SUY NIỆM SẮC LỆNH về ĐỜI SỐNG và CHỨC VỤ LINH MỤC - Lm. Giuse Thân Văn Tường

Thứ bảy - 02/09/2017 10:54
SUY NIỆM SẮC LỆNH về ĐỜI SỐNG và CHỨC VỤ LINH MỤC - Lm. Giuse Thân Văn Tường
SUY NIỆM SẮC LỆNH về ĐỜI SỐNG và CHỨC VỤ LINH MỤC - Lm. Giuse Thân Văn Tường

SUY NIỆM SẮC LỆNH 
VỀ ĐỜI SỐNG và CHỨC VỤ LINH MỤC

Lm. Giuse Thân Văn Tường

Cho phép in để sử dụng
+ Micae Nguyễn Khắc Ngữ
Giám mục Long Xuyên 
---------------------------------------
1. Về thực chất của chức linh mục (số 2) 1
2. Thân phận linh mục trong thế gian (số 3) 5
3. Linh mục là kẻ rao giảng lời Chúa (số 4) 8
4. Linh mục thừa hành các bí tích và phép Mình Thánh (số 5) 11
5. Linh mục là đầu dân Thiên Chúa (số 6) 15
6. Cách đối xử với Giám mục và anh em linh mục (số 7 và 8) 18
7. Cách đối xử với giáo dân (số 9) 21
8. Chức tư tế không có không gian và thời gian (số 10 và 11) 24
9. Linh mục phải nên thánh (số 12, 13) 28
10. Phải thống nhất đời sống (số 14) 31
11. Khiêm nhường và vâng lời (số 15) 33
12. Sống độc thân (số 16) 36
13. Linh mục nghèo trong một Giáo Hội nghèo (số 17) 40
14. Những phương tiện phát triển đời sống tinh thần (số 18, 19) 44
15. Hy vọng sâu xa của linh mục (số 22) 47

-------------------------------------



 

1. Về thực chất của chức linh mục (số 2)


Trong sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, Công đồng đã nhắc đến vai trò quan hệ các linh mục trong việc canh tân Giáo Hội, và cũng không quên những khó khăn mà ngày nay các linh mục gặp phải trong lúc thi hành nhiệm vụ của mình. Do đó, Giáo Hội đặc biệt chú trọng đến các linh mục và sẽ trình bày đầy đủ và sâu rộng về chức này.

Là linh mục, chúng ta có nhiệm vụ tìm hiểu ý Giáo Hội muốn về chúng ta như thế nào? Đây là tài liệu quý giá nhất, vì là tiếng nói của chính Giáo Hội. Các sách đạo đức nói về chức linh mục hay hạnh các vị thánh linh mục có thể cho ta biết một vài khía cạnh về chức ấy, nhưng ở đây, chính Giáo Hội dạy cho chúng ta biết thực tính của chức linh mục là gì.

Chỉ có Chúa Kitô mới là thầy tư tế duy nhất, mà Ngôi Cha đã thánh hoá và sai xuống thế gian (Ga 10,36) để ban cho nhiệm thể của Ngài cũng được tham dự vào chức tư tế ấy. Như vậy, cả Giáo Hội đều tham dự vào quyền tư tế của Chúa Kitô, và mọi người giáo hữu đều thuộc về dân thánh và dòng dõi tư tế, có nhiệm vụ phải dâng lên Thiên Chúa hiến tế thiêng liêng nhờ Chúa Kitô. Linh mục cũng như các tín hữu khác, phải tham dự tích cực vào quyền tư tế này, nghĩa là vào việc thánh hoá bản thân để trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa và nên gương sáng cho mọi người.

Nhưng trong mình mầu nhiệm Chúa Kitô “các phần tử không có cùng một chức việc” (Rm 12,4). Có người làm giáo sĩ, có người làm giáo dân. Nhờ bí tích truyền chức, linh mục đã được cắt đặt để dâng thánh lễ và tha tội cho người ta. Ngài phải thi hành trước công chúng chức vụ tư tế, nhân danh Chúa Kitô, vì ích lợi của dân Thiên Chúa.

Ngày chịu chức, chúng ta đã nhận lấy một sứ mạng riêng. Như Chúa Kitô đã được Đức Chúa Cha sai xuống thế gian mà cứu chuộc và thánh hoá thế gian, Chúa Kitô cũng sai các tông đồ đi khắp nơi trên mặt đất như vậy. Rồi sau, nhờ các tông đồ, Chúa Kitô cũng đã cho các Giám mục tham dự vào sự thánh hoá và sứ mạng của Người như vậy. Sứ mạng của các Giám mục được chuyển thông cho các linh mục như là những người thuộc quyền. Do đó, những tín hữu được chịu chức linh mục phải cộng tác với Giám mục để làm tròn sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó.

Sự trao phó trên là một hành vi sống động, Chúa Kitô đặt tay trên các tông đồ, thì các ngài trở nên thừa hành của Chúa trong việc cứu rỗi nhân loại. Các tông đồ đặt tay trên các Giám mục, thì các Giám mục nên người nối nghiệp các tông đồ, các Giám mục đặt tay trên các linh mục, thì các linh mục được thông quyền tư tế của các ngài. Sự trao phó ấy là một chuỗi truyền thụ mà đấng đứng đầu là Chúa Kitô. Vì thế, chức linh mục không có ai ở dưới đất này có thể ban cho ta được, đó là một trao gởi tự chính tay Chúa Kitô. Có bao giờ ta nghĩ đến cái vinh dự to lớn đã được không? Chính Chúa Kitô đã trao cho ta chức linh mục của ta qua tay Đức Giám mục.

Sự trao gởi trên đưa đến những kết quả sau đây:

1. Chức vụ của linh mục, vì liên kết với chức vụ của Giám mục, nên là một tham dự vào quyền của chính Chúa Kitô, mà Thiên Chúa đã ban để người xây dựng, thánh hoá và cai quản nhiệm thể Người là Giáo Hội.

Do đó, nếu chức linh mục đòi hỏi ở người ta các phép bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, chức ấy còn đòi một bí tích khác, in một dấu đặc biệt làm cho ta trở nên giống Chúa Kitô tư tế. Nhờ dấu ấy, chúng ta được Chúa Thánh Thần ban ơn dư dật, và được chấp nhận trong Giáo Hội để hành động nhân danh Chúa Kitô, làm đầu nhiệm thể. Như vậy, ấn tích thiết lập ta trong chức linh mục cho đến muôn đời.

2. Linh mục tham dự vào chức vụ của Giám mục, nghĩa là vào chức vụ của các tông đồ, vì thế ngài cũng nhận được ân sủng của Thiên Chúa để can trường và sáng suốt mà đi rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Nhiệm vụ truyền giáo, và truyền giáo cho hết mọi người, là nhiệm vụ gắn liền với chức linh mục. Các tông đồ được Chúa Kitô quy tụ để sai đi giảng đạo cho muôn dân, thì ngày nay chúng ta, những kẻ nối nghiệp các tông đồ, chúng ta cũng vẫn trực tiếp được Chúa sai đi như các tông đồ.

3. Khi đã rao giảng Phúc Âm và có người tin theo, thì ta quy tụ những người ấy lại để làm nên dân Thiên Chúa. Dân này, vì được Chúa Thánh Thần thánh hoá trong các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mà ta ban cho họ nhân danh Chúa Kitô, sẽ tự hiến thân “như của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

Tất cả của lễ thiêng liêng của Giáo Hội phải được quy tụ lại và hợp với của lễ Con Một Thiên Chúa là Chúa Kitô, để dâng lên tôn vinh Thiên Chúa. Linh mục có bổn phận làm công việc ấy. Ngài thay mặt Giáo Hội dâng lên Ngôi Cha cuộc hiến tế của Chúa Kitô cùng với cuộc hiến tế của cả Giáo Hội. Nhiệm vụ của linh mục hoàn tất bằng thánh lễ Misa. Bắt đầu thì ngài rao giảng Phúc Âm, thánh hoá người ta bằng các phép bí tích, nuôi dưỡng người ta bằng phép Mình thánh và sau hết ngài quy tụ dân Chúa lại, để dâng lên Thiên Chúa một cuộc hiến tế đại đồng, do chính linh mục thượng phẩm là Đấng đã hiến mình vì chúng ta, trên núi Sọ, làm chủ tế.

Như trên, nhiệm vụ và đời sống linh mục là hiến dâng để làm sáng danh Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Vinh dự của ngài là quan tâm đón nhận tất cả những ai có thiện chí muốn tham dự vào công việc mà Thiên Chúa hoàn thành trong Chúa Kitô. Công việc ấy là thu phục mọi vật trên trời và dưới đất. Công việc trên phải được chiếu sáng trong cả đời sống linh mục, nghĩa là trong sinh hoạt hằng ngày, linh mục phải tỏ ra rằng mình chỉ có một lo âu, một ước vọng, là làm sáng danh Chúa Cha và cứu vớt các linh hồn.

Có được tâm trạng ấy, thì dù khi linh mục đọc kinh cầu nguyện hay rao giảng Phúc Âm, dù ngài dâng lễ Misa hay làm các phép bí tích và các phận sự khác, bao giờ ngài cũng vẫn chỉ có một mục đích, là làm cho Nước Chúa trị đến và làm cho người ta tiến tới trong đời sống siêu nhiên. Chỉ có mục đích ấy cao đẹp và xứng hợp với linh mục, còn mọi sự khác đều vô ích, thừa thãi. Nhưng linh mục chỉ có thể dốc toàn lực để mà theo đuổi mục đích ấy, khi ngài tin chắc rằng sự phục sinh của Chúa Kitô, cũng là sự phục sinh của mình, và sự ngài mong đợi không phải là sung sướng, của cải, danh vọng đời này, nhưng là ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang, để lập lại sự thống trị của Thiên Chúa trên tạo vật.

Tự vấn lương tâm

Là linh mục, tôi có một ý nghĩ đúng và sâu xa về chức linh mục không? Hay tôi chỉ có một ý nghĩa nông cạn, bề ngoài về chức linh mục? Tôi có coi linh mục như người có quyền ăn trên ngồi trốc, người khác phải kính trọng, sợ hãi không? Tôi có coi linh mục như người thiên kinh vạn điển, cái gì cũng thông làu, giỏi giang, nên coi thường ý kiến người khác, và lấy ý kiến của mình làm đúng làm hay ở mọi phạm vi không?

Tôi có nhận ra rằng ý niệm coi linh mục như một người quyền thế hay một người lỗi lạc chỉ là hình ảnh bề ngoài của một thời đại, rất xa thực chất của linh mục không? Tôi có thấy rằng với biến đổi trong xã hội ngày nay, những ý tưởng trên đã thay đổi và còn thay đổi trong dân chúng không? Trước thay đổi ấy, tôi có ý nghĩ thế nào: xót xa, tiếc mến, phẫn nộ... hay nhận biết đó là điều bề ngoài, không thiết yếu cho chức linh mục, mà còn làm hiểu nhầm về chức linh mục nữa.

Tôi có biết chức linh mục của tôi có nền tảng ở chức tư tế của Giáo Hội, nghĩa là ở chức tư tế mà mỗi người lãnh được khi chịu phép Rửa tội không? Tôi có dạy cho giáo dân biết họ đã được tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô không? Tôi có giúp họ ý thức vai trò quan hệ của họ để họ có một thái độ tích cực trong đời sống của Giáo Hội không? Chính tôi đã sống chức tư tế mà Chúa Kitô ban cho tôi lúc chịu phép Rửa tội ra sao? Tôi có ý thức rằng chức linh mục của tôi chỉ có là vì và là cho chức tư tế của Giáo Hội không? Tôi có vì đó mà biết rõ hơn rằng chức linh mục của tôi không phải là một quyền hành, nhưng là một thừa tác không? Tôi có sống chức linh mục của tôi như một sự vụ cho dân Chúa không?

Tôi có ý thức rằng chức linh mục của tôi là chính chức tư tế của Giáo Hội mà tôi tham dự không? Vì tôi tham dự vào chức tư tế của Giáo Hội, tôi có nhận thấy sự lệ thuộc của tôi vào Giáo Hội chặt chẽ như thế nào không? Sự lệ thuộc chặt chẽ ấy cụ thể là gì? Tôi có vâng lời Giám mục và đoàn kết với anh em linh mục trong địa phận, của tôi không? Tôi có cảm thấy rằng không vâng lời Giám mục và đoàn kết với anh em linh mục trong địa phận tôi đã hành động trái với bản tính của chức linh mục tôi chịu không? Tôi có lo làm những việc đấng đặt tay trên tôi truyền dạy là giảng lời Chúa, làm các bí tích và dâng thánh lễ, hay tôi chỉ lo những việc phụ, có khi ngoài bổn phận của tôi không? Đời sống của tôi có nói được là một phục vụ cho Thiên Chúa và các linh hồn không?

Lạy Chúa Kitô, linh mục muôn đời, xin dạy con biết sống chức linh mục của con như Chúa muốn.
 
 

2. Thân phận linh mục trong thế gian (số 3)


Linh mục là người thế nào đối với thế gian? Có phải một người xa lạ, sống giữa thế gian, nhưng không có những lo âu, thắc mắc của thế gian, mà chỉ lo đến đời sau không? Có phải một người như những người khác, không hơn không kém chăng? Thiết tưởng được hiểu biết thân phận của linh mục trong thế gian, cần phải nghĩ đến linh mục có mặt ở thế gian để làm gì?

1. Sống giữa thế gian

Linh mục có mặt ở thế gian để cho người ta nhìn thấy rằng: tuy ngài cũng là một người như ai khác, nhưng ngài có một sứ mạng riêng. Sắc lệnh Công đồng rất rõ ràng ở điểm này: “Vì ơn thiên triệu và vì chức thánh, các thầy tư tế của Tân Ước có thể nói là đã được chọn lọc giữa dân Thiên Chúa; không phải để tách biệt khỏi dân này, hay khỏi bất cứ một người nào; nhưng để được hoàn toàn hiến thân cho công cuộc, mà Chúa đã gọi các ngài làm. Các ngài không có thể là người thừa hành của Chúa Kitô, nếu các ngài không là chứng nhân và là người ban phát một sự sống, khác với sự sống đời này; các ngài cũng không có thể phụng sự nhân loại, nếu các ngài xa lạ với đời sống và điều kiện sinh hoạt của họ”.

Chúa Kitô đã làm gương một đời sống hoà mình với nhân loại, mà vẫn khác nhân loại. Người là Con Một Thiên Chúa, nhưng Người cũng là con người hoàn hảo, Người đã sống giữa chúng ta và Người đã muốn nên giống chúng ta trong mọi sự, trừ sự tội (Dt 2,17; 4,15). Các tông đồ cũng đã sống theo gương mẫu của Chúa. Thánh Phaolô cho biết: Ngài “đã được dành riêng để rao giảng Phúc Âm của Chúa” (Rm 1,1), nhưng ngài cũng tuyên bố là ngài phải thích ứng với mọi người để cứu vớt mọi người (1 Cr 9,19-23). Vì quan niệm như vậy, nên thánh nhân đã định nghĩa chức linh mục như sau: “Được lựa chọn giữa loài người và được cắt đặt vì ích lợi của loài người, trong mối liên lạc của họ đối với Thiên Chúa, để dâng của lễ và của hiến tế cho tội nhân” (1 Cr 15,24).

2. Nhưng sống khác thế gian

Đòi hỏi trên đối với linh mục chẳng có gì là lạ lùng, người tín hữu cũng đã sống giữa thế gian, mà không thuộc về thế gian. Họ đã phải là chứng nhân cho thế gian về đức tin của họ. Vì chức thánh và vì sứ mạng của mình, linh mục còn có những đòi hỏi khác thêm vào đó nữa. Những đòi hỏi ấy chính là điều phân tách linh mục với người khác, ví dụ như sống độc thân, sống khó nghèo, hình thức vâng lời của kẻ thừa hành.

Ngày nay có người nghĩ rằng: phải xoá bỏ các ngăn cách ấy để linh mục được gần gũi và hiểu biết người ta hơn. Do đó, có người chủ trương để cho linh mục lập gia đình, để hiểu biết gia đình hơn; có người chủ trương linh mục phải có một nghề nghiệp, để có những kinh nghiệm của giới nghề nghiệp và được tự do trong vấn đề tài chánh vv... Nhưng nghĩ như vậy là quên lý do hiện diện của mình trong thế gian. Ta chỉ hiện diện trước mặt kẻ khác, khi họ nhận biết ta cũng là người như họ; nhưng điều kiện này vẫn chưa đủ, họ còn phải nhận biết ta có những đặc tính của ta nữa. Nếu ta giống họ mọi đàng, không còn có cái gì cho họ chú ý, thì không thể nói rằng: ta hiện diện với họ được.

Như vậy, những bó buộc của bậc linh mục như độc thân, khó nghèo vâng lời vv... không những không làm hại, mà còn làm nổi bật sự hiện diện của linh mục trong thế gian. Thực vậy, những bó buộc ấy chứng tỏ: từ khi Ngôi Lời nhập thể nhân tính cua ta đã được thanh lọc và thánh hoá dần dần, cho đến ngày được hiển vinh. Thanh lọc và thánh hoá chỉ có thể thực hiện qua đau khổ và thập giá. Do đó, không có những bó buộc trên, sự hiện diện của linh mục trong thế gian sẽ hết ý nghĩa. Lúc ấy, linh mục sẽ như muối đã lạt, như đèn đã tắt; và như vậy, ta sẽ đáng nghe lời nguyền rủa của Chúa (Mt 5,13).

3. Thích nghi với thế gian

Nếu linh mục không được sống theo gương mẫu của thế gian và phải nhớ những bó buộc tôn giáo của mình, linh mục cũng không được quên rằng: mình chỉ hiện diện hữu hiệu giữa nhân loại, khi mình chứng tỏ mình cũng là người đầy đủ như họ. Về điểm này, sắc lệnh Công đồng viết: “Sứ mạng các ngài buộc các ngài sống trong thế gian, giữa người ta, và như những mục tử tốt, các ngài phải biết con chiên của mình...”.
Sống trong thế gian, sống giữa người ta, là sống thích nghi với thời đại và con người của thời đại, nói khác đi, là có những tư tưởng, cảm xúc, thói tục, ăn mặc, tiếng nói mà thời đại này hiểu được. Linh mục sẽ không có thể được người thời đại chấp nhận, nếu có những tư tưởng lạc hậu về khoa học, tự do, bình đẳng, những thói tục xa xưa ngày nay không ai theo nữa, những cách ăn nói “kiểu nhà thầy” người đời này cho là kỳ cục, hoặc không hiểu...
Trong một xã hội đang biến đổi như xã hội Việt Nam, chúng ta càng phải thận trọng, theo dõi thời đại, để khỏi trở nên lỗi thời, lố bịch, đối với người ta. Phải thú nhận rằng: Những người trẻ, nhất là những người có học, nhiều lúc đứng trước linh mục, thấy rằng: các ngài xa họ quá, không thể hiểu họ được. Thực ra, ngày nay không riêng gì linh mục, mà bậc phụ huynh ngoài đời cũng ca thán rằng: mình không hiểu nổi con em mình nữa. chúng sinh ra trong thời buổi tao loạn, chúng lớn lên nơi đất khách quê người, chúng hấp thụ một nền văn minh có tính cách quốc tế hơn...
IV. Biết đối thoại với thế gian
Lẽ tất nhiên, cách cảm nghĩ suy tư của chúng khác ta, và cách suy tư cảm nghĩ của con cháu chúng còn khác ta hơn nữa. Nhưng chúng khác ta không nghĩa là chúng đã đi sai, chúng đã ra xấu. Mỗi thời đại có những cái dở và những cái hay của nó. Bổn phận của người mục tử là nhận biết giá trị đích thực của mỗi thế hệ, để mà dẫn dắt họ. Thái độ mà Công đồng Vaticanô II khuyên phải có là thích nghi và đối thoại, nghĩa là quên mình đi, đặt mình vào hoàn cảnh của người ta, để mà tìm hiểu người ta. Một thái độ khác mà Công đồng đã nhắc đến trong hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế gian hiện đại, là lạc quan. Chúa Kitô đã cứu chuộc mọi thời đại, nên mọi thời đại đều có mọi ưu điểm cho công cuộc cứu chuộc và những khuyết điểm. Bổn phận chúng ta là phải nhìn biết các “dấu chỉ của thời đại”, nghĩa là những sự kiện mới xảy ra để mà tìm hiểu con đường nhân loại tiến đến sự giải thoát phải đi qua đâu? Không biết những “dấu hiệu của thời đại”, chúng ta không dẫn dắt được ai, vì chúng ta cũng không biết đường mà đi.
Để có tinh thần cởi mở như trên, cần phải theo dõi các tiến triển về văn hoá, xã hội, nhưng cũng cần phải có những đức tính cần thiết trong việc giao tiếp với kẻ khác như sự nhân từ, lòng thành thật, tính tế nhị, đời sống luân lý quang minh, sự công bình. Tóm lại, những điều mà thánh Phaolô đã căn dặn: “Những gì thật, đáng tôn trọng, những gì công bình, trong sạch, đáng mến yêu, những gì nhân đức và đáng ca tụng, thì hãy coi đó là đối tượng cho tư tưởng của anh em” (Pl 4,8).
Như trên, thân phận của linh mục là sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Vị trí này đòi chúng ta phải sáng suốt và tỉnh thức trong mọi giây phút đời ta, vì vị trí ấy như vị trí kẻ đi trên dây, không khéo một chút là ta mất quân bình ngay. Sống như người đời, ta sẽ không còn là những người dành riêng của Chúa nữa. Nhưng sống tách biệt khỏi đời, ta sẽ không được người đời chấp nhận nữa và bằng chứng của ta sẽ vô hiệu quả.
Tự vấn lương tâm
Tôi có bao giờ suy nghĩ về vị trí của linh mục trong thế gian không? Tôi có nghĩ rằng: hiểu biết vị trí ấy rất cần không? Không biết vị trí ấy tôi lấy tiêu chuẩn nào để có thái độ và để hành động?
Tôi khác biệt giáo dân ở những sự gì? Có phải ở một địa vị xã hội trưởng giả không? Có phải vì bộ áo dòng không? Có phải ở đời sống nhàn hạ, không phải chân lấm tay bùn không? Có phải ở trình độ trí thức thực sự hay ảo tưởng của tôi không? Nếu đó là những khác biệt của tôi với giáo dân, tôi có cho đó là những khác biệt thiết yếu của chức linh mục không? Tôi có cố bám lấy những cái đó, và nghĩ rằng: mất nó thì linh mục sẽ không còn là gì nữa không? Thực sự, tôi phải khác với người khác ở đâu? Khi chịu chức thánh, tôi đã nhận được gì và đã có những bổn phận nào? Tôi có thấy rằng: ngày tôi chịu chức thánh, đời tôi đã những bổn phận rõ ràng là giảng lời Chúa, làm các bí tích và dẫn dắt các giáo hữu trong đức tin không? Tôi có đem hết khả năng để làm trọn nhiệm vụ trên không? Tôi có quý đời sống độc thân, khó nghèo và vâng lời không?
Tôi có vì lý do đã được dành riêng vào công việc thánh mà sống biệt lập với người khác không? Tôi có tìm hiểu nhu cầu vật chất, hoài bão tinh thần của những người thế gian không? Hay tôi sống giữa họ mà vẫn xa lạ với họ, không hiểu gì đến những lo âu, đau đớn của họ. Thế giới chuyển mình, đất nước thay đổi, tôi có theo dõi một cách sáng suốt không? Nếu tôi không hiểu tâm trạng người ta, làm thế nào tôi sẽ chuyện trò với họ được, làm thế nào họ sẽ tin cậy ở tôi được, làm thế nào tôi sẽ giảng lời Chúa cho họ nghe theo và hướng dẫn họ được?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhập thể để sống giữa nhân loại, hầu cứu vớt nhân loại, xin Chúa dạy con biết tiếp tục sứ mạng đó cách chu toàn.
 
 

3. Linh mục là kẻ rao giảng lời Chúa (số 4)


Khi nói về trách vụ của linh mục, sắc lệnh Công đồng nhắc đến ba việc chính, một là rao giảng lời Chúa, hai là làm các phép bí tích và dâng thánh lễ, ba là coi sóc dân Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta sẽ dừng lại một vài phút ở việc rao giảng lời Chúa.

1. Chức vụ rao giảng lời Chúa

Khi theo lời mời gọi của Thiên Chúa, ta bước ra lãnh nhận chức linh mục, ta đã mặc nhiên nhận lấy nhật lệnh của Chúa Kitô, cho các tông đồ: “Hãy đi khắp trái đất rao giảng Phúc Âm cho tất cả tạo vật” (Mc 16,15). Chính vì thế mà trong các lễ nghi truyền chức từ xưa đến nay, bao giờ cũng nhắc đến bổn phận rao giảng lời Chúa của linh mục. Trong kinh Tiền Tụng truyền chức có câu: “Lạy Chúa, quan phòng của Chúa đã ban cho các tông đồ của Con Chúa những người giúp việc, những tiến sĩ đức tin, và nhờ có lời giảng của những người tuỳ thuộc này, mà lời các tông đồ được nghe thấy khắp trái đất”. Như vậy, để trung thành với chức linh mục, ta phải rao giảng lời Chúa. Theo thánh Phaolô, khi đã là tông đồ, mà không rao giảng lời Chúa thì sẽ bị phạt nghiêm thẳng; chính vì thế mà ngài đã rao giảng lời Chúa mọi lúc, tiện cũng như bất tiện “opportune, importune”, và ngài đã thốt ra câu này: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng lời Chúa”. Phải, đã chịu chức linh mục, mà tôi không rao giảng lời Chúa thì sẽ khốn cho tôi.

Tại sao linh mục có trách vụ cấp bách rao giảng lời Chúa như vậy? Xin thưa: vì linh mục có nhiệm vụ quy tụ mọi người nên một dân tộc thánh, để thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng như thánh Phaolô đã viết: “Làm sao họ kêu cầu với Người được nếu họ không tin Người. Làm sao họ tin Người được, nếu họ không được nghe nói về Người. Làm sao họ nghe nói được, nếu không có ai rao giảng. Và làm sao người ta rao giảng, nếu không được sai đi” (Rm 10,14-15). Do đó linh mục khi chịu chức, đã được sai đi rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, không phân biệt lươn hay giáo. Ở điểm này, Hiến chế Phụng vụ đã nói rõ ràng: “Đối với lương dân, Hội Thánh báo tin cho biết rằng ơn cứu độ đã được công bố, đã mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và đích thực và Đấng Người đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô, mà hối cải, chừa bỏ đường cũ. Còn đối với các tín hữu, Hội Thánh vẫn phải luôn luôn rao giảng đức tin và sự thống hối. Hơn nữa, Hội Thánh còn phải chuẩn bị cho họ chịu các bí tích, dạy họ tuân giữ mọi điều Chúa Kitô đã truyền, và khuyến khích họ thi hành những công cuộc bác ái, đạo đức, tông đồ, để các việc đó chứng tỏ rằng các tín hữu Chúa Kitô không thuộc về thế gian, nhưng là ánh sáng thế gian và làm vinh danh Đức Chúa Cha trước mặt mọi người” (Hc. 1,9). Sắc lệnh Công đồng cũng nhắc tới tư tưởng ấy: “Chính lời cứu rỗi khêu gợi đức tin trong lòng những người ngoài Kitô giáo và nuôi dưỡng tâm hồn người Kitô hữu, chính lời ấy đã khai sinh và phát triển cộng đoàn các Kitô hữu”.

2. Cách thức rao giảng lời Chúa

Có nhiều cách rao giảng lời Chúa:

1) Sắc lệnh Công đồng nhắc đến đời sống gương mẫu trước nhất. Thật không có gì lôi cuốn tâm hồn người ta hơn gương sáng một linh mục sống vì Chúa và vì linh hồn người ta trong nghèo khó, tận tuỵ với bổn phận và kính mến Thiên Chúa.

Lời nói có hay mấy, tổ chức có khéo đến đâu, mà đời sống không phù hợp với Phúc Âm, thì chúng ta cũng không làm cho ai trở lại. Ấy là chưa nói đến những gương xấu bởi một đời sống dâm đãng, hiếu danh, vụ lợi, bất công, áp bức... Những người này thật đáng lời Kinh Thánh đe doạ: “Hãy buộc cối đá vào cổ nó mà thả xuống biển”. Lời ấy đáng cho chúng ta suy nghĩ và xét mình.

2) Thứ đến là rao giảng Phúc Âm trực tiếp. Rao giảng cho kẻ ngoại khi ta nói cho họ biết về mầu nhiệm cứu rỗi và về Ngôi Hai xuống thế làm người, rao giảng cho tín hữu khi ta khuyên răn giảng dạy, nhất là trong khi thi hành phụng vụ lời Chúa. Ta nên nhớ rằng từ ngày cải cách phụng vụ, cắt nghĩa lời Chúa khi có đông người tham dự Thánh lễ, là một nhiệm vụ của linh mục. Ở điểm này, ta nên chú ý rằng: bài giảng trong lễ là cắt nghĩa lời Chúa, chứ không phải là dạy dỗ bổn đạo làm ăn hay là ăn ở theo luân lý tự nhiên. Cũng không phải là lúc rao bảo, dặn dò những việc trong tuần. Những việc đó ta có thể làm ngoài lễ, trước hay sau tuỳ tiện. Sắc lệnh Công đồng còn nói đến những linh mục chăm lo giáo dục: giáo dục công giáo và trình bày đạo lý công giáo cũng là rao giảng lời Chúa. Sau hết, nghiên cứu để tìm ra một giải đáp công giáo cho những vấn đề của thời đại, không phải để phô trương tài giỏi cá nhân, nhưng để làm cho người ta có điều kiện trở nên thánh thiện cũng là rao giảng Phúc Âm.

3) Công đồng nhận rằng: ngày nay việc rao giảng Phúc Âm của linh mục rất khó khăn; để có thể làm cho người ta chú ý nghe, ta không thể chỉ trình bày một cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào đời sống cụ thể của người ta. Điều khó khăn là ở chỗ đó: phải áp dụng chân lý Phúc Âm vào đời sống cụ thể. Để làm được việc này một cách khả quan, cần phải có hai điều kiện: biết và sống Phúc Âm.

a) Trước hết là biết. Biết để có thể áp dụng được cái biết của mình, thì phải biết kỹ lưỡng, hơn là chỉ biết qua loa thôi. Ai đã dạy học thấy rõ rằng: dạy cho học trò biết để làm những câu hỏi giáo khoa tương đối là dễ, học trò chỉ cần có thiện chí một chút là được. Nhưng để chúng biết áp dụng phần lý thuyết ấy mà giải đáp được các vấn nạn, thì đó mới là phần khó khăn. Không những chúng phải hiểu thấu phần lý thuyết, mà còn phải có một mức tối thiểu thông minh nào đó nữa. Có những trò rất chăm, mà cả đời chỉ làm nổi phần giáo khoa thôi.

b) Thí dụ trên thuộc phạm vi học vấn, chỉ đòi hỏi có trí tuệ là đủ, còn việc áp dụng chân lý Phúc âm thuộc phạm vi đời sống vì thế trí tuệ chưa đủ, còn cần phải ý chí nữa. Thực vậy, ta còn lạ gì những người thật thông minh, nhưng không có ý chí, sống một đời sống luân lý tầm thường, kém cỏi. Họ dùng thông minh của họ không phải để tìm chân lý, nhưng để nguỵ biện cho đời sống tội lỗi của họ. Những người thông minh như thế đâu có phải là người sẽ tìm ra con đường chân thật cho đời sống. Để được thấy Chúa, thì phải có con tim trong sạch; để hiểu biết con đường của Chúa, thì cũng phải có tâm hồn trong sạch. Như vậy, để biết áp dụng chân lý Phúc Âm vào đời sống cụ thể, không những phải am hiểu Phúc Âm mà còn phải sống đời sống Chúa Kitô nữa. Như Chúa Kitô đã thánh hoá mình vì chúng ta, chúng ta cũng phải thánh hoá bản thân, để lời nói của chúng ta đem lợi ích thực sự cho giáo dân.

Như vậy, có nhiều cách thi hành nhiệm vụ rao giảng lời Chúa tuỳ theo nhu cầu của người nghe và tuỳ theo ân sủng mà mỗi linh mục nhận được. Nhưng dù thi hành sứ mạng rao giảng Phúc Âm bằng cách này hay cách khác, thì linh mục bao giờ cũng phải nhiệt thành, thông hiểu Phúc Âm và có đời sống gương mẫu.

Tự vấn lương tâm

Linh mục tham dự vào chức tư tế của Giám mục, vì thế cũng được Chúa Kitô sai đi giảng lời Chúa cho muôn dân, tôi có ý thức điều này không? Có lẽ tôi ý thức nhưng tôi có sống theo ý thức ấy không? Tôi có băn khoăn tìm mọi cách để giảng lời Chúa không? Tôi có cho đó là công việc quan trọng của đời tôi không? Tôi có sợ hãi mà nói như thánh Phaolô rằng: Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng lời Chúa không?

Đời sống của tôi có nên bài giảng lời Chúa hùng hồn cho người xung quanh không? Tôi có sống thanh bần, trong sạch, khiêm nhượng, vâng theo ý Chúa... như bài giảng trên núi dạy không? Tôi có thương yêu người ta như mình không? Tôi có tôn trọng công bình xã hội không? Hay tôi có thái độ kiêu căng, hách dịch? Ích kỷ, hà tiện? Không thương người khốn khó? Không trả công xứng đáng cho người giúp việc? Làm ăn mánh khoé, lừa đảo, gian dối? Tôi có ý thức rằng: dù khéo che đậy mấy, nếu tôi không sống xứng đáng, tôi cũng không giấu được giáo dân không? Tôi có biết rằng dù tài giỏi khéo nói mấy, mà đời sống không gương mẫu, thì tôi cũng chỉ là cái lệnh kêu vang, nhưng vô ích không?

Tôi có chuyên cần giảng lời Chúa cho giáo dân không? Nhưng để giảng lời Chúa thì phải biết lời Chúa, tôi đã làm gì để biết lời Chúa? Tôi có để ra mỗi ngày một ít thời giờ để đọc sách Thánh không? Tôi có tìm hiểu giáo lý của Giáo Hội không? Hay là cái vỏ nghèo nàn thu thập vội vã trong mấy năm ở Đại Chủng Viện nay đã hao mòn dần, và bây giờ về việc đạo tôi cũng chẳng hơn gì người đời. Tôi có thấy rằng: vì biết đạo Chúa qua sơ sài mà đời sống thiêng liêng của tôi hoặc quá nguội lạnh, hoặc quá ấu trĩ không? Tôi có ước lượng rằng: với đời sống thiêng liêng như thế và với hiểu biết tôi có, tôi không đáng mở miệng dạy dỗ lời Chúa cho giáo dân không? Hay tôi coi thường giáo dân, không dọn bài giảng, nói lôi thôi, dài dòng, không rao giảng lời Chúa, mà chỉ giảng những điều luân lý cổ hủ ngày nay không ai muốn nghe nữa không? Tôi có dùng toà giảng để lỗi đức thương yêu, nói cạnh, nói khoé kẻ này người nọ không? Tôi có lạm dụng toà giảng để nói chính trị không?

Còn việc giảng lời Chúa cho dân ngoại, tôi có làm không? Tôi có tiếp tục chiến dịch của địa phận đi thăm viếng, gặp gỡ những người lương dân không? Thời buổi khó khăn, nhưng tôi có để tâm suy nghĩ để có thể thi hành được phần nào bổn phận truyền giáo không?

Lạy Đức Nữ Trinh Maria, Nữ Vương các nhà truyền giáo, xin dạy con biết suy niệm lời Chúa, áp dụng lời Chúa vào đời mình và phổ biến lời Chúa ra xung quanh con.
 
 

4. Linh mục thừa hành các bí tích và phép Mình Thánh (số 5)


Bài trước chúng ta đã nói về nhiệm vụ giảng lời Chúa của linh mục. Giảng lời Chúa là một nhiệm vụ cấp bách; nhưng, nếu chỉ giảng lời Chúa mà không ban các bí tích và không tế lễ Misa, thì lời giảng của ta không đưa đến mục đích và sẽ phải nhạt đi với thời gian.

1. Phải làm các bí tích

Trong mầu nhiệm cứu rỗi, giảng dạy cho người ta biết chân lý giải thoát là bước đầu cần thiết, nhưng còn phải làm cho người ta sống thực tại giải thoát ấy nữa. Chính vì thế mà linh mục phải làm các bí tích và cử hành thánh lễ. Tư tưởng này Hiến chế Phụng vụ đã trình bày rõ ràng: “Công việc tông đồ nhằm làm sao cho tất cả mọi người, một khi đã nhờ đức tin và phép Rửa tội, trở thành con Thiên Chúa, được quy tụ lại với nhau, để ca tụng Thiên Chúa trong Hội Thánh, để dự phần tế lễ và ăn tiệc của Chúa. Vậy Phụng vụ (hay cử hành các bí tích) và nhất là lễ Tạ ơn, như nguồn mạch đổ tràn ơn thánh vào chúng ta, và nhờ đó, loài người được thánh hoá trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu và tối đa, và Thiên Chúa được vinh danh” (HCPV. 1,10). Như vậy, để có người nhận biết và tin theo, thì phải giảng dạy lời Chúa, nhưng để xây dựng Giáo Hội và thờ kính Thiên Chúa, thì phải làm các phép bí tích và cử hành lễ Misa.

2. Linh mục là thừa tác

Sắc lệnh Công đồng đã đi thẳng đến lý do nền tảng của bổn phận thánh hoá Giáo Hội đó. Chỉ có một Thiên Chúa mới là thánh, vì thế chỉ có một mình Người mới có thể thánh hoá chúng ta mà thôi, vì người ta chỉ có thể cho điều mình có. Nhưng trong việc thánh hoá nhân loại, Thiên Chúa đã muốn cho một số người được cộng tác với Chúa, như những kẻ thừa hành. Những người này được thánh hiến (consecrati) để tham dự đặc biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô. Nhờ đó trong các cử hành phụng vụ, các ngài hành động với tư cách là người thừa hành của Chúa Kitô và nhờ các hành động, Chúa Kitô có thể thực hiện một cách hữu hình vai trò tư tế của Người. Cần phải hiểu biết những tư tưởng vừa được trình bày, vì đó là điều cần thiết để chúng ta phân biệt chức tư tế của giáo dân và của hàng giáo sĩ. Chức “tư tế chung” làm cho ta tham dự vào quyền thánh hoá bản thân của Chúa Kitô, mọi người đều phải bắt chước Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa sự phục tùng và lòng hy sinh của mình. Nhưng chức tư tế mà hàng giáo sĩ nhận được khi thụ phong, là được thánh hiến, để trở nên dụng cụ Chúa Kitô mà thánh hoá nhân loại. Các ngài được thánh hiến không phải cho mình, nhưng vì Giáo Hội. Chức tư tế ta lãnh nhận đã đành cũng đem lại cho ta nhiều ân sủng, để ta làm tròn phận sự, nhưng chức ấy Chúa ban trước tiên là để có phương tiện ban ân sủng cho Giáo Hội.

3. Linh mục là công bộc

Ta cần hiểu rõ điểm này để hiểu rõ tư tưởng Công đồng Vatican II, coi chức tư tế của ta như một “công bộc” (servitio). Ta làm linh mục để thánh hoá người khác bằng các phép bí tích và lễ Misa. Quyền thánh hoá ấy, Chúa không ban riêng cho một cá nhân nào, Chúa chỉ trao cho một bạn Người là Giáo Hội. Ta không có quyền thánh hoá ấy, ta chỉ “thừa hành” quyền thánh hoá của Giáo Hội thôi.

Hiểu như vậy, ta sẽ ý thức rằng: bổn phận của ta rất hệ trọng, vì Giáo Hội có nên thánh hay không, ơn cứu độ của Chúa Giêsu có hiệu nghiệm hay không, một phần là ở như ta có làm tròn bổn phận của ta hay không. Tuy thế, ta vẫn không được vì bổn phận quan trọng ấy mà tự kiêu, tự đại, vì quyền thánh hoá không ở tay ta, mà là ở tay Giáo Hội: ta chỉ là biểu thức bề ngoài, chính Chúa Thánh Thần mới ban ân sủng cho người ta. Như thánh Gioan Tiền Hô, ta phải nói rằng: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc”. Hành động của ta không là gì hết, dội một chút nước, xức một chút dầu, không làm cho ai nên sạch và khoẻ mạnh hơn, nhưng vì Chúa Kitô đã lập các bí tích, nên khi ta dội nước, xức dầu, thì chính Chúa ban sự sống và sức mạnh siêu nhiên cho người ta, hiểu như vậy cũng làm cho ta khỏi sinh ngã lòng. Trong một thế giới khoa học vật chất, người ta chỉ chú trọng đến sự hiệu nghiệm trông thấy: thầy thuốc chữa bệnh, cảnh sát giữ gìn trật tự cho xã hội, người thợ sản xuất các đồ dùng hữu ích cho con người, linh mục khi làm các bổn phận thánh, không đem lại một ích lợi vật chất nào cho xã hội cả, vì thế mà người vô thần đã cho việc làm của ta là vô ích, và ta là bọn ăn bám vào xã hội.

4. Phải sống thánh lễ

Phải có đức tin mạnh mẽ, để có ý thức về sự quan hệ của việc thánh ta làm; nếu không, ta sẽ làm cho có lệ, làm một cách chán nản và dần dần sẽ thất vọng vì cảm thấy đời mình vô nghĩa. Làm công việc thánh đối với người có đức tin là cả một sinh hoạt siêu nhiên phong phú. Nhờ phép Rửa tội, ta làm cho người ta trở nên dân của Chúa, nhờ phép Giải tội, ta làm hoà kẻ có tội với Thiên Chúa và Giáo Hội, nhờ phép Xức dầu bệnh nhân, ta làm cho người đau yếu có sức hơn... Nhưng mọi phép bí tích cũng như mọi nhiệm vụ tông đồ khác đều quy về phép Mình Thánh. Mọi kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội đều gồm chứa trong phép này, vì phép này gồm chứa chính Chúa Kitô là bánh trường sinh ban sự sống thật cho nhân loại. Do đó, linh mục phải hướng dẫn lần lần những người chầu nhưng đến bí tích Thánh Thể và những người đã được in dấu phép Rửa tội và phép Thêm sức đến cuộc hiệp nhất bền chặt nhất giữa Chúa Kitô và nhân loại là chịu lấy Mình Chúa. Khi cộng đồng tín hữu tụ hợp lại để dự lễ Misa, linh mục phải dạy cho họ biết cách ăn năn hối cải, cách tham dự các nghi lễ Phụng vụ cho sốt sắng, tích cực, cách cầu nguyện không phải trên đầu môi, nhưng sâu xa tự đáy lòng, cách sống trung thành với địa vị của mình, và với những người sốt sắng, cách sống theo lời khuyên của Chúa Kitô, trong Phúc Âm.

5. Phải có tinh thần phụng vụ

Ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa trong lễ Misa là giây phút cao quý nhất trong ngày, nhưng linh mục còn phải tuỳ giờ trong ngày để mà đọc kinh nhật tụng, kinh này tuần hoàn theo như vận chuyển của vũ trụ, là lời cầu nguyện của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa, không những thay cho toàn dân, mà còn thay cho tất cả vũ trụ nữa.
Còn về nhà thờ là nơi giáo dân tụ hợp để cầu nguyện và là nơi Chúa Kitô ngự trong phép Mình Thánh, để nuôi dưỡng và nâng đỡ các tín hữu, linh mục phải lo cho khang trang, thích hợp với sự cầu nguyện và các cử hành phụng vụ. Các cử hành phụng vụ phải được học hỏi chu đáo, cửa hành trang nghiêm để các tín hữu mà Thiên Chúa đã trao phó cho ta, tìm thấy ở đấy lời cầu nguyện sốt sắng và lời cảm tạ nồng nhiệt nhất cho đời sống họ.
Nói tóm lại, linh mục phải làm thế nào để tìm thấy một con đường thiêng liêng bắt nguồn từ việc làm các phép bí tích và việc cử hành phụng vụ, nhất là việc cử hành lễ Misa. Nếu một linh mục không tìm thấy ý nghĩa cho đời sống mình ở nhà tạm, ở các phép bí tích, ở thánh lễ Misa và ở kinh nhật tụng, thì không những linh mục ấy sẽ khổ sở, thất vọng, mà đời sống của linh mục ấy sẽ không tránh khỏi sa ngã, tội lỗi được.

Tự vấn lương tâm

Trong việc thừa hành các phép bí tích, tôi đã có tâm trạng nào? Tôi còn giữ được đức tin của lúc mới chịu chức linh mục không? Tôi còn sợ hãi khi làm các việc thánh ấy không? Tôi còn nhận ra rằng: qua cử hành của tôi, Chúa Giêsu sẽ hiện diện để tẩy rửa, tha tội, ban ơn mạnh sức không? Hay thói quen đã làm cho tôi chai đá và tôi làm các phép bí tích cho xong lần? Tôi có sửa soạn giáo dân để họ am hiểu và yêu mến các phép bí tích không? Phép Rửa tội có phải là một dịp để cả gia đình đứa trẻ ôn lại điều mình đã chịu và ý thức bổn phận công giáo của mình không? Phép Thêm sức có được sửa soạn kỹ lưỡng để đứa trẻ ý thức vai trò của nó trong Giáo Hội không? Mọi giáo dân của tôi có hiểu phải xưng tội thế nào và phải chú ý đến thống hối ăn năn không?

Tôi làm lễ với tâm trạng nào? Tôi có còn giữ thói quen lúc mới ra trường dọn mình trước khi làm lễ không? Trong lúc làm lễ tôi có giữ cho nghiêm trang chỉnh tề không? Hay tôi hấp tấp vội vàng? Tôi có bớt câu bớt chữ khi đọc, làm các cử chỉ thiếu sót không? Nhất là từ khi canh tân phụng vụ, lễ Misa có là lễ mà tôi và cộng đồng họ đạo của tôi cùng dâng không? Tôi có tự luyện và luyện cho giáo dân để có một cử hành uy nghi, ý nghĩa không? Hay tôi sợ mất thì giờ, lễ quá dài... Lễ xong tôi cám ơn được mấy phút? Có được 15 phút không? Nếu ngắn hơn tôi có thấy là không đủ không?

Nhà thờ và nhà tạm có phải là trung tâm của đời sống tôi không? Tôi có năng thăm viếng Chúa thay cho bổn đạo của tôi không? Tôi có lấy Chúa làm bạn tôi, làm Đấng nâng đỡ, yên ủi tôi trong những lúc tôi cảm thấy đau đớn, cô đơn, thất vọng không? Tôi có tìm thấy trong Mình Thánh nguồn yên ủi và tấm gương sáng cho đời sống linh mục của tôi không? Tôi có dạy bổn đạo, nhất là trẻ nhỏ, biết kính trọng nhà thờ, biết đi đứng nghiêm trang trước Mình Thánh và biết dự các nghi lễ phụng vụ cho chuyên cần không?
Lạy Chúa, con là thừa tác viên của Chúa, xin Chúa dạy con biết thi hành chức vụ của con cho xứng đáng.

 

5. Linh mục là đầu dân Thiên Chúa (số 6)


Hiện nay có một xu hướng muốn đề cao vai trò tư tế của giáo dân. Xu hướng ấy giúp giáo dân ý thức vai trò của họ trong Hội Thánh, đó là điều đáng mừng. Nhưng không phải vì thế mà hàng giáo sĩ bị mặc cảm, mà quên vai trò là đầu dân Thiên Chúa của mình. Khi chịu chức, ta đã tham dự vào quyền là đầu và là mục tử của Chúa Kitô, nhân danh Đức Giám mục, ta p;hải quy tụ dân Thiên Chúa ở một họ sở và nên sức mạnh hợp nhất họ, để dẫn đưa họ qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, đến Đức Chúa Cha. Chính Chúa Kitô đã ban cho ta quyền ấy, cũng như đã ban cho ta quyền làm các phép bí tích.

1. Để dẫn đưa giáo dân đến bậc trưởng thành

Nhưng quyền ấy chỉ ban cho ta để xây dựng Hội Thánh thôi (Cf. 2 Cr 10,8; 13,10), chứ không phải để làm các việc khác như chính trị, kinh tế... Lại trong việc xây dựng Hội Thánh, ta cũng phải noi gương Chúa Kitô, tỏ ra nhân đạo với hết mọi người. Nhân đạo ở đây không phải là mị dân. Chiều theo những điều người ta ưa thích, nhưng ân cần dạy dỗ người ta, hy sinh vì người ta, nhắc đi nhắc lại, lúc thuận cũng như lúc bất thuận, với một lòng kiên nhẫn bền bỉ, những điều mà đức tin và đời sống công giáo đòi hỏi (cf. Gl 1,10). Trong lúc hướng dẫn dân Thiên Chúa, linh mục phải lo lắng để mỗi giáo dân được tiến triển trong con đường mà Chúa đã gọi họ phải theo, để thực hiện Phúc Âm. Vì vậy, phải làm thế nào để mọi người có tình bác ái thành thực và hiệu nghiệm, và phải sử dụng tự do của mình để giải thoát mình. Còn các nghi lễ dù uy nghi đến đâu, các hội đoàn dù đông đảo đến mấy, cũng sẽ vô ích, nếu không đưa đến mục đích giáo dục và làm cho các tín hữu tiến dần đến sự trưởng thành trong đức tin. Thế nào là trưởng thành trong đức tin? Không phải những kẻ ngoan ngoãn ta bảo sao nghe vậy, ta sai gì làm nấy; càng không phải những kẻ giữ mọi cử chỉ bề ngoài, mà không có tinh thần bên trong. Trưởng thành là người biết nhìn vào các biến cố trong đời mình mà tìm ra thánh ý Thiên Chúa muốn cho họ phải xử sự làm sao, rồi vâng theo như vậy, bất chấp những khó khăn và hy sinh mình phải gánh chịu. Trưởng thành còn là sống không phải cho cá nhân mình, nhưng theo đòi hỏi của bác ái, và cống hiến cho người khác những đặc ân mình đã được, để mọi người đều làm tròn bổn phận tín hữu mà họ đã nhận được trong cộng đồng nhân loại. Khi linh mục đã đào tạo được những giáo dân trưởng thành như vậy, thì mới đạt tới mục đích mục vụ của mình.

Như trên, linh mục phải lo lắng tới phần rỗi của mọi người.

1) Nhưng Phúc Âm cũng đặc biệt lưu ý linh mục phải lo âu đến những người nghèo khó, bé mọn. Chính Chúa Kitô cũng đã đặc biệt chú trọng đến những người ấy. Người đã sinh xuống làm người trong đám lê dân, nghèo hèn. Người đã giảng đạo và lựa chọn các môn đệ mình trước hết trong những người ấy. Người còn coi việc giảng dạy Phúc Âm cho đám lê dân nghèo khó là một dấu hiệu “Nước Trời đã đến” (Cf. Lc 4,18).

2) Sau người nghèo khó, bé mọn, là đám thanh thiếu niên, tương lai của Hội Thánh lệ thuộc vào thanh thiếu niên. Ngày nay vấn đề thanh thiếu niên gây nhiều khó khăn, những biến đổi trong cách sống làm cho chúng ta, không còn hiểu nổi cách cảm nghĩ và tư tưởng cua chúng. Nhưng sự nhẫn nại tìm hiểu, sự tận tâm giúp đỡ và tinh thần đối thoại sẽ đưa chúng ta đến thành công.

3) Kẻ ở bậc vợ chồng và cha mẹ cũng đáng cho ta quan tâm. Trong thế giới ngày nay, gia đình gặp nhiều yếu tố phân tán và giáo dục con cái gặp nhiều khó khăn, vì thế ta nên quy tụ họ lại thành những hội ái hữu để họ giúp đỡ lẫn nhau giải đáp các khó khăn thuộc thứ bậc họ và sống một đời sống mỗi ngày một thấm nhuần tinh thần công giáo hơn.

4) Linh mục còn phải chú ý đến các tu sĩ nam nữ: họ là những phần tử được ưu đãi trong Hội Thánh. Họ đáng cho ta chú ý cách riêng đến sự tấn tới thiêng liêng của họ, vì sự tấn tới này mang lại rất nhiều ích lợi cho chính Hội Thánh.

5) Sau hết, linh mục phải quan tâm đến những người bệnh tật và hấp hối. Những lúc ấy, thăm viếng, yên ủi họ thường đem lại rất nhiêu kết quả thiêng liêng, vì những lúc ấy, người ta mới thoát khỏi những âu lo đời này, để có tâm hồn cởi mở mà đón nhận những thực tại đời sau.

3. Trong tinh thần cộng đồng công giáo

Hướng dẫn và nâng đỡ các cá nhân chưa đủ, vì mục tử phải chăm lo cho cả đoàn chiên, chứ không phải chỉ chú ý đến từng con. Phận sự chính yếu của linh mục là gây nên một cộng đồng công giáo thực thụ. Nói như thế, ta đừng nghĩ rằng: ta phải đem hết tâm lực để phụng sự một cộng đồng của ta thôi, không còn chú ý đến ai khác nữa. Tinh thần cộng đồng công giáo khác hẳn tinh thần “tháp chuông” đôi khi xảy đến. Ta đã chẳng thấy có những xứ đạo, các đoàn thể rất hợp nhất, nhưng vì hợp nhất trong đoàn thể của mình, mà sinh ra xung khắc với các đoàn thể khác hay sao? Ta đã chẳng thấy thiếu nhi họ này dàn trận chiến đấu với thiếu nhi họ khác, chỉ vì trong nhà thờ lúc xem lễ, chúng đã tranh nhau ghế ngồi hay sao? Các xứ đạo, ít cộng tác, nhưng khi có làm việc gì chung, thì lại hay xô xát như trên. Rộng hơn nữa, là địa phận này, địa phận khác, người Nam, người Bắc sự cộng tác thường khó khăn, nhưng đã là công giáo, chúng ta chỉ có một Hội Thánh trong đó mọi người đều là anh em. Như vậy, linh mục phải củng cố cộng đồng của mình, nhưng trong tinh thần khai phóng, nghĩa là phải lo cho bổn đạo của mình, nhưng cũng phải có tinh thần truyền giáo, muốn cho mọi người nhận biết ơn cứu độ của Thiên Chúa.

4. Nhất là bằng thánh lễ cộng đồng

Không gì gây tinh thần cộng đồng bằng lễ Misa, trong đó mọi người thuộc mọi bậc, mọi lứa tuổi, đều quây quần chung quanh linh mục để hợp lòng hợp trí với người mà dâng lên Thiên Chúa của lễ hy sinh của Chúa Kitô và của toàn thể Giáo Hội. Một cử hành thánh lễ thành thực và sống động sẽ giúp giáo dân rất nhiều để họ ý thức và sống đức bác ái trong các hoạt động của họ, để họ hành động truyền giáo và để họ chứng thực về Chúa Kitô dưới những hình thức mà đời sống họ cho phép. Một cộng đồng biết cầu nguyện, sống bác ái và cố gắng hãm mình, thì sẽ thu hút được người khác trở lại, và sẽ là dụng cụ hữu hiệu để đưa những người chưa tin về với Thiên Chúa.

Khi xây dựng được một cộng đồng công giáo như vậy, thì linh mục đã chứng tỏ mình thực là người rao giảng Phúc Âm và là mục tử trong Hội Thánh. Linh mục ấy có thể yên tâm đợi ngày Chúa đến, vì Chúa rất rộng rãi đã hứa sẽ thưởng gấp trăm cho những tôi tớ trung tín của Người.

Tự vấn lương tâm

Tôi quan niệm vai trò là đầu dân Thiên Chúa của tôi thế nào? Có phải như những bậc quan cách đời này không? Có phải như một người phải sống tách biệt khỏi người khác không? Tôi có biết rằng: Chúa Kitô, để trở nên đầu nhân loại, đã nhập thể và sống một kiếp người khiêm nhượng, nghèo hèn, giữa quần chúng không?
Là đầu dân Thiên Chúa, tôi phải quy tụ, soi sáng người ta, để họ biết thờ phượng Thiên Chúa. Lời nói, việc làm, đời sống của tôi có là như đèn sáng, để người ta nhận thấy chân lý hằng sống không? Tôi có rao giảng Phúc Âm lúc tiện cũng như bất tiện không? Tôi có như người thừa hành chăm chỉ, ban phát sự sáng của Thiên Chúa cho người ta, mỗi khi họ cần đến không? Tôi có hoà nhã thương yêu hết mọi người không? Hay tôi có tính bẳn gắt, kiêu kỳ với người ta. Tôi có nhớ lời Chúa dạy: “Phải học cho biết khiêm nhượng và hiền lành” như Chúa không?

Trong việc mục vụ, tôi có quá thiên về các hình thức bên ngoài không? Tôi có lấy việc xây nhà thờ, mở trường học, lập hội đoàn với quần áo, cờ xí, tổ chức lễ nghi có rước xách linh đình làm đủ không? Trong họ tôi, bổn đạo có biết lẽ đạo không? Có có sống theo đức tin không? Có có chống trả tội lỗi không? Trước gian tham, quyền lợi, họ có giữ được đức công bình, bác ái không? Hay bổn đạo tôi trong cách ăn ở không khác gì người lương dân. Tôi có thích nghi công việc mục vụ của tôi với các lứa tuổi các giới trong xã hội không? Tôi có tổ chức họ thành hội đoàn để họ cùng nhau tìm giải đáp cho những khó khăn của đời sống họ, theo tinh thần Phúc Âm không?

Tôi có chăm lo cho cả họ đạo tôi phải coi sóc, hay tôi chỉ chăm lo cho một phần, như hội đoàn tôi thích, lớp người tôi ưa? Có lẽ tôi sốt sắng lo cho họ đạo của tôi, nhưng tôi lại chỉ nhìn vào một họ đạo của tôi và ích lợi riêng tư của nó? Tôi có xung khắc quyền lợi với các họ sở chung quanh không? Nếu có, tôi đã cư xử thế nào? Có lấy đức ái làm tiêu chuẩn không?

Lạy Chúa, xin dạy con biết sinh sống như một mục tử lành nghề.
 
 

6. Cách đối xử với Giám mục và anh em linh mục (số 7 và 8)


Cách đối xử với Giám mục và các anh em linh mục không thể chỉ dựa theo tình cảm, vì tình cảm hay thay đổi, và mù quáng. Vả lại, cách đối xử ấy phải là một phương tiện không những để nhân hoá mà còn để thánh hoá con người chúng ta nữa. Vì thế cách đối xử ấy phải căn cứ ở những nguyên lý đức tin. Có như vậy, hành vi của ta mới siêu nhiên hoá, chứ không còn phải là hành vi tự nhiên do bản năng gây nên nữa.

1. Những nguyên tắc chung

a) Với Đức Giám mục

Các linh mục đều tham dự vào chức tư tế và vào trách vụ duy nhất của Chúa Kitô với Đức Giám mục của mình. Sự thông hảo này được tiêu biểu bởi nghi thức đồng tế: Đức Giám mục chủ sự, các linh mục tham gia tích cực và việc tế lễ. Vì thế trong cách đối xử ta cũng phải thực hiện sự thông hảo nói trên. Trong việc thông hảo này, ta phải làm thế nào để luôn luôn chứng tỏ bằng lời nói và việc làm rằng ta tin Đức Giám mục có chức tư tế trọn vẹn, và ta luôn luôn tôn trọng ở ngài quyền mục tử tối cao của Chúa Kitô. Như vậy, thái độ “kính nhi viễn chi” không thích hợp với linh mục đối với Giám mục của mình; càng không thích hợp hơn nữa thái độ chỉ trích sau lưng hay tìm cách giảm uy tín ngài với các linh mục khác. Với tinh thần vâng phục và bác ái, ta phải tận tâm cộng tác với ngài. Ngày nay, hội đồng linh mục giúp ta thực hiện dễ dàng hơn sự cộng tác ấy, Đức Giám mục không còn phải một mình lo việc cai quản địa phận, nhưng có một cơ quan để bàn hỏi, suy tính và giúp đỡ ngài.

Sự cộng tác của linh mục với Đức Giám mục là một đòi hỏi cần thiết của thời đại chúng ta. Thực vậy, ở thời đại này, những sáng kiến tông đồ, vì lý do này hay vì lý do khác, bao giờ cũng đòi có sự dị biệt và phải vượt quá phạm vi họ sở và cả địa phận nữa. Vì thế không có linh mục nào lại có thể làm tròn bổn phận mục tử của mình một cách độc lập, riêng tư được, nhưng phải hợp lực với các linh mục khác, dưới quyền điều khiển của các Giám mục.

b) Với anh em linh mục

Vì cùng chịu một chức thánh, nên các linh mục đã kết hợp với nhau trong một bí tích, nhưng vì cùng nhận phục vụ trong một địa phận dưới quyền một Đức Giám mục, các ngài còn kết hợp trong một linh mục đoàn nữa. Đã đành các trách vụ không giống nhau, nhưng ai ai cũng thi hành một trách vụ tư tế vì ích lợi phần rỗi người ta. Ai ai cũng cộng tác vào công cuộc cứu thế của Chúa Kitô, bất luận linh mục thi hành một công việc trong họ sở, hay siêu họ sở, như những linh mục chuyên về một khoa học, làm nghề giáo sư, cho cả đến những linh mục làm việc chân tay, để truyền giáo cho giới lao động nữa, miễn là các ngài đã được các đấng có thẩm quyền cho phép. Nói tóm lại, mọi linh mục đều phải quy tụ lại, làm việc theo một kế hoạch và theo đuổi một mục đích là xây dựng mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhất là ở thời đại chúng ta, việc tông đồ đòi những trách vụ khác nhau và những thích nghi mới mẻ, nên hết mọi linh mục trong địa phận, triều cũng như dòng, cần phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau hành động để phổ biến chân lý.
Sự liên kết trong bác ái và trong phận sự của linh mục đoàn được tiêu biểu bởi lễ nghi truyền chức và thánh lễ đồng tế. trong lễ nghi truyền chức, hết mọi linh mục có mặt đều đến giơ tay với Đức Giám mục trên đầu vị được thụ phong. Trong lễ đồng tế, mọi linh mục đều giơ tay truyền phép và đều chia sẻ một mình Chúa và một chén Máu Thánh Người. Những biểu thức trên chứng tỏ các linh mục phải yêu mến nhau. Vì có như vậy, thì mới chứng tỏ sự hợp nhất mà Chúa Kitô đã muốn cho có giữa các môn đệ Người, để thiên hạ có thể lấy đó làm chứng cớ mà tin rằng: “Người là Đấng Ngôi Cha đã sai đến” (Ga 17,23).

2. Mấy điều thực hành

Những nguyên tắc trên đưa đến những điều thực hành sau đây:

1. Các linh mục có tuổi nên coi các linh mục trẻ như em mình, giúp đỡ họ trong những bước đầu trên đường truyền giáo, khoan dung đối với sự thiếu kinh nghiệm của họ và chỉ bảo họ một cách tận tình bác ái. Cũng nên tìm hiểu cách cản nghĩ, suy tưởng của họ, ngày nay không giống ngày xưa, và khuyến khích các nỗ lực của họ, cả khi nỗ lực ấy gây được cảm tình trong họ và làm thương tổn phần nào tự ái của ta.

2. Các linh mục trẻ phải tôn trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các linh mục già, phải tỏ ra biết thông cảm và đối thoại trong các vấn đề mục vụ và nhất là vui vẻ chia sớt công việc với các vị.
3. Hết mọi linh mục đều phải niềm nở đón rước nhau khi cần đến, vì ta có bổn phận nâng đỡ nhau và giúp đỡ tiền của cho nhau khi thiếu thốn. Nhất là ta phải lưu tâm đến những vị chẳng may bị bệnh tật, vất vả, lẻ loi, hiu quạnh, hoặc bị bách hại cách nào. Đôi khi ta cũng nên gặp nhau, để nghỉ ngơi, giải trí, vì chính Chúa Kitô đã khuyên các tông đồ mệt mỏi: “Hãy đến nơi xa vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31).

4. Một đời sống chung tối thiểu giữa các linh mục cần được thực hiện vì các ngài cần phải nâng đỡ, giúp đáp nhau trong đời sống tinh thần cũng như vật chất, chung lưng sát cánh trong công việc tông đồ và tránh những việc nguy hiểm gây nên bởi đời sống lẻ loi, cô độc. Cách thực hiện cuộc sống chung ấy tuỳ theo hoàn cảnh cá nhân và nhu cầu mục vụ. Từ trước tới nay, nơi nào có cha sở và cha phó, thì cùng ăn một mâm, cùng ở một nhà. Những nơi các cha sở ở một mình, nhưng gần gũi nhau, có thể tổ chức những cuộc gặp gỡ, hội họp đều đặn, để trao đổi ý kiến về việc tông đồ và nâng đỡ nhau. Những hình thức đoàn thể linh mục có quy chế, được hàng Giáo phẩm chấp nhận, cũng đáng quý trọng và khuyến khích. Nhờ có một quy chế đời sống thích nghi và sự nâng đỡ của anh em, các đoàn thể ấy giúp các linh mục rất nhiều, trong việc thánh hoá bản thân và chu toàn nhiệm vụ. Và do đó các đoàn thể ấy giúp ích không riêng gì các đoàn viên của mình; mà còn cả hàng giáo sĩ nữa. Hiện nay ở Việt Nam có một số đoàn thể linh mục như Prado, Caritas Christi...

5. Sau hết ta cũng phải cảm thấy mình liên đới chịu trách nhiệm nâng đỡ những linh mục sa ngã. Ta có thể, tuỳ thời cơ, yên ủi họ và kín đáo nhắc nhở cho họ biết lỗi lầm mà sửa chữa. Với những linh mục sa ngã, gặp phải khó khăn trong việc trở lại, ta phải tỏ ra nhân từ, bao dung. Phải cầu nguyện cho họ và luôn luôn tỏ ra là những anh em của họ trong Chúa Kitô.

Để kết luận, không có lời nào hơn lời của chính Chúa Kitô: “Như Cha Ta yêu mến Ta, Ta cũng yêu mến các con... Điều răn Ta truyền là các con hãy yêu mến nhau như Ta yêu mến các con. Không có ai yêu hơn người bỏ mạng sống vì kẻ mình yêu. Các con sẽ là bạn hữu Ta, nếu các con làm những điều Ta đã truyền dạy” (Ga 15,9-14).



Tự vấn lương tâm

1. từ trước tới nay lối cư xử của tôi đối với Đức Giám mục và anh em linh mục thế nào? Có hoàn toàn theo tự nhiên không? Có phải vì thiện cảm cá nhân, vì dây liên lạc đời này, vì cùng lứa tuổi, vì có những liên hệ vật chất, tiền bạc... không? Hay vì những yếu tố đức tin, là thuộc về một chức vụ và có một mục đích phải hoàn thành, là mở Nước Chúa.

2. Đối với Đức Giám mục của tôi, tôi có nhận biết chức tư tế của tôi chỉ là tham dự vào chức tư tế toàn vẹn của ngài không? Tôi có nhận biết quyền mục tử của tôi chỉ là tham dự vào quyền mục tử của ngài không? Có lẽ tôi cũng biết như vậy, nhưng hành động của tôi không thích hợp với các nguyên tắc trên? Tôi có coi họ sở của tôi như một sở hữu độc lập của tôi không? Tôi có thi hành phụng vụ, tổ chức họ đạo, xếp đặt nhà thờ, theo ý riêng mình, bất chấp các thông cáo, chỉ thị của Toà Giám mục không? Tôi có tiêu xài bừa bãi, theo ý muốn, của cải của họ sở, không sổ sách, không có khai báo cho Toà Giám mục hay không? Tôi có kính mến Đức Giám mục cộng tác với ngài, giúp đỡ ngài thi hành bổn phận mục tử địa phận của ngài, một cách dễ dàng hơn không?

3. Đối với các anh em linh mục, tôi có luôn nhận biết họ là anh em trong chức vụ và việc làm không? Tôi có yêu mến, thông cảm với họ không? Đối với các người trẻ, tôi có sẵn lòng chỉ bảo, tìm hiểu và nâng đỡ không? Hay tôi trịch thượng, khắt khe, cố chấp, làm cho họ phải ngã lòng, nản chí không? Đối với các linh mục già, tôi có kính trọng, giúp đỡ, hay tôi cười nhạo khinh khi, cho là lỗi thời cổ hủ không? Nhất là trong những lúc anh em phải hoạn nạn, ốm đau, bị bách hại, tôi có cầu nguyện cho họ và giúp đỡ họ bằng việc làm và tiền của không? Tôi có năng gặp gỡ anh em linh mục để trau đổi kinh nghiệm, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau giải trí và yên ủi nhau không? Đối với những người sa ngã, tôi có tế nhị, đầy lòng thương xót và thật tình muốn cho họ trở lại không?

Lạy Chúa, xin dạy con biết thương yêu anh em linh mục của con như Chúa đã thương yêu họ vậy.

 

7. Cách đối xử với giáo dân (số 9)


Vấn đề đối xử với bổn đạo ngày nay gặp nhiều khó khăn thực tế, vì xã hội biến đổi và vì những phong tục, cốt cách của ngày nay không còn là những phong tục và cốt cách của ngày xưa nữa. Càng nhận thấy những cách cư xử đổi thay, ta càng cần phải tìm hiểu những nguyên lý hướng dẫn cách cư xử của ta ở bất cứ thời đại nào. Biết được các nguyên lý đó, ta sẽ biết thích nghi thái độ của ta đối với giáo dân thế nào cho phù hợp với thời đại, mà không sợ mắc phải tội xu thời, hoặc làm tổn thương đến chức vụ linh mục và sứ mạng của ta. Chúng ta hãy tìm hiểu các nguyên lý đó, mà sắc lệnh về chức vụ linh mục cống hiến cho ta.

I. Mọi người đều là chi thể của Chúa Kitô

Trong mình mầu nhiệm Chúa Kitô, hết mọi người đều là anh em với nhau, mọi người đều đã được chịu phép Rửa tội, mọi người đều đã có chức tư tế chung, mọi người đều phải dâng của lễ thiêng liêng lên Thiên Chúa, mọi người đều phải xây dựng Hội Thánh, mọi người đều thông hưởng các ơn lành mà kẻ khác nhận được. Nói tóm lại, trong Hội Thánh, linh mục cũng như giáo dân đều là con cái Thiên Chúa như nhau, đều có những bổn phận thờ kính Thiên Chúa và thánh hoá bản thân như nhau. Nhìn ở phương diện định mệnh của con người, thì ai cũng như ai: ai cũng phải nên trọn lành như Cha Cả trên trời là Đấng trọn lành. Do đó linh mục chúng ta phải tôn trọng ở người giáo dân một linh hồn, cũng có một định mệnh như chúng ta; về phương diện thánh thiện, ta thấy rằng: chức linh mục không bảo đảm rằng ta hơn họ; trái lại chỉ có sự cố gắng cá nhân mới làm cho người ta tấn tới mà thôi. Một linh mục không thể ỷ lại vào chức thánh của mình mà nói rằng: mình có nhiều công lành phúc đức hơn kẻ khác được. Ta cần phải đánh tan cái thần thoại làm giáo dân tin rằng: “Các đấng bậc đều thánh thiện”. Cái thần thoại đó có thể giúp ta được sự tôn kính của họ, nhưng khi họ nhận thấy ta cũng là người, cũng có những yếu hèn sa ngã, họ sẽ vỡ mộng và mất đức tin.

II. Nhưng mọi chi thể không cùng một nhiệm vụ

Đã đành các linh mục trước hết cũng là tín hữu, cũng đã chịu phép Rửa tội và cũng có bổn phận nên thánh. Nhưng như các chi thể của một thân mình, không nhất thiết phải giống nhau. Các linh mục cũng có những trách vụ trong nhiệm thể khác với người giáo dân. Trách vụ ấy, như trước đây chúng ta đã thấy, là làm cách thiêng liêng và làm thầy dạy người ta. Nói khác đi, ngoài trách vụ phải nên thánh ở cá nhân mình, linh mục còn có trách vụ phải lãnh đạo đoàn thể của mình, thay cho Chúa Kitô, làm đầu nhiệm thể ở phạm vi của mình. Vai trò làm đầu giáo đoàn đòi hỏi ở linh mục phải giữ một số nguyên tắc trong khi cư xử với giáo dân.

1. Trước hết, linh mục là đầu giáo đoàn thay cho Chúa Kitô, vì thế, linh mục cũng phải ăn ở với giáo đoàn theo gương mẫu của Chúa Kitô, nghĩa là linh mục “cũng đến với người ta để phụng sự, chứ không phải để được phụng sự, lại để hiến đời sống làm của chuộc cho đám đông” (Mt 20,28). Để được như vậy, linh mục cần phải quên mình đi, quên những lợi lãi riêng tư, để chỉ nghĩ đến ích lợi cho các linh hồn mà thôi. Mặt khác, linh mục phải cố gắng quy tụ các giáo dân và cộng tác mật thiết với họ trong việc mở Nước Chúa. Việc cộng tác này đòi hỏi nhiều hy sinh và đức tính như: thành thật tôn trọng phẩm giá của người giáo dân và vai trò của họ trong Hội Thánh, nhận biết họ có quyền được hưởng tự do trong hành động trần gian của họ, sẵn sàng nghe lời họ, bàn hỏi với họ, tiếp nhận những nguyện vọng chính đáng của họ và nhận biết kinh nghiệm và sở trường của họ trong các ngành hoạt động nhân loại mà họ chuyên môn. Nhất là ở thời đại này, sự cộng tác của giáo dân theo sở trường của họ rất cần thiết để có thể đọc được các “dấu hiệu của thời đại”. Thí dụ: trong vấn đề hoà bình, đã đành ước vọng hoà bình thì mọi người công giáo đều phải có, nhưng phải hành động thế nào để được hoà bình? Đó là vấn đề vô cùng phức tạp, cần phải có những tay chuyên viên lành nghề nghiên cứu ở nhiều phương diện như chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự, vv...

2. Không những linh mục phải khám phá và nhờ đến tài năng tự nhiên của giáo dân, ngài còn có bổn phận phải lấy đức tin mà khám phá những ơn lành của Chúa Thánh Thần ban xuống cho giáo dân, từ những hình thức khiêm nhượng đến những hình thức cao quý: phải vui mừng khi gặp thấy các ơn lành đó nơi giáo dân và phải nhiệt thành tìm cách vun trồng các ơn lành đó. Trong các ơn lành mà Chúa Thánh Thần ban xuống dư thừa cho giáo dân, cần phải lưu tâm đến những ơn lành làm cho giáo hữu có đời sống siêu nhiên sâu xa. Đã đành, để hướng dẫn họ, ta cũng phải có một đời sống siêu nhiên thực thụ và sâu xa. Vì thế, ta phải noi gương Chúa Kitô, thánh hoá bản thân để có thể thánh hoá những người Chúa đã trao phó cho ta coi sóc.

3. Linh mục cũng phải tin cậy vào giáo dân và trao cho họ những trách nhiệm trong Giáo Hội. Khi đã trao cho họ trách nhiệm thì phải để cho họ có đủ tự do và lãnh vực hoạt động, để họ có thể thi thố tài năng và có sáng kiến. Có như vậy, ta mới có những người giáo dân trưởng thành trong công việc tông đồ.

4. Sau hết, linh mục phải bênh vực của cải chung, giữ vững chân lý, đừng để giáo dân bị lôi cuốn bởi các phong trào tư tưởng chóng qua. Lại phải giữ gìn đoàn chiên Chúa uỷ thác cho. Vì thế, đã đành ngài phải làm cho những người hành đạo thêm sốt sắng, nhưng ngài cũng phải chú ý đến những người không còn hành đạo, không chịu các phép bí tích nữa, những người không thông hảo với Hội Thánh và những người lương dân không nhận biết Chúa Cứu Thế, để họ được hưởng nhờ ơn cứu chuộc.

Nói tóm lại, linh mục phải là sức mạnh, khả dĩ làm cho người ta hợp nhất với nhau. Trong Hội Thánh, ngài là cha chung hết mọi người, không ai vì ngài mà cảm thấy xa cách, hay bị rẻ rúng. Trong nhân loại, ngài sẽ là yếu tố hoà giải, thương yêu tận tuỵ vì phần rỗi của mọi người.

Tự vấn lương tâm

1. Khi tôi thấy dân chúng tôn kính, coi tôi là bậc thánh đức, tôi đã nghĩ gì? Tôi có lấy đấy làm tự hào không? Tôi có thơ ngây mà nghĩ rằng: mình thánh đức hơn những người giáo dân chỉ vì mình là linh mục không? Tôi có nghĩ rằng: là linh mục, tôi giỏi giang, kiến thức hơn những người khác không? Tôi có nghĩ rằng: những ý nghĩ của tôi đều hay ho và đúng hơn ý nghĩ của người chung quanh không? Tôi có nổi giận hay ít là phật ý khi người ta bất đống ý kiến với tôi không? Tôi có bàn bạc, hỏi han giáo dân khi trong họ có vấn đề phải giải quyết, hay tôi chỉ truyền khiến, ra lệnh và mọi người khác phải làm theo như ý kiến của tôi, không ai được có sáng kiến, quyết định gì không? Tôi có nghĩ rằng: không nên độc tài, nhưng hiện giờ dân chúng còn trình độ quá thấp, chưa dân chủ được không? Tôi có nghĩ rằng: huấn luyện thì rầy rà cho tôi, nhưng không huấn luyện để giáo dân trưởng thành, thì chẳng bao giờ họ trưởng thành không?

2. Tôi có nghĩ rằng: Chúa Thánh Thần có thể soi sáng đặc biệt cả những tâm hồn của giáo dân không? Tôi có lo tìm hiểu từng con chiên Chúa trao phó cho tôi mà hướng dẫn họ không? Tôi có nhận biết những linh hồn mà Chúa Thánh Thần đã đặc biệt soi sáng, cho có một đời sống bề trong sâu xa không? Tôi đã làm gì để giúp họ? Tôi có lo sống đời sống bề trong, thánh hoá bản thân và học hỏi trong đường tu đức, để có thể hướng dẫn họ một cách có kết quả không?

3. Tôi nghĩ gì về vai trò Chúa Chiên Lành mà tôi phải thực hiện thay cho Chúa Kitô đối với giáo dân của tôi? Tôi có thể nói như Chúa rằng: tôi đến họ sở tôi, để phụng sự không? Tôi có noi gương Chúa bỏ chín mươi chín con chiên ở chuồng để đi tìm kiếm con chiên lạc không? Hay tôi quanh quẩn với một nhóm nhỏ người ngoan đạo như mấy bà dòng ba, đám con cái Đức Mẹ và một số gia đình đạo đức, còn đám thanh niên cứng đầu cứng cổ, những gia đình khô đạo, những người sa ngã thì tôi bỏ mặc, không hề lo lắng gì đến họ không? Tôi có ý thức rằng: tôi hiện diện ở một nơi, không phải chỉ vì nhu cầu của giáo dân, nhưng của hết mọi người: lương cũng như giáo không? Tôi đã làm gì để những người lương dân trong vùng tôi biết đến Chúa và đạo thánh Người?
Lạy Chúa, xin cho con được soi sáng và nhiệt thành trong đời sống mục tử của con.
 
 

8. Chức tư tế không có không gian và thời gian (số 10 và 11)


Khi chịu chức linh mục, chúng ta vẫn còn là người. Vì thế chúng ta chỉ có thể hoạt động trong phạm vi của con người, có một công tác nhất định, trong một thời gian nhất định. Chúng ta sẽ là phó sở hay chánh sở họ X., tuyên uý đoàn Y., trong khoảng thời gian từ năm ấy đến năm nọ. Giới hạn trách nhiệm đó nhiều khi làm cho chúng ta quên mất tính cách phổ quát và siêu thời gian của chức linh mục công giáo.

1. Nhiệm vụ hiện tại

Vì chúng ta có một trách nhiệm nhất định, chúng ta chỉ nghĩ đến trách nhiệm ấy. Tôi cha sở họ X. Tôi chỉ lo cho họ tôi tiến tới thôi; còn địa phận, quốc gia, Giáo Hội, tôi không cần biết đến. Họ tôi có nền kinh tế dồi dào, còn họ bên cạnh không được may mắn là mấy, nhưng khi họp địa phận, tôi vẫn cố giành giựt cho họ tôi những ưu tiên kinh tế, để họ tôi đã giàu lại giàu thêm, trong khi các họ khác thiếu phương tiện mở mang. Họ tôi đã có đủ linh mục coi sóc nhưng vì có một linh mục mới là con thiêng liêng của tôi, tôi không nghĩ đến sự thiếu hụt của các họ khác; lại cố vận động để linh mục ấy về với tôi, để mở thêm trường trung học cho sầm uất hơn...

Hành động như trên, tôi đã quên rằng: khi chịu chức linh mục tôi đã nhận một sứ mạng cứu rỗi không có thời hạn. Chúa đã phán bảo các tông đồ: “Chúng con hãy đi giảng cho đến cùng thế giới” (Cv 1,8). Thực vậy, sứ mạng của các tông đồ là chính sứ mạng của Chúa, mà sứ mạng cứu chuộc của Chúa thì không có giới hạn, chủng tộc, quốc gia và thời gian lịch sử nào hết. Như Melchisêdê, không có dòng giống và thời gian, thầy tư tế của Tân Ước cũng phải sống cho hết mọi người và lo cho mọi thời gian. Do đó, linh mục của Chúa phải quan tâm lo lắng không những cho họ sở của mình, mà cho cả Giáo Hội nữa.

Chính là để thể hiện lý tưởng nói trên, mà sắc lệnh về linh mục nói đến việc sửa đổi luật xuất nhập địa phận cho thích hợp với hoàn cảnh mục vụ hơn. Nơi nào có nhiều linh mục có thể chia sớt cho những nơi thiếu linh mục. Linh mục có thể làm việc không phải cho một họ, mà cho một loại người trong nhiều họ... Linh mục có thể xin đi giảng đạo ở những nơi xa xôi thiếu linh mục...

Cũng là để thể hiện lý tưởng nói trên mà sắc lệnh dặn dò những linh mục đi giảng đạo ở n hoặc nơi xa xôi phải tìm hiểu phong tục, tập quán, tính tình của các người mình tới, để thông cảm với họ, theo gương thánh Phaolô đã nói: “Tuy không phải lệ thuộc ai, tôi đã làm tôi tớ mọi người; để chinh phục một số đông hơn. Tôi là Do thái với người Do Thái, để chinh phục người Do Thái” (1 Cr 9,19-20). Khi linh mục quên những gì là riêng biệt của mình, để chỉ nghĩ đến những linh hồn mình phải cứu rỗi, thì mới hoàn toàn đáp ứng lời mời gọi phổ quát của Chúa Kitô.

2. Nhiệm vụ tương lai

Linh mục của Chúa không phải chỉ là linh mục của một họ, một địa phận..., mà còn là linh mục của cả Giáo Hội. Linh mục của Chúa cũng không tách rời khỏi thế hệ các linh mục có trước đã gây dựng và truyền chức cho mình, và các linh mục sẽ có sau mình và sẽ kế tiếp mình. Dân Thiên Chúa hằng có các linh mục mãi cho đến tận thế, vì khi Chúa lập Giáo Hội, Chúa đã tỏ ý không muốn cho giáo hữu giống như đàn chiên không có người chăn dắt (Mt 9,36). Các tông đồ đã nhận biết thánh ý Chúa, cho nên đã coi việc lựa chọn những người có khả năng thay thế các ngài, trong chức vụ giảng dạy kẻ khác (2 Tm 2,2). Thực ra, lo cho có người tiếp tục công việc mình là nhiệm vụ gắn liền với chức linh mục, vì linh mục phải chia sẻ nỗi lo âu của toàn thể Giáo Hội làm sao cho dân Chúa không bao giờ thiếu người chăn dắt.

Nhưng làm thế nào để có người nối tiếp. Sắc lệnh về linh mục đưa ra mấy phương thế sau đây:

1. Giảng dạy cho giáo dân hiểu họ có bổn phận cộng tác vào việc gây dựng các linh mục tương lai, bằng lời cầu nguyện, bằng sự giúp đỡ vật chất và bằng hy sinh: sẵn sàng dâng con cho Chúa khi Người mời gọi.

2. Dùng lời giảng và gương sáng làm cho giáo dân hiểu rằng: chức linh mục quan hệ và cần thiết để Giáo Hội làm trọn vẹn sứ mạng của mình. Chỉ có một đời sống thánh thiện và tận tuỵ với các linh hồn mới có thể làm cho giáo dân mến chuộng chức linh mục của ta.

3. Dạy cho thanh thiếu niên hiểu nhu cầu của Giáo Hội và sẵn sàng tiếp đáp lời mời gọi của Chúa.

4. Nhưng lời mời gọi ấy không phải lúc nào cũng là một tiếng gọi bên tai, lời mời gọi ấy thường là những dấu hiệu hằng ngày Chúa gởi đến, và phải quan tâm lắm mới thấy được. Linh mục phải quan tâm đến các dấu hiệu ấy ở nơi thanh thiếu niên, để chỉ bảo cho họ.

5. Trong vấn đề ơn kêu gọi, phải để cho thanh thiếu niên được hoàn toàn tự do, bề trong cũng như bề ngoài. Vấn đề quan hệ là phải hướng dẫn họ một cách cần cù và thận trọng.

Để ý thức được tính cách siêu không gian và siêu thời gian của chức linh mục, chúng ta phải biết rõ các nhu cầu của Giáo Hội hoàn cầu cũng như của các giáo đoàn địa phương. Chúng ta có hiểu biết các nhu cầu ấy và nhận định rõ việc dâng mình cho Chúa là dấu hiệu kính mến Người cao cả nhất, thì hẳn chúng ta sẽ hăng hái phụng sự Giáo Hội một cách quảng đại, trong hiện tại và trong tương lai.

Tự vấn lương tâm

1. Có lẽ tôi đã biết là làm linh mục là để cứu vớt hết mọi người chưa biết Chúa, nhưng tôi có sống như vậy không? Tôi có lo lắng đến phần rỗi của hết mọi người không?

- Tôi có lo lắng đến nhu cầu của cả Giáo Hội không? Khi nghe nói: Nam Mỹ thiếu linh mục, tôi đã có phản ứng thế nào? Khi nghe nói: ở Âu châu, ơn kêu gọi mỗi ngày mỗi sút kém, tôi có lo ngại không?

- Hay tôi nghĩ: tôi là cha sở họ X., Chúa đặt tôi ở đó, tôi lo việc ở đó, đủ rồi, tôi không cần nghĩ đến nơi khác chăng? Đã đành, tôi phải lo chu toàn bổn phận trước hết, nhưng tôi có biết rằng: có cách chu toàn hẹp hòi và có cách chu toàn khai phóng không?

- Tôi có ý thức rằng Giáo Hội là một nhiệm thể, không có thể quan niệm ích lợi của một bộ phận tách khỏi ích chung không? Tôi có ý thức rằng: trong lúc làm việc cho một họ sở, tôi không được chỉ bao bọc cho họ sở ấy, mà còn phải dung hoà, thích nghi với tất cả địa phận, quốc gia, và Giáo Hội không?

- Tôi có sẵn sàng giúp đỡ anh em linh mục bên cạnh tôi không? Tôi có cầu nguyện cho cả Giáo Hội không?

2. Tôi có giảng dạy cho giáo dân họ tôi biết phải liên đới trách nhiệm về cả giao hợp và cầu nguyện cho nhu cầu cả Giáo Hội không?

- Tôi có quảng đại và sốt sắng trong việc quyên tiền cho chủng viện, cho hội truyền giáo, cho những nơi bị thiếu thốn, hay tôi chỉ làm lấy lệ và nghĩ đó là việc chung của địa phận và của Giáo Hội không?

3. Về việc lo cho có những người nối tiếp, linh mục Việt Nam đã có một truyền thống đáng khích lệ. Nhờ sợ lo lắng và hy sinh tiền của, các linh mục đã đưa được nhiều ơn kêu gọi tới đích. Nhưng tôi cũng nên xét mình xem, tôi có vâng theo những tiêu chuẩn của sắc lệnh hay tôi chiều theo một khuynh hướng tự nhiên “cần có con cái” không?

- Tôi săn sóc, lo lắng cho con cái thiêng liêng của tôi vì nhu cầu, vì ích lợi của Giáo Hội, vì phần rỗi của con cái thiêng liêng của tôi hay vì những liên hệ tình cảm, ích kỷ chăng?

- Khi gia đình thiêng liêng của tôi có con trai, con gái, tôi có giữ lòng mình khỏi vướng mắc tình cảm quá tự nhiên không?

- Tôi có lưu tâm đến những nguy cơ anh em thiêng liêng trong con cái tôi không? Kinh nghiệm cho thấy rằng dây liên lạc nam nữ ấy rất nguy hiểm, và thay vì giúp đỡ, thì nhiều lần đã phá hoại ơn kêu gọi. Tôi có ý thức điều đó chăng? Tôi đã làm gì để tránh những nguy hại đó...

Xin Chúa cho con một tâm hồn trong sạch và vô tư, trong việc gây dựng con cái thiêng liêng cho Giáo Hội Chúa.

 

9. Linh mục phải nên thánh (số 12, 13)


I. Lý do phải nên thánh

1. Linh mục có nhiều lý do để nên thánh. Trước hết phải nói đến sự thánh hiến (consecratio) mà linh mục đã nhận được khi chịu phép Rửa tội. Phép Rửa tội đã làm cho linh mục thuộc về Thiên Chúa phải hiến thân để làm sáng danh Người. Phép ấy cũng ban cho linh mục những ân sủng cần thiết, để ngài hoàn thành sứ mạng nói trên. Tuy có xác thịt loài người, ngài có thể và phải tiến đến trọn lành như Phúc Âm đã dạy: “Về phần các con, các con phải nên trọn lành như Cha các con ở trên trời trọn lành” (Mt 5,48).

2. Nhưng linh mục còn phải thánh hoá bản thân vì một lý do khác nữa. Khi chịu chức thánh, ngài lại được thánh hiến cho Thiên Chúa một lần nữa. Khi chịu chức thánh, ngài lại được thánh hiến cho Thiên Chúa một lần nữa. Và lần này, sự thánh hiến ấy làm cho ngài trở nên dụng cụ sống của Chúa Kitô, linh mục đời đời, để tiếp tục công việc của Chúa là quy tụ nhân loại, mà dâng lên Thiên Chúa. Vì thế, là linh mục, tức là làm đại diện của Chúa Kitô dưới trần gian này, và cũng vì thế Chúa ban cho linh mục được sự thánh thiện của Đấng làm linh mục thượng phẩm “thánh thiện, vô tội, không tì ố” (Dt 7,26) nâng đỡ, lại để việc phụng dự dân Thiên Chúa giúp linh mục thực hiện phần nào sự trọn lành của đời mà người đại diện.

3. Mặt khác, Ngôi Cha đã thánh hiến và sai Con Một Người xuống thế gian, chịu đau khổ để chuộc tội và thanh lọc dân Người thế nào, thì Chúa Kitô cũng đã thánh hiến các linh mục và ban cho họ Chúa Thánh Thần, để họ từ bỏ mọi sự trần tục, mà phụng sự các linh hồn như vậy. Chính nhờ ở sự chu toàn các việc bổn phận mà đời sống thiêng liêng của linh mục được vững mạnh mỗi ngày một hơn. Đời sống linh mục phải được thánh hoá ngay ở việc làm các lễ nghi phụng vụ của mình, trong sự thông hảo với Giám mục và linh mục đoàn. Có thánh thiện linh mục mới cứu rỗi người ta một cách đắc lực. Đã đành, một linh mục bất xứng cũng vẫn thi thành “thành sự” các bí tích, nhưng thường thường Thiên Chúa chỉ tỏ quyền phép Người ra, khi kẻ ban các bí tích kết hợp mật thiết với Người và kẻ nhận bí tích nhiệt thành tiếp nhận ơn của Người. Vì thế, để thánh hoá bản thân, Công đồng nhấn mạnh đến việc phải dùng chính những phương tiện mà Hội Thánh ban cho linh mục, ngõ hầu trở nên những dụng cụ thích hợp để phụng sự toàn dân Thiên Chúa.

II. Các phương tiện thánh hoá của linh mục

Các phương tiện thánh hoá của linh mục đều ở tại sự trung thành và bền bỉ chu toàn các chức vụ mà Chúa Kitô đã uỷ thác cho.

1. Trước tiên là chức vụ rao giảng lời Chúa. Để có thể thi hành chức vụ này một cách nghiêm chỉnh, thì trước tiên linh mục phải học biết và suy ngắm lời Chúa, nghĩa là mỗi ngày phải trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa hơn. Chính thánh Phaolô đã khuyên Timôtê: “Hãy để ý đến bản thân và lời giảng dạy của con, phải biểu lộ sự kiên trì của con ở chỗ đó, vì chỉ có hành động như vậy, thì con mới cứu rỗi được con và những người nghe con” (Tm 4,16). Cũng phải tìm cách trình bày những điều mình đã suy ngắm cho thích hợp nhất với những người nghe. Trong lúc tìm tòi cách trình bày ấy, linh mục sẽ được nếm “sự phong phú vô song của Chúa Kitô”. Sau hết, tuy linh mục học hỏi, tìm cách trình bày cho thích hợp, nhưng vẫn phải xác tín rằng: chỉ có Chúa mới mở được lòng người ta, và lời mình nói nếu có quyền lực gì, thì cũng không phải bởi mình, nhưng bởi Thiên Chúa. Có xác tín ấy, thì khi giảng dạy, linh mục rất dễ kết hợp với Chúa Kitô và vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2. Thứ đến, chức vụ cử hành phụng vụ, nhất là cử hành thánh lễ Misa. Trong cử hành phụng vụ, linh mục đại diện Chúa Kitô một cách đặc biệt, để dâng công nghiệp Chúa, xin Thiên Chúa tha tội cho người ta. Trong lúc cử hành mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô như vậy, linh mục cũng phải quan tâm đến hãm mình, phạt xác, từ bỏ các tính mê, nết xấu. Nhất là khi cử hành thánh lễ, linh mục phải kết hợp với Con Chiên vẹn sạch, mà dâng hiến mình cho Thiên Chúa, như một của lễ “thánh thiện, vô tội, không tì ố”. Khi chịu lễ, linh mục phải san sẻ tình yêu của Đấng đã ban máu thịt mình làm của nuôi các tín hữu. Khi ban các bí tích khác, linh mục cũng phải kết hợp Chúa Kitô ở ý hướng và đức bác ái; nhất là trong phép Giải tội, linh mục phải mau mắn, sẵn sàng ban cho tất cả những ai có đủ lý do để xin mình. Sau hết, nhờ kinh nhật tụng linh mục thay mặt Hội Thánh kết hợp với Chúa Kitô, mà cầu nguyện cho toàn thể nhân loại, noi gương Chúa Kitô “sống để bầu cử cho ta” (Dt 1,25).

3. Sau hết, chức vụ quản trị dân Thiên Chúa. Theo gương Đấng chăn chiên lành, linh mục cũng phải sẵn lòng thí mạng sống mình vì con chiên. Thời nay, cũng vẫn còn có những trường hợp và những nơi, linh mục phải liều mạng sống để ở lại với bổn đạo, mà săn sóc linh hồn họ. Khi yên ổn, ta ở với họ, đến lúc nguy nan, ta lẩn trốn, thì ta không xứng đáng là môn đệ của Chúa. Nhưng trên thực tế, ta không luôn phải ở vào hoán cải nói trên, những lúc khác ta cũng phải tỏ ra mình là Chúa chiên lành, bằng cách nào? Bằng cách lo lắng giáo dục đức tin của tín hữu, trước hết là chính cách ăn ở đầy lòng tin cậy của mình trước mọi thử thách, gian nan, sau là soi sáng cho giáo hữu biết những điều phải tin và cách tin như thế nào? Cũng phải tỏ ra mình là đầu của cộng đồng, biết hy sinh tư lợi vì công ích, biết quên mình để phục vụ đoàn thể và có óc cầu tiến, muốn làm tròn nhiệm vụ của mình mỗi ngày một hoàn hảo hơn, không ngại khó nhọc, tìm tòi, miễn là trung thành với sự hướng dẫn sống động của Chúa Thánh Thần.

Như trên, ta thấy rõ Hội Thánh mong ước cho linh mục sống một đời sống thánh thiện, nhưng sự thánh thiện ấy phải có sắc thái linh mục, nghĩa là phải ở tại sự tận tâm phục vụ phần rỗi các linh hồn, chức vụ mà linh mục đã nhận khi chịu chức.

Tự vấn lương tâm

Tôi có biết rằng: mọi người đã chịu phép Rửa tội đều phải nên thánh không? Tôi có nghĩ rằng: việc nên thánh là việc của mấy ông dòng, bà phước, chứ không phải là việc của tôi không? Tôi có biết rằng: là linh mục, tôi đã được thánh hiến hai lần để nên thánh không? Tôi có cố gắng thánh hoá bản thân hơn những những người bổn đạo của tôi không? Tôi đã thánh hoá bản thân tôi thế nào? Có phải tôi đã nghĩ rằng: việc thánh hoá ở tại một số việc đạo đức không? Tôi có nghĩ rằng: việc nên thánh và bổn phận linh mục không liên hệ với nhau không? Tôi có xác tín rằng: đã được kêu gọi làm linh mục, tôi chỉ có thể nên linh mục thánh, chứ không thể chỉ nên thánh mà thôi không?

Tôi đã thi hành ba chức vụ chính của linh mục, là giảng dạy, thánh hoá và cai quản thế nào? Tôi có học hỏi và suy ngắm lời Chúa để hiểu biết mà giảng dạy người ta không? Tôi có lưu tâm đến những sắc lệnh, chỉ thị của Giáo Hội để thi hành đúng đắn việc giảng dạy của tôi không? Hay tôi lo lắng những việc ở đâu, còn việc này thì tôi không để thì giờ nghĩ đến? Tôi có sắm đủ mọi thứ xa xỉ, như radio, ghi âm, tiếp viên... còn sách vở căn bản mà linh mục phải có thì tôi chẳng sắm quyển nào không? Tôi có dọn bài giảng không? Tôi có khiêm nhượng cầu nguyện để xin Chúa soi sáng khi dọn bài giảng không?

Tôi cử hành thánh lễ và các bí tích với tinh thần nào? Là đại diện Chúa Kitô, tôi có lo cho có những tâm tình của Người khi dâng lễ Misa và làm các bí tích không? Thi hành mầu nhiệm cứu rỗi hàng ngày, tôi có sẵn sàng hy sinh để cứu rỗi nhân loại không?

Tôi cai quản họ xứ tôi với tinh thần nào? Có phải để trục lợi, để vinh thân phì da, để có của tiêu xài không? Có phải như một chủ nhân ông không? Tôi có nghĩ rằng: tôi phải nên giống Chúa Kitô, đến để phụng sự, chứ không phải để được phụng sự không? Tôi có là Chúa chiên lành sẵn sàng chết vì phần rỗi của con chiên không? Tôi có là người quản lý tốt, không làm mất mát gì của chủ, mà còn làm lời lãi ra nhiều không?

Lạy Chúa Kitô, xin dạy con biết thánh hoá bản thân bằng cách chu toàn chức vụ linh mục hằng ngày của con.

 

10. Phải thống nhất đời sống (số 14)


Ngày nay, con người vướng mắc trăm ngàn công việc, cuộc sống hằng ngày bị phân tán nhiều đàng, bởi vì thiếu định hướng vững chắc. Các linh mục, cũng không thoát khỏi hoàn cảnh đó, vì phải dấn thân vào đời sống cụ thể của nhân loại, các ngài bận bịu trăm công ngàn việc, nào là tìm viện trợ cho con chiên, lo can thiệp để giải oan cho kẻ bị áp bức, tổ chức họ đạo, mở trường học, xây nhà thờ, sắm máy điện, máy ghi âm, dọn bài giảng, làm các bí tích, lo an ninh cho làng xóm vv... Giữa những đòi hỏi phức tạp như vậy, linh mục làm sao thống nhất được đời sống, duy trì được mức độ nội tâm cần thiết cho chức vụ Chúa Chiên.

1. Sự thống nhất đời sống không thể được bảo đảm bằng tổ chức hoạt động tông đồ theo một chương trình nào đó. Thống nhất chương trình hành động chưa chắc thống nhất được đời sống, vì một chương trình có thể xếp đặt những công việc liên tiếp nhau, mà nhằm những mục đích rất khác biệt nhau. Như một chương trình xếp đặt việc đọc kinh, rồi xem tiếp viên, rồi đi ngủ.. và việc đó liên tiếp nhau theo trật tự, nhưng rất có thể nhằm mục đích khác biệt nhau, nếu không nói là đối lập nhau nữa.

2. Sự thống nhất đời sống cũng không thể bảo đảm được nguyên bằng những việc đạo đức. Đã hẳn, việc đạo đức hướng lòng ta lên cùng Thiên Chúa và giúp rất nhiều để thống nhất đời sống. Nhưng một linh mục rất có thể phân tách việc đạo và việc trần gian: khi cầu nguyện, ngài chăm chú, thờ Chúa, nhưng khi hoạt động trần gian, có khi ngài bị thúc đẩy bởi cảm tình hay hiếu thắng...

3. Để thống nhất đời sống, Công đồng Vatican II khuyên linh mục hãy theo gương Đức Chúa Giêsu, hiến thân theo thánh ý Thiên Chúa (Ga 4,34).

Thật vậy, Chúa Giêsu khi xuống thế gian chỉ lo lắng vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Người đã vâng lời đến chết, chết trên thập giá. Và việc Người lập Hội Thánh, đặt 12 tông đồ, cũng là để sau khi Người về trời, thánh ý Thiên Chúa vẫn được tiếp tục thi hành, để cứu chuộc loài người. Như vậy, Chúa Giêsu luôn luôn phải là nguyên lý và là nguồn mạch cho sự thống nhất sinh hoạt trong Giáo Hội. Các linh mục, để thực hiện sự thống nhất ấy, phải hợp ý với Chúa Giêsu trong việc tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa và trong việc hiến thân mưu ích cho đoàn chiên. Một linh mục, trước khi hành động bao giờ cũng phải tự đặt câu hỏi “Nếu Chúa Kitô ở trong hoàn cảnh của tôi, thì Người sẽ hành động thế nào?”. Một đại diện không được làm khác với ý muốn của Đấng đã sai mình. Ta xưng mình là “alter Christus)” thì phải ăn ở giống như Chúa Kitô. Chúa Kitô đã hiến mạng sống của Người vì phần rỗi đoàn chiên. Chúng ta cũng vậy, trong chức vụ của chúng ta, bao giờ chúng ta cũng phải nghĩ đến phần rỗi các linh hồn trước hết. Khi chúng ta đã đặt phần rỗi các linh hồn làm tiêu chuẩn để hoạt động, thì những khó khăn trong vấn đề vâng phục bề trên, cộng tác với anh em, đối xử với giáo dân, độc thân, công bình, bác ái, vv... không còn lý do tồn tại nữa. Vì trong đời sống cũng như trong hành động, chúng ta chỉ còn một tiêu chuẩn để tiến tới, đó là lòng bác ái của kẻ chăn chiên.

4. Lòng bác ái quảng đại của kẻ chăn chiên đó, ta phải múc lấy ở nguồn suối thánh lễ Misa, vì thánh lễ Misa không những là “biểu thị” lòng thương yêu cứu độ, mà còn là hoạt động cứu độ của Chúa Kitô nữa. Chúng ta càng hiểu và càng tích cực sống mầu nhiệm thánh lễ, thì chúng ta càng nhận được nhiều ân sủng để sống lòng bác ái bao la của Chúa Kitô đối với nhân loại. Nhưng muốn được như vậy, hai điều kiện cần thiết là cầu nguyện và học hỏi không ngừng mầu nhiệm cứu chuộc, cầu nguyện vì đây là thế giới siêu nhiên, không có ân sủng, tự sức mình, chúng ta không làm gì được; học hỏi không ngừng, vì Chúa chỉ tỏ mình ra cho kẻ tìm biết Người.

5. Hiến chế “Lumen Gentium” có đưa ra một biện pháp cụ thể để kiểm soát xem linh mục có thống nhất đời sống của mình không? Đó là xem xét hành vi của linh mục cho biết ngài có trung thành với Giáo Hội không? Vì chúng ta không thể tách biệt sự trung thành với Chúa Kitô và sự trung thành với Giáo Hội của Người. Một linh mục không trung thành với Giáo Hội, không thể nói được rằng: mình trung thành với Chúa Kitô. Nhưng thế nào là trung thành với Giáo Hội? Là làm việc tông đồ trong tinh thần đoàn kết với Giám mục và các anh em linh mục khác. Giáo Hội không phải là một danh từ trừu tượng. Giáo Hội là một tổ chức cụ thể gần ta nhất là cha sở hay cha phó đang chia sẻ vớ ta trách nhiệm về các linh hồn. Trực tiếp ở trên ta là Đức Giám mục địa phận, ngài có bổn phận coi sóc con chiên trong toàn địa phận, kể cả con chiên trong họ sở của ta, ta phải cộng tác chặt chẽ với ngài như một cộng sự viên không có quyền hành bởi tự mình, nhưng vì được tham dự vào chức tư tế của Giám mục. Khi không hoà đồng với anh em cùng làm việc với ta trong họ sở, không vâng lời Giám mục trong chương trình mục vụ của địa phận, thì ta không có thể nói được là ta trung thành với Giáo Hội. Trái lại, nếu ta hợp nhất với Giáo Hội ở cấp bậc họ sở và địa phận thì chắc chắn rằng ta cũng hợp nhất với toàn thể Giáo Hội. Vì trong một thân mình, khi một chi thể kết hợp với một số chi thể khác, thì cũng liên kết với mọi chi thể.

Tự vấn lương tâm

Có bao giờ đặt vấn đề thống nhất đời sống của ta không? Ta biết rằng: một bản vị bạc nhược sẽ không thống nhất nổi tâm lý của mình nữa, nhưng ta có cho rằng: một bản vị không kém bạc nhược khi không có nguyên lý để tổng hợp đời mình không? Tại sao đời sống của ta hời hợt, đạo đức của ta nông cạn? Có phải vì ta hành động theo hứng, sống trôi theo hoàn cảnh không? Ta có bền bỉ theo đuổi công việc của ta không? Hay ta thích cái gì thì làm cái đó, và sự nhiệt thành của ta chẳng được bền là bao? Ta có dễ xu thời, thấy gì mới lạ, có nhiều người làm, là ta làm theo không? Ta có hay thay đổi trong ý muốn của ta không?

Ta có hay nhớ lại mục đích của đời sống linh mục của ta không? Ta có biết rằng: mục đích ấy khác mục đích của người giáo dân không? Ta có biết rằng: sự thánh thiện của linh mục ở tại sự biết hy sinh để lo phần rỗi các linh hồn không? Mỗi ngày tôi có nhớ lại mục đích của đời tôi không?

Trước mỗi hành động, tôi có hồi tâm lại, để xem làm việc ấy có giúp tôi đạt đến mục đích đời tôi không? Tôi có thể nói rằng: đời tôi chỉ có một hướng đi và một mục đích không? Nếu có, tôi có thể nói được rằng: tôi noi gương Chúa Kitô, làm theo thánh ý của Thiên Chúa không?

Trong thực hành, tôi vâng theo thánh ý Thiên Chúa như thế nào? Nếu tôi không vâng theo ý muốn của Giáo Hội, thì tôi có thể nói được rằng: mình đã vâng theo thánh ý Thiên Chúa không? Ý muốn của Giáo Hội được tiêu biểu bởi ý muốn của hàng Giáo phẩm có thẩm quyền nơi tôi, tôi đã có thái độ nào đối với các ngài? Tôi có trọng kính các ngài không? Tôi có chỉ trích, nói hành vô trách nhiệm về các ngài không? Tôi có làm theo chỉ thị của các ngài không? Tôi có cộng tác với các ngài một cách chân thành không?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nhìn nhận và thi hành thánh ý của Chúa trong ý muốn của bề trên con. Cũng như Chúa, con đến để làm theo ý Đức Chúa Cha.

 

11. Khiêm nhường và vâng lời (số 15)




Mỗi nghề nghiệp đòi hỏi một số đức tính riêng: người lính phải can đảm, người thợ phải có lương tâm nghề nghiệp, bác sĩ phải tận tâm phục vụ bất nhân, sứ mạng linh mục cũng đòi hỏi một vài đức tính đặc biệt: theo sắc lệnh về linh mục thì đó là đức khiêm nhường và đức vâng lời.

I. Tại sao linh mục phải khiêm nhường và vâng lời?

Vì linh mục hành động không cho chính mình, nhưng như người thừa hành của Chúa Kitô. Linh mục đại diện Chúa Kitô để làm công việc của Người: người đại diện không được làm theo sở thích mình, nhưng phải làm theo ý người uỷ nhiệm mình. Do đó điều kiện người đại diện cần phải có là sẵn sàng làm theo thánh ý của Đấng đã sai mình đến (Ga 4,34).

Mặt khác, công việc Chúa gọi linh mục làm không phải là việc trần gian, nhưng là dạy chân lý siêu nhiên, ban ân sủng và nuôi dưỡng sức sống thần linh cho người ta. Vì thế, công việc áy vượt hẳn sức lực và khôn ngoan của linh mục. Để cho ta hiểu, trong công việc của mình, linh mục có phần hoạt động như thế nào. Thánh Tôma phải dùng đến hình ảnh một dụng cụ. Người thợ mộc dùng cái cưa để cưa gỗ, người thợ cày dùng cái cày để cày đất. Cái cưa, cái cày là dụng cụ. Không phải cái cưa hay cái cày cưa gỗ hay cày đất; tự chúng, chúng chả làm gì được, phải có người thợ cưa và thợ cày sử dụng chúng như dụng cụ thì chúng mời hoạt động được. Vì thế tuy chúng có tham dự vào việc cưa gỗ, cày đất mà người ta vẫn chỉ bảo rằng người thợ cưa cưa gỗ và người thợ cày cày đất, chứ không bảo cái cưa này cưa gỗ, cái cày kia cày đất. Tất cả hoạt động của cái cưa và cái cày là cống hiến cho người sử dụng chúng sức bén nhọn của chúng, chúng càng bén nhọn, càng dễ sử dụng, thì người sử dụng chúng càng làm được nhiều công việc. Linh mục trong tay Chúa Kitô cũng chỉ là một dụng cụ. Ta không rửa linh hồn người ta cho khỏi tội, ta không ban đời sống siêu nhiên được cho ai, nhưng Chúa dùng ta để rửa tội và ban đời sống siêu nhiên cho người ta; thực ra Chúa chứ không phải ta rửa tội hay tha tội, nhưng Chúa không rửa tội không có ta, không tha tội không có ta... Ta là dụng của của Người. Nhưng cái cưa, cái cày là dụng cụ vô linh tính, còn ta là người có lý trí và tự do, nên khi dùng ta làm dụng cụ, Chúa cũng vẫn dùng theo bản tính của ta. Vì thế, ta phải đem hết lý trí và tự do hoạt động để cống hiến tất cả dễ dãi sử dụng cho Chúa. Nói khác đi, linh mục phải nhận biết sự yếu hèn của mình, địa vị là dụng cụ của mình, phải khiêm nhường trong lúc làm việc và phải tìm kiếm ý Chúa, để vâng theo một cách cung kính. Sự kití này cũng phải khiêm nhường, nghĩa là đừng tìm kiếm những ơn lạ lùng, những soi sáng lẫy lừng, nhưng tìm kiếm vâng theo ý Chúa ngay trong công việc thường ngày, cố đem đời sống hằng ngày mà làm ích cho các linh hồn của Chúa đã trao phó cho ta. Chỉ có trung tín trong những biến cố muôn mặt của đời sống hằng ngày mới chứng tỏ ta thành khẩn làm theo thánh ý Thiên Chúa.

II. Khiêm nhường và vâng lời thế nào?

Linh mục không những là đại diện cho Chúa Kitô, mà còn là đại diện cho Hội Thánh. Thừa tác vụ mà linh mục lãnh nhận là thừa tác vụ Chúa Kitô uỷ thác cho Hội Thánh để trao lại cho ta.

Vì thế công việc của linh mục không được coi như những hành động cá nhân, nhưng hành động cho đoàn thể, và cũng vì thế các hành động ấy phải hoàn thành trong thông hảo với tất cả mình mầu nhiệm. Như trong một thân thể, các chi thể không hành động riêng rẽ, nhưng hành động vì ích lợi chung của cả thân thể và hợp tác điều hoà với các chi thể khác. Trong nhiệm thể cũng vậy, mọi chức vụ đều phải hành động vì ích lợi của toàn thể và đều phải được điều hành cho ăn nhịp với hoạt động của các chức vụ khác. Suy đó thì ta hiểu khi thi hành thừa tác vụ của ta là một nhiệm vụ nhằm ích lợi chung của Hội Thánh, chứ không nhằm tư lợi bản thân, ta phải rèn luyện ý chí trong sự vâng lời bằng cách chấp nhận và thi hành trong tinh thần đức tin các mệnh lệnh và lời khuyên dạy của Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục và các bề trên có thẩm quyền trên ta. Sự vâng lời ấy thể hiện trong khi ta đón nhận các sứ mệnh ta được uỷ thác dù việc ấy khiêm tốn hay không bổng lộc, và ta đem hết tâm hồn vào sự thực hiện công việc ấy. Chỉ có phép mình trong kỷ luật như vậy, ta mới cộng tác hữu hiệu vào việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô; vì trong nhiệm thể ấy có nhiều chức vụ, và chức vụ nào cũng cần thiết, thiếu sẽ ngừng trệ mọi công việc.

Vâng lời như trên không những không làm giảm bớt ý chí của ta mà còn làm cho ý chí ấy nên trưởng thành nữa. Thực vậy, khi ta chỉ quan tâm đến ích lợi của Hội Thánh và khi ta chỉ hành động vì đức ái thì ta đã suy nghĩ và tìm ra những con đường mới để làm tròn bổn phận của mình mà ta nghĩ là hay ho, hiệu nghiệm, ta cũng sẽ không tự ý thi hành, nhưng ta sẽ trình bày một cách kính cẩn sáng kiến của ta cho các vị chịu trọng trách điều khiển Hội Thánh. Đã đành ta có thể thuyết phục bằng cách trình bày các nhu cầu hiện tại của đoàn chiên; nhưng bao giờ ta cũng phải sẵn sàng vâng theo quyết định của các ngài. Như vậy, ta vừa chứng tỏ rằng chỉ có lợi ích chung mới là động lực thúc đẩy ta hành động, vừa chứng tỏ rằng mình khắc phục nổi chính bản thân mình.

Khiêm nhường và vâng lời tự ý như trên, linh mục sẽ trở nên giống Chúa Kitô vì ngài nuôi dưỡng trong lòng những tâm tình của Chúa Kitô “là Đấng đã tự hạ nhận lấy hoàn cảnh tôi đòi... vâng lời đến chết” (Pl 2,7-9). Nhưng chính sự vâng lời ấy đã làm cho Chúa Kitô thắng được sự không vâng lời của Ađam và đem lại phần rỗi cho ta, như lời thánh Phaolô viết: “Như bỏi sự không valo của một người, đám đông đã trở nên tội lỗi, cũng thế, bởi sự vâng lời của một người, đám đông sẽ trở nên công chính” (Rm 5,19) vì thế để cứu thế gian, linh mục cũng cần phải có sự vâng lời ấy.

Tự vấn lương tâm

Tôi nghĩ gì về chức linh mục của tôi? Tôi có làm theo ý tưởng (représentation) của xã hội có về tôi không? Tôi có cho rằng mình là một người quyền thế cao trọng đời này không? Tôi có cho rằng mình biết hết mọi vấn đề và có thể giải quyến mọi vấn đề không? Tôi có nhận biết sự cao quý của chức vụ tôi là ở phạm vi thiêng liêng, cách đánh giá các giá trị khác hẳn trong phạm vi đời này không? Ở đời này, người quyền thế dùng uy lực mình có để bắt người ta hầu hạ, còn trong phạm vi siêu nhiên người có quyền phải dùng uy thế mình có mà phụng sự người khác không? Tôi có biết rằng tôi là một người đại diện phải trung thành làm việc Chúa Kitô đã uỷ thác cho tôi không? Tôi có biết rằng là dụng cụ của Chúa để phân phát ân sủng cho người ta, tôi phải ăn ở làm sao cho nên dụng cụ tốt không? Tôi có ý thức mỗi khi tôi thi hành bổn phận rằng uy quyền của Chúa làm cho việc của tôi có một kết quả siêu nhiên vượt khỏi tầm sức của tôi không? Hay tôi tự hào kiêu căng vì đó, và cho rằng mình ở trên hết mọi người? Tôi có ý thức rằng quyền ấy tôi được do ơn ban nhưng không của Thiên Chúa và để cứu rỗi người ta chứ không phải do công lênh của tôi và để cho riêng tôi thụ hưởng không?

Tôi có ý thức rằng chức vụ của tôi là một chức vụ trong Hội Thánh không? Vì có một chức vụ trong Hội Thánh, tôi có nhận thấy mình liên đới chặt chẽ với các chức vụ khác của nhiệm thể không? Trong công việc, tôi đã nhằm ích chung hay ích lợi riêng tư, tôi có hành động hoà hợp với hành động của người khác hay tôi cứng đầu làm theo ý riêng tôi? Tôi có nhìn vào ích lợi của cả Hội Thánh, của cả địa phận hay tôi chỉ nhìn kích lợi của một họ một xứ tôi. Tôi có xung khắc quyền lời với các cha sở xung quanh không? Nếu có, tôi có nhận thấy đó là dấu báo hiệu tôi chưa có tinh thần Hội Thánh?

 

12. Sống độc thân (số 16)


Trong Phúc Âm Thánh Matthêu (19,12) Chúa Kitô đã nói đến những ai được ơn thiên triệu cách riêng giữ đức khiết trinh vẹn toàn và mãi mãi, vì Nước Trời. Và từ ngàn xưa, cho đến ngày nay, không bao giờ là không có một số tín hữu đông đảo đã vui mừng chấp nhận đời sống độc thân, và sống đời sống ấy một cách xứng đáng. Riêng về linh mục, Giáo Hội bao giờ cũng tôn trọng việc giữ bậc độc thân.

I. Bậc độc thân với chức linh mục

Đã đành chức linh mục và đời sống độc thân không nhất thiết phải đi đôi với nhau và linh mục không có đời sống độc thân cũng không mất gì về bản tính của mình, là đại diện Chúa Kitô để cứu nhân loại. Vì thế, trong Giáo Hội sơ khai và trong Giáo Hội Đông phương ngày nay, kỷ luật về đời sống độc thân các linh mục đã được thích nghi một cách mềm dẻo. Tuy mềm dẻo, nhưng lý tưởng mà Giáo Hội theo đuổi, thì bao giờ cũng là làm cho hàng giáo sĩ tiến đến đời sống độc thân, theo như có thể được. Vì thế trong lúc ở Tây phương luật độc thân trở nên bó buộc cho hết mọi linh mục, thì ở Đông phương, luật đó chỉ bó buộc các Giám mục, còn linh mục, thì ai đã kết bạn trước khi chịu chức thánh, được giữ bạn mình, còn ai chịu chức thánh khi chưa kết bạn, thì phải giữ độc thân. Ở Tây phương nghiêm khắc hơn, nhưng ở Đông phương xu hướng cũng là đi đến độc thân, tuy luật lệ có phần rộng rãi hơn.

Nói như trên, không có nghĩa là linh mục giữ mình độc thân tự mình hoàn hảo hơn linh mục kết bạn. Công đồng nói đến độc thân như “dấu chỉ và như khích lệ cho lòng nhiệt thành tông đồ” và như “nguồn mạch đời sống siêu nhiên giữa thế gian”. Độc thân là dấu chỉ khích lệ lòng nhiệt thành tông đồ, vì người độc thân được thong dong đối với bổn phận gia đình cách dễ dàng hơn. Độc thân là nguồn mạch đời sống siêu nhiên vì người độc thân chân chính được giải thoát những trói buộc xác thịt, nên dễ nghĩ đến những sự siêu nhiên. Kinh Thánh cho rằng: người sống độc thân giống như các thiên thần và sống đời sống sau ngày thế mạt ngay tự bây giờ. Như vậy, Công đồng rất đề cao đời sống độc thân, nhưng chỉ coi đó như một điều kiện thuận lợi cho việc tông đồ và đời sống siêu nhiên mà thôi, chứ không phải là một điều kiện thiết yếu, hàng tư tế không thể không có được.

Do đó, tuy Công đồng mong muốn cho linh mục giữ độc thân, nhưng không ban bố một kỷ luật nghiêm khắc hơn kỷ luật vốn có trong Giáo Hội và công nhận rằng: trong các linh mục không độc thân thuộc Giáo Hội Đông phương cũng có những vị thánh thiện và nhiều công nghiệp. Công đồng không miệt thị những người này, trái lại ân cần khuyên nhủ họ trung thành với ơn thiên triệu của mình và hy sinh đời sống để chăn dắt đoàn chiên Chúa đã trao cho.

II. Những lý do của bậc độc thân linh mục

Sau khi đã định rõ vị trí đời sống độc thân với chức linh mục, Công đồng nhắc đến những lý do làm cho đời sống độc thân thích hợp với linh mục.

1. Trước hết, sứ mệnh của linh mục là gì? Là hiến thân hoàn toàn cho công cuộc sản xuất trên thế gian một nhân loại mới mà Chúa Kitô, vì thắng sự chết, đã sản xuất nhờ Thánh Linh của Người. Nhân loại mới này không có nguồn gốc ở máu mủ, ở ý muốn của thể xác hay ở ý muốn của người nam, nhưng ở Thiên Chúa (Ga 1,13). Nói khác đi, sứ mệnh của linh mục là dành cho những công việc thuộc phạm vi siêu nhiên, nên cũng giải thoát khỏi những ràng buộc của thể xác và trần gian, để tâm trí được thư thả mà chuyên lo về những việc thiêng liêng.

2. Thứ đến, linh mục đã quyết hiến thân cho Chúa Kitô một cách đặc biệt, khác với những giáo hữu thường. Tình trạng độc thân giúp ngài giữ được con tim nguyên vẹn. Thực vậy, như thánh Phaolô đã lưu ý, ai kết bạn, thì phải lo làm đẹp lòng bạn mình, người gánh vác gia đình thì phải lo làm trọn nhiệm vụ đối với gia đình, những nhiệm vụ ấy vừa nặng nề trói buộc, vì thế, một khi người ta đã lập gia đình, thì không còn có thể hiến thân hoàn toàn cho Chúa, để vì Người và trong Người, dốc hết toàn lực phụng sự Thiên Chúa và các linh hồn được.

3. Công đồng cũng nhắc đến linh mục là cha thiêng liêng các linh hồn. Nhờ rao giảng lời hằng sống và ban bí tích Rửa Tội, ngài sinh lại các linh hồn trong ân nghĩa thánh. Để hiến thân cho con cái thiêng liêng của mình, linh mục từ bỏ không còn sinh con cái tự nhiên nữa, đó là điều thích hợp. Người ta không có thể thi hành hoàn hảo một trật nhiều nhiệm vụ, nên đã nhận làm cha thiêng liêng, thì nên từ bỏ làm cha thể xác.

4. Công đồng còn nhắc đến công việc của linh mục, là đem người ta về Giáo Hội và làm cho họ trở nên như một trinh nữ không tì ố, để dâng cho hôn phu duy nhất là Chúa Kitô. Nếu trong Giáo Hội, mọi người phải nên như người trinh nữ không tì ố, linh mục liên hệ mật thiết với Giáo Hội hơn các tín hữu khác, nên các ngài có một đời sống khiết tịnh thì rất xứng đáng.

5. Sau hết, Công đồng nhắc đến đời sống của linh mục phải nên dấu chỉ về ngày cánh chung. Ngày cánh chung, con cái Thiên Chúa sau khi đã được sống lại, thì không còn lấy vợ lấy chồng nữa (Lc 20,35-36). Nếu linh mục sống tình trạng hoàn hảo của ngày cánh chung ngay từ dưới đất này, thì đó là một dấu chỉ ngày đó sẽ đến và đã bắt đầu thực hiện trong đời sống của linh mục rồi. Đời người tín hữu là gì, nếu không phải là cố gắng sống theo gương mẫu Đấng đã đạt được ngày cánh chung, nhờ sự chết và sự sống lại của mình. Hơn ai hết, linh mục phải sống theo gương mẫu đó.

III. Những phương tiện giúp đời sống độc thân

Như trên, ta thấy rõ lý do để linh mục giữ độc thân đều có nền tảng ở mầu nhiệm Chúa Kitô và sứ mệnh của Người. Đầu tiên Giáo Hội đã khuyến khích các linh mục giữ độc thân, và sau trong Giáo Hội Latinh, đã có luật buộc các người bước lên chức thánh phải giữ luật độc thân. Công đồng giữ vững luật này cho những người muốn chịu chức linh mục. Và làm như vậy, vì Công đồng luôn luôn tin tưởng ở Chúa Thánh Thần, hằng ban ơn đầy đủ cho những người bước lên bậc đó, nếu họ đã biết khiêm nhượng cầu xin ơn ấy. Còn các linh mục đã tin cậy ở ơn Chúa và đã tự ý chấp nhận bậc độc thân theo gương Chúa Kitô, thì Giáo Hội mong muốn các ngài quý mến bậc đó và cố gắng bền vững trong bậc đó. Muốn được như vậy, các ngài phải nhận biết đó là một ơn trọng Thiên Chúa đã ban cho mình, mà Chúa Kitô đã tán tưởng tỏ tường và phải luôn luôn suy niệm những mầu nhiệm trọng đại mà đời độc thân tiêu biểu và thực hiện.

Đã đành trong thế giới ngày nay, không thiếu người tuyên bố: người ta không có thể giữ mình độc thân được? Đó lại là một lý do để linh mục cầu xin bền bỉ và khiêm nhượng hơn, để được trung thành với lời đã hứa. Ngài cũng nên nhờ vào các phương tiện tự nhiên và siêu nhiên, mà ngài có trong tay để giúp mình. Những quy luật mà nhờ kinh nghiệm Giáo Hội đã đặt ra cho linh mục, và những quy luật của khoa tu đức, đều rất cần để linh mục ngày nay bảo tồn đức khiết trinh. Không phải chỉ các linh mục, nhưng mọi tín hữu đều phải quý trọng và cầu nguyện để linh mục của Chúa nêu cao đời sống trong trắng khiết tịnh.

Tự vấn lương tâm

Vời đời sống độc thân, tôi có thái độ nào? Miễn cưỡng hay quý mến? Trước những dư luận sai lầm rằng Giáo Hội sẽ tha luật độc thân cho linh mục, tôi có dễ tin, dễ nghe không? Tôi có mừng thầm không? Tôi có nghĩ rằng luật độc thân là một điều quá khắt khe không? Tôi có thận trọng bảo vệ đời sống độc thân không? Để yêu quý và thận trọng bảo vệ đời sống độc thân, tôi phải hiểu vì lý do nào tôi phải giữ độc thân, tôi có hay suy nghĩ đến những lý do ấy không?

Tôi có xác tín rằng: tuy độc thân không phải do đòi hỏi của chính bản tính chức linh mục, nhưng rất thích hợp với chức ấy không? Là người có sứ mạng giảng dạy người ta phải sống theo tinh thần và chân lý, chứ không phải theo dục vọng xác thịt, tôi có nghĩ rằng: tôi phải giữ độc thân để tiêu biểu con người có thể làm chủ được xác thịt mình không?

Tôi đã chịu chức thánh, nghĩa là tôi đã thánh hiến cho Chúa Kitô cách đặc biệt, tôi có nghĩ rằng: giữ độc thân để lòng tôi khỏi phân chia là điều hợp lý không? Tôi đã nhận trách nhiệm chăn giữ đoàn chiên của Chúa và lại là đại diện của Người với đoàn chiên, nên mục tử tốt như Người, sẵn sàng bỏ mạng sống vì con chiên, tôi có nghĩ rằng: đời sống độc thân mới cho phép tôi bỏ thời giờ và thong dong để làm trọn phân sự của tôi không?

Tôi phải rao giảng, nhưng nhất là phải sống đức tin của tôi, nghĩa là phải sống như kẻ sau này sẽ sống lại, tôi có xác tín rằng: đời sống độc thân tiêu biểu rõ ràng cho mọi người xác tín ấy không? Tôi có độc thân bề ngoài, mà lòng tôi đầy tham vọng xấu xa không?

Tôi có rèn luyện cảm xúc để tự chủ không? Tôi có tự chủ lấy giác quan không? Tôi có mê ăn uống không? Tôi có chiều theo xu hướng tự nhiên tiếp chuyện lâu giờ, để làm quen với phụ nữ không? Tôi có quá tốn thì giờ tiền của để săn sóc đoàn thể phụ nữ không? Tôi có quá liên lạc tông đồ với bà quản trẻ, với đội trưởng, đoàn trưởng nữ không? Tôi có phòng khách riêng với phòng ngủ và trống trải để tiếp khách không? Tôi có hay tiếp phụ nữ lâu giờ không? Tôi có tiếp phụ nữ những giờ khuya muộn không? Tôi có ở nhưng không? Những lúc rỗi rãi, tôi có học hành về các điều bổn phận phải biết không? Tôi có mất thì giờ đọc tiểu thuyết trong các báo không? Tôi có giữ con mắt trước những hình ảnh xấu xa ngày nay người ta phô bày khắp nơi không? Tôi có tránh những câu pha đùa, những lời hai ý không?

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương các kẻ đồng trinh, xin Mẹ bảo vệ hồn xác con.

 

13. Linh mục nghèo trong một Giáo Hội nghèo (số 17)


Trong các cuộc thanh lọc và hy sinh, thì sự từ bỏ tiện nghi và tiền của là điều rất cần thiết cho nền tu đức linh mục. Theo gương Chúa Kitô, Đấng không có nơi tựa đầu, linh mục chỉ có thể sống nghèo trong một Giáo Hội nghèo, Giáo Hội của người nghèo. Vì ngày nay hơn bao giờ hết, Giáo Hội muốn chứng tỏ sự thực là một Giáo Hội nghèo, Giáo Hội của người nghèo.

I. Giáo Hội của người nghèo

Trong bài diễn văn truyền thanh cho toàn thể người công giáo hoàn cầu, một tháng trước Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã tuyên bố: “Giáo Hội do bản chất và thực sự muốn là giao hợp cua mọi người và đặc biệt của người nghèo”. Đến lượt Công đồng nhắc nhở rằng: “Linh mục có nhiệm vụ đối với hết mọi người, nhưng đặc biệt phải chăm lo cho kẻ nghèo khó và yếu đuối” (Lc 4,18) mà chính Chúa Kitô đã coi là bạn hữu của Người, và lấy việc rao giảng Phúc Âm cho họ làm tiêu biểu cho sứ mạng cứu thế của Người (PO. 16,3). Các lời đó phản ảnh lời tiên tri Isaia (Is 58,6-61,1) mà Chúa Kitô đã nhắc lại trong hội quán thành Nadarét: “Ta được sai đi rao giảng Phúc Âm cho kẻ nghèo khó” (Lc 4,18). Vừa đây, trong cuộc triều yếu chung ngày 24 tháng 6 năm 1970, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh đến vấn đề đó đối với Giáo Hội ngày nay. Ngài nói lại cho chúng ta nhớ: sự nghèo khó là một đề tài quan trọng được nhắc nhở trong Phúc Âm. Trước hết trong bài giảng “tám mối phúc thật”: kẻ có tinh thần nghèo khó chẳng những được nêu lên hàng đầu, mà còn được ở bậc nhất trong Nước Trời. Nơi khác nói đến những kẻ khiêm tốn, bé nhỏ, đau khổ, thiếu thốn, đều là những người được quý yêu trong Nước Trời (Mt 18,3), là hiện thân sống động của Chúa Kitô (Mt 25,40). Và nhất là gương Chúa Kitô là bằng chứng quan trọng nhất về sự nghèo khó Phúc Âm.

Giáo Hội phải làm cho người thời nay nhìn thấy khía cạnh mầu nhiệm của Chúa cứu chuộc: Chúa Kitô đã thực hiện sự cứu chuộc qua sự nghèo khó và bách hại, vì thế Giáo Hội cũng được mời gọi đi vào đường lối đó, để thông ơn cứu rỗi cho mọi người. Chúa Giêsu Kitô ở địa vị Thiên Chúa đã tự hạ mình làm thân nô lệ (Pl 2,6). Vì chúng ta mà Đấng giàu sang đã trở nên nghèo hèn (2 Cr 8,9). Như thế Giáo Hội tuy cần những phương tiện loài người để hoàn tất sứ mạng, đã không được thiết lập để tìm vinh quang đời này, nhưng để rao giảng Chúa Kitô, và làm nổi bật sư khiêm nhường và hy sinh. Chúa Cha sai Chúa Kitô mang Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa những người đau khổ (Lc 4,18), tìm kiếm và cứu vớt kẻ hư đi (Lc 19,10), thì Giáo Hội cũng nên ôm ấp trong tình yêu của mình tất cả những ai đau khổ, yếu đuối; hơn nữa, trong những người nghèo khó và đau khổ, Giáo Hội nhìn ra hình ảnh của Đấng lập nên mình, nghèo khó, đau khổ và ra công xoa dịu sự đau khổ của họ, phục vụ chính Chúa Kitô trong họ (Lc 8,3-4). Giáo Hội là hiện thân của Chúa Kitô ở giữa chúng ta, muốn sống khó nghèo để theo gương Chúa mình, Giáo Hội yêu sự khó nghèo và yêu người khó nghèo. Nhưng Giáo Hội đây chính là dân Thiên Chúa, và đặc biệt là chúng ta, linh mục, là những kẻ được dự phần và thừa hưởng không phải của cải đời này, mà là Thiên Chúa (Nom. 18,20). Hơn ai hết, chúng ta có nhiệm vụ phải sống khó nghèo thực sự, yêu thương sự nghèo khó, phục vụ kẻ nghèo khó và có tinh thần nghèo khó.

II. Linh mục nghèo trong đời sống

Chúa Kitô đòi hỏi các môn đệ của Người phải nghèo khó thực sự, như chính Người đã làm gương cho: “đừng tích trữ của cải ở dưới đất” (Mt 6,19). “Hãy bán gia tài bố thí cho kẻ khó” (Lc 12,13). “Hãy bán hết gia tài và đến theo Ta” (Mt 19,20). “Đừng lo lắng đến sự sống mình” (Mt 6,25). “Con cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).

Bởi đó, Công đồng khuyên các linh mục hãy tự ý sống khó nghèo, để được giống Chúa Kitô và được tận tâm với chức vụ hơn. Chúa Giêsu, Đấng giàu có đã vì chúng ta trở nên khó nghèo, để chúng ta được giàu có bởi sự khó nghèo của Người (2 Cr 8,9). Các tông đồ cũng đã làm gương cho chúng ta biết, là đã chịu ơn nhưng không, thì cũng phải phân phát nhưng không (Cv 8,18-24), và các ngài đã nếm đủ mùi sung sướng cũng như bần cùng (Pl 14,12; PO 17,3).

Nguyên sự nghèo khó thực sự mà linh mục tiếp tục sống theo gương Chúa Kitô đã là một bài giảng hữu hiệu. Con người ngày nay dù ham mê chinh phục, chiếm giữ và tận hưởng của cải vật chất, cũng tỏ ra rất cảm phục trước sự nghèo khó Phúc Âm; họ cảm thấy mong ước và hầu như thấy cần phải được nhìn thấy sự nghèo khó trong đời sống của những kẻ có sứ mạng đặc biệt là truyền bá Phúc Âm. Trái lại, họ sẽ ngạc nhiên khi gặp thấy những linh mục chạy theo tiện nghi và tiền bạc. Chúng ta phải ý thức được đòi hỏi hợp lý của con người thời nay, buộc chúng ta phải nêu gương khó nghèo. Như vậy sự khó nghèo không những giúp cho linh mục sống cuộc đời giống Chúa Kitô và tận tâm với chức vụ, mà còn là một bằng chứng truyền giáo và một tấm gương hấp dẫn nữa.

Đó là điều mà Đức Piô XI đòi hỏi ở linh mục, khi ngài viết trong thông điệp về linh mục: “Giữa một thế giới chỉ nghĩ đến buôn và bán thì linh mục phải được thoát ly khỏi sự ích kỷ, phải khinh chê sự ham mê bần tiện, chăm chú tìm kiếm các linh hồn, chứ không phải là tiền bạc... linh mục không phải là người làm mướn để lấy công... không ai cấm linh mục nhận lãnh những gì xứng đáng để tiêu dùng, như lời thánh tông đồ nói: “Những kẻ giúp bàn thờ thì sống của bàn thờ; chính Chúa Kitô cũng truyền cho kẻ giảng Phúc Âm phải sống Phúc Âm” (1 Cr 9,4-14). Nhưng được mời gọi để thừa hưởng Thiên Chúa, các linh mục không mong ước gì khác ngoài phần thưởng Chúa đã hứa cho các tông đồ: “Phần thưởng của chúng con rất bội hậu trên trời” (Mt 5,12 - Ad cath. Sac. Fast...).

Là linh mục của Chúa Kitô, vì mến Chúa, vì muốn trung thành với giáo huấn của Chúa, và theo gương Chúa, tôi muốn sống khó nghèo, đơn sơ. Tất cả đồ dùng, nhà ở, ghế bàn, y phục, phương tiện di chuyển và làm việc của tôi, phải được đánh dấu sự khó nghèo, xứng hợp với người môn đệ Chúa Kitô.

III. Linh mục nghèo trong lòng

Đã nghèo trong đời sống, linh mục phải nghèo trong lòng, phải có tinh thần nghèo khó, đó là phúc thật thứ nhất của Phúc Âm. Chính sự bỏ lòng dính bén của cải đời này giải thoát linh mục. Nó giải thoát tâm hồn, để dễ tới Thiên Chúa, mà cũng được tận tâm với sứ mạng; chúng ta quá rõ, là sự dính bén của cải đời này làm tê liệt việc truyền giáo của chúng ta, sự ham lợi là một gương xấu cho giáo dân và lương dân, và là một căn nguyên làm hư hại tâm hồn linh mục. Tinh thần nghèo khó, và sự dứt bỏ lòng mê của cải, giữ gìn linh mục khỏi trở nên nô lệ cho người giàu và thần thế ở trần gian.

Lại sự bỏ lòng dính bén của cải giúp linh mục sống khó nghèo, vì tinh thần nghèo khó không thể hoàn toàn thành thật và đích thực, nếu không có một tối thiểu khó nghèo thực sự, khó nghèo đáp ứng với đòi hỏi của bậc mình và với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Và nếu chúng ta đã thực sự nghèo khó, thì sự dứt bỏ đó giúp chúng ta khỏi dính bén với một chút của cải chúng ta còn lại.

Đàng khác, gây dựng quỹ chung, theo gương Giáo Hội sơ khai (Cv 2,42-47) là điều rất được hoan nghênh và sẽ là phương tiện tốt nhất để mở đường cho bác ái mục vụ và giúp linh mục thực hiện tinh thần nghèo khó, mà Chúa Kitô đã khuyến khích (PO 17,3).

Sau hết, linh mục có tinh thần nghèo khó thì sẽ yêu sự nghèo khó, yêu thương và giúp đỡ kẻ nghèo. Đã hẳn chúng ta biết là linh mục có nhiệm vụ đối với mọi người, nhưng theo gương Thầy Chí Thánh, chúng ta phải yêu thương kẻ nghèo khó hơn. Nhưng có nhiều thứ nghèo khó: có kẻ nghèo vật chất, có kẻ nghèo thiêng liêng và những người đau khổ, những kẻ thế gian bỏ rơi, những kẻ hằng lắng tai nghe mà chăng ai nghe họ... chúng ta phải thương yêu và kính trọng tất cả những kẻ ấy. Chúng ta phải tránh tất cả những gì có thể làm cho họ xa cách chúng ta; nhà cửa chúng ta phải đơn sơ, để mọi người lui tới được (PO 17,4).

Lạy Chúa, con đã nghèo trong đời sống, nghèo trong lòng, xin Chúa ban cho con mỗi ngày được nghèo khó hơn, để được thoát ly với mọi lo âu hèn mọn, được tự do đối với của cải đời này: “sử dụng chúng, như không sử dụng vậy” (1 Cr 7,31), được yên lòng nghe theo lời Chúa và tận tâm rao giảng Nước Chúa cho người đời nay. Xin Chúa ban cho con biết yêu thương người nghèo khó và sự nghèo khó, biết nhìn thấy hình ảnh Chúa trong những kẻ thiếu thốn, đau khổ. Xin cho con iếty lo âu đến cả những kẻ nghèo khó ngoài họ đạo của con, ngoài quê hương của con, cho đến tận cùng thế giới, tới tất cả những kẻ thiếu thốn phần xác và phần hồn. Amen.

Tự vấn lương tâm

1. Tôi có nhìn nhận rằng: tất cả mọi tạo vật đều là ơn huệ của Thiên Chúa, tôi phải tỏ lòng biết ơn và phải sử dụng chúng theo thánh ý Chúa không?

2. Tôi có được thoát ly đủ với mọi lo âu hèn hạ, để dễ nghe lời Chúa hằng phán dạy qua đời sống hằng ngày của tôi không?

3. Tôi có dùng của đời này vào những việc hợp pháp không?

4. Cách riêng đối với tài sản Giáo Hội, tôi có quản trị chúng theo bản chất của chúng và luật lệ Giáo Hội không?

5. Để quản trị tài sản Giáo Hội, tôi có dùng những giáo dân đủ tư cách không?

6. Tôi có luôn luôn dùng tài sản Giáo Hội theo bản chất của chúng, là tổ chức phụng tự, bảo đảm đời sống xứng đáng cho giáo sĩ, giúp các công cuộc tông đồ và bác ái, đặc biệt đối với người nghèo không?

7. Còn về những của tôi nhận được khi thi hành chức vụ trong Giáo Hội, sau khi đã bảo đảm một đời sống xứng đáng và chu toàn nhiệm vụ, tôi có sẵn lòng dùng phần còn lại để giúp Giáo Hội hay các công cuộc từ thiện, vì biết rằng: chức vụ trong Giáo Hội không được trở nên một hoạt động trục lợi và bổng lộc bởi đó mà ra không được dùng để tăng cường tài sản của cá nhân linh mục không?

8. Tôi có làm hết sức để tránh tất cả những gì có vẻ trục lợi, buôn bán, hào nhoáng trong đồ dùng, tất cả những gì có thể làm cho người nghèo xa cách tôi không?

9. Tôi có phản ứng gì trước sự mời gọi “lựa chọn đời sống khó nghèo để nên giống Chúa Kitô, tận tâm với chức vụ”, và trước “cuộc sống chung, gây dựng quỹ tương tế”, để thực hiện bác ái mục vụ và tinh thần nghèo khó như Chúa Kitô đã khuyến khích?
 
 

14. Những phương tiện phát triển đời sống tinh thần (số 18, 19)


Để kết hợp với Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh của đời mình, ngoài việc thi hành nhiệm vụ một cách tận tuỵ, linh mục còn một số phương tiện mà Giáo Hội khuyến khích hay bó buộc phải sử dụng. Sắc lệnh về đời sống linh mục đã nhắc đến một vài phương tiện sau đây.

1. Phương tiện để thánh hoá bản thân

Trước hết, phải nói đến hai phương tiện mà mọi Kitô hữu tấn tới trong đường thiêng liêng đều phải chuyên cần, đó là việc đọc Kinh Thánh và dự thánh lễ Misa. Nếu đối với tín hữu, hai việc trên cần, ai cũng nhận biết điều ấy còn cần cho linh mục hơn nữa.

Ngoài hai việc trên, phải nói đến việc xưng tội. Nhưng để việc xưng tội đem lại kết quả tốt đẹp, trước hết phải chuyên cần xét mình hằng ngày. Nhờ có xét mình hằng ngày, ta sẽ nhìn thấy các tính mê, nết xấu và khuyết điểm của mình để mà hối cải và sửa chữa. Ta cũng nhờ xét mình hằng ngày mà biết rõ trong mọi hoàn cảnh, ta có luôn đón nhận các ơn của Chúa Thánh Thần hay không? Chỉ có trung thành xét mình hằng ngày và luôn xưng tội mới giúp linh mục hoàn thành mỗi ngày một chu đáo hơn sứ mệnh mình đã được Chúa Thánh Thần giao phó.

Để luôn sẵn sàng hy sinh, làm theo thánh ý Chúa, trong việc cứu giúp các linh hồn, linh mục còn có gương sáng Đức Mẹ cần học biết và noi theo. Với lời “fiat”, Người đã hoàn toàn dâng hiến đời mình và sẵn lòng chịu mọi đắng cay để cộng tác vào chương trình cứu thế của Thiên Chúa. Chính vì thế mà Người đã được tước hiệu là Mẹ Đấng thượng tế đời đời và là Nữ Vương các tông đồ.

Mặt khác, linh mục là người của bàn thờ, nên phải năng lui tới thăm viếng Mình Thánh. Linh mục phải xác tín rằng: nhà tạm là nơi mình phải chạy đến mỗi khi cần đến sự soi sáng, sức mạnh và sự yên ủi cho đời sống mục tử của mình.

Xưa kia, ở nhiều xứ truyền giáo, dân bản xứ đã gọi các linh mục là người cầu nguyện. Giáo Hội cũng đã uỷ thác cho linh mục cầu nguyện thay cho mình. Vì thế linh mục phải nghiên cứu những hình thức nguyện ngắm thích hợp với mình để kết hợp với Chúa và cầu nguyện theo những công thức Giáo Hội truyền hay tự mình lựa chọn. Thiếu nguyện ngắm và cầu nguyện, ta sẽ không thể kết hợp với Thiên Chúa được.

Sau hết, linh mục cũng phải lấy làm quan hệ việc cấm phòng hàng tháng và mỗi năm để ra ít ngày mà tĩnh tâm cho sốt sắng.

2. Phương tiện để phát triển trí thức

Trong lễ nghi phong chức, Đức Giám mục đã nhắn nhủ các tân linh mục phải có một “kiến thức già giặn” để lời giảng dạy của mình trở nên “phương dược thiêng liêng cho các linh hồn”. Kiến thức ở đây đã rõ không phải là sự hiểu biết trần tục, nhưng là sự hiểu biết thánh, thánh ở nguồn gốc và ở mục đích. Sự hiểu biết ấy phải bắt nguồn từ sự thông hiểu Kinh Thánh và được nuôi dưỡng bằng sự nghiên cứu tư tưởng các giáo phụ, các tiến sĩ trong Giáo Hội và các nguồn Thánh truyền khác. Để có thể giải đáp các vấn nạn của người thời nay, linh mục cũng phải hiểu biết các tài liệu của Giáo Hội về các vấn đề ấy như các văn kiện Đại Công đồng Vatican II, các thông điệp và sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng và Toà Thánh. Sau hết, các linh mục còn phải theo dõi sự tiến triển của thần học và mục vụ để hiểu biết cách giải thích các vấn đề của thời đại do các nhà thần học tiếng tăm.
Muốn được như trên, linh mục phải sốt sắng tham dự một cách tích cực những buổi hội thảo, những lớp nghiên cứu mục vụ và những khoá tu nghiệp mà bề trên đã tổ chức ở cấp địa phận hay liên địa phận.

Riêng các linh mục đã ra làm việc được bốn năm năm nên có một thời gian khá lâu để kiện toàn kiến thức thần học, mục vụ, để hâm nóng lại đời sống thiêng liêng và để trao đổi kiến thức với anh em khác trong hàng linh mục.

Sau hết, các linh mục được gọi làm cha sở, làm tuyên uý một phong trào chuyên biệt hay được gọi đi giảng đạo trong một nơi xa lạ hay một quốc gia khác cũng phải có một thời gian chuẩn bị và học hỏi như trên.

Ngoài ra để đối thoại hữu hiệu với hết mọi người của thời đại, linh mục cũng cần phải trau dồi văn hoá nhân loại một cách liên tục, vì các khoa học đời, cũng như khoa học thánh, luôn luôn đổi mới không ngừng.

Lạy Chúa Giêsu là Ngôi Hai xuống thế làm người, Chúa đã sống trong thinh lặng ba mươi năm trường trước khi ra giảng đạo để cầu nguyện, suy nghĩ và học hỏi, xin cho con biết như Chúa, mến yêu cầu nguyện, suy nghĩ và học hỏi trong đời tông đồ của con.

Tự vấn lương tâm

Từ khi rời Đại chủng viện, tôi có còn đọc Kinh Thánh mỗi ngày ít phút không? Nếu tôi còn đọc, tôi đã đọc thế nào? Buồn chán, cho có lệ, hay cung kính vì là lời Chúa và ý tứ để đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Tôi cử hành lễ Misa hằng ngày trong tình trạng nào? Vì nguội lạnh, thói quen, để hưởng bổng lễ, hay vì ý thức trách nhiệm mình là đầu dân Chúa ở họ đạo phải quy tụ tín hữu mà thờ phượng Thiên Chúa. Tôi có dọn mình làm lễ cho sốt sắng không? Tôi có bỏ ra ít phút sau lễ mà cám ơn Chúa không?

Tôi có xưng tội luôn không? Mỗi lần xưng tội của tôi có phải là một lần “trở lại” với Chúa không? Tôi có xét mình cho nghiêm chỉnh và thống hối cho thành thật không?

Tôi có lòng kính mến Đức Mẹ không? Tôi có nhớ luôn cầu khẩn Người những khi bị cám dỗ và khi ngã lòng không? Tôi có giữ lần chuỗi Môi Khôi mỗi ngày không?

Mỗi ngày, tôi có quỳ ít phút trước nhà tạm để cùng Chúa, xét mình và suy nghĩ về bổn phận mục tử của tôi không? Những lúc hiu quạnh buồn phiền, tôi có chạy đến nhà tạm để xin nâng đỡ và yên ủi không? Nhà tạm có là một trong những nguồn hạnh phúc của đời sống linh mục của tôi không?

Mỗi ngày tôi có nguyện gẫm ít phút không? Tôi có quan tâm nghiên cứu các biện pháp nguyện gẫm không? Tôi có theo phương pháp nào không? Hay tôi chỉ mơ màng chia trí cho hết giờ rồi thôi? Tôi đọc sách nguyện thế nào? Cẩn thận, giữ đúng các điều chỉ dẫn của chữ đỏ hay cẩu thả, cho lấy lệ? Tôi có ưa thích và cảm thấy cần phải cầu nguyện không?

Tôi có quan niệm thế nào về các “khoa học thánh”? Tôi có thấy rằng chức vụ tôi đòi hỏi tôi phải biết những khoa ấy hay không? Tự khi rời Đại chủng viện, tôi có để mỗi ngày ít giờ để đào sâu và theo dõi sự tiến triển của các khoa ấy không? Hay là tôi nghĩ: ở họ còn bận việc, làm gì có giờ, nhưng tôi lại có giờ cặm cụi học tiếng Anh hoặc một vài chứng chỉ văn khoa ở đại học. Tôi có mặc cảm thua kém anh em khi không có một vài chứng chỉ đại học đời, nhưng tôi có an tâm khi dốt nát về khoa học thánh không? Tôi có biết rằng: thầy thuốc dốt nghề có thể giết xác người ta, nhưng linh mục dốt nghề có thể giết linh hồn người ta không?

Tôi cũng cần có văn hoá đời, nhưng tôi có lo cho có kiến thức uyên bác hay tôi chỉ kiếm có mảnh bằng và sau đó, dốt vẫn hoàn dốt không?

Đối với các khoá hội thảo, các tuần học hỏi, tôi đã có một thái độ nào? Tích cực hay tiêu cực? Tôi có tìm đọc những sách báo có giá trị về thần học và văn hoá, hay chỉ đọc những sách báo nhăng nhít mất thì giờ?

Trước khi lãnh nhận một nhiệm vụ mới, tôi có suy nghĩ, cân nhắc, học hỏi về khả năng của tôi và những bổn phận đòi hỏi của nhiệm vụ mới không?

Lạy Đức Mẹ, Mẹ đã sống bên Chúa và ghi nhận lời Người mà suy niệm trong lòng, xin cho con được sống bên Chúa như Mẹ, và ghi nhận một cách cung kính lời Người để mà suy niệm trong lòng. Chỉ có lời Chúa mới thánh hoá con và mới làm cho việc tông đồ của con có kết quả thực sự.

 

15. Hy vọng sâu xa của linh mục (số 22)


Xã hội biến đổi, con người tiến triển, Giáo Hội cũng phải qua những cuộc bể dâu nơi trần thế. Là linh mục, chúng ta cũng không tránh khỏi những khó khăn gây nên bởi đời sống hiện tại. Những khó khăn ấy có nhiều yếu tố như tình trạng kinh tế, xã hội biến đổi, phong tục nên khác, do đó mà cách phán đoán về các giá trị cũng đổi thay. Thí dụ cụ thể là khối dân di cư, họ xưa là những người quê mùa, sống trong luỹ tre xanh, ngoan đạo và vâng phục các linh mục, nhưng nay họ đã thay đổi, từ quần áo đến cách ăn ở và lòng đạo. Những vị linh mục đã từng coi sóc họ ở Bắc ngày nay hiểu rõ hơn ai hết lớp người trẻ của họ thay đổi sâu xa như thế nào. Với lớp người trẻ ấy, nhiều lúc các ngài cảm thấy như quá xa lạ, quá khác mình, từ lời nói, cách ăn mặc đến cách đi đứng. Và nếu các ngài quan tâm đến việc tông đồ lớp người này, các ngài sinh ra lo lắng không biết phải nói cách nào, xử sự thế nào để cho lớp người ấy hiểu mình và nghe mình. Sự cố gắng của các ngài không đem lại kết quả như trước nữa, đức tin sút kém, người ta xem ra chỉ nghĩ đến vật chất, phong hoá phóng khoáng hơn xưa, người ta không còn kính trọng vâng phục tuyệt đối các linh mục nữa... những đổi thay ấy có thể làm cho các ngài trở nên thất vọng, hay ít nữa là bi quan.

Nhưng có nên bi quan, thất vọng hay không? Cảnh bên ngoài ấy đã dành đặt cho ta nhiều vấn đề phải giải quyết và nhiều cố gắng thích nghi. Nhưng ta phải luôn luôn vững lòng tin vì rằng thế giới ngày nay cũng như thế giới hôm qua đều đã được Thiên Chúa yêu mến và đã ban Con Một Người xuống chịu nạn chịu chết để chuộc lấy họ. Thế giới ở thời đại nào cũng mang nặng hậu quả của tội lỗi thời đại mình, nhưng cũng mang nặng các hứa hẹn phong phú về khả năng của thời đại ấy, vì thế nhân loại ngày nay cũng vẫn có thể quy tụ về Giáo Hội để làm nên một dân tộc thờ kính Thiên Chúa. Vả lại, Giáo Hội phải thích nghi đổi mới, nhưng Chúa Thánh Thần hằng ngự giữa Giáo Hội sẽ là Đấng soi lòng, hướng dẫn để Giáo Hội khám phá ra những con đường mới thích hợp với nhân loại ngày nay để chinh phục họ về với Thiên Chúa. Nếu ta tin ở trí khôn ngoan vô bờ bến của Chúa Thánh Thần, thì không bao giờ ta sẽ thất vọng.

Mặt khác, linh mục không bao giờ phải hành động đơn độc. Chúa Kitô đã mời gọi linh mục tham dự vào chức tư tế của Người, vì thế Chúa hằng theo dõi để giúp đỡ linh mục trong mọi hoạt động của mình. Nếu linh mục biết cầu nguyện thì đức ái trong họ sẽ không bao giờ tàn lụn, và vì thế họ sẽ luôn luôn tin cậy, hăng say trong phận sự.

Các linh mục, dù làm việc ở nơi hẻo lánh, xa xôi đến đâu, cũng phải nhớ rằng mình không có một mình, nhưng còn có các linh mục khác và toàn thể giáo dân trong thế giới là bạn đường của mình, cùng theo đuổi một chí hướng và đều hoạt động để xây dựng Giáo Hội. Để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô cho đến tầm vóc trưởng thành thì cần phải có sự tiếp tay của nhiều thế hệ ở những phận sự khác nhau từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Sự trưởng thành nói trên là một mầu nhiệm “giấu kín với Chúa Kitô trong Thiên Chúa” (cf. Cl 3,3) vì thế chỉ có đức tin mới đảm bảo được cho ta mà thôi. Nhưng là những người hướng lộ của dân Thiên Chúa, các linh mục phải noi gương tổ phụ Abraham “vì đức tin mà vâng theo tiếng gọi trẩy đến một xứ sẽ ban cho mình làm gia tài và trẩy đi tuy chưa biết mình phải đi đâu” (Dt 11,8). Đó là điều kiện Thiên Chúa đòi ở chúng ta để thử thách sự trung thành của chúng ta. Làm việc mà trông thấy kết quả mình làm là việc thường tình, ai cũng có thể ham mê làm việc trong điều kiện ấy. Nhưng làm việc như vậy sẽ không còn phải hoàn toàn vì vâng lời và phó thác nữa. Trái lại làm một việc chỉ vì có lệnh phải làm và mình không nhìn biết kết quả sau này ra sao mới là vâng lời và phó thác tuyệt đối. Và đó là điều kiện Chúa đòi ở những người Chúa đặt lên để phân phát các mầu nhiệm của Người. Thánh Marcô đã ví vị linh mục như người gieo giống “dù họ ngủ hay họ thức, ban ngày hay ban đêm, thì hạt giống cũng cứ đâm mọng và mọc lên, họ chẳng biết tại sao” (4,27). Lời linh mục rao giảng, bí tích linh mục cửa hành, đời tông đồ hy sinh của linh mục sẽ như men làm dậy bột lúc mà thánh ý Chúa muốn, nhưng linh mục không đoán biết trước được. Vả lại, nếu Chúa đã phán với các môn đệ: “Hãy can đảm, Ta đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Không bao giờ Chúa hứa với Giáo Hội rằng ở trần thế này, Giáo Hội sẽ đạt được một chiến thắng hoàn toàn và chiến thắng ấy chỉ đến trong ngày phục lâm.

Dẫu sao, ngay từ bây giờ, tâm hồn linh mục cũng phải vui mừng, vì trái đất được gieo mầm Phúc Âm, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã đem lại kết quả ở nhiều nơi và vì trong Giáo Hội vẫn đang xuất hiện nhiều linh mục và giáo dân có một tinh thần truyền giáo rất nhiệt thành. Không những thế, linh mục còn phải luôn luôn chúc tụng, cám ơn Thiên Chúa “là Đấng có thể hoàn thành mọi sự quá điều chúng tôi nguyện xin và suy tưởng nhờ ở quyền phép Người đã đặt để hành động trong ta” (Ep 3,20).

Tự vấn lương tâm

Thái độ của ta về chức vụ của mình thế nào? Có siêu nhiên nghĩa là đầy lòng tin và khiêm nhượng không? Hay chỉ cậy ở sức mình? Trước một thế giới biến đổi rất nhanh, ta có quan tâm đến thích nghi với hoàn cảnh không? Hay ta cứ bo bo vào một mẫu đời sống của một thời đại, rồi lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc để phán đoán? Ta có chịu suy xét để phân biệt đức tin và những sự có thể đổi thay không. Ta có bảo thủ vì ươn lười không? Không ai chối cãi rằng Giáo Hội ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng, vai trò của linh mục hết sức khó khăn. Nhưng trước tình thế ấy ta có thái độ nào? Buông xuôi? Thất vọng? Hay khiêm nhường tin tưởng?

Ta có xác tín rằng phần rỗi nhân loại thuộc mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa không? Nghĩa là con đường Thiên Chúa đi khôn ngoan loài người không lường được, nên ta không thể ngã lòng ở thất bại nhất thời hay quá tin cậy ở những kết quả bề ngoài không?

Ta có một nhận định bác ái và tin tưởng ở người và biến cố của thời đại ta không? Ta có nghĩ rằng thời đại nào cũng có cái hay cái dở, và ơn cứu độ ở thời đại nào cũng vẫn có thể thấm nhuầm thế gian không? Ta có nghĩ rằng ta làm việc cô đơn, không ai hiểu, không ai quan tâm không? Ta có xác tín rằng ta chỉ là dụng cụ của Chúa Kitô và là thừa tác của Giáo Hội không? Hành động của ta có phải là một việc trong và cùng với Giáo Hội không? Ta có hành động chỉ nhờ cậy vào quyền năng Thiên Chúa. Ta có thất vọng khi thấy bề ngoài ta có vẻ không thành công không?

Lạy Chúa, Chúa là sức mạnh của con. Xin giúp đỡ con.

********************
Thành khẩn
Các bài viết của
- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ,
- Cha Giuse Thân Văn Tường
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết
Thời trước, được in RONÉO rải rác trong các tập TĨNH TÂM hàng tháng,
hoặc những cuốn sách Đạo đức, Tu đức, in Ronéo.


Nay kẻ hèn này muốn sưu tầm lại, để lưu giữ trên trang https://linhmucmen.com/
hầu có thể giúp ích cho những thế hệ mai sau lâu dài, kẻo mai một đi thì tiếc lắm.


Vậy, những ai còn giữ những cuốn Tĩnh Tâm đó, hoặc những sách đó,
có bài viết của

- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ
- Đức Cha GB. Bùi Tuần

- Cha Giuse Thân Văn Tường
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết

Xin giúp đánh máy lại, hoặc Photo, rồi gởi cho con (con sẽ đánh máy),
theo địa chỉ:
- Email: mennguyen296@gmail.com

Hết lòng cám ơn. Lm.Nguyễn Văn Mễn
-------------------------------------------

 

Tác giả: Lm Thân Văn Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây