vậy là vì Chị luôn thận trọng để không dính bén tạo vật và chỉ nuôi dưỡng tình yêu bằng hy sinh thôi. Có lần chúng tôi ở trong thư viện, Chị nói với dáng điệu vui vẻ thường ngày: “Ồ! Em sẽ buồn biết bao nếu em đã đọc hết những cuốn sách này!”.
- Tại sao vậy, vì nếu đọc thì mình được thêm kiến thức kia mà. Có hối tiếc vì phải đọc chứ sao lại vì đã đọc?
- Này nhé, nếu em đã đọc thì em đến điên đầu lên mất và em sẽ bị phí một thời gian quý báu, thời gian em dùng để chỉ yêu mến Chúa thôi”.
Tôi bảo Chị rằng Chúa đòi hỏi tôi nhiều hơn chị em khác, chẳng hạn chị này chị nọ có này có nọ mà tôi thì không. Chị trả lời:
- “Chúa đòi thế nào thì em luôn bằng lòng thế đó, em không băn khoăn gì tới việc Chúa đòi người khác, và em cũng không cho rằng mình có nhiều công hơn kẻ khác vì Chúa đòi hỏi nơi em nhiều hơn. Điều làm em vui sướng và nếu em được chọn lựa, thì đó là chỉ làm như Chúa muốn em làm. Em luôn thấy phần Chúa dành cho em thật đẹp đẽ... ngay cả việc người khác có nhiều công nghiệp trong khi chỉ phải ban phát ít, thì em cũng vốn thích có công nghiệp mà lại được ban phát nhiều, vì như vậy thì em sẽ làm trọn thánh ý Chúa”.
Tôi bảo Chị thật sung sướng được “ra đi với Chúa”, nên Chị trả lời:
- “Em ước ao được ra đi không phải để tìm sung sướng chút nào cả. Đau khổ còn hấp dẫn, làm em thích nó hơn là lên trời nữa kia! Em ước mong giờ chết là vì như vậy chắc chắn làm trọn thánh ý Chúa, nếu không thì em thà sống chịu đau khổ như tử đạo còn hơn!”.
Tuy buồn phiền vì các hội dòng bị bách hại, nhưng mắt Chị sáng lên khi nghĩ rằng chúng tôi có thể phải đổ máu mình ra. Chị có những lời lẽ hết sức hăng nồng chứng tỏ lòng Chị yêu mến mãnh liệt.
Trong những ngày bệnh sau hết, tôi thấy Chị kêu lên:
- Tôi mà sẽ chết trên giường êm ấm ư? Ước chi tôi được ngã gục trên hí trường!
Bàn thờ do ông Martin công đức
Khi cha tôi công đức bàn thờ chính cho nhà thờ Chánh Toà Saint Pierre ở Lisieux thì có một số người trong gia đình không bằng lòng, vì cho là một tặng vật quan trọng vượt quá sức cha tôi, có thể để con cái thiếu thốn . Têrêsa sung sướng về việc này, Chị nói: “Sau khi cha đã dâng tất cả chúng mình cho Chúa thì dĩ nhiên cha phải dâng thêm bàn thờ để tế hiến chúng mình và tế hiến luôn chính cha nữa chứ!”.
Tôi tâm sự với em tôi rằng trong Giờ Kinh Nhật Tụng tôi coi mình như vãi hoa dâng tiến Chúa. Khi luân phiên đọc Thánh Vịnh, tôi thấy cả một trận mưa hoa!
Hoa thay đổi theo từng Thánh Vịnh. Khi thì hoa huệ, lúc lại hoa hồng. Tất cả các loại hoa tự nhiên xuất hiện trong trí tôi đều như diễn qua trong lời kinh. Cuối cùng vườn hết hoa! Chỉ còn loại hoa những cây ăn trái, tôi do dự một chút rồi đưa tay hái hoa đào, hoa anh đào, hoa mơ... và cuối cùng giờ kinh nhật tụng thì không còn sót lại cánh hoa nào cả.
Ý nghĩ hái cả hoa những cây ăn trái làm Têrêsa thích thú. Chị lưu ý tôi rằng đặc điểm của tình yêu là hy sinh tất cả, là trao tặng không tiếc tay, là không còn nghĩ tới hoa sắp thành trái, là hành động như điên dại, vung vãi cùng độ và không bao giờ tính toán.
Chị nói: “Không quản gì với tình yêu, say lên vì yêu. Ôi sung sướng! Tình yêu ban phát tất cả và tín thác! Nhưng thường chúng ta chỉ ban tặng sau khi đã tính toán, chúng ta do dự trong việc hy sinh lợi ích trần thế cũng như tinh thần! Tình yêu thì không như thế! Yêu là mù quáng, yêu là ngọn thác không để lại một vật gì trên dòng nước cuốn!”.
Lần khác tôi bảo chị:
- Điều em ước ao ở Chị là công việc Chị làm. Em cũng muốn làm những công việc hữu ích, muốn sáng tác những điều giúp yêu mến Chúa!
- Không được để trí lòng vào những cái đó. Chị nghe em đi, viết những sách đạo đức, sáng tác những lời kinh kỳ diệu, tạo nên những công trình nghệ thuật... Ồ! Không, trước sự bất lực của chị em mình, chúng ta phải lấy công việc của các người khác để dâng lên Chúa, đó là điều lợi ích do việc các thánh cùng thông công, và bất lực đó, thay vì gây buồn rầu, thì chúng ta phải tin cậy vào duy có tình yêu thôi.
Tauler đã nói: “Nếu tôi quý mến sự thiện hảo nơi tha nhân hơn chính họ quý mến, thì sự thiện hảo đó thuộc về tôi hơn là thuộc về họ. Nếu tôi yêu quý nơi thánh Phaolô mọi ân huệ Chúa đã ban cho Ngài thì tất cả những ân huệ đó thuộc về tôi cũng như đã thuộc về Ngài vậy. Nhờ hiệp thông như thế, tôi có thể trở nên sung mãn bằng tất cả những thiện hảo trên trời cũng như dưới đất, những thiện hảo nơi các thiên thần, các thánh cũng như nơi mọi kẻ mến yêu Chúa”.
Các vị tiến sĩ dạy rằng ở trên trời tình yêu rằng buộc các thánh đến nỗi mỗi vị hưởng hạnh phúc của các vị khác như thể chính mình có công và chính mình được vui nếm hạnh phúc đó vậy .
Chị cũng sẽ làm được mọi việc lành như em và còn hơn thế nữa, nhờ điểm này là chị ước ao làm việc lành đó và nhờ chị biết chu toàn công việc bé nhỏ âm thầm nhất vì yêu mến. Chẳng hạn như chị vui lòng giúp đỡ một việc làm chị phải cố gắng rất nhiều.
Chị biết rõ là em nghèo hèn lắm, nhưng Chúa nhân lành ban cho em lần hồi mọi điều em cần thiết”.
Mùa đông năm 1896-1897, Mẹ Bề trên (Mẹ Marie de Gonzague) không muốn để Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu phải lạnh giá bàn chân, nên đã truyền Chị dùng một loại lò sưởi bằng than để đôi dép Chị đi luôn ấp áp . Nhưng Chị chỉ dùng lò sưởi vì vâng lời và dùng khi thật cần thiết rồi để lò tắt ngấm khi cho là trời không lạnh lắm! Lò tắt như vậy không vừa ý tôi chút nào hết!
“Người khác sẽ trình diện trên trời với những dụng cụ hành xác, còn em, em sẽ trình diện với chiếc lò sưởi. Nhưng chị ạ, chỉ có tình yêu và đức vâng lời là đáng kể”.
Chị Têrêsa thuật lại với chúng tôi: “Em đọc chuyện một vị lãnh chúa nọ muốn xây cất một thánh đường. Ông ra chiếu chỉ lệnh cho các chư hầu không được lạc quyên chi cả vì ông muốn chỉ mình ông được vinh dự đó thôi và nhà thờ đã được xây cất theo ý ông.
Ngày kia có một bà già thấy đoàn ngựa kéo đá phải khó nhọc lắm mới lên được trên đồi, nên tự nhủ: đã có lệnh cấm dâng cúng tiền bạc để xây cất đền thờ Chúa, tuy vậy tôi cũng sung sướng được góp phần vào việc này, không hiểu nếu tôi giúp đỡ những con vật đang làm việc một cách vô tri như thế kia thì có làm vui lòng Chúa không nhỉ? Túi chỉ còn lại mấy đồng, bà dùng cả số tiền mua một bó cỏ cho ngựa ăn.
Khi xây cất xong, vị lãnh chúa muốn cử hành lễ cung hiến và truyền đặt bia khắc tên ông cùng với gia đình để muôn đời làm chứng lòng hào hiệp của ông. Nhưng hôm sau tên ông bị xoá đi và người ta thay thế vào đó tên một người đàn bà không ai biết.
Vị lãnh chúa nổi giận truyền sửa lại nhiều lần, nhưng sự kiện lạ lùng kia vẫn tái diễn hoài. Sau cùng, ông lệnh cho truy tầm mụ. Khi thấy người đàn bà nghèo hèn, ông tra hỏi xem bà có góp chút chi vào việc xây cất thánh đường không. Run rẩy sợ hãi, bà chối dài. Nhưng bị hỏi dồn dập mãi, bà mới nhớ ra bó cỏ khô lúc trước và nói rằng vì có lệnh cấm nên bà không dâng cúng tiền của mà chỉ giúp đỡ bầy ngựa bằng cách cho chúng ăn ít cỏ thôi. Lúc đó người ta mới hiểu tại sao tên bà được khắc vào bia và không còn ai dám xoá bỏ tên bà nữa”.
Têrêsa kết luận:
- Chị em thấy rõ là một việc nhỏ bé âm thầm đến đâu chăng nữa, nếu làm vì yêu mến thì luôn có giá trị hơn những công trình vĩ đại. Điều đáng kể không phải là công việc có giá trị hay bề ngoài có vẻ thánh thiện, mà chỉ hệ tại làm vì yêu mến nhiều hay ít. Do đó không ai có thể bảo mình không dâng lên Chúa những việc bé nhỏ như vậy được, vì nó vừa sức mọi người.
“Chị nên ghi nhớ câu thơ sau đây trong Nhã Ca tinh thần của Cha Thánh Gioan Thánh Giá”:
Trở lại đây bồ câu ta hỡi
Này chàng nai mình mang thương tích
Đang vươn lên tiến ra đỉnh đồi
Vì chàng ngây ngất dáng nàng bay
Và nhịp cánh khiến chàng tươi say .
Chị thấy chưa, vị Lang Quân là Chàng nai mình mang thương tích không ngây ngất vì chiều cao tức là vì những công việc rực rỡ, mà chỉ say mê vì dáng bay và chỉ một nhịp cánh - tức là một hành động vì bác ái chân thật - thì đã đủ tạo nên làn gió tình yêu này rồi”.
Trong lúc chầu Mình Thánh 40 giờ liền - hôm thứ ba 26-2-1895 - Têrêsa đã sáng tác một mạch bài ca “Sống Tình Yêu” của Chị (Vivre d’Amour).
Đến Chúa nhật 9-6 năm đó là lễ kính Chúa Ba Ngôi, trong thánh lễ Chị được thần cảm dâng mình làm hiến tế đền tạ Tình Yêu Dung Thứ của Chúa, để nhờ thế chị nhận được vào lòng mình tất cả Tình Yêu Chúa muốn đổ tràn trên các thụ tạo nhưng họ đã chối từ.
Vừa lễ xong, lòng thổn thức Chị kéo tôi theo Chị, làm tôi không hiểu vì lý do gì. Ngay sau đó chúng tôi gặp Mẹ Bề trên (Mẹ Agnès de Jésus) đang đi về phía phòng khách. Têrêsa hơi lúng túng trong khi trình bày. Chị ấp úng xin được cùng tôi tận hiến cho Tình Yêu Dung Thứ. Tôi không biết rõ Chị có nói tiếng: “Lễ vật hy sinh” (victime) hay không. Xem ra điều đó không quan trọng, nên Mẹ Bề trên đã trả lời: được.
Khi chỉ còn lại riêng Têrêsa và tôi, mắt sáng như lửa, Chị cắt nghĩa cho tôi hiểu Chị muốn làm gì. Chị bảo sẽ viết ra các điều Chị suy nghĩ và sáng tác một kinh Tận Hiến.
Hai ngày sau, chúng tôi quỳ trước tượng Đức Trinh Nữ Làm Phép Lạ Mỉm Cười, lúc đó tượng này đặt ở cạnh phòng Chị. Chị đã đọc kinh Tận Hiến thay cho hai chúng tôi. Hôm đó là thứ ba 11-6.
Sau này Chị Têrêsa trao bản kinh cho chị Marie du Sacré Coeur và chị Marie de la Trinité . Chị đã nói tới việc này trong cuốn Bút Ký . Chị mời tất cả mọi tâm hồn bé nhỏ tham dự vào việc tận hiến này.
Thật ra theo ý Chị thì đây không phải là dâng mình để chịu thêm những đau khổ quá bổn phận mình, nhưng là phó thác với lòng tin cậy hoàn toàn nơi lượng Từ Bi Chúa.
Chị Marie du Sacré Coeur là chị Cả trong gia đình chúng tôi, lúc đầu không bằng lòng dâng mình theo kinh Tận Hiến đó, vì chị không muốn tự chuốc lấy những thử thách thái quá.
Về chuyện này, chị Y tá của Chị ghi lại, những hàng chưa được công bố, trong cuốn sổ riêng như sau:
“Hôm nay mồng 6 tháng 6 năm 1934, tôi nói với chị Marie du Sacré Coeur về kinh Tận Hiến cho Tình Yêu Dung Thứ. Chị cho tôi hay là lúc phơi cỏ khô ngoài sân, khi ấy Chị Têrêsa đang ở bên cạnh chị và đã hỏi xem chị có bằng lòng dâng mình làm lễ vật tận hiến cho Tình Yêu Dung Thứ không. Chị đã trả lời Têrêsa: Dĩ nhiên là không. Chị không dâng mình làm lễ vật hy sinh đâu. Chúa sẽ nhận lời và chị khiếp sợ đau khổ lắm. Ngay cả tiếng “Lễ vật hy sinh” (victime) chị cũng không ưa chút nào cả”.
Têrêsa nhỏ đáp lại là Chị biết như vậy lắm, nhưng dâng mình làm lễ vật hy sinh cho Tình Yêu không giống như việc dâng mình phạt tạ phép Công Thẳng Chúa. Chị bảo dâng mình như vậy cũng không phải chịu đau khổ gì hơn, song để yêu mến nhiều hơn hầu đền bù thay cho những kẻ không muốn yêu Chúa.
Chị Marie du Sacré Coeur còn tiếp: “Têrêsa trở nên nói năng linh hoạt tới nỗi tôi thuận theo em và không ân hận chút nào về việc mình làm cả”.
Có điểm đáng chú ý là về sau chị Marie du Sacré Coeur đã cổ võ để tất cả những bạn hữu cũng như những người chị có dịp giao dịch đọc kinh dâng mình đó. Theo như tôi biết thì chỉ có một người từ chối lời Chị mời thôi.
Chính trong lúc thì thầm nhắc lại từng tiếng bản kinh Tận Hiến này mà chị Marie du Sacré Coeur tắt thở hồi 2 giờ 20 phút ngày 19 tháng 1 năm 1940.
Ở đây tôi cũng xin ghi thêm lời một chị bạn Nhà tập tâm sự với tôi, là chị Marie de la Trinité:
“Đến ngày 30-11-1895, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu mới cho em biết việc Chị tận hiến như lễ vật toàn thiêu cho Tình Yêu Dung Thứ. Em liền tỏ ý muốn được theo Chị và việc em dâng mình được ấn định vào ngày hôm sau.
Khi một mình suy nghĩ về sự bất xứng, em thấy cần phải chuẩn bị lâu dài hơn vì đây là một việc thật hệ trọng. Em tìm gặp Chị Têrêsa bày tỏ lý do khiến em muốn hoãn việc dâng mình lại.
Niềm vui sướng hiện rõ trên nét mặt, Chị trả lời:
- Đúng thế, việc này thật hệ trọng tới nỗi chúng ta không thể tưởng tượng nổi, nhưng chị có biết điều Chúa xin chúng ta chuẩn bị là gì không? Một điều này thôi là khiêm nhường nhận mình bất xứng, và vì Chúa ban cho chị ơn đó, thì chị cũng hãy gieo mình vào lòng Người không chút sợ hãi. Ngày mai sau khi cám ơn Rước lễ, em sẽ quỳ bên chị trong phòng đặt Mình Thánh Chúa, và trong khi chị đọc kinh dâng mình, thì em sẽ dang chị lên Chúa Giêsu như một lễ vật tận hiến bé nhỏ em đã dọn sẵn cho Ngài”.
Nếu Chị Têrêsa nghĩ việc tận hiến cho Tình Yêu này mang lại cho chúng tôi nhiều đau khổ phụ trội thì Chị đã không hăng say khích lệ chúng tôi như thế. Trái lại, Chị đã xác định rõ là cử chỉ tận hiến đó khác hẳn với công việc tận hiến cho Phép Công Bình Chúa: “Ta không phải sợ hãi gì hết khi tận hiến cho Tình Yêu Dung Thứ, vì ta chỉ nhờ nhận lãnh lòng bao dung phát ra từ Tình Yêu đó mà thôi”.
Chị nhấn mạnh rằng việc tận hiến này không đòi điều gì khác ngoài thiện chí và lòng quảng đại.
“Thiện chí và lòng quảng đại” được nâng đỡ bằng ơn thánh ban cho trong chính giây phút hiện tại. Việc tận hiến cho Tình Yêu làm cho ơn hiện sủng thêm sung mãn và càng tận hiến toàn diện bao nhiêu thì ơn Chúa phù trợ càng mau lẹ và hữu hiệu bấy nhiêu.
Chị nói với tôi nhân một đồ chơi thông dụng chúng tôi thường vui chơi hồi thơ ấu. Đó là chiếc ống kính ngũ sắc, thuộc loại ống dài, người ta nhìn thấy những màu sắc kỳ thú ở đầu ống đằng kia. Nếu xoay ống, thì màu sắc và hình thể sẽ biến đổi vô tận.
Chị bảo tôi: “Thật đáng thán phục! Em tự hỏi không hiểu tại sao có được những cảnh đẹp đẽ như thế? Rồi một hôm quan sát cẩn thận, em nhận ra đó chỉ là mấy mẩu giấy và mấy sợi len vất ngổn ngang không có hình dáng nhất định nào cả. Tiếp tục tìm tòi và em thấy có ba tấm gương ở bên trong ống. Em đã nắm được chìa khoá của vấn đề.
Đối với em, đây là hình ảnh của một huyền nhiệm vĩ đại. Bao lâu công việc ta làm dầu bé nhỏ đến đâu đi nữa, nếu không ra ngoài trung tâm Tình Yêu, là Chúa Ba Ngôi, ở đây được coi như ba tấm gương hội tụ thì bấy lâu sẽ được phản chiếu và có vẻ đẹp huy hoàng.
Đúng thế, bao lâu lòng chúng ta còn yêu mến, không bị tách ra ngoài trung tâm, thì bấy lâu mọi sự đều tốt đẹp và như thánh Gioan Thánh Giá nói: ‘Tình yêu biết lợi dụng mọi sự nơi tôi, dù việc tốt lành cũng như xấu xa và biến đổi mọi sự trở nên tình yêu’ . Chúa nhân từ nhìn xem chúng ta qua cặp kính, nghĩa là qua chính Chúa và Ngài thấy những cọng rơm đáng thương nơi ta cũng như những việc thật vô nghĩa ta làm đều trở nên tốt đẹp, nhưng để được vậy thì điều cần là không lìa xa trung tâm cặp kính! Vì nếu xa trung tâm thì Ngài sẽ nhìn rõ đó chỉ là những vụn len và những mẩu giấy ti tiểu”.
Chị hay nói với tôi là Chị không muốn thành người “bốn mùa bán rong”, vì nghề này không kiếm được lời lớn mà phải bòn nhặt từng xu. “Tuy vậy vốn có những tâm hồn kiếm từng xu như vậy, họ đòi để được trả từ từ. Còn em, em đánh bài ở ngân hàng Tình Yêu... Em đánh bài ăn lớn. Nếu có thua, thì rồi sau này em cũng sẽ được biết. Em không quan tâm gì tới việc chi tiêu tiền riêng cả, vì chính Chúa Giêsu làm việc đó cho em nên em cũng không biết mình giàu hay nghèo nữa. Sau này em sẽ biết”.
“Chúa là ngọn lửa thiêu huỷ”
Có lần tay cầm Thánh Thư của thánh Phaolô, Chị gọi tôi và nói giọng hăng say: “Chị nghe đây, Thánh Tông đồ đã nói: không phải với cái gì hữu hình rờ được mà anh em đã tiếp xúc (bằng tình yêu) cũng không phải với lửa rực cháy hay với lời nói thét gầm... Trái lại anh em đã tiến đến núi Sion và thành của Thiên Chúa hằng sống, Giêrusalem trên trời, giữa vạn vạn thiên thần và giữa cộng đoàn trưởng tử... vì Thiên Chúa chúng ta là ngọn lửa thiêu huỷ . Rồi Chị cảm động giải nghĩa cho tôi những tiếng cuối cùng trong đoạn trên.
Em bảo tôi:
- Điều làm đổ tràn ơn thánh xuống ta là lòng biết ơn. Vì nếu ta cám ơn Chúa vì một ơn lành Ngài ban, thì Ngài sẽ động lòng và mau lẹ ban cho ta mười ơn khác, và nếu ta tiếp tục cám ơn với lòng hăng say như vậy, thì biết bao nhiêu ơn sẽ tuôn tràn xuống trên ta! Em đã có kinh nghiệm về chuyện này. Chị hãy thử đi và chị sẽ thấy đúng như thế. Em tri ân Chúa vô cùng vì mọi sự Chúa ban cho em và em biểu lộ lòng biết ơn ra bằng hằng trăm hằng ngàn cách thế khác nhau.
-
Chị tỏ ra biết ơn ngay cả với những việc rất nhỏ bé, nhất là Chị biết ơn đối với những vị thừa tác viên của Chúa mà Chị đã có dịp được bàn hỏi việc linh hồn.
Tôi than van vì hình như Chúa ruồng bỏ tôi... Chị Têrêsa hăng hái bảo: “Ồ, chị đừng nói thế! Chị nhìn thấy em chứ, ngay cả khi em không hiểu chút nào về những biến cố xảy ra, em vẫn tươi cười, vẫn cám ơn, em luôn tỏ ra bằng lòng với Chúa nhân từ. Không được nghi ngờ Ngài, vì như thế là thiếu tế nhị. Không, không bao giờ ta thán phản đối sự quan phòng cả. Phải luôn biết ơn”.
Khi vào Dòng Kín, tôi có cảm tưởng là mình đã cho Chúa Giêsu rất nhiều nên tôi xin em Têrêsa sáng tác cho tôi một bài thơ theo điệu “Hãy nhớ” (Rappelle-toi) để nhắc nhở Chúa Giêsu tất cả những gì gia đình tôi đã phải chịu. Chị vui vẻ nhận lời và coi như dịp tốt để cho tôi một bài học. Trong nhiều triệt thơ, Chị gợi lại không phải những điều tôi làm cho Chúa Giêsu mà là những điều Chúa Giêsu đã làm cho tôi.
Bấy giờ tôi mới nghĩ tới dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế: tránh sao khỏi cảnh tôi bắt chước người biệt phái, khoe khoang là đã trả thuế thập phân đối với của cải ông có?...
Têrêsa muốn dạy tôi phải biết hoàn toàn quên mình để sống trong tình yêu và trong tác động của ơn thánh.
“Điều quan trọng đối với chúng ta là phải kết hợp với Chúa”
Có hôm tôi bừng bừng bất mãn vì thấy có những Nhà Dòng bằng lòng nhận những luật lệ bất công với chính họ. Tôi nói:
- Thật em sẽ khổ biết bao nếu em phải thuộc về một trong những nhà Dòng đó. A, về việc này, em thấy tất cả bầu nhiệt huyết bừng sôi! Thà chịu phanh thây ra còn hơn là để họ lấy một củ cà rốt!
Chị trả lời tôi:
- Điều đó không quan trọng đối với chúng tôi, em sẽ suy nghĩ và hành động như chị nếu em có trách nhiệm. Nhưng em đã không được trao phó công việc đó! ‘Điều cần chú trọng là ta phải kết hợp với Chúa!’. Ngay cả khi chúng ta thuộc về một nhà Dòng bị báo chí đưa ra những tấm gương hèn nhát, thì chúng ta cũng không được bận tâm chi cả.
Chị cố gắng để tôi thắng được tính vội vã trong khi làm việc, lòng quá ham muốn cho công việc được hoàn hảo, cũng như thắng được tính buồn rầu khi công việc không kết quả như mình mong muốn. Tóm lại là làm sao để tôi lướt thắng được những lo lắng khi làm việc.
Chị bảo tôi: “Chị vào đây không phải để bù đầu với hằng mớ công việc cũng như làm việc không phải là để được thành công. Lúc này chị có bận tâm về những việc hiện đang xảy ra trong các nhà Kín khác hay không? Các nữ tu có vội vã hay không? Công việc họ làm có ngăn trở chị cầu nguyện hay suy niệm không? Cũng vậy, chị phải tách mình ra khỏi công việc chị làm và tận dụng thời giờ cho mỗi công việc, nhưng cần giữ lòng thanh thoát.
Hồi trước em có đọc rằng người Do Thái một tay xây thành Giêrusalem, một tay cầm gươm . Đó chính là hình ảnh chúng ta phải thực hiện: Chỉ làm việc một tay, còn tay kia dùng để bảo vệ tâm hồn khỏi bị phân tán, vì phân tán ngăn cản ta liên kết với Chúa”.
Tôi biết Chị không nói như vậy với ai có tính cầu nhàn, vì Chị không thể chịu được cách làm việc uể oải, gặp sao hay thế, miệng lại lẩm bẩm: Nếu điều đó tốt, nếu tôi đã làm xong thì càng hay, mà nếu nó dở, tôi chưa hoàn thành, cũng chẳng sao. Chị muốn chúng tôi phải chú ý vào công việc nhưng đừng thái quá, vì sẽ ngăn cản việc ở trước nhan Chúa, cũng như đừng lãnh đạm quá vì cũng có hại cho việc kết hợp với Chúa.
Chị thêm: “Khi tâm hồn yêu mến thì sẽ hành động với tình yêu, nghĩa là với tinh thần hăng say; tâm hồn đó sẽ chạy, sẽ bay, sẽ không thấy có điểm nào là bất khả hết, là không có chi bắt tâm hồn đó đứng dừng lại được” .
Thái độ của Chị ở Ca triều là thái độ thật khiêm nhu và hồi tâm, làm mẫu mực cho tôi tới nỗi tôi đã hỏi xem Chị suy tưởng gì trong giờ kinh Nhật Tụng .
Chị trả lời là: “Chị không có phương pháp nào nhất định, nhưng Chị hay hình dung ra như Chị đang một mình ở một miền núi đá hoang vắng, trước mặt là cả một miền bao la. Ở đó chỉ có mình Chị và với Giêsu, tuy chân còn đặt trên đất, nhưng Chị đã quên tất cả mọi tạo vật và Chị nói với Chúa tâm tình mến yêu của mình bằng những lời lẽ tuy Chị không hiểu, nhưng làm Chúa Giêsu vui lòng. Thế là đủ”.
Chị thích được là xướng viên trong tuần , để được đọc lớn tiếng các lời nguyện như linh mục trong thánh lễ vậy.
Trên giường hấp hối Chị đã tự làm chứng: “Em tưởng không thể ước muốn đọc kinh Nhật Tụng sốt sắng hơn được nữa, và cũng không làm sao để tránh sai lỗi hơn được nữa”.
Từ khi Chị xin các “công dân hạnh phúc trên Nước Trời nhận Chị làm con” thì Chị bảo tôi rằng mỗi sáng Chị kính cẩn và đầy lòng mộ mến nghe đọc sổ Các Thánh (Martyrologe), Chị sung sướng được nghe tới tên các “vị bà con rất yêu quý”.
Chị khuyên tôi không nên pha trò hay nói điều gì làm bận tâm bất cứ chị em nào liền trước giờ kinh Nhật Tụng để tránh cho chị em lo ra. Hãy đợi đến sau hãy nói. Chính Chị đã giữ điều này rất cẩn thận.
Cả đời Chị sống hoàn toàn bằng Đức tin. Không có tâm hồn nào lại ít được an ủi trong giờ kinh nguyện như Chị. Chị thổ lộ với tôi là Chị trải qua 7 năm suy nguyện thật khô khan: Những cuộc cấm phòng năm cũng như cấm phòng tháng là cực hình cho Chị. Tuy thế, người ta cứ tưởng Chị được tràn ngập an ủi tinh thần! Vì Chị luôn sống kết hợp với Chúa nên mọi lời Chị nói, mọi việc Chị làm đều thấm nhuần tình yêu Chúa.
Tuy phải sống trong khô khan như vậy, Chị chỉ biết kiên tâm hơn trong việc suy nguyện và nhờ đó “Chị sung sướng dâng hiến lên Chúa nhân hiền nhiều hơn”. Chị không chịu được cảnh “ăn cắp” giờ suy nguyện, dầu một khoảnh khắc cũng không! Và Chị đã huấn luyện chị em Nhà tập theo đường lối đó.
Có lần nhà Dòng phải giặt giũ vào cả giờ suy nguyện. Chị Têrêsa thấy tôi hăng hái làm việc nên hỏi: “Chị làm gì đó?”.
- Em giặt giũ!
- Được lắm, nhưng chị phải âm thầm cầu nguyện, vì đây là giờ của Chúa, ta không được lấy của Ngài.
Têrêsa kết hợp với Chúa cách thật đơn giản và tự nhiên cũng như cách Chị nói về Ngài vậy.
Chẳng hạn khi tôi hỏi Chị xem có lần nào Chị thấy mình không hiện diện trước nhan Chúa không, thì Chị giản dị trả lời:
- Ồ không! Em tưởng không bao giờ ba phút trôi qua mà em không nghĩ tới Chúa nhân lành.
Tôi tỏ ra bỡ ngỡ sao có thể làm được như vậy, thì Chị tiếp:
- Người ta tự nhiên nghĩ tới kẻ người ta yêu mến!
Phúc Âm và một số đoạn trong Cựu Ước mà Nhà Dòng cho nữ tu đọc: đó là những đề tài Chị dùng để suy nguyện. Nhất là về cuối đời, không một cuốn sách nào dầu ngay cả cuốn trước đây giúp ích cho Chị rất nhiều thì nay cũng không gây được xúc cảm nơi tâm hồn Chị nữa.
Trong số những tác phẩm này, Chị ưa thích đặc biệt bài diễn văn của Bossuet về “Đời sống ẩn dật với Chúa”. Ngay khi tôi vừa vào Dòng Chị đã khuyên tôi đọc bài đó.
Ngày Chị bắt đầu cuộc sống tu trì, lúc đó tôi còn ở ngoài đời, Chị đã khuyên tôi mua sách của Đức Cha Ségur nói về “những cao cả nơi Chúa Giêsu”. Nhưng nếu Chị suy niệm về “những cao cả” nơi Chúa Giêsu, thì điều Chị say mến tìm hiểu lại là nhận biết về “cái bé mọn của mình”, đến nỗi Chị thú nhận mình “quý chuộng ánh sáng chiếu giãi cho biết thân phận hư vô của mình hơn là ánh sáng giúp cho hiểu biết đức tin”.
Thời kỳ này cũng như mãi về sau, Chị đặc biệt thích thưởng thức những tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá.
Khi tôi cùng Chị sống trong nhà Dòng, tôi được chứng kiến lòng ngưỡng mộ đó: Có lần cùng đứng trước tấm đồ biểu do Cha Thánh hoạ trong cuốn: “Trèo lên đỉnh Carmel” Chị dừng lại và lưu ý tôi hàng sau đây do Cha Thánh viết: “Nơi đây không còn đường lối nữa, vì đối với người công chính thì không có luật lệ nào cả”. (Ici, il n’y a plus de chemin, parce qui’il n’y a pas de loi pour le juste).
Lúc đó Chị cảm động quá không còn đủ hơi sức để diễn tả niềm sung sướng dâng lên tràn ngập tâm hồn. Lời trên đây nâng đỡ Chị rất nhiều trong việc tự mình khám phá ra tình yêu tinh ròng, điều mà nhiều người tố cáo là tự mãn. Để tới đích tình yêu, Chị táo bạo tìm ra một đường lối hoàn toàn mới, là con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng, một con đường thẳng và ngắn để tới ngay được Cung Lòng Thiên Chúa.
Tôi tin rằng tất cả việc suy nguyện của Chị chỉ hướng vào một tìm tòi duy nhất là “khoa học tình yêu” thôi.
Đặc biệt yêu quý Thánh Kinh
Chị hiểu biết những sự việc liên quan tới Chúa ở một cao độ. Nhờ được trí nhớ dẻo dai nên Chị dễ dàng ghi nhận những điều Chị đọc hay nghe nói. Chị còn biết áp dụng đúng lúc những nhận xét chính xác và cả những giai thoại nhỏ mọn nữa. Đặc biệt là Chị hấp thụ được những đoạn Kinh Thánh cách mau lẹ và chắc chắn trong Kinh Thánh, là kho tàng thật quý giá đối với Chị khi đã vào Dòng. Chị khám phá ra ý nghĩa ẩn tàng trong đó và biết áp dụng một cách thật lạ lùng.
Tôi chép khá nhiều đoạn trong Cựu Ước , và tôi đưa cho Chị dùng. Những đoạn này biến thành món ăn bổ ích trong các giờ Chị suy nguyện.
Chị tìm hiểu Chúa để như khám phá ra “đặc tính của Chúa”. Và để được như ý thì không gì bằng nghiên cứu Sách Thánh, nhất là Phúc Âm. Bởi vậy Chị đã than phiền vì các bản dịch có những chỗ khác nhau .
Chị bảo tôi: “Nếu em là linh mục thì thế nào em cũng học tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp để có thể đọc Lời Chúa cách trung thành, như Chúa đã thường diễn tả bằng tiếng nói nhân loại”.
Chị mang sách Phúc Âm đêm ngày trên ngực và chú ý tìm những bản Phúc Âm xuất bản từng tập để đóng lại và để cho chúng tôi cũng được cái sung sướng như Chị.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu mộ mến Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Chị ước ao cho ngày lễ này được nâng lên bậc trọng hơn.
Khi tôi còn ở ngoài đời, Chị định gọi tôi là Marie Thiên Chúa Ba Ngôi (Marie de la Trinité) trước khi chọn cho tôi tên Marie Nhan Thánh (Marie de la Sainte Face) mà tôi đã mang mấy tháng khi mới vào Dòng. Nhưng một chị Nhà tập khác đã được mang tên đó (tức là tên Marie Thiên Chúa Ba Ngôi) và Têrêsa rất lấy làm an ủi.
Chính trong ngày kính lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, hôm 9-6-1895, Chị đã được cảm hứng dâng mình làm hiến tế đền tạ Tình Yêu Dung Thứ của Chúa .
Ngày kia tôi vào phòng Chị và thật ngỡ ngàng trước thái độ Chị chăm chú hồi tâm. Chị may và nhanh nhẹn mà vẫn như chìm đắm trong cuộc chiêm ngắm sâu xa:
- Chị suy nghĩ gì đó?
- Em suy niệm kinh Lạy Cha! Thật êm ái biết bao khi được gọi Chúa là Cha chúng tôi!
Có những giọt nước mắt long lanh trên đôi mi Chị.
Chị yêu mến Chúa như một em bé âu yếm cha mình với trăm ngàn cử chỉ thương yêu không thể tưởng tượng được.
Trong thời gian Chị bệnh, Chị thường dùng một tiếng khác để gọi Chúa, đó là tiếng “Ba” (Papa). Chúng tôi bật lên cười, nhưng Chị nói giọng cảm động:
- Ồ đúng thế! Ngài đúng là “Ba em” và em thấy êm dịu khi dùng tiếng “Ba” để gọi Ngài.
Chúa Giêsu là tất cả trong tâm hồn Chị. Khi viết về Chúa Giêsu Kitô, Chị luôn viết tiếng “Ngài” (Lui, II) bằng chữ hoa để tỏ lòng cung kính bản vị đáng tôn thờ.
Chị hỏi tôi:
- Trong khi cầu nguyện với Chúa Giêsu, chị thích gọi Ngài bằng “tu” hay bằng “vous?” .
Tôi trả lời là thích dùng tiếng “tu” hơn. Chị nói tiếp giọng đầy an ủi:
- Em cũng thế, em thích gọi Chúa Giêsu là “Tu”, tiếng này diễn tả đầy đủ hơn lòng em yêu Chúa, và bao giờ em cũng dùng tiếng này khi một mình thưa chuyện với Chúa, nhưng trong các bài thơ em sáng tác và trong những kinh có cả người khác đọc, em không dám dùng tiếng này.
Đối với Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì lòng ái mộ này là cứu cánh và là sự triển nở trọn hảo của tình yêu Chị đối với Nhân Tính Chúa Giêsu. Nhan Thánh Chúa chính là tấm gương trong đó Chị nhìn thấy Linh Hồn và Tấm lòng của Đấng Chị yêu mến, là nơi Chị chiêm ngắm toàn thể Chúa Giêsu. Cũng vì thế mà tấm hình chỉ có nguyên khuôn mặt của người yêu cũng đủ làm ta thấy người đó hiện diện rồi.
Có thể nói được lòng ái mộ Nhan Thánh Chúa đã hướng dẫn đời sống thiêng liêng Chị. Nếu ta muốn có một kỷ niệm chính đáng về những tâm tình đạo đức nơi Chị, thì ta phải nhận rằng lòng sùng kính Nhan Thánh vượt trên các tâm tình đạo đức khác, lý do vì sự sùng kính này gồm tóm các sự sùng kính khác.
Chính trong khi chiêm ngắm khuôn mặt đầy thương tích Chúa, trong lúc suy niệm những tủi hổ Ngài chịu mà Chị đã rút được bài học khiêm nhường, mến yêu đau khổ, quảng đại hy sinh, nhiệt tâm với các linh hồn, siêu thoát thụ tạo, cũng như các nhân đức tích cực mạnh mẽ và hùng cường như chúng ta đã thấy Chị thực hành. Vô tình Chị đã tuân theo lời Thầy Chí Thánh dạy thánh nữ Giêtruđê để nên hoàn thiện:
“Tâm hồn nào muốn tiến bước trên đường hoàn thiện thì hãy phóng mình vào lòng Cha. Nhưng nếu họ còn cao vọng bay bổng hơn nữa và muốn tiến tới tuyệt đỉnh ước mong, thì hãy tung bay tới độ nhanh như phượng hoàng, hãy lượn quanh Nhan Thánh Cha, hãy như thiên thần Séraphim được nâng đỡ trên đôi cánh Đức ái quảng đại”.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống như vậy và việc bay bổng này đưa tới hiệu quả là Tình yêu trinh trong như thiên thần đã phát sinh những tác động quảng đại tới bậc anh hùng.
Chị dẫn giải cho chị em Nhà tập biết rằng Nhan Thánh Chúa Giêsu như một pho sách, trong đó Chị múc được khoa học tình yêu, được nghệ thuật nhân đức...
Chị ghi ở bên Nhan Thánh trong tấm huy hiệu của Chị lời châm ngôn này: “Tình yêu chỉ đáp trả được bằng tình yêu” (L’amour ne se paie que par l’amour). Trong thư từ, bút ký cũng như thi văn Chị sáng tác luôn thấm đượm tình yêu đối với Nhan Thánh Chúa.
Tôi thâm tín rằng “người em nhỏ yêu quý” đó đã gợi hứng để tôi dự tính vẽ lại Nhan Thánh theo bức khăn thành Turin. Và tôi đã đạt được kết quả 7 năm sau khi Chị lìa trần, tức là năm 1904.
Thánh lễ và yến tiệc Thánh Thể làm Chị được chan hoà hạnh phúc. Không khi nào định làm việc gì quan trọng mà Chị không xin dâng Lễ theo ý đó. Mỗi lần mợ chúng tôi cho Chị tiền vào những ngày lễ và ngày giáp năm, Chị luôn xin phép Bề trên để xin Lễ, và đôi khi thì thầm với tôi: “Em xin Lễ cho ‘con em’ đó (Pranxini) , lúc này nó rất cần em giúp đỡ!”.
Trước khi khấn, Chị dùng số tiền còn lại lúc ngoài đời gồm 100 phật lăng để xin Lễ cho Cha già chúng tôi, lúc đó đang bệnh nặng. Chị cho rằng không việc nào đem lại nhiều ơn ích cho người bằng Máu Thánh Chúa Giêsu đổ ra.
Chị rất ước ao được rước lễ hằng ngày, nhưng thói quen hồi đó không cho phép, và đây là một trong những đau khổ lớn lao nhất Chị phải chịu trong nhà Dòng. Chị cầu xin với Thánh Cả Giuse để thay đổi được thói quen này. Sắc lệnh của Đức Lêô XIII cho dễ dãi hơn trong việc này và Chị coi đây như lời đáp trả cho những nguyện xin nồng nàn của Chị . Chị tỏ ra luôn biết ơn Thánh Cả tới nỗi khi đi ngang qua tượng Ngài đặt ngoài vườn, Chị sốt mến ngắt hoa tung kính Ngài.
Chị nói trước rằng sau khi Chị qua đời, chúng tôi sẽ không thiếu bánh ăn hằng ngày, và đã xảy ra hoàn toàn đúng như thế .
Lòng mộ mến phép Thánh Thể đã làm Chị chu toàn bổn phận giữ phòng thánh với tất cả tinh thần hăng say. Chị vui sướng tới cùng độ khi trên đĩa thánh hay khăn thánh còn sót lại chút vụn Bánh Thánh. Có lần bình đựng Mình Thánh lau chưa cẩn thận đủ, nên Chị gọi khá nhiều chị em Nhà tập đến để theo Chị ra nhà nguyện và Chị đặt bình đựng Mình Thánh ở đây với lòng vui sướng và cung kính khôn tả.
Chị thuật lại cho tôi nghe nỗi vui sướng của Chị khi có một lần trong giờ rước lễ, vị linh mục làm rơi Mình Thánh và Chị đưa áo Dòng ra đón lấy. Chị coi mình được đặc ân như Đức Trinh Nữ vậy, vì Chị cũng đã mang Chúa Giêsu Bé Thơ trên cánh tay.
Chị bảo khi sửa soạn các Bình Thánh để cử hành Thánh lễ, Chị thích được soi mình trong chén và đĩa thánh, Chị thấy như vàng đã phản chiếu hình bóng Chị và như vậy là Bánh Thánh đã an nghỉ trên người Chị.
Chị cảm động biết bao khi sáng tác và vẽ bức bích hoạ đặt quanh Nhà Tạm trong nhà nguyện! Đây quả thực là công trình do đức vâng lời tạo nên, vì Chị chỉ biết sơ sài về thuật hội hoạ , lại vừa không phải người có thiên tài, vừa phải leo lên thang mới vẽ được, cộng thêm là thiếu ánh sáng tới nỗi một nhà danh hoạ cũng khó thành công. Thế mà Chị đã hoàn thành cách khả quan! Các thiên thần tí hon Chị vẽ có vẻ thơ ngây vừa gợi cảnh thiên đàng.
Tinh thần đức tin làm Chị hết lòng tôn kính các linh mục. Tôn kính vì các ngài đã được lãnh nhận thánh chức tư tế và không thể còn phẩm tước nào đáng quý trọng hơn.
Khi còn sống, rất nhiều lần chị tỏ ra hối tiếc vì không thể làm linh mục. Vào tháng 6 năm 1897, cảm thấy mình quá ốm yếu, Chị bảo tôi:
- Chúa sắp cất em về khi em chưa đủ tuổi làm linh mục nếu em có thể.
Chị say mê về việc thánh nữ Barbe đã mang Mình Thánh Chúa cho thánh Stanislsa Kostka. Chị nói với tôi:
- Tại sao không phải một thiên thần hay một linh mục, mà lại một trinh nữ! Ồ! Chỉ ở trên trời chúng ta mới thấy rõ những sự việc lạ lùng! Em có ý nghĩ là khi tại thế, ai có lòng ước ao thì trên trời cũng sẽ được hưởng những đặc ân của chức linh mục.
Chị Têrêsa lấy làm sung sướng được cử trang hoàng tượng Chúa Giêsu Bé Thơ đặt trong Nhà Dòng và Chị đã cẩn thận chu toàn nhiệm vụ đó. Chị sơn tượng màu hồng và luôn trang hoàng bằng những hoa màu sắc tươi vui, có những con chim nhỏ nhồi bằng rơm, màu lông óng ánh ở bên tượng.
Vào mùa hạ, từ trưa đến một giờ là thời gian im lặng và tự do nên thay vì nằm nghỉ, Chị đã dành một phần để trang hoàng Chúa Giêsu Nhỏ của Chị. Nhưng trong Dòng vào mùa này lại hiếm hoa! Thật là cực lòng cho một người có tâm hồn như Chị mà lại khép mình trong Dòng ngay từ 15 tuổi không thể tung tăng ngoài đồng nội để kiếm lấy một cánh hoa mao lượng! Nhưng Chúa Giêsu đã tự cung cấp hoa cho Chị. Chị thuật lại cho tôi mẩu chuyện sau đây:
Mùa hạ đầu tiên khi Chị vào Dòng Kín, Chị tự bảo: “Từ nay tôi không bao giờ được ngắm những bông hoa đồng nữa: nào cúc vàng, cúc trắng, nào hoa mào gà, nào lúa kiều mạch, lúa mì bát ngát!..., và thực sự Chị nôn nao buồn, đúng lúc ấy nữ tu giữ cửa trao cho Mẹ Bề trên một bó hoa đồng tuyệt đẹp, gồm các thứ hoa Têrêsa mơ ước. Chị ở Dòng ngoài thấy bó hoa đặt trên cửa sổ phòng Chị mà không hiểu từ đâu mang tới. Mẹ Bề trên tuy không hay biết gì nỗi khổ tâm của Têrêsa cũng đã trao cho Chị để trang hoàng tượng Chúa Giêsu Bé Thơ.
Từ ngày đó, không bao giờ Chị thiếu hoa đồng cả.
Chị rất mến việc tung hoa kính tượng Chúa Kitô đặt ở giữa sân. Sau này khi Chị bị bệnh, Chị lấy hoa hồng phủ đầy lên tượng Chịu Nạn, cẩn thận vứt bỏ những cánh hoa úa héo . Có lần tôi thấy Chị lấy đầu ngón tay vuốt nhẹ trên mão gai và đinh tượng Chịu Nạn, tôi hỏi: “Chị làm gì đó?”. Một chút ngỡ ngàng vì bị thấy quả tang, Chị thú: “Em tháo đinh và cất mão gai đi cho Chúa”.
Chị không muốn tỏ lòng yêu mến thọ tạo nào bằng cách tung hoa tặng họ cả. Ngày kia tôi trao cho Chị những bông hồng và xin Chị ném tặng ai tuỳ ý để tỏ lòng yêu quý, nhưng Chị từ chối.
Tượng Đức Nữ Trinh Mỉm Cười ban cho Chị ơn khỏi bệnh cách lạ chính là nguồn an ủi tâm thần Chị: khi tôi vào Dòng, thì người ta cũng mang tượng này theo. Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu ra tận cửa tu viện để nhận tượng. Chị đã nhanh nhẹn bồng lấy, siết chặt với tâm tình yêu mến và mang tượng cách nhẹ nhàng như cầm một cán lông, tuy tượng rất nặng . Các chị em có mặt ở đó đều bỡ ngỡ và thán phục!
Từ đó nhiều lần tôi thấy chị quỳ dưới chân tượng cầu nguyện với thái độ thật sốt sắng. Trong cơn bệnh sau cùng, người ta đặt tượng đối diện với giường Chị nằm. Chị không ngớt hướng nhìn về phía tượng.
Chị Têrêsa thích tặng ảnh Đức Trinh Nữ, loại ảnh đeo mà Chị rất tin tưởng ở hiệu lực của việc tôn sùng này. Khi còn ở ngoài đời, Chị đã lấy ảnh đó đeo trên ngực hai em nghèo Chị nhận dạy dỗ và Chị cũng thuyết phục một người đàn bà không tin tưởng gì hết để bà mang mẩu ảnh Chị tặng bà.
Từ ngày Rước lễ lần đầu, Chị quyết định đọc hằng ngày kinh “Hãy Nhớ”, và Chị đã trung thành giữ cả đời quyết định đó. Sau này ở Buissonnets, Chị lần chuỗi hằng ngày. Nhưng những việc bên ngoài này chỉ là hình ảnh mờ nhạt tình Mẹ con khăng khít mà Chị gọi Đức Mẹ là “Má” (Maman).
Chị cho rằng những cuộc hối cải cần qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ và Chị dâng mọi ý chỉ của mình cho Người. Có một chiều vào khoảng ba giờ, tôi thấy Chị cầu nguyện và hỏi xem Chị cầu nguyện gì, Chị trả lời: “Em đọc kinh Kính Mừng để dâng việc làm lên Đức Nữ Trinh. Em có thói quen như vậy khi bắt đầu công việc”.
Chị Têrêsa sáng tác bài ca “Hỡi Maria, sao con yêu Mẹ?”. Khi Chị đã bệnh trầm trọng, Chị đặt tất cả tâm hồn trong bài ca đó. Lúc này như tôi còn nghe thấy Chị bảo tôi là: Chị muốn trước khi chết được diễn tả tâm tình của Chị đối với Đức Nữ Trinh trong một bài thơ.
Đề tài bác ái đối với Chị Thánh thật là dồi dào bất tận. Chị cảm thông cho tôi biết ánh sáng Chị đã được do đọc đoạn sách sau đây của tiên tri Isaia:
“Chay tịnh mà Ta đòi hỏi có phải ở tại việc con người chịu cực lòng trong một ngày, ở việc mặc áo vải thô và bỏ tro trên mình hay không? Chúng ta có gọi đó là chay tịnh, là ngày làm đẹp lòng Chúa không? Chay tịnh mà Ta công nhận không hơn chạy tịnh vừa nói đó sao? Các ngươi hãy bẻ gãy xiềng xích tội ác đi, hãy bỏ gánh đang chất nặng trên vai kẻ khốn nạn xuống. Hãy giải phóng kẻ bị áp bức, và đập tan tất cả những gì bất công đối với kẻ khác. Các ngươi hãy phân chia bánh cho kẻ đói ăn, hãy dẫn kẻ nghèo khổ vào trú ngụ trong nhà các ngươi vì họ không biết đi đâu. Thấy ai trần truồng hãy cho họ mặc, đừng khinh dể chính thân xác các ngươi”.
Chị lấy từng đoạn trên và cắt nghĩa cho tôi hiểu cặn kẽ: cần phải thực hành đức bác ái đối với các tâm hồn nhiều hơn là đối với các thân xác:
“Khắp nơi đều có những người nghèo khổ, những tâm hồn yếu đuối bệnh hoạn, bị đè nén... Nhưng chao ôi! Xin chị hãy đỡ lấy gánh nặng đè trên vai họ. hãy để họ đi tự do, nghĩa là: Khi có ai nói với chị về khuyết điểm của kẻ khác, xin chị đừng thêm bớt mắm muối gì vào. Đôi khi không tiện nói ngược lại, thì chị hãy khôn khéo đưa những nhân đức họ ra để có thế quân bình. Hãy để những ai bị đè nén được tự do ra đi. Hãy bẻ gẫy những xiềng xích trói buộc kẻ khác. Hãy chia cơm bánh cho kẻ đói ăn, nghĩa là ban phát chính mình cho họ. Dẫn dắt họ vào nhà, trang trải nợ nần thay họ, làm phúc của cải: là hy sinh sự yên thân, sự nghỉ ngơi cho những ai không biết trú ngụ nơi nào, cho những kẻ nghèo khổ cùng cực”.
Và Chị tiếp tục trích dẫn:
“Lúc đó ánh sáng ngươi sẽ rạng chiếu như bình minh. Sức mạnh ngươi sẽ bình phục. Sự công chính ngươi sẽ dẫn dắt ngươi. Vinh quang Chúa sẽ bảo vệ ngươi. Lúc đó ngươi kêu cầu Danh Chúa và Ngài sẽ đáp tiếng ngươi: Này Cha đây. Nếu ngươi không giương tay, không nói lời xúc phạm, nếu ngươi biết giúp đỡ người nghèo, biết cảm thông hoàn cảnh khốn nạn của họ, nếu ngươi biết an ủi những tâm hồn đau khổ, ánh sáng sẽ chiếu soi vào vùng tăm tối và làm cho sự tăm tối của ngươi trở nên sáng chói như chính ngọ, Thiên Chúa sẽ mãi mãi ban cho ngươi niềm an nghỉ, Ngài sẽ làm tâm hồn ngươi tràn đầy ánh quang rực rỡ, làm sống lại những xương tàn của ngươi đã khô héo, ngươi sẽ như khu vườn đẹp được vun tưới và như mạch suối mát không bao giờ khô cạn . Trên hoang địa của muôn thế kỷ, nhà cửa sẽ mọc lên như nấm. Ngươi sẽ dựng lại những nền móng đổ nát bao năm hoang phế. Người ta sẽ nói với ngươi rằng hãy sửa lại những tường thành và nắn ngay lại những đường nẻo cong queo”.
Chị tiếp tục giải nghĩa:
“Chị vừa nghe về phần thưởng sẽ được: Nếu ngươi đừng nói những lời thiếu bác ái, nếu ngươi bẻ gẫy xiềng xích trói buộc các linh hồn bị tù đày bằng cách đối xử dịu dàng thân thiện với họ; nếu chị giúp đỡ những linh hồn đáng thương, bị bỏ rơi với niềm thông cảm chân thành, nghĩa là với tất cả tâm hồn lòng mến vô vị lợi, nếu chị biết an ủi những kẻ đau khổ, thì sức khoẻ tinh thần ngươi sẽ bình phục, tâm hồn chị sẽ không còn khô héo. Sự công chính của chị sẽ dẫn dắt chị. Nhưng để hữu ích, những công việc này phải được thực hiện cách kín đáo, không khoe khoang, vì đó là đặc tính của công phúc đức, giống như cây hoa tím khiêm nhượng toả hương thoang thoảng mà các tạo vật khác không hay biết mùi thơm đó từ đâu bay tới: vinh quang Chúa sẽ che chở ngươi, không phải vinh quang riêng của chị, nhưng là sự vinh quang của Chúa.
“Thiên Chúa sẽ nhận lời ngươi, sẽ cho ngươi được an nghỉ. Ánh sáng sẽ chiếu soi ngươi trong u tối cuộc đời. Sự tối tăm nơi ngươi sẽ trở nên chiếu sáng như chính ngọ. Nhưng không phải là tăm tối đó sẽ tan biến, vì thử thách còn đang sẵn sàng chờ đợi các linh hồn. Nhưng tăm tối của chị sẽ trở nên sáng láng... Và chị sẽ được an bình trong vui sướng. Ánh quang huy luôn chiếu sáng chị giữa đêm tâm thần tăm tối. Người sẽ trở nên một khu vườn xanh tươi, luôn được vun tưới như dòng suối chảy không bao giờ cạn; ở nơi mạch suối đó tất cả mọi tâm hồn, mọi tạo vật đều đến kín múc và sẽ không làm hư hỏng đục dòng.
“Nhưng chưa hết đâu! Xin chị chú ý đến phần thưởng cuối cùng này: Những toà nhà tráng lệ nguy nga sẽ mọc lên như nấm trên những nơi hoang vu muôn thế kỷ. Các ngươi sẽ dựng lại những nền móng vững chắc. Lời đó nghĩa là gì? Thực thi bác ái và yêu tha nhân thì làm sao tôi có thể dựng nổi cơ đồ? Điều đó không được vì chẳng có liên hệ nào giữa hai thái cực cả?... Dù sao đi nữa, các thiên thần trên trời nói về chị rằng: Ngươi sửa lại những tường thành và uốn nắn ngay lại những đường nẻo cong queo...”.
Trong khi nói những lời trên đây, Chị long lanh nhìn tôi đầy vẻ hứng khởi... “Ôi mầu nhiệm! Chính nhờ những việc lành nho nhỏ thực hiện trong âm thầm mà chúng ta làm cho các linh hồn ở xa ngàn dặm được ăn năn trở lại... Chúng ta giúp đỡ các nhà truyền giáo cũng bằng cách đó... và khi ngày phán xét tới, có lẽ người ta nói rằng chúng ta đã xây cất những nơi tạm trú cho Chúa Giêsu và sửa soạn đường lối Người...”.
Những việc bái ái Chị Têrêsa làm mà tôi được chứng kiến thì nhiều vô kể và thuộc nhiều loại khác nhau. Thánh Nữ không bỏ lỡ cơ hội nào.
Tỉ dụ như những ngày Chúa nhật hay lễ trọng được thong thả, Chị dùng thời giờ đó để làm vui lòng các chị em. Theo chị em yêu cầu. Têrêsa cảm hứng làm nhiều bài thơ. Không bao giờ Chị từ chối một ai... đến nỗi hầu như Chị chẳng còn thời giờ nào rảnh rỗi dành riêng cho mình. Vì thế Têrêsa không bao giờ để chép lấy một Thánh Vịnh Chị mộ mến, mặc dù Chị rất ước mong được như vậy.
Chị hy sinh không trích những đoạn sách bổ ích Chị đọc vì không có giờ; thấy vậy một tập sinh được tôi cho biết đâu là những đoạn Chị ưa thích, đã chép giúp mà không cho Chị hay.
Chị nói với tôi: “Hết giờ chơi chiều đến giờ Kinh Tối, em có thói quen thường để giỏ kim khâu vá trên ghế gần ngay Ca triều. Thật tiện vì các chú nhện không đến giăng màng bên trong như khi đặt giỏ dưới đất. Nhưng chẳng mấy chốc có chị khác đến trước thường cũng để giỏ nơi đó. Em tự nghĩ: Chị em khác cũng thấy nơi đó tiện lợi, vậy em nhường chỗ ấy cho các chị. Điều đó làm cho chị em hài lòng hơn, khi chỗ đó trống các chị được tự do sử dụng; vả lại chỗ đó cao không phải cúi lưng xuống chi cả”.
Có lần Têrêsa muốn khích lệ tôi tập đức bác ái, nên đã kể cho tôi nghe rằng khi còn là thỉnh sinh, Chị thích trang hoàng thật mỹ thuật tượng Chúa Giêsu Hài Đồng ở nhà Dòng. Nhưng Têrêsa không hề dám cắm những hoa thơm, ngay cả thứ hoa tím nho nhỏ cũng vậy, vì mùi thơm làm cho một Mẹ Cựu Bề trên khó chịu.
Khi Mẹ thấy Têrêsa đặt dưới chân tượng một bông hồng đẹp thì gợi định bảo bỏ hoa đi. Chị tiếp: “Đoán rằng Mẹ lầm, em chỉ muốn để chính Mẹ nhận ra mình đã lầm, vì đó chỉ là bông hồng giả. Nhưng Chúa Giêsu đòi em hy sinh cái chiến thắng nho nhỏ đó. Nghĩ thế, nên em dịu dàng cầm bông hồng thưa Mẹ: ‘Mẹ xem, người ta bắt chước khéo quá đi! Những bông hồng giả này trông như thật vậy, có dáng như vừa ngắt trong vườn ra ấy Mẹ nhỉ!’”.
Chị thêm vào: “Ôi chao, chị không thể tưởng tượng nổi thi hành việc bác ái đó đối với em êm đềm dường nào và làm sức mạnh tâm hồn em tăng thêm biết bao!”.
Khi bệnh, Chị bảo tôi để ý quan sát: Chị Stanislas là y tá trưởng, chị luôn cẩn thận lựa những vải thật mềm để Têrêsa đỡ đau mình mẩy. Chị nói: “Trông kìa chúng ta cũng phải chăm sóc các linh hồn như vậy nghe! Người ta thường quên mất điều đó, và còn làm tổn thương tới các linh hồn nữa! Tại sao vậy? Tại sao người ta không chăm sóc yên ủi các tâm hồn với cũng một tình bác ái và tế nhị như với các thân thể này? Thế mà, một số tâm hồn thì bệnh tật, một số lớn hơn thì yếu đuối, và tất cả đều đau khổ! Nên chúng ta phải cư xử với các tâm hồn ấy cách thật dịu hiền thương mến!”.
Khi có chị em nào sai lỗi mà làm người khác khó chịu, Têrêsa lại càng tỏ ra đáng mến hơn, sẵn sàng giúp đỡ hơn, đối xử êm ái dịu dàng hơn để làm dịu con tim tha nhân đang đau khổ. Lòng tốt của Chị được biểu lộ qua cách đối xử lịch thiệp, dịu dàng khi có ai làm phiền Chị. Một hôm Chị cắt nghĩa cho tôi hiểu lý do tại sao:
“Ôi, thật Chúa xót thương các linh hồn khuyết điểm biết bao! Em thấy ngay ở thiên nhiên những thí dụ cụ thể về lòng thương xót đó. Chị hãy trông những cây đậu Hoà Lan nhỏ bé kia, chúng được cấu tạo bởi toàn chất đường, vỏ mỏng. Dù vậy, ánh nắng mặt trời thiêu đốt, giá lạnh đêm trường như cắt thịt nó cũng chẳng hề chi. Chúng là biểu hiệu của những tâm hồn hoàn thiện. Còn những câu đậu tằm lớn, lại tượng trưng cho những tâm hồn khuyết điểm, vì chúng phải có đến hai lần vỏ che chở. Chúng ta phải hành động theo gương Chúa, hãy đối xử săn sóc các linh hồn bất toàn cách rất tinh vi và vô cùng tế nhị”.
Thấy tôi ra vẻ tư lự, Chị nói:
- Chị ạ, tư lự về bản thân chỉ làm kiệt quệ tâm hồn, chị nên sốt sắng thực hành những việc bác ái.
Và Chị nhấn mạnh:
- Đôi khi người ta rất đồi tệ nếu tự khép kín để suy nghĩ vẩn vơ một mình. Đồi tệ tới mức phải gấp rút ra khỏi tình trạng đó ngay. Chúa nhân lành không bắt ta cứ sống buồn tẻ với mình mãi đâu. Trái lại, thường lúc đó Chúa để ta thấy chán ngán để ta từ bỏ tình trạng trái tâm lý đó đi. Trong những lúc như vậy, em không còn thấy cách nào tốt hơn là đi tìm gặp Chúa và Mẹ Maria bằng cách làm những việc bác ái.
Tôi thổ lộ với Chị là tôi đang bị phiền muộn dày vò; để làm tôi thêm can đảm bằng cách chứng tỏ Chị không phải là người vô cảm xúc, Têrêsa kể rằng một tối kia trong giờ “yên lặng” Chị được sai đi sửa soạn một đèn nhỏ đặt ở ngoài cho sáng. Dầu, bấc không có gì sẵn sàng cả! Trong khi đó thì ai nấy đã lui về phòng mình, cửa đóng then cài.
Chị bảo:
- Em phải chiến đấu ghê gớm. Em lẩm bẩm phản đối nào cảnh nào người! Em buồn vì mấy chị ở Nhà Ngoài bắt em làm vào giờ nghỉ trong khi các chị ấy có thể tự làm lấy cách dễ dàng! .
“Nhưng bất chợt ánh sáng loé lên trong tâm hồn, em tưởng như mình đang phục vụ gia đình Thánh Gia ở Nazareth. Em đang sửa soạn đèn dầu cho chính Chúa Giêsu Bé Thơ. Lúc đó em đặt hết cả tình yêu lòng mến vào công việc. Em bước đi nhẹ nhàng lòng đầy phấn khởi. Từ đó, em luôn luôn dùng phương thế này, một phương thế làm em được kết quả lạ lùng”.
Phòng bệnh là nơi tôi được cắt đặt làm việc ngay khi vào Dòng, nhưng hồi đó không có bệnh nhân nào đau yếu nặng cả. Tuy thế những người thiếu sức khoẻ thì nhiều. Trong số đó có một người mắc chứng não bần huyết kinh niên, chị lại có tính tình thất thường nữa, điều này làm cho ai giữ nhiệm vụ y tá cũng phải luôn luôn kiên nhẫn. Bệnh nhân này sống theo nguyên tắc “cần phải thử luyện các chị em nhà tập rất nhiều”. Vì thế, có lần tôi ở ngay tận đầu nhà đằng kia, chị bấm chuông gọi bảo: “Chị ơi! Tôi nhận ngay ra bước chân chị hay của chị kia”.
Lần khác, không thể cầm được nước mắt, tôi tới bên Têrêsa. Chị đón tôi cách niềm nở dịu dàng và yên ủi khích lệ để tôi thêm can đảm. Lúc này đây tôi còn thấy rõ trong tâm trí hình ảnh Chị ngồi bên tôi, trên một cái rương gỗ và siết chặt tôi trong cánh tay Chị.
Nhưng rồi tôi lại phải trở về với công việc và phải chiến đấu không ngừng. Đã nhiều lần tôi đi vòng để tránh khỏi phải qua cửa sổ phòng bệnh, vì nếu Mẹ đó thấy tôi đi gần, thế nào cũng ra hiệu bảo tôi làm thêm công việc gì đó. Có lẽ để tránh mặt Mẹ, tôi cúi đầu đi thật nhanh mà lòng dâng lên niềm cay đắng.
Têrêsa hiểu rõ hoàn cảnh tôi và sẵn sàng tha thứ cho tôi. Có lần Chị bảo tôi:
“Chị phải cố ý đi qua phòng bệnh để người ta có dịp nhờ vả chị, và khi chị thực sự mắc công chuyện không thể dừng lại để giúp đỡ thì chị hãy dịu dàng từ chối và cần hứa sẽ trở lại, đồng thời tỏ vẻ niềm nở như chính chị được người ta giúp đỡ vậy.
Chuông phòng bệnh đối với chị phải là khúc nhạc trời tuyệt diệu. Khi người ta bấm chuông gọi chị... đó là điều tốt nên vui mừng. Chị cần ước mong điều đó thực sự trong lòng. Ôi chị xem: nghĩ tưởng những điều đẹp đẽ và thánh thiện, viết sách, đọc hay viết truyện các thánh đi nữa cũng không có giá trị bằng thực thi một việc bác ái vì lòng mến Chúa, cũng chẳng hơn việc đáp lại tiếng chuông phòng bệnh, tuy dầu có làm phiền ta đôi chút.
Khi người ta xin chị giúp đỡ việc gì hay chị có bổn phận phải chu toàn đối với bệnh nhân mà chị không ưa, thì chị nên coi mình như một tên nô lệ ti tiện mà mọi người đều có quyền sai khiến. Chị đừng phàn nàn, vì chị chỉ là tên nô lệ thôi!
- Phải, nhưng chị thấy nhiều lần người ta gọi em để không sai làm gì cả, lúc đó em thấy bực tức lắm!
- Em biết điều đó đối với chị thật khó chịu, nhưng chị thấy không, các thiên thần đang nhìn ngắm chị trên bãi chiến trường đợi cuộc chiến kết liễu là quàng lên chị triều thiên vòng hoa chiến thắng như xưa người ta vẫn quen tặng các hiệp sĩ hào hùng. Chúng ta muốn là những vị tử đạo nhỏ bé, chính chúng ta phải chiếm lấy cành thiên tuế! Chúng ta lầm tưởng mà cho rằng các cuộc chiến đấu đó không có giá trị: ‘Người có tâm hồn kiên nhẫn chịu đựng thì có giá trị hơn kẻ có thân xác khoẻ mạnh. Kẻ chế ngự được tâm hồn thì có giá trị hơn kẻ đoạt thành chiếm luỹ’ .
Với em, nếu còn sống thì việc coi giữ nhà kẻ liệt chắc sẽ làm em thích thú. Em không muốn xin việc này vì sợ có vẻ tự phụ. Nhưng nếu được trao phó, thì em cho đây là một đặc ân. Ôi, phải! Em sẽ hạnh phúc lắm nếu người ta sai em làm việc này. Đó là điều giá trị đáng kể khi em nghĩ tới lời Chúa phán: ‘Ta đau yếu và các ngươi đã săn sóc’” .
Chị nhắn nhủ tôi rất nhiều về việc phải săn sóc các bệnh nhân với tình yêu mến. Làm việc này không như các việc thường khác, mà phải làm với tất cả sự cẩn thận tế nhị như là người ta làm việc đó cho chính Chúa vậy.
Tuy thế, sau ngày làm việc vất vả tối đến giờ nghỉ, hay sau giờ Kinh Mai mà phải đi giúp đỡ chị em nào, tôi thấy khó chịu lắm. Tôi phàn nàn thì Chị liền bảo:
“Bây giờ chính chị là người mang những chén nước nhỏ này cho những người bên phải bên trái, nhưng ngày kia ở trên trời, chính Chúa Giêsu sẽ đến để phục vụ chị” .
Chị nói rằng: Tôi muốn đối xử tử tế với ai tử tế, nhu mì với ai nhu mì. Nhưng ngay khi có ai làm chị trái ý, thì chị đã mất hết bình tĩnh rồi: Như vậy thì có khác gì những dân ngoại mà Phúc Âm đã nói tới? Ta phải đối xử ngược lại: Các con hãy làm điều thiện cho kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho kẻ bách hại các con . Tử tế với người làm lành cho ta, đó là khôn ngoan theo loài người, chẳng phải khôn ngoan của Thiên Chúa.
“Khi tới giờ chết...”
Tôi luôn ước rằng những chi tiết đời tôi khuôn rập nhau như một trò chơi kiên nhẫn. Vô phước cho ai tới quấy rầy! Nếu có hoàn cảnh bất ngờ nào xảy tới làm xáo trộn cuộc sống, tôi liền tỏ vẻ không hài lòng.
Một hôm trong những ngày bệnh cuối đời em tôi, tôi muốn dành cả buổi chiều để làm xong một việc như dự tính. Nhưng bất ngờ tôi phải ra phòng khách! Tôi bảo em tôi:
- Chán ghê! Cứ bị quấy rầy mãi, nếu không thì đã xong việc từ lâu!...
Têrêsa nhìn tôi:
- Khi giờ chết tới, chị sẽ ước mong trước đây được người ta quấy rầy biết bao nhiêu!
Tôi định dành một ngày hoàn toàn yên lặng để dự buổi cấm phòng tháng. Nhưng đó là cả vấn đề nan giải.
Làm sao tìm ra một Chúa nhật không bận việc gì do bổn phận hay nguyên nhân nào khác! Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu bảo tôi:
“Chị muốn tĩnh tâm để được tự do hơn, để mình chị thư thái! Còn em, em tĩnh tâm do lòng trung thành để tận hiến một ngày hoàn hảo hơn cho Chúa... Nếu hôm nào em cần phải viết lách nhiều: để tâm hồn được thanh thoát, thì em luôn giữ tâm trạng là sẵn sàng để cho ai muốn tới quấy rầy gì cũng được. Em tự nhủ: ‘Thời giờ tự do này tôi sẵn sàng để người khác nhờ vả. Tôi muốn thế! Nhưng tiên vàn nếu tôi được ở yên, tôi sẽ cảm tạ Chúa như một ơn tôi được lúc không ngờ’. Và lúc nào em cũng tươi vui sung sướng”.
Thực vậy, tôi nhận thấy hồi Chị còn giữ phòng thánh, trong các ngày nghỉ khi công việc riêng đã xong xuôi, Chị vội vã qua phòng thánh để cho người ta có thể sai bảo. Chị đi ngang qua ngay chỗ chị trưởng phòng thánh để chị này có thể nhờ vả việc này việc nọ. Sự việc đã xảy ra như vậy. Vì biết làm như vậy Chị phải cố gắng lắm, nên tôi ra hiệu cho Chị đừng đi qua lối đó, hơn thế tôi còn giúp Chị một cách thế nữa, nhưng tất cả đều vô ích.
Vào những tháng cuối đời người em nhỏ của tôi, tôi thường trì hoãn giờ chơi để nán lại săn sóc em, và tôi không được nhiệt thành trong việc săn sóc các người khác bị bệnh nhẹ hơn. Chị nói với tôi:
“Ở vào địa vị chị, dầu không phải bị buộc thì em sẽ lo liệu hết sức mau chóng các việc để có thể đi chơi hay săn sóc các bệnh nhân khác. Em sẽ cố gắng làm hàng ngày hy sinh và tránh mọi cơ hội gặp gỡ, để mang lại cho chị nhiều ơn thánh hơn. Trong bất cứ công việc gì đừng nên tìm kiếm lợi lộc riêng tư, vì ‘ngay khi người ta tìm kiếm mình, lập tức người ta ngừng yêu mến’ . Trong những ngày cuối đời này, em sống hạnh phúc hơn người ta tưởng nhiều, vì không bao giờ em tìm kiếm gì cho mình cả. Khi hoàn toàn từ bỏ, là lúc người ta được lãnh nhận phần thưởng ngay ở trần gian. Chị thường bảo em chỉ cho chị phương thế tiến tới tình yêu thuần khiết, vậy phương thế đó là quên chính bản thân và đừng tìm kiếm lợi riêng”.
Tôi đã để chảy nước mắt hầu làm cho một chị kia tin rằng tôi đang bị phiền hà lắm. Tuy vậy tôi không quyến luyến gì tới điều đang làm cho tôi hối tiếc cả. Cũng ngày hôm đó, tôi đã bảo vệ quyền lợi của tôi đối với một chị và đồng thời cũng là để bảo vệ công bằng. Thêm vào đó, tôi muốn chứng minh cho chị ấy biết rằng chị đã lầm lẫn. Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu liền bảo tôi:
- Thực ra không có gì đáng trách, nhưng vốn chưa đạt tới sự an bình và những chiếc lông tơ trên quả anh đào đã bị chà rụng hết rồi... Bảo vệ quyền lợi của chị và duy trì công bằng đối với người khác không phải là một lỗi, nhưng với chị thì thật là điều đáng tiếc.
- Nhưng khi quả anh đào đã thối thì đâu còn làm được việc gì?
- Một cái nhìn Tin yêu lên Chúa Giêsu và một tâm tình nhận biết sự khốn nạn của mình sẽ sửa chữa lại tất cả. Tìm kiếm và bảo vệ quyền lợi mình, đó là hành động tác hại linh hồn. Muốn chỉ giáo kẻ khác là hành động không hợp thời, ngay khi chị không lầm lẫn chi cả cũng vậy. Lại nữa, chính chị đâu có được Bề trên giao phó cho nhiệm vụ đó? Chị không được đặt mình làm Án quan hoà giải, chỉ mình Chúa có quyền đó, còn chị, nhiệm vụ của chị chính là làm Thiên sứ hoà bình”.
Chị thường nói với tôi là người ta luôn phải xét đoán tha nhân với tinh thần bác ái, vì rất nhiều trường hợp, cái đối với chúng ta là không đáng kể thì đối với Chúa lại là việc anh hùng.
Một người mệt mỏi nhức đầu, tâm can bị phiền muộn giày dò chỉ làm xong có nửa bổn phận thôi thì cũng làm nhiều hơn người khoẻ cả tâm trí lẫn thân xác tuy người này đã làm trọn tất cả. Ta cần phải quảng đại với người khác trong mọi xét đoán. Luôn phải nghĩ tốt về tha nhân và tha thứ cho họ, ngay cả khi không có điều chi đáng ca ngợi cả ta vẫn còn lý do để tự nhủ rằng: “Con người ấy bề ngoài có vẻ lầm lẫn, nhưng họ không nhận ra điều đó và nếu tôi có được một sự xét đoán chính xác hơn họ, thì đây chính là lý do để tôi thương xót họ hơn, và tôi cần phải khiêm tốn vì đã khắt khe với họ”.
Chị cũng giúp tôi nhận ra rằng thường Chúa để ta mắc phải chính những yếu đuối mà ta khó chịu khi thấy người khác mắc phải, như lãng quên, biếng trễ, không chú ý, mệt nhọc... Đó chính là lúc tự nhiên nhất để ta tha thứ những lỗi lầm kẻ khác rơi vào, vì chính ta cũng rơi vào như họ.
Được chỉ dạy với chứng cớ cụ thể, rõ ràng, cộng thêm kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy các chị em mà tôi cho rằng họ khuyết điểm nhiều, thực ra không phải thế. Rất có thể vì một lý do nào đó, như vì vâng lời chẳng hạn, đã ngăn cản họ làm việc này việc nọ, đối xử thế này thế khác. Vì thế họ phải âm thầm chịu sỉ nhục như vậy.
Khi cùng Chị đi bách bộ trong vườn lúc giờ chơi, Chị chỉ một cây ăn trái và bảo tôi:
“Chị hãy nhìn những quả lê này bề ngoài thật xấu xí, chúng là hình ảnh những chị em mà chúng ta không mấy hài lòng đó. Mùa thu tới, người ta ngắt những quả đó biếu chị... Bó vỏ ăn thử xem, chị sẽ thấy thích thú ghê lắm, không ngờ rằng đây chính là quả trước kia chị đã coi thường. Cũng thế, ngày sau hết chị sẽ ngạc nhiên thấy các chị em khi đã được lột bỏ tất cả khuyết điểm, sẽ là những vị đại thánh”.
Cầu nguyện cho các Linh mục
Điều lôi cuốn Chị xin tu dòng Kín chính là Chị muốn hy sinh cầu nguyện cho Giáo Hội, cho các linh mục... Chị muốn rằng cuộc sống phải được dâng hiến trọn vẹn để thánh hoá các thừa tác viên của Chúa. Chị bảo “cầu nguyện cho các linh mục là ‘cuộc kinh doanh’ lớn, vì lời kinh sẽ từ đầu não chuyển xuống các chi thể”.
Ước mong các linh mục thánh thiện và do đó các tội nhân được ơn hoán cải chính là nguyên động lực đời sống Chị. Ở Nhà tập, Chị dạy chúng tôi một kinh khá dài cầu cho các linh mục mà Chị không nhớ ai là tác giả . Hầu như tất cả các thư từ Chị viết cho tôi khi tôi còn ở ngoài đời đều quy về mục đích này: Cầu nguyện cho các linh mục, và đó là mục đích chung của hai chúng tôi .
Tháng Sáu 1896 tôi chụp hình Chị để gởi cho Mẹ Bề trên (Mẹ Marie de Gonzague) nhân dịp mừng lễ Mẹ ngày 21 tháng 6. Chị muốn được chụp lúc đang cầm cuộn giấy có viết những lời sau đây của Mẹ Thánh Têrêsa chúng tôi: “Con muốn dâng hiến ngàn cuộc sống để cứu rỗi một linh hồn cũng được” .
Ngày hành hương sang Rôma, Têrêsa mới có 14 tuổi. Trong lúc đọc cuốn Biên niên sử của các Nữ tu Truyền giáo, Chị ngừng lại bảo tôi: “Em không muốn đọc nữa chị ạ! Em đã nuôi sẵn ước vọng mãnh liệt trở nên nhà truyền giáo. Chịu sao nỗi nếu em còn cứ tăng thêm ước vọng đó mãi bằng những tấm gương tông đồ này? Nhất định em sẽ là một nữ tu Kín”.
Rồi Chị cắt nghĩa cho tôi tại sao Chị lại quyết định như thế: “Chính là để được chịu nhiều đau khổ hơn trong cuộc sống đồng điệu, khắc khổ và nhờ thế cứu được nhiều linh hồn hơn”.
Trong cuốn Tiểu sử đời Chị, Chị đã kể mình phải kiên nhẫn trong lời cầu nguyện để cầu cho Pranzini tên sát nhân xấu số. Chị thú nhận là rất xúc động khi thấy Chúa nhận lời Chị xin, vì người tử tội đã thình lình ăn năn trở lại trước khi lên đoạn đầu đài.
Với dáng ngại ngùng, Chị đưa cho tôi số tiền nhỏ để xin lễ cho người tử tội. Vì tính nhút nhát, nên Chị không dám đưa tiền tận tay cho Cha Giải tội.
Chị cũng chẳng nói cho tôi biết ý xin lễ nữa. Nhưng tôi đã đoán đúng và Chị cảm thấy thật an ủi. Từ đó Chị chia sẻ cho tôi biết những băn khoăn lo lắng cũng như những ước vọng của Chị.
Lòng nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn xâu xé tâm hồn Chị ngay từ hồi niên thiếu. Khi Chị thấy ảnh Chúa chịu nạn có bàn tay đẫm máu, và ảnh này đã mạc khải cho Chị biết về ơn kêu gọi được đồng cứu chuộc với Chúa Cứu Thế.
Sống trong Nhà Kín, lòng nhiệt thành đó không ngừng phát triển và Chị luôn bộc lộ ra mỗi khi có dịp. Tôi đã thấy Chị âm thầm giấu ảnh thánh Bênêdictô vào chiếc áo làm việc của bác thợ mộc, nhân lúc bác đi về và sẽ trở lại Nhà Dòng trong ngày. Chị làm như vậy vì bác thợ này khô khan, sống xa Chúa.
Trong lúc phải đau khổ vì bệnh lao dày vò, và chúng tôi phải sa nước mắt cầu nguyện cho Chị, thì Chị lại nói với chúng tôi: “Em cầu xin Chúa nhân lành thương xót để tất cả kinh nguyện các chị cầu cho em đừng làm nhẹ bớt đau khổ của riêng em, nhưng là để cứu rỗi các linh hồn”.
Tôi còn nghe thấy Chị quả quyết:
“Không, không bao giờ em tin rằng người ta có thể chịu được đau khổ đến thế... Không, không bao giờ! Em chỉ có thể cắt nghĩa điều này bằng những ước vọng mãnh liệt em ôm ấp là để cứu rỗi các linh hồn”.
Đây là một trong những lời cuối cùng đời Chị.
Sau khi qua đời
Nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Chị hứa “làm mưa hoa hồng” và biểu lộ ước vọng cùng sự bảo đảm làm nhiều điều lành sau khi chết, bằng cách cầu cho Giáo Hội, bằng cách tiếp tục sứ mệnh đặc biệt làm tông đồ bên cạnh các linh mục. Nhất là tôi đã nghe Chị cắt nghĩa, đã thấy Chị viết đâu là ích lợi của việc này, và Chị sẽ dùng phương thế nào để kêu gọi các linh hồn trở về với Chúa bằng cách dạy dỗ họ con đường tin tưởng phó thác hoàn toàn. Để trả lời một trong số những điều Chị suy nghĩ, tôi bảo Chị:
- Vậy Chị tin rằng Chị sẽ cứu được nhiều linh hồn khi lên trời sao?
- Vâng em tin như thế, bằng chứng là Chúa nhân lành để em chết giữa lúc em đang ước muốn cứu được thật nhiều linh hồn.
Lòng trung thành giữ luật nơi Chị cũng lớn lao như chính lòng Chị say mến Lề Luật và Hiến Pháp của Dòng vậy.
Chị nói: “Chúng ta thật sung sướng vì chỉ thực hành theo những điều các vị Cải tổ phải dày công thiết lập”. Cũng thế, Chị không thể chịu được khi thấy ai than vãn về những điều luật đã ghi.
Chị dạy chúng tôi rằng: “Trong Dòng, mỗi người phải cố gắng tự túc. Nếu không cần thiết thì không nên nhờ kẻ khác.
Để sống mức độ trung dung, khi người ta nghĩ mình có thể chuẩn chước công việc chung hay được hưởng một ngoại lệ nào, thì chị khuyên hãy tự nhủ: Nếu mỗi người đều làm thế? Thì kết quả là vô trật tự, vì ai nấy đều có đủ lý do biện minh cho mình, nào là bận rộn trăm công nghìn việc để tự chước cho mình những công việc chung”.
Cố gắng để ít khi vắng mặt trong các giờ chung của nhà Dòng, như các giờ Kinh Nhật Tụng, suy nguyện, giờ chơi... Đó là điều chị luôn nhắn nhủ chị em nhà Tập. Chị nói: “Có những người viện lẽ này lẽ nọ, lấy lý trung thành với phận sự để rút vắn thời giờ luật Dòng và phép nhà dạy. Làm thế là đánh cắp thời giờ quý báu của Chúa!”.
Chị đã để lại cho chúng tôi một gương sáng: Khi nghe chuông điểm lần thứ nhất, Chị liền ngưng ngay mọi công việc, dù đang đọc dở một tiếng hay đang may một mũi kim. Khi đến phiên Chị rung chuông, tôi thấy Chị lúc nào cũng nghỉ chơi trước 7 phút như thói quen trong Dòng. Chị sẵn sàng bỏ dở dù đang giữa câu chuyện thật lý thú. Cứ tiếp tục mãi như vậy thì đây là một thái độ phải hy sinh rất nhiều.
Để khỏi vắng mặt trong giờ Kinh Mai (Matines) hay trong những giờ khác, Chị đã tập được những nhân đức thật đáng công.
Khi còn là thỉnh sinh hay tập sinh, dù đau yếu Chị cũng không hề nói ra, trừ khi Mẹ Bề trên truyền Chị nói, vì trong mọi hoàn cảnh Chị chỉ nhận sự giúp đỡ cũng như an ủi khi người khác tự tình ngỏ ý chứ không bao giờ Chị phiền hà trước. Trái lại, Chị tỏ ra can đảm khi phải đau khổ để che giấu nỗi khó chịu trong mình.
Nhiều lần Chị dự Kinh Nhật Tụng với cộng đoàn trong khi đau dạ dày. Lắm lúc đau đớn đến nỗi Chị không tin mình có thể dự kết được giờ Kinh. Nhưng Chị tỏ ra rất cương nghị, tự nhủ: “Nếu tôi ngã xuống, các chị em khác sẽ thấy!”. Chị tâm sự với tôi là câu đó giúp Chị rất nhiều, nhất là ngày mới vào Dòng...
Khi chuông kết thúc một giờ nào và tôi không mau lẹ bỏ công việc, thì Chị bảo: “Chị hãy thi hành chu đáo bổn phận chứ đừng theo ý riêng mình...”.
Đức vâng lời nơi Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu bao trùm mọi lãnh vực. Chị nói với tôi: “Chúng ta đừng quá dễ dãi với mình trong đời sống hằng ngày. Vì muốn tử đạo thì chúng ta phải dùng những dụng cụ có sẵn và làm cho cuộc sống tu trì của chúng ta thành tử đạo”.
Chị đã thi hành lời khuyên trên cách chặt chẽ sát từng chữ. Các Bề trên cần chú ý tới những gì các ngài nói trước mặt Chị, vì một lời khuyên đối với Chị là một mệnh lệnh, Chị không phải chỉ giữ lời đó một ngày hay nửa tháng mà là mãi mãi.
Chính trong tinh thần đó mà tôi thấy Chị giữ gìn từng điều nhỏ nhặt, tỉ dụ như đóng chiếc cửa kia lại, không đi qua lối này, hay tránh băng qua ca đài... và hàng ngàn lời khuyên khác thuộc loại này mà Mẹ Bề trên Marie de Gonzague chỉ để ý tới trong ít ngày thôi, Mẹ đâu có ngờ đối với tâm hồn trung tín này thì mọi lời nói đều là những lời “sấm” và Chị chu toàn lời Mẹ dạy như là biểu hiệu rõ ràng ý Chúa vậy.
Khi còn ở Nhà tập, chị Marie des Angès làm Bề trên Tập viện, truyền Chị phải báo cáo bệnh tình mỗi khi thấy đau dạ dày.
Vì ngày nào cũng đau nên Chị tưởng hàng ngày phải trình lại.
Còn chị Marie des Angès thì lại quên nên kêu lên: “Chị nhỏ này chỉ cứ than phiền hoài”. Têrêsa chịu đựng không một lời chữa lỗi.
Chị còn vâng lời từng chị em một, không bao giờ theo ý riêng. Chị luôn luôn hy sinh trong mọi trường hợp. Ngày kia cả nhà tụ họp trong một nơi riêng dành để hát ca ngợi, khi đó Chị quá mệt vì bệnh đang hành hạ, nên đành ngồi xuống thì một chị liền làm hiệu cho Chị đứng dậy. Chị liền niềm nở đứng dậy ngay.
Sau buổi hội, tôi hỏi Chị sao lại vâng lời mù quáng như thế? Chị thẳng thắn trả lời tôi rằng “trong những việc nhỏ nhặt, Chị có thói quen vâng lời tất cả, vâng lời từng người với tinh thần đức tin như thể chính Chúa tỏ cho Chị biết thánh ý Người vậy”.
Tôi đã hăng hái nói lại một chị trách móc tôi, vì tôi cho rằng mình không đáng chịu trách như thế: “Chị ấy không có nhiệm vụ, việc đó không liên quan gì tới chị ta cả!”. Chị Têrêsa đáp lại tôi: “Đúng thế nhưng Chúa Giêsu không bảo: ‘Hãy chỉ vâng lời các Bề trên chúng con thôi mà Ngài phán: Hãy cho bất cứ ai xin chúng con’ và ‘con hãy đi một ngàn bước với kẻ muốn ép con đi với họ một trăm bước’” .
Ít lâu trước khi từ trần, Chị Têrêsa nói với Mẹ Agnès de Jésus trước mặt tôi: “Con có đôi lời xin thưa cùng Mẹ: Các Bề trên nên khuyên các chị y tá bắt buộc bệnh nhân xin tất cả những gì họ cần. Điều đó rất hệ trọng, thưa Mẹ...” .
Chị cũng nói điều đó với cả tôi nữa vì tôi đang giữ nhiệm vụ ý tá này. Chúng tôi đoán rằng Chị đã nói theo kinh nghiệm bản thân. Chị đã từ bỏ biết bao nhiêu! Bây giờ thì đã muộn rồi, làm sao sửa chữa nổi? Những hy sinh đó là những kho tàng bí ẩn của Chúa, vì ngay khi chúng tôi tìm cách làm Chị bớt đau khổ, thì đã lại làm Chị đau khổ.
Có một chị y tá lớn tuổi hơi nghễnh ngãng, tưởng Têrêsa lạnh lắm, nên lấy chăn trùm kín từ đầu trở xuống trong khi Chị đang nóng như thiêu như đốt! Vì không thấy Têrêsa phản kháng, Chị đi lấy thêm chăn trùm lên. Têrêsa cứ để mặc chị làm. Lúc tôi tới, thì ôi thôi toàn thân mình ướt đẫm mồ hôi! Tươi cười Chị kể cho tôi nghe câu chuyện độc đáo trên mà không hề bất mãn. Chị nói với tôi là “chị vui lòng nhận lãnh tất cả với tinh thần vâng lời chị y tá trưởng”.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu khuyên chúng tôi cần luôn trung thành xin phép mỗi khi có việc riêng.
Chị nói với tôi: “Phần em, nếu ngày thứ bảy em quên xin phép hay lúc nào có thể xin phép được mà không nghĩ tới thì em thà hy sinh điều cần thiết đi còn hơn là tự ý mình làm .
Em rất áy náy và bận tâm khi phải làm điều gì không có phép Mẹ Bề trên. Chúa không cho phép Mẹ truyền cho em viết những bài thơ em vừa cảm hứng được và em cũng không muốn xin phép Mẹ, sợ trái với đức nghèo khó. Em nán đợi đến giờ tự do ban chiều và thật là khó khăn khi đã tám giờ tối mới được nặn óc để nhớ lại những vần thơ đã nghĩ từ ban sáng.
Những việc nhỏ nhặt này là những hành vi tử đạo, một sự tử đạo đích thực. Nhưng phải cẩn thận đừng làm giảm giá trị bằng cách tự cho phép mình hàng ngàn sự dễ dãi, làm đời sống tu trì thành dễ chịu và tiện nghi hơn. Đừng thả lòng cho mình được tự do” .
Chị vào Dòng hồi 15 tuổi, khi đó chữ Chị viết xấu làm Mẹ Agnès de Jésus không được hài lòng.
Têrêsa xin phép viết chữ nghiêng về phía tả vì Chị thấy dễ viết hơn nhưng không được. Chị sẵn sàng vâng lời. Mãi tới năm 1894 Chị mới được phép như lòng sở nguyện.
Hoà mình theo tập tục có sẵn, Mặc dù Chị khuyên chúng tôi nên làm tất cả mọi việc cách hoàn hảo nhất theo có thể, Chị cũng nghĩ rằng không nên cố gắng hành động tốt hơn các chị em khác nhiều quá, mà phải hoà mình theo tập tục trong Dòng, vì lòng nhiệt thành thì tốt nhưng nếu thiếu tế nhị kín đáo có thể phương hại đến chính mình và kẻ khác.
Chị bảo tôi: “Chẳng hạn như vì tĩnh tâm nên chị được miễn công việc chung, mà nếu chị thấy đồ phơi trên tầng sát nóc, chị đừng xen vào công việc đó nữa. Tuy nếu làm thì là việc bác ái, nhưng tốt hơn là nên tránh đừng làm vì khi chị làm theo nhiệt tâm như thế, thì việc đó có thể gây mệt nhọc cho chính chị và mệt nhọc cả đến chị em khác vì họ tưởng bó buộc phải theo gương chị và nếu không làm như thế là từ chối ơn Chúa.
Hay nếu người ta xin một chị giúp việc gì không phải nhiệm vụ, chị đó phải thích nghi với điều đã chỉ định, ngay cả khi chị quan niệm công việc một cách hoàn toàn hơn, vì ta liều mình làm phật lòng những người hữu trách, người đó có thể có các lý do để hành động khác mà ta chưa biết.
Thực ra công việc phải thi hành liên tục gây khó nhọc nhiều hơn. Nên thực tế mà nói, ta chỉ nên nhận lãnh những gì ta tưởng có thể theo đuổi cách bền bỉ”.
Có chị hỏi mượn tôi tập thơ trong đó tôi chép các bài thơ vào từng tờ rời. Tôi tỏ vẻ không vui mấy. Tôi nghĩ: “Có lẽ tốt hơn là phải chép vào một quyển vở như các chị em khác thường làm, để ít ra không dễ dàng bị thất lạc”.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhìn tôi với dáng điệu trách móc: “Chị phải sung sướng khi gặp dịp tốt để tập từ bỏ, không những chị phải cho mượn cách vui vẻ mà còn phải làm thế nào cho người khác thích mượn. Chị ước muốn làm thật nhiều việc thiện cho các linh hồn trong lúc sáng tác bài thơ đó, vậy không những chị phải vui sướng cho mượn mà còn làm việc đó với ý hướng tông đồ nữa. Người ta kể Thánh Louis de Gonzague không bao giờ đòi lại vật gì cho người khác mượn để giữ tinh thần nghèo khó”.
Lần khác Chị bảo tôi: “Thỉnh thoảng chị phàn nàn người ta lục tung rổ đựng đồ của chị làm mất vật này vật nọ, chị nên bằng lòng như vậy và tự nhủ: ‘tôi nghèo nàn, vậy tất nhiên là tôi thiếu cái này cái nọ. Họ lấy đồ đạc của tôi là thậm phải vì chính chúng cũng không thuộc về tôi kia mà!’”.
Người ta hỏi xin tôi một cây kim đối với tôi thật tiện lợi, tôi tỏ vẻ tiếc rẻ. Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu bảo tôi:
“Ồ! Chị giàu quá! Chị không thể hạnh phúc được...
Em nhận thấy nhiều lúc người ta ban phát khá rộng rãi, nhưng ít linh hồn chịu để người ta lấy những của thuộc về mình. Đó là điều thật khó thi hành. Dầu vậy nên nhớ lời Phúc Âm: ‘Nếu người ta lấy vật gì thuộc về con, con đừng đòi lại’” .
Khi Chị bệnh, tôi bảo Chị:
- Em mong Chị cho em tấm ảnh này làm kỷ niện để nhớ Chị.
- A! Chị còn những ước vọng!... Khi em được ở cùng Chúa nhân lành, chị đừng xin em điều gì thuộc về riêng em cả. Chị chỉ nên lấy cái mà người ta cho chị thôi. Hành động khác đi sẽ không phải là từ bỏ hết mọi sự, và thay vì làm cho mình sung sướng thì chị sẽ khổ sở. Chỉ ở trên trời chúng ta mới có quyền chiếm hữu mà thôi...
Sau khi qua đời ít lâu, một trong các chị em bảo tôi lo liệu sao để có một kỷ vật của người em yêu quý. Tôi cầu hỏi Chị: “Em phải làm sao đây?” Và mở Phúc Âm ra để tìm lời giải đáp: “Như người lên đường lữ hành bỏ nhà cửa và trao quyền hành cho đầy tớ mình”. .
Vì tình yêu mến Chúa, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ thích giữ lại cho mình những đồ vật xấu xí và cũ kỹ nhất. Tôi bảo: “Vì tình yêu mến Chúa”, vì tự nhiên mà xét, lại thêm tính nghệ sĩ, Chị thích những gì hợp sở thích hơn... Một hôm tôi đánh bẩn chiếc đồng hồ cát của Chị . Tôi nhận ra Chị đã cố gắng để giữ nguyên như thế đồng thời tránh để tôi không thấy Chị phải chịu đựng điều tôi vô tình gây nên.
Chị chẳng hề để ý xem y phục mặc có vừa hay không. Thật ra Chị không cẩu thả về cách ăn mặc, vẻ lôi thôi đó chỉ là dáng bên ngoài. Trong mọi sự, Chị càng sống sát với đức nghèo khó đích thực bao nhiêu thì Chị càng hài lòng bấy nhiêu, vì thế, Chị vá quần áo cho đến khi không thể dùng được nữa mới thôi.
Vì luôn muốn giữ tinh thần nghèo khó như vậy, nên nếu có cuốn sách hay mẫu ảnh nào mép vàng, thì Chị cẩn thận cạo cho đến khi hết màu vàng mới thôi.
Chiếc giỏ đựng đồ của Chị bắt đầu sờn và đứt chỉ. Một chị lấy miếng vải nhung cũ viền lại giúp Chị, vì loại nhung này không hay mòn. Mặc dù đang vội vã, Chị cũng tháo và lột mặt trái ra ngoài cốt để cho nó xấu và nghèo nàn hơn.
Một chị nhà tập bôi dầu lên hộp viết phòng Chị, hộp này màu nâu, nhưng đã bạc màu coi thật xấu xí. Chị liền xin đem đánh bàn chải cho sạch, Chị chỉ chịu dùng những đồ đã có sẵn trong phòng như khi Chị mới tới. Nhưng những đồ dùng này làm Chị cực lòng rất nhiều, và nếu là đồ riêng thì Chị đã cạo rửa đi từ lâu!
Khi tôi mới vào Dòng, Chị đem tặng cho tôi nào hộp viết, nào bình nước thánh, và Chị kiếm cho mình những đồ dùng đã phế thải trong phòng chứa đồ. Là mẫu mực cho chúng tôi theo trong mọi sự, Chị Têrêsa chỉ có những đồ thật cần thiết. Không những Chị từ bỏ tất cả mọi tiện nghi, mà cả những gì nhắc Chị nhớ tới tiện nghi nữa.
Ở trong Dòng, Chị có một chiếc kéo nhỏ loại con nít mà Chị đã đem từ ngoài vào, và chiếc kéo này thật bất tiện cho các việc Chị phải làm.
Bao năm sống trong Dòng, Chị chỉ dùng một cái đèn dầu đã hỏng bộ phận lên bấc. Mỗi lần muốn đèn cháy to, lại phải lấy kim khêu bấc lên! Chị cứ vui vẻ dùng nó đến nỗi người ta tưởng Chị thích thú chiếc đèn này lắm. Khi cần dùng con dao nhỏ, nếu không có đủ thời giờ để đem trả lại phòng hoạ trước giờ ngủ, thì Chị để dao xuống đất ngay ngoài cửa để tỏ rõ ràng nó không thuộc về loại đồ thường dùng của Chị.
Chị cần một bình xịt để chữa cổ họng bị rát phỏng. Có thể dùng các loại chai lọ về việc này, nhưng Chị đã chọn một lọ sứt mẻ để dùng. Một hôm chẳng may vì sơ ý chai vỡ, Chị đi cáo mình trong giờ cáo lỗi, mặc dù tôi khuyên Chị không cần làm thế.
Để viết bản tự thuật, Chị xin chị Léonie một cuốn vở hai xu loại giấy xấu: Chị tưởng một cuốn là đủ, nên Chị tỏ ra thật ngỡ ngàng khi phải xin thêm cuốn nữa.
Còn về phần gởi cho Mẹ Maria de Gonzague, Chị viết trong lúc đau nặng nên Chị miễn cưỡng phải viết rộng rãi trên giấy ô vuông.
Khi sáng tác thơ văn, Chị đã ghi trên những mẩu giấy đủ kiểu, thứ giấy vứt đi chẳng ai muốn nhặt. Vì vậy những bản nháp của Chị hầu như chẳng ai đọc nổi.
Bút Chị dùng cho đến khi nào không viết được nữa mới thôi. Về cuối đời, Chị bắt buộc phải dùng sữa, nên Chị thường dùng chút sữa để ngâm bút và Chị bảo làm như vậy “để ngòi bút được dịu hơn”.
Khi được khấn Dòng, Mẹ Agnès de Jésus vì sợ Chị Têrêsa đeo ảnh chuộc tội to nặng sẽ làm Chị bị đau, nên Mẹ lấy cây Thánh giá nhỏ hơn của Mẹ đưa cho Chị. Chị Têrêsa không giấu giếm tôi rằng điều đó làm Chị phải hy sinh vì Chị mong có một Thánh giá to hơn. Nhưng Chị không xin và cứ giữ tượng này suốt đời. Đó cũng là tượng Chị cầm tay trong lúc hấp hối.
Giờ chơi và nhà khách
Trong mọi lúc, Chị lợi dụng những dịp nhỏ mọn để hy sinh hãm mình mà không phương hại đến sức khoẻ. Thật là những thực hành nho nhỏ nhưng Chúa tỏ quyền phép Ngài ra ngay trong việc tạo dựng những vật thật bé nhỏ cũng như trong những vật thật to lớn. Và hình như Têrêsa đã khám phá ra sức mạnh đó trong muôn vàn hành động ti tiểu.
Chị thú nhận với tôi rằng ngay từ hồi thơ ấu Chị đã cảm thấy chán ngán những bữa ăn. Chị không thể hiểu tại sao người ta cứ thết tiệc nhau và coi đó như là mục đích các cuộc hội họp vậy.
Chị nói: “Ngay khi người ta muốn được ai hiện diện là người ta mời kẻ đó tới dự tiệc. Lạ lùng chưa! Đáng lẽ người ta phải hổ thẹn khi làm việc đó, và phải làm cách kín đáo nữa. A! Nếu Chúa chúng ta và Mẹ Maria không dùng bữa, có lẽ em sẽ không bao giờ ăn uống gì cả” .
Cuối đời, Chị bệnh nặng, phải ăn theo thực đơn riêng. Vì thế Chị nói với tôi: “Điều này làm em khổ tâm lắm chị ạ! Nhưng em muốn làm điều đó vì đây chính là ý Chúa mà em phải thi hành qua sự hèn mọn này”.
Khi tôi hỏi Chị làm sao để thánh hoá những bữa ăn thì Chị trả lời: “Phải làm công việc tự nó rất thấp hèn này trong tâm tình liên kết với Chúa chúng ta.
Nhiều lần chính ở nhà cơm mà em có được những tâm tình yêu mến thật cao đẹp. Thỉnh thoảng em như bị bắt buộc phải dừng lại. Ôi! Em sung sướng nghĩ rằng nếu lúc này Chúa ngồi ở chỗ em, trước phần ăn này thì Chúa cũng dùng nó. Chúa sẽ dùng những thứ người ta dọn sẵn lên... Rồi rất có thể trong suốt thời gian Chúa sống tại thế, Chúa cũng đã nếm những món ăn giống món em ăn đây, do chính tay Mẹ Marie dọn lên cho Chúa, chẳng hạn như món cháo... rồi Chúa cũng dùng bánh, rau, hoa quả, thịt cá...”.
Chị mang nặng những tâm tình đó và linh hồn Chị chơi vơi theo hương vị của tình yêu vời vợi.
Sau đây là những hãm mình Chị thực hành trong bữa ăn, vì các việc làm khác Chị đểu không được phép.
Khi cán dao hay thìa còn dơ nên dính tay, Chị luôn giữ mình để khỏi mất dịp hy sinh. Đây thực là việc làm Chị phải cố gắng rất nhiều. Hơn nữa Chị còn giữ nguyên như vậy cho đến hết bữa ăn.
Có năm, trong những tuần cuối mùa Chay, tại nhà cơm đọc sách về sự Thương Khó Chúa. Chị bảo tôi rằng nghe đoạn sách đó làm Chị chán ngán không muốn dùng bữa, và có ăn thì chỉ là bó buộc, ăn như vụng trộm vậy vì Chị coi việc ăn uống là hành động thật thấp kém. Trong những lúc đó Chị thường nhịn uống cho tới khi người đọc sách dừng lại, hay tới khi đoạn sách ít cảm động hơn. Lúc đó Chị mới vội vàng uống như giấu giếm vậy, vì Chị bảo “ăn thì không thể bỏ được, nhưng uống thì có thể nhịn, và đây thật là niềm an ủi”.
Chị kể cho tôi nghe điều đó không phải để khuyên tôi theo gương Chị, nhưng là để cho tôi hay Chị bị xúc động chừng nào khi nghe sự Thương Khó Chúa Giêsu đã chịu vì chúng ta.
Ở nhà cơm, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu có những tập quán ngây thơ đáng yêu, Chị đã hồn nhiên thuật lại cho chúng tôi hay:
“Em tưởng mình đang ở Nazareth trong nhà Thánh Gia. Chẳng hạn, nếu người ta dọn rau, cá, rượu hay thức gì thuộc về chất mạnh, thì em dâng những món đó cho Thánh Giuse. Đối với Đức Mẹ, em sẽ dâng Người những phần ăn nóng hổi, những quả chín ngon ngọt... Còn những món ăn ngày đại lễ, đặc biệt cháo ngọt, cơm, mứt, em sẽ dâng lên Chúa Giêsu Bé Thơ. Cuối cùng, khi dùng bữa ăn xoàng, em sẽ vui vẻ tự nhủ: Hôm nay, hỡi cô gái nhỏ yêu quý của ta, tất cả những cái đó là dành để cho cô đó!”.
Chị giấu không cho chúng tôi thấy Chị hy sinh phạt xác bằng cách giữ bộ diện bên ngoài luôn tươi vui. Tuy thế, trong một ngày ăn chay, Mẹ Bề trên bảo Chị cần dưỡng sức hơn thì một chị nhà tập thấy Chị chế thêm cây khổ ngải là một loại cây rất đắng vào thức ăn.
Lần khác, tôi thấy Chị thong thả uống một chất thuốc có mùi vị thật khó chịu nên vội bảo:
- Này Chị! Uống lẹ lên chứ, uống liền một hơi cho đỡ đắng!
- Không, há em không biết lợi dụng dịp nhỏ này để hãm mình một chút sao? Vả, em có lệnh cấm không được làm những hy sinh lớn lao khác kia mà!
Chị Têrêsa nói: “Chính khi chơi là lúc thuận tiện hơn các dịp khác để tập nhân đức. Nếu chị muốn rút được ích lợi lớn lao trong các giờ đó thì chị đừng ra chơi với tư tưởng là để mình giải trí, mà là để làm cho người khác được giải trí. Hãy nhân dịp này mà tập tinh thần hoàn toàn từ bỏ.
Chẳng hạn, chị kể cho một chị nào nghe một câu chuyện đối với chị có vẻ hấp dẫn, nhưng nếu người khác ngắt ngang câu chuyện chị đang kể, thì chị hãy chú ý lắng nghe họ. Cho dù câu chuyện không làm chị hứng thú chút nào hết, thì chị cũng đừng tìm dịp trở lại câu chuyện trước. Hành động như thế, khi hết giờ chơi, chị sẽ thấy tâm hồn an bình và được thêm sức mạnh mới để luyện tập nhân đức, vì chị chơi không cốt để làm theo ý riêng, nhưng là làm cho toàn thể các chị em khác vui vẻ. Ước gì người ta hiểu được những ích lợi do tinh thần từ bỏ mang lại!
Điều này dĩ nhiên chị biết rõ rồi, nhưng chị có luôn làm như vậy không?”.
- Phải, em biết thế, nhưng em quên mất và từ nay em sẽ cố gắng không tìm ý riêng nữa.
Điều này thật đúng! Vì Chị đã tập được tinh thần từ bỏ hoàn toàn, Chị làm cách quá dễ dàng tới nỗi người ta tưởng bản tính Chị vốn như thế. Tuy nhiên, Chị có được nhân đức này, là vì Chị đã quảng đại đáp lại ơn Chúa. Đây là bằng chứng về tâm tình đó:
Tôi nêu ra nhận xét là trong giờ chơi, thỉnh thoảng người ta thấy ngứa miệng muốn nói toạc một sự thật ra, nhất là sự thật có giá trị, thì Chị cũng nhận rằng có thấy cám dỗ đó. Điều này không lạ gì vì trí khôn Chị rất sắc bén, những câu trả lời tế nhị trào phúng lúc nào cũng như thiêu đốt trên môi Chị vậy! Nhưng Chị luôn chiến thắng trong nghệ thuật giữ gìn kẻo lộ tài hoa mình ra.
Khi ra tiếp khách, Chị ngồi yên lặng nghe người khác nói. Chị chỉ trả lời khi có ai hỏi. Chị dè dặt đến nỗi người trong gia đình cho Chị là vô vị. Họ bảo “vì vào Dòng sớm quá, nên việc giáo dục Chị bị thiếu sót và có ảnh hưởng tới cả đời Chị!”.
“Khi em đã lìa cõi đời, xin các chị đừng lúc nào cũng quây tụ lại với nhau như ở gia đình nữa, cũng như đừng kể cho nhau biết những mẩu chuyện nghe được khi tiếp khách nếu chưa có phép, và cũng chỉ xin phép khi thấy có ích lợi, chứ không phải chỉ để giải trí mà thôi”.
Chị luôn tìm cách trốn tránh cho khỏi phải ở lại phòng khách, khi Chị đoán trước sẽ có điều chi làm Chị thích thú. Nhưng nếu cần phải hy sinh giúp đỡ thì Chị không cần để ai phải van nài cả.
Khi lâm bệnh, chị Têrêsa trình cho Mẹ chúng tôi biết theo đức vâng lời chứ không để ý xem có được săn sóc hay không. Khi phải thiếu thốn vật gì, Chị nghĩ rằng Chúa tin cậy được sự nhẫn nại chịu đựng của Chị và điều này làm Chị hãnh diện sung sướng.
Chị bảo tôi: “Khi định làm việc gì, chị phải luôn làm với tinh thần siêu thoát, vui lòng để chị em góp ý kiến. Và nếu chị em khác sở thích với chị, thì hãy để họ sửa chữa lại lúc chị vắng mặt, tuy biết như vậy là chị phí rất nhiều giờ cố gắng. Hơn nữa, nếu vì sửa chữa như vậy mà công việc thành xấu đi hay bị mất giá trị, thì chị cũng hãy tươi vui, vì ta làm việc sao cho thật hoàn hảo là chỉ để tuân theo thánh ý Chúa thôi” .
Để giảm bớt phần nào đau đớn lúc Chị đang ốm yếu, tôi đã nghĩ ra một vật mà tôi thực hiện thật mau lẹ. Vật đó Chị cho là tài tình nên sững sờ nhìn tôi rồi khen là tôi biết nhanh nhẹn làm việc bái ái cũng như có tài khéo léo. Chị tiếp:
“Nếu người ta ra lệnh cho chị làm việc đó, nếu y tá trưởng có ý tưởng này trước tiên, thì chị có hăng say làm như vậy không?”.
Tiếp tục quãng diễn tư tưởng, Chị cho tôi hay là “bản tính tự nhiên chỉ dễ dàng làm việc do mình cảm hứng ra. Còn khi phải nhận ý kiến người khác thì ta nêu lên biết bao nhiên tiếng nếu, tiếng nhưng, vì thế ta sẽ nhìn với con mắt thiện cảm những việc người ta làm để trấn thống kẻ khác nếu chính chúng ta cũng góp phần trong đó. Còn khi không tham dự chút nào, thì trong lòng ta nổi lên bao nhiêu là chống đối! Ta chỉ trích mọi việc ta không dính tay vào!”.
Một bằng chứng nữa về tinh thần từ bỏ của Chị nhân dịp nhà dòng muốn chụp một tấm hình chung.
Tôi được uỷ thác sửa soạn máy chụp, sắp xếp chỗ đứng cho chị em. Khi tôi đứng vào thì không còn chỗ nào trống cả , chị em Nhà tập đã quây quần quanh Têrêsa, miễn sao càng gần Chị càng hay vì Chị là Phụ tá Bề trên tập viện. Chị để yên cho chị em làm thế, song cũng tiếc về chuyện chị em đã không tế nhị cho chúng tôi đôi lúc được niềm nở ở gần cạnh nhau. Chị thú nhận với tôi là có đau khổ về chuyện này...
Tuy thế, có lần chị làm khác đi; chẳng hạn như một lần chúng tôi đang giặt thì Chị bảo chị Marthe de Jésus lui ra một chút để tôi có chỗ.
Thật ra người ta không thể thấy một tâm hồn nào giàu tình cảm hơn chị. Nhưng Chị chỉ bộc lộ tất cả tình âu yếm đó cho chúng tôi, là chị ruột của Chị, trong lúc thân mật thôi.
Chị đọc thấy một số các thánh vì muốn được trọn lành, nên đã lìa xa cha mẹ, hay đã đổi cách cư xử với các ngài. Riêng Chị, Chị nói “rất sung sướng vì có nhiều chỗ trong nhà Chúa , và chỗ của Chị không phải là chỗ như các vị đại thánh, nhưng là cùng chỗ với những vị bé nhỏ dạt dào tình thương gia đình”.
Còn việc Chị có thể đi Hà Nội, tôi hỏi xem lý do nào thúc đẩy Chị muốn như vậy, thì Chị trả lời:
“Không phải để có thể giúp ích được gì bên đó, nhưng là để chịu đau khổ khi con tim phải lưu đày như thế”.
“Không thể hoà hoãn với trần tục”
Khi còn phải ở ngoài đời, tôi bị bó buộc theo cách sống của nơi mình ở, và Têrêsa rất đau khổ về chuyện này, nhất là ngày kia tôi phải dự một cuộc dạ hội khiêu vũ.
Chị bảo Chị đã khóc và chưa bao giờ Chị khóc nhiều như thế. Rồi Chị xin tôi đến phòng khách để Chị dặn dò. Tôi cho là Chị có vẻ khắt khe quá vì không nên làm trò cười cho người đời. Chị liền tỏ vẻ bất bình nói giọng cứng rắn:
“Ồ! Chị Céline ơi, chị hãy xem thái độ của ba trẻ em Do Thái, thà chịu ném vào hoả lò chứ không chịu quỳ gối trước tượng đúc bằng vàng bạc. Còn chị, chị là Hôn Thê của Chúa Giêsu mà chị lại chịu hoà hoãn với trần tục, thờ lạy ngẫu tượng thế gian trong việc buông theo những thú vui nguy hiểm hay sao? Xin chị nhớ lại những điều em nói với chị do Chúa chúng ta, chị hãy xem Chúa đã thưởng công lòng trung tín của các đầy tớ Ngài ra sao, và chị hãy cố gắng bắt chước những đầy tớ trung tín đó”.
Tôi liền quyết định không khiêu vũ nữa, nhưng không biết làm thế nào để tránh được, nên tôi mang trong túi áo một tượng chuộc tội lớn và đọc kinh thật sốt sắng.
Buổi dạ hội sắp kết thúc, và tôi đã quyết liệt từ chối tất cả những lời mời tha thiết khiêu vũ, đến nỗi làm một số người bất mãn. Nhưng rồi chẳng hiểu sao một chàng thanh niên tới dìu tôi. Song tôi không thể nhảy được lấy một bước, điều đó thật lạ! Cứ một lần điệu nhạc lặp lại, là người thanh niên đáng thương lại cố gắng đưa người tới, còn tôi dù khó nhọc mấy cũng vô ích. Cuối cùng, chàng thẹn đỏ mặt bỏ đi, sau khi đã dìu tôi nhảy vài bước rất đạo đức.
Còn tôi, không ngượng ngập bối rối. Trở lại chỗ, tôi hài lòng lắm và đến ngồi bên các bà không dự khiêu vũ. Tôi khoan khoái mỉm cười với cuộc mạo hiểm vừa qua.
Làm theo ý mình bằng cách không thi hành nó
Sau khi vào Dòng được mấy tháng, thấy đời tu có phần nào khắc khổ đối với bản tính tự nhiên, tôi liền được Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu khích lệ:
“Chị than phiền là không làm theo ý mình được, em thấy không đúng. Tuy hằng ngày chị không theo ý mình trong những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng chẳng phải chính chị đã chọn cuộc sống này sao? Nên chị đã làm theo ý mình bằng cách không thi hành nó, vì chị đã biết rõ phải làm gì khi vào Dòng Kín rồi.
Em thú thực là sẽ không ở đây lấy một phút vì bị ép buộc. Nếu người ta cưỡng bách em kéo dài cuộc sống như thế này, em sẽ không thể sống được. Nhưng đây là chính em tuyển chọn thế kia mà!... Em muốn tất cả những gì trái ý em. Phải, chính em ước muốn những điều đó, như em đã nói ngày được khấn dòng: ‘Chính con yêu thích và được tự do trở nên nữ tu Dòng Kín’” .
Tháng 3 năm 1895, khi ở ngoài vườn cùng với chị em Nhà tập, tôi thấy một cây tuyết điểm hoa vội chạy lại định ngắt, nhưng Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu cản tôi lại và nói: “Không được phép”.
Ý nghĩ ngay việc ngắt một bông hoa cũng không được, làm tôi thấy thật nặng nề, nước mắt giàn trên mi. Hôm đó là Chúa nhật. Trở về phòng, để tự yên ủi, tôi muốn sáng tác một bài thơ diễn tả tất cả những gì tôi yêu thích cũng như tôi thấy trong Chúa Giêsu. Song tôi chỉ viết được có dòng cuối cùng này:
“bông hoa con xin hái,
Ôi Vua Chí ái
Là chính Chúa!”.
Tôi thổ lộ mọi phiền muộn với Têrêsa. Chị đã không nói gì hết. Nhưng vài ngày sau Chị trao cho tôi một bài thơ nhan đề là “Thánh ca của Céline”. Về sau bài này được xuất bản dưới nhan đề “Điều tôi yêu”.
Mỗi hàng trong bài này đều rạng tỏ tinh thần Chị siêu thoát mọi vật trần thế với lòng hy vọng thẳm sâu.
Tôi kể ra đây những tấm gương đó vì tôi đã chứng kiến, hay vì chị đã tâm sự với tôi để khuyến khích tôi can đảm hy sinh.
Một hôm trong giờ chơi, Mẹ chúng tôi đọc một lá thư có liên quan tới Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà chị lại vắng mặt, nên Chị xin tôi đưa chị coi. Tôi liền xin phép và trao cho Chị.
Mấy ngày sau tôi cần thư đó, khi Chị trả lại, tôi hỏi Chị xem có thấy thú vị không, Chị đành phải nhận là chưa đọc. Tôi lại đưa để Chị coi, nhưng vô ích vì Chị không hề mở thư ra. Trong mọi việc Chị đều hãm dẹp những ước muốn dầu là rất vô tội như thế. Riêng trường hợp này, Chị muốn phạt mình vì đã xin tôi cho xem thư.
Chị không hề nghe ngóng tin tức. Nếu thấy chị em vây quanh Mẹ Bề trên có dáng để săn tin, Chị liền tránh không đi lối đó nữa.
Ngày 14-7-1894 là ngày tôi nhập Dòng, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu sung sướng lắm khi thấy ý muốn thiết tha của mình được thực hiện, vì từ nay chính Chị có thể dạy bảo, hướng dẫn tôi nên thánh theo “Con Đường Thơ Ấu” của Chị. Tuy thế khi tôi vừa bước chân qua ngưỡng cửa nhà Dòng, việc đầu tiên Chị làm là hãm mình từ bỏ. Sau khi hôn chào tôi như các chị em khác. Chị liền tránh đi. Mẹ Agnès de Jésus không thấy Chị đâu khi muốn ra hiệu cho Chị đi đón tôi ở phòng đã dành cho tôi. Chị có quyền vô phòng tôi, vì Chị là “thiên thần” hộ mệnh tôi vậy! Hơn nữa, Chị là là Phụ tá Bề trên Nhà tập. Nhưng Chị sẽ không tới đây nếu không có lệnh gọi.
Khi chị Marie de l’Eucharistie vào Dòng, lúc cộng đoàn ra đón chị ở cửa Tu viện thì Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhập bọn với các chị em trẻ nhất và đứng xa xa. Một chị bảo: “Tiến lên một chút đi! Để Chị được thấy gia đình khi cửa mở” , nhưng Chị cứ đứng nguyên không nhúc nhích.
Nên lưu ý thêm là phòng khách Tu viện đang trong thời kỳ kiến thiết nên cả năm trời chúng tôi không gặp thân quyến. Sau này vì tôi trách chỉ thiếu mình Chị trong cuộc gặp gỡ trên, nên Chị trả lời là làm như vậy để hãm mình. Chị còn nói việc hy sinh đó đối với Chị thật đắt giá!
Trong giờ suy nguyện hay trong những dịp khác, Chị rất muốn nhìn xem đã mấy giờ. Nhưng Chị luôn hãm mình và nhẫn nại chờ đồng hồ điểm, Chị tự nhủ: “Tuy vô tội thật đấy nhưng nếu biết xem còn năm hay mười phút nữa cũng không ích gì”.
Với lòng kiên nhẫn như thiên thần, với tinh thần hy sinh, Chị đã vui chịu sự săn sóc thái quá của chị trưởng Bàn xoay . Chị đã cao niên, rất chậm chạp lại kỳ quặc nữa. Chị băng bó tay cho Têrêsa khi bị nứt nẻ trong mùa đông, nhưng chị quấn chặt từng ngón tay trong hằng đống băng! Ngày kia, chị chỉ để hở có đốt cuối cùng của ngón tay út, nhưng rồi cũng lại băng kín như các ngón khác. Trong khi tôi sững sờ ngạc nhiên thì Chị Têrêsa chỉ cười!
Trong khi Chị bệnh, người ta đem cho chúng tôi hộp kẹo hạnh nhân, thứ hộp thật mỹ thuật nên chúng tôi tấm tắc trước mặt Chị, rồi đặt trên bàn gần giường Chị, nhưng quên không chỉ cho Chị hộp kẹo đó: Chị cẩn thận để chẳng hề nhắc tới!
Người em yêu quý của tôi thổ lộ với tôi: vì muốn khuyến khích một chị bạn hồi còn ở nhà tập tiến đức, Chị đã giả vờ như chính Chị cũng cần được chỉ dẫn hằng ngày về công việc phải làm để nên hoàn thiện.
Mỗi ngày Chúa Giêsu Bé Thơ nhận được một món quà riêng biệt, khi thì hoa quả, lúc lại quần áo. Có khi để Chúa thưởng thức những điệu nhạc du dương với nhạc khí luôn thay đổi. Phương pháp này thật trái nghịch với bản tính Chị vốn thích đơn sơ, nhưng Chị đã khéo áp dụng tới nỗi chị bạn cứ tưởng những khích lệ trên thật cần thiết cho Chị.
Khi mới vào Dòng, chúng tôi đi ngang qua vườn bên cạnh cây nho, tôi hái những trái ‘nho tơ” đưa cho Chị, một thứ chúng tôi rất ưa mút hồi còn nhỏ, nhưng Chị từ chối bảo rằng trong Dòng Kín Chị tự cấm mình không được hưởng sự thích thú đó, một thứ thích thú gợi lại biết bao kỷ niệm êm đềm hồi thơ ấu. Lần khác, nhân ngày lễ, tôi lại nài ép Chị ăn, nhưng vô ích! Chị trả lời: “Em đã hứa với ‘Chúa Giêsu’ là em sẽ chỉ nếm loại ‘nho tơ’ trên Nước Trời thôi”.
Cái nhìn khoan đại trong việc hãm mình phạt xác
Tôi đã có dịp chứng kiến lòng rộng rãi của Chị, không làm ngăn trở một thỉnh sinh được giải trí, mà chị biết việc giải trí này có thể hữu ích cho em. Khi tôi mới vào Dòng, Chị chỉ cho tôi thấy qua cửa sổ phòng tôi, có thể trông rõ đường rầy xe lửa ở đàng xa, nằm giữa khoảng cách hai ngôi nhà. Chị bảo: “Chị sẽ vừa ý vì được ngắm xe lửa đi qua...”.
Chị không hề có một lời ám chỉ để tôi hy sinh cái thú vui vô tội đó, nhưng Chúa đã an bài để người ta cất thêm ngôi nhà mới và con đường xe lửa cũng bị che khuất luôn!
Chị Têrêsa không tìm những việc hãm mình phạt xác kỳ lạ. Chị cũng không quá nghiêm khắc với những giải trí được phép. Trong vấn đề này cũng như những vấn đề khác, Chị cư xử cách đơn sơ và dâng lời chúc tụng Chúa trong những kỳ công của Ngài. Chính với tinh thần đó mà Chị thích vuốt những trái cây nhất là trái hạnh đào. Chị chiêm ngưỡng làn vỏ mịn màng như nhung của nó và Chị thích phân biệt những mùi thơm giữa các loại hoa khác nhau.
Nhưng nếu Chị thấy vui thích theo tính tự nhiên ngay trong những việc vô tội, thì Chị cũng ngừng lại ngay. Chị rất trung thành giữ điều này, vì suốt đời cho đến ngày nhắm mắt, Chị chỉ phải hối hận về một lần trong một khoảnh khắc mà thôi, đó là lần Chị thấy thích thú vì ngửi lọ nước hoa (Eau de Cologne) người ta cho trong lúc đi đường.
Trước khi vào Dòng, Têrêsa không hề dùng dụng cụ đền tội như trong Dòng. Sau này khi đã là Nữ tu Dòng Kín, Chị rất trung thành với kỷ luật Dòng, cũng như bao lâu được phép, thì ngoài những dụng cụ đền tội theo thói quen trong Dòng, Chị còn mang thêm nữa. Phần tôi, tôi thấy khi mang những dụng cụ đó cũng như khi đánh tội, tự nhiên người ta tránh sao cho bớt đau đớn. Tôi giãi bày những cảm nghĩ trên với Têrêsa thì Chị kêu lên:
“A! Em không làm như thế! Không tội gì phải làm việc nửa chừng. Em đánh tội là có ý phạt xác và muốn càng đau càng hay”.
Chị thú nhận với tôi rằng có lần chảy cả nước mắt nhưng Chị cố gắng tươi cười để nét mặt diễn tả được tâm tình bên trong: Đó là tâm tình sung sướng được kết hợp với Chúa Giêsu Người yêu của Chị trong Đau khổ, để nhờ đó Chị cứu được nhiều linh hồn cho Chúa.
Dầu vậy, Chị nhận thấy người mang nhiều dụng cụ làm trầy da rướm máu, chưa chắc là người hoàn hảo nhất, và lòng tự ái ngấm ngầm hình như chính là của ăn nuôi dưỡng sự hãm mình phạt xác thái quá. Đối với Chị, điều đó không phải là ít nguy hiểm .
Chị nói với chúng tôi rằng những hy sinh hãm mình về thể xác sẽ là không nếu đem so với lòng bác ái.
Vào những tháng cuối cùng đời Chị, tôi mới biết một chi tiết này là khi Chị còn ở Nhà tập, một chị trong chúng tôi vì muốn giúp Têrêsa ghim lúp đội đầu, đã vô tình đâm chiếc ghim lớn vào vai Chị, thế mà Chị đã vui vẻ chịu đau đớn đó trong nhiều giờ.
Người ta nhận thấy sự sẵn sàng tuân hành thánh ý Chúa ngay trên nét mặt Chị. Chị luôn duyên dáng và vui vẻ dễ thương, nên khi chưa đi sâu vào tâm hồn Chị, người ta có thể tưởng Chị theo một con đường thật êm đềm đầy an ủi.
Cám dỗ nghịch đức tin
Chị không hề nói với ai những thử thách lớn lao, những cám dỗ nghịch đức tin làm cho bầu trời tâm hồn Chị trở nên u ám suốt trong 18 tháng cuối đời Chị.
Chị chỉ nói cho tôi hay là Chị đã trình bày tất cả tâm hồn Chị cho cha Godefroy-Madeleine. Cha khuyên Chị nên chép Kinh Tin Kính và đeo Kinh đó trên ngực. Chị đã thi hành lời khuyên tức khắc và còn lấy cả máu đào để viết bản Kinh đó.
Có lẽ khi thổ lộ tâm tình với tôi, thì nỗi niềm đau khổ của Chị sẽ vơi bớt chăng. Nhưng Chị sợ tôi sẽ phải chia sẻ những nguy nan đó, nên chỉ muốn âm thầm chịu đựng một mình.
Khi tôi hỏi Chị về thử thách nội tâm thì Chị chỉ còn biết nhìn tôi với cặp mắt xa vời: “Nếu chị biết!... Ôi! Nếu chị chỉ trải qua 5 phút thôi những cám dỗ em phải chịu!”.
Có lúc nói về những chuyện không liên quan gì với vấn đề này, thì hình như Chị để lộ những đau khổ bí mật đó. Chị áy náy nói với tôi: “Có Trời thật không chị?... Xin chị nói cho em về Nước Trời đi!...”. Tôi cố gắng kể cho Chị nghe những vẻ đẹp huyền diệu của Nước Trời và Thiên Chúa nhân lành. Tôi tha thiết thổ lộ những điểu đó với tất cả niềm tin tưởng mãnh liệt, nhưng than ôi! Lời lẽ của tôi không thấy một âm hưởng! Thỉnh thoảng Chị ngắt lời tôi với tiếng “A” rời rạc. Tôi phải đổi đề tài vì những chuyện tôi kể như lại làm Chị đau khổ quằn quại thêm! Trước cơn thử thách nặng nề của Chị lòng tôi không khỏi dâng lên niềm đau xót!
Trước những cố gắng vô hiệu của tôi, Chị Têrêsa bé nhỏ yêu quý nói với tôi là hãy cầu nguyện nhiều cho Chị. Riêng về thái độ bên ngoài thì Chị không để lộ một dấu gì khác thường cả. Chị đã thắng được cám dỗ nhờ luôn làm những tác động đức tin và nhờ sáng tác thơ văn, những vần thơ phản chiếu một tâm hồn chứa chan tình yêu.
Như thánh Gioan Thánh Giá, người cha của chúng tôi, Chị sống mà không hề dựa dẫm vào một điểm tựa nào cả. Ít là trong thực tế, tôi không được nếm những châm ngôn khổ hạnh đó, nên tôi rất ngạc nhiên trước những thay đổi dồn dập trong tâm hồn. Những thay đổi này là do giáo dục trong tu viện để cải hoá con người cũ nơi tôi, nhưng vì chưa quen, nên tôi hối tiếc những tâm tình sâu đậm, nồng nàn còn theo tình cảm ngày xưa.
Tôi bảo Chị: “Khi còn ở thế gian, em thấy mình say mê, tim đầy nhiệt huyết, thật táo bạo mạo hiểm! Vì vinh danh Chúa, em sẽ đi tới tận cùng trái đất, không hề sợ hãi thú dữ. Còn bây giờ, bao nhiêu cảm tình mãnh liệt đó tắt ngắm, em thấy mình không còn chút can đảm nào hết!...
- Đấy là tâm tình tuổi trẻ chị ạ: lòng can đảm thật không hệ tại ở sự hăng say nhất thời, muốn đi chinh phục các tâm hồn, sẵn sàng chịu mọi nguy hiểm, tưởng tượng như vậy, thật ra chỉ làm cho giấc mộng thêm huyền ảo thôi. Ta chỉ nên ước muốn điều đó trong khắc khoải lo âu, đồng thời thấy phải đẩy lui chúng chẳng khác gì như Chúa trong vườn Câu Dầu vậy”.
Chị bảo tôi: Thường người đời cho rằng chúng ta chẳng phải chịu chút đau khổ nào cả, hay chỉ có những đau khổ trẻ con. Họ bảo ‘Phải’. Những thánh giá người đời phải chịu mới thật xứng danh là thánh giá!
Quả đúng ở ngoài đời có những thánh giá thật lớn lao, thật nặng nhọc... Còn thánh giá trong nhà tu chẳng khác gì những chiếc kim hằng ngày đâm vào người. Nên cuộc chiến đấu thuộc một địa hạt hoàn toàn khác biệt. Người nhà tu phải chiến đấu với bản thân, phải huỷ diệt chính mình. Chính trên địa hạt này mà chúng ta đạt những thắng lợi đích thực. Biết bao người giã từ cuộc đời để sống tu trì, xa lìa cha mẹ, con cái làm kẻ khác phải say mê đức can đảm cũng như con tim đầy chí khí của mình, thế mà nhiều lần lại thất đảm trước những thánh giá trong đời tu trì! Em thấy ngay trong nhà Kín này những tâm hồn bề ngoài có vẻ rất dũng mãnh lại thật dễ ngã quỵ trước những việc nhỏ mọn. Thành tích lớn lao nhất là chiến thắng chính mình, lời đó đúng biết bao!”.
Tôi trả lời Chị:
“Ồ! Biết từ bỏ trong những việc nhỏ mọn thật là điều khó khăn, chưa bao giờ em thực hiện được cả! Em quyết định những điều thật hay ho, thấy rõ mình làm gì, nhưng khi vừa gặp thử thách em lại buông xuôi! Thật quá sức em!
- Chị dễ lúng túng như vậy vì chị chưa chuẩn bị trước cho tâm hồn ra mềm dịu. Khi bực tức với ai, cách thế tìm lại an bình là chị hãy cầu nguyện cho họ vì đã làm chị đau khổ. Có những tâm hồn tuy cố gắng nhiều, Chúa vốn để họ những yếu đuối, vì nếu họ cảm thấy mình đầy nhân đức, nghĩa là họ tin rằng mình thánh thiện và người khác cũng nhận như vậy, thì thật là điều tai hại cho họ!”.
Về vấn đề chúng tôi sống đời tu kín, không có hành động tông đồ tích cực nào, thì Chị cho rằng điều cực nhọc đối với tính tự nhiên, là làm việc mà không bao giờ thấy kết quả do mồ hôi nước mắt đổ ra, đồng thời không được khích lệ, cũng không có gì để giải trí. Chị cũng quan niệm việc khó khăn nhất là làm thế nào để thắng được chính bản thân.
Đây là một ví dụ về những “thánh giá” trong đời sống tu trì:
Trong thời gian ở nhà tập, tôi nhận công tác lo về tu phục, vải nệm và mền len, đồng thời thêm nhiệm vụ giúp kẻ liệt. Nhưng ngay từ buổi đầu, người ta đã bảo tôi làm những việc khác! Thế mà người ta lại chờ tôi để trao phó những công việc này.
Tôi phải vẽ một huy hiệu lên áo lễ, rồi chị em mang tới bao nhiêu là đồ lặt vặt để tôi sửa sang nhân dịp lễ Thánh Agnès, bổn mạng Mẹ Bề trên.
Vì chính chị trưởng nhóm bảo tôi làm những việc đó, nên tôi mau lẹ thi hành, nhưng thật ra tôi thích khâu vá hơn.
Sau đó, chị thấy công việc bị đình trệ, chị lại than trách! Điều này làm tôi rất buồn và tôi tâm sự với Têrêsa cho nguôi nỗi lòng.
Đêm Sinh Nhật, tôi thấy trong giấy một bài thơ Chị tặng tôi nhân danh Đức Trinh Nữ (lúc đó tôi mang tên là Marie de la Sainte Face - Maria Nhan Thánh).
Đây là một đoạn:
“Maria xin đừng áy náy
Về công chuyện hằng ngày,
Vì việc duy nhất con làm trên đời
Chỉ là mến yêu.
Nếu có ai lên tiếng chê bai,
‘Việc con làm không ai biết đến’
Thì con đáp trả: Tôi yêu nhiều
Con làm dưới trần có bấy nhiêu’”.
Người em yêu quý của tôi đã tự ý sáng tác, không cần đợi tôi hỏi xin. Chị làm vậy có ý khuyến khích yên ủi tôi. Và Chị đã hoàn toàn thành công.
Vấn đề đau khổ
Chị nói với tôi: “Em có một khả năng lớn lao để chịu đau khổ, nhưng lại rất ít khả năng để vui mừng. Em không thể chịu nỗi sự vui mừng! Vì thế, vui mừng đã làm em hết ăn ngon. Nhưng khi càng đau khổ nhiều, em ăn ngon gấp bốn, thật ngược đời!”.
Mặc dầu muốn tử đạo, Chị Têrêsa không tìm kiếm đau khổ vì đau khổ, mà Chị yêu đau khổ vì nó là phương tiện thể hiện tình Chị yêu mến Chúa Giêsu. Cũng như Thầy Chí Thánh muốn chịu rửa bằng máu để chứng tỏ lòng Ngài thương ta, nhưng theo bản tính nhân loại thì Ngài càng thấy ngại ngùng sợ hãi.
Lại nữa, khi tỏ bày với Chúa ước vọng muốn chịu đau khổ vì Ngài, Chị luôn kèm theo lời nguyện là tuân theo thánh ý Chúa quan phòng về Chị. Những ngày cuối đời, tâm tình hoàn toàn phó thác theo ý Chúa đã ảnh hưởng mãnh liệt tới nỗi làm Chị thốt lên:
“Em không ước muốn chịu đau khổ cũng như chết chóc nhưng em vẫn yêu quý cả hai. Lúc này chỉ còn lòng phó thác hướng dẫn em, ngoài việc xin thánh ý Chúa thực hiện trọn vẹn trên em, thì em không biết nguyện cầu gì khác nữa” .
Chị hãm mình bên trong mạnh mẽ tới nỗi không bao giờ Chị xin Chúa lấy một chút an ủi. Đây là một chi tiết làm nổi bật vấn đề Chị khuyên tôi.
Khi mới vào tu viện, tôi chiến đấu mà luôn thấy thất bại, thành công thì ít, thất vọng lại như gần kề. Những lời Chị khuyên rất khôn ngoan tuy đi sâu vào tâm hồn, nhưng tôi càng thấy thấm thía bao nhiêu thì lại càng đau khổ vì không thực hiện được bấy nhiêu! Tôi tự nhủ: “Không, không bao giờ tôi đi tới cùng được, thôi, thà chịu nhỏ bé trên thiên đàng còn hơn. Tôi không thể tiến thêm!”.
Trong tình cảnh phức tạp đó, tôi xin Đức Trinh Nữ thương cho tôi chút an ủi hay chỉ một giấc mộng cũng đủ. Và Đức Mẹ đã nhậm lời tôi.
Khi ngủ, tôi thấy mình nức nở khóc ở ngoài sân. Lòng trào lên niềm khắc khoải lo âu. Tôi ngước nhìn lên và bầu trời trải rộng thênh thang trước mắt, chung quanh tôi những đám mây nhỏ lững lờ trôi theo dòng gió mát. Những triều thiên bay cuộn vào nhau thật giống một vòng hào quang được điểm trên vì sao sáng. Có hàng ngàn vì sao khác, thực là những đám hàng hà sa số!... Những đám mây dần dần tan biến phía cuối chân trời, và cứ thế tôi lại khám phá ra những áng mây hồng khác.
Nhịp thở dồn mạnh, hồi hộp, nước mắt khô ráo, tôi thấy chân trời đỏ rực, đỏ như máu và màu đỏ này lên, lên mãi.
Lúc đó tôi nghĩ rằng mình làm việc không phải vì mình, nhưng là để làm đẹp lòng Chúa và để cứu rỗi các linh hồn... Chiếm nước thiên đàng phải là để dành cho những người tội lỗi, như người mẹ sinh con trong đau khổ, tôi cũng phải chịu nhiều đau khổ để sinh ra các linh hồn.
Tâm hồn mở rộng, tôi khoan khoái vô cùng trước nhiệm vụ cao đẹp tuyệt vời đó. Tôi sung sướng quá liền kể lại giấc mơ đầy khích lệ trên cho Chị nghe. Chị hăng hái bảo tôi: “A! Đó là điều em sẽ không bao giờ làm!... Xin được an ủi! Chị muốn nên giống em thì chị biết rõ là em, em chỉ nguyện cầu:
‘Ôi! Lạy Chúa, xin đừng sợ là con đánh thức Chúa.
Trong an vui con đợi chờ Nước Chúa, Thiên Đàng .
Êm dịu dường nào được phụng sự Chúa trong màn đêm thử thách,
Ở đời này ta chỉ sống bằng đức tin thôi!...’”.
Trong cơn bệnh cuối cùng Chị không được nếm lấy một chút an ủi. Một lần sau khi chịu lễ, Chị nói với chúng tôi:
“Thật đúng như khi người ta đặt hai trẻ sống chung, chúng chẳng nói với nhau nửa lời. Tuy thế em đã nói đôi điều nhỏ mọn với Chúa Giêsu, nhưng Ngài không trả lời: Quả thật Chúa đang ngủ!”.
Một ngày phải giặt giũ, tôi phàn nàn là nhọc mệt hơn các chị em khác, vì ngoài việc chung tôi còn làm thêm công việc mà người khác không biết. Chị trả lời:
“Em muốn thấy chị luôn can trường như một dũng sĩ, không phàn nàn vì khó nhọc, coi thương tích như những vết trầy da, luôn muốn xoa dịu đau khổ cho kẻ khác và thấy đau khổ của họ tuy bé nhỏ hơn của mình, lại đáng kể hơn”.
Rồi Chị làm tôi phải thú nhận rằng: vì không được người khác hiểu biết nên tôi thấy mệt mỏi hơn.
“Tại sao ta không đủ can đảm? Chỉ vì không có ai thương xót ta. Khi có người nói với một nữ tu: ‘Chị mệt rồi đấy, chị đi nghỉ đi’. Tức khắc chị ấy thấy bớt mệt. Ai cũng muốn kẻ khác biết mình đau khổ. Thánh nữ Margarita Maria có hai nhọt, nhưng chỉ thấy cái nhọt thứ nhất đau, vì người ta đã biết đến cái nhọt thứ hai và các nữ tu khác đã thương hại Thánh nữ vì cái nhọt đó rồi.
Khi có người thông cảm, chị hãy nhận đó như một sự an ủi, nhưng nếu người ta không nói gì, chị cũng hãy vui mừng. Ở vào trường hợp chị, em thích người ta không an ủi em gì và em lấy thế làm hài lòng. Được tất cả hay không được gì, nghĩa là hoặc đau khổ càng nhiều thì tha nhân càng phải xót thương hoặc hoàn toàn bị quên lãng! Và để tha nhân hoàn toàn quên chị, thì chị hãy tiếp tay giúp họ. Hãy làm thế nào cho mọi người chú ý tới đau khổ của kẻ khác để họ được an ủi và chia buồn nhiều hơn chị”.
Tôi còn lưu ý Chị một điều là công viện vụn vặt không cho tôi có giờ rỗi trong ngày Chúa nhật và ngày nghỉ. Chị trả lời:
- Chị có biết Chúa nhật và ngày lễ của em là ngày nào không? Là những hôm em bị quấy rầy hơn những ngày khác.
Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu xét đoán sự việc rất đúng. Chị không tự cao tự đại. Chị em tin chắc những lời chỉ dẫn của Chị thật khôn ngoan và cân nhắc.
Không bao giờ xử sự cách vội vã nên Chị hoàn toàn tự chủ. Chị khuyên chúng tôi đừng bao giờ thổ lộ mệt nhọc, cám dỗ hay đau khổ cho Chị lúc chúng tôi không đủ can đảm chờ đợi. Chị vẫn sẵn sàng nghe, nhưng bảo:
“Chị em đừng phân giải ngay cả với Mẹ Bề trên những khó khăn mình gặp để mong hết phiền phức, nhưng hãy trình bày vì coi đó là một bổn phận và hãy làm cách vô tư. Khi chị em không thấy mình thanh thoát, trong lòng còn xúc động, chị em nên yên lặng và chờ đợi cho tâm hồn lắng dịu xuống. Bằng không thì việc thổ lộ tâm tình chỉ làm tăng thêm khó khăn”.
Không gì làm Chị xúc động và bối rối. Đe doạ, bách hại, tai ương ở đời chỉ làm cho Chị thêm tươi vui. Vẻ mặt Chị luôn phản chiếu sự bình an trầm tĩnh. Chị cũng muốn thấy các chị nhà tập bình tĩnh như thế, chẳng hạn, Chị không thích chúng tôi hay cau mày nhăn trán, vì sự ấy chứng tỏ một lo âu nào đó.
Hôm lễ quan thầy của Mẹ Bề trên, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu đóng vai Jeanne d’Arc đứng trên đống củi, xuýt bị thiêu sống vì một bất cẩn, nhưng Mẹ Bề trên ra lệnh đứng yên trong lúc các chị khác dập tắt lửa sắp bén đến chân chị. Sau này Chị kể lại, lúc đó Chị vẫn bình tĩnh giữa nguy hiểm, sẵn sàng hiến mạng sống cho Chúa.
Nếu xảy ra điều gì không may, Chị sẽ tu sửa lại với dáng điệu điềm tĩnh tuyệt vời. Vào Dòng Kín được ít lâu, tôi đánh đổ mực lên tường và trên sàn nhà, tôi hốt hoảng chạy tìm Chị, miệng kêu rối rít: “Lẹ lên Chị ơi”.
Tôi tưởng Chị sẽ chạy như bay đến chứ!
Vì luôn tự chủ nên Chị không thể nhịn cười khi thấy vẻ mặt hốt hoảng, nhất là khi thấy chiếc lúp lụa dính lơ lửng trên chiếc lúp Nhà tập của tôi.
Chị tươi cười nhìn tôi và êm ái bảo:
- Chị đừng buồn, em sẽ lo chùi mực cho chị. Chiếc lúp của chị làm em nghĩ đến lớp mực chị đã nói với em, nhưng em sẽ tẩy sạch cho chị”.
Rồi lấy những đồ dùng cần thiết, Chị lau hết mực cho tôi. Còn tôi, tôi rất cảm phục sự bình tĩnh của Chị, nhờ đó, Chị luôn an bình khi gặp khó chịu.
Tuy thế, Chị rất buồn khi gặp một lỗi nghịch đức nghèo khó như lúc đánh vỡ một vật gì chẳng hạn.
Trong năm Chị qua đời - vào ngày 2 tháng 2 năm 1897 - khi giúp bàn nhà cơm, Chị đụng mâm đồ ăn vào miếng kính ở bàn và làm vỡ miếng kính. Vì lúc đó đã đau nhiều nên Chị không thể nén xúc động và tôi thấy Chị khóc.
Sau bữa ăn, tôi vừa gặp Chị nhặt những mảnh kính vỡ vừa an ủi Chị, nhưng Chị bảo:
- Hôm nay em đã xin Chúa một đau khổ lớn lao để kính Thánh Théophane Venard, người anh quý mến của em. Hôm nay là ngày kỷ niệm Thánh trẻ chịu tử đạo. Hy sinh Chúa gởi đã tới. Em không chủ ý chọn vì như vậy là trái đức nghèo khó, mà vì là lỗi vô ý, nên em dâng cho Chúa như một hy sinh thơm tho vậy.
Vì tôi coi Têrêsa nhỏ như lý tưởng và tôi nóng lòng muốn bắt chước Chị, nên tôi thường thổ lộ với Chị như thế. Trước mỗi băn khoăn tôi giãi bày, Chị đều tìm cách trả lời sao để tôi nhận ra sự thật, vì tôi bị lôi cuốn theo những hào nhoáng bên ngoài.
Tôi bảo Chị:
“Chị thấy rõ Chúa yêu Chị cách đặc biệt, vì Chúa đặt Chị hướng dẫn các chị nhà tập và để Chị được yêu mến cũng như kính trọng, vì mọi người trong Dòng đều tìm tới Chị và yêu Chị cả”.
Chị trả lời:
“Điều đó đối với em không quan trọng, Chúa nghĩ về em thế nào thì em là như thế. Còn sự người ta yêu em hơn vì Chúa đặt em làm người hướng dẫn và làm ‘thông ngôn’ cho Chúa nơi vài chị nhà tập, thì em nghĩ ngược lại: Như vậy là Chúa đặt em làm tớ gái nhỏ của các chị. Chính vì các chị mà Chúa cho em được duyên dáng nhân đức bên ngoài như thế chứ không phải vì em đâu!
Em thường ví mình như đĩa sữa nhỏ cho mèo con đến liếm. Mấy chú mèo con thường giành nhau xem chú nào được uống nhiều. Nhưng ngoài kia, ngay bên cạnh, Chúa Giêsu vẫn rình xem! Ngài phán: ‘Ta muốn các ngươi liếm trọn đĩa sữa nhỏ của Ta, nhưng Ta canh chừng kẻo các ngươi làm đĩa bị lật đổ mất’. Tuy phải canh chừng, nhưng thật ra đĩa sữa khó mà bể được vì nó nằm sát mặt đất... các Mẹ Bề trên cũng đầy ơn Chúa để thông truyền cho người khác, nhưng các ngài như ở trên bàn, sợ nhiều nguy hiểm hơn, vì vinh dự luôn kèm theo bất trắc. Chúa đổ sữa trên đĩa nhỏ của Ngài tuỳ các chị cần nhiều ít, sao các chị lại có thể bảo sữa dành cho đĩa thay cho các chị? Sữa không có lợi cho em mà cho các chị đó”.
- Đúng thế, nhưng đây là dấu Chúa tin cậy Chị. Chị chiếm chỗ quan trọng trong khi tận tuỵ như vậy. Thật Chúa tin tưởng nơi Chị!
- Chúa ơi, chị không hiểu chị nói gì hết! Nói theo kiểu người ta thì Chúa yêu ai Chúa dành cho riêng Ngài người đó. Chẳng hạn Chúa có hai bình hương, Ngài giữ một cho mình, còn một Ngài để toả hương cho thụ tạo thưởng thức, thì bình nào được yêu quý hơn?
Chúa có nhiều thúng nhỏ xinh xắn, Ngài giữ chiếc này trong nhà kho và đặt chiếc khác trên tủ hàng để lôi cuốn khách qua lại. Chúa trang điểm nào vải màu hồng, nào màu thiên thanh trên những thúng này: Chúng có vẻ thanh lịch hơn, nhưng thật ra giá trị vẫn thế. Những thúng để trong tủ cũng thanh lịch hấp dẫn mà có khi còn thanh lịch hấp dẫn hơn, vì muốn cho thúng đặt ở ngoài luôn tươi thắm thì hầu như Chúa phải làm phép lạ vậy. Chị lại muốn như những chiếc thúng đưa ra trưng bày sao?
- Đâu có, đâu em muốn thế, nhưng vì Chị được thì em cũng ước ao được như Chị.
- Phải, nếu em được những ơn đặc biệt, chị cũng không nên ham vì muốn như thế cũng có tội nhẹ đấy” .
Tôi liền tỏ vẻ buồn và đỏ mặt trả lời:
- Thật khó lòng để không mơ ước được vậy. Em thú thực đó là chuyện trẻ con, nhưng nếu em nhận được những ơn đặc biệt, mà Chị không có, em cũng muốn mình không có, vì em rất tin tưởng vào đường lối Chúa vạch cho Chị.
- Linh hồn không thánh thiện chỉ vì làm dụng cụ cho Chúa! Người hoạ sĩ có thể dùng bút này hay bút khác tuỳ nghi. Sao dùng bút này bỏ bút kia? Không phải vì bút kia không phải là bút, mà có khi còn là bút tốt hơn nữa, nên không có chi tăng thêm cho cây bút được Thầy Chí Thánh dùng tới cả.
- Vậy khi nào mới phụng sự Chúa?
- Khi nhận biết chân lý này là không gán cho mình sự gì, không đánh giá cái này hơn cái kia và hướng mọi sự về Chúa .
Với ngọn lửa yếu ớt sắp tàn, người ta có thể gây nên cơn hoả hoạn, thì Chúa cũng dành bất cứ kẻ nào Ngài muốn để mở rộng nước Ngài. Một cuốn sách tầm thường, và ngay cả sách thế tục cũng có thể dùng vào việc đó được. Vì thế khi Chúa thương dùng tới, không bao giờ ta được tự kiêu! Chúa không cần ai cả.
Tuy vậy tôi còn nhấn mạnh:
- Nhiều lần Chúa dùng Chị để soi sáng cho em. Còn Chị thì lại được Ngài nói thẳng với.
- Đó không phải là dấu tỏ Chúa yêu em hơn. Em đã nói với chị là Chúa dùng em như tên nữ tỳ của chị. Thật vì chị mà Ngài nói cho em điều này điều kia. Trong trường hợp đó, em phải thua kém chị mới phải. Chúa chỉ dạy ta qua sách vở, hoàn cảnh bên ngoài, và nhiều khi còn qua cả đồ vật nữa. Này, tất cả đều giúp ích cho ta cả.
Cũng thế, qua một vài vị thánh mà ta được ơn gì, thì ơn đó vinh dự cho ta hơn cho các ngài. Chúa tôn vinh các ngài vì ta, các ngài là kẻ hầu hạ ta. ‘Phải, thực mọi sự thuộc về ta, mọi sự dành cho chúng ta cả’ .
“Nhiều vị thánh ta biết được vì các ngài ở gần ta hơn, nhưng không có gì chứng tỏ các ngài là những vị lẫy lừng nhất. Cũng như ta chỉ xét đoán tinh tù tuỳ theo chúng xa hay gần ta, còn thực sự chúng tốt đẹp ra sao, chỉ mình Chúa biết. Có những ánh sao có vẻ bé nhỏ, hay lắm khi ta còn không trông thấy chúng nữa, nhưng lại huy hoàng hơn cả những vì sao ta gọi là ‘thuộc độ lớn nhất’.
Trên trần có nhiều điều ta không hiểu được. Thường các linh hồn càng lên cao bao nhiêu thì càng bị người chung quanh coi thường bấy nhiêu. Như quả banh càng lên cao, càng nhỏ, sự thánh thiện càng cao vời càng bị coi khinh. Biết thế, ‘sao chúng ta còn cầu cạnh cái vinh quang giữa chúng ta với nhau’ .
Chưa chắc các vị thánh được tuyên phong là những vị cự phách. Chúa làm người ta chú ý đến các ngài để Chúa được tôn vinh và nên bài học cho ta hơn là cho các ngài. Em đã đọc câu này “tình yêu các thánh mến thương nhau trong cõi đời đời không đo lường bằng sự cao cả hay trình độ vinh quang của các ngài, mà tuỳ theo thiện cảm các ngài đối với nhau. Chúng ta có thể yêu các linh hồn nhỏ bé bằng tình yêu lớn hơn tình yêu đối với các linh hồn khác thánh thiện hơn. ‘Tư tưởng đó lôi cuốn em’.
Ta có tin rằng các thánh được tuyên phong được nhiều người yêu nhất không? A! Ở đời có ai yêu mà không vụ lợi? Vị thánh nào được yêu chỉ vì ngài? Người ta ca tụng, viết tiểu sử, sửa soạn lễ lạy huy hoàng với những nghi thức long trọng. Họ bảo nhau ‘chúng ta hãy đúc chuông dâng kính ngài’ và họ đi đi lại lại quanh bức thảm quý giá, cãi nhau vì gặp trắc trở, hay vui mừng khi không có gì trái ý. Đám đông đó kêu la hỗn độn, bầu khí sửa soạn cháy lên bầng bầng. Rồi nào đàn hát, nào giảng thuyết... nhưng còn chính thánh nhân chẳng ai nói tới hết. A! Phần em, em muốn ẩn mình còn hơn chỉ được vinh quang nửa vời. Chúa khen ngợi việc em làm thế là đủ.
Các thánh không trở nên thánh vì người ta nhận ra thế, và các ngài không lớn hơn vì người ta đã viết ‘tiểu sử’. Do một vị thánh khác, vị thánh xa lạ, mà người ta được làm công kia việc nọ hoặc ngài đã soi sáng hướng dẫn ta, hay chính ngài đã làm cho các linh hồn được ơn Chúa do việc ta làm: nào ai biết! Sau này ta sẽ thấy bao nhiêu việc lạ lùng! Có khi em nghĩ mọi điều em được ngày nay biết đâu không là hậu quả của lòng mong ước của một linh hồn nào đó!
Vì thế, vinh quang thuộc về một mình Chúa, chúng ta chỉ khao khát một điều là miễn sao Chúa được vinh quang, còn vinh quang đó tới do ta hay kẻ khác là điều không quan hệ. Định giá trị các thánh theo như ta nghĩ về các ngài thì thật là ảo tưởng. Biết bao nữ tu Dòng Kín thánh thiện chỉ có những bảng tiểu sử viết vụng về nên không ai kính trọng, trong khi nhiều người khác sống tầm thường lại được người đời quý mến vì Mẹ Bề trên đã khéo tả về các chị.
Không bao giờ em khao khát vinh quang mỏng manh như thế. Có khác gì chuyện xổ số. Và nếu các thánh trở lại cho ta biết ý các ngài về những gì ta viết liên quan tới các ngài, ta sẽ phải hết sức ngỡ ngàng... Sẽ nhiều lần các ngài không nhận ra mình nơi bức chân dung diễn tả tâm hồn các ngài nữa .
Ở đời có ai biết rõ ta và hoàn toàn yêu ta không?
Phần em, em chỉ muốn được yêu ở trên trời. Thật mừng khi nghĩ rằng trên đó mọi người yêu em, ngay cả những người ít yêu em nhất dưới thế này. Giờ đây ta yêu các thánh vì ta hơn là vì các ngài, vì khi yêu các ngài thì ta được ơn lành, ta được lợi lộc.
Mọi sự có thể ngang nhau ở đời này... Ta khen vị thánh này trong tiểu sử ngài vì ngài không bị xác thịt cám dỗ. Vị khác, ta lại khen ngài chiến thắng những cám dỗ đó... Đâu là vinh quang? Thực ra ở khía cạnh nào cũng đáng khen cả!...
Vinh quang trần thế thực chả là gì hết. Các nghệ sĩ chẳng hạn, hay tranh giành danh dự của nhau. Kẻ khác vì không biết đến tác phẩm của họ, nên không lưu ý tới. Họ chỉ có một số ít người mộ điệu và họ điên rồ thoả mãn vì điều đó. Vinh quang thánh thiện bên ngoài cũng thế. Thật ít người biết ngưỡng mộ, yêu mến và ham đọc hạnh thánh.
Mọi người đều bị thói ghen tương chi phối. Mầm ghen tương đã nẩy nở ngay từ hồi thơ ấu. Thánh Augustinô kể chuyện hai đứa nhỏ có cùng một vú nuôi, khi đứa này thấy đến lượt mình bú, thì kêu la giận dỗi, nhưng nó cũng không bú thêm được lấy một giọt sữa nào cả.
Thực tình, em không bao giờ tìm kiếm danh dự. Em thích được khinh rẻ. Nhưng như vậy cũng còn là vinh dự, nên em say mê được quên lãng”.
Tuy thế, Chị bảo cái đẹp, cái cao cả, hoàn hảo cũng lôi cuốn Chị như lôi cuốn tôi. Chị cũng thấy có cảm giác như bị lưu đày và thấy buồn chán khi tưởng mình hèn kém không được quý mến khen ngợi như kẻ khác.
Tôi hỏi xem Chị chiến thắng cảm giác này thế nào, thì Chị khiêm nhượng trả lời:
“Em chịu đựng và cố gắng yêu sự hèn kém của mình... nhờ thế, em lại được an bình êm dịu!”.
Chị Têrêsa luôn trực giác thấy sẽ chết trẻ, nên Chị khinh chê những cái mau qua.
Khi muốn biết trình độ yêu mến Chúa có thay đổi không, Chị thường hỏi xem cái chết còn lôi cuốn Chị như trước không. Hôm nào được nhiều may mắn hay quá vui, Chị cũng thấy là gánh nặng, vì làm cho Chị bớt khát khao chết.
Chị bảo tôi:
- Làm sao em lại sợ chết được? Em làm mọi việc chỉ vì Chúa thôi mà!
Có người nhận xét: “Chị sẽ chết vào một ngày lễ...”.
Chị liền trả lời:
“Em không cầu chết vào ngày lễ, vì ngày em chết là ngày lễ trọng nhất cho em rồi.
Để tôi an lòng về hạnh phúc vô biên trên Trời, Chị thường lặp đi lặp lại với tôi là Chúa sẽ xếp đặt mọi sự hoàn hảo đến nỗi chúng ta không thể phân bì nhau được.
Để chúng tôi xác tín như vậy, Chị thường lấy tỉ dụ nơi những sự kiện nhỏ nhặt xảy ra bên Chị.
Thấy tôi đang cố gắng cắm những bông hoa giả sao cho nổi bật cả những bông nhỏ lên, và tô lại những bông hoa cũ để cắm hoa xong, không ai nhận ra đó là những bông hoa cũ khi trước, Chị bảo đó là thí dụ điển hình về việc Chúa trang điểm linh hồn ta sau khi đã đưa ra khỏi cảnh khốn cùng. Sau này ta sẽ thấy vị đại thánh được nổi bật lên là nhờ có những vị thánh bé nhỏ, cũng như các vị thánh bé nhỏ trở nên cao trọng nhờ phản chiếu vinh quang của những vị đại thánh.
Chị say mê bài Phúc Âm những người thợ làm việc trong giờ sau cùng cũng được trả công như người đã làm suốt ngày . Chị bảo:
“Chị thấy chứ? Nếu ta tín thác nơi Chúa, luôn cố gắng trong mọi việc và cậy trông nơi lượng từ ái Ngài, thì ta sẽ được ân thưởng như các vị đại thánh cả”.
Một chị ban cho tôi con búp bê, tôi tặng lại Mẹ Bề trên nhân dịp lễ Người. Các chị em biếu nhiều món thật xinh xắn, nhưng Mẹ sung sướng hơn cả trước kỷ niệm đơn mọn tôi biếu Mẹ. Chị Têrêsa bảo tôi:
“Các thánh cũng xử sự với ta như thế. Các ngài là bậc đàn anh, các ngài cho ta thứ này thứ nọ và ta sẽ thấy mình được giàu có.
Những chị em làm những hộp đựng xương thánh rất mỹ thuật, những vật đáng giá và tỉ mỉ, chẳng khác gì những vị thánh đã để lại cho hậu thế những sự nghiệp và tác phẩm đáng kể. Tuy thế, con búp bê nhỏ bé chị tặng đã lôi cuốn nhiều chú ý... đó lại là thứ đồ chơi nhỏ người ta cho chị! Chị không có chi hết!”.
Đầy tớ Chúa trải qua những năm chót trong đời như âm vang của cả cuộc sống, và không lúc nào Chị thiếu tín thác nơi Chúa, thiếu kiên nhẫn hoặc khiêm tốn cả. Gương mặt Chị luôn toả ra niềm an bình thanh thoát. Người ta có cảm tưởng hồn Chị đã tới đích duy nhất, Chị ước mong trong suốt cả đời. Như Thầy Chí Thánh trước khi thở hơi cuối cùng, Chị cũng trịnh trọng bảo tôi hôm trước ngày lìa trần:
“Mọi sự đều tốt đẹp, mọi sự đã hoàn tất, chỉ có tình yêu là đáng kể!”.
Dằn vặt thể xác Chị chịu trong những tháng cuối đời thực là đau đớn, vì ngoài bệnh phổi, Chị còn bị lao ruột và vì Chị gầy quá nên vết thương càng loang lở thêm. Chúng tôi bất lực không sao làm chúng lành lại được.
May mắn vì là y tá phụ, nên tôi được trao công tác luôn ở gần Chị trong cơn đau ốm: Tôi nằm trong phòng kế bên, chỉ rời Chị trong các giờ kinh Nhật Tụng và đi săn sóc bệnh nhân khác. Trong những lúc đó, Mẹ Agnès de Jésus coi Chị thay tôi và ghi chép tất cả những lời Chị nói. Nhờ tài liệu chính xác này, chúng tôi nhớ được những sự kiện như ngày mới xảy ra vậy.
Sau lần thổ huyết đầu tiên vào tối thứ Năm rạng ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 1896, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu sung sướng vì được phép sống nhiệm nhặt cho đến hết mùa Chay, nhiệm nhặt trong cả hôm đó và hôm sau, vì chị luôn có mặt trong các giờ đạo đức, nên tôi không ngờ là Chị đã thổ huyết. Tuy thế tôi biết Chị phải khổ sở rất nhiều vì chay tịnh năm đó. Nhưng theo như thường lệ, Chị không hề phàn nàn than thở.
Hằng ngày lúc đọc kinh Nhật Tụng là lúc bệnh sốt rét lên cơn dữ dội nhất, nhưng Chị không hề xin nghỉ. Chị phải đau đớn hơn trong khi làm ít việc vặt như giặt giũ hay phơi quần áo, nhưng Chị luôn giữ không cho chúng tôi hay, dầu là có dịp thuận tiện cũng vậy.
Và Chị can đảm bao nhiêu trong việc chịu đựng những sự săn sóc khắt khe đau đớn!
Chị phải chịu hơn năm trăm vết giác trên lưng (chính tôi đã đếm).
Khi bác sĩ làm việc và nói chuyện xã giao với Mẹ Bề trên thì Chị phải đứng dựa vào thành bàn. Sau này Chị thổ lộ là chị đã dâng những đau đớn ấy để cứu các linh hồn và nghĩ tới các Thánh tử đạo. Được săn sóc xong, Chị lên phòng, không đợi ai ngỏ lời thương xót, và Chị run rẩy ngồi xuống trên chiếc nệm rơm nghèo nàn, âm thầm chịu đựng cơn dằn vặt của lối trị bệnh trên.
Vì chưa ai coi Chị là bệnh nặng nên không được nằm nệm bông và chiều đến, tôi lấy chăn gấp lại làm bốn để dưới giường. Chị tỏ lòng biết ơn. Nhưng không hề kêu trách kiểu chữa bệnh cổ điển thời bấy giờ.
Ngay lúc đau đớn cực độ, Chị cũng luôn bình thản tươi vui. Tôi ngạc nhiên tưởng Chị không bị dằn vặt như tôi nghĩ và muốn bất ngờ gặp được Chị đang phải đau đớn. Một chút sau tôi thấy Chị nở nụ cười hồn nhiên thiên thần và hỏi sao Chị cười thì Chị trả lời:
“Vì em đang đau nhức bên hông quá! Em có thói quen làm sao luôn vui vẻ khi đón nhận đau khổ”.
Cho đến ngày lìa trần, Chị Têrêsa vẫn giữ được vẻ thơ ngây đáng yêu, làm cho người bên cạnh được thoải mái hài lòng. Ai cũng muốn gặp để nghe Chị nói chuyện. Hình như càng đau khổ Chị càng vui vẻ dễ thương. Chính trong đau khổ mà Chị biểu lộ một tâm hồn dũng cảm và một đức ái đặc biệt đối với chúng tôi. Chị làm sao để chúng tôi được khuây khoả trong lúc mệt nhọc.
Chị thích pha trò, dùng những tên riêng hồi chúng tôi còn thơ ấu để tôi giải trí và đôi khi cũng để kín đáo khuyên tôi điều nọ điều kia.
Vì thế, tôi không ngần ngại đưa ra đây những tiếng thân mật để độc giả thấy Chị luôn đơn sơ ngay trong những giờ phút đau đớn nhát. Tôi chép lại những danh từ đó tuy không nhớ rõ Chị đã nói vào ngày tháng nào.
Nhớ lại một chuyện thời thơ ấu
Trong những câu chuyện làm chúng tôi vui cười khi còn thơ ấu, có chuyện một cô gái nhỏ : Tên cô là Lili và em cô là Toto. Vì tôi là chị nên người ta gọi tôi là Lili, còn Têrêsa là Toto.
Bây giờ ở trong Nhà Kín, những lúc thân mật và để tôi khuây khoả, Chị cũng thường gợi lại chuyện đó.
Chẳng hạn khi quá mệt, không biết sẽ nghe hiệu báo thức ban sáng hay không, Chị bảo tôi:
“Sáng mai chị nhớ đến coi xem ông Toto có nghe thấy hiệu đánh thức không nhé ”.
Hay:
“Cô Lili ơi, ngày mai chớ quên đánh thức ông Toto đấy, tuy mọi người coi khinh cô nhưng Giêsu và ông Toto yêu cô ghê lắm nghe”.
Tôi thoa bóp cho Chị theo lệnh bác sĩ. Sau này Chị thổ lộ với Mẹ Agnès de Jésus rằng Chị coi đó như một cực hình, nhưng khi có mặt tôi thì Chị lại đòi thoa bóp...
Có hôm tôi muốn bỏ thoa bóp, Chị nhắc:
- Em sợ Mẹ (Marie de Gonzague) không bằng lòng, vì Mẹ để ý đến việc này lắm, nhất là thoa bóp trên lưng. Nếu Chúa nhật bác sĩ tới chắc ông sẽ hỏi sao lại không làm như ông dặn? Đợi tới thứ hai có lẽ tốt hơn chăng? Tuy thế, chị Pauvre, chị Pauvre ơi chị muốn làm gì thì làm, ngày mai mọi sự đều sẵn sàng cả. Nhất là đừng nói cho ông M. đó hay , chị thoa bóp sao tuỳ ý và chị nên nhớ rằng ta phải giàu, cả hai rít giàu .
Tiếng “rít” này là tiếng một chị nhà tập chỉ cho Chị coi trong một cuốn lịch, dưới bức vẽ một anh Do Thái cự phú tự đắc nói với bạn:
- Tui giàu, rít giàu, nhưng này! Khi tui bắt đầu công việc, tui lại không có gì cả .
Ông bạn trả lời:
- Phải, nhưng người cùng làm với ông lại luôn có tiền đấy.
Chị Thánh kết luận:
- Em giống người Do Thái đó: Tui giàu, rít giàu, nhưng này! Khi tui bắt đầu công việc tui lại không có gì cả... Phải, nhưng Đấng cùng làm với em luôn giàu có!”...
Chị luôn tìm cách giúp tôi biết từ bỏ mình, và thích so sánh đời chúng tôi với hai đứa trẻ trong bức tranh của PLOCHORST: Được thiên thần bản mệnh coi sóc, hai đứa trẻ đi bên bờ vực thẳm không chút lo lắng. Đứa anh chỉ mang có chiếc áo chùng, tự do thong thả, một tay chỉ phải dắt cô em gái cùng đi. Trái lại, cô bé dùng dằng ôm theo bó hoa lớn và muốn hái những bông hoa vừa tầm tay.
Nhân truyện này chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu kể tôi nghe ngụ ngôn sau đây:
“Xưa có một “tiểu thư” có nhiều của cải, thứ của cải làm cho con người thành bất chính, mà cô lại quá quyến luyến những của đó.
Cô có một cậu em tuy hai bàn tay trắng, nhưng lúc nào cũng đàng hoàng sung túc. Ngày kia, cậu nhỏ ngã bệnh và nói với chị: “Tiểu thư” ơi, nếu chị bằng lòng thì hãy thiêu huỷ tất cả của cải đi vì chúng chỉ làm chị bận tâm vô ích. Nếu chị bỏ danh hiệu “tiểu thư” thì chị thành người nữ tì nhỏ của em , còm em, khi em về quê hương diễm lệ, nơi em sắp được tới, em sẽ trở lại tìm chị, vì chị đã sống nghèo như em, không băn khoăn lo lắng tới ngày mai.
“Tiểu thư” nhận ra cậu em có lý, bằng lòng sống nghèo như em, tình nguyện làm nữ tỳ cho em, và của cải trần gian cô đều thiêu huỷ cả, chúng không còn dằn dặt tâm tư cô được nữa...
Cậu em giữ lời hứa, cậu đến tìm chị khi cậu được về quê hương diễm lệ, quê hương có Chúa là Vua, Đức Trinh Nữ là Hoàng Hậu và cả hai sống dưới cánh tay Chúa nhân từ. Đây chính là nơi hai chị em đã chọn để mãi mãi dung thân”.
Lần khác, ám chỉ đến hai đứa nhỏ và cô chủ nhà không thiếu một thứ gì trong các ngăn tủ, Chị bảo:
“Cô này quá giàu: nào bao nhiêu nụ hồng, nào tiếng chim hót bên tai , lại thêm chiếc váy ngắn, đồ làm bếp và cả những gói nhỏ nữa...”.
Tôi ngủ trong căn phòng nhỏ cạnh Chị, thông với phòng thuốc. Một chiều thấy tôi cởi áo, Chị động lòng trắn ẩn vì bộ áo dòng nghèo nàn tôi mặc, nên nhắc lại một câu khôi hài Chị đã nghe:
- Pauvre, Pauvre ơi! Trông chị như cái dây thừng ấy ! Nhưng chị không mãi mãi như thế đâu, em nói thật đấy mà!”.
Chị hân hoàn vì sắp lìa trần và sung sướng nhìn người ta sửa soạn cho giờ phút Chị nhắm mắt, tuy người ta muốn giấu Chị. Chị ước ao xem thùng hoa huệ nhân tạo mới mua để trang hoàng giường liệm xác và vui vẻ nói:
- Thùng hoà này dành cho em đấy!
Chị không ngờ công việc đã được sắp xếp như thế, nên thấy vậy Chị hài lòng khôn tả.
Một chiều trong những ngày sau cùng, vì sợ đêm đó Chị qua đời nên chúng tôi để ở phòng bên cạnh nến phép, bình nước phép và que rảy. Chị đoán thế và Chị xin đặt trước mặt Chị. Thỉnh thoảng Chị sung sướng nhìn những vật ấy và âu yếm bảo chúng tôi:
- Các chị có thấy cây nến kia không, khi Tên Trộm mang em đi người ta sẽ đặt cây nến nơi tay em, nhưng không nên đặt cả chân vì chân nến xấu quá!.
Rồi kể cho chúng tôi nghe những việc xảy ra sau khi Chị nhắm mắt, Chị sung sướng tả từng chi tiết về đám xác Chị và dùng những kiểu nói dí dỏm chọc cười chúng tôi, giữa lúc chúng tôi muốn ứa nước mắt! Không phải chúng tôi an ủi khuyến khích Chị mà chính Chị đang đau yếu lại phấn khởi chúng tôi!
Chị dửng dưng với những lo lắng thế tục. Ít lâu trước khi Chị lìa trần, thấy chúng tôi bàn tán về việc mua thêm một mảnh đất trong nghĩa địa Lisieux dành cho các chị qua đời, Chị vui vẻ bảo tôi:
“Phần mộ không có nghĩa lý chi cả, đặt chỗ nào cũng được, đâu có cần gì? Biết bao vị thừa sai nằm trong dạ dày bọn ăn thịt người, và nghĩa địa của nhiều vị tử đạo là bụng thú dữ thì đã sao?”.
Tôi ghi lại những lời Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đích thân nói với tôi trong những tháng sau cùng đời Chị. Nếu ở đây có chút ít khác biệt với những gì Mẹ Agnès de Jésus thu tập thì cũng không có chị lạ, vì các Thánh sử kể lại một sự kiện trong đời Chúa, mà mỗi vị cũng kể một kiểu.
Có lần trong những ngày chót Chị còn đọc được kinh Nhật Tụng tuy không đọc chung với chị em, hai chị em chúng tôi ở ngoài vườn ngay chỗ sau này sẽ đặt hòm xương thánh. Đột nhiên, tôi thấy Chị cảm động chỉ tay vào một bài đọc trong giờ Kinh Mai ở sách nguyện và bảo tôi, mắt đẫm lệ:
- Chị xem thánh Gioan viết: “Hỡi các con nhỏ yêu quý, Ta đã nói với các con điều này để các con đừng phạm tội, nhưng nếu ai phạm tội thì chúng ta có một trạng sư là Chúa Giêsu .
Vì ăn sữa Chị cũng thấy đau và không thể ăn gì khác, nên bác sĩ Cornière chỉ cho Chị một thứ sữa đặc ở viện bào chế gọi là sữa “nhũ nhân hoá”. Nhiều lý do làm ăn uống như vậy cũng gây cho Chị nhiều cực khổ, nên Chị khóc ròng khi thấy những chai sữa đó.
Sau trưa thấy cần được thanh thoát đôi chút, Chị nhẹ nhàng bảo tôi với giọng hiu hắt:
“Em cần của ăn nuôi hồn. Chị đọc truyện các thánh cho em nghe đi”.
- Chị muốn nghe truyện thánh Phanxicô Khó Khăn không? Chị sẽ khuây khoả khi nghe Thánh nhân nói chuyện với chim trời.
Chị dõng dạc trả lời:
- Không phải để em giải trí mà để em thấy gương khiêm nhượng của ngài.
Mẹ Bề trên không muốn bó tay cho phép Chị nhắm mắt. Để chúng tôi được giải muộn Têrêsa đã lưu ý chúng tôi với giọng khôi hài:
- Chúa thèm chùm nho nhỏ bé này lắm, dầu chủ nhân không muốn cho, Ngài cũng hái trộm...
Có chị bảo Chị rằng có lẽ trước khi chết Chị sẽ bị sợ hãi một giờ đồng hồ để đền tội.
- Sợ chết để đền tội sao? Sợ hãi không đủ sức tắt lửa luyện tội hơn nước bùn đâu. Nếu em có sợ, em sẽ dâng sự sợ đó lên Chúa để cầu cho tội nhân và như vậy sợ hãi đã thành việc làm bác ái rồi, đau khổ đó sẽ làm cho kẻ khác nên mạnh mẽ can trường hơn là nước lã. Với em chỉ có Tình Yêu Chúa tẩy rửa tâm hồn em thôi.
Có lúc đang giữa câu chuyện, Têrêsa âu yếm nhìn tôi:
- Chị Geneviève nhỏ bé của em sẽ đau khổ nhất khi em lìa đời. Chắc chắn em phải thông cảm sự sầu khổ với chị hơn cả, vì lúc nào đau khổ là chị đến tìm em, nhưng rồi em không còn đây nữa... Tuy thế Chúa sẽ ban sức mạnh cho chị và em sẽ trở lại...
Chị còn nói với tôi:
- Em sẽ trở lại đem chị đi sớm hết sức và em sẽ làm cho Ba đồng ý vì chị biết rõ tính Ba thích làm ngay không chút trì hoãn .
Khi tôi ở bên cạnh Chị trong nhiệm vụ y tá và nói tới chuyện sắp phải xa Chị, Chị khẽ hát một đoạn Chị vừa sáng tác theo điệu bài “Người thuộc về tôi” (Il est à moi) và đặt tôi vào hoàn cảnh Chị:
Nàng là của tôi
Nàng khác chi Trời bao la làm tôi mê hồn.
Nàng là của tôi, tôi yêu, ồ vâng, tôi yêu nàng
Sẽ không còn chi phân cách chúng tôi đôi đàng.
Một chút sau, Chị nhìn tôi bảo:
- Anh Valérien nhỏ bé ơi.
(Có khi Têrêsa so sánh mối thân tình giữa hai chúng tôi như sự thân thiết giữa Thánh nữ Cécile và Thánh Valérien).
Tôi nói với Chị:
- Chúa không thể cất em về ngay sau khi Chị qua đời, vì em không đủ thời gian để nên hoàn thiện.
Chị trả lời:
Cái đó không hệ gì, chị không nhớ thánh Joseph Cupertino có trí khôn chậm chạp, ngài dốt nát và chỉ biết rõ một câu Phúc Âm:
“Beatus venter qui te portavit” .
Bị chất vấn về câu đó, ngài đã trả lời trôi chảy đến nỗi mọi người ngạc nhiên và cho ngài chịu chức linh mục cùng với ba người bạn khác. Mấy ông này không bị khảo hạch gì, vì căn cứ vào câu trả lời chí lý của ngài, người ta đoán rằng mấy ông cùng đi với ngài thì ít là cũng giỏi như ngài .
Em cũng trả lời thay chị như thế và Chúa sẽ ban cho chị nhưng không những gì Chúa ban cho em.
Tôi đọc cho bệnh nhân nhỏ của tôi nghe một đoạn tả hạnh phúc trên trời, Chị cắt ngang bảo tôi:
- Không phải những truyện đó lôi cuốn em đâu...
- Thế thì cái gì?
- Ồ! Chính là Tình Yêu! Yêu, được yêu và trở lại trái đất làm cho người ta yêu mến Tình Yêu .
Khi tôi đang thu dọn trong phòng vì tôi là ý tá, Chị nhìn tôi và bất ngờ bảo tôi:
- Trên trời, chị sẽ an toạ cạnh em! (Au ciel vous prendrez séance à côté de moi!
Sau đó Chị trích một đoạn thơ bất hủ về vua Louis XVII :
Xin người nhanh chân đến ngay với con
... để ru đứa nhỏ nước mắt chạy quanh;
Và hoàn đồng những áng mặt trời
Chính trong nơi hảo hào nóng cháy
Bằng hơi thở ngời sáng thần tiên.
Rồi em sẽ mang cho chị:
Đôi cánh thanh thiên ngời sáng
Của vị thiên thần sốt mến
Má hồng môi nở nụ cười...
Và em sẽ buộc đôi cánh cho chị vì chị không biết buộc, có thể chị buộc thấp hoặc cao quá!
- Chị là lý tưởng của em và em không đạt tới lý tưởng đó được. Đau đớn biết bao! Em như một đứa trẻ không biết khoảng xa cách ra sao, nên khi được mẹ ấp ủ, lại cứ đưa đôi tay nhỏ bé đòi nắm lấy chiếc màn gió, hay một đồ vật nào đó... mà không biết rằng nó còn xa lắc xa lơ!
- Đúng thế, nhưng ngày tận thế, Chúa sẽ mang Céline đến gần những đồ vật Céline ước ao và Céline sẽ nắm được hết.
“Nếu có ai nói điều gì bất công cho chị, hay nếu chị nào không biết chuyện ra sao lại muốn góp ý kiến, thì chị phải nghĩ rằng chị đó có ý ngay lành, nên phải trả lời cách dịu dàng, và nếu có thể thì tuy không bóp méo sự thật, chị hãy làm ra vẻ tán đồng lời chị ấy nói.
Muốn mọi người cùng xét đoán như mình là lầm. Chúng ta đang mong trở nên như trẻ nhỏ, mà trẻ nhỏ thì không phân biệt đâu là điều tốt hơn, chúng cho việc gì cũng hay cả. Ta cần bắt chước các em.
Làm điều hợp lý là cách xử sự của mọi người và mọi người luôn muốn làm điều hợp lý, nhưng như thế không có công gì cả.
Thánh Anphongsô bảo: ‘Đức ái hệ tại việc chịu đựng những người hầu như không thể chịu nỗi’.
Càng tiến tới trên đường nhân đức, chị càng ít phải chiến đấu, hay đúng hơn chị chiến thắng dễ dàng hơn vì chị luôn nhìn thấy khía cạnh thiện hảo trong các sự việc. Bấy giờ tâm hồn chị siêu thoát thụ tạo. Kể thì khó tin thật đấy, nhưng sau khi dày dạn tháng năm không còn xao xuyến vì những điều người ta nói về em nữa, bởi em hiểu rằng người ta xét đoán hồ đồ lắm.
Đến giờ chết, khi thấy Chúa tốt lành vô cùng, nên muốn đời đời đổ tràn tình yêu trên em, còn em thì không còn có thể lấy hy sinh để tỏ tình yêu Chúa được nữa, em sẽ không chịu được ý nghĩ đó nếu trên trần thế em không làm mọi sự có thể để làm vui lòng Chúa”.
Nơi trần gian này còn mai mất này, mọi sự sẽ qua đi, ngay cả Têrêsa nhỏ nữa, nhưng rồi cô sẽ trở lại.
“Chị nhỏ bé lắm, chị nên nhớ điều đó và khi ta quá bé nhỏ, ta không có những tư tưởng cao vời đâu”.
Ngày 4-8
Khi nghĩ tới Chị sắp chết, tôi cắt ngang câu chuyện và buồn rầu kêu lên:
- Em sẽ không sống được nếu không có chị! (Je ne saurai pas vivre sans elle!).
Chị trả lời bằng kiểu chơi chữ cho tôi giải trí.
- Thế em sẽ mang cho chị đôi cánh nhé! (Aussi je vous apporterai deux ailes) .
Phúc Âm có đoạn: “Hai người đàn bà sẽ cùng xay lúa, người ta mang đi một, để lại một...” .
“Chúng mình cùng làm việc với nhau và em thấy rằng chị không thể xay bột một mình được, nên em sẽ tới kiếm chị”.
Các con hãy tỉnh thức vì các con không biết giờ nào Chúa đến .
Chị luôn nhắc cho tôi nhớ rằng chúng tôi là hai người cùng làm ăn với nhau, dầu người này ít vốn hơn người kia cũng không hệ gì. Vì không xa lìa nhau nên một ngày kia họ sẽ cùng được lợi lộc với nhau.
Chị cố ghi khắc vào tâm khảm tôi một tinh thần và một con tim nghèo khó bằng những ý nghĩ đáng yêu như:
“Cô nữ tỳ ơi! Phải an phận với địa vị mình, đừng bao giờ muốn thử làm bà chúa, đừng bao giờ cả, nghe!”.
Một hôm tôi còn phải đọc một giờ kinh Nhật Tụng nhỏ nữa, Chị nhí nhỏm bảo tôi:
- Chị đi đọc giờ None đi và nhớ rằng chị là chị Nonne rốt hết trong các chị Nonne .
Tôi buồn rầu bảo Chị:
- Chị sắp bỏ em rồi!
- Ồ! Không đâu!
Tôi chuyển sang chuyện mình ưa thích và bảo Chị:
- Chị có tin rằng việc em hy vọng được gần Chị trên Trời sẽ thành tựu không? Khó mà thành tựu lắm, cũng như bắt một đứa nhỏ cụt tay lấy một vật gì trên trên cột mỡ vậy!
- Đúng thế, nhưng ở đó có một ông khổng lồ nắm lấy cậu bé què tay nâng cậu lên và tặng vật cậu ưu thích. Chúa cũng sẽ làm cho ta như vậy, chị không nên lo lắng chuyện ấy, chị phải nói với Chúa: “Con biết không bao giờ con đáng được điều con mơ ước cả, nhưng con giơ tay lên Chúa như em nhỏ ăn mày ngửa tay xin, và con chắc Chúa nhận lời con vì Chúa rất nhân hậu!”.
Nghĩ rằng chỉ còn một thân một mình sau khi Chị chết, tôi buồn quá nên luôn hỏi Chị xem có được chết theo Chị sớm không. Chị phấn khích tôi hy vọng được như vậy, nhưng khi về trời Chị đã xét đoán thời gian theo kiểu đời đời! Tôi bảo Chị:
- Nếu sau khi qua đời người ta viết tiểu sử Chị, thì em muốn được chết trước khi đó... Chị có tin không?
- Có, em tin nhưng nên kiên nhẫn... hãy nhìn em xem có dễ thương không, chị cũng phải dễ thương như thế.
Vừa thức dậy, tôi thấy em tôi xanh xao, biến sắc vì đau đớn khắc khoải. Chị thỏ thẻ:
- Quỷ ở bên cạnh em, em không trông thấy nhưng cảm thấy nó khuấy khuất em, nó nắm em trong bàn tay sắt, không cho em được dễ chịu một chút, nó làm em đau đớn để em thất vọng.
“... Không làm sao em cầu nguyện được! Em chỉ có thể nhìn ngắm Đức Mẹ và kêu: Giêsu! Giêsu!... Lời nguyện trong Kinh Tối (Complies) “Procul recedant somnia et noctium phantasmata”. Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi bóng ma đêm trường, thật cần biết bao!”.
“Em cảm thấy có sự gì huyền nhiệm...!”.
Bị xúc động mãnh liệt, tôi đốt vội cây nến phép lên và một lúc sau thì Chị bình tĩnh trở lại.
Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng những danh từ hồi còn thơ ấu, nên các chị khác không hiểu gì cả. Chị Stanislas là y tá trưởng lấy làm ngạc nhiên bảo:
“Hai cô nhỏ này thật dễ thương, chỉ dùng những kiểu nói chẳng ai hiểu chi hết!”.
Một chút sau tôi bảo Têrêsa:
- Phải, cả hai chúng mình dễ thương cả, nhưng Chị một mình cũng dễ thương, còn em dễ thương khi có chị”.
Chị hăng hái trả lời:
- Vì thế em sẽ đến tóm chị đó.
(“C'est pour cela que je viendrai vous qu’rir”
(vous quérir, vous chercher).
Chị khó thở quá, để dễ thở Chị lặp đi lặp lại:
“Em đau, em đau”.
Nhưng Chị lại vội trách mình vì coi đó như lời than phiền và nói với tôi:
- Khi em nói ‘em đau’ thì chị phải trả lời: Càng hay! Em không đủ sức nhưng chị nói thay em nhé.
Rất thương tâm nhưng tôi cũng phải làm theo ý Chị... Tuy vậy, ít khi tôi nói câu đó.
Chị rất yếu và vì biết Chị thích những đồ vật đẹp, nên để giúp Chị khuây khoả chị em mang đến cho Chị một thúng nhỏ đựng kẹo xinh xắn. Chị có vẻ không chú ý và nói giọng trầm tư:
- Em đã thấy những vẻ đẹp trần gian và hồn em chỉ ước mơ sự mỹ lệ trên trời.
Tôi đi đi lại lại trước lò sưởi trong phòng bệnh để thu dọn, lòng băn khoăn vì một sự không được như ý. Chị bảo tôi:
- Bo-bonne, lo lắng làm chi cho mệt trí!
Tôi thường chép vội trên bất cứ tờ giấy nào những lời Chị nói, cũng như những kỷ niệm liên quan tới Chị, và chỉ những giờ tự do ngày Chúa nhật tôi mới có thể ghi lại được. Một chiều tôi cho Chị hay:
- Hôm nay Chúa nhật mà chẳng làm nên trò trống gì, vì em không ghi được gì vào sổ tay hết.
- Đấy là kiểu tính toán của cô Lili chứ đâu có phải của Chúa Giêsu!
“Chị đang săn sóc một ‘bêbê’ hấp hối”.
Nói rồi Chị âu yếm nhìn tôi bảo:
... Nhưng Cha sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng và không ai cướp được niềm vui đó .
Một lúc sau, vừa chỉ vào một chiếc ly vừa nhắc cho tôi nhớ lời tôi đã khẩn khoản xin Chị cho biết xem tôi phải làm gì giúp Chị, với giọng khôi hài nhí nhỏm Chị bảo tôi:
- Chị phải bỏ vào ly cái gì tôn tốt đấy nhé, vì miệng bêbê đắng ngắt à!
Vài ngày trước đó, Chị bảo tôi cần hãm mình, tập mau lẹ đáp ngay khi có ai bấm chuông hãy gõ cửa, mau lẹ tới mức dầu may một mũi kim cũng không thèm trước khi trả lời:
- Em đã tập làm như vậy trong quãng cuối đời em. Lúc đầu căn nhà linh hồn em không được an bình thực, vì không biết hãm mình như thế.
Nghe Chị khuyên, mỗi khi ai cần tới là tôi bỏ liền công việc để chị em khỏi phải chờ. Hôm 16-9 Chị thấy tận mắt và bảo tôi:
- Ôi! Giá chị biết!... sau này Chị sẽ thấy... việc hãm mình này còn vinh quang hơn cả khi chị xin được chính phủ dễ dãi với các dòng tu, vinh quang hơn cả khi xin được cho nhà dòng ta khỏi phải phiền hà và cũng còn vinh quang hơn cả khi toàn thể nước Pháp ca tụng chị như bà Judith xưa!
“Chị không cần hiểu Chị còn nhỏ quá...”
(Chị muốn nói: hiểu điều Chúa làm nơi chị).
- Em sắp chết, đó là điều chắc... Tuy không biết khi nào nhưng chắc chắn thế!
Tôi bảo Chị: “Từ trời cao, Chị sẽ nhìn xuống chúng em phải không?”.
Chị trả lời như bộc phát:
- Không, em sẽ xuống!
Tôi thường thức dậy ban đêm để thăm Chị dầu Chị không muốn thế. Một hôm tôi thấy Chị nằm chắp tay, hai mắt ngước lên trời:
- Chị làm gì thế? Phải cố gắng mà ngủ đi chứ!
- Em không làm sao ngủ được, em đau lắm, nên em cầu nguyện...
- Chị nói gì với Chúa Giêsu?
- Em không nói gì cả, em yêu Ngài!
Một hôm trong khoảng thời gian cuối đời, lúc quá đau đớn Chị nói với tôi:
- Chị Geneviève bé nhỏ của em ơi! Cầu xin Đức Mẹ cho em đi, nếu chị đau em sẽ cầu xin Người thực thiết tha! Còn cầu cho chính mình em không dám!
Chị còn than thở:
- Ôi! Cần phải cầu nguyện cho những người hấp hối rất nhiều, nếu người ta biết được.
Tối đến, tôi canh chừng coi sóc Chị. Chúng tôi nghe tiếng chim cu gáy nhiều nhịp trong vườn, rồi một tiếng đập cánh như tiếng chim đậu bên cửa sổ. Vì việc này xảy ra cách khác thường, có một lần, nên tôi nghĩ đến lời sách Nhã Ca:
“Hỡi bạn tình ta, người đẹp của ta ơi, hãy chỗi dậy và đến! Vì mùa đông đã qua, mưa đã tạnh, lá hoa tươi nở khắp mặt đất, mùa hoan ca chúng ta đã tới, tiếng chim cu gáy vang dội nơi đồng quê ta” .
NGÀY LƯU ĐÀY SAU CÙNG CỦA EM TÊRÊSA YÊU QUÝ CỦA TÔI
NHỮNG CHI TIẾT LIÊN QUAN ĐẾN CÁI CHẾT THÁNH THIỆN CỦA CHỊ
Vào lúc sau trưa, trong chính ngày Chị qua đời, chỉ có tôi và Mẹ Agnès de Jésus ở bên cạnh Chị. Run rẩy yếu nhược, Chị gọi chúng tôi đến cứu... Toàn thân Chị đau nhức dữ dội. Chị đặt một tay lên vai Mẹ Agnès de Jésus, một tay lên vai tôi, và cứ dang tay hình thánh giá như thế. Lúc đó đồng hồ đánh ba tiếng, ý nghĩ về Chúa chịu đóng đinh chợt hiện lên trong trí chúng tôi: Vị tử đạo nhỏ bé đáng thương của chúng tôi đây không là hình ảnh sống động sao?
Một lúc sau, cơn hấp hối bắt đầu, giờ thử thách này kéo dài thật kinh khủng. Chúng tôi nghe Chị nói:
- Ôi! Đây mới là sự đau đớn hoàn toàn! Không có lấy một chút an ủi nào. Phải, không có chút an ủi nào cả!
“Ôi lạy Chúa! Tuy thế, con mến Chúa... Lạy Đức Nữ Trinh nhân lành, xin thương đến giúp con!
“Nếu hấp hối mà còn như thế này thì sự chết sẽ ra sao?... Ôi Mẹ! Con đoan chắc với Mẹ rằng chén đắng đã đầy tràn.
“Vâng, lạy Chúa, xin tuân theo ý Chúa, nhưng xin thương xót con!
“Không, con không bao giờ tin rằng người ta có thể chịu đau đớn được như thế!... Không bao giờ, không bao giờ!
Con chỉ có thể diễn tả bằng ước vọng nhiệt thành muốn cứu các linh hồn. Ngày mai có lẽ còn ghê gớm hơn! Nhưng không sao, càng tốt!”.
Những câu nói đó bị đứt quãng và tha thiết nhưng luôn cho thấy tinh thần chịu đựng của Chị thật phi thường. Mẹ Bề trên cho gọi cả nhà dòng tới. Chị Têrêsa dịu dàng cười tiếp đón chị em, rồi ôm chặt Thánh giá trong tay, Chị để mặc cho đau đớn giày vò, không nói gì. Chị thở dồn dập, mồ hôi lạnh ra ướt đẫm cả mặt. Quần áo và chăn của Chị cũng sũng mồ hôi... Và Chị run rẩy...
Khi còn đang bệnh, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu bảo chúng tôi:
- Các chị ơi, khi hấp hối nếu cái nhìn sau cùng của em dừng lại trên chị này mà bỏ chị kia thì xin các chị đừng buồn. Em không biết mình sẽ hành động ra sao, nhưng đó là điều Chúa muốn. Nếu Chúa cho em chọn thì cái nhìn sau cùng của em sẽ hướng về Mẹ chúng ta vì người là Mẹ Bề trên.
Vậy mà trong cơn hấp hối, vài phút trước khi Chị qua đời, tôi đặt lên môi Chị một miếng nước đá nhỏ, lúc đó Chị nở nụ cười thật hiền dịu với tôi và nhìn tôi bằng cái nhìn tha thiết như muốn xuyên thấu tương lai.
Cái nhìn của Chị thật âu yếm, diễn tả một cái gì siêu nhiên để khích lệ và hứa hẹn, như thế Chị bảo tôi:
- Này, này, chị Céline của em, em sẽ ở với chị mãi mãi...
(Không hiểu lúc đó Chúa có mạc khải cho Chị biết nhiệm vụ nặng nề lâu dài tôi phải đảm nhiệm vì Chị sau này trên trần không, và không biết Ngài có muốn dùng cái nhìn đó để yên ủi cuộc sống lưu đày của tôi không? Vì kỷ niệm của cái nhìn sau cùng, cái nhìn mà mọi người khao khát, - thế mà tôi lại được Chị dành cho, luôn nâng đỡ tôi và là sức mạnh lớn lao cho tôi).
Tất cả nhà dòng rung động thổn thức, nhưng bỗng Chị đưa mắt tìm Mẹ Bề trên đang quỳ bên cạnh, cái nhìn xa vời biểu lộ sự đau đớn như Chị đã chịu trước đây.
Vài phút sau, Mẹ Bề trên tưởng cơn hấp hối còn kéo dài nên cho các chị tạm lui. Con bệnh quay lại hỏi Mẹ:
- Thưa Mẹ, đây không phải là cơn hấp hối ư? Con chưa sắp chết hay sao?
Và khi Mẹ trả lời rằng cơn hấp hối còn kéo dài, Chị êm đềm than thở:
- Vâng!... được... được... ôi! Con không muốn khổ đau giảm bớt!
Rồi nhìn thánh giá:
“ÔI... CON YÊU CHÚA!... LẠY CHÚA
CON... YÊU... CHÚA!!!”
Đây là những lời sau cùng của Chị. Vừa nói dứt lời đó, trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, Chị thình lình gục xuống, ngả đầu về bên phải. Rồi đột nhiên ngửng lên như nghe thấy tiếng nói huyền nhiệm nào đó, Chị mở mắt và hướng cái nhìn sáng ngời về phía tượng Đức Mẹ làm phép lạ một chút. Cái nhìn kéo dài vài phút, lâu bằng thời gian đủ để đọc chậm kinh Tin Kính.
Từ đó, tôi hay tìm cách phân tích giây phút xuất thần ấy, giây phút được diễn tả qua cái nhìn còn sống động hơn cả cái nhìn diễm phúc.
Trước hết chúng tôi thấy nơi cái nhìn cũng như nơi bộ diện của Chị lúc ấy một sự xác tín cao quý kèm theo một sự chờ đợi nào đó, chẳng khác gì giờ đây Chị đang đứng trước bức tranh cuộc đời Chị, Chị tự hỏi xem Chúa nghĩ gì về cuộc đời ấy...
Rồi sau khi biểu lộ những tâm tình đó, Chị có vẻ hết sức ngỡ ngàng và biết ơn sâu xa.
Tôi luôn tưởng rằng chúng tôi đã được dự vào cuộc phán xét riêng của Chị. Một đàng như Phúc Âm đã nói tới, thấy mình xứng đáng đứng trước Con Người và đàng khác thấy những hồng ân Chị sẽ được “vượt quá những ước vọng bao la (của Chị) .
Vì thế, ngoài thái độ ngỡ ngàng khôn tả, chúng tôi còn thấy toàn thân Chị run lên nữa. Hình như, nhìn thấy tình yêu biết bao chan chứa, Chị không chịu nổi, như thể một người bị tấn công nhiều lần, còn muốn phấn đấu nhưng vì yếu sức nên đành thua, hoan hỉ mà thua. Thật là quá mạnh. Chị nhắm mắt và thở hơi cuối cùng.
Hôm đó là ngày thứ năm, 30-9-1897, hồi 7 giờ 20 phút chiều.
Chị vừa tắt thở, tôi thấy lòng đau như cắt nên phải vội rời nhà bệnh. Tôi ngây thơ tưởng như mình đi xem Chị lên trời, nhưng bầu trời nhiều mây và có mưa. Bấy giờ tôi đứng dựa vào cột hành lang tu viện và nói trong nước mắt:
- Ước chi có trăng sao trên trời cũng đủ.
Tôi vừa nói xong thì trời trong sáng và có ánh sao lấp lánh, không còn một áng mây vương trên nền trời thanh quang. Sau khi đã ở Nhà Nguyện trong suốt thời gian Chị hấp hối, cậu mợ tôi (ông bà Guérin) cầm dù ra về và ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột này, hai ông bà hỏi nhau xem như thế nghĩa là gì.
Sau khi Chị Têrêsa thở hơi cuối cùng và chị em đã lui ra hết, chỉ còn lại mình tôi, thấy có giọt lệ đọng trên mi mắt Chị tôi muốn giữ lấy.
Vì không có vải mỏng nên tôi vội cầm chiếc khăn lau giọt nước mắt đó. Đây là viên ngọc quý Chị để lại sau cơn chiến đấu cuối cùng... Rồi xé dọc chiếc khăn, tôi làm viền khăn lại để không ai thấy chi cả.
Tôi giữ băng vải đó hoài và giọt lệ cuối đời của em tôi cũng còn hiển hiện thật rõ ràng. Sau này, chỗ thấm nước mắt được cắt thành hình giọt lệ, đặt giữa những viên ngọc quý để trong một hộp di vật có hình thiên thần bằng đồng khối mặc áo giáp.
Sau khi Đầy tớ Chúa nhắm mắt, trên gương mặt in sâu ngay ánh hạnh phúc bất diệt. Chị nở trên môi nụ cười thần linh. Một điều lạ nữa là tuy hai mí mắt Chị khép rất chặt mà vẫn sáng ngời, đầy vẻ sống động chứ không có chi là chết chóc cả. Chưa hề thấy lại đôi mắt nào như thế nơi một Chị đã qua đời!
Trông Chị thật tươi xinh nên ngày hôm sau là 1-10-1897, tôi muốn chụp bức ảnh kỷ niệm trong phòng bệnh trước “giờ liệm xác”, nhưng gặp bất lợi là máy ảnh của tôi thuộc loại ống kính có tiêu điểm xa, tôi lại phải đứng gần, cộng thêm là nghịch ánh sáng và đối diện với khuôn mặt nhìn từ dưới lên trong cảnh tranh tối tranh sáng. Tuy thế, trong hình vẫn thấy rõ nụ cười hiền dịu duyên dáng và nét mặt Chị không hề bị thay đổi.
Chúa nhật 3-10, khi xác Chị đặt ở giữa Nhà Nguyện trong chiếc quan tài đầy hoa, tôi lại chụp một bức hình nữa vào lúc trưa, nhưng nét mặt Chị dài ra và lạ nữa là những lông mi màu nâu biến thành hung hung đậm gần như đen. Chúng tôi thấy Chị có vẻ oai nghiêm nhưng không nhận ra được Chị nữa.
Vì thế, vào năm 1905, theo lời xin tha thiết của cộng đồng và nhờ bức ảnh chụp được ở nhà bệnh, tôi đã vẽ một bức mà các chị sống đồng thời với Chị Thánh đều nhận là diễn tả thật chân thực vẻ mặt Têrêsa lúc vừa tắt thở. Bức hình đó đã được in ra trong cuốn “Một Tâm Hồn” từ năm 1906.
Còn bức ảnh hôm 3-10 trong những lần xuất bản trước đều có in nhưng phải sửa lại một vài chi tiết.
Chị được an táng hôm 4-10-1897 trong nghĩa địa mới của Dòng Kín và chiếm chỗ đầu tiên. Người ta đặt trên mộ Chị cây thập tự bằng gỗ có ghi: “Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu 1873-1897”.
Mẹ Agnès de Jésus đã sơn cây thập tự và viết vào đấy những hàng này:
“Ôi con lạy Chúa Trời
Xin thương nhớ cho lời
Con muốn mang lửa Chúa
Đi khắp chốn muôn nơi”.
Nhưng câu viết vừa xong thì bác thợ mang thập tự đi đặt lại đánh nhoà mất. Mẹ Agnès de Jésus coi đó như một lời chỉ giáo từ Trời Cao, nên thay thế bằng câu khác:
“Tôi muốn từ thiên đàng
Làm ích cho trần gian”.
Câu này, vì quá thận trọng nên Mẹ không dám viết ngay từ lúc đầu.
(do Chị Thánh sáng tác)
Ôi! Lạy Chúa Ba Ngôi Vĩnh Phúc, con ước ao yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến; làm vinh quang Hội Thánh bằng cách cứu rỗi các linh hồn còn sống ở trần gian, và giải thoát các linh hồn đang khổ đau nơi luyện hình. Con ao ước thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa, và đạt đến mức độ vinh quang mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con trên Nước Trời; tắt một lời, con ước muốn trở thành thánh, nhưng con cảm thấy bất lực, và ôi lạy Chúa, con nài xin chính Chúa là sự thánh thiện của con.
Vì Chúa đã yêu con đến nỗi ban cho con chính Con Một của Chúa, để làm Đấng Cứu Chuộc con và làm Hiền Phu con, nên mọi kho tàng vô tận của các công Nghiệp của Người cũng là của con; con hân hoan dâng tất cả cho Chúa, con nài xin Chúa chỉ nhìn đến con xuyên qua Nhan Thánh Chúa Giêsu, và trong Trái tim rực cháy lửa yêu mến của Người.
Con cũng dâng lên Chúa tất cả công nghiệp của các thánh đang ở trên trời và còn ở trần gian, những hành động đầy yêu thương của các ngài và của các thánh thiên thần; sau cùng, ôi lạy Chúa Ba Ngôi Diễm Phúc, con xin dâng tình yêu và công nghiệp của Đức Thánh Nữ Đồng Trinh, Mẹ yêu dấu của con, con phó thác trong tay Mẹ việc dâng hiến này, khẩn xin Mẹ tiến cử lên trước toà Thiên Chúa. Người Con Rất Thánh của Mẹ, là Bạn Lòng chí ái của con đã nói khi còn ở trần gian: “Những gì các con nhân danh Ta mà xin cùng Cha Ta, thì Ngài sẽ ban cho các con” . Vì vậy con chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời con khẩn nguyện. Ôi lạy Chúa, con biết rồi, Chúa càng muốn ban ơn thì Chúa càng thúc đẩy và gia tăng lòng ham muốn trong chúng con . Con cảm nhận từ trong lòng con, những khát vọng lớn lao và với một lòng cậy trông, con nài xin Chúa đến chiếm hữu linh hồn con. Ôi! Con không được Rước Lễ thường xuyên như lòng con mong ước, nhưng lạy Chúa, chẳng phải Chúa là Đấng Toàn Năng đó sao? Xin Chúa ở lại trong con như Chúa vẫn ở trong Nhà Chầu, xin đừng bao giờ rời xa tấm bánh nhỏ của Chúa...
Con muốn an ủi Chúa về những bội bạc của kẻ gian ác, và con khẩn khoản nài xin Chúa cất khỏi con mọi dịp cố tình làm mất lòng Chúa; nếu một đôi khi vì yếu đuối, con sa ngã, thì lập tức, xin ánh mắt thần linh của Chúa tẩy rửa linh hồn con, thiêu huỷ mọi bất toàn trong con, như lửa biến đổi mọi vật thành cùng một bản thể của lửa...
Ôi lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho con, cách riêng cho con trải qua lò trui luyện trong đau khổ. Đến ngày cuối đời, con hân hoan ngắm nhìn Chúa “mang vương trượng Thánh Giá rất quý báu này, nên con hy vọng ở trên trời, con sẽ giống Chúa và nhìn thấy chói lọi trên thân xác vinh hiển của con, những thương tích thánh của cuộc Khổ Nạn Chúa...
Sau cuộc lưu đày nơi trần gian, con hy vọng sẽ được vui hưởng mặt Chúa trên quê trời, nhưng con không muốn tích tụ công đức để thụ hưởng trên thiên đàng, con chỉ muốn làm việc cho Tình Yêu Chúa mà thôi, với mục đích duy nhất là làm đẹp lòng Chúa, là an ủi Thánh Tâm Chúa, là cứu vớt nhiều linh hồn để họ sẽ yêu mến Chúa đời đời.
Khi cuộc đời trở về chiều, con sẽ trình diện trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng, vì lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Mọi sự công chính của chúng con đều có khuyết điểm trước mặt Chúa! Vì vậy con chỉ muốn mặc lấy sự công chính của Chúa, và nhận lấy từ Tình Yêu của Chúa sự chiếm hữu đời đời của chính Chúa. Con không nhận ngai toà hay vương miện nào khác ngoài Chúa ra, ôi Bạn Lòng yêu mến của con.
Dưới mắt Chúa, thời giờ chỉ là không; một ngày thôi cũng như ngàn năm , vậy trong chốc lát, Chúa có thể chuẩn bị cho con trình diện trước nhan thánh Chúa.
Để con sống trong tác động Tình Yêu trọn vẹn, con dâng mình làm của lễ toàn thiểu cho Tình Yêu nhân hậu Chúa, con khẩn khoản nài xin Chúa tận huỷ con không ngơi, và để tràn ngập nơi hồn con làn sóng yêu thương vô biên đang ẩn giấu trong Chúa, và như vậy con trở thành tử đạo của Tình Ái Chúa, ôi lạy Chúa Trời con!
Ước gì cuộc tử đạo này, sau khi đã chuẩn bị cho con ra trước mặt Chúa, sẽ làm cho con chết đi, và không chậm trễ, linh hồn con vụt bay đến nụ hôn muôn đời của tình yêu nhân hậu Chúa.
Ôi Bạn Lòng yêu mến, con ước muốn cùng với mỗi nhịp tim, con lặp lại vô tận lời kinh tận hiến này cho đến khi bóng tối tan biến đi , con mới có thể nói lên tất cả tâm tình yêu mến của con với Đấng lòng con mến yêu trong sự hiện hữu mặt đối mặt muôn đời. Amen.
Ôi Thánh Nhan Chúa Giêsu đáng thờ lạy, Chúa đã đoái thương tuyển chọn linh hồn chúng con, phó mình cho chúng con, nên chúng con đến dâng hiến linh hồn chúng con cho Chúa.
Ôi Chúa Giêsu, hình như chúng con nghe tiếng Chúa nói: “Các em của Ta, các hôn thê đáng yêu mến của Ta ơi, các con hãy mở cửa lòng cho Ta vì Thánh Nhan Ta dính đầy sương mai, và tóc Ta ướt đẫm vì những giọt sương đêm” . Linh hồn chúng con hiểu được tiếng nói tình yêu Chúa: chúng con muốn lau khô mặt hiền dịu Chúa và yên ủi Chúa bị kẻ dữ quên lãng. Trước mặt họ, Chúa như còn đang ẩn mình... và họ coi Chúa như đồ vật đáng khinh bỉ .
Ôi dung nhan đẹp hơn bông huệ, bông hồng mùa xuân! Chúa không giấu ẩn trước mắt chúng con! Đối với chúng con, những giọt lệ che khuất cái nhìn thần thiêng của Chúa chẳng khác gì những viên ngọc quý, chúng con muốn thu tích để mua lấy linh hồn anh em chúng con bằng giá trị vô cùng của những viên ngọc ấy.
Chúng con đã nghe được tiếng than vãn đầy yêu thương từ nơi miệng đáng tôn thờ Chúa. Chúng con hiểu rằng Chúa khao khát tình yêu, nên chúng con muốn yêu Chúa bằng tình yêu bất diệt để Chúa được dịu đi cơn khát khao.
Lạy Vị Hôn Phu đáng mến yêu của linh hồn chúng con! Nếu chúng con có được tình yêu của mọi tâm hồn thì chúng con xin dâng tất cả tình yêu ấy lên Chúa... Vâng, xin cho chúng con tình yêu đó, và xin Chúa đến giải khát trong lòng những vị hôn thê nhỏ bé của Chúa...
Các linh hồn, lạy Chúa, chúng con muốn có các linh hồn, nhất là các linh hồn tông đồ và tử đạo để nhờ họ chúng con lấy lửa tình yêu Chúa thiêu đốt toàn thể những tội nhân khốn khổ.
Ôi Thánh Nhan đáng thờ lạy, chúng con biết Chúa sẽ thương ban ơn chúng con khẩn nguyện! Quên mình đang sống kiếp lưu đày trên bờ sông Babylon, chúng con sẽ hát chúc tụng Chúa những bài ca êm ái nhịp nhàng. Chính Chúa là quê hương đích thực và duy nhất của linh hồn chúng con, chúng con sẽ không hát những bài ca đó nơi đất khách quê người .
Ôi Thánh Nhan Chúa Giêsu đáng mến yêu, đang lúc chờ đợi ngày vĩnh cửu đêẻ chúng con được chiêm ngưỡng vinh quang bất tận Chúa, khát vọng duy nhất của chúng con là làm vui thích đôi mắt Chúa, bằng cách che giấu bộ mặt chúng con để ở trần gian này không ai nhận ra chúng con nữa... Ôi lạy Chúa Giêsu, cái nhìn bị che giấu của Chúa chính là thiên đàng của chúng con!