Suy tư Thần Học của linh mục Giuse Thân Văn Tường Bài 1-5

Thứ ba - 17/08/2021 08:33
Suy tư Thần Học của linh mục Giuse Thân Văn Tường Bài 1-5
Suy tư Thần Học của linh mục Giuse Thân Văn Tường Bài 1-5
Suy tư Thần Học của linh mục Giuse Thân Văn Tường
Bài 1-5

---------------------------------
Mục Lục:

Bài 1: LINH MỤC VÀ BÍ TÍCH HOÀ GIẢI 1
Bài 2: NHU CẦU CÓ MỘT LINH HƯỚNG.. 5
Bài 3: LINH MỤC TRONG VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỘNG ĐỒNG. 9
Bài 4: SENTIRE CUM ECCLESIA.. 12
Bài 5: ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN CỦA LINH MỤC.. 16

---------------------------------------

 

Bài 1: LINH MỤC VÀ BÍ TÍCH HOÀ GIẢI


Suy tư Thần học của Linh mục Giuse Thân Văn Tường

    (Chỉ Nam về trách vụ và đời sống linh mục, số 51 - 53)

 

Trong một văn minh mà người ta đã đánh mất ý nghĩa về sự tội như trong thế giới ngày nay, một trong những Bài 1


Trong một văn minh mà người ta đã đánh mất ý nghĩa về sự tội như trong thế giới ngày nay, một trong những trách vụ chính của linh mục là củng cố nơi các tín hữu ý thức về sự lành sự dữ, và nhận biết mình luôn sai lỗi trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, linh mục cần phải hiểu bí tích hoà giải là gì, và phải thi hành bí tích ấy thế nào để đào tạo nơi người tín hữu một lương tâm nhạy bén trước sự lành, sự dữ, và tìm thấy ở bí tích này một phương thuốc hữu hiệu.

I. Bí tích hoà giải là gì?

   1. Bí tích này có nhiều tên qua các thời đại vì ý nghĩa phong phú của nó. Người ta gọi nó là:

- Bí tích về sự trở lại, vì nó thể hiện lời mời gọi của Đức Kitô với loài người sa ngã, phải trở lại với Đấng sáng tạo nên họ mà họ đã xa lìa vì phạm tội.
- Bí tích về sự sám hối vì đòi phải có ăn năn, cải đổi, và đền tội ở người tín hữu đến xưng tội.
- Bí tích xưng tội vì việc thú nhận tội lỗi của người đã phạm trước một linh mục ngồi toà là hành động thiết yếu của bí tích này.
- Bí tích thứ tha vì hành động thứ tha trong bí tích này đem lại sự tha tội và sự bình an cho người chịu nên.
- Bí tích hoà giải, vì nhờ bí tích này, kẻ có tội được làm hoà với Thiên Chúa, và được nhận lại làm con cái Người (2Cr 5,10).
Loài người sau khi được sáng tạo đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa nhân lành muốn thứ tha cho họ, nên đã sai Con Một mình xuống thế gian chuộc tội cho họ. Người đã đến thế gian làm người, chịu chết chuộc tội cho họ. Trong đời Người, Đức Kitô luôn kêu gọi loài người “trở lại” để được hưởng nhờ ơn cứu chuộc ấy. “Nước Thiên Chúa đã đến gần, phải thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong sứ vụ thể hiện ơn cứu độ của Đức Kitô trên loài người, Giáo Hội kêu gọi trước hết những người chưa biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Phép Rửa tội là hành động trở lại nền tảng và trước tiên. Nhờ bí tích này, người ta được trở nên con cái Thiên Chúa, trong Giáo Hội là nhiệm thể Đức Kitô. Nhưng Giáo Hội cũng luôn phải trở lại vì Giáo Hội không chỉ gồm có các phần tử lành thánh, nhưng cũng gồm có các phần tử sa ngã nữa. Việc trở lại này không chỉ là hành động của con người, nhưng còn là hành động của Thiên Chúa kêu gọi ta đáp lại tình yêu của Người đã thương yêu ta trước. Sự sám hối và trở lại này đã được diễn tả trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” mà vai chính là người cha nhân lành (Lc 15,11-24).

   2. Tội không những phạm đến Thiên Chúa mà còn cắt đứt thông hiệp với Giáo Hội. Vì thế, ý nghĩa của phép giải tội là:

- Thiên Chúa tha tội cho ta, vì chỉ có một mình Người có quyền ấy. Đức Kitô là Con Thiên Chúa nên đã có thể nói: “Con loài người có quyền tha tội trên thế gian” (Mc 2,10). Người Do Thái, vì không tin Người là Con Thiên Chúa, nên đã kết án Người là phạm thượng khi Người nói với người tàn tật: “Tội anh đã được tha” (Mc 2,5; Lc 7,48).
Khi thành lập Giáo Hội, Đức Kitô đã muốn cho Giáo Hội nên dụng cụ tha tội cho người ta nhờ lời cầu nguyện, hành động, sự sống và sự chết của Người. Nhưng quyền thi hành sự giao hoà, thì Người chỉ trao cho các tông đồ và những vị nối nghiệp các ngài mà thôi. Các ngài phải thay mặt Người khuyên mời người ta: “Hãy để cho anh em được giao hoà với Thiên Chúa” (2Cr 5,20).
- Giáo Hội có sứ mệnh hoà giải. Lúc còn ở thế gian, không những Đức Kitô đã tha tội, mà Người còn cho thấy hiệu quả của việc tha tội nữa. Hiệu quả rõ ràng nhất là Chúa đã ngồi vào bàn ăn với những kẻ đã được tha thứ (Lc 19,9). Vì thế, khi ban quyền tha thứ cho các tông đồ, thì Chúa cũng ban quyền hoà giải. Nhờ phép Rửa tội, người ta đã được Giáo Hội, nhân danh Thiên Chúa tha tội cho. Nhưng sau khi đã thuộc về nhiệm thể là Giáo Hội, mà người ta còn phạm tội trọng, thì muốn được Thiên Chúa tha thứ, người ta còn cần phải có sự giao hoà với Giáo Hội. Điều này, đã được Đức Kitô tuyên bố long trọng với thánh Phêrô: “Ta ban cho con chìa khoá Nước Trời, tất cả những gì con cầm buộc dưới đất sẽ, cầm buộc trên trời; và tất cả những gì con cởi mở dưới đất, sẽ cởi mở trên trời” (Mt 16,19). Quyền đã ban cho thánh Phêrô thì cũng ban cho tất cả các tông đồ hợp nhất với ông (Mt 18,18; 28,16-20). Các lời “cởi mở” và “cầm buộc” có nghĩa là “ban sự thông hiệp” hay “loại trừ ra khỏi thông hiệp ấy”. Sự được Thiên Chúa thứ tha không tách biệt khỏi sự thông hiệp với Giáo Hội. Vì thế, để được Thiên Chúa thứ tha thì phải giao hoà với Giáo Hội.

II. Linh mục thừa tác viên bí tích này phải thế nào?

   1. Trong phép giải tội cũng như trong các bí tích khác, nghi lễ không tuỳ thuộc ở linh mục, ngài chỉ là máng thông ơn, và phụng vụ của Giáo Hội mới diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm ân sủng mà bí tích mang lại. Dẫu sao, trong phép giải tội, quyền linh mục nắm giữ vượt hẳn giới hạn của ngài. Ngài có một vai trò gắn bó ở nội tâm với dự trù nhân lành của Đức Kitô. Chắc rằng chỉ có một mình Đức Kitô vừa là Thiên Chúa, vừa là loài người mới có quyền tha tội. Nhưng linh mục đón nhận sự ăn năn, nghe lời thú tội, cũng phải tìm hiểu ngưỡng vọng của người xưng tội và giúp cho họ có một sự thống hối thật sự đáng được ơn tha thứ của Thiên Chúa.

   2. Trước các tín hữu, linh mục phải có thái độ của Đấng chủ chăn nhân lành đi tìm con chiên lạc, và khi đã tìm thấy, không quở trách, nhưng vác nó lên vai, đem nó về chuồng, hay thái độ của người nội trợ nghèo nàn khi đánh mất đồng bạc duy nhất mình có thì bới móc, quét tước mọi nơi mọi xó để tìm cho thấy đồng bạc mình đã mất. Ngài có cố gắng đem người tội lỗi về làm hoà với Ngôi Cha như vậy thì mới đáp lại được lòng khao khát vô biên của Người muốn làm hoà với người tội lỗi. Về điểm này, cha xứ họ Ars đã nói: “Không phải người có tội trở về với Thiên Chúa xin Người tha thứ, nhưng chính Thiên Chúa chạy theo người tội lỗi và làm cho người ấy trở về”.

   3. Trong lịch sử, Giáo Hội đã thi hành quyền tha tội nhận được từ Đức Kitô theo một hình thức đã có những thay đổi từ trong cách cử hành đến trong kỷ luật. Nhưng cơ cấu nền tảng thì luôn như nhau và gồm có hai cụm hành động chính: Một bên là hành động của người có tội trở lại nhờ soi sáng của Chúa Thánh Thần là ăn năn, thú tội và đền tội; một bên là hoạt động của Thiên Chúa qua trung gian của Giáo Hội. Giáo Hội nhờ vào các Giám mục và linh mục ban ơn tha thứ tội lỗi và ấn định việc đền tội. Giáo Hội cùng cầu nguyện và đền tội với người xưng tội, và người ấy trở nên lành mạnh và được sát nhập lại vào nhiệm thể.

   4. Vì trách vụ Giám mục giao phó và vì chức thánh mình đã chịu, linh mục phải sẵn sàng cống hiến sức khoẻ và thời giờ vào việc cử hành bí tích giải tội. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu giáo dân gặp thấy có các linh mục sẵn sàng và nhiệt tình giải tội, thì ở đó số người xưng tội đông đảo. Điều này thật đúng nhất là trong các nhà thờ có đông giáo dân đến dự lễ Misa và các “đền thánh” có nhiều giáo dân đến “viếng”. Ở những nơi như vậy, việc mời gọi các linh mục dòng hay đã lớn tuổi đến cộng tác thường đem lại kết quả tốt. Trong các họ đạo, các linh mục phải khuyến khích giáo dân năng chịu bí tích này, và khi họ đến xin trong hoàn cảnh hợp lý, thì phải vui vẻ đáp lại lời xin của họ. Linh mục phải nhớ đến gương nhiệt thành của người Samaritanô tốt lành, không quản ngại nguy nan, vất vả, để dừng lại quãng đường vắng đầy cướp bóc, cúi xuống cứu vớt người bị bọn cướp đánh nửa sống, nửa chết bỏ lại trên đường, và đưa nạn nhân về quán trọ.

   5. Với người đã vào toà giải tội, linh mục phải noi gương người cha nhân lành trong Phúc Âm không để cho đứa con hoang đàng trở về kể hết lỗi lầm và van xin. Ngài phải làm cho việc thú tội nhẹ nhàng, đừng buộc phải xưng những chi tiết không cần thiết. Thiết yếu của sự ăn năn không dừng lại ở sự tủi hổ và các lý do nhân loại của tội, nhưng phải phát xuất từ một tình yêu, đau đớn vì đã lỗi phạm đến Thiên Chúa. Trong việc ăn năn, không phải việc tội đã làm cho người ta chán ghét vì nó hạ giá mình, nhưng vì tội đã làm mất lòng Thiên Chúa.

Ngoài ra, linh mục còn phải cố gắng để có thể hiểu biết thái độ người đang xưng tội với mình. Muốn được như vậy, kinh nghiệm về đời sống và sự tế nhị đối với người đã sa ngã rất cần thiết. Thêm vào đó, ngài còn phải tôn trọng sự thật, trung thành với lời giáo huấn của Giáo Hội. Có như vậy, thì mới mong ngài giúp được người ta tránh khỏi tội và trở nên trưởng thành trong đời sống tương lai. Ngài cũng phải cầu nguyện cho họ và đền tội với họ để uỷ thác họ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa.

   6. Trong hoàn cảnh ngày nay, linh mục phải bảo vệ và đề cao việc xưng tội cá nhân trong một đối thoại trực tiếp với cha giải tội. Chỉ nên giải tội tập thể trong những hoàn cảnh đặc biệt mà Giáo Hội đã cho phép với những điều kiện cần phải tuân giữ. Cha giải tội phải soi sáng lương tâm người xưng tội bằng một vài lời khuyên thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, giúp họ tìm ra một hướng đi mới, và ảnh hưởng vào đời sống thiêng liêng của họ nhờ một việc đền tội thích hợp. Ngài cũng phải đề cao giá trị thiêng liêng của Bí tích này, đừng coi đó như một hành động tâm lý mà thôi hay như một việc làm theo mô thức cũng đủ. Và để được như vậy thì linh mục cũng cần phải tôn trọng các điều lệ của Giáo Hội về nơi xưng tội và toà giải tội.

Sau hết, bao giờ linh mục cũng phải thận trọng giữ “Ấn toà giải tội”. Không có quyền nào có thể chuẩn chước được ấn ấy. Điều này rất quan trọng để giúp tín hữu được vững dạ trông cậy khi vào toà giải tội. Ấn toà giải tội nhắm đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa sẵn sàng quên đi mọi tội lỗi đã ăn năn “ném chúng lại sau lưng Người” (Is 38,17).

   7. Đời người tín hữu là một cuộc trở lại liên tiếp, vì chẳng có ai vô tội trước mặt Thiên Chúa và không cần được thứ tha. Do đó, việc nhờ vào bí tích hoà giải cần không những cho giáo dân, mà cũng cần cho linh mục nữa. Thật vậy, mọi người, giáo dân cũng như linh mục, đều được mời gọi nên trọn lành như “Cha ở trên trời”. Thiên Chúa nhân lành ban cho mọi người ân sủng cần thiết để theo đuổi lý tưởng ấy. Nhưng vì trách vụ của mình trong Giáo Hội, linh mục phải nên gương mẫu trong việc thanh luyện và đổi mới đời sống thiêng liêng của mình. Nếu linh mục không kinh nghiệm ơn tha thứ của Thiên Chúa và sự hiệu nghiệm của bí tích hoà giải trong Giáo Hội thì làm thế nào ngài có thể khuyến khích một cách sốt sắng và thật lòng giáo dân siêng năng đến toà giải tội được. Trong bầu không khí tôn giáo ngày nay thường coi nhẹ việc xưng tội, nếu linh mục trễ nải việc xưng tội, không những ngài làm gương xấu cho giáo dân ngài coi sóc, mà còn là báo động cho ngài về sự sa sút về đời sống thiêng liêng của bản thân. Ta hãy nghe lời cảnh giác sau đây của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Toàn thể đời sống linh mục phải chịu sự suy đồi không tránh được nếu ngài vì chểnh mảng hay vì một lý do nào khác, không còn nhờ đến bí tích giải tội một cách đều đặn với đức Tin và lòng đạo đức chân thành. Một linh mục không xưng tội nữa hay xưng tội cho xong lần, thì bản chất và hành động tư tế của ngài cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu rất nhanh và cộng đồng mà ngài là chủ chăn sẽ nhận thấy ngay điều ấy” (Pastores dabo vobis, 26).

------------------------

 

Bài 2: NHU CẦU CÓ MỘT LINH HƯỚNG


Suy tư Thần học của Linh mục Giuse Thân Văn Tường

(Chỉ nam về trách vụ và đời sống linh mục số 54)

 

Song song với việc cần phải xưng tội luôn, Chỉ nam nhắc đến việc linh mục cần phải có một Bài 2


linh hướng, và chính mình phải sẵn sàng làm linh hướng cho giáo dân muốn tìm hiểu ơn gọi của mình, nhất là những bạn trẻ muốn hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Chỉ nam quá vắn tắt trong một vấn đề mà chính Chỉ nam cũng nhận thấy “đó là một ân huệ lớn cho Giáo Hội ngày nay” vì đã “lại khám phá” và “phổ biến” việc thi hành này. Do đó, chúng tôi sẽ trình bày đầy đủ hơn một chút về nhu cầu có một linh hướng, và để là linh hướng, những đòi hỏi tối thiểu là gì ?

