Dù có một phong trào phản đối gay gắt, Công đồng Vatican II cũng đã sát nhập Thánh Mẫu học vào lược đồ về Giáo Hội. Lý do của sự sát nhập này là trong nhiệm cục cứu rỗi nhân loại, Đức Mẹ và Giáo Hội không thể tách biệt được.
Ngày từ ban đầu, khi Thiên Chúa dựng nên Ađam thì đã đem đến cho ông một người nữ và ông nói về người nữ: “Người này là xương của xương tôi, và thịt của thịt tôi” (Gen 2,23). Thánh Phaolô thấy trong sự kiện này hình bóng của huyền nhiệm cứu chuộc: “Huyền nhiệm này thật là trọng đại, tôi hiểu đó là Chúa Kitô và Giáo Hội”. Như vậy khi dựng nên Evà, Thiên Chúa đã nghĩ đến người nữ cộng tác với Adam mới và báo điềm về người này.
Người bạn đường mới của Adam là ai? là Đức Mẹ và Giáo Hội, ta không có thể phân chia ra được.
Nhập thể đã làm cho Trinh nữ Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa và có định mệnh gắn chặt với chuộc tội cứu thế của Chúa Giêsu.
Cạnh nương long Chúa bị đâm thâu đã làm xuất hiện một bạn đường mà Chúa sẽ cho cộng tác vào cuộc cứu thế của mình: đó là Giáo Hội.
Nói cho đúng, chúng ta chỉ có một Đấng cứu thế nhưng Chúa Kitô không cứu ta một mình, Người đã cho Đức Mẹ và Giáo Hội có quyền cứu thế bởi Người và với Người.
Không những để cứu chuộc ta, Thiên Chúa đã ban cho ta một Đấng cứu thế, nhưng Người còn muốn cho ta cộng tác vào việc cứu chuộc của Người. Đó là nền tảng của Thánh Mẫu và Giáo Hội học.
Thường thường, phương pháp của Thánh mẫu học là đi tìm trong các dữ kiện đức tin về Đức Mẹ một nguyên lý khả dĩ giải thích các sự kiện khác. Nhờ phương pháp này, những điều đức tin dạy có liên can đến huyền nhiệm về Đức Mẹ không còn là những dữ kiện rời rạc, không nối tiếp, nhưng quy tụ lại thành một huyền nhiệm duy nhất: Huyền nhiệm về Đức Mẹ. Ở đây, chúng tôi theo một con đường khác: Con đường huyền nhiệm về Đức Mẹ tiến triển thế nào trong ý thức của Giáo Hội. Con đường này cho ta cái lợi là theo sát những dữ kiện Phúc Âm cống hiến, đọc Phúc Âm đến đâu thì giải thích đến đó. Nó còn cho ta một cái lợi khác là: Ý thức về Đức Mẹ đã tiến triển với thời gian nên con đường này có thể lần theo sự tiến triển ấy.
1/ Từ khi Giáo Hội được thành lập cho đến quãng năm 50, hầu như các tông đồ không hề nói đến Đức Mẹ khi các ông giảng dạy, các ông chỉ nói về đời Chúa Giêsu từ khi Người chịu phép rửa cho đến khi Người lên trời (Cv 1,22). Như vậy, có một thời gian tuy Đức Mẹ là cơ thể tích cực hoạt động bằng lời cầu nguyện và bằng sự bầu cử cho tội nhân trong nhiệm thể Chúa Giêsu, nhưng không có ai dạy gì về Người.
Người nói đến Đức Mẹ trước tiên là thánh Phaolô trong thư gởi cho người Galat, ông viết: “Khi thời giờ đã hoàn tất, Thiên Chúa sai Con Người sinh bởi một người nữ phải vâng phục lề luật để chuộc lấy những người phải vâng phục lề luật và làm cho ta trở nên dưỡng tử” (Gl 4,4-5).
Bản văn này cho ta biết: Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ thiêng liêng các giáo hữu, vì thánh Phaolô đã đặt tương quan giữa Chúa Kitô là con loài người và nhân loại là dưỡng tử của Thiên Chúa. Nhưng, trong cách viết, ta thấy rõ thánh Phaolô chỉ ngẫu nhiên mà viết về Đức Mẹ thôi, còn mục đích của ông là nói về Ngôi Hai nhập thể. Vì thế tất cả điều ông viết về Đức Mẹ: Sinh ra bởi một người nữ.
2/ Thánh Marcô có hai bản văn về Đức Mẹ, hai bản văn này chỉ nói đến Đức Mẹ thật là mẹ phần xác Chúa Giêsu thôi.
+ Mc 3,31-33: Có một đám đông ngồi bao quanh Chúa Giêsu và người ta thưa Người: “Ở ngoài Mẹ và anh em Thầy tìm Thầy”. Chúa trả lời: Ai là Mẹ và anh em Ta?. Rồi Người nhìn những kẻ chung quanh mình mà rằng: Này là Mẹ và anh em Ta. Vì ai làm theo thánh ý Thiên Chúa thì kẻ ấy là anh em, chị em và Mẹ ta”.
+ Mc 6,1-6: Người đồng hương của Chúa không tin theo Người vì họ cho rằng: Người chỉ là “người thợ mộc con bà Maria”.
3/ Từ năm 50 đến năm 70, thánh Matthêu rồi đến thánh Luca mới đem lại cho chúng ta một vài ánh sáng tích cực hơn về Đức Mẹ.
+ Matthêu 1,18-23: Đây là những điều liên can đến Chúa Giêsu Kitô sinh ra. Đức Maria, Mẹ Người, đã đính hôn với thánh Giuse có thai bởi hành động của Chúa Thánh Thần trước khi hai ông bà về chung sống. Thánh Giuse bạn Người là người công chính, không muốn cho Người mắc tai tiếng, nên định kín đáo bỏ Người. Ông đang có dự định ấy thì thiên thần của Chúa hiện đến với ông trong chiêm bao và bảo ông rằng: Hỡi Giuse, con vua David, đừng ngại nhận Maria bạn ông về với ông, vì sự xảy ra nơi Bà do Chúa Thánh Thần mà có. Bà sẽ sinh một con trai và ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì con trẻ sẽ cứu chữa dân mình cho khỏi tội lỗi”. Và mọi sự này đã xảy đến để hoàn thành những điều Chúa đã phán bởi các tiên tri: “Này là người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con, và người ta đặt tên con trẻ là Emmanuel” nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.
Trước hết trong lời tiên tri, tiếng Hy Bá Lai: “Halá mah” chỉ có nghĩa là một thiếu nữ; bản LXX vì ảnh hưởng của giáo truyền về sự trinh tiết của Đức Mẹ, nên đã địch là “pac ti nos”, nghĩa là trinh nữ. Như vậy, tách biệt ra lời tiên tri có một ý nghĩa khá tối tăm. Nhưng vì thánh Matthêu coi đó là hình bóng về Đức Mẹ và chú ý ghi nhận việc thụ thai của Đức Mẹ, là công việc của Chúa Thánh Thần chứ không phải của người thế gian, nên trong đoạn văn này, ta thấy rõ sứ mệnh Đức Mẹ là thụ thai Đấng Cứu thế một cách phi thường nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, và do đó Đức Mẹ vẫn còn đồng trinh. Mặt khác, thánh Matthêu còn giải thích tiếng Emmanuel là Chúa ở cùng ta để nhấn mạnh rằng Đấng Đức Trinh Nữ thụ thai là Thiên Chúa.
4/ Những dữ kiện thánh Matthêu nêu lên được thánh Luca kiện toàn. Trước hết ông kể gia phả loài người của Đấng thiên sai (Lc 3,23-38). Nhưng ông không dừng bước ở David hay Abraham, mà đi cho tới Adam và chính Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn vật, như thế rằng việc thụ thai của Đức Mẹ là một cuộc tái tạo nhân loại vậy.
Ông cũng nhắc lại việc Đức Mẹ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần chứ không bởi hành động của người thế gian như thánh Matthêu (1,34-55), nhưng ông còn thêm những chi tiết mới như trước ngày truyền tin có lẽ Đức Mẹ đã khấn hứa giữ mình trinh tiết, vì khi thiên thần loan báo Người sẽ thụ thai thì Người đã ngay thật trình bày: “làm thế nào lại có thể như vậy được vì tôi không hề biết đến đàn ông” (Lc 1,4). Lời này rất khó giải thích, nhất là ở cửa miệng một vị hôn thê ở thời đại ấy, nếu ta không chấp nhận rằng Đức Mẹ đã Chúa Thánh Thần soi sáng, quyết tâm không biết đến đàn ông.
Cách thánh Luca tả Đức Mẹ sinh Đức Chúa Giêsu như thế nào còn hướng ta về tư tưởng Đức Mẹ đồng trinh “in partu” nữa. Thực vậy, sau những ngày đường xá vất vả, đến Nazareth lại không có quán trọ phải nương náu trong hang bò lừa mà khi sinh Đức Mẹ không hề mảy may đau đớn “Người bọc con trẻ và đặt nằm trong máng cỏ” (2,7).
Nhưng thánh Luca không những kiện toàn thánh Matthêu ông còn cống hiến ta nhiều khía cạnh độc đáo về Đức Mẹ nữa.
Bản văn quan hệ của thánh Luca về Đức Mẹ là (1,26-38). Bản văn này chia làm 3 phần: Phần một nói về tin lành đã đến (1,28-29), phần hai nói về nguồn gốc nhân loại của Đấng Thiên sai (30,33) và phần ba nói về nguồn gốc thiên linh của Người (34-36). Vì bản văn chứa nhiều từ ngữ và hình ảnh rút ra từ các tiên tri, nên để rõ nghĩa, chúng ta sẽ so sánh các đoạn chính với các lời tiên tri có liên can đến.
Sophonie báo tin cho Israel (Sophonie 3,14,17)
Hãy vui mừng Con gái Sion Vua Israel, Giavê Ngự trong ngươi (Begirbek: trong ngươi)
Đừng sợ, hỡi Sion... Giavê, Chúa ngươi ngự trong ngươi như một Đấng cứu thế can trường
Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ. (Lc 1,28,32 )
Hãy vui mừng Người đầy ân sủng Ở với Bà Đừng sợ hỡi Maria Này Bà sẽ thụ thai trong lòng và sẽ sinh một con trai. Và Bà sẽ đặt tên cho Người là Đấng Cứu thế.
Tiếng hãy vui mừng không phải chỉ có Sophonie đã dùng mà Giacari (9,9) và Joel (2,21-27) cũng đã dùng để báo tin vui cho Israel biết Giavê hiện diện ở giữa họ. Tiếng Begirbek mà ta dịch là “ở giữa” dịch đúng là “ở trong lòng”. Các tiên tri đã dùng: “Con gái Sion” để chỉ dân Israel. Trong Phúc Âm: Con gái Sion không còn là một hình bóng nữa, nhưng thực sự là một người. Do đó sự hiện diện giữa một dân tộc biến thành thụ thai trong lòng một trinh nữ.
Đức Mẹ đã được thấm nhuần các lời tiên tri khi nghe lời thiên thần thì tránh làm sao khỏi cảm động. Cảm động đây không phải vì thấy mình đứng trước một người lạ ở trong phòng như người ta đã nói, nhưng vì nhận biết mình là Israel mới đã được Thiên Chúa thương đến viếng thăm. Làm sao, một người có sự kính sợ Thiên Chúa theo tinh thần các tổ phụ lại không xao xuyến khi biết Người ngự đến viếng thăm mình?
Đoạn tiếp, thiên thần nói về dòng dõi nhân loại của Đấng Thiên sứ: (2 Sam 7,12-16)
- V 12. sau ngươi, Ta sẽ đưa dòng dõi ngươi và kẻ bởi lòng ngươi mà ra, và Ta sẽ làm cho quyền vương của Người được vững vàng. Ta sẽ là Cha Người và Người sẽ là Con Ta - V 16b. Người Con sẽ vững bền đời đời - V 16a. Nhà Con và vương tước Con sẽ đời đời được bảo đảm - V 13. Ta sẽ làm cho ngai của nước Người đời đời bền vững.
Người sẽ cao cả Và sẽ gọi là con Đấng Tối cao Thiên Chúa sẽ cho Người ngai David Cha Người Người ngự trị đời đời trong nhà Giacóp, và nước Người không có tận cùng
Đấng Thiên sai trong Samuel cũng như trong Luca đều do dòng dõi David mà ra. Mặt khác, trong Samuel Người sẽ là Con Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ là Cha Người, vì thế ngai Người ngự sẽ vững bền muôn đời, còn trong Luca thì Người là Con Đấng Tối cao và nước không có cùng tận.
Người lời trên tuy đã nói đến nguồn gốc thiên linh của Chúa Giêsu, nhưng vẫn còn mờ tối và người ta có thể cho là những kiểu nói tôn trọng về một tiên tri được Thiên Chúa ưu đãi, nhưng câu sau sẽ làm rõ nghĩa các câu trên:
“Thánh Thần sẽ xuống trên Bà và bóng quyền phép Đấng Tối cao sẽ bao phủ Ba. Vì thế, Đấng Thánh Bà sinh ra sẽ gọi là Con Thiên Chúa”.
Bóng đám mây bao phủ hòm bia thánh (Ex 40,35) và che trên đầu Chúa Giêsu trong ngày Người biến thể đều là dấu sự hiện diện của Ngôi Cha. Ta có thể so sánh tiếng “Con Thiên Chúa” ở đây với cũng tiếng ấy dùng trong ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,22) lúc Người biến thể (9,35) khi thánh Phêrô xưng đức tin của mình ra (Mt 16,16)... ta sẽ thấy ý nghĩa thật là rõ ràng. Đức Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa cùng một bản tính với Ngôi Cha.
Một điểm độc đáo khác của thánh Luca là đã hé cho ta biết đời sống nội tâm của Đức Mẹ. Đức Mẹ thuộc về phần nhỏ những người Do Thái sống thanh bần, khiêm nhượng, được Thiên Chúa yêu mến: Chính Đức Mẹ đã nhận biết vì mình thanh bần mà được Thiên Chúa thương đoái (1,48). Người nhận biết mình chỉ là tôi tớ Thiên Chúa (1,38), nên Người đã hết dạ khiêm nhượng, trông cậy, vâng lời và cám ơn Người (2,50; 1,29; 2,19,51; 1,38; 2,47,55...). Vì thế Thiên Chúa vui lòng về Đức Mẹ (1,28) và thực hiện nơi Đức Mẹ những việc trọng đại (1,49). Một trong những việc trọng đại ấy là cho Người cộng tác với Ngôi Hai trong sự đau đớn hy sinh để cứu chuộc thế gian. “Gươm sẽ đâm thâu lòng Bà” (1,35). Từ lúc Simeon nói lời ấy, viễn tượng một đời sống âm thầm đau khổ với Chúa Giêsu đã in sâu trong tâm khảm Đức Mẹ.
5/ Sau hết, thánh Gioan, người đã được Đức Chúa Giêsu trao phó cho Đức Mẹ khi Người chịu đóng đinh trên trên thập giá, cũng viết rất vắn tắt về Đức Mẹ. Trước hết thánh nhân nói đến Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu bởi quyền phép Thiên Chúa: “Ai tiếp nhận Người (Ngôi Lời) thì Người ban quyền được nên con cái Thiên Chúa, những người này tin ở danh thánh Đấng không sinh ra bởi máu mủ hay dục vọng thể xác, hay dục vọng người nam, nhưng bởi Thiên Chúa. Và Ngôi
Ở đây nhà tạm cho Ngôi Hai không còn phải là chiếc lều của người Do Thái, nhưng là chính lòng Đức Maria. Nhưng hai bản văn quan hệ của thánh Gioan về Đức Mẹ là 2,1-5 và 19,25-27.
+ Ga 2,1-5: Nhắc lại câu chuyện trong tiệc cưới ở thành Cana: Chúa Giêsu làm phép lạ cho nước trở nên rượu. Rượu đến lúc thiếu, Mẹ Chúa Giêsu thưa Người: “Họ không còn rượu nữa”. Chúa Giêsu đáp: “Thưa bà, bà muốn tôi làm gì?” “Giờ tôi hãy còn chưa đến”. Mẹ Người bảo các người giúp việc: “Hãy làm theo tất cả những điều Chúa dạy”.
Phải hiểu tất cả ý nghĩa của phép lạ đầu tay Chúa Giêsu làm khi Người giảng đạo. Tiệc cưới ở Cana là tiêu biểu cho tiệc Mình Thánh, trong đó Giáo Hội kết hợp với Chúa Giêsu, nhưng cũng là tiêu biểu cho tiệc cưới ngày thế mạt là ngày Thiên Chúa và nhân loại quy tụ một nhà. Trong Khải Huyền chính thánh Gioan đã nói tới sự sum họp trong ngày thế mạt (Apoc 19,7-8; 21,2-9). Ở tiệc cưới Cana, Đức Mẹ đã ân cần bầu cử cho đôi tân hôn, vai trò bầu cử của Người sẽ tiếp tục một cách hiệu nghiệm cho đến cuộc kết hôn trong ngày thế mạt.
Đức Mẹ bầu cử cho nhân loại không phải chỉ là hiền từ thương xót, nhưng cũng vì Người đã nhận được sứ mệnh là Mẹ thiêng liêng của nhân loại.
+ Ga 19,25-29: Gần thánh giá Chúa Giêsu, Mẹ Người, chị em Người, bà Maria vợ ông Cleopha và Maria Madalena đứng đó. Nhìn Mẹ Người và môn đệ Người yêu dấu đứng gần Mẹ Người, Chúa Giêsu phán với Mẹ Người: “Thưa Bà, đây là Con Bà”, rồi lại phán với môn đệ: “Này là Mẹ con, và từ khi ấy, môn đệ đem Đức Mẹ về nhà mình”.
Có nhiều tác giả chỉ nhìn thấy đây là một việc tư để giải quyết vấn đề gia đình. Nhưng cắt nghĩa như vậy không phù hợp với thói quen các thánh sử. Thực vậy, các ông không bao giờ đưa việc tư không liên hệ đến chương trình cứu rỗi mà đem ghi chép, dù là việc tư của thánh gia. Nhất là ở đây việc tư ấy lại nhìn vào chính thánh Gioan, lẽ tất nhiên ông còn giữ gìn hơn nữa.
Như vậy hành vi của Chúa Giêsu phải có một ý nghĩa. Ý nghĩa Génèse 3,15 và 19 đã tiên đoán. Như Evà ở bên cạnh Ađam đã là mẹ những kẻ phải chết trong tội lỗi, Đức Maria ở bên cạnh Ađam mới là Chúa Giêsu, sẽ là “Mẹ những người sống” nhờ ơn cứu chuộc. Có lẽ vì thế mà trong đoạn văn trên Chúa Giêsu đã gởi gắm thánh Gioan cho Đức Mẹ trước, rồi sau mới phán cùng thánh Gioan rằng: “Này là Mẹ con”. Vì nếu Chúa Giêsu muốn nhờ thánh Gioan nuôi nấng Đức Mẹ thay mình thì phải ngỏ lời với ông trước mới hợp lý.
Nghiên cứu Thánh Kinh ở trên cho ta thấy tuy Thánh Kinh nói vắn tắt, nhưng cũng đã ghi nhận được sơ lược những nét căn bản về Đức Mẹ.
Khoảng thời gian này khá im lìm. Đó đây có một vài bản văn nói về Đức Mẹ, nhưng không nêu lên được gì mới lạ hơn thánh Matthêu và Luca. Tuy nhiên phải Giáo Hội nhận rằng: Tư tưởng thánh Gioan đã nhắc đến là so sánh Đức Mẹ với bà Evà thì cuối thế kỷ này đã quảng diễn được một phần nào. Hai giáo phụ đã đề cập vấn đề là thánh Justinô (+ 163) và thánh Irênêo (+ 202). Theo các giáo phụ này thì giữa Evà và Đức Mẹ có những điểm tương đồng và đối chọi. Tương đồng vì cả hai đều là người nữ, trinh truyền và có sứ mệnh là mẹ của nhân loại. Đối chọi, vì Evà nghi ngờ Thiên Chúa và phạm tội không vâng lời. Kết quả là Evà trở nên mẹ của sự chết cho loài người và Đức Mẹ là mẹ sự sống cho muôn dân. Ý niệm sau đưa đến so sánh Đức Mẹ với Giáo Hội, vì Giáo Hội bạn trăm năm của Chúa Kitô, cũng là mẹ những kẻ sống lại trong ân sủng.
Cũng nên nhắc lại rằng chân lý trên được ý thức không phải nhờ suy luận nhưng nhờ nguyện ngắm. Các giáo phụ đã ý thức chân lý ấy nhờ thấm nhuần trực tiếp và chiêm nghiệm Thánh Kinh, chớ không phải vì lý luận căn cứ ở những định nghĩa rõ ràng.
Các vấn đề chính được nêu ra trong các cuộc tranh luận của thời kỳ này là:
a) Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos):
Tước hiệu này ban đầu không ai phản đối. Trong kinh Sub tuum, người ta đã xưng hô Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Nhưng Nestorius đã nêu lên nghi vấn về tước hiệu đó. Ông e ngại rằng tước hiệu “Theotokos” sẽ làm cho người ta lầm tưởng rằng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa tính trong Chúa Kitô, vì tâm trí của người thời ấy vẫn còn lởn vởn tư tưởng ngoại đạo cho rằng thần linh cũng phải có Mẹ. Nhưng e ngại trên đã làm cho Nestorius rơi vào một sai lầm khác. Ông nói Đức Mẹ là Mẹ Chúa Kitô chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa. Nhưng như vậy người ta sẽ kết luận rằng Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa. Vấn đề ở đây không phải là bám lấy tước hiệu “Theotokos” cả khi người ta hiểu sai về chân lý bởi tước hiệu ấy, nhưng nhìn rõ vị trí của Đức Mẹ trong vấn đề này. Vị trí ấy là: Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vì đã sinh ra nhân tính một người con mà cá vị là cá vị Thiên Chúa. Chính nhờ ở tranh luận trên mà chân lý này được sáng tỏ.
b) Đức Mẹ trọn đời đồng trinh (Virginitas post partum)
Một số tác giả đã chối chân lý này, người danh tiếng nhất là Tertullien. Nhưng mỉa mai thay, họ đã chối chân lý trên vì bênh vực chân lý. Bè Manichêens cho rằng kết hôn xấu ở tự bản chất. Helvidius chống lại, và để bênh vực lý lẽ của mình, ông đã đọc trong Phúc Âm thấy nói đến anh em của Chúa, ông liền nghĩ rằng: Đức Mẹ là gương mẫu các bà mẹ đông con. Bè Manichêens sai lầm vì cho rằng hôn nhân xấu ở bản chất, nhưng lý lẽ của Helvidius cũng không đúng. Cần phải có thời gian để chân lý về Đức Mẹ tách khỏi những hoàn cảnh lịch sử nói trên. Ý thức về sự đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ sẽ được diễn tả mình bạch với thánh Jêrônimô, thánh Ambrosiô và thánh Augustinô.
c) Đức Mẹ đồng trinh trong khi sinh con (Virginitas in partu)
Vấn đề này còn tế nhị hơn vấn đề trên, vì thế chính thánh Jêrônimô là người hăng say bênh vực Đức Mẹ đồng trinh sau khi sinh cũng không quả quyết dứt khoát được. Trớ trêu là nhóm bênh vực Đức Mẹ đồng trinh trong khi sinh lại là bè rối Docetar. Với họ, Chúa Giêsu không là một người mà chỉ là một bóng người. Như vậy, Đức Mẹ không thực sự sinh ra Chúa Giêsu. Vấn đề ở đây là phải công nhận Đức Mẹ sinh ra thực sự xác Chúa Giêsu mà Người vẫn vẹn tuyền trong thể xác. Thực khó dung hoà hai sự kiện trên. Phải chờ đến thánh Ambrosiô mới có một quả quyết thoả đáng như ta sẽ thấy ở sau.
d) Một chân lý mà ngày nay chúng ta tưởng rằng không có lý do gì để bàn cãi đã là đầu đề cho nhiều tranh luận: Đó là sự thánh thiện của Đức Mẹ. Có những giáo phụ trứ danh như Origène, Lasile, Grégoire de Naziane, Jean Chrysostome cũng công nhận dễ dàng rằng Đức Mẹ có ngờ vực, tội lỗi. Tại sao có mâu thuẫn trên? Vì ý thức về sự thánh thiện của Đức Mẹ lớn dần trong Giáo Hội song song với ý thức về sự đồng trinh của Người. Mặt khác, đức tin cho biết chỉ có Đức Chúa Giêsu mới thánh thiện ở tự tại, và không có thể phạm tội được thôi, còn mọi người khác đều phải nhờ ơn cứu chuộc của Chúa để được thánh hoá, chân lý này rất đúng, nhưng đã có những nhà hùng biện tưởng cần biện minh cho chân lý ấy bằng những tỉ dụ nảy lửa như chứng minh rằng cả Đức Maria cũng không thoát khỏi luật chung loài người yếu đuối và đi tìm trong Kinh Thánh một vài lý chứng vội vàng tỏ ra Đức Mẹ cũng tự phụ, khoe khoang. Nhưng họ đã nhầm, vì không thể coi Đức Mẹ là tạo vật ưu đãi của Thiên Chúa như một người thường được. Với thời gian, ánh sáng chân lý sẽ làm tiêu tan sự sai lầm nói trên. Sau thánh Ambrosiô và thánh Augustinô thì không còn ai nghi ngờ gì sự thánh thiện của Đức Mẹ nữa.
e) Nhưng thánh Augustinô không còn tự chủ như trên trong vấn đề Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Trong cuộc tranh luận với bè rối Pelagiens, thánh Augustinô đã gặp vấn nạn này: Nếu bản tính nhân loại không có khả năng để tự thánh hoá thì làm sao Đức Mẹ lại thánh thiện, không hề mắc tội lỗi gì được. Ở đây thánh nhân đã giữ được bình tĩnh, người không chối Đức Mẹ thánh thiện, nhưng người quả quyết đó là một luật trừ và có nguyên nhân ở ân sủng chớ không phải ở sức tự nhiên của loài người.
Nhưng bè rối chưa bó tay, họ nại đến tội nguyên tổ nếu mọi người đều mắc tội nguyên tổ thì Đức Mẹ cũng mắc tội ấy ư? Thánh nhân mất thăng bằng và đã trả lời bằng một lời tối nghĩa khiến chân lý về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội chậm phát triển hàng thế kỷ bên phương Tây. Không phải bè rối Pélagiens bênh chân lý Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, vì với họ nếu Đức Mẹ được ân huệ ấy, đó không phải là một ân sủng đặc biệt, nhưng vì sức tự nhiên của loài người. Còn đúng ra thì Đức Mẹ đã được ơn vô nhiễm nguyên tội, vì Người đã được ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, chớ không phải vì sức tự nhiên loài người.
cho chúng ta hiểu con được ý thức về Đức Mẹ trong Giáo Hội đã tiến triển như thế nào. Ở khởi điểm, ý niệm Giáo Hội có về Đức Mẹ còn tối tăm, chưa chính xác. Một vấn đề mới xuất hiện vì tiệm tiến của một trào lưu tư tưởng hay vì tình cờ phải giải quyết hai quan niệm hình như mâu thuẫn. Một tác giả nào đó bị tấn công bất chợt đã phản ứng vội vã và viết ra một giải đáp không đúng sự thật toàn diện nên tuy thoả mãn được khía cạnh chân lý ông bênh vực, nhưng đã phạm đến khía cạnh khác của tín lý mà ông không hay. Trước sự kiện này ý thức công giáo tỉnh thức và một cuộc tranh luận nổi lên. Người ta tra cứu, suy luận, bút chiến và sau cùng, các giải đáp phiếm diện nhường chỗ cho một giải đáp toàn diện.
Tại sao có những lần mò sai lạc nói trên? Vì Thiên Chúa chỉ cho loài người những nguyên lý cần thiết, còn tự họ phải tìm kiếm để nhận biết các phương diện khác của chân lý. Một công việc như vậy thật quý trọng và nó cho phép loài người cộng tác vào việc nhận thức chân lý để tự giải thoát. Nhưng ở đây cũng như ở chỗ khác, tự do sáng tạo vẫn có nguy cơ đem lại thất bại.
Đặc điểm của thời kỳ này là có nhiều lễ kính Đức Mẹ xuất hiện. Ở phương Đông, ngay từ trước Công đồng Ephêsô đã thấy xuất hiện nhiều lễ về Đức Mẹ. Các lễ ấy mỗi ngày một thêm số và thêm nghi lễ long trọng. Mỗi khi có mở lễ ở một nhà thờ nào thì cũng có bài giảng và ca vịnh tán dương mầu nhiệm Thánh Mẫu. Những bài giảng và bản văn phụng vụ nói trên là tất cả bút tích về Đức Mẹ của thời đại này. Những điểm nổi bật trong bút tích ấy là: Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ là trung gian chuyển ân sủng Thiên Chúa xuống cho loài người, Đức Mẹ hồn xác lên trời.
Bên phương Tây, các lễ kính Đức Mẹ phát triển chậm hơn, hình như phương Tây chỉ bắt chước phương Đông một cách không sốt sắng. Ba điểm nổi bật ở phương Đông đều bị chặn ngang không tiến được ở phương Tây: Nhất là điểm Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội bởi thanh thế của thánh Augustinô và điểm Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời bởi thanh thế Pseudo-Jêrônimô.
Nhưng đến thế kỷ thứ X thì từ bên Đông sang bên Tây mọi phong trào đều lắng xuống và ý thức về Đức Mẹ bước vào thời kỳ im lặng.
Đến hậu bán thế kỷ thứ XI, bên phương Tây lại thấy những hoạt động xung quanh Đức Mẹ. Phải công nhận rằng các hoạt động ấy phần nhì6u dựa vào những tư tưởng Đông phương đã bá truyền, nhưng chính Đông phương thì từ nay đã im lìm hay chỉ có những hoạt động không đáng kể. Những tên tuổi của Thánh Mẫu học trong thời kỳ này là thánh Anselmô (+1109), thánh Bernadô (+1153), Pseudo-Augustinô, Albertô Magnô, Tôma, Scot (+1331), Engelleert d'Admond (+1331), Jerson (+1429). Các đặc ân của Đức Mẹ được nêu cao là: Đức Mẹ là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Còn Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội thì các tác giả quả quyết cách rụt rè hơn. Trong giai đoạn này, có một chuyển hướng quan hệ trong Thánh Mẫu học. Từ trước đến nay, người ta chỉ nghiên cứu vai trò của Đức Mẹ ở nguyên nhân cuộc cứu rỗi, nghĩa là quanh việc Ngôi Hai nhập thể, chứ chưa nghiên cứu Người trong công cuộc hoàn thành việc cứu rỗi. Đã đành Đức Mẹ được coi như Eva mới, nhưng chỉ vì Người đã đem lại cho thế gian sự cứu rỗi như Eva đã đem lại sự chết thôi. Từ nay, Đức Mẹ không những được coi là Mẹ Chúa Giêsu mà còn được coi là người cộng sự của Chúa trong công cuộc cứu thế nữa. Người sẽ ở bên cạnh Chúa Giêsu như Eva ở bên cạnh Adam và làm một “adjutorim simile sibi” (Gen 2,18) của Adam mới.
Vì nhìn nhận Đức Mẹ là cộng sự của Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc nhân loại nên các nhà thần học đã nghĩ đến so sánh giữa Đức Mẹ và Giáo Hội. Không những Đức Mẹ và Giáo Hội giống nhau vì đều cộng tác vào việc cứu chuộc nhân loại, nhưng Đức Mẹ đối với Giáo Hội còn là Nữ Vương, Mẹ hiền và người trung gian đắc lực.
Trong giai đoạn này, công việc hệ thống hoá thần học ở các phạm vi khác đã có một bước nhảy vọt, nhưng trong Thánh Mẫu học thì nó lại vẫn rất chậm chạp. “Mariale super missus est” mà người ta gán cho thánh Albertô và đã được nhiều người ca tụng có những suy luận nhiều lúc quá dễ dãi: Như cuốn ấy chủ trương Đức Mẹ đầy ơn phúc là nguyên nhân các đặc ân của Đức Mẹ, rồi đi tìm trong Đức Mẹ ân sủng của bảy phép bí tích, kể cả phép giải tội, hay chứng minh có mọi trí thức nhân loại ở một trình độ rất cao...
Thánh Tôma đặt nguyên lý ở tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Nguyên lý này sẽ cho phép làm một tổng hợp xa hơn. Nhưng ông không tiến xa hơn việc đặt nguyên lý. Đến cuối thời đại này, phong trào duy danh len lỏi vào thần học. Để khỏi biến thành một hệ thống trừ tượng khô héo, các tác phẩm về Đức Mẹ quay về tâm tình và tưởng tượng. Lòng sùng kính của dân gian vẫn bảo tồn được, nhưng Thánh Mẫu học mất hẳn nền tảng vững chắc.
Thế kỷ thứ XVI là thời kỳ bảo tồn một gia tài chỉ còn lại cái gì tối thiểu, nhưng cuối thế kỷ thứ XVI và nhất là thế kỷ thứ XVII lại rất tích cực muốn nêu cao các tước hiệu của Đức Mẹ và rất hoạt động để tạo nên những hình thức sùng kính Đức Mẹ mới. Thời kỳ này có thể ví như một mùa xuân đầy sức sống và có muôn ngàn biểu lộ của sức sống ấy.
Nhưng nếu muốn quy các hoạt động trên xung quanh ý tưởng thần học, thì người ta thấy đó là “Vô nhiễm nguyên tội”. Từ trước đến nay, tước hiệu này của Đức Mẹ đã vì thái độ của thánh Bernadô và Tôma mà không phát triển được. Nhưng ở thế kỷ XVII ta có thể đếm hàng trăm tác giả nghiên cứu về vấn đề này. Nhờ có các tham khảo và tranh luận ấy, ở cuối thế kỷ thứ XVII không còn ai đối lập với quan niệm Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội nữa, và các nhà thần học thuộc trường phái thánh Tôma trước kia tỏ ra e dè và đối lập thì nay chứng minh thánh nhân đã nói đến Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Năm 1854, khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, mọi người đều tiếp nhận không chút thắc mắc.
Trong giai đoạn này hai sự việc nổi bật về Đức Mẹ là tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội năm 1854, và tín điều Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời năm 1950. Khởi điểm cho cuộc “phục hưng” lòng sùng kính Đức Mẹ là việc Đức Mẹ hiện ra với Catarina Labouré năm 1830 và truyền phải làm một ảnh về Người tượng trưng sự vô nhiễm nguyên tội và sự trung gian các ân sủng. Thượng bán thế kỷ XIX có lòng sùng kính Đức Mẹ nồng nhiệt và thực thụ, nhưng chẳng có một tác phẩm thần học nào về Đức Mẹ có giá trị. Khi Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, ngài chỉ dựa vào giáo truyền và nguyện vọng của cả Giáo Hội, còn khảo cứu thần học thì kể như không có gì.
Phải chờ đến hậu bán thế kỷ mới thấy xuất hiện một vài tác phẩm về Thánh Mẫu học có giá trị như tác phẩm của Đức Cha Malou (1857). Năm 1882, Scheeben xuất bản một cuốn tư tưởng phong phú hơn, nhưng phải nằm trong lãng quên 50 năm trước khi biết đến. Hai điểm quan trọng của tác phẩm này là tìm hiểu các phương diện của mầu nhiệm Đức Mẹ theo thứ tự tổng hợp và xác định vị trí của Thánh Mẫu học trong toàn diện thần học.
Con đường Scheeben vạch ra đã được các nhà thần học thế kỷ XX khai thác. Điểm được khai thác nhất là Đức Mẹ là trung gian mọi ơn. Đức Hồng Y Mercier đứng đầu phong trào khai thác này. Nhưng từ năm 1950 thì đầu đề được khai thác là Đức Mẹ hồn xác lên trời. Các tác phẩm trong thời kỳ này tỏ ra có phương pháp lịch sử vững chắc khác hẳn với thế kỷ XIX. Vì vậy Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, thì đã có sẵn nhiều tài liệu thần học có giá trị.
Ngày nay xu hướng của Thánh Mẫu học đi về đâu? Các nhà thần học không quan tâm đến chứng minh một luận đề nữa, nhưng các ông muốn tìm hiểu vị trí của Đức Mẹ trong mầu nhiệm cứu chuộc nói chung. Do đó vấn đề Giáo Hội và Đức Mẹ mà Scheeben đã nêu lên trước đây trở nên vấn đề thời trang.
Căn cứ vào Thánh Kinh và Thánh truyền chúng ta đã thấy định mệnh của Đức Mẹ thực hiện trong thời gian. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của định mệnh ấy qua các thời đại của lịch sử cứu rỗi.
Lịch sử cuộc sửa soạn trong đạo cũ là lịch sử tấn bi kịch loài người sa ngã đi từ thất trung này đến thất trung khác và lịch sử các cuộc can thiệp của Thiên Chúa vào nhân loại để đưa đến chiến thắng sau cùng là Ngôi Hai nhập thể. Từ Adam đến Abraham, sự suy đồi của nhân loại thật là bi đát. Nhưng từ Abraham Thiên Chúa bắt đầu can thiệp có hiệu lực vào một nhóm người mỗi ngày một thu hẹp, nhưng mỗi ngày có đời sống nội tâm một sâu xa hơn. Đầu tiên Chúa chọn gia tộc Abraham, nhưng rồi sau Chúa phải loại bỏ Esau mà chỉ chọn có Giacóp thôi, đến khi con cháu Giacóp trở nên một dân tộc họ đã thất bại trước hoài bão một tương lai chính trị kinh tế sáng lạn, vì Chúa đã bỏ họ để tập trung ân sủng của Người trên một nhóm nhỏ sống thanh bần và khiêm nhường: Những kẻ này làm nên “phần nhỏ” những người đạo đức trong dân Israel, mà Đức Mẹ là tiêu biểu cao quý nhất.
Trải qua những biến cố nói trên, Thiên Chúa làm phát sinh trong lòng người ta một đức tin mỗi ngày một mạnh mẽ và rõ ràng hơn ở ơn cứu độ của Người, để khi Ngôi Hai xuống thế làm người thì Người đáp lại một đợi chờ và một khát vọng của nhân loại, chứ không làm cho họ ngạc nhiên và cảm thấy ép buộc phải chấp nhận.
Sự sửa soạn nhân loại để tiếp nhận Chúa cứu thế nói trên nhằm vào hai lãnh vực: Đời sống luân lý và đức tin. Trong hai lãnh vực này đã có một bước tiến lạ lùng từ Abraham đến Đức Mẹ. Đời sống của Abraham tuy có trung tín, ngay thẳng nhưng thô lỗ, tàn bạo khác hẳn với lòng trung tín ngay thẳng hiền dịu, khiêm nhượng của Đức Mẹ, nhưng đức tin của Abraham còn có một đối tượng không xác định và đầy tính cách vật chất, còn đức tin nơi Đức Mẹ hoàn toàn thanh khiết siêu nhiên.
Khởi điểm đời sống Đức Mẹ là một ân sủng lớn lao Thiên Chúa ban cho Người khỏi vết nhơ tội lỗi, dù là vết nhơ của tội tổ tông. Nhưng người ta không tách ân sủng này ra khỏi cuộc sửa soạn toàn diện như về phần xác Đức Mẹ thuộc về chi họ có gia phả rõ ràng; về phần thánh thiện Người cũng thuộc về một dòng dõi luôn luôn tiến triển. Song thân Đức Mẹ chắc đã đạt tới một bậc khá cao, vì trong Phụng vụ các Ngài đã được tôn kính trọng thể. Như vậy sự sửa soạn tâm hồn đến các vị, chỉ còn thiếu một Đấng thánh thiện hoàn toàn không vương dấu vết tội lỗi dù là tội nguyên tổ. Như vậy, Thiên Chúa yêu thương loài người đã chọn lấy một dân riêng làm hôn thê (Os 2; Jer 31,17-22; Is 54,4-8; 61,10-11). Với Đức Maria, hôn thê thất tín mà tiên tri Osée nhắc đến đã nhường chỗ cho vị hôn thê không tì ố (Cant 3,8-12; Is 61,10) và đầy ân sủng. Tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa đã tạo nên nơi Đức Mẹ một tạo vật thật là hoàn hảo đáng yêu quý.
Mặt khác, vì Đức Mẹ là tạo vật duy nhất không chút bợn nhơ đẹp lòng Thiên Chúa nên Người không những trở nên Nữ Vương, và còn trở nên đại diện và Đấng bầu cử cho nhân loại nữa. Ta có thể nói khi Chúa Giêsu chưa sinh ra thì Người là đầu nhân loại. Tuy nhiên, để nói như vậy ta cũng chỉ có thể nói trong phạm vi thánh thiện nội tâm thôi, vì trong phạm vi tế tự và giảng dạy, thì bao giờ cũng dành cho nam phái. Về phương diện sau, không phải Đức Mẹ nhưng thánh Gioan Tiền Hô đã dọn đường cho Chúa cứu thế đến.
Trước ân sủng đầy tràn Thiên Chúa ban xuống, Đức Mẹ đã đón nhận trong đức tin và đức mến. Theo định luật: Tạo vật càng lãnh được nhiều ơn thì lại càng hướng về Thiên Chúa và khao khát chờ đợi Người, lòng khát khao Thiên Chúa của Đức Mẹ không ai có thể sánh kịp. Và lòng tin tưởng của Người là sự tin tưởng hoàn thiện của dòng giống Israel. Lòng tin tưởng thành khẩn ấy sẽ có âm vang.
Giây phút hệ trọng nhất trong đời sống Đức Mẹ là giây phút truyền tin. Sau giây phút ấy Đức Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa. Đây là một huyền nhiệm phong phú, ta cần phải nghiên cứu ở nhiều khía cạnh mới mong có một ý niệm chính xác được.
a) Đức Mẹ sinh đẻ là phương tiện để Ngôi Hai nhập thể
Mục đích Đức Mẹ sinh đẻ không nhằm vào cá nhân Đức Mẹ. Thiên Chúa ban cho Người tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa không phải là vì Người là tạo vật xinh tốt hơn các tạo vật, nhưng “propter nos homines et propter nostram salutem”.
Tại sao Thiên Chúa không muốn tạo nên một xác cho Chúa Kitô và đã để Người sinh ra bởi một người nữ? (Ga 4,4) Đó là vì Thiên Chúa muốn cho loài người được cứu chuộc từ bên trong của chính loài người. Ngôi Hai Thiên Chúa cũng là con thật của dòng dõi Adam, công bình của Người để đền bù tội lỗi thiên hạ đã do xác thánh Người lập nên trong đời sống trần gian của Người. Như vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa tuy vẫn nhưng không mà không giống một đồng bạc của kẻ qua đường vứt cho kẻ khó.
Nhưvậy sứ mệnh của Đức Mẹ là nối kết Đấng cứu thế với nhân loại trầm luân. Nhưng ta có thể căn cứ vào đó mà kết luận rằng: Đức Mẹ chỉ là một phương tiện, mà đã là phương tiện thì Chúa dùng người này hay người khác cũng được, sự lựa chọn này không dính líu gì đến lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với Đức Mẹ được không? Không, vì nói như vậy là ta đã cho rằng Thiên Chúa tôn trọng tự do của mọi người có thể đầu thai bất ngờ trong lòng một người nữ và Thiên Chúa tôn trọng nhân phẩm của mọi người có thể coi mẹ mình như một phương tiện thuần tuý. Vả lại Đấng đã truyền cho nhân loại phải tôn kính cha mẹ mình có lẽ nào lại để cho đấng sanh thành dưỡng dục thiếu những tước hiệu cao trọng xứng đáng với thiên chức của Người. Phải kết luận rằng: Nếu Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đó cũng là vì Người là Đấng chí thánh. Sự thánh thiện của Người đã làm cho Thiên Chúa muốn đổ thêm muôn hồng ân trong linh hồn Người.
b) Đức Mẹ chí thánh
Lúc truyền tin Đức Mẹ đã chí thánh. Người chí thánh vì không có một vết nhơ tội lỗi nào, dù vết nho của tội tổ tông truyền. Người chí thánh vì Người đầy ân sủng và Thiên Chúa đã thực hiện những sự trọng đại nơi Người (Lc 1,4-9), Người còn chí thánh vì Người đã thề hứa và giữ mình đồng trinh. Nói tóm lại, Người hoàn toàn tách biệt khỏi tạo vật cả hồn lẫn xác để chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa mà thôi. Muốn diễn tả sự thánh thiện của Đức Mẹ trước khi thụ thai liên đới đến sự thánh thiện của Người trong lúc thụ thai thế nào, các giáo phụ đã có những cách nói: Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai trong tinh thần trước khi thụ thai ở thể xác “Người đã thụ thai xác Chúa Kitô bởi đức tin của Người”. Các kiểu nói trên có ý diễn tả tư tưởng sau đây. Nhờ có đức tin và lòng tùng phục khiêm nhượng của Đức Mẹ mà Ngôi Hai đã ngự xuống thụ thai trong lòng Người. Đã đành mọi ân sủng của Thiên Chúa đều nhưng không, nhưng cách hành động của Người là làm cho người ta ao ước là lập công để xứng đáng lãnh nhận ân sủng của Người. Vì thế, ân sủng Đức Mẹ được sinh ra Con Thiên Chúa là kết quả của đức tin của Người. Các giáo phụ, khi nói về đức tin, thường cho là một khả năng tiếp nhận và là nảy nở một mầm sống. Các ông còn thêm rằng: Ai có đức tin thì ấp ủ Chúa ở trong lòng mình. Như thế, ai có đức tin có thể nói là đã thụ thai cách thiêng liêng Thiên Chúa trong lòng mình. Việc thụ thai phần xác của Đức Mẹ chỉ là một ơn đặc biệt có liên hệ với đức tin của Người vì nhập thể chính là một huyền nhiệm của đức tin.
Nói như trên, chúng ta không có ý phủ nhận quyền tự do tuyệt đối của Thiên Chúa trong việc này, vì dự định và hành động của Người vượt hẳn mọi dự đoán mà thiên thần thông minh nhất có thể có khi nhìn vào nhân đức Đức Mẹ.
Trong lúc thụ thai, nhưng không, Đức Mẹ lại nhận được một bậc thánh thiện cao siêu khôn lường. Thực vậy chính Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá nhân loại đã dúng tay vào việc này (Lc 1,35; Mt 1,20). Người đã hoàn thành bằng một phép lạ hai nguyện vọng sâu xa nhất của Đức Maria, nguyện vọng của Người đàn bà muốn sinh sản và nguyện vọng của vị thánh muốn giữ trinh tiết để tận thiến cho Thiên Chúa.
c) Thần mẫu tính
Lý do chính của Thần mẫu tính là con Đức Mẹ sinh ra chính là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ta phải hiểu về chân lý này thế nào? Đức Mẹ không phải là mẹ thần tính, Người cũng không phải là Mẹ một cá nhân được diễm phúc kết hợp với Thiên Chúa, nhưng Người là mẹ một thể xác khi vừa xuất hiện thì đã kết hợp trong ngôi vị của Ngôi Hai. Lẽ tất nhiên Đức Mẹ không có thể ban cho con mình ngôi vị và bản tính Thiên Chúa, nhưng điều này không làm cho Người mất tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, vì người mẹ nào cũng chỉ cho con mình một thân thể, còn cá vị và linh hồn của con mình thì do Thiên Chúa tạo nên. Bà mẹ bao giờ cũng là mẹ của đứa con cụ thể có cá vị, linh hồn và thể xác. Do đó, Đức Maria tuy chỉ sinh ra thể xác Chúa Giêsu, nhưng Người thật là Mẹ Thiên Chúa. Vì con Đức Mẹ thụ thai là Thiên Chúa, nên cuộc thụ thai của Người cũng phải do Thiên Chúa. Điều này ta đã nhắc đến ở trên. Đức Mẹ đã giữ mình trinh tiết để thuộc về Chúa nên Thiên Chúa đã thay hành động người đàn ông bằng hành động siêu nhiên của Chúa Thánh Thần. Đức Maria thụ thai Con Thiên Chúa vì đức tin cũng như người chịu phép rửa tội sinh lại trong đức tin nhờ Chúa Thánh Thần.
d) Liên lạc mật thiết với Thiên Chúa
vì là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ có một dây liên lạc mật thiết với Người. Đã đành ta không thể sánh liên lạc ấy giữa Ngôi Hai và thân xác của Chúa Giêsu, hay giữa hình bánh rượu với Mình Máu Chúa Giêsu, vì trong hai trường hợp trên, sự kết hợp làm cho thể xác Chúa Giêsu không có ngôi vị loài người và bánh rượu mất cá tính riêng của mình. Còn ở Đức Mẹ, tình mẫu tử làm cho Người là ruột thịt của Ngôi Hai nhưng Người vẫn có ngôi vị riêng biệt với Chúa Giêsu.
Để hiểu liên lạc mật thiết thần mẫu tính đem lại cho Đức Maria với Thiên Chúa, ta có thể so sánh thần mẫu tính với ấn tích phép rửa tội. Cả hai đều làm cho liên kết với xác thánh Chúa Giêsu, cả hai đều ban cho được bước vào gia đình Thiên Chúa để hưởng sự săn sóc và ân sủng của Người. tuy có sự tương tự, cũng có sự di biệt giữa thần mẫu tính với ấn tích rửa tội.
- Thần mẫu tính làm cho Đức Maria nên Mẹ Thiên Chúa, còn ấn tích rửa tội chỉ làm cho người ta nên con cái Thiên Chúa mà thôi. Đã đành trong Thiên Chúa thì Cha Con bằng nhau,nhưng trong tạo vật thì cha mẹ trọng hơn con cái. Vì thế thời kỳ thơ ấu, Chúa Giêsu đã vâng lời Đức Mẹ. Nói như trên, chúng ta không có ý quả quyết Đức Mẹ cao trọng hơn Chúa Giêsu, nhưng chúng ta có ý nhấn mạnh rằng thần mẫu tính có một dây liên lạc mà ơn vô nhiễm nguyên tội đã làm cho Đức Mẹ là con cái Ngôi Cha chưa đem lại.
- Thần mẫu tính có nền tảng ở một cuộc sinh đẻ thực sự, nghĩa là ở một thực tại bản thể, còn ấn tích rửa tội chỉ có vì Thiên Chúa đã chấp nhận ta làm dưỡng tử trong một lễ nghi, nghĩa là một thực tại thuộc tuỳ thể thôi.
- Việc sinh đẻ ở tự nó đã làm cho Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, còn ấn tích rửa tội chỉ là một phương tiện để ta nên con cái Thiên Chúa thôi, vì để nên con cái Thiên Chúa và tham dự vào bản tính Người thật sự thì cần phải có ân sủng (2 Pet 1,4). Nhưng thần mẫu tính cũng hướng Đức Mẹ về một định mệnh và những ân sủng riêng biệt như ấn tích rửa tội hướng người giáo hữu về một định mệnh và những ân sủng riêng biệt vậy.
- Người chịu phép rửa tội trở nên con cái Thiên Chúa nhờ mầu nhiệm chúng ta. Còn Đức Mẹ vì thần mẫu tính đã cộng tác với Thiên Chúa để hoàn thành cuộc cứu thế. - Sau hết, thần mẫu tính cũng như ấn tích đã lôi cuốn theo ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng ân sủng do thần mẫu tính chứa chan ân sủng do ấn tích không thể nào sánh kịp.
e) Ân sủng thần mẫu
Tương quan gây nên bởi thần mẫu tính giữa Thiên Chúa và Đức Mẹ như thế nào? Phải nói ngay rằng về phía Thiên Chúa thì không có thêm gì cho chính bản thể Người được vì Người là Đấng bất biến. Như vậy tương quan trên chỉ thực sự đối với tạo vật và có một nền tảng thực sự cho tạo vật mà thôi. Ở Chúa Giêsu có một tương quan thực sự cho nhân tính Người. Còn ở Đức Mẹ tương quan thực sự ấy là gì? Một ân sủng thụ tạo mới lạ. Lời thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ khiến ta nghĩ như vậy (Lc 1,35). “Thánh Thần xuống trên bà và quyền phép Đấng tối cao che chở bà dưới bóng Người”. Nhưng ta có thể hiểu rõ hơn về ân sủng thụ tạo ấy không? Để hiểu rõ hơn, ở đây ta lại phải so sánh với phép rửa tội.
Phép rửa tội ban cho người chịu:
1/ Ấn tích làm cho người này có hình ảnh Ngôi Con. 2/ Hình ảnh ấy cũng đem lại cho người này ân sủng để hành động như con Thiên Chúa, ân sủng ấy gồm một cơ cấu sống động có những nhân đức siêu nhiên giúp người ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa như Cha mình.
Đức Mẹ đã được ân sủng này đến một mức độ cao siêu khi Người lãnh nhận ơn vô nhiễm nguyên tội. Khi thiên thần truyền tin, thần mẫu tính cũng đem lại cho Đức Mẹ những hiệu quả tương tự như trên.
1/ Thần mẫu tính in một dấu vết không xoá tẩy được trong bản thể Đức Mẹ. Điểm này chúng ta đã nói dài dòng ở trên.
2/ Dấu vết ấy làm cho Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và vì đấy đem theo cho Đức Mẹ ân sủng để ăn ở xứng đáng với tước vị của mình. Ân sủng ấy không tạo nên một cơ cấu sống động có những nhân đức siêu nhiên mới, nhưng ân sủng ấy làm cho các nhân đức siêu nhiên Đức Mẹ đã lãnh nhận trong khi được ơn vô nhiễm nguyên tội một hướng chiều mới mẻ. Xưa Người nhận biết và mến yêu Thiên Chúa cùng thưa với Người Abba, Pater, nay Người cưu mang dưỡng dục Đấng mà Người thầm nhận: “Thiên Chúa là con tôi”. Nói tóm lại thần mẫu tính đem lại cho Đức Mẹ ân sủng để Người sống xứng đáng danh dự Mẹ Thiên Chúa của Người.
Ta hiểu phần nào tầm quan trọng của ân sủng ấy khi ta nghĩ rằng một người mẹ thế gian cần phải có tâm tình người mẹ đối với con mình, một người mẹ mà thiếu tình mẫu tử sẽ là một quái thai. Đức Mẹ cũng vậy, vì Người là Mẹ Thiên Chúa, Người cũng phải có trạng thái tâm hồn xứng hợp với tước hiệu cao sang ấy. Thật là một phím đàn kỳ diệu của lòng Người: Một loài thụ tạo yêu mến Thiên Chúa như con mình.
Một điểm gây nhiều thắc mắc trong Thánh Mẫu học là Đức Mẹ đồng trinh trước khi sinh (ante partum), trong khi sinh (in partu) và sau khi sinh (post partum). Cách giải quyết vấn đề đơn giản nhất cho rằng đó là chuyện bày đặt của một số người sùng bái Đức Mẹ quá lố. Thực ra đó là một dữ kiện về Đức Mẹ từ 15 thế kỷ nay vẫn tồn tại và đã được chứng nhận bởi những tài liệu khiến ta bó buộc phải tin (cf. JB. Terrien, La mère de Dieu, t.2, p.174, no 2 hay G. Roschini: Mariologia 1947, t.3, p.255-259).
Ta có thể nói gì về dữ kiện nói trên? Ta chỉ có thể nói rằng: Đức Maria sinh đẻ Chúa Giêsu mà xác Người vẫn vẹn tuyền vì khi thụ thai cũng như khi sinh đẻ, Thiên Chúa đã can thiệp bằng một phép lạ. Về việc này ta không thể tìm hiểu với suy luận theo lối y học, nhưng phải đi tìm một ý nghĩa tôn giáo. Có 3 ý nghĩa tôn giáo chính:
- Ý nghĩa thứ nhất là Thiên Chúa muốn cho Đức Mẹ sinh Ngôi Hai trong thời gian cũng trinh bạch như chính Ngôi Cha sinh Ngôi Lời trong thuở đời đời. Như chúng ta đã trình bày trong mục Thần Mẫu tính, các giáo phụ nhắc đến vai trò quan hệ của đức tin Maria trong công cuộc nhập thể. Vì đức tin của Người mà Đức Mẹ đã sinh ra Ngôi Hai, do đó, việc sinh nở ấy là một việc thiêng liêng, thánh thiện cũng như sự Ngôi Cha sinh Ngôi Con là một việc hoàn toàn thiêng liêng thánh thiện. Mặt khác, cũng như Ngôi Cha đã “thai nghén” bởi tri thức sinh ra Ngôi Lời, thì Đức Mẹ cũng “thai nghén” bởi đức tin và sinh ra Chúa Giêsu. Nguyên nhân sự “thai nghén” là tri thức ở cả hai bên vì đức tin cũng là một hình thức của tri thức. Chỉ có khác một điều là ở Ngôi Cha việc thai nghén và sinh ra cũng chỉ là một, còn ở Đức Mẹ thì thai nghén bởi đức tin, nhưng sinh ra theo phần xác. Dầu sao thì ở kết quả vẫn là một, vì Ngôi Cha và Đức Mẹ đều sinh ra Ngôi Hai Thiên Chúa. Như vậy, sự Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu tương tự với sự Ngôi Cha sinh ra Ngôi Lời.
- Chúa Giêsu quý trọng sự đồng trinh sạch sẽ, Người sống đồng trinh và yêu mến người đồng trinh. Vì thế chắc rằng Người cũng bảo vệ cho mẹ Người được đồng trinh lúc sinh ra Người.
- Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội: Người không những không có tội lỗi mà cũng không phải chịu những kết quả của tội lỗi trong tâm hồn và ngoài thể xác. Như ta đã thấy, Người sinh đẻ mà không đau đớn và thể xác Người không hư nát sau khi chết. Ta có thể căn cứ vào đó mà nói rằng: Vì vô nhiễm nguyên tội nên xác Đức Mẹ nguyên vẹn (integritas) cả trong khi sinh và trong giờ chết. Chân lý là thế, nhưng loài người khó chấp nhận. Tại sao? Vì hai lý do:
Chúng ta bị ảnh hưởng quá sâu xa của một nền văn học nhấn mạnh trên phân biệt giữa tinh thần và thể chất đến nỗi không còn quan niệm nổi tính cách duy nhất của con người gồm có xác và linh hồn nữa. Triệu chứng là có những sách đạo lý coi xác là manh áo hay nơi tù hãm của linh hồn. Lẽ tất nhiên khi quan niệm như vậy, ta không còn thấy được tương quan nào giữa sự biến thể của Chúa với tính Thiên Chúa và sự đồng trinh toàn vẹn của Đức Mẹ với sự thánh thiện của Người. Nhưng thực ra quan niệm trên sai lầm, thể xác không phải là tù ngục và giới hạn của linh hồn, mà là cơ quan sống động và tiêu biểu linh hồn; vì thế, khi linh hồn trong trắng vẹn tuyền thì cũng phản ảnh trên thân xác sự trong trắng vẹn tuyền của mình. Tục ngữ có câu “hồn mạnh trong thân xác cường tráng”.
- Có một số sách đạo nói về sự đồng trinh của Đức Mẹ đã theo đường lối các mạo thư (Apocryphes). Họ muốn chứng minh theo y học sự đồng trinh ấy. Nhưng chân lý này là một huyền nhiệm chỉ có trực giác của đức tin mới cho ta nhìn thấy khi suy niệm về các chân lý mạc khải. Do đó, điều ta phải tìm hiểu là những sự thiết yếu của mầu nhiệm chứ không phải là những chi tiết về cách Đức Mẹ sinh con.
4/ Mẹ nhân loại
Khi nói về Đức Mẹ là mẹ loài người, người ta thường căn cứ vào công thức sau đây của thánh Augustinô: “Vì là mẹ đầu nhiệm thể, nên Đức Mẹ cũng là mẹ các cơ thể”. Công thức này rất đúng, nhưng vì Đức Mẹ không những được quyền làm mẹ loài người, mà còn có công xứng đáng với tước hiệu, nên Người chỉ hoàn toàn là mẹ loài người với thời gian.
Đã đành trong giờ truyền tin, Đức Mẹ nên Mẹ Chúa Giêsu mà Chúa Giêsu ngay lúc ấy đã là đầu nhân loại vì chức vụ rồi. Nhưng ta phải nhận rằng, loài người chỉ thực sự thuộc chủ quyền của Chúa Giêsu trong giờ Người chịu nạn chịu chết và họ chỉ thực sự thuộc về Giáo Hội hay mình mầu nhiệm của Chúa khi 3000 người chịu phép rửa tội trong ngày lễ Hiện Xuống. Vì thế, Đức Mẹ cũng chỉ thực sự là mẹ loài người với thời gian nhờ sự đau đớn và công lênh của Người cộng tác vào việc cứu chuộc của Chúa Giêsu và nhờ hành động từ mẫu của Người trong nhiệm thể là Giáo Hội.
Cũng nên nhớ rằng quyền từ mẫu của Đức Mẹ đối với loài người là quyền từ mẫu thiêng liêng (mater spiritualis) vì Người là Eva mới cộng tác với Chúa Giêsu là Adam mới để ban cho loài người đời sống thiêng liêng trong ân sủng chứ không ban đời sống trần gian như các mẹ tự nhiên. Sau đây chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu Đức Mẹ đã thực hiện quyền từ mẫu Người thế nào trong các giai đoạn lịch sử đời Người.
a) Từ truyền tin đến núi Canvê
Thời kỳ này chia làm hai, trong đời sống ẩn dật Chúa Giêsu sống trong sự cầu nguyện bên cạnh Đức Maria; trong đời sống công khai, Người hoạt động tông đồ giữa các môn đệ Người, xa mẹ Người.
Dù sống gần hay xa Chúa Giêsu, Đức Mẹ luôn hành động theo đức tin và đức mến, Người vui lòng đảm nhận mọi hình thức sống chết vất vả tủi nhục mà Chúa Giêsu sẽ gánh lấy để đền tội muôn dân. Tuy thái độ của Đức Mẹ trước sau không thay đổi, nhưng ý nghĩa hành vi của Đức Mẹ có thay đổi trước và sau khi truyền tin. Trước ngày truyền tin, Đức Mẹ là tuyệt đỉnh của nhân loại; Người đã nhân danh nhân loại mà tiếp nhận Ngôi Hai và cung hiến cho Người một thân xác vẹn sạch. Sau ngày truyền tin, Đức Mẹ không đại diện nhân loại nữa vì lúc ấy chính Chúa Kitô mới là đại diện của nhân loại. Nhưng Người vẫn hoàn bị các khía cạnh của nhân loại mà Chúa Giêsu, vì là Ngôi Hai Thiên Chúa không thể có được, như thân phận là một thụ tạo được cứu chuộc, sống trong đức tin và có nữ nhi tính.
b) Từ Canvê đến lễ Hiện Xuống
Thời kỳ này bắt đầu bằng những phút giây bi đát. Trong suốt đời sống công khai, Đức Mẹ đã sống ẩn dật xa Chúa Giêsu thì nay trong cảnh tang tóc, Đức Mẹ lại xuất hiện bên cạnh Chúa để chia sẻ đau đớn với Người. Và khi Chúa Giêsu tắt thở, khi loài người đã phạm tội nặng nề nhất là giết Chúa mình, khi mà những người được Chúa yêu mến lựa chọn cũng hèn nhát phản bội, thì trên mặt đất chỉ còn một Đức Mẹ vẫn giữ lòng thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Trong những giờ phút ấy, Đức Mẹ nối tiếp công cuộc cứu chuộc và bầu cử của Chúa Giêsu cho nhân loại.
Nhưng Chúa Giêsu chỉ chết để sống lại vinh hiển, vì thế sau ngày Chúa Giêsu sống lại, vai trò của Đức Mẹ cũng thay đổi, Người không còn tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu nữa, nhưng Người sửa soạn cho Giáo Hội thành hình và ân cần chăm lo cho Giáo Hội sơ khai. Sau hết, ngày lễ Hiện Xuống, Đức Mẹ cũng có mặt giữa các tông đồ. Xưa kia Chúa Thánh Thần đã tạo nên thân xác Chúa Giêsu, thì nay Người lại tạo nên nhiệm thể Chúa Giêsu là Giáo Hội. Đức Mẹ không tham dự gì vào phẩm trật của Giáo Hội, nhưng nhờ lời Người cầu bầu mà Giáo Hội đã xuất hiện và lượm được những kết quả tốt đẹp lúc ban đầu.
c) Đức Mẹ hồn xác lên trời
Đức Mẹ có chết hay không? Theo lý thì vì Người thanh sạch vẹn tuyền nên Người không phải chết. Nhưng theo di truyền thì linh hồn Đức Mẹ có rời thể xác một thời gian ngắn. Như vậy, việc này cũng là một huyền nhiệm gồm chứa nhiều câu hỏi chúng ta không thể trả lời dứt khoát được. Dầu sao sự kiện Đức Mẹ hồn xác về trời cũng đặt những điều kiện mới cho chính Người.
Một điều kiện có tính cách tích cực là: từ đây Đức Mẹ sẽ không còn thể lập được công nghiệp nữa.
Còn điều kiện có tính cách tích cực là Người sẽ đoàn tụ với Con chí ái của mình là Chúa Giêsu sau cuộc ly biệt của đời sống công khai và cuộc tử nạn trên núi Sọ. Sự đoàn tụ này sẽ vĩnh viễn mà không còn giới hạn bởi đức tin và các biểu thị trần gian, nhưng sẽ trong suốt nhìn nhìn ơn hưởng kiến.
Một kết quả của phúc hưởng kiến là tình từ mẫu thiêng liêng của Đức Mẹ cũng đạt tới mức hoàn bị. Bao lâu còn ở thế gian, Đức Mẹ chỉ nhìn thấy con cái mình nhờ đức tin, bây giờ thì không thế nữa, Người nhìn biết con cái mình từng người một, một cách rõ ràng. Đức Mẹ nhìn biết con cái mình một cách hoàn bị như vậy vì Người nhìn chúng trong ánh sáng phản chiếu từ bản tính Thiên Chúa. Mặt khác, sự hiểu biết ấy là một thấu hiểu đầy yêu thương vì dù sống trong vinh quang Người vẫn có tâm tình nhân loại, một người có đầy đủ hồn xác. Ta có thể nói rằng sự hiểu biết của Người đối với nhân loại chứa đầy khát vọng trìu mến như sự hiểu biết của người nghệ sĩ về tác phẩm mình vậy.
5/ Đấng trung gian
Có một số nhà thần học không muốn gán cho Đức Mẹ danh từ trung gian vì sợ có thể hiểu lầm, nhưng vì ngày nay danh từ này đã phổ biến sâu rộng trong Giáo Hội nên sau đây chúng ta tìm hiểu phải nghĩ thế nào khi nói Đức Mẹ là Đấng trung gian.
Trước hết, ngay khi thiên thần chưa truyền tin, lời cầu khẩn của Đức Mẹ trước mặt Thiên Chúa đã là một trung gian quý hoá cho nhân loại.
Nhưng nhất là trong giờ truyền tin, sự thánh thiện vẹn toàn của Đức Mẹ đã là chiếc cầu duy nhất nối Thiên Chúa với loài người. Nhờ có Đức Mẹ, Ngôi Hai đã có thể nhập thể giữa loài người tội lỗi mà vẫn không vương nhơ bẩn. Có thể nói rằng giờ phút ấy, Đức Mẹ đã thực hiện đầy đủ nhất vai trò trung gian của mình giữa Thiên Chúa chí thánh và loài người tội lỗi.
Nhưng ngay sau nhập thể thì Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Kitô (1 Tm 2,5). Và sự trung gian của Đức Mẹ từ đấy có màu sắc khác. Người không là trung gian bên cạnh Đấng trung gian duy nhất, nhưng Người là trung gain trong Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô. Nói rõ hơn, Người tham dự vào quyền trung gian của Chúa Kitô như người mẹ tham dự vào quyền của người cha để dưỡng nuôi, giáo dục con cái mình vậy.
Như ở trang đầu chúng ta đã nhắc đến không thể tách biệt Đức Mẹ và Giáo Hội được, trong trang kết luận này chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao?
Suốt đời Đức Mẹ Người đã thực hiện những gì mà sau này Giáo Hội phải hoàn thành. Người đã thánh thiện và không tì ố trước Giáo Hội, Người đã kết hợp với Chúa Kitô nên một thân thể, một đời sống, một tình yêu trước Giáo Hội. Người đã tham dự và cộng tác vào các sự đau đớn của Chúa Kitô trước Giáo Hội, và sau hết Người đã sống lại với Chúa Kitô trước Giáo Hội.
Tuy Đức Mẹ thực hiện trước những sự Giáo Hội phải thực hiện, nhưng định mệnh của Đức Mẹ không tách biệt với định mệnh của Giáo Hội. Thực vậy, với Đức Mẹ Giáo Hội đã hiện hữu ở tiềm năng rồi. Đức Mẹ và Chúa Giêsu không phải chỉ là tập hợp một Mẹ một Con, mà còn tập hợp giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa Đấng cứu thế và người đầu các kẻ được cứu độ. Thiên Chúa không loại trừ ai khởi ơn cứu độ. Vì thế mọi người đều đã được gọi vào tập hợp này một cách gián tiếp khi Đức Mẹ thụ thai. Chính vì thế mà ta có thể nói rằng với Đức Mẹ Giáo Hội đã bắt đầu thiên thần, không tì ố... Đức Mẹ là phần tử đầu tiên thực hiện được bản chất sâu xa độc đáo của Giáo Hội là thông hợp (communio) với Chúa Kitô.
Tuy ban đầu, Đức Mẹ và Giáo Hội không tách biệt, nhưng với thời gian Giáo Hội phải tách biệt với Đức Mẹ và thực sự tách biệt đó như đứa con phải sinh ra khỏi lòng người mẹ và ý thức dần dần mình tách biệt với mẹ mình. Cho tới thế kỷ XII, trong Giáo Hội, có những bản văn người ta không biết nói về Đức Mẹ hay Giáo Hội. Nhưng dần dần Giáo Hội nhận biết mình rõ ràng, nhận biết Đức Mẹ rõ ràng, phân biệt Đức Mẹ với Giáo Hội và coi Đức Mẹ như là lý tưởng Giáo Hội phải thực hiện.
Thời kỳ đầu tiên, khi Đức Mẹ một mình làm nên Giáo Hội để tiếp nhận Chúa Kitô bằng đức tin và sống với Người trong đức mến là thời kỳ hoàng kim khởi thuỷ. Giáo Hội càng đi xa thời kỳ này, càng khám phá ra những kho tàng thánh thiện nơi Đức Mẹ để coi đó như một tấm gương mà noi theo và càng nhận biết lòng mẹ nhân lành của Người để mà cầu khẩn. Ngày thế mạt là ngày Giáo Hội hoàn tất nhiệm vụ mình, như Đức Mẹ đã hoàn tất nhiệm vụ của Người trong ngày linh hồn và xác Người lên trời. Ngày ấy Giáo Hội sẽ đạt được lý tưởng thánh thiện Thiên Chúa muốn cho Giáo Hội có và đó là thời đại hoàng kim cuối cùng.
-----------------------------------
Vài cuốn sách về Đức Mẹ :
JB. Terrien: La Mère de Diau, Lethielleux, Paris, 1902. E. Dublanchy: art. Marie, D.T.C. 9,2339-2472. R. Bernard: Le Mystère de Marie, Desclée de Brouver, Paris 1933. J. Guitton: La Vièrge Marie, Aubier, Paris 1949.
********************
Thành khẩn
Các bài viết của
- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ,
- Cha Giuse Thân Văn Tường và
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết
Thời trước, được in RONÉO rải rác trong các tập TĨNH TÂM hàng tháng,
hoặc những cuốn sách Đạo đức, Tu đức, in Ronéo.
Nay kẻ hèn này muốn sưu tầm lại, để lưu giữ trên trang https://linhmucmen.com/
hầu có thể giúp ích cho những thế hệ mai sau lâu dài, kẻo mai một đi thì tiếc lắm.
Vậy, những ai còn giữ những cuốn Tĩnh Tâm đó, hoặc những sách đó,
có bài viết của - Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ
- Đức Cha GB. Bùi Tuần - Cha Giuse Thân Văn Tường và - Cha Gioakim Mai Xuân Triết
Xin giúp đánh máy lại, hoặc Photo, rồi gởi cho con (con sẽ đánh máy), theo địa chỉ:
- Email: mennguyen296@gmail.com Hết lòng cám ơn. Lm.Nguyễn Văn Mễn -------------------------------------------