I. Cần phải có một linh hướng.

Chỉ nam nói đến một “khám phá lại” (redécouverte) của Giáo Hội về nhu cầu có một linh hướng. Thật vậy, đời xưa, đã có thời người ta đã nhận thấy rằng những người có ơn gọi đặc biệt cần phải có một linh hướng. Thánh Grégoire de Nysse đã nói với các tu sĩ ở Cappadocie thời ngài như sau : “Cũng như người muốn học ngoại ngữ, không có thể là thầy cho chính mình được, nhưng phải nhờ vào người biết ngoại ngữ ấy dạy dỗ. Nhờ vậy người ấy mới có thể nói với người ngoại quốc, tiến bộ nhanh nhờ quen nghe. Tôi nghĩ rằng đời sống mà chúng ta đề cập đến ở đây chỉ tiến triển theo những con đường tự nhiên, nhưng đời sống ấy xa lạ với các con đường đã có trong tục lệ, vì thế không có phương tiện nào khác để học đến nơi đến chốn bằng được hướng dẫn bởi một người đã có từng trải”. Với thánh nhân, đây chỉ là một định luật chung cho mọi người muốn hiểu biết một nghề nghiệp cho đến nơi đến chốn : họ không thể chỉ tập tành một mình về nghề ấy , nhưng phải nhờ vào một ông thầy thông thạo trong nghề này. Đời sống thiêng liêng khác với đời sống trần gian, vì thế, ta không thể chỉ ỷ lại vào hiểu biết của riêng mình được.
Theo thánh Grégoire, những người theo ơn gọi đi vào con đường trọn lành còn thiếu kinh nghiệm nên có thể vì không biết mà đi trệch con đường phải theo và bước vào ngõ cụt hay một con đường lầm lạc. Thánh nhân quả quyết đây không phải là điều mơ hồ, nhưng là sự thật, vì có những người thật tình muốn đi vào con đường trọn lành và đã tiến bước được một thời gian nhưng sau đã thất bại chỉ vì tưởng lầm rằng những gì ý nghĩ mình xui khiến đều là tốt đáng làm theo.
Ở đây, chúng ta đạt đến nền tảng của vấn đề. Đời sống thiêng liêng đầy gian nguy. Những người ỷ lại vào phán đoán riêng của mình sẽ có nguy cơ rơi vào ảo tưởng. Thánh Grégoire nhắc đến hai thứ ảo tưởng xảy đến cho các tu sĩ ở Cappadocie như sau :
- Một có nguyên nhân ở lười biếng : người lười biếng nghĩ là có hại cho linh hồn mình sự tận tụy làm các điều Thiên Chúa truyền dạy. Họ như những người không chịu cần cù làm để có của nuôi thân, họ luôn chỉ há miệng để ăn của kẻ khác. Ở đây ta nghĩ đến các linh mục không học hỏi, nguyện gẫm, cầu nguyện, đọc Sách Thánh để giảng dạy giáo dân những gì Chúa Thánh Thần làm cho phát xuất từ đáy lòng, nhưng tưởng đã làm xong bổn phận khi nhắc lại mỗi sáng Chúa nhật một bài giảng “mì ăn liền” các Chúa nhật quanh năm nào đó.
- Một có nguyên nhân ở tính hão huyền coi những tưởng tượng của mình vững chắc hơn lời dạy của Phúc âm. Trong những người như vậy, có người luồn lọt vào các gia đình rồi có những quan hệ thân tình hàm hồ; có người sống man rợ, quên đi giới răn yêu thương tha nhân; có người ăn chay quá nghiêm nhặt đến hại cho sức khỏe và nghĩ rằng như vậy thì mới làm vinh danh Thiên Chúa; có người sống độc thân chỉ để tránh trói buộc, chứ chẳng có gì khác đời sống thường, chẳng giữ gìn gì trong khoái lạc ngũ quan, mà còn sống gần gũi với người nữ và gọi đó là tình huynh đệ (J. Gribomont, Studia Patristica 1957, II, p. 409).

II. Những đề phòng của thánh Grégoire nói trên ngày nay cũng vẫn ích lợi cho chúng ta. Và nếu trong Giáo Hội ngày nay, người ta “lại nhận thấy” cần có linh hướng thì chắc chắn có những lý do xác đáng.

- Trước hết là vì Ngôi Lời đã làm người để cứu chuộc con người sa ngã. Điều này chứng tỏ con người không tự mình giải thoát được mình, nhưng phải nhờ đến người khác, người khác ấy là Đức Kitô. Đến khi Đức Kitô đã cứu chuộc được loài người bằng cái chết của Người, để phổ biến ơn cứu chuộc ấy đến mọi người thì Chúa đã lập Giáo Hội điều này lại chứng tỏ để được cứu độ thì ta phải nhờ đến người khác. Thánh Phaolô đã quả quyết để được cứu rỗi thì người ta phải có đức Tin, nhưng để có đức Tin thì phải có người rao giảng. Ai rao giảng, nếu không phải là những người được sai đến bởi Giáo Hội, nghĩa là những người đặc biệt được Chúa Thánh Thần soi sáng. Như vậy để nhận được đức Tin và bảo vệ đức Tin ấy suốt đời ta, thì ta phải nhờ đến các linh mục và những người được Giáo Hội chỉ định cho ta.
- Thứ đến tội nguyên tổ đã làm cho loài người bị tổn thương, sự tổn thương ấy trở nên trầm trọng vì tội lỗi chồng chất của các thế hệ có trước ta, và vì tội lỗi của chính ta : trí khôn ta trở nên tối tăm, và con tim ta trở nên rối loạn. Khi đã được trở lại với Thiên Chúa nhờ Bí tích Rửa tội, con người muốn được bền đỗ trong ơn cứu độ, vẫn cần đến những người khôn ngoan từng trải để soi sáng trí khôn và nâng đỡ con tim. Họ có thể so sánh với người có sức khỏe suy yếu, cần có một thầy thuốc hiểu biết để chỉ cho biết các phương thức gìn giữ sức khỏe.
- Sau hết, với người muốn tiến đến sự trọn lành, bước tiến gặp nhiều hoàn cảnh phức tạp, nhiêu khê : những khủng hoảng, những tối tăm, những sai lầm không thiếu nên họ rất cần có một bạn đồng hành, một người dẫn lộ có từng trải. Thí dụ : người muốn chọn ơn gọi linh mục hay tu sĩ làm thế nào nhìn vào ơn gọi mình muốn đáp trả thấy được rõ ràng nếu không nhờ đến kinh nghiệm của các vị linh mục và tu sĩ đạo đức và có kinh nghiệm. Người ta đã ví con đường thiêng liêng như một lối đi trên đỉnh núi hai bên là vực thẳm. Ở hoàn cảnh này, từ chối một người dẫn đường có từng trải là một điều quá liều lĩnh.

III. Điều kiện đòi hỏi ở người linh hướng.

Chỉ nam cho hàng giáo sĩ không những nói đến linh mục phải có linh hướng, mà còn khuyên các ngài phải là linh hướng cho giáo dân khi họ cần đến. Việc có một linh hướng chỉ đòi có “thiện chí”, nhưng việc làm linh hướng không đơn giản như vậy. Cần phải có một số hiểu biết và khả năng tối thiểu nữa. Phải thành thực mà nhận rằng trong giới hiểu biết về đời sống nội tâm, việc đánh giá các linh mục về khả năng linh hướng rất thấp. Xin đưa ra một số nhận định để chúng ta cùng suy nghĩ.
Trong một thống kê về các linh mục mới đây, đã có nhận xét nghiêm khắc sau đây : “Phạm vi chính trong đó các linh mục không được đào tạo đủ biểu lộ qua sự thiếu sót ở mặt phát triển tâm lý trong quan hệ với tha nhân. Quan hệ ấy thường xa cách, và không đem lại thỏa mãn cho chính các linh mục cũng như cho người khác : các ngài có rất ít bạn thân... Trong các linh mục không huấn luyện đầy đủ ấy, ta gặp thấy rõ ràng có sự thụ động, sự dễ bảo thái quá, và một xu hướng muốn tìm căn cước của mình trong bậc linh mục hơn trong nhân cách của mình... các ngài không tin cậy ở chính mình, đánh giá mình thấp, và thường không sử dụng hết khả năng mình có... có điều rất kỳ là ta khám phá ra ở các ngài một sự thiếu khả năng diễn tả niềm tin tôn giáo lan rộng”      ( E.C. Kennedy and V. S. Heckler : the Catholic priest in the U.S., Psychological investigations, Washington D.C., U.S. Catholic Conference 1972, p. 9-11).
Chắc rằng nhận định trên không đúng với mọi linh mục Việt Nam nhưng dẫu sao đó là một báo động chúng ta phải lưu ý, nhất là ở phạm vi linh hướng. Không buộc linh hướng phải hoàn hảo, nhưng để hướng dẫn người khác thì ít nhất phải trưởng thành. Hình ảnh trên chẳng có gì là trưởng thành.
Nhưng thế nào là trưởng thành ? Theo tâm lý thì người trưởng thành phải :
- Dám đảm nhận các trách nhiệm của mình trong đời sống và với người khác.
- Lạc quan nhưng không khờ dại.
- Vui vẻ nhưng không tìm cách lấy lòng kẻ khác.
- Đã có kinh nghiệm đau khổ mà vẫn đứng vững.
- Kinh nghiệm về thất bại và sự tội ở mình hay ít là ở kẻ khác. Và từ đó, kinh nghiệm rằng sự giải thoát của con người phải nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa.
- Không sợ hãi cuộc đời có bóng tối và ánh sáng, có mầu nhiệm và có điều phải tìm hiểu.
- Kinh nghiệm giới hạn ở mình và chấp nhận giới hạn ở kẻ khác.
Có ở một mức độ nào đó những điều kiện tâm lý nói trên thì ta mới cậy trông ở mình đủ để có bình tĩnh khi gặp gỡ người khác, mà không rơi vào cứng đầu cố chấp. Thật vậy, để có khả năng hướng dẫn người khác thì ta phải có bình tĩnh và tin cậy ở mình để lượng định và thuyết phục một cách tự do. Nhưng cũng cần phải có đủ khiêm nhường và thông cảm để đón nhận người khác ở những dị biệt của họ khi chúng đối lập với sở thích của ta. Việc bực bội hay lo ngại của ta không luôn có nguyên nhân ở ước vọng làm theo thánh ý Thiên Chúa, mà còn có thể do ta quá quan tâm đến bản thân mình với những sở thích riêng tư mà thôi. Trong trao đổi với người mình hướng dẫn, mà lại có xu hướng chủ quan như vậy, thì làm thế nào ta có những nhận định khách quan được.
Nhưng bình tĩnh không có nghĩa là lạnh lùng. Thái độ lạnh lùng của ta sẽ ngăn chặn tâm sự của người khác. Thái độ của linh hướng phải nồng nhiệt, ấm áp. Để có được thái độ này, trước hết phải kiên nhẫn, lắng nghe. Ở đời, con người thường ít có cơ hội được người khác lắng nghe và tìm hiểu. Vì ai cũng quá bận rộn về công việc riêng mình, nên khi thấy một người khác lắng nghe và tìm hiểu những băn khoăn của mình thì ai cũng rất dễ cảm thấy yên ủi và sẵn lòng tin tưởng. Cũng phải tập nhìn thế gian theo con mắt của kẻ khác, vì có như vậy thì ta mới hiểu được điều kẻ khác cảm thấy để mà thông cảm. Nhưng nhiệt tình và ấm áp chỉ xuất hiện từ nội tâm, vì thế người không có bác ái nội tâm, thật tình lưu ý đến người khác và ích lợi của họ, thì dù bề ngoài họ có khéo léo đến đâu, nhiệt tình của họ cũng vẫn có cái gì giả tạo.
Trên mới là những đòi hỏi về nhân bản ta phải có để gặp gỡ và đối thoại với người khác một cách thoải mái, dễ dàng và tin cẩn. Nhưng việc linh hướng cũng giống như các hoạt động mục vụ khác, cần phải đặt nền tảng ở sự hiểu biết đức tin một cách vững chắc, và ở liên lạc một cách chặt chẽ với Thiên Chúa trong tình con thảo, theo gương Đức Kitô đã chết để vâng theo thánh ý Ngôi Cha, và để cứu chuộc loài người. Chẳng ai có thể dẵn dắt người khác trên con đường cứu độ nếu chính mình không biết và ở trên con đường ấy.

--------------------------

 

Bài 3: LINH MỤC TRONG VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỘNG ĐỒNG.


Suy tư thần học của Linh mục Giuse Thân Văn Tường

(Chỉ nam về trách vụ và đời sống linh mục số 55).

 

Ngoài các linh mục có trách vụ chuyên môn, thường các linh mục có trách vụ chăm lo đời sống Bài 3


Ngoài các linh mục có trách vụ chuyên môn, thường các linh mục có trách vụ chăm lo đời sống tôn giáo của một cộng đồng. Với giáo xứ của mình, linh mục là mục tử. Ngài phải sống và tồn tại cho nó. Nếu ngài cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh, đó là vì nó. Nếu ngài, sẵn sàng cống hiến đời sống mình, đó là cho nó. Ngài phải yêu mến nó như một hôn phu, như Đức Kitô đã yêu Giáo hội như một hôn phu, đêm ngày lo lắng cho nó trở nên mỗi ngày một diễm lệ hơn để làm cho Chúa Cha hài lòng và Chúa Thánh Thần yêu mến.

I. BÁC ÁI MỤC VỤ.

1. Quan hệ có tính hôn phu của linh mục với cộng đồng tín hữu mình được trao phó ngày nay thường được diễn tả bằng cụm từ “bác ái mục vụ”. Ai trong chúng ta cũng còn nhớ khi Đức Kitô trao cho thánh Phêrô quyền lãnh đạo Giáo Hội. Chúa không đòi hỏi ông một điều gì khác, nhưng chỉ hỏi đi hỏi lại đến ba lần : “Con có mến Thầy không?” Và mỗi lần Phêrô quả quyết ông mến Chúa, là Chúa lại trao cho ông một trọng trách mục vụ cao trọng hơn. Ban đầu Chúa trao cho ông quyền trên các chiên con, và cuối cùng trên các chiên mẹ. Bác ái mục vụ là chúc thư Chúa để lại cho hàng giáo phẩm trong Giáo Hội. Nhờ có “bác ái mục vụ”, linh mục nhận lãnh tình yêu của Chúa trước khi Người chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, hầu phổ biến và làm cho trường tồn tình yêu ấy trong lịch sử. “Dilexit me et tradidit semetipsum pro me” (Ga 2,20).

2. Bác ái mục vụ nhằm tạo nên một tổ chức nhân loại hoàn toàn chi phối bởi tình yêu. Tình yêu ấy không do cảm xúc, nhưng do tinh thần và ân sủng, không dựa vào sự đáng được như vậy của các cá nhân, nhưng có nền tảng một phần ở lệnh Đức Kitô đã truyền dạy, và một phần ở nhu cầu thiêng liêng của những người ở dưới quyền ta. Tình yêu ấy nhằm làm cho người đón nhận được sung sướng, chứ không phải cho người ban phát; nó không có mục đích làm cho đời sống linh mục thoải mái, dễ dàng, nhưng làm cho ngài quen hiến thân cho người khác và hy sinh cho họ. Nó cũng không phải là chiến thắng bản ngã bên ngoài và giới hạn của ích kỷ cá nhân để làm phát triển ích kỷ tập thể, nhưng là khát vọng duy nhất Giáo Hội là hiệu quả của tình yêu chân thật đối với Thiên Chúa.

3. Bác ái mục vụ đưa đến hoạt động. Thánh Phanxicô Salê (Tr. Am. 10,12) nói đến tình yêu sinh nhiệt tâm và nhiệt tâm hướng con người ra ngoài bản thân. Linh mục không đến với Thiên Chúa trực tiếp, nhưng gián tiếp qua các linh hồn : đó là điều mà ngày nay chúng ta gọi là hoạt động tông đồ. Có chức linh mục, ta là thợ gặt của cánh đồng Thiên Chúa. Ý thức rõ ràng điều này rất cần thiết : nó cho ta thấy ta không còn có quyền được theo ý riêng, được chọn giải pháp nhàn hạ nhất cho mình, được né tránh những gì thuộc bổn phận có thể gây rắc rối cho cá nhân mình. Ai tự nhiên không ao ước một nếp sống thanh vắng, êm dịu, ngọt ngào, và để bảo vệ ước ao này, ta sẽ chữa mình rằng ta nhút nhát, thiếu khả năng, chỉ vì ta lười biếng, ta muốn đóng khung vào một chương trình hoạt động thuận lợi cho mình, nhưng không thuận lợi cho bổn đạo.

4. Ngày nay, hoạt động theo khuôn khổ, có mực thước không còn là gương mẫu nữa. Cần phải biết cướp thời cơ, cần lanh lẹ. Ở thời đại chúng ta, cơ hội đến, rồi lại biến đi rất nhanh. Nghĩ đến lề lối, mực thước của các cha xứ ngày xưa thật ung dung, thoải mái, nhưng không thích hợp nữa. Mọi người đều vội vã, nếu ta không bước theo nhịp người khác, thì họ sẽ bỏ lại ta ở đằng sau họ.
Đã phải mau lẹ, việc mục vụ lại còn phức tạp hơn xưa. Không những người ta thay đổi chỗ ở, dân số bùng nổ, ngoài ra những vấn đề luôn mới mẻ được đặt ra về kinh tế, xã hội, luân lý, chính trị. Trong thời đại ngày nay, ta đang sống trong một giai đoạn khủng hoảng tập thể và cá nhân : cái gì cũng khác xưa, từ tục lệ đến tư tưởng, từ hình thức đời sống gia đình đến họ đạo. Linh mục phải đối đầu với những thử thách luôn mới mẻ và phải rút ra từ Phúc Âm ngàn đời vẫn là một những ý nghĩa mới, những sinh lực mới và những ân sủng mới. Phép mầu này ở tự nó không khó vì Phúc Âm luôn là nguồn nước hằng sống, nhưng phải có nhiều niềm tin và bác ái thì phép mầu trên mới xuất hiện được.

II. CÁC TRỞ NGẠI CỦA BÁC ÁI MỤC VỤ.

1. Khi mới chịu chức linh mục, ta đều muốn sống bác ái mục vụ, và đều quen biết lời Đức Kitô : “Không ai có bác ái lớn hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Nhưng trong mục vụ cũng như trong các lãnh vực khác, sự trung thành không chỉ cần một dốc lòng bề trong, mà còn cần những biểu lộ bề ngoài. Theo thường tình hành động bề ngoài đôi khi vẫn trung thành mà thái độ bề trong đã thay đổi. Bác ái mục vụ buộc linh mục phải lo lắng cho phần rỗi các linh hồn. Lo lắng nội tâm này biểu lộ qua nhiều hoạt động bề ngoài khác nhau đều tốt lành và đáng tôn trọng. Nhưng trước ta làm các việc ấy vì nhiệt tâm, rồi dần dần, vì thói quen và nghề nghiệp. Nói cách khác, việc ta làm hằng ngày không còn vì bác ái mục vụ nữa, nhưng để hợp pháp, vì sợ bình phẩm và quở trách, vì khoe khoang, vì muốn được tiếng tăm...

2. Khi đã rơi vào những lạc hướng nói trên thì các lý do gây nên bởi bác ái mục vụ èo ọt đi và biến mất. Và rồi các hoạt động bề ngoài cũng trở nên uể oải và mệt mỏi. Lúc ấy, trước những trách vụ bề trên trao cho đòi sửa soạn, cố gắng và can đảm, nhưng khẩn thiết cho mục vụ chung của Giáo phận, ta không đón nhận mà lại tự ý đi theo một chương trình hoạt động mà ta nghĩ là phong phú, nhưng thật thì chỉ do những sở thích của cá nhân, lợi nhuận riêng tư mà thôi. Nó xa vời với tinh thần phục vụ, hy sinh, vâng lời, thế mà ta vẫn đinh ninh trong trái tim rằng mình trung thành với bác ái mục vụ.

3. Chưa hết, lầm lạc trên có thể đưa ta đến đặt quan trọng vào điều ta làm được hơn là đến hiệu quả thiêng liêng bởi đó mà ra. Ta yêu cái lưới bắt cá hơn việc giăng lưới mệt nhọc suốt đêm (Lc 5,9). Cách suy nghĩ này làm cho ta bám víu vào công cuộc quản trị pháp lý bên ngoài, không còn lưu ý đến nhân từ, tình thương, hy sinh trong công việc mục vụ nữa. Thí dụ như ta vẫn sai cha phó đến các họ lẻ “cho lễ" ngày Chúa nhật, nhưng các trẻ sơ sinh ở các họ lẻ vẫn phải đến nhà thờ nhà xứ chịu phép Rửa tội hai giờ trưa mỗi Chúa nhật. Khi linh mục đã chỉ nghĩ đến quản trị theo luật lệ như vậy, tính tình sẽ trở nên nóng nảy, không còn cảm thông được những sai sót của giáo dân với khuôn mực mình đã đặt ra trong giáo xứ. Và thế là linh mục đã biến từ một người tự hiến để phục vụ nên người thi hành một nghề nghiệp.

4. Cũng có linh mục bầu nhiệt tâm vẫn còn, nhưng vì muốn cho công việc mình có hiệu quả, nên đã rơi vào cứng cỏi, thiếu tình thương mà không hay biết. Về khuyết điểm này, trước hết phải nói đến cách sử dụng tòa giảng một cách vụng về, gây xúc phạm công khai đến một số cá nhân trong họ đạo. Chắc rằng, trong trí khôn, ta chỉ muốn sửa chữa một sai lầm hay một nết xấu, nhưng trong cách nói, không những ta đã thiếu thương xót, mà còn thiếu mực thước và nhân đạo, nên ta đã làm cho người có sai lầm hay nết xấu ấy bị xúc phạm như một sỉ nhục cá nhân. Cho rằng ta có thiện chí và muốn sự lành đi chăng nữa, ta cũng đã sai lỗi trong bác ái mục vụ muốn ta khiêm nhượng, thương yêu chứ không muốn ta khoe khoang về quyền uy, và can đảm đối đầu.

5. Sau hết, phải nhắc đến một nguy cơ hoạt động bên ngoài rất quen thuộc ở thời đại chúng ta là quá đề cao các phương tiện kinh tế và tự nhiên khác đến nỗi quên đi vai trò chứng nhân về Đức Kitô. Các phương tiện ấy chiếm đoạt tâm hồn một số linh mục đến nỗi các ngài quên đi bậc thang các giá trị mình phải giữ trong đời sống mình. Chắc rằng các phương tiện vật chất nhiều khi rất cần, nhưng việc tìm kiếm và sử dụng chúng không được làm cho đời linh mục không còn tận hiến cho Thiên Chúa và qui mọi sự về Người nữa. Ta đừng đo thành công mục vụ của ta ở sự phát đạt tiền của. Ta đừng làm cho việc giúp đỡ tha nhân của ta biến thành một nguồn lợi cho mình hay một bàn giấy viện trợ. Ta cũng đừng khỏa lấp sự yếu kém về hiểu biết tôn giáo và đức tin bằng những cuộc lễ long trọng, chi phí quá tốn kém. Những phô trương bề ngoài nói trên thường che giấu một niềm tự hào ở sức riêng mình quá cao. Ta phải nhớ rằng : trong việc mở Nước Thiên Chúa và xây dựng Giáo Hội, để thành công, việc trông cậy vào ơn Chúa và đời sống thiêng liêng không lúc nào được giảm sút. Chúng phải luôn đồng hành với các hoạt động bên ngoài. Hai bên sẽ nâng đỡ nhau, thánh hóa lẫn nhau như bánh và rượu dâng lên Thiên Chúa là biểu tượng của vất vả trần gian bay lên như hy lễ trước tôn nhan Thiên Chúa.
Để kết luận, ta hãy nhớ lời “Chỉ nam” nhắc nhở người lãnh đạo phải phục vụ cộng đồng. Nhưng phục vụ ở tại sự gì? Ở tại soi sáng cho lương tri người ta được nhận biết các chân lý mặc khải, bảo vệ họ với uy tín trong đời sống Kitô hữu theo sát Phúc Âm. Dù vậy, biết sửa chữa sai lầm, tha thứ lỗi phạm, băng bó vết thương yên ủi buồn phiền và động viên tình huynh đệ (C.I.C. can. 529, n.1). Nói cách khác, quyền lãnh đạo cộng đồng của linh mục phải ân cần, âu yếm chứ không được cứng cỏi, theo sở thích, bất lịch sự. Ta hãy nhớ lời thánh Phêrô : “Đừng lấy quyền hành mà thống trị những người Thiên Chúa trao phó, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pet 5, 3).

-------------------------------
 

Bài 4: SENTIRE CUM ECCLESIA


Suy tư Thần học của Linh mục Giuse Thân Văn Tường

(Chỉ nam về trách vụ và đời sống linh mục số 56)

“Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 27,20).

 

Lời này gợi lên sự hiện diện hữu hiệu của Đức Kitô trong Giáo Hội. Sau khi Chúa đã về trời Bài 4


Lời này gợi lên sự hiện diện hữu hiệu của Đức Kitô trong Giáo Hội. Sau khi Chúa đã về trời, sự hiện diện hoạt động này trở nên vô hình, nhưng vẫn tích cực, hữu hiệu với mọi người như khi Chúa còn ở trần gian. Chức tư tế với quyền hành và trách vụ mà linh mục có là dấu hiệu hữu hình của chức tư tế độc nhất và phổ quát của Đức Kitô nay đã về trời. Chỉ có Chúa mới là Thầy tư tế, chỉ có Chúa mới cứu chuộc loài người trong khi sát nhập họ vào Nhiệm thể mình nhờ các thừa tác viên nối tiếp nhau mà Chúa đã ban cho chức thánh trong thời gian.

I. Nghi lễ phong chức diễn tả rất rõ ý nghĩa của thực tại này.

Chỉ một mình Giám mục chủ phong cầm bánh và rượu, nhưng tất cả các tân linh mục cùng đọc với Ngài lời “truyền phép” bánh và rượu. Tất cả các ngài đều là thừa tác viên của Đức Kitô, số người không thêm, mà cũng không bớt gì cho việc “truyền phép”, các ngài là một trong Đức Kitô, và lễ Misa vẫn thành dù có đông hay ít người cử hành. Chỉ cần nghi lễ của Giáo Hội được tuân giữ, và mọi người đều “sentire cum Ecclesia”.
Nghi lễ trên cho thấy linh mục không hành động với tư cách riêng của mình. Hành động của ngài là hành động của Đức Kitô, không có thêm hay bớt. Hành động ấy chứng tỏ các linh mục phải biết mến yêu và cộng tác vào việc cứu chuộc của Đức Kitô như thế nào. Là linh mục ta phải thấu triệt ý nghĩa của nghi lễ trên.
Nghi lễ ấy còn ban cho linh mục một ấn tích. Ấn tích ấy vừa có tính cá nhân, vừa đưa cá nhân vào một phẩm trật trong Giáo Hội.
Ân huệ chức linh mục hoàn toàn có tính cá nhân, mỗi linh mục nhận được cho mình một cách bền bỉ dù với thời gian ngài có thể sử dụng tốt hay xấu. Suốt đời ngài, Đức Kitô luôn trung thành chọn ngài như dụng cụ để cứu chuộc loài người.
Nhưng Đức Kitô cũng đưa ngài vào một phẩm trật (ordre). Trên đầu phẩm trật ấy là Đức Thánh Cha, ngài nắm giữ đầy đủ quyền do chức thánh và quyền tài thẩm ban. Ngài là trung tâm hữu hình của Giáo Hội. Mỗi Giám mục, khi đã được thụ phong, cũng đều có trách nhiệm chung với Đức Giáo Hoàng về Giáo Hội. Còn các linh mục khi bước vào phẩm trật, thì trở nên “cộng tác viên” của hàng Giám mục. Ngài làm nên với các linh mục khác một tập đoàn linh mục. Chức tư tế của ngài lệ thuộc vào chức tư tế của Giám mục, vì thế mà ngài không có quyền truyền chức thánh cho người khác, và phải hành động theo đường lối chung của giáo phận.
Tuy linh mục nhận được chức vị của mình nhờ một Giám mục, nhưng việc phong chức không gắn liền linh mục vào cá nhân một Giám mục, mà nhờ vào ân sủng tư tế do Đức Kitô ban. Ngài phải cộng tác vào trách vụ mục tử của Giám mục, nhưng trách vụ ấy cũng đến từ Đức Kitô qua Chúa Thánh Thần, vì thế mà linh mục cũng như Giám mục đều phải rao giảng lời Thiên Chúa cho mọi người (L.G. 28).
Còn đối với giáo dân, linh mục phải noi gương Đức Kitô, sống như mục tử tốt lành, tận tuỵ vì phần rỗi họ. Ngài phải dạy dỗ người ta theo đạo lý của Giáo Hội, phải tìm hiểu các vấn đề của thời đại theo ánh sáng của Tin Mừng. Trong bất cứ trường hợp nào, ngài cũng không được dạy dỗ theo ý nghĩ riêng của chính mình, nhưng theo tinh thần Phúc Âm và mời gọi một cách kiên trì mọi người trở lại và nên thánh (cf P.O.54).
Chỉ nam của bộ giáo sĩ nhắc nhở linh mục làm việc trong thông hiệp với Giáo Hội, một cách bền bỉ và trung thành, nghĩa là ngài luôn phải chia sẻ trong đức tin và hành động với Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các linh mục, các tu sĩ và toàn thể giáo dân.

II. Như đã nhắc đến ở trên,

chức linh mục vừa ban ân huệ cá nhân bền bỉ, vừa đưa vào một phẩm trật có những vị trí khác nhau, nên trong khi thi hành nhiệm vụ, trước hết linh mục phải biết sử dụng sáng suốt và khôn ngoan khả năng tự nhiên và siêu nhiên mình đã đón nhận.

Theo “Christus Dominus” (số 16) thì không những Giám mục mà cả linh mục, là cộng sự viên của ngài, cũng đều phải cố gắng qui tụ mọi người nên một đại gia đình, trong đó mọi người đều ý thức trách nhiệm của mình và thi hành trách nhiệm ấy vì bác ái. Trong một tập thể mà sự đoàn kết hoàn toàn tự do vì yêu mến như vậy, vai trò của linh mục là đem đến cho mọi người từ Đức Kitô một sức thuyết phục và khích lệ ấm áp tạo nên một bầu không khí huynh đệ trong cộng đồng.
Chắc rằng, khi đã nói đến phẩm trật thì không tránh khỏi đòi hỏi phải có trật tự, nghĩa là lề luật và quyền bính. Nhưng nếu phẩm trật chỉ dựa vào những yếu tố ấy mà cũng cố duy nhất trong Giáo Hội, thì đã đi sai đường lối của Đức Kitô. Thật vậy, trong lúc đi rao giảng Tin mừng, Chúa luôn đã phải đối đầu với cách xử sự theo luật lệ bề ngoài của giới lãnh đạo Do Thái giáo, và Chúa đã lên án cách xử sự ấy một cách nghiêm nhặt. Với Chúa, phải lấy bác ái làm đầu, và khi giữ lề luật, thì phải giữ theo tinh thần chứ không theo nghĩa chữ. Trong Giáo Hội phải tránh áp đặt máy móc, và phải sử dụng đức tin và đức mến. Vì thế mà Vatican II đã khuyên các linh mục phải tỏ ra nhân hậu với mọi người theo gương Đức Kitô (P.O. 6). Các ngài phải có một số đức tính trong quan hệ với người ta : như sự hiền lành, sự thành thật, sức mạnh luân lý, sự kiên nhẫn, lòng yêu mến sự công bình, sự tế nhị... Các điều này thánh Phaolô đã đánh giá là : “Những gì thật, đáng tôn trọng, thuộc nhân đức và đáng khen” (Ph 4,6).
Nhưng sống như trên ta mới chỉ tạo được một uy tín và thiện cảm với giáo dân. Ta còn phải hướng dẫn họ nữa. Chỉ nam nhắc ta phải biết các “dấu chỉ của thời đại”, từ các dấu chỉ tổng quát cho Giáo Hội toàn cầu, đến các dấu chỉ riêng của địa phương. Để nhận ra và nhận được các dấu chỉ ấy, không những ta phải theo dõi các biến cố mà truyền thống đại chúng cung cấp, ta còn phải theo dõi các vấn đề mục vụ và thần học được nêu lên, và phán đoán một cách sáng suốt về các dự kiện xã hội và khoa học xảy đến ở thời đại chúng ta.
Như vậy, để điều hành một họ đạo cho luôn tiến triển, sống động, việc làm gương sáng chưa đủ, còn cần phải có hiểu biết rộng và óc sáng tạo. Ngày nay, trong lúc xã hội biến đổi nhanh chóng, ta không có thể giữ cho họ đạo sống bất động trong khuôn mẫu cũ được, ta có trách nhiệm phải làm cho nó tiến triển và đổi mới theo nhịp độ của Giáo Hội hoàn vũ. Các vấn đề được đặt ra theo từ ngữ và phạm trù mới cần phải có những giải đáp mới thì người ta mới hiểu để mà đón nhận.

III. Mục tử nào thì cũng là tiêu biểu cho Đấng Mục tử duy nhất của loài người.

Nhưng riêng cá nhân ngài thì không là tiêu biểu cho toàn thể các hoạt động để đưa đến duy nhất ấy. Đức Kitô đã gọi từng tông đồ, nhưng đã lập nhóm Mười Hai. Trong duy nhất điều hành theo hình thức tập đoàn này, có các trọng trách rất đa dạng, các bản vị khác nhau rất nhiều trong tài đức. Chỉ có một gương mẫu cho người tông đồ là Đức Kitô, nhưng tập đoàn tạo nên những cá nhân khác nhau vì trách vụ và khả năng khác nhau. Các gương mặt như Phêrô, Gioan, và Phaolô thật là khác nhau, nhưng các ông cùng có một lòng mê say phục vụ Nước Thiên Chúa.
Vì bao gồm sự phát triển của nhiều trọng trách khác nhau, tập đoàn bảo đảm được cách tốt nhất các khả năng cá nhân của mỗi người. Khi tập đoàn đề cao sự bổ khuyết cho nhau của các tài năng cá nhân, thì làm cho các cá nhân dễ dàng đón nhận tinh thần cộng tác của đồng đội, và làm cho mỗi người cảm thấy cần có bác ái huynh đệ. Ở đâu ý thức về tính tập đoàn của các vị trong “phẩm trật” được sâu rộng, thì ở đấy tình huynh đệ trong hàng giáo sĩ trở nên mỗi ngày một hiệu nghiệm hơn.
Tập đoàn không có nguồn gốc từ Đức Kitô. Trong Cựu ước, cũng đã có tập đoàn các kỳ lão, nhưng trong Tân ước, Đức Kitô đã đổi mới tương quan của các phần tử trong tập đoàn. Trong Cựu ước, các tư tế thuộc về một chi họ, cha truyền con nối; trong Tân ước, các vị nối tiếp nhau không thuộc một chi họ, nhưng cùng gắn bó với Đức Kitô và cùng từ bỏ nước trần gian để chuyên lo việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Tình huynh đệ thiêng liêng giữa các linh mục phải bắt nguồn từ sự gắn bó với Đức Kitô để lo cho sứ mệnh chung nói trên. Ở thời đại nào, tình huynh đệ thiêng liêng ấy cũng có nét độc đáo của nó. Như ở thời đại chúng ta, mọi người đều khao khát hoà bình liên đới và bao dung, thì các linh mục cần phải tỏ ra hoà bình liên đới và bao dung hơn với nhau và với mọi người.
Trong mục vụ, khả năng cá nhân phải điều hoà trong phẩm trật và đoàn thể, vì thế mà trong Giáo Hội luôn có cơ chế và tổ chức. Trong một thế giới mỗi ngày cơ chế và tổ chức một phức tạp, người Kitô giáo có thể căn cứ vào thiện chí và bác ái loại bỏ dần dần cơ chế và tổ chức được không? Chắc rằng cơ chế và tổ chức có thể đưa đến điều hành quản trị một cách lạnh lùng, hình thức, nhưng cơ chế và tổ chức vẫn có nền tảng ở Mầu nhiệm Nhập thể, và nhu cầu có hồn và có xác của con người. Có một điều cần phải lưu ý là cơ chế và tổ chức không trường tồn và phải luôn đổi mới cho thích hợp và hiệu nghiệm trước những tình trạng lịch sử và địa lý khác nhau. Chính vì thế mà hàng giáo sĩ được “chỉ nam” mời gọi tìm hiểu “dấu chỉ” của địa phương cũng như của thể giới để mà thích nghi hoạt động tông đồ của mình.

***

Để kết luận, theo “Lumen Gentium” (số 4) thì linh mục phải “qui tụ gia đình Thiên Chúa nên một huynh đệ đoàn mà sự đoàn kết làm cho sống động”. Ngài luôn có trách nhiệm giúp mọi người hoà hợp. Nhưng sự hợp nhất ấy không phải là bất cứ một sự hợp nhất nào. Nó phải là sự hợp nhất tinh thần chỉ có được bên Đức Kitô trong đức tin và đức mến. Sự hợp nhất hữu hình của Giáo Hội tuy diễn tả, nhưng không đồng nhất với sự hợp nhất vô hình này vượt trên mọi hợp nhất bên ngoài.

-------------------------

 

Bài 5: ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN CỦA LINH MỤC


Suy tư thần học của linh mục Giuse Thân Văn Tường

(Chỉ nam về chức vụ và đời sống của linh mục số 57-61)

 

Về vấn đề độc thân của linh mục, ở thời đại chúng ta, đã nổi lên trong Giáo Hội rất nhiều tranh luận Bài 5


Về vấn đề độc thân của linh mục, ở thời đại chúng ta, đã nổi lên trong Giáo Hội rất nhiều tranh luận, chống một cách ồn ào và phò một cách bình tĩnh hơn ở các thế kỷ trước. Dư luận chống thường căn cứ ở tâm lý chiều sâu và ở căn tính bậc linh mục không có bó buộc phải giữ bậc độc thân. Dư luận phò đã nhờ ở suy nghĩ về các lý do trên, nên đã trở nên sâu sắc hơn. Chúng tôi nói sâu sắc hơn, chứ không nói vững vàng hơn, vì bậc độc thân là một cái gì mầu nhiệm vượt trên suy luận của con người. Để yêu mến bậc ấy thì phải nhờ cậy vào Chúa Thánh Thần chứ không trông cậy ở suy luận đời này được, nhất là ở thời đại chúng ta là thời đại các giá trị tinh thần hoặc bị đảo lộn, hoặc bị lãng quên. Chính Chúa Giêsu cũng đã cho biết bậc độc thân khó hiểu cho trí khôn tự nhiên : “Không phải ai cũng hiểu lời này, nhưng chỉ những người đã được ban cho (hiểu). Thật vậy, có những hoạn nhân đã như vậy khi sinh ra từ lòng mẹ, có những hoạn nhân đã trở nên như vậy vì can thiệp của loài người, và có hoạn nhân trở nên như vậy vì Nước Trời. Ai có thể hiểu được thì hãy hiểu” (Mt 19, 10-12).

I.- Khi đón nhận chức linh mục

thì ai cũng đã chấp nhận dâng hiến đời mình để làm tròn thừa tác vụ Đức Kitô trao phó cho mình trong Giáo Hội. Bậc độc thân với ngài chỉ là tiêu biểu mình đã hiến thân “trong Đức Kitô” và “với Đức Kitô” cho Giáo Hội Người.
Khi chọn bậc độc thân, các linh mục không phải là người trước tiên chọn một nếp sống gây ngỡ ngàng cho người xung quanh, chính Đức Kitô mới là Đấng chọn một nếp sống khác hẳn với tục lệ Do Thái. Người đã giữ độc thân để tự do hoàn thành sứ mệnh Ngôi Cha trao phó là cứu chuộc nhân loại. Tiếp đến các tông đồ, khi đã đón nhận sứ mệnh của mình, thì cũng đều đã sống độc thân để dành cả đời mình cho việc tông đồ. Và các ông cũng đã coi đó là một tấm gương cho các vị nối tiếp các ông noi theo (2 Thes 2,15; 1 Cor 7,5; 9,5; 1 Thes 3, 2-12; Tit 1, 6-8).
Theo thư của Thánh Phaolô gửi người Êphêsô (cf 5, 25-27) : giữa sự thánh hiến của Đức Kitô linh mục và sự thánh hoá Giáo Hội có một quan hệ rất bền chặt. Thánh Phaolô đã lấy tình nghĩa phu thê để gán cho quan hệ ấy. Đức Kitô luôn săn sóc, che chở Giáo Hội để Giáo Hội được tươi sáng đẹp đẽ, không một vết nhăn trên khuôn mặt. Nhờ chức thánh, linh mục cũng được tham dự vào tình yêu chuyên nhất này của Đức Kitô nhờ ở lời hứa độc thân.
Có nhìn bậc độc thân như trên, ta mới hiểu rằng : ở thời đại chúng ta, đã có những đào ngũ lớn lao, những gương mù đáng tiếc, nhưng Giáo Hội cũng vẫn cương quyết đòi “việc độc thân vĩnh viễn, chấp nhận một cách tự do” ở những người đã lựa chọn bậc linh mục (CIC. Can 277,1; P.O 16). Giáo Hội coi đó là một chứng tích tình yêu của Đức Kitô dành cho mình đem lại nhiều hiệu quả tốt đẹp cho việc thánh hoá các phần tử trong Giáo Hội. Nhưng để ân huệ này mang lại đầy đủ ơn lành mà Kinh Thánh đã nhắc đến, thì các linh mục phải đón nhận bậc độc thân không phải như một cái ách áp đặt từ bên ngoài, nhưng như một giải thoát mới mẻ và một chứng tích về sự gắn bó của mình với Đức Kitô qua việc hiến thân phục vụ Giáo Hội Người.
Vì thế, các ứng viên, trước khi dấn thân vào bậc độc thân, cần phải được sửa soạn kỹ càng bởi các cơ quan hữu trách để họ hiểu biết, quí trọng, yêu mến sống đời độc thân đúng như bản chất và cứu cánh thiêng liêng và mục vụ của đời sống ấy mà Phúc Âm đã đề cao.
Căn bản của đời sống độc thân nơi linh mục là có đức khiết tịnh trong tương quan với hết mọi người bất phân ở giới nào và tuổi nào. Nhờ có đức khiết tịnh ta sẽ biểu lộ một tình yêu huynh đệ, chân thành, phát xuất không từ đam mê, cảm xúc bên ngoài, nhưng từ ý muốn của bản ngã sáng suốt và quả cảm, sẵn sàng theo gương Đức Kitô, hy sinh bản thân để làm ích cho mỗi người và mọi người (P.O 10). Nhờ đức khiết tịnh, linh mục sẽ có thể gắn bó với Đức Kitô trong một tình yêu không chia sẻ mà Phúc Âm đòi hỏi, và làm chứng về một thế giới tương lai trong đó không còn đàn ông và đàn bà (cf. Lc 20,36). Chính đức khiết tịnh này sẽ giúp cho linh mục có đức mến hoàn hảo trong công việc mục vụ của mình.
Khi nhìn bậc độc thân như trên,  đó là một đặc sủng không bất cứ ai cũng có thể có và hiểu được. Đặc sủng này đòi một đáp trả có ý thức và tự do ở người đón nhận. Lời đáp trả này quyết liệt chỉ người ý chí đã được tôi luyện mới có được. Với một người như vậy thì Chúa Thánh Thần sẽ đến ban cho sự trung tín trong cả đời mình, và sự sẵn sàng đón nhận các đòi hỏi một cách tự do, vui vẻ. Ở linh mục, ý thức về đặc sủng này phải được in đậm nét trong tâm hồn, để ngài luôn nhớ trong cầu nguyện và khôn ngoan trước những hiểm nguy có thể xảy đến.

II- Trong bối cảnh xã hội và tôn giáo ở nước ta ngày nay,

chức linh mục có một vị trí xã hội nhiều thanh niên thèm muốn không vì lý do đạo đức. Do đó, để được chịu chức, người ta chạy chọt nơi này, nơi nọ; tham gia công tác xã hội không vì tinh thần xã hội, nhưng để được chấp nhận. Người ta chấp nhận bậc độc thân như một điều kiện Giáo Hội áp đặt, chứ không phải một ân huệ đi theo với chức linh mục mà chính mình mộ mến. Lựa chọn chức linh mục không phải là tự do lựa chọn một ơn gọi riêng trong tình yêu đối với Thiên Chúa và Giáo Hội nữa, nhưng là lựa chọn một vị trí xã hội tốt nhất mà mình có được cho cá nhân mình. Linh mục có tâm trạng ấy chẳng bao giờ trưởng thành trong bậc độc thân mình phải giữ. Ngài sẽ luôn bất mãn với bó buộc của Giáo Hội và luôn nhìn khoái lạc giới tính như quả trái cấm với đôi mắt thèm thuồng của Ađam, Evà.
Tình trạng tâm lý lệch lạc nói trên được chi phối phần nào bởi xu hướng văn hoá ngày nay thường có cái nhìn phiến diện về con người như chỉ có những giá trị vật chất mà thôi. Thật vậy, với những người có xu hướng trên, thật khó mà thuyết phục được họ tin rằng : Việc tự chủ trong phạm vi giới tính là một tín hiệu cho tự do cá nhân.
Những chống đối về đời sống độc thân của linh mục thường dựa vào cái nhìn đời sống con người nói trên. Người ta đặt vấn đề về giá trị và ý nghĩa của bậc độc thân hoàn toàn ở phạm vi tâm lý. Người ta phủ nhận quan hệ bền chặt và hài hoà của bậc độc thân với chức linh mục. Các lý do người ta đưa ra có thể tóm lược trong hai mục sau đây :
1/- Khước từ bậc vợ chồng là nghi ngờ và coi rẻ giới tính. Nhưng Giáo Hội chẳng bao giờ hạ giá bậc vợ chồng, bậc ấy đáp lại một sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao cho loài người khi dựng nên họ, đó là sinh sản ra khắp trái đất để quản trị nó. Trước mắt Giáo Hội, người độc thân không vì độc thân mà quí giá hơn người kết hôn. Người ở bậc nào cũng có thể nên thánh vì trách vụ của bậc mình có. Nhưng khi đã muốn tham dự vào chức linh mục của Đức Kitô thì thông phần vào tình yêu không chia sẻ của Người cho Giáo Hội là một điều rất thích hợp. Điều này Giáo Hội Rôma đã muốn cho các linh mục của mình phải có.
2/- Người ta đã coi đòi hỏi của Giáo Hội Rôma như quá khó. Họ làm chứng điều này trong lúc đưa ra “cas” một số linh mục có những mối tình trộm vụng làm cho lương tâm dằn vặt gây tổn thương trầm trọng cho tình trạng thần kinh của họ, và một số linh mục đã tự rời bỏ chức linh mục để đi vào đời sống hôn nhân. Nhưng dẫu sao, các “cas” nói trên chỉ là trường hợp cá nhân. Con số các “cas” ấy khiêm tốn không đáng kể so với các linh mục trung thành. Rất nhiều linh mục đã sống bậc độc thân của mình trong tự do lựa chọn, và đã có một đời sống nội tâm phong phú, hết mình bắt chước Chúa Giêsu, lo cho phần rỗi các linh hồn.
III/- Bậc độc thân không dành cho hết mọi người, chỉ những ai có một ơn gọi đặc biệt mới nên đón nhận mà thôi (Mt 19, 10-12). Để giữ và làm phát triển ơn này trong bầu không khí tự do, vui tươi, đem lại tiến triển thiêng liêng cho đời sống linh mục, thì cần phải tuân giữ kỷ luật mà Giáo Hội đã ân cần đưa ra trong việc huấn luyện trong chủng viện để các linh mục trung thành tuân giữ trong đời sống mục vụ của mình. Linh mục nào bỏ qua kỷ luật ấy chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn xảy đến cho đời sống độc thân của mình.
Vì thế, linh mục cần phải thận trọng và khôn ngoan trong giao tiếp với những người mà sự gần gũi có thể làm cho mình gặp nguy hiểm, hay ít là gây gương mù cho giáo dân (CIC. Can 277, 2). Ở một vài trường hợp đặc biệt, phải nhờ Đức Giám mục chỉ giáo, vì ngài có trách nhiệm chỉ định về các tiêu chuẩn chính xác cho ta (CIC. Can 277, 3).
Trong một thời đại có xu hướng đề cao khoái lạc giới tính trong văn hoá, nghệ thuật và đời sống như ngày nay, linh mục càng phải quan tâm đến các qui luật về tiết chế mà bậc linh mục phải giữ để nên hình ảnh của Đức Kitô.
Sách vở, báo chí, truyền hình, rạp hát không luôn đem lại cho những hình ảnh trong lành. Ta phải biết tự chủ trong khi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng ấy, đừng chiều theo tò mò không lành mạnh lấy lý do mình phải hiểu biết để làm mục vụ. Trong mục vụ về gia đình cho lớp người trẻ, ta nên sáng suốt nhận biết giới hạn của mình. Có những vấn đề về giới tính chỉ có bác sĩ và nhà tâm lý chuyên môn mới hiểu được chính xác. Ta nên sáng suốt nhận biết giới hạn của ta, và nhờ cậy vào các tín hữu có đời sống hôn nhân và có chuyên môn khoa học giúp ta chỉ dẫn cho giới trẻ khi đề cập đến các vấn đề này.
Để củng cố sự trung thành trong bậc độc thân, linh mục cũng nên sùng kính cách riêng Thánh Tâm Chúa Giêsu suốt đời đã chỉ nghĩ đến hy sinh về phần rỗi nhân loại, và Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu đời sống trinh khiết và là đấng che chở cách riêng bậc độc thân của các linh mục.
Nói tóm lại, linh mục không được coi bậc độc thân là điều kiện hoàn toàn bên ngoài của chức thánh. Đó là một ân huệ gắn liền với chức thánh vì nó làm cho ta nên giống Đức Kitô là Đấng chăn chiên lành và là hôn phu của Giáo Hội. Nhờ trung thành trong bậc độc thân, ta biểu lộ cho người ta thấy ở bên ngoài rằng : ta chỉ có một tình yêu chuyên nhất cho Đức Kitô và Giáo Hội Người mà thôi.

-------------------------------------------------

Tác giả: Lm Thân Văn Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